January 12, 2011

Alvaro Vargas Llosa Chuyên chế và dân chủ - Chế độ nào hiệu quả hơn?

Phạm Nguyên Trường dịch


Gần đây tôi có nhận được thư của một nhóm độc giả người châu Âu: họ khẳng định rằng trong nhiều năm qua, các nước với chế độ độc tài đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước dân chủ và nếu xu hướng này cứ tiếp tục thì động lực cho việc thay thế nền độc tài bằng chế độ pháp trị sẽ ngày càng yếu đi.

Những cuộc thảo luận về đề tài này – có những giai đoạn giải lao – đã diễn ra từ lâu. Thời gian gần đây những cuộc thảo luận như thế lại bùng nổ với một sức mạnh mới vì những thành quả kinh tế mà các chế độ độc tài tại những nước giầu tài nguyên thiên nhiên vừa đạt được. Gần đây một bài báo trên American.com đã làm việc so sánh các chỉ số kinh tế với mức độ tự do chính trị và bảo đảm quyền công dân ở những nước khác nhau.

Hoá ra trong 15 năm qua những nước do các chế độ độc tài cai trị có tốc độ phát triển kinh tế trung bình hàng năm là 6,8%, nghĩa là gấp 2,5 lần các nước dân chủ. Các chế độ độc tài đã tiến hành đa dạng hoá nền kinh tế nhưng vẫn tiếp tục hạn chế hoặc ngăn chặn không cho dân chủ phát triển, thí dụ như Trung Quốc, Nga, Malaysia và Singapore, là những nước có chỉ số kinh tế tốt hơn phần lớn các nước đã và đang phát triển nhưng có mức độ tự do chính trị và tự do cá nhân cao hơn.

Sẽ là ngốc ngếch khi cho rằng chế độ độc tài không có khả năng phát triển kinh tế. Dù chế độ chính trị có như thế nào thì việc loại bỏ các rào cản trong hoạt động kinh doanh, đầu tư và thương mại cũng như việc bảo đảm quyền sở hữu tư nhân nhất định sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho cục diện kinh tế. Những cuộc cải cách của Franco ở Tây Ban Nha, của Lí Quang Diệu ở Singapore những năm 1960, của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc những năm 1990, của Pinochet ở Chi-lê những năm 1980 và những bước đi tương tự tại những nước khác đã cùng dẫn đến kết quả như thế.

Nhưng đấy chỉ là một phần của bức tranh. Trong 15 nước giầu có nhất thế giới thì đã 13 nước có chế độ dân chủ. Hai nước còn là là Hồng Công, một khu vực đặc biệt của Trung Quốc, nơi dân chúng được hưởng nhiều quyền tự do dân chủ hơn đa phần dân chúng đại lục; nước thứ hai là Quatar với những mỏ dầu trữ lượng cực lớn và dân số ít, thu nhập tính trên đầu người rất cao.

Điều đó chứng tỏ rằng về dài hạn, sự ổn định và lòng tin chính là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế. Tây Ban Nha, nước được coi là hình mẫu của thành tựu kinh tế trong mấy thập kỉ, phúc lợi đã tăng gấp đôi kể từ năm 1985, nhưng trong suốt một phần tư thế kỉ qua chưa bao giờ nước này có tốc độ tăng trưởng cao như Trung Quốc. Tương tự như vậy, nếu lấy năm 1930 làm mốc thì tổng sản phẩm xã hội của Mĩ đã tăng 13 lần, nhưng các chỉ số kinh tế cũng không thể nào so sánh được với “các nước châu Á”.

Khi “môi trường sống” của kinh tế phụ thuộc vào các thể chế chứ không phải vào ý chí của nhà độc tài hay của một đảng nào đó thì sự ổn định và lòng tin sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra các kết quả mà ta gọi là “phát triển”. Có lẽ đấy chính là lí do vì sao sau khi Pinochet rút lui, Chi-lê đã giành được những thành quả kinh tế rực rỡ hơn thời kì ông ta còn nắm quyền. Ngoài ra cũng không được quên rằng các thành tựu kinh tế của các chế độ độc tài phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ được tạo ra tại những nước mà người có sáng kiến được khuyến khích chứ không phải bị đe doạ bởi cánh cổng nhà tù.

Một lí do nữa làm cho các nước có chế độ độc tài có tốc độ phát triển kinh tế nhanh hơn các nước dân chủ là do các nước dân chủ đã đạt được mức độ phát triển khá cao. Khi một nước nào đó bắt đầu phát triển, sức sản xuất vừa được giải phóng và năng lực tiềm tàng sẽ giúp cho nó tiến nhanh hơn những nước đã phát triển. Hơn nữa, nếu biết rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với các chỉ tiêu kinh tế trung bình của nhóm các nước chưa được tự do, mà tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của nước này so với các nước dân chủ không phải là điều đáng ngạc nhiên đến như thế.

Trên thực tế, các nước dân chủ có thể cạnh tranh với những nước độc tài ngay cả trong ngắn hạn. Thí dụ, Ấn Độ là nước có chế độ dân chủ nhưng cũng là nước có tốc độ phát triển kinh tế vào loại hàng đầu thế giới. Peru cũng có tốc độ phát triển kinh tế 7% một năm. Tất nhiên là nền dân chủ của hai nước này chưa hoàn thiện. Nhưng các thành tựu mà họ đạt được chứng tỏ rõ ràng rằng bầu cử, tự do báo chí và tự do hội họp là hoàn toàn phù hợp với một nền kinh tế phát triển năng động.

Nếu xét về đạo đức thì sự cải thiện về mặt phúc lợi trong một nhà nước độc tài có thể biến thành chiếc đòn xóc nhọn hai đầu: một mặt nó làm cho những người dân còn đang bị áp bức cảm thấy dễ thở hơn về mặt kinh tế, nhưng mặt khác nó lại tạo cho người ta lí do trì hoãn hay câu giờ đến vô cùng tận các cuộc cải cách chính trị.

Hai điều sau đây là rất rõ ràng. Thứ nhất, như lịch sử đã cho thấy, việc kết hợp giữa tự do chính trị, quyền công dân và tự do kinh tế chứ không phải chế độ độc tài tư bản là bảo đảm tốt nhất cho việc tăng trưởng một cách đều đặn phúc lợi. Thứ hai, có những bằng chứng rõ ràng - chỉ cần nhìn vào Bồ Đào Nha và các nước vùng Ban-tích - chứng tỏ các nước chưa phát triển có thể dựa vào tự do chính trị để tạo lập được sự ổn định và tự tin. Các nước này đã phủ nhận một cách thắng lợi luận điểm cho rằng nền kinh tế của đất nước phải “chín” trước khi nó có thể trở thành “thành niên” trên bình diện tự do chính trị và quyền công dân.

Nguồn: The Wall Street Journal, dịch qua bản tiếng Nga
Đã đăng trên talawas

No comments:

Post a Comment