October 10, 2021

THIỀN ĐÀM VỀ NGHIỆP LỰC LUÂN BÁO

Bài học từ câu chuyện con khỉ, con bướm và ông quan hiểu đạo lý

Xin nhắc lại một đạo lý vô cùng quan trọng trong câu chuyện “con bướm vỗ cánh ở rừng mưa nhiệt đớiBrazil có thể gây ra trận bão tuyết ở Phần Lan”: Mọi thứ đều có quan hệ mật thiết và hữu cơ với nhau. Hơn nữa, con bướm nhỏ bé, với đôi cánh yếu ớt mà tác động còn như thế thì ý nghĩ, lời nói và hành động của con người còn có ảnh hưởng tới mức nào? Đối với con người, có thể nói, cơn nóng giận của một người ở Vũng Tàu có thể làm tan một tảng bang lớn ở Nam Cực!  

Câu chuyện con khỉ biết rửa khoai còn cho ta biết rằng tất cả những tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta đều được vũ trụ ghi vào bộ nhớ vô cùng vô tận của mình. Rồi một lúc nào đó dữ liệu này sẽ được truy xuất ra và gây ra ảnh hưởng tới chúng ta hoặc đồng bào, con cháu chúng ta.

Thế giới hiện nay dường như nhỏ lại và nhờ khoa học cũng như thông tin mà con người có thể ghi nhận được những hiện tượng như thế, nhưng người xưa đã biết từ lâu. Đấy là thuyết Tam Tài: Thiên-Địa-Nhân (Trời-Đất-Người) liên quan mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau và giao hòa với nhau.



Có thể kể thêm vài sự kiện nữa. Khi một nhà khoa học tại bất kỳ một phòng thí nghiệm nào trên thế giới cố gắng tổng hợp một loại tinh thể mới, họ thường nhận thấy công việc này cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, cứ mỗi lần có một nhà khoa học nào đó thành công, thì các đồng nghiệp của ông ta trên khắp nơi trên thế giới dường như đều có thể hoàn thành công việc tổng hợp hợp chất hoá học mới của riêng họ một cách nhanh chóng hơn. Trên thực tế, khi hợp chất đó được kết tinh càng nhiều lần, quy trình này càng trở nên dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn vào mỗi lần kế tiếp. Hoặc, khi vận động viên điền kinh Roger Bannister phá kỉ lục chạy một dặm bốn phút, anh đã khơi gợi một quan niệm hoàn toàn mới, phá vỡ quan niệm cho rằng chạy một dặm trong bốn phút là đạt đến giới hạn của con người.

Từ những hiện tượng vừa nêu, Rupert Sheldrake (1942-) đề xuất khái niệm trường tạo hình thái (morphogenetic fields) hay trường M. Vận động viên điền kinh Roger Bannister phá kỉ lục chạy một dặm bốn phút là anh đã lập ra trường M mới, nhiều vận động viên điền kinh đột nhiên bắt đầu phá vỡ kỉ lục chạy một dặm trong bốn phút. Hiện tượng này xảy ra mỗi khi nhân loại bứt phá để tạo ra một hệ hình mới, dù đấy là khả năng bay (trường M do anh em nhà Wright tạo ra), hay khả năng cai rượu (trường M do Bill W., người sáng lập hội Người nghiện rượu ẩn danh, tạo ra). Quá trình tổng hợp các tinh thể mới được nhắc tới bên trên thì cũng thế. Các mô thức làm công việc tổ chức vô hình này hành động tương tự như các mô thức năng lượng nhằm thiết lập các hình thức trên các tầng thứ khác nhau của đời sống. Trong các trường năng lượng của ý thức cũng có một cái gì đó tương tự như các trường M và đấy chính là nền tảng cho các khuôn mẫu tư duy và hình ảnh – người ta gọi hiện tượng này là “nguyên nhân mang tính tổ chức”. Sau khi một trường M nào đó được tạo ra, tất cả những người lặp lại thành tích này đều góp phần củng cố năng lượng bên trong của trường M đó.

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với hiện tượng là những ý tưởng mới thường hay gặp nhau (một số người ở cách xa nhau đồng thời cùng nghĩ tới một ý tưởng). Bằng cách nào đó, trường M hoạt động như một nguyên tắc tổ chức, tương tự như sức hút của từ trường. Trường M không phải di chuyển đi đâu hết. Nó là trường năng lượng đứng yên nhưng lại có mặt ở khắp mọi nơi. Một khi được tạo ra, nó tồn tại dưới dạng mô hình phổ biến có sẵn trong vũ trụ. Có thể tưởng tượng rằng khi làm những việc có ích, chúng ta tạo ra hay củng cố trường trường M+ (tích cực), còn khi làm những việc xấu thì chúng ta tạo ra hay củng cố trường M- (tiêu cực).

David R. Hawkin viết (tác phẩm Power vs. Force): “Vũ trụ nín thở trong từng khoảnh khắc khi chúng ta quyết định con đường mình sẽ đi; vì vũ trụ, cốt tủy của sự sống, cực kì tỉnh thức. Mỗi hành động, suy nghĩ và lựa chọn đều góp thêm một nét vào bức tranh vĩnh viễn tồn tại với thời gian; những quyết định của chúng ta len lỏi qua vũ trụ của ý thức và sẽ tác động đến đời sống của vạn vật. Xin đừng cho rằng ý tưởng này là thần bí hoặc hão huyền, xin nhớ rằng nguyên lý cơ bản của vật lý lý thuyết hiện đại: mọi thứ trong vũ trụ đều kết nối với nhau.

Các quyết định của chúng ta củng cố cho quá trình hình thành các trường M đầy sức mạnh, đấy chính là những mô thức điểm hút ảnh hưởng đến những mô thức điểm hút khác. Ngay cả khi một người ngồi một mình trong một cái hang, thì suy nghĩ của anh ta cũng ảnh hưởng đến những người khác, dù anh ta có muốn hay không. Nếu hành động hoặc quyết định của bạn hỗ trợ cuộc sống thì nó cũng hỗ trợ cuộc sống của muôn loài, trong đó có cuộc sống của chính bạn” (hết trích).

Mà theo triết lý của nhà Phật thì đấy chính là nghiệp lực luân báo. Ý nghĩ, lời nói, việc làm, đều tạo nghiệp. Nghiệp do cá nhân làm và chỉ tác động tới cá nhân đó thì được gọi là Biệt nghiệp; còn nghiệp do nhiều người cùng làm và tác động tới cả cộng đồng thì được gọi là Cộng nghiệp. Nếu biệt nghiệp góp phần tạo ra số phận của một người thì cộng nghiệp tạo góp phần ra số phận của cả cộng đồng. Cộng nghiệp xấu có thể tạo ra thiên tai, thảm họa, chiến tranh. Những người có cùng nghiệp lực có thể quần tụ tại khu vực rồi sẽ có sóng thần hay các loại thiên tai khác, và cũng có thể đi cùng một chuyến tàu, một chuyến máy bay để rồi gặp nạn cùng nhau. Nhưng con người, do không hiểu biết lại bảo những tai họa như thế là hiện tượng tự nhiên. Thật đáng buồn thay!

Biệt nghiệp

Nói đến nghiệp báo, nhiều người thường nghĩ rằng có một lực lượng nào đó làm công việc báo oán và nếu có quả báo đi chăng thì cũng sẽ xảy ra trong tương lai rất xa, chẳng cần nghĩ tới làm gì. Nhưng không phải như thế. Thứ nhất, nghiệp báo là tự động, tương tự như lực và phản lực, có lực thì có phản lực; tạo nghiệp thì nhất định sẽ gặp quả báo. Thứ hai, quả báo có thể xảy ra trong tương lai, thậm chí trong kiếp sau, nếu ta tin rằng có kiếp sau; nhưng nhiều “quả” sẽ xảy ra trong kiếp này, thậm chí xảy ra ngay khi vừa tạo nghiệp.

Trước hết xin nói về sức khỏe. Khi ta tranh đấu với người khác để giành một chút lợi ích vật chất nào đó, ta thấy tim đập mạnh và nhanh hơn, mặt đỏ lên; hoặc khi cãi nhau với người khác chỉ vì một chuyện vặt vãnh nào đó ta cũng cảm thấy những hiện tượng tương tự. Thậm chí, có khi, trong lúc tắm hay ăn cơm, ta bỗng phát hiện ra rằng đang tức tối hay đang “cãi nhau” với một ai đó và người cũng run lên chẳng khác gì “đối tác” đang đứng ngay trước mặt mình. Thế mà những tình cảm như lo lắng, bồn chồn, ghen tị, đố kị… chính là những cái bơm đang hàng ngày hàng giờ bơm chất độc ra khắp thân thể và sẽ gây ra những chứng bệnh như đau dạ dày, suy thận, suy gan, sỏi thận, ung thư…Xét như thế, câu “Bệnh từ miệng mà vào” chỉ đúng một phần. Tâm trí không thanh tịnh, thiếu bình hòa cũng gây ra rất nhiều bệnh tật. Chỉ là chúng ta không chịu để ý mà thôi.   

Cũng về vấn đề sức khỏe, có thể bổ xung hiện tượng đầu độc nhau. Ban đầu, cách đây có thể là khá lâu rồi, một người nào đó đã dùng những chất độc hại trong trồng trọt hoặc chất tạo nạc trong chăn nuôi, tôi gọi đó là trường M-đầu độc nhau. Người cùng xóm bắt chước, rồi cả làng bắt chước… Mỗi một người bắt chước lại củng cố thêm trường M-đầu độc nhau và bây giờ cả nước đã thành “rau hai luống, lợn hai chuồng”, tức là cả nước đầu độc lẫn nhau. Người nông dân bán những thứ có chất độc hai kia tưởng là mình khôn, nhưng anh ta có biết đâu rằng sẽ nạp vào người chất độc khi mua cá được ướp bằng phân U-rê, ăn phở được tẩm phóc môn ướp xác người, giò lụa có quá nhiều hàn the ..vân vân và vân vân.

Có một số ông thích khoe chinh phục được cô này, bà kia và lấy làm khoái chí lắm. Có thể gọi đó là trường M-Sở Khanh. Trường này cũng được tăng cường khi có nhiều người cùng làm những hành động sở khanh kia. Và rồi một số ông sẽ nhận quả đắng khi biết tin vợ mình ngoại tình, con gái mình chửa hoang hay bị đưa vào động mại dâm…

Còn các ông/bà cán bộ đảng viên trên diễn đàn hùng hồn nói về cống hiến, học tập nọ kia, nhưng lại là những kẻ tham nhũng, những kẻ ăn đút lót mà không hề biết xấu hổ là gì, thậm chí tham nhũng ngay trên đau khổ của những đồng bào đang lâm vào hoàn cảnh cùng cực, như bán thuốc ung thư rởm hay bán covid test kit với giá cao hơn giá gốc 4-5 lần…. Những người đó không biết, hay biết mà bưng tai, bịt mắt trước hiện tượng đạo đức xã hội đang trượt dốc quá nhanh, mà họ chính là những người đang góp phần làm cho nó tăng tốc. Những sự kiện như bạn bè lừa nhau, anh em đánh chém nhau, hơi một tí là thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau… Kể hết ra thì nhiều chuyện lắm. Trong xã hội như thế có tiền liệu có thể tiêu, có món ngon liệu có thể bình tĩnh mà thưởng thức hay không?

Với một số việc làm vừa kể, chúng ta đang biến các khu rừng nguyên sinh thành đấy trống, đồi núi trọc, đất trồng trọt bị phong hóa, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, và trên hết, môi trường đạo đức bị xuống cấp cực kì nghiêm trọng và cực kì nhanh chóng. Nếu không chặn đứng được những hiện tượng vừa nêu thì 50 hay 100 năm nữa dải đất hình chũ S này có còn là chỗ cho con người sinh sống hay không?

Xin nói thêm một hiện tượng nữa. Các nhà tâm lý học đều biết rằng những người cảm thấy dằn vặt vì phạm lỗi có thể bị ốm, trầm cảm đến mức tự tử hoặc bị những tai nạn mà người thường có thể tránh được. Ví dụ, nghe nói có tới 11 người liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải chết bất đắc kì tử trong những hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ đó cũng là nghiệp lực luân báo. 

Vì không nhận thức được nghiệp lực luân báo cho nên người ta gây ra bao nhiêu đau khổ cho mình và cho nhau. Cũng chả thể trách ai, vì có người nào trong chúng ta chưa từng bỏ một ít phẩm màu vào cái thùng thuốc nhuộm lương tâm nhân loại?

Chỉ có một cách: Chấm dứt việc bỏ thêm phẩm màu vào thùng thuốc nhuộm nhân phẩm. Cùng nhau và từng người một 

Cộng nghiệp

Con người không thể sống tách rời cộng đồng, cho nên có một số việc được nhiều người trong cộng đồng cùng làm và như thế sẽ có ảnh hưởng tới tất mọi người trong cộng đồng, dù một  số người cụ thể có thể không làm việc đó. Đạo Phật gọi đấy là Cộng nghiệp.

Xin xem xét việc phá rừng. Không phải tất cả mọi người trong một khu vực hay trong cả nước đều tham gia phá hoại rừng. Nhưng hậu qủa như lụt lội, lở đất, lũ quét, lũ ống, hạn hán… thì cả một khu vực rộng lớn, thậm chí cả nước phải gánh chịu. Nạn ô nhiễm môi trường thì cũng thế: một số khu công nghiệp hay nhà máy xả khí thải, gây ra ô nhiễm không khí hay đổ chất thải chưa được xử lí ra sông, ra biển, làm ô nhiễm nguồn nước, mà có thể cả thế giới phải gánh chịu hậu quả.

Ngoài ra, một số hành động, ban đầu có thể chỉ do một vài người làm, chỉ gây ra hậu quả lên chính những người đó mà không gây hậu quả đáng kể lên cộng đồng; nhưng sau đó được nhiều người bắt chước và tạo thành cộng nghiệp, như đã nói trong phần biệt nghiệp.

Nếu để ý ta có thể thấy người trong một gia đình, một dòng họ đều có một số thói quen tư duy hay tính cách nào đó; các dân tộc thì cũng thế. Gustave le Bon viết: “Mỗi chủng tộc cùng sở hữu một cấu tạo tinh thần cố định như cấu tạo giải phẩu (Những quy luật tâm lý về tiến hóa của các dân tộc, trang 22). “Những đặc điểm tinh thần và trí tuệ mà sự kết hợp của chúng tạo nên tâm hồn của dân tộc là tổng hợp của toàn bộ quá khứ, là thừa kế của cả tổ tiên, những hành xử của dân tộc đó” (sách ĐD, trang 23). “Những thế hệ đã mất không chỉ đơn thuần áp đặt thể chất mà còn áp đặt những tư tưởng của họ lên chúng ta… Chúng ta gánh chịu những lỗi lầm của họ và nhận được sự tưởng thưởng từ đức hạnh của họ” (sách ĐD, trang 27).  Trang 48, ông viết tiếp: “Tính cách chứ không phải trí tuệ của mỗi dân tộc quyết định sự tiến hóa của dân tộc và điều chỉnh số phận của nó… Ảnh hưởng của tính cách rất có hiệu lực trong đời sống của dân tộc, trong khi ảnh hưởng của trí tuệ rất yếu ớt”.


Có khác gì nói rằng mỗi người đều được “hưởng” cộng nghiệp của tổ tiên, dòng họ hay dân tộc của mình. 

Là người Việt Nam, dù chưa ra khỏi biên giới thì mỗi người cũng đều biết rằng, về tính cách hay cộng nghiệp, chúng ta khác người Lào, người Thái Lan và chắc chắn là khác hẳn người Nhật, người Pháp, người Thụy Điển.. vì vậy mà chúng ta có số phận khác hẳn họ. Để khỏi dài dòng, xin trích một số nhận xét trong cuốn “Tâm lí dân tộc An Nam” của Paul Giran.  

Đây là một cuốn sách dễ làm cho rất nhiều người Việt nổi giận vì tự ái dân tộc. Paul Giran hầu như không có một nhận xét tích cực nào về dân tộc mà ông gọi là ‘An Nam’. Nếu có nhận xét tích cực, thì cách ông viết cũng làm cho người đọc thấy như là mỉa mai. Ví dụ, ông viết, người An Nam can đảm, nhưng ngay sau đó ông viết rằng đối với người Pháp thì đó là “táo bạo, mạo hiểm, và liều lĩnh” chứ không phải can đảm như cách người Pháp hiểu. Ông còn cho rằng chúng ta yếu đuối về thể chất, nghèo nàn về cảm xúc, có tâm hồn trẻ con, sợ quyền thế nhưng hám quyền, không có tính sáng tạo, tàn nhẫn và man rợ.

Giran cho rằng dân tộc An Nam vô cảm và lãnh đạm, thụ động, tàn ác bằng lòng với sự thiếu thốn, vì không có nhu cầu to tát, không có mong ước lớn, nên họ là “một dân tộc hạnh phúc” nhưng “điểm chính yếu trong sự hạnh phúc của họ là tiêu cực và rất ít ham muốn”!

Một khía cạnh tâm lí khác của người An Nam là tính nhẫn nhục và chịu đựng. Ông giải thích rằng vì tính chịu đựng tốt nên người An Nam không có ý chí phản kháng. Người An Nam rất sợ quyền lực, rất quị lụy trước người có quyền thế, cho dù là người có quyền thấp nhứt. Tuy nhiên, người An Nam rất hám quyền và thích các chức vụ trong hệ thống công quyền. Tại sao? Tại vì, theo Giran nhận xét, “nghề này thỏa mãn tình yêu quyền lực, phỉnh nịnh thiên hướng của họ, đưa đến sự trơ ỳ và phù hợp với sự thiếu sáng tạo của họ. Vì vậy, hầu hết những người An Nam thông minh hoặc giàu có đều khao khát quan trường.”

Giran viết: “Năng lực trừu tượng ở gần họ gần như hoàn toàn không có; đó là lí do tại sao các phương pháp của họ hoàn toàn tuân theo kinh nghiệm; họ không bao giờ biết rút ra các khái niệm khoa học ẩn giấu trong kinh nghiệm để nêu ra các định luật chung”. Do đó, người An Nam chỉ thích làm theo đường mòn, làm theo những gì người khác đã vạch ra, chứ không tự mình đặt ra con đường mới. Ông nhìn cách những người thợ tranh sơn mài và khảm xà cừ, và đi đến nhận xét rằng họ làm tỉ mỉ và khéo léo, nhưng đó chỉ là những thói quen, chớ không có sáng tạo. Ngay cả thiếu sót cũng trở thành một thói quen! Họ bắt chước sao cho gần như hoàn hảo”. Ông kết luận “Sự thờ ơ, không có sáng kiến, không có tinh thần sáng chế, họ chưa bao giờ là người sáng tạo… Họ có tài năng nhất định, nhưng không bao giờ là thiên tài”.

Có thể bạn không hoàn toàn đồng ý với Paul Giran, nhưng bạn phải công nhận rằng phần lớn nhận xét của ông là chính xác.  

Cách đây cả trăm năm, Phan Châu Trinh viết Mười điều bi ai của dân tộc Việt Nam mà đến nay chúng ta vẫn còn thấy đúng:

  1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.
  2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.
  3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.
  4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.
  5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.
  6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.
  7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.
  8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.
  9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.
  10. Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là “đầy tớ” của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...

 Dân tộc ta có tính cách, hay cộng nghiệp như thế, cho nên chúng ta mới có số phận như hiện nay.

Xin nhắc lại Le Bon: “Tính cách chứ không phải trí tuệ của mỗi dân tộc quyết định sự tiến hóa của dân tộc và điều chỉnh số phận của nó”, tức là học tập, giáo dục như hiện nay không thể thay đổi được số phận hay cộng nghiệp của dân tộc.

Một câu chuyện về nghiệp

Erơnơ Muđasep, tiến sĩ y khoa, giáo sư, giám đốc trung tâm phẫu thuật và chỉnh hình thuộc Bộ y tế Nga, thầy thuốc công huân, nhà phẫu thuật hàng đầu, nhà tư vấn danh dự của đại học Tổng hợp Luisvin (Hoa Kỳ), viện sĩ Viện hàn lâm nhãn khoa Mỹ…viết trong cuốn Trong vòng tay Sambala (trang 344):

 


“Tôi nhớ lại nhiều buổi chuyện trò với Ami Rasitôvich Saripôp là phó tổng giám đốc Trung tâm chúng tôi và đang chỉ đạo phương hướng mới trong điều chỉnh tâm lý thị lực, tức là dạy những người đã phục hồi thị lực sau khi mổ nhìn thấy, vốn là con người trí tuệ trong nghiên cứu tâm lý anh đã đi sâu tìm hiểu nghiệp. Cùng với cô bạn đồng nghiệp trẻ tuổi, Tachiana, anh đã tìm ra những điều mà nghe thấy chỉ còn biết thốt lên “Chà!”. Ví dụ, một bệnh nhân bị mất một mắt do bị bò đá cho biết nhiều thế hệ trong gia tộc anh ta có đàn ông bỏ mạng vì bò. Câu chuyện bắt đầu từ những năm 20 (thế kỷ XX, ND). Cụ anh ta lúc đó là một cán bộ Trêca nổi tiếng, trong khi thực hiện lệnh trưng thu nông sản thừa đã tịch thu bò của các làng xã và chuyển vào lò mổ, đẩy nông dân vào tình trạng đói, khổ. Con trai cán bộ Trêca đó là người trông coi đàn gia súc rượu chè be bét và đã treo cổ chết trong chuồng bò. Người con trai thứ thì bị đàn bò dẫm chết. Cháu trai chết vì ngộ độc thuốc bệnh của bò. Còn người chắt, mà cũng không thoát khỏi sự trừng phạt của con bò sữa đó thì mất một mắt và lo sợ cho con mắt còn lại đã bỏ làng đi sống ở vùng Tunđơra, nơi không có bò, và sông ở đó cho tới ngày nay, hể hả vì đã chọn được nơi trú ngụ vắng bóng loài vật hay thù hằn đó. 

Chính tôi đã mổ hai bệnh nhân, anh và em gái người Rôstóp bên sông Đông đều bị chấn thương hố mắt ở những thời điểm khác nhau và thị lực cũng đều giảm xuống 0,2; những chấn thương kiểu như vậy đã đeo bám. Cả gia tộc hai anh em này. Và còn những chuyện khác nữa. 

Kết quả nghiên cứu là Saripôp đã có kết luận: Trong chính chúng ta có thông tin của dòng họ mình mà chúng ta không có cách nào trốn tránh và muốn hay không thì vẫn ảnh hưởng tới chúng ta, sớm hay muộn nhắc ta nhớ tới chúng khi thì là hình phạt vì tội lỗi của tổ tiên, lúc thì là phận may - món quà bất ngờ của những người bà con họ hàng đã bị quên lãng từ lâu. Mà thông tin gia tộc đó thuộc thời xa xưa tới mức có thể bắt nguồn từ thời đại người thiên thần, thậm chí từ thuở khai sinh con người, khi mà Đấng Tạo Hóa đặt cho mỗi dòng họ đường thông tin gọi là nghiệp, trong đó tích tụ không chỉ thông tin về chuỗi đời bất tận mà còn có sự phân tích thường xuyên thông tin đó, nối kết quá khứ và tương lai thành một đường đời thống nhất. Trong đường nghiệp đó, không có cái gì bị bỏ quên và không có cái gì bị coi nhẹ và không bị mổ xẻ, phân tích. Không chỉ có hành động, mà cả những ý nghĩ, chính những ý nghĩ đêm ngày quấy rầy chúng ta ấy chịu sự phân tích hoàn hảo đến kinh ngạc đó. Không một ai có thể sống tách rời tổ tiên, không ai hết; mỗi người trong chúng ta đều mang dấu ấn của dòng giống mình, còn cuộc đời của chúng ta được xếp đặt theo những nguyên tắc mà chúng ta không biết và những quy luật của khởi nguyên giống nòi chung thống nhất hay nghiệp”.

 Và ông viết tiếp: “Nghiệp không rập khuôn, nó thay đổi bởi nó chính là thực thể biết suy nghĩ, nhưng suy nghĩ bằng những phạm trù của đời dòng họ liên kết cả chuỗi cuộc đời cá nhân trong gia tộc. Con người thân mến ơi, tất cả giống nòi của bạn, bao gồm người thiên thần, người ma, người Lêmuri, người Atlan và người Ariăng đều ảnh hưởng tới bạn và bạn với cuộc đời nhỏ bé, có thể là đời thứ một triệu cũng ảnh hưởng tới dòng họ của mình và thông qua đó ảnh hưởng tới cuộc đời ai đó hoặc cuộc đời tiếp sau của bạn - Và tới lúc nào đó bạn sẽ nhìn thấy đường đời của mình, khi trong nháy mắt bạn trở lại quá khứ hoặc chìm vào tương lai. Và khi đó bạn sẽ hiểu ra không chỉ sự vĩ đại và thiện tâm của Đấng Tạo Hóa mà còn thấu triệt cả ý nghĩa của khái niệm - Tâm hồn Trong sạch. Và bạn hãy tin rằng thời điểm đó chẳng đáng sợ tí nào đối với bạn; ngược lại đó là thời điểm hạnh phúc bởi lẽ thông qua dòng họ của mình, bạn có thể tiếp xúc với chính Đấng Tạo Hóa, còn bà con họ hàng, đã vĩnh viễn biến mất sẽ đứng trước bạn với vẻ mặt hoặc bình thản và tự tin hoặc bộc lộ tội lỗi trước dòng họ do Tạo Hóa xác định. Đồng thời bạn sẽ thấy mình trong các đời khác nhau và tự đánh giá vẻ mặt của mình ở đời này họặc đời kia trong vô số đời bạn. Nhưng có một điều cơ bản sẽ xẩy ra với bạn đó là bạn nhận ra tiêu chí chủ yếu để đánh giá các đời của bạn đó là tiêu chí chung của dòng họ gọi là Tâm hồn Trong sạch. Ôi, bạn sẽ buồn biết bao khi bạn thấy một đời mình đã hiến nộp cho một thứ không tinh khiết là thói tham lam, không hiểu rằng trong cuộc đời chung của dòng họ không cần đến tiền! Ôi, bạn sẽ thấy kinh tởm biết bao khi tận mắt nhìn thấy mình là kẻ đố kị, đố kị thảm hại, được tạo ra để tị nạnh với người hơn mình! Ôi, bạn sẽ khó chịu biết bao khi bạn... 

Nhưng bạn cũng sẽ cảm động, sung sướng khi nhìn thấy mình, nhất định sẽ nhìn thấy mình còn là người nhân hậu, tôt bụng, đáng yêu, có tình yêu mạnh mẽ, rất yêu không chỉ mẹ, cha, con trai, con gái mình, mà yêu... hết thảy mọi người nói chung. Bạn sẽ tập trung chú ý vào cuộc đời mà bạn đã có thể yêu con người nói chung và sẽ ngắm nghía nó, ngắm nghía lâu lắm, thưởng thức cuộc đời đó và hơi bực mình vì tất cả các cuộc đời của bạn đã không được như vậy. Chính trong cuộc đời mà bạn đã biết yêu con người nói chung bạn sẽ nổi lên là một vệt hồng rực rỡ không chỉ ở đường đời của toàn dòng họ mà còn có thể tung ra nhiều - nhiêu vệt hồng đó trong tương lai, xác định hạnh phúc cho cuộc đời tương lai của ai đó trong dòng họ của bạn hoặc... cho chính bạn... trong cuộc đời mai sau”.

 Chuyển nghiệp

Như vậy là, chúng ta đến thế giới này với trùng trùng nghiệp lực. Đấy là nghiệp do chính ta tạo ra trong cõi đời này và có thể cả trong những cõi đời trước nữa, nếu tin vào thuyết luân hồi; nghiệp do gia đình, dòng họ, tổ tiên, nòi giống tạo ra mà ta phải gánh vác bên mình suốt cuộc đời này và cả những cuộc đời sau. Những người tin vào nghiệp lực nói rằng số phận của mỗi người cũng như của cả cộng đồng là do nghiệp lực quyết định, còn những người không tin vào nghiệp thì sẽ bảo số phận là do tính cách.

Le Bon viết trong Những quy luật tâm lý về tiến hóa của các dân tộc, (trang 25-27): “Nếu muốn phát biểu bằng ngôn ngữ rõ ràng về những ảnh hưởng chi phối cá nhân và điều khiển hành vi của họ, ta có thể nói rằng chúng có ba loại ảnh hưởng. Loại thứ nhất, và chắc chắn nhất, là ảnh hưởng của tổ tiên; thứ hai, ảnh hưởng của cha mẹ trực tiếp; thứ ba, ảnh hưởng của môi trường thường được cho là mạnh nhất, tuy nhiên lại là cái yếu nhất… Dù có là gì đi nữa, mỗi cá nhân vẫn luôn luôn và trên hết là đại diện của dân tộc mình… Như vậy, chủng tộc phải được xem như một cá thể trường tồn với thời gian”. Tiếp theo, trang 52, ông viết: “Người ta có thể dễ dàng làm cho một người da đen hoặc một người Nhật Bản có bằng đại học hay trở thành luật sư, nhưng người ta chỉ ban cho y một lớp sơn bề mặt mà không có tác động gì đến cấu tạo tinh thần của y. Đây là điều không nền giáo dục nào có thể ban cho y…” .

Những người đã từng tham gia tranh luận trong vụ Trump-Biden hay đọc những bài viết của những người “cuồng Trump” và “cuồng Biden” cách đây gần một năm hẳn là sẽ hoàn toàn đồng ý với những đoạn trích bên trên của Le Bon. Điều kiện sống khó khăn ở Việt Nam và điều kiện sống sung túc ở Mỹ, nền giáo dục nhồi sọ ở Việt Nam và nền giáo dục khai phóng ở Mỹ dường như vẫn tạo ra được những con người y hệt nhau. Ngoài ra, tôi còn cho rằng nền giáo dục mà không dạy cho người ta về Nhân-Quả, Nghiệp lực là nền giáo dục thất bại vì có kiến thức mà không có tư duy về những tai họa mà kiến thức của mình có thể gây ra cho nhân quần, thì thà rằng không có kiến thức lại hơn. Có thể ví kiến thức khoa học như con diều, trí tưởng tượng của người ta như làn gió, thì nhận thức về nghiệp lực là dây diều; không có dây, con diều sẽ bay mất, và không ai biết nó sẽ gây ra những hậu quả to lớn đến mức nào

Trước đây, nghiệp lực hay tính cách được coi là những khái niệm rất tù mù. Nhưng ngày nay, tiến sĩ David R. Hawkins (Tác phẩm Power vs. Force. An Anatomy of consciousness The Hidden Determinants of Human Behavior), một bác sĩ tâm thần, bác sĩ lâm sàng, người thày tâm linh, và nhà nghiên cứu ý thức nổi tiếng thế giới, bằng kĩ thuật gọi là Cơ thể động học (Kinesiology) đã xác định được những thông số mang tính định lượng mà ông gọi là “Tầng ý thức của con người”. David Hawkin chia ý thức của con người thành 16 tầng, từ Nhục nhã (20 tính theo thang logarit) đến Chứng ngộ (700-1.000 điểm). Ông viết: “Đồ thị thể hiện phân bố các tầng năng lượng trong dân số thế giới tương tự như hình dạng của một ngôi chùa, trong đó 85% nhân loại có điểm hiệu chỉnh dưới mức tới hạn 200, trong khi tầng ý thức trung bình của toàn thể nhân loại hiện nay xấp xỉ 204. Nội lực của một số ít người gần đạt tầng cao nhất bù đắp cho năng lượng của đám đông gần đáy cho nên mới có được mức trung bình này. Chỉ 8,0% dân số thế giới hoạt động ở tầng ý thức 400, chỉ 4,0% dân số thế giới có điểm từ từ 500 trở lên và phải nhiều triệu người mới có một người đạt mức 600 trở lên”.

Chứng kiến cảnh nhiều người Việt Nam chúng ta rất thích những buổi duyệt binh hoành tráng hay những buổi đón các vận động viên bóng đá thắng lợi trở về, người viết cho rằng đa số người Việt Nam chúng ta đang ở tầng Kiêu hãnh (175), tức là thấp hơn mức trung bình của thế giới (204).

 “…trong một đời, hiếm có người nào có thể chuyển từ tầng này sang tầng khác. Trường năng lượng được hiệu chỉnh cho một người khi mới sinh chỉ tăng, trung bình, khoảng năm điểm. Việc tầng ý thức của một cá nhân đã được an bài ngay từ khi người đó mới ra đời là sự kiện nghiêm túc với những hàm ý sâu sắc. Và bản thân ý thức, trong biểu hiện của nó thành nền văn minh của nhân loại, thực sự tiến hóa rất chậm chạp, qua rất nhiều thế hệ”.

Xuất hiện câu hỏi: Có thể thay đổi được nghiệp lực?

Câu trả lời của tôi là CÓ!

David Hawkin viết: “…trong một đời, hiếm có người nào có thể chuyển từ tầng này sang tầng khác. Trường năng lượng được hiệu chỉnh cho một người khi mới sinh chỉ tăng, trung bình, khoảng năm điểm. Việc tầng ý thức của một cá nhân đã được an bài ngay từ khi người đó mới ra đời là sự kiện nghiêm túc với những hàm ý sâu sắc. Và bản thân ý thức, trong biểu hiện của nó thành nền văn minh của nhân loại, thực sự tiến hóa rất chậm chạp, qua rất nhiều thế hệ”. Cần nhớ là các điểm hiệu chỉnh không phải tăng theo cấp số cộng, mà tăng theo hàm logarit, nghĩa là 205 điểm cách rất xa 200 (510), một vài điểm cũng là cải thiện đáng kể. Đối với một người bình thường, giáo dục có vai trò cực kì quan trong. Một người xuất thân nông dân nhưng nếu chăm chỉ học hành thì có thể chuyển vào thành phố và có việc làm với đồng lương cao hơn, đấy gọi là cải thiện. Một người sinh ra ở Việt Nam, nhưng vì lí do nào đó mà trở thành công dân Mỹ thì cũng sẽ tiêu được một phần nghiệp lực mà tất cả mọi người Việt Nam ở  trong nước đều phải chịu và được hưởng một ít thiện nghiệp của người Mỹ.

Có thể đi theo con đường tâm linh, nghĩa là tu tập theo một pháp môn nào đó, gọi là tu tâm, thực sự chuyển nghiệp. Nhưng đây là con đường “phi thường”, rất khó khăn, phải từng giây từng phút theo dõi từng ý tưởng bất thiện xuất hiện trong đầu và tu khứ nó, phải từ bỏ nhiều lợi ích thế gian, mà kết quả thì lại khó thấy, trong khi lợi ích thế gian thì hiện ra sờ sờ ngay trước mắt.

Cộng đồng thì cũng thế, cũng phải tu tâm dưỡng tính, nhằm năng cao đạo đức, nâng cao phẩm hạnh của chính mình. Khó khăn hơn hơn hẳn cá nhân.

Nhưng may quá, David Hawkin còn cho biết đại ý: một người đạt điểm 700 (động cơ của Mahatma Gandhi có điểm hiệu chỉnh 760, còn Churchill có điểm 510) có thể gánh vác được 70 triệu người ở dưới mức 200, một người đạt điểm 600 có thể gánh vác được 10 triệu người ở dưới mức 200. Hy vọng rằng một vài trong số những người đang muốn cải cách xã hội có thể tu tâm dưỡng tính để đưa mình lên ngang tầm với với Churchill, nếu ngang tầm với Mahatma Gandhi thì là đại phúc của dân tộc. Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng David Hawkin còn viết: “…chỉ cần 2,6% dân số thế giới có tình trạng phân cực cơ động học bất thường (thử mạnh với trường điểm hút tiêu cực và thử yếu với trường điểm hút tích cực), là đã gây ra tới 72% các vấn đề xã hội rồi”. Xin mở ngoặc để nói rằng công việc tìm hiểu này là nhằm củng cố đức tin và tinh tấn tâm linh của chính bản thân tôi, một vài nhận xét về cải tạo xã hội chỉ là nhân tiện mà thôi.



Phụ lục

Lư hương trước tượng Đức Thánh Trần

Nghe đồn rằng từ ngày di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần dân Sài Gòn gặp nhiều tai nạn, mà khủng khiếp nhất là nạn dịch cúm Tàu lần này, thế là một số người cho rằng đấy là nghiệp lực luân báo, mà cụ thể là Thánh trả thù dân Sài Gòn.

Nói như thế là không hiểu về nghiệp lưc: Nó là tự động. Thậm chí, nói như thế là hạ thấp Đức Thánh. Đối với Ngài, Nguyễn Thiện Nhân và đồng sự của ông ta chỉ là trẻ con, Ngài đâu thèm chấp, Ngài lại càng không báo thù dân lành.

Thế thì tại sao dân SG gặp nạn lớn như thế?

Có 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, di dời lư hương làm nhiều người lo lắng, bất an, những người này lại truyền sợ hãi bất an sang người khác... cứ thế lan rộng mãi ra. Mà lo lắng bất an thì dễ bị tai nạn, dễ mắc bệnh hơn người hạnh phúc, có thân tâm an lạc. Các nhà tâm lý học và các bác sỹ đều biết điều này.

Thứ hai, một số kẻ làm điều thất đức như đánh người, trộm cướp, buôn gian bán lận .. vốn chẳng kiêng nể gì, nay thấy chính quyền làm chuyên bất đạo như thế càng không tin vào Thánh Thần, nghiệp báo nữa, lại càng được thể làm càn và gây them lo lắng, bất an cho dân lành như vừa nói bên trên.

Đấy chính là nghiệp lực luân báo, hoàn toàn tự động. Muốn an lòng dân thì phải mang ngay lư hương trả về chỗ cũ.

Người viết còn tin rằng Nguyễn Thiện Nhân không muốn đóng đinh tên mình vào lịch sử như “hai thằng hợp tác phá đàn Nam Giao”.

Nhân giỗ Đức Thánh, nên trả ngay đi.

HẾT


1 comment:

  1. làm theo đường mòn thì khó phát triển được nghề mình đang làm

    ReplyDelete