Tác giả: TOM G. PALMER
Dịch giả: Phạm Nguyên Trường
Hiệu đính: Đinh Tuấn Minh
Năm xuất bản: 2014
Cạnh
tranh và hợp tác
David
Boaz
Trong
tiểu luận này, David Boaz - học giả, đồng thời là một nhà quản lí một viện
nghiên cứu (think tank) - chỉ rõ quan hệ
giữa cạnh tranh và hợp tác, tức là quan hệ giữa những hiện tượng thường được
coi là đối ngịch nhau như nước với lửa: xã hội chỉ có thể được tổ chức theo một
trong hai nguyên tắc này mà thôi. Ngược lại, như Boaz giải thích, trong chế độ
thị trường tự do người ta cạnh tranh nhằm hợp tác với nhau.
Những người bảo vệ thị trường
thường nhấn mạnh lợi ích của cạnh tranh. Cạnh tranh tạo điều kiện cho người ta
thường xuyên kiểm tra, thử nghiệm và thích nghi nhằm đáp ứng với sự thay đổi của
hoàn cảnh. Nó buộc các doanh nghiệp phải thường xuyên sẵn sàng hành động nhằm
phục vụ người tiêu dùng. Chúng ta có thể thấy - cả bằng phân tích lẫn kinh nghiệm
- rằng hệ thống cạnh tranh tạo ra những kết quả tốt hơn là hệ thống tập trung
hay độc quyền. Đấy là lí do vì sao những người ủng hộ thị trường tư do – cả
trong sách báo lẫn trên truyền hình – đều khẳng định sự cần thiết của thị trường
cạnh tranh và phản đối những biện pháp cản trở cạnh tranh.
Nhưng có quá nhiều người
nghe những lời ca ngợi cạnh tranh và nghe thấy những từ như thù địch, tàn khốc và cá lớn nuốt cá bé.
Họ thường tự hỏi rằng liệu hợp tác có tốt hơn là thái độ đối kháng gay gắt như
thế hay không. Ví dụ như tỉ phú George Soros từng viết trên tờ the Atlantic Monthly: “Quá nhiều cạnh
tranh và quá ít hợp tác có thể dẫn đến bất bình đẳng không thể chịu đựng nổi”.
Ông nói rằng “quan điểm chủ yếu của ông là … hợp tác cũng quan trọng không kém
gì cạnh tranh và khẩu hiệu “thích nghi tốt nhất sẽ sống sót” đã làm méo mó sự
kiện này”.
Cần phải ghi nhận rằng hiện
nay câu “thích nghi tốt nhất sẽ sống sót” không được những người ủng hộ tự do và
thị trường sử dụng nữa. Nó được đặt ra nhằm mô tả quá trình tiến hóa của thế giới
sinh vật và để nói về khả năng sống sót của những đặc điểm phù hợp nhất với môi
trường; và cũng có thể áp dụng được cho sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp
trên thương trường, nhưng chắc chắn là không phải ngụ ý rằng trong hệ thống thị
trường tự do thì chỉ những người phù hợp nhất mới sống sót được. Chỉ có những
người thù địch với các quan hệ thị trường mới sử dụng thuật ngữ “thích nghi tốt
nhất sẽ sống sót” để mô tả sự cạnh tranh trên thương trường mà thôi.
Điều cần phải làm rõ là những
người nói rằng con người “được tạo ra là để hợp tác chứ không phải là để cạnh
tranh” đã không hiểu được rằng thương trường chính là hợp tác. Thực vậy, như sẽ
được thảo luận dưới đây, người ta cạnh tranh để mà hợp tác.
Chủ
nghĩa cá nhân và cộng đồng
Tương tự, những người phản đối
chủ nghĩa tự do truyền thống vội vã lên án những người theo phái tự do là ủng hộ
chủ nghĩa cá nhân “đơn độc”, trong đó mỗi người là một ốc đảo khép kín, chỉ
quan tâm đến quyền lợi của chính mình mà không thèm để ý đến nhu cầu hay ước
mong của người khác. E. J. Dionne, Jr., của tờ the Washington Post viết rằng những người theo trường phái tự do hiện
đại tin rằng “Các cá nhân bước vào thế giới như những người trưởng thành hoàn
toàn, những người được coi là phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình
ngay từ khi mới lọt lòng”. Nhà báo Charles Krauthammer viết trong mục điểm sách
tác phẩm của Charles Murray: Trở thành
người theo trường phái tự do nghĩa là gì rằng trường phái tự do là “dòng giống
của những kẻ cá nhân chủ nghĩa thô lậu, mỗi người đều sống trong những túp lều
trên đỉnh núi với hàng rào thép gai bao quanh và cái bảng “Không đụng vào” treo
bên ngoài”. Tôi không tưởng tượng nổi vì sao ông ta không viết thêm: “Mỗi người
đều được vũ trang đến tận răng”.
