January 30, 2021

Thuật ngữ chính trị (121)

 


288. Language – Ngôn ngữ. Cốt lõi của chính trị là tranh luận giữa các nguyên lý và lý thuyết về xã hội. Vì vậy, đối với chính trị, ngôn ngữ quan trọng chẳng khác gì Oxy đối với không khí, là thành phần quan trọng sống còn đối với chính trị. Cơ cấu và sức mạnh cảm xúc định hình nhận thức thực tiễn chính trị. Ngôn ngữ không chỉ mô tả chính trị, chúng là một phần của nền chính trị mà nó mô tả. Có thể khẳng định rằng hầu như mỗi lựa chọn ngôn từ trong phần lớn các diễn ngôn chính trị đều là một hành động chính trị. Các nghiên cứu hàn lâm về chính trị hầu như đã thất bại, không thể phát triển được bộ từ vựng “trung lập” như trong vật lý học hay ở mức độ nào đó, trong kinh tế học. Nghiên cứu về chính trị, tương tự như chính trị, phần lớn là cuộc chiến của ngôn từ, trò chơi ngôn ngữ. Ngay cả Mao Trạch Đông, người từng nói rằng “súng đẻ ra chính quyền” cũng nhìn nhận rằng cuốn sách mỏng ghi những tư tưởng của ông ta còn quan trọng hơn những viên đạn giúp ông ta đạt được những mục tiêu cộng sản của mình.

Nhiều lí thuyết nữ quyền tuyên bố rằng ngôn ngữ hiện nay là hiện thân của quyền lực phụ hệ: Chúng ta nói về đồng loại của mình như thể đấy là thế giới của đàn ông và chúng ta coi Chúa Trời là người đàn ông. Cách nói như thế khắc sâu hoặc chí ít cũng làm người ta chấp nhận vai trò thống trị của đàn ông trong các tổ chức xã hội. Rất khó chứng minh ảnh hưởng của cách sử dụng như thế, cũng như rất khó bác bỏ luận điệu cho rằng chẳng có gì quan trọng. Chứng minh rằng ngôn từ là hình thức hay công cụ của “quyền lực” kiểm soát xã hội còn khó khăn hơn. Trong tác phẩm 1984, G. Orwell, giới thiệu với chúng ta tầm nhìn về một xã hội, trong đó, nhà nước kiểm soát dân chúng bằng cách cố tình thao túng ngôn ngữ, sáng tác ra ngôn ngôn ngữ gọi là “Ngômo” (Newspeak), xóa nhòa hầu hết những khác biệt về đạo đức và triết lý của từ ngữ. Đây chủ yếu là dựa trên nhận thức của Orwell về chế độ độc tài toàn trị, nhưng cũng có thể được coi là châm biếm đối với phần lớn công tác tuyên truyền chính trị và những bài diễn văn tràng gian đại hải vì chắc chắn là tất cả các chính trị gia đều tìm cách lèo lái dân chúng bằng ngôn từ và cách nói “nước đôi” của họ.

Phần lớn các nước đều có nhiều nhóm ngôn ngữ. Xảy ra tình trạng như thế là vì, mặc dù người ta thường thích ngôn ngữ “lớn” (tiếng Anh là ngôn ngữ “lớn” trên bình diện toàn cầu) và muốn xóa bỏ những ngôn ngữ “nhỏ”, nhưng xu hướng này thường bị ngăn chặn vì chính sách có chủ đích của chính phủ và hiện tượng di dân. Ở mức độ nào đó, trong các xã hội đa ngữ luôn luôn có “chính sách về ngôn ngữ” vì những vấn đề như nguồn lực trong giáo dục, ngôn ngữ trong bộ máy hành chính và tòa án và kiểm soát các phương tiện truyền thông đại chúng. Ví dụ, ở Malta, cuộc đấu tranh giữa tiếng Anh và tiếng Ý để xem ngôn ngữ nào sẽ trở thành ngôn ngữ “chính thức” đã dẫn đến kết cục là tiếng Malta trở thành ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Ở Israel, tiếng Do Thái (Hebrew) đã hồi sinh hoàn toàn và là một trong những tác nhân quan trọng trong quá trình thống nhất đất nước. Có thể có nhiều ví dụ khác nữa.

Giá trị quan trọng của ngôn ngữ đối với chính trị làm dấy lên những câu hỏi phức tạp và huyền bí. Những câu hỏi về văn hóa, bản sắc, và khả năng lèo lái là những thành tố không thể tách rời của cơ cấu ngôn ngữ. Ngôn ngữ, đôi khi được coi là thành phần quyết định bản sắc, nhưng đôi khi lại được coi là không liên quan. Người ta phải nhận thức được sự đơn giản hóa hay khái quát hóa của ngôn ngữ và chính trị, nhưng đồng thời phải luôn nhớ rằng ngôn ngữ không tách rời khỏi thực tiễn chính trị mà là một phần của thực tiễn đó.

288. Law – Luật pháp. Luật pháp là hệ thống các quy định bắt buộc và được công nhận rộng rãi nhằm điều chỉnh hành vi của công dân hoặc các tác nhân chính trị, giữa các các tác nhân chính trị với nhau, hoặc giữa các tác nhân chính trị và quyền lực bao trùm lên tất cả. Lý thuyết luật pháp rất phức tạp, nhưng nhiều người cho rằng có thể chia thành hai trường phái lớn. Một bên là truyền thống luật thực định (Positive Law), đặc biệt mạnh mẽ trong tư duy pháp lý của Mỹ và Anh, trong đó tất cả các điều luật đều được coi là thực định: Mệnh lệnh trực tiếp từ người nào đó hoặc lực lượng nào đó có thể thực thi luật pháp. Ở Vương quốc Anh, trường phái này được đại diện bởi các công trình của H. L. A. Hart (1907–92), với xu hướng phân biệt rõ ràng giữa luật pháp và đạo đức và coi tất cả các mệnh lệnh được quyền lực hình thành theo đúng thể thức hợp pháp ban hành đều là luật và ràng buộc về mặt pháp lí, không phụ thuộc vào đặc điểm của nó. Trường phái này tìm cách phủ nhận, không coi những quy tắc không thể thực thi là “luật”, ví dụ, những quy tắc được công nhận tạo thành nội dung các công ước và kỳ vọng được gọi là luật “quốc tế”. Bên kia là trường phái luật tự nhiên (Natural Law), giữ địa vị thống trị ở lục địa Châu Âu, khu vực coi luật pháp là nghĩa vụ mang tính ràng buộc xuất phát từ lĩnh vực đạo đức tồn tại từ trước, mà các đạo luật thực định trên thực tế chỉ làm cho chúng trở thành có hiệu lực mà thôi. Các đặc điểm cơ bản khác của luật pháp, ví dụ, luật pháp phải luôn luôn có tính cách phổ quát hay không, những cơ quan có thẩm quyền nào trong xã hội có thể ban hành hoặc khi nào, nếu có thể xảy ra, chúng có thể bị phủ nhận một cách hợp pháp, đều gắn bó mật thiết với những vấn đề lý thuyết rộng lớn hơn. Cho đến mãi thời gian gần đây, truyền thống luật thực định vẫn giữ thế thượng phong trong tư duy luật pháp ở Mỹ và Anh, và rất phổ biến trong số những người thực hành, nếu không nói là các lý thuyết gia, nhưng địa vị của luật thực định ngày càng bị thách thức, đặc biệt là bởi những người cầm bút theo truyền thống tự do mới ủng hộ Rawls và Nozick. Luật pháp, na ná như chế độ dân chủ, có tác dụng như biện pháp kiềm chế mang tính biểu tượng đầy sức mạnh trong luận cứ chính trị: Ít người dám thừa nhận rằng hành động của họ là bất hợp pháp nhưng tốt, mà họ sẽ cố gắng biện minh cho mình bằng cách chỉ trích điều luật mà họ vi phạm. Trong cả hai trường hợp, lí do chỉ có một; trong thế giới hiện đại chỉ ý kiến của ​​đa số mới là đòi hỏi chính đáng, ngoài ra không có gì hết, vì vậy, chỉ những quy tắc do đa số đặt ra là mới là trọng tài được chấp nhận. Trên thực tế, khó khăn thường gặp là không điều luật nào có thể thực sự vô hiệu hóa được các quyết định hoàn toàn tùy tiện của những được giao trách nhiệm thi hành luật pháp.

1 comment: