257. Islamic Politics – Chính trị Hồi giáo. Từ cuối thế kỉ XIX, câu thần chú trong đạo Hồi nói rằng tôn giáo và chính trị là không thể tách rời “Islam din wa dawla” (Đạo Hồi là tôn giáo và nhà nước) là quan niệm thịnh hành và được nhiều người ở Trung Đông chia sẻ. Tuy nhiên, quá trình thế tục hóa - tách tôn giáo ra khỏi nhà nước - đã là sự kiện trong đời sống xã hội Trung Đông trong một thời gian khá dài. Điều này thề hiện rõ trong việc chính phủ ngày càng lấn át vai trò của luật Hồi giáo (Shar’a). Trong thời Đế chế Otoman và vương triều Qajar ở Iran luật lệ của nhà nước phần lớn mang tính thế tục. Nhưng người ta lại không tiến hành một cách có ý thức việc thế tục hóa dân cư. Kết quả là, trong khi chính phủ theo đuổi chính sách “biện hộ cho cả những hành động phi đạo đức” (reason of state) thì đạo Hồi vẫn là thành tố quan trọng của văn hóa và bản sắc của quần chúng ở Trung Đông. Việc phương Tây thâm nhập vào thế giới Hồi giáo từ thế kỉ XIX trở đi đã tạo ra xung đột giữa quan điểm của thế tục và tôn giáo về chính trị, vì hệ thống giáo dục và luật pháp đã bị phương Tây hóa. Chủ nghĩa thực dân lại dẫn tới lĩnh vực công mới, các tín đồ Hồi giáo tìm cách tái thiết lập diễn ngôn chính trị bằng cách sử dụng công thức “Islam din wa dawla” nhằm tái chiếm vũ đài, nơi mà từ “din” có nghĩa là nhân dân và kêu gọi bổ sung thêm những biện pháp bảo vệ mang tính hiến định giúp tạo ra tính chính danh cho cộng đồng chính trị.
Cùng với cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran, người ta ngày càng quan tâm tới câu hỏi: Chủ nghĩa thế tục có tương thích với đạo Hồi? Giáo lí của đạo Hồi có bao hàm tất cả các các vấn đề, trong có có công việc thường ngày của dân chúng? Có cần buộc mọi người cùng phải chấp nhận luật Hồi giáo? Tín đồ Hồi giáo có được giành cho một số lĩnh vực mà họ có quyền tự quyết hay không? Mặt khác, những tín đồ phủ nhận chủ nghĩa thế tục lại tranh cãi với nhau về nền chính trị đa nguyên và quyền con người.
258. Isolationism – Chủ nghĩa biệt lập. Chủ nghĩa biệt lập là chiến lược trong chính sách đối ngoại, trong đó một nước nào đó tuyên bố rằng họ hoàn toàn không quan tâm đến các vấn đề quốc tế, cũng như các vấn đề của các nước khác, miễn là chúng không ảnh hưởng đến bất kì lợi ích quan trọng nào của chính mình; điều này ngụ ý địa vị trung lập trong hầu hết các xung đột có thể xảy ra. Ví dụ nổi tiếng nhất là chính sách đối ngoại của Hoa Kì trong phần lớn thế kỉ XIX và trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến trong thế kỷ XX. Trong những giai đoạn đó Hoa Kì đã có thái độ trung lập với hấu hết các nơi trên thế giới, trừ Tây Bán Cầu, đây là hệ quả của Học thuyết Monroe, được công bố năm 1823.
Trên thực tế, Hoa Kì chỉ theo đuổi chủ nghĩa biệt lập nếu nó có lợi cho mình, và đã tham gia sâu vào các vấn đề của châu Á, cũng như tìm ra định nghĩa về “Tây Bán Cầu” đủ rộng để bao gồm cả Hawaii và Philippines. Chủ nghĩa biệt lập có ảnh hưởng lớn nhất ở Hoa Kì trong giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến, nước này không tham gia Hội Quốc Liên và đứng ngoài Thế chiến II cho đến khi bị Nhật Bản tấn công, cuối năm 1941. Dù có thể có lợi đối với Hoa Kì nhưng chính sách này là thảm họa đối với châu Âu, vì các nhà độc tài ở đó tin tưởng rằng Mĩ sẽ giữ vị trí trung lập. Mặc dù chủ nghĩa biệt lập vẫn còn được nhiều người Mĩ ưa chuộng, Học thuyết Truman, công bố năm 1947, với cam kết nói rằng Hoa Kì sẵn sàng giúp đỡ tất cả các dân tộc đấu tranh cho tự do, chống lại “những nhóm vũ trang hoặc áp lực từ bên ngoài”, thể hiện sự cáo chung của chủ nghĩa biệt lập, tuy không tương thích với trách nhiệm được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ). Chắc chắn là khuynh hướng biệt lập, mặc dù vẫn hiện diện, đã không ngăn cản được các vị tổng thống Hoa Kì can thiệp sâu vào các vấn đề của châu Âu.
Tất nhiên, trên thực tế, các nước nhỏ
thường theo chủ nghĩa biệt lập, và nó chỉ trở thành chiến lược có chủ ý trong khi
có lựa chọn. Khi nước Anh còn là cường quốc đầy sức mạnh, đôi khi thành tố chủ
nghĩa biệt lập được thể hiện dưới danh xưng “người Anh nhỏ bé”, tức là muốn từ
bỏ trách nhiệm của đế chế và tập trung nỗ lực vào việc bảo vệ lợi ích trực tiếp
của mình. Ngày nay, tình trạng phức tạp của nền chính trị quốc tế và sự đan xen
giữa các liên minh, đặc biệt trong tình hình nhiều nước có vũ khí hạt nhân, chủ
nghĩa biệt hầu như không còn khả thi nữa. Hơn nữa, với vai trò ngày càng tăng, Liên
Hiệp Quốc đã tạo ra khả năng thực sự về an ninh tập thể, khuyến khích các nước
tham gia đầy đủ vào nền chính trị thế giới, như đã thấy trong cuộc Chiến tranh
vùng Vịnh năm 1991, sự tham gia tích cực của Liên minh Châu Âu trong các vấn đề
Đông Âu và trong chính sách đối ngoại quốc tế.
bài rất hay
ReplyDelete