June 26, 2011

George Orwell – 1984 (kì 1)


 Kỉ niệm 108 năm ngày sinh George Orwell (25.06.1903 – 25.06.2008)

Phần I

I.

Đấy là một ngày tháng tư, trời quang mây tạnh, khá lạnh, đồng hồ điểm mười ba tiếng. Cằm thu vào tận ngực để tránh cơn gió rét cắt da, Winston Smith vội vã chui tọt qua cánh cửa kính khu chung cư Chiến Thắng, thế mà vẫn không ngăn được đám bụi cát cuộn vào theo.

Tiền sảnh sặc mùi bắp cải luộc và mùi thảm cũ, mốc meo. Trên tường, đối diện ngay lối vào là một bức tranh to, nhiều màu; phải nói là quá to so với căn phòng. Đấy là bức vẽ một khuôn mặt rộng hơn một mét, khuôn mặt một người đàn ông tuổi chừng bốn lăm, râu rậm, thô, có sức lôi cuốn. Winston bước về phía cầu thang. Thử thang máy làm gì cho phí công. Ngay cả những lúc thuận lợi nhất nó cũng ít khi làm việc, còn lúc này lại giữa ban ngày, tất nhiên điện đã bị cúp rồi. Đây là một phần của phong trào tiết kiệm vì người ta đang chuẩn bị cho tuần lễ Hận Thù. Winston phải leo lên bảy tầng lầu, anh ta đã sang tuổi bốn mươi lại bị loét do giãn tĩnh mạch bên trên mắt cá chân nên đi rất chậm, phải dừng lại nghỉ mấy lần. Trên tường đối diện với mỗi chiếu nghỉ lại có một bức vẽ khuôn mặt người đàn ông nọ. Các bức tranh đều được vẽ rất khéo, đứng ở đâu ta cũng thấy đôi mắt người trong tranh đang nhìn chằm chằm vào mình. ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN - dưới mỗi bức tranh đều có hàng chữ như thế.

Trong phòng một giọng du dương đang nói về việc sản xuất gang, có dẫn cả các số liệu. Tiếng nói phát ra từ một tấm kim loại gắn chặt vào bức tường bên phải, trông như một chiếc gương mờ. Winston vặn núm loa, tiếng nói có nhỏ đi, nhưng vẫn rõ. Cái máy này (gọi là màn vô tuyến) có thể điều chỉnh cho nhỏ đi nhưng không thể nào tắt hẳn được. Winston đi về phía cửa sổ; vốn đã gầy lại mặc đảng phục nên trông anh càng có vẻ ốm o hơn. Tóc anh màu sáng, khuôn mặt ửng đỏ đẩy vảy tróc do xà phòng kém chất lượng, do dao cạo cùn và vì mùa đông hanh khô vừa kết thúc. 

Bên ngoài trời còn lạnh lắm. Khắp nơi, bụi và giấy vụn bị gió cuốn thành những vòng xoáy bay tứ tung trên mặt đất và mặc dù có nắng, bầu trời rất xanh nhưng bao trùm lên tất cả, nếu không kể những tấm biểu ngữ, vẫn là một màu xám chán ngắt. Góc phố nào cũng có tranh vẽ khuôn mặt người đàn ông rậm râu nọ. Bức tường căn nhà đối diện cũng có. ANH CẢ ĐANG QUAN SÁT BẠN - hàng chữ bên dưới ghi như thế và đôi mắt đen của ông ta đang nhìm chằm chằm vào Winston. Phía dưới bức tranh, vắt ngang qua phố là một biểu ngữ đã bị đứt một góc, bay phất phơ trước gió, chữ CHUANH ghi trên đó đôi lúc bị cái góc rách che không thể nhìn rõ được. Phía xa, một chiếc trực thăng đang luồn lách giữa các mái nhà, có lúc trông nó như treo nguyên một chỗ hệt như một con nhặng xanh, sau đó nó bỗng bay vút theo một đường cong và biến mất. Đấy là máy bay cảnh sát, họ tuần tra bằng cách nhìn qua cửa sổ nhà dân. Nhưng tuần tra thì không đáng ngại. Đáng ngại là Cảnh Sát Tư Tưởng cơ.

Sau lưng Winston màn vô tuyến vẫn tiếp tục câu chuyện về luyện gang và việc hoàn thành kế hoạch ba năm lần thứ chín. Màn vô tuyến còn làm việc thu và phát nữa. Chỉ cần Winston nói, nếu không quá nhỏ như kiểu thì thầm, thì màn vô tuyến sẽ thu và truyền đi ngay lập tức, hơn nữa nếu đứng trong vùng quan sát của màn vô tuyến thì anh không chỉ bị nghe lén mà còn bị nhìn trộm nữa. Tất nhiên không ai biết là có thật sự bị theo dõi hay không. Cảnh Sát Tư Tưởng theo dõi thường xuyên hay theo thời gian biểu nào thì không ai rõ, chỉ có thể đoán mò mà thôi. Không loại trừ khả năng là họ theo dõi tất cả mọi người suốt ngày đêm. Không ai dám chắc, nhưng chắc chắn là họ có thể theo dõi bất kì ai vào bất kì lúc nào họ muốn. Người ta buộc phải sống, mà quả thật họ đã sống, theo thói quen đã trở thành bản năng rằng lời nói nào cũng có thể bị nghe lén và khi còn ánh sáng thì hành động nào cũng có thể bị theo dõi.

