Charles Keith
Phạm Nguyên Trường dịch
Công giáo Việt Nam – Từ đế chế đến quốc gia
7
Giáo hội dân tộc trong cách mạng và chiến tranh
Tháng 6 năm 1940, cha Hoàng Quỳnh
ở Phát Diệm tròn 39 tuổi thì Pháp đầu hàng phe Trục. Bảy năm trước, việc tấn
phong Nguyễn Bá Tòng đã khuyến khích Hoàng Quỳnh, người cũng mới được phong
linh mục trước đó ít lâu, chấp bút cuốn lịch sử về Giáo hội của mình với quan
điểm cho rằng vị giám mục đầu tiên của Việt Nam là sự hiện thực hóa sự phát triển
kéo dài hàng thế kỷ để tiến tới sự độc lập về mặt tôn giáo[1].
Tương tự như nhiều vị linh mục khác thời đó, Hoàng Quỳnh tin vào tiềm năng của
phong trào Công Giáo Tiến Hành trong việc giúp giáo dân định hình Giáo hội của
chính họ, và ông đã trở thành cha tuyên úy cho các nhóm Thanh Niên Công Giáo
trong khi vẫn làm giáo viên trong một tiểu chủng viện ở Phát Diệm. Khi quân đội
Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam trong thời kỳ Thế chiến II, Hoàng Quỳnh tổ chức
các cộng đồng nhằm chia sẻ và bảo vệ nguồn lực của họ. Giữa những bộn bề của
giai đoạn chấm dứt chiến tranh, với rất nhiều lực lượng quốc tế cạnh tranh với
các nhóm người ở địa phương nhằm định hình tương lai chính trị của Việt Nam,
Hoàng Quỳnh đã lãnh đạo người Công giáo cầm súng chống lại cả những đội quân
chiếm đóng lẫn các lực lượng chính trị đối lập với ông. Trong cuộc chiến tranh
giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Công Hòa kéo dài từ năm 1946 đến năm 1954, Quỳnh
là lãnh tụ của lực lượng dân quân trong cuộc đấu tranh của các giáo phận Phát
Diệm và Bùi Chu nhằm giữ được quyền tự trị khỏi các tham vọng của cả thực dân lẫn
cộng sản. Sau chiến thắng của Việt Nam Dân Chủ Công Hòa và Việt Nam bị chia cắt
vào năm 1954, Hoàng Quỳnh đưa phần lớn người dân trong giáo phận của ông cùng với
hàng trăm ngàn tín đồ Công giáo ở miền Bắc di cư vào Việt Nam Cộng Hòa vừa được
thành lập, và chẳng bao lâu sau sẽ do một Giáo dân là Ngô Đình Diệm lãnh đạo.
Hoàng Quỳnh cũng nhanh chóng trở thành một người lớn tiếng, bạo ăn nói ở Việt
Nam Cộng Hòa – một người chống cộng cuồng nhiệt, một người ủng hộ đối thoại
trong cộng đồng, một người phê phán tệ tham nhũng, một người ủng hộ chương
trình một chương tiến bộ nhằm cải cách nông nghiệp và quốc hữu hóa công nghiệp
và một người ủng hộ các hợp tác xã ở nông thôn và các liên đoàn lao động. Sau
năm 1975 ông vẫn ở lại Sài Gòn và bị bắt, chính thức là do vai trò của ông
trong cuộc kháng chiến chống lại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong giai đoạn từ
những năm 1940 và 1950. Ông chết ở nhà tù Chí Hòa năm 1977, theo phần lớn các bản
tường trình thì ông chết vì bị đánh đập và tra tấn.
Cuộc đời của Hoàng Quỳnh, mặc dù chắc chắn không phải là điển
hình, thể hiện được ảnh hưởng mang tính chuyển hóa của quá trình phi thực dân
hóa và chiến tranh lạnh đối với đời sống của các tín đồ Công giáo Việt Nam. Quá
trình phát triển của Giáo hội dân tộc, bằng nhiều cách, đã phản ánh những thay
đổi về mặt chính trị của thời thực dân và ý nguyện muốn có độc lập về mặt tôn
giáo của các tín đồ Công giáo Việt Nam và ước muốn vượt qua quá khứ khó khăn của
cộng đồng đã làm cho họ trở thành những người ủng hộ nhiệt tình cho nền độc lập
của Việt Nam vào năm 1945. Nhưng một phần là do những mối liên kết mang tính
thiết chế và ý thức hệ mạnh mẽ giữa Giáo hội Công giáo vừa mới hình thành của
Việt Nam và thế giới Công giáo toàn cầu, quan hệ của nhiều tín đồ Công giáo Việt
Nam với chính phủ cách mạng và những nhóm kháng chiến đã căng thẳng ngay từ đầu.
Do Chiến tranh Lạnh và cuộc đấu tranh của lực lượng quốc tế đã phân cực cuộc
xung đột giữa Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và giữa các nhóm người Việt Nam
khác nhau đang ganh đua nhằm định hình tương lai của dân tộc mình, cuộc đấu
tranh chính trị và những biến động của chiến tranh đã chia rẽ và xô đẩy các cộng
đồng Công giáo, để lại cho Giáo hội dân tộc vừa mới hình thành một tương lai
không chắc chắn trong một đất nước bị chia rẽ khi chiến tranh kết thúc.
CHÍNH QUYỀN VICHY VÀ
SỰ CHIẾM ĐÓNG CỦA NHẬT BẢN
Thế chiến II dẫn đến những thay đổi
cực kỳ to lớn trong đế chế thuộc địa của Pháp. Như Eric Jennings đã chỉ ra, cuộc
cách mạng Vichy đưa đến sự cáo chung của nền Đệ Tam Cộng Hòa cũng là “cái giẫy
cuối cùng của chủ nghĩa thực dân bản chất luận của Pháp – một hình thức thực
dân gắn bó chặt chẽ với thuyết tất định tiến hóa kiểu Darwin về mặt xã hội và
bén rễ vào sự hiểu biết nền tảng giản lược về các xã hội “sắc dân” và “sơ khai”[2].
Quan điểm cách mạng của Vichy đối với đế chế Pháp đã dẫn tới chính sách dựa
trên “phát minh và tạo ra một nền ‘văn hóa dân gian đích thực’, áp dụng những
biện pháp cai trị thuộc địa cứng rắn và sử dụng lan tràn diễn ngôn về sự thống
nhất của đế chế”[3].
Và như vậy là, bằng cách giúp chắt lọc và truyền bá quan điểm văn hóa và lịch sử
về tinh thần quốc gia và ngăn chặn những thành tố ôn hòa trong chính sách thuộc
địa của Pháp đã giúp định hình các loại chủ nghĩa dân tộc tại các thuộc địa, chủ
nghĩa dân tộc của Việt Nam và của những dân tộc khác. Đương nhiên là chế độ thuộc
địa mới không chỉ là thay đổi trong thời chiến. Nhật Bản, trong khi tìm cách
ngăn chặn những con đường tiếp tế cho Trung Quốc, trong khi tìm những nguồn lực
mới cho những cố gắng chiến tranh của họ và đóng vai viên đá góc tường trong
Khu Vực Hợp Tác Đại Đông Á, tháng 9 năm 1940 đã tiến vào miền Bắc Việt Nam và đến
năm 1941 thì kiểm soát phần còn lại của đất nước và mãi đến tháng 8 năm 1945 mới
ra đi. Việc chiếm đóng này cùng với nạn thiếu hụt trong thời chiến, giá gạo
tăng cao và mất mùa đã tàn phá Việt Nam, đặc biệt là ở Bắc Kỳ, vùng trung tâm
Giáo hội ở Việt Nam, làm cho từ một đến hai triệu người chết trong nạn đói năm
1944-1945.
Ở Pháp, quay lại với những giá trị
Công giáo “truyền thống” đã được lý tưởng hóa rất quan trọng đối với quan điểm
của Vichy về đất nước Pháp. Trong khi, trong chính sách thuộc địa của Vichy,
Công giáo rất ít được nhắc đến, thì một số tín đồ Công giáo Việt Nam vẫn nhìn
thấy sự giải thoát trong chế độ mới. Điều này đặt biệt đúng khi nói về các nhà
truyền giáo Pháp, tương tự như các tín đồ Công giáo người Pháp, họ tỏ ra vui mừng
trước những điều mà dường như Vichy có thể đem tới. Fernand Parrel nhớ lại rằng
phần lớn đồng bào của ông ủng hộ chính quyền Vichy và ít có cảm tình với
Charles de Gaulle[4].
Các nhà truyền giáo đóng góp cho các cơ quan tuyên truyền của Vichy, tương tự
như tờ bán nguyệt san Indochine và in lại những bài báo của những tờ báo Công
giáo Pháp ủng hộ Vichy như tờ La Croix
và L’Avenir du Tonkin và những bản
tin của các giáo xứ. Một số tín đồ Công giáo Việt Nam, ít nhất là trong giai đoạn
đầu, đã bị mê hoặc bởi tệ sùng bái thống chế Philippe Pétain, viên tướng được
yêu mến từ thời Thế chiến I đứng đầu chính phủ Vichy, những câu cách ngôn của
ông này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí Công giáo Việt Nam, còn ảnh của
ông ta thì được treo trước mặt tiền Nhà thờ lớn ở Sài Gòn.
Sự ủng hộ của truyền giáo đối với
chính quyền Vichy phản ánh cuộc chiến tranh trong lĩnh vực chính trị và văn hóa
của Pháp – lôi kéo được cả một số tín đồ Công giáo Việt Nam - đã diễn ra trong
một thời gian dài. Nguyễn Hữu Mỹ, tổng biên tập tờ La Croix d’Indochine (trong thời chính phủ Vichy đổi tên thành L’Aube Nouvelle), đổ cho “hội tam điểm
và dân Do Thái” là những kẻ đã gây ra những khó khăn mới đây ở Việt Nam[5].
Thời kỳ đầu nhiều tín đồ Công giáo Việt Nam tỏ ra hân hoan trước chính quyền
Vichy vì những chính sách về lập hội và giáo dục thể chất cho thanh niên của chế
độ mới, là những chính sách quan trọng trong tầm nhìn của Vichy về một xã hội mạnh
mẽ, phục hưng về mặt đạo đức và là thành phần quan trọng của đời sống Công giáo
Việt Nam từ đầu những năm 1930. Tệ sùng bái Pétain thể hiện rõ ràng trong các
nhóm như Hướng Đạo Công Giáo, nhóm này có những mối liên hệ mật thiết với mạng
lưới thanh niên không theo Công giáo và cương lĩnh của họ, khác với cương lĩnh
của những hiệp hội thanh niên và hiệp hội lao động khác, không có mùi của cánh
tả. Một số chương trình dành cho thanh niên của chính Vichy có các khía cạnh
Công giáo, ví dụ, chương trình Notre-Dame de Ba Vì, một trại hè cho thanh niên ở
phía bắc Hà Nội đã “đan xen tệ sùng bái cá nhân Pétain với sùng bái tuổi trẻ,
sinh lực và Công giáo” trong “một hỗn hợp lạ lùng giữa những trạm trên đồi núi
thuộc địa và nhà tu thời trung cổ”[6].
Các quan chức chính quyền Vichy còn sử dụng các dự án Công giáo nhằm khẳng định
quan điểm về nữ tính “truyền thống” của Việt Nam: ở Đà Lạt, xơ Durand của dòng
Nữ Tu Thánh Phaolô quản lý một vài cơ sở giành cho các cô gái Việt Nam và Á-Âu,
được nhà nước giúp đỡ, trong đó có trại nuôi trẻ mồ côi, trường học, nơi cắm trại
và trung tâm huấn luyện[7].
Nhưng, khá giống với những sự kiện
diễn ra ở Pháp, sự ủng hộ của các tín đồ Công giáo Việt Nam đối với chính quyền
Vichy, lúc đầu nhiệt tình, nhưng đã nhanh chóng phai tàn. Nỗi ám ảnh của chế độ
Vichy về một nền văn hóa “đích thực”, thường được chuyển thành sự ủng hộ mạnh mẽ
của các nhà trí thức và các hiệp hội Khổng giáo và Phật giáo, cũng lại là một vấn đề đặt biệt. Thực vậy,
giai đoạn của chính quyền Vichy đã chứng kiến sự hồi sinh của sự ủng hộ của
chính quyền thuộc địa đối với những nhà tư tưởng tân-truyền thống sau thời gian
tạm lắng trong thời Mặt Trận Bình Dân. Những người Việt Nam nghĩ về nền văn hóa
dân tộc theo những thuật ngữ của bản chất luận thấy thái độ hoài cổ của học
thuyết Pétain là rất hấp dẫn, mà các quan chức của Vichy đã không quên nuôi dưỡng
ngay cả khi họ nhận thức được tiềm năng nguy hiểm của thậm chí là chủ nghĩa dân
tộc phản động nữa[8]. Kết
quả là, ngay cả nếu nhiều nhà truyền giáo và các tín đồ Công giáo bảo thủ của
Việt Nam có thực sự thích học thuyết Pétain hơn là chế độ cộng hòa thì họ vẫn cảm
thấy bất an về những tư tưởng mang tính toàn diện. Đến năm 1943, ngay cả tờ Vì Chúa, một tờ báo Công giáo nhạy cảm
nhất với những quan điểm bảo thủ của “truyền thống” Việt Nam lại tiếp tục đăng
những bài phê phán Khổng giáo và đạo Phật[9].
Và các nhà truyền giáo, trong thời chính phủ Vichy, tiếp tục phản đối sự ủng hộ
của nhà nước đối với hoạt động mà họ cho thờ cúng ngẫu tượng, ví dụ, năm 1941
cha Massard từ chối tham gia buổi lễ vinh danh vua Gia Long tại một ngôi chùa ở
Yên Bái[10].
Mặc dù nhiều tín đồ Công giáo tỏ
ra phấn khởi trước những sáng kiến dành cho thanh niên của chính quyền Vichy,
nhưng thậm chí ngay cả trong lĩnh vực này căng thẳng cũng đã gia tăng. Anne
Raffin ghi nhận rằng các nhà chức trách Công giáo “sợ sự hình thành một dự án
thanh niên bao trùm duy nhất của nhà nước, có thể quyết định các thủ tục và mục
đích và lôi kéo các thành viên khỏi họ”[11].
Một số nhà truyền giáo còn phê phán “đời sống cá nhân nhiều tai tiếng” của người
đứng đầu công tác thể thao và thanh niên của chính quyền Vichy[12].
Những nguyên tắc và ưu tiên đối chọi nhau của các phong trào thanh niên của
Giáo hội và của nhà nước thể hiện rõ trong một loạt cuộc xung đột giữa nhà chức
trách Vichy và các nhà truyền giáo ở Hải Phòng năm 1942. Một nhà truyền giáo của
MEP phàn nàn rằng những thanh niên Công giáo tham gia vào các nhóm và các kỳ hội
trại do nhà nước quản lý phải dành hết thì giờ cho các hoạt động bắt buộc đến nỗi
không còn thời gian học tập. Tệ hơn nữa, họ bỏ cả đi lễ. Còn vị giám mục người
Tây Ban Nha thì phàn nàn rằng quần áo mà các thiếu nữ Công giáo tham gia các lớp
thể dục trong các nhóm do nhà nước quản lý phải mặc khiếm nhã đến mức phá hỏng
cả chính cái đạo đức mà những nhóm này muốn truyền bá[13].
Tuy nhiên, có một điều quan trọng
hơn các việc tranh cãi như thế, đấy là hoạt động của thanh niên Công giáo bùng
nổ dưới thời chính quyền Vichy trên thực tế ít liên quan tới ý thức hệ hay các
sáng kiến của chế độ Vichy. Mạng lưới của phong trào Công Giáo Tiến Hành đã xuất
hiện và phát triển trong nhiều năm trước khi cuộc Cách mạng Dân tộc của Vichy tới
Việt Nam và sự hấp dẫn của nó thường khác – nếu không nói là đối lập – với hình
ảnh của Vichy về quan hệ với thuộc địa. Các hiệp hội Công Giáo Tiến Hành lan rộng
trong thời Thế chiến II không phải là do sự ủng hộ của Vichy, mà vì chúng có
vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống cộng đồng Công giáo trong giai đoạn
nghèo khổ và bất ổn khủng khiếp này. Giúp đỡ người nghèo và người tị nạn là mối
lo lớn trong đời sống Công giáo ngay từ những giai đoạn chiếm đóng đầu tiên;
giám mục Hà Nội đã thành lập một hiệp hội để bảo đảm sự an toàn cho những tín đồ
Công giáo ra đi trong trường hợp thành phố phải sơ tán khi quân Nhật tới[14].
Chi hội đầu tiên của Hùng Tâm Dũng Chí ở Việt Nam được thành lập ở Sài Gòn bị
Nhật chiếm đóng nhằm giúp những học sinh bị gián đoạn chuyện học hành vì trường
học bị phá hay bị tịch thu, không có thày giáo hay đường không đi được; nhóm
này nhanh chóng lan ra các khu vực thuộc đồng bằng sông Mê Công[15].
Nhưng trung tâm hoạt động của Thanh Niên Công giáo trong thời Vichy là Phát Diệm
và Bùi Chu, cả hai khu vực này đều nằm dưới quyền cai quản của các giám mục người
Việt Nam. Cả Nguyễn Bá Tòng lẫn Hồ Ngọc Cẩn đều là những người ủng hộ nhiệt
tình Công Giáo Tiến Hành, họ coi đây là những biện pháp tổ chức và động viên cộng
đồng, trong giai đoạn từ năm 1941 đến 1945 các tăng hội của những hiệp hội như
Thanh Niên Lao Động Công Giáo và Thanh Niên Nông Nghiệp Công Giáo lan truyền rất
nhanh với sự trợ giúp rất ít từ chính quyền Vichy[16].
Mặc dù các hiệp hội thanh niên
Công giáo mới ít bị chính quyền Vichy kiểm soát vì họ có những mối quan tâm cấp
bách hơn, nhiều hiệp hội tiếp tục nhận được giúp đỡ từ Công Giáo Xã Hội toàn cầu
từ thời suy thoái hơn là từ nhãn hiệu văn hóa dân gian của chính quyền Vichy.
Nhiều nhân vật trong giới Công Giáo Tiến Hành có gốc gác từ phe tả khuynh và
nghi ngờ, nếu không nói là thù địch, với chính quyền Vichy. Ví dụ, tháng 3 năm
1942, hàng trăm thành viên của các hiệp hội Công Giáo Tiến Hành ở Bắc Kỳ đã tập
trung ở Hải Phòng nhằm tìm giải pháp cho những điều kiện ngày càng tuyệt vọng
hơn trong các thành phố của họ. Một trong những diễn giả là ông Nguyễn Mạnh Hà,
con rể của Georges Marrane, đảng viên cộng sản Pháp. Trong bài diễn văn, Nguyễn
Mạnh Hà mô tả thanh niên theo phái Cộng hòa ở Tây Ban Nha trong cuộc chiến
tranh chống lại Franco như những người anh hùng, những người “đã vui lòng hy
sinh tính mạng vì lý tưởng tối cao”, đã gây ấn tượng mạnh đối với người nghe vì
những gắn bó giữa chế độ Franco với Vichy[17].
Mạng lưới của Công Giáo Tiến Hành của Nguyễn Mạnh Hà là lý do quan trọng dẫn đến
việc năm 1943 ông được chỉ định làm người đứng đầu các dịch vụ kinh tế của
thành phố này. Năm 1944, ông này đã giúp cải thiện tình hình thiếu thốn lương
thực nghiêm trọng bằng cách thành lập các nhà ăn nhân dân chuyên bán cơm nhằm đối
phó với nạn đầu cơ tích trữ, điều đó đã làm cho ông trở thành nhân vật nổi tiếng
và được lòng dân trong thành phố trước ngày độc lập[18].
Đây dường như cũng là lý do làm cho Nguyễn Mạnh Hà được bổ nhiệm làm bộ trưởng
trong chính phủ đầu tiên của Hồ Chí Minh.
Trong khi sau năm 1945, các hiệp
hội thanh niên Công giáo trở thành các tổ chức chính trị quan trọng thì trong
thời Vichy rất ít tín đồ Công giáo hoạt động chính trị một cách có tổ chức. Một
ngoại lệ nổi bật là gia đình họ Ngô. Trước năm 1943, Ngô Đình Diệm đã liên lạc
với Cường Để, một người muốn lên ngai vàng đang phải lưu vong tại Nhật Bản, và
ông thành lập Đại Việt Phục Hưng Hội, do các đồng minh Công giáo của ông ở xung
quanh thành phố Huế chi phối. Pháp bắt nhiều thành viên của Hội này, Ngô Đình
Diệm thoát được nhờ sự can thiệp của Nhật[19].
Ngô Đình Nhu, ở nhà từ ngày tốt nghiệp khoa lưu trữ tại Pháp, cũng đi cùng với
người anh cả là Ngô Đình Thục, giám mục mới của Vĩnh Long, trong chuyến kinh lý
của ông này ở Bắc Kỳ, gợi ý cho người ta những hoạt động sau này của Ngô Đình
Nhu trong khu vực dưới khẩu hiệu của phong trào công đoàn Công giáo[20].
Đáng chú ý là ngay cả những tín đồ Công giáo có ảnh hưởng nhất như Nguyễn Đệ, một
quan chức của Ngân hàng Đông Dương, hay luật sư Nguyễn Huy Lai, sự ủng hộ Bảo Đại
của ông này sẽ đưa cả hai người vào cái mà nhà vua gọi một cách cay đắng là “giải
pháp của Pháp”, cũng không phải là những người gần gũi với các quan chức của
Vichy.
Thực ra, dù đường lối chính trị
có như thế nào đi nữa thì nhiều tín đồ Công giáo cũng có quan hệ căng thẳng với
quân đội chiếm đóng. Một vấn đề là trong khi Nhật tìm đồng minh người Việt Nam,
họ thường ủng hộ các phong trào tôn giáo, nhất là đạo Cao Đài, mà nhiều tín đồ
Công giáo coi là mối đe dọa[21].
Như David Marr nhận xét, “nói chung, người Nhật tìm được nhiều bạn bè Việt Nam
trong các tổ chức tôn giáo (trừ Công giáo) hơn là trong các đảng phái chính trị
phi tôn giáo hay trong các nhóm xuất bản”[22].
Mặc dù cả Cao Đài lẫn các nhà dân tộc chủ nghĩa theo Công giáo như gia đình họ
Ngô cùng ủng hộ Cường Để, một số tín đồ Công giáo lên tiếng trách cứ việc Nhật
giúp các nhóm tôn giáo khác. Một người phê phán to mồm là Nguyễn Hữu Mỹ, mặc dù
thán phục cuộc Cách mạng Dân tộc của Vichy, ông này vẫn không ngừng công kích
Cao Đài trong một loạt bài báo nhan đề “Chống lại đội quân thứ năm.” Trong những
bài báo này, ông ta đi xa đến nỗi phê phán Cao Đài vì không bỏ chữ thập ngoặc,
“biểu tượng của kẻ thù của chúng ta”, ra khỏi những hình ảnh tượng trưng cho đạo
của họ, mặc dù hình này có lịch sử lâu đời hơn nhiều, nó chính là biểu tượng của
Phật[23].
Chiền dịch của Nguyễn Hữu Mỹ, chỉ chấm dứt khi các quan chức của Vichy kiểm duyệt
các bài báo của ông ta, cho thấy ngay cả các tín đồ Công giáo ủng hộ Vichy cũng
có thể có thái độ nước đôi đối với các đồng minh của chế độ. Một ví dụ khác,
nhà cầm quyền Vichy kiểm duyệt một bài báo nhan đề “Các tín đồ Công giáo Đức
trong Đế chế thứ ba” phê phán các chính sách của Đức quốc xã đối với Công giáo
trên tờ Sacerdos Indosinensis[24].
Việc chiếm đóng của Nhật còn gây
ra những khó khăn nghiêm trọng về vật chất cho các cộng đồng Công giáo. Nhờ được
châu Âu giúp đỡ trong hàng chục năm về mặt tài chính mà các chủng viện, các nhà
xứ và các cơ sở Công giáo khác thường được xây bằng đá vững chắc: sau năm 1940,
nhà cầm quyền quân sự Nhật Bản thường trưng dụng cho mục đích quân sự. Chủng viện
ở Lạng Sơn, trưng dụng năm 1943, bị máy bay Mỹ từ miền nam Trung Quốc tấn công
gây ra những thiệt hại nặng nề[25].
Năm 1940, ở Thanh Hóa, tình trạng quân sự cấp bách làm cho các quan chức Pháp
không tiếp tục thuê khu đất đã ban cho giáo phận cách đó 40 năm, kết quả là 500
tín đồ Công giáo phải di chuyển[26].
Các cơ sở Công giáo ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội, phải sơ tán hoặc đóng cửa
trong một thời gian dài. Những cuộc tĩnh tâm của các nhà truyền giáo và các
linh mục địa phương thường bị hủy bỏ, từ năm 1938 đến năm 1955 Đại hội ở La
Vang cũng chỉ được tổ chức có một lần. Và đương nhiên là các tín đồ Công giáo,
chí ít là một nửa số người sống ở đồng bằng sông Hồng, đã bị nạn đói trong những
năm 1944-1945 làm cho lụn bại. “Khắp nơi,” giám mục Hà Nội viết vào tháng 2 năm
1945, “chúng tôi cũng thấy người dân mặc những mớ quần áo rách rưới bẩn thỉu, cởi
trần, trong giá rét căm căm… Mỗi ngày có hàng trăm người chết vì đói và lạnh.
Mà đây mới chỉ là bắt đầu”[27].
CÁC TÍN ĐỒ CÔNG GIÁO
VÀ SỰ CÁO CHUNG CỦA XỨ ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Ngày 9 tháng 3 năm 1945 cuộc đảo chính của Nhật đã hất cẳng
chính quyền Vichy, chấm dứt gần 80 năm cai trị của Pháp ở Đông Dương. Trung và
Bắc Kỳ giành được độc lập vào tháng 4 năm 1945; hoàng đế Bảo Đại và nội các do
Trần Trọng Kim đứng đầu được thành lập một cách vội vã - sau khi Ngô Đình Diệm
từ chối đề nghị của Bảo Đại đứng ra thành lập chính phủ - tiếp quản chính quyền
trên quốc gia mới được thành lập, lấy tên là Đế Quốc Việt Nam, mặc dù quân đội
Nhật vẫn còn đóng trong nước. Nam Kỳ và một số thành phố lớn, ban đầu ở trong
tình trạng lấp lửng, được sáp nhập vào mùa hè năm đó. Quốc gia mới hầu như bất
lực trước thực trạng thiếu vắng gần như hoàn toàn chính quyền sau vụ đảo chính,
và những lực lượng khác được huy động nhằm lấp vào chỗ trống đó. Cộng sản Việt
Nam, trong thời gian chiến tranh đã đưa ra quyết định trước làm cách mạng dân tộc,
sau làm cách mạng xã hội, bắt đầu tập hợp liên minh rộng rãi các lực lượng
chính trị trong tổ chức gọi là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội hay là Việt Minh.
Đến năm 1945, Việt Minh là tổ chức kháng chiến được tổ chức tốt nhất và được
cung cấp tốt nhất, một phần là nhờ những nhà tài trợ người Mỹ và tổ chức này được
nhiều người ưa thích hơn cả. Sau khi Nhật đầu hàng vào giữa tháng 8, các quan
chức của Đế Quốc Việt Nam ở cả ba miền của Việt Nam đều giao lại quyền hành cho
Việt Minh, có người tự nguyện, có người thì bị bắt buộc. Bảo Đại thoái vị ngày
25 tháng 8. Ngày 2 tháng 9, ngày quốc tang cho các thánh tử đạo Công giáo Việt
Nam, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Hà Nội. Mặc
dù mây đen nhanh chóng bao phủ tâm trạng phấn khích trước nền độc lập của dân tộc,
đấy vẫn là thời khắc siêu việt đối với các tín đồ Công giáo Việt Nam. Trong
công trình nghiên cứu đáng chú ý về người Công giáo trong cuộc Chiến tranh Đông
Dương lần thứ nhất, Trần Thị Liên đã chỉ ra làm sao mà “sự bùng nổ của tình cảm
dân tộc, cái ước muốn gần như mang tính bản năng của các tín đồ Công giáo trong
việc tham gia vào phong trào độc lập dân tộc có thể được giải thích như là ước
muốn chấm dứt những lời kết tội là ‘những kẻ phản bội dân tộc.’ Bị kết án là gắn
bó với tôn giáo ngoại lai cũng bị nhà nước Khổng giáo coi là nguy hiểm và bị
chê trách là đánh mất tin thần độc lập dân tộc, nhiều tín đồ Công giáo đã lao
vào phong trào, nhằm tìm cách chấm dứt tai tiếng vẫn treo trên đầu họ”[28].
Nhật đảo chính Pháp vào tháng 3
đã tháo cũi sổ lồng tình cảm bài Pháp trong các cộng đồng Công giáo Việt Nam,
sau ngày 2 tháng 9 tình cảm này chỉ càng tăng thêm mà thôi. Các nhà truyền giáo
trở thành tâm điểm của sự tức giận của các tín đồ Công giáo, điều đó phản ánh bản
chất của những mối quan hệ chủng tộc trong đời sống Công giáo và sự ủng hộ rộng
rãi Giáo hội địa phương độc lập của người Việt Nam. “Từ những sự kiện trong
ngày 9 tháng 3,” giám mục Hà Nội viết vào tháng 9, “càng ngày chúng tôi càng trở
thành những kẻ đáng ngờ trong mắt của những người được gọi là yêu nước… Annam
thuộc về người Annam và Giáo hội Đông Dương thuộc về giới giáo sĩ Đông Dương, đấy
là khẩu hiệu của ngày hôm nay”[29].
Điều này làm cho nhiều nhà truyền giáo bất ngờ, và nhiều người trong số họ cho
rằng đấy là khủng hoảng chính trị và sự ngây thơ của các tín đồ Công giáo Việt
Nam chứ không phải là sự chuyển hóa và những căng thẳng sâu sắc hơn trong đời sống
Công giáo Việt Nam. Như giám mục Hà Nội viết vào tháng 10: “Làn sóng bài ngoại
do chiến dịch dân tộc cực đoan phát động sau khi Pháp đầu hàng vào tháng 3 năm
1945 đã phủ bóng đen nghi ngờ lên các tông đồ của Tin mừng. Bị nghi ngờ là phục
vụ cho sự nghiệp của chủ nghĩa đế quốc và gây ra những trở ngại đối với những
khát vọng của dân tộc, các nhà truyền giáo trở thành những người không được ưa
chuộng và những kẻ phá rối, nếu không nói là kẻ thù của dân tộc… Chứng kiến việc
quá nhiều các tín đồ Công giáo trẻ tuổi và thậm chí là các linh mục và chủng
sinh từ bỏ những người cha tinh thần của họ là thử thách tàn nhẫn nhất”[30].
Nhưng những lời phê phán đã có từ lâu trước sự hiện diện của truyền giáo là hiện
tượng dễ hiểu hơn đối với các quan chức Pháp. “Khát vọng về sự độc lập về mặt
tôn giáo, mệnh lệnh của ngày hôm nay, là khát vọng xưa cũ rồi,” vị chỉ huy của
Lực lượng Tự Do Pháp ở Trung Quốc viết vào tháng 11 năm 1945. “Tình cảm đó được
các thanh niên Công giáo và giáo sĩ thể
hiện trong những thời khắc khác nhau và trong ánh sáng của những sự kiện gần
đây, sức quyến rũ của nó thậm chí còn mạnh hơn”[31].
Trong cả ba miền, khát vọng độc lập
tôn giáo trong những năm 1945 và 1946, có thể được thể hiện rõ nhất trong các
hiệp hội thanh niên và công nhân Công giáo, tâm điểm của những tư tưởng tả
khuynh trong giai đoạn cuối thời thuộc địa. Ở Nam Định, đến tháng 4, quan hệ giữa
Phạm Đình Khiêm, người lãnh đạo phong trào Thanh Niên Công giáo và sau này là
cây viết Công giáo nổi tiếng ở nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và André
Vacquier, nhà truyền giáo đứng đầu nhiều hiệp hội Công Giáo Tiến Hành, đã suýt
tan vỡ. Theo Vacquier, Phạm Đình Khiêm buộc ông ta phải chuyển giao quyền kiểm
soát tạp chí Thanh Niên, mà lúc đó Phạm
Đình Khiêm đang sử dụng nhằm phê phán các nhà truyền giáo và thúc giục các tín
đồ Công giáo tham gia chính trị. Đến tháng 5, Vacquier báo rằng trong giới
Thanh Niên Công Giáo, ở đâu hầu như cũng có thái độ thù nghịch đối với các nhà
truyền giáo[32].
Cũng trong tháng 5, Lưu Ngọc Văn, lãnh tụ của phong trào Thanh Niên Nông Nghiệp
Công Giáo, đòi giám mục Hà Nội chuyển tất cả các hiệp hội thanh niên cho phía
Việt Nam lãnh đạo[33].
Sau vụ đảo chính, các vị giám mục và các nhà truyền giáo tìm cách cấm hoặc giải
tán nhiều hiệp hội của Công Giáo Tiến Hành, nhưng vô hiệu. Sau đảo chính, ở những
khu vực thuộc Bắc Kỳ, các hiệp hội thanh niên và công nhân thành lập lực lượng
tự vệ. Ở Phát Diệm, Hoàng Quỳnh lãnh đạo đơn vị du kích, đơn vị này bắt đầu ăn
cắp hoặc mua vũ khí, tấn công các đơn vị lính Pháp và lính Nhật và viết, cũng
như phân phát những bài tiểu luận về chính trị[34].
Những người lãnh đạo thanh niên Công giáo ở Hà Nội giúp Việt Minh cướp chính
quyền ở Hà Nội vào tháng 8, họ tổ chức những cuộc mít tinh lớn và làm việc
trong các văn phòng thông tin[35]. Ngày 2 tháng 9, khi giám mục Hà Nội hạ lệnh
cho các thành viên Thanh Niên Lao Động Công Giáo tháo khẩu hiệu “Annam thuộc về
người Annam, Giáo hội Annam thuộc về giáo sĩ Annam” treo trước cửa Nhà thờ lớn
thì được một người trả lời: “Bây giờ không phải là lúc vâng lời mà là lúc bảo vệ
quốc gia. Nếu giám mục muốn hạ, ông ta có thể tự làm lấy”[36].
Các chủng viện là một tâm điểm nữa
của những tình cảm bài truyền giáo và dân tộc chủ nghĩa trong những ngày nóng bỏng
của năm 1945. Tháng 8, ở Nghệ An, một phái đoàn của thanh niên Công giáo từ chủng
viện Xã Đoài yêu cầu bề trên người Pháp chuyển giao tài sản của hội truyền giáo
và đưa tất cả các nhà truyền giáo ở khu vực về Vinh[37].
Ngày 2 tháng 9, hầu như tất cả các chủng sinh của đại chủng viện Hà Nội đều
tham gia lễ hội trên đường phố, không nghe lệnh của bề trên. Cảm nhận được tâm
trạng, người đứng đầu chủng viện thay biểu tượng viết bằng tiếng Pháp bằng biểu
tượng viết bằng tiếng Latin[38].
Trong tháng 9, các chủng sinh ở Thanh Hóa còn tổ chức biểu tình, một số thày giảng
thành lập lực lượng dân quân tự vệ[39].
Ở Hoàng Nguyên, các nhà truyền giáo báo cáo rằng mấy tháng sau ngày độc lập,
các chủng sinh phớt lờ chỉ thị của các nhà truyền giáo bề trên và đa số suốt
ngày đọc báo, tranh luận chính trị, sáng tác những bài ca yêu nước, và làm các
lá cờ, các khẩu hiệu và biểu tượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. “Ở phòng ăn,”
giám mục Hà Nội viết, “những câu chuyện đều tập trung vào sự dã man của người
Pháp, của các nhà truyền giáo… Có những suy nghĩ như thế này: ‘Tất cả các nhà
truyền giáo đều phải ra đi, nhưng Khâm sứ Tòa thánh là người Pháp thì có lẽ họ
sẽ không đi; nếu ngài Aiuti là Khâm sứ thì tất cả bọn họ đều phải ra đi’”[40].
Một nhà truyền giáo mô tả các chủng viện ở Bắc Kỳ thời gian này chẳng khác gì
“những cái hộp đầy thù hận”[41].
Các linh mục Việt Nam, vốn từ lâu
đã bực bội với các nhà truyền giáo bề trên, cũng có thái độ cuồng nhiệt tương tự
về nền độc lập dân tộc và độc lập tôn giáo. “Từ tháng 7,” Trần Thị Liên viết,
“giáo sĩ Việt Nam đã thể hiện rõ xu hướng tách khỏi hàng giáo phẩm châu Âu”[42].
Ở Bắc Kỳ, nơi mà quan hệ giữa các linh mục và các nhà truyền giáo vốn đã cực kỳ
tồi tệ, giáo sĩ địa phương tỏ ra hung hăng và bạo lực nhất. Các nhà truyền giáo
người Pháp thường bị ngăn chặn, không được vào nhà thờ hay dâng lễ, có một số
trường hợp họ còn bị đuổi khỏi các giáo phận trước khi nhà chức trách Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa hay Nhật Bản bắt họ ra đi[43].
Không phải chỗ nào cũng thế: ở một số khu vực, nhất là vùng xung quanh Huế và một
số vùng thuộc Nam Kỳ, lòng nhiệt tình đối với Giáo hội độc lập không đi kèm với
tình cảm bài truyền giáo, ngay cả khi mọi mối liên kết có thể nhận thấy được với
người châu Âu đều có thể tạo ra nguy hiểm thật sự. Nhưng theo lời Trần Thị
Liên, thì: “Về vấn đề tự chủ của Giáo hội Việt Nam, giáo sĩ Việt Nam đều thống
nhất và tự họ biết rằng sẽ được giáo sĩ ngoại quốc (không phải Pháp) ủng hộ”[44].
Ngày 23 tháng 9, các vị giám mục
Việt Nam, bây giờ là bốn người, viết thư ngỏ gửi Giáo hoàng Pius XII[45].
Ngày 4 tháng 11, họ ký một bức thư khác, gửi tới “các tín đồ Công giáo thế giới
và nhân dân Mỹ và nhân dân Anh.” Những bức thư này khẳng định sự ủng hộ của các
giám mục đối với nền độc lập dân tộc và kêu gọi nhân dân thế giới tôn trọng ý
chí của nhân dân Việt Nam. Những bức thư này - được truyền trên sóng phát thanh
của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và được phân phát dưới dạng những cuốn tiểu luận
trên toàn cõi Việt Nam và Pháp – ít nhất cũng được những người chấp bút coi là
cử chỉ ngoại giao gửi tới các quan chức của chính phủ mới, một số quan chức này
chắc chắn là lo lắng về các chức sắc của Giáo hội. Nhưng những bức thư này là
biểu hiện chân thành và tự nguyện của sự ủng hộ đối với nền độc lập dân tộc và
độc lập tôn giáo, mặc dù bốn vị giám mục của Giáo hội mới hình thành ở Việt Nam
nghĩ về độc lập một cách khác nhau. Nguyễn Bá Tòng và Hồ Ngọc Cẩn, hai người
già nhất (cả hai sẽ chết trong vòng 4 năm sau) cũng ít chính trị nhất và sự ủng
hộ của họ đối với nền độc lập dân tộc là do sự ủng hộ của họ đối với Giáo hội địa
phương, mà Nguyễn Bá Tòng là tiêu biểu hơn bất kỳ người nào khác. Ngô Đình Thục
- chủ nghĩa dân tộc được thể hiện rõ ràng của ông này làm cho nhà chức trách
Pháp nghĩ rằng ông là người ủng hộ tích cực của Việt Minh – đã cảnh giác ngay từ
đầu về ảnh hưởng của cộng sản trong nội bộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phong
trào kháng chiến ở Nam Kỳ, phần lớn là vì vụ Việt Minh giết hại người anh cả của
ông là Ngô Đình Khôi, tổng đốc Quảng Nam, vào tháng 9 năm 1945.
Lê Hữu Từ, vị giám mục thứ tư, chứng
minh các sự kiện năm 1945 ảnh hưởng như thế nào đối với giới tu sĩ chưa từng
tham gia chính trị và làm thế nào mà những sự kiện này lại làm cho giới tu sĩ ủng
hộ chính quyền cách mạng. Lê Hữu Từ sinh năm 1896 ở Quảng Trị, có nguồn gốc xuất
thân không có gì đặc biệt, nhưng sẽ trở thành nhân vật chính trị quan trọng
trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Phần lớn thời gian trong những
năm 1930 Lê Hữu Từ sống ẩn dật trong tu viện Dòng Xitô Thánh Gia ở Phước Sơn,
ông ta tới đây ngay sau khi được tấn phong vào năm 1928. Năm 1936 ông được giao
trách nhiệm thành lập và đứng đầu tu viện mới ở Châu Sơn, Ninh Bình, đấy cũng
là chức vụ mà ông giữa khi ông được bổ nhiệm thay thế Nguyễn Bá Tòng. Như Trần
Thị Liên nhận xét: “Khi ông được bổ nhiệm, các nhà chức trách trong Giáo hội có
lẽ đã không hề nghĩ đến chuyện là ông sẽ có vai trò chính trị lớn đến như thế.”
