April 28, 2013

Hoàng Oanh - Nhà văn Anh George Orwell: Lạc đàn chuyên nghiệp


Bài trên báo Anh ninh thế giới cuối tháng, ba tác phẩm được nhắc tới ở đây: Trại súc vật, 1984, Tưởng niệm Catalonia đều có trên phamnguyentruong.blogspot.com - P.N.T.

George Orwell, tên thật là Eric Arthur Blair, chỉ sống được tới tuổi 46 nhưng đã để lại rất nhiều những xét đoán khác biệt tới trái ngược nhau về nhân sinh quan và góc nhìn chính trị của ông. Được biết tới với tư cách một trong những tiểu thuyết gia nổi bật  trên “hòn đảo sương mù” thế kỷ XX, các tác phẩm của ông không phải ở đâu cũng được đón nhận thuận chiều.

Đặc biệt, tiểu thuyết “Trại gia súc” của George Orwell từ nhiều năm nay đã bị đánh giá như một tác phẩm hết sức sai trái về chủ nghĩa xã hội, bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này. Mặc dù tiểu thuyết này được tạp chí Time xếp vào danh sách 100 cuốn sách hay nhất bằng tiếng Anh ở thế kỷ XX nhưng với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành “Trại súc vật” (dưới tựa đề “Chuyện ở nông trại”) đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận.


Ở đâu cũng lạ

Eric Arthur Blair sinh ngày 25/6/1903 tại Motihari, Bengal (tên hiện nay là Bihar) khi Ấn Độ còn là thuộc địa của đế chế Anh. Cha ông khi đó là nhân viên của Ty Nha phiến, thuộc Sở Dân sự. Ông là người con thứ hai trong nhà. Mẹ ông xuất thân trong một gia đình lái buôn chè.

Năm lên 1 tuổi, mẹ nhà văn tương lai đã đưa cậu cùng cô chị cả về chính quốc. 5 tuổi, Blair đã được gửi vào một trường nhỏ thuộc giáo phái Anh tại Henley-on-Thames, nơi người chị gái cũng từng theo học. Có lẽ là nhà văn tương lai đã học ở đó không tồi nên chỉ 2 năm sau, đã được tiến cử đến hiệu trưởng của một trong những trường dự bị thành công nhất ở Anh vào thời đó (đó là Trường St. Cyprian’s School, Eastbourne, Sussex).

Tại đó, Blair được chu cấp một nửa học bổng (phần còn lại do cha mẹ thanh toán). Những kết quả học tập không tồi đã giúp cho Blair mặc dù không nhận được nhiều trợ giúp tài chính từ phía gia đình vẫn tốt nghiệp được trung học ở những trường chất lượng cao vốn chỉ dành cho con nhà khá giả. Cũng phải nói rằng, ngay từ nhỏ, nhà văn tương lai đã nuôi trong lòng mình một mối ác cảm sâu sắc đối với hệ thống giai cấp ở Anh.

Năm 1922, do không có đủ tiền vào học đại học và cũng không đủ năng lực để giành lấy một suất học bổng mới của nhà nước, Blair đã gia nhập Indian Imperial Police, phục vụ tại Katha và Moulmein ở Burma. Những điều tai nghe mắt thấy ở vùng thuộc địa Nam Á này đã khiến cho ông cảm thấy chán ghét chủ nghĩa đế quốc.

Quay trở lại “hòn đảo sương mù” vào mùa hè năm 1927, Blair đã từ bỏ cuộc đời công chức để dồn sức vào phấn đấu trở thành một nhà văn. Phải nói rằng, Blair ngay từ lúc lên 6 tuổi đã mê sáng tác và những bài viết đầu tiên của cậu đã được các ấn phẩm trong trường học công bố. Năm 11 tuổi, một tờ báo đã in một bài thơ ái quốc của Blair. Từ năm 1923, Blair đã bắt đầu công bố những “sáng tác người lớn” của mình.

Từ năm 1927, Blair đã lăn lộn với các tầng lớp dưới, tìm hiểu những cảnh đời ngang trái và lầm than ở cả Anh lẫn Pháp. Tâm hồn quá nhạy cảm của ông đã khiến ông cảm thấy như lạc loài ngay ở trên chính tổ quốc mình. Từ năm 1935, ông bắt đầu sử dụng bút danh George Orwell vì nhà văn trẻ không muốn cha mẹ biết về những trải nghiệm bần cùng của mình khi viết nên những tác phẩm đầy chi tiết cần lao.

Tháng 12/1936, Orwell đã sang Tây Ban Nha với tư cách phóng viên chiến trường. Và ông đã gia nhập hàng ngũ những người bảo vệ nền Cộng hòa chống lại cuộc nổi loạn của lực lượng phát xít do Francisco Franco cầm đầu. Ông đã gia nhập nhóm đảng Lao động Độc lập, một tập hợp chừng 25 người Anh, liên kết với lực lượng dân quân của đảng Công nhân Liên minh Macxit (POUM - Partido Obrero de Unificación Marxista), một đảng chính trị cộng sản ở Tây Ban Nha.

Về giai đoạn sống và chiến đấu ở Tây Ban Nha, Orwell đã viết tiểu thuyết tư liệu Kỷ niệm Catalonia (1936) và Ký ức chiến tranh ở Tây Ban Nha (1943, được in trọn vẹn vào năm 1953).

Chính trong giai đoạn ở xứ sở đấu bò tót, Orwell đã chứng kiến tận mắt những đổ vỡ do tư tưởng bè phái gây nên cho phong trào cánh tả ở Tây Ban Nha lúc đó. Và chính trong hoàn cảnh đó, Orwell đã găm lại trong lòng mình những ấn tượng tiêu cực về mô hình xã hội đang được xây dựng ở Liên Xô lúc đó.

Không phải ngẫu nhiên mà cánh tả đã không nồng nhiệt đón nhận tiểu thuyết Kỷ niệm Catalonia của Orwell vì họ cho rằng, nhà văn không đánh giá đúng được vai trò của những người cộng sản trong chiến tranh ở Tây Ban Nha. Khi Orwell còn sống, Kỷ niệm Catalonia chỉ bán được khoảng 50 cuốn một năm.

Trên chiến trường Tây Ban Nha, Orwell đã suýt mất mạng (chỗ này, theo mình, người viết có vẻ nhẫn tâm, nên viết là suýt chết, hay suýt hi sinh – P.N.T) vì bị đạn bắn xuyên qua cổ . Vết thương này tuy ảnh hưởng xấu đến giọng nói của ông nhưng đã không cướp đi được mạng sống của nhà văn. Cũng vì ông bị thương nên gia đình ông đã rời Tây Ban Nha sang Morocco sống sáu tháng để ông có điều kiện hồi phục sức khỏe.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Orwell mặc dù tuyên bố rằng, chính thể ở Anh còn tồi tệ hơn ở nước Đức phát xít nhưng vẫn xung phong ra mặt trận. Tuy nhiên, ông đã bị từ chối vì vết thương trong chiến tranh Tây Ban Nha và những triệu chứng mắc bệnh lao. Và trong lúc ở hậu phương, làm phóng viên trên Đài Phát thanh BBC, dẫn các chương trình chống phát xít, ông đã sáng tác tác phẩm thể hiện những suy tư chủ quan và đầy định kiến của mình về chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là Trại súc vật (trong giai đoạn từ tháng 11/1943 tới 2/1944).
Tiểu thuyết này mang tính ám chỉ rõ nét đối với Liên Xô, đến mức sau khi được hoàn thành, đã bị từ chối in cả ở Anh lẫn Mỹ. Và phải tới năm 1945, Trại súc vật mới được công bố và đã trở thành “vũ khí” của những lực lượng chống Cộng ở phương Tây để chống lại hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế.

Năm 1945, Orwell đã bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết phản - không tưởng nổi tiếng nhất của mình Năm 1984. Trong tác phẩm này, ông thể hiện nỗi lo lắng về một tương lai mà nhân loại sẽ phải sống trong một xã hội khắc nghiệt với những nỗi lo sợ bị theo dõi kinh niên. Tháng 6/1949, tiểu thuyết này được in. Đến nay, nó đã được dịch ra hơn 60 thứ tiếng.

Chết vẫn còn chuyện

Ngày 21/1/1950 tại bệnh viện của Trường Đại học Tổng hợp London, Orwell đã mất vì bệnh lao. Trong 3 năm cuối đời mình, ông đã phải vào viện nhiều lần. Trước khi mất, ông yêu cầu được chôn cất theo nghi lễ Anh giáo, nên ông được mai táng ở khu nghĩa địa nhà thờ All Saints tại Sutton Counttenay với dòng chữ đơn giản ghi trên mộ chí: “Nơi đây yên nghỉ Eric Arthur Blair”.

Ông muốn được chôn cất ở bất kỳ nghĩa địa nhà thờ nào gần nhất nơi ông mất, nhưng khi đó nghĩa địa ở trung tâm London không còn khoảnh nào trống cho ông. Lo ngại rằng xác ông có thể phải đem đi hỏa thiêu, trái với ước muốn của người quá cố, vợ ông nhờ bạn bè của ông tìm giúp một nhà thờ có nghĩa địa còn chỗ. Bạn của ông là David Astor, sống tại Sutton Courtenay, thỏa thuận với cha xứ cho phép chôn cất ông tại đây, dù rằng ông không có mối liên hệ nào với làng này cả.

George Orwell chỉ có một người con trai tên là Richard, được nuôi dưỡng bởi một người chú sau khi cha qua đời. Người con sống một cuộc sống bình lặng, dù rằng thỉnh thoảng cũng được trả lời phỏng vấn về vài kỷ niệm mà ông còn lưu giữ được về người cha. Richard Blair trong nhiều năm là nhân viên nông nghiệp cho chính phủ Anh.

Orwell được đánh giá như một nhà văn mang nhiều mâu thuẫn trong mình, một người theo chủ nghĩa cá nhân và tuyệt đối chính trị. Những quan niệm xã hội của ông rối lẫn đến mức cả cánh tả lẫn cánh hữu đều sử dụng trong các cuộc tranh luận để tìm lợi thế cho mình.

Có một điều là, mặc dù Orwell đã không có thiện chí đối với Liên Xô nhưng khi ông còn sống, cơ quan an ninh Anh vẫn nghi ngờ ông có các mối quan hệ gần gụi với những người cộng sản. Theo những tài liệu được giải mật năm 2007 của chính phủ Anh, MI-5 từ năm 1929 đã lập hồ sơ theo dõi Orwell và duy trì nó cho tới khi ông gần qua đời.

Trong một báo cáo ghi ngày 20/1/1942, Trung sĩ mật vụ Sgt. Ewing đã nhận xét về Orwell như sau: “Con người này có những tư tưởng cộng sản rõ rệt và một số người bạn Ấn Độ của ông ta nói rằng, họ thường thấy ông ta trong các cuộc họp của các đảng viên cộng sản. Ông ta ăn vận rất trịnh trọng cả khi làm việc lẫn khi ở nhà…”. Cũng theo hồ sơ của cơ quan an ninh Anh, Orwell quả thực đã có mặt trong các cuộc họp như thế và đã được đánh giá như một người có cảm tình với Đảng Cộng sản.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tư liệu, năm 1949, Orwell đã chuyển tới Trung tâm Nghiên cứu Thông tin của Bộ Ngoại giao Anh một danh sách những nhân vật mà nhà văn cho là “có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản”. Thông tin này đã được tiết lộ năm 1998 và hành vi mang tính chỉ điểm trên của Orwell đã gây nên những tranh luận gay gắt...http://antgct.cand.com.vn/Images/reddot.gif

1 comment:

  1. "Những quan niệm xã hội của ông rối lẫn đến mức cả cánh tả lẫn cánh hữu đều sử dụng trong các cuộc tranh luận để tìm lợi thế cho mình."

    Cháu nhận thấy những con người mang tầm ảnh hưởng sâu sắc thường có nhiều chiều kích và rất tinh tế, vì vậy, tác giả viết là "rối lẫn" như trên là không hợp lý, nên viết "đa chiều". "Hữu" quá cũng chết, ví dụ như nền kinh tế tân tự do trong bao năm qua đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế đau buồn hôm nay, mà "tả" quá như kinh tế kế hoạch hóa tập trung như Liên Xô, như VN trước 1986 cũng chết, nhưng chọn một mức độ nào đó hợp lý giữa "tả" và "hữu" để xã hội phát triển bền vững thì chẳng dễ làm.

    Ở VN, con người đa chiều như Orwell (chỉ xét về khía cạnh con người), có lẽ có Phạm Xuân Ẩn, tướng tình báo, được cả hai bên, đối thủ và người mình, cùng tôn trọng và cùng dè chừng. Con người đa chiều ảnh hưởng nhất phương Tây gần đây có lẽ có ông Karl Marx, được cả phe tả lẫn phe hữu khai thác và dành cho những lời đánh giá trân trọng, và cũng không thiếu những lời chửi rủa. Di sản của những con người đa chiều có lẽ sống lâu vì nó tinh tế và phản ảnh đúng bản chất con người - vừa là thiên thần vừa là quỷ dữ.

    Chúc chú khỏe nhân ngày Thống nhất đất nước.

    ReplyDelete