December 10, 2024

CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ (9)

 CỐT LÕI TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ 


Karen A. Mingst và

Ivan M. Arrenguin-Toft

 Phạm Nguyên Trường dịch

Lưu ý: Tôi không thể đưa các bản đồ và hình minh hoạ lên Blog, bạn nào muốn nghiên cứu sâu có thể dowload link này để xem xét thêm và đối chiếu: https://oceanofpdf.com/?s=Karen+A.+Mingst+

Chương 9

Kinh tế chính trị quốc tế

Chú thích ảnh: Ngày càng có nhiều người dân nghèo vùng nông thôn Nicaragua có nhà cửa và sinh kế bị con kênh được dự kiến xây dựng bằng khoản tiền do Trung Quốc tài trợ đe dọa đứng lên phản đối dự án này. Có thể thấy hình vẽ trên tường và các dấu hiệu thể hiện “Trung Quốc cút đi” trong những khu vực sẽ bị ảnh hưởng.

Nicaragua đang chuẩn bị một dự án cơ sở hạ tầng đồ sộ và tốn kém – xây dựng kênh đào mới, nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, do một nhóm các công ty Trung Quốc tài trợ. Trong khi dự án này có thể là tín hiệu nói rằng thương mại và dòng vốn đầu tư vào nền kinh tế Nicaragua sẽ gia tăng, nông dân Nicaragua sinh sống dọc theo con kênh sắp được xây dựng lại lo sợ bị đuổi ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mấy chữ Trung Quốc ở đây có nghĩa là “Trung Quốc cút đi”. Đối với người dân nông thôn, đe dọa đối với đất đai và sinh kế của họ là có thật; những người khác ở Nicaragua và ở nước ngoài thì tỏ hoài nghi, chẳng biết con kênh đào mới có được xây dựng hay không. Một số người hoài nghi là do tiến độ quá chậm và khó tìm nguồn tài chính bổ sung. Những người khác thì hỏi có cần một kênh đào khác ở Trung Mỹ hay không vì kênh Panama đã được mở rộng cho những con tàu lớn hơn đi qua. Trong khi đó, đối với những người sống ở nông thôn, thái độ hoài nghi phản ánh sự ngờ vực của mọi người đối với chính phủ. Một người quản lý trại chăn nuôi nói: “Họ luôn mang tới những kế hoạch lớn. Nhưng họ chẳng làm được gì”.

Chả lẽ phát triển là việc không thể xảy ra với người nghèo trên thế giới? Chả lẽ phát triển thúc đẩy lợi ích toàn cầu, nhưng lại làm cho các nhóm và người địa phương thiệt hại hay sao? Toàn cầu hóa kinh tế năm 2016 có mang lại lợi ích cho nông dân và chủ trang trại chăn nuôi ở Nicaragua?

Ít người nghi ngờ rằng thuật ngữ toàn cầu hóa kinh tế mô tả chính xác môn kinh tế chính trị học quốc tế hiện nay. Như Thomas Friedman viết trong cuốn Chiếc Lexus và cây Ô-liu (The Lexus and the Olive Tree), toàn cầu hóa là “sự hội nhập không thể tách rời của thị trường, quốc gia-dân tộc và công nghệ ở một mức độ chưa từng thấy trước đây, tạo điều kiện cho các cá nhân, tập đoàn và quốc gia vươn ra thế giới xa hơn, nhanh hơn, sâu hơn và rẻ hơn bao giờ hết”[1]. Tự do hóa kinh tế và công nghệ mới kích thích sự gia tăng không chỉ dòng vốn và thương mại mà còn làm giảm việc bó hẹp đời sống kinh tế trong một vùng lãnh thổ ở cả bình diện toàn cầu lẫn khu vực. Nhưng kinh tế chính trị học quốc tế không phải lúc nào cũng toàn cầu hóa ở mức như ngày nay. Kinh tế quốc tế đã thay đổi như thế nào? Đâu là những ý tưởng thúc đẩy những thay đổi này?

Đối tượng nghiên cứu 

- Tìm hiểu các khái niệm cốt lõi của chủ nghĩa tự do kinh tế.

- Phân tích vai trò của các thiết chế kinh tế quốc tế lớn và các tập đoàn đa quốc gia trong kinh tế chính trị học quốc tế.

- Mô tả quan điểm của những người theo phái trọng thương/ủng hộ nhà nước và những người cấp tiến khác quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do kinh tế như thế nào.

- Giải thích con đường đưa hệ thống kinh tế quốc tế trở thành toàn cầu hóa trong các lĩnh vực chính: tài chính quốc tế, thương mại quốc tế và phát triển quốc tế.

- Giải thích các phương pháp phát triển kinh tế đã thay đổi theo thời gian như thế nào.

- Chỉ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung Euro liên kết với nhau như thế nào.

- Giải thích những lời phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế phản ánh sự khác biệt về ý thức hệ như thế nào.

 

 

Quá trình tiến hóa của nền kinh tế quốc tế: Những tư tưởng và phương pháp thực hành trái ngược nhau

Kỷ nguyên từ cuối thời Trung cổ đến cuối thế kỉ XVIII đã chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng trong công nghệ, tư tưởng và phương pháp thực hành làm thay đổi nền kinh tế quốc tế. Được những tiến bộ trong thiết kế tàu thủy và hệ thống định vị thúc đẩy, các nhà thám hiểm châu Âu đã tìm được những vùng đất mới cho ngành buôn bán và thương mại ở châu Mỹ, châu Á và Trung Đông. Mặc dù các thương nhân người Hi Lạp, người Phoenicia và Lưỡng Hà đã đến trước họ, Công ty Đông Ấn của nước Anh (British East India Company), Công ty Vịnh Hudson và Công ty Đông Ấn Hà Lan tạo điều kiện cho việc buôn bán hàng hóa (và con người làm nô lệ), cung cấp vốn cho đầu tư phát triển nông nghiệp ở những vùng đất mới, và vận chuyển bông, thuốc lá và đường tới châu Âu. Ngày càng có nhiều người định cư đi tới những vùng đất này; họ liên kết với quê hương bằng kinh tế, chính trị và văn hóa, họ tạo ra giai tầng xuyên quốc gia mới, theo đuổi những lợi ích kinh tế cá nhân.

Đấy là giai đoạn khi nhà kinh tế học người Anh, thế kỉ XVIII, Adam Smith, chấp bút những tác phẩm của mình. Như chúng tôi đã nhận xét trong Chương 2, Smith bắt đầu với khái niệm nói rằng con người hành động theo những phương pháp duy lí nhằm tối đa hóa lợi ích cá nhân. Khi các cá nhân hành động theo lối duy lí, thì thị trường phát triển nhằm sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Những thị trường này tạo điều kiện cho các cá nhân tiến hành các giao dịch cần thiết nhằm cải thiện phúc lợi của chính mình. Khi có nhiều người mua và nhiều người bán, cạnh tranh trên thương trường đảm bảo rằng giá cả sẽ là thấp nhất có thể. Giá thấp thì phúc lợi của người tiêu dùng sẽ tăng. Do đó, trong việc tối đa hóa phúc lợi kinh tế và kích thích phát triển kinh tế của từng cá nhân (và cũng là của tập thể), thị trường là hiện thân của hiệu quả kinh tế. Những thị trường này cần phải nằm gần như bên ngoài sự can thiệp của chính phủ; chỉ thông qua dòng chảy tự do của thương mại thì mới phân bổ được nguồn lực một cách hiệu quả. Đấy là cơ sở lí luận của chủ nghĩa tự do kinh tế.

Tuy nhiên, chính sách của nhiều chính phủ châu Âu thời đó thể hiện quan điểm khác, