February 25, 2016

Sai lầm của Trung Quốc

Rob Johnson

Trường Xuân dịch
Rob Johnson
Quản lý bằng cách neo tỉ giá hối đoái của Trung Quốc tiếp tục làm rung chuyển các thị trường tài chính toàn cầu. Sự không chắc chắn về việc phá giá đồng Nguyên đang đổ thêm dầu vào lửa trước những sợ hãi cho rằng vụ giảm phát sẽ quét qua các thị trường mới nổi và giáng một đòn nặng vào những nền kinh tế đã phát triển, nơi mà lãi suất bằng hoặc gần bằng không (và do đó không thể hạ thấp hơn được nữa nhằm chống lại vụ giảm phát từ ngoài đưa vào). Bế tắc về tài chính ở cả châu Âu và Mĩ đang làm mọi người thêm lo lắng.

Nhưng lo lắng hiện nay về tỉ giá hối đoái thực ra chỉ là triệu chứng của sự kiện là cuộc chuyển hóa của Trung Quốc từ chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang chiến lược tăng trưởng dựa vào tiêu dùng trong nước đang diễn ra chật vật hơn là người ta từng trông đợi.

Đối với một số người, ước mơ về những điều kì diệu của chủ nghĩa tư bản với đặc thù Trung Quốc vẫn không hề suy giảm. Họ tin rằng, sau hơn ba thập kỉ tăng trưởng được định hướng bởi nhà nước, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc biết những việc phải làm nhằm ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế của họ.

Sự thiếu thực tế của những người lạc quan cạnh tranh với những người ủng hộ lí thuyết kinh tế trọng cung (supply-siders) ,tức là những người sẵn sàng áp dụng liệu pháp sốc đối với khu vực nhà nước đang sụt giảm của Trung Quốc và hội nhập ngay lập tức thị trường vốn chưa phát triển của nước này vào hệ thống tài chính toàn cầu đầy biến động hiện nay. Đây là đơn thuốc cực kì nguy hiểm. Sức mạnh của thị trường để làm chuyển hóa Trung Quốc sẽ không được khởi động trong nền kinh tế trì trệ, những biện pháp như vậy sẽ làm cho giảm phát thêm trầm trọng và tạo ra tai họa.

Áp lực giảm giá liên tục lên đồng Nguyên phản ánh nỗi sợ hãi ngày càng gia tăng rằng những người hoạch định chính sách của Trung Quốc không có giải pháp chặt chẽ cho tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ đang đối mặt. Ví dụ, thả nổi đồng Nguyên là lựa chọn đầy nguy hiểm. Nói cho cùng, với nền kinh tế Trung Quốc, một nền kinh tế đang chuyển đổi toàn diện, ước tính tỉ giá hối đoái cân bằng trong dài hạn, giữ được đầu cơ hầu như là việc làm bất khả thi, nhất là khi đang có những nghi ngờ dai dẳng về chất lượng của các dữ liệu, về sự tiết lộ thông tin và quá trình hoạch định chính sách không rõ ràng.

Nhưng nếu tỉ giá hối đoái hiện nay neo vào rổ tiền tệ cũng không giữ được đồng Nguyên và ngăn chặn được đà mất giá của nó, hậu quả mà giảm phát gây ra cho nền kinh tế thế giới sẽ lớn hơn nhiều. Hơn nữa, họ sẽ phản ứng lại với lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, do đó làm giảm tác động kích cầu của đồng tiền đã bị suy yếu.

Chìa khóa dẫn tới ổn định tỉ giá nằm ở việc tạo ra chính sách phát triển được mọi người tin tưởng. Chỉ khi đó áp lực đối với đồng Nguyên và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mới giảm, vì các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, sẽ nhìn thấy rõ con đường đi lên.

Muốn thiết lập được niềm tin vào chính sách thì cần phải giảm bớt những biện pháp khuyến khích kinh tế vi mô rắc rối của bộ máy kiểm soát và bảo đảm của nhà nước. Đồng thời cần phải khôi phục tổng cầu bằng cách đặt mục tiêu vào chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ những lĩnh vực mới xuất hiện, tức là những lĩnh vực làm nền tảng cho mô hình tăng trưởng mới.

