March 20, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 7)

Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 2

Công cuộc chuyển hóa thành công của Chile:
Từ tình trạng phân cực gay gắt sang dân chủ ổn định (Tiếp theo)

Genaro Arriagada

Những thành tích về kinh tế và xã hội song hành cùng với sự thỏa mãn hai thành tố quan trọng nhất của bất kì vụ chuyển hóa nào. Thứ nhất, đấy là quan hệ với quân đội. Mặc dù khởi đầu đầy khó khăn, 10 năm sau khi chế độ độc tài cáo chung, Chile đã khôi phục hoàn toàn quyền kiểm soát của các quan chức dân sự đối với lực lượng vũ trang, trên nguyên tắc chuyên nghiệp, tuân lệnh, không tranh cãi và phục tùng chính quyền dân sự hợp pháp. Trong số các nguyên nhân của thành công này phải kể đến chương trình huấn luyện quân đội, với đức hạnh cao quí nhất, của tướng Carlos Prats, tổng tư lệnh quân đội trước Pinochet, bị cảnh sát chính trị của chế độ ám sát năm 1974 ở Buenos Aires, và việc đưa thế hệ sĩ quan, tuy không phải là đối thủ của Pinochet, nhưng chí ít cũng không gắn bó với ông ta hay chính phủ của ông ta lên làm lãnh đạo lực lượng vũ trang. Yếu tố quan trọng thứ hai của quá trình chuyển hóa là xử lí những vụ vi phạm nhân quyền trong quá khứ; trong quá trình chuyển hóa ở Chile, người ta đã có những cố gắng rất lớn nhằm giành cho bằng được sự thật, công lí và bồi thường và làm cho người ta nhớ tới những tội ác đó. Đến giữa những năm 2000, hơn 100 quân nhân đã bị kết án, trong đó có tất cả các tướng lĩnh từng nắm chức giám đốc bộ máy an ninh của chế độ độc tài dưới thời Pinochet. Không có vụ chuyển hóa nào thực hiện được đầy đủ công lí đối với các nạn nhân của chế độ độc tài, nhưng những nỗ lực bền bỉ của Chile nhằm thực hiện điều đó là sự kiện nổi bật trong các quá trình chuyển hóa so với Nam và Trung Âu, châu Á, châu Phi và những nước khác ở Mỹ Latin, vì đã làm được nhiều việc nhất về vấn đề này.


Tiểu sử Patricio Aylwin, tổng thống Chile giai đoạn 1990–1994

Kết quả hình ảnh cho Patricio Aylwin

Patricio Aylwin là luật gia trong lĩnh vực hiến pháp và giáo sư luật học, từng nhiều năm làm lãnh đạo chính trị đảng Dân chủ Cơ đốc ôn hòa. Ông từng là chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc và là một thành viên (và chủ tịch) thượng viện Chile trong giai đoạn trước khi quân đội cướp được quyền lực. Ông nổi tiếng vì những lời phản đối chống lại tổng thống thuộc Đảng Xã hội, Salvador Allende, trong các cuộc đàm phán chính trị bất thành diễn ra ngay trước cuộc đảo chính tháng 9 năm 1973, do tướng Augusto Pinochet và các lực lượng vũ trang Chile tiến hành nhằm lật đổ chính phủ Đoàn kết Nhân dân của Allende. Mặc cho lập trường gây tranh cãi đó, cuối cùng Aylwin đã có vai trò then chốt trong việc hàn gắn những khác biệt giữa những thành phần chính trong lực lượng đối lập với Pinochet, lúc đó đang lâm vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Ông lãnh đạo Liên minh “Nói không”, đánh bại Pinochet trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988, mở đường cho quá trình chuyển hóa sang chính thể dân chủ dân sự trong năm 1990.

