November 18, 2024

KHẢO LƯỢC ADAM SMITH (1)

 EAMON BUTLER

Phạm Nguyên Trường dịch




MỤC LỤC

Tác giả

Lời giới thiệu

Tóm tắt

Lời nói đầu

1.      Adam Smith - một nhân vật quan trọng

Quan niệm cũ về kinh tế học

Hiệu quả của trao đổi tự do

Chế độ xã hội trên cơ sở tự do

Tâm lí học của đức hạnh

Tư lợi và đức hạnh

Bản chất của con người và xã hội loài người

 

2.      Cuộc đời và sự nghiệp của Adam Smith

Kirkcaldy và Glasgow

Oxford và những biện pháp khuyến khích

Những ngày đầu trên bục giảng

Những chuyến du hành

Của cải của các quốc gia

Cổ vần hải quan

 

3.      Của cải của các quốc gia

Những chủ đề bao trùm của tác phẩm

Sản xuất và trao đổi

Tích lũy tư bản

Lịch sử của các định chế kinh tế

Lí thuyết kinh tế và chính sách

Vai trò của chính phủ

Của cải của các quốc gia ngày nay

 

4.      Lí thuyết về cảm nhận đạo đức

Những chủ đề chính của tác phẩm

Đồng cảm một cách tự nhiên là cơ sở của đức hạnh

Thưởng, phạt và xã hội

Công lí là nền tảng

Tự phê bình và lương tâm

Các quy tắc đạo đức

Thái độ đối với của cải

Tự hoàn thiện

Bàn về đức hạnh

Xây dựng xã hội đức hạnh

 

5.      Các bài giảng và tác phẩm khác của Smith

Một đề tài nhất quán

Smith bàn về triết lí của khoa học

Tầm lí học của quá trình giao tiếp

Smith bàn về chính phủ và chính sách công

Kết luận

 

6.      Bàn thêm về bàn tay vô hình

Người giàu tạo công ăn việc làm cho người nghèo

Nền công nghiệp trong nước và nước ngoài

Hậu quả không dự định trước của hành động của con người

Hệ thống tự duy trì

Hành động mang tính cá nhân và kết quả mang tính xã hội

 

7.      Một số trích dẫn từ các tác phẩm của Adam Smith

 

8.      Thư mục chọn lọc

 

Lời bạt: Adam Smith của ngày hôm nay

Tác giả

Tiến sĩ Eamonn Butler là Giám đốc Viện Adam Smith, một cơ quan nghiên cứu (think tank) có nhiều ảnh hưởng, từng chấp bút cho một loạt chính sách nhằm thúc đẩy sự lựa chọn và cạnh tranh trong việc cung cấp các dịch vụ trọng yếu. Ông có bằng kinh tế học, triết học và tâm lí học và đã bảo vệ luận án tiến sĩ triết học (PHD) tại trường Đại học St Andrew vào năm 1978. Trong những năm 1970, ông còn nghiên cứu các vấn đề về hưu bổng và chăm sóc sức khỏe cho Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. Sau khi quay lại Anh, ông giữ chân biên tập viên tạp chí British Insurance Broker, rồi trở thành Giám đốc Viện Adam Smith, mà ông đã góp công thành lập. Tiến si Butler là tác giả của khá nhiều cuốn sách và bài báo viết về lí thuyết và hoạt động kinh tế, cũng như đồng tác giả của khá nhiều tác phẩm về trí thông minh và kiểm tra chỉ số thông minh (1Q).

Lời giới thiệu

Không lâu sau khi được được bổ nhiệm là Giáo sư môn Kinh tế thương mại và Luật thương mại (sau này gọi tắt là Giáo sư Khoa Kinh tế học) ở trường Đại học Tổng hợp Edinburgh, tôi được mời hướng dẫn hội nghị chuyên đề ở trường Đại học Havard vào năm 1958. Tác phẩm The Affluent Society (Xã hội thịnh vượng) của J. K. Galbraith, trong đó có những lời lẽ rất ân cần đối với Adam Smith, cũng vừa được xuất bản. Trong những ngày đó, Kenneth Galbraith đang là tâm điểm chú ý của rất nhiều người và một người bạn ở Havard tin rằng anh ta đã làm được một “việc phi thường”, tức là thu xếp cho tôi gặp Kenneth Galbraith vào bữa ăn trưa. Muốn làm hài lòng khách, ông nói: “Alan, trưởng khoa kinh tế học nổi tiếng nhất thế giới phải là người thế nào?”. Tôi cảm thấy lúng túng, cho nên tôi bèn kể lại rằng chức trưởng khoa kinh tế ở Trường Đại học Tổng hợp Edinburgh, do Công ti Thương mại Edinburgh lập ra và tài trợ vào năm 1870 với kì vọng rằng (người nhận chức này) là một nhà kinh tế học có thể tiên đoán được chu kì kinh tế[1]. “Nhưng”, Kenneth Galbraith nói, “anh phải giữ chức mà Adam Smith từng giữ”. “Xin lỗi", tôi đáp, “nhẩm trường, nhầm môn, nhằm thế kĩ. (Như các bạn đều biết, Adam Smith là Giáo sư môn Logic học và sau đó là Luân lý học ở Glasgow), Bữa ăn khó có thể coi là thành công....

Tôi cảm thấy áy náy vì đã phơi bày sự kém hiểu biết của Kenneth Galbraith vì xét cho cùng thì Adam Smith cũng rất gắn bó với Edinburgh, mặc dù ông chưa bao giờ giảng dạy ở đây. Ông được chôn cất ở đây và chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng đầu tiên nhằm vinh danh ông được xây dựng ở Scotland. Đây là nhờ những cố gắng cực kì giá trị của Viện Adam Smith và chủ yếu là của Eamonn Buttler, người giới thiệu tư tưởng của Adam Smith qua cuốn sách tuyệt vời này. Hơn nữa, giống như nhiều người tự nhận là hiểu biết và ngưỡng mộ, và như một người Scotland quan tâm đến Smith, tôi tập trung chú ý vào tác phẩm The Wealth of Nations (Của cải của các quốc gia). Tôi đã không nhận thức được đầy đủ rằng đối với Smith thì tác phẩm The Theory of Moral Sentiment (Lí thuyết về cảm nhận đạo đức) là nền tảng của không chỉ quan niệm của ông về đạo đức mà còn là cách trình bày của ông về quan niệm của các cá nhân về cách họ sẽ, cũng như phải, hành xử trong giao dịch hằng ngày.

Cuốn lược khảo của Tiến sĩ Butler cùng với lời giới thiệu đầy thẩm quyền của Giáo sư Kennedy đã chứng tỏ một cách rõ ràng rằng trên thực tế không hề có “vấn đề Adam Smith, tức là vấn đề hòa giải các quan điểm về luân lí học với các quan điểm về kinh tế học của ông. Nó đập tan cái huyền thoại vẫn thịnh hành cho đến nay rằng ông là người biện hộ cho “chủ nghĩa tư bản” (từ này chưa từng xuất hiện trong các tác phẩm của Smith) và những thủ đoạn đầu cơ trục lợi. Đấy một phần là do đặc điểm đáng chú ý của tác phẩm The Theory of Moral Sentiment, tức là tác phẩm đã giải thích một cách kĩ lưỡng quan điểm của Smith về cơ sở đạo đức căn bản của con người. Kết quả là Tiến sĩ Butler có đủ luận cứ để tuyên bố rằng Adam Smith trước hết phải được coi là nhà tâm lí xã hội học.

Tôi đã đưa ra đầy đủ bằng chứng chứng tỏ rằng Tiến sĩ Butler đã viết được một tập khảo luận, trong đó không chỉ trình bày một cách khéo léo những điều đã biết về cuộc đời và thời đại của Adam Smith mà còn đưa ra được những điểm mới độc đáo mà các chuyên gia cũng phải đánh giá cao. Tôi xin kết thúc nhiệm vụ thú vị này của mình ở đây vì không muốn cản trở độc giả thưởng thức tác phẩm này, cũng như tôi đã rất vui khi được thưởng thức nó vậy.

Alan Peacock

Giáo sư danh dự Khoa Tài chính công

Trường Thương mại Edinburgh,

Đại học Heriot-Watt.

 

Tóm tắt

 

-          Của cải của các quốc gia không phải là số vàng bạc chứa trong kho, như những người theo phái trọng tiền (mercantilists)[2] vẫn nghĩ, mà là tổng giá trị sản phẩm và thương mại của quốc gia đó - ngày nay chúng ta gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

-          Tự do trao đổi làm cho cả hai bên đều có lợi. Người ta sẽ không trao đổi khi nghĩ rằng mình bị thiệt. Vì vậy, nhập khẩu mang lại lợi ích cho chúng ta cũng như hàng xuất khẩu của chúng ta mang lại lợi ích cho người khác. Chúng ta không cần phải làm cho người khác nghèo đi thì mình mới giàu lên. Thực ra, chúng ta sẽ được lợi nếu người tiêu dùng của chúng ta là những người giàu có.

-          Các quy định về quản lí thương mại đã được xây dựng một cách thiếu căn cứ và phản tác dụng. Thuế khoa, thuế nhập khẩu, tài trợ cho xuất khẩu và ưu tiên cho các ngành sản xuất trong nước là những mối đe doạ đối với sự thịnh vượng.

-          Năng lực sản xuất của quốc gia phụ thuộc vào việc phân công lao động và tích lũy tư bản. Năng suất gia tăng nhanh chóng nếu chia sản xuất thành nhiều công đoạn nhỏ, mỗi công đoạn lại được những người có tay nghề thực hiện. Người sản xuất thu được giá trị thặng dư để có thể đầu tư tiếp.

-          Thu nhập của đất nước trong tương lai phụ thuộc vào tốc độ tích luỹ tư bản. Những ngành có năng suất cao càng được đầu tư nhiều thì càng sản xuất được nhiều của cải hơn trong tương lai.

-          Khi được tự do trao đổi và cạnh tranh, thị trường tự động tập trung chú ý vào những nhu cầu thiết yếu nhất. Khi một món hàng hóa nào đó trở nên khan hiểm thì người dân sẵn sàng trả giá cao hơn. Cung cấp các hàng hoa này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn, vì vậy người sản xuất đầu tư nhiều hơn cho việc sản xuất các loại hàng hóa đó.

-          Thịnh vượng sẽ gia tăng nhanh nhất khi có thị trường cởi mở và cạnh tranh, trao đổi tự do và không bị ép buộc. Quốc phòng, luật pháp và chế độ pháp trị là để duy trì sự cởi mở đó. Tự do và tư lợi không dẫn đến hỗn loạn mà - như được một “bàn tay vô hình” dẫn dắt - tạo ra trật tự và hài hòa.

-          Các nhóm đặc quyền sử dụng quyền lực của nhà nước nhằm làm méo mó hệ thống thị trường để thu lợi riêng. Người sử dụng lao động và người có tay nghề có thể cổ vũ cho những điều luật ngăn chặn cạnh tranh, như đặt ra rào cản không cho người khác tham gia hoạt động trong những ngành nghề cụ thể nào đó.

-          Thuế khóa phải tỉ lệ thuận với thu nhập, phải xác định và dễ đóng. Mức thuế phải thấp để người ta có thể nộp, thuế phải không được gây cản trở cho doanh nghiệp, không được quá nặng vì sẽ khuyến khích trốn thuế và không được đòi hỏi nhân viên thuế vụ phải đến kiểm tra doanh nghiệp một cách thường xuyên.

-          Con người vốn có sự “thông cảm” (hay “đồng cảm”) tự nhiên với người khác. Điều đó giúp họ tiết chế hành vi của mình và tạo ra sự hài hòa. Đấy chính là cơ sở của việc đánh gia hành vi và là nguồn gốc đức hạnh của con người. Bản chất của con người là động cơ dẫn đến sự hình thành xã hội hài hoa chứ không phải là lí do sinh ra những người quá khích hay viển vông.

 

Lời nói đầu

Gavin Kennedy[3]

Tiến sỹ Eamonn Butler đã viết được một tác phẩm dẫn nhập đáng khâm phục và đầy sức thuyết phục về cuộc đời và tư tưởng của Adam Smith. Đây là tác phẩm dẫn nhập ngắn và hay nhất mà tôi từng biết, nó sẽ giúp mọi người hiểu được thực chất tư tưởng của Adam Smith là gì.

Eamonn Butler tránh xa những cuộc bút chiến về kinh tế chính trị học của Adam Smith mà người ta đã viết rất nhiều suốt bao năm qua. Cuốn sách này, viết về con người và tác phẩm của Adam Smith, là một sự đánh giá chính xác công trình tổng hợp có một không hai của ông về sự tiến hóa của xã hội Anh cho đến giữa thế kỉ XVIII.

Tác phẩm The Theory of Moral Sentiment (Lí thuyết về cảm nhận đạo đức), ít được biết đến hơn được xuất bản mười bảy năm trước khi cuốn An Inquiry into the Nature and Causes of The Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia) xuất hiện. Người ta cho rằng trong giai đoạn đó Smith đã chuyển từ quan niệm cho rằng lòng nhân từ là động cơ hành động của con người sang quan niệm cho rằng tính tư lợi phi đạo đức mới là động cơ đích thực. Nhưng từ những ghi chép của những sinh viên vô danh trong các năm 1762-1763, chúng ta biết rằng phần lớn các bài giảng của Smith đã tái xuất hiện gần như nguyên văn trong tác phẩm Của cải của các quốc gia, xuất bản vào năm 1776. Ông xuất bản các bài giảng (1751-1764) dưới tên gọi là Lí thuyết về cảm nhận đạo đức vào năm 1759. Như vậy là Adam Smith không có những quan điểm trái ngược nhau về động cơ của con người.

