April 3, 2023

Tóm tắt tác phẩm Becoming (Tiểu sử tự thuật của cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Michelle Obama)

Becoming Chất Michelle

Becoming

Cuốn hồi ký riêng tư, đầy sức mạnh và truyền cảm hứng của cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ

Michelle Obama


Giới thiệu chung

 Becoming Chất Michelle (2018) kể câu chuyện của Michelle Obama, nhũ danh là Robinson. Sinh ra trong một gia đình đầy yêu thương ở một khu phố thuộc tầng lớp lao động của thành phố Chicago, bà đã trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, tình cờ gặp và yêu người đàn ông tên là Barack Obama. Đây là câu chuyện cuộc đời của một người phụ nữ không mơ ước trở thành Đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên, nhưng đã tìm ra con đường để tiếp tục thể hiện tiếng nói độc đáo của mình trong những hoàn cảnh bất thường và thử thách nhất.

Về tác giả

Michelle Obama tốt nghiệp Đại học Princeton trước khi theo học Trường Luật Harvard và sau đó gia nhập công ty luật danh giá Sidley & Austin tại Chicago. Bà từng làm việc trong văn phòng thị trưởng của Tòa thị chính Chicago trước khi trở thành Giám đốc điều hành của chương trình cố vấn thanh niên gọi là Public Allies. Sau đó, bà làm Giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề cộng đồng của Trung tâm Y tế Đại học Chicago. Kể từ khi trở thành Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, bà đã viết rất nhiều sách và là người ủng hộ cho các chương trình sức khỏe trẻ em cũng như các vấn đề mà các gia đình quân nhân đang gặp phải.

Tia sách 1

 Khởi đầu đầy tham vọng

 Một trong những ký ức đầu tiên của Michelle Obama là âm thanh của những phím đàn piano. Đối với đôi tai của cô, đây là âm thanh của tham vọng. Trong căn phòng bên dưới phòng ngủ của cô, Robbie, dì cố của Michelle, dạy đàn piano. Ngày nào cũng vậy, Michelle đều có thể nghe thấy tiếng đàn của các học sinh của Robbie khi họ dò dẫm một cách tuyệt vọng những bài hát của mình. Âm thanh của thứ âm nhạc nghiệp dư này đã tạo được ấn tượng mạnh đối với Michelle, đến nỗi khi mới lên 4, cô đã có tham vọng. Michelle chắc chắn rằng mình muốn học piano.

Đấy là giai đoạn cuối những năm 1960, ở khu bờ Nam, thành phố Chicago. Đó là thời kỳ hỗn loạn về chính trị và bất ổn về xã hội, nhưng Michelle còn quá nhỏ, chưa thể hiểu nhiều về những sự việc đang diễn ra bên ngoài ngôi nhà của mình. Gia đình cô gồm có anh trai, Craig, lớn hơn cô hai tuổi; cha cô, công nhân tại một nhà máy lọc nước và là người yêu thích đội bóng chày Chicago Cubs; và mẹ cô, khâu vá rất thành thạo và là người tích cực trong việc gây quỹ cho cộng đồng.

Một trong những điều thực sự gắn kết gia đình họ lại với nhau là âm nhạc. Ở nhà, cha cô luôn mở nhạc jazz. Còn ở nhà ông nội, mỗi phòng đều có một chiếc loa được kết nối với hệ thống âm thanh nổi; mỗi khi gia đình họp mặt thì tiếng hát và tiếng kèn lại vang lên khắp nhà; đấy là tiếng hát của Ella Fitzgerald, John Coltrane, Miles Davis. Mọi người đều gọi ông nội của cô là “Southside” (tạm dịch là phía Nam), chính ông đã mua cho Michelle đĩa hát đầu tiên: Talking Book của Stevie Wonder's

Nhưng học chơi nhạc lại là một câu chuyện khác. Hơn nữa, Robbie rất cứng nhắc và nghiêm khắc. Tư thế của bà có thể nói là không thể chê vào đâu được. Với cặp kính luôn luôn đeo quanh cổ, bà sẵn sàng săm soi mọi thứ. Bà thường xuyên mắng mỏ học trò. Nhưng, Michelle rất muốn được bà chấp thuận cho học đàn.

Nếu bạn đã từng học piano, bạn biết rằng một trong những bước đầu tiên là học cách tìm được nốt Đô ở giữa. Nốt Đô giữa tương tự như cột mốc âm nhạc; biết vị trí của nó là bạn biết đặt tay trên các phím một cách chính xác. Nhưng khi bạn mới lên bốn và ngồi trước 88 phím đàn, việc tìm nốt Đô ở giữa không phải là dễ. May mắn thay, trên cây đàn piano của Robbie, phím này đã bị sứt một chút nên rất dễ phát hiện.

Nhìn chung, Michelle là học sinh xuất sắc và tiến bộ rất nhanh - hơi nhanh quá khiến Robbie cảm thấy lo lắng. Chẳng bao lâu sau, Michelle đã tìm cách chuyển sang những bài hát nâng cao hơn trong tập nhạc. Không những điều này không gây ấn tượng đối với Robbie mà còn làm cho bà tức giận, và bà khăng khăng đòi Michelle làm theo lời mình và đi từng bước một.

Thế rồi buổi biểu diễn lớn đầu tiên của Michelle cũng đến. Mỗi năm một lần, Robbie đều đưa học sinh của mình tới biểu diễn ở hội trường âm nhạc của Đại học Roosevelt. Michelle thắt bím tóc và mặc một chiếc váy rất dễ thương. Cô đã sẵn sàng tỏa sáng. Nhưng khi vừa ngồi xuống bên cây đàn piano, cô đã phát run. Không có phím đàn bị sứt. Phím Đô ở giữa đâu rồi?

Bà Robbie đã cứu cô. Bà bình tĩnh bước lên sân khấu, vươn tay qua vai Michelle như một thiên thần hộ mệnh và chỉ cho cô phím Đô. Lúc này, Michelle đã có thể bắt đầu biểu diễn.

Tia sách 2

 Học tự tin

Michelle lớn lên bên cạnh những người luôn cố gắng. Cố gắng tận dụng tối đa những gì họ có, và cố gắng mang lại cho con em mình những cơ hội tốt hơn là những cơ hội mà họ đã có thời niên thiếu. Ngay cả khi còn là học sinh tiểu học, Michelle đã cố gắng học tốt. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của cô, không phải lúc nào cô cũng dễ dàng tỏa sáng.

Ví dụ, lớp hai, nơi Michelle học toàn những đứa trẻ nghịch ngợm, còn thấy giáo lại bất lực, không thể kiểm soát được học sinh. May mắn thay, khi Michelle giải thích rằng mình rất ghét lớp học này, mẹ cô đã nghe theo và nhanh chóng đề nghị thầy giáo kiểm tra và chuyển lên lớp ba với những đứa trẻ có thành tích cao và ham học.

Michelle vẫn tự hỏi cuộc đời mình sẽ ra sao nếu mẹ không can thiệp đúng lúc. Vì cô tiếp tục có thành tích học tập tốt, cuối cùng cô đã giành được một suất vào Trường trung học Whitney M. Young – ngôi trường dành cơ hội như nhau cho tất cả học sinh, với những thầy cô giáo có tư tưởng tiến bộ, thu hút được học sinh học giỏi từ khắp nơi trong thành phố.

Nhưng lúc này, sau khi tìm được một ngôi trường phù hợp, cô phải học cách hòa nhập với nó. Lần đầu tiên, Michelle gặp những đứa trẻ đến từ phía Bắc, phần giàu có hơn của Chicago – những đứa trẻ có hộ chiếu và đi nghỉ đông trong các khu trượt tuyết. Những đứa trẻ mang ví hàng hiệu và sống trong những căn hộ trong các tòa nhà cao tầng.

Tuy nhiên, Michelle đã kết thân với một bạn học. Santita Jackson là con gái của Jesse Jackson, nhà lãnh đạo chính trị nổi tiếng, và Michelle được chào đón trong gia đình Jackson, rất thú vị và đầy màu sắc. Một hôm, trời nắng nóng như thiêu như đốt, Michelle thậm chí còn diễu hành trong Cuộc diễu hành nhân Ngày Bud Billiken cùng với Sanita và những người ủng hộ Jesse Jackson.

Nó đánh dấu bước đầu Michelle làm quen với đời sống chính trị. Và nói thật là, nó không lấy gì làm hấp dẫn với cô. Gia đình Jackson rất ồn ào, nhân viên chạy loạn cả lên, không gian bình tĩnh hoặc ổn định là điều hiếm hoi. Là một cô gái lịch sự và ý thức được việc kiểm soát bản thân, cô có thể nói rằng đấy thực ra không phải là cuộc sống của cô.

Michelle bắt đầu có được sự tự tin về trí tuệ ngay khi học trung học. Cô nhận thức được rằng càng học chăm chỉ, cô càng tiến gần đến vị trí đứng đầu lớp. Và khi lên cuối cấp, cô đã được bầu làm thủ quỹ của lớp, tham gia Hiệp hội Danh dự Quốc gia và đang trên đà lọt vào top 10% của lớp. Lúc này, cô đã đủ tự tin để nhắm tới Đại học Princeton.

Cố vấn hướng dẫn của cô không chắc chắn lắm về kế hoạch này. Bà ấy nói Michelle có thể không phải là “kiểu người của Princeton.” Nhưng lúc này Michelle đã đủ tự tin để biết rằng cố vấn của mình sai. Michelle nộp đơn. Cô tiếp tục phấn đấu. Và, cuối cùng, cô đã được nhận vào trường.

Tia sách 3

 Trường mới, hình mẫu mới

 Michelle bị Princeton lôi cuốn một phần vì anh trai cô, Craig, đã vào học ở đó và nhanh chóng trở thành ngôi sao trong đội bóng rổ, khiến cha họ rất vui. Vì vậy, Michelle không hoàn toàn đơn độc khi lần đầu tiên đặt chân vào khuôn viên tại New Jersey của trường đại học này. Nhưng điều đó không có nghĩa là khuôn viên trường đã trở thành ngôi nhà thứ hai của cô. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Ngày đầu tiên ở Princeton, Michelle bỏ đồ đạc của mình trong phòng ký túc xá và nhìn một đám sinh viên ngoài cửa sổ - chủ yếu là người da trắng, phần lớn là nam giới - kéo đồ đạc của họ qua khuôn viên nhà trường. Sống ở một nơi mà mình là một trong số rất ít những người da màu - đây là một cảm giác mới lạ đối với Michelle. Trên thực tế, lớp sinh viên năm thứ nhất trong khóa của Michelle có chưa tới 9% là người Da đen. Theo lời cô, đó giống như một hạt anh túc trong một bát cơm vậy.

Mặc dù ban đầu cảm thấy khó chịu, cô đã tìm được cộng đồng hỗ trợ từ một tổ chức trong khuôn viên trường có tên Trung tâm Thế giới Thứ ba (TWC). Khi bắt đầu làm trợ lý cho nữ lãnh đạo điều hành TWC, Michelle cũng đã có được một người cố vấn đầy cảm hứng.

Czerny Brasuell, thủ trưởng mới của Michelle, là người phụ nữ da đen trẻ đẹp và táo bạo, luôn luôn vận động. Người ta thường thấy bà chạy từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, với một chồng giấy tờ kẹp vào nách và điếu thuốc lá lủng lẳng trên môi. Czerny là người sôi nổi, không biết mệt mỏi là gì, một sức mạnh tự nhiên. Và bà đã làm tất cả những việc này trong khi phải tự mình nuôi con.

