(Reality, Spirituality and Modern Man)
David Hawkins, M. D., Ph. D.
Phạm Nguyên Trường dịch
CHƯƠNG 1
Tổng quan
Trong quá khứ, quá trình phát triển trong bất kỳ lĩnh vực hiểu biết quan trọng nào của kiến thức con người đều rất lý thú và được tưởng thưởng vì nó cho con người biết kiến thức hình thành như thế nào và tạo ra động lực. Đặc điểm bẩm sinh của tính ham hiểu biết là không bao giờ thỏa mãn được, vốn là bản chất của quá trình tiến hóa của sinh vật và nhân loại, nó cung cấp năng lượng cho nghiên cứu tìm tòi.
Tất cả các sinh vật sống đều luôn luôn tận tụy với nghiên cứu, điều tra và phát hiện, thu thập và lưu trữ dữ liệu. Đấy là cốt lõi của đời sống động vật, vì đời sống động vật bẩm sinh là không có nguồn cung cấp năng lượng ở bên trong, nó phải nhận năng lượng từ môi trường và nguồn cung cấp từ bên ngoài. Đến lượt mình, nó đòi hỏi phải liên tục thám hiểm nhằm xác định và phân loại những nguồn năng lượng sẵn có. Vì vậy, học tập (hiểu biết) là nhu cầu bẩm sinh để sống còn. Thủ đắc thông tin tuân theo các chương trình sinh học đã được cài đặt, nó được gắn sẵn trong cơ cấu và chức năng (thiết kế) của chính cơ thể sinh vật. Năng lực này gia tăng trên cây tiến hóa cùng với tầng ý thức được hiệu chỉnh.
Khi kiểm tra, làn sóng tiến hóa nguyên thủy nằm trong chất nền của tất cả nhận thức và trí thông minh, được gọi một cách tổng quát là “ý thức”, nó là trường năng lượng phi tuyến tính, không có hình tướng, vô hạn, vô biên vô tế, mang tính phổ quát và bao gồm tất cả các khía cạnh của sáng tạo và vũ trụ (không được nhầm lẫn với thuật ngữ phân tâm học về “vô thức” của Freud, Jung, và các cộng sự). Một trong những phẩm chất độc đáo của ý thức là nhận thức, nhờ đó phát sinh khả năng có một không hai là “biết”. Không có nhận thức, người ta vẫn tồn tại, nhưng ngược đời là, không “biết” rằng mình đang tồn tại.
Kỳ lạ là, phải đến mãi gần đây nhân loại mới thực sự nhận thức được chính trường ý thức hoặc vai trò quan trọng của nó. Trong quá khứ, chỉ có những giác giả vĩ đại hay các thánh thần giáng thế mới nói đến chất nền cơ bản của thực tại, nó chính là bối cảnh tối thượng của tất cả trải nghiệm (ví dụ, “Đại ngã”; “Phật tính”). Mặc dù triết học và tâm lý học đã khảo sát nội dung tâm trí của ý thức (“tâm trí”), người ta đã không nói tới chất nền cơ bản của tâm trí (ý thức/nhận thức), nhờ đó mà quá trình tư duy có thể được được nhận thức và trải nghiệm theo lối chủ quan.
Vì trường năng lượng của ý thức là vô hình tướng và phi tuyến tính, trước đây nó không được người ta công nhận là quan trọng, cần nghiên cứu hay thậm chí là nhắc đến, trừ các giác giả đã chứng ngộ trong những giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, trong mấy thập kỷ gần đây, đã có bước đột phá lớn trong lĩnh vực khoa học, đấy là Nguyên lý Bất định Heisenberg. Nguyên lý này nói rằng, chỉ cần quan sát là đã làm kết quả của thí nghiệm thay đổi rồi (làm sụp đổ hàm sóng, từ tiềm năng trở thành hiện thực), và do đó, đây là lần đầu tiên, chính ý thức cũng như ý định, đã đi vào lý thuyết và thảo luận khoa học. (Xem Stapp, 2007).
Trí
thông minh
Trí thông minh bao gồm khả năng trừu tượng hóa và tổ chức thành lớp lang, định nghĩa và phân tầng ý nghĩa cốt lõi và hoạt động. Những khả năng này sau đó được tiếp tục làm rõ bằng cách chia tách thông qua ý nghĩ hoặc tư duy (ngữ nghĩa). Những thuật ngữ sau là nói tới nội dung của trí thông minh, nó còn gắn bó chặt chẽ với và là hậu quả của sự hiện diện của trường ý thức rộng lớn hơn. Lưu ý rằng, cả trí thông minh lẫn ý thức đều là vô hình tướng. Trí thông minh bao gồm khả năng rút ra thiết kế, ý nghĩa, và giá trị trong hàm ý có tính trừu tượng. Năng lực trí tuệ có thể được xác định được cùng với một loạt các khả năng thể hiện bằng chỉ số thông minh (IQ).
Khác với IQ là khả năng tương đối cố định, tồn tại suốt đời; tầng ý thức của cá nhân, có thể được hiệu chỉnh ngay từ khi mới chào đời, có thể tăng lên thậm chí đến tầng rất cao, đấy là kết quả của những hoàn cảnh thuận lợi, chẳng hạn như ảnh hưởng của vị thầy tâm linh/tôn giáo, động lực, giáo dục tâm linh, và tiếp xúc với mỹ thuật từ sớm. Về mặt sinh học, những yếu tố này cũng ảnh hưởng đến chức năng não và sự thống trị của một bán cầu, cũng như các mô thức kết nối thần kinh và phản ứng hóa học của não bộ thông qua chất dẫn truyền thần kinh và dẫn truyền ở vai (humeral transmitters). Vì vậy, trong khi IQ có thể nói đến năng lực trí tuệ, sự thăng tiến của chính tầng ý thức có thể làm lu mờ vai quan trọng của nó, tầng ý thức phản ánh thiên hướng di truyền, ý định mang tính ý chí và lựa chọn.
Như Đức Phật đã chỉ ra, được sinh ra làm người là may mắn, vì vương quốc của con người cung cấp những cơ hội gần như vô giới hạn để con người trưởng thành và phát triển tầng ý thức và nhận thức tâm linh phù hợp. Các nguyên tắc về “nghiệp” (số phận tâm linh) mà mọi người đều biết, bao gồm nhận thức rằng vương quốc của con người cung cấp cho người ta cơ hội tối đa để hành thiện và tiêu trừ ác nghiệp.
Mặc dù không cần phải tin vào “nghiệp”, không cần coi nó như là giáo điều, toàn thể loài người, trong mọi thời đại, đã nhận thức được số phận của linh hồn, như là nền tảng tinh thần của đời sống và tồn tại. Số phận của linh hồn là tiêu điểm của tất cả những nền văn minh vĩ đại như Ai Cập cổ đại, rất lâu trước khi Đức Phật, Krishna, Zoroaster hay Jesus Christ ra đời.
Thậm chí 10.000 năm trước Công nguyên, ở Ai Cập cổ đại, “Ka” hay linh hồn đã được miêu tả là rời khỏi cơ thể đúng vào lúc cơ thể vật lý chết. Lúc đó Osiris, vị thần của Địa ngục, cân trái tim của người đó trên Cái cân Sự thật. Nếu nó nghiêng về sự thật, nó sẽ lên thiên đàng, nhưng nếu nó nghiêng về phía dối trá, nó sẽ đi đến những tầng địa ngục thấp hơn. Sự thừa kế tâm linh mang tính tập thể của nhân loại (nghiệp) và số phận của nó cũng được nói rõ trong sách Sáng Thế Ký, đấy là kết quả việc rời khỏi thiên đàng, nguyên thủy, phi tuyến tính, (Vườn Địa Đàng), rơi vào khuynh hướng giả dối, sau đó là rơi vào ý thức nhị nguyên và tuyến tính (sự phân đôi thiện và ác).
Có thể dễ dàng ghi lại và thể hiện bằng biểu đồ tầng tổng thể của ý thức của đời sống, nó đã tiến triển một cách từ từ qua các thời đại, được thể hiện bằng quá trình tiến hóa của vương quốc động vật (xem Chương 4). Tương tự như thế, tầng ý thức của quá trình tiến hóa của nhân loại cũng cho thấy cùng một kiều tiến hóa như thế theo thời gian.
Vào thời Đức Phật đản sinh, ý thức của nhân loại có điểm hiệu chỉnh 90. Tầng ý thức tập thể của nhân loại vươn tới 100 điểm khi Chúa Jesus Christ giáng sinh và tăng một cách chậm chạp lên 190 điểm, và giữ nguyên ở đây trong suốt nhiều thế kỉ. Chỉ đến cuối những năm 1980 nó mới đột ngột tăng từ 190 lên cao hơn tầng tới hạn 200, để lên 204, và sau đó vươn lên 207. Sau đó, năm 2007, nó lại giảm xuống còn 204.
Hiện nay, khoảng 85% người dân trên thế giới có điểm hiệu chỉnh nằm bên dưới tầng tới hạn 200. Ở Hoa Kỳ, 55% dân số nằm dưới tầng 200, con số này rất có ý nghĩa, vì vào năm 2005, chỉ có 49% nằm dưới tầng này mà thôi. Sự tiêu cực tập thể của dân chúng có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200 được cân bằng bởi thiểu số những người có điểm hiệu chỉnh trên 200; những người này có sức mạnh bên trong tích cực lớn hơn rất nhiều lần lực hút tiêu cực của đám đông dưới 200. Sức mạnh bên trong gia tăng theo hàm số mũ; do đó, thực sự chỉ cần rất ít người có tầng ý thức cực kỳ cao là đủ để đối trọng với sự tiêu cực của phần còn lại của nhân loại.
Phân
bố tầng ý thức của nhân loại
Đáng quan tâm và rất quan trọng là việc phân bố tầng ý thức của dân chúng trên hành tinh là không đồng đều. Có sự khác biệt rất lớn giữa các nền văn hóa và dân chúng; nó là cơ sở của những xung đột, được thể hiện thường xuyên trong những căng thẳng giữa các chủng tộc và giữa các nước; và chiến tranh thì được gọi là “sự xung đột giữa các nền văn minh” (ví dụ, Washington, DC, có điểm hiệu chỉnh 424; ngược lại, Baghdad có điểm hiệu chỉnh 160).
Tầng ý thức là nguồn gốc của những vụ xung đột của nhân loại
Mỗi tầng ý thức đại diện cho một trường năng lượng đang giữ thế thượng phong, như là hệ quả của “trường điểm hút” phù hợp với nó, tương tự như từ trường hoặc trường hấp dẫn. Những trường này có sức mạnh và ưu thế ngày càng gia tăng và phản ánh sự phân cực. Trường năng lượng bên trên tầng ý thức 200 thu hút và phát phóng những thứ tích cực (chân thực, yêu thương và duy trì sự sống) và đẩy lùi những thứ tiêu cực, trong khi những tầng bên dưới 200 thu hút những thứ tiêu cực, dối trá và phá hoại (ví dụ, lòng căm thù) và đẩy lùi những thứ tích cực. Những trường vô hình này trước đây chưa xác định được, chưa nhận dạng được, chúng lan tràn khắp nơi, giữ thế thượng phong và ảnh hưởng đến mọi quyết định, hành vi, tri giác, văn hóa, tôn giáo và khả năng hiểu biết, cũng như phạm vi của khả năng cảm xúc của con người.
Về mặt xã hội, các cá nhân bị hút về phía những người có cùng tầng ý thức với mình, có thể dễ dàng thấy các tiểu văn hóa khác nhau, từ các nhóm bạo lực hay tội phạm đến những nhóm có tính hỗ trợ, định hướng tâm linh và nhân từ. Mỗi nhóm có logo, ngôn ngữ và phương thức tư duy riêng. Mỗi nhóm cũng có phân tầng chính trị và quan niệm riêng về đạo đức và ứng xử xã hội. Như có thể dễ dàng nhận thấy, những nhóm người này thường xuyên chống đối lẫn nhau và dẫn đến những cuộc chiến tranh bất tận trong lĩnh vực văn hóa và quân sự.
Ở những tầng ý thức thấp nhất, đời sống không còn giá trị và giết người, tự sát, giết người hàng loạt, giết trẻ em, chọi chó và diệt chủng là đặc điểm thường gặp vì lòng hận thù là thái độ đặc hữu của họ (ví dụ, “Chúng tôi tôn thờ cái chết”, điểm hiệu chỉnh của tầng ý thức này là 20). Ngược lại, ở tầng ý thức trên 200, đời sống được coi là quý giá, và do đó, giết người vô tội là không thể tưởng tượng được, vì đời sống được coi là món quà Thiêng liêng. (Đời sống thực sự là món quà Thiêng liêng có điểm hiệu chỉnh 1.000).
Hiển nhiên là, mỗi tầng ý thức của con người có một “thực tại” bẩm sinh của riêng nó và xung đột giữa các dân tộc và nền văn hóa hoàn toàn trái ngược nhau là không thể tránh được. Điều mà nhóm người này ca ngợi thì lại bị đám người khác chế diễu. Ví dụ, trung thực là đức tính tốt hay nó là biểu hiện của sự ngu ngốc và yếu đuối ngớ ngẩn? Phụ nữ phải bị đánh giá thấp và ném đá cho đến chết hay cần vinh danh? Cần phải vô hiệu hóa những người có đức tin khác mình và giết chết, hay ta nên hiểu họ? Cần lên án hay tha thứ cho những hành động tàn ác? Trung thực và đạo đức có phải là lực lượng bảo vệ sự ổn định xã hội được xây dựng trên cơ sở thực tế hay chỉ đơn giản là “những khái niệm ngữ nghĩa có tính đàn áp về chính trị”? Sự thật có phải là tuyệt đối (bản chất) hay nó là tùy tiện và chỉ là phản ánh có tính tương đối của dư luận nhất thời (vẻ ngoài, tri giác), chỉ thể hiện những thành kiến xã hội mà thôi?
Sự phân đôi nghiêm trọng nhất phát sinh từ việc lật ngược thật giả ở những tầng ý thức dưới 200. Do đó, trong thế giới ngày nay đang diễn ra sự đối đầu đầy kịch tính giữa những thái cực này, trong đó những nền văn hóa dựa trên đức tin hiện có điểm hiệu chỉnh thấp nhất là 20 (Nguyên thủy, Thánh chiến) đe dọa toàn bộ thế giới bằng vũ khí hạt nhân. Trong các dân tộc và đất nước văn minh, tính duy lý và thái độ kiềm chế là kỳ vọng đặc thù, nhưng ở tầng ý thức thấp nhất thì những phẩm chất này lại bị chế giễu, bị coi là khiếm khuyết, chính những người này lại dễ mắc chứng bài ngoại, hoang tưởng, ảo tưởng và bạo lực tràn lan là do lòng hận thù thúc đẩy.
Trong suốt chiều dài của lịch sử, những mô thức tương tự tái diễn không chỉ giữa các cá nhân mà còn giữa các giai cấp, quốc gia, nền văn hóa và tôn giáo; tức là giữa những người tìm cách ma quỷ hóa những các quan điểm khác mình. Như vậy là, thực ra là có hai nền văn hóa phân cực, rất khác nhau, hoàn toàn trái ngược nhau: những người ở trên và những người ở dưới tầng ý thức 200, và mỗi bên đều coi bên kia là kẻ thù.
Như sẽ được trình bày trong phần sau, xung đột giữa hai nền văn minh đối lập nhau không chỉ xuất phát từ hệ tư tưởng mà còn trong hoạt động sinh học, chức năng não của những người này hoạt động khác nhau, trong đó, sinh lý não bị chi phối bởi các bán cầu và chất dẫn truyền thần kinh khác nhau (Chương 4). Do đó, sự khác biệt về kết quả không chỉ xảy ra trong lĩnh vực xã hội, tôn giáo, chính trị và văn hóa mà còn xảy ra trong lĩnh vực sinh học, nội tiết tố và hóa học thần kinh. Cội nguồn cơ bản của sự phân đôi này xuất phát từ quá trình tiến hóa và do đó diễn ra từ xa xưa, và là đặc hữu của giống người. Vì vậy, nó là vốn có và bẩm sinh của loài hominids/chi Homo sapiens.
Giải
pháp
Chấp nhận sự khác biệt giữa các loài hominids vừa được trình bày tạo điều kiện cho chúng ta buông bỏ thái độ phủ nhận và tư duy lý tưởng hóa, cũng như những ý thức hệ về xã hội/chính trị ngây thơ. Không có lựa chọn thay thế nào trong những ý thức hệ này mang lại giải pháp mà chỉ mang lại những khoảng lặng tạm thời trong lịch sử nhân loại, trong lúc hai bên lùi lại nhằm giành được thế thượng phong trong vụ đối đầu tiếp theo. “Tử tế” dường như là bình thường đối với những người có điểm hiệu chỉnh trên 200, nhưng đối với những người có điểm hiệu chính dưới 200, nó được coi là khiếm khuyết đáng khinh, đồng thời, là sự xúc phạm và do đó không thể có giao tiếp hiệu quả. Những vụ đụng độ tương tự đã xảy ra trong nội bộ các tiểu văn hóa mang tính tôn giáo cũng như thế tục.
Chỉ thông qua trí tuệ, chấp nhận và từ bi mới có thể có hiểu biết, hiểu biết mang đến sự nhẫn nại và cách đối xử có tính thực tế trước những thế giới quan và giá trị rất khác nhau này. Tấn công và xúc phạm là kết quả của việc không hiểu được những thế giới quan, cách nghĩ, và thực tế xung đột nhau đang giữ thế thượng phong vừa nói.
Trở ngại đối với quá trình giao tiếp hiệu quả là kỳ vọng làm thay đổi quan điểm của người khác cho phù hợp với quan điểm của mình bằng cách gây chiến, đe dọa, “cải tạo”, ban hành luật pháp, truyền bá lý tưởng, truyền bá giáo điều, tuyên truyền, hay “tha thứ” bằng cách “lập trình lại”. Khiếm khuyết của mơ mộng là nó không đánh giá được hạn chế lớn của hiểu biết, đấy là hậu quả của các tầng ý thức thấp hơn, rất khó, nếu không muốn nói là không thể dạy cơ học lượng tử nâng cao cho những người có trình độ học vấn và trí tuệ hạn chế. Khó khăn trước các đề xuất nhằm thúc đẩy mục tiêu xã hội lý tưởng bằng cách “chuyển hóa văn hóa” là mỗi tầng ý thức đều có quan điểm khác nhau về cái gì là “thực” hay có tầm quan trọng hoặc giá trị hàng đầu. Vì vậy, có nền văn hóa coi hòa bình và chấp nhận là dấu hiệu của sự yếu đuối chứ không phải là mục tiêu đáng mong muốn.
Thông qua nghiên cứu, hiện nay có thể nhanh chóng xác định được tầng ý thức của những nhóm người, nền văn hóa, con người và đất nước cũng như chính trị, tôn giáo, và cơ cấu của chính phủ. Do đó, chỉ lúc đó nó mới trở thành khoa học ngoại giao có thể cung cấp nền tảng có ý nghĩa đảm bảo rằng đối thoại là có hiệu quả ( “Khoa học về Ngoại giao” trong Truth vs. Falsehood). Những điều vừa trình bày có tính đến việc xem xét bản chất của bản ngã, đặc điểm đầu tiên của nó chỉ là mong muốn giành được lơi ích. Mỗi tầng ý thức có những giá trị riêng, trong đó có những cái nó coi là đáng mong muốn hoặc lợi ích và do đó là quan trọng để đàm phán. “Hòa bình” là khẩu hiệu chính trị được ưa chuộng, nhưng có người nói rằng tiền bán dầu thực sự là có sức thuyết phục trong thế giới của thực tại kinh tế xã hội/chính trị, ví dụ, “Tiền quan trọng hơn hòa bình” (điểm hiệu chỉnh 365; Bush, 2007).
Bản ngã bám lấy lợi ích như là động lực chính trong tất cả các ý định, mục tiêu và hành động. Cùng với sự tiến hóa tâm linh, người ta rời bỏ những thứ này, để giành được lợi ích cao hơn mà người ta tri giác được. Ngay cả khi có ý định và dâng hiến mạnh mẽ, quá trình thăng tiến của nhân loại cũng diễn ra chậm chạp và khó khăn. Do đó, kiên nhẫn là điều kiện tiên quyết để có nhận thức từ bi, vì nhịp độ tiến hóa của con nhân loại thăng giáng bất thường (ví dụ, sự suy giảm tầng ý thức của nhân loại từ 207 xuống còn 204 trong những năm gần đây).
Chấp nhận rằng xung đột và chênh lệch là hiện tượng bẩm sinh của số phận của con người (ví dụ, Cain đối đầu với Abel), ngược đời là, lại mang lại cho người ta cảm giác nhẹ nhõm ở bên trong, giúp thoát khỏi mặc cảm tội lỗi. Đời sống của con người cung cấp cho chúng ta những cơ hội tối đa cho quá trình tiến hóa tâm linh. Tuy nhiên, tri giác nhìn thấy những xung đột mang tính cá nhân, cũng như xunng đột xã hội/chính trị/lý tưởng, nó coi đấy là trở ngại cho hòa bình và hạnh phúc. Ngược lại, Đại ngã tâm linh nhìn thấy sự hoàn hảo trong chính cái thế giới này.
Dù cuộc đời con người là đáng sợ hay là làm cho ngươi ra chán nản, hay thú vị và đầy thách thức, thì nó cũng là lựa chọn đặc trưng cho điểm tựa trong quá trình tiến hóa tâm linh. “Lên đường cao tốc” là một lời mời gọi từ Đại ngã tâm linh dành cho bản ngã/tự ngã. Tuy nhiên, xung đột của con người, cả bên trong lẫn bên ngoài, đều có giá trị như nhau trong quá trình tiến hóa. Ví dụ, không có người mà người ta coi là “kẻ thù”, thì sẽ tha thứ cho ai?
Niềm tin vào bản ngã và những lời hứa của nó cuối cùng đều mang lại thất vọng và vỡ mộng, tuy nhiên ngược đời là, nó lại giúp quá trình tiến hóa tâm linh bằng cách tăng cường động lực. Bằng cách kiểm tra, người ta sẽ thấy rằng cuộc sống con người trên thế gian là môi trường tối ưu cho sự thăng tiến ý thức và việc khám phá ra thực tại tâm linh, qua đó tất cả đời sống đều chuyển hóa nhằm bộc lộ sự hoàn hảo bẩm sinh của chính tồn tại (điểm hiệu chính 1.000). Với thái độ kiên nhẫn và kiên trì, Thần tính của Bản chất của Tất cả Tạo vật đều tỏa sáng và thay thế cho những tri giác sai lầm và giá trị được bản ngã phóng chiếu ra ngoài.
Mặc dù một số tuyên bố bên trên mới nghe có vẻ không rõ ràng, mục đích của thông tin trong những chương tiếp theo là nhằm làm rõ và phơi bày toàn bộ ý nghĩa. Hiểu biết là hệ quả của bối cảnh, và chính ý thức sẽ cung cấp bối cảnh cao nhất, qua đó cái dường như mơ hồ sẽ trở thành hiển nhiên.
Trong khi dối trá và bản năng của bản ngã dựa vào lực lượng bên ngoài và giả định về quan hệ “nhân quả”, thì ngược lại, sự thật là sức mạnh bên trong phi nỗ lực. Nó không khắc phục được giả dối mà chỉ thay thế nó bằng cách nhận thức được sau khi đã đưa vào bối cảnh mới, bằng cách đó “ý nghĩa” có chiều kích lớn hơn bởi vì hệ hình đã mở rộng hơn. Thực sự là không có xung đột vì cái nhỏ hơn được thay thế và hòa tan vào cái lớn hơn, tương tự như ánh sáng thay thế bóng tối chứ không chống lại nó. Bản ngã/tự ngã bị Đại ngã lớn hơn hấp thụ, cho nên dường như đấy không còn là những mặt đối lập, cũng như không còn chênh lệch vốn là nguồn gốc của xung đột.
No comments:
Post a Comment