April 29, 2014

OSHO bàn về chất gây ảo giác


LSD: Đường tắt tới samadhi giả (tiếp theo)

Nguyễn Đình Hách dịch

Câu hỏi 2: Trong lúc tôi trải nghiệm LSD, tôi nhìn thấy chuỗi các màu sắc: vàng nghệ, vàng, trắng, rồi xanh đậm. Những màu sắc này có ý nghĩa gì?
Có một vài ý nghĩa, nhưng trật tự là khác nhau đối với mỗi người. Dù vậy, nó có ý nghĩa. Màu sắc, hương thơm, âm thanh - mọi thứ đều có ý nghĩa.
Điều đầu tiên phải chú ý: khi bạn hướng sâu vào bên trong, mỗi giác quan của bạn có sự biểu lộ nội tại tương ứng. Ví dụ, mắt bạn. Chúng nhìn thấy gì bên trong, khi bạn nhắm mắt bạn có thể nhìn thấy những gì bên trong. Cốt lõi của mọi trải nghiệm bên ngoài cũng được lưu giữ bên trong; tất cả mọi giác quan của bạn đều có bể chứa những trải nghiệm đã được lưu giữ trong tâm trí bạn. Khi bạn du hành vào trong, bạn sẽ bắt gặp những bể chứa này. Khi bạn đến với bể chứa của màu sắc bạn sẽ nhìn thấy những màu sắc quá đẹp đến mức bạn chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Có những điều cốt lõi của tất cả mọi trải nghiệm trong quá khứ của bạn về màu sắc.

Giống như họa sĩ vẽ người đàn bà đẹp. Đó không phải là một người đàn bà cụ thể - người họa sĩ đã nhìn thấy nhiều phụ nữ. Tranh của anh ta miêu tả nét đặc trưng của tất cả họ. Tất cả những điều mà anh ta đã nhìn thấy, tất cả những điều mà anh ta đã biết thì đều được mô tả trong một bức tranh này. Một cái gì đó trong đàn bà từ nguồn này và một cái gì đó khác từ nguồn khác, nhưng chính bức tranh cụ thể thì lại không tìm thấy ở đâu. Đó không phải là sự tưởng tượng và cũng không được tìm ra ở đâu. Nó là đích thực bởi vì nó được lấy từ kinh nghiệm, nhưng nó cũng còn là hình ảnh: nó vừa thực vừa không thực.
Những giác quan của chúng ta đã lưu giữ mọi trải nghiệm không chỉ trong cuộc đời này, mà còn trong tất cả cuộc đời mà chúng ta đã sống. Những điều cốt lõi này vẫn giữ nguyên trong chúng ta. Mắt đã lưu giữ màu sắc, ánh sáng, linh tinh; tai đã lưu giữ những âm thanh, những hợp âm, những sự im lặng, linh tinh. Tất cả những giác quan đều có ngăn lưu giữ của chính chúng bên trong não.
Bây giờ ngay cả khoa học cũng khẳng định điều này: nếu bạn chạm vào một tế bào não nào đó bằng điện cực thì tế bào não sẽ nổ. Người bị ngã có thể nhìn thấy những ngôi sao nếu những tế bào não lưu giữ trải nghiệm ánh sáng bị ảnh hưởng bởi cú ngã. Những ký ức của bạn có thể bị ảnh hưởng bởi cú chạm của điện cực. Nếu tôi chạm vào tế bào lưu giữ kỷ niệm thời trẻ thơ của bạn thì bạn sẽ lại trở thành đứa trẻ, và mọi thứ mà bạn đã trải nghiệm khi còn trẻ sẽ được lặp lại trong bức tranh của tâm trí bạn.
Khi bạn hướng vào trong, những điều cốt lõi này bùng nổ bên trong bạn, và bạn trải nghiệm nhiều điều không được biết ở thế giới bên ngoài trong một hình dạng rõ ràng đến thế. Thế giới bên ngoài luôn ô tạp, nhưng trải nghiệm bên trong là một tinh chất thuần khiết; nó giống như hiện tượng điện. Bởi vì hiện tượng chỉ là năng lượng, nó rõ ràng. Không có gì che khuất nó; nó rất trong sáng.
Nhưng đừng coi những trải nghiệm này là nghiêm trọng. Chúng chỉ có ý nghĩa tới mức độ khi chúng là những chỉ dẫn để bạn di chuyển sâu hơn. Chúng chỉ là một phần phong cảnh trên đường, chúng không phải là đích đến. Khi bạn thực sự vào sâu bên trong thì sẽ không còn những trải nghiệm - không ánh sáng hoặc không âm thanh hoặc không bất kỳ cái gì khác.
Trừ khi tất cả những trải nghiệm này dừng thì bạn không thể vượt lên trên tâm trí. Những trải nghiệm này chỉ là sự biểu hiện siêu linh về những tích lũy đã được lưu giữ thông qua vô hạn kiếp. Chính vì vậy mà mỗi người sẽ cảm nhận những điều khác nhau: mỗi người có quá khứ được tích lũy khác nhau, cho nên mỗi người sẽ có định hướng khác nhau về những giác quan của mình.
Hai ngày trước đây có một người bị mất cảm nhận về vị giác đã đến gặp tôi. Ông ta chưa bao giờ biết vị giác là gì cho nên ông ta không thể trải nghiệm vị giác sâu bên trong mình. Có những người mù hoặc mù màu - thực tế, cứ mười hai người thì có một người mù màu: người đó có thể nhìn thấy mọi thứ khác, nhưng không thể nhìn thấy một màu cụ thể.
Ví vụ, Bernard Shaw không thể phân biệt màu vàng và màu xanh. Ông ấy bị mù màu vàng, cho nên trong những trải nghiệm bên trong, ông chưa bao giờ có thể nhìn thấy màu vàng. Không có ngăn chứa màu vàng bên trong ông; không có màu vàng thực chất. Ông ấy chưa bao giờ nhìn thấy nó, cho nên với ông nó không tồn tại.
Chúng ta không nhìn thấy mọi màu. Bảy màu chúng ta có thể nhìn thấy không phải là tất cả màu sắc có trong tồn tại - ngoài bảy màu này ra chúng ta bị mù màu. Bên dưới và bên trên bảy màu này là dải vô hạn các màu. Chúng ta đã không nhìn thấy chúng cho nên chúng ta sẽ không trải nghiệm chúng trong hành trình nội tại của chúng ta. Tất cả những điều được cảm nhận hoặc được trải nghiệm là những gì chúng ta đã lưu giữ bên trong chúng ta, chúng là của thế giới bên ngoài.
Nếu người nhạc sĩ vào thiền thì họ sẽ trải nghiệm âm thanh mà không người nhạc sĩ nào có thể biết. Người họa sĩ sẽ trải nghiệm những màu sắc mà không người họa sĩ nào có thể biết. Nếu một người nào đó như Van Gogh vào thiền thì chúng ta không thể hình dung về màu sắc mà người đó sẽ nhìn thấy hoặc những phối màu mới mà người đó biết.
Cũng tương tự như vậy, cá nhân này khác với cá nhân khác. Chỉ một điều duy nhất chắc chắn: khi bạn chìm sâu vào con đường nội tại của bạn thì nhiều điều sẽ bắt đầu xuất hiện. Bạn sẽ trải nghiệm những màu sắc, những âm thanh, mùi vị mà chúng là những trải nghiệm được lưu giữ. Toàn bộ bọ não là kho lưu trữ và mọi tế bào là những gói trải nghiệm sẵn sàng bùng nổ. Hãy đi vào trong, chạm vào nguồn và nó sẽ bùng nổ.
Những trải nghiệm này là rất ý nghĩa, chúng cho thấy bạn đang di chuyển vào trong nhiều như thế nào. Nhưng vì cảm nhận rằng bạn đã trải nghiệm rất tuyệt nên tâm trí sẽ khát khao bám vào nó. Bạn sẽ muốn điều đó lặp lại và đó sẽ là rào cản đối với quá trình phía trước.
Trạng thái của tâm trí là đạt tới nơi không có trải nghiệm. Đúng hơn là nói trạng thái của tâm trí mà nó không có những trải nghiệm. Bạn có thể nói trạng thái của tâm trí mà trong trạng thái đó con người trải nghiệm cái không. Chính trải nghiệm là rào cản cuối cùng. Con người phải đạt tới nơi họ vốn là vậy, và không còn trải nghiệm.
Chỉ khi trải nghiệm dừng thì tính đối ngẫu mới dừng. Khi bạn đang trải nghiệm một điều gì đó thì tính đối ngẫu vẫn còn đó. Bạn ở đó cho nên trải nghiệm có đó - một cái gì đó bên trong vẫn còn. Thậm chí nếu bạn trải nghiệm là một với thế gian thì trải nghiệm này cũng là một phần của tính đối ngẫu.
Khi thiền đạt tới sự nở hoa toàn bộ thì sẽ không có trải nghiệm nào. Bạn sẽ là bạn, và chỉ con người bạn là sự trải nghiệm. Không có gì tồn tại - chỉ con người bạn, chỉ sự tồn tại của bạn. Và khi không có trải nghiệm thì người trải nghiệm bùng nổ. Người đó có thể tồn tại chỉ trong sự đối nghịch với trải nghiệm nào đó. Khi không có khách thể thì chủ thể tự bùng nổ - không chủ thể, không khách thể.
Thề rồi đó là sự đạt được tồn tại. Chỉ khi đó bạn mới có thể nói Thượng đế tồn tại. Bạn không tồn tại và thế gian cũng không tồn tại. Thượng đế tồn tại! Chính cái đó là Thượng đế.
Nhưng những trải nghiệm đó sẽ xuất hiện. Chúng không có ý nghĩa nhưng chúng sẽ xuất hiện.
Câu hỏi 3: Tôi đã cố gắng thiền trong thời gian dài nhưng tôi không thu được kết quả rõ ràng nào. Có gì sai với tôi chăng?
Có thể có nhiều lý do. Có thể rằng phương pháp thiền mà bạn đang sử dụng là sai hoặc cách mà bạn đang thực hành là sai. Hoặc có thể không phải phương pháp hoặc cách mà bạn đang thực hành là sai, mà chính khát khao vô thức phía sau phương pháp mới là sai. Vậy thì vô thức phải bị thay đổi.
Nếu bạn đã sử dụng phương pháp trong nhiều năm và chỉ thu được những kết quả hời hợt thì hãy thay đổi nó. Có rất nhiều phương pháp thiền mà con người lại bám vào chỉ một phương pháp. Có thể không có gì sai với phương pháp, nhưng với bạn có thể nó là sai.
Cho nên hãy thay đổi phương pháp. Thay đổi luôn là điều có ích. Nếu con người trở nên quen thuộc với phương pháp thì những trải nghiệm mà người đó đã trải qua sẽ là hời hợt. Khi không có gì mới xuất hiện nhưng bạn vẫn tiếp tục lặp lại phương pháp như là thói quen, thì bạn sẽ không bao giờ đạt được điều gì thông qua nó; không thể đạt được điều gì có ý nghĩa. Phương pháp thiền Động của tôi là như vậy, nó không bao giờ trở thành thói quen. Nó rất lộn xộn và náo loạn đến mức bạn không bao giờ có thể tạo ra thói quen từ nó. Các phương pháp có hệ thống kỷ luật và trật tự phía sau chúng thì luôn trở thành thói quen. Bạn phải sử dụng phương pháp hỗn loạn sao cho bạn không bao giờ ổn định với nó. Vậy thì nó luôn giữ nguyên mới với một cái gì đó mới phải đối mặt hàng ngày.
Phương pháp mà tôi đã nói với bạn, thiền Động, sẽ có ích cho bạn bởi vì nó là hỗn loạn. Không phương pháp kỷ luật nào có thể có ích đối với tâm trí hiện đại, bởi vì tâm trí hiện đại cơ bản dựa trên sự hỗn loạn, nó thay đổi không ngừng.
Tâm trí cũ là tâm trí cố định, không thay đổi. Con người luôn ổn định. Hai thế kỷ vừa qua,  con người sinh ra là Cơ đốc thì cũng chết là Cơ đốco. Ngày nay không phải như vậy - người sinh ra là Cơ đốc có thể chết là Hindu. Mọi thứ luôn luôn thay đổi. Tâm trí trẻ thơ của con người là một vấn đề, tâm trí của họ thời tuổi trẻ lại là một cái gì đó khác. Vào một ngày họ có thể là kẻ vô thần, chống lại tôn giáo, và vào những ngày sau đó có thể họ lên đỉnh Himalaya để thiền.
Tâm trí ngày nay không cố định; nó là hỗn loạn. Cho nên tất cả những phương pháp cũ cho những tâm trí cố định là lỗi thời. Đối với tâm trí hỗn loạn thì phương pháp hỗn loạn là cần thiết; chỉ khi đó bạn mới có thể vào những địa hạt sâu sắc hơn; nếu không, các kết quả buộc phải là hời hợt. Một lúc nào đó, khi bạn ổn định với kỹ thuật thì bạn sẽ trở nên chán nản với nó, và nếu bạn tiếp tục kéo dài thực hành thì đó sẽ là tự sát. Đừng tiếp tục thực hành phương pháp không hiệu quả với bạn. Phương pháp là cho bạn mà không phải bạn vì phương pháp. Nếu có một cái gì đó không tác dụng với bạn thì hãy thay đổi nó.
Hãy thực hành thiền Động và nhận biết thở. Trong thời gian rất ngắn bạn sẽ cảm nhận sự thay đổi đang xuất hiện bên trong bạn. Nhưng bạn cần phương pháp hỗn loạn - phương pháp đó sẽ không trở thành thói quen.  








No comments:

Post a Comment