July 15, 2015

Hy Lạp nói “Không”, nhưng đấy không phải là chiến thắng vì chế độ dân chủ.

Bernard-Henri Lévy
Phạm Nguyên Trường dịch

Một người biểu tình bị bắt trong một cuộc tuần hành phản đối chính sách khắc khổ. (Ảnh: Getty)

Mặc dù điều mà nhiều người đang nói tới - đặc biệt là những người không phải gánh chịu những hậu quả của lời nói của họ - việc cử tri Hy Lạp từ chối đề nghị gói cứu trợ tài chính mới nhất từ ​​các chủ nợ của họ không phải là “chiến thắng cho chế độ dân chủ”. Vì dân chủ, người Hy Lạp biết rõ hơn ai hết, là một vấn đề điều đình, đại diện và ủy nhiệm quyền lực một cách có trật tự. Bình thường thì đấy không phải là vấn đề trưng cầu dân ý.


Dân chủ chỉ trở thành vấn đề trưng cầu dân ý trong trường hợp đặc biệt: khi các nhà lãnh đạo được bầu không còn ý tưởng, khi họ đã không còn được cử tri tin tưởng, hoặc khi các phương pháp thông thường đã không còn tác dụng. Đấy có phải là trường hợp ở Hy Lạp? Vị trí của Thủ tướng Alexis Tsipras đã yếu đến nỗi ông không còn lựa chọn nào tốt hơn là đẩy trách nhiệm cho người dân bằng cách sử dụng hình thức bất thường của nền dân chủ, nghĩa là dân chủ bằng cách trưng cầu dân ý? Điều gì sẽ xảy ra nếu các đối tác của Hy Lạp, mỗi khi phải đối mặt với một quyết định mà họ không có đủ can đảm thực hiện, đều cho ngưng các cuộc thảo luận và đòi để cho nhân dân quyết định trong vòng một tuần?

Người ta thường nói - và có quyền nói như vậy - rằng châu Âu là quá quan liêu, quá cồng kềnh, quá chậm chạp trong việc đưa ra quyết định. Ít nhất cũng có thể nói rằng cách tiếp cận của Tsipras không sửa được những khiếm khuyết đó. (Có thể nói nói thêm rằng, nếu nó truyền cảm hứng cho người dân Tây Ban Nha để họ mạo hiểm bầu chọn chính phủ do đảng Podemos, tức là đảng chống thắt lưng buộc bụng của chính họ).

Đặt việc này sang một bên, hãy giả sử rằng các quyết định mà Tsipras phải thông qua là rất quan trọng và phức tạp, cần phải có bước đi đặc biệt là trưng cầu dân ý. Trong trường hợp này, sự kiện này phải phản ánh được sự phức tạp đó. Nó phải thể hiện được ý chí của nhân dân một cách cẩn thận và có cân nhắc. Nó cần phải được tổ chức và thực hiện với sự tôn trọng xứng đáng, chính phủ phải đảm bảo rằng người dân Hy Lạp đã nhận được thông tin phù hợp.

Thay vào đó, Hy Lạp đã tiến hành trưng cầu dân ý một cách vội vã. Câu hỏi của cuộc trưng cầu dân ý quả thực là khó hiểu. Không có chiến dịch thông tin công cộng xứng đáng với tên gọi. Nó kêu gọi bỏ phiếu “Không” mà chẳng ai hiểu vì sao; những chi tiết của đề xuất nói rằng cử tri Hy Lạp được cho là từ chối gói cứu trợ thậm chí còn không được đưa ra cho dân biết.

Hy Lạp cổ đại có hai từ nói về nhân dân: “demos – quần chúng” khi nói về chế độ dân chủ và “laos” khi nói về đám đông. Bằng cách chuyển gánh nặng do lỗi của mình và do thái độ miễn cưỡng, không muốn cải cách lên vai những đồng nghiệp châu Âu của Hy Lạp, Tsipras đang nghiêng về phía đám đông - và khuyến khích phiên bản tồi tệ nhất của nền chính trị Hy Lạp.

Tsipras có thể bảo vệ giải pháp trưng cầu dân ý của ông ta bằng cách khẳng định rằng mục tiêu của ông ta không phải là nghe ý kiến của người dân mà là củng cố vị thế của mình trong cuộc đối đầu với các chủ nợ của Hy Lạp. Nhưng cái gì biện minh cho cuộc đối đầu đó? Họ đã cả gan đòi hỏi phải có tiến bộ trong chế độ pháp quyền và công bằng xã hội, cũng như những nỗ lực nhắm chế ngự những hãng tàu vận tải của Hy Lạp và giới tu sĩ trốn thuế của nước này ư?

Liên minh châu Âu đã giành được hòa bình bằng cách học hỏi, từng bước một, nhằm thay thế logic cũ là đối đầu và xung đột bằng thương lượng và thỏa hiệp. Mặc dù có những khiếm khuyết, EU đã trở thành phòng thí nghiệm của cách tân một cách dân chủ, trong đó, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, người ta đang nỗ lực giải quyết những khác biệt không phải bằng đối đầu về mặt chính trị và hăm dọa, mà bằng cách lắng nghe, đối thoại, và tổng hợp những quan điểm khác nhau.

Theo nghĩa này, cuộc trưng cầu dân ý ở Hy Lạp đã xúc phạm 18 nước, trong đó có một số nước cũng khó khăn chẳng khác gì Hy Lạp, mà lại là những nước đã hy sinh đáng kể trong việc giảm nợ cho nước này - chỉ tính riêng trong năm 2012 - 116 tỷ USD, trong khi còn phải chịu trách nhiệm với người dân của chính nước mình. Tại sao người ta có thể gọi đó là “hành động phản kháng” hay “bảo vệ nền dân chủ?”

Nhưng nhiều người đã nói như thế. Thật vậy, sau cuộc trưng cầu, nhiều người đã làm như Tsipras là nhà dân chủ cuối cùng của khu vực đồng tiền chung châu Âu vậy, như thể ông ta đã phải đối mặt với bè lũ “độc tài” (theo mô tả của Marine Le Pen, chính trị gia cực hữu người Pháp), “đã đứng vững” trong cuộc đối đầu với họ (theo lời của Jean-Luc Mélenchon, một chính trị gia cực tả).

Tôi sẽ không nói nhiều về liên minh trong nghị viện của Tsipras với những người cánh hữu, nặng có đầu óc âm mưu, lãnh đạo của đảng này thường dùng những lời lẽ công kích người đồng tính, người theo Phật giáo, người Do Thái, và người Hồi giáo. Tôi cũng không nói về sự kiện Tsipras đã không kiềm chế, khi tìm sự hỗ trợ của quốc hội cho cuộc trưng cầu dân ý của ông ta, đã mời cả đảng phát xít gọi là Nazi Golden Dawn, chẳng có nhà lãnh đạo châu Âu nào lại chấp nhận sự giúp đỡ của đảng đó.

Thay vào đó, tôi sẽ nhấn mạnh sự kiện là các nhà lãnh đạo châu Âu, đồng nghiệp của Tsipras, không phải là những người không dân chủ bằng hay không chính danh bằng ông ta. Những nước Trung Âu, tức là những nước đã phải phải chịu đựng Đức Quốc xã và chế độ toàn trị Xô Viết không cần học ai tính chính danh - đặc biệt là không cần học thủ tướng Hy Lạp. Các nước Baltic dũng cảm – tính “hợp pháp” của nền độc lập của họ được cho là đang được tổng thống Nga Vladimir Putin, một người bạn thân nhơ nhuốc của Tsipras, xem xét - đã không hoảng sợ hoặc không đùn đẩy gánh nặng của sự bất hạnh của họ lên vai người khác. Họ không lợi dụng các cuộc đấu tranh của mình như là cái cớ nhằm thoái thác nhiệm vụ đoàn kết với Hy Lạp.

Tất cả những điều vừa nói không có nghĩa là chúng ta nên khai trừ Hy Lạp ra khỏi EU. Đã từng có lúc người Hy Lạp phải trả giá đắt cho câu trả lời “Không” với chủ nghĩa phát xít và “Không” với chế độ độc tài quân sự. Không có gì buồn hơn khi thấy họ cũng phải trả giá cho từ “Không” mà họ nói vào hôm chủ nhật vừa qua – những hành động phản kháng cao quý ngày nào bị mang ra làm trò hề.

Có thể các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro đủ kiên nhẫn để nhận ra cái từ “Không” sai lầm mà người ta đã gửi cho họ và trở thành Hy Lạp hơn cả những người Hy Lạp kia. Họ có thể hành động theo cách nào đó nhằm ngăn không để Hy Lạp một lúc nào đó phải đối mặt với sự thật, tức là đối mặt ý nghĩa bi thảm của cuộc trưng cầu dân ý vào hôm chủ nhật trước.

Bernard-Henri Lévy là một trong những người sáng lập phong trào “Nouveaux Philosophes” (Những nhà triết học mới). Cuốn Left in Dark Times: A Stand Against the New Barbarism là một trong những tác phẩm của ông.

Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/07/vntb-hy-lap-noi-khong-nhung-ay-khong.html


http://www.project-syndicate.org/commentary/greece-referendum-undemocratic-eu-creditors-by-bernard-henri-levy-2015-07

No comments:

Post a Comment