April 20, 2025

Lại bàn về nghiệp lực (4)

 

Nếu không có một Thượng Đế trừng phạt thì làm sao người ta lại gặp khổ nạn hay bị bệnh tật?

 3.      Cộng nghiệp 

Chúng ta đã nói về khổ nạn của từng cá nhân, trong Phật giáo gọi đấy là do “biệt nghiệp”, nhưng chúng ta cũng thường thấy những khổ nạn như thiên tai, bão lụt, cháy rừng, nạn đói, dịch bệnh, chiến tranh… giáng xuống cả một cộng đồng, cả một dân tộc, thậm chí xoá sổ cả một nền văn minh. Giải thích như thế nào? 

Trong Phật giáo có khái niệm gọi là “Cộng nghiệp”. Đấy là do những người có cùng sở thích, cùng quan điểm dễ dàng tìm đến và kết nối với nhau. Điều này không chỉ đúng trong cuộc sống hàng ngày mà còn thể hiện rõ nét trong quy luật của nghiệp. Những người mang trong mình những nghiệp xấu, những suy nghĩ tiêu cực, thường có xu hướng “hút” lẫn nhau, tạo thành một cộng đồng có cùng năng lượng như nhau, nhưng được khuếch đại lên nhiều lần. 

Theo nguyên lý “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, sự tập hợp của những nghiệp xấu này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người mà còn có thể tạo ra những tác động lớn hơn đối với môi trường xung quanh. Hãy hình dung một vùng đất nơi có nhiều người cùng nuôi dưỡng lòng tham, ích kỷ và thù hận. Năng lượng tiêu cực tích tụ có thể tạo ra sự mất cân bằng trong môi trường sống, dẫn đến những biến đổi khí hậu bất thường, những thiên tai như bão lũ, hạn hán. Sữa giả, thuốc giả, dùng bột màu công nghiệp làm chất phụ gia thực phẩm tàn phá sức khoẻ hàng triệu người; phân bón giả, thuốc trừ sâu giả… làm cho năng suất thu hoạch giảm đi; tách trách làm cho các loại vi rút thoát ra khỏi phòng thí nghiệm hay chất phóng xạ thoát ra khỏi nhà máy điện hạt nhân, thậm chí nổ cà nhà máy điện hạt nhân.. vân vân và vân vân. Chỉ liệt kê một vài hiện tượng như thế đã thấy rằng những người có nhiều nghiệp lực quần tụ với nhau đã đủ làm hai nhau ghê gớm tới mức nào, đâu cần Thánh thần/Chúa/Thượng đế trừng phạt gì nữa? 



Chiến tranh cũng là một minh chứng rõ ràng cho cộng nghiệp. Những xung đột, tranh giành xuất phát từ lòng tham, thái độ hiếu chiến của một bộ phận người trong xã hội, khi lan rộng sẽ cuốn theo vô số người khác, gây ra đau khổ và mất mát trên diện rộng. Ví dụ rõ nhất là dân tộc Đức cách đây 100 năm. Ai có thể ngờ được rằng dân tộc thông minh như thế, “triết học” như thế lại để cho một kẻ tâm thần là Goebels dắt mũi và gây ra chiến tranh với toàn thế giới. Chết chóc, khổ đau và tàn phá là đương nhiên. Ngay trong thời đại hiện nay mà 70-80% dân chúng ở một nước kia vẫn bầu cho, vẫn ủng hộ vị tổng thống hiếu chiến đến mức sẵn sàng sử dụng cả bom hạt nhân thì đau khổ và chết chóc cũng sẽ là đương nhiên. Đây không phải là Chúa/Phật/Thượng Đế trừng phạt mà họ tự chiêu mời thần chết và tàn phá tới nước mình, tới nhà mình. Không ai có thể cứu được họ. 

Như vậy, những hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt hay những thảm họa xã hội như chiến tranh không phải là sự trừng phạt của một vị Thượng Đế nào đó, mà là kết quả tất yếu của cộng nghiệp, của sự cộng hưởng những năng lượng tiêu cực do chính con người tạo ra. Chúng ta cùng nhau gieo nhân xấu, thì cùng nhau gặt quả đắng.


No comments:

Post a Comment