Smith là nhà luân lí học. Trong thể kỉ XVIII kinh tế học chưa trở thành ngành học riêng biệt, mãi đến thế kỉ XIX nó mới trở thành một ngành học mới. Đúng là đã có rất nhiều tác giả, cả trước đây lẫn hiện nay, viết về kinh tế (Đại học Yale lưu trữ mấy ngàn tác phẩm viết từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII), và một số người đã có đóng góp đối với môn kinh tế học, nhưng không có ai khảo sát được một cách quy mô và theo cách như Smith đã làm.

Trước Smith, môn kinh tế chính trị học tập trung vào việc làm giàu cho hoàng để và quốc gia bằng những thỏi vàng và bạc để tài trợ cho những cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Của cải của các quốc gia tập trung chú ý vào việc làm giàu cho người tiêu thụ thông qua “sản phẩm hằng năm của đất đai và sức lao động”. Đây không chỉ là một cuốn sách giáo khoa thông thường, đây là một tác phẩm chú tâm thảo luận về bản chất của của cải và những nguyên nhân làm cho của cải gia tăng.

Cuốn I và II trình bày những tính chất đặc biệt của xã hội loài người, như xu hướng trao đổi, sự phân công lao động, các nhân tố sản xuất, tính năng động của thị trường và sự phân phối lợi tức giữa những người tham gia vào thị trường. Cuốn III đặt nước Anh thế kỉ XVIII vào trong bối cảnh của quá trình phát triển xã hội, từ thời kì “săn bắn” nguyên thủỷ, qua giai đoạn “chăn nuôi” và “trồng trọt”, sang thời đại thương mại và chỉ ra sự sụp đổ của Rome trong thế kỉ thứ V đã làm gián đoạn sự phát triển “tự nhiên” này như thế nào tại Tây Âu.

Từ thế kỷ XIX, châu Âu bắt đầu phục hồi dưới gánh nặng của chính sách mà Smith gọi là chính sách phục vụ cho điều mà Smith gọi là “thương mại duy tiền”. Cuốn IV phê phán quyết liệt chính sách này vì sai lầm cơ bản của nó khi cho rằng tài sản của quốc gia là những thỏi vàng, bạc tích trữ được và cân bằng thương mại là quan trọng vì đất nước cần phải xuất nhiều hơn nhập. Tai hại hơn nữa là người ta tin rằng nền kinh tế trong nước sẽ mạnh hơn nếu có các doanh nghiệp độc quyền được bảo vệ, nếu có những hạn chế trong việc di chuyển và thuê mướn nhân công, và không bị thị trường tự do làm cho nhiễu loạn.

Các biện pháp uốn nắn của Smith tập trung vào việc giải phóng thị trường khỏi những sự can thiệp làm cho nó không thể hoạt động một cách tự nhiên. Ông ủng hộ việc mở rộng quá trình trao đối tự do những sản phẩm được sản xuất theo lối cạnh tranh để cho tốc độ phát triển tự nhiên của nền kinh tế có thể khởi động bằng cách tạo điều kiện cho người dân kết hợp “đất đai, lao động và tư bản” với những người khác nhằm sản xuất ra hàng hóa bán trên thị trường. Sau khi trả địa tô cho chủ đất, tiền lương cho người lao động và lợi nhuận cho người sản xuất và thương nhân, chủ tư bản sẽ tái đầu tư lợi nhuận ròng của mình vào những hoạt động sản xuất khác; và thông qua chu trình sản xuất và trao đổi tiếp theo sẽ tạo ra, từ thu nhập hằng năm của đất đai và lao động của xã hội, của cải cho xã hội. Số của cải này, thông qua những chu trình của “vòng lưu thông vĩ đại”, sẽ tiếp tục phát triển, tuy chậm chạp, nhưng liên tục.

Trong cuốn V, Smith bàn về vai trò của chính phủ và đưa ra những chức năng chủ yếu sau đây: quốc phòng, công lý, công tác xã hội và các định chế tạo thuận lợi cho việc buôn bán, giáo dục cho “dân chúng thuộc mọi lứa tuổi”, các biện pháp chống lại “những căn bệnh ghê tởm và đáng ghét”, giữ vững “phẩm giá của quyền lực tối cao”, và chi cho những công việc này bằng cách đánh thuế và thu phí của những người được thụ hưởng (thay vì để cho nhà nước mắc nợ).

Của cải của các quốc gia đã giáng một đòn chí tử vào "những nguyên tắc của môn kinh tế chính trị học" trọng tiền thời ông, khi những nguyên tắc này tiền hóa cùng với sự phục hồi của châu Âu sau vụ sụp đổ của để chế La Mã và sự thoát thai của những quốc gia dân tộc kéo dài suốt một ngàn năm từ chế độ phong kiến và các lãnh chúa.

Đa số người dân Tây Âu rất nghèo, tình cảnh nghèo khó và bị bức hại là động lực chính để họ di cư sang Bắc Mỹ, Nam Phi và Úc châu, suốt những thập niên đầu thế kỉ XX. Smith nhìn thấy không chỉ cảnh nghèo mà cả nguyên nhân của nó nữa, đó là: không có cơ hội làm ra của cải. Đấy chính là lí do để ông hướng cách tiếp cận mang tính lịch sử của mình vào việc nghiên cứu xã hội loài người. Rải rác trong các cuốn sách của Smith là những thí dụ và trích dẫn từ các tác phẩm Hy Lạp và La Mã cổ đại mà ông rất thông thạo. Tương tự như các nhân vật lỗi lạc khác thời đại Khai Sáng thế kỉ XVIII, Smith nhìn về cội nguồn của xã hội chứ không hướng tới những cách giải thích theo kiểu không tưởng, như chủ nghĩa lãng mạn phát triển trong thế kỉ XIX, chứ không phải chủ nghĩa lãng mạn trong thế kỉ XVIII.

Nền văn minh châu Âu rơi vào tình trạng dã man của các lãnh chúa và chế độ phong kiến, nhưng sản lượng nông nghiệp đã hồi phục một cách từ từ và chậm chạp (những tính từ quen thuộc trong tác phẩm của ông), dân số gia tăng và thương mại tái xuất hiện trong những phiên chợ và thị trường nằm rải rác khắp nơi. Trong hàng trăm năm, trước năm 1760, các loại vật dụng của ngay cả những gia đình lao động bình thường cũng “phong phú” (phần lớn là do kiếm được qua tay một người khác) hơn so với các bộ lạc săn bắn ở Bắc Mỹ và cả những “ông hoàng” đầy quyền lực của họ. Từ những bản tường trình của các du khách, kết hợp với quan sát cá nhân tại những nhà máy làm đinh và đinh ghim và xưởng đúc ở gần Kirkcaldy, Smith nhận thấy rằng của cải không nằm trong những thỏi vàng, thỏi bạc mà được tạo ra trong quá trình sản xuất và phân phối những sản phẩm thô sơ của đất đai và lao động của xã hội và những sản phẩm này trở thành những vật dụng có thể nhìn thấy được trong gia đình của những người lao động bình thường. Đấy chính là hàn thử biểu về sự giàu sang tương đối của đất nước.

Trí tuệ của ông không phải ở chỗ phát minh ra sự phân công lao động – “vinh quang” này thuộc về Plato, còn ở thời “hiện đại” thì thuộc về Sir William Petty (1690) - mà ở chỗ nhận ra ý nghĩa của nó như là phương tiện lan truyền của cải đến phần đông dân cư chứ không phải chỉ cho những người giàu có nhất, và làm cho tất cả mọi người đều trở thành giàu có sau một vài thế hệ.

Điều đó lại đưa ông đến những câu hỏi như: Nều phân công lao động là then chốt thì cái gì sẽ làm gia tăng sản lượng, phần đóng góp của mỗi người được quyết định như thể nào, và quan trọng là, đâu là chướng ngại vật trên đường dẫn tới sự giàu sang? Trong cú nhảy từ mô tả sang phân tích vấn đề, ông đã đặt nền móng cho một môn khoa học mới về kinh tế.

Tôi xin trình bày một cách ngắn gọn mô hình nền kinh dể thương mại của ông, tức là nên kinh tế thương mại hoạt động trong một chế độ tự do hoàn hảo, và cũng coi như đây là phẩn bổ sung vào tác phẩm tuyệt vời này của Eamonn Butler, như sau.

Xã hội thương mại thúc đẩy quá trình trao đổi các sản phẩm có thể bán được trên thị trường do quá trình phần công lao động tạo ra. Hàng đổi hàng, là quá trình trao đổi trực tiếp nhưng kém hiệu quả, đã diễn ra trong một thời gian dài trước khi xuất hiện việc trao đổi gián tiếp hữu hiệu hơn, thông qua trung gian là tiền. Việc đúc tiền trong các nền văn minh cổ đại diễn ra trong hàng ngàn năm trước đây chứng tỏ rằng thương mại đã từng tồn tại do có sự phân công lao động (nếu không thì người ta đúc tiền làm gì?).

Khởi thuỷ, trao đổi được thực hiện giữa sản phẩm của làng quê (lương thực, thực phẩm và nguyên liệu thô) với sản phẩm của các thị trấn (công cụ thô sơ và đồ trang sức rẻ tiền). Giá cả hàng hóa mang ra trao đổi được quyết định bởi cung và cầu trên thực tế, và có thể khác với cái mà Smith gọi là “giá tự nhiên”, trong đó bao gồm tiền trả cho người nắm các nhân tổ sản xuất (ruộng đất, lao động và vốn), tức là các tác nhân hợp tác trong quá trình sản xuất, kể cả mức lãi suất ở địa phương. Giá cả thị trường luôn luôn dao động xung quanh nhưng không bao giờ nằm đúng điểm cân bằng tối hảo và có thể không bù đắp được chi phí. Tuy nhiên, giá cả thị trường thay đổi lại là tín hiệu cho những người tham gia trả thêm hay trả bớt, cung cấp thêm hay rút bớt số hàng đang có; sau một thời gian việc cung cấp nhất định sẽ được điều chỉnh phù hợp với những tín hiệu đó. Đẩy chính là sự năng động của nền kinh tế cạnh tranh.

Lao động là sản xuất hoặc phi sản xuất, khác biệt là ở chỗ lao động sản xuất cùng với một số vốn nhất định tạo ra sản phẩm được bán trên thị trường và bù đắp được chi phí, trong đó có cả lợi nhuận của doanh nghiệp. Sản phẩm của lao động phi sản xuất (thí dụ như người đầy tớ phục vụ bữa ăn của một gia đình giàu có) không bán trên thị trường nhằm thu hồi chí phí mà được tiêu thụ trực tiếp; còn sản phẩm của lao động sản xuất thì thu hồi được chi phí và tạo ra lợi tức ròng (lợi nhuận), có thể được sử dụng (hoang phí) hay đầu tư (căn cơ). Dân tộc sẽ giàu có thêm nếu trong thời gian đó số người sản xuất căn cơ nhiều hơn số người tiêu thụ hoang phí. Do hằng năm đều có đầu tư thêm cho nên nền kinh tế sẽ tạo thêm công ăn việc làm (tăng lương cho người lao động và lan truyền sự giàu có xuống số đông người nghèo khổ nhất), tức là làm gia tăng “nhu cầu, tiện nghi và thú vui của đời sống”.

Đáng tiếc là sự sụp đổ của đế chế La Mã đã làm gián đoạn quá trình tự nhiên này và sau cả ngàn năm, trong khi nền kinh tế đã hồi sinh và đã có những lợi thế nhờ những cải tiến trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và tiềm năng công nghệ của thời Phục hưng trong lĩnh vực khoa học thì xã hội lại được xây dựng nên những định chế chính trị, trong đó có các giáo điều tôn giáo hợp pháp hóa những tư tưởng trọng tiền sai lầm, tức là những tư tưởng cấm đoán quá trình tiền hóa tự nhiên của nền kinh tế.

Một nền tự do lí tưởng nhất lại thỏa hiệp với những bộ luật đòi phải đánh thuế thật nặng vào những mặt hàng nhập khẩu và cấm đoán thương mại tự do, các phường hội và cơ sở độc quyền chặn đứng những lợi ích mà xã hội có thể thu được từ việc tự do tham gia hoặc rút khỏi thị trường trên cơ sở cạnh tranh. Các đạo luật này còn ngăn cấm không cho người ta thực hiện quyền tự nhiên của con người (không được làm việc nếu chưa có thời gian tập sự đủ lâu), ngăn cản mua hoặc bán những món hàng không được sản xuất ở những địa điểm đặc thù nào đó; và trong khi theo đuổi ảo tưởng về thăng bằng cán cán thương mại, các đạo luật này đặt ra các loại thuế, hoàn thuế và thưởng cho xuất và nhập khẩu, có hại cho người tiêu dùng.

Đáng ngại là nhiều biện pháp cấm đoán với mục đích bảo đảm cho mức đầu tư ngày một gia tăng đã từng làm Adam Smith lo lắng vẫn còn hiện diện ngay trong thế kỉ XXI của chúng ta, những biện pháp này cũng đang được những nhà làm luật có tư tưởng trọng tiền và những nhà chính trị mị dân ủng hộ. Ngày nay, trong nền kinh toàn cầu, khi mà sự nghèo đói tuyệt đối đã không còn tồn tại trong các nước đã phát triển như dưới thời Adam Smith, thì vấn đề nghèo đói tuyệt đối và tương đối trong các nước đang phát triển và chưa phát triển phải làm rung động trái tim của tất cả các nhà kinh tế học như nó đã từng làm rung động trái tim và khối óc của Adam Smith, một người mà nếu nhìn lại ta có thể coi là nhà kinh tế học đầu tiên trên thế giới.

Hầu như tất cả những cái gọi là lạc đề và giải thích cụ thể những điều được cho là nguyên nhân làm cho Của cải của các quốc gia có vẻ “khó hiểu” và “không liên quan” đến độc giả thời nay là do người ta đã không hiểu ý định của Smith. Ông không phải là tác giả của một cuốn sách viết về "những nguyên tắc của kinh tế học" với văn phong hiện đại - thời Smith còn sống chưa có môn học như thế. Ông chỉ viết một bản thu hoạch về quá trình tìm tòi của mình về ý nghĩa thực sự của cải của quốc gia, cái gì làm cho của cải gia tăng và thúc đẩy xã hội tiến tới thịnh vượng cũng như nguyên nhân làm cho xã hội không thể tiến bộ được. Cuốn sách của ông đã được xuất bản đúng lúc. Đấy chính là thiên tài của ông và cũng là di sản ông để lại cho chúng ta. Cuốn sách của Eamonn Buter là cơ hội tốt nhất để bạn hiểu tại sao lại như thế.

1.       

Adam Smith

một nhân vật quan trọng

 

Adam Smith (1723-1790), một nhà triết học và kinh tế học nổi tiếng người Scotland với tác phẩm An Inquiry into the Nature and Causes of The Wealth of Nations (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của cải của các quốc gia) (1776), một trong những tác phẩm có ảnh hưởng nhất từng được viết ra từ xưa đến nay. Smith, dựa trên nhận thức hoàn toàn mới về cách thức hoạt động của xã hội hiện đại, đã đưa tư duy của chúng ta về đời sống kinh tế từ hình thức cổ đại đến một hình thức khác hẳn.

Quan niệm cũ về kinh tế học

Thực vậy, Smith đã làm thay đổi tư tưởng của chúng ta đến mức khó mà mô tả được hệ thống kinh tế từng giữ thế thượng phong trong thời ông. Cái gọi là phái trọng tiền lúc đó đo lường tài sản quốc gia bằng số vàng và bạc có trong kho. Nhập khẩu từ nước ngoài được coi là có hại vì người ta cho rằng phải bán tài sản thì mới có tiền thanh toán, còn xuất khẩu được coi là tốt vì mang về kim loại quí. Thương mại chỉ làm giàu cho người bán chứ không phải người mua và một dân tộc chỉ có thể giàu lên nếu các dân tộc khác bị nghèo đi.

Trên cơ sở quan niệm như thế, hệ thống các quan điểm và định chế kiểm soát rộng khắp được dựng lên nhằm ngăn chặn, không để cho tài sản quốc gia bị bòn rút - đặt ra thuế nhập khẩu, trợ cấp cho các nhà xuất khẩu và bảo hộ nền sản xuất trong nước. Ngay cả các thuộc địa ở Mỹ của chính Anh quốc cũng bị trừng phạt theo kiểu đó, thiệt hại thật là thảm khốc. Trên thực tế, mọi hoạt động buôn bán đều bị nghi ngờ và chủ nghĩa bảo hộ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của nền kinh tế. Để bảo vệ ngành nghề của mình, các thành phố đã thực hiện biện pháp là cấm, không cho thợ thủ công các nơi khác nhập cư; các nhà sản xuất và các thương gia thì cầu xin hoàng đế ủng hộ các tập đoàn độc quyền được che chở; các phương tiện sản xuất cần ít lao động bị cấm vì chúng đe doạ những người sản xuất hiện hữu.

Hiệu quả của trao đổi tự do

Smith chỉ ra rằng hệ thống các quan điểm và định chế kiểm soát theo lối trọng tiền rộng khắp như thể là một sai lầm và phản tác dụng. Ông biện luận rằng hai bên đều được lợi khi họ trao đổi tự do với nhau. Rất đơn giản, người ta sẽ không trao đối nếu nghĩ rằng mình bị thiệt. Người bán được lợi mà người mua cũng thế. Nhập khẩu mang lại lợi ích cho chúng ta như thế nào thì xuất khẩu của chúng ta mang lại lợi ích cho người khác như thế ấy. Chúng ta không cần phải làm cho người khác nghèo đi thì mình mới giàu lên: thực ra, chúng ta sẽ được lợi nếu người tiêu dùng của chúng ta là những người giàu có[4].

Căn cứ vào sự thật là trao đổi tự do có lợi cho cả đôi bên, Smith khẳng định rằng, giống như sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, buôn bán và trao đổi chắc chắn chỉ làm cho chúng ta thịnh vượng thêm. Tài sản của quốc gia không phải là số vàng và bạc cất giữ trong kho mà là tổng sản phẩm sản xuất và thương mại - ngày nay chúng ta gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Đấy là một tư tưởng mới và đầy sức mạnh. Nó đã tạo ra một lỗ thủng lớn về mặt trí tuệ trên hàng rào thương mại được dựng lên xung quanh các nước châu Âu kể từ thế kỉ XVI. Và nó còn mang lại cả kết quả thực tiễn nữa. Của cải của các quốc gia, với văn phong sắc sảo, trực tiếp, đầy thách thức, dí dỏm với nhiều thí dụ dẫn chứng, dễ hiểu đối với những người đang hành nghề, tức là những người sẽ biến ý tưởng của nó thành hành động.

Cuốn sách được xuất bản quá muộn nên không thể chặn đứng được cuộc chiến tranh với các thuộc địa ở Mỹ, nhưng đã tạo cơ sở cho sự ủng hộ tích cực nền thương mại tự do và đơn giản hóa thuế khóa của Thủ tướng William Pitt và những biện pháp tự do hóa thị trường nông sản của Sir Robert Peel sau này. Lúc đó, người ta cho rằng tác phẩm của Adam Smith đã tạo ra nền tảng cho kỉ nguyên thương mại tự do và sự phát triển kinh tế trong thế kỉ XIX. Ngay cả hiện nay, khi tư tưởng thương mại tự do đã được chấp nhận trên toàn thế giới, việc thực hiện nó vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chế độ xã hội trên cơ sở tự do

Smith không thể nào dự đoán được rằng cuốn sách của ông lại tạo được ảnh hưởng đến như thế. Nhưng niềm tin vào quyền tự do cá nhân và tự do thương mại ngày càng gia tăng có xuất xứ trực tiếp từ nhận thức mới mẻ và cấp tiến của ông về cách thức xã hội loài người hoạt động trên thực tế. Ông nhận thức rõ rằng hài hòa xã hội sẽ xuất hiện một cách tự nhiên khi con người đấu tranh để tìm cách sống và làm việc cùng nhau. Tự do và tư lợi không nhất thiết dẫn tới hỗn loạn mà - do “bàn tay vô hình” dẫn dắt - sẽ tạo ra trật tự và hòa hợp.

Chúng còn dẫn đến việc sử dụng các nguồn lực một cách hữu hiệu nhất. Khi những con người tự do mặc cả với nhau - dù chỉ là để cải thiện điều kiện của chính mình - thì đất đai, vốn liếng, tay nghề, kiến thức, thời gian, đầu óc kinh doanh và sáng kiến đều được huy động và nhất định sẽ được dùng cho những mục đích mà họ cho là có giá trị nhất.

Như vậy là, nhà vua và các vị thượng thư không cần phải giám sát việc duy trì trật tự xã hội thịnh vượng nữa. Nó sẽ phát triển một cách tự nhiên như là sản phẩm của chính bản chất của con người. Nhưng muốn phát triển một cách tốt nhất và hoạt động một cách hữu hiệu nhất lại cần phải có thị trường cởi mở và cạnh tranh, được quyền tự do trao đổi và không bị áp chế. Nó cần luật lệ để bảo đảm sự cởi mở như cần phải có hỏa lò để giữ lửa vậy. Nó cần những điều luật công chính và đức hạnh, những điều luật chung nhất và phi nhân tính, khác hẳn với sự can thiệp mang tính cá nhân là đặc thù của các chính quyền theo lối trọng tiền.

Vị vậy mà Của cải của các quốc gia không chỉ là tác phẩm nghiên cứu về kinh tế học như chúng ta hiểu hiện nay mà còn là một chuyên luận mang tính đột phá về tâm lý học xã hội: về đời sống, về tài sản, về các định chế chính trị, về luật pháp và đạo đức.

Tâm lí học của đức hạnh

Smith sống trong thời mà một người có học có thể biết tất cả mọi thứ, từ khoa học, nghệ thuật, văn học, triết học, văn học cổ điển Hy Lạp và La Mã và cả đạo đức học nữa. Và ông đã là một người như thế. Ông đã gom góp được một thư viện khổng lồ và đã định viết về lịch sử khoa học nhân văn cũng như viết một cuốn sách về luật pháp và chính phủ. Và Của cải của các quốc gia không phải là cuốn sách đầu tiên làm cho tên tuổi của ông trở thành nổi tiếng, mà là cuốn sách về đức dục: The Theory of Moral Sentiments (Lí thuyết về cảm nhận đạo đức).

Lí thuyết về cảm nhận đạo đức cố gắng xác định căn cứ của những đánh giá về mặt đạo đức của chúng ta. Smith cũng coi đấy là vấn đề của tâm lí của con người. Con người có sự “thông cảm” tự nhiên (ngày nay chúng ta gọi là “đồng cảm”) với người khác và điều đó giúp họ nhận thức được cách thức tiết chế hành vi của mình và tạo ra sự hài hòa. Đấy chính là cơ sở của việc đánh giá hành vi và là nguồn gốc đức hạnh của con người.

Tư lợi và đức hạnh

Một số người hiện nay vẫn thường tự hỏi rằng làm sao mà tính tư lợi, động cơ của hệ thống kinh tế của Smith lại có thể sống chung với “đồng cảm”, động cơ của đạo đức của ông. Đây là câu trả lời: “Dù một người có ích kỉ đến đâu đi nữa thì trong tính cách của anh ta vẫn có một số nguyên tắc làm cho anh ta quan tâm đến số phận của người khác và hạnh phúc của họ, mặc dù anh ta chẳng được lợi lộc gì, ngoài việc thấy vui khi được quan sát người khác hạnh phúc”[5].

Nói cách khác, bản chất của con người là rất phức tạp. Người thợ bánh mì làm bánh cho chúng ta ăn không phải vì từ tâm, cũng không phải tư lợi đã thúc đẩy một người nào đó lao xuống sông để cứu một người xa lạ bị chết đuổi. Các tác phẩm của Smith là những cố gắng bổ sung cho nhau nhằm xác định làm thế nào mà những người tự tư tự lợi lại có thể và thực sự - sống bên nhau một cách hòa bình (trong lĩnh vực đạo đức) và hiệu quả (trong lĩnh vực kinh tế).

Nhưng Của cải của các quốc gia chắc chắn không phải là lời bào chữa cho chủ nghĩa tư bản ăn tươi nuốt sông lẫn nhau, như đôi khi có người chế giễu. Tư lợi có thể thúc đẩy kinh tế, nhưng nếu có cạnh tranh thật sự và không bị áp chế, thì nó có thể làm được nhiều việc tốt. Trong mọi trường hợp, lòng nhân ái và từ tâm của chính Smith đã hiện diện trên từng trang giấy. Bỏ qua quyền lợi của các thương gia và những kẻ có quyền lực, bằng cách trừng phạt những nhà sản xuất cố tình cản trở cạnh tranh và lên án các chính phủ ủng hộ những người như thế, đấy chính công lao của Smith trong việc làm cho các dân tộc, đặc biệt là người nghèo có thêm nhiều của cải hơn.

Bản chất của con người và xã hội loài người

Các nhà tư tưởng thế kỉ XVII bắt đầu tin rằng xã hội cần một hệ tư tưởng vững chắc hơn những giáo điều của các tu sĩ hay mệnh lệnh của chính quyền. Một số người tranh đấu hòng tìm cho ra những hệ thống “duy lí” của pháp luật và đạo đức. Nhưng Smith biện luận rằng xã hội loài người - trong đó có khoa học, ngôn ngữ, nghệ thuật và thương mại – vốn có cội rễ sâu xa ngay trong bản chất của con người. Ông chỉ ra rằng bản năng tự nhiên của chúng ta chính là người hướng dẫn tốt hơn bất kỳ lý lẽ đao to búa lớn nào. Nếu chúng ta đơn giản là loại bỏ hết “tất cả các hình thức thiên vị hoặc hạn chế[6]” và tin tưởng vào “quyền tự do tự nhiên” của con người thì chúng ta sẽ thấy rằng dù không chủ tâm nhưng chắc chắn là mình đã an cư lạc nghiệp trong một xã hội hài hòa, thanh bình và hiệu quả.

Xã hội tự do không cần nhà vua hay các vị thượng thư phải thường xuyên quan tâm bảo vệ. Đấy là xã hội dựa trên việc tuân thủ một số quy tắc ứng xử của con người với nhau - thí dụ như công bằng và tôn trọng cuộc sống và tài sản của người khác. Lúc đó, xã hội phúc lợi sẽ xuất hiện một cách hoàn toàn tự nhiên. Mục đích của Smith là xác định những nguyên tắc trong hành vi của con người, tức là những nguyên tắc mà trên thực tế đã tạo ra những kết quả tốt đẹp đến như thế.

 

2.      Cuộc đời và sự nghiệp của Adam Smith

Margaret đang mang thai thì chồng bà, một luật sư có quan hệ rộng với giới thượng lưu và là một quan chức cũ của ngành hải quan, mất vào tháng Giêng năm 1723. Ngày 5 tháng 6 năm đó bà làm giấy khai sinh cho cậu con trai, bà lấy ngay tên người chồng vừa quá cố làm tên cho con: Adam Smith. Cậu bé này rồi sẽ trở thành một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của thời đại và là tác giả của một trong những cuốn sách có ảnh hưởng nhất từng được trước tác từ xưa đến nay.

Kirkcaldy và Glasgow

Chúng ta không biết nhiều về những ngày thơ ấu của ông, ngoại trừ sự kiện là năm lên ba tuổi ông đã bị mấy người đàn bà Sư Gan bắt cóc trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó đã được người bác cứu. Nhưng cuộc sống thường nhật ở nơi chôn nhau cắt rốn của ông chắc chắn đã tạo điều kiện cho việc hình thành sự nghiệp của ông sau này. Cảng Kirkcaldy nằm hai bên bờ sông Firth of Forth là một trung tâm thương mại với những tàu cá, xuất khẩu than cho các vùng mỏ lân cận và đưa về thép vụn cho nền công nghiệp thép[7]. Smith lớn lên bên cạnh những người thuỷ thủ, người buôn cá, người làm đinh, viên chức hải quan và những người buôn lậu, mà nghề nghiệp của họ sẽ được ông mô tả trong Của cải của các quốc gia.

Vật đổi sao rời, việc buôn bán các loại hàng hoá như thuốc lá, bông, với Mỹ ngày càng gia tăng đã giúp cho các cảng ở miền Tây như Glasgow phát triển vượt lên trên những hải cảng cũ kĩ ở miền Đông, trong đó có Kirkcaldy[8]. Tác phẩm vĩ đại của Smith rồi sẽ ghi lại sự thăng giáng của thương mại và đời sống của những cộng đồng sống nhờ vào nó.

Ngay khi còn ngồi trên ghề nhà trường, ông đã tỏ ra là một người đam mê sách vở và có một trí nhớ phí thường, Ông vào trường Đại học Tổng hợp Glasgow khi vừa tròn 14 tuổi (tuổi bình thường thời đó) và được Francis Hutcheson, một triết gia vĩ đại chuyên về đạo đức học - cũng là một người theo trường phái tự do chủ nghĩa, duy lí, duy lợi, thẳng tính và là một cái gai trong mắt nhà cầm quyền - hướng dẫn và dường như cũng đã tiêm nhiễm cho Smith những tính cách hệt như thế.

Oxford và những biện pháp khuyến khích

Smith có kết quả học tập xuất sắc và đã giành được học bổng của Trường Cao đẳng Balliol, ở Oxford. Năm 1740, vừa tròn 17 tuổi, ông lên ngựa và làm một cuộc hành trình dài đúng một tháng. Nếu thành phố thương mại phát đạt Glasgow đã mở mắt cho cậu bé xuất thân từ khu vực Kirkcldy lạc hậu, thì nước Anh lại có vẻ như một thế giới khác. Ông viết rằng ở đấy có một nền kiến trúc uy nghiêm và những con gia súc béo tốt, khác hẳn với những thứ ở vùng Scotland quê hương ông.

Nhưng hệ thống giáo dục ở Anh lại không tạo được ấn tượng như thể. Thực vậy, nó đã dạy cho ông một bài học quan trọng về sức mạnh của những khuyến khích sai lầm mà ông sẽ liệt kê trong Của cải của các quốc gia. Các thầy giáo ở Oxford nhận lương từ qũy do các Mạnh Thường Quân ủng hộ chứ không phải từ học phí. Kết quả là, “trong nhiều năm, phần lớn giáo viên bỏ hết mọi việc, thậm chí họ còn chẳng thèm giả đò là đang dạy học nữa[9]” và cuộc sống ở trường được tổ chức vì “quyền lợi, hay nói đúng hơn, vì sự thoải mái của các giảng viên[10]”. Việc học tập môn kinh tế của Smith diễn ra rất nhanh.

Nhưng nhờ có thư viện tầm cỡ quốc tế của Balliol mà Smith có thể tự học được các môn như văn học cổ điển Hy Lạp và La Mã, văn học và nhiều môn khác. Ông rời Oxford vào năm 1746, trước khi kết thúc chương trình học bổng và trở về Kirkcaldy. Ông đã dành hẳn hai năm để viết về văn học, vật lí học, logic học và phương pháp khoa học.

Những ngày đầu trên bục giảng

Thông qua những mối quan hệ gia đình, Lord Kames, một luật sư danh tiếng và cũng là một nhà tư tưởng đã mời ông giảng một loạt bài về văn học Anh và triết lí pháp quyền tại Edinburgh. Những bài giảng này đã cho chúng ta thấy rằng ngay từ khi mới hai mươi tuổi, Smith đã phát triển được nhiều ý tưởng chủ yếu của ông (thí dụ như phân công lao động), tức là những ý tưởng sẽ tạo thành căn cứ thiết yếu cho tác phẩm Của cải của các quốc gia được chấp bút sau này.

Các bài giảng đã thu được thành công rực rỡ và là nấc thang cho sự nghiệp của ông sau này. Năm 1751, ông trở lại Glasgow, lần này là để giáng dạy môn logic học, luân lý học, văn học và thuật hùng biện (Không như cách hiểu hiện nay, “thuật hùng biện” lúc đó chỉ có nghĩa là học cách hành văn và giao tiếp mà thôi).

Giáo trình triết học của ông bao gồm thần học, đạo đức học, luật học và chính sách công. Các bài giảng vẻ luật học và chính sách (chỉ còn trong vở của sinh viên) chứa đựng nhiều ý tưởng (như hoạt động của hệ thống giá cả, sự bất cập của chủ nghĩa bảo hộ và sự phát triển của các định chế của chính phủ cũng như định chế kinh tế) sẽ xuất hiện gẫn như nguyên vẹn trong tác phẩm Của cải của các quốc gia vài năm sau đó.

Nhưng chính những suy tư của Smith về đạo đức đã quyết định tương lai của ông. Năm 1759, ông cho xuất bản tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức. Cuốn sách rất đặc sắc và độc đáo, giải thích những đánh giá về khía cạnh đạo đức của chúng ta bằng những thuật ngữ của môn tâm lí xã hội. David Hume, một nhà triết học và ngôn ngữ học, bạn của Smith, đã gửi sách cho rất nhiều bạn bè của ông, và một chính khách - ông Charles Townshend - đã có ấn tượng đến mức lập tức mời Smith trực tiếp làm giám hộ cho con riêng của vợ ông, tức là Hầu tước Buccleuch, với mức lương hào phóng, suốt đời, là 300 bảng Anh.

Những chuyến du hành

Mặc dù có một trí tuệ siêu phàm, nhưng để Smith làm giám hộ trực tiếp thì lại dở. Nhà văn James Boswell nói rằng đầu óc ông lúc nào cũng đầy những vấn đề, cho nên ông là người đãng trí khủng khiếp. Mải suy nghĩ, một lần đáng lẽ phải chuẩn bị nước trà thì ông mang bánh mì và bơ ra đãi khách; lần khác, ông đã đi bộ suốt tám dặm, đến tận Munfermine, trước khi nhận ra là mình bị lạc; rồi có lần ông bị ngã xuống mương nước vì không chú ý nhìn đường.

Nhưng hai thầy trò lập tức lên đường sang Pháp. Du hành cũng là một phần trong chương trình học tập của các nhà quý tộc trẻ thời đó. Ở Paris, họ gia nhập nhóm khách khứa rất sôi động của David Hume, ông này lúc đó đang là thư kí riêng của đại sứ Anh tại Pháp. Nhưng Smith nói tiếng Pháp rất kém và ông cảm thấy khó tiếp xúc được với những người khác. Chán nản, ông bảo với Hume: “Để giết thời gian, tôi bắt đầu viết một cuốn sách[11]”. Đấy chính là cuốn Của cải của các quốc gia.

Trên những chặng đường tiếp theo, qua miền Nam Pháp, sang Geneva và trở về Paris, Smith thu thập hết sự kiện này đến sự kiện khác về văn hóa, về chính quyền, về thương mại, về quản lí và đời sống kinh tế ở châu Âu và suy nghĩ về sự khác nhau với những sự kiện như thế ở quê hương ông. Những cuộc thảo luận với các danh nhân hàng đầu của châu lục càng làm cho những tư tưởng, được ông trình bày trong tác phẩm vĩ đại của mình, thêm sâu sắc hơn.

Của cải của các quốc gia

Hai thầy trò quay lại London vào năm 1766. Smith trở về định cư ở Kirkcaldy, bây giờ ông đã có đủ tiền mua một ngôi nhà trên phố High Street, để cho mẹ và người em họ tên là Janet ở cùng. (Smith dành hết tình cảm cho mẹ cho đến khi bà qua đời vào năm 1784. Ông không bao giờ lấy vợ, mặc dù rõ ràng là ông đã từng gắn bó với “một người phụ nữ trẻ đầy nhan sắc và tài năng[12]”.)

Ông sống ở Kirkcaldy trong một thời gian dài, chuyên tâm vào việc viết lách, sửa chữa và trau chuốt bản thảo; sức khoẻ của ông, vì vậy, cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng ông cũng đã quay lại sống ở London trong một thời gian khá dài, từ năm 1773 đến năm 1776; trong thời gian này ông đã có dịp giao du với những bộ óc lớn, trong đó có hoa sĩ Sir Joshua Reynolds, nhà cổ sử Edward Gibbon, các chính khách cấp tiến Edmund Burke, Boswell và ngay cả nhà biên soạn từ điển Samuel Johnson (mặc dù bất đồng quan điểm).

Rốt cuộc, Của cải của các quốc gia được xuất bản vào tháng 3 năm 1776. Nó đã tạo được thành công lớn về mặt thương mại, được tái bản mấy lần và chỉ trong vòng vài năm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó còn là một thắng lợi về mặt thực hành nữa: các hướng dẫn của nó, thí dụ như tự do hoá thương mại, bắt đầu được đưa vào chính sách công

Cố vấn hải quan

Smith được giao chức Cố vấn hải quan ở Edingburgh với mức lương hậu hĩnh là 600 bảng Anh. Người chỉ trích mạnh mẽ nhất hệ thống hải quan tuỳ tiện và kém hiệu quả của  Anh bây giờ được giao nhiệm vụ cải thiện nó, và ông đã tỏ ra là một người mẫn cán với công việc này[13]. Ông còn làm cố vấn cho những vấn đế khác nữa, thí dụ như chống lại những hạn chế về thương mại ở Ireland, về những “rối loạn” ở các thuộc địa ở Mỹ. Sau này, Thủ tướng William Pitt đã chấp nhận các nguyên lí do Smith đề xuất trong khi soạn thảo hiệp định thương mại với Pháp và tiến hành cải cách hệ thống thuế khoá.

Smith thích bàn bạc và tranh luận với bạn bè. Tháng 7 năm 1790, trong một buổi chiều như thế ở Edingburgh ông cảm thấy mệt và đi nằm, không quên nói rằng cuộc thảo luận phải được tiếp tục ở một chỗ khác. Ông mất sau đó mấy ngày và được chôn cất trong nghĩa địa ở gần ngôi nhà trên phố Canongate của ông.



[1] Có lẽ tác giả muốn nói đến Giáo Sự William Ballantyne Hodgson (1815 - 1880), người đầu tiên giữ chức Trường khoa Thương mại, kinh tế chính trị học và luật thương mại do Công ty thương mại Edinburgh lập ra vào năm 1870.

[2] Trước đây thường dịch là trọng thương - ND.

[3] Gavin Kennedy là Giáo sư danh dự của Đại học Heriot-Watt và tác giả cuốn Adam Smith's Lost Legacy, được Palgrave Macmillan xuất bản năm 2005.

[4] Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương II, Phần II, trang 493, đoạn C. (Trang ghi trong các chú thích được lấy theo The Glasgow Edition of the Works and Correspondence of Adam Smith. Xem phần tiều sử. Phần dịch các trích dẫn tác phẩm Của cải của các quốc gia có tham khảo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inliberty.ru/library/classic/432/)

[5] Lí thuyết về cảm nhận đạo đức, Phần I, Chương 1, trang 9, đoạn 1.

[6] Của cải của các quốc gia, Cuốn IV, Chương IX, Phần II, trang 687, đoạn 51.

[7] T G. E. West, Adam Smith: The Man and His Works, Libery Fund, Indianapolis, IN, 1976, trang 31.

[8] R. H. Campbell và A. S. Skinner, Adam Smith, Croome Helm, Londn, 1982, trang 9-10.

[9] Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương I, Phần III, mục II, trang 761, đoạn F8.

[10] Của cải của các quốc gia, Cuốn V, Chương I, Phần III, mục II, trang 764, đoạn F15.

[11] Thư gửi David Hume, ngày 5 tháng Sáu năm 1764.

[12] D. Stewart, Cuộc đời và tác phẩm của Tiến sĩ luật học Adam Smith, 1794. Nhà xuất bản Glasgow, tập III, ghi chú K., trang 349-50.

[13] H. Campbell and A. S. Skinner, Adam Smith, Croome Helm, London, 1962, trang 200-203.

No comments:

Post a Comment