Đôi lời phi lộ
Tôi muốn chia sẻ một góc nhìn về nghiệp lực và những hệ quả của hành động, một chủ đề sâu sắc và thường được liên kết với những quan niệm về Sáng Thế Chủ/Thượng Đế/Thiên Chúa/Tạo hoá (sau đây xin gọi là Thượng Đế) và trừng phạt. Tuy nhiên, tôi xin bắt đầu bằng cách thể hiện quan điểm khác biệt của mình về bản chất của Thượng Đế.
Tôi không đồng tình với hình ảnh về một Thượng Đế đầy lòng ghen tị, dễ dàng nổi giận và ôm giữ thù hận, một Đấng chỉ chực chờ con người phạm sai lầm để giáng xuống đầu họ những tai họa như bệnh tật, thiên tai hay chiến tranh. Tôi không chia sẽ quan điểm này. Trong quan niệm của tôi, Thượng Đế là hiện thân của tình yêu thương thuần khiết và vô biên vô tế, một nguồn năng lượng sáng tạo đã ban sự sống cho tất cả chúng sinh. Tình yêu ấy không phân biệt, không thiên vị, mà trải rộng khắp vũ trụ, ôm ấp mọi loài, từ những sinh vật nhỏ bé nhất đến những thực thể vĩ đại nhất.
Hãy hình dung tình yêu của Thượng Đế giống như ánh nắng mặt trời. Ánh dương rạng rỡ chiếu rọi khắp mọi nơi, không phân biệt cây cao hay cây thấp, không lựa chọn giữa loài cây mà con người cho là hữu ích hay vô dụng. Tất cả đều được sưởi ấm, được nuôi dưỡng bởi nguồn năng lượng kỳ diệu ấy. Tương tự như vậy, tình yêu vô điều kiện của Thượng Đế lan tỏa đến tất cả chúng sinh, không phân biệt người tốt kẻ xấu, người thánh thiện hay tội lỗi.
Câu hỏi đặt ra là, nếu Thượng Đế yêu thương tất cả, vậy thì nguồn gốc của những đau khổ, bệnh tật, thiên tai và chiến tranh mà con người phải gánh chịu là từ đâu? Đây chính là điểm mà tôi muốn chia sẻ những suy nghĩ của mình, dựa trên những nguyên nhân mà tôi tin rằng có vai trò quan trọng hơn là sự trừng phạt từ một Đấng tối cao đầy giận dữ.
Thế thì tại sao trong lịch sử, con người lại có xu hướng hình dung Thượng Đế như một vị thần trừng phạt
1. Sợ hãi trước những
điều chưa biết và nhu cầu kiểm soát:
Đối diện với tình trạng không chắc chắnh: Trong lịch sử, con người luôn phải đối mặt với những hiện tượng tự nhiên khó lường như bão tố, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh... Những hiện tượng này làm cho người ta sợ hãi và có cảm giác bất lực. Để xoa dịu nỗi sợ và tìm kiếm khả năng kiểm soát (dù chỉ là mộng ảo), con người có xu hướng nhân hóa các lực lượng tự nhiên, gán cho chúng ý chí và cảm xúc giống như con người. Trong quá khứ xa xưa, khi khoa học chưa phát triển giải thích kiểu này làm cho người ta an tâm
Tìm kiếm một nguyên nhân: Khi những điều tồi tệ xảy ra, tâm lý con người thường tìm kiếm một nguyên nhân rõ ràng. Việc quy trách nhiệm cho một vị thần giận dữ hoặc bị xúc phạm có thể mang lại một lời giải thích đơn giản, dù đôi khi phiến diện, cho những bất hạnh. Không dám đương đầu với thế giới cực kì phức tạp và những yếu tố ngẫu nhiên, việc đổ lỗi cho một "người" có quyền năng mang lại cảm giác có một người nào đó đang nắm giữ trật tự (dù là trật tự dựa trên những biện pháp trừng phạt).
2. Nhu cầu giải thích cho những bất hạnh và thiết lập trật tự đạo đức:
“Công lý” theo kiểu nguyên thủy: Khi chứng kiến những hành vi xấu xa gây ra đau khổ cho người khác, con người có nhu cầu về một hình thức “công lý”. Nếu không có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh hoặc niềm tin vào luật nhân quả chưa sâu sắc, việc hình dung một vị thần trừng phạt kẻ ác có thể đáp ứng nhu cầu này, mang lại cảm giác rằng cuối cùng “cái ác cũng sẽ bị trừng trị”.
Thiết lập ranh giới đạo đức: Hình ảnh Thượng Đế nghiêm khắc và trừng phạt có thể được sử dụng như một công cụ để răn đe, khuyến khích hành vi đạo đức trong xã hội. Nỗi sợ bị trừng phạt bởi thần thánh có thể là một động lực mạnh mẽ để con người tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận này dựa trên nỗi sợ hãi hơn là sự hiểu biết và tâm từ bi.
Giải thích những hiện tượng bất công mà người ta chứng kiến: Đôi khi, những người tốt lại gặp phải những bất hạnh. Việc gán cho Thượng Đế những tính cách khó lường có thể được sử dụng để “giải thích" cho những hiện tượng này, ví dụ như “đó là ý của Chúa” hay “Chúa thử thách lòng tin của con người”.
3. Diễn giải sai lệch các giáo lý và kinh điển:
Hiểu theo nghĩa đen và phiến diện: Các văn bản tôn giáo cổ xưa thường sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ, tượng trưng và đôi khi mang tính răn đe mạnh mẽ để truyền đạt những chân lý sâu sắc. Bản ngã vô minh hiểu những đoạn văn này theo nghã đen, tách khỏi bối cảnh và thông điệp tổng thể về tình yêu thương và lòng từ bi, có thể dẫn đến hình ảnh một vị thần đầy giận dữ.
Ảnh hưởng của văn hóa và lịch sử: Các nền văn hóa và những giai đoạn lịch sử khác nhau có thể có những cách diễn giải khác nhau về bản chất của Thượng Đế, chịu ảnh hưởng bởi những lo âu, xung đột và hệ thống giá trị của thời đại đó.
Lạm dụng quyền lực: Trong một số trường hợp, hình ảnh một Thượng Đế trừng phạt có thể bị những người có quyền lực (cả tôn giáo lẫn thế tục) sử dụng để kiểm soát và thao túng quần chúng, củng cố địa vị của họ bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi.
Như vậy là, nếu chúng ta chấp nhận quan điểm rằng Thượng Đế là hiện thân của tình yêu thương vô điều kiện, thì việc gán cho Ngài vai trò của một người cha nghiêm khắc, luôn rình rập để trừng phạt những đứa con lầm lỡ, dường như là không đúng. Vậy thì, tại sao thế giới này lại đầy rẫy những khổ đau, bất hạnh và bất công? Câu trả lời, theo tôi, nằm ở món quà vô giá mà Thượng Đế đã ban tặng cho mỗi chúng ta: tự do ý chí.
Thượng Đế, trong tình yêu thương và tôn trọng tuyệt đối đối với những sinh linh mà Ngài tạo ra, đã trao cho chúng ta quyền tự do lựa chọn. Chúng ta có quyền quyết định hành động, suy nghĩ và phản ứng của mình trước mọi tình huống. Đây là một món quà vô cùng quý giá, bởi nó cho phép chúng ta trưởng thành, học hỏi và tự định hình con đường của chính mình. Tuy nhiên, sự tự do này cũng đi kèm với trách nhiệm.
Khi chúng ta sử dụng sự tự do ý chí của mình để đưa ra những lựa chọn đi ngược lại với những nguyên tắc đạo đức, gây tổn thương cho bản thân và người khác, thì những hệ quả tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Những khổ đau mà chúng ta trải qua không phải là những đòn trừng phạt của một Thượng Đế giận dữ, mà là kết quả tự nhiên và tất yếu của những hành động đó.
Xin hình dung một người liên tục đưa ra những quyết định tồi tệ trong cuộc sống, như lừa dối, trộm cắp hay gây hấn với người khác. Những hành động này có thể lam cho người khác xa lánh, mất mát niềm tin, thậm chí là bị đưa ra toàn. Đây không phải là Thượng Đế trừng phạt người đó, mà là hệ quả tất yếu của những lựa chọn sai lầm mà người đó tự quyết định. Tương tự như thế, những hành động thiếu trách nhiệm với môi trường, như khai thác tài nguyên bừa bãi hay gây ô nhiễm, có thể dẫn đến những thảm họa thiên nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả cộng đồng. Đây không phải là sự giận dữ của Thượng Đế, mà là hệ quả logic của những hành động tập thể thiếu khôn ngoan của con người.
Những khổ đau mà chúng ta trải qua, dù là do hành động của bản thân hay do tác động của người khác, đều có thể trở thành những bài học quý giá. Chúng giúp chúng ta nhận ra những sai lầm, thay đổi hành vi và trưởng thành hơn về mặt tâm linh. Trong một vũ trụ vận hành theo những quy luật tự nhiên và công bằng, tự do ý chí cho phép chúng ta học hỏi và tiến hóa thông qua những trải nghiệm, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Như vậy, nghiệp lực không phải là một hệ thống trừng phạt từ bên ngoài, mà là một quy luật tự nhiên về nhân quả: gieo nhân nào gặt quả ấy. Tự do ý chí cho phép chúng ta gieo những hạt giống hành động, và chính chúng ta sẽ phải gặt hái những quả ngọt hay trái đắng từ những gì mình đã gieo từ trước đó.
Kết luận: thay vì hình dung một Thượng Đế luôn sẵn sàng trừng phạt, chúng ta có thể hiểu rằng những khổ đau mà chúng ta đối diện phần lớn là hệ quả của quyền tự do ý chí mà chúng ta được ban tặng. Và chính trong quá trình đối diện và vượt qua những khó khăn này, chúng ta có cơ hội để học hỏi, trưởng thành và tiến gần hơn đến hiểu biết sâu sắc về chính mình và vũ trụ.
Ngày mai: Mọi ý nghĩ, lời
nói và việc làm của chúng ta đều được vũ trụ ghi lại, một lúc nào đó chắc chắn
là chúng ta phải có trách nhiệm giải trình
Nếu nói là tự do ý chí cho phép chúng ta gieo những hạt giống hành động và chính chúng ta sẽ phải gặt hái sẽ phải gặt hái những quả ngọt hay trải đắng từ những gì mình đã gieo trước đó thì tôi nghĩ tùy theo trình độ nhận thức của mỗi người mà gặt hái được những điều bất công... Biết bao người gieo quả ngọt nhưng vì ghen ghét thù hận vẫn bị cho là gieo trái đắng... như thế nghiệp lực lúc đó đối với họ thì thế nào.... Đức Giê Su ba năm đi giảng dạy chân lý và yêu thương thì đó là gieo quả ngọt hay trái đắng mà bị bọn tư tế thời đó kêu xin Phi la tô đóng đinh....ngay cả người trộm phía bên tay phải cũng phải lên tiếng bênh vực :"Người này có tội gì mà phải chịu hình phạt như hai chúng ta..."như vậy nếu nói theo nghiệp lực và nhân quả thì Chúa Giê Su trong quá khứ khi còn trên Thiên quốc Ngài lamf điều ác à...???
ReplyDelete