July 25, 2024

Cái chết và người sắp chết dạy chúng ta điều gì (11)

  Elisabeth Kubler-Ross 

Phạm Nguyên Trường dịch


X

 

Một số cuộc phỏng vấn với các bệnh nhân nan y (2)

Sau đây là cuộc phỏng vấn chị C. Chị này cảm thấy không thể đối mặt với cái chết của chính mình vì có quá nhiều nghĩa vụ đối với gia đình.

Bác sĩ: Chị nói rằng có rất nhiều thứ phải nghĩ khi nằm trên giường một mình và suy nghĩ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị ngồi lại với nhau một lúc và chỉ nghe thôi. Một trong những câu hỏi lớn của chị liên quan đến con cái. Đúng không?

Bệnh nhân: Vâng, lo lắng nhất của tôi là đứa con gái nhỏ. Tôi cũng có ba thằng con trai.

Bác sĩ: Nhưng, các cháu gần như đã trưởng thành rồi phải không?

Bệnh nhân: Vâng, nhưng tôi biết rằng trẻ con có phản ứng với cha mẹ bị bệnh nặng, đặc biệt là mẹ. Chị biết rằng những việc này có ảnh hưởng khá lớn trong thời thơ ấu. Tôi tự hỏi điều này có thể ảnh hưởng như thế nào đối với cháu khi cháu lớn lên. Khi cháu lớn lên và nhìn lại những việc đó.

Bác sĩ: Những việc gì?

Bệnh nhân: Vâng, trước hết là mẹ cháu không còn làm việc nữa. Không làm việc như trước đây, cả trong trường học và nhà thờ. Và bây giờ tôi càng lo sợ rằng không biết ai sẽ chăm sóc gia đình mình. Sợ hơn là lúc tôi còn ở nhà, thậm chí khi ở nhà tôi không làm việc nữa. Nhiều khi bạn bè không biết và không ai muốn nói về việc này. Vì vậy, tôi đã nói với những người khác, tôi nghĩ mọi người nên biết việc này. Rồi tôi tự hỏi liệu mình đã làm đúng chưa? Tôi tự hỏi liệu mình đã làm đúng khi cho con gái mình biết ngay khi cháu còn trẻ như thế hay nên hoãn lại về sau?

Bác sĩ: Chị nói với cháu như thế nào?

Bệnh nhân: Vâng, trẻ con khá thẳng thắn trong các câu hỏi mà chúng đặt ra. Tôi hoàn toàn thẳng thắn khi trả lời cháu. Nhưng tôi đã nói với một số cảm xúc. Tôi luôn luôn có cảm giác hy vọng. Cảm giác hy vọng rằng một ngày nào đó người ta có thể khám phá ra cái gì đó mới mẻ và tôi vẫn có thể có cơ hội. Tôi không sợ và tôi cảm thấy rằng con tôi cũng không nên sợ. Nếu bệnh tiến triển đến mức không còn hy vọng gì, và tôi không thể hoạt động được nữa và tôi sẽ trở nên quá bất tiện, thì tôi vẫn không sợ mà sẽ tiếp tục chiến đấu. Tôi hy vọng rằng con gái tôi tiếp tục lớn lên và trưởng thành thông qua công việc ở trường ngày Chủ nhật. Giá như tôi biết rằng con tôi có thể tiếp tục và không cảm thấy rằng đó là bi kịch. Tôi không bao giờ, không bao giờ muốn con tôi cảm thấy như thế. Tôi không cảm thấy như thế và đó là cách tôi nói chuyện với con mình. Nhiều lần tôi cố gắng tỏ ra vui vẻ với cháu và cháu luôn nghĩ rằng họ sẽ đưa tôi vào đây. Và lần này, cháu nghĩ rằng họ sẽ bắt tôi ở hẳn đây!

Bác sĩ: Chị vẫn còn một ít hy vọng, nhưng chắc chắn không nhiều như gia đình chị. Đây có phải là những điều chị đang nói? Và có thể chính sự khác biệt về nhận thức như thế làm cho chuyện này trở nên khó khăn hơn.

Bệnh nhân: Không ai biết căn bệnh này có thể kéo dài bao lâu. Chắc chắn là tôi luôn nuôi hy vọng, nhưng đây là hy vọng thấp nhất mà tôi từng có. Các bác sĩ đã không tiết lộ với tôi bất cứ chuyện gì. Họ không nói với tôi, họ đã tìm thấy cái gì khi cố tình mổ. Không nói thì làm sao người ta biết. Trọng lượng của tôi đã giảm đến mức thấp nhất từ trước tới nay. Tôi cũng không thèm ăn nữa. Người nói rằng tôi bị nhiễm trùng, nhưng họ không thể phát hiện ra - Khi mắc bệnh bạch cầu, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là bị nhiễm trùng.

Bác sĩ: Hôm qua chị tỏ ra buồn bã khi tôi tới thăm. Chị đã được chụp X-quang đại tràng và chị cảm thấy muốn chia sẻ với người nào đó một phần suy nghĩ của chị.

Bệnh nhân: Đúng thế. Chị biết đó chẳng có gì lớn lao khi quá ốm và yếu ớt. Đấy chỉ là những điều nhỏ nhặt thôi. Tại sao người ta không thể nói chuyện với tôi? Tại sao người ta không thể nói với bạn trước khi làm thủ tục nào đó? Tại sao họ không cho người ta đi vệ sinh trước khi họ đưa người ta ra khỏi phòng như một đồ vật chứ không phải một con người?

Bác sĩ: Cái gì đã thực sự làm chị khó chịu đến thế vào sáng ngày hôm qua?

Bệnh nhân: Đấy thực sự là rất riêng tư, nhưng tôi phải nói với chị. Tại sao họ không cung cấp cho bệnh nhân thêm một bộ đồ ngủ khi đi chụp X-quang đại tràng? Khi xong việc, bạn trở thành con người hoàn toàn nhếch nhác. Sau đó, người ta bảo bệnh nhân ngồi trên một chiếc ghế, còn bệnh nhân thì không muốn ngồi trên chiếc ghế đó. Chị cũng biết, khi bệnh nhân đứng lên thì sẽ có một khối phấn trắng và đó là tình huống không thoải mái. Tôi nghĩ, vâng, họ thật tuyệt vời với tôi khi tôi ở tầng trên, trong phòng của tôi, nhưng khi họ đưa tôi xuống đây để chụp X-quang, tôi cảm thấy mình chỉ là một con số hay thứ cái đó, chị ạ. Họ làm những điều kỳ lạ như thế với bệnh nhân và thật khó chịu khi trở về trong tình trạng đó. Tôi không biết tại sao lại xảy ra việc này, nhưng nó dường như lúc nào cũng xảy ra. Tôi nghĩ không nên xảy ra như thế. Tôi nghĩ họ nên nói với bệnh nhân từ trước. Tôi đã rất yếu và rất mệt mỏi. Cô y tá đưa tôi lên đây nghĩ rằng tôi có thể đi lại, cho nên tôi nói, “Vâng, nếu cô nghĩ tôi có thể đi được thì tôi có thể cố”. Khi chụp X-quang và trèo lên bàn và làm mọi thứ, tôi rất yếu và mệt mỏi, tôi không chắc mình có thể về được phòng hay không.

Bác sĩ: Điều đó chắc hẳn đã làm cho chị cảm thấy phẫn nộ và thất vọng.

Bệnh nhân: Tôi ít khi nổi giận. Tôi cho rằng lần cuối cùng tôi có thể nhớ là mình phẫn nộ là khi con trai lớn của tôi đi ra ngoài, còn chồng tôi thì đang đi làm. Không thể khóa nhà, và tất nhiên, tôi không cảm thấy an toàn khi đi ngủ mà nhà không khóa. Nhà chúng tôi nằm ở ngay góc phố. Có một ngọn đèn đường ở góc phố, và tôi không thể ngủ được cho đến khi biết rằng nhà đã khóa. Tôi đã nói chuyện rất nhiều với con về việc này và nó thường gọi điện và cho tôi biết đang ở đâu, nhưng đêm đó nó không làm như thế.

Bác sĩ: Con trai lớn của chị là đứa trẻ có vấn đề, phải không? Hôm qua chị đã nói rằng cháu cũng bị rối loạn cảm xúc và chậm phát triển phải không?

Bệnh nhân: Vâng. Cháu đã nằm trong bệnh viện nhà nước suốt bốn năm.

Bác sĩ: Và bây giờ cháu đã về nhà?

Bệnh nhân: Vâng, cháu đã về nhà.

Bác sĩ: Chị có cảm thấy rằng cần phải kiểm soát thằng bé nhiều hơn nữa, và chị hơi lo lắng rằng chưa kiểm soát nó đúng mức, giống như đối với ngôi nhà không khóa đêm hôm đó?

Bệnh nhân: Vâng, đúng thế, tôi cảm thấy rằng tôi là người phải chịu trách nhiệm - rất nhiều trách nhiệm, nhưng bây giờ tôi có thể làm được rất ít.

Bác sĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra khi chị không thể chịu trách nhiệm được nữa?

Bệnh nhân: Vâng, chúng tôi hy vọng rằng có thể điều này sẽ giúp con tôi mở rộng tầm mắt thêm một chút vì cháu không thể hiểu được mọi thứ. Cháu có rất nhiều đức tính tốt, nhưng cần giúp đỡ. Nó không bao giờ có thể tự xoay xở được.

Bác sĩ: Ai sẽ giúp cháu?

Bệnh nhân: Vâng, có một vấn đề.

Bác sĩ: Chị có thể suy nghĩ xem, có người nào trong nhà có thể giúp đỡ được không?

Bệnh nhân: Vâng, tất nhiên, chừng nào chồng tôi còn sống thì anh ấy có thể chăm sóc cháu. Nhưng vấn đề là anh ấy phải làm việc xa nhà trong nhiều giờ. Chúng tôi có ông bà, nhưng ngay cả như thế, tôi vẫn cảm thấy không hoàn toàn thỏa mãn.

Bác sĩ: Ông bà nội hay ngoại?

Bệnh nhân: Bố chồng tôi và mẹ tôi.

Bác sĩ: Họ có khỏe không?

Bệnh nhân: Không, sức khỏe của họ không được tốt. Mẹ tôi bị bệnh Parkinson, còn bố chồng tôi thì bị bệnh tim nặng.

Bác sĩ: Tất cả những việc này cộng với lo lắng của chị về cô gái mười hai tuổi? Chị có con trai lớn và nó cũng là một vấn đề. Mẹ chị bị bệnh Parkinson, có thể sẽ bắt đầu run rẩy khi tìm cách giúp đỡ người khác. Rồi chị có bố chồng bị bệnh tim, còn chị thì không được khỏe. Một người nào đó phải ở nhà để chăm sóc tất cả những người đó. Tôi nghĩ đây là những thứ làm chị phiền lòng nhất.

Bệnh nhân: Đúng thế. Chúng tôi cố gắng kết bạn và hy vọng rằng tình hình sẽ được giải quyết. Chúng tôi sống qua ngày. Mỗi ngày dường như đang tự chăm sóc lấy mình, nhưng khi nhìn về phía trước, không thể không băn khoăn. Chị biết đấy, với tôi căn bệnh này là đứng cao hơn tất cả mọi thứ khác. Không bao giờ biết liệu có nên cố gắng trở thành người sáng suốt và bình tĩnh chấp nhận tình hình từ ngày này qua ngày khác hay nên có sự thay đổi mạnh mẽ.

Bác sĩ: Thay đổi?

Bệnh nhân: Vâng, đã có lúc chồng tôi nói, “cần phải thay đổi”. Mấy người già phải ra đi. Một người sẽ phải đến ở với chị tôi, người kia sẽ phải vào viện dưỡng lão. Chỉ cần học cách tỏ ra lạnh lùng, và đưa gia đình vào tổ chức từ thiện. Thậm chí bác sĩ của gia đình chúng tôi cũng nghĩ rằng nên đưa con trai tôi vào cơ sở từ thiện nào đó. Nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận những việc này. Cuối cùng, tôi đến gặp bố mẹ và nói: “Không, con có thể cảm thấy trầm trọng hơn nếu bố hay mẹ phải ra đi, vì vậy bố mẹ cứ ở lại đây. Và nếu một lúc nào đó cần làm thế, nếu bố mẹ không sống được ở đó, thì chỉ cần quay lại lần nữa. Nếu bố mẹ đi hẳn thì tình hình sẽ tồi tệ hơn”. Ngay từ đầu tôi đã khuyên họ đến ở với chúng tôi.

Bác sĩ: Chị sẽ cảm thấy tội lỗi nếu họ đến viện dưỡng lão?

Bệnh nhân: Vâng, tôi sẽ không làm thế nếu nó chưa đến mức nguy hiểm đối với họ khi lên xuống cầu thang hoặc - Tôi thực sự cảm thấy bây giờ mẹ tôi luẩn quẩn trong bếp là hơi nguy hiểm.

Bác sĩ: Chị thường chăm sóc người khác, giờ đây chắc chị thấy khó khăn khi phải tự chăm sóc chính mình.

Bệnh nhân: Đó là một chút vấn đề. Tôi có bà mẹ luôn tìm cách giúp đỡ tôi, một người mẹ quan tâm đến con cái hơn bất cứ điều gì khác trên thế gian. Đó không phải lúc nào cũng là việc tốt nhất, bởi vì người ta nên có những sở thích khác, đúng không chị. Mẹ tôi để hết tâm trí vào gia đình. Đó là cuộc sống của bà, may vá và làm những việc lặt vặt cho em gái tôi, nó sống bên cạnh bà. Tôi rất vui vì con gái tôi có thể đi qua đó. Tôi cũng rất vui vì em gái tôi sống ngay bên cạnh. Vì vậy, mẹ tôi đi sang nhà em tôi, nó cũng tốt cho bà ấy vì có một chút thay đổi đối với bà.

Bác sĩ: Nó làm cho mọi người cảm thấy dễ dàng hơn. Chị C., chị có thể cho chúng tôi biết thêm một chút về mình chứ. Chị nói rằng lúc này chị cảm thấy yếu nhất, chị đã giảm cân nhiều nhất. Khi chị nằm trên giường, nằm đó một mình, chị nghĩ về những việc gì và cái gì giúp đỡ chị nhiều nhất?

Bệnh nhân: Vâng, xuất thân từ kiểu gia đình mà tôi và chồng tôi được sinh ra, chúng tôi biết rằng nếu bắt đầu cuộc hôn nhân, thì bên cạnh sức mạnh của mình, chúng tôi phải có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Anh ấy là lãnh đạo Hướng đạo sinh và giữa cha và mẹ anh ấy cũng có nhiều vấn đề và cuối cùng họ đã ly thân. Đây là cuộc hôn nhân thứ hai của cha tôi chồng, ông có ba người con. Ông kết hôn với một cô hầu bàn rất trẻ và vụ hôn nhân hoàn toàn không thành công. Thật sự rất đáng tiếc, các con của ông bị chia cho nhiều người nuôi, chị ạ. Họ không đến sống với mẹ tôi khi ông cưới mẹ tôi. Cha tôi là một người rất thất thường, một người đàn ông rất tự cao tự đại, nhưng tính tình không tốt. Và bây giờ tôi thường tự hỏi tôi đã đối phó với tính cách của ông như thế nào. Và vì vậy, khi chúng tôi sống ở khu vực đó, chồng tôi và tôi đã gặp nhau trong nhà thờ. Chúng tôi đã kết hôn. Chúng tôi biết rằng để có thể cưới nhau, chúng tôi phải có bên ngoài giúp sức. Chúng tôi luôn cảm thấy như vậy. Chúng tôi luôn tích cực làm việc cho nhà thờ và tôi bắt đầu dạy học vào ngày Chủ nhật khi tôi được mười sáu tuổi. Họ cần người giúp đỡ trong trường mẫu giáo vì vậy tôi đã làm ở đấy và rất thích. Tôi dạy cho đến khi có hai cậu con trai lớn. Tôi rất thích và tôi thường dâng lễ trong nhà thờ và kể cho các con nghe nhà thờ có ý nghĩa như thế nào đối với tôi. Chúa có ý nghĩa như thế nào với tôi, vì vậy tôi nghĩ chúng ta đừng ném tất cả những thứ đó khi có chuyện gì xảy ra. Xin chị cứ tin đi, chị biết rằng chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến.

Bác sĩ: Đó cũng là điều đã giúp chị trong lúc này, phải không?

Bệnh nhân: Vâng. Và khi tôi và chồng nói chuyện, chúng tôi biết cả hai đều có cùng cảm giác như thế. Như tôi đã nói với Cha tuyên úy C., chúng tôi biết rằng chúng tôi không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi nói chuyện với những người khác về nó. Tôi cũng nói với anh ấy rằng tình yêu của chúng tôi vẫn bền chặt sau hai mươi chín năm thành hôn. Đây là một sự kiện nữa rất có ý nghĩa đối với tôi. Chúng tôi đã có thể đối mặt với tất cả các vấn đề của mình. Chồng tôi là một người đàn ông tuyệt vời, một người đàn ông rất tuyệt vời!

Bác sĩ: Chị đã xử lý các vấn đề của mình một cách can đảm và tốt đẹp, khó khăn nhất có lẽ là con trai của chị?

Bệnh nhân: Chúng tôi đã làm hết sức mình. Tôi không nghĩ đó là cơ hội cho bất kỳ bậc cha mẹ nào. Chỉ không biết làm sao đối phó với nó. Ban đầu có thể nghĩ đó là sự bướng bỉnh, chỉ là do không biết thôi.

Bác sĩ: Cháu bao nhiêu tuổi khi chị nhận thấy rằng nó có vấn đề?

Bệnh nhân: Vâng, chúng ta thấy khá rõ ràng. Các con tôi không đi xe ba bánh và không làm tất cả những việc khác mà bọn trẻ con vẫn làm. Nhưng thực ra, chẳng người mẹ nào muốn chấp nhận những chuyện này. Ban đầu bà mẹ sẽ tìm được những cách giải thích khác.

Bác sĩ: Chị mất bao lâu?

Bệnh nhân: Trước tuổi đi học, nhưng thực sự khi cháu đi mẫu giáo, cháu là vấn đề đối với cô giáo. Cháu thường nhét thứ gì đó vào miệng để làm cho người ta chú ý. Tôi bắt đầu nhận được báo cáo của giáo viên, sau đó tôi biết chắc chắn rằng chúng tôi có vấn đề với cháu.

Bác sĩ: Vì vậy, chị đã từng bước chấp nhận toàn bộ sự thật, giống như chị chấp nhận chẩn đoán bệnh bạch cầu. Ai là người trong bệnh viện giúp chị nhiều nhất trong những vấn đề hàng ngày?

Bệnh nhân: Mỗi lần gặp một y tá thể hiện niềm tin, đó là sự giúp đỡ to lớn. Như tôi đã nói, khi tôi đi chụp X-quang ngày hôm qua, tôi cảm thấy mình giống như một con số, chị ạ, và không có ai quan tâm lắm, đặc biệt là khi tôi đi lần thứ hai. Lúc đó đã khá muộn và họ lo lắng rằng họ sẽ đưa bệnh nhân xuống đó muộn như vậy. Vì vậy, họ đã làm xáo trộn tất cả mọi thứ xung quanh. Tôi biết khi cô y tá đưa tôi tới, cô ấy sẽ đặt chiếc xe lăn đó ở đó và biến mất, còn tôi sẽ ngồi đó cho đến khi có người đi ra. Nhưng một cô ở đó nói với cô ấy rằng cô ấy không nên làm thế, cô ấy nên đi vào bên trong và nói với người ta rằng tôi đã tới và đề nghị họ đưa bệnh nhân vào. Tôi nghĩ cô ấy rất buồn khi phải đi cùng với bệnh nhân muộn như vậy. Họ đóng cửa, các kỹ thuật viên đã đi về và đã muộn. Những điều nhỏ nhặt như thế này, chị ạ, thái độ vui vẻ của các y tá sẽ giúp ích rất nhiều.

Bác sĩ: Chị nghĩ gì về những người không có đức tin?

Bệnh nhân: Vâng, tôi cũng tình cờ thấy chuyện đó. Tôi cũng tình cờ gặp các bệnh nhân ở đây. Một quý ông đến đây lần trước và khi biết bệnh của tôi, ông ấy nói: “Tôi không thể hiểu nổi, trên đời này không có gì công bằng hết, tại sao chị lại mắc bệnh bạch cầu, chị chưa bao giờ hút thuốc, chưa bao giờ uống rượu, chị không bao giờ làm bất cứ điều gì như thế”, thế đấy chị ạ. Ông ấy nói, “Tôi, tôi là một lão già, tôi đã làm rất nhiều chuyện mà lẽ ra tôi không bao giờ nên làm”. Không có bất kỳ khác biệt nào. Chúng ta không được nói rằng chúng ta sẽ không bao giờ có bất kỳ vấn đề gì. Chính Chúa của chúng ta đã gặp phải những vấn đề khủng khiếp, vì vậy Ngài là người dạy chúng ta và tôi đang cố gắng đi theo Ngài.

Bác sĩ: Chị có bao giờ nghĩ đến việc chết không?

Bệnh nhân: Tôi có nghĩ về nó hay không?

Bác sĩ: Vâng.

Bệnh nhân: Vâng, tôi có nghĩ. Tôi thường nghĩ về chết. Tôi không thích ý nghĩ rằng mọi người đến thăm tôi vì tôi trông rất tệ. Tại sao điều đó lại phải xảy ra? Tại sao họ không thể tổ chức một buổi lễ tưởng niệm nhỏ? Chị ạ, tôi không thích ý tưởng về đám tang, chị ạ, có lẽ điều đó nghe có vẻ kỳ lạ. Tôi chỉ thấy ghê tởm, thân xác của tôi trong cái quan tài đó.

Bác sĩ: Tôi không chắc là mình hiểu chị muốn nói gì.

Bệnh nhân: Tôi không muốn làm cho mọi người buồn, giống như các con tôi, trong hai hoặc ba ngày như thế này, chị ạ. Tôi đã nghĩ về chuyện này và không làm gì hết. Một hôm chồng tôi hỏi tôi khi anh ấy vừa bước vào; anh ấy nói, chúng ta sẽ thực sự xem xét điều này, hiến tặng đôi mắt hay hiến tặng cơ thể của mình? Chúng tôi đã không làm việc này vào ngày hôm đó, và chúng tôi vẫn chưa làm việc này, vì đó là một trong những việc ta thường trì hoãn, chị ạ.

Bác sĩ: Chị đã bao giờ nói chuyện với ai về việc này chưa? Kiểu như chuẩn bị cho mình bất cứ khi nào nó đến?

Bệnh nhân: Vâng, như tôi đã nói với Cha tuyên úy C., tôi nghĩ rằng đối với nhiều người, họ cần dựa vào ai đó, nói chuyện với cha tuyên úy và họ muốn ông ấy đưa ra tất cả các câu trả.

Bác sĩ: Ông ấy có cho họ câu trả lời hay không?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ nếu chị hiểu Kitô giáo, khi chị đạt đến tuổi của tôi, chị phải trưởng thành để biết rằng có thể tự mình vươn tới và tự mình xử lý việc này vì chị sẽ ở một mình trong rất nhiều giờ. Chị sẽ một mình đối mặt với bệnh tật, vì người ta không thể lúc nào cũng ở bên cạnh chị. Chị không thể có cha tuyên úy ở bên cạnh, chị không thể có chồng bên cạnh, chị không thể có những người khác bên cạnh. Chồng tôi là kiểu người ở bên tôi nhiều nhất..

Bác sĩ: Có người bên cạnh là tốt nhất có phải không?

Bệnh nhân: Vâng, đặc biệt là một số người.

Bác sĩ: Những người nhất định là ai? Chị đã nói đến cha tuyên úy, đến chồng của chị.

Bệnh nhân: Vâng. Tôi thích mục sư của tôi đến thăm tôi, mục sư của nhà thờ của tôi. Có một người bạn khác, trạc tuổi tôi, chị ấy là một Kitô hữu thuần thành. Chị ấy không nhìn thấy gì nữa. Chị ấy phải nằm ngửa trong bệnh viện suốt mấy tháng. Chị ấy hoàn toàn chấp nhận. Chị ấy thuộc loại người luôn luôn làm việc gì đó giúp người khác. Nếu ai đó bị ốm, chị ấy sẽ tới thăm, hoặc đi xin quần áo cho người nghèo hay làm một việc việc gì đó tương tự như thế. Mấy hôm trước chị ấy viết cho tôi một lá thư rất hay, có trích dẫn bài Thi thiên thứ 139, tôi thực sự thích thú khi nhận được bức thư này. Chị ấy nói, “Mình muốn bạn biết bạn là một trong những người bạn thân nhất của mình”. Vì vậy, người ta tìm kiếm một người như thế và điều đó khiến họ hạnh phúc. Đó là những điều nhỏ nhặt nhưng nó làm cho người ta hạnh phúc. Nói chung, tôi nghĩ bây giờ, ở đây, người ta tỏ ra rất thân thiện. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng tôi hơi mệt mỏi khi nghe thấy mọi người trong phòng phải chịu đau khổ. Tôi nghe thấy và tôi nghĩ, ồ, tại sao người ta không thể làm cái gì đó cho người này, chị biết không. Đau đớn diễn ra trong thời gian dài và tôi nghe thấy họ khóc, tôi sợ rằng có lẽ họ là chỉ có một mình. Chúng ta không có quyền vào phòng của họ và nói chuyện với họ, chỉ nghe thấy họ khóc thôi, chị biết đấy. Những thứ này làm tôi lo lắng. Khi mới đến đây, tôi đã không thể ngủ yên, tôi nghĩ về nó. Tôi nghĩ, không thể tiếp tục thế này được. Chỉ cần có được giấc ngủ. Vì vậy, tôi ngủ khá ngon. Nhưng tôi nghe thấy hai bệnh nhân kêu khóc suốt đêm đó. Tôi hy vọng rằng tôi không bao giờ làm như thế. Tôi có một người chị họ bị ung thư cách đây không lâu, chị ấy nhiều tuổi hơn tôi. Chị ấy là một người rất tuyệt vời. Chân chị ấy bị tật bẩm sinh, nhưng chị ấy xử lý rất khéo. Chị ấy nằm viện suốt nhiều tháng liền, nhưng không bao giờ khóc. Một tuần trước khi chị ấy qua đời, tôi đã đến thăm chị ấy. Chị ấy là nguồn cảm hứng thực sự. Chị ấy thực sự là nguồn cảm hứng, vì chị ấy quan tâm đến tôi vì đã đến gặp chị hơn là quan tâm tới bản thân mình.

Bác sĩ: Đó là kiểu phụ nữ mà chị muốn mình trở thành?

Bệnh nhân: Vâng, chị ấy đã giúp tôi. Tôi hy vọng mình có thể làm được.

Bác sĩ: Chắc chắn là chị có thể. Chị đã và đang làm điều đó ngay tại đây, trong ngày hôm nay.

Bệnh nhân: Còn một điều nữa làm tôi lo lắng - người ta không bao giờ biết khi rơi vào trạng thái vô thức như thế thì họ sẽ phản ứng như thế nào. Đôi khi họ có những cách phản ứng khác nhau. Tôi cho rằng quan trọng là người ta phải tin tưởng vào bác sĩ của mình, tin rằng ông ấy có thể ở lại với người đó. Bác sĩ E. rất bận cho nên tôi không nói chuyện nhiều với ông ấy. Trừ khi ông ấy hỏi, không nói ra nhiều vấn đề gia đình hay bất cứ điều gì, mặc dù tôi luôn cảm thấy những việc này ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của tôi. Chị biết rất rõ rằng những vấn đề như thế có thể ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe thể chất của chúng ta.

Cha tuyên úy: Đó là những điều chị ám chỉ trong ngày hôm trước rằng chị đã tự hỏi liệu những áp lực của gia đình và tất cả những vấn đề ở đó cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chị.

Bệnh nhân: Vâng, vì đó là sự thật, con trai chúng tôi có rắc rối nghiệm trọng trong mùa Giáng sinh và trên thực tế, bố cháu đã đưa cháu trở lại bệnh viện nhà nước. Nó tình nguyện ra đi. Cháu nói, “Con sẽ thu dọn hành lý khi chúng ta từ nhà thờ trở về’. Khi đi cháu đi xuống đó thì nó đổi ý và trở về nhà. Bố cháu nói rằng cháu nói là muốn trở về nhà, vì vậy bố cháu đã đưa cháu về nhà. Thường thì khi về nhà cháu sẽ đi đi lại lại. Thậm chí nó không thể ngồi yên, đôi khi nó tỏ ra rất bồn chồn.

Bác sĩ: Cháu bao nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: Hai mươi hai ạ. Sẽ không sao nếu có thể đối phó với nó và làm điều gì đó với nó nhưng khi không thể đưa ra câu trả lời hoặc giúp đỡ cháu thì đó sẽ là khủng khiếp, chỉ cần nói chuyện với nó là được. Cách đây không lâu, tôi đã cố gắng giải thích những chuyện đã xảy ra khi cháu mới sinh và dường như cháu đã hiểu. Tôi nói: “Con bị bệnh giống như mẹ bị bệnh và đôi khi con có những giai đoạn khó khăn nhất. Mẹ biết con có một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn và mẹ biết con khó khăn tới mức nào. Thực tế, mẹ đánh giá cao con vì đã thoát ra khỏi những thời điểm khó khăn này và ổn định trở lại”, chị biết đấy, và tiếp tục như thế. Tôi nghĩ cháu cũng đã cố gắng nhiều hơn, nhưng thực sự có tình trạng sức khỏe tinh thần ở đó, mà không bao giờ thực sự biết phải làm gì.

Cha tuyên úy: Đây là một sự căng thẳng đối với chị. Chắc chắn nó đã làm cho chị mệt mỏi, tôi tin chắc là thế.

Bệnh nhân: Đúng thế ạ. Chắc chắn là cháu này là vấn đề lớn nhất của tôi.

Bác sĩ: Người vợ đầu tiên của cha chị có mấy người con và họ mỗi người ở một nơi và bây giờ chính chị cũng có câu hỏi tương tự. Điều gì sẽ xảy ra với họ?

Bệnh nhân: Mâu thuẫn lớn nhất của tôi là làm sao để có thể giữ họ ở lại với nhau, làm sao giữ, không phải gửi họ đến những cơ sở khác nhau! Vâng, tự nhiên tôi cảm thấy sẽ ổn thôi. Nếu một người thực sự nằm liệt giường thì vấn đề hoàn toàn khác. Tôi có thể lại bị nằm liệt giường và tôi nói với chồng rằng năm tháng đi qua, rồi chuyện này sẽ tự giải quyết, nhưng nó đã không xảy ra. Bố chồng tôi bị đau tim rất nặng và thực sự chúng tôi không nghĩ rằng ông ấy sẽ được khỏe mạnh như hiện nay. Thật tuyệt vời. Nhưng bố chồng tôi cảm thấy hạnh phúc và đôi khi tôi tự hỏi liệu ông có hạnh phúc hơn khi ở trong cùng hoàn cảnh với những ông già khác cùng tuổi hay không.

Bác sĩ: Rồi chị có thể đưa ông tới viện dưỡng lão?

Bệnh nhân: Vâng, nó sẽ không khó khăn như ông nghĩ. Nhưng bố chồng tôi rất tự hào khi được ở bên con trai và con dâu. Ông lớn lên ở thị trấn này và ở thị trấn này suốt đời.

Cha tuyên úy: Ông bao nhiêu tuổi chị ơi?

Bệnh nhân: Tám mươi mốt tuổi rồi ạ.

Bác sĩ: Bố chồng chị tám mốt tuổi, còn mẹ chị thì bảy mươi sáu? Thưa chị C., tôi nghĩ chúng ta sẽ phải kết thúc ở đây vì tôi đã hứa là sẽ không kéo dài quá 45 phút. Hôm qua chị nói rằng không ai nói chuyện với chị về những vấn đề trong gia đình có ảnh hưởng đến chị và suy nghĩ của chị về cái chết. Chị có nghĩ đây là điều mà các bác sĩ, y tá hoặc bất kỳ người nào khác trong bệnh viện nên làm nếu bệnh nhân có mong muốn như thế hay không?

Bệnh nhân: Nó có ích, rất hữu ích.

Bác sĩ: Ai phải làm việc này?

Bệnh nhân: Vâng, nếu đủ may mắn để có được bác sĩ như thế, chị biết không, có một vài người đang tiến hóa và quan tâm đến khía cạnh này của cuộc đời con người. Còn hầu hết người ta chỉ thuần túy quan tâm đến việc chữa bệnh cho bệnh nhân. Bác sĩ M. là người rất hiểu biết. Ông ấy đã đến gặp tôi hai lần kể từ ngày tôi nhập viện và tôi đánh giá cao điều đó.

Bác sĩ: Theo chị, tại sao người ta lại miễn cưỡng như thế?

Bệnh nhân: Vâng, thế giới bên ngoài hiện nay là như thế. Tại sao chúng ta không có thêm nhiểu người để làm nhiều việc cần phải làm?

Bác sĩ: Tôi nghĩ chúng ta nên kết thúc ở đây, phải không ạ? Chị có câu hỏi nào muốn hỏi chúng tôi không? Dù sao thì chúng tôi cũng sẽ gặp lại chị.

Bệnh nhân: Không. Tôi chỉ hy vọng được đứng trước càng nhiều người thì càng tốt và nói với họ về những việc cần được giúp đỡ. Con trai tôi không phải là người duy nhất. Có rất nhiều người trên thế giới này và bạn chỉ cần cố gắng tìm xem có ai đó đủ quan tâm đến trường hợp này để có thể làm điều gì đó cho con tôi.

Chị C. tương tự như chị S., một người phụ nữ trung niên, sắp chết trong khi còn phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm, phải lo cho nhiều người phụ thuộc vào chị. Chị có bố chồng 81 tuổi, bị đau tim, còn người mẹ đẻ của mình, 78 tuổi, thì bị bệnh Parkinson, con gái 12 tuổi vẫn cần có mẹ và có thể phải lớn “quá nhanh” như chính bệnh nhân lo sợ, còn anh con trai 22 tuổi bị thiểu năng, thường xuyên phải vào bệnh viện công, chị vừa sợ vừa lo lắng cho anh này. Cha của chị để lại ba đứa con nhỏ từ cuộc hôn nhân trước và bệnh nhân lo rằng mình cũng phải xa tất cả những người chưa tự lập được này vào đúng thời điểm họ cần chị ấy nhất.

Có thể hiểu được rằng những gánh nặng gia đình như thế làm cho việc ra đi một cách thanh thản là vô cùng khó khăn, cho đến khi những vấn đề này được thảo luận và tìm ra một số giải pháp. Nếu bệnh nhân như thế không có cơ hội chia sẻ những lo lắng của mình, thì họ sẽ phẫn nộ và chán nản. Sự phẫn nộ của bệnh nhân có lẽ được thể hiện rõ nhất qua thái độ phẫn nộ của họ đối với nhân viên bệnh viện, những người cảm thấy rằng chị ấy có thể đi chụp X-quang, người ta không quan tâm đến nhu cầu của bệnh nhân mà chỉ quan tâm đến hết ngày làm việc chứ không nghĩ tới quản lý một cách hiệu quả bệnh nhân yếu ớt, mệt mỏi, lại thích hoạt động càng lâu càng tốt - nhưng không quá sức - và thích giữ phẩm giá của mình mặc cho những hoàn cảnh khó chịu.

Chị ấy mô tả có lẽ tốt nhất về việc cần những người có nhận thức, hiểu biết và ảnh hưởng của họ đối với sự đau khổ; chị ấy là tấm gương khi để cho cha mẹ già yếu ở trong nhà của mình và để họ thực hiện các chức năng của mình một cách tốt nhất, chứ không đưa họ vào viện dưỡng lão. Ngoài ra, con trai của chị, sự hiện diện của nó đã làm cho người ta hầu như không thể chịu đựng nổi, nhưng nó lại muốn ở nhà chứ không muốn quay lại bệnh viện nhà nước, nó cũng được phép ở nhà và chia sẻ với mọi người suy nghĩ của mình. Trong tất cả cuộc vật lộn nhằm chăm sóc cho mọi người một cách tốt nhất, chị ấy cũng thể hiện mong muốn được phép ở nhà và hoạt động càng lâu càng tốt; ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải nằm liệt giường, mọi người nên chấp nhận để chị ở nhà. Lời nói cuối cùng của chị ấy, ước muốn của chị ấy là được tiếp xúc với ngày càng nhiều người hơn và nói cho họ biết nhu cầu của người bệnh, có lẽ đã phần nào được thực hiện trong cuộc hội thảo này.

Chị C. là bệnh nhân muốn chia sẻ và nhận giúp đỡ với thái độ biết ơn, ngược lại với chị L. nhận lời nhưng mãi về sau này, trước khi qua đời, chị này mới có thể chia sẻ những băn khoăn của mình khi chị đề nghị chúng tôi tới thăm.

Chị C. tiếp tục làm biết bao nhiêu chuyện cho đến khi khúc mắc về người con trai bị rối loạn tâm thần của chị được giải quyết. Người chồng có hiểu biết và đức tin tôn giáo của chị đã giúp chị và cho chị sức mạnh để có thể chịu đựng những tuần lễ đầy đau khổ này. Mong ước cuối cùng của chị là không để người ta nhìn thấy mình “xấu xí” khi nằm trong quan tài đã được chia sẻ với chồng, anh ta hiểu rằng chị C. luôn luôn rất quan tâm đến người khác. Tôi nghĩ rằng sợ bị người ta coi là xấu xí cũng được thể hiện trong mối quan tâm của chị ấy đối với những bệnh nhân mà chị ấy nghe thấy họ khóc thành tiếng, “có lẽ họ đánh mất lòng tự trọng” và khi chị ấy sợ mình bị mất ý thức; chị ấy nói, “Người ta không bao giờ biết khi nào họ rơi vào tình trạng bất tỉnh ... họ sẽ phản ứng như thế nào .... Điều quan trọng là phải tin tưởng vào bác sĩ của mình, rằng ông ấy có thể ở bên cạnh .... Bác sĩ E. rất bận, cho nên tôi không được nói nhiều với ông ấy ....”

Đây không chỉ là lo lắng cho những người khác, mà còn là nỗi sợ của chị ấy về việc có thể mất kiểm soát, và phẫn nộ khi các vấn đề gia đình trở nên quá sức chịu đựng, còn sức lực của chị ấy thì quá nhỏ.

Trong một lần đến thăm sau đó, chị ấy thừa nhận mong muốn “đôi khi hét lên. Hãy thay tôi, tôi không thể lo lắng cho mọi người thêm nữa”. Chị ấy cảm thấy rất nhẹ nhõm khi cha tuyên úy và nhân viên xã hội tới can thiệp và bác sĩ tâm thần xem xét khả năng sắp xếp chỗ ở cho con trai của chị. Chỉ sau khi tất cả những vấn đề này đã được giải quyết, chị C. mới cảm thấy an lòng và ngừng lo lắng về việc liệu người ta nhìn thấy chị nằm trong quan tài hay không. Hình ảnh đó thay đổi từ “trông thật khủng khiếp” thành bức tranh về an bình, nghỉ ngơi và phẩm giá, nó trùng hợp với thái độ chấp nhận cuối cùng của chị ấy và không còn lo lắng nữa.

Sau đây là phỏng vấn chị L.. Nó được đưa vào cuốn sách này bởi vì chị ấy đại diện cho kiểu bệnh nhân có thể làm cho chúng ta thất vọng nhiều nhất, vì chị ấy cứ dùng dằng trong việc sẵn sàng chấp nhận giúp đỡ rồi lại từ chối bất kỳ nhu cầu giúp đỡ nào. Điều quan trọng là chúng tôi không áp đặt các dịch vụ của mình cho những bệnh nhân như thế, nhưng vẫn sẵn sàng phục vụ họ khi họ cần chúng tôi.

Bác sĩ: Thưa chị L., chị nằm viện bao lâu rồi?

Bệnh nhân: Tôi nhập viện vào ngày 6 tháng 8.

Bác sĩ: Đó không phải là lần đầu tiên, phải không?

Bệnh nhân: Không, không. Tôi tin rằng tôi đã đến đây gần hai mươi lần mà có khi hơn.

Bác sĩ: Lần đầu tiên là khi nào?

Bệnh nhân: Vâng, lần đầu tiên là vào năm 1933, khi tôi sinh cháu đầu lòng. Nhưng lần đầu tiên tôi vào bệnh viện này là vào năm 1955.

Bác sĩ: Lúc đó chị bị bệnh gì?

Bệnh nhân: Đấy là khi tôi phải cắt bỏ tuyến thượng thận.

Bác sĩ: Vì sao lại cắt bỏ tuyến thượng thận?

Bệnh nhân: Vì tôi có một khối u ác tính ở đáy cột sống.

Bác sĩ: Vào năm 1955?

Bệnh nhân: Vâng.

Bác sĩ: Vậy là khối u ác tính của chị đã kéo dài 11 năm rồi phải không?

Bệnh nhân: Không, tôi đã mắc căn bệnh này hơn 11 năm rồi. Tôi đã cắt bỏ một bên vú vào năm 1951. Còn vú thứ hai thì cắt bỏ vào năm 1954, ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận và buồng trứng thì diễn ra ở đây vào năm 55.

Bác sĩ: Năm nay chị bao nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: Tôi 54 tuổi, sắp sang tuổi 55.

Bác sĩ: 54 tuổi. Và chị gần như ốm suốt, từ năm 1951 đến nay.

Bệnh nhân: Đúng thế ạ.

Bác sĩ: Chị có thể cho chúng tôi biết mọi chuyện bắt đầu như thế nào hay không?

Bệnh nhân: Vâng, tôi đã có một cuộc đoàn tụ gia đình trong giai đoạn ngắn vào năm 51, và tôi tiếp đãi tất cả họ hàng bên chồng tôi ở ngoài thị trấn. Tôi lên lầu để tắm rửa thì phát hiện mình có một cục u ở trên ngực. Tôi gọi chị dâu vào và hỏi xem chị ấy có nghĩ là đây là hiện tượng đang lo hay không. Chị ấy nói là đáng lo, chị ấy bảo cần gọi điện cho bác sĩ và đặt lịch, tôi đã làm theo. Đó là vào thứ Sáu, tôi tới văn phòng bác sĩ vào thứ Ba tuần sau và thứ Tư thì đến bệnh viện để chụp X-quang. Họ bảo rằng đó là khối u ác tính. Ngay đầu tuần sau, tôi đã được phẫu thuật cắt bỏ một bên vú.

Bác sĩ: Chị chịu đựng tất cả những thứ đó như thế nào? Lúc ấy chị nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: Khoảng ba mươi, gần bốn mươi tuổi. Tôi không biết nữa, mọi người đều nghĩ rằng tôi sẽ chán nản. Họ không thể hiểu tại sao tôi lại bình tĩnh như vậy. Trên thực tế, tôi thấy sự kiện này cũng vui. Tôi đã bị chị dâu đánh vài cái vào tay và vào miệng vì nói rằng đó có thể là khối u ác tính khi tôi vừa phát hiện được khối u. Tôi coi nó rất nhẹ nhàng. Con trai lớn của tôi thì cảm thấy khổ sở nhất.

Bác sĩ: Cháu bao nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: Cháu mười bảy ạ, chưa hẳn mười bảy, vài tháng nữa mới mười bảy. Cháu ở nhà cho đến sau khi tôi được phẫu thuật. Sau đó, cháu nhập ngũ vì sợ rằng tôi sẽ bị ốm hoặc nằm liệt giường hoặc điều gì khác sẽ xảy ra nên cháu nhập ngũ. Nhưng ngoài chuyện đó ra, không có gì làm phiền tôi - điều duy nhất làm cho tôi lo lắng là các phương pháp xạ trị mà tôi phải làm sau đó.

Bác sĩ: Những người con khác của chị bao nhiêu tuổi? Tôi nghe có vẻ như chị có nhiều hơn một con.

Bệnh nhân: Vâng, tôi có một cháu trai nữa, năm nay cháu 28 tuổi.

Bác sĩ: Bây giờ anh ta ở đâu?

Bệnh nhân: Bây giờ. Lúc đó cháu đang học trường ngữ pháp.

Bác sĩ: Chị có hai con trai?

Bệnh nhân: Vâng, hai con trai.

Bác sĩ: Con trai chị thực sự sợ chị sắp chết.

Bệnh nhân: Tôi nghĩ vậy.

Bác sĩ: Và cậu ta bỏ đi.

Bệnh nhân: Cháu đã bỏ đi.

Bác sĩ: Sau này anh ta sẽ chịu đựng ra sao?

Bệnh nhân: Vâng, cháu mắc chứng bệnh mà tôi nói trêu là – “ám ảnh bệnh viện” vì cháu không thể tới bệnh viện và nhìn thấy tôi nằm trên giường. Lần duy nhất cháu tới là khi người ta truyền máu cho tôi. Bố cháu thỉnh thoảng bắt cháu mang món đồ về nhà hay mang một thứ gì đó quá nặng mà ông không mang nổi lên cho tôi.

Bác sĩ: Người ta thông báo rằng chị bị khối u ác tính như thế nào?

Bệnh nhân: Rất thẳng thắn.

Bác sĩ: Thế là tốt hay xấu?

Bệnh nhân: Tôi không thấy phiền hà gì. Tôi không biết người khác thì thế nào, nhưng tôi muốn biết càng sớm càng tốt, đó là cách nghĩ của tôi. Tôi muốn người ta nói với tôi trước chứ đừng để mọi người khác biết trước tôi. Tôi nghĩ người ta sẽ trở nên nhạy cảm hơn trước sự kiện là mọi người quá chú ý tới người đó, người ta sẽ thấy có chuyện gì đó không ổn, đó là cách tôi cảm nhận chuyện này.

Bác sĩ: Nó cũng sẽ làm cho chị nghi ngờ.

Bệnh nhân: Tôi nghĩ vậy.

Bác sĩ: Lúc đó là năm 1951 và bây giờ là năm 1966 và chị đã ra vào bệnh viện khoảng 20 lần.

Bệnh nhân: Tôi nghĩ thế.

Bác sĩ: Chị nghĩ chị có thể dạy chúng tôi điều gì.

Bệnh nhân: (Cười) Tôi không biết, tôi vẫn còn phải học nhiều.

Bác sĩ: Tình trạng sức khỏe của chị lúc này ra sao? Tôi thấy chị có đeo nẹp. Chị có bị đau cột sống không?

Bệnh nhân: Đây là cột sống của tôi. Tôi đã được phẫu thuật bất động cột sống hồi tháng 6 năm ngoái, một năm trước, vào ngày 15 tháng 6 năm ngoái và người ta bảo tôi phải đeo nẹp liên tục. Ngay bây giờ chân phải tôi có một chút rắc rối. Nhưng cùng với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi ở bệnh viện này, vâng, họ cũng sẽ chữa được cho tôi. Tôi bị tê liệt chân. Tôi mất khả năng điều khiển nó và có cảm giác ngứa ran ở chân, như bị kim châm. Hôm qua vừa hết. Bây giờ tôi có thể cử động chân một cách thoải mái và cảm giác đã trở lại bình thường.

Bác sĩ: Bệnh ác tính có tái phát không?

Bệnh nhân: Không, tôi không thấy. Người ta bảo tôi là không có gì phải lo lắng, lúc này nó đang nằm im.

Bác sĩ: Nằm im bao lâu rồi?

Bệnh nhân: Vâng, tôi ngờ rằng nó có thể nằm im kể từ khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận; tất nhiên, tôi không biết quá nhiều. Nếu các bác sĩ nói với tôi tin tốt, tôi sẽ buông bỏ.

Bác sĩ: Chị thích nghe điều đó.

Bệnh nhân: Mỗi lần ra viện, tôi đều nói với chồng, đây là lần cuối cùng em quay lại đây, em sẽ không quay lại nữa. Khi tôi ra viện vào ngày 7 tháng 5 vừa qua, anh ấy đã nói thay cho tôi để tôi khỏi phải nói. Nhưng chẳng được bao lâu. Tôi đã quay trở lại đây vào ngày 6 tháng 8.

Bác sĩ: Bạn có một khuôn mặt tươi vui, nhưng sâu bên trong có nhiều nỗi buồn và đau khổ.

Bệnh nhân: Vâng, tôi đoán là đôi khi chị cũng nghĩ như vậy.

Bác sĩ: Chị chịu đựng ra sao, vừa có khối ua ác tính, phải nhập viện hai mươi lần, cắt bỏ ngực và cắt bỏ tuyến thượng thận.

Bệnh  nhân: Và cố định cột sống nữa.

Bác sĩ: Cố định cột sống, làm sao chị chịu đựng tất cả những chuyện này? Chị lấy sức lực ở đâu và lo lắng của chị là gì?

Bệnh nhân: Tôi không biết, tôi đoán chỉ có đức tin vào Chúa và các bác sĩ sẽ giúp tôi.

Bác sĩ: Cái nào có trước?

Bệnh nhân: Chúa.

Cha tuyên úy: Chúng ta đã nói về chuyện này trước, và mặc dù chị có đức tin, nó nâng đỡ chị, nhưng vẫn có những lúc chị cảm thấy bất hạnh.

Bệnh nhân: Vâng.

Cha tuyên úy: Đây là điều khó tránh khỏi, có những lúc chán nản.

Bệnh nhân: Vâng. Tôi cảm thấy chán nản, tôi nghĩ, chán nản hơn khi tôi ở một mình trong một khoảng thời gian dài. Tôi nghĩ về quá khứ và tôi nghĩ rằng không nằm và nghĩ về chuyện đó chẳng mang lại lợi lộc gì. Tất cả đều đã là dĩ vãng. Tôi nên nghĩ nhiều hơn về tương lai. Khi tôi lần đầu tiên tới bệnh viện, và biết rằng mình sẽ được giải phẫu vì bệnh ung thư, vâng, tôi có hai đứa con trai ở nhà, và tôi đã cầu nguyện rằng mình sẽ được cứu đủ lâu để nuôi dạy các cháu nên người.

Bác sĩ: Bây giờ các con chị đã lớn rồi phải không? Vì vậy, có chuyện gì xảy ra cũng không sao. (Bệnh nhân khóc)

Bệnh nhân: Đó là tất cả những thứ tôi cần, xin lỗi, tôi cần khóc to lên.

Bác sĩ: Không sao đâu. Tôi tự hỏi tại sao bạn nói là để tránh chán nản. Tại sao nên tránh nó?

Cha tuyên úy: Vâng, tôi đã dùng một từ không đúng. Tôi và chị L. đã nói chuyện rất nhiều về cách đối phó với chứng trầm cảm. Nhưng không phải là tránh thực sự. Phải đương đầu với nó và vượt qua.

Bệnh nhân: Đôi khi tôi không thể không khóc. Xin lỗi.

Bác sĩ: Không, không, tôi khuyến khích làm như thế.

Bệnh nhân: Vâng, chị đã khuyến khích.

Bác sĩ: Vâng, tôi nghĩ rằng tránh nó chỉ làm cho nó trở thành khó khăn hơn, phải thế không?

Bệnh nhân: Vâng, không, tôi không. Tôi nghĩ rằng người ta sẽ cảm thấy tồi tệ hơn sau khi buông tay, tôi nghĩ thế. Bởi vì bất cứ người nào ở trong hoàn cảnh giống như tôi, tôi nghĩ người ta nên biết ơn vì những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Mình có rất nhiều thứ mà nhiều người khác chưa có cơ hội có được.

Bác sĩ: Có phải chị muốn nói đến thời gian được kéo dài thêm?

Bệnh nhân: Thời gian kéo dài để làm một việc. Tôi đã chứng kiến trải nghiệm đó trong chính gia đình mình trong mấy tháng vừa qua. Và tôi cảm thấy rằng tôi đã rất may mắn khi những điều này đã không xảy ra với tôi.

Cha tuyên úy: Ý chị là trải nghiệm của anh rể chị?

Bệnh nhân: Vâng.

Cha tuyên úy: Anh ấy chết ở đây.

Bệnh nhân: Vâng, hôm mồng 5 tháng Năm.

Bác sĩ: Trải nghiệm đó là gì?

Bệnh nhân: Vâng, anh ấy không ốm lâu lắm, anh ấy không có cơ hội ở lại lâu bằng tôi. Tôi không thể nói anh ấy là một người già. Anh ấy mắc một căn bệnh mà nếu anh ấy quan tâm đến nó ngay từ đầu - tôi nghĩ rằng đó hoàn toàn là do anh ấy đã bỏ bê, nhưng nó cũng không lâu như thế.

Bác sĩ: Ông ấy được bao nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: Anh ấy sáu mươi ba tuổi ạ.

Bác sĩ: Anh ta bị bệnh gì vậy?

Bệnh nhân: Anh ấy bị ung thư.

Bác sĩ: Anh ấy không chú ý đến nó hay sao?

Bệnh nhân: Anh ấy đã bị ốm khoảng sáu tháng trước và mọi người đều nói với anh ấy rằng nên đi khám bác sĩ, đến phòng khám nào đó và được chăm sóc. Anh ấy bỏ bê cho đến khi anh ấy không thể tự chăm sóc được nữa. Rồi, anh ấy quyết định đến bệnh viện này và nhờ giúp đỡ. Anh ấy và vợ rất lo lắng vì bệnh viện không thể cứu anh ấy như đã cứu tôi. Như tôi đã nói, anh ấy đợi cho đến khi không thể chịu đựng được nữa.

Bác sĩ: Thời gian kéo dài thêm có phải là giai đoạn đặc biệt không? Khác với những giai đoạn khác?

Bệnh nhân: Không, tôi không thể nói là nó khác. Tôi không thể nói như thế vì tôi cảm thấy cuộc sống của tôi cũng bình thường như của chị và của cha tuyên úy. Tôi không cảm thấy mình đang sử dụng thời gian kéo dài thêm này, cũng như không cảm thấy rằng mình phải tận dụng nhiều hơn khoảng thời gian còn lại này. Tôi nghĩ rằng thời gian của tôi cũng giống như của chị thôi.

Bác sĩ: Một số người có cảm giác rằng họ sống mạnh mẽ hơn.

Bệnh nhân: Không.

Bác sĩ: Chị biết đấy, nhưng nó không đúng đối với tất cả mọi người, chị không chia sẻ điều này?

Bệnh nhân: Không, không, tôi biết rằng tôi không biết. Tôi biết rằng tất cả chúng ta đều có một thời gian để sống và đó không phải là thời gian của tôi, chỉ có vậy thôi.

Bác sĩ: Chị đã bao giờ thử hay thậm chí là nghĩ về việc đây là lúc sẵn sàng chết chưa?

 

Bệnh nhân: Không. Tôi chỉ tiếp tục sống qua ngày như tôi đã làm trước đây.

Bác sĩ: Ồ. Chị thậm chí không bao giờ nghĩ xem nó sẽ như thế nào và nó có ý nghĩa gì à?

Bệnh nhân: Không. Tôi chưa bao giờ nghĩ về nó.

Bác sĩ: Chị có nghĩ rằng mọi người nên nghĩ về nó? Vì một ngày nào đó tất cả chúng ta đều phải chết.

Bệnh nhân: Vâng, tôi chưa bao giờ thực sự nghĩ đến việc dọn mình để chết. Tôi nghĩ rằng nếu thời điểm đến thì có điều gì đó bên con người mình sẽ nói cho mình biết. Tôi vẫn chưa cảm thấy mình đã sẵn sàng. Tôi nghĩ rằng mình còn khá nhiều thời gian.

Bác sĩ: Vâng, không ai biết.

Bệnh nhân: Không, nhưng ý tôi là tôi chỉ nghĩ đến việc tôi đã nuôi dạy hai đứa con trai. Tôi cũng sẽ giúp chăm sóc những đứa cháu nội của tôi.

Bác sĩ: Chị có cháu?

Bệnh nhân: Bảy đứa cả thảy.

Bác sĩ: Như vậy là, chị đang đợi cho chúng lớn lên.

Bệnh nhân: Bây giờ tôi đang đợi chúng lớn lên và gặp những đứa chắt của tôi.

Bác sĩ: Khi chị nằm viện, điều gì giúp chị nhiều nhất?

Bệnh nhân: Tôi sẽ ở bên các bác sĩ 100% thời gian nếu được.

Cha tuyên úy: Tôi nghĩ rằng tôi biết một câu trả lời cho vấn đề này, và đó là chị luôn nghĩ về tương lai, về mục tiêu mà chị mong muốn. Chị luôn nói rằng tất cả những gì người ta muốn là có thể về nhà và đi lại xung quanh nhà.

Bệnh nhân: Đúng thế. Tôi muốn đi lại. Tôi tin chắc chắn rằng tôi sẽ làm hệt như tôi đã làm cách đây nhiều năm. Quyết tâm là thế.

Bác sĩ: Chị nghĩ điều gì đã giúp chị không buông bỏ? Chị đã không bỏ cuộc?

Bệnh nhân: Tôi chỉ cảm thấy rằng người duy nhất tôi để lại ở nhà lúc này là chồng tôi và anh ấy là đứa trẻ cần quan tâm hơn tất cả những đứa trẻ khác cộng lại. Anh ấy bị bệnh tiểu đường, nó đã ảnh hưởng đến thị lực của anh ấy cho nên anh ấy không thể nhìn rõ. Chúng tôi đang hưởng trợ cấp tàn tật.

Bác sĩ: Anh ấy có thể làm được bao nhiêu việc?

Bệnh nhân: Vâng, anh ấy không thể làm quá nhiều. Thị lực rất kém. Anh ấy không thể nhìn thấy đèn giao thông trên đường phố. Và lần trước khi tôi ở nằm viện, anh ấy đã nói chuyện với chị S., chị ấy ngồi ở một bên giường, chị ấy hỏi anh ấy rằng ông ấy có thể nhìn thấy bà ấy hay không. Anh ấy nói rằng có thể nhìn thấy bà ấy, nhưng bị mờ cho nên tôi cho rằng thị lực của anh ấy rất kém. Anh ấy có thể nhìn thấy những tiêu đề lớn trên tờ báo, nhưng những tiêu đề nhỏ hơn thì phải dùng kính lúp, còn nhỏ hơn nữa thì anh ấy không thể nhìn thấy.

Bác sĩ: Ở nhà thì ai chăm sóc ai?

Bệnh nhân: Vâng, anh ấy đã hứa với tôi khi tôi xuất viện vào tháng 10 năm ngoái rằng nếu tôi là đôi mắt của anh ấy, anh ấy sẽ là đôi chân của tôi và đó là kế hoạch của chúng tôi.

Bác sĩ: Rất tuyệt vời. Làm sao có kết quả như thế?

Bệnh nhân: Vâng, nó đã diễn ra khá tốt. Anh ấy vô tình xáo tung mọi thứ trên bàn, sau đó tôi cố tình làm như thế để anh ấy nghĩ rằng anh ấy làm như thế là do thị lực của mình kém. Nếu có chuyện gì xảy ra, anh ấy sẽ vấp ngã hay gì đó, tại sao, tôi nói với anh ấy rằng tôi luôn làm như thế, tôi có hai con mắt sáng nên anh ấy không nên cảm thấy chán nản về chuyện đó.

Cha tuyên úy: Đôi khi anh ấy cảm thấy chán nản?

Bệnh nhân: Ồ, vâng, đôi khi nó làm anh ấy cảm thấy khó chịu.

Bác sĩ: Anh ấy đã đăng ký - hoặc đã xem xét một con chó hay đăng ký một số khóa huấn luyện, một số khóa huấn luyện đi lại và những thứ tương tự như thế hay chưa?

Bệnh nhân: Chúng tôi có một người nội trợ từ tổ chức thiện nguyện Đội quân Cứu thế. Và người này đã tới. Cô ấy nói với chồng tôi rằng sẽ xem xem có thể giúp anh ấy việc gì hay không.

Bác sĩ: Tổ chức Ngọn hải đăng dành cho người mù có thể đánh giá nhu cầu của anh ấy, họ huấn luyện khả năng đi lại và cung cấp gậy chống, nếu cần.

Bệnh nhân: Vâng, sẽ ổn thôi.

Bác sĩ: Có vẻ như ở nhà chị mọi người giúp đỡ lẫn nhau và mỗi người làm những việc mà người kia không thể làm. Cho nên, chị phải lo lắng rất nhiều về việc anh ấy sẽ ra sao khi chị nằm viện.

Bệnh nhân: Đúng vậy, tôi lo lắm.

Bác sĩ: Anh ấy hoạt động ra sao?

Bệnh nhân: Vâng, các con tôi mời anh ấy đến ăn tối. Ba lần một tuần, có người nội trợ tới nhà, cô ấy dọn dẹp và ủi đồ. Anh ấy có thể giặt giũ. Tôi không làm nản lòng anh ấy trong mọi việc anh ấy làm. Tôi nhận thấy anh ấy mắc rất nhiều lỗi, nhưng tôi nói với anh ấy rằng có vẻ tốt, hãy tiếp tục làm việc đó và để anh ấy làm.

Bác sĩ: Chị tiếp tục nói với anh ấy những điều làm cho anh ấy cảm thấy dễ chịu.

Bệnh nhân: Tôi cố gắng làm như thế.

Bác sĩ: Chị có làm như thế với chính mình hay không?

Bệnh nhân: Tôi không tìm cách phàn nàn về việc tôi cảm thấy thế nào. Khi anh ấy hỏi tôi cảm thấy thế nào, tôi luôn nói với anh ấy rằng tôi cảm thấy rất tuyệt, cho đến khi tôi nói với anh ấy rằng tôi phải vào bệnh viện và họ nói hãy vào. Vâng, đó là lần đầu tiên anh ấy biết chuyện này.

Bác sĩ: Tại sao, có bao giờ anh ấy nói chị phải nhập viện sớm hơn?

Bệnh nhân: Không, tôi tự làm, vì tôi có một người bạn tự làm cho mình tin rằng mình thực sự bị bệnh. Cô ta tự ngồi vào xe lăn. Từ đó trở đi, tôi quyết định rằng nó phải tệ lắm thì tôi mới phàn nàn. Tôi nghĩ rằng đó là một bài học mà tôi đã học được thông qua cô ấy. Cô đã đi gặp tất cả các bác sĩ trong thành phố để thuyết phục họ đồng ý với cô ấy rằng cô ấy bị bệnh đa xơ cứng. Các bác sĩ không thể tìm thấy bất cứ biểu hiện bệnh tật nào. Bây giờ cô ấy ngồi trên xe lăn và không thể đi lại được. Cô ấy có bị bệnh hay không thì tôi không biết, nhưng cô ấy đã ở trong tình trạng như thế khoảng mười bảy năm rồi.

ác sĩ: Nhưng đó là một thái cực khác.

Bệnh nhân: Vâng, nhưng ý tôi là cô ấy phàn nàn liên tục, rồi tôi còn có một người chị dâu có móng tay làm chị ấy đau, chị ấy cảm thấy khó chịu khi phải cạo lông chân và mọi thứ khác, tôi không thể chịu đựng được những lời phàn nàn liên tục của cả hai người, tôi đã quyết định rằng nó phải khó chịu lắm thì tôi mới phàn nàn.

Bác sĩ: Trong gia đình chị, ai có cách hành xử như thế này? Cha mẹ chị có phải là những chiến sĩ kiên cường như thế không?

Bệnh nhân: Mẹ tôi chết năm vừa tròn 49 tuổi và tôi biết bà thực sự bị ốm hai lần. Lần cuối cùng bà bị ung thư máu, và chết vì căn bệnh này. Cha tôi, tôi cũng không nhớ nhiều lắm, nhưng tôi chỉ biết, những việc tôi nhớ là, cha tôi bị cúm trong trận dịch cúm năm 1918, khi ông ấy qua đời. Vì vậy, tôi không thể nói quá nhiều về cha tôi.

Bác sĩ: Vậy thì phàn nàn đồng nghĩa với chết, vì cả hai người đều chỉ phàn nàn ngay trước khi họ chết.

Bệnh nhân: Đúng vậy, đúng vậy!

Bác sĩ: Nhưng, chị biết đấy, có rất nhiều người thể hiện sự đau nhức và không chết.

Bệnh nhân: Tôi biết mà. Tôi có chị dâu đó, cha tuyên úy cũng biết chị ấy.

Cha tuyên úy: Một khía cạnh khác trong việc nhập viện của chị L. là chị thường được các bệnh nhân khác quan tâm. Rồi chị ấy thấy mình như một người an ủi cho những người khác.

Bệnh nhân: Vâng, tôi không biết

Cha tuyên úy: Và đôi khi tôi tự hỏi, chị có mong muốn có người nào đó để nói chuyện, có thể an ủi chị, thay vì những người luôn dựa vào chị?

Bệnh nhân: Tôi không cảm thấy mình cần được an ủi, thưa Cha tuyên úy. Và tôi chắc chắn không muốn thương hại vì bất cứ việc gì, vì tôi không cảm thấy tôi là người đáng thương hại. Tôi cảm thấy không có gì đáng để phàn nàn cả. Điều duy nhất tôi phàn nàn là các ông bác sĩ khốn khổ của tôi.

Bác sĩ: Chị cảm thấy tiếc cho họ? Chị cũng không nên thương hại họ vì họ không muốn được thương hại, phải không?

Bệnh nhân: Tôi biết họ không muốn được thương hại nhưng tôi tưởng tượng, khi họ bước ra khỏi phòng và nghe thấy tiếng rên đau đớn của mọi người, tôi cá là họ thực sự muốn trốn đi. Các y tá thì cũng thế.

Bác sĩ: Đôi khi họ trốn đấy.

Bệnh nhân: Vâng, tôi không lên án nếu họ làm vậy.

Bác sĩ: Chị nói rằng chị hợp tác với họ. Chị có bao giờ giữ lại thông tin vì chị không thích tạo gánh nặng cho họ?

Bệnh nhân: Không, không. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ nói với họ những gì thực sự và đó là cách duy nhất họ phải làm. Làm sao họ có thể chữa bệnh nếu không nói cho họ biết có cái gì đó không ổn?

Bác sĩ: Chị có cảm giác khó chịu về thể chất không?

Bệnh nhân: Tôi cảm thấy tuyệt vời, nhưng tôi ước mình có thể làm những gì mình muốn.

Bác sĩ: Chị muốn làm gì?

Bệnh nhân: Đứng dậy đi bộ và đi thẳng về nhà và đi bộ suốt quãng đường đó.

Bác sĩ: Rồi sau đó thì sao?

Bệnh nhân: Vâng, tôi không biết mình sẽ làm gì khi về đến nhà, có lẽ là đi ngủ. (Cười) Nhưng tôi cảm thấy thực sự tốt. Lúc này, tôi không có bất kỳ đau nhức hay đau đớn nào hết.

Bác sĩ: Và đó là từ ngày hôm qua?

Bệnh nhân: Vâng, cho đến ngày hôm qua tôi có cảm giác ngứa ran ở chân và nó đã hết. Không tệ đến mức đó nhưng tôi hơi lo lắng khi ở nhà vì tôi đã không thể đi bộ trong vài tuần qua, trước đây cũng thế. Tôi biết mình đã tự ép chính mình, có lẽ nếu ngay từ đầu tôi đã thừa nhận và kêu gọi mọi người giúp đỡ, xử lý thì mọi chuyện đã không đến mức này. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng ngày mai sẽ tốt hơn.

Bác sĩ: Vì vậy, chị đã đợi một chút và hy vọng nó hết.

Bệnh nhân: Tôi đợi và đợi cho đến khi tôi thấy nó không khá lên. Rồi tôi gọi điện.

Bác sĩ: Và chị buộc phải đối mặt với nó.

Bệnh nhân: Tôi buộc phải đối mặt với sự thật.

Bác sĩ: Mọi chuyện sẽ thế nào khi chị ở những ngày cuối cùng? Chị sẽ chỉ chịu đựng theo cùng cách này chứ?

Bệnh nhân: Tôi sẽ đợi cho đến khi ngày đó đến. Tôi mong là như vậy. Từ việc chăm sóc mẹ tôi trước khi bà vào bệnh viện, tôi có thể nói rằng mẹ tôi đã đón nhận như thế nào.

Bác sĩ: Bà có biết không?

Bệnh nhân: Bà không biết rằng mình bị bệnh bạch cầu.

Bác sĩ: Không biết à?

Bệnh nhân: Các bác sĩ bảo tôi không nên nói với bà.

Bác sĩ: Chị nghĩ gì về việc này? Chị có cảm xúc gì về việc này?

Bệnh nhân: Vâng, tôi cảm thấy không tốt khi mẹ tôi không biết vì bà đã nói với bác sĩ tình trạng bệnh tật của mình. Và tôi nghĩ vì không biết nên bà đã làm ngược với các bác sĩ. Vì bà nói với bác sĩ rằng mình có vấn đề với túi mật, bà còn tự đi khám bệnh túi mật và uống loại thuốc không có tác dụng tốt đối với người trong hoàn cảnh của bà.

Bác sĩ: Chị nghĩ vì sao họ không nói với bà?

Bệnh nhân: Ồ, tôi không biết, tôi không biết gì hết. Tôi hỏi bác sĩ thì ông ấy nói với tôi sẽ xảy ra chuyện gì nếu bà biết và ông ấy nói không, bà không nên biết.

Bác sĩ: Lúc đó chị bao nhiêu tuổi?

Bệnh nhân: À, lúc đó tôi đã lấy chồng. Khoảng ba mươi bảy tuổi ạ.

Bác sĩ: Nhưng chị đã làm những việc bác sĩ nói với chị.

Bệnh nhân: Tôi đã làm những việc bác sĩ nói với tôi.

Bác sĩ: Vì vậy, mẹ chị đã chết mà không thực sự biết hoặc không nói về nó.

Bệnh nhân: Đúng vậy ạ.

Bác sĩ: Rất khó biết mẹ chị đã chịu đựng như thế nào.

Bệnh nhân: Đúng thế ạ.

Bác sĩ: Chị nghĩ cái gì làm cho bệnh nhân cảm thấy dễ dàng hơn?

Bệnh nhân: Ồ, nghĩ rằng đây là vấn đề hoàn toàn có tính cá nhân. Đối với tôi, tôi rất vui vì tôi biết mình bị bệnh gì.

Bác sĩ: À à. Còn ông thân sinh ra chị

Bệnh nhân: Cha tôi, ông biết bệnh của mình. Ông bị cúm. Tôi đã thấy những bệnh nhân khác nhau bị bệnh mà không biết mình bị bệnh gì. Cha tuyên úy biết một người vừa mất gần đây. Bà ta biết mình mắc bệnh gì, nhưng không biết là mình sắp chết. Đó là bà J. Bà đang bày binh bố trận, và quyết tâm về cùng với chồng. Gia đình bà ấy giấu, không cho bà biết tình trạng bệnh của bà, bà ấy không mảy may nghi ngờ gì cả. Có lẽ đối với bà ấy, đó là một cách tốt hơn để bà ấy đi. Tôi không biết. Tôi nghĩ rằng đó là theo cá nhân mỗi người. Tôi nghĩ rằng các bác sĩ biết cách tốt nhất để xử lý những trường hợp như thế. Tôi nghĩ rằng họ có thể đánh giá tốt nhất một người qua cách người đó có thể chấp nhận nó.

Bác sĩ: lúc đó, họ làm điều đó với từng cá nhân?

Bệnh nhân: Tôi nghĩ thế.

Bác sĩ: Và chị không thể khái quát hóa. Không, chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi không thể. làm như thế được. Đó là tất cả những việc chúng tôi đang cố gắng làm ở đây, xem xét từng cá nhân và cố gắng học cách chúng tôi giúp đỡ từng kiểu người khác nhau. Và tôi nghĩ chị là loại chiến binh sẽ làm hết sức mình cho đến tận ngày cuối cùng.

Bệnh nhân: Tôi sẽ làm như thế.

Bác sĩ: Và khi phải đối mặt với nó, chị sẽ đối mặt với nó. Đức tin của chị có đóng góp rất nhiều để chị có thể mỉm cười mà vượt qua chuyện này.

Bệnh nhân: Tôi hy vọng như vậy.

Bác sị: Chị theo hệ phái nào?

Bệnh nhân: Phái Luther ạ.

Bác sĩ: Điều gì trong đức tin của chị giúp chị nhiều nhất?

Bệnh nhân: Tôi không biết. Tôi không thể xác định rõ. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi nói chuyện với cha tuyên úy. Tôi thậm chí đã gọi điện để nói chuyện qua điện thoại với ông.

Bác sĩ: Khi chị thực sự buồn và cảm thấy cô đơn và không có ai xung quanh, chị sẽ làm gì?

Bệnh nhân: Ồ, tôi không biết. Làm bất cứ điều gì mà tôi nghĩ tới, tôi cho rằng, việc đó phải được thực hiện.

Bác sĩ: Ví dụ?

Bệnh nhân: Vâng, mấy tháng gần đây tôi thường xem chương trình trò chơi trên TV và nó làm cho tôi quên hết mọi chuyện. Chỉ có mỗi việc này. Hoặc xem chương trình khác hay gọi điện cho con dâu, để nói chuyện với cháu và bọn trẻ con.

Bác sĩ: Nói chuyện trên điện thoại à?

Bệnh nhân: Trên điện thoại của tôi và làm cho mình lúc nào cũng bận rộn.

Bác sĩ: Làm việc?

Bệnh nhân: Chỉ để làm cái gì đó giúp tôi quên đi mọi thứ. Thỉnh thoảng tôi còn gọi cho cha tuyên úy để được hỗ trợ một chút về mặt tinh thần. Tôi không thực sự nói về tình trạng của mình với bất cứ người nào. Con dâu tôi thường nghĩ khi tôi gọi là tôi có thể buồn hay ngã lòng. Cháu sẽ đưa một đứa trẻ nào đó tham gia câu chuyện vào hoặc nói với tôi những việc chúng đã làm và mọi chuyện sẽ kết thúc ngay khi đó.

Bác sĩ: Tôi ngưỡng mộ sự can đảm của chị vì đã đến đây để thực hiện cuộc phỏng vấn này. Chị biết tại sao không?

Bệnh nhân: Không.

Bác sĩ: Tuần nào chúng tôi cũng gặp bệnh nhân, hàng tuần chúng tôi đều làm việc này, nhưng chị là người mà, đến giờ tôi mới phát hiện ra, không thực sự muốn nói về nó, và chị biết rằng chúng ta sẽ nói về nó. Và chị sẵn sàng đến.

Bệnh nhân: Vâng, nếu tôi có thể giúp đỡ người nào đó, theo cách nào đó thì tôi sẵn sàng làm việc đó. Như tôi đã nói, về tình trạng thể chất hay sức khỏe của tôi, ồ, tôi cảm thấy khỏe mạnh chẳng khác gì chị và cha tuyên úy. Tôi không bị bệnh.

Bác sĩ: Tôi chỉ nghĩ rằng việc chị L. tình nguyện đến đây là điều đáng chú ý. Theo một cách nào đó, chị muốn phục vụ chúng tôi hoặc giúp đỡ chúng tôi.

Bệnh nhân: Tôi hy vọng thế. Nếu tôi có thể giúp đỡ người nào đó, tôi rất vui lòng làm việc đó, mặc dù tôi không thể ra ngoài và làm cái gì đó. Vâng - Tôi sẽ ở đây một thời gian dài nữa. Có lẽ tôi sẽ có một vài cuộc phỏng vấn nữa. (Cười)

Chị L. đã nhận lời mời của chúng tôi để chia sẻ một số lo lắng của chị nhưng lại cho thấy sự khác biệt kỳ lạ giữa việc chị đối mặt với căn bệnh của mình và chối bỏ nó. Chỉ sau cuộc phỏng vấn này, chúng tôi mới có thể hiểu được phần nào về thái độ lưỡng phân như thế. Chị ấy đề nghị được đến hội thảo không phải vì muốn nói về bệnh tật hay chết chóc mà để phụng sự trong khi bị hạn chế và không đi ra khỏi giường. “Chừng nào tôi còn hoạt động thì tôi còn sống”, chị ấy từng nói như thế. Chị ấy an ủi những bệnh nhân khác nhưng thực ra là khá bực tức vì không có bờ vai nào để dựa vào. Chị ấy gọi điện thoại cho cha tuyên úy để xưng tội, gần như bí mật, nhưng chỉ thừa nhận một cách ngắn gọn trong cuộc phỏng vấn thỉnh thoảng cảm giác thấy chán nản và cần nói chuyện. Chị ấy kết thúc cuộc phỏng vấn bằng cách nói: “Tôi cảm thấy khỏe mạnh chẳng khác gì chị và cha tuyên úy”, có nghĩa là: “Tôi đã vén mạng che mặt, bây giờ tôi sẽ che mặt lại”.

Trong cuộc phỏng vấn này, rõ ràng là phàn nàn đồng nghĩa với chết. Cả cha và mẹ chị không bao giờ phàn nàn và chỉ thừa nhận là mình bị ốm trước khi qua đời. Chị L. phải hoạt động và bận rộn nếu còn muốn sống. Chị phải là đôi mắt của người chồng khiếm thị và giúp anh ta chối bỏ tình trạng mất dần thị lực của mình. Khi anh ta bị tai nạn vì thị lực kém, chị đã tạo ra một vụ tai nạn tương tự để nhấn mạnh rằng nó không liên quan gì đến bệnh tật của anh ấy. Khi chán nản, chị phải nói chuyện với người nào đó chứ không phàn nàn: “Người phàn nàn đang ngồi xe lăn mười bảy năm rồi!”

Có thể dễ hiểu rằng căn bệnh đang nặng thêm với tất cả những hệ lụy của nó là rất khó chịu đựng đối với một bệnh nhân cảm thấy mạnh mẽ đến mức cho rằng phàn nàn thì sau đó nhất định sẽ là tàn tật vĩnh viễn hoặc chết.

Bệnh nhân này được người thân giúp đỡ, họ để chị gọi điện và nói về “những chuyện khác”, rồi đặt chiếc tivi trong phòng để chị ấy quên đi, sau đó là những tác phẩm nghệ thuật và thủ công mà chị ấy có thể làm để mang lại cho chị cảm giác “vẫn còn hoạt động được”. Khi chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh giảng dạy của những cuộc phỏng vấn như thế, bệnh nhân như chị L. có thể chia sẻ rất nhiều chuyện bất bình mà không cảm thấy rằng mình sẽ bị coi là người hay phàn nàn.

 

No comments:

Post a Comment