January 6, 2024

Tầng ý thức và lịch sử

 Trong tác phẩm 40 thế kỷ kiểm soát giá và tiền công, hai tác giả cuốn sách này viết: “Suốt 4.000 năm lịch sử, chưa quốc gia lớn nào học được những bài học từ quá khứ”. Đấy là họ nói về các biện pháp quản lý giá và tiền công, nhưng trong một số lĩnh vực, ví dụ trong lĩnh vực lịch sử và kinh tế, ta cũng thấy nhiều nước “chẳng học được gì từ quá khứ”.



Câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại như thế? Con người rõ ràng là thông minh hơn, biết nhiều hơn, tại sao họ lại tiếp tục lặp đi lặp lại những sai lầm xưa cũ?

Chỉ có thể trả lời được câu hỏi này nếu ta nhìn vào tầng ý thức của nhân loại: Trong suốt nhiều thể kỷ, tầng ý thức của nhân loại vẫn giữ nguyên ở con số 190, nghĩa là tiêu cực, họ là những người luôn luôn có quan niệm thắng thua, tôi thắng thì anh thua, hay còn gọi là trò chơi với kết quả Zero-Zero.



Trong lĩnh vực chính trị.

Thắng thua trong lĩnh vực chính trị nghĩa là một kẻ nổi dậy nào đó cướp được/giành được chính quyền thì ông ta sẽ chiếm lấy ngai vàng, rồi truyền cho con cháu của mình cho đến khi một kẻ nổi dậy khác vùng lên, cướp được chính quyền và “làm thịt” con cháu của ông ta. Lịch sử cứ lặp đi lặp lại như thế mãi. Tất cả các nước đều không rút ra được bài học nào từ quá khứ. Chỉ có các nhà lập quốc Mỹ, những người có tầng ý thức cao hơn hẳn tuyệt đại đa số những người cùng thời - có thể họ ở những tầng từ 400 tới 499 - mới nhận thức được rằng ngai vàng/ngôi vua là của quý mà nhiều người trong thiên hạ luôn luôn dòm dỏ. Nhưng không đi vào vết xe đổ của các chế độ quân chủ thì phải biến ngai vàng/ngôi vua thành món đồ mà kẻ thắng không thể được giữ lâu, còn kẻ thua cũng không mất hết hy vọng, đến mức phải sử dụng vũ lực. Cuộc chơi trở thành thắng cũng không thắng mãi, mà thua cũng không thua vĩnh viễn. Đấy chính là cái mà chúng ta gọi là chế độ dân chủ, cứ 4 năm họ lại tổ chức bầu cử một lần. Có thể coi bầu cử là đảo chính phi bạo lực, không đổ máu. Sau nước Mỹ, nhiều nước đã bắt chước mà sao chép mô hình dân chủ, nhưng một số nước khác vẫn làm theo lối cũ và kết quả thì vẫn như cũ.



Trong lĩnh vực kinh tế

Những người ở tầng ý thức 190, nghĩa là tiêu cực, là những người luôn luôn có quan niệm thắng thua, tôi thắng thì anh thua, hay còn gọi là trò chơi với tổng bằng không. Trong lĩnh vực kinh tế, những người này cho rằng người bán, tức là người thu được tiền là người thắng, còn người mua, tức là người phải mở hầu bao, là người thua. Đấy là lý do hình thành chế độ trọng thương, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu nhằm giữ lại vàng bạc, không cho chuyển những kim loại quý này ra nước ngoài. Phải đến khi Adam Smith - có khả năng là tầng ý thức của ông này nằm trong khoảng từ 400 tới 499 - chấp bút cuốn sách Của cải của các quốc gia thì người ta mới ngộ được rằng trao đổi mang lại lợi ích cho cả người mua và người bán. Đồng thời trao đổi cũng giúp cho người ta tích lũy tư bản, chuyên môn hóa, nâng cao tay nghề..v.v.. Đây là trò chơi Thắng-Thắng, các bên cùng thắng, còn gọi là thị trường tự do.  

Thị trường tự do cũng là Pháp lý dành cho nhân loại, dành cho những người có tầng ý thức từ 499 trở xuống. Đấy là những người tự tư, tự lợi. Tự tư không phải là lòng tham mà đòi được tưởng thưởng xứng đáng với công sức bỏ ra. Họ là những người có cả ma tính lẫn Phật tính. Phật tính là tạo ra giá trị cho người tiêu dùng; lòng tham, lười biếng, muốn ăn mà không muốn làm… là ma tính, nếu không được tưởng thưởng xứng đáng thì ma tính sẽ nổi lên và ngày càng phình to ra. Xã hội phải có cơ cấu sao cho phần ma tính yếu đi, phần Phật tính mạnh lên. Chỉ có thị trường tự do mới làm được như thế: tưởng thưởng  luôn luôn tương xứng với công sức đã bỏ ra.  

Mặc dù Đức Phật, Chúa Jesus, Lão Tử, Trang Tử và nhiều nhà huyền môn khác đều nói đại ý rằng của cải thế gian là vật ngoại thân, truy cầu rồi cũng mất, nhưng chỉ có 4% dân số thế giới đạt được tầng ý thức 500, tức là tầng tình yêu và chỉ có 0,4% đạt được tầng tình yêu vô điều kiện, tức là chỉ có những người đạt được tầng 500 trở thì mới là những “người mình vì mọi người”. Tuyệt đại đa số dân chúng không thể vươn tới tầng này, nếu đa số vươn tới tầng này thì đấy sẽ là xã hội của Thần chứ không còn là xã hội của con người nữa.



Như đã nói, những người bên dưới tầng 500 là những người tự tư tự lợi, nếu đưa họ vào làm ăn theo lối tập thể thì họ sẽ hiện nguyên hình là những kẻ “muốn ăn mà không muốn làm”, tức là phần ma tính sẽ lấn át phần Phật tính trong con người của họ. Đấy không phải là kết luận vu vơ mà có bằng chứng rõ ràng. Đễ một người kéo một vật gì đó thì họ sẽ bỏ ra 100% công sức, nhưng hai người kéo thì mỗi người chỉ bỏ ra 80% công sức mà thôi. Càng nhiều người kéo thì sức lực mà mỗi người bỏ ra sẽ càng ít đi. Làm ăn tập thể thì cũng thế. Kết quả: xã hội sẽ bước lên Đường về nô lệ: nghèo đói gia tăng, đán áp cũng gia tăng vì phải ép buộc thì người ta mới làm!



Kết luận: Kinh thế thị trường tự do và chế độ dân chủ là Pháp dành cho người bình thường, tức là dành cho đa số nhân loại. Nhân loại không phải là thánh thần, làm khác đi là trái ngược với bản chất của con người.

Đường chúng ta đi – Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh

Khi tầng ý thức của hầu như toàn bộ dân chúng nằm dưới 200, nghĩa là họ có thái độ tiêu cực, họ luôn luôn có quan niệm thắng thua, tôi thắng thì anh thua, hay còn gọi là trò chơi với tổng bằng không. Đấy là xã hội mà dân chúng, khi sản xuất thì tìm cách làm gian làm dối, “rau hai luống, lợn hai chuồng”…, buôn bán thì nói thách, lừa được người mua vài đồng thì lấy làm thỏa mãn … Còn trước người có quyền lực thì họ co rúm lại, họ luôn luôn có quan niệm “Vinh thân phì gia”, “Một người làm quan của họ được nhờ”. Trước đây nhiều người tưởng tằng tài sản công cộng, tức là hợp tác xã hay xí nghiệp quốc doanh thì dễ bị tham ô, nhưng “chuyến bay giải cứu” và Việt Á chứng tỏ rằng không phải như thế. Khi người ta bị năng lượng của trường “tham lam” khống chế thì họ sẽ làm mọi việc để thỏa mãn lòng tham vô đáy của mình. Tham lam có điểm hiệu chỉnh 125 tức là còn cách xa Kiêu ngạo, 175 điểm. Có thể nói hầu hết các quan chức không có thái độ kiêu hãnh vì có chức có quyền, phải bảo vệ danh dự của mình và dòng họ mình. David Hawkins nói rằng tầng tổng thế của dân Đông Lào là 140, là có cơ sở.

Hiện tượng “xá lợi tóc” ồn ào trong mấy ngày vừa qua càng chứng tỏ nhận định này.



Với tầng ý thức như thế, người chính trực sẽ bị loại bỏ; có đưa ông John Kennedy lên làm người đứng đầu chính phủ thì ông ta cũng bó tay hoặc là sẽ bị bộ máy nhuộm đen ngay lập tức.

Cho nên khẩu hiệu của Cụ Phan Châu Trinh đưa ra cách đây cả trăm năm, Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh vẫn còn nguyên giá trị. Có người muốn đảo ngược câu của Cụ Phan thành: Dân trí, Dân khí, Dân sinh; theo thiển ý của người viết, đổi như thế là không hiếu ý Cụ. Cụ Phan không nói phải Khai dân trí trong 3 năm hay 10 năm rồi mới Chấn dân khí, lại sau 3 năm hay 10 năm mới Hậu dân sinh, mà đây là cỗ xe tam mã, 3 con ngựa kéo, trên xe là toàn thể quốc dân đồng bào. Đây là đường chúng ta đi hôm nay và mãi mãi về sau.



Ngay cả ở Mỹ với 49% người dân có tầng ý thức dưới 200 thì Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh vẫn là công việc mà những người có lòng với dân với nước phải làm. Tất nhiên mỗi thời, mỗi giai đoạn, nội hàm của khẩu hiệu sẽ hơi khác đi một chút nhưng cái khung của khẩu hiệu do Cụ Phan đưa ra sẽ có giá trị đến muôn đời sau.

No comments:

Post a Comment