February 13, 2021

Thuật ngữ chính trị (127)

 


303. Liberal Party – Đảng Tự do (Anh Quốc). Đảng Tự do của Anh, và tổ chức kế tục nó từ năm 1988 là Đảng Dân chủ Tự do, là hậu duệ của Whigs, thế kỉ XVIII và đầu thế kỷ XIX, lúc đầu đại diện cho tầng lớp trung lưu công nghiệp và thương mại chống lại tầng lớp giàu có ở nông thôn ủng hộ đảng Tory. Trên thực tế, đây là đảng của giai cấp công nhân, ủng hộ các cuộc cải cách xã hội, đặc biệt là khi nắm chính quyền từ năm 1905 đến năm 1922. Tuy nhiên, sau khi Đảng Lao động trở thành tổ chức chặt chẽ hơn và đứng ra thành lập chính phủ vào năm 1924 thì Đảng Tự do không còn được giai cấp công nhân tín nhiệm như trước nữa. Năm 2001, Đảng này giành được 52 ghế trong Nghị viện, với 18,3% số phiếu phổ thông.

Dù có lịch sử lâu đời như thế, nhưng Đảng Tự do không theo đuổi một hệ tư tưởng kéo dài suốt năm này qua năm khác. Đảng Dân chủ Tự do hiện nay, và Đảng Tự do trước kia, cấp tiến hơn Đảng Lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực cải cách hiến pháp và họ hầu như không còn tí gì của đạo đức cá nhân tư sản mà họ dùng để đối chọi với đảng Tory trong những ngày xa xưa (xem Chủ nghĩa tự do). Những người theo phái tự do thực chất đã trở thành đảng của các chuyên gia thuộc tầng lớp trung lưu (mặc dù cử tri ủng hộ họ có xu hướng dàn đều trong tất cả các giai cấp). Đây là đảng cấp tiến trong những lĩnh vực như giải trừ vũ khí hạt nhân, ủng hộ nền kinh tề thị trường và hướng tới châu Âu, quan tâm tới môi trường và quyền tự do dân sự. Năm 1981, Đảng Tự do và đảng Đảng dân chủ xã hội liên kết với nhau và đến năm 1988 thì hợp nhất thành đảng Dân chủ Tự do. Việc Đảng Lao động (còn gọi là Công Đảng), từ giữa những năm 1990, ngày càng dịch chuyển về trung tâm, lời tuyên bố Đảng Dân chủ Tự do là đảng cấp tiến ở Vương quốc Anh và từ năm 1997, số đảng viên của đảng này được bầu vào nghị viện ngày càng gia tăng dẫn đến hi vọng là ảnh hưởng của nó trong nền chính trị Anh quốc có thể tiếp tục được củng cố. 

304. Liberation Theology – Thần học giải phóng. Trong những năm 1970, một số nhà thần học Công giáo La Mã bắt đầu phản ứng trước cảnh nghèo đói và áp bức chính trị trong Thế giới Thứ ba bằng cách phát triển các học thuyết về sứ mệnh của Giáo hội ở những nước này. Tuy vậy, trọng tâm là châu Mỹ Latin, nơi có nhiều giáo đoàn Công giáo nhất thế giới, và mặc dù nhiều nhà lãnh đạo của phong trào là các vị linh mục và giám mục người Mỹ Latinh, các nhà thần học hàng đầu ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức và Hà Lan, cũng là những người tạo được ảnh hưởng đáng kể. Không dễ tách biệt niềm tin của những người ủng hộ thần học giải phóng với thần học truyền thống, nhưng có thể dễ dàng tìm được quan điểm chính trị của các tín đồ của phong trào này. Xuất phát điểm mà không Kitô hữu nào có thể phản đối là sứ điệp của Christ là sứ điệp giải phóng, nhưng giải phóng phải được tìm trong Kinh thánh Cơ đốc và lời dạy bắt nguồn từ Kinh thánh là giải phóng khỏi tội lỗi, để nhân loại có thể thực sự được tự do phát triển hướng về Chúa, về mặt tâm linh. Các nhà thần học giải phóng cho rằng việc giải phóng về mặt tinh thần như vậy chỉ có thể xảy ra khi mọi người được tự do về thể chất, chính trị và kinh tế. Chỉ khi được tự do khỏi đói và áp bức, các Kitô hữu mới có thể hy vọng có năng lượng thiêng liêng để tự giải thoát khỏi tội lỗi. Tự bản thân nó, quan điểm này đặt ra một số vấn đề đối với thần học chính thống, một phần là do truyền thống tôn sùng các thánh tử đạo, những người bất chấp, hoặc thậm chí thông qua, những đau khổ thế gian mà đạt được trạng thái thuần khiết về mặt đạo đức. Tuy nhiên, nhiều người có thể cho rằng, đối với hầu hết mọi người chúng ta, sống trong cái lều bằng bìa các tông ở ngoại ô một số thành phố ở Mỹ Latin do chế độ đầu sỏ tham nhũng và bạo lực cai trị thì khó có thể phát triển về mặt tinh thần. Như vậy là, mọi người đều khẳng định rằng Giáo hội phải sử dụng tất cả những biện pháp - vật chất, chính trị và giáo lý – nhằm mang lại công bằng xã hội. Quan điểm này không phải là dị giáo, dù nó có làm cho Giáo hội vốn có quan hệ tốt với các giai cấp bóc lột cảm thấy khó chịu tới mức nào. Rắc rối xảy ra khi các nhà thần học giải phóng ủng hộ công bằng xã hội tức là họ đã quay sang cái mà đôi khi họ công khai thừa nhận là phân tích của chủ nghĩa Marx về giai cấp và nghèo đói. Không thể chối bỏ sự kiện: Chủ nghĩa Marx là lý thuyết duy vật và công khai coi tôn giáo như hiện tượng mang tính ý thức hệ (Marx từng nói: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”), kết quả là tha hóa. Vì vậy, theo các nhà thần học chính thống nhất, thần học giải phóng có những tín điều không tương thích với Giáo lý cơ bản của Kitô giáo. Các linh mục có thể tiến hành những nỗ lực hợp pháp nhằm đạt được công bằng xã hội (bằng những biện pháp phi bạo lực), nhưng không bao giờ có thể coi đó là vai trò chính của họ, không thể hành động theo lý thuyết phản tôn giáo, và trên hết, không thể coi thường việc cứu chuộc đạo đức cá nhân hoặc tin rằng nó không tương thích với bất kỳ cơ cấu chính trị xã hội nào. 

305. Libertarianism – Chủ nghĩa tự do cá nhân. Chủ nghĩa tự do cá nhân chủ yếu là lý thuyết chính trị ở Mỹ, mặc dù nó có một số người Tây Âu ủng hộ. Nói một cách đơn giản nhất, đây là hình thức cực đoan của Chủ nghĩa Tự do, thiếu vắng hầu hết những ám chỉ đạo đức của Chủ nghĩa Tự do truyền thống. Người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tin rằng tự do cá nhân triệt để và hoàn toàn tự lực cánh sinh là tình trạng chính trị đáng mong ước nhất, và nên được sử dụng làm thước đo để đánh giá các hệ thống xã hội và những hạn chế mà các hệ thống đó áp đặt cho tự do. Chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là chủ nghĩa vô chính phủ, chủ yếu vì nó cho rằng cần có nhà nước, đồng thời, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân muốn cá nhân được thực sự tự do và độc lập, chứ không đơn giản là thoát khỏi nhà nước mang tính cưỡng chế. Trong khi chủ nghĩa vô chính phủ mường tượng chủ nghĩa tập thể tự nguyện ở mức độ cao, thì những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng bất kỳ hành động tập thể nào cũng mang tính hợp đồng và hoàn toàn dựa trên sự trùng hợp của lợi ích cá nhân. Người theo chủ nghĩa tự do tin vào cái gọi là “nhà nước tối thiểu”, chỉ có một số vấn đề quan trọng cần được giải quyết hoặc có thể được giải quyết về mặt đạo đức bởi nhà nước và quyền lực của nhà nước trong việc cưỡng chế các khoản đóng góp tài chính hoặc các khoản đóng góp khác để làm những việc như thế là rất hạn chế. Có lẽ công việc duy nhất mà họ cho là phù hợp với nhà nước là an ninh và quốc phòng - cảnh sát và quân đội. Ngay cả những công tác khẩn cấp như cứu hỏa cũng được cho là tốt nhất nên để cho bảo hiểm tư nhân. Tuyệt đối không can thiệp vào sự lựa chọn tự do của một cá nhân với lý do làm như thế là có lợi cho người đó – ví dụ, những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân thường chỉ trích điều luật hạn chế ma túy. Người theo chủ nghĩa cá nhân coi tài sản tư nhân là giá trị cốt lõi, cho nên họ chống lại những khoản thuế khóa để sử dụng cho dịch vụ công cộng. Khởi đầu của tư tưởng tự do là ý tưởng cho rằng không thể hợp pháp hóa quyền cai trị của người này lên người kia ngoài sự chấp thuận và sự chấp thuận phải được giới hạn cụ thể trong những tình huống có lợi cho người chấp thuận khi người đó chấp nhận những mệnh lệnh cụ thể của người cai trị.

1 comment: