Trí Dũng
Sự thay đổi trong chiến lược không kích của liên quân đã khiến các vùng đất do IS kiểm soát trở nên nham nhở không khác gì bề mặt hành tinh khác.
Các đoàn xe chở dầu của IS liên tục bị Mỹ và Nga không kích dữ dội. Ảnh: AP
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang nổi lên như một tổ chức khủng bố giàu có và nguy hiểm nhất thế giới, khiến các cường quốc như Mỹ, Nga, Anh, Pháp và hàng chục quốc gia khác phải dồn sức đối phó. Dù đối phương không có những đoàn xe tăng hùng hậu, những hạm đội tàu chiến quy mô lớn hay những biên đội chiến đấu cơ trên sân bay, quân đội các nước rất bối rối trong việc tìm ra chiến lược phù hợp nhất để chiến đấu chống IS, theo Time.
Theo chuyên gia phân tích Mark Thompson của tạp chí này, trong gần hai năm qua, chiến dịch không kích của Mỹ và liên quân gần như "đấm vào bịch bông" khi chỉ tập trung tiêu diệt các mục tiêu rời rạc, từ các "vị trí chiến đấu" trên sa mạc cho tới các "chiến hào", vốn dĩ là những đụn cát trên hoang mạc.
Trong suốt thời gian đó, hàng ngàn quả bom, tên lửa dẫn đường hiện đại của Mỹ và liên quân gần như không chạm vào mạch máu kinh tế của IS, đó chính là hệ thống khai thác, chế biến, vận chuyển và buôn bán dầu mỏ của phiến quân trên vùng lãnh thổ do chúng kiểm soát ở Iraq và Syria.
Theo tổ chức tư vấn Rand Corp, doanh thu từ dầu lậu là "nguồn thu nhập quan trọng nhất" của phiến quân. IS đã khai thác và bán ra thị trường chợ đen khoảng 40.000 thùng dầu mỗi ngày, thu về tối thiểu một triệu USD trong mỗi 24 giờ. Số tiền này chiếm tới gần một nửa trong tổng thu nhập hai tỷ USD mỗi năm của IS, được chúng dùng để trả lương cho các tay súng, vận hành các dịch vụ xã hội, trường học, và để tài trợ cho các phần tử cực đoan ở nước ngoài, từ Lebanon, Ai Cập cho tới Pháp, Mỹ.
Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thừa nhận rằng liên quân do Mỹ đứng đầu chủ yếu tấn công các mục tiêu dầu mỏ "quy mô nhỏ" trong suốt 15 tháng không kích, trước khi phát động chiến dịch Sóng Thủy triều 2 nhằm cắt đứt mạch máu quan trọng này của phiến quân từ cuối tháng 10.
Những "mục tiêu quy mô nhỏ" mà ông Carter đề cập chính là các tổ hợp lọc dầu của IS. Việc đánh bom các tổ hợp này không mang lại hiệu quả cao, bởi "chúng dễ dàng được thay thế và xây dựng lại bằng các thiết bị, máy móc nhập khẩu", bản báo cáo của Đội Công tác Hành động Tài chính thuộc Bộ Tài chính Mỹ cho hay. Đây chính là điều mà các kỹ sư hóa dầu của IS thực hiện: Họ nhanh chóng lắp ráp chúng để dòng dầu lậu không bao giờ ngừng chảy.
Các quan chức quân đội Mỹ cho hay suốt 15 tháng qua chiến dịch không kích chống dòng dầu lậu IS của họ bị trói buộc bởi hai thứ: Việc phá hủy các cơ sở khai thác dầu mỏ trọng yếu sẽ gây khó khăn rất lớn cho chính quyền thay thế IS sau này, và những quy tắc tham chiến chặt chẽ không cho phép họ đánh bom vào các tài xế dân sự lái xe tải chở dầu cho IS.
Chính vì lẽ đó, chiến dịch không kích chống IS của Mỹ và liên quân đã không thể phát huy tác dụng, khi phiến quân, với nguồn tài chính dồi dào và ổn định, ngày càng mạnh hơn, bành trướng ra nhiều khu vực hơn, thậm chí vươn vòi bạch tuộc sang châu Âu bằng các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng, ông Thompson nhấn mạnh.
Hồi tháng 5, một sự kiện quan trọng xảy ra giúp quân đội Mỹ có thể bắt đầu tháo gỡ hai nút thắt trên để đạt được những thành công quan trọng trong cuộc chiến chống dầu lậu của IS. Lực lượng đặc nhiệm Delta của Mỹ đóng quân ở Iraq đã mở một chiến dịch đột kích táo bạo vào một khu vực miền đông Syria, tiêu diệt tên "trùm dầu mỏ" Abu Sayyaf của IS, và thu được rất nhiều tài liệu quan trọng về các hoạt động tài chính của phiến quân.
Với những tài liệu được đặc nhiệm cung cấp, tình báo Mỹ lần đầu tiên có đầy đủ thông tin để nắm được mạng lưới sản xuất, chế biến và buôn bán dầu lậu của IS. Đến mùa thu, các quan chức Lầu Năm Góc cho hay họ đã biết phải làm thế nào để ngăn chặn dòng dầu lậu của IS mà không phải hủy diệt các cơ sở hạ tầng sản xuất dầu mỏ quan trọng. Họ cũng biết cách phân biệt đâu là xe tải chở dầu của IS, đâu là xe bồn của các tổ chức dân sự.
Tung đòn quyết định
Đến ngày 21/10, chiến dịch Sóng Thủy triều 2 được phát động, chiến đấu cơ của Mỹ bắt đầu thả truyền đơn cảnh báo các tài xế IS rời xe bỏ chạy trước khi cường kích Mỹ oanh tạc đoàn xe chở dầu hàng trăm chiếc của họ. Ba tuần trước đó, không quân Nga cũng đã ném bom vào các đoàn xe chở dầu của IS, phá hủy hàng trăm chiếc cùng một lúc.
Đại tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ thừa nhận từ trước tháng 9, Mỹ "không hiểu rõ về cách thức IS tạo ra thu nhập", và đã phải mất vài tháng lên kế hoạch tác chiến sau khi nắm được những đầu mối quan trọng nhất trong mạng lưới dầu lậu của IS.
"Đến cuối tháng 8, chúng tôi mới bắt đầu nắm rõ hơn về nguồn thu nhập từ dầu mỏ của phiến quân, và quyết định giáng đòn tấn công mạnh mẽ vào hệ thống này vì chúng tôi biết rõ nó sẽ có tác động lớn đến mức nào", tướng Dunford nói.
Theo chuyên gia Thompson, lời giải thích này của tướng Dunford là "không mấy thuyết phục", bởi từ hồi tháng 10 năm ngoái, tướng Lloyd Austin, người chỉ huy chiến dịch chống IS, đã tuyên bố rằng IS "có nguồn thu quan trọng từ sản xuất dầu mỏ", và đã đưa việc tấn công các mục tiêu dầu mỏ vào danh sách 37 nhiệm vụ mà liên quân phải thực hiện trong cuộc chiến.
Dù sao, Mỹ cũng đã thay đổi chiến lược, từ những vụ tấn công lẻ tẻ vào các tổ hợp lọc dầu sang những cuộc không kích chính xác hơn có thể khiến dòng dầu lậu của IS bị cắt đứt trong vài tháng hoặc vài năm.
"Tại sao chúng ta phải đợi suốt một năm mới thực hiện chiến dịch này", thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã tuyên bố sau chuyến kiểm tra thực địa ở Trung Đông và trò chuyện với các sĩ quan trẻ "rất bức xúc" với hiệu quả của chiến dịch chống IS.
Trung tướng không quân Mỹ nghỉ hưu David Deptula thì cho rằng nỗi bức xúc của các sĩ quan trẻ này bắt nguồn từ sự e ngại quá mức của Nhà Trắng đối với vấn đề thương vong của dân thường, cũng như sự bối rối về mặt chiến lược của quân đội trong cuộc chiến phi đối xứng chống lại một tổ chức khủng bố, "hoàn toàn khác với việc làm tê liệt một quốc gia có chính phủ bình thường".
Sự thay đổi chiến lược này đã có kết quả bước đầu, khi hoạt động sản xuất dầu lậu của IS đã bị thu hẹp lại, mặc dù các quan chức Mỹ chưa ước tính được tỷ lệ sụt giảm. Việc đánh bom các cơ sở lọc dầu khiến các thùng dầu mà IS bán ra có chất lượng kém hơn, nên giá thành sẽ giảm hơn. Các điểm tập kết dầu bị oanh tạc sẽ khiến những chiếc xe bồn phải chờ đợi lâu hơn, khiến dòng dầu luân chuyển chậm lại. Và việc tấn công các đoàn xe chở dầu sẽ buộc chúng phải phân tán khắp nơi trong khi chờ bơm dầu, khiến chi phí tăng lên, và lợi nhuận giảm đi đáng kể.
Báo cáo của Đội Công tác Hành động Tài chính Mỹ cho biết gần đây, hoạt động lọc dầu của IS chủ yếu chuyển sang "đốt dầu thô ở các hố lộ thiên, và chỉ sản xuất ra được một số lượng hạn chế sản phẩm chất lượng thấp".
Phương pháp lọc dầu thô sơ này đã biến nhiều khu vực do IS kiểm soát thành những vùng đất nham nhở như trên bề mặt hành tinh khác. "Cách đây một năm, những khu vực này là các sa mạc hoặc đồng bằng phẳng phiu, nhưng nay chúng chi chít hàng trăm, hàng ngàn hố lọc dầu nhỏ", một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Chiến dịch không kích vào các cơ sở lọc dầu và đường dây vận chuyển dầu đã "đẩy trình độ sản xuất dầu mỏ của IS từ thế kỷ 21 xuống tương đương với thế kỷ 17". "Với các vụ ném bom nối tiếp nhau, có vẻ như Mỹ và đồng minh đang giáng những đòn nặng nề đưa IS trở về thời kỳ Đồ đá", quan chức này nhấn mạnh.
Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/chien-luoc-day-de-che-dau-mo-is-ve-thoi-do-da-3327482.html
No comments:
Post a Comment