Dĩ nhiên là chẳng có ai thực
sự tin vào kiểu “chủ nghĩa cá nhân đơn độc” mà các giáo sư và các học giả chế
giễu. Chúng ta vẫn sống cùng nhau và làm việc theo nhóm. Không thể hiểu được là
làm sao mà người ta lại có thể là một người cá nhân chủ nghĩa đơn độc trong cái
thế giới hiện đại phức tạp này: điều đó có phải có nghĩa là bạn chỉ ăn những thứ
do mình trồng cấy được, chỉ mặc những thứ mình dệt được, chỉ sống trong ngôi
nhà do mình tự xây lấy, chỉ sử dụng những loại thuốc tự nhiên mà mình chiết xuất
từ cây cỏ ư? Một số người chỉ trích chủ nghĩa tư bản hay biện hộ cho việc “quay
lại với tự nhiên” – như anh chàng Unabomber[1] hay Al Gore, đấy là nếu
ông ta thực sự có ý ám những điều ông viết trong tác phẩm Trái đất trong trạng thái cân bằng (Earth in the Balance) – có thể tán thành kế hoạch đó. Nhưng chẳng
có mấy người theo phái tự do muốn đi vào ốc đảo trong hoang mạc và từ bỏ lợi
ích của điều mà Adam Smith gọi là Xã hội Rộng mở, tức là xã hội phức tạp và có
năng suất cao dựa trên sự tương tác giữa những người sống trong xã hội đó. Vì vậy
mà chúng ta có thể nghĩ rằng các nhà báo nhạy bén nên dừng lại, nên nhìn vào những
từ mà họ viết ra và tự nghĩ: “Chắc chắn là ta đã trình bày sai quan điểm này.
Ta phải quay về và đọc lại những tác gia theo trường phái tự do”.
Trong thời đại của chúng ta,
điều bịa đặt như thế - bịa đặt về tình trạng cô lập và đơn độc – rất có hại
trong việc biện hộ cho các quan hệ thị trường. Chúng ta phải nói rõ là chúng ta
đồng ý với George Soros khi ông nói: “hợp tác cũng quan trọng không kém gì cạnh
tranh”. Trên thực tế, chúng ta cho rằng hợp tác quan trọng đối với sự thịnh vượng
của nhân loại đến mức chúng ta không muốn nói về nó; chúng ta chỉ muốn thiết lập
những định chế xã hội để biến nó thành khả thi mà thôi. Quyền sở hữu, chính phủ
hạn chế, chế độ pháp quyền, là những định chế có mục đích như thế.
Trong xã hội tự do, các cá
nhân được hưởng những quyền tự nhiên, không thể tương nhượng và có nghĩa vụ tôn
trọng quyền của những người khác. Ta còn có những nghĩa vụ khác, đấy là những
nghĩa vụ mà ta tự nhận khi kí kết hợp đồng. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội dựa
trên quyền sống, quyền tự do và quyền sở hữu còn tạo ra nền hòa bình và thịnh
vượng về mặt vật chất nữa. Như John Locke, David Hume và các triết gia theo trường
phái tự do cổ điển khác đã chỉ rõ: chúng ta cần một hệ thống các quyền nhằm tạo
ra sự hợp tác xã hội, thiếu nó thì người dân chỉ có thể làm được những việc vô
cùng nhỏ nhặt mà thôi. Hume từng viết trong tác phẩm Luận về bản chất của con người (Treatise
of Human Nature) rằng những tình huống mà con người phải đối mặt là (1) quyền
lợi riêng tư, (2) lòng hào phóng tất yếu là có giới hạn đồi với tha nhân, (3) sự
giới hạn của những nguồn lực có thể đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Vì những
tình huống như thế mà chúng ta nhất định phải hợp tác với những người khác và
phải có những nguyên tắc công lí – đặc biệt là những nguyên tắc liên quan tới
tài sản và trao đổi – để xác định chúng ta có thể làm điều đó như thế nào. Những
nguyên tắc này xác định ai có quyền quyết định cách thức sử dụng một tài sản cụ
thể nào đó. Không có quyền sở hữu được xác định một cách rõ ràng thì chúng ta sẽ
phải thường xuyên đối mặt với những xung đột về vấn đề này. Chính thỏa thuận của
chúng ta về quyền sở hữu đã tạo điều kiện cho chúng ta thực hiện những nhiệm vụ
hợp tác và phối hợp phức tạp, nhờ đó, chúng ta mới đạt được những mục tiêu của
mình.
Sẽ là tuyệt vời nếu tình
thương - không cần để ý đến quyền lợi và quyền của cá nhân - có thể thực hiện
được nhiệm vụ đó, và nhiều đối thủ của chủ nghĩa tự do từng đưa ra những quan
điểm hết sức quyến rũ về xã hội dựa trên lòng bác ái phổ quát. Nhưng, như Adam
Smith đã chỉ rõ: “Trong xã hội văn minh [con người] luôn có nhu cầu hợp tác và
sự trợ giúp của rất nhiều người khác”, còn trong suốt cuộc đời, anh ta không thể
chỉ kết thân với một nhóm nhỏ những người mà anh ta cần hợp tác. Nếu chúng ta
chỉ hợp tác trên cơ sở của lòng tốt thì chúng ta không thể thực hiện được những
nhiệm vụ phức tạp. Dựa vào quyền lợi riêng tư của các cá nhân – trong hệ thống
quyền sở hữu và trao đổi được xác định một cách rạch ròi – là cách tổ chức tốt
nhất xã hội phức tạp hơn là một xóm nhỏ.
Xã hội
dân sự
Chúng ta muốn kết hợp với những
người khác nhằm đạt được những mục đích mang tính phương tiện – sản xuất nhiều
lương thực hơn, trao đổi hàng hóa, phát triển công nghệ mới – nhưng chúng ta
còn muốn kết hợp với họ là vì ta cảm thấy có nhu cầu sâu sắc về giao tiếp, về
tình bạn, tình yêu và tình làng nghĩa xóm nữa. Những hội đoàn mà ta cùng với những
người khác lập ra tạo thành cái mà ta gọi là xã hội dân sự. Những hội đoàn này có rất nhiều hình thức đáng ngạc
nhiên – gia đình, nhà thờ, trường học, câu lạc bộ, hội kín, hiệp hội tự quản, hội
đồng hương và rất nhiều kiểu hội đoàn thương mại như hiệp hội nhà ở, công ty,
các tổ chức lao động và nghiệp đoàn lao động. Tất cả các hội đoàn này đều phục
vụ nhu cầu của con người, dĩ nhiên là theo những cách khác nhau. Có thể định
nghĩa xã hội dân sự một cách rộng rãi như sau: đấy là tất cả những hội đoàn tự
nguyện và hình thành một cách tự nhiên trong xã hội.
Một số nhà phân tích nói rằng
có sự khác biệt giữa những tổ chức thương mại và những tổ chức phi lợi nhuận, họ
lập luận rằng các doanh nghiệp là một phần của thị trường chứ không phải xã hội
dân sự; nhưng tôi theo truyền thống cho rằng sự khác biệt thực sự là giữa những
tổ chức cưỡng bức – nhà nước – và tổ chức tự nhiên hoặc tự nguyện. Dù một hiệp
hội cụ thể nào đó có được lập ra nhằm thu lợi nhuận hay nhắm tới những mục tiêu
khác thì đặc điểm chủ yếu của nó vẫn là: chúng ta tự nguyện tham gia.
Hiện nay, nhiều người hiểu
sai về xã hội dân sự và “mục tiêu của quốc gia” cho nên chúng ta phải ghi nhớ
luận điểm của F. A. Hayek rằng các hiệp hội trong xã hội dân sự được thành lập
để nhằm đạt mục tiêu cụ thể nào đó, nhưng xã hội dân sự nói chung thì không có
bất cứ mục tiêu nào; nó là kết quả tự phát của tất cả những hiệp hội có mục
tiêu nói trên.
Thị
trường là hợp tác
Thị trường là yếu tố thiết yếu
của xã hội dân sự. Thị trường xuất hiện từ hai tác nhân sau đây: hợp tác với
người khác thì ta có thể làm được nhiều việc hơn là làm một mình và chúng ta có
thể công nhận điều đó. Nếu chúng ta là một giống loài mà hợp tác không hiệu quả
bằng lao động đơn độc hoặc chúng ta không nhận thức được lợi ích của sự hợp tác
thì chúng ta sẽ tiếp tục là những người đơn độc và cô đơn. Nhưng còn tệ hơn thế,
vì như Ludwig von Mises giải thích: “Mỗi người sẽ coi tất cả những người khác
là kẻ thù, khao khát thỏa mãn những ham muốn của mỗi người sẽ đẩy anh ta vào cuộc
xung đột không bao giờ dứt với tất cả những người hàng xóm của anh ta”. Nếu hợp
tác và phân công lao động không có khả năng làm cho các bên cùng có lợi thì cũng
không thể nào có được sự đồng cảm và tình bằng hữu, thị trường cũng không thể
nào xuất hiện được.
Thông qua thị trường, các cá
nhân và công ty cạnh tranh để hợp tác một cách tốt hơn. Hãng General Motors và
hãng Toyota cạnh tranh để hợp tác với tôi nhằm đạt được mục đích đi lại của
tôi. Hãng AT&T và hãng MCI cạnh tranh để hợp tác với tôi nhằm đạt được mục
tiêu trao đổi thông tin giữa tôi với những người khác. Đúng là họ cạnh tranh
quyết liệt với nhau nhằm giành được công việc làm ăn với tôi để tôi có thể hợp
tác với một công ty liên lạc, tức là công ty có thể làm cho tôi yên lòng nhờ
vào một cái máy nhắn tin.
Những người phê phán nền
kinh tế thị trường thường phàn nàn là thị trường khuyến khích và tưởng thưởng
cho tính tư lợi. Trên thực tế, trong hệ thống chính trị nào thì người ta cũng tự
tư tự lợi cả. Thị trường đưa tính tư lợi của người ta vào những hướng có ích đối
với xã hội. Trên thị trường tự do, người ta đạt được mục tiêu của mình bằng
cách tìm xem những người khác muốn gì và cố gắng cung cấp cái đó. Điều đó có thể
có nghĩa là một số người cùng nhau đan lưới đánh cá hay làm đường. Trong nền
kinh tế phức tạp hơn, điều đó có nghĩa là tìm kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp
hàng hóa hay dịch vụ đáp ứng được nhu cầu hay ước muốn của người khác. Những
người lao động hay doanh nhân đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người khác sẽ được
tưởng thưởng, còn những người không làm được như thế sẽ nhanh chóng nhận ra và
cố gắng bắt chước những người thành công hơn hoặc thử những cách tiếp cận mới.
Tất cả những tổ chức kinh tế
khác nhau mà chúng ta đang thấy trên thương trường đều là những thí nghiệm nhằm
tìm ra cách thức hợp tác để đạt được những mục tiêu mà mỗi bên đều mong muốn.
Quyền sở hữu, chế độ pháp quyền, chính phủ tối thiểu là để cung cấp không gian
tối đa cho người dân thử nghiệm những hình thức hợp tác mới. Phát triển hợp tác
cho phép giải quyết những nhiệm vụ kinh tế lớn lao mà từng cá nhân hay một vài
người không thể nào làm được. Những tổ chức như hiệp hội nhà ở, qũy tương hỗ,
công ty bảo hiểm, ngân hàng, hợp tác xã và nhiều hình thức khác là những cố gắng
nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế đặc thù bằng những hình thức hiệp hội mới.
Một số hình thức tỏ ra là kém hiệu quả; thí dụ, nhiều tập đoàn kinh tế lớn hồi
những năm 1960 tỏ ra là không thể quản lí được và các cổ đông đã bị mất tiền. Sự
quay trở lại một cách nhanh chóng với những quy luật của thị trường đã cung cấp
sáng kiến cho những hình thức mới và có hiệu quả, còn những hình thức không hiệu
quả thì bị loại bỏ.
Trong nền kinh tế thị trường,
hợp tác cũng quan trọng chẳng kém gì cạnh tranh. Cả hai đều là những thành tố
thiết yếu đối với hệ thống tự do và hầu hết chúng ta đều dành nhiều thời gian để
hợp tác với các đối tác, với đồng nghiệp, với nhà cung cấp và khách hàng hơn là
cạnh tranh với họ. Cuộc đời sẽ trở thành chán ngắt, tàn bạo và ngắn ngủi nếu
chúng ta là những người cô độc. May cho tất cả chúng ta là xã hội thị trường
không phải là như thế.
David Boaz là phó giám đốc Viện nghiên cứu mang tên Cato
và là cố vấn hiệp hội sinh viên vì tự do.
Ông là tác giả cuốn Triết lí tự
do: Lược khảo (Libertarianism: A
Primer) và là người biên tập mười lăm cuốn sách khác, trong đó có Người đọc theo triết lí tự do: những bài viết
kinh điển và hiện đại từ Lão Tử tới Milton Friedman (The Libertarian Reader: Classic and Contemporary Writings from Lao Tzu
to Milton Friedman). Ông đã và đang viết cho những tờ báo lớn như the New York Times, the Wall Street Journal và the Washington Post, và là nhà bình luận
thường xuyên có mặt trên các chương trình truyền hình cũng như phát thanh; ông
còn tham gia viết blog cho các trang mạng như Cato@Liberty, The Guardian, The Australian, và Encyclopedia
Britannica.
Nguồn: The Morality of Capitalism do Tom G. Palmer chủ
biên, nhà xuất bản Jameson Books ấn hành, 2011.
Trên mạng: http://studentsforliberty.org/college/the-morality-of-capitalism/
[1] Unabomber, một người chuyên đánh
bom giới trí thức và khoa học gia tên là Ted Kaczynski, cực lực lên án các cuộc
cách mạng kỹ nghệ và kỹ thuật của thế giới - ND
No comments:
Post a Comment