February 25, 2016

PETER NAVARRO và GREG AUTRY - Chết dưới tay Trung Quốc (Kì 9)



Peter Navarro và Greg Autry

Chết dưới tay Trung Quốc


Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT
Chương 14

Chết dưới tay Trung Quốc ở Trung Quốc:
Thượng Hải hóa bộ gien ở vùng nóc nhà thế giới và các
câu chuyện trần tục khác


Dìm trong cống rãnh, rút móng tay, không cho ngủ, đốt bằng đầu thuốc lá và đánh đập
bằng roi điện – trên đây là một số phương thức tra tấn mà cảnh sát và quản giáo Trung
Quốc sử dụng để ép buộc nạn nhân nhận tội và đi vào khuôn phép, theo một kết quả điều
tra của Liên Hiệp Quốc.
- Theo nhật báo “The Guardian of London”

Vậy đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay đánh đập, tra tấn, bòn rút sức lao động đến tận
xương tủy, triệt sản, bỏ tù và giết chính công dân của họ và hàng triệu người Tây Tạng, Mông
Cổ và Uyghur theo cách nào? Ta hãy cùng đếm các phương thức đó trong chương này; và
thậm chí chỉ một lần đọc lướt về sự tàn bạo kiểu trung cổ của Bắc Kinh bạn hẳn sẽ thấy
thuyết phục rằng ở Trung Quốc vấn đề không nằm ở phía người dân Trung Quốc mà ở một
chính phủ thường xuyên hãm hại chính công dân của họ.


Không bỏ bé trai sơ sinh nào - trừ những bé bị vứt vào thùng rác

Dìm chết hoặc bỏ rơi bé gái sơ sinh là một tội ác nghiêm trọng
– Lời cảnh báo trên bức tường một bệnh viện ở làng Dai Bu, tỉnh Vân Nam.

Chỉ riêng số lượng nam thanh niên chưa vợ – còn được gọi là “cành cộc” ở Trung Quốc
đã bằng toàn bộ số lượng nam thanh niên ở Mỹ. Dù là ở quốc gia nào thì nam thanh niên
không có liên kết gia đình cũng thường báo hiệu rắc rối… Tỉ lệ tội phạm, nạn buôn bán
cô dâu, bạo lực tình dục, thậm chí cả tình trạng tỉ lệ tự tử của nữ đang và sẽ tiếp tục gia
tăng khi các thế hệ dân số mất cân bằng đang đến tuổi trưởng thành.
– Theo”The Economist”

Một sự thật đáng buồn là Trung Quốc vừa quá tải về mật độ dân số vừa có đông dân nhất
hành tinh. Tuy nhiên cách “giải quyết” vấn đề quá tải dân cư mà Trung Quốc theo đuổi -
chính sách “chỉ có một con” – lại đã gây ra nhiều vấn đề rắc rối hơn là giải quyết được sự
quá tải. Trên thực tế, trong lúc các quốc gia đang phát triển khác như Brazil, Ấn Độ và
Mexico kiểm soát dân số hiệu quả tốt hơn nhờ áp dụng những biện pháp có tính nhân văn
hơn, thì ở Trung Quốc việc chính phủ kiểm soát các quyền về sinh sản vẫn luôn là ý nghĩ
khiến ta ớn lạnh về sự cưỡng bức, ép triệt sản, nạo phá thai bắt buộc, và loại bỏ trẻ mới sinh.
Trọng tâm của chính sách ép buộc của Trung Quốc là áp dụng phạt tiền đối với trường
hợp có con thứ hai, một khoản phạt nặng gần như vượt quá thu nhập hàng năm của một gia
đình. Hàm ý của khoản phạt nặng nề này chính là việc đa số các cặp vợ chồng mang thai đứa
con thứ hai sẽ rơi vào khánh kiệt nếu họ quyết định sinh đứa con đó. Hệ quả là không có gì
ngạc nhiên khi số ca nạo phá thai ở Trung Quốc – gần 13 triệu ca một năm, lớn hơn tổng số
ca nạo phá thai của tất cả các nước khác gộp lại, và đây mới chỉ là con số ước tính dè dặt của
chính phủ.

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý rằng một cặp vợ chồng nếu có đủ tiền nộp phạt hoặc được xếp
vào trường hợp ngoại lệ thì rút cục vẫn không thể được sinh đứa con thứ hai. Các quan chức
địa phương quá hăng hái vì cơ hội thăng tiến của họ tùy thuộc vào mức độ chấp hành chính
sách một con, thế nên họ chính là những người đã dùng vũ lực để đàn áp phụ nữ có thai.

Ví dụ, tạp chí Time mô tả trường hợp 61 phụ nữ có thai bị tống vào các bệnh viện ở
Quảng Tây và ở đó họ bị tiêm thuốc kích thích ra thai. Hãng tin tiếng Arập Al Jeezera thuộc
trường phái thân Trung Quốc, cũng đã đưa một tin tương tự về cô Xiao Ai Ying, người bị ép
phá thai ở tháng thứ tám vì cô đã có con gái 10 tuổi. Và đài phát thanh Công cộng Quốc gia[1]
đã mô tả việc mục sư Thiên chúa giáo Liang Yage và vợ ông, cô Wei Linrong bị bắt buộc
đến bệnh viện mặc dù họ sẵn sàng chịu phạt để sinh con thứ hai. Khi cặp vợ chồng này từ
chối ký đơn đồng ý phá thai, các quan chức đã mạo chữ ký của họ và tiêm thuốc cho người
vợ đang có thai bảy tháng. Ngày hôm sau, cô Wei phải chịu đựng cơn co thắt dạ con kéo dài
16 tiếng trước khi sinh ra một bé trai đã chết, thi thể bé sau đó bị nhân viện bệnh viện ném
vào túi đựng rác bằng nhựa.

Cô Wei Linrong thì mất con trai, nhưng hầu hết các bé gái mới là nạn nhân của chính
sách một con của Trung Quốc. Thực tế phần lớn số thai nhi bị phá bỏ là các bé gái, rất nhiều
ca nạo phá thai là hậu quả của quyết định lựa chọn giới tính, và việc loại bỏ bé gái mới sinh
vẫn còn phổ biến và cần có những cuộc vận động cộng đồng để chống lại thực tế này. Vì
pháp luật Trung Quốc không cho phép các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi và những cặp đã có con
được nhận con nuôi, nên không có gì ngạc nhiên khi hàng ngàn bé gái Trung Quốc bị bỏ rơi
lại may mắn tìm thấy gia đình ở Mỹ, Úc và châu Âu – trong lúc hoạt động mua bán con nuôi
do chính phủ điều hành lại đem về nhiều ngoại tệ hơn.

Ít nhất là đối với nhà báo Joseph Farah, chính sách loại bỏ trẻ sơ sinh căn cứ theo giới
tính của Trung Quốc miêu tả "cuộc tàn sát khủng khiếp lớn nhất trong lịch sử nhân loại". Dù
bạn có đồng ý hay không thì vẫn có một sự thật tồn tại đó là việc loại bỏ thai nhi căn cứ theo
giới tính kiểu Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính đang gây bất ổn xã
hội. Trên thực tế, tại Trung Quốc ngày nay tỉ lệ sinh là 119 bé trai so với 100 bé gái trong khi
ở một số tỉnh tỷ lệ này còn lên đến 130 so với 100.

Ngày nay, hệ quả do tác động sai trái trong chính sách một con của Trung Quốc là hơn
100 triệu đàn ông Trung Quốc không tìm được vợ. Những “cành cụt” này, như người ta vẫn
gọi ở Trung Quốc, còn nhiều hơn tổng số đàn ông Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại hay nhiều
hơn toàn bộ số nam thanh niên của Mỹ.

Một hệ lụy không tránh khỏi là sự gia tăng đột biến về nạn mại dâm (và những hệ lụy của
nạn này), nô lệ tình dục và thậm chí là bắt cóc phụ nữ ở các nước khác. Trên thực tế, tờ
Washington Post đưa ra một con số là hơn 100.000 phụ nữ Bắc Triều Tiên bị mang vào
Trung Quốc làm nô lệ tình dục. Những gì xảy ra ở Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Trung
Quốc.

Ba tỉnh tự trị chờ đợi ngày tận thế

Chúng tôi đã bị lừa, sát hại, hãm hiếp, quấy phá, cưỡng đoạt, phản bội, chối bỏ, bán và
bị tra tấn trong thời gian quá dài!
-Kekenus Sidik, một người Uyghur biểu tình.

Triệt sản bắt buộc không chỉ giới hạn trong nhóm phụ nữ Trung Quốc tìm cách có con
thứ hai. Đó còn là một quy trình chuẩn theo nghĩa đen được áp dụng ở Tây Tạng, Nội Mông
và Đông Turkestan – đây là ba tỉnh được gọi đầy mỉa mai là “tự trị” của Trung Quốc. Dưới
đây là một bức tranh rộng hơn về việc thanh lọc sắc tộc.

Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng Tây Tạng, Nội Mông và Đông Turkestan trên danh nghĩa
đã thuộc quyền cai trị của Trung Quốc trong nhiều năm, trên thực tế những vùng này vẫn duy
trì những nền văn hóa riêng biệt đáng tự hào, và nói chung đã thực hiện cơ chế tự quản cho
đến khi những chiếc xe tăng Cộng sản lăn bánh tiến vào trong những năm 50. Trong suốt thời
gian này, Hồng Quân đã xua đuổi Đức Đạt Lai Lạt Ma khỏi Tây Tạng và Mao Trạch Đông
đã cùng Liên Xô chia tách Mông Cổ. Với sự trợ giúp của Stalin, Mao đã khéo léo đạo diễn
thành công vụ tai nạn đâm máy bay thủ tiêu các lãnh đạo chính trị của Đông Turkestan và
nhờ đó đã dễ dàng thay thế dàn lãnh đạo này bằng những con rối Trung Quốc.

Ngày nay, hơn 50 năm đã qua, cả ba vùng lãnh thổ từng một thời độc lập này vẫn đang
rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo và độc tài của đảng Cộng sản. Họ bị tổn thương vì chiến
dịch thanh lọc sắc tộc tàn nhẫn với mục đích thay thế người dân thuộc những nhóm tộc bản
địa bằng người Trung Quốc gốc Hán. Chiến dịch “Hán hóa” này hướng vào Tây Tạng, Nội
Mông và Đông Turkestan, bao gồm mọi việc từ việc cấy vào hàng triệu người tộc Hán và
nhổ đi (hoặc giết chết) người địa phương cho đến việc triệt sản phụ nữ hoặc pha loãng bộ gen
của họ thông qua chính sách phát động kết hôn với đàn ông Hán.

Ngày nay, việc thanh lọc sắc tộc thành công nhất là ở Nội Mông, nơi hơn 80% dân số giờ
là người Hán. Theo đảng Nhân dân Nội Mông, để đạt được tỉ lệ Hán hóa cao này, hơn một
phần tư triệu người Nội Mông đã bị sát hại trong khi 15 triệu người Trung Quốc được chuyển
vào Nội Mông khiến xóa nhòa nền văn hóa Nội Mông.

Về khu vực Đông Turkestan, nay gọi là tỉnh Tân Cương trên bản đồ Trung Quốc, Rebiya
Kadeer, một lãnh đạo người Uyghur, quê ở Tân Cương bị trục xuất sang Mỹ đã xác nhận với
Quốc hội Mỹ rằng có 240.000 người dân quê bà, hầu hết là phụ nữ bị người ta dùng vũ lực ép
phải rời quê. Nhiều người trong số họ bị ép kết hôn với đàn ông Hán để lai giống, trong khi
nhiều người khác bị sử dụng để làm các công việc nặng nhọc với giá rẻ mạt và làm gái mại
dâm. Thêm vào đó, mặc dù chính sách một con quy định các trường hợp ngoại lệ đối với
người dân tộc ít người nhưng hàng ngàn phự nữ Uyghur vẫn là đối tượng ”bị ép nạo phá thai,
triệt sản, và đặt vòng tránh thai”.

Lòng oán hận ở Tân Cương lên đến đỉnh điểm vào năm 2009 khi những hành vi, thái độ
chống đối căng thẳng ngày càng gia tăng dẫn đến đụng độ giữa người Uyghur và người Hán.
Trước sự việc đó, phản ứng cứng rắn vốn có của cảnh sát Trung Quốc là vây bắt và đánh đập
hàng trăm người chống đối – cùng lúc cảnh sát đã khiến hàng chục đàn ông Uyghur “biến
mất”. Một người dân Urumqi đã mô tả những biện pháp đàn áp tàn bạo với Tổ chức Giám sát
Nhân quyền:

Họ yêu cầu mọi người ra khỏi nhà. Phụ nữ và người có tuổi đứng sang một bên, tất cả
đàn ông từ 12 đến 45 tuổi đứng thành hàng úp mặt vào tường. Họ đánh bất kỳ người
đàn ông nào, kể cả những người già –ông hàng xóm 70 tuổi của chúng tôi đã bị đấm và
đá nhiều lần. Chúng tôi không thể làm gì để ngăn họ lại - họ không nghe chúng tôi.

Những gì mà Tây Tạng đã trải qua cũng không hề khả quan hơn ở Nội Mông hoặc Tân
Cương. Trên thực tế, việc xây mới tuyến đường sắt cao tốc từ các thành phố như Bắc Kinh,
Thành Đô, Quảng Châu và Thượng Hải đến Tây Tạng chỉ góp phần gia tăng dòng người Hán
dường như đang đổ xô bất tận về vùng Himalayas.

Ở Tây Tạng ngày nay, người Hán sở hữu hầu hết các cửa hiệu ở thủ đô Lhasa và gần như
chiếm phần lớn dân số của thủ đô này. Trong lúc đó, tiếng Tây Tạng được dạy như “ngoại
ngữ”, ngôn ngữ thứ yếu còn tiếng Quan Thoại mới là ngôn ngữ duy nhất được phép sử dụng
ở bậc trung học.

Vùng nông thôn Tây Tạng cũng nằm trong vòng phong tỏa Hán hóa tương tự. Trong một
số vùng, toàn bộ các làng được di đi nơi khác và sau đó bị ngập dưới nước bởi các con đê do
Trung Quốc xây dựng, trong khi những người du mục bị dồn vào các trại xây bằng bê tông
và gia cầm của họ thì bị sung công. Một người ở trại giải thích tình hình người dân của mình:
"Họ không có việc làm, không đất đai. Cách duy nhất họ có thể kiếm cái gì bỏ vào bụng là ăn
cắp".

Và đây là phiên bản tiếng Tây Tạng của tình huống luẩn quẩn Catch-22[2]: Một số nông
dân địa phương rơi vào cảnh phải cho người Hán thuê đất của họ để lấy tiền thanh toán các
khoản vay mua nhà mới phát sinh do chính sách của chính phủ buộc họ phải chuyển đến chỗ
ở mới và phải mua nhà mới. Dĩ nhiên, các ngân hàng Trung Quốc thực hiện các thỏa thuận
cho thuê đất này.

Các lý do trên và nhiều lý do khác nữa khiến nỗi uất hận chất chứa của người Tây Tạng
từ nhiều năm trước trước đã bùng lên khi đám người nổi loạn ném đá vào cảnh sát, tấn công
người Hán đang đi xe đạp và taxi, và đốt cháy các cơ sở kinh doanh của người Hán. Không
ngoài dự đoán, những người nổi loạn đã bị trấn áp một cách tàn bạo - trong khi hàng trăm vị
sư sãi, những người khởi xướng phong trào chống đối bằng cách biểu tình hòa bình, cũng bị
vây ráp và đánh đập.

Cùng lúc đó, để che dấu hành vi đàn áp, Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các phóng
viên đến Tây Tạng. Hơn thế nữa, bất cứ khách tham quan nước ngoài nào muốn đến đều phải
có giấy phép đặc biệt, và trong những năm gần đây những giấp phép này cũng bị cấm hoàn
toàn khi gần đến dịp kỷ niệm những cuộc biểu tình. Những ai lén vào được thì lấy làm kinh
khiếp, như nhà làm phim người Anh, Jezza Neumann cảm thấy khi đang làm cuốn phim tài
liệu Bí mật đến Tây Tạng. Phóng viên này nhận xét, “Tôi không thấy ai đã bị bắt mà lại thoát
khỏi bị tra tấn".

Những nhà làm phim cũng lan truyền các báo cáo về việc người Trung Quốc đã tràn vào
Tây Tạng đi cùng với những xe triệt sản lưu động và họ đang dùng vũ lực ép đặt vòng tránh
thai vĩnh viễn cho phụ nữ Tây Tạng cũng như thực hiện thắt ống dẫn trứng mà không gây
mê. Một nạn nhân miêu tả quy trình:

Tôi bị người ta dùng vũ lực bắt đi chứ không muốn thế. Tôi thấy mệt, chóng mặt và
không thể nhìn lên. Rõ ràng họ đã cắt ống dẫn trứng rồi khâu lại. Đau muốn chết. Họ
không dùng thuốc mê, chỉ bôi một chất trơn dính gì đó lên bụng và thực hiện việc triệt
sản.

Trong lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma ở trong nhà mình tại nơi lưu vong ở Ấn Độ đành chịu
bó tay không thể giúp đồng bào mình thoát khỏi sự cai trị của Trung Quốc và lập lại quyền tự
chủ đúng nghĩa. Và trong một công viên gần điện thờ kính linh thiêng có tên là Potala Palace,
nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã từng có lần lưu lại vào mùa đông, các môn đệ của ông, dấu trong
túi bức ảnh bị cấm của ông và cầu nguyện trong khi loa đài của chính phủ phát oang oang
những luận điệu tuyên truyền kiểu như: “Chúng ta là một phần của dân tộc Trung Quốc đang
góp sức cho một tương lai tươi sáng – chúng ta là người Trung Quốc".

Và giờ thì là bài ngợi ca phẫn uất cho tinh thần nhiệt tình cũng như sự thấu đáo của chế
độ cai trị Bắc Kinh: Họ rắp tâm thực hiện hai bước để Đức Đạt Lai Lạt Ma tương lai sẽ trở
thành một trong những con rối của họ chứ không có tiếng nói độc lập như Đức Đạt Lai Lạt
Ma hiện tại. Đầu tiên, từ lâu họ đã “chấm dứt” sự hiện diện của một cậu bé sáu tuổi được coi
là Ban Thiền Lạt Ma đầu thai, và vị Lạt Ma này là biểu tượng tôn giáo có ảnh hưởng lớn thứ
hai trong giới phật giáo Tây Tạng. Không ai còn nhìn thấy tù nhân chính trị nhỏ tuổi nhất thế
giới này kể từ năm 1996.

Thứ hai, và đây là điều dở khóc dở cười lắm thay, Bắc kinh cấm các vị sư sãi theo phật
giáo ở Tây Tạng không được giúp cho việc đầu thai mà không được phép của chính phủ. Tờ
Huffington Post đã giải thích kế hoạch đằng sau cái quy định có vẻ lố bịch này: “Quy định
cấm không cho bất kỳ vị sư nào cư trú ở nước ngoài được đầu thai, và bằng cách đó quy định
này đã trang bị cho các cơ quan cầm quyền Trung Quốc một thứ quyền được chọn người kế
vị cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo truyền thống linh hồn của vị Lạt Ma này sẽ được tái sinh
trong hình hài một con người mới để tiếp tục sứ mệnh giải phóng khổ hạnh”.

Đông Quản quay về thời của Charles Dickens[3]

Các doanh nhân Trung Quốc có các nhà máy loại năm sao đáp ứng tiêu chuẩn đạo đức
của các công ty lớn mà họ phục vụ. [Alexandra] Harney [trong cuốn Mức Giá Trung
Quốc của bà] đã dẫn ra một ví dụ của một giám đốc của tập đoàn Walmart khi đến thăm
một nhà máy cung cấp hàng hóa cho Walmart. “Công việc của bà này là quyết định xem
nhà máy có sản xuất theo đúng tiêu chuẩn đạo đức của Walmart không – các tiêu chuẩn
này gồm cấm tuyệt đối không sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động nô lệ, cùng những
qui định về rủi ro nghề nghiệp, giờ làm việc và mức lương tối thiểu". Nơi mà vị giám đốc
Walmart này đến kiểm tra là một nhà máy loại năm sao… [Nhưng] hoạt động sản xuất
thực thì ra được tiến hành ở một nhà máy bí mật khác…“Nằm dấu mình trong một khu
kinh doanh có hàng rào bảo vệ, nhà máy [bí mật] này không đăng ký với chính phủ
Trung Quốc. Nhà máy này có 500 công nhân làm việc trên một mặt bằng, không được
trang bị thiết bị an toàn lao động hoặc bảo hiểm và làm việc quá số giờ được pháp luật
cho phép. Họ được trả lương hàng ngày chứ không được nhận lương tháng. Không có vị
nào từ tập đoàn Walmart được thấy nhà máy này mặc dù Walmart mua rất nhiều sản
phẩm sản xuất ra từ đây".
– Theo Daily News & Analysis

Trong khi người Tây Tạng, Nội Mông và Uyghur chịu cực khổ dưới chế độ cai trị tàn bạo
của của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thì những gì người công nhân trải qua cũng không có gì
khá hơn. Trên thực tế, trong khi các quan chức Trung Quốc thích dẫn những người Tây
phương đến thăm cái gọi là các nhà máy “năm sao” với mục đích trưng bày là chính, nơi có
các chuyến tham quan được hướng dẫn đến các cơ sở sản xuất sạch sẽ với các trang thiết bị
an toàn và bảo vệ môi trường ở mức tiên tiến nhất vào thời điểm đó thì những người Tây
phương này hiếm khi được phép thấy những điều kiện làm việc không thể tệ hơn trong các
xưởng sản xuất bí mật nằm phía bên kia những cánh cửa điện tử và đằng sau những chòi bảo
vệ có mặt gần như là khắp nơi xung quanh các nhà máy của Trung Quốc. Như công nhân một
nhá máy lắp ráp Xbox của Microsoft ở phía Nam Trung Quốc đã lý giải: “Chỉ đến khi có
khách hàng nước ngoài đến thăm, cán bộ quản lý mới cho bật điều hòa nhiệt độ”.

Làm trong nhà xưởng khổ sai nóng nực khó chịu cũng chỉ là một trong nhiều điều kiện
lao động nô lệ trá hình mà hàng triệu công nhân Trung Quốc đang phải đối mặt; điều này
cũng đúng ngay cả trong các nhà máy có vẻ như là đang được lãnh đạo bởi các tập đoàn lớn
của Mỹ như Microsoft và Walmart. Bạn hãy xem xét một ví dụ của công ty Yuwei ở thành
phố Đông Quản ở miền nam Trung Quốc. Công ty này sản xuất linh kiện kim loại và nhựa
cho các bộ phận trong ô tô như phanh, cửa, và cần số, và công ty Motor Ford mua đến 80%
sản phẩm của công ty này. Ngoài ra, công ty này còn phục vụ các công ty khác như General
Motors, Chrysler, Honda, và Volkswagen; và để kết nối với thị trường Mỹ công ty Yuwei
còn đặt văn phòng ở Mỹ và có nhà kho ở Ann Arbor, Michigan, Hoa Kỳ.

Và đây là cuộc sống thực của công nhân làm việc trong các xưởng của Yuwei theo một
báo cáo điều tra năm 2011 có tên là “Những phụ tùng dơ bẩn/Nơi các ngón tay bị cắt cụt một
cách quá rẻ mạt: Ford tại Trung Quốc”. Như báo cáo này tiết lộ: Công nhân của Yuwei làm
việc quần quật 7 ngày một tuần với ca làm việc kéo dài 14 tiếng, và vận hành các thiết bị sản
xuất trong lúc các thiết bị an toàn bị tê liệt một cách có chủ ý. Một mặt, kết quả là năng suất
lao động rất cao; nhưng mặt khác là tỉ lệ cắt, xẻo, đứt lìa tay, chân, cánh tay và cẳng chân
cũng cao không kém. Như báo cáo “Ford tại Trung Quốc” miêu tả sự tàn ác này:

Công nhân “A” 21 tuổi bị mất 3 ngón tay và nhiều khớp tay bị đứt ở tay trái khi cái tay
này bị mắc kẹt trong một máy ép dập cường độ cao hoặc máy dập. Người công nhân này
đang dập “Ống RT” để xuất khẩu cho hãng Ford tại thời điểm bị tai nạn. Cán bộ quản lý
chủ ý hướng dẫn người này tắt các thiết bị tia hồng ngoại dùng để giám sát an toàn mục
đích là để người này có thể làm việc năng suất hơn. “Chúng tôi đã phải tắt nó đi. Xếp
của tôi không cho tôi bật lên," Công nhân A nói. Người này đã dập 3600 "ống RT" một
ngày, 12 giây cho mỗi ống.

Thế thì mất ba ngón tay được trả bao nhiêu tiền ở Trung Quốc? Được bồi thường một
khoản chừng 7.000 đô-la Mỹ - và người đã bị thương đó còn mất luôn cả việc làm cũng như
cơ hội nghề nghiệp tương lai. Và, tiện đây cũng xin nói thêm, bất cứ công nhân nào nghỉ/bỏ
một ngày làm việc tại bất kỳ nhà máy nào của Yuwei sẽ bị trừ ba ngày lương. Trên thực tế, bị
đuổi việc sau khi mang thương tật là một thực tế lao động phổ biến ở Trung Quốc. Một người
bạn của chúng tôi bán vật tư cho một nhà máy ở Thượng Hải kể với chúng tôi rằng, “Nếu xảy
ra tại nạn, thậm chí là xảy ra chết người, cũng không có điều tra gì hết. Tai nạn lần hai xảy ra
cũng với công việc đó vẫn không điều tra. Lần ba thì chắc sẽ điều tra”. Bạn làm ơn hãy ghi
nhớ tất cả những điều này nếu có lúc nào đó bạn cân nhắc mua một sản phẩm của Ford được
coi là “Sản xuất ở Mỹ” nhưng được lắp ráp với phần lớn phụ tùng của Trung Quốc.

Không việc gì phải che giấu lao động nô lệ

Tỉ lệ trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 ở Trung Quốc tham gia lao động là 11,6%. Rất
nhiều công ty chuộng lao động trẻ em vì chúng rẻ, ngoan, nghe lời và khá lanh lợi khi
phải đi lại làm việc trong những diện tích làm việc chật hẹp chất đầy máy móc.
- IHS Child Slave News

Họ lợi dụng em trai tôi vì em tôi bị thiểu năng trí tuệ. Họ bắt em tôi làm việc, đánh đập
và tra tấn em tôi, khi em tôi sức tàn lực kiệt không làm được nữa, họ ném em tôi ra
đường.
- Liu Xiaowei

Không có gì đáng ngạc nhiên khi có những công việc, cụ thể là kinh khủng như làm gạch
và những việc kỹ năng thô sơ, lặp đi lặp lại đơn điệu như làm đồ chơi thì khó mà tuyển đủ
lao động. Trong những ngành làm việc đó, nhiều quản lý xưởng đồ chơi xem việc thiếu hụt
lao động như là một cơ hội mời chào cho nạn buôn bán người; và cả trẻ em lẫn người thiểu
năng trí tuệ luôn đứng đầu danh sách của bọn buôn người.

Trong một số trường hợp, bản thân trẻ em hoặc người thiểu năng trí tuệ bị những người
tuyển dụng trá hình lừa gạt hoặc ép bán cho các nhà máy. Hoặc có trường hợp họ bị chính
chủ nhà máy bắt cóc. Dù bị lừa, ép buộc hay bắt cóc thì rốt cục những người này cũng phải
làm việc trong điều kiện không lời nào tả xiết.

Đó cũng chính là số phận của một người nghèo tên là Liu Xiaoping, một người thiểu
năng trí tuệ 30 tuổi. Anh bị một trong những người buôn bán nô lệ thời đại mới của Trung
Quốc đưa ra khỏi gia đình và bán cho một lò nung gạch khét tiếng là tàn bạo nhất trong nhiều
địa ngục lao động của Trung Quốc.

Khi lò gạch không cần dùng Liu nữa, nó ném người đàn ông bệnh tật nhưng vẫn còn sống
sót này ra đường với đôi bàn tay mà tờ Los Angeles Times mô tả là “đỏ như tôm hùm mới
luộc do phải bê những viên gạch nung đỏ từ trong lò ra mà không hề có găng bảo vệ thích
hợp". Cùng với bàn tay tôm hùm, cậu bé to xác ở cái xứ xở toàn lời hứa hão còn có vết xích
ở cổ tay và vết bỏng ở cẳng chân, những chỗ mà viên quản đốc áp những viên gạch nóng
bỏng làm hình phạt dành cho Liu. Ông Charles Dickens, ông ở đâu khi bạn cần ông?
Và, nhân tiện cũng nói thêm là ở các nhà máy thân thiện nhất dành cho công nhân ở
Trung Quốc người ta cũng tạo ra những sức ép hay căng thẳng mà bạn không tài nào chịu
nổi, từ việc phải sống hàng trăm dặm xa nhà cùng những người lạ trong khi phải làm việc
nhiều giờ liên tục và mòn mỏi đờ đẫn vì sự đơn điệu của công việc lắp ráp. Một người trong
chúng tôi (Autry) đã mắt thấy tai nghe tình trạng này trong một chuyến thăm nhà máy có tên
là Thành phố Foxconn rất bí mật ở Thâm Quyến. Đây là nhà máy lớn nhất thế giới với
350.000 công nhân sản xuất những sản phẩm như máy tính bảng iPad rất phổ biến của hãng
Apple.

Có thể nói là so với hầu hết các nhà máy Trung Quốc, các xưởng của Foxconn do Đài
Loan điều hành khá hơn nhiều. Trong lúc đi thăm, Autry có nhìn thấy các khu nhà ở của
công nhân, nhà bếp, và các khu vực làm việc thuộc vào hạng nhất, ít ra là theo tiêu chuẩn của
Trung Quốc. Thậm chí có phòng chơi trò chơi, phòng tập thể dục, và bể bơi. Tuy nhiên, thứ
"tiện nghi" xuất hiện rất nhiều tại Foxconn là hàng loạt lưới an toàn nhô ra từ tầng hai của
mỗi toà nhà. Những lưới này được lắp vào để ngăn các vụ tự tử tràn lan của công nhân. Và
đây là bằng chứng thật buồn, tiểu biểu cho giải pháp kiểu Trung Quốc để xử lý vấn đề điều
kiện làm việc tồi tệ - không phải theo hướng cải thiện điều kiện tốt hơn mà chỉ khiến việc
nhảy ra khỏi tòa nhà tìm đến cái chết trở nên khó hơn mà thôi.

Đừng mất công tìm cái mác công đoàn

Tất nhiên, một lý do chính khiến các công ty Trung Quốc có thể bóc lột công nhân của họ
một cách toàn diện, triệt để là vì việc tổ chức một công đoàn đích thực trên "thiên đường của
công nhân" Trung Quốc là trái luật nếu xét về mục tiêu của công đoàn. Trong khi đó, Liên
đoàn các Công đoàn Toàn Trung Quốc chính thống được chính phủ hậu thuẫn là một con rối
cho các công ty mà nó phục vụ và đồng thời là một công cụ do thám và kiểm soát công nhân
giúp cho giới quản lý doanh nghiệp.

Tình hình lao động nô lệ tại Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xấu đi do một thực tế tồn tại kinh
niên trong các mối quan hệ lao động kiểu Trung Quốc: Hầu hết các hành động có tổ chức của
công nhân đều bị cảnh sát hoặc côn đồ được thuê tàn nhẫn phá tan - việc thuê côn đồ đánh
đập và đe dọa là một thực tế phổ biến ở Trung Quốc.

Một hình ảnh minh họa được cung cấp bởi số phận của 2.000 công nhân tại nhà máy Cơ
khí KOK bên ngoài Thượng Hải. Họ đã dám liều lĩnh tổ chức một cuộc đình công để phản
đối các điều kiện khắc nghiệt không thể chịu đựng nổi, bao gồm làm việc với cao su nóng khi
nhiệt độ trong phòng lên đến 50 độ C. Một nữ nhân viên mô tả những gì đã xảy ra khi phong
trào phản đối của họ tràn ra đường phố: "Cảnh sát đã đánh chúng tôi một cách bừa bãi. Họ đá
và dẫm lên tất cả mọi người, không cần biết họ là nam hay nữ."

Ngay cả nộp đơn khiếu nại theo đúng các quy tắc của hệ thống cũng có thể đẩy bạn dính
vào rắc rối nghiêm trọng. Ví dụ, Li Guohong, một công nhân dầu mỏ ở Hà Nam, bị 18 tháng
“cải tạo lao động" tại một trong các trại lao động bắt buộc khét tiếng của Trung Quốc. Tội
của ông? Nộp đơn khiếu nại và khởi kiện để phản đối bị sa thải.

Tất nhiên, bị gửi đến một trại lao động cưỡng bức là một điều không đúng như những gì
mà ông Li hình dung trước đó. Dù muốn hay không, ông đã tham gia vào đội ngũ hơn 50
triệu công dân Trung Quốc trong 50 năm qua, những người đã đi qua (hoặc chết) tại hơn
1.000 trại lao động cưỡng bức của Trung Quốc. Ngày nay, các trại này tai tiếng có tên gọi
Trung Quốc là Laogai (hoặc Laojiao) có chứa tới 7 triệu công dân Trung Quốc, nhiều người
trong số họ không có tội gì hơn là cố gắng thực hiện một số quyền tự do trong ngôn luận, thờ
cúng, tụ tập, hoặc lập ra tổ chức.

Và đây là một quan sát cuối cùng về quyền đình công ở Trung Quốc: Các trường hợp duy
nhất mà chính phủ sẽ cho phép các cuộc đình công như vậy bùng nổ khi họ giúp đỡ doanh
nghiệp Trung Quốc đánh bại các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.

Một trường hợp là hàng loạt các cuộc đình công và biểu tình rộng rãi được làm đóng cửa
một số nhà máy ô tô Honda. Thay vì can thiệp, cảnh sát chống bạo động chỉ đứng nhìn và
cuối cùng bỏ đi. Sự việc đó khiến Honda sản xuất thiếu hàng nghìn xe ô tô so với mục tiêu
đặt ra. Việc cảnh sát chống đình công không can thiệp buộc Honda phải thương lượng mức
lương cao hơn với các công nhân Trung Quốc giận dữ. Tất nhiên, điều này làm giảm tính
cạnh tranh của Honda Nhật Bản với các công ty ô tô Trung Quốc như Chery và Geely.

Cảnh sát Trung Quốc bắt giáo dân Trung Quốc quì gối như thế nào

Mong muốn duy trì kiểm soát lĩnh vực riêng tư nhất trong đời sống của công dân, cụ thể
là lương tâm của họ, và can thiệp vào đời sống nội bộ của Giáo hội Thiên chúa giáo
không tạo ra sự tin cậy đối với Trung Quốc. Ngược lại, nó có vẻ là một dấu hiệu của sự
sợ hãi và yếu hèn hơn là sức mạnh.
- Thông cáo của Vatican Holy See

Cộng sản là một đức tin thế tục không cho phép có bất đồng chính kiến, và đảng Cộng
sản Trung Quốc làm hết sức mình theo di huấn của Karl Marx để xoá bỏ tôn giáo. Để làm
việc này, đảng yêu cầu tất cả các hoạt động tôn giáo được thực hiện thông qua các nhà thờ
được nhà nước chấp thuận, còn hoạt động tôn giáo không đăng ký có thể dẫn đến trừng phạt
nặng nề.

Chỉ cần xem xét trường hợp của Yang Xuan. Mục sư của Giáo Hội Lifen không đăng ký
tại Fushan bị kết án ba năm tù vì xây dựng một nhà thờ bất hợp pháp. Sau đó, vợ của ông,
Yang Rongli, đầu tiên bị đánh đập dã man vì tổ chức một cuộc biểu tình chống việc giam giữ
chồng và sau đó bị trừng phạt nặng với bảy năm tù. Khi bạn đọc những dòng này về những gì
đã xảy ra tại nhà thờ của Lifen, hãy tưởng tượng lúc đó, Lifen là một nhà thờ trong khu phố
của chính bạn:

Lúc còn sáng sớm ngày Chủ nhật 13 tháng 9, các thành viên Nhà thờ Lifen bị lôi bật dậy
bởi những kẻ thâm nhập đang la hét ầm ĩ. Một đám đông hỗn hợp 400 nhân viên cảnh
sát, quan chức chính quyền địa phương, và côn đồ đánh thuê đã đánh đập các tín đồ nhà
thờ đang ngủ tại công trường xây dựng nhà thờ mới của họ. Máy chảy rất nhiều, hơn 20
thành viên đã bị thương nặng và phải nhập viện. Các quan chức địa phương chỉ đạo các
bệnh viện không truyền máu cho các nạn nhân, buộc họ phải chuyển đến chữa trị tại
bệnh viện khu vực.

Về việc tiếp cận với Kinh Thánh, các bản sao chỉ có thể được in chính thức khi được phê
duyệt bởi "Hội đồng Kitô giáo Trung Quốc"; và số lượng bị chính phủ giới hạn. Hơn nữa, in
không phép và phân phối Kinh Thánh hay tài liệu Kitô Giáo có thể dẫn đến bị bắt giữ.
Tất nhiên, nó không phải chỉ là giáo dân Kitô và "hội kín Thiên chúa giáo" là luôn đối
mặt với sự giận dữ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng chung số phận tương tự là các
nhóm bán tôn giáo như Pháp Luân Công, mà các thành viên thường xuyên trải nghiệm lưỡi
kiếm đàn áp của Trung Quốc.

Cách nào đi nữa, ác cảm cực đoan của đảng Cộng sản đối với Pháp Luân Công là khó
hiểu. Các học viên Pháp Luân Công theo một triết lý hòa bình dựa trên Phật giáo và đạo Lão,
và họ thực hành một loạt các bài tập thể dục có nguồn gốc từ truyền thống khí công Trung
Quốc. Những bài tập được thiết kế không phải để lật đổ nhà nước Cộng sản Trung Quốc mà
là để điều chỉnh hơi thở, bản chất cơ thể, và ý thức của một người với chân lý của Chân,
Thiện, và Nhẫn.

Vào cuối những năm 1990, giáo phái phát triển nhanh chóng này đã thu hút sự chú ý của
bộ máy an ninh Cộng sản và hệ thống tuyên truyền, hệ thống này ngay lập tức liệt giáo phái
vào loại "nguy hiểm". Phản ứng với Pháp Luân Công là một tính toán sai lầm chính trị lớn.
Khi 10.000 môn đồ tụ tập để phản đối im lặng bên ngoài các bức tường kiên cố của các nhà
lãnh đạo cộng sản ở Trung Nam Hải, điều này đã làm Chủ tịch Giang Trạch Dân sợ hãi, và
ông đã ra lệnh đảng Cộng sản đàn áp cứng rắn.

Trong nhiều tháng sau vụ phản đối, Phó Thủ tướng Li Lanqing báo cáo có trên 35.000
học viên Pháp Luân Công đã bị vây bắt; và kể từ thời điểm đó, cuộc đàn áp của các thành
viên diễn ra tàn bạo không ngừng.

Tất nhiên, phản ứng thô bạo của đảng Cộng sản đã tạo nên chiến dịch phản kháng chống
đảng Cộng sản thể hiện qua chiến dịch phản đối đảng Cộng sản do Pháp Luân Công lãnh đạo
và đã lên tít trên các tờ báo và dịch vụ truyền hình vệ tinh trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc,
tuy nhiên, việc trấn áp những giáo phái này vẫn tiếp tục không thương xót; và hàng ngàn
môn đồ đã được chuyển đến trại cải tạo Laogai để bị đánh đập và tra tấn.

Học viên Pháp Luân Công cũng thường xuyên bị cô lập trong khu mở rộng được gọi là
khu "tâm thần" của các trại Laogai nơi họ bị tẩy não bằng mọi cách. Theo các lời điều trần
trước Quốc hội của Ethan Gutmann: "Pháp Luân Công chiếm khoảng 15 đến 20% trong hệ
thống trại cải tạo lao động. Có nghĩa là trung bình nửa triệu đến một triệu thành viên Pháp
Luân Công bị giam giữ, được coi là hành động an ninh lớn nhất của Trung Quốc kể từ giai
đoạn Mao cầm quyền".

Cũng như với các hình thức khác của lao động nô lệ gây ra thiệt hại liên đới cho người
lao động trên toàn thế giới, đàn áp Pháp Luân Công gây ảnh hưởng tương tự lên thị trường
lao động toàn cầu. Để thấy những ảnh hưởng đó, chúng ta kết thúc chương này với việc mô
tả một ngày bình thường trong đời sống của một tù nhân Pháp Luân Công từ Trung tâm
thông tin Pháp Luân Đại Pháp:

Ông Wang Jiangping bị khuyết tật và không đan nhanh như những người khác. Đã gần 2
giờ sáng và tù nhân Phòng Sáu làm việc từ buổi bình minh đến giờ. Họ phải làm đúng
hạn. Các bạn đồng tu Pháp Luân Công của ông ngủ gật và bị bảo vệ đâm bằng kéo đánh
thức. Ông Wang bị kiệt sức. Các lính gác ném gạch vào ngực ông. Trại lao động Changji
phải hoàn thành địch mức của công ty Thiên Sơn Wooltex về áo len Kashmir, nếu không
bảo vệ sẽ không nhận được tiền thưởng. Trại "cải tạo lao động" Trung Quốc đã được tư
nhân hóa. Họ là các doanh nghiệp nhỏ ký hợp đồng với các công ty lớn và xuất khẩu các
sản phẩm ra các trung tâm mua sắm ở nước ngoài.

Đó là một nơi mà kẻ tra tấn làm giàu, và nơi học viên Pháp Luân lao động như nô lệ để
trả tiền cho việc mua dùi cui điện nhằm chích điện họ nếu họ làm chậm. Đây là nơi mà
sự đàn áp đem lại lợi nhuận. Đây là nơi mà giấc ngủ và thực phẩm luôn thiếu thốn, còn
rác rưởi, mùi hôi thối, đánh đập, nóng, lạnh, và mùi độc hại là thứ thừa thãi hàng ngày.
Những nơi này là nơi các sản phẩm xuất khẩu được thực hiện bởi lao động nô lệ của tù
nhân lương tâm: bác sĩ, giáo viên và học sinh bị bắt cóc từ nhà của họ vì tội tập Pháp
Luân Công.


________________________________________
[1] Tên một tổ chức truyền thông do tư nhân và nhà nước cùng tài trợ hoạt động với các thành viên không vì mục
đích lợi nhuận, phục vụ hơn 800 đài phát thanh công ở Hoa Kỳ. ND
[2] Catch-22 là tiểu thuyết xuất bản năm 1961 của Joseph Heller về cuộc thế chiến thứ hai. Điều luật Catch-22
quy định chỉ có những người tâm thần mới bay những phi vụ nguy hiểm. Vì thế những ai sợ không dám bay là
người tỉnh táo, mà tỉnh táo thì không được từ chối nhiệm vụ. Tên tiểu thuyết đã trở thành thành ngữ để chỉ tình
huống luẩn quẩn, tiến thoái lưỡng nan. ND
[3] Charles John Huffam Dickens (1812 – 1870), nhà văn Anh tiêu biểu của thời kỳ Victoria, mô tả nỗi vất vả của
giai cấp công nhân Anh thời kỳ đó. ND

No comments:

Post a Comment