May 3, 2014

Bí ẩn tâm hồn Nga (Bài 5) - Đòi hỏi phép màu

Andrei Zolotov Jr.
Phạm Nguyên Trường dịch

Cần một tín ngưỡng là đặc điểm chính của tâm hồn Nga.

Tôn giáo - có ảnh hưởng đáng kể đối với tâm hồn Nga - vẫn còn sống tốt giữa những người Nga đương đại.

Buổi chiều một ngày làm việc trong tuần vào giữa tháng Sáu mà tôi phải đứng yên lặng xếp hàng mất đúng một tiếng bên cạnh Tu viện ở trung tâm Moscow thì mới vào được điện thờ nổi tiếng nhất của thủ đô Nga – nơi thờ di hài của Matrona Thánh thiện của Moscow. Cuối tuần và ngày lễ thì có thể mất vài giờ mới có thể vào được.

“Tất cả, tất cả các con hãy đến với ta và nói cho ta biết, như thể ta vẫn còn sống, về những khổ đau của các con. Ta sẽ thấy, sẽ nghe và sẽ giúp các con”, đấy là hàng chữ bằng vàng được viết trên nền dát bạc ở tầng một điện thờ được xây theo kiều tân-baroque nói trên. Trong điện thờ này có xác của người thấu thị mù chữ là Matrona Nikonova, bị mù ngay từ khi mới sinh vào năm 1881 trong một gia đình nông dân ở khu vực Tula. Bà bắt đầu làm phép lạ ngay từ khi còn bé, đến năm tuổi 16 thì bà bị liệt và từ năm 1925 cho đến khi qua đời vào năm 1952, bà đi từ nhà nọ đến nhà kia ở Moscow để nói cho dân chúng nghe những ẩn ngữ và theo lời đồn thì bà còn chữa bệnh và giúp người ta tìm vợ, tìm chồng, tránh bị tù đày và đôi khi là bảo vệ luận án nữa.


Năm 1998, khi những cuộc hành hương đến ngôi mộ của bà đã trở thành phổ biến hơn và những cuốn sách về phép lạ của bà đã được xuất bản, ban lãnh đạo nhà thờ cho khai quật xác bà. Năm sau, Matrona được Giáo trưởng Alexy II phong thánh theo một thủ tục nhanh gọn, bất chấp sự tức giận có phần rụt rè của các trí thức trong Giáo hội, trong khi những tình tiết huyền bí và đặc biệt đáng ngờ được đưa ra khỏi tiểu sử chính thức của bà.

Hàng ngàn người đến đây mỗi ngày – đa số mang theo những bó hoa tươi vì theo lời đồn thì Matrona muốn như thế. Chì cần nhìn vào dòng người là có thể nhận ra rằng hầu hết không phải là những người thường xuyên đi nhà thờ. Khoảng bốn phần năm là phụ nữ, và hầu hết trong số đó mặc quần và đội những chiếc khăn trùm đầu không thích hợp. Người ta làm dấu thánh giá, hôn quan tài, và nhặt những cánh hoa đã bị cắt nhỏ, đem về. Để làm gì? Trả lời: “Đặt dưới gối, để chữa bệnh mất ngủ.”

Cho dù người ta có tán thành khái niệm về tâm hồn Nga hay không thì tôn giáo, được xem là yếu tố đáng kể của tâm hồn đó, vẫn còn sống tốt giữa những người Nga đương đại. Nó chủ yếu được hình thành bởi Nhà thờ Chính thống giáo. Nhưng không chỉ có vậy, như thấy rõ từ những tôn giáo không-Chính thống và không-Công giáo của Nga, từ những hiện tượng của “Thời đại Mới”, xu hướng vô thần rõ ràng và tàn dư của ngoại đạo hiển hiện khắp nơi. “Nước Nga không biết đến cả công cuộc Cải cách Tôn giáo lẫn Phản Cải cách Tôn giáo với những lí giải, những diễn dịch biểu tượng và việc đào thải tục thờ ngẫu tượng thời Trung cổ,” ông George Fedotov, một học giả Công giáo nổi tiếng người Nga đã viết trong tác phẩm kinh điển Tâm hồn tôn giáo Nga, xuất bản năm 1946 như thế. “Người nông dân Nga, thậm chí ở thế kỷ XIX, vẫn sống như trong thời Trung cổ. Nhiều người nước ngoài đã viết rằng đây là những người mộ đạo nhất ở châu Âu. Nhưng thực chất, điều đó nói lên những mức độ trưởng thành khác nhau hơn là những đặc trưng cốt lõi của tinh thần và văn hóa. Vẫn những nhân tố lịch sử đó đã bảo tồn năng lực cảm thụ tôn giáo của người Nga trong thời đại của chủ nghĩa duy lý, nhưng lại không chạm tới nhiều phong tục, hiện tượng thờ cúng ngoại đạo và thậm chí cả thế giới quan ngoại đạo, bên trong cũng như bên ngoài nhà thờ.”

Trong thế kỷ XX, bi kịch của cuộc cách mạng dẫn đến sự hồi sinh của tôn giáo trong một thời gian ngắn, sự hồi sinh bị dìm trong biển máu tử đạo chẳng khác gì ở những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo. Tư tưởng tôn giáo phát triển mạnh mẽ trong những nhóm người lưu vong. Nhưng trong quần chúng ở Nga, việc nhổ gần như bật gốc tổ chức giáo hội và hệ thống giáo dục, cũng như việc cưỡng bức thúc đẩy đô thị hóa đã dẫn đến việc duy trì cái mớ hỗn hợp Trung cổ giữa Kitô giáo và ngoại đạo - tình huống đặc biệt khó khắc phục trong thời hậu hiện đại với chủ nghĩa đa nguyên và triết thuyết hổ lốn của những hệ thống giá trị rời rạc. Lời tuyên bố của Nikolai Leskov, một nhà văn của thế kỷ XIX, rằng: “Nước Nga đã được rửa tội nhưng chưa được khai sáng”, tiếp tục được các giới trong nhà thờ trích dẫn nhằm mô tả lòng mộ đạo của quần chúng, bất chấp sự tiến bộ rõ ràng trong phát triển giáo dục tôn giáo, tiếp cận xã hội và sự xuất hiện những nhóm ngoại đạo hoạt động tích cực ở những tầng lớp dân cư khác nhau trong 20 năm tự do tôn giáo vừa qua.

Trong chính trị học và báo chí người ta thường nói rằng tôn giáo đã “lấp đầy khoảng trống” mà ý thức hệ cộng sản bỏ lại. Nhưng tiếp theo các nhà triết học tôn giáo Nga nửa đầu thế kỷ XX như Nikolai Berdyaev hay Sergei Bulgakov, người ta có thể khẳng định tương tự rằng chủ nghĩa cộng sản đã bắt rễ ở Nga vì những cố gắng mang tính tôn giáo của người Nga nhằm hướng tới cái tuyệt đối, hướng tới Vương quốc Thần thánh mà họ đã cố gắng xây dựng trên trái đất, nhưng vô vọng. Với những đoàn diễu hành mang cờ đỏ kéo tới các “thánh tích” của Lenin và “Phòng truyền thống” trong tất cả các trường học, các văn phòng và nhà máy, Liên Xô đã trở thành một trong những xã hội nghi thức nhất trên thế giới. “Người dân Liên Xô đã sống trong nền văn hóa của các hình thức tôn giáo,” nhà thần học hiện đại và triết học xã hội Alexander Kyrlezhev nhận định trong một cuộc phỏng vấn.

Nhà thờ lớn hơn

Người ta thường trích dẫn một cuộc thăm dò cho thấy một khoảng cách lớn giữa số lượng từ 60 đến 80% người Nga đồng nhất mình với Chính thống giáo và con số rất nhỏ, chỉ một chữ số, những người đang “có đạo”, tức là cố gắng tuân theo cách sống của người Công giáo mà Giáo hội Chính thống đề ra. Có vài nơi như Tu viện ở Pokrovsky (Convent of the Protection) cho thấy hình ảnh “nhà thờ lớn hơn” 60 đến 80%, và có lẽ còn lớn hơn nữa. “Tôi là người Hồi giáo, nhưng tuần nào tôi cũng đến đây,” Ravil Subkhangulov, 31 tuổi, ngồi trên một chiếc ghế trong sân của tu viện nói . “Tôi không đến bất kỳ nhà thờ nào khác, vì với một người Hồi giáo, làm như thế là có tội.” Ravil nói rằng trong mười năm qua bà vợ theo Kitô giáo của anh không thể thụ thai, và không có bác sĩ nào giúp được. Tháng Tám vừa qua hai vợ chồng đã đến đây, sau khi nghe một đồng nghiệp nói rằng Matrona giúp những hoàn cảnh như vậy, và đã phải xếp hàng suốt 12 tiếng đồng hồ. “Tháng Mười Một vừa rồi, những điều chúng tôi háo hức chờ đợi như thế đã xảy ra rồi,” anh nói. Bây giờ anh sẽ mua tượng Matrona và tặng cho người thân và bạn bè. “Tôi làm việc ở Lubyanka,” anh nói, ám chỉ trụ sở của Cơ quan An ninh Liên bang, “và sau tất cả những cơn ác mộng tại nơi làm việc, tôi lại đến đây, và tâm hồn được thanh thản, tôi ra về với những giọt nước mắt lăn trên gò má.”

Sức khỏe sinh sản dường như là một trong những vấn đề chính kéo mọi người đến với Matrona Thánh thiện. Angelina Zvereva, một bác sĩ phẫu thuật, cho biết cô đến với Matrona lần đầu tiên sau khi một người bạn được chữa lành, không còn sảy thai liên tục nữa. “Người ta không thể sống mà không có đức tin,” Zvereva nói. "Người ta tin đủ thứ, một số tin vào Đảng [Cộng sản], số khác tin vào Chúa.”

Một người phụ nữ trung niên ăn mặc trang nghiêm, theo đúng nghi thức của nhà thờ - một chiếc váy dài và khăn trùm thanh lịch - đang nhấm nháp trà trong một quán cà phê nhỏ bên ngoài bức tường tu viện cùng với Anna Suloeva, một cô gái nhỏ nhắn, mặc quần jeans, móng chân móng tay sơn màu sặc sỡ. Suloeva cho biết bốn năm qua tháng nào cô cũng đến đây một lần. “Người ta tới với Matrona khi họ bị đẩy vào chân tường, không còn nơi nào để đi nữa và không còn tin vào sức mình nữa,” cô nói. Lần cuối cùng cô tham gia lễ ban thánh thể - buổi lễ có tầm quan trọng bậc nhất của đức tin và hoạt động Chính thống giáo - từ bao giờ?” “Không bao giờ,” cô trả lời. “Bạn biết đấy, không phải chỉ đến đây là đủ, mà phải có mặt suốt các buổi lễ, phải thú tội, phải hiệp thông”, Zvereva – người dường như là đang tư vấn cho Suloeva về những vấn đề của nhà thờ - nói. “Em biết, nhưng em không thích tham gia các buổi lễ”, Anna đáp.

Sáu động cơ

Trong bài báo “Tại sao người ta đi nhà thờ?” công bố năm 2004, nhà triết học xã hội Alexander Morozov chỉ ra sáu động cơ. Một nhóm được ông gọi là “lòng trung thành.” “Quan chức chính phủ đi nhà thờ, giống như họ đi dự buổi hòa nhạc với danh ca Luciano Pavarotti, vì đấy là biểu hiện của lòng trung thành với hệ thống của họ,” ông viết . Những người này không liên kết thế giới quan của họ với nhà thờ, nhưng họ chứng tỏ - thông qua Giáo hội - “lòng trung thành với công ty,” như thời trước cách mạng ở Nga vậy. Động cơ thứ hai là chỗ giao lưu. Giáo dân, chủ yếu là đàn bà, “uống trà” với nhau, tương tự như cách họ thường làm ở cơ quan thời Liên Xô. Thứ ba là dành cho những người mà “giữ được truyền thống lịch sử lâu dài” là vấn đề quan trọng. Những người này, chủ yếu là đàn ông, có nhiều khả năng là biết suy tư về những vấn đề mang tính trí tuệ về giáo lý và lịch sử, và hầu hết những người dân tộc chủ nghĩa theo tôn giáo ở Nga thuộc về nhóm này. Đây là “cốt lõi của Giáo hội” - những người mà “cứu rỗi và nhận lãnh Thánh linh” là mục đích duy nhất. Cuối cùng, là những người “làm việc trong Giáo hội”.

Một trong những nhóm lớn nhất là những người đến nhà thờ để tìm phép lạ. “Sau một giai đoạn dài của chủ nghĩa vô thần, khi tất cả mọi điều kỳ diệu đều đã bị loại bỏ khỏi đời sống của người dân và chỉ được biểu hiện dưới dạng các các đĩa bay và người ngoài hành tinh, thì đến thời kì mở ra triển vọng cho sự tồn tại hợp pháp của một ‘thực tế thứ hai’”, Morozov viết. “Hàng ngàn người tham quan các địa điểm linh thiêng, những thánh tích có thể chữa bệnh, những bức tượng khóc, và lời chứng về phép lạ cứ thế gia tăng. Tức là có một số lượng lớn những người tham gia vào sinh hoạt nhà thờ chỉ vì phép lạ đã hiện ra với họ dưới những hình thức khác nhau: hoặc họ từng chứng kiến, hoặc nghe nói về nó, hoặc chưa bao giờ nhìn thấy, nhưng mong đợi được nhìn thấy nó.” Morozov nói nhóm này là “có vấn đề,” vì ở đó, trải nghiệm tôn giáo đích thực cùng tồn tại với “sự biến dạng nguy hiểm của tôn giáo”- lừa đảo, bệnh hoạn tâm thần và những vụ đầu cơ về ý thức hệ.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng việc tìm kiếm phép lạ, và tôn thờ thánh tích và địa điểm linh thiêng là hai đặc điểm nổi bật nhất của lòng mộ đạo của nước Nga thời hiện đại. Kyrlezhev nói “chủ nghĩa duy vật tôn giáo” là một trong những đặc điểm chính của Chính thống giáo - với tất cả những nước thánh, dầu, đèn, nến và cát từ mộ của các vị thánh. Tổng linh mục Maxim Kozlov, giáo sư Học viện Thần học Moscow và linh mục tại Thánh đường St. Tatiana Chapel của trường Đại học Tổng hợp Moscow, coi “mê tín dị đoan” như mặt tiêu cực của sức mạnh - khả năng thánh hóa toàn bộ cuộc sống hàng ngày. “Tiêu cực ở chỗ, thay vì Phúc âm thì  vật chất và những hoạt động cận tôn giáo lại trở thành trung tâm”, ông nói.

Nhưng nhà sử học, chuyên về lịch sử Giáo hội, ông Alexei Beglov, tin rằng sự kết hợp này là đặc trưng của các tôn giáo truyền thống nửa đầu của thế kỷ XX - thời của Matrona Thánh thiện, khi hàng triệu nông dân Nga di chuyển vào thành phố. Tôn giáo đại chúng trong đô thị hiện đại, Beglov nói, “còn biến đổi hơn nữa, có thêm tính chất của xã hội tiêu thụ - chỉ cần tới, thắp nến – và được kết quả mà không cần bất kỳ nỗ lực nào.”

Một biểu hiện cực đoan của thái độ này là việc chủ tịch của một nhóm bảo vệ người tiêu dùng ở Yekaterinburg, ông Alexei Konev, năm 2008 đã tìm cách kiện giáo phận địa phương vì đã tổ chức đám tang cho người thân của ông không đúng cách. Nhà thờ trở thành nhà cung cấp dịch vụ, “tương tự như xưởng giặt ủi hay một phòng khám nha khoa vậy,” Lenta.ru dẫn lời Konev.

Việc chuyển từ nông thôn ra thành thị cũng tương tự cuộc chuyển hóa vĩ đại đang diễn ra trong Giáo hội Chính thống Nga. Về mặt tích cực, quá trình đô thị hóa dẫn đến sự xuất hiện của nhóm người có học có thể nhìn thấy ngay trong Giáo hội, đấy cũng chính là nhóm tích cực hoạt động. Xu hướng chung là: thành phố càng lớn thì càng nhiều trường đại học hơn và hoạt động tôn giáo cũng tích cực hơn.

Nhà thờ nhỏ hơn

Không có gì ngạc nhiên là trong lễ nhậm chức hồi năm ngoái, Giáo trưởng Kirill đã nói rằng truyền giáo và giáo dục là mục tiêu chính của mình. Nhưng đây là nhiệm vụ không dễ dàng và không chỉ vì thiếu nguồn lực. Trong Giáo hội đang có phong trào biệt lập đầy sức mạnh, tức là phong trào coi việc giữ nguyên các hình thức tôn giáo hiện có và ngăn chặn mọi cuộc đối thoại với thế giới bên ngoài là mục tiêu chính của nó. Một phong trào lan rộng trong những năm 1990 đòi phong thánh cho Nga hoàng Nicholas II và gia đình hoàng gia (bị giết sau Cách mạng Tháng  Mười – ND) phản ánh không chỉ sự ăn năn cho thời kỳ Xô-viết, mà lớn hơn thế là tiếc nuối đế chế đã mất. Hiện nay cũng không khó gặp những người kính trọng vị Nga hoàng đó và ca ngợi thời kì Liên Xô và đôi khi ca ngợi luôn cá nhân nhà độc tài Xô-viết Joseph Stalin nữa. Một số trong nhóm này có khả năng là những người ở mức độ nào đó sẵn sàng tuyên bố “Chính thống chống toàn cầu hóa,” - không chấp nhận mã số thuế, không chấp nhận hộ chiếu mới, thẻ ngân hàng và điện thoại di động.

Tôn giáo đã “lấp đầy khoảng trống” mà ý thức hệ cộng sản bỏ lại

Nhưng ngay cả bên ngoài những nhóm chính thống thực sự cũng thường thấy những cộng đồng “có đạo” lý tưởng hóa một số giai đoạn trong quá khứ hoặc tìm kiếm lý tưởng của họ ở đâu đó. Trong khi việc lý tưởng hóa thế kỷ XIX là hiện tượng phổ biến nhất thì một số cộng đồng lại tìm cách bắt chước những hoạt động ở Muscovy thế kỉ XIV hay hoạt động của người Hy Lạp hiện nay. “Có một xu hướng tìm lý tưởng ở bên ngoài,” Beglov nói.

Giai đoạn cuối những năm 1980 và đầu 1990, việc giải phóng Giáo hội, cũng như các tôn giáo khác, khỏi các khu ổ chuột của Liên Xô được tiến hành dưới khẩu hiệu cho rằng Giáo hội sẽ “thiết lập đạo đức” trong dân chúng. Điều đó đã không xảy ra - chắc chắn không xảy ra ở cấp độ tôn giáo đại chúng, mà thậm chí cũng ít xảy ra cả trong giới “có đạo”. “Nhà thờ chỉ ra một cách sống đầy vấn đề, chứ không phải đâu là tốt và đâu là xấu,” Kyrlezhev nói. Nhưng Kozlov phản đối, ông cho rằng qui giản Kitô giáo về đạo đức là sai, nhưng “khi nó không vươn tới được đạo đức thì là xấu.”

Khi phân tích tính tôn giáo của người Nga nửa đầu của thế kỷ XX, các nhà tư tưởng tôn giáo Nga - hầu hết đều là những người Marxist cải đạo sang Kitô giáo - đã dành rất nhiều thời gian để tách tư tưởng cứu thế và tình yêu đối với công lí của người Nga ra khỏi Kitô giáo và coi đó là một trong những thành phần chủ chốt của tôn giáo Nga. Đáng ngạc nhiên là, rất khó tìm thấy điều đó khi quan sát tính tôn giáo của người Nga hiện nay. Nhiều khả năng là cuộc thí nghiệm cộng sản thất bại đã có tác dụng làm giảm xu hướng này và đưa tình yêu công lí ra khỏi Giáo hội.

Nhưng Beglov nói rằng điều đó có thể trở lại. “Rất khó nói khía cạnh xã hội sẽ phát triển như thế nào – bằng con đường chính trị hay con đường thần bí,” ông nói. “Nhưng câu hỏi vẫn còn đó.”

Nguồn: “Demanding a Miracle”, Russia Profile 07/7/2010




No comments:

Post a Comment