Thế thì làm sao giải thích được chủ nghĩa dân tộc bùng phát một cách tức thời
và mang tính chiến đấu như thế? Đối với Trần Thị Liên, Lê Hữu Từ “cảm thấy được
Chúa giao cho sứ mệnh… Vào tu viện từ khi còn trẻ, ông rời tu viện ở tuổi 49 để
nhận chức vụ có tính tượng trưng cao: Giám mục Phát Diệm… Nếu Chúa đã đưa ông
ra khỏi nhà tu kín vào thời khắc lịch sử quan trọng như thế đối với người Việt
Nam… đấy là vì ông được chọn nhằm thực hiện công việc cho Giáo hội Công giáo Việt
Nam phù hợp với những lời tuyên bố của Rome về các Giáo hội địa phương”[46].
Bắt đầu ngay sau khi được phong chức, Lê Hữu Từ đã tiến hành đối thoại với Hồ
Chí Minh nhằm xây dựng một tạm ước (modus vivendi) giữ các tín đồ Công giáo và
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tạm ước này kéo dài đến cuối những năm 1940. Ông vẫn
là người chống thực dân quyết liệt ngay cả sau khi quan hệ với các quan chức Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa đổ vỡ và ông quay sang liên kết chặt chẽ hơn với chính phủ
Bảo Đại được Pháp ủng hộ.
Khi tình cảm dân tộc chủ nghĩa đã
thấm vào giới lãnh đạo Giáo hội Việt Nam, vào các tu sĩ bình thường, vào các mạng
lưới của các hiệp hội và các chủng viện thì chẳng còn mấy trở ngại ngăn cản các
giáo dân chào đón nền độc lập nữa. Và họ đã chào đón. Những cuộc mít tinh có rất
đông tín đồ Công giáo tham gia nhằm ủng hộ chính phủ mới được tổ chức trên khắp
cả nước, trong đó có những cuộc mít tinh tới 40 ngàn người ở Hà Nội, 30 ngàn ở
Vinh và 20 ngàn ở Huế (cuộc mít tinh này còn được hoàng hậu Nam Phương chúc phúc).
Ở Nam Định, các nhà truyền giáo phải đem dấu các tượng thánh người Pháp để
không bị đập phá trong các cuộc biểu tình[47].
Các tờ báo Công giáo và các tờ tin, bây giờ không còn bị các nhà truyền giáo kiểm
soát nữa, đăng những bài có tựa đề như “Tinh thần độc lập”[48].
Năm 1945, trên các trang báo Công giáo hình ảnh các thánh tử đạo – trong một thời
gian dài từng là biểu tượng của sự vong bản và ngược đãi của Công giáo Việt Nam
– bây giờ trở thành hiện thân của những hy sinh mà tín đồ Công giáo Việt Nam
chuẩn bị làm cho quốc gia mới hình thành. “Các em không được diễm phúc tử đạo…
ít là em hãy bắt chước lòng can đảm khẳng khái của họ,” tháng 9 năm 1945, một
bài trong tờ tạp chí dành cho thanh niên đã viết như thế[49].
Các ấn phẩm trong giai đoạn này còn kể chuyện về những tín đồ Công giáo chống
thực dân trên khắp thế giới, tức là những người dành trọn cuộc đời mình cho cả
Giáo hội lẫn quốc gia. Một bài tiểu luận xuất bản năm 1945 có tựa đề “Gương Ái
Quốc Công giáo”, kể lại cuộc đời của Daniel O’Connell, nổi tiếng với danh hiệu
“Người giải phóng” vì cuộc đấu tranh của ông với người Anh cho quyền của tín đồ
Công giáo Ireland[50].
Các tín đồ Công giáo Trung và Bắc Kỳ đã giúp hay đã cố gắng giữ các nhà truyền
giao và trục xuất họ khỏi những vùng nông thôn. Một số tín đồ Công giáo thậm
chí còn dính líu vào những cái chết của các nhà truyền giáo, trong đó có André
Vacquier, lãnh tụ Công Giáo Tiến Hành ở Nam Định vào tháng 9 năm 1945[51].
Ngoài việc bóc trần những căng thẳng
từng gây phiền phức cho đời sống Công giáo ở Việt Nam trong hàng chục năm ròng,
vụ đảo chính hồi tháng 3 và tuyên ngôn độc lập còn làm sáng tỏ những khác biệt
căn bản giữa phần lớn các nhà truyền giáo và lãnh đạo Công giáo toàn cầu. Thực
vậy, hầu như tất cả các nhà truyền giáo của MEP đều coi Pháp là chính quyền hợp
pháp duy nhất ở Việt Nam, nhưng Rome không nghĩ như thế[52].
Trong suốt một thế hệ, những nhà chức trách trong Bộ truyền giáo đã làm việc nhằm
phát triển Giáo hội địa phương ở bên ngoài châu Âu nhằm chuẩn bị cho sự cáo
chung của đế chế mà nay họ đang chứng kiến. Và như vậy, mặc dù trong năm 1945
và 1946, Vatican công khai bày tỏ thái độ trung lập, nhưng hoạt động của họ lại
dẫn tới sự công nhận trên thực tế nền độc lập của Việt Nam, họ sử dụng bộ máy
ngoại giao nhằm gây ảnh hưởng đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đảm bảo sự
an toàn và tự do tôn giáo cho các tín đồ Công giáo. Như Khâm sứ toà Thánh,
Antonin Drapier, viết cho giám mục Hà Nội tháng 6 năm 1945: “Tôi thấy hoàn toàn
không có điều gì để nói về khát vọng được thấy nền độc dân tộc của những người
Việt Nam trẻ tuổi. Tự nó, khát vọng đó không có gì đáng bị chỉ trích, mà có thể
và phải nhận được sự cảm thông của các tín đồ Công giáo. Kết quả là, tôi không
nghĩ rằng chúng ta có thể cấm họ làm việc bằng tất cả các phương tiện lương thiện
cho nền độc lập ấy trong khi các luật lệ của lòng từ bi còn được tuân thủ”[53].
Hoạt động của Drapier trong năm 1945 và 1946 làm cho người Phap nổi giận, đặc
biệt là những cố gắng của ông nhằm làm trung gian cho những cuộc đàm phán Việt-Pháp
và giúp cho việc giao thiệp giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Rome, Hà Nội đã
công bố chi tiết những công việc mà ông này đã làm[54].
Nhưng, không nghi ngờ gì rằng các quan chức của Giáo hội hy vọng rằng chính phủ
mới, bằng cách nào đó, sẽ giữ lại chế độ quân chủ và rằng họ lo lắng về ý thức
hệ của các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng như diễn ngôn chính trị
tích cực – đôi khi có tính bạo lực – của một số tín đồ Công giáo Việt Nam. Đến
cuối năm 1945, quan điểm của Vatican là cho tòa thánh xa rời các quan chức Pháp
và phần lớn cộng đồng truyền giáo mà còn tách biệt với nhiều tín đồ Công giáo
Việt Nam nữa[55].
Khát vọng của các tín đồ Công
giáo Việt Nam về nền độc lập tôn giáo là rõ ràng đối với các quan chức Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa, trong những tháng sau khi giành được độc lập các quan chức
này đã hết sức cố gắng nhằm đánh đồng Công giáo truyền giáo với chủ nghĩa thực
dân Pháp và bảo đảm với các tín đồ Công giáo rằng nhà nước cách mạng ủng hộ tự
do tôn giáo và Giáo hội địa phương. “Các nhà truyền giáo, Pháp và Tây Ban Nha,”
một tiểu luận viết, “trả về cho chúng ta Giáo hội Việt Nam, theo gương các
thánh tông đồ. Xin nhớ rằng tám mươi năm qua các vị đã sử dụng tôn giáo nhằm phục
vụ quyền lợi của thực dân, điều này hòan toàn trái ngược với công lí và lòng
nhân từ mà Chúa đã dạy chúng tôi.” “Sau hơn bốn trăm năm truyền bá Phúc âm,” một
tiểu luận khác viết, “Giáo hội Việt Nam vẫn chưa được tự chủ, vẫn bị lệ thuộc
vào một nhúm các linh mục ngoại quốc… ngay cả khi đã có rất nhiều linh mục Việt
Nam, và rất nhiều người trong số họ có trình độ cao đủ sức lãnh đạo Giáo hội Việt
Nam.” Một tiểu luận thậm chí còn trích dẫn Rerum
Ecclesiae[56].
Mặc dù bộ máy tuyên truyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phản ánh quan điểm coi
các nhà truyền giáo là gián điệp của chủ nghĩa thực dân, nhưng nó còn cho thấy
nhận thức sắc sảo về những căng thẳng trong Giáo hội Việt Nam. Và những lời kêu
gọi của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhắm tới các tín đồ Công giáo – nhóm xã hội
thường nằm ở bên lề với một quá khứ phức tạp – có thể là ví dụ rõ ràng nhất về
việc thúc đẩy nhằm tiến tới thống nhất dân tộc, là chiến lược chính trị giữ thế
thượng phong của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong giai đoạn này. Cuối năm 1945, ở
Hà Nội, các quan chức cho phép tổ chức những buổi lễ lớn trước Nhà thờ Lớn Hà Nội
và cho các tín đồ Công giáo phát thanh qua đài phát thanh của chính phủ; trong
ngày Giáng sinh, Hồ Chí Minh thậm chí còn gửi thư cho các tín đồ Công giáo. Bộ
máy tuyên truyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lúc đó không tỏ ra bài Công giáo
như nó vốn có mà đơn giản là phê phán ảnh hưởng của châu Âu trong Giáo hội Việt
Nam. Tài liệu nội bộ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thời gian này nhất quán với
quan điểm đó, tức là quan điểm lên án mạnh mẽ các nhà truyền giáo và lo ngại rằng
một số linh mục có thể đề cao quyền lực của tôn giáo so với quyền lực thế tục.
Các tài liêu còn chứng tỏ rằng các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn có
thái độ lạc quan rằng tín đồ Công giáo sẽ đoàn kết lại vì sự nghiệp của dân tộc
và khẳng định rằng quan trọng là bảo vệ quyền tự do tôn giáo khi nó không thách
thức quyền lực chính trị[57].
Lòng nhiệt tình của các tín đồ
Công giáo Việt Nam đối với nền độc lập và những cố gắng của các quan chức Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm giành sự ủng hộ của họ đã đưa nhiều tín đồ vào chính
phủ cách mạng và mạng lưới kháng chiến. Tháng 1 năm 1946, Hồ Chí Minh bổ nhiệm
Nguyễn Mạnh Hà, luật sư và là lãnh tụ thanh niên, làm bộ trưởng kinh tế. Nguyễn
Mạnh Hà và người bạn đồng thời là tín đồ Công giáo, ông Nguyễn Đệ, đã tham gia
những cuộc đàm phán thất bại tại Fontainebleu vào tháng 7 năm 1946. Hồ Chí Minh
còn bổ nhiệm Ngô Tử Hạ, một nhà xuất bản Công giáo, làm Chủ tịch quốc hội trong
một thời gian. Sau này Ngô Tử Hạ trở thành người trung gian quan trọng trong
các cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các nhà lãnh đạo Công giáo ở
đồng bằng sông Hồng. Nhưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa không chỉ mời giới tinh
hoa Công giáo hoạt động bên ngoài Giáo hội như mấy vị này. Tháng 10 năm 1945,
Lê Hữu Từ, giám mục mới của Phát Diệm đã chấp nhận lời mời làm cố vấn cao cấp
cho chính phủ của Hồ Chí Minh. Các nhà cách mạng lỗi lạc như Hồ Chí Minh, Võ
Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng và Trần Huy Liệu đã có mặt trong lễ tấn phong ông
này. Trong số các tu sĩ bình thường ở miền Bắc, người ủng hộ chính phủ Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa nổi bật nhất là Phạm Bá Trực, con đường đến với nền chính trị
cách mạng của ông này bắt đầu ngay từ khi ông lên đường sang Rome học tập trong
những năm 1920. Năm 1946, Phạm Bá Trực được chỉ định là thành viên Ủy ban thường
vụ quốc hội[58].
Khác với Bắc và Trung Kỳ, sau
tháng 9 năm 1945, hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ có nguy cơ bị quân Pháp bỏ tù hoặc
giết hại, ở đây chính quyền cách mạng đã bị quân Pháp lật đổ sau có ba tuần.
Tuy nhiên, một số tín đồ Công giáo đã làm chính điều đó. Cũng như ở Bắc Kỳ, ở
Nam Kỳ, Việt Minh cũng mời những người trí thức Công giáo có học vấn như hai
anh em Phạm Ngọc Thuần và Phạm Ngọc Thảo, bố của hai ông này là quan chức trong
chính quyền thực dân Pháp. Năm 1943, Phạm Ngọc Thuần tham gia Thanh Niên Tiền
Phong, tức là nhóm thanh niên nằm dưới sự lãnh đạo của cộng sản, được Nhật chấp
thuận. Tháng 8 năm 1945, em ông và Thái Văn Lung, cũng là một tín đồ Công giáo,
liên kết với ông. Sau khi Pháp đảo chính vào tháng 9, cả ba người đều gia nhập
lực lượng du kích. Thái Văn Lung trở thành lãnh tụ của tổ chức Thanh Niên Tiền
Phong trước khi bị Pháp tra tấn đến chết vào tháng 7 năm 1946. Năm 1946, Phạm
Ngọc Thảo lên đường ra Bắc để theo học trường võ bị của Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa. Sau này ông quay lại miền Nam và trở thành một trong những điệp viên sáng
giá nhất của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thân cận với gia đình họ Ngô, trong khi
vẫn giúp đỡ nhằm phá hoại ngầm Chương trình Ấp chiến lược. Phạm Ngọc Thuần trở
thành phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến và hành chính Nam Kỳ. Những thành viên nổi
tiếng nhất của giới tu sĩ trong phong trào kháng chiến Nam Kỳ là ba anh em Nguyễn
Bá Luật, Nguyễn Bá Kính và Nguyễn Bá Sang, sau vụ đảo chính hồi tháng 3, ba ông
này đã viết những bài báo thúc giục tín đồ Công giáo tham gia các phong trào chống
Pháp và hoạt động nhằm phục hồi những hiệp hội thanh niên mà giám mục Sài Gòn
đã giải tán. Đến năm 1946, họ trở thành cố vấn cho Ủy ban kháng chiến và hành
chính của Việt Minh. Bị Pháp bắt vào tháng 7 - không phải lần cuối cùng – nhưng
sau những vụ phản đối quyết liệt của công luận thì được thả và cả ba người cùng
tham gia kháng chiến ngay lập tức. Mặc dù ban đầu phần lớn giới tu sĩ trong
phong trào kháng chiến đều xuất thân từ Sài Gòn và giữ những vị trí quan trọng
nhất mà các tín đồ Công giáo từng giữ, từ năm 1946, các vị linh mục ở các tỉnh
trên khắp đồng bằng sông Mê Công bắt đầu dạy các khóa và viết tiểu luận nhằm
tuyển các tín đồ Công giáo và trở thành cha tuyên úy cho các tín đồ trong những
đơn vị kháng chiến mới[59].
Cuối cùng, mạng lưới Công giáo quốc
tế có vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền chính trị Công giáo Việt Nam trong
cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất đã nhanh chóng trở nên rõ ràng ngay
trong năm 1945. Ở Pháp, các linh mục Bửu Dưỡng (trực hệ của Minh Mạng) và Cao
Văn Luận là những người ủng hộ nền độc lập
của Việt Nam ngay từ đầu và có ảnh hưởng nhất. Hai ông này đến Pháp học vào cuối
những năm 1930 và trở thành các nhà hoạt động trong đời sống Việt kiều, Bửu Dưỡng
ở Lyon và Anger, còn Cao Văn Luận ở Paris. Cả hai ông đều là giáo sĩ cho các
công nhân và binh sĩ đến Pháp ngay từ đầu Thế chiến II, họ đã gặp gỡ những người
mà họ có thể gặp và theo lời một quan chức Sûreté, người đã theo dõi hoạt động
của hai ông này, thì họ: “Đề cao tinh thần yêu nước của các chiến sĩ Việt Nam
và … lấy họ làm tấm gương cho những người anh em bị lưu đầy, những người được mời
gọi chuẩn bị cho cuộc đấu tranh”[60].
Họ phản đối Pháp sử dụng những lời chứng của các linh mục nhằm phê phán Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phong trào kháng chiến, họ còn tổ chức các buổi hội thảo,
viết báo và phân phát các bài tiểu luận[61].
Trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, tín đồ Công giáo ủng hộ Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa có ảnh hưởng nhất ở Pháp có lẽ là Phạm Huy Thông, ông này
là đảng viên Đảng cộng sản Pháp và là nhân vật trung gian giữa các nhóm Công
giáo Việt Nam và các hiệp hội ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngay sau khi được
phong giám mục, Lê Hữu Từ đã bổ nhiệm Lucas Huy (ông này hình như đã tự ghi tước
hiệu là “monseigneur”, mặc dù còn lâu ông ta mới là giám muc) làm đại diện cho
mình ở Rome, vai trò của ông này là chia sẻ thông tin với Rome, không để thông
tin đi qua những bộ lọc là các nhân viên kiểm duyệt hay các nhà ngoại giao
Pháp, cũng như cố gắng định hướng việc tấn phong các linh mục Việt Nam. Các
quan chức Pháp báo cáo rằng một vài linh mục đang học tập tại Collegium Urbanum
cũng làm những công việc tương tự cho Ngô Đình Thục trước khi đường lối chính
trị của ông này trở nên gần gũi với đường lối của Lê Hữu Từ trong những năm cuối
1940[62].
GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
DƯỚI LÀN ĐẠN
Nền độc lập không mang lại hòa
bình cho Việt Nam. Ngay từ đầu, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã phải đối mặt không
chỉ với những thách thức từ những lực lượng dân tộc chủ nghĩa cạnh tranh với
nhau mà còn đối mặt với các đơn vị chiếm đóng Trung Quốc và Anh, cũng như những
tham vọng thực dân chủ nghĩa đang hồi sinh của Đệ tứ Cộng hòa Pháp. Các đơn vị
quân Pháp, được quân Anh tái vũ trang ở Sài Gòn vào tháng 9 năm 1945, chỉ ba tuần
sau khi Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập đã lật độ chính phủ cách mạng Nam Kỳ. Khi
Nam Kỳ trượt dần vào cuộc chiến tranh du kích, áp lực của Trung Quốc đã giúp
đưa các quan chức Pháp và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến thỏa ước, ký ngày 6
tháng 3 năm 1946. Thỏa ước này, công nhận Việt Nam là nhà nước độc lập và đồng
ý tiến hành trưng cầu dân ý nhằm xác định quan hệ giữa ba miền Bắc Kỳ, Trung Kỳ
và Nam Kỳ. Nhưng Pháp vẫn khẳng định Việt Nam là một phần của Liên bang Đông
Dương và Liên hiệp Pháp. Những cuộc đàm phán tiếp theo ở Đà Lạt và Fontainebleu
không giải quyết được vấn đề này và nhà đương cục Pháp ở Sài Gòn theo đuổi đường
lối ngày càng cứng rắn hơn đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đặc biệt là sau
khi quân Trung Quốc rút vào tháng 9, thậm chí ngay cả khi một số quan chức ở
chính quốc tìm cách đàm phán. Các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, có thái
độ lạc quan sau thỏa ước tháng 3, đã không còn lạc quan nữa khi mùa hè dần trôi
qua. Căng thẳng gia tăng khi lực lượng Pháp quay lại Trung và Bắc Kỳ và vụ Pháp
ném bom Hải Phòng sau khi xảy ra xung đột hải quan – điều đó có nghĩa là châm
ngòi cho phản ứng quân sự của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tạo ra biến cố khai
mào cho cuộc chiến tranh – gia tăng sự tức giận của các quan chức Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa và làm cho họ không còn muốn thương thuyết nữa. Ngày 19 tháng 12
năm 1946, lực lượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tấn công các đơn vị quân Pháp
ở Hà Nội; việc này xảy ra ngay sau khi chính phủ của Đảng xã hội ở Pháp nhậm chức,
cũng có nghĩa là gia tăng khả năng đạt được hòa bình. Cuộc Chiến tranh Đông
Dương lần thứ nhất, khởi đầu cho ba mươi năm tàn phá Việt Nam, đã bùng lên[63].
Lực lượng Pháp nhanh chóng chiếm lại những thành phố lớn và trong hai năm sau họ
đã mở rộng ra những vùng lãnh thổ quan trọng chiến lược, trong khi lực lượng vũ
trang của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phần đông dân chúng rút lui vào cuộc
kháng chiến phòng ngự và chiến tranh du kích.
Cuộc Chiến tranh Đông Dương lần
thứ nhất, làm cho nền chính trị Việt Nam trở thành cấp tiến và biến cuộc chiến
tranh thuộc địa thành bãi chiến trường của Chiến tranh Lạnh, cuối cùng đã không
giúp các tín đồ Công giáo Việt Nam vượt qua được quá khứ phức tạp của tôn giáo
của họ, như nhiều người từng đặt nhiều hy vọng vào năm 1945. Nhưng đấy là bước
cuối cùng và quan trọng nhất trong việc chuyển giao quyền lực từ người châu Âu
sang cho người Việt Nam, một quá trình phù hợp với các cuộc cải cách của
Vatican từ những năm 1920. Đối với nhiều người ở Rome, Thế chiến II là dấu hiện
đen tối nhất, nó tàn phá châu Âu cả về đạo đức lẫn vật chất, họ không thể nào
còn giữ được sự nghiệp truyền giáo như trước đây nữa. Joseph Sasson, tác giả cuốn
Hướng về Giáo hội bản xứ (Toward the Indigenous Church), xuất bản
năm 1944, viết: “Liệu chúng ta có nghĩ một cách nghiêm túc rằng châu Âu, bị tàn
phá bởi chiến tranh, bị chia rẽ bởi lòng hận thù, rằng châu Âu, nơi mà đức tin
đang bị suy giảm không chỉ trong một nước, có thể gia tăng mãi cố gắng truyền
giáo của họ?”[64]
Thực ra, chiến tranh và việc chiếm đóng Đông Dương của Nhật làm cho người ta
không biết chắc liệu Pháp có cai trị Việt Nam một lần nữa hay không và điều này
càng tăng cường những cố gắng của giới chức Giáo hội trong việc chuẩn bị tách
ra khỏi Giáo hội dân tộc và giới chức trách của truyền giáo. Tháng 3 năm 1941,
giám mục Hà Nội viết thư gửi về Rome - ngược hẳn với ý kiến đang giữa thế thượng
phong của MEP – để nói: “Trước mối đe dọa đối với Đông Dương thuộc Pháp, tôi đã
thúc giục những Khâm mạng khác của tòa thánh chuẩn bị đào tạo những linh mục địa
phương có năng lực để cuối cùng họ nắm quyền quản trị các giáo phận.” Các nhà
chức trách của Bộ truyền giáo đồng ý, và họ thúc giục vị giám mục này chuẩn bị
càng nhanh càng tốt công việc chuyển giao. “Chúng tôi hy vọng vào việc cải thiện
tình hình,” vị thư ký viết, “nhưng sẽ là khôn ngoan nếu dự đoán được tình hình
xấu nhất và chuẩn bị đúng lúc.” Một thời gian sau, cũng trong năm đó, mỗi vị
giám mục đều xác định một linh mục phù hợp nhất để nắm quyền cai quản giáo phận
của mình và đồng ý bắt đầu đào tạo người linh mục đó[65].
Sự chuẩn bị như vậy là cần thiết
bởi vì cuộc đảo chính của Nhật đã làm cho hầu hết các hoạt động truyền giáo trở
thành khó khăn, nếu không nói là bất khả thi. Người Nhật buộc nhiều nhà truyền
giáo phải rời xứ đạo và giam họ trong các dòng tu, các nhà tu kín và các chủng
viện trong các thành phố lớn. Đầu năm 1946, Việt Minh và trong một số trường hợp
chính các tín đồ Công giáo đã buộc phần lớn những người còn ở ngoài phải nhập bọn
với những người đã bị tạm giữ. Trong phần lớn thời gian chiến tranh, trong hầu
hết các vùng của đất nước, thậm chí ngay trong những vùng do Pháp kiểm soát,
công việc truyền giáo bị hạn chế một cách nghiêm trọng. Đến giữa năm 1947, hầu
hết các nhà truyền giáo đều không thể tự do đi lại trong các thành phố. Sau đó
cũng ít nhà truyền giáo dám đi ra những khu vực ngoại ô, mặc dù điều kiện những
khu vực gần Sài Gòn tốt hơn là xung quanh những thành phố miền Bắc. Năm 1948, ở
một số thành phố, trường học, chủng viện và các thiết chế an sinh xã hội đã hoạt
động trở lại, nhưng những thách thức thời chiến như cần phải có các nhà truyền
giáo làm cha tuyên úy và làm những công việc giúp đỡ người tị nạn, cũng như việc
trưng dụng nhà thờ cho mục đích quân sự đã đặt ra những yêu cầu mới. Trong một
số thành phố, lúc đầu doViệt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát, nhiều tòa nhà của
Giáo hội (cũng như nhiều dinh thự lớn khác) đã bị phá để làm những thứ có thể
gây khó khăn hơn cho quân Pháp khi họ trở lại. Ít nhà truyền giáo hoạt động
trong những khu vực tranh chấp, đa số không thể ra khỏi các tiền đồn của Pháp nếu
không có lực lương hộ tống, còn những cuộc di tản thì diễn ra thường xuyên làm
cho việc tiếp xúc với các tín đồ trở thành khó khăn[66].
Số phận của vài nhà truyền giáo
trong năm 1945 là chỉ dấu rõ ràng nhất rằng phần đông dân cư Việt Nam không còn
chịu đựng được sự có mặt của họ. Tháng 8 và tháng 9 năm 1945, năm nhà truyền
giáo của MEP bị giết, Hà Nội, Nam Định và Sài Gòn, mỗi nơi một người, Hà Nam
hai người. Một số người khác bị thẩm vấn và tra tấn. Mặc dù những cái chết này
sau đó đã trở thành một phần của lịch sử về thánh tử đạo, trong đó những người
cộng sản đã thế chỗ cho nhà Nguyễn trong vai trò đao phủ, nhưng có rất ít khả
năng là ban lãnh đạo cao cấp của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là người có lỗi
trong chuyện này. Thực vậy, ngoài việc tuyên truyền chống lại các nhà truyền
giáo, các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tỏ ra nghi ngờ phần lớn các nhà
truyền giáo, nhưng trong suốt thời gian chiến tranh họ đã tỏ ra thận trọng. Ba
mươi ba nhà truyền giáo từ Vinh, Thanh Hóa và Huế, trong đó có hai vị giám mục
và học giả Léopold Cadière, đã bị đối xử một cách tàn nhẫn nhất. Năm 1945, họ bị
bắt và bị giam trong nhà ở của linh mục chánh xứ từ sáu đến tám năm, suốt thời
gian đó họ chỉ được gửi thư cho đồng nghiệp và gia đình có một lần. Họ giết thời
gian bằng cách cầu kinh, làm vườn hay nghiên cứu và đôi khi được phép làm lễ
mi-xa. Một số nhà truyền giáo dòng Đa Minh Tây Ban Nha trong những khu vực do
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát có được hưởng một số quyền tự do đi lại.
Nói chung, việc không xảy ra bạo lực chống lại các nhà truyền giáo là xuất phát
từ những cố gắng của các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm nhận được sự ủng
hộ của các tín đồ Công giáo đối với chính phủ mới, cũng như sợ hậu quả mà cái
chết của các nhà truyền giáo có thể gây ra[67].
Nhưng sự kiện xảy ra năm 1945 và
sự lan rộng của chiến tranh đã làm cho việc quản lý đời sống tôn giáo, trừ các
thành phố nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp, rơi hầu như hoàn toàn vào tay giáo
sĩ Việt Nam. Nói chung, đời sống tôn giáo trong những khu vực, nơi Pháp và Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa tranh giành quyền kiểm soát nguồn lực và sự ủng hộ của dân
chúng, là bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các tín đồ Công giáo, cũng như nhiều người
khác, tìm cách chạy khỏi những khu vực này, phần lớn chạy vào những thành phố
do Pháp kiểm soát hoặc khu vực tự trị Công giáo là Bùi Chu/Phát Diệm chứ không
chạy vào những khu vực của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhưng không phải tất cả mọi
người đều làm như thế. Những tín đồ Công giáo ở lại cũng thường bỏ các cộng
đoàn ở xa để tìm những vị trí tương đối an toàn trong xứ đạo. Nhà thờ, chủng viện
và trường học thường bị tàn phá trong các trận chiến đấu hay các vụ ném bom, cả
hai đội quân đều trưng dụng sức lao động và nguồn lực và áp lực để dân chúng
không ủng hộ kẻ thù của mình. Đến giữa cuộc chiến tranh, việc cưỡng bức tham
gia cả lực lượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lẫn lực lượng Pháp-Việt đã trở
thành phổ biến. Kết quả là, ngoài việc phải cố gắng giữ gìn đời sống tôn giáo
trước những thách thức như thế, giới tu sĩ và những người lãnh đạo tôn giáo còn
phải tập trung vào việc tổ chức phòng vệ cho cộng đồng, đấy cũng là công việc
thường diễn ra trong đời sống Công giáo trong giai đoạn chiến tranh. Công việc
phòng thủ cộng đồng ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam thường nổi lên xung quanh
các nhóm cộng đoàn hay giáo xứ đã tồn tại từ trước và đến khoảng năm 1952 là nhằm
bảo vệ các tín đồ Công giáo khỏi các lực lượng Pháp, hành động của họ thường bị
các nhà truyền giáo chỉ trích, cũng như bảo vệ tín đồ Công giáo khỏi lực lượng
vũ trang của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các lực lượng du kích khác[68].
Trong phần lớn thời gian chiến
tranh, đời sống tôn giáo ở những vùng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ít bị ảnh
hưởng hơn là những vùng có xung đột vũ trang mạnh mẽ. Những hành động trưng thu
và bạo lực đơn lẻ chống lại các tín đồ Công giáo cũng như các nhà truyền giáo,
bắt đầu vào tháng 8 và tháng 9 năm 1946, vẫn tiếp diễn trong suốt cuộc chiến.
Nhưng Trần Thị Liên chỉ ra rằng, cho đến khoảng năm 1952, mặc dù tín đồ Công
giáo ở những nơi khác nhau trải nghiệm chuyện này một cách rất khác nhau, tùy
thuộc vào thành phần các ủy ban địa phương, quan hệ cộng đồng và những tác nhân
khác, việc trưng dụng lao động và tài sản, các chiến dịch tuyên truyền của Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa và những hạn chế đối với các phong trào và hiệp hội chỉ ảnh
hưởng tới các tín đồ Công giáo như những thành phần dân cư khác mà thôi. Phần lớn
các linh mục và các thày giảng có thể làm phận sự của mình, các buổi lễ mi-xa
và những buổi lễ khác vẫn diễn ra mà không bị quấy nhiễu. Có lẽ sự đổ vỡ lớn nhất
là không có liên lạc giữa trụ sở của đoàn truyền giáo, thường nằm trong các
thành phố dưới quyền kiểm soát của Pháp, và các giáo xứ ở nông thôn, thường do
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát, mặc dù một số giáo sĩ có thể đi qua những
vùng chiến sự. Nhưng ngay cả nếu các quan chức địa phương là những người khoan
dung thì các linh mục trong những vùng do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát
cũng gặp vô vàn thách thức. Không chỉ chiến tranh tạo ra thách thức đối với
công việc hành đạo hàng ngày của họ mà nó còn buộc họ phải bảo vệ và phân phối
các nguồn lực của cộng đồng và lèo lái quan hệ của cộng đồng của họ với chính
quyền mới với rất ít, thậm chí là không có sự giúp đỡ và bảo vệ của các giới chức
trong giáo phận[69].
Mặc dù điều này vẫn chỉ có tính chất suy đóan, nhưng khả năng của linh mục
trong việc giải quyết những thách thức này dường như là điều quan trọng nhất
trong việc quyết định mức độ ảnh hưởng của ông ta đối với các tín hữu Công giáo
trong giáo xứ của mình trong suốt thời gian này.
Vì phần lớn các nhà truyền giáo bị
giới hạn trong các khu vực đô thị, việc liên lạc của nhiều giáo xứ với trụ sở của
đoàn truyền giáo bị vắt đứt và mở rộng vai trò và trách nhiệm của linh mục địa
phương, chiến tranh đã cho Rome thấy cần phải chuyển giao quyền hành cho người
Việt. Khi Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập vào tháng 9 năm 1945, vẫn còn
12 giáo phận do người châu Âu đứng đầu và chỉ có 3 giáo phận do người Việt Nam
cai quản là Phát Diệm, Bùi Chu và Vĩnh Long. Lễ tấn phong Lê Hữu Từ, lần đầu
tiên trong nước Việt Nam độc lập, cũng là người đầu tiên nhậm chức mà không có
mặt người châu Âu nào. Trong thời gian chiến tranh, ngày càng có nhiều giáo phận
trở thành giáo phận Việt Nam, trong đó có Hà Nội và Bắc Ninh (1950), Vinh
(1951), Hải Phòng (1953) và cuối cùng là Sài Gòn (1955). Những buổi lễ tấn
phong dường như diễn ra song song với chiến tranh – Giáo hội, tương tự như thuộc
địa, đang tuột dần khỏi tay Pháp. Đại sứ Pháp ở Vatican cảm thấy rằng những buổi
lễ tấn phong có ảnh hưởng “làm giảm vị trí đạo đức và văn hóa” mà “quyền và
trách nhiệm của chúng tôi là phải bảo vệ bằng mọi giá,” ông ta và các quan chức
khác đã vận động nhằm để cho người châu Âu đứng đầu các giáo phận[70].
Quyết định tiếp tục chuyển giao của Bộ truyền giáo không chỉ là biện pháp giải
quyết địa vị không chắc chắn của các nhà truyền giáo, mà còn tiếp tục tạo ra những
cuộc cải cách nhằm giải quyết những căng thẳng giữa các nhà truyền giáo và các
tín đồ Công giáo địa phương, cũng như bảo đảm tương lai của Giáo hội ở Việt
Nam. Nhưng, cũng giống như nhiều cuộc cải cách khác, việc đưa người Việt Nam
lên chức vụ giám mục không được thực hiện một cách trọn vẹn như Vatican mong đợi.
Nhiều quan chức của Vatican lo ngại về chủ nghĩa dân tộc mang tinh thần chiến đấu
của Lê Hữu Từ và tìm cách bảo đảm rằng những vị giám mục được tấn phong sau ông
này sẽ ôn hòa hơn[71].
Vai trò quyết định của các giám mục
Việt Nam trong nền chính trị chỉ là một ví dụ cho thấy những cải cách trong
sinh hoạt tôn giáo giữa hai cuộc chiến tranh đã định hình sinh hoạt Công giáo
như thế nào trong cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Ví dụ, rõ ràng là
trong năm 1945, sách báo đã trở thành quan trọng trong đời sống Công giáo đến mức
các lực lượng chính trị đối địch nhau đã phân phối những cuốn sách mỏng và những
bài tiểu luận một cách rộng rãi, thậm chí ngay cả trong những khu vực nông thôn
mà trước đó chỉ một thế hệ mười người mới có một người biết đọc. Mặc dù Rome
còn lâu mới là lý do chính trong việc làm gia tăng số tín đồ Công giáo Việt Nam
biết đọc biết viết, nhưng chiến dịch của họ nhằm mở rộng mạng lưới trường tiểu
học chắc chắn là đã có tác dụng. Có thể di sản trực tiếp hơn của những cuộc cải
cách của Vatican chính những tờ báo Công giáo mà Rome đã thúc đẩy nhằm khởi động
ngay từ đầu những năm 1920 và trong một số trường hợp, Rome đã thúc đẩy các giới
chức thẩm quyền truyền giáo cho phép. Nhiều tờ báo Công giáo lớn trong giai đoạn
thuộc địa đã phải đình bản ngay sau cuộc đảo chính của Nhật: Trung Hòa Nhật Báo, Nam Kỳ Địa Phận, Vì Chúa
và những tờ báo khác đã phải đóng cửa ngay trong mùa hè năm 1945 và không bao
giờ xuất bản trở lại nữa. Thay vào đó là những tờ báo khác, với mục đích là
giúp các tín đồ Công giáo hiểu được ý nghĩa của giai đoạn quá độ chính trị đầy
biến động này. Ở Phát Diệm, sau đảo chính, Hoàng Quỳnh thành lập tờ Sống, như là một phần của chiến dịch
tuyên truyền của ông ta[72].
Một số tờ báo đã đình bản trong giai đoạn Thế chiến II đã bắt đầu xuất bản trở
lại trong năm 1945 với giọng điệu khác hẳn. Tờ tin của dòng Đa Minh, Đa Minh Bán Nguyệt san, đình bản vào
tháng 9 năm 1943, đã mở cửa trở lại hai năm sau đó với lời kêu gọi trung thành
với Việt Minh. Khi các tín đồ Công giáo tỏ ra thận trọng hơn với Việt Minh, họ
đã sử dụng báo chí để thể hiện sự lo lắng của mình. Nổi bật nhất là tờ Hồn Công Giáo, do một nhà lãnh đạo cũ của
Hướng Đạo Công Giáo xuất bản ở Hà Nội từ tháng 10 năm 1945 đến tháng 12 năm
1946, có những bài viết về sự bất tương thích giữa Công giáo và chủ nghĩa cộng
sản và những bản báo cáo về những cuộc xung đột giữa Việt Minh và các tín đồ
Công giáo trên khắp cả nước. Sau này, tờ Đạo
Binh Đức Mẹ, được thành lập ở Hà Nội năm 1952, là phương tiện chống cộng và
chống bảo hoàng của nền chính trị Công giáo cho đến tận cuối cuộc chiến.
Nhưng có lẽ di sản quan trọng nhất
của những cuộc cải cách của Vatican đối với đời sống và nền chính trị Công giáo
trong suốt cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất chính là phong trào Công
Giáo Tiến Hành. Năm 1946, Phạm Đình Khiêm, lãnh tụ thanh niên Công giáo, viết
cuốn sách có thể được coi là cuốn lịch sử đầu tiên đầy đủ nhất ở Việt Nam về
hành động xã hội của Giáo hội Công giáo từ đầu cho đến lúc đó. Ông tập trung phần
lớn tác phẩm nhằm mô tả các thiết chế Công giáo ở Việt Nam mà ông khẳng định là
cực kỳ quan trọng nhằm giúp các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xây dựng xã
hội mới[73].
Bên cạnh mục đích chính trị rõ ràng, tác phẩm của Phạm Đình Khiêm phản ánh hạ tầng
xã hội của Giáo hội – đã bành trướng một cách rất mạnh mẽ trong giai đoạn thuộc
địa – đã trở nên quan trọng đến mức nào vào thời khắc cách mạng và chiến tranh.
Các linh mục và các nhà lãnh đạo cộng đồng dựa vào các trường học và các chủng
viện - những thiết chế này vẫn tiếp tục hoạt động tại phần lớn các khu vực của
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – thì mới tổ chức được các phương tiện sinh hoạt công
giáo và là nơi tạm trú cho người tị nạn Công giáo. Nhiều thiết chế y tế và bảo
trợ xã hội tiếp tục hoạt động và thậm chí đã có sự hợp tác giữa Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa và Giáo hội Công giáo trong lĩnh vực này[74].
Các hiệp hội Công Giáo Tiến Hành, mạng lưới của tổ chức này trải rộng trong tất
cả các giáo xứ và các khu vực, thậm chí còn quan trọng hơn. Khi lòng nhiệt tình
của năm 1945 đã giảm đi, các hiệp hội Công Giáo Tiến Hành trong thanh niên và
công nhân không còn ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Việt Minh như trước
đây nữa, nhưng vẫn có thái độ chính trị mạnh mẽ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã
phản ứng bằng những chiến dịch nhằm gây ảnh hưởng, cài người vào hoặc vô hiệu
hóa chúng. Kết quả là, cuộc đấu tranh giữa Giáo hội và chính phủ mới ở Việt Nam
nhằm hợp nhất các tín đồ Công giáo vào mạng lưới quốc gia tiến xa hơn hẳn so với
trước đây.
Trên nhiều khía cạnh, cuộc đấu
tranh bắt đầu ngay tại lễ tấn phong Lê Hữu Từ, khi Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng
yêu cầu Lê Hữu Từ ủng hộ hiệp hội mới, có tên là Việt Nam Công Giáo Cứu Quốc, một
tổ chức mang tính chính trị và quân sự rõ ràng mà hai ông này hy vọng sẽ giúp
liên kết các tín đồ Công giáo trong cả nước nhằm ủng (và nằm dưới sự lãnh đạo của)
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc dù lúc đó Lê Hữu Từ ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa, ông và những lãnh tụ Công giáo khác, như Nguyễn Mạnh Hà, sợ rằng hiệp hội
này sẽ thiếu tính tự chủ và rằng những tín đồ trong các giáo phận do người châu
Âu lãnh đạo sẽ gặp khó khăn khi tham gia. Đáp lại, Lê Hữu Từ thành lập một hiệp
hội quốc gia mới, gọi là Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, dưới ngọn cờ của Công
Giáo Tiến Hành, chính thức là để tổ chức một cách tốt hơn hoạt động của những
nhóm Công Giáo Tiến Hành khác và phối hợp một cách tốt hơn những cố gắng của
Giáo hội trong những hoạt động như giúp đỡ người nghèo và người tị nạn và ngấm
ngầm là tạo ra lực lượng chống lại ảnh hưởng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đối
với đời sống Công giáo. Các nhà chức trách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa lo lắng,
nhưng những cố gắng đang được tiến hành nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Công giáo
buộc họ phải công nhận nhóm này[75].
Do có sự hiện diện của hiệp hội Công giáo độc lập được các giới chức của Giáo hội
chấp thuận, hiệp hội của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ thu hút được sự ủng hộ của
những tín đồ Công giáo có tinh thần chiến đấu nhất mà thôi. Nhưng quan hệ của
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam với giới chức của Giáo hội lại không rõ ràng.
Phong trào Công Giáo Tiến Hành về hình thức là phi chính trị, và trong khi Rome
thường lờ đi hay thậm chí khuyến khích một số hình thức hoạt động chính trị,
nhưng nhiều người ở Bộ truyền giáo tỏ ra rất lo lắng trước việc Lê Hữu Từ ủng hộ
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tháng 5 năm 1946, Khâm sứ Tòa thánh Drapier công nhận
Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, nhưng ông nhấn mạnh rằng nó phải tuyệt đối phi
chính trị, một việc mà một số giới tinh hoa Công giáo Việt Nam đang tích cực
tìm cách tạo ra không gian cho sự độc lập về chính trị hay phe đối lập trong quốc
gia mới, rất tức giận[76].
Và đương nhiên là các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng nhanh chóng tìm
cách triệt tiêu tiềm năng trên vũ đài chính trị của hiệp hội này.
Ngay từ buổi ban đầu, tính năng động
chính trị rất khác nhau giữa các vùng miền đã tạo ra thách thức đối với nhiệm vụ
của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam là đưa các tín đồ Công giáo Việt Nam vào một tổ
chức duy nhất trên toàn quốc. Liên đoàn được thành lập một cách vội vã và chủ tịch
của nó, ông Nguyễn Mạnh Hà, phải gánh vác những trách nhiệm to lớn, lúc đó ông
đang là Bộ trưởng kinh tế và thành viên phái đoàn đàm phán ở hội nghị
Fontainebleu. Ở miền Bắc, trong thời gian Nguyễn Mạnh Hà ở Pháp, cộng sản và những
người dân tộc chủ nghĩa đã cạnh tranh với nhau nhằm gây ảnh hưởng đối với ban
lãnh đạo Liên đoàn, trong khi Nguyễn Mạnh Hà tìm cách ngăn chặn tổ chức này,
không để nó bị lôi kéo vào chính trị. Việc Lê Hữu Từ công nhận nhóm những tín đồ
Công giáo hoạt động tích cực ở Hà Nội, gọi là Ủy ban Bắc Bộ, là đòn giáng vào
những cố gắng của Nguyễn Mạnh Hà. Ở Nam Kỳ, tình hình cũng tương tự như thế,
nhưng kết quả thì lại khác. Vì ít tín đồ Công giáo ở miền Nam nằm trong tổ chức
hay hoạt động chính trị, trừ những người tham gia phong trào kháng chiến, đấy
là những du kích Việt Minh đầu tiên tiếp xúc với Ngô Đình Thục và giám mục Sài
Gòn, Jean Cassaigne, để xin phép thành lập Ủy ban miền Nam của Liên đoàn. Họ đã
không thành công – Cassaigne sợ làm giới chức Pháp tức giận, trong khi Ngô Đình
Thục sợ ảnh hưởng của cộng sản trong mặt trận Việt Minh – nhưng những tín đồ
Công giáo này vẫn thành lập các chi hội không chính thức của Liên đoàn để làm nền
tảng cho việc tổ chức và họ bắt đầu dùng chúng nhằm tuyển các tín đồ Công giáo
cho sự nghiệp chống Pháp. Việc chính trị hóa các Ủy ban của Liên Đoàn ở miền Bắc
và miền Nam đã làm Drapier hoảng sợ, ông này đã huy động các linh mục trung
thành nhằm giành được nhiều quyền kiểm soát hơn trong các Ủy ban của Liên đoàn ở
trong và xung quanh thành phố Huế. Việc này đã làm nhiều người ủng hộ gia đình
họ Ngô xa lánh, những người này hy vọng rằng Liên Đoàn Công Giáo sẽ giúp cho những
nỗ lực của họ trong việc phát triển lực lượng đối lập phi cộng sản đối với Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Trung Kỳ. Tháng 12 năm 1946, Drapier giải tán Liên Đoàn
Công Giáo, nhưng nó vẫn hiện diện trên thực tế. Ngay sau đó, khuất phục trước
những áp lực của Rome, Drapier lại cố gắng thành lập các chi hội không bị các
nhóm chính trị kiểm soát[77].
Số phận của Liên Đoàn Công Giáo cảnh
báo trước về sự chia rẽ trong đời sống và nền chính trị Công giáo, tức là nền
chính trị xuất hiện trong giai đoạn cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất.
Các tín đồ Công giáo Việt Nam có nhiều lý do để tự nghĩ rằng họ là một cộng đồng
tôn giáo dân tộc khi quốc gia vừa mới thành lập của họ bước vào cuộc chiến
tranh vào năm 1946. Từ những năm 1920, người Việt Nam đã nhìn thấy những người
đồng bào của mình leo lên nấc thang cao nhất của hệ thống cấp bậc của Giáo hội
của mình, họ đã di cư và trở thành thành phần của những cộng đồng Công giáo ở
những khu vực khác và ở nước ngoài, họ đã tham gia những buổi lễ hội và hành
hương với những người Công giáo trên khắp cả nước và họ đã trải nghiệm tôn giáo
của mình trong bối cảnh những bản sắc chính trị và đạo đức đầy sức mạnh vừa mới
xuất hiện. Sau khi chiến tranh nổ ra, người Việt Nam nắm được nhiều quyền kiểm
soát đối với đời sống tôn giáo hơn là trước khi thiết lập chính quyền thực dân.
Nhưng cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất còn làm cho sự chia rẽ sâu sắc
trong nền chính trị Việt Nam ngày càng nổi bật hơn nữa. Cuộc tranh giành quyền
lực nội bộ, việc tìm kiếm cuộc cách mạng xã hội và nhu cầu cấp bách của chiến
tranh đã làm cho lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trở thành cấp tiến hơn và
làm cho quan hệ của quốc gia mới với nhiều tín đồ Công giáo trở thành phức tạp
hơn, sự bất đồng giữa những tín đồ Công giáo muốn tìm phương án thay thế cho
phong trào kháng chiến của Việt Minh ở Nam Kỳ cũng gia tăng. Nhưng sự tận tụy của
các tín đồ Công giáo Việt Nam với nền độc lập dân tộc và độc lập tôn giáo thì
không giảm đi, ngay cả sau khi tình trạng phấn khích của năm 1945 đã phai tàn.
Nói như David Marr, thì “Nhiều tín đồ Công giáo đã xa lánh ‘cuộc cách mạng
này’, nhưng ít người trở lại hợp tác hoàn toàn với Pháp”[78].
CHIA RẼ GIA TĂNG,
1946-1950
Ngay cả trong những ngày sôi nổi
của năm 1945, không phải tất cả các thành phần trong đời sống Công giáo Việt
Nam đều nhiệt tình ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Minh. Ở Trung và Bắc
Kỳ, đấy chủ yếu là do sự lộn xộn trong quá trình chuyển tiếp sang chính quyền
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Việc Việt Minh nắm được quyền lực đã buộc các tín đồ
Công giáo cũng như những thành phần khác trong dân chúng phải đóng góp những
khoản to lớn. Những tòa nhà của Giáo hội thường bị chiếm đóng, lương thực và tiền
bạc bị trưng dụng hoặc bị tịch thu. Trong năm 1945, ở Trung và Bắc Kỳ, ít có
hành động bạo lực chống lại các tín đồ Công giáo và tài sản riêng của họ, và đấy
dường như thường là kết quả của cá nhân hoặc xung đột chính trị riêng lẻ hay
đơn giản là cướp bóc hay trấn lột chứ không phải là chính sách bài Công giáo của
chính quyền, mặc dù một số tín đồ Công giáo có thể đã là mục tiêu của những chi
bộ Việt Minh đặc biệt hung hăng, nhất là khi họ chống lại việc bắt bớ hoặc trục
xuất các nhà truyền giáo. Nhưng nhiều tín đồ Công giáo, cũng như những thành phần
khác trong dân cư, dường như cảm thấy rằng một số vụ phá hủy hoặc tịch thu tài
sản là không thể tránh khỏi, và sự ủng hộ của nhiều tín đồ Công giáo đối với nền
độc lập chắc chắn ám chỉ rằng nhiều sự ủng hộ về mặt vật chất cho Việt Minh vào
năm 1945 là tự nguyện chứ không phải là ép buộc. Có một số bằng chứng chứng tỏ
rằng đất đai, vốn là trung tâm của nhiều vụ xung đột cộng đồng từ thế kỷ XIX, lại
trở thành nguồn gốc của xung đột kể từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp. Ở Hà Nam,
dân làng đòi trả lại đất mà họ bảo rằng cha ông họ, trong những năm 1870, đã bị
buộc phải bán cho các tín đồ Công giáo; còn ở Ninh Bình, những người không theo
Công giáo đòi hơn một ngàn hectare đất mà giáo phận đã kiểm soát từ lâu[79].
Nhưng trong những tháng đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở
Trung và Bắc Kỳ, nói chung, không có và không phổ biến chính sách bài Công giáo
và hầu như không có những hành động bạo lực chống lại các tín đồ Công giáo.
Việc Pháp lật đổ chính phủ cách mạng
ở Nam Kỳ tháng 9 năm 1945 đã tạo ra động lực rất khác nhau giữa các tín đồ Công
giáo và những phong trào chính trị của người Việt Nam trong vùng này. Trần Thị
Liên khẳng định rằng cuộc đảo chính của Pháp không những đã hạn chế được khả
năng của Việt Minh trong việc tiến hành chiến dịch nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của
các tín đồ Công giáo mà nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã làm vào mùa thu
năm 1945 ở Trung và Bắc Kỳ, mà còn làm cho Việt Minh tiến hành ngay lập tức cuộc
chiến tranh du kích, một cuộc chiến đòi hỏi dân chúng phải hi sinh nhiều hơn và
ít khoan dung hơn với những người bất đồng chính kiến[80].
Thực vậy, sự đa dạng của phong trào kháng chiến Nam bộ và thiếu vắng bộ máy của
chính quyền cách mạng ở Nam Kỳ gây ra nhiều khó khăn hơn cho những người cộng sản
trong việc xóa bỏ những lực lượng cạnh tranh với mình, như họ đã làm trong những
vùng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hồi cuối năm 1946. Điều đó dẫn đến xu hướng
bè phái chính trị đầy bạo lực và khắc nghiệt tại nhiều khu vực ở đồng bằng sông
Mê Công, khi những nhóm kháng chiến khác nhau cạnh tranh với nhau nhằm kiểm
soát đất đai và sự trợ giúp của dân chúng, điều này lại dẫn đến hiện tượng là
trong năm 1945 và đầu 1946 đã có nhiều vụ bạo lực hơn nhắm vào các tín đồ Công
giáo Nam Kỳ và tài sản của họ[81].
Vì lực lượng dân quân của Cao Đài và Hòa Hảo là lực lượng hùng hậu trong phong
trào kháng chiến Nam Kỳ cho nên một số vụ bạo lực có tính chất cộng đồng khá mạnh[82].
Hơn nữa, sự kiện là quan hệ giữa các nhà truyền giáo và giới tu sĩ ở Nam Kỳ tốt
hơn là ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ và sự kiện là các tín đồ Công giáo ở đây hội nhập
sâu hơn vào cộng đồng dân cư hơn những khu vực khác ở Việt Nam, cho nên những
căng thẳng trong đời sống tôn giáo có lẽ khó trở thành nguồn gốc của tình cảm
bài Pháp. Dân chúng Công giáo Nam Kỳ cũng không có những người ủng hộ nền độc lập
một cách quyết liệt và lớn tiếng, giữ chức vụ cao như Lê Hữu Từ. Ngô Đình Thục,
một nhà dân tộc chủ nghĩa nổi tiếng, nhưng lại đang ở vị thế tế nhị trong việc
lèo lái sự chiếm đóng của Pháp, trong khi vẫn giữ quan hệ cộng tác với rất nhiều
lực lượng chính trị miền Nam mà những người anh em của ông này đang đối thoại với
họ. Ở địa vị như thế, ông đã phải hết sức cố gắng nhằm giữ được sự thận trọng về
mặt chính trị cho đến năm 1947[83].
Cuối cùng, các tín đồ Công giáo Nam Kỳ không không tham gia vào tổ chức rõ ràng
là dân tộc chủ nghĩa nhưng cũng rõ ràng là tổ chức của Giáo hội độc lập, vì
Liên Đoàn Công Giáo ở Nam Kỳ đã bị các các tín đồ Công giáo ủng hộ Việt Minh kiểm
soát ngay từ đầu. Tóm lại, các tín đồ Công giáo Nam Kỳ không được chính quyền
cách mạng cũng như lãnh đạo Giáo hội – đang bị lực lượng Pháp áp lực – huy động
và đối mặt với nguy cơ là nếu tham gia hoạt động chính trị thì sẽ phải chịu nhiều
bạo lực hơn. Và nó được thể hiện rõ qua thái độ chờ đợi của rất nhiều người
trong những năm 1945 và 1946.
Ở những vùng do Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa kiểm soát, trong giai đoạn từ cuối năm 1945 đến giữa năm 1946, thái độ
của các tín đồ Công giáo đối với quốc gia mới đã trải qua một sự thay đổi đáng
kể. Trong năm 1945, chỉ có hai nhóm trong xã hội Công giáo tỏ ra thù địch với
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Nhóm thứ nhất là những tín đồ Công giáo tinh
hoa, thân Pháp, bảo thủ về mặt xã hội, tức là nhóm gồm những người như Nguyễn
Huy Lai, luật sư và sau này là quan chức của Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng
Hòa, trong những năm 1930 từng ve vãn những tư tưởng của Công Giáo Xã Hội,
nhưng sau năm 1945 đã nhanh chóng chuyển sang lập trường thân Pháp. Thứ hai là
thành phần giáo sĩ, thường là những người già hơn, những người không bác bỏ sự
giám hộ về mặt tôn giáo (và thường là cả chính tri) của Pháp. Nhưng, trong chín
tháng sau ngày giành được độc lập, nếu không nói là sớm hơn, thái độ ủng hộ của
phần lớn giáo sĩ và giáo dân ở Trung và Bắc Kỷ đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa đã giảm, nếu không nói là đã có thái độ thù địch, ngay cả khi lòng nhiệt
tình đối với nền độc lập chưa suy suyển. Sự thay đổi, nơi nhiều nơi ít, trong
quần chúng một phần là do tính đoàn thể của các cộng đồng Công giáo và mức độ ảnh
hưởng của giáo sĩ đối với đời sống Công giáo ở những khu vực đó, nhưng vì sao
nó lại xảy ra? Dường như một phần là do phản ứng trước những khó khăn trong hoạt
động của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở một số vùng, nhất là những khó khăn về vật
chất lan rộng khắp nơi, việc tiếp tục thu các sắc thuế thời thuộc địa và trước
nhu cầu cần phải có những nguồn lực và sức lao động tình nguyện[84].
Chiến dịch tiêu thổ kháng chiến của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, khi quân Pháp trở
lại Trung và Bắc Kỳ trong mùa hè năm 1946, cũng làm xấu đi quan hệ với một vài
thành phần dân cư, cả Công giáo lẫn những người khác.
Nhưng rõ ràng là, chính trị mới
là nguồn gốc quan trọng nhất của thái độ chống đối ngày càng gia tăng của Công
giáo đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Năm 1945, theo lời Trần Thị Liên: “Việt
Minh… xuất hiện không phải như một đảng, mà như một mặt trận giải phóng dân tộc,
các tín đồ Công giáo ủng hộ mặt trận này”[85].
Nhưng từ cuộc đảo chính của Nhật trở đi, ban lãnh đạo cộng sản của Việt Minh phải
đối mặt với sự chống đối lan tràn, nếu không nói là tuyệt vọng, của một loạt
các lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở miền Bắc, nhất là của Việt Nam Quốc Dân Đảng,
Đại Việt Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, nhiều tổ chức trong
số này còn được lực lượng của Quốc Dân Đảng Trung Quốc đang chiếm đóng ủng hộ
và bảo vệ nữa. Năm 1946 là giai đoạn của chủ nghĩa bè phái chính trị đầy bạo lực
ở miền Bắc, trong đó cộng sản đã sử dụng các phương tiện tuyên truyền, bạo lực
và bộ máy của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nhằm bịt miệng một cách hiệu
quả lực lượng đối lập theo đường lối quốc gia[86].
François Guillemot đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy đến giữa năm 1946 đã có
sự tham gia tích cực của các tín đồ Công giáo vào rất nhiều lực lượng theo đường
lối quốc gia hoạt động ở miền Bắc Việt Nam, Việt Nam Quốc Dân Đảng thậm chí còn
có tổ chức riêng của mình, gọi là Quốc Gia Công Giáo, nhằm tuyển mộ và tổ chức
các tín đồ Công giáo[87].
Ngoài việc đàn áp các nhóm quốc gia có nhiều người Công giáo tham gia, lực lượng
cộng sản ngày càng tăng cường kiểm soát Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa còn bắt đầu
tìm cách kiểm soát nhiều hơn Liên Đoàn Công Giáo và các hiệp hội thanh niên và
công nhân của Công Giáo Tiến Hành và hầu như chắc chắn là họ đã lũng đoạn những
cuộc bầu cử ở Ninh Bình và Nam Định nhằm cố gắng siết chặt quyền kiểm soát nhóm
thiểu số Công giáo quan trọng trong khi chờ đợi cuộc chiến tranh với Pháp[88].
Khi chiến tranh nổ ra vào tháng 12 năm 1946, các tín đồ Công giáo miền Bắc bị
rơi vào giữa hai lực lượng hùng hậu nhưng đều không có sức hấp dẫn: Pháp tìm
cách chiếm lại Việt Nam, một việc mà hầu như tất cả các tín đồ Công giáo đều phản
đối và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày càng độc đoán và có thái độ thù
nghịch hơn, một chính phủ đang nắm quyền kiểm soát ngày càng gia tăng đối với
ban lãnh đạo và các thiết chế của Giáo hội cũng như các lực lượng chính trị đối
lập.
Trò chơi quyền lực của cộng sản ở
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong năm 1946 đã buộc ban lãnh đạo Công giáo miền Bắc
tìm sự tự chủ lớn hơn đối với chính phủ cách mạng. Từ năm 1947 đến tận cuối năm
1949, hai giáo phận Bùi Chu và Phát Diệm nằm cạnh nhau, chiếm gần một nửa tín đồ
Công giáo miền Bắc, là vùng lãnh thổ duy nhất ở Trung và Bắc Việt Nam không nằm
dưới quyền kiểm soát của cả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa cũng như của Pháp. Phần lớn
đấy là do cam kết của Lê Hữu Từ rằng sẽ bảo vệ cả nền độc lập của Việt Nam lẫn
sự tự chủ của Công giáo đối với ban lãnh đạo cộng sản của Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa. Trộm cắp, bắt bớ, xung đột vũ trang và ám sát, đã liên tục gây khó khăn
cho quan hệ giữa các lực lượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và các tín đồ Công
giáo trong khu vực này ngay từ đầu năm 1946 – khi các lực lượng chính trị phi cộng
sản đổ về những khu vực Công giáo để tìm sự bảo vệ càng làm cho quan hệ căng thẳng
thêm. Chiến tranh bùng nổ làm cho việc ngăn chặn liên minh giữa Công giáo và
Pháp trở thành nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với các nhà lãnh đạo của Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa. Điều này đã cho các nhà lãnh đạo Công giáo không gian để xây
dựng quốc gia riêng biệt, theo đúng nghĩa của từ này, ở khu vực Phát Diệm và
Bùi Chu. Các tín đồ Công giáo sử dụng các chủng viện, trường học và hiệp hội
làm cơ sở thu thập tin tức tình báo, vũ khí, và tuyển mộ người, cũng như tổ chức
huấn luyện chính trị và tập hợp quần chúng. Khu vực tự trị Công giáo có quân đội
thường trực, có mạng lưới tình báo rộng khắp, có bộ máy thông tin và tuyên truyền,
thậm chí có cả báo chí và đài phát thanh riêng. Mặc cho những cuộc đụng độ thường
xuyên giữa các lực lượng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và dân quân Công giáo
trong suốt những năm 1947 và 1948, các tín đồ Công giáo không chịu thực hiện
chính sách tiêu thổ kháng chiến của chính phủ và những cuộc gặp gỡ ngoại giao
thường kỳ giữa Lê Hữu Từ và Pháp, mãi đến cuối năm 1948, khi ảnh hưởng của Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong vùng này đã gia tăng và chính sách của chính phủ đã
trở thành cấp tiến hơn, Lê Hữu Từ mới bắt đầu xem xét những phương án thay thế
cho việc liên minh với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nhưng chiến dịch quân sự của
Pháp ở Phát Diệm và Bùi Chu, tháng 10 năm 1949, một lần nữa lại làm cho các nhà
lãnh đạo Công giáo tức giận và thiếu vắng phương án thay thế phi cộng sản có mức
độ khả tín đồng nghĩa với việc thậm chí đến đầu năm 1950 Lê Hữu Từ vẫn còn hy vọng
thiết lập liên minh với chính phủ cách mạng[89].
Tài liệu nội bộ và truyên truyền
từ cả hai phía về mối quan hệ ngày càng đầy đủ giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
và các tín đồ Công giáo miền Bắc trước năm 1949 ám chỉ rằng ý thức hệ có vai
trò thứ yếu đối với những vấn đề về mức độ tự chủ tương đối và ảnh hưởng trong
nửa đầu cuộc chiến. Phần lớn quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thậm chí cả cộng
sản, vẫn tiếp tục coi sự chống đối của Công giáo không phải là kết của tự bản
thân tôn giáo mà là kết quả của cơ cấu tôn ti trật tự và được tổ chức chặt chẽ
của Giáo hội, tạo điều kiện cho các nhà chức trách tôn giáo châu Âu và những
người tòng sự phá hoại chính phủ dân tộc mà các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa tin rằng phần lớn tín đồ Công giáo sẽ ủng hộ. Vì vậy mà chiến lược đối với
các tín đồ Công giáo của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là tiếp tục tách tín đồ Công
giáo Việt Nam ra khỏi ảnh hưởng của châu Âu, sử dụng các đồng minh trong giới
tu sĩ địa phương nhằm thuyết phục tín hữu về cam kết với tự do tín ngưỡng của
nhà nước và gia tăng sự tham gia vào những tổ chức Công giáo được nhà nước chấp
thuận[90].
Mãi đến năm 1949, chủ nghĩa cấp tiến đang gia tăng trong ban lãnh đạo của Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới bắt đầu chuyển thành thái độ bài Công giáo một cách dứt
khoát hơn và mãi về sau điều này mới có hiệu lực thực sự trong những khu vực do
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát. Trong khi đó, mặc dù ngôn từ Công giáo bằng
tiếng Việt gia tăng chống cộng và tiếp tục xoay quanh những vấn đề lý thuyết và
giáo lý, tâm điểm chú ý của những tờ báo như Hồn Công Giáo là sự kiểm soát của cộng sản đối với lĩnh vực chính
trị và đời sống trong các cơ quan của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bối cảnh quốc
tế, mạnh mẽ như dưới thời thuộc địa, là một nhân tố: chủ nghĩa chống cộng của
Vatican - cực kỳ mạnh trong những năm cuối 1940 và sau này – những năm sau Thế
chiến II không được thể hiện một cách rõ ràng như thế, và trước năm 1949 có ảnh
hưởng không lớn đối với nhận thức của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về Giáo hội
Công giáo Việt Nam.
Một lần nữa, tình hình ở Nam Kỳ
trong nửa đầu cuộc chiến lại khác hẳn.Thực vậy, khi chiến tranh ở đồng bằng
sông Mê Công tiếp tục thì ngày càng có nhiều tín đồ Công giáo tham gia vào hoạt
động kháng chiến. Trên thực tế, đến năm 1948, một số quan chức Pháp cho rằng một
nửa tín đồ Công giáo ở Nam Kỳ tham gia hay có cảm tình với cuộc kháng chiến chống
Pháp[91].
Nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này là cực kỳ cần thiết, nhưng rõ ràng là sự kiện
Pháp chiếm đóng không thôi không đủ để giải thích sự gia tăng nhanh chóng số
tín đồ Công giáo ủng hộ cuộc kháng chiến ở miền Nam, đặc biệt là vì trong năm
1945 và đầu năm 1946 chỉ có một ít tín đồ Công giáo Nam Kỳ ủng hộ Việt Minh mà
thôi. Sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của Việt Minh đối với các tín đồ Công giáo
vùng đồng bằng sông Mê Công trong giai đoạn đầu của chiến tranh có lẽ là do khả
năng tổ chức một cách hiệu quả của mặt trận dưới ngọn cờ của Liên Đoàn Công
Giáo. Có báo cáo nói rằng đến cuối năm 1947, hơn một trăm chi hội tập hợp được
hơn 75 ngàn tín đồ Công giáo Nam Kỳ nhằm sản xuất và phân phối các tài liệu
tuyên truyền, tổ chức và tiến hành đào tạo về chính trị, thu thập thông tin
tình báo, tìm nguồn cung ứng và tuyển thành viên mới[92].
Liên Đoàn có mạng lưới rất mạnh trong và xung quanh Sài Gòn, ở đây các nhóm
tương thân tương ái và hiệp hội Công giáo sử dụng những khuôn khổ sẵn có cho những
cố gắng của Liên Đoàn trong việc giúp đỡ các hoạt động kháng chiến. Nhưng có lẽ
quan trọng hơn là những liên minh chính trị thay đổi thất thường - vốn là hiện
tượng đặc thù của thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến ở Nam Kỳ - đã buộc Việt Minh
và các lực lượng dân tộc chủ nghĩa phi cộng sản cũng như các giáo phái phải thường
xuyên thảo luận với nhau, kể cả khi chiến tranh đã nổ ra, chứ không như ở miền
Trung và miền Bắc. Bản chất của tổ chức tôn giáo-xã hội có thể cũng tạo điều kiện
thúc đẩy cuộc kháng chiến của các tín đồ Công giáo; sự phân tán về mặt địa lý
và xã hội của các tín đồ Công giáo và sự hiện diện không thường xuyên của giáo
sĩ trong đời sống của người Công giáo bình thường dường như đã hạn chế ảnh hưởng
của các giới chức Giáo hội đối với các lựa chọn chính trị. Thực vậy, tình báo
Pháp ghi nhận ảnh hưởng của giới tu sĩ ở những khu vực nông thôn Nam Kỳ có sự
chống đối Việt Minh từ phía người Công giáo[93].
Nhưng điều quan trọng cần ghi nhận là, những các tín đồ Công giáo ủng hộ Việt
Minh ở Nam Kỳ có khả năng là không quá 10% toàn bộ Giáo dân Việt Nam.
Không khí chính trị trong đời sống
Công giáo miền Nam thể hiện rõ ràng ở thất bại của Pháp trong việc làm cho các
tín đồ Công giáo trở thành lực lượng nòng cốt của liên minh chống Việt Minh.
Các Đơn vị lưu động bảo vệ Họ Đạo (Unité
Mobiles de Défence de la Chrétienté hay UMDCs) ở Nam Kỳ là sáng kiến của một
đại tá mang hai dòng máu Việt-Pháp trong quân đội Pháp, tên là Jean Leroy.
Leroy hoạt động ở vùng ngoại ô Mỹ Tho, ông này thành lập đơn vị UMDCs đầu tiên,
chủ yếu là nhằm gia tăng ảnh hưởng của ông ta trong khu vực này của đồng bằng
sông Mê Công. Không rõ tại sao Leroy lại chọn các tín đồ Công giáo làm chỗ dựa
tiềm tàng; mặc dù ông này có theo học các trường Công giáo, nhưng tất cả các
báo cáo đều nói rằng ông ta không phải là một người Công giáo tích cực, và xu
hướng chính trị của hầu hết các tín đồ Công giáo ở Nam Kỳ lúc đó không cho thấy
nhiều lý do để nghĩ rằng có thể tổ chức họ thành lực lượng chống Việt Minh hữu
hiệu. Nhưng quân đội Pháp lại coi UMDCs là hình thức kháng chiến chống cộng tự
chủ trên danh nghĩa, tức là sẽ có lợi về mặt chính trị nhưng cũng sẽ dễ dàng bị
kiểm soát. Chắc chắn là UMDCs đã lôi kéo được một số du kích Công giáo chống Việt
Minh trong khu vực Mỹ Tho/Bến Tre, và một số người, nổi bật nhất là Huỳnh Công
Hậu, đã tìm cách sử dụng UMDCs như là con đường dẫn ông ta tới quyền lực chính
trị ở Sài Gòn. Nhưng, mặc dù chỉ có vài đơn vị UMDCs là những nhóm tự vệ thật sự
có mối liên hệ mật thiết với các cộng đồng riêng lẻ, nhiều đơn vị, theo lời Trần
Thị Liên: “chỉ là bình phong (façade) Công giáo” cho các đơn vị bán quân sự cơ
động, được trang bị tốt, mà người chỉ huy cũng như đa số thành viên không phải
là tín đồ Công giáo, dành rất ít thời gian nhằm bảo vệ các cộng đồng Công giáo,
đôi khi thậm chí còn buộc người Công giáo ra nhập để làm ra vẻ họ đang thực hiện
mục đích xã hội của mình[94].
Các giới chức của Giáo hội và phần lớn những người quốc gia Công giáo cuối cùng
đã phủ nhận các đơn vị này và các tín đồ Công giao địa phương chỉ tham gia khi
những lựa chọn khác không làm họ thỏa mãn[95].
Mấy năm đầu, cuộc Chiến tranh
Đông Dương lần thứ nhất không có tính quyết định cả về chính trị lẫn quân sự. Mặc
dù Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Minh có lợi thế to lớn trong nền chính trị
đối nội, nhưng việc thiếu vắng đồng minh trên trường quốc tế đã làm giảm vị thế
đối ngoại của họ. Nhưng mặt khác, Pháp không thành công trong việc tìm kiếm đồng
minh trong những nhóm chính trị phi cộng sản và nền chính trị không ổn định của
Pháp tiếp tục chia rẽ những người ủng hộ đàm phán với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
và những người biện hộ cho việc tiếp tục can thiệp bằng quân sự. Điều này, cũng
như những nỗ lực chiến tranh sang tạo và bền bỉ của Việt Nam đã vô hiệu hóa phần
lớn ưu thế về mặt vật chất của Pháp, cản trở việc Pháp chiếm các thành phố lớn
và những khu vực đông dân cư ở các đồng bằng châu thổ và dọc bờ biển. Thất bại
trong việc buộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chấp nhận giải pháp chính trị làm cho
Pháp phải tích cực tìm các liên minh chính trị của người Việt Nam, đặc biệt nhất
là cựu hoàng Bảo Đại. Bảo Đại rời Việt Nam đi Hồng Công năm 1947, ông đã gặp
các quan chức Pháp và một loạt những người dân tộc chủ nghĩa Việt Nam phi cộng
sản ở đây, cả hai nhóm này đều muốn dùng địa vị nổi bật của ông làm vốn liếng
chính trị. Do bế tắc về quân sự và khả năng chiến thắng của cộng sản ở Trung Quốc
đang tăng lên, và nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ cho những cố gắng chiến tranh
của mình, trong hiệp định ký tháng 6 năm 1948 – thừa nhận liên minh của Nam Kỳ
với Trung và Bắc Kỳ trong nhà nước Việt Nam “độc lập” dưới quyền cai trị của Bảo
Đại, nhưng vẫn nằm trong Liên hiệp Pháp. Quốc Gia Việt Nam, phát sinh từ hiệp định
này, đã được chính thức thành lập vào giữa năm 1949, tương tự như Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa, cũng tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Sự xuất hiện các lực lượng chính
trị phi cộng sản mới, sau vụ đàn áp những lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong năm 1946, sẽ định hình những lựa chọn chính trị của
phần lớn các tín đồ Công giáo trong giai đoạn còn lại của chiến tranh. Nói
chung, một ít tín đồ Công giáo “thân” Pháp một cách dứt khoát từ trước năm 1950
thể hiện hai lập trường khác nhau. Một là của Nguyễn Mạnh Hà, ông này coi cuộc
kháng chiến chống Đức quốc xã ở Pháp là mô hình cho sự hợp tác Công giáo-cộng sản
mà ông hy vọng là sẽ diễn ra ở Việt Nam, ông và các nhà trí thức Công giáo tả
khuynh tự biến mình thành trung gian trong cuộc đối thoại với hy vọng thành
công ngày càng giảm sau khi những cuộc thảo luận Pháp-Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
đổ vỡ vào năm 1947. Mặc dù điều này đã nhanh chóng làm cho quan hệ của Nguyễn Mạnh
Hà với các quan chứcViệt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xấu đi nhanh chóng, nhiều vị chỉ
huy quân sự Pháp ghét thái độ chính trị “thân” Pháp của Nguyễn Mạnh Hà đến mức
ông ta và gia đình phải chạy từ Hà Nội xuống Hải Phòng dưới sự bảo vệ của lực
lượng an ninh Pháp[96].
Nguyễn Mạnh Hà - bị tướng Jean de Lattre de Tassigny trục xuất khỏi Việt Nam
năm 1951 – tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình trong các giới Công giáo tiến bộ
ở Pháp. Sau khi chiến tranh kết thúc, Nguyễn Mạnh Hà quay lại Hà Nội trong một
thời gian ngắn nhằm giúp chính thức hóa địa vị của Giáo hội dưới quyền cai trị
của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và những cố gắng của ông ta dường như là nguyên
nhân quan trọng làm cho lãnh đạo cộng sản không thành lập Giáo hội nhà nước, độc
lập với Rome, tương tự như Đảng cộng sản Trung Quốc đã làm ở Trung Quốc[97].
Trong khi các tín đồ Công giáo tả
khuynh như Nguyễn Mạnh Hà tiếp tục hy vọng chính phủ liên hiệp ở Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa và giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột thì một nhóm nhỏ giới
tinh hoa chính trị Công giáo bắt đầu hướng về Bảo Đại. Nổi bật nhất là Phan Văn
Giáo, một dược sĩ giàu có ở Huế; từ năm 1947 đến năm 1949 ông này là nhân vật
trung quan quan trọng giữa Pháp và Bảo Đại và đã đóng góp khá nhiều tiền bạc
cho hoạt động chính trị của hoàng đế. Trong số những tín đồ Công giáo đầu tiên ủng
hộ Bảo Đại có Nguyễn Đệ và Nguyễn Huy Lai, cả hai ông này đều không chấp nhận
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngay từ đầu. Sau năm 1950, cả ba ông này đều có vai
trò quan trọng trong Quốc Gia Việt Nam[98].
Nhưng theo lời Trần Thị Liên: “những tín đồ Công giao tham gia chính quyền làm
việc đó như những cá nhân và hoàn toàn không đại diện cho những người đồng đạo
với họ”[99].
Thực vậy, sự ủng hộ của Công giáo rõ ràng là nhạt nhẽo, mặc cho những cố gắng của
Pháp nhằm tuyển mộ tín đồ dưới cờ của Quốc Gia Việt Nam[100].
Năm 1947, Lê Hữu Từ đã tiếp xúc với Bảo Đại ở Hồng Công, nhưng ông thất vọng vì
hoàng đế không có khả năng làm việc với những người dân tộc chủ nghĩa Việt Nam
và cuộc chiến tranh phá hoại của Pháp đã làm gia tăng tình cảm bài Pháp của dân
chúng Công giáo ở miền Trung và miền Bắc Việt Nam, thậm chí ngay cả khi càng
ngày họ càng chống đối Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hơn[101].
Ngay từ đầu, Quốc Gia Việt Nam đã được những tín đồ Công giáo bài Việt Minh – đặc
biệt là những người tham gia UMDCs - ủng hộ[102].
Ngô Đình Diệm và những người anh
em của ông – là lựa chọn được nhiều người Công giáo Việt Nam ưa chuộng, nhất
vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất – đã trải qua nửa đầu
cuộc xung đột trong cơn biến động chính trị mạnh mẽ. Năm 1945 và 1946 là thời kỳ
khó khăn đối với gia đình họ Ngô, bắt đầu bằng việc mà Ed Miller mô tả Ngô Đình
Diệm là “tính toán sai lầm to lớn” khi từ chối lời đề nghị giữ chức thủ tướng của
Đế Quốc Việt Nam sau cuộc đảo chính của Nhật[103].
Ngô Đình Khôi, anh cả bị cán bộ Việt Minh giết hại vào tháng 9; việc Pháp chiếm
Nam Kỳ để lại ít không gian cho Ngô Đình Thục trong việc sử dụng địa vị giám mục
Vĩnh Long của mình cho những mục đích chính trị; còn Ngô Đình Nhu thì đang làm
Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện Đông Dương ở Hà Nội. Sau Cách mạng
Tháng tám, Ngô Đình Diệm bị bắt giữ trong một thời gian ngắn, đầu năm 1946 ông
được đưa ra Hà Nội và được đề nghị giữ chức vụ trong chính phủ thống nhất của
Việt Minh. Ngô Đình Diệm đã từ chối, mặc dù không phải là vì những lý do mang
tính ý thức hệ như sau này ông ta tuyên bố. Trên thực tế, ông ta không được
giao nhiều quyền kiểm soát chính sách an ninh của Việt Minh như mong muốn, và
ông ta ở nước ngoài hầu như suốt cả năm 1946[104].
Vì các anh em nhà Ngô hầu như đã bị vô hiệu hóa, những người ủng hộ họ ở Huế bắt
đầu chuyển từ quan điểm trung quân, ủng hộ Cường Để, sang phát triển mạng lưới
chính trị mới. Trong hai năm 1945 và 1946, nhân vật quan trọng nhất trong việc
này là Trần Văn Lý, ông này đã tổ chức các đồng đạo thông qua các chi hội của
Liên Đoàn Công Giáo. Bà vợ góa của Ngô Đình Khôi (con gái Nguyễn Hữu Bài) là
người đóng góp tài chính lớn nhất cho những cố gắng này. Một số người ủng hộ
gia đình họ Ngô trong những khu vực khác cũng bắt đầu tổ chức. Năm 1946, lực lượng
an ninh của Việt Minh nhận thấy sự xuất hiện của một đảng chính trị mới ở khu vực
Nghệ An/Hà Tĩnh, gọi là Đảng Bình Dân, bao gồm những tàn dư của Đảng Phục Hưng
của Diệm, các tổ chức thanh niên và tín đồ đạo Cao Đài[105].
Hoạt động của Ngô Đình Diệm trong
năm 1947 nhằm tổ chức các lực lượng chống Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa/Việt Minh –
đã bị suy yếu và phân tán sau vụ đàn áp khốc liệt của cộng sản hồi năm 1946 –
thành một phong trào chính trị thống nhất và có sức sống, gọi là Việt Nam Quốc
Gia Liên Hiệp. Đồng minh chủ chốt của Ngô Đình Diệm trong những cố gắng này là
Nguyễn Tôn Hoàn, một tín đồ Công giáo miền Nam và cũng là thành viên sáng lập đảng
Đại Việt. Tương tự như người quốc gia đồng hương khác, Ngô Đình Diệm công nhận rằng
Bảo Đại - lúc đó ở Hồng Công đang nhận được những lời đề nghị từ phía những người
Việt quốc gia và Pháp – là nhân vật chính trị duy nhất được nhiều người công nhận,
đủ sức lãnh đạo phong trào kháng chiến trong toàn quốc. Như vậy là Ngô Đình Diệm
không phản đối giải pháp quân chủ, thực ra, mãi đến năm 1948 ông vẫn tích cực
tìm một giải pháp để Việt Nam độc lập hoàn toàn với Pháp. Như Ed Miller đã chỉ
ra, Ngô Đình Diệm còn áp lực Bảo Đại chấp nhận mô hình mà thực chất là chính phủ
cộng hòa trong đó hoàng đế phải tham khảo quốc hội trước khi chấp nhận các đề
xuất của Pháp[106].
Cố gắng hợp tác với Bảo Đại thất bại vào giữa năm 1948, khi vị hoàng đế này chấp
nhận một loạt điều kiện của Pháp, dẫn tới việc thành lập Quốc Gia Việt Nam, đây
là những điều kiện mà Ngô Đình Diệm cho là không thể chấp nhận được. Khi Nguyễn
Tôn Hoàn và một vài người quốc gia quyết định ủng hộ Quốc Gia Việt Nam thì Ngô
Đình Diệm cũng đoạn tuyệt với họ[107].
Tính chất thất thường của việc
tìm kiếm chính trị của Ngô Đình Diệm trong giai đoạn đầu chiến tranh có nghĩa
là trong quá trình đàm phán với Bảo Đại, ông ta còn liên hệ với Việt Minh ở Nam
Kỳ, ông tin rằng ở đấy những người không cộng sản là lực lượng chính của cuộc
kháng chiến. Các tín đồ Công giáo thân Việt Minh đã bác bỏ các đề nghị của Ngô
Đình Diệm – linh mục Nguyễn Bá Luật mô tả Ngô Đình Diệm là đang thực hiện “mệnh
lệnh của những người Pháp phản động và thực dân”[108]
–nhưng ông ta được tôn trọng đến mức gần như đã thuyết phục được Nguyễn Bình, tổng
chỉ huy chiến trường của Việt Minh ở miền Nam, đào ngũ. Cùng thời gian đó, Ngô
Đình Diệm tung ra cố gắng đã được chuẩn bị một cách đầy đủ nhằm xây dựng cơ sở
chính trị độc lập ở Nam Kỳ. Phương tiện chính của ông là một đảng chính trị dựa
trên các hiệp hội công nhân và thanh niên Công giáo, đấy là Đảng Xã Hội Công
Giáo và hai tờ báo Ý Dân và Hoạt Động[109].
Những người anh em của Ngô Đình Diệm là những nhân vật có tầm quan trọng đặc biệt
đối với những cố gắng trong việc bành trướng của ông ở miền Nam trong năm 1948.
Chức giám mục của Ngô Đình Thục giúp Ngô Đình Diệm thiết lập lòng tin đối với mạng
lưới của giới tu sĩ, và giáo phận Vĩnh Long vốn là sào huyệt của các lực lượng
kháng chiến không cộng sản. Ngô Đình Nhu rời Hà Nội đi Huế vào năm 1947, rồi đi
Sài Gòn vào năm 1948, nhằm giúp Ngô Đình Diệm tổ chức các lực lượng dân tộc chủ
nghĩa không theo Công giáo. Ngô Đình Cẩn, em út, ở lại Huế để củng cố sự ủng hộ
của Công giáo ở đây, thậm chí Ngô Đình Luyện, lúc đó đang ở Pháp, cũng tìm cách
tiếp xúc với các Việt kiều[110].
TỪ CHIẾN TRANH ĐẾ QUỐC
ĐẾN CHIẾN TRANH LẠNH
Chiến thắng của cộng sản Trung Quốc
năm 1949 đã biến cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất thành chiến trường của
Chiến tranh Lạnh. Việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã cho Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa một đồng minh đầy sức mạnh; năm 1950 Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Liên Xô cũng làm như thế ngay
sau đó. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa còn liên kết Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với
khối cộng sản quốc tế và viện trợ cũng như cố vấn Trung Quốc bắt đầu tràn qua
biên giới. Điều này làm cho sức mạnh quân sự của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gia
tăng vượt bậc, đây là một đòn nặng giáng vào cố gắng chiến tranh của Pháp. Tình
hình thế giới thay đổi; tuy chậm, nhưng bản chất của cuộc cách mạng trong nước
thay đổi và việc thành lập Quốc Gia Việt Nam, tất cả những điều này làm cho ban
lãnh đạo Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trong và từ năm 1949 trở đi, càng ngả sang
ý thức hệ chính chính trị và chiến thuật Marxist mang tính hiếu chiến nhiều hơn
nữa. Đối với những đối thủ của cộng sản, việc thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân
Trung Hoa là hiện thân của tình hình thế giới đang ngày càng xấu đi, khi mà các
thuộc địa trên khắp thế giới theo đuổi đường lối chính trị mà các nhà làm chính
sách của Mỹ và Tây Âu sợ rằng sẽ đe dọa quyền lợi của họ. Mặc dù một số người
trong Bộ ngoại giao Mỹ phản đối những cố gắng của Pháp nhằm trở lại Đông Dương
và công nhận sự yếu kém của Quốc Gia Việt Nam, áp lực ngoại giao của Pháp và
Anh đã thắng thế và Mỹ bắt đầu giúp Pháp chiến phí[111].
Vatican, đặc biệt lo lắng cho điều kiện của các Giáo hội ở châu Á, sau năm 1949
cũng đã nhanh chóng chuyển từ thái độ trung lập sang ủng hộ các phong trào
chính trị phi cộng sản. Tình hình chính trị thế giới làm thay đổi hẳn thái độ của
những người Việt chống cộng, họ bắt đầu cắt đứt những sự ràng buộc còn lại với
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Minh.
Tông thư năm 1951 của Giáo hoàng
Pius XII, Ad Apostolorum Principis (Về chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc), thể
hiện thái độ chống cộng ngày càng gia tăng của Vatican, kể từ khi ảnh hưởng của
Liên Xô lan tràn sang châu Âu và chiến thắng của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.
Nhưng, trong khi những lo lắng về chủ nghĩa cộng sản trên toàn cầu chắc chắn là
đã thấm vào quyết định của Rome trong việc công nhận Quốc Gia Việt Nam vào
tháng 3 năm 1950, sự ủng hộ cho những tham vọng thực dân của Pháp ở Việt Nam lại
chỉ đơn giản là công nhận rằng không còn lựa chọn có giá trị nào khác để đối
phó với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc cho những áp lực ngoại giao của Pháp,
Rome tiếp tục phát triển Giáo hội Việt Nam, bằng cách chuyển chức vụ đứng đầu
giáo phận từ người Pháp sang cho người Việt Nam và năm 1951 đã bổ nhiệm John
Dooley, một vị linh mục người Ireland, làm Khâm sứ Tòa thánh đầu tiên không phải
người Pháp, thay thế cho Costantino Aiuti. Rome nhận thức được rằng nhiều tín đồ
Công giáo Việt Nam bất mãn với Quốc Gia Việt Nam, phần lớn là do những nỗ lực của
những người ủng hộ gia đình họ Ngô ở Rome và Rome thoạt tiên đã không thiết lập
quan hệ ngoại giao hay cử một sứ thần Tòa Thánh đến quốc gia mới này. Điều này
làm cho các quan chức Pháp thất vọng, họ phải tăng cường cố gắng nhằm thuyết phục
Rome rằng cuộc chiến tranh này là phần quan trọng của cuộc chiến chống cộng
trên toàn cầu. Mãi đến năm 1952, Rome mới chuyển sang lập trưởng hoàn toàn ủng
hộ Quốc Gia Việt Nam, chủ yếu là vì lúc đó đã có nhiều tín đồ Công giáo Việt
Nam ủng hộ quốc gia mới hơn là trước đây.
Việc Vatican công nhận Quốc Gia Việt Nam không phải là lý do
chính cho sự gia tăng số tín đồ Công
giáo ủng hộ Bảo Đại sau năm 1950. Trong một chuyến đi dài ngày tới châu Âu, cuối
năm 1950, trong đó có cuộc hội kiến với Giáo hoàng, cũng như cuộc tấn công quân
sự của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã làm cho Lê Hữu Từ có thái độ thực tế hơn về
tình hình ở Bùi Chu và Phát Diệm. Nhưng ông này và vị giám mục mới ở Bùi Chu,
Phạm Ngọc Chi, vẫn tiếp tục chống lại việc hợp nhất khu vực này với Quốc Gia Việt
Nam, tiếp tục theo đuổi chính sách với Quốc Gia Việt Nam tương tự như chính
sách mà họ từng theo đuổi với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tức là đề cao tầm quan
trọng có tính chiến lược của khu vực nhằm cố gắng giữ được quyền tự chủ của họ.
Lê Hữu Từ nhận sự giúp đỡ của Quốc Gia Việt Nam, nhưng trong nửa đầu năm 1951,
ông ta tiếp tục lớn tiếng tuyên bố ủng hộ quyền tự trị và tìm cách tiếp xúc với
các tín đồ Công giáo chống Quốc Gia Việt Nam trong những khu vực khác của Việt
Nam. Việc hợp nhất các đơn vị bán quân sự Công giáo với lực lượng Pháp-Việt vào
tháng 8 năm 1951 phần lớn là do đường lối quân sự cứng rắn hơn của Pháp nhằm chống
lại cuộc tấn công của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa – cuộc “tập hợp” các tín đồ
Công giáo vào Quốc Gia Việt Nam, mặc dù nó phản ánh sự thay đổi lập trường của
các nhà lãnh đạo Công giáo từ những giai đoạn đầu của cuộc chiến, nhưng cũng
cho thấy sự kháng cự đang tiếp diễn của nhiều tín đồ ở Phát Diệm và Bùi Chu đối
với giải pháp này. Nhưng dường như một số linh mục và giáo dân, trong đó có
Hoàng Quỳnh, không chống đối Quốc Gia Việt Nam như Lê Hữu Từ và có thể ông này
cảm thấy áp lực nội bộ đòi phải liên kết mật thiết hơn[112].
Mặc dù tình hình quân sự là
nguyên nhân đầu tiên làm cho lãnh đạo những khu vực tự trị Công giáo gắn bó trực
tiếp hơn với Quốc Gia Việt Nam và lực lượng Pháp-Việt vào năm 1952, họ còn nhận
thức rõ ràng rằng đời sống của các tín đồ Công giáo dưới quyền Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa đang trở nên xấu đi. Việc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày càng sử dụng
chủ nghĩa Marx một cách công khai hơn trong hoạt động tuyên truyền và chính
sách của họ dẫn đến việc tăng cường nhồi sọ và ít khoan dung hơn với phe đối lập
và người bất đồng chính kiến. Các nguồn của cả Pháp lẫn Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa đều cho thấy rằng việc giáo dục chính trị gia tăng (và cùng với nó là việc
đóng cửa các trung học Công giáo và các thiết chế Công giáo khác) càng tăng cường
thêm mâu thuẫn giữa các quan chức Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Giáo dân, đặc biệt
là các linh mục, trong những khu vực mà trước năm 1950 có tương đối ít các vụ
xung đột[113]. Nhưng mãi đến năm 1951, bộ máy tuyên truyền của
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vẫn tiếp tục tập trung vào việc động viên chứ không
phải là nói xấu Công giáo, ngay cả khi họ đã không còn ca ngợi Rome vì công việc
thành lập các Giáo hội dân tộc mà quay sang chỉ trích, coi Rome là âm mưa của
bè lũ đế quốc và tất cả các hoạt động thờ phụng, hiệp hội và thiết chế đều bị
nhà nước kiểm soát như những nhóm khác. Đấy một phần là do tình trạng mơ hồ vẫn
đang tồn tại ở Phát Diệm và Bùi Chu, các nhà lãnh đạo ở đấy tiếp tục thể hiện
tình cảm bài Quốc Gia Việt Nam và bài Pháp, cũng như Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
cần sức người, sức của từ mọi miền của đất nước cho nỗ lực chiến tranh. Và ở một
số vùng, việc giáo dục chính trị và tuyên truyền của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
đối với các tín đồ Công giáo đã làm cho một số người bỏ đạo, ngay cả khi, đối với
nhiều người, tinh thần hồ hởi của năm 1945 đã trở thành quá khư xa xôi[114].
Thư mục vụ ngày 9 tháng 11 năm
1951, do mười lăm giám mục Việt Nam ký, là sự đoạn tuyệt dứt khoát giữa Rome,
hàng Giáo phẩm Việt Nam với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bức thư chỉ thị cho tất
cả các tín đồ Công giáo Việt Nam phải nhớ rằng “có một sự đối nghịch hoàn toàn
giữa Giáo hội Công giáo và chủ nghĩa cộng sản, đến mức mà Đức Giáo hoàng đã
tuyên bố rằng dứt khoát không thể vừa là Giáo dân vừa là cộng sản được … nhưng
không chỉ cấm tham gia đảng cộng sản; quí vị không được hợp tác với họ hay làm
bất cứ điều gì mà bằng cách này hay các khác có thể làm cho đảng cộng sản giành
được quyền lực”[115].
Mặc dù các quan chức Việt Nam và bộ máy tuyên truyền (và nhiều nhà sử học) coi
bức thư là chỉ dấu của sự kiểm soát của Vatican đối với đời sống và nền chính
trị Công giáo Việt Nam, nhưng hầu như chắc chắn là nó không đi ngược lại ước vọng
của các giám mục Việt Nam, nhất là Lê Hữu Từ. Bức thư được viết khi nào và vì
sao? Đến cuối năm 1951, có hai sự kiện đã đưa các vị giám mục Việt Nam sang
phía đối đầu công khai với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thứ nhất, tình hình quân
sự ở Phát Diệm và Bùi Chu, đặc biệt là trận tấn công lớn của Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa vào mùa hè năm 1951, cuộc tấn công này khẳng định rằng sự tự chủ mà khu vực
Công giáo này được hưởng từ năm 1945 sắp chấm dứt. Thứ hai, đời sống Công giáo
trong những vùng do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát đang xấu đi. Mặc dù tập
trung vào hoặc tán thêm những trường hợp riêng lẻ hay tin đồn có thể làm cho
tình hình đáng sợ hơn là thực tế, nhưng câu chuyện về những vụ việc, như vụ xét
xử và hành hình Phạm Thuyên, linh mục giáo phận Vinh, có lẽ đã nhanh chóng được
truyền tới Phát Diệm và Bùi Chu[116].
Mặc dù Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi, nếu không nói là các vị giám mục khác, vẫn
nghi ngờ Quốc Gia Việt Nam, nhưng những cố gắng quân sự đang gia tăng của Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa và tính chất cấp tiến của ý thức hệ làm cho các lãnh đạo
Công giáo gần như không thể tiếp tục dính líu với chính phủ cách mạng được nữa.
Do ý thức hệ Marxist-Leninist được
thể hiện theo cách mới trong chính sách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và việc
tái khôi phục chiến dịch chống phái cực tả từ hồi trước Thế chiến của Rome, mà
thái độ chống cộng trong đời sống Công giáo Việt Nam cuối năm 1951 lan tràn rộng
rãi hơn hẳn trước đây. Tuy thế, hàm ý của thư mục vụ về lập trường của Công
giáo trong cuộc xung đột chính trị ở Việt Nam lại phủ nhận tình hình phức tạp,
đặc biệt là những khu vực bên ngoài chiến trường chính ở miền Bắc. Ở Nam Kỳ,
Ngô Đình Thục và Ngô Đình Nhu thay mặt Ngô Đình Diệm tiếp tục biến các tín đồ
Công giáo thành căn cứ cho những cố gắng đang ngày càng mở rộng của họ, còn Ngô
Đình Diệm thì đã rời Việt Nam từ năm 1950 nhằm vận động nước ngoài ủng hộ phong
trào chống đối Quốc Gia Việt Nam của ông ta. Nhiều tín đồ Công giáo vẫn ủng hộ
công cuộc kháng chiến ở miền Nam, nhưng khi Vatican và hàng giáo phẩm Việt Nam
dứt khoát thể hiện lập trường chính trị của mình thì áp lực đối với các tín đồ
đi theo kháng chiến sẽ gia tăng. Nhiều linh mục bị giám mục cấm làm lễ mi-xa,
những tờ truyền đơn có hình Đức Giáo hoàng Pius XII và Khâm sứ Tòa thánh John
Dooley và những lời tuyên bố chống cộng của họ, cũng như những câu chuyện về
các tín đồ Công giáo bị buộc phải bỏ đạo hoặc bị giết được máy bay thả xuống[117].
Một vị linh mục tham gia kháng chiến nhớ lại rằng ông đã từng đọc về cái chết của
chính mình trên một tờ truyền đơn như thế[118].
Đương nhiên là áp lực còn xuất phát từ cả các du kích Việt Minh, sau thư mục vụ
năm 1951, họ càng căm thù Công giáo hơn nữa. Một vài tín đồ Công giáo ủng hộ Việt
Nam Dân Chủ Cộng Hòa còn gặp những khó khăn đặc biệt hơn, họ bị chính phủ nghi
ngờ (nhiều lúc còn tệ hại hơn) cũng như sự thù địch lan tràn trong Giáo dân, đến
đầu những năm 1950 phần lớn trong số họ đã tích cực chống lại Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa[119].
Tuy nhiên, một số người tiếp tục chiến đấu: Phạm Bá Trực tiếp tục viết những
bài tiểu luận kêu gọi các tín đồ Công giáo ủng hộ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và
kể lại những câu chuyện kháng chiến của tín đồ Công giáo ở những khu vực khác
nhau[120].
Thư mục vụ năm 1951 – đối với ban
lãnh đạo cộng sản, đây là lời khẳng định chủ nghĩa chống cộng phải là ưu tiên
hàng đầu của tất cả các tín đồ Công giáo – cũng là bước ngoặt trong chính sách
của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Trong và sau năm 1952, các tín đồ Công giáo
trong những khu vực do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa kiểm soát, đặc biệt là ở khu
IV (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa), phải đối mặt với những điều kiện rất khắc
nghiệt. Giới tu sĩ hầu như không còn được tự do đi lại nữa, phần lớn báo chí
Công giáo còn sót lại đều phải đóng cửa và quyền tự do lập hội bị hạn chế thêm.
Cải cách ruộng đắt, bắt đầu vào năm 1952, đã tịch thu và phân phối lại những mảnh
đất lớn của Công giáo. Cũng trong thời gian này, một trong những thời khắc cuồng
nhiệt nhất về ý thức hệ trong lịch sử Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, nhiều tín đồ
Công giáo bị bỏ tù và thậm chí bị hành quyết vì những “tội ác” như trường hợp
34 thành viên của Liên Đoàn Công Giáo ở Vinh bị kết án vào năm 1952: “là thành
viên của tổ chức phản động” và “tạo ra tinh thần chống đối chính phủ và phong
trào kháng chiến cũng như phát tán tài liệu tuyên truyền bí mật trong các con
chiên”[121].
Nhưng, sự chống đối Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của một số tín đồ Công giáo hoàn
toàn không phải là chuyện tưởng tượng. Mùa xuân năm 1952, các tín đồ Công giáo ở
Nghệ An đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa vũ trang, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phải
điều cả một sư đoàn đến đây mới dẹp được. Sau đó, theo lời một nhà truyền giáo
từng nghe những người tị nạn nói lại, thì: “một vụ xử án tàn ác, được chuẩn bị
kĩ lưỡng … theo mô hình của những phiên tòa nổi tiếng ở Moskva.” Các cha tuyên
úy và những nhà lãnh đạo khác của Công Giáo Tiến Hành bị xử trước tòa án nhân
dân và đám đông mà báo chí Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đánh giá là có ba mươi
ngàn người. Ba người bị tử hình, phần lớn số còn lại bị kết án cải tạo chính trị
dài tời 25 năm. Một số người tị nạn báo cáo rằng quan chứcViệt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa ca ngợi phiên tòa là hình mẫu cho các địa phương và trong những tuần sau đó
dân chúng địa phương đã tự tiện bắt giữ và tra tấn các tín đồ Công giáo[122].
Chiến tranh Lạnh tràn tới Đông
Dương đã đặt Ngô Đình Diệm và những người ủng hộ ông ta vào thế khó xử. Quốc
Gia Việt Nam vừa được thành lập đã mua chuộc được một số đồng minh của Ngô Đình
Diệm, và việc Mỹ và Anh công nhận Quốc Gia Việt Nam dường như đã đẩy ông ta ra
xa những cuộc thảo luận về tương lai chính trị của Việt Nam hơn bất kỳ giai đoạn
nào khác trước đó. Nhưng đấy cũng là thời khắc mà Ngô Đình Diệm bắt đầu từ bỏ
thái độ ngả nghiêng về chính trị để quay sang với một tầm nhìn rõ ràng hơn về mặt
ý thức hệ cho nước Việt Nam độc lập. Trong bản tuyên bố bác bỏ Quốc Gia Việt
Nam, ngày 16 tháng 6 năm 1949, Ngô Đình Diệm khẳng định: “Cuộc đấu tranh hiện
nay không chỉ là trận chiến đấu cho nền độc lập về mặt chính trị của Tổ quốc mà
còn là cuộc cách mạng xã hội nhằm khôi phục sự độc lập cho nông dân và công
nhân Việt Nam. Để mọi người và mỗi người ở Việt Nam đều có đủ phương tiện để sống
một cách phù hợp với nhân phẩm của con người tự do thực sự, tôi ủng hộ những cuộc
cải cách xã hội sâu rộng và quyết liệt, với điều kiện là nhân phẩm bao giờ cũng
phải đươc tôn trọng và được tự do phát triển”[123].
Trước đó, Công Giáo Xã Hội đã định hình những sáng kiến chính trị của Ngô Đình
Diệm, nhưng bản tuyên bố năm 1949 là liên hệ rõ ràng nhất giữa Ngô Đình Diệm và
chủ nghĩa nhân vị, cố gắng của chủ nghĩa này nhằm giữa sự cân bằng giữa cách mạng
xã hội và giá trị của cá nhân sẽ định hình triết lý chính trị của Ngô Đình Diệm
trong cương vị tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Biểu hiện của chủ nghĩa nhân vị
trong bài nói của Ngô Đình Diệm năm 1949 cho thấy vai trò quan trọng của những
người anh em đối với tham vọng chính trị của ông ta. Năm 1949, Ngô Đình Nhu và
nhà truyền giáo của MEP là Fernand Parrel lập ra ở Đà Lạt một nhóm nghiên cứu
chủ nghĩa nhân vị, nhóm này đã trở thành cơ sở cho việc truyền bá chủ nghĩa
nhân vị - thông qua các buổi hội nghị chuyên đề và hội thảo trên khắp Việt Nam,
cũng như thông qua báo chí[124].
Do triết lý chính trị của Ngô Đình Diệm không nhận được nhiều sự ủng hộ của dân
chúng miền Nam, những cố gắng của Ngô Đình Nhu đã không biến được chủ nghĩa
nhân vị của gia đình họ Ngô thành một cái gì đó có thể tiếp cận với phong trào
quần chúng. Nhưng những chiến dịch của Ngô Đình Nhu được tiến hành nhằm giữ vững
và mở rộng căn cứ chính trị của Ngô Đình Diệm đã có kết quả lớn hơn nhiều, đấy
là việc hình thành tổ chức chính trị, có tên là Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng,
vào năm 1952, một tổ chức thiết yếu đối với quyền lực của gia đình họ Ngô ở miền
Nam Việt Nam. Liên minh quan trọng nhất của gia đình họ Ngô dưới ngọn cờ của đảng
Cần Lao là Trương Quốc Bửu, một nhà tổ chức công đoàn có ảnh hưởng nhất ở Việt
Nam, ông này đã giúp mở rộng căn cứ của gia đình họ Ngô ra bên ngoài các nhóm
Công giáo. Có lẽ công tác tổ chức mang lại nhiều kết quả trong thời gian này là
của Ngô Đình Cẩn, ông này đã thành lập các chi bộ Cần Lao trong hàng ngũ sĩ
quan cấp dưới của lực lượng quân sự vừa được thành lập – Quân Đội Quốc Gia Việt
Nam – và các quan chức của Quốc Gia Việt Nam[125].
Cùng lúc với việc các phe phái đối
địch trên sân khấu Chiến tranh Lạnh công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Quốc
Gia Việt Nam, Ngô Đình Diệm hiểu rằng con đường đưa ông ta tới quyền lực ở Việt
Nam nằm ở nước ngoài. Trong khi những người anh em nhân danh ông ta lèo lái những
cuộc đấu đá chính trị thì tháng 8 năm 1950 Ngô Đình Diệm bắt đầu chuyến đi kéo
dài bốn năm, trong chuyến đi này ông ta đã rèn đúc được một tập hợp chính trị
mang tính quyết định đối với tương lai của Việt Nam. Như Ed Miller đã chỉ ra, khi
đi Ngô Đình Diệm không có kế hoạch cụ thể nào, ngoài việc cố gắng tìm kiếm sự ủng
hộ của các chính phủ ngoại quốc. Mấy tháng du hành đầu tiên của Ngô Đình Diệm
nói chung là thất bại, cố gắng của ông ta nhằm thiết lập quan hệ với Cường Để ở
Nhật và những lời kêu gọi giúp đỡ gửi tới các quan chức Pháp và Quốc Gia Việt
Nam ở Paris cũng không có mấy kết quả, những cuộc tiếp xúc đầu tiên của ông ta
với Bộ ngoại giao Mỹ cũng không được tốt. Nhưng, ở Nhật, Ngô Đình Diệm đã thiết
lập được mối quan hệ có tính quyết định với Wesley Fishel, một nhà nghiên cứu
chính trị học có những mối quan hệ gần gũi với một số nhà lãnh đạo chính trị
châu Á đang là tâm điểm của công trình nghiên cứu của ông ta. Tháng 12 năm
1950, Ngô Đình Diệm quay lại Mỹ. Trong mấy năm sau đó, Fishel đã giúp Ngô Đình
Diệm gặp gỡ các chính trị gia, các nhà khoa học, các nhà báo xuất chúng của Mỹ,
ngoài ra, ông ta còn giúp Ngô Đình Diệm giành được chân cố vấn tại Michigan
State College (nay là Michigan State University). Fishel và Ngô Đình Diệm đề xuất
một loạt dự án giúp đỡ kĩ thuật cho Việt Nam, mà đến năm 1955 sẽ trở thành Nhóm
của Đại học Michigan (Michigan State
University Group), tức là chương trình USAID cung cấp những khoản viện trợ
quan trọng đầu tiên cho Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1955. Những mối giao hảo của
Ngô Đình Thục ở Vatican cũng giúp Ngô Đình Diệm dàn xếp những buổi gặp gỡ với
các tín đồ Công giáo xuất chúng ở Hoa Kỳ như Hồng y Francis Spellman, cũng như
sinh hoạt trong các chủng viện Công giáo. Như Miller khẳng định, thành phần những
người ủng hộ Ngô Đình Diệm rất đa dạng, chứng tỏ sự phức tạp của quan điểm
chính trị và khả năng biến hóa của ông ta: chủ nghĩa chống cộng và Công giáo hấp
dẫn những người bảo thủ, nhưng niềm tin của ông ta vào quá trình hiện đại hóa về
mặt kỷ cương và kĩ thuật, coi đó là phương tiện cho sự phát triển lại hấp dẫn
được những người bảo trợ có tư tưởng tự do hơn[126].
Chỉ vài năm sau đó, những người bạn mới và những đối tác mới mà Ngô Đình Diệm
cũng cố được ở Mỹ đã trở thành nhóm cử tri mạnh miệng, giúp thúc đẩy chính phủ
Mỹ giúp đỡ toàn diện cho chế độ của ông ta.
Giữa năm 1953, Ngô Đình Diệm và
những người anh em của ông ta cảm nhận được cơ hội, đấy là khi ngọn triều chính
trị ở Đông Dương bắt đầu đổi hướng. Khi cuộc chiến cứ kéo dài mãi thì biện pháp
tiến dần từng bước đến độc lập của Bảo Đại ngày càng làm cho nhiều đồng minh của
ông ta thất vọng. Trong khi Ngô Đình Diệm ở nước ngoài, thì Ngô Đình Nhu lãnh đạo
công tác tổ chức Đại hội Thống nhất, bao gồm những nhóm chống cộng khác nhau, ở
Sài Gòn vào tháng 9 năm đó. Đại hội nhanh chóng biến thành một cuộc cãi vã, nhưng
nó cũng cho thấy sự thất vọng sâu rộng đối với người đứng đầu Quốc Gia Việt
Nam. Bảo Đại, cũng đang ở nước ngoài, một tháng sau đó ông này cũng tổ chức Đại
Hội Quốc Dân, nhưng bị phản tác dụng: những người tham gia đã bác bỏ chính sách
tìm kiếm độc lập thông qua Liên hiệp Pháp. Trước nhu cầu cấp bách phải có những
đồng minh chính trị đáng tin cậy, đặc biệt là khi tin tức cuộc bao vây căn cứ của
Pháp ở Điện Biên Phủ, tháng 3 năm 1954, bay vào tới Sài Gòn và cuộc đàm phán về
Đông Dương sắp được tổ chức ở Geneva, Bảo Đại đã tái thiết lập quan hệ với Ngô
Đình Diệm, thải hồi vị thủ tướng không được lòng dân là Nguyễn Văn Tâm và đồng
ý thành lập quốc hội mới. Tháng 5 năm 1954, thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ
là hồi chuông báo tử cho Đông Dương thuộc Pháp. Vài ngày sau Bảo Đại bổ nhiệm
Ngô Đình Diệm làm thủ tướng Quốc Gia Việt Nam. Theo Hiệp định Geneva, mà phái
đoàn Quốc Gia Việt Nam không ký, Việt Nam tạm thời bị chia làm hai miền, vĩ tuyến
17 trở thành biên giới. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc, Quốc Gia Việt Nam
ở miền Nam. Dân chúng được quyền tự do đi lại giữa hai miền, cuộc bầu cử được
hoạch định vào tháng 7 năm 1956 sẽ quyết định tương lai chính trị của đất nước.
Khi Ngô Đình Diệm trở lại Sài Gòn trong tình trạng hỗn loạn vào tháng 6 năm
1954 thì không có gì bảo đảm là ông ta sẽ nắm được quyền lực. Bảo Đại và các
quan chức khác của Quốc Gia Việt Nam hoàn toàn không tin ông ta, còn quân cướp
Bình Xuyên và các giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, Quân Đội Quốc Gia Việt Nam và
dĩ nhiên là Việt Minh, tất cả đều thách thức quyền lực của Quốc Gia Việt Nam.
Nhưng sau 15 tháng, trong một trong những hành động chính trị khôn ngoan nhất của
mình – có sự trợ giúp của CIA – Ngô Đình Diệm đã đẩy lui tất cả những người chống
đối. Cuộc trưng cầu dân ý, ngày 23 tháng 10 năm 1955, nhằm quyết định tương lai
chính trị của miền Nam, Ngô Đình Diệm và bộ máy chính trị kiểm soát cuộc tuyển
cử đã lật đổ Bảo Đại và thành lập quốc gia mới, Việt Nam Cộng Hòa, Diệm giữ chức
tổng thống. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một người Công giáo trở thành người
đứng đầu nhà nước ở Việt Nam.
[1]
P. Quỳnh, “Câu chuyện ba thế kỷ;
từ cụ hiền đến Đức cha Tòng,” Sacerdos
Indosinensis, September 15, 1933.
[2] Eric Jennings, Vichy in the Tropics (Stanford, CA:
Stanford University Press, 2001), 1.
[3]
Tác phẩm đã dẫn, 225-25.
[4]
Tác phẩm đã dẫn, 157.
[5] Nguyễn Hữu Mỹ, “Contre la 5ème
colonne,” những bài báo trên tờ La Croix
d’Indochine, trong suốt tháng 6 năm 1940.
[6]
Jennings, Vichy in the Tropics, 195.
[7]
Anne Raffin, Youth Mobilization in Vichy Indochina and
Its Legacies, 1940-1970 (Lanham, MD: Lexington Books, 2005), 159-60.
[8]
Jennings, Vichy in the Tropics, 151-61.
[9]
Hương Trai, “Đạo khổng và đạo
phật (ý kiến của một nhà nho học),” Vì
Chúa, January-February 1943.
[10]
RST NF 5962, ANOM
[11] Raffin, Youth Mobilization in Vichy Indochina and Its Legacies, 96.
[12]
Tác phẩm đã dẫn, 178 n. 13.
[13]
RST NF 6128, ANOM.
[14]
RST NF 3953, ANOM.
[15]
“Un petit historique du
movement C. V. & A. V. Jeanne D’Arc à Cholin,” HCF 166/504, ANOM.
[16]
Điều này đặc biệt đúng đối với
Bùi Chu. Xem Phan Phát Huồn, Việt Nam
giáo sử (Saigon: Cứu Thế Tùng Thư, 1962), 2: 264-78.
[17]
“Tin tôn giáo,” Hy Vọng, April 1942.
[18]
Trần Thị Liên, “Le catholiques
et la République democratique du Việt Nam: une approche biographique,” trong Naissance d’un état-parti: le Việt Nam
depuis 1945, ed. Christopher E. Goscha and Benoït de Tréglodé (Paris: Les
Indes Savantes, 2004), 261 n. 21.
[19] Edward Miller, “Vision, Power
and Agency: The Ascent of Ngô Đình Diệm,” Journal
of Southeast Asian Studies 35, no. 3 (October 2004); 436.
[20] “Bùi Chu tiếp rước Đức cha
Lemasle và Ngô Đình Thục,” ĐMBN,
January 1, 1941.
[21]
Trần Mỹ-Vân, “Japan and
Vietnam’s Caodaists: A Wartime Relationship (1939-45),” Journal of Southeast Asian Studies 27, no. 1 (1996); 179-93.
[22] David Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power
(Berkeley: University of California Press, 1995), 83.
[23] Nguyễn Hữu Mỹ, “Pourquoi
tolère-t-on que la Croix gammée, amblème de no ennemis, s’é tale encore sur
l’Indochine possession française,” L’Aube
Nouvelle, May 5, 1940
[24]
“Revue de la presse Annamite,
5-15 novembre,” GGI 65415, ANOM.
[25] Luc Garcia, Quand les missionnaires rencontraient les
Vietnamiens (1920-1960) (Paris:
Karthala, 2008), 137.
[26]
CM 476, ANOM.
[27]
François Chaize to “Bien cher
père Procureur,” February 11, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[28]
Trần Thị Liên, “Le catholiques
et la République democratique du Việt Nam”, 256.
[29] François
Chaize to P. Gros, September 12, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[30]
François Chaize “Suite à mon
rapport de juillet 1945,” October 1, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[31]
Tư lệnh quân đội Pháp ở Trung Quốc,
“Incident du movement nationaliste sur la communauté catholique en Indochine,”
November 7, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[32]
Thư từ của Vacquier gửi ban
lãnh đạo MEP sau khi Nhật đảo chính, xin đọc Correspondance Vacquier, MEP.
[33]
Lưu Ngọc Văn to François
Chaize, May 6, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[34]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance (1945-1954): entre la reconquête
colonial et la résistance communiste,” Luận án tiến sĩ, Institut d’Etudes
Plitique de Paris, 1996, 53.
[35]
Marr, Vietnam 1945, 459, 485.
[36]
François Chaize, “Attitude du
Groupe de Jeunesse Professionnelle Catholique de la paroisse de la cathédrale
de Hanoi depuis les évènements du 9 mars 1945,” không ghi ngày tháng.
Correspondance Chaize, MEP.
[37] Luc
Garcia, Quand les missionnaires
rencontraient les Vietnamiens, 153-57.
[38]
Léon Paliard, “Séminaire
Saint-Sulpice de Hanoi,” (hồi kí chưa xuất bản), May 12, 1956, 2-3, SULP.
[39] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 76.
[40] François Chaize, “Attitude
d’une partie du clergé annamite depuis les évènements du 9 mars 1945,”
Correspondance François Chaize, MEP.
[41] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 53.
[42]
Tác phẩm đã dẫn, 49.
[43]
Tác phẩm đã dẫn, 125.
[44]
Tác phẩm đã dẫn, 101.
[45]
Một trong bốn người, ông Lê Hữu
Từ, ngày 23 tháng 9 chưa phải là giám mục, nhưng đã được chính thức bổ nhiệm
làm người kế nhiệm Nguyễn Bá Tòng ở Phát Diệm.
[46] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 44-45.
[47]
Tác phẩm đã dẫn, 75.
[48]
“Tinh thần độc lập,” ĐMBN, September 15, 1945.
[49]
“Cầu cho nước Việt Nam trở lại
đạo thật,” NBTT, September-October
1945.
[50]
Gương
ái quốc công giáo (Nam Định:
Thanh Niên Tùng Thư, 1945.
[51]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 125.
[52]
Tác phẩm đã dẫn, 131-37, 289-99
.
[53] Apostolic Delegate to François
Chaize, June 7, 1945, Correspondance Chaize, MEP.
[54] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 143.
[55]
Tác phẩm đã dẫn, 138-50 .
[56]
François Chaize to “Bien cher
père Procureur et Ami,” April 21, 1946, Correspondance Chaize, MEP.
[57] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 155-57
[58] Tác phẩm đã dẫn, 97-98.
[59] Tác
phẩm đã dẫn, 98-101, 257-64.
[60] Trích trong tác phẩm đã dẫn,
101
[61] Tác phẩm đã dẫn, 78-79, 101-2.
[62] Tác phẩm đã dẫn, 302-3.
[63]
Stein Tønnensson, Vietnam 1946: How the War Began
(Berkeley: University of California Press, 2010).
[64]
Joseph Masson, S.J., Vers l’église indigène: catholicisme ou
nationalisme? (Brussels: Presse de Belgique, 1944), 22.
[65]
François Chaize to S.C. de la
Propagande, March 7, 1941; S.C. de la Propagande to François Chaize, June 5,
1941; Apostolic Delegate to François Chaize, December 17, 1941, Correspondance
Chaize, MEP.
[66]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 281-85, 448-50, 554-55.
[67] Tác
phẩm đã dẫn, 285-88, 556-58.
[68]
Tác phẩm đã dẫn, 270-76,
436-42, 545-50.
[69]
Tác phẩm đã dẫn, 276-80,
442-47.
[70]
French Ambassador to the
Vatican to Minister of Foreign Affairs, February, 21, 1950, FM IC AFFPOI, 481,
ANOM..
[71] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 459.
[72]
Tác phẩm đã dẫn, 53.
[73]
Phạm Đình Khiêm, Hành động xã hội của giáo hội qua các thời đại
và ở Việt Nam (Phát Diệm: An Phong, 1950), 2nd ed.
[74] Trần
Thị Liên, “Les catholiques vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”,
276-80.
[75] Báo
cáo chi tiết nhất về việc hình thành các hiệp hội công giáo cạnh tranh với nhau
là tác phẩm của Đoàn Độc Thư: Giám mục Lê
Hữu Từ và Phát Diệm: những năm tranh đấu hào hùng (Saigon: Sử Liệu Hiện Đại,
1973), 38-84.
[76] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 80.
[77] Tác
phẩm đã dẫn, 80-90, 234-46, 300-302.
[78] Marr,
Vietnam 1945, 550
[79] Tác
phẩm đã dẫn, 144.
[80] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 78.
[81]
Tài liệu về việc tịch thu tài sản
của công giáo và bạo lực giáo phái ở Nam Kỳ cuối năm 1945 trong FM IC NF 1297,
ANOM.
[82] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 212.
[83]
Tác phẩm đã dẫn, 204-9.
[84]
Xem David Marr, “Beyond High
Politics: State Formation in Northern Vietnam, 1945-1946,” trong Naissance d’un État-parti, 25-60.
[85] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 74.
[86]
Xem François Guillemot, “Au
Coeur de la fracture vietnamienne: l’élimination de l’oppresition nationaliste
et anticolonialiste dans le nord du Vietnam,” trong Naissance d’un État-parti, 175-216.
[87]
Xem François Guillemot, Dai Viet, indépendence et revolution au
Viet-Nam; L’échec de la troisième voie (1938-1955 (paris: Les Indes
Savantes, 2012). Cám ơn Alec Holcome đã chỉ cho tôi điểm này.
[88]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 96-97.
[89]
Tác phẩm đã dẫn, 166-91.
[90]
Tác phẩm đã dẫn, 153-57.
[91]
Tác phẩm đã dẫn, 244.
[92]
Tác phẩm đã dẫn, 234.
[93] Tác phẩm đã dẫn, 228.
[94] Tác phẩm đã dẫn, 244.
[95] Tác phẩm đã dẫn, 336-49,
480-98.
[96]
Tác phẩm đã dẫn, 224-28.
[97] Trần Thị Liên, “Les catholiques
et la République démocratique du Việt Nam”, 261.
[98]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 230-33.
[99]
Tác phẩm đã dẫn, 377.
[100]
Tác phẩm đã dẫn, 331-33.
[101]
Tác phẩm đã dẫn, 228.
[102]
Tác phẩm đã dẫn.
[103]
Miller, “Vision, Power and
Agency,” 437.
[104]
Tác phẩm đã dẫn, 438.
[105] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 109.
[106] Miller, “Vision, Power and
Agency,” 439.
[107]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 193-96.
[108]
Tác phẩm đã dẫn, 197.
[109]
Tác phẩm đã dẫn, 196-203,
221-24.
[110]
Tác phẩm đã dẫn, 204-11.
[111]
Mark Lawrence, Assuming the Burden: Europe and the American
Commitment to War in Vietnam (Berkeley: University of California Press,
2005).
[112]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 383-99, 480-80.
[113] Quan Toàn và Nguyễn Hoài, Những hoạt động bọn phản động đội lốt thiên
chúa giáo trong thời kì kháng chiến (1945-1954) (Hanoi: Nhà Xuất Bản Khoa Học,
1965).
[114]
Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 505-8.
[115] Trích dẫn trong Peter Hansen,
“The Virgn Heads South: Northern Catholic Refigees in South Vietnam,
1954-1964,” Luận án tiến sĩ, Melbourne College of Divinity, 2008, 97.
[116]
Tác phẩm đã dẫn, 92-93.
[117] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 540.
[118]
Tran Tam Tinh, Dieu et césar: Les catholiques dans
l’histoir du Vietnam (Paris: Sudestasie, 1978), 180-81.
[119]
Tác phẩm đã dẫn, 184.
[120]
Ví dụ như Phạm Bá Trực, Kính chúa yêu nước (Hanoi: Nhà Xuất Bản
Quân Đội Nhân Dân, 1954).
[121]
Hansen, “The Virgn Heads
South,” 92-93.
[122] Trần Thị Liên, “Les catholiques
vietnamiens pendant la guerre d’indépendance”, 550-53.
[123] Trích trong Miller, “Vision,
Power and Agency,” 440.
[124]
Xem, ví dụ, “Cuộc phỏng vấn Cha
Parrel” và “Văn phòng xã hội” trong số ra ngày 11 tháng 10 năm 1952 và 10 tháng
1 năm 1953 tờ Đạo Binh Đức Mẹ.
[125] Về hoạt động của Ngô Đình Nhu và Ngô Đình Cẩn giai đoạn 1949-1953, xem Ed Miller, “Limitless Imposibilities: Ngo Dinh Diem , the Americans, and the Politics of Nation Building, 1954- 1963”, bản thảo chưa xuất bản, chapter 1.
[126] Xem
Miller, “Vision, Power and Agency,” 444-45
No comments:
Post a Comment