Nhưng, như vẫn thường xảy ra với Trung Quốc, chiến lược như thế chứa đầy mâu thuẫn. Ví dụ, giảm qui mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước là cần thiết, nhưng nhất định sẽ làm giảm tổng cầu ở giai đoạn khi nhu cầu đã yếu. Tương tự như thế, giảm hỗ trợ tài chính (thông qua những khoản vay do chính phủ chỉ đạo) cho các công ti sống không nổi mà chết cũng không xong sẽ giải phóng năng lực tài chính và tạo điều kiện cho các nguồn lực chuyển tới những lĩnh vực mới, tức là những lĩnh vực cung cấp dịch vụ và tạo việc làm ở đô thị; nhưng điều này lại sẽ làm trầm trọng thêm – chí ít nhất là ở giai đoạn đầu - giảm cầu trong hiện tại.

Cắt ngay khu vực nhà nước và kì vọng chuyển đổi qua việc thắt lưng buộc bụng không phải là con đường đi lên. Các nhà sử học chuyên về lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là Michael A. Bernstein trong nghiên cứu của ông về cuộc Đại suy thoái ở Mĩ đã chứng minh một cách thuyết phục rằng nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi đòi hỏi tổng cầu mạnh nhằm kéo nguồn lực vào những lĩnh vực mới. Nếu cả những khu vực kinh tế cũ và mới đều ở trong tình trạng khủng hoảng thì quá trình hình thành vốn sẽ rối loạn, đầu tư nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực sẽ giảm và quá trình điều chỉnh cơ cấu sẽ bị ngưng trệ. Tổng cầu mạnh luôn luôn là điều kiện cần để cho quá trình chuyển đổi diễn ra thành công.

Trở ngại lớn tương tự như thế đối với quá trình chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc - vấn đề mà tôi gần như không dám gọi đúng tên - là sự sùng bái của nhiều người đối với nền kinh tế thị trường lai ghép của Trung Quốc. Chỉ xin nói rằng, những biện pháp khuyến khích thị trường rắc rối hiện nay – ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước - đang cản trở quá trình chuyển đổi.

Đầu năm 2012, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng về phía sở hữu tư nhân, chỉ số chứng khoán (sub-index) trong khu vực tư nhân tốt hơn chỉ số chứng khoán (sub-index) của khu vực nhà nước trên cả hai sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông. Nhưng từ mùa xuân năm 2014, xu hướng này đã quay ngược lại, và chỉ số chứng khoán (sub-index) trong khu vực nhà nước tốt hơn chỉ số chứng khoán (sub-index) khu vực tư nhân. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và rủi ro vỡ nợ gia tăng, giá trị của các khoản bảo lãnh nhà nước gia tăng, làm cho đồng vốn đi ra khỏi khu vực tư nhân.

Hệ thống lai ghép này rõ ràng là trở ngại cho việc phân bổ tín dụng cho quá trình phát triển mang tính xúc tác, trong khi lại tạo ra và duy trì những nhóm lợi ích phản đối cải cách. Tình trạng chờ đợi này đặc biệt nguy hiểm vì sự chuyển hóa sâu rộng chắc chắn sẽ phụ thuộc vào nguồn tài chính từ thị trường trái phiếu chính phủ, quá trình này không thể hoạt động đúng khi sự không chắc chắn liên quan đến những khoản nợ tiềm tàng của chính phủ - tất cả những bảo đảm ngầm - được giải quyết.

Trung Quốc có đủ sức ổn định tỉ giá hối đoái - thông qua những cải cách đáng tin cậy, đặc biệt là những chính sách có thể chuyển các nguồn lực nhằm kích cầu trong nước và kéo các nguồn lực vào những lĩnh vực có giá trị cao vừa hình thành mới. Không thể thực hiện được những cải cách mà Trung Quốc cần trong giai đoạn suy thoái hoặc bằng cách hạ thấp đáng kể tỉ giá, tức là sẽ làm cho cả thế giới lâm vào tình trạng giảm phát - trong khi thực hiện nỗ lực chẳng đi đến đâu nhằm quay trở lại giai đoạn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đúng vào lúc ở phương Tây nhu cầu còn yếu, làm cho biện pháp này trở thành bất khả thi .

Rob Johnson là chủ tịch Viện tư duy kinh tế mới (Institute for New Economic Thinking), cộng tác viên cao cấp và giám đốc Dự án tài chính quốc tết của Viện Franklin và Eleanor Roosevelt (Franklin and Eleanor Roosevelt Institute).

Nguồn Dân Luận






1 comment: