July 14, 2015

Klaus Schwab - Tài năng và vốn trong thế kỷ XXI


Phạm Nguyên Trường dịch



Khi những người hoạch định chính sách tài chính tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hầu như bao giờ họ cũng tập trung vào việc tìm kiếm những biện pháp mới nhằm giải phóng đồng vốn. Mặc dù cách tiếp cận như thế có thể có hiệu quả trong quá khứ, nó có thể tạo ra nguy cơ là người ta sẽ không chú ý tới vai trò của người tài trong việc tạo ra và thực hiện những ý tưởng làm cho kinh tế tăng trưởng. Thật vậy, trong nền công nghệ thay đổi nhanh chóng và tự động hóa trên diện rộng sẽ diễn ra trong tương lai, những yếu tố quyết định - hoặc hạn chế đến mức làm tê liệt – sự cách tân, khả năng cạnh tranh và tăng trưởng dường như ít phụ thuộc vào vốn mà phụ thuộc nhiều hơn vào lực lương lao động có tay nghề cao.


Các lực lượng địa chính trị, nhân khẩu và kinh tế liên tục tái định hình thị trường lao động. Công nghệ, nói riêng, đang làm thay đổi bản chất của công việc, làm cho tất cả các lĩnh vực và ngành nghề đều trở thành lỗi thời, đồng thời tạo ra những ngành nghề và công việc hoàn toàn mới. Theo một số tính toán, gần một nửa các ngành nghề hiện nay có thể sẽ được tự động hóa vào năm 2025. Người ta đang suy nghĩ về những thứ sẽ thay thế cho những ngành này, từ việc dự đóan những cơ hội mà chưa ai lường được tới những dự báo về tỷ lệ thất nghiệp cao, khi máy móc thay thế phần lớn lao động của con người.

Đã thấy rõ những dấu hiệu đầu tiên của sự đổ vỡ. Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu đạt mức cao nhất từ trước tới nay: 212 triệu người, theo Tổ chức Lao động quốc tế (International Labor Organization - ILO) mỗi năm cần tạo ra thêm 42 triệu chỗ làm mới, đấy là nói nếu nền kinh tế thế giới muốn cung cấp công ăn việc làm cho số người mới tham gia vào thị trường lao động đang ngày càng gia tăng. Trong khi đó, năm ngoái, 36% người sử dụng lao động trên toàn thế giới nói rằng có khó khăn trong việc tìm kiếm người tài, đây là tỷ lệ cao nhất trong bảy năm vừa qua.

Muốn giải quyết sự không tương thích giữa cung và cầu như thế, các chính phủ, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và các cá nhân phải bớt tập trung vào những ưu đãi trong ngắn hạn và bắt đầu lập kế hoạch cho tương lai, trong đó chỉ có thay đổi là bất biến. Tất cả mọi người đều phải suy nghĩ lại ý nghĩa của việc học, bản chất của công việc cũng như vai trò và trách nhiệm của tất cả những người có liên quan trong việc bảo đảm rằng công nhân trên khắp thế giới có thể thể hiện được toàn bộ tiềm năng của họ.

Giám đốc phụ trách nhân sự ở một số công ty lớn nhất thế giới - dựa vào kết quả bước đầu của cuộc khảo sát do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tiến hành - đã tiên đoán rằng sẽ xảy ra một vụ đỗ vỡ nặng nề sau khi Internet di động và công nghệ điện toán đám mây được áp dụng rộng rãi, cùng với việc sử dụng các dữ liệu lớn, sắp xếp giờ làm việc một cách linh hoạt, công nghệ in 3-D, vật liệu tiên tiến, và những nguồn cung cấp năng lượng mới. Quan điểm của họ về tác động tổng thể đối với tỷ lệ người có việc làm trong các ngành công nghiệp của mình phần lớn là tích cực - với điều kiện là có thể phát triển nhanh chóng những kỹ năng lao động mới trong lĩnh của họ và trong toàn bộ thị trường lao động.

