January 6, 2025

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI (1)

 

CÁC NHÀ VÔ ĐCH N DANH CA TH K XXI

CHIN LƯỢC DN TI THÀNH CÔNG CA NHNG CÔNG TI
 
N DANH HÀNG ĐU TH GII

HERMANN SIMON
 

CÁC NHÀ VÔ ĐỊCH ẨN DANH CỦA THẾ KỈ XXI

CHIẾN LƯỢC DẪN TỚI THÀNH CÔNG CỦA NHỮNG CÔNG TI
 ẨN DANH HÀNG ĐẦU THẾ GIỚI
 



NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC

Mục lục

 

Dẫn Nhập                                                                                        

Làm sao tôi phát hiện được các nhà vô địch ẩn danh?

 

Chương 1: Nhà nước toàn cầu – Thế giới của tương lai

Toàn cầu hóa là động lực của phát triển

Sự năng động mang tính khu vực trong nhà nước toàn cầu

Sự năng động dân cư trong nhà nước toàn cầu

Những thị trường của tương lai

Những rủi ro của phi-toàn cầu hóa

Các nhà vô địch quốc gia

Thế giới không phẳng

Tóm tắt

 

Chương 2: Vai trò của Đức trong nhà nước toàn cầu

Đức vẫn vững vàng

Tại sao Đức phải xuất khẩu

Vì sao Đức lại thành công đến như thế trong lĩnh vực xuất khẩu?

Tại sao Đức lại có nhiều nhà vô địch ẩn danh đến như thế?

Tương lai của Đức trong nhà nước toàn cầu

Tóm tắt

 

Chương 3: Sức mê hoặc của những nhà vô địch ẩn danh

 

Họ là ai? Một số nhà vô địch ẩn danh trên thế giới

Bức màn bí mật

Công ty nào được coi là nhà vô địch ẩn danh?      

Các nhà vô địch ẩn danh có xuất xứ từ đâu?

Kiến thức và cơ sở dữ liệu                           

Những dữ liệu mang tính cơ cấu về các nhà vô địch ẩn danh

Các nhà vô địch ẩn danh thành công đến mức nào?   

Bài học từ các nhà vô địch ẩn danh

Mục đích của tác phẩm này 

Tóm tắt

 

Chương 4: Tăng trưởng và vị trí dẫn đầu trên thương trường

 

Ngọn lửa thầm kín

Tăng trường, tăng trưởng và tăng trưởng

Từ nhà vô địch ẩn danh thành nhà vô địch lớn

Khoảng giữa bùng nổ

Những chú lùn đang lớn

Động lực của tăng trưởng

Vị trí dẫn đầu trên thương trường

Dẫn đầu thương trường nghĩa là gì

Thị phần

Những mục tiêu dài hạn

Tóm tắt

 

Chương 5: Thị trường và sự chú tâm

Xác định thị trường và thị phần

Những thị trường chật hẹp

Các nhà vô địch ẩn danh xác định thị trường như thế nào

Chú tâm, Chú tâm và Chú tâm

Sâu hay rộng

Thị trường siêu chuyên biệt và những người làm chủ thị trường

Tốt xấu mặc lòng

Đa dạng hóa mềm

Tóm tắt

 

Chương 6: Toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa: Cột trụ thứ hai

Hiện diện trên toàn thế giới: Thực trạng và quá trình

Toàn cầu hóa thương hiệu

Toàn cầu hóa: Động lực của tăng trưởng

Dịch chuyển trong khu vực

Giá trị chiến lược của thị trường từng nước

Những thị trường của tương lai

Trung Quốc và Ấn Độ

Mĩ Latin

Châu Phi

Thực thi toàn cầu hóa

Khía cạnh văn hóa và tinh thần của toàn cầu hóa

Tóm tắt

 

Chương 7: Khách hàng, Sản phẩm, Dịch vụ

 

Quan hệ gần gũi với khách hàng

Đòi hỏi của khách hàng

Sự phụ thuộc vào khách hàng và rủi ro

Tìm kiếm sự gần gũi với khách hàng

-          Gần gũi với khách hàng bằng cách phân cấp

-          Tương tác đa dạng với khách hàng

-          Hướng đến những khách hàng quan trọng nhất

Phổ sản phẩm và dịch vụ

-          Sản phẩm

-          Dịch vụ

-          Tích hợp hệ thống

-          Giá cả

Tóm tắt

 

Chương 8: Đổi mới

Đổi mới nghĩa là gì?

Mức độ đổi mới cao

-          Nghiên cứu và phát triển

-          Bằng sáng chế

-          Sản phẩm mới

Động lực của đổi mới

Nguồn gốc của đổi mới

Lãnh đạo và khía cạnh tổ chức của đổi mới

-          Vai trò của ban lãnh đạo cao nhất

-          Người đứng đầu quan trọng hơn ngân sách

-          Những giá trị và chiến lược được mọi người chỉa sẻ

-          Hợp tác giữa các phòng ban chức năng

-          Phát triển cùng với khách hàng

-          Cải thiện liên tục hay đổi mới mang tính đột phá

-          Tốc độ của nghiên cứu và phát triển

Tóm tắt

 

Chương 9: Cạnh tranh

Tổ chức và hành vi có tính cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh

-          Tần suất của những lợi thế cạnh tranh

-          Ma trận các lợi thế cạnh tranh

Tính bền vững của các lợi thế cạnh tranh

Thể hiện những ưu thế cạnh tranh

Ưu thế cạnh tranh và chi phí

Đối tác giúp giữ phong độ cạnh tranh

Tránh cạnh tranh quá mức

Tóm tắt

 

Chương 10: Tài chính, tổ chức và môi trường kinh doanh

Tài chính

Tổ chức

-          Tổ chức theo chức năng

-          Tổ chức theo phòng ban

-          Tính năng động của tổ chức

-          Phân cấp trong giai đoạn đầu

-          Tổ chức quy trình

Tổ chức chuỗi giá trị

-          Liên kết theo chiều dọc và gia công

-          Xưởng cơ khí riêng và chế tạo lấy máy móc

-          Tự nghiên cứu và phát triển

-          Đánh giá chiến lược

-          Liên minh chiến lược

Môi trường kinh doanh

-          Cụm công nghiệp

-          Cụm kinh doanh

Tóm tắt

 

Chương 11: Nhân viên

 

Tạo việc làm

Văn hóa doanh nghiệp

-          Tỷ lệ ốm đau và tỷ lệ luân chuyển nhân viên

-          Tinh thần làm việc tích cực

-          Tổ chức và đo lường hiệu suất của từng người

-          Khu vực nông thôn

 

Bằng cấp và học tập

Tuyển dụng

Tóm tắt

 

Chương 12: Người lãnh đạo

 

Cơ cấu của quyền sở hữu và lãnh đạo

Lãnh đạo quan trọng tới mức nào?

Tính liên tục của lãnh đạo

Đưa người trẻ lên chức vụ cao nhất

Những người phụ nữ đầy quyền lực

Quốc tế hóa ban quản lí

Tính cách

-          Doanh nhân sáng lập

-          Doanh nhân hoàn thiện

Phong cách lãnh đạo

Tính kế thừa của lãnh đạo

Tóm tắt

 

Chương 13: Những bài học từ các nhà vô địch ẩn danh

Lãnh đạo và mục tiêu

Nhân viên có hiệu suất cao

Chiều sâu

Phân cấp

Chú tâm

Toàn cầu hóa

Đổi mới

Gần gũi với khách hàng

Ba vòng tròn và tám bài học

Những bài học cho các nhà hoạch định chiến lược

-          Định hướng dài hạn và sống sót

-          Tránh những sai lầm nghiêm trọng

Bài học cho những công ty quy mô nhỏ

Bài học cho những công ty quy mô nhỏ

Những bài học cho các công ty lớn

-          Bài học cho những nhà vô địch lớn

-          Bài học cho những tập đoàn đã đa dạng hóa

-          Bài học về tính năng động của công ty

Bài học cho những người tìm việc

Bài học cho chính trị và quốc gia

-          Bài học cho những nước công nghiệp hóa đã phát triển cao

-          Bài học cho những nước mới nổi

 

Lessons for Vietnam (???)             

Tóm tắt những bài học

 

Dẫn nhập

Làm sao tôi phát hiện được
các nhà vô địch ẩn danh?

Ý tưởng ban đầu về việc nghiên cứu chiến lược kinh doanh của những công ti hàng đầu thị trường thế giới nhưng vẫn chưa được ai biết đến xuất hiện năm 1986. Năm đó tôi gặp Giáo sư Theodore Levitt, một người nổi tiếng trong lĩnh vực marketing, đang dạy tại Harvard Business School. Ba năm trước, năm 1983, Giáo sư Levitt đã phổ biến thuật ngữ “toàn cầu hóa” trong một bài báo có tính đột phá trên tờ Harvard Business Review[1]. Trong buổi gặp gỡ đó, chúng tôi bắt đầu thảo luận về thành tựu trong lĩnh vực xuất khẩu. Tại sao một số nước trở thành những nước giữ thế thượng phong trong lĩnh vực xuất khẩu? Tại sao những nước khác lại thất bại? Hai năm sau, khi tôi trở thành Giáo sư thỉnh giảng tại Harvard Business School, một lần nữa vấn đề này lại được xới lên. 20 năm sau, chúng tôi lại có thể tiếp tục cuộc thảo luận gần như với cùng một hình thức như cũ. Theodore Levitt qua đời năm 2006. Tôi dành cuốn sách này để tưởng niệm ông.

Trong quá khứ, sự thật là, những nước xuất khẩu mạnh tương tự như nước Đức không phải là nhờ các công ti lớn. Các công ti lớn, hoạt động trên bình diện quốc tế, với tiềm lực xuất khẩu to lớn hiện diện trong tất cả các nước công nghiệp phát triển cao. Trong buổi thảo luận với Giáo sư Levitt, chúng tôi biện luận rằng nguyên do của thành tích xuất khẩu của các nước nói tiếng Đức là nhờ các công ti nhỏ và vừa. Các nước như Mỹ, Pháp, Brasil hay Nhật Bản có rất ít những công ti như thế, hay những công ti đó không hoạt động một cách tích cực trên bình diện quốc tế, thành tích xuất khẩu của họ cũng không cao. Dần dần tôi mới phát hiện ra rằng rất nhiều công ti qui mô vừa là những công ti hàng đầu thế giới trong thị trường của họ. Luận điểm cho rằng những công ti hàng đầu là những công ti dẫn dắt quá trình toàn cầu hóa vẫn còn nguyên giá trị trong thập kỉ vừa qua. Có thể nói rằng, các công ti đó thậm chí còn có vai trò quan trọng hơn trong quá trình toàn cầu hóa.

Tôi đã trình bày và thảo luận vấn đề này trên khắp năm châu. Trong khi làm như thế, tôi phát hiện ra rằng những công ti hàng đầu ẩn danh trên thị trường thế giới có mặt khắp mọi nơi. Tôi đã tìm thấy họ ở Mỹ, Brazil, Nhật Bản, Nga, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand và ở nhiều nước khác nữa. Những công ti này có một sự tương đồng đáng chú ý về văn hóa, chiến lược kinh doanh và phong cách lãnh đạo. Tuy nhiên, phần lớn những người tạo dựng lên những công ti này lại có gốc từ những nước nói tiếng Đức. Theo đánh giá của tôi, 60% các công ti  qui mô trung bình dẫn đầu thị trường thế giới là những công ti có xuất xứ từ vùng này. Cuối những năm 1980, tôi đặt ra thuật ngữ “các nhà vô địch ẩn danh” để nói về những công ti đặc biệt đó. Năm 1992, một bài báo trên tờ Harvard Business Review đã tạo được sự chú ý của dư luận.[2] Cách chơi chữ với những thuật ngữ tưởng như trái ngược nhau là “ẩn danh” và “vô địch” đã có đóng góp vào hiện tượng kì lạ đó. Từ đó trở đi, thuật ngữ “các nhà vô địch ẩn danh” trở thành thông dụng trên toàn thế giới. Tìm thuật ngữ “các nhà vô địch ẩn danh” sẽ được 167.000 kết quả.[3] Cuốn sách đầu tiên bàn về đề tài này đã được xuất bản ở hơn 20 nước.[4] “Các nhà vô địch ẩn danh” thậm chí còn được đưa lên trang bìa của tờ tạp chí Business-Week (xem hình 1.1).


Cùng với thời gian, khái niệm “các nhà vô địch ẩn danh” đã được người ta chấp nhận theo những cách khác nhau. Ban đầu, chiến lược kinh doanh và phong cách lãnh đạo của những công ti đó bị một số người coi là kì quặc, lạ lùng hay lỗi thời. Một số nhà quan sát cho rằng các nhà vô địch ẩn danh là những công ti quá chuyên môn, cực kì nhiệt huyết, ở các thành phố nhỏ, chuyên vào những thị trường cực kì nhỏ; trong thời đại của những công ti lớn, thời đại của toàn cầu hóa và đa dạng hóa, những công ti này sẽ chẳng có mấy cơ hội sống sót. Một số người khác thì cho rằng số phận của các công ti quy mô vừa là cứ mãi nhỏ bé như thế, sẽ bị lỗi thời về mặt công nghệ và cuối cùng là chết vì không đa dạng hóa rủi ro, mặt trái của việc chú tâm vào lĩnh vực hạn hẹp của họ. Ngoài ra, phương pháp quản lí của các công ti này thường bị coi là cổ lỗ, gia trưởng và độc đoán và ngày càng xa cách lực lượng lao động hiện đại. Chắc chắn là trong một số trường hợp, đánh giá như thế là đúng. Nhưng thế giới cũng như con đường phát triển của những nhà vô địch ẩn danh trong thế kỉ XXI khác hẳn với những đánh giá mang tính hoài nghi như thế. Tác phẩm này sẽ chỉ ra những thành công ngoạn mục của các nhà vô địch ẩn danh của thế kỉ XXI.


Hơn bao giờ hết, tôi tin tưởng rằng một số nhà vô địch ẩn danh có bộ máy quản lí và chiến lược kinh doanh tuyệt vời, ổn định hơn là các công ti lớn. Nhưng nghiên cứu về quản lí, giảng dạy, báo chí lại tập trung vào những công ti lớn, đã được nhiều người biết đến. General Motors là ngôi sao trong những năm 1950; còn trong những năm 1970 là IBM. Cả hai đều được coi là mô hình của quản trị kinh doanh hoàn hảo. Gần đây hơn, đó là Microsoft, Nokia, Toyota, Google hay Facebook đã nhảy lên sân khấu. Không nghi ngờ gì rằng đó là những công ti rất thành công trong những giai đoạn của họ. Nhưng niềm vinh quang của Motors và nhiều công ti khác đã lu mờ cùng với thời gian, Microsoft và những công ti đang lấp lánh trên bầu trời ngày hôm nay có lẽ cũng sẽ bớt quyến rũ, đấy là nói nếu ta có thể quan sát chúng vào năm 2035. Ngoài ra, một người theo dõi hoạt động kinh doanh trung bình sẽ học được gì từ những ngôi sao thế kỉ như Microsoft hay Google, những công ti độc nhất vô nhị, chẳng khác gì Albert Einstein? Về cơ bản, những công ti “bình thường” cũng giống như các nhà vô địch ẩn danh, tức là những công ti nhờ có chiến lược kinh doanh đặc thù mà đã chiếm được vị trí dẫn đầu trong thị trường của họ; sẽ phù hợp hơn nếu coi các nhà vô địch ẩn danh là những mô hình kinh doanh và những ví dụ đáng phải học hỏi. Các công ti nhỏ và vừa trên khắp thế giới có thể học được nhiều điều từ những công ti dẫn đầu thị trường, nhưng chưa được nhiều người biết tới, chứ không phải từ những công ti lớn, nổi danh trên hoàn vũ.  

 Chương 1

Nhà nước toàn cầu - Thế giới của tương lai

Ai là động lực trong nhà nước toàn cầu?

Nhà nước toàn cầu là thế giới của tương lai. Sự vươn lên đầy ngoạn mục của Trung Quốc và những nước mới nổi khác tạo ra ấn tượng trong các phương tiện thông tin đại chúng rằng châu Á sẽ là động lực chính của thế giới ngày mai. Nhưng phân tích một cách kĩ lưỡng cho thấy không hoàn toàn đúng như thế. Hình 1.2 cho thấy sự gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một số nước đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng giả định của Trung Quốc và Ấn Độ là 6%, của Brazil là 5% - một tốc độ khá cao cho một giai đoạn dài như thế. Tốc độ phát triển của Mỹ là 2,5%, của EU (không kể Đức) là 1,5%, Đức được giả định là 1,5% và Nhật Bản là 1%. Giả định này dựa trên báo cáo “Global Economic Outlook 2012” của Conference Board và báo cáo “World Order in 2050”. Cần ghi nhận rằng dự báo về GDP trong thời gian dài như thế là một công việc đầy rủi ro. Nhưng ở đây chúng tôi muốn trình bày sự phát triển có thể xảy ra trong bối cảnh của nền kinh tế toàn cầu chứ không phải là đưa ra những dự báo thật chính xác.

Hình 1.2: Tổng sản phẩm quốc nội của một số nước trong năm 2010 và 2025


Những thông điệp chính là hoàn toàn rõ ràng:

·   Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới vào năm 2025.

·   Trung Quốc là nước thứ hai trong bảng tổng sắp các nước riêng lẻ.

·   Ngay cả không tính Đức, năm 2025, Liên minh Châu Âu (EU) gộp lại vẫn lớn hơn Trung Quốc. Nếu tính cả Đức, GDP của EU sẽ gần bằng Mỹ.

·   Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí thứ tư.

·   Đức, Ấn Độ và Brazil sẽ có vị trí gần nhau vào năm 2025.

·   Khoảng cách giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ rộng ra về giá trị tuyệt đối. Ngay cả giả định tốc độ phát triển của Ấn Độ là 8%/năm thì nước này cũng không thể đuổi kịp Trung Quốc vào năm 2025.

Năm 2025 Mỹ và châu Âu tiếp tục kêu gọi mọi người phải cố gắng.

Mặc dù Trung Quốc đã tiến những bước dài. Trục hai cực Mỹ - Châu Âu hiện nay sẽ trở thành ba cực trong những năm sắp tới. Nhưng ba cực khác với “tam đầu chế” do Kenichi Ohmae đưa ra vào năm 1980. Trong tác phẩm Triad Power nổi tiếng, ông nhận định Nhật Bản là nước thứ ba, đứng cạnh Mỹ và châu Âu[1]. Walter Russell Mead sử dụng thuật ngữ “thời đại tam nhân” cũng trong bối cảnh như thế[2]. Song, do trì trệ mà cách đây 20 năm Nhật Bản đã đánh mất nền tảng của mình và có khả năng là nước này còn tiếp tục trượt dài nữa. Sức mạnh của châu Âu trên trường quốc tế cũng đã giảm đi. Nhìn vào tương lai đến năm 2025, chúng ta có thể gọi đấy là thế giới đa cực, mặc dù những cực mới như Brazil và Ấn Độ vẫn còn rất nhẹ kí, đấy là nói nếu so với Mỹ, EU và Trung Quốc[3]. Đồ thị bên trên cho thấy rõ ràng rằng trong thập kỉ tới, Đức vẫn là tay chơi toàn cầu, vị trí thực sự của nước này không phải là điều quan trọng nhất. Năm 2025, GDP của các nước sẽ có thay đổi rất lớn về giá trị tuyệt đối, nhưng chúng ta sẽ không thấy có sự dịch chuyển đầy ấn tượng trong bảng xếp hạng.

Tìm hiểu vị trí của các nước đó sẽ là việc làm bổ ích. Nhưng các công ti muốn thâm nhập thị trường của những nước cần phải biết không chỉ quy mô của thị trường (đo bằng GDP) mà còn phải nắm được tăng trưởng tuyệt đối của họ nữa. Đây là khía cạnh rất quan trọng bởi vì giành được thị phần trong một thị trường đang tăng trưởng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với thị trường đang trì trệ. Hình 1.3 xem xét cả quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Hình 1.3: GDP trong năm 2025 và tăng trưởng tuyệt đối giữa năm 2010 và 2025 (tính bằng tỉ USD)




Những con số này cho ta một số nhận thức quan trọng sau đây:

·   Tăng trưởng tuyệt đối của Trung Quốc là cao nhất, vượt xa các nước khác. Đây là điều không đáng ngạc nhiên.

·   Về tăng trưởng GDP, Mỹ đứng thứ hai, không khác Trung Quốc bao nhiêu và vượt xa Ấn Độ và Brazil. Điểm khởi đầu là quan trọng! Chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng sẽ làm méo mó bức tranh.

·   Tăng trưởng tuyệt đối của EU cũng khá lớn, lớn hơn Ấn Độ và Brazil.

Tóm lại, chúng ta có thể kết luận rằng các nhà vô địch ẩn danh - và các công ti Đức nói chung - cần phải nắm vững hai ưu tiên chính. Quan trọng nhất là bảo đảm được vị trí của họ trên thương trường ở những thị trường đã phát triển cao là châu Âu và Mỹ. Đây sẽ là thách thức lớn cho các nhà vô địch ẩn danh Đức; tại Mỹ, những công ti này đang giữ thị phần nhỏ bé hơn là ở những nơi khác trên thế giới. Mỹ vẫn là thị trường cực kì quan trọng trong tương lai - không chỉ vì quy mô của nó mà còn vì đây là thị trường đang gia tăng mạnh mẽ về giá trị tuyệt đối. Ưu tiên thứ hai là thiết lập vị trí vững chắc trên thị trường Trung Quốc, sau đó là Ấn Độ và Brazil. Nghĩa là phải đạt được nhiều thứ trong một thời gian ngắn.

Kết luận của chúng tôi là, trong thập kỉ tới và xa hơn nữa, châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục là những người cầm trịch; trái ngược hẳn với quan điểm rộng rãi cho rằng châu Á và những nước đang đứng ở ngưỡng cửa ((threshold country)[1]) là những người giữ chìa khóa vào tương lai[2]. Quan điểm mà ta hay được nghe: “Các nước đứng ở ngưỡng cửa sẽ dẫn dắt làn sóng toàn cầu hóa mới”[3] chỉ phản ánh được một phần sự thật. Châu Âu và Mỹ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng tuyệt đối trong kỉ nguyên toàn cầu. Cần phải nhớ rằng kết luận của chúng tôi dựa trên tốc độ tăng trưởng giả định hàng năm. Đương nhiên là nếu tốc độ tăng trưởng thay đổi một cách căn bản thì vào năm 2025 thế giới sẽ khác. Nhưng chúng tôi cho rằng sai lệch so với giả định của chúng tôi sẽ không lớn và xu hướng chung được mô tả ở đây sẽ vẫn đúng. Nhưng, sự phát triển trong một số lĩnh vực của nền kinh tế có thể sẽ khác nhau bởi vì chúng tôi phân tích nền kinh tế vĩ mô chứ không phân tích từng lĩnh vực cụ thể. Đối một số sản phẩm, thị trường lớn nhất hiện nay là Trung Quốc chứ không phải Mỹ.

Những thị trường của tương lai

Trung Quốc và Ấn Độ

Ấn Độ có nhiều công ti nổi tiếng thế giới hơn là Trung Quốc. Trong đó có hai tập đoàn là Tata và Reliance. Với lực lượng lao động gồm 424.000 người, Tata đạt được doanh thu 83 tỉ USD vào năm 2010. Một công trình nghiên cứu uy tín của các công ti trên toàn cầu xếp Tata ở vị trí thứ 11. Chủ tịch công ti, ông Ratan Tata, là một trong những giám đốc điều hành nổi tiếng nhất thế giới. Các công ti công nghệ thông tin Ấn Độ như Infosys, Wipro và Tata Consultancy Services cũng là những công ti lớn, với hơn 100.000 nhân viên. Trung Quốc chưa có nhiều công ti nổi tiếng và có uy tín cao trên thế giới như thế. Trong số đó có Haier chuyên về dụng gia đình, Lenovo chuyên về máy tính, Huawei và ZTE chuyên về thiết bị thông tin. Đặt sang một bên những doanh nghiệp nhà nước khổng lồ và những những tay chơi ở trong nước như China Mobile, dịch vụ bưu chính, ngân hàng,... hoạt động quốc tế của Trung Quốc dựa chủ yếu vào những công ti quy mô vừa. 68% hàng xuất khẩu của Trung Quốc có xuất xứ từ những công ti có ít hơn 2.000 nhân viên.[4] Về mặt này, Trung Quốc có cơ cấu gần với Đức.

Trung Quốc và Ấn Độ còn khác xa nhau trong cách tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài. Những tay chơi lớn này hoạt động khắp nơi. Những công ti quy mô vừa hoạt động trên trường quốc tế, đặc biệt là các nhà vô địch ẩn danh, hiện diện ở Trung Quốc nhiều hơn ở Ấn Độ. Một số thậm chí còn quyết định biến Trung Quốc thành thị trường nội địa thứ hai của họ, và đang tiến từng bước theo hướng này. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Danfoss, công ti Đan Mạch hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết bị lạnh, với doanh thu 4,24 tỉ euro vào năm 2010. Theo ông Jørgen M. Clausen, giám đốc điều hành của công ti thì: “Trung Quốc sẽ là thị trường nội địa thứ hai của chúng tôi.” Clausen đang làm việc tích cực để biến tầm nhìn này thành hiện thực. “Ở Trung Quốc, chúng tôi phát triển với tốc độ 35%; chúng tôi kiếm được khá nhiều tiền, nhưng chúng tôi đã cố gắng hết mình chưa?”, ông ta hỏi như thế. Khi ở Trung Quốc, ông ta còn được Nữ hoàng Margrethe và Hoàng tử Henrik của Đan Mạch đến thăm, điều này đã gây ấn tượng rất mạnh với người Trung Quốc. Đối với Phoenix Contact, nhà vô địch ẩn danh của Đức trong lĩnh vực giao diện điện tử, thì Trung Quốc “là thị trường lớn thứ hai sau Đức, và đứng trước Mỹ”, phó giám đốc công ti, ông Frank Stührenberg, viết như thế.

Stefan Jacoby, giám đốc điều hành của Volvo, cũng nói Trung Quốc là “thị trường nội địa thứ hai của chúng tôi” sau khi Volvo bị hãng sản xuất xe hơi Geely của Trung Quốc mua. Audi, nhà sản xuất xe hơi chất lượng cao cũng có cùng triết lí như thế. Năm 2011, Volkswagen Group đã bán được 2,26 triệu ô tô ở Trung Quốc - gần 28% số xe Volkswagen bán được trên toàn thế giới. Như vậy là, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất cho cả Volkswagen và Audi.[5] Ngay cả Porsche, một nhà cung cấp nhỏ, cũng bán ở Trung Quốc nhiều xe hơn bất kì quốc gia nào khác, nếu không kể Mỹ.[6] Getrag, nhà cung cấp hàng đầu trong lĩnh vực bộ truyền động, cũng đặt mục tiêu gia tăng thu nhập ở Trung Quốc từ 276 triệu euro vào năm 2011 lên 1 tỉ euro vào năm 2016.[7] Nhiều công ti khác cũng có những tham vọng tương tự như thế. Đến năm 2015, các nhà máy ô tô ở Trung Quốc phải vươn lên sản xuất được 37 triệu chiếc/năm. Trong khi đó, ở châu Âu hiện mỗi năm chỉ bán được 13 triệu chiếc.[8]

Thị trường hàng xa xỉ phẩm ở Trung Quốc cũng tăng trưởng rất nhanh. Xuất khẩu các loại đồng hồ thượng hạng của Thụy Sĩ đã tăng thêm 49% vào năm 2011, đưa Trung Quốc thành thị trường lớn thứ ba trên thế giới. HongKong hiện là thị trường lớn nhất, sau đó là Mỹ.[9] Tốc độ tăng trưởng ngoạn mục của thị trường hàng xa xỉ phẩm ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục - theo McKinsey là 18% cho đến năm 2015.[10] Ferdinando Beccalli-Falco, giám đốc điều hành của General Electric International, tuyên bố: “Chúng tôi cần phải trở thành Trung Quốc hơn cả người Trung Quốc.”[11] Nói như thế có thể là phóng đại, nhưng ý tưởng cơ bản thì rõ ràng. Một số nhà vô địch ẩn danh còn hiểu theo nghĩa đen nữa. Công ti Igus, có trụ sở ở Cologne, đứng đầu thị trường thế giới về lĩnh vực vòng bi bằng chất dẻo và dây chuyền công nghệ, còn đăng kí bản quyền khẩu hiệu: “Công ti Trung Quốc tuyệt vời nhất từ Cologne”.

Trung Quốc đã vượt Mỹ trong vai trò của thị trường lớn nhất trong nhiều lĩnh vực, và sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai gần:[12]

·   Năm 2007: Tiêu thụ thép, điện thoại cầm tay, xuất khẩu

·   Năm 2010: Tiêu thụ năng lượng, ô tô, bằng phát minh

·   Năm 2014: Doanh thu về bán lẻ, nhập khẩu

Ông Oliver Wack, thuộc Hiệp hội kĩ thuật Đức, nói: “Từ năm 2009 Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu quan trọng nhất cho các công ti kĩ thuật Đức.”[13] Không có công ti với tham vọng toàn cầu nào, dù lớn hay nhỏ, có thể bỏ qua những cơ hội mà Trung Quốc đang nắm giữ.

Trung Quốc tạo được những khu công nghiệp với hạ tầng cơ sở tuyệt vời. Khu công nghiệp kĩ thuật cao Vũ Tiến ở tỉnh Giang Tô là địa chỉ của nhiều nhà vô địch ẩn danh, trong đó có Bosch Rexroth (hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thủy lực), Karl Mayer (hàng đầu thế giới về máy dệt kim), Stabilus (hàng đầu thế giới trong lĩnh vực lò xo khí và bộ giảm xóc thủy lực), Mettler Toledo (hàng đầu thế giới trong lĩnh vực cân chính xác), MAN Turbo (hàng đầu thế giới về máy turbine) và Leoni (hàng đầu thế giới về cáp tự động và các hệ thống trên tàu). Các công ti Đức, đặc biệt là các nhà vô địch ẩn danh, có sự hiện diện đầy ấn tượng ở Trung Quốc. Chúng ta thường nghe nói rằng Trung Quốc sẽ trở thành “công xưởng của thế giới”, và rất có khả năng là đúng. Trung Quốc là thị trường tương lai cho ngành cung cấp và các công ti công nghệ - và vì vậy mà cũng là thị trường cho nhiều nhà vô địch ẩn danh.

Không chỉ các công ti chế tạo mà cả các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã bắt đầu nắm bắt những cơ hội mà Trung Quốc đưa ra cho họ. Dussmann Group, một trong những nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất thế giới, thuê đến 2.700 người ở Trung Quốc. Deutsche Messe AG, hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tổ chức hội chợ, đã thành lập công ti trách nhiệm hữu hạn Hannover Fairs Shanghai Ltd. ngay từ năm 1999 để tuyển những người tổ chức triển lãm và tổ chức hội chợ ở Thượng Hải. Würth, nhà bán buôn các sản phẩm lắp ráp số 1 thế giới, có 31 chi nhánh ở Trung Quốc và 24 trung tâm dịch vụ ở nước này. Ông Hans-Jochen Beilke, giám đốc điều hành nhà vô địch ẩn danh trong lĩnh vực quạt máy, nói rằng công ti có 17 địa điểm bán hàng với 1.400 nhân viên ở Trung Quốc.

Trung Quốc không còn có nghĩa là rẻ

Nhiều đối thủ dữ dội nhất của các nhà vô địch ẩn danh có xuất xứ từ Trung Quốc - và cuộc cạnh tranh sẽ nóng lên trong những năm tới. Năm 2010, lần đầu tiên tôi ghé thăm nhà máy bơm bê tông của công ti Sany ở Trường Sa, thủ phủ tỉnh Hồ Nam. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi trông thấy hàng loạt khung gầm xe tải Mercedes và Volvo đứng thành những hàng dài trên khắp khu vực. Người ta bảo tôi: “Chúng tôi chỉ lắp bơm bê tông trên những xe tải tốt nhất thế giới.” Trong chuyến thăm quan này tôi còn thấy động cơ diesel của hãng Deutz, động cơ thủy lực của hãng Bosch Rexroth và những bộ điều khiển của hãng Siemens. Người ta bảo tôi: “Chúng tôi chỉ sử dụng những thiết bị tốt nhất thế giới.” Dường như Sany không phải là công ti duy nhất ở Trung Quốc có quan điểm như thế. Franz Michael Oppermann, tổng giám đốc chi nhánh Gildemeister, tập đoàn máy công cụ (ở Thượng Hải), tuyên bố: “Nhiều khách hàng của chúng tôi muốn máy của họ được lắp phụ tùng do Đức sản xuất.”[14]

Hè năm 2011, Sany khánh thành nhà máy “xanh” đầu tiên ở châu Âu, nhà máy duy nhất của Trung Quốc tọa lạc gần Cologne. Tôi đã hỏi giám đốc của Sany ở châu Âu vì sao lại chọn địa điểm đắt đỏ như thế. Đây là câu trả lời của ông ta: “Chúng tôi muốn giành được uy tín quốc tế, cho nên chúng tôi phải có mặt ở địa điểm sản xuất tốt nhất trên thế giới.” Tháng 1/2012, Sany mua Putzmeister - một trong những nhà vô địch ẩn danh tuyệt vời nhất của Đức và từng là công ti hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bơm bê tông - để trở thành công ti hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bơm bê tông. Tôi ngạc nhiên đến mức không thể nói lên lời khi nhận được tin này. Một công ti Trung Quốc trở thành số 1 thế giới với những sản phẩm có chất lượng mà không ai trước đó có thể ngờ là Trung Quốc có thể làm được - và đã nuốt chửng một cựu vô địch của nước Đức. Đây không chỉ là chiến lược nhắm vào trình độ công nghệ mà còn là chiến lược nhằm mua đứt một tên hiệu đã nổi tiếng. Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo, đã tuyên bố tại hội chợ quốc tế Hanover tháng 4/2012 như sau: “Chúng tôi muốn ủng hộ các doanh nghiệp của chúng tôi trong việc xây dựng những thương hiệu và mạng lưới bán hàng mạnh.”[15] Huawai, nhà cung cấp thiết bị thông tin Trung Quốc hiện là công ti xin cấp nhiều bằng sáng chế hơn bất kì công ti nào khác trên thế giới - năm 2012 Trung Quốc đứng đầu danh sách các nước xin cấp bằng sáng chế.[16]

Việc Trung Quốc mua Putzmeister hoàn toàn không phải là trường hợp cá biệt. Các công ti sản xuất máy như Schiess (bị mua năm 2004), Waldrich Coburg (năm 2005) và Dürrkopp Adler (năm 2005) hiện đã nằm gọn trong tay Trung Quốc. Năm 2011 các công ti Trung Quốc sáp nhập Medion, nhà máy đúc KSM, Sellner và Saargummi (tất cả đều của Đức). Năm 2010, Geely mua hãng sản xuất ô tô Volvo của Thụy Điển.[17] Còn Kiekert, một nhà vô địch ẩn danh của Đức chuyên về hệ thống khóa tự động, cũng bị Lingyun mua ngay sau khi Sany tiếp quản Putzmeister. Kiekert đã rơi vào tay những nhà đầu tư cổ phần tư nhân sau khi bị gián đoạn trong việc giao hàng cho công ti Ford vào năm 2000. Sau đó số phận của nó không được rõ ràng, nhưng năm 2011 nó đã bảo vệ được danh hiệu dẫn đầu thị trường thế giới bằng cách sản xuất được hơn 41 triệu hệ thống khóa. Ngay sau đó lại có tuyên bố rằng công ti Schwing của Đức, từng giữ vị trí số 2 trên thị trường bơm bê tông quốc tế, cũng đã trở thành sở hữu của Trung Quốc.[18] Peter Marsh, một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất của tờ Financial Times, hỏi liệu những nhà vô địch ẩn danh bị các công ti Trung Quốc tiếp quản có phải là những công ti không nằm trong nhóm hàng đầu về kĩ thuật cao hay không. Nếu đúng như thế, tôi không nghĩ rằng sẽ có những vụ sáp nhập ồ ạt trong tương lai gần.

Wang Wie từ KPMG (tập đoàn hàng đầu thế giới về kiểm toán, tư vấn và dịch vụ thuế - ND) đánh giá rằng từ năm 1997 đến nay khoảng 50 công ti Đức đã bị chuyển sang các tay chơi Trung Quốc.[19] Số lượng không lớn, nhưng đang gia tăng rất nhanh. Khoảng 700 công ti Trung Quốc với 6.600 nhân viên đang hoạt động ở Đức.[20] Theo một công trình nghiên cứu của Phòng Đầu tư và Thương mại Đức thì trong năm 2011 Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư quan trọng nhất ở Đức.[21] Tổng cộng có 158 dự án đầu tư từ Trung Quốc, Mỹ đứng thứ hai với 110 dự án.

Người Trung Quốc đang phải chịu áp lực quốc tế hóa. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài nâng cao chất lượng - và giá cả. Đình công diễn ra thường xuyên và các công ti phải chấp nhận những khoản tăng lương rất lớn. Thời kì lao động rẻ đã qua rồi, ít nhất là tại những khu vực phát triển cao ở Trung Quốc. Người Trung Quốc nhận thức rõ rằng có hàng tỉ người ở châu Á và những nơi khác nữa sẵn sàng làm việc với đồng lương thấp hơn đáng kể so với tiền lương ở Trung Quốc. So sánh về thu nhập tính trên đầu người cho ta một bức tranh đầy ấn tượng. Thu nhập trên đầu người ở Ấn Độ thấp hơn gần hai phần ba so với Trung Quốc, còn Bangladesh thì ít hơn một phần sáu so với Trung Quốc. Giá thành sản xuất ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng, buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán.[22] Nhưng họ sẽ không làm được như thế trừ khi sản phẩm của họ tốt hơn và có tính sáng tạo hơn.

Đấy cũng chính là mục tiêu của Shang Xia, nhà sản xuất hàng cao cấp Trung Quốc, đồng thời cũng là thành viên của Hérmes. Sản phẩm của công ti này thể hiện di sản lâu đời của sự khéo léo của người Trung Quốc. Shang Xia khánh thành cửa hàng đầu tiên ở Thượng Hải vào năm 2010, và chẳng bao lâu nữa khách hàng ở Paris cũng như ở Bắc Kinh của công ti này sẽ có điều kiện mua những khúc vải, những món đồ trang sức và đồ gỗ cao cấp chính hiệu Trung Quốc. Nhu cầu của khách hàng Trung Quốc cũng như ngoại quốc đều rất cao.[23] Nếu các công ti Trung Quốc cải thiện được chất lượng, trở thành những công ti có nhiều cải tiến hơn và giũ sạch được hình ảnh tiêu cực của nhãn hiệu “Made in China” thì họ sẽ xuất hiện như là những đối thủ nặng kí của các nhà vô địch ẩn danh.

Các tay chơi Trung Quốc sẽ giành được chỗ đứng vững chắc ngay cả trong các nước đang phát triển khi chất lượng sản phẩm của họ được cải thiện. Đây không còn là lúc cạnh tranh chỉ nhờ vào giá thấp nữa. Theo tờ Financial Times: “Thành công của các công ti Trung Quốc không chỉ vì giá rẻ. Cải tiến chất lượng và hợp tác tốt hơn là những vấn đề quan trọng nhất.”[24] Đấy chính là con đường mà các nhà vô địch ẩn danh phải theo trong trung hạn. Những công ti muốn cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trong tương lại phải thiết lập được vị trí vững chắc trên thương trường ở cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc.

Châu Á sau khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng sau năm 2007 đã dẫn đến sự dịch chuyển ồ ạt phần doanh thu từ châu Âu và Mỹ sang châu Á. Quá trình dịch chuyển này sẽ còn tiếp tục.[25] Năm 2007, Heraeus tạo được 42% doanh thu ở châu Âu và 39% ở châu Á.[26] Năm 2011 doanh thu ở châu Á nhảy lên 55%, còn ở châu Âu thì rớt xuống còn 29%. Nói cách khác, năm 2007 doanh thu ở châu Âu bằng 108% doanh thu ở châu Á. Bốn năm sau, con số này chỉ còn là 53% mà thôi - thật là một sự thay đổi ngoạn mục. Giám đốc điều hành một nhà cung cấp máy lớn nói với tôi rằng, trước khủng hoảng công ti của ông dự định có doanh thu ngang nhau ở châu Âu và châu Á vào năm 2020. Nhưng sau vụ sụt giảm nhu cầu ở châu Âu và gia tăng liên tục ở châu Á, doanh thu của công ti này ở hai châu lục sẽ ngang nhau vào năm 2012. Sự phát triển như thế tạo ra mâu thuẫn lớn giữa bộ máy tạo ra giá trị của công ti - hai phần ba bộ máy đó vẫn nằm ở Đức - mà doanh thu lại từ các thị trường châu Á. Việc chuyển năng lực sản xuất từ châu Âu sang châu Á bỗng trở thành vần đề cấp bách. Sau khủng hoảng, với năng lực tài chính đã bị giảm sút, công ti hiện đứng trước những thách thức to lớn.

Khi còn làm giám đốc điều hành nhà máy sản xuất máy thủy lục Bosch Rexroth, Albert Hieronimus đã tóm tắt sự tăng trưởng của công ti này ở châu Á bằng câu sau đây: “Chúng tôi không thể thu được lợi từ sự tăng trưởng nếu không hiểu biết rõ châu Á và sử dụng các nhà thiết kế biết rõ nhu cầu của thị trường.”[27] Để làm được điều đó, ông nói thêm, cần phải có 90% lực lượng lao động là người trong khu vực vì chỉ những người đó mới nắm được hoàn cảnh địa phương và đòi hỏi của khách hàng. Chuyển hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) sang những nước có thị trường lớn thường được gọi là “làn sóng di chuyển thứ ba”, sau làn sóng bán hàng và sản xuất.[28] Châu Á sẽ đóng vai trò đầu tầu khi tiếp cận với các trung tâm nghiên cứu và phát triển đã được cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của các nước có thị trường lớn.

Tóm tắt

Trong chương này chúng ta đã nhìn thấy rằng thế giới sẽ còn tiếp tục thay đổi rất nhanh. Nhà nước toàn cầu, thế giới của ngày mai, chứa đựng trong lòng nó những cơ hội không thể tưởng tượng nổi cho những công ti quy mô vừa và các tập đoàn lớn, ví dụ như:

·   Xuất khẩu tăng nhanh hơn tổng sản phẩm quốc nội. Toàn cầu hóa tiếp tục là động lực của tăng trưởng.

·   Mỹ và châu Âu sẽ tiếp tục là những người cầm trịch, không chỉ ở con số GDP mà còn ở sự gia tăng của nó về giá trị tuyệt đối. Trung Quốc sẽ trở thành cột trụ thứ ba, quy mô thị trường của nước này sẽ tăng mạnh nhất. Nhiều khu vực khác sẽ trở thành quan trọng hơn, nhưng vào năm 2025 họ vẫn còn đứng cách khá xa ba cột trụ nói trên của nền kinh tế thế giới.

·   Các công ti quy mô vừa muốn duy trì sức cạnh tranh trên thế giới thì ưu tiên trước hết là giữ vững vị trí trên thương trường ở châu Âu và Mỹ hay (trong nhiều trường hợp) củng cố được địa vị ở Mỹ.

·   Ưu tiên thứ hai là thiết lập vị trí vững chắc trước hết là ở Trung Quốc và sau đó là ở Ấn Độ.

·   ASEAN, Đông Âu/Nga, Mỹ Latin và trong dài hạn là châu Phi cũng sẽ tạo ra những cơ hội phát triển đầy hấp dẫn. Sự bùng nổ dân số ở châu Phi là động lực phát triển. Khai thác tất cả những cơ hội này là nhiệm vụ cực kì năng nề của các công ti quy mô vừa.

·   Mặc dù mọi người đều lạc quan, cũng có khả năng là toàn cầu hóa sẽ có thể rơi vào thoái trào, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng. Chủ nghĩa bảo hộ, những người phản đối toàn cầu hóa và những khoản ưu đãi dành các nhà vô địch ẩn danh trong nước có thể gây trở ngại cho thương mại tự do.

·   Thế giới chưa hoàn toàn “phẳng”, nhưng đã “phẳng hơn” so với cách đây 20 năm. Những khác biệt mang tính địa phương, khu vực và quốc gia sẽ vẫn còn. Vì vậy, quan trọng là phải giữ được cân bằng đúng đắn giữa tiêu chuẩn hóa và khác biệt hóa. Các công ti quy mô vừa có lợi thế vì họ mềm dẻo hơn những công ti lớn trong việc thích nghi với thay đổi.

Thị trường của quốc gia toàn cầu là toàn thế giới. Thị trường này đang tăng trưởng nhanh chóng và các công ti đủ mọi kích cỡ đều có thể tiếp cận được. Những công nắm được tiềm năng của nó sẽ tiến bộ và mở rộng. Bước vào nhà nước toàn cầu đòi hỏi sức chịu đựng và tư duy dài hạn. Những người bước qua được biên giới quốc gia và biên giới văn hóa của họ sẽ trở thành công dân của nhà nước toàn cầu.



[1] Threshold country (nước nằm ở ngưỡng) là thuật ngữ dùng để chỉ các nước nghèo hoặc đang phát triển "nằm trên ngưỡng", nghĩa là họ cam kết thực hiện những cải cách cần thiết nhằm cải thiện việc thực hiện chính sách để được gọi là hội đủ điều kiện viện trợ từ các tập đoàn tài trợ quốc tế - ND.

 

[2]Guy de Jonquières, China’s Challenges, ECIPE Policy Briefs, 1/2012.

[3] Xem Schwellenländer treiben die Globalisierungswelle, Frankfurter Allgemeine Zeitung, January 28, 2012, p. 18.

[4] Xem Small Fish in a Big Pond, The Economist, September10, 2009.

[5] Xem Volkswagens Abhängigkeit von China wächst, Frankfurter Allgemeine Zeitung, January 14, 2012, p. 17.

[6] Xem In China gibt es den Porsche passend zum Lippenstift, Frankfurter Allgemeine Zeitung, March 12, 2012, p.15, and China wichtigster Porsche Markt, Frankfurter Allgemeine Zeitung, May 4, 2012, p. 19.

[7] See Zulieferer Getrag geht nach Indien, Frankfurter Allgemeine Zeitung, May 9, 2012, p. 13.

[8] Xem Automarkt soll sich wieder erholen, Handelsblatt, April 23, 2012, p. 21.

[9] Xem Große Pläne mit kleinen Pretiosen, Frankfurter Allgemeine Zeitung, March 12, 2012, p. 14.

[10] Xem Upmarket makeover for “Made in China”, Financial Times, March21,2012, p. 15.

[11] Xem General Electric muss chinesischer als die Chinesen werden, Frankfurter Allgemeine Zeitung, July 16, 2010.

[12] Xem Economic Focus, The Economist, December 31, 2011, p. 57

[13] Xem China ist Deutschlands wichtigster Handelspartner, Frankfurter Allgemeine Zeitung, February 2, 2012, p. 13.

[14] Xem Finn Mayer-Kuckuk, Das Netzwerk der Deutschen, Handelsblatt, 23. April 2012, S. 25.

[15] Xem Peking unterstützt eigene Firmen bei Zukäufen, Handelsblatt, April 23, 2012, p. 24.

[16] Georg Giersberg, Der Einzug der Roboter, Frankfurter Allgemeine Zeitung, April 23, 2012, p. 13.

[17] Xem Christoph Hein, Chinas Unternehmen fassen Fuß in Deutschland, Frankfurter Allgemeine Zeitung, August 2, 2010, p. 15.

[18] Xem Chinesen kommen mit Schwing in Schwung, Börsenzeitung, April 24, 2012, p. 10.

[19] Xem 2012 wird ein Rekordjahr, Süddeutsche Zeitung, April 24, 2012, p. 20.

[20] Xem China ist Deutschlands wichtigster Handelspartner, Frankfurter Allgemeine Zeitung, February 2, 2012, p. 13.

[21] Germany Trade and Invest, Deutschland für ausländische Investoren hochattraktiv, press release, March 15, 2012.

[22] Xem thêm Axel Gloger, Die gelben Gebote, Handelszeitung, April 19, 2012.

[23]Xem Upmarket makeover for “Made in China”, Financial Times, March 21, 2012, p. 15.

[24]Xem China Exporters to Africa Elbow out Global Rivals with Good Value, Financial Times, March 29, 2012, p. 3.

[25] Xem Philipp Ehmer, Wachstumstreiber Asien, Elektroindustrie (insert), Frankfurter Allgemeine Zeitung, June 23, 2010, p. B6.

[26] Số liệu liên quan đến doanh thu của Heraeus. Năm 2007 là  2,91 tỉ euro, năm 2011 là 4,84 tỉ euro. Ngoài ra, Heraeus còn thu 9,28 tỉ euro (2007) và 21,43 tỉ euro (2011) trong việc buôn bán kim loại quý. Sự tăng trưởng rất lớn ở đây trước hết là do giá vàng tăng đột ngột. Xem báo cáo hàng năm của Heraeus, năm 2011, Hanau, 5/2012.

[27] Xem Bosch Rexroth hofft auf Fernost, Frankfurter Allgemeine Zeitung, May 14, 2010, p. 16.

[28] Xem Christoph Hein, Die dritte Welle, Frankfurter Allgemeine Zeitung, July 17, 2010, p. 13.




[1]Xem Ken-Ichi Ohmae, Macht der Triade - Die neue Form weltweiten Wettbewerbs, Wiesbaden: Gabler-Verlag 1985.

[2]Xem Walter Russell Mead, The Myth of America’s Decline, The Wall Street Journal Europe, April 10,2012, p. 18. “Thời đại tam nhân” kéo dài khoảng từ đầu những năm 1970 đến năm 2005.

[3] Walter Russell Mead cho rằng thế giới bị 7 siêu cường khống chế. Ông gọi các nước đó là “thất hùng” (septarchs), gồm Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Thổ Nhĩ Kì. Nếu Nga cũng thuộc nhóm đó thì ông để ngỏ, sách đã dẫn. 



[1] Xem Theodore Levitt, Toàn cầu hóa thị trường (The Globalization of Market), Harvard Business Review, May-June 1983, pp. 92-102. Thuật ngữ “toàn cầu hóa” xuất hiện lần đầu vào năm 1944, năm 1981 bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Nhưng phải sau bài báo của Levitt thì mới được sử dụng nhiều trong kinh tế học dòng chính.

[2] Xem Hermann Simon, Bài học từ những người khổng lồ quy mô trung bình của Đức (Lessons from Germany’s Midsize Giants), Harvard Business Review, March-April 1992, pp. 115-123.

[3] On July 15, 2011.

[4] Hermann Simon, Các nhà vô địch ẩn danh: Những bài học từ 500 công ti tốt nhất thế giới nhưng ít người biết tới (Hidden Champion: Lessons from 500 of the World’s Best Unknown Companies), Boston: Harvard Business School Press 1996.

No comments:

Post a Comment