Czerny gây được ấn tượng đặc biệt trong chuyến đi đến thành phố New York. Michelle chưa bao giờ tới thành phố xa hoa này. Nó làm cô ngạc nhiên và lo lắng. Tiếng còi xe inh ỏi. Tiếng người hét chói tai. Mọi thứ di chuyển nhanh và hối hả. Nhưng Czerny không những không bị tất cả những chuyển động điên rồ, hối hả này làm cho bối rối; dường như bà được nó tiếp thêm năng lượng. Bà vượt qua những chiếc taxi và những người đi bộ chẳng thèm chú ý đến ai, đỗ bên cạnh chiếc xe khác, chạy ra chạy vào các cửa hàng, và làm ra vẻ như không có gì to tát.

Có lúc, không thể đỗ cạnh chiếc xe khác, Czerny đã để Michelle cầm lái, rồi bảo lái xe quanh khu nhà một vài lần để bà làm một vài thứ. Lúc đầu Michelle hơi bị sốc. Nhưng khi nhìn thấy nét mặt Czerny, cô nhảy lên cầm lái. Nét mặt Czerny muốn nói: “Hãy vượt lên và vui sống đi".

Ở Princeton, Michelle theo học chuyên ngành xã hội học, và cô dự định xin vào Trường Luật Harvard. Nhưng ngoài chuyện học thuật, cô đã học được từ Czerny rất nhiều điều về cuộc sống. Michelle biết rằng, một ngày nào đó, cô muốn trở thành người mẹ vừa nuôi con vừa đi làm - và Czerny là tấm gương hoàn hảo: vừa duyên dáng vừa có phong cách.

Tia sách 4

 Một ngày đáng nhớ

 Sau khi tốt nghiệp Trường Luật Harvard năm 1988, Michelle quay lại Chicago để tham gia Sidley & Austin, một công ty luật danh giá. Một phần công việc của Michelle là tư vấn cho các sinh viên luật có triển vọng và có thể sắp xếp để họ gia nhập công ty sau khi tốt nghiệp. Chính trong bối cảnh này, Michelle đã gặp người thanh niên trang nhã, tên là Barack Obama.

Trước khi gặp, Michelle đã nghe người ta nói về chàng trai trẻ đáng chú ý này, nhưng Michelle vẫn hoài nghi. Các giáo sư ở Harvard gọi anh là người sinh viên tài năng nhất mà họ từng có dịp làm việc cùng. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Michelle, các giáo sư da trắng thường tỏ ra khó chịu với những người đàn ông da đen thông minh lại còn ăn vận bảnh bao. Thêm nữa, anh chàng còn cả gan đến muộn ngay trong lần hẹn đầu tiên. Và tệ nhất là anh ta hút thuốc!

Khi Barack cuối cùng cũng đến, có thể thấy ngay là anh ta thực sự rất khác biệt. Anh đã làm việc vài năm trước khi theo học trường Luật Harvard, vì vậy anh hơn cô vài tuổi. Ở anh tỏa ra thái độ tự tin và tự lực. Nhiều đến mức mọi người trong công ty đều háo hức muốn biết ý kiến của anh về mọi việc họ đang làm.

Tuy nhiên, anh ấy và Michelle lại có cùng chí hướng, và chẳng bao lâu sau quan hệ giữa họ đã trở nên thân thiết. Anh là quen thuộc các khu dân cư phía Nam của thành phố Chicago, nơi anh đã từng làm việc trong vai trò người tổ chức cộng đồng. Và chắc chắn anh rất đẹp trai. Tuy nhiên, Michelle không nghĩ ngay rằng họ là một cặp uyên ương. Ngày tháng cứ thế trôi, những cuộc gặp gỡ của họ diễn ra suôn sẻ và cuối cùng cô chấp nhận lời tỏ tình của anh: cô sẽ tìm cách bỏ qua việc anh hút thuốc và hẹn hò với anh.

Trong buổi hẹn hò đầu tiên, cô hơi có thái độ đề phòng. Xét cho cùng, cô đã đi trên một con đường rất cứng nhắc trong phần lớn cuộc đời mình, săn đuổi hết mục tiêu nghề nghiệp này đến mục tiêu nghề nghiệp khác. Chỉ gần đây, Michelle mới bắt đầu nhận ra rằng cô chưa bao giờ ngừng tự lại để hỏi liệu đây có phải là cuộc sống mà cô thực sự mong muốn hay không. Michelle ngày càng cảm thấy không chắc chắn về con đường mình đã chọn. Điều này khiến cho bản tính tự tin và dễ gần của Barack dường như là một mối đe dọa. Nhưng dần dần thái độ phòng thủ của cô bắt đầu rơi rụng dần.

Barack có cách suy nghĩ khác với những người mà cô từng quen. Không phải chỉ vì anh là người thông minh và thích đọc về phát triển nhà đô thị khi có thời gian rảnh. Anh cũng không quan tâm đến tiền bạc. Mong muốn tạo ra sự khác biệt của anh lấn át mối quan tâm về của cải. Và vì vậy, đây là lần đầu tiên, Michelle bắt đầu suy nghĩ rất lâu và kỹ về sự nghiệp mà cô thực sự muốn theo đuổi.

Cuối cùng, sau khi tham dự bữa tiệc ngoài trời ở nhà một đồng nghiệp, nơi Michelle đã xem Barack chơi bóng rổ, cô có thể cảm thấy mình giảm tốc độ để đi cùng với anh. Barack có cái mà bạn có thể gọi là sự tự nhiên của người Hawaii. Cuối ngày hôm đó, sau khi ăn kem, lần đầu tiên họ hôn nhau. Và cứ như thế, mọi nghi ngờ về người chồng tương lai của cô dường như tan biến.

Tia sách 5

 Thay đổi và Mất mát

 Khoảng thời gian đáng lẽ là thú vị của mối tình vừa chớm nở lại là khoảng thời gian đầy thất vọng, vì Barack phải quay về Boston hoàn thành chương trình học tập ở Harvard. Đáng khen cho anh là nhà trường đã chọn anh trở thành biên tập viên Da đen đầu tiên của Harvard Law Review một tờ tạp chí uy tín của trường.

Và trong khi cặp uyên ương mới đang tìm cách tận hưởng mối quan hệ yêu xa, thì Michelle nhận được một tin không vui. Cha cô phải nằm viện.

Michelle biết rằng ông đã chiến đấu với bệnh đa xơ cứng, nhưng giờ đây nó đã khiến ông đau đến nỗi chỉ cần đứng lên là đã không chịu nổi rồi. Trong vài tuần, Michelle đến bệnh viện chỉ để chứng kiến tình trạng của cha cô ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Thân hình mạnh mẽ không gì lay chuyển nổi trong cuộc đời mới 55 tuổi bỗng nhiên trông thật yếu ớt.

Mặc dù ông không thể nói, nhưng ánh mắt của ông và việc ông liên tục hôn lên bàn tay của Michelle đã nói lên tất cả những gì cần nói. Ông nói rằng rất yêu con và chào tạm biệt.

Tiếp tục cuộc sống sau khi một người thân yêu ra đi là việc không dễ dàng, nhưng năm 1991, mọi thứ đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Barack đã trở lại Chicago, và cuối cùng hai người có thể tận hưởng niềm vui được sống cùng nhau. Mặc dù được nhiều nơi mời làm việc, nhưng Barack vẫn chu đáo và ân cần như trước. Anh luôn quan tâm tới việc giúp một người bạn làm một hội thảo cộng đồng hơn là một công việc với mức lương kếch xù ở một công ty luật.

Trong khi đó, Michelle đang xem xét khả năng có thay đổi to lớn trong sự nghiệp của mình. Bây giờ đã rất rõ rằng công việc cô thực sự muốn làm là trực tiếp giúp đỡ mọi người, chứ không phải là phân tích các hợp đồng công ty. May mắn thay, năm 1991 là năm cô gặp một nhân vật khác có ảnh hưởng lớn trong cuộc đời mình: Valerie Jarrett.

Giống như Michelle, Valerie là luật sư đã từ bỏ công việc lương cao để thực hiện mong muốn giúp đỡ mọi người. Hai người nhanh chóng gắn bó với nhau và Valerie đã giúp Michelle trở thành trợ lý cho thị trưởng Chicago, Richard Daley Jr. Nhưng đây mới chỉ là khởi đầu của mối quan hệ kéo dài suốt cả cuộc. Valerie tiếp tục là một người bạn và người cố vấn quý giá của gia đình Michelle.

Nói về gia đình: Tháng 10 năm 1992, Michelle và Barack kết hôn, mặc dù vậy họ có rất ít thời gian dành cho tuần trăng mật. Tháng 11 năm đó có một cuộc bầu cử quan trọng và Barack được mời tham gia vào sáng kiến Project VOTE! được thiết kế nhằm giúp người dân trong các cộng đồng Da đen đăng ký đi bỏ phiếu. Barack làm việc không mệt mỏi, chỉ trong một tuần đã lôi kéo được 7.000 người đăng ký.

Sau đó, vào năm 1993, sau vài năm làm việc tại Tòa thị chính, Michelle đã tìm được công việc mới: giám đốc điều hành của một tổ chức phi lợi nhuận, gọi là Public Allies, tạm dịch là Đồng minh Công chúng, chuyên tìm cách kết nối những người trẻ có triển vọng với các cố vấn trong lĩnh vực công. Từ chính kinh nghiệm của mình, Michelle hiểu rằng, gặp đúng người có thể dẫn đến những kết quả làm thay đổi cuộc đời. Chính vì vậy, cô cảm thấy đam mê với mục đích của tổ chức và tìm thấy ý nghĩa sâu sắc trong công việc.

Tia sách 6

 Sự chấp thuận không dễ dàng

 Vào một đêm mùa hè nóng bức, khi mới bắt đầu quen nhau, Michelle đi cùng Barack đến một tầng hầm nhà thờ ở Roseland, một khu phố nằm trong khu vực phía Nam của thành phố Chicago. Người dân ở đó đang phải vật lộn nhằm xây dựng lại cộng đồng sau khi các nhà máy đóng cửa. Barack muốn giúp đỡ họ. Tuy vậy trong tầng hầm chật chội, dưới ánh đèn huỳnh quang đó, một nhóm người, hầu hết là phụ nữ lớn tuổi tỏ ra rất nghi ngờ về người đàn ông da đen trẻ tuổi ăn mặc bảnh bao này. Liệu anh ta có thể làm được gì?

Michelle đã rất ngạc nhiên chứng kiến Barack dần thu phục được nhóm người. Anh nói về sức mạnh của việc tham gia các hoạt động chính trị. Bạn sẽ bỏ cuộc, hay sẽ đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn? Anh kêu gọi họ bỏ phiếu và gây áp lực lên những đại diện khu vực của mình. Cuối cùng, những người phụ nữ này cùng kêu to "Amen!"

Chính hôm đó, Michelle đã nhận ra rằng chồng mình có sức thuyết phục và truyền cảm hứng đến mức nào. Nhưng trong khi tài năng của anh mở ra rất nhiều cánh cửa, thì đôi khi nó cũng thử thách cuộc hôn nhân của họ.

Sau chiến dịch Project VOTE!, tạp chí Chicago cũng đã chú ý đến tài năng của Barack. Bài báo đi xa đến mức gợi ý rằng chàng trai trẻ này nên ra tranh cử chức Tổng thống. Nhưng Barack đã từ chối. Lúc ấy, anh tập trung hơn vào việc hoàn thành cuốn sách đầu tiên của mình. Đó là cuốn hồi ký viết về những trải nghiệm đầu đời của chính anh. Cuốn sách kể câu chuyện quan trọng đối với anh, nhưng anh cũng còn động lực khác: Nếu không hoàn thành ngay trong thời gian tới, anh sẽ phải trả lại 40.000 đô la tiền ứng trước từ nhà xuất bản!

Cuối cùng, anh đã hoàn thành cuốn sách đúng thời hạn, và Dreams from My Father (tạm dịch Những giấc mơ từ cha tôi) được xuất bản vào năm 1995 - cũng năm đó Barack chính thức tham gia chính trường.

Michelle rất hoài nghi về ý tưởng này, vì nhiều lý do. Trước hết, cô không thích những gì cô biết hoặc đọc về các chính trị gia và tiến trình chính trị. Hầu hết các chính trị gia dường như đều bị tư lợi chiếm hết tâm trí và chỉ vài người trong đó là những người được mô tả như lực lượng thúc đẩy những điều tốt đẹp mà thôi. Thêm vào đó, trải nghiệm của cô ở gia đình Jackson cho cô ấy thấy rằng các chính trị gia thường xuyên vắng nhà trong những giai đoạn rất dài. Trong suy nghĩ của cô, Barack có nhiều khả năng tạo ra khác biệt nếu anh lãnh đạo một tổ chức phi lợi nhuận chứ không phải là chính trị gia trong một văn phòng ngột ngạt nào đó.

Tuy nhiên, một cơ hội lớn đã hiện ra trước mắt họ. Đó là chiếc ghế trong Thượng viện bang Illinois, đại diện cho quận Hyde Park, chính nơi họ đang sống.

Michelle đã cảnh báo Barack rằng cuối cùng anh sẽ thất vọng – dù nỗ lực đến mức nào thì cũng không có gì thay đổi. Barack nhún vai. “Cũng có thể,” anh nói. “Nhưng cũng có thể anh sẽ làm được một số việc tốt. Ai biết?"

Thật khó cãi. Cuối cùng, Michelle đã chấp thuận. Cô hoài nghi, và cô lo lắng rằng người chồng nghiêm túc và lý tưởng của mình sẽ bị người ta ăn tươi nuốt sống. Nhưng cô không định cản đường một con người có thiện ý muốn tạo ra sự thay đổi.

Tia sách 7

 Mặt tối của chính trị

 Nếu có một sự khác biệt rõ ràng giữa Michelle và Barack, thì đó là cách họ xử lý các cuộc va chạm và công kích cá nhân: Barack có khả năng tuyệt vời trong việc chấp nhận cả mặt tốt lẫn mặt xấu của cuộc đời, trong khi Michelle cảm thấy khó khăn khi phớt lờ nhận xét của người nào đó làm cho cô cảm thấy bị tổn thương. Trong cuộc sống chung cho đến nay, sự khác biệt này không phải là vấn đề lớn. Nhưng khi bạn làm chính trị, về cơ bản, bạn đang mở cửa cho các cuộc tấn công cá nhân và những lời buộc tội vô căn cứ – và đây có thể là thứ không dễ gì làm quen được, đặc biệt là đối với một người như Michelle.

Một trong những sự cố đầu tiên thực sự ảnh hưởng đến Michelle xảy ra vào cuối năm 1999, khi Barack đang tham gia chiến dịch tranh cử sơ bộ để giành một ghế trong Hạ viện. Đối thủ của anh là các đảng viên Đảng Dân chủ Bobby Rush và Donne Trotter.

Mọi thứ nhanh chóng leo thang vào giữa kỳ nghỉ lễ, khi Thượng viện Illinois bất ngờ tuyên bố bỏ phiếu khẩn cấp về dự luật kiểm soát súng đang gây ra những cuộc tranh cãi nóng bỏng. Lúc đó, Barack và Michelle đang ở Hawaii thăm họ hàng và cô con gái vừa mới sinh của họ, Malia, bị nhiễm trùng tai. Lần mang thai đầu tiên của Michelle khá khó khăn và hai người đã chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, vì vậy bệnh của Malia đặc biệt đáng lo ngại. Vì điều kiện sức khỏe, Malia không thể đi máy bay. Barack đã chọn ở lại Hawaii với con gái, chứ không bay về Chicago. Anh đã chiến đấu hết mình vì dự luật này, và bây giờ anh ấy sẽ không thể bỏ phiếu. Đó là quyết định khó khăn, mặc dù anh tin tưởng chắc chắn rằng đặt gia đình lên hàng đầu là lựa chọn đúng đắn.

Tuy nhiên, một loạt các cuộc tấn công vào tính cách của Barack đã nhanh chóng diễn ra ngay sau đó. Một bài xã luận trên một tờ báo địa phương đã gọi những người không tham gia bỏ phiếu là “những con cừu không có gan”. Nhưng các đối thủ chính của Barack đã có những cuộc tấn công mang tính cá nhân hơn hẳn. Bobby Rush đặt vấn đề về tính chuyên nghiệp của Barack và gọi anh là “kẻ ngốc có học”. Donne Trotter cáo buộc anh là “dùng con của mình như một cái cớ để không đi làm,” và con nói thêm rằng anh là “một người da trắng mặc đồ đen.”

Bạn có thể nói rằng quyết định của Barack chắc chắn sẽ bị đem ra làm vũ khí chính trị, nhưng Michelle đã bị tổn thương sâu sắc. Đây là những cuộc tấn công rất độc ác và không đúng sự thật.

Sau đó mặc dù Barack đã thua trong cuộc bầu cử sơ bộ, anh vẫn tiếp tục phục vụ tại thượng viện bang. Nhưng quan trọng hơn, tháng 6 năm 2001, cô con gái thứ hai của gia đình Michelle chào đời: Natasha Marian Obama. Thường được gọi là Sasha.

Tia sách 8

 Thay đổi của trái tim

 Quan điểm của Michelle về chính trị không thực sự được cải thiện cùng với thời gian. Là thượng nghị sĩ bang, Barack thường xuyên vắng nhà. Chỉ đơn giản là tìm được thời gian để thưởng thức bữa tối gia đình cùng nhau đã là của hiếm. Trên thực tế, việc Barack thường xuyên vắng nhà đã trở thành một vấn đề lớn đến nỗi cuối cùng họ phải gặp chuyên gia tư vấn hôn nhân. Vì vậy, khi ý tưởng tham gia tranh cử vào Thượng viện Hoa Kỳ được đưa ra, Michelle thực sự không vui.

Điều mà Michelle đã không nói với Barack lúc đó là bà thực sự không tin rằng ông sẽ thắng. Nói cho cùng, ông từng thua cuộc bầu cử sơ bộ trước đó không lâu. Vì vậy, Michelle đã đồng ý, nhưng bà bắt ông hứa rằng, nếu thua, ông sẽ từ bỏ chính trị và tìm con đường khác để tạo ra sự khác biệt trên thế giới này. Dường như định mệnh đã sắp đặt, lần này đối thủ Đảng Cộng hòa đã bỏ cuộc!

Trở thành Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Barack thậm chí còn bận rộn hơn và việc không có thời gian dành cho gia đình đã thực sự trở thành vấn đề. Ông thường xuyên gọi điện về nhà để nói: “Anh đang trên đường” hoặc “Sắp về đến nhà rồi” và Michelle đã phải học cách diễn giải những câu nói này. Những điều này thực sự có nghĩa là ông có thể sẽ kết thúc cuộc trò chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ với một đồng nghiệp trước khi ông có thể lên xe để bắt đầu về nhà.

Và rồi đến Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ năm 2004. Ứng cử viên tổng thống John Kerry đề nghị Barack đọc bài diễn văn khai mạc quan trọng, đây là hành động mạo hiểm đáng kinh ngạc, vì hầu hết người Mỹ bên ngoài Illinois đều không biết đến ông - và ông là cũng chỉ mới làm quen với việc dùng máy nhắc chữ và xuất hiện trên truyền hình vào khung giờ vàng. Nếu nói rằng năm 2004 là một năm may mắn đối với Barack thì sẽ là quá nhẹ. Trên thực tế, có cảm giác như vận mệnh mang tầm vũ trụ đang diễn ra.

Sự thật là Barack đã chuẩn bị bài phát biểu cho chiến dịch tranh cử của Đảng Dân chủ trong phần lớn cuộc đời mình, và đó là lý do vì sao bài phát biểu đó lại có sức thuyết phục lớn đến như thế. Đúng là ông đã thuộc lòng nó, nhưng ông đã nói từ trái tim mình. Đó không phải là một bài phát biểu làm Michelle ngạc nhiên, vì bà biết chồng mình tuyệt vời đến mức nào. Nhưng bây giờ không chỉ bà mà cả nước Mỹ đều đã biết điều đó, và ông đã trở thành tin giật gân chỉ sau một đêm.

Như nhà bình luận Chris Matthews trên kênh NBC đã nói sau khi nghe bài phát biểu, "Tôi vừa nhìn thấy vị tổng thống Da đen đầu tiên."

Và tất nhiên, Barack cuối cùng đã tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tiếp theo. Khi ông tuyên bố ứng cử, Michelle đã vô cùng sửng sốt khi thấy 15.000 người có mặt tại sự kiện này, mặc dù đó là một ngày rất lạnh ở Illinois. Cứ như thể gia đình bà đột nhiên trở thành một ban nhạc rock vậy!

Từ lúc này, Michelle đã thay đổi quan điểm về chính trị. Bà hiểu rằng những người này đang trông cậy vào họ. Bà bắt đầu cảm thấy cam kết và trách nhiệm; bà phải xuất hiện trước những người Mỹ coi chồng bà như một ngọn hải đăng của hy vọng. Lúc này bà cần phải đóng vai trò to lớn trong việc chia sẻ thông điệp và kể câu chuyện của chồng minh.

Tia sách 9

 Đấu tranh cho sự bình thường

 Mọi thứ đã thay đổi trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2008. Người chồng mà bà từng biết đã trở thành một cái bóng mờ - một người đàn ông thường xuyên di chuyển và cần có mặt ở mọi nơi cùng một lúc. Và sau đó những lời đe dọa lại ập đến. Barack đã nhận được thông tin chi tiết về an ninh từ cơ quan mật vụ sớm hơn bất kỳ ứng cử viên nào khác trong lịch sử.

Michelle hiểu lý do của việc tăng cường an ninh, nhưng bà cũng lo lắng không biết cuộc sống bất thường trong chiến dịch tranh cử này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hai đứa con của mình. Vì vậy, cùng với việc cả nước luôn luôn dõi theo mọi hành động của họ, Michelle tìm cách giữ mọi thứ bình thường nhất có thể.

Ngày 4 tháng 7 năm 2008, trong khi đang vận động tranh cử ở Montana thì họ vẫn cố gắng hết sức để tổ chức sinh nhật nho nhỏ cho Malia trong một chuyến dã ngoại. Cô bé ngồi ở đó, trước một chiếc bánh mì kẹp pho mát trên đĩa, xung quanh là một nhóm người lạ mặt đang hát bài “Chúc mừng sinh nhật”, khi các nhân viên mật vụ lảng vảng gần đó. Liệu cô bé có thực sự nhớ về buổi sinh nhật này như một ngày hạnh phúc?

Nhưng sự thật là, các con của Barack đã xử lý tất cả một cách tự tin, giúp cho cuộc vận động tranh cử trở nên dễ chịu hơn. Họ thích chơi bài với các nhân viên tham gia chiến dịch và săn lùng kem khi họ đến một thị trấn mới. Các mật vụ thường trở thành những người bạn lớn tuổi. Và trên hết, chúng thực sự không quan tâm đến tất cả sự chú ý mà mọi người dành cho ông bố của mình.

Tất nhiên, mọi thứ đã rẽ sang một hướng khác ngay khi Barack thắng cử. Rõ ràng là cuộc sống trong Nhà Trắng có nghĩa là bước vào một vũ trụ kỳ lạ. Trong thực tại này, ngay cả những việc đơn giản nhất, chẳng hạn như bước ra khỏi cửa trước hoặc mua một tấm thiệp sinh nhật, cũng có thể cần nỗ lực mang tính phối hợp của nhiều người, trong đó có nhiều nghi thức an ninh.

Việc Michelle và Barack mất đi một phần riêng tư và tự chủ là một chuyện, nhưng bà quyết tâm giữ mọi thứ bình thường nhất có thể cho các con mình.

Một trong những việc đầu tiên Michelle làm là đảm bảo rằng Sasha và Malia hiểu rằng, mặc dù Nhà Trắng trang nghiêm đến mức khắc khổ, đấy vẫn là nhà của họ. Hai đứa có thể chơi ở hành lang và lục lọi trong chạn thức ăn để tìm đồ ăn vặt. Đặc biệt, Michelle ưu tiên tìm ra một hệ thống đáng tin cậy để cho phép bạn bè của các con đến thăm.

Tất cả các quy tắc và hạn chế của Nhà Trắng không làm cho việc nuôi dạy các con trở nên dễ dàng. Nhưng ngay từ đầu, Michelle đã thấy một số thứ làm cho bà cảm dễ thở hơn một chút. Một ngày mùa đông, bà nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy Sasha và Malia đã mượn một cái khay lớn trong nhà bếp và dùng nó để trượt xuống một con dốc phủ đầy tuyết ở bãi có phía Nam của Nhà Trắng. Nó làm cho bà nghĩ rằng, dù sao, đối với họ có lẽ trải nghiệm này cũng không quá tệ.

Tia sách 10

 Đệ nhất phu nhân

 Có một số khía cạnh tích cực đối với cuộc sống khi ở trong Nhà Trắng. Một trong những lợi ích nhãn tiền là Barack không còn phải đi xa mỗi ngày. Văn phòng Bầu dục thực sự nằm ở ngay tầng dưới phòng ngủ của họ! Thật kỳ lạ, khi làm tổng thống, Barack có mặt trong nhiều bữa tối hơn hẳn so với khi còn là thượng nghị sĩ.

Nhưng bây giờ Michelle lại đứng trước thử thách mới, có một không hai: làm Đệ nhất phu nhân. Thật không may là công việc này không có kịch bản. Tuy nhiên, Michelle nhận thức rõ ràng rằng cả thế giới sẽ theo dõi gia đình bà. Và vì Michelle không chỉ là Đệ nhất phu nhân mà còn là Đệ nhất phu nhân người Mỹ gốc Phi đầu tiên, thế giới chắc chắn sẽ theo dõi sát sao và chỉ chờ đợi một bước đi sai lầm.

Trong vai cựu Đệ nhất phu nhân, Hillary Clinton nói với bà một số cảnh báo trung thực về những cạm bẫy tiềm tàng. Một trong số đó là tham gia quá nhiều vào chương trình nghị sự của chính quyền. Hillary đã bị người ta chỉ trích nặng nề vì muốn sử dụng kinh nghiệm của mình với tư cách là một luật sư nhằm giúp thiết lập các chính sách về y tế và các vấn đề khác. Theo kinh nghiệm của Hillary, công chúng tin rằng Đệ nhất phu nhân không nên hành động như một quan chức dân cử. Vì vậy, Michelle đã cẩn thận bắt đầu các sáng kiến có thể bổ sung cho các chính sách của chính quyền trong khi vẫn được coi là nỗ lực của chính họ.

Một trong những nỗ lực đầu tiên của bà là sáng kiến Let's Move!, nhằm giải quyết bệnh béo phì ở trẻ em, tình trạng nghiêm trọng này đã tăng gấp ba lần trong 30 năm qua, dẫn đến cứ ba trẻ em Mỹ thì có một trẻ bị béo phì hoặc thừa cân. Trọng tâm của chương trình này là ý tưởng của Michelle về việc bắt đầu có một vườn rau ở Nhà Trắng. Nó không chỉ thúc đẩy việc ăn thực phẩm tươi sống và tốt cho sức khỏe mà còn hỗ trợ những nỗ lực của bà trong việc biến Nhà Trắng giống như một ngôi nhà chứ không phải là một pháo đài.

Sau một hồi bàn thảo, người ta cấp cho dự án này 102 m2 đất nằm trong khu vực bãi có phía Nam của Nhà Trắng. Khi mùa xuân tới, Michelle và một nhóm học sinh lớp năm của Trường tiểu học Bancroft trong khu vực làm việc với xẻng và cuốc để chuẩn bị đất để trồng cây. Mấy tuần sau, báo chí được mời đến xem việc trồng cà rốt, rau diếp, hành tây, rau bina, bông cải xanh, thì là, rau cải thìa, đậu Hà Lan và nhiều loại thảo mộc khác.

Công việc làm vườn được báo chí đưa tin rất nhiều, điều này tốt cho sáng kiến, nhưng nó cũng kèm theo một số áp lực. Như bất kỳ người làm vườn nào cũng biết, gieo hạt không phải lúc nào cũng dẫn đến nảy mầm. Michelle có thể dễ dàng hình dung báo chí có thái độ xấu sẽ đến khi khu vườn không chịu hợp tác với bà. Nó chắc chắn sẽ khiến nhiệm kỳ Đệ nhất phu nhân của bà có một khởi đầu làm cho bà phải lúng túng.

May mắn là, các loại rau đã làm phần việc của mình. Sau mười tuần, vụ thu hoạch đầu tiên mang lại 40kg sản phẩm, và được đưa ngay vào bữa ăn hàng ngày ở Nhà Trắng. Trước khi bà rời Nhà Trắng, mỗi năm khu vườn cung cấp được hơn 900 kg rau xanh.

Tia sách 11

 Một cuộc hẹn thất bại và một lời nhắc nhở khó chịu

 Khi bạn là Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, hẹn hò ở bên ngoài với chồng là công việc không hề dễ dàng. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Michelle và Barack đã cố gắng tìm cho mình một đêm riêng. Có vẻ như từ rất lâu họ đã không hẹn hò với nhau, và ý tưởng về bữa tối và xem kịch ở Broadway dường như quá tuyệt vời, không thể nào bỏ qua được. Chắc chắn, nó có thể đòi hỏi phải có kế hoạch nghiêm túc, nhưng nó đáng giá như thế, phải không?

Hóa ra, không phải như thế. Đoàn xe của tổng thống đã làm cho giao thông ở New York bị tắc nghẽn nghiêm trọng, và những người ở cả nhà hàng cũng như nhà hát đều phải qua kiểm tra an ninh. Nó không chỉ làm người ta lúng túng; nó mở màn cho cuộc diễu hành báo chí tiêu cực.

Trong khi gia đình đã quen với cuộc sống trong Nhà Trắng khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Michelle vẫn cảm thấy khó xử với một số báo chí. Đặc biệt, bà cảm thấy khó chịu với việc các phương tiện truyền thông lan truyền những tin đồn xấu về chồng mình. Họ cho rằng ông đã nói dối về nơi sinh của mình và bằng cách nào đó đã làm giả giấy khai sinh cũng như các tin ngắn trên báo Hawaii về ngày sinh của ông.

Bên cạnh việc gây tổn thương, những cáo buộc này dường như xúi giục bạo động – những người đe dọa sử dụng bạo lực nhằm chống lại Barack. Những tin đồn như vậy đã xuất hiện từ năm 2008, nhưng khi chúng xuất hiện trở lại vào mùa đông năm 2011, một tay súng đã nổ súng nhắm vào tầng dành cho gia đình Tổng thống trong Nhà Trắng bằng một khẩu súng trường bán tự động.

Phải mất nhiều tháng mới có thể sửa chữa xong, và trong thời gian đó, vẫn còn một vết lõm khá lớn trên cửa sổ chống đạn trong phòng đọc của Michelle. Dấu vết của cái đầu đạn xấu xí đó như một lời nhắc nhở rõ ràng về lý do tại sao có quá nhiều nghi thức và quy trình an ninh.

Một năm sau, Michelle quyết định lấy bạo lực súng đạn làm trung tâm cho một sáng kiến khác của mình. Hadiya Pendleton là một cô gái 15 tuổi đã tham dự lễ nhậm chức của Barack vào tháng 1 năm 2013. Chỉ vài ngày sau, cô trở thành người thứ 36 trong tháng đó bị giết bằng súng ở Chicago.

Sau khi dự đám tang Hadiya, Michelle đã nhờ chánh văn phòng của mình phối hợp với Thị trưởng Chicago, Raham Emanuel, giúp đỡ những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn trong thành phố. Michelle đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo cộng đồng và thông qua nỗ lực hợp tác, họ đã có thể quyên góp được 33 triệu đôla cho các chương trình dành cho thanh thiếu niên trong thành phố.

Michelle cũng mời các học sinh từ trường trung học Harper, nằm ở phía Nam Chicago, đến thăm Nhà Trắng và tham quan Đại học Howard. Nhận được một cái ôm từ Đệ nhất phu nhân sẽ không giải quyết được vấn đề của bất kỳ ai. Nhưng bà muốn trấn an những đứa trẻ này rằng việc đến từ phía Nam Chicago không có nghĩa là tương lai của bạn đã được viết sẵn.

Nuôi dạy những đứa trẻ trong một môi trường xa lạ như thế hay thể hiện tiếng nói của chính mình trong chương trình nghị sự của Barack chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Nhưng nhìn lại, Michelle tự hào về những việc bà đã làm được. Lúc đầu, bà vẫn có giọng cằn nhằn tự hỏi liệu mình có thực sự đủ tốt hay không. Nhưng một lần nữa, bà đã có thể tự tin để nói: “Vâng, tôi là thế”

Tuy nhiên, Michelle vẫn không thích chính trị và không có ý định tranh cử vào bất kỳ chức vụ nào.

Kết luận

Tóm tắt cuối cùng

 Cuộc đời của Michelle Obama là một cuộc đời phấn đấu – phấn đấu để làm tốt hơn trong vai trò một sinh viên, một chuyên gia, một người mẹ và một Đệ nhất Phu nhân. Trên đường đi, bà đã học để hiểu rõ hơn con người mình và những việc bà muốn làm với cuộc đời của mình, chứ không cố gắng hoàn thành một số kỳ vọng đã được định ra từ trước. Michelle trở thành người phụ nữ độc lập theo ý mình: một bà-mẹ-đi-làm có thể giúp đỡ con cái cũng như những người trong cộng đồng của mình. Và vì bà có thể đã đạt đến một điểm nhất định trong cuộc đời, điều đó không có nghĩa là bà sẽ ngừng phấn đấu trong việc giúp đỡ người khác.

Nhìn lại, có thể thấy quãng thời gian ở Nhà Trắng của bà đã mang lại một số thành công. Cùng với chương trình Let's Move! mang lại bữa ăn trưa lành mạnh hơn ở trường cho 45 triệu trẻ em và 11 triệu trẻ em đăng ký tham gia các hoạt động ngoài giờ học trong khuôn khổ chương trình. Sáng kiến Joining Forces giúp 1,5 triệu cựu chiến binh và vợ/chồng của họ tìm việc làm. Trong khi đó, sáng kiến Let Girls Learn của bà đã huy động được hàng tỷ đô la nhằm giúp các bé gái trên toàn thế giới được đến trường, khơi nguồn cảm hứng và trao quyền cho các em qua giáo dục. Đây chắc chắn là những thành tựu to lớn. Nhưng có một thành tích mà đối với Michelle còn vĩ đại hơn: mặc cho những đòi hỏi khi còn đương chức, bà và chồng mình vẫn có thể nuôi dạy hai cô con gái tuyệt vời.

 

 

 

 

1 comment: