January 12, 2011

Ban biên tập The New Yorker – 20 tác giả dưới 40 tuổi

Hiếu Tân dịch

Mùa đông năm ngoái, khi chúng tôi đưa ra kế hoạch dành số báo này cho các nhà văn trẻ mà chúng tôi tin là, hay sẽ là, chủ chốt trong thế hệ của họ, chúng tôi xem lại một số báo tương tự mà chúng tôi đã xuất bản năm 1999, nhan đề “Tương lai của tiểu thuyết Hoa Kỳ.” Hồi ấy, chúng tôi phải quyết định xem phải quyết định như thế nào. Chúng tôi muốn chọn những nhà văn đã tự khẳng định được mình hay những người mà chúng tôi mong đợi sẽ vượt trội lên trong những năm tới? Cuối cùng chúng tôi nghĩ một danh sách tốt nên bao gồm cả hai. Số báo năm 1999 chúng tôi mô tả đặc trưng nhiều nhà tiểu thuyết đã vững vàng trên bầu trời văn chương như Michael Chabon, cách đây mười một năm, cuốn tiểu thuyết của ông “Những bí mật của Pittburgh” đã biến ông thành một ngôi sao (ông tiếp tục giành giải Pulitzer cho tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Kavalier và Clay” được trích đăng trong số đó), và David Foster Wallace, kiệt tác “Trò đùa không hồi kết” của ông xuất hiện năm 1996. Nhưng chùng tôi cũng đưa vào đó những nhà văn mà tác phẩm đột phá của họ vẫn còn đang ở phía trước. Junot Diaz là tác giả tập truyện ngắn nổi tiếng “Chết đuối” nhưng cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của ông “Cuộc đời ngắn ngủi kỳ quái của Oscar Wao” phải tám năm nữa mới ra đời. Jonathan Franzen đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết được chào đón nhiệt liệt, nhưng “Trừng phạt”, tác phẩm thành công vang dội được Giải thưởng Sách Quốc gia (được trích đăng trong số báo đó) mãi đến 2001 mới được xuất bản. Cuốn sách đầu tay của Jhumpa Lahiri, tập truyện “Người hiểu bệnh” ra đời cùng tháng với số tạp chí đó và tiếp tục bán được hàng triệu bản trên khắp thế giới. Lần này, chúng tôi chọn hai mươi nhà văn dưới tuổi bốn mươi, và cả họ nữa, cũng ở những giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp của họ. Người trẻ nhất, Téa Obreht, hai mươi bốn, và cuốn sách đầu tay của cô mãi đến 2011 mới được xuất bản. Người lớn tuổi nhất, Chris Adrian, ba mươi chín, sẽ xuất bản bốn tác phẩm hư cấu vào năm sau.

Cái thói quen cứ muốn lập danh sách cho mọi thứ nghe có vẻ tùy tiện và vớ vẩn, những người lập danh sách để ngỏ cả khoảng trống vô tận cho những người bình luận khi mọi sự đã sáng tỏ (mặc dầu cái lý do hợp lý nhất của việc lập danh sách là để khích lệ những nhà bình luận ấy). Văn chương hay tự nó nói lên tất cả, và còn nói mãi, những nhà văn hay nhất hôm nay còn đang viết là những người mà cháu chắt chúng ta sẽ đọc. Thế nhưng sự cám dỗ của [việc lập] danh sách thì ăn sâu thâm căn cố đế. Mười Điều Răn, mười hai tông đồ, bảy trọng tội, Bốn người khổng lồ, chúng có sức hấp dẫn của sự đếm được và chia hết, cho dù chúng ta ngờ rằng có thể có những điều răn, thánh tông đồ, trọng tội, anh hùng siêu việt khác cũng hấp dẫn, thuyết phục như thế. Điều mà chúng tôi cố gắng làm, trong việc lựa chọn những nhà văn mà chúng tôi giới thiệu trong số này, là đưa ra một cái nhìn tập trung vào những tài năng đang đâm chồi nẩy lộc xung quanh chúng ta. Những nhà văn này (truyện của tám trong số họ xuất hiện ở đây, mười hai truyện khác sẽ đăng sau, trong mười hai số sau mỗi số một truyện) không phải chỉ có họ là những người kể chuyện tài ba trong thế hệ của họ. Một số ứng viên tuyệt vời bị loại chỉ bởi vì họ không có một truyện mới nộp trước khi hết hạn của chúng tôi. Những người khác, như Dave Eggers và Colson Whitehead, lẽ ra đã nằm trong danh sách nếu như nó được lập vào năm ngoái, sai lầm duy nhất của họ chỉ là có ngày sinh đến trước thời hạn quy định của chúng tôi.

Nhưng như mọi nhà văn đều biết, trong các quy tắc và ước lệ có thể có ma thuật, và hai mươi nhà văn nam nữ này biểu hiện chói sáng cho tính đa dạng của sáng tạo và sức sống đặc trưng cho những sáng tác hay nhất được viết ra trong đất nước ta hôm nay. Có chủ nghĩa hiện thực trữ tình của Nell Freudenberger, Philipp Meyer, C. E. Morgan, và Salvatore Scibona; châm biếm hài hước của Joshua Ferris and Gary Shteyngart; và những truyện biến đổi thể loại của Jonathan Safran Foer, Nicole Krauss, và Téa Obreht. David Bezmozgis và Dinaw Mengestu vẽ những chân dung rõ nét của nhập cư và nhân dạng; Sarah Shun-lien Bynum, ZZ Packer, and Wells Tower hiến người đọc những chuyện kể phong cách đậm đà, giọng điệu lôi cuốn. Rồi có những truyện chính trị xã hội đầy ám ảnh của Chimamanda Ngozi Adichie, Daniel Alarcón, và Yiyun Li, những suy tưởng siêu hình của Chris Adrian, Rivka Galchen, và Karen Russell.

Những sáng tác được viết trong nước ta hôm nay không nhất thiết là những hư cấu trong nước, hay những sáng tác của các nhà văn sinh ra trong nước. Mặc dầu tất cả những nhà văn không bản địa trong danh sách của chúng tôi đã lấy Bắc Mỹ làm quê hương - một số người đến đây khi còn thơ ấu, một số đã trưởng thành - sự đa dạng về nguồn gốc thật đáng chú ý: Nigeria (Adichie), Peru (Alarcón), Latvia (Bezmozgis), Trung Hoa (Li), Ethiopia (Mengestu), Nam Tư (Obreht), và Nga (Shteyngart). Nghề nghiệp của những nhà văn này hóa ra cũng vượt ra ngoài nghề viết: Bezmozgis đạo diễn phim truyện, Adrian được đào tạo thành bác sĩ chuyên khoa ung thư nhi, giống như Morgan, nghiên cứu ở trường thần học Harvard. Galchen học xong trường Y tại Đỉnh Sinai, Li chuyển đến Hoa Kỳ để theo học tiến sĩ về miễn dịch học. Meyer, trước khi bắt đầu viết tiểu thuyết làm người buôn bán hóa chất và lái xe cứu thương. Ferris viết quảng cáo. Scibona, đã có lúc làm phụ hồ.

Hai mươi nhà văn này rốt cục đã đi vào danh sách này như thế nào? Chúng tôi đã có thể đọc hết ít nhất một cuốn sách hay một bản thảo của mỗi nhà văn, và ít nhất một phần của bất kỳ tác phẩm nào sau đó. Trong nhiều trường hợp chúng tôi thấy một sự bùng nổ của tài năng từ chương đầu tiên của cuốn truyện: một sự tươi mát trong cái nhìn, quan sát, hài hước, hay cảm xúc. Trong những cuốn khác, chúng tôi thấy sự tích tụ rón rén hơn những ý tưởng và sự đổi mới ngôn từ. Có những người rất xuất sắc trong khi làm một việc. Những người khác chuyển rất dứt khoát tiêu đểm và phong cách từ đoạn này sang đoạn khác. Điều đáng chú ý trong tất cả các tác phẩm, vượt lên trước và lên trên việc nắm vững ngôn ngữ kể chuyện, là cái cảm giác thật như sờ mó được của tham vọng. Không phải tất cả những nhà văn này đều là những người đập phá thần tượng, một số người làm việc một cách có mục đích bên trong những truyền thống hiện có. Nhưng tất cả bọn họ nhằm vào một điều lớn lao: tranh đấu để có được sự chú ý của chúng ta, và để giữ được nó, trong một văn hóa ngập lụt những từ ngữ, âm điệu, hình ảnh; tranh đấu để dạy, để làm ngạc nhiên, làm vui thích và làm xúc động không chỉ chúng ta mà cả những thế hệ bạn đọc sẽ đến./.

Nguồn: http://www.newyorker.com/talk/comment/2010/06/14/100614taco

_talk_editors , ngày 14/6/2010

Đã đăng trên Văn chương Việt


No comments:

Post a Comment