Vì công nghệ ngày càng làm nhiều việc cần có tri thức, kỹ năng nhận thức vốn là trung tâm của hệ thống giáo dục hiện nay sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng; nhưng kỹ năng hành động và những kỹ năng không thuộc lĩnh vực nhận thức cần thiết cho hợp tác, sáng tạo và giải quyết vấn đề cũng sẽ trở thành quan trọng. Các trường học và trường đại học hiện nay, với cách dạy và học về bản chất là cá nhân chủ nghĩa và ganh đua, phải được thiết kế lại để tập trung vào việc học cách học và tiếp thu những kỹ năng cần thiết cho việc hợp tác với những người khác. Những kỹ năng độc đáo của con người, như khả năng làm việc theo nhóm, quản lý các mối quan hệ và hiểu được sự nhạy cảm văn hóa sẽ trở thành yếu tố quan trọng sống còn đối với các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực và phải trở thành một thành tố cốt lõi của nền giáo dục thế hệ tương lai.

Hơn nữa, giáo dục ngày càng trở thành công việc suốt đời, các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về vai trò của họ trong đào tạo lực lượng lao động có sức cạnh tranh. Một số công ty đã hiểu được được điều này và đang đầu tư cho việc học tập, chuyển nghề và nâng cao tay nghề liên tục cho lực lượng lao động của mình. Tuy nhiên, hầu hết những người sử dụng lao động vẫn kỳ vọng nhận được nhân tài được đào tạo sẵn từ các trường học, trường đại học những công ty khác.

Doanh nghiệp sẽ ngày càng phải làm việc nhiều hơn với các nhà giáo dục và các chính phủ nhằm giúp hệ thống giáo dục bắt kịp nhu cầu của thị trường lao động. Với sự thay đổi nhanh chóng những kỹ năng cần thiết cho nhiều ngành nghề, doanh nghiệp phải chuyển hướng đầu tư sang hướng đào tạo tại chỗ và học tập suốt đời, nhất là khi những người sinh ra trong những năm 1990 bắt đầu tham gia lực lượng lao động, tìm kiếm mục đích và trải nghiệm ở những chỗ mà cha mẹ họ tìm kiếm thù lao và ổn định.

Chu kỳ kinh doanh đương nhiên là sẽ kéo theo những thời điểm có nhiều việc làm và có ít việc làm, các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội nên theo gương thành công của những công ty như Coca-Cola, Alcoa, Saudi Aramco, Africa Rainbow Minerals và Google trong việc làm giảm tình trạng thất nghiệp và thúc đẩy khả năng tìm kế sinh nhai của người dân.

Chính phủ các nước, cũng có vai trò trong việc tạo ra môi trường, trong đó công dân của họ có thể thể hiện được tiềm năng của mình. Những người lập chính sách phải sử dụng những hệ thống đo lường mạnh mẽ hơn để đánh giá nguồn nhân lực và xem xét lại những khoản đầu tư vào giáo dục, thiết kế chương trình đào tạo, cách tuyển dụng và cho thôi việc, quá trình hội nhập của phụ nữ vào lực lượng lao động, chính sách hưu bổng, pháp luật về nhập cư và các chính sách phúc lợi. Hỗ trợ pháp lý cho doanh nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn là một trong những phương tiện được tận dụng kém nhất trong việc giải phóng khả năng sáng tạo, đẩy mạnh tăng trưởng và tạo việc làm.

Bảo vệ người lao động và người tiêu dùng là rất quan trọng, nhưng che chắn cho các ngành công nghiệp cụ thể khỏi những tác động của các mô hình kinh doanh mới sẽ không ngăn chặn được làn sóng đổi mới tiếp theo. Thay vì tìm cách kiềm chế các doanh nghiệp gây rắc rối như Airbnb và Uber, các chính phủ cần thông qua những quy định tạo điều kiện cho những doanh nghiệp này tăng trưởng bền vững, trong khi tìm cách tận dụng công nghệ và biện pháp kinh doanh của họ nhằm thúc đẩy phúc lợi xã hội. Đấy là những khóa học trực tuyến cho những người chưa có việc làm, bảo hiểm cho công nhân kỹ thuật số, tổ chức công đoàn ảo và chính sách thuế thúc đẩy nền kinh tế chia sẻ.

Mở đường cho những tài năng còn tiềm ẩn của thế giới và bằng cách đó mở đường cho toàn toàn bộ năng lực của thế giới hướng đến phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nhìn xa hơn chu kỳ kinh doanh và những báo cáo theo quý. Tương lai chứa đầy tiềm năng, nhưng đấy là khi chúng ta có đủ trí thông minh - và đủ can đảm - để nắm bắt nó.

Klaus Schwab là người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum – WEF).

http://www.project-syndicate.org/commentary/talent-capital-economic-growth-by-klaus-schwab-2015-05

No comments:

Post a Comment