306. Liberty (freedom) – Tự do. Để thuận lợi cho việc phân tích, các nhà chính trị học thường chia tự do thành hai loại. Tự do mang tính phủ định là nói về “không có sự cưỡng ép từ bên ngoài” (xem Trạng thái Tự nhiên). Vì vậy, nếu không có luật pháp hoặc phong tục xã hội ngăn cản, không cho tôi làm việc gì đó hoặc buộc tôi phải theo đường lối hành động nào đó thì có thể coi tôi là người tự do về khía cạnh này. Đây là tư tưởng về tự do thường thấy trong các xã hội dân chủ phương Tây hiện đại và chủ nghĩa tự do cổ điển. Ở đây nhấn mạnh những việc người khác có thể làm nhằm ngăn cản tôi thực hiện ý chí của mình. Nhưng tôi quyết định làm gì lại nằm ngoài giới hạn của khái niệm này. Nếu tôi quyết trở thành người nghiện ma túy, tôi tự do hay không tự do phụ thuộc vào việc xã hội sẽ làm gì nhằm ngăn cản tôi mua ma túy. Thường thì quyền tự do liên kết với tư tưởng cho rằng hệ thống chính trị chỉ có quyền ngăn cản quyền tự do của một người khi hành động của người đó có thể làm hại người khác, còn cá nhân đó làm gì với mình là việc riêng của họ. Khái niệm tự do này được thể hiện trong tư tưởng vị lợi của những người như Hobbes và Locke.
Truyền thống tự do của châu Âu lục địa, thường được gọi là tự do tích cực, xuất phát từ tư tưởng Hy Lạp cổ điển, và sau đó, trong Triết học Duy tâm chủ nghĩa Châu Âu như của Hegel hay Kant. Sau này nó được thể hiện ở một số nhà tư tưởng theo đường lối Marxist, đặc biệt là những người như Marcuse. Ở đây nhấn mạnh quyền tự do lựa chọn trên thực tế của cá nhân, chứ không phải như trong truyền thống tự do của Anh - những cản trở bên ngoài, ngăn cản việc biến lựa chọn thành hành động. Về cơ bản, lập luận này dựa trên tư tưởng cho rằng bản chất thực sự của con người sẽ giúp họ có những lựa chọn hợp lý và tử tế. Nhưng bản chất bên trong con người có thể bị các lực lượng xã hội thao túng và ý thức hệ làm cho méo mó, đến mức người ta không nhận ra cái mình thực sự muốn và kết quả là lựa chọn sai. Cội nguồn của nó là học thuyết của Platon, nói rằng không người nào cho đến nay có thể tự do lựa chọn cái sai; tai họa là do hiểu sai, chứ không phải là kém ý chí. Các lý thuyết gia sau này đã xào xáo tư tưởng của Plato và biến nó thành học thuyết cho rằng xã hội, nhất là xã hội tư bản, đã làm con người tha hóa khỏi bản chất thực sự của họ, và tạo ra những nhu cầu và ước muốn thuận lợi cho những người cầm quyền trong xã hội đó. Vì vậy, người ta thường sử dụng luận cứ này, ví dụ, để đặt nghi vấn về kết quả bầu cử trong các chế độ dân chủ hiện đại, trên cơ sở cho rằng giai cấp công nhân có bỏ phiếu cho các đảng xã hội chủ nghĩa hay không, nếu họ không bị các phương tiện truyền thông “xỏ mũi” và không có tự do “tích cực” khi bầu cử vì những quan niệm sai lầm của mình.
307. Limited War – Chiến tranh hạn chế. Chiến tranh hạn chế, một tư tưởng trong tư duy chiến lược hiện đại: Cuộc chiến không được lan rộng đến mức lôi kéo các siêu cường vào cuộc đối đầu hạt nhân tổng lực. Tuy nhiên, có những biến thể rất lớn trong những giới hạn này. Do đó, cả những xung đột Ả Rập-Israel và xung đột Argentina-Anh ở Nam Đại Tây Dương đều là những cuộc chiến tranh hạn chế. Tương tự như thế, cuộc Chiến tranh vùng Vịnh nhằm chống lại Iraq đều được coi là chiến tranh hạn chế, mặc cho vai trò của Hoa Kỳ cũng như vũ khí công nghệ cao do liên minh được Liên Hiệp Quốc bảo trợ và số nước tham gia sử dụng. Trong ví dụ về xung đột Ả Rập-Israel, vấn đề là sự tồn tại của một quốc gia, trong khi trong những cuộc xung đột khác, nền độc lập dân tộc thực sự của các nước tham chiến không hề bị đe dọa. Thuật ngữ này được áp dụng khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, vì không chỉ vì Hoa Kỳ không sử dụng vũ khí hạt nhân, mà còn vì cuộc chiến đã phục hồi nguyên trạng, trước khi Bắc Triều Tiên xâm lược miền Nam. Trên thực tế, khái niệm này phần lớn là do đặc điểm của thế giới sau Thế chiến II: Tư tưởng cho rằng không nên chiến đấu cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn quân thù - hiện tượng bình thường, có thể coi là chuẩn mực trong suốt chiếu dài của lịch sử. Còn chưa rõ, liệu học thuyết “chiến tranh hạn chế” có còn được áp dụng trong các cuộc xung đột thế kỷ XXI – các cuộc giao tranh giữa các quốc gia và các nhóm khủng bố quốc tế, ví dụ, Mỹ can thiệp vào Afghanistan năm 2001..
308. Lobby – Vận động hành lang. Lobby (Vận động hành lang) có thể là động
từ hoặc danh từ trong diễn ngôn chính trị và khi là danh từ, nó có hai nghĩa
khá rõ ràng; và trong cả hai nghĩa này, nó đều có xuất xứ từ từ “hành lang”
trong nghị viện hoặc quốc hội, nơi các chính khách gặp nhau sau khi bỏ phiếu để
thảo luận công việc. Khi được sử dụng như động từ, “to lobby” có nghĩa là gây
áp lực, trình bày lý lẽ hoặc những biện pháp khích lệ khác nhằm thúc đẩy người
ban hành quyết định chính trị ủng hộ quan điểm của mình. Nó có thể được sử dụng
trong môi trường thể chế, ở đây, người đại diện cho nhóm áp lực có thể vận động
nghị sĩ, bộ trưởng hoặc công chức nhà nước ủng hộ lợi ích của nhóm mình. Nó
cũng có thể được sử dụng giữa những người đồng cấp, ví dụ, một thành viên của ủy
ban, quan tâm tới vấn đề sắp được đem ra thảo luận, có thể vận động các thành
viên trong ủy ban để mong họ giúp đỡ; thậm chí các trợ lý của Tổng thống Hoa Kỳ
có thể vận động các dân biểu để họ thông qua những văn kiện do Tồng thống đệ
trình.
Khi được sử dụng như danh từ, từ này ám chỉ đến các sắp xếp thể chế đã được chính thức hóa nhằm truyền tải thông tin và áp lực về những vấn đề nào đó. Ví dụ, ở Hoa Kì có danh sách chính thức của những người vận động hành lang, nghề nghiệp của họ là đại diện cho luận cứ của khách hàng của mình gửi tới chính quyền liên bang, dù đấy có là ngành công nghiệp vũ khí hoặc trường đại học đã cạn tiền nào đó thì cũng thế. Người vận động hành lang ngày càng trở nên quan trọng trong tất cả các chính quyền phương Tây. Ví dụ, người ta cho rằng, trong những năm 1980, nghề vận động hành lang Nghị viện ở Vương quốc Anh đã tăng gấp 10 lần. Vận động ai? Trả lời: Phụ thuộc vào cơ cấu quyền lực trong xã hội, ở hầu hết các chính phủ Châu Âu (và ở Liên minh châu Âu) những người vận động hành lang nhắm chủ yếu vào công chức và các bộ trưởng, trong khi ở Hoa Kỳ và các nước khác, với kỷ luật đảng tương đối yếu, các nhà lập pháp dân cử là mục tiêu chính của các nhà vận động hành lang chuyên nghiệp.
Ở Anh, danh từ “lobby” có thêm
một nghĩa nữa, ám chỉ nhóm phóng viên truyền thông được tiếp cận với các thông tin
mật của chính phủ, họ được coi là phương tiện để các bộ trưởng giao tiếp một
cách kín đáo với công chúng. Họ thường được nhận những bản tóm tắt với độ mật
cao và hiểu rằng họ có toàn quyền quyết định đối với những thông tin mà họ đưa
ra nhưng không được tiết lộ nguồn tin.
bài viết rất hấp dẫn
ReplyDelete