Ôn hóa và quí phái trong cách cư xử, Aylwin giành được sự ủng hộ cho những thỏa hiệp mang tính chiến lược, giúp đưa phái ôn hòa, trung tả và trung hữu lại với nhau. Ông đã thiết lập cam kết vững chắc với chế độ pháp quyền và truyền thống chính trị dân chủ lâu dài của Chile. Là nhà lãnh đạo và tổng thống đầu tiên của liên minh Concertación por la Democracia, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1989 và tất cả những cuộc tổng tuyển cử diễn ra sau đó - cho đến năm 2010 - Aylwin tiến dần tới việc thiết lập quyền kiểm soát của các quan chức dân sự đối với lực lượng vũ trang, trong khi vẫn còn những điều khoản ghi trong hiến pháp, do Pinochet áp đặt năm 1980, khiến việc thực hiện trở nên cực kì khó khăn. Ông tung ra những biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế và được giới doanh nhân tin tưởng, tập trung chú ý nhiều hơn đến công bằng xã hội. Aylwin hoạt động như một đội trưởng, hầu như luôn luôn làm theo những cố vấn đáng tin cậy. Nhưng, ông nhận trách nhiệm cá nhân, mặc cho những lời khuyên của nhóm chính trị của mình, về việc khẳng định phải thành lập ủy ban đa nguyên và có tính đại diện nhằm xác định sự thật liên quan đến những vụ hành quyết và “mất tích” có dính líu tới chính trị dưới chế độ độc tài, và “trong chừng mực có thể”, nhằm tìm kiếm công lí. Quyết định đó, và kết quả là Ủy ban Công lí và Hòa giải (Ủy ban Rettid), đã giành được tính hợp pháp và sự ổn định trong suốt quá trình chuyển hóa dân chủ và mở ra khả năng phát triển trong tương lai theo hướng công lí trong giai đoạn chuyển hóa.

Phỏng vấn tổng thống Patricio Aylwin

Quá trình chuyển hóa của Chile từ chế độ độc tài Pinochet sang giai đoạn kéo dài của nền quản trị dân chủ và tiến bộ kinh tế thường được coi là khuôn mẫu. Trong tất cả những quyết định mà ông đã đưa ra để dẫn dắt quá trình này, xin cho biết hai hoặc ba quyết định mà ông cho là quan trọng nhất?

Trước hết, xin nói rằng, ngoài câu hỏi về những quyết định đó, lịch sử của đất nước tôi có vai trò cực kì quan trọng đối với quá trình chuyển hóa. Chile có lẽ là nước Mỹ Latin có chế độ dân chủ ổn định nhất, sau khi giành được độc lập. Và khi chúng tôi bị mất chế độ dân chủ, phục hồi nó trở thành nhiệm vụ cơ bản của toàn bộ quá trình của chúng tôi. Những người trong hàng ngũ của chúng tôi đang đấu tranh cho sự phục hồi dân chủ - cả phái tả lẫn phái ôn hòa (tôi thuộc phái này), những người thuộc Đảng Xã hội, những người thuộc Đảng Dân chủ Cơ đốc, cộng với những người thuộc Đảng Cấp tiến (chúng ta có thể gọi trung tả) – cái đưa chúng tôi lại với nhau, ngoài tinh thần muốn thay đổi và việc tìm kiếm xã hội công bằng hơn, là lòng khát khao chế độ dân chủ của chúng tôi.

Quan chức dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang

Khi tôi nói về truyền thống dân chủ của Chile, tôi nghĩ chúng tôi còn được hưởng lợi từ sự kiện là - không giống như nhiều nước Mỹ Latin khác, ở đấy các lực lượng vũ trang thường xuyên can thiệp vào chính trị, lúc nào cũng đặt điều kiện cho các chính phủ dân chủ - Chile rất ổn định và các lực lượng vũ trang vẫn phục tùng chính quyền dân sự, chỉ có vài ngoại lệ mà thôi. Ngay cả trong những giai đoạn có những biến động xã hội lớn, những cố gắng nhằm dựng lên chính phủ độc tài thường không tìm được cơ sở ủng hộ vững chắc trong xã hội Chile.

Đánh bại các hệ thống độc tài ngay từ bên trong

Tuy nhiên, trả lời trực tiếp câu hỏi của ông, tôi nghĩ, một trong những quyết định quan trọng là cố gắng để đánh bại giới quân sự bằng những luật chơi của chính họ. Nói chung, ở các nước Mỹ Latin thường xảy ra việc các lực lượng đối lập tìm cách lật đổ chính quyền độc tài bằng một cuộc đảo chính khác. Chế độ độc tài bị lật đổ bởi một chế độ độc tài khác. Cuối cùng, chúng tôi đã thắng Pinochet trong khuôn khổ thiết chế của chính ông ta, mà không làm thay đổi quá nhiều hay đe dọa điều mà chúng tôi có thể gọi là chung sống hòa bình giữa những người Chile. Đấy là vấn đề khó, vấn đề khá phức tạp.

Để làm như vậy, chúng tôi phải học cách hành động với nhận thức thấu đáo về tư tưởng, hành động và quyết định của mình. Nếu chúng tôi không làm như vậy, chúng tôi có thể thất bại nặng nề. Nhưng kẻ thù không chỉ là Pinochet, ông ta không hoàn toàn là người ngu; ông ta là người khôn khéo và được một bộ phận dân chúng ủng hộ, và trên hết là sự ủng hộ vô điều kiện của lực lượng vũ trang thống nhất: Lục quân, Hải quân và Không quân. Họ tin - và tôi nghĩ họ tiếp tục tin – là họ làm nhiệm vụ của mình trước đất nước Chile khi lật đổ Allende. Đó là niềm tin của họ vào thời điểm xảy ra cuộc đảo chính quân sự và trong suốt quá trình phục hồi chế độ dân chủ ở Chile.

Xây dựng niềm tin trong lực lượng đối lập

Ban đầu ông chỉ trích gay gắt tổng thống Allende, nhưng trong những năm 1980 ông đã có thể giành được lòng tin của những người đã từng ủng hộ Allende. Làm sao làm việc được với những người đã từng là đối thủ của ông?

Chúng tôi là đối thủ trong thời điểm có sự chia rẽ và đối đầu gay gắt về chính trị. Các đảng phái đã từng là đối thủ trong quá khứ chưa xa lại có thể đạt được thỏa thuận như thế không phải là hiện tượng thường thấy trong lịch sử. Trong chính quyền của Eduardo Frei Montalva (từ năm 1964 đến năm 1970), những người thuộc Đảng Xã hội là đối thủ cứng rắn của chúng tôi, và trong chính quyền của Allende (từ năm 1970 đến năm 1973), chúng tôi là lực lượng đối lập mạnh vì chúng tôi đã thấy chính phủ Đòan kết Nhân dân của ông này đang cố gằng thiết lập, trên thực tế, chủ nghĩa xã hội. Thật vậy, khi đảo chính quân sự nổ ra, nhiều người trong chúng tôi cảm thấy rằng đó là hậu quả tất yếu của tình hình mà chính phủ đã lao vào: đất nước đứng trên bờ vực nội chiến. Vì thế chúng tôi bị lên án là ủng hộ đảo chính quân sự.

Tuy nhiên, chế độ độc tài quá khắc nghiệt, cho nên cuối cùng chúng tôi đã tìm được ngôn ngữ chung là bảo vệ các giá trị cơ bản, bắt đầu bằng việc bảo vệ những quyền con người.

Cũng có những sáng kiến chính trị, phân tích cách thức tái lập chế độ dân chủ, giúp đưa những người ở cả bên trong lẫn bên ngoài Chile lại với nhau. Một trong những sáng kiến đầu tiên được gọi là Nhóm 24. Nhóm này chủ yếu gồm các luật sư hay người có liên quan với các vấn đề pháp lí; chúng tôi thành lập một nhóm nghiên cứu để phân tích các vấn đề của Chile và tìm cách quay trở lại với chế độ dân chủ, tung ra những thách thức đối chính phủ trong suốt quá trình này. Những người có quan điểm khác - từ Đảng Tự do cũ đến Đảng Xã hội chủ nghĩa và thậm chí là Cộng sản – đã gia nhập Nhóm 24.

Nhà thông thái đứng sau Nhóm 24 là Edgardo Boeninger. Ban đầu chúng tôi là một nhóm bạn bè và thường gặp nhau ở nhà của chúng tôi. Hầu như tất cả chúng tôi đều là học giả, mà phần lớn không còn làm trong các trường đại học nữa, vì các trường đại học đã bị chính quyền quân sự nắm (và phải phục tùng chính quyền quân sự). Nhóm này có các học giả như Luis Izquierdo của Trường Sinh vật học; nhà sử học Sergio Villalobos, đã từng được giải thưởng về lịch sử dân tộc; Manuel Sanhueza, từng là bộ trưởng tư pháp dưới thời Allende; Sergio Teitelboim, từng là đảng viên cộng sản và anh của một nhà lãnh đạo cấp cao trong đảng đó. Có khá nhiều luật sư.

Chúng tôi nghiên cứu bản hiến pháp mới, chế độ dân chủ mới phải như thế nào. Nhóm này mang tính học thuật là chính. Chúng tôi gặp nhau trong một văn phòng ở trung tâm thành phố Santiago bị chính phủ theo dõi sát sao và được chính phủ cho phép - tất cả mọi người đều biết như thế; tuần nào chúng tôi cũng gặp nhau. Quá trình này đã tạo lòng tin giữa những người trước đây từng là đối thủ của nhau.
Tôi còn nghĩ rằng điều quan trọng là chúng tôi nhận phần trách nhiệm của mình từ những quan điểm khác nhau; ngay cả những đảng viên Đảng Xã hội cũng bắt đầu nhận ra những sai lầm của chính quyền Allende và đánh giá lại chế độ dân chủ, và đảng Dân chủ Cơ đốc cũng làm thế.

Cuối cùng, tình bạn cũng đã giúp họ đến với nhau. Ví dụ, tôi có nhiều bạn tốt trong số những đảng viên Đảng Xã hội kể từ khi còn trẻ - ví dụ, với Clodomiro Almeyda, bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ Allende. Khi ông trở về sau khi lưu vong, tình bạn cũ của tôi với ông ấy đã giúp liên kết phe cứng rắn nhất trong Đảng Xã hội với liên minh các đảng dân chủ vừa xuất hiện.

Những kinh nghiệm của quá trình làm việc với nhau trong Nhóm 24 có đóng góp cho việc xây dựng quan hệ tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau trong những người có những quan điểm rất khác hay không? Làm sao tìm được tiếng nói chung?

Chính xác, đúng như thế. Đó là quá trình kéo dài. Tôi đã nói về “buổi tái ngộ của những người dân chủ”. Tôi đã viết một cuốn sách với nhan đề như thế, nói về quá trình tìm tiếng nói chung đã diễn ra như thế nào. Có rất nhiều cách để chúng tôi gặp nhau. Những nhóm thảo luận, gọi là círculos de diálogo, xuất hiện; và các cuộc hội thảo đã được tổ chức cả ở Chile lẫn ở nước ngoài, đã kéo những người lưu vong và những người còn ở trong nước lại với nhau. Phân tích tình hình cùng nhau tạo điều kiện cho chúng tôi giảm bớt thành kiến và xây dựng niềm tin.

Vấn đề quyền con người là rất quan trọng, vì nó đưa người ta lại với nhau – vượt ra ngoài những khác biệt về tư tưởng – trong việc bảo vệ phẩm giá của con người. Cả Đảng Dân chủ Cơ đốc, cả Đảng Cấp tiến, Đảng Tự do, và Đảng Cộng sản cùng hoạt động như những luật sư bảo vệ nhân quyền, và chúng tôi thường gặp nhau trong khi bảo vệ thân chủ của mình ở các phiên tòa. Tôi đã thay mặt họ cãi mấy lần, đấy là khi Jaime Castillo [cựu Bộ trưởng tư pháp và lãnh đạo Đảng Dân chủ Cơ đốc được công nhận] bị bắt phải lưu vong, và còn cãi cho bạn bè thuộc Đảng Xã hội bị trục xuất ra nước ngoài. Có một trường hợp, tôi không nhớ phiên tòa nào, phòng xử nhỏ và Tòa án tối cao cho đặt loa ở ngoài, và vì vậy người ta nghe lập luận ngay trong hành lang của tòa án. Và gần như tất cả vụ xử đều thua.

Xây dựng liên minh

Sau đó, liên minh chính trị bắt đầu hình thành. Đầu tiên là Alianza Democratica, rồi đến Acuerdo Nacional và Asamblea de la Civilidad, đấy là những tổ chức tiền thân của Concertación de Partidos por la Democracia (Liên minh các đảng vì dân chủ, hay La Concertación). Một phong trào xã hội cực kì to lớn ủng hộ những đòi hỏi dân chủ: công nhân và đoàn viên công đoàn, sinh viên đại học và phụ nữ - đóng vai trò đoàn kết trong việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân. Các tổ chức của phụ nữ hoạt động rất tích cực và cũng rất dũng cảm. Họ là những người đầu tiên bước ra đường phố và hành động một cách đoàn kết, mặc dù họ là đảng viên của những đảng trước đó từng là đối thủ của nhau.

Huy động xã hội

Cuộc khủng hoảng kinh tế và những cuộc cải cách theo đường lối tân tự do trong những năm đầu thập niên 1980 làm cho khá nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo và làm cho nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn hơn và làm cho tình trạng bất ổn gia tăng. Từ năm 1983 đến năm 1986, cuộc vận động của xã hội dân sự, được các đảng phái chính trị ủng hộ, đã xuất hiện, mặc dù đã chính thức bị cấm, xói mòn dần sự ủng hộ dành cho chế độ quân sự. Những cuộc vận động này làm suy yếu dần chế độ độc tài - cho đến khi xảy ra vụ mưu sát Pinochet, năm 1986.

Đã có một cuộc thảo luận sôi nổi, đông người tham gia về việc liệu có thể kết liễu được chế độ độc tài bằng một cuộc trưng cầu dân ý hay không. Đảng Cộng sản khẳng định rằng sự cáo chung của chế độ độc tài sẽ diễn ra thông qua cuộc vận động xã hội rộng rãi, kể cả đấu tranh vũ trang. Quan điểm của ông như thế nào?

Trên thực tế, vận động xã hội đã được các đảng dân chủ thúc đẩy. Đảng Cộng sản và mặt trận vũ trang của đảng này ủng hộ chiến lược sử dụng tất cả các hình thức đấu tranh, trong đó có sử dụng bạo lực. Các đảng phái dân chủ tin vào cuộc vận động hòa bình, ngay cả khi chúng tôi bị đàn áp. Khi vụ nhập lậu vũ khí của Cộng sản bị khám phá và vụ mưu Pinochet thất bại, thì diễn ra bước ngoặt. Đàn áp gia tăng và chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng chúng tôi phải cam kết với biện pháp bất bạo động nhằm xây dựng cho được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân.

Đó là cuộc tranh luận căng thẳng và tất cả chúng tôi đều nghi ngờ. Tôi là người rất yêu hòa bình và là người nghiên cứu luật pháp. Mặc dù tại thời điểm đó, tôi không thể khẳng định rằng, đối với chúng tôi, mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp, tôi nghĩ rằng biện pháp bất bạo động phù hợp không chỉ với lịch sử của Chile, mà còn phù hợp với tư duy của người Chile nữa, phù hợp với những tính chất đặc thù trong bản sắc dân tộc của chúng tôi.

Ngoài ra, trong các đảng mà sau này tạo ra Concertación đều có hai phe: những người khẳng định rằng chính phủ Pinochet bị sẽ bị đổ, đấy là kết quả trực tiếp của công cuộc vận động xã hội, và những người tin rằng sẽ hiệu quả hơn nếu tham gia vào hiến pháp của Pinochet, thách thức cuộc trưng cầu dân ý và đánh bại ông ta từ bên trong, bằng cuộc trưng cầu dân ý.

Tôi thuộc phái thứ hai. Chiến lược vận động xã hội đúng là đã bắt đầu làm xói mòn chế độ, nhưng chúng tôi lo ngại rằng tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng xã hội và vận động ở cơ sở sẽ có kết cục đầy bi thảm, bởi vì các lực lượng vũ trang có thể sẽ đàn áp. Những người ủng hộ một trong hai luận điểm này bác bỏ chiến lược của đảng Cộng sản, nhưng đảng này lại được lợi hơn nhờ tăng cường vận động xã hội.

Đánh bại hệ thống độc tài ngay từ bên trong

Khi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm thông qua bản hiến pháp năm 1980, chúng tôi đã lên tiếng tố cáo, nói rằng thủ tục là bất hợp pháp - không có quyền tự do và không có danh sách cử tri – đã bị chế độ độc tài xóa sổ - và do đó hiến pháp cũng bất hợp pháp. Tuy nhiên, năm 1984, một số người bắt đầu đề nghị bỏ qua những cuộc thảo luận về tính hợp pháp của hiến pháp và chấp nhận nó như một sự kiện đã rồi. Ý tưởng là để đăng kí các đảng phái theo luật của Pinochet về các đảng phái chính trị, tức là những đạo luật mà chúng tôi không thích, tham gia cuộc trưng cầu dân ý, mà chúng tôi cũng không thích và đánh bại chế độ bằng cách sử dụng luật lệ của chính nó.

Đó là chiến lược mà cuối cùng đã mang lại chiến thắng. Thật vậy, tôi được bầu làm Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc, trong khi bảo vệ tư tưởng nói rằng đảng phải được đăng kí như một đảng chính trị theo pháp luật của chế độ độc tài. Trong đảng của chúng tôi, đã có những người phản đối cách làm đó. Rồi chúng tôi đấu tranh, đòi phải tiến hành những cuộc bầu cử tự do, chúng tôi đăng kí các đảng của mình, và chúng tôi huy động được bảy triệu người Chile đăng kí tham gia bầu cử. Cuối cùng là chiến dịch “Nói không” và cuộc trưng cầu dân ý, chúng tôi đánh bại Pinochet trong chiến dịch này.

Quan chức dân sự kiểm soát lực lượng vũ trang

Ông nói rằng truyền thống lịch sử của các lực lượng vũ trang đã giúp đỡ, vì trong quá khứ, lực lượng quân sự Chile vốn vẫn vâng lệnh chính quyền dân sự. Kinh nghiệm Chile là độc nhất vô nhị vì không có cuộc chuyển đổi nào khác mà nhà độc tài vẫn giữ chức tổng tư lệnh Lục quân trong suốt tám năm, sau khi đã không còn là tổng thống nữa. Quan hệ với quân đội diễn ra như thế nào? Ông đàm phán với quân đội như thế nào? Có những bài học và khó khăn nào?

Trong cuộc gặp đầu tiên với Pinochet, như tổng thống mới được bầu, tôi nói với ông ấy rằng tôi nghĩ là sẽ tốt hơn đối với Chile nếu ông ấy thôi chức tổng tư lệnh. [Mỉm cười và làm điệu bộ bắt chước Pinochet]. “Ông nhầm, thưa Ngài Tổng thống, không có ai bảo vệ ông tốt hơn tôi”. Ông ta được lực lượng vũ trang rất kính trọng và có khả năng là việc ông ở lại đã ngăn chặn được những vụ bạo loạn của các viên đại tá, như đã từng xảy ra trong những cuộc chuyển hóa khác.

Quan hệ của tôi với Pinochet khá phức tạp, nhưng cuối cùng thì ông ta tuân thủ khuôn khổ của thiết chế dù ông không thích; ông tôn trọng vì chính ông đã tạo ra nó. Tuy nhiên, ông muốn nhảy qua nhiều thứ. Ví dụ, trong cuộc họp đầu tiên của tôi với ông trong dinh tổng thống La Moneda, sau khi tôi tuyên thệ nhậm chức và đã giữ chức tổng thống, ông nói với tôi rằng ông sẽ báo cáo trực tiếp với tôi, chứ không phải với bộ trưởng quốc phòng.

Thế là tôi chỉ cho ông ta bản hiến pháp và nói: “Xin hãy xem đây, thưa Tướng quân, hiến pháp mà ông viết ra nói rằng ông nằm dưới quyền bộ trưởng quốc phòng, vì vậy, tôi xin lỗi nhưng ông phải làm việc với ông ta”. Ông ta tìm cách tránh trung gian, nhưng ông ta phải chấp nhận chuyện đó, và từ đó trở đi ông ta đã báo cáo qua bộ trưởng quốc phòng.

Những bước thụt lùi

Có một số sự cố bất ngờ trong giai đoạn ông cầm quyền với mục đích là làm trật hướng quá trình chuyển hóa, gây ra ảnh hưởng to lớn, trong đó có vụ ám sát thượng nghị sĩ Jaime Guzmán, một nhà lãnh đạo cánh hữu và vụ bắt cóc con trai của Agustín Edwards, chủ báo El Mercurio, một tờ báo hàng đầu. Ông đã phản ứng trước những sự cố này như thế nào?

Xin nói rằng tôi phản ứng trước các sự cố này như một phần của tình hình căng thẳng mà chúng tôi đang trải qua lúc đó. Chúng tôi bị đẩy vào một tình huống mà chúng tôi không thể nào biết được kết quả; rủi ro rất lớn, đã có hành động khủng bố. Chúng tôi thậm chí còn biết có công chức hoặc dân thường thâm nhập vào và tiếp tục làm việc, như họ nói, a la mala (theo hướng sai). Tôi nhớ không rõ lắm chuyện này, nhưng đã phát hiện ra những đường dây nối giữa La Moneda (dinh tổng thống Chile – ND) và một tòa nhà của cảnh sát mật, trong đó có thiết bị nghe trộm điện thoại của chúng tôi.

Chúng tôi đã trải qua nhiều tình huống căng thẳng. Tôi nhớ, một lần ở Punta Arenas tôi gặp vị tư lệnh các lực lượng vũ trang ở đó, đấy là một trong những khu vực quân sự hóa nhất, và tôi nói với ông ta rằng tôi muốn gặp các sĩ quan để chứng tỏ ý muốn là tổng thống của tất cả mọi người Chile, dân sự cũng như quân sự. Họ tạo ra đủ thứ cản trở trên đường đi của tôi và nói rằng rất khó tập trung tất cả các sĩ quan vào ngày hôm sau. Vì vậy, tôi nói với họ: “Chuyện gì vậy? Nếu xảy ra chiến tranh, các ông không thể tập trung tất cả các sĩ quan trong vòng mấy tiếng đồng hồ hay sao?”. Thế là tôi đã gặp các sĩ quan và tôi nói chuyện với họ về quá trình chuyển hóa. Đó là cuộc gặp mặt rất có tính đại diện, với các sĩ quan từ tất cả các lực lượng vũ trang; cuộc họp diễn ra ở Magallanes.

Ông đã phản ứng như thế nào trước hai sự cố, năm 1991 và năm 1993, khi một số đơn vị Lục quân gây áp lực, dường như là nhằm đe dọa chính phủ, buộc phải chấm dứt việc điều tra những vụ được cho là sai phạm tài chính của con trai Pinochet? Pinochet có kiểm soát được các lực lượng vũ trang?
Người chỉ huy là Pinochet, nhưng lực lượng vũ trang không phải lúc nào cũng theo ông ta. Ví dụ, khi cuộc tập trận gọi là liên lạc được tiến hành vào năm 1991, hôm đó là ngày tốt nghiệp và vinh danh những sĩ quan quân đội xuất sắc nhất, và vì vậy mà có một buổi lễ và một bữa ăn trưa ở La Moneda, Pinochet tham gia với vai trò là tổng tư lệnh Lục quân. Khi Pinochet rời La Moneda, ông được người ta đưa cho tờ La Segunda, một tờ báo ra hàng ngày, trong đó có bài tường thuật về cuộc điều tra liên quan đến một số tấm séc do con trai ông ta viết, gọi là pinocheques, thanh toán cho những vụ mua bán vũ khí dưới thời chính quyền quân sự. Chiều hôm đó, Lục quân rút về doanh trại, rồi sau đó đi ra đường, trong trang phục sẵn sàng chiến đấu.

Chiều hôm đó tôi tham dự buổi lễ tốt nghiệp của các sĩ quan Carabineros [Carabineros là lực lượng cảnh sát quốc gia], và trong khi tôi ở đó thì có người nói với tôi tình hình đang diễn ra. Được, tôi tự nhủ, để xem chuyện gì đang diễn ra ở đây. Tuy nhiên, buổi lễ dành cho Carabineros diễn ra bình thường, và các bộ phận khác trong lực lượng vũ trang đã không tham gia vào vụ lộn xộn vừa nói. Pinochet định gây áp lực, buộc chính phủ đình chỉ điều tra những hoạt động của con trai ông ta. Điều này chứng tỏ rằng ảnh hướng của ông ta chỉ giới hạn trong Lục quân, vì Hải quân, Không quân và cảnh sát không theo ông ta.

Lần thứ hai, Pinochet tìm cách làm một cái gì đó tương tự như thế, khi tôi đang ở thăm nước ngoài. Nguyên nhân cũng tương tự như thế, nhưng lần này có thêm những cuộc điều tra vi phạm nhân quyền, làm cho họ lo lắng. Lần này ông ta cũng không được những bộ phận khác ủng hộ.
May là, những cố gắng nhằm đe dọa của Lục quân đã không thành công, vì sự thật là cam kết dân chủ đã ăn sâu bén rễ vào ý thức của dân tộc, cho nên không dễ lật ngược được: Chile đã khôi phục được chế độ dân chủ, đấy là ý tưởng đã được củng cố vững chắc.

[1] Hệ thống hoạt động như sau: Các đảng và các ứng viên độc lập tự nhóm vào danh sách hay liên minh, về cơ bản là các khối bầu cử. Mỗi danh sách được đề nghị nhiều nhất là hai ứng viên cho mỗi khu vực bầu cử, tỉnh, hoặc đơn vị địa lý khác. Ban đầu, phiếu được kiểm theo danh sách chứ không theo ứng viên, và trừ khi danh sách nào đó thu được đa số gấp đôi phiếu của đa số thứ hai, mỗi danh sách trong hai danh sách này được một ứng cử viên, người cao phiếu nhất sẽ trúng cử. Nói cách khác, hệ thống “cặp” về cơ bản có nghĩa là danh sách chiếm đa số thứ nhất và thứ hai đều có đại diện như nhau, trừ khi danh sách chiếm đa số thứ nhất có số phiếu gấp đôi danh sách thứ hai, tức là chiếm được 67% phiếu bầu - ND.

Còn tiếp

No comments:

Post a Comment