Winston quay lưng lại phía màn vô tuyến. Thế an toàn hơn, dù anh biết rằng chỉ cần nhìn lưng người ta cũng có thể phát hiện được khối thứ. Bên ngoài cửa sổ, cách đây khoảng một cây số lừng lững một toà nhà màu trắng nổi lên giữa khung cảnh xám ngoét của thành phố, đấy là toà nhà Bộ Sự Thật, nơi anh làm việc. London, thành phố quan trọng nhất của Đường Bay I, thành phố đông dân thứ ba của Oceania trông như thế đấy, ý nghĩ pha chút khinh bỉ mơ hồ vụt lướt qua đầu Winston. Anh cố nhớ lại thời niên thiếu, lúc đó London cũng như thế này ư? Lúc nào cũng là những ngôi nhà có từ thế kỉ XIX cũ nát, phải chống bằng cột gỗ, cửa sổ táp giấy các tông, mái lợp tôn sóng và tường những khu vườn thì nghiêng ngả như say rượu như thế này ư? Lúc nào cũng có những hố bom đầy bụi vữa với những cây liễu đang cố vươn mình lên khỏi đám xà bần và những khoảng trống do bom phát quang, trên đó là những dãy nhà gỗ trông như chuồng gà thế kia ư? Nhưng hoá ra vô ích, anh chẳng thể nhớ được gì, ngoài những tấm áp-phích sáng nhấp nháy trên nền không màu và thường là rất khó hiểu.

Bộ Sự Thật, nói theo Ngômo [1] là Bôta trông khác hẳn những ngôi nhà xung quanh. Đấy là một cấu trúc hình kim tự tháp bằng bê tông trắng toát, tầng tầng lớp lớp, cao đến trên ba trăm mét. Từ đây có thể trông thấy ba khẩu hiệu của Đảng được kẻ rất rõ và đẹp ngay trên mặt tiền tòa nhà:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH

Người ta đồn rằng Bộ Sự Thật có ba ngàn phòng ở bên trên và những chi nhánh tương ứng ở dưới mặt đất nữa. Ở London còn có ba toà nhà tương tự về hình dáng và kích thước như thế. Chúng cao hơn hẳn các toà nhà xung quanh nên từ nóc chung cư Chiến Thắng có thể trông thấy cả bốn cái. Đấy là tổng hành dinh của bốn Bộ, bộ máy của chính phủ nằm trong bốn toà nhà này. Bộ Sự Thật theo dõi lĩnh vực tin tức, giải trí, giáo dục và nghệ thuật. Bộ Hòa Bình theo dõi lĩnh vực chiến tranh. Bộ Tình Yêu theo dõi lĩnh vực trật tự và luật pháp. Bộ Ấm No theo dõi lĩnh vực kinh tế. Theo Ngômo thì đấy là các Bộ: Bôta, Bôbi, Bôti và Bôno.

Ngôi nhà Bộ Tình Yêu trông rất khiếp, không hề có một cửa sổ nào. Nói cho ngay thì Winston chưa vào bên trong bao giờ, thậm chí anh chưa từng đến gần quá nửa cây số. Chỉ được vào đấy khi có việc, mà phải đi theo những lối ngoằn ngoèo, xung quanh rào kẽm gai, phải vượt qua nhiều cánh cửa thép và những ụ súng máy bí mật nữa. Ngay trên những con phố dẫn đến hàng rào bên ngoài đã có những người bảo vệ đồng phục đen, mặt đằng đằng sát khí tay lăm lăm dùi cui đứng gác rồi.

Winston quay người lại. Nét mặt anh vụt trở nên tươi tỉnh, ai cũng phải giả vờ thế khi đứng trước màn vô tuyến, anh đi về phía gian bếp nhỏ ở đầu kia của căn hộ. Ra khỏi Bộ vào giờ này là mất bữa ăn trưa, ở nhà chỉ còn một lát bánh mì đen khô, nhưng phải để dành đến sáng mai. Anh lấy từ trên chạn bát xuống một chai nước không màu có dán nhãn trắng: RƯỢU GIN CHIẾN THẮNG. Lọai rượu này có mùi hôi hôi khó chịu y như mùi rượu gạo của Tàu. Winston rót đầy một li và lấy hết can đảm dốc vào miệng như uống thuốc.

Mặt anh lập tức ửng đỏ, mấy giọt nước mắt trào ra. Chua không khác gì axit nitric, hơn nữa khi nuốt còn có cảm giác như bị nện dùi cui vào lưng. Nhưng cơn xót trong dạ dày cũng mau qua và mọi vật bỗng như sống động hơn, vui hơn. Anh cầm bao thuốc lá Chiến Thắng nhàu nát để rút lấy một điếu, nhưng do không chú ý nên đã dốc điếu thuốc xuống và thế là tất cả thuốc đều rơi ra ngoài. Điếu thứ hai anh giữ cẩn thận hơn. Anh quay lại phòng khách và ngồi xuống bên cạnh cái bàn phía trái màn vô tuyến. Anh lấy từ ngăn kéo ra cái quản bút, lọ mực, cuốn sổ dày gáy đỏ, bìa màu cẩm thạch.

Không hiểu vì sao cái màn vô tuyến lại được lắp ở một chỗ ấy. Thường thì nó được lắp ở phía cuối để có thể quan sát khắp phòng, nhưng cái này lại lắp trên bức tường dài, đối diện với cửa sổ. Winston ngồi vào cái chỗ xây thụt ở gần góc phòng, chắc người ta định đặt kệ sách ở đó, chỗ này nằm phía bên màn vô tuyến. Ngồi ở đó, lại ngả hẳn về phía sau thì màn vô tuyến chịu. Nghe trộm thì có thể, nhưng nếu anh cứ ngồi ở đó thì họ không thể nào trông thấy được. Có lẽ một phần do cách bố trí căn phòng hơi bất bình thường như thế mà anh nảy ra ý định làm cái công việc anh sắp làm đây.

Nhưng còn do cuốn sổ nữa. Cuốn sổ đẹp quá. Giấy mịn, đã ngả vàng vì năm tháng, loại giấy này phải được sản xuất ít nhất là bốn chục năm về trước. Nhưng anh cho rằng có thể trước nữa. Anh nhìn thấy nó trên quầy một cửa hàng đồng nát trong một khu ổ chuột (cụ thể khu nào thì anh không nhớ) và lập tức nảy ra ý định phải mua bằng được. Đảng viên không được vào các cửa hàng bình thường (buôn bán trên thị trường tự do, người ta vẫn gọi thế), nhưng nguyên tắc này không được tuân thủ tuyệt đối vì nhiều thứ như dây giày hay dao cạo râu chỉ có thể mua bằng cách này mà thôi. Anh vội đảo mắt nhìn quanh rồi chui ngay vào cửa hàng và mua cuốn sổ giá hai đô la rưỡi. Lúc đó anh cũng không biết sẽ dùng cuốn sổ vào việc gì. Anh đút nó vào cặp và vội lủi về nhà. Dù không có chữ nào, cuốn sổ cũng là bằng chứng tố cáo chính chủ nhân của nó.

Việc đầu tiên anh sẽ làm là bắt đầu ghi nhật kí. Đấy không phải là một hành động phạm pháp (không có việc gì phạm pháp vì đã không còn luật pháp nữa), nhưng nều bị phát hiện thì có thể bị tử hình hoặc ít nhất cũng hai mươi lăm năm khổ sai. Winston lắp ngòi bút và liếm lớp mỡ chống gỉ đi. Bút là một công cụ cổ xưa, ít được sử dụng ngay cả để kí, mua nó không phải dễ, lại phải lén lút nữa, nhưng anh vẫn cố mua bằng được, đơn giản chỉ vì anh nghĩ rằng đối với những tờ giấy mịn như thế thì phải dùng bút mực chứ không thể là bút chì hoá học được. Nói cho ngay, anh không quen viết bằng tay. Anh chỉ viết những mẩu ghi chú ngắn, ngoài ra anh thường đọc cho máy ghi, nhưng cách đó dĩ nhiên là không thể dùng được cho mục đích này. Anh ấn ngòi bút vào lọ mực nhưng lại lưỡng lự trong giây lát. Một cơn rùng mình nhẹ chạy khắp khoang bụng. Chỉ cần chạm ngòi bút vào giấy là xong, không thể nào quay lại được nữa. Anh bắt đầu viết bằng những chữ nhỏ tí, ngả nghiêng:

Ngày 4 tháng tư năm 1984.

Anh khẽ ngả người ra sau. Cảm giác bất lực bao trùm khắp cơ thể. Trước hết anh không biết năm nay có đúng là năm 1984 hay không. Không nghi ngờ gì rằng con số gần đúng như thế vì anh biết chắc tuổi của mình là ba chín, mà anh sinh khoảng năm 1944 hay 1945, nhưng bây giờ thì chẳng có cách nào xác định được chính xác, sai số phải khoảng một hai năm.

Anh bỗng tự hỏi: ta đang viết nhật kí cho ai đây? Cho tương lai, cho người chưa ra đời. Tâm trí anh treo bên trên cái ngày tháng đáng ngờ được ghi trên tờ giấy và bất ngờ đụng phải từ nướcđôi của Ngômo. Đây cũng là lần đầu tiên anh nhận thức được mức độ nghiêm trọng của công việc mà anh đã khởi sự. Làm sao có thể giao thiệp với tương lai? Thực chất là không thể được. Tương lai hoặc là sẽ giống như hiện tại, sẽ chẳng ai thèm nghe; hoặc là tương lai sẽ khác hiện tại và nếu thế hoàn cảnh của anh sẽ chẳng còn ý nghĩa gì với họ.

Anh ngồi yên lặng ngắm tờ giấy một lúc. Vô tuyến chuyển sang phát nhạc hành khúc. Có điều lạ là anh cảm thấy không những không có khả năng viết ra ý nghĩ của mình mà còn quên không biết mình đang định nói gì nữa. Anh đã chuẩn bị cho ngày hôm nay suốt mấy tuần lễ liền và anh không ngờ rằng chỉ lòng dũng cảm không chưa đủ. Viết thì có gì khó. Chỉ cần ghi ra giấy những cuộc độc thoại không ngừng diễn ra trong đầu anh hết năm này qua tháng khác. Nhưng lúc này những cuộc độc thoại bỗng ngừng bặt. Còn chỗ loét do giãn tĩnh mạch thì ngứa không chịu được. Anh không dám gãi vì nếu gãi thì sẽ bị viêm ngay. Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ vẫn điểm đều đều. Trong tâm trí anh chỉ còn một tờ giấy trắng nằm trước mặt, cơn ngứa phía bên trên mắt cá chân, tiếng nhạc ồn ào và cảm giác lâng lâng do li rượu vừa mới uống gây ra mà thôi.
Rồi bất ngờ anh viết - đơn giản là do sợ, anh cũng không biết mình viết gì nữa. Anh viết những hàng chữ khi lên khi xuống như trẻ con, lúc đầu quên viết hoa rồi sau quên luôn cả đánh dấu chấm câu.
Ngày 4 tháng tư năm 1984. Hôm qua đi xem phim. Toàn phim chiến đấu. Một phim hay, một chiếc tàu thuỷ đầy người tị nạn ở Địa Trung Hải bị ném bom. Cả khán phòng thích chí khi xem cảnh một gã đàn ông to lớn đang bơi, trong khi một chiếc trực thăng đuổi theo sau, đầu tiên thấy gã lặn hụp như cá heo, sau đó thấy gã qua ống ngắm từ trên máy bay, sau đó gã bị bắn thủng lỗ chỗ như mặt sàng, mặt biển bỗng biến thành màu hồng, gã chìm nhanh y như nước bị hút qua các lỗ thủng trên người vậy. khi gã chìm đến đáy thì cả khán phòng phá lên cười. Sau đó là một cái xuồng đầy trẻ con, bên trên lại một chiếc trực thăng nữa. trên mũi xuồng là một người phụ nữ trung niên, có lẽ là Do Thái, tay bế một đứa nhỏ chừng ba tuổi. Đứa nhỏ gào lên vì sợ, đầu cứ dúi vào ngực mẹ còn bà ta thì vừa vỗ về vừa lấy tay che cho con mặc dù chính bà ta cũng sợ, mặt xanh như tầu lá. bà ta lấy tay che cho con, làm như có thể ngăn được đạn không bằng. sau đó cái trực thăng ném xuống một quả bom loại hai mươi cân tiếng nổ kinh hoàng và cái thuyền tan ra thành từng mảnh vụn. sau đó là một cảnh tuyệt vời một cánh tay trẻ con bay lên, vọt thẳng lên trời chắc là người ta quay từ mũi chiếc trực thăng và những tiếng vỗ tay ồn ào vang lên từ những hàng ghế dành riêng cho đảng viên nhưng từ chỗ dành cho bọn cu li thì có một phụ bỗng gào lên, bà ta bảo không được chiếu những cảnh đó cho trẻ con xem và cứ thế cho đến khi cảnh sát phải lôi phải lôi bà ta ra chắc là họ chẳng làm gì đâu bọn cu li thì chấp làm gì phản ứng của chúng vẫn thế ai thèm quan tâm…

Winston ngừng viết, môt phần vì tay bị tê. Anh cũng không hiểu vì sao lại viết ra chuyện nhảm nhí này. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là trong khi anh viết thì một chuyện hoàn toàn khác bỗng hiện lên một cách rõ ràng trong trí nhớ đến nỗi có thể viết ngay ra được. Bây giờ thì anh hiểu rằng chính vì sự kiện đó mà anh quyết định đi về nhà để ghi nhật kí trong ngày hôm nay.

Chuyện đó xảy ra trong Bộ sáng nay, nếu như có thể dùng chữ "xảy ra" với những chuyện mơ hồ kiểu đó.

Lúc ấy gần mười một giờ đúng, trong Ban Tài Liệu, nơi Winston công tác, người ta đã mang ghế từ các ngăn ra, để tập trung vào giữa phòng, đối diện với màn vô tuyến lớn, chuẩn bị cho Hai Phút Hận Thù. Winston vừa chuẩn bị ngồi vào chỗ, đấy là một trong các dãy ghế giữa nhà, thì có hai người mà anh chỉ nhìn thấy chứ chưa nói chuyện bao giờ bất ngờ bước vào phòng. Một người là con gái, anh thường gặp cô ta trong hành lang. Anh không biết tên cô, chỉ biết rằng cô làm ở Ban Sáng Tác. Anh nghĩ thế vì có lần thấy cô cầm cờ lê, tay đầy dầu mỡ, chắc là cô ta đang sửa máy viết văn. Cô ta khoảng hai mươi bảy tuổi, mặt đầy tàn nhang, tóc đen dày, dáng tự tin, nhanh nhẹn, động tác dứt khoát. Một chiếc thắt lưng hẹp màu đỏ tươi, biểu tượng của Hội Thanh Niên Chống Tình Dục, quấn mấy vòng xung quanh eo bộ đồng phục càng làm nổi rõ cái bụng thon nhỏ của cô. Winston thấy khó ưa cô ta ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh biết vì sao. Cô ta sặc mùi sân khúc quân cầu và buồng tắm nước lạnh, mùi của những chuyến dã ngoại và thái độ cuồng tín ra mặt. Anh không thích đàn bà, đặc biệt là những cô gái trẻ, xinh đẹp. Đàn bà, nhất là các cô gái trẻ, thường là những kẻ cuồng tín, những người sẵn sàng nuốt sống ngay mọi khẩu hiệu của Đảng, những tên chỉ điểm tự nguyện, những kẻ đánh hơi bất kì biểu hiện phi chính thống nào. Nhưng cô này có vẻ nguy hiểm hơn cả. Một lần hai người gặp nhau ở hành lang, cô ta liếc xéo như xoáy vào người anh, lúc đó một nỗi sợ vô hình như choán hết tâm can anh. Anh ngờ rằng cô ta chính là mật vụ của Cảnh Sát Tư Tưởng. Chắc là không phải. Dù sao anh cũng cảm thấy lúng túng, cảm thấy vừa sợ vừa ghét mỗi lần gặp cô ta.

Người thứ hai tên là O’Brien, đảng viên Đảng Nội Bộ, nghe nói làm to và ở xa nên Winston hiểu rất mù mờ. Vừa nhìn thấy người mặc đồng phục áo đen của Đảng Nội Bộ đến gần là những người ngồi trước màn vô tuyến lập tức im bặt. O’Brien là một người cao, to, cổ bự, khuôn mặt thô đầy vẻ hài hước. Hình thức tuy dữ dằn nhưng trông anh ta cũng khá hấp dẫn. Anh ta có thói quen lấy tay sửa lại gọng kính ở trên mũi, thói quen này lạ kì thay lại có vẻ như tố cáo rằng anh ta là một người quân tử. Một nhà quí tộc thế kỉ mười tám đang mời thuốc lá, người nào còn có khả năng so sánh theo cách ấy, sẽ nghĩ như thế khi nhìn thấy thói quen đó của anh ta. Trong mười năm lại đây Winston chỉ gặp anh ta khoảng chục lần. Anh cảm thấy mến O’Brien không chỉ bởi sự tương phản giữa thái độ tao nhã và vẻ bề ngòai lực lưỡng như võ sĩ của anh ta. Trong đáy sâu tâm hồn Winston vẫn ngờ rằng, có thể không phải là ngờ mà chỉ là hi vọng rằng O’Brien không phải là kẻ cuồng tín. Nét mặt anh ta gợi cho người khác nghĩ như vậy. Nhưng cũng có thể đấy không phải là sự nghi ngờ giáo lí, mà đơn giản có thể đấy chỉ là trí thông minh cũng nên. Nhưng dù sao hình thức bên ngoài cho thấy anh ta là một người có thể nói chuyện, nếu có điều kiện gặp riêng và tránh được màn vô tuyến. Winston chưa thử kiểm tra ước đoán này lần nào: thực ra là không thể làm được. O’Brien nhìn đồng hồ đeo tay, thấy là đã gần đúng mười một giờ, anh ta quyết định ở lại Ban Tài Liệu cho đến hết Hai Phút Hận Thù. Anh ngồi cùng hàng với Winston, chỉ cách hai dãy ghế. Một người đàn bà nhỏ nhắn, tóc hung vẫn làm việc trong ngăn bên cạnh Winston ngồi trên cái ghế ngăn giữa hai người. Cô gái tóc đen ngồi ngay phía sau Winston.

Một giọng nói nghe rùng rợn, ghớm ghiếc như tiếng ma sát của một cái máy cực to không dầu bôi trơn bỗng bật ra từ màn vô tuyến gắn ở phía cuối căn phòng. Âm thanh đó khiến người ta có cảm giác ghê ghê trong từng kẽ răng và tóc gáy thì dựng lên. Hận Thù bắt đầu.

Cũng như mọi khi, khuôn mặt Emmanuel Goldstein, kẻ thù của nhân dân, hiện lên trên màn ảnh. Tiếng húyt gió chế giễu nổi lên đây đó. Người đàn bà nhỏ bé tóc hung rít lên tỏ vẻ vừa khinh vừa sợ. Goldstein là một tên phản bội, một người ngày xưa (từ bao giờ thì không ai nhớ nổi) vốn nằm trong ban lãnh đạo Đảng, gần như cùng cấp với Anh Cả, nhưng sau đó lại tham gia hoạt động phản cách mạng, bị kết án tử hình rồi bí mật vượt ngục và biến mất. Chương trình Hai Phút Hận Thù thay đổi mỗi ngày, nhưng nhân vật chính bao giờ cũng là Goldstein. Hắn là tên phản bội đầu sỏ, là kẻ hủy hoại thanh danh của Đảng. Chính lí thuyết của hắn là nguồn gốc mọi tội ác chống Đảng, mọi hành vi phá hoại, phản bội, lệch lạc. Hắn vẫn sống ở đâu đó và tiếp tục họat động phá hoại ngầm: có thể là ở nước ngoài, dưới sự bảo trợ của những ông chủ ngoại quốc, mà cũng có thể, như thỉnh thoảng có người nói, là ở ngay tại Oceania này.

Winston cảm thấy khó thở. Cứ mỗi lần nhìn thấy mặt Goldstein là trong anh lại xuất hiện một mớ những tình cảm lộn xộn. Đấy là một khuôn mặt Do Thái điển hình, được những lọn tóc mềm điểm bạc bao quanh, bộ râu thưa, một khuôn mặt thông minh nhưng khó ưa, nhưng cái mũi nhỏ và dài, cặp kính trễ xuống tận cánh mũi, lại chứng tỏ rằng đấy là một con người ngờ ngệch, bạc nhược. Khuôn mặt giống như mặt cừu, giọng nói cũng be be y hệt như vậy. Cũng như mọi khi, Goldstein tấn công vào đường lối của Đảng, lí lẽ của hắn đầy ác ý và cường điệu không lừa được cả trẻ con, nhưng có sức thuyết phục, thính giả có thể vô tình nghĩ rằng những người khác, không tỉnh táo bằng mình có thể bị hắn lôi kéo cũng nên. Hắn lăng mạ Anh Cả, hắn tố cáo chế độ Đảng trị, hắn yêu cầu kí ngay hoà ước với Eurasia, hắn đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tư do tư tưởng, hắn điên cuồng gào lên rằng cách mạng đã bị phản bội - tất cả những bài phát biểu liến thoắng, dài dòng của hắn giống như nhại theo cách nói của các diễn giả của Đảng, hơn nữa còn chứa nhiều từ ngữ của Ngômo, thậm chí nhiều hơn số từ các đảng viên thường có thể sử dụng hàng ngày. Để không ai nghi ngờ ý định thực sự đằng sau những lời dối trá tràng giang đại hải của Goldstein, bao giờ trên màn ảnh phía sau đầu hắn cũng là những đoàn quân Eurasia đang nhịp bước, những hàng quân Á châu đằng đằng sát khí, nét mặt không một chút biểu cảm nào liên tục diễu hành từ trong ra rồi biến mất và được thay thế bằng những đoàn khác trông cũng hệt như thế. Tiếng giầy đinh lính tráng nện lộp cộp, đều đều làm nền cho giọng nói be be thé thé của Goldstein.

Hận Thù kéo dài chưa được ba mươi giây thì một nửa gian phòng đã không kìm được những tiếng thét căm hờn. Chỉ nhìn thấy hay nghĩ đến Golstein là người ta đã căm ghét và hoảng sợ rồi, đằng này lại phải nhìn mãi cái khuôn mặt tự mãn, dài như mặt cừu và đoàn quân Eurasia hùng mạnh phía sau nữa, ai mà chịu đựng nổi. Hắn là đối tượng căm thù thường trực, hơn cả Eurasia và Eastasia vì khi Oceania gây chiến với một trong hai siêu cường thì bao giờ cũng hòa hoãn với siêu cường kia. Nhưng điều kì lạ là mặc dù mọi người đều căm thù, đều khinh bỉ Goldstein, lí thuyết của hắn bị đem ra phê phán, chế giễu ở ga tàu, trên màn ảnh, trong sách báo hàng ngàn lần mỗi ngày, có vẻ như ảnh hưởng của hắn không hề giảm tí nào. Lúc nào cũng có những kẻ ngốc nghếch sẵn sàng để cho hắn dụ dỗ. Ngày nào cũng có những tên gián điệp, phá hoại hoạt động dưới trướng của hắn bị Cảnh Sát Tư Tưởng tóm được. Hắn chỉ huy một đội quân bí mật đông đảo và một mạng lưới gián điệp ngầm có mục đích lật đổ chế độ. Người ta cho rằng tổ chức của hắn có tên là Huynh Đệ. Người ta còn đồn thổi về một cuốn sách, tuyển tập các quan điểm phản động mà tác giả chính là Goldstein đang được lưu hành bí mật nữa. Cuốn sách này không có tựa đề. Trong những câu chuyện phiếm, người ta gọi nó đơn giản là cuốn sách. Nhưng những chuyện như vậy người ta chỉ được nghe qua những lời đồn rất mù mờ. Đảng viên thường tránh nhắc đến Huynh Đệ cũng như cuốn sách nếu hoàn cảnh cho phép họ làm thế.

Đến phút thứ hai thì lòng căm thù đã trở thành điên loạn. Người ta nhảy chồm chồm và hò hét đến lạc giọng hòng át được tiếng the thé như xoáy vào não của Goldstein. Người đàn bà nhỏ bé tóc hung ửng lên như tôm luộc, miệng há hốc như cá mắc cạn. Ngay cả mặt O'Brien cũng ửng lên. Anh ta ngồi thật thẳng, ngực nhồi lên, nhịp xuống như sóng đánh. Cô gái tóc đen phía sau Winston gào lên: "Đồ khốn nạn! Khốn nạn! Khốn nạn!", rồi bất thình lình cầm lấy cuốn tự điển Ngômo khá dày và ném thằng vào màn vô tuyến. Cuốn sách đập vào mũi Goldstein và bay ra xa; nhưng giọng nói thì vẫn tiếp tục. Trong một phút tỉnh táo Winston bỗng phát hiện ra rằng mình cũng đang gào lên như mọi người, còn gót chân thì đang dậm kịch liệt lên thanh ngang của chân ghế. Điều kinh khủng nhất trong Hai Phút Hận Thù không phải là việc hành động như mọi người mà chính là việc không thể không hành động. Chỉ cần khoảng ba mươi giây là việc giả đò đã không còn cần thiết nữa. Cơn phấn khích của nỗi sợ hãi và lòng thù hận, ước muốn sát sinh và tra khảo, ước muốn được đập vỡ mặt bằng một cái búa tạ giống như luồng điện truyền khắp phòng, không ai còn kiểm soát được hành vi của mình, tất cả cùng nhăn nhó, kêu gào như một lũ điên. Cơn bộc phát này thực ra là không có chủ đích, có thể được chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác giống như ánh lửa của cái đèn xì. Có lúc Winston hoàn toàn không thù ghét Goldstein, mà ngược lại, anh căm ghét Anh Cả, căm ghét Đảng, căm ghét Cảnh Sát Tư Tưởng; những lúc như thế anh bỗng cảm thấy thương hại con người dị giáo cô đơn, bị lăng nhục trên màn ảnh, người bảo vệ sự thật và sự tỉnh táo duy nhất trong cái thế giới giả dối này. Thế mà ngay giây phút sau anh đã trở lại với mọi người và lại thấy những điều người ta nói về Goldstein là đúng. Khi đó lòng khinh bỉ bí mật Anh Cả lại biến thành sùng kính và Anh Cả bỗng hiện lên cao hơn tất cả, thành một người bất khả chiến bại, người bảo vệ kiên cường, hiên ngang như ngọn núi đá ngăn chặn đà tiến của bọn mọi Á châu, còn tên Goldstein, dù cô đơn, bất lực, chưa biết còn sống hay không, lại giống như một tên phù thủy ác độc, chỉ dùng giọng nói cũng đủ tiêu diệt cả nền văn minh.

Đôi khi chỉ cần cố gắng là có thể hướng lòng căm thù vào bất kì đối tượng nào cũng được. Bất thình lình, Winston vận hết sức lực, giống như người ta cố nhấc đầu ra khỏi gối giữa một cơn ác mộng và hướng lòng thù hận từ khuôn mặt trên màn ảnh vào cô gái tóc đen ngồi phía sau. Những hình ảnh sống động tuyệt vời lướt qua tâm trí anh. Đấy là cảnh anh đang đánh cô ta đến chết bằng dùi cui. Đấy là cảnh anh trói cô ta, trần truồng, vào cột gỗ rồi lấy tên bắn đầy người, như trước đây người ta từng bắn vào thánh Sebastian vậy. Đấy là cảnh anh đang cưỡng hiếp và khi đạt đến tột đỉnh khoái cảm thì cắt cổ cô ta. Nhưng lúc này anh nhận thức rõ hơn trước vì sao anh lại căm thù cô ta. Anh căm thù cô vì cô trẻ, đẹp nhưng thiếu dục tình; anh căm thù cô vì muốn ngủ với cô nhưng không thể được; anh căm thù cô vì xung quanh vòng eo mềm mại ngọt ngào của cô, cái vòng eo như mời gọi người ta ôm ấp, lại là chiếc thắt lưng màu đỏ đáng ghét, dấu hiệu của sự trinh trắng đầy khiêu khích.

Lòng Thù Hận đạt đến đỉnh điểm. Giọng Goldstein trở nên giống hệt tiếng cừu và khuôn mặt cũng biến thành mặt cừu. Rồi khuôn mặt cừu đó tan thành hình một tên lính Eurasia đang tiến bước, to lớn và dữ dằn, khẩu súng máy trong tay nổ liên hồi kì trận; có vẻ như hắn sắp nhảy ra khỏi màn ảnh, một số người ngồi ở những hàng ghế trên vội ngả người ra sau. Nhưng ngay lúc đó mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm vì hình tên lính đáng ghét đã tan biến và thay vào đó là khuôn mặt Anh Cả, tóc đen, chòm râu đen, đầy sức sống và bình thản một cách bí hiểm, khuôn mặt to choán hết cả màn hình. Không ai nghe rõ Anh Cả nói gì. Đấy chỉ đơn thuần là mấy lời động viên, giống như những lời mà các lãnh tụ thốt lên giữa trận tiền, dù không nghe rõ, nhưng vẫn tạo được lòng tin vì đã có tiếng nói. Khuôn mặt Anh Cả mờ đi và thay vào đó là ba khẩu hiệu của Đảng được viết bằng chữ in hoa:
CHIẾN TRANH LÀ HÒA BÌNH
TỰ DO LÀ NÔ LỆ
NGU DỐT LÀ SỨC MẠNH

Nhưng hình ảnh Anh Cả dường như còn đọng lại trên màn hình thêm vài giây nữa nên hình ảnh mà nó để lại trên tròng mắt người ta sống động đến nỗi không thể nhòe ngay lập tức được. Người đàn bà bé nhỏ tóc hung ngả hẳn vào lưng ghế phía trước. Bằng một giọng thì thầm, run run, nghe như: “Lạy chúa tôi!”, bà ta vừa nói vừa vươn tay về phía màn ảnh. Sau đó bà ta lấy tay hai che mặt. Chắc là bà ta cầu kinh.

Lúc đó cả phòng họp cùng đồng thanh tụng một cách chậm rãi, nhịp nhàng, bằng giọng trầm: “B-B!...B-B...” - nhiều lần liên tục, thật chậm, với khoảng lặng dài giữa chữ B thứ nhất và chữ B thứ hai, giọng tụng nặng nề, rì rầm, có vẻ hoang dại, người nghe cảm thấy như âm thanh được truyền tới trên nền tiếng dậm của những gót chân trần và tiếng trống cái giục giã. Chuyện này kéo dài chừng nửa phút. Cảnh này thường xảy ra mỗi khi tình cảm đạt đến cực điểm. Đấy một phần là bài ca sự anh minh và tôn kính của Anh Cả, nhưng chủ yếu là tự thôi miên, người ta dìm lí trí vào trong tiếng tụng nhịp nhàng. Winston cảm thấy bụng bị lạnh. Anh không thể không hòa nhập vào cơn mê sảng chung với mọi người khi tham gia Hai Phút Hận Thù, nhưng giọng tụng “B-B...B-B..” man rợ lúc nào cũng làm anh hoảng sợ. Tất nhiên anh cũng tụng như mọi người, không thể nào khác được. Che giấu tình cảm, làm chủ nét mặt, hành động giống như những người khác - tất cả đã thành bản năng. Nhưng có một lúc, kéo dài chừng hai giây, ánh mắt đã phản bội lại chính anh. Đúng lúc đó đã xảy ra một sự kiện quan trọng - nếu qủa thật nó đã xảy ra.

Bất thình lình anh bắt gặp ánh mắt của O’Brien. O’Brien đang đứng. Anh ta đã tháo kính ra và đang đặt lại nó lên mũi theo thói quen. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ một tích tắc khi ánh mắt hai người gặp nhau, Winston bỗng hiểu, vâng, đúng là hiểu rằng O’Brien cũng đang nghĩ giống hệt như anh! Tín hiệu không thể nào nhầm lẫn được. Giống như trí não họ đã mở và ý nghĩ đang truyền từ người nọ sang người kia thông qua cặp mắt vậy. “Tôi đồng ý với anh”- dường như O’Brien nói như thế - “Tôi hiểu rõ tình cảm của anh. Tôi biết rõ sự khinh bỉ, lòng căm thù, sự phẫn nộ của anh. Nhưng đừng lo, tôi ủng hộ anh”. Nhưng tia sáng trí tuệ đã vụt tắt và nét mặt O’Brien lại trở nên vô cảm như tất cả mọi người.

Thế là hết và anh không chắc là chuyện đó đã từng xảy ra. Những chuyện đại loại như vậy không bao giờ có đoạn tiếp theo. Chỉ còn lại một điều: chúng nâng đỡ niềm tin, hay là niềm hi vọng rằng anh không phải là kẻ thù duy nhất của Đảng. Có thể tin đồn về rất nhiều vụ âm mưu ngầm là đúng – có thể là tổ chức Huynh Đệ quả thật đang tồn tại! Không thể có chuyện nhiều vụ bắt bớ, nhiều vụ thú nhận, nhiều vụ hành quyết như thế mà Huynh Đệ lại chỉ là huyền thọai được. Có ngày anh tin thế, có ngày lại không. Không có bằng chứng; chỉ là những ánh mắt thoáng qua, những ánh mắt có thể nói tất cả hoặc chẳng nói điều gì; chỉ là những câu chuyện ngắt quãng nghe lỏm được; chỉ là những chữ đã bị xoá một phần trên tường phòng vệ sinh; và một lần anh thấy hai người gặp nhau, tay họ có những động tác giống như tín hiệu nhận dạng. Dĩ nhiên chỉ là phỏng đoán, có thể đấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Anh bước vào ngăn của mình, không hề nhìn lại O’Brien lần nào. Anh hoàn toàn không nghĩ đến chuyện tiếp tục mối liên hệ thoáng qua vừa rồi. Ngay cả nếu anh biết cách tiếp xúc thì việc đó cũng cực kì nguy hiểm. Trong một giây, mà cũng có thể là hai giây, họ đã kịp trao đổi những ánh mắt khả nghi, tất cả chỉ có thế mà thôi. Ngay cả đấy là một sự kiện đáng nhớ đối với một người phải sống trong cô đơn

Winston ngẩng đầu và ngồi thẳng lại. Anh ợ. Rượu Gin đang sôi lên trong dạ dày.
Anh lại nhìn chằm chằm vào tờ giấy. Anh phát hiện ra rằng trong khi suy nghĩ một cách bất lực như thế thì tay vẫn viết, hoàn toàn tự động. Nhưng đây không phải là những chữ xấu xí, run rẩy như lúc đầu. Ngòi bút khoan khoái trượt trên mặt giấy nhẵn bóng, tạo nên những chữ in to, rõ ràng:
ĐẢ ĐẢO ANH CẢ
ĐẢ ĐẢO ANH CẢ
ĐẢ ĐẢO ANH CẢ
ĐẢ ĐẢO ANH CẢ
ĐẢ ĐẢO ANH CẢ

và cứ thế suốt nửa trang giấy.

Anh cảm thấy hoảng sợ vô cùng. Thật vô nghĩa, bởi vì viết những chữ cụ thể đó cũng không nguy hiểm hơn việc ghi nhật kí, thế mà anh bỗng nảy ra ý định xé trang giấy và chấm dứt luôn toàn bộ công việc.

Nhưng anh không làm bởi vì anh biết đằng nào thì cũng vậy. Anh có viết ĐẢ ĐẢO ANH CẢ hay không viết thì cũng thế. Anh có ghi nhật kí hay không ghi thì cũng thế. Trước sau gì thì Cảnh Sát Tư Tưởng cũng tóm được anh thôi. Anh đã phạm, chắc chắn đã phạm, dù không động bút vào giấy, một tội chính, tội chủ yếu, một tội bao gồm tất cả các tội lỗi khác. Tội tư tưởng, tên của nó là như thế. Không thể che giấu mãi được tội tư tưởng. Có thế giấu được một thời gian, trong nhiều năm, nhưng trước sau gì họ cũng phát hiện ra mà thôi.

Việc bắt người luôn xảy ra vào ban đêm. Bất ngờ bị đánh thức, một bàn tay thô bạo nắm lấy vai, ánh sáng chiếu thẳng vào mắt, những bộ mặt nghiêm khắc vây quanh giường. Thường thì không có toà án, vụ bắt giữ cũng không được thông báo. Người ta bỗng nhiên biến mất, thế thôi, mà bao giờ cũng vào ban đêm. Tên bị rút khỏi sổ hộ tịch, những việc đã làm bị xoá sạch, sự kiện là có một người từng sống bị phủ nhận và sau đó thì bị vùi lấp. Con người bị xoá bỏ, bị tiêu diệt, hay như người ta thường nói: bị bốc hơi

Có một lúc anh như phát cuồng. Anh viết vội vàng, nghiêng ngả:
họ sẽ bắn tôi tôi cóc cần họ sẽ bắn vào gáy tôi tôi cóc cần đả đảo anh cả họ bao giờ cũng bắn vào gáy tôi tôi cóc cần đả đảo anh cả-

Anh ngả lưng ra thành ghế, thâm tâm cảm thấy xấu hổ, tay buông bút. Anh bỗng giật nảy mình. Có người gõ cửa.

Đến rồi! Anh ngồi im lặng như một con chuột nhắt, hi vọng rằng người ta sẽ bỏ đi. Nhưng không, tiếng gõ lại vang lên. Chậm là chết. Tim anh đập như trống trận, nhưng nét mặt, có thể vì đã quen từ lâu, vẫn giữ được vẻ lạnh lùng vô cảm. Anh đứng dậy và nặng nề lê bước về phía cửa chính.

Còn 14 kì nữa

[1]Ngômo – Ngôn ngữ mới, ngôn ngữ chính thức của Oceania – xem thêm phụ lục cuối sách.
Nguồn: GEORGE ORWELL, NINETEEN EIGHTY-FOUR, Penguin Book, 1990: http://orwell.ru/library/novels/1984/

Có tham khảo bản Nga văn của Golưshev V. P., 1988: http://orwell.ru/library/novels/1984/russian/

3 comments:

  1. Cháu đã đọc cuốn Trại súc vật của dịch rất hay và chất lượng. Được biết là NXB Giấy vụn có in 2 tác phẩm của Orwell là 1984 và Trại súc vật, không biết cháu có thể tìm mua 1984 ở đâu ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Giấy vụn mới in Trại súc vật thôi. Bạn có thể tìm mua cuốn Chuyện ở nông trại do Công ty Nhã Nam mới in, của dịch giả Lý An.

      Delete
    2. Cháu muốn mua các ấn phẩm khác của nhà xuất bản Giấy vụn thì phải làm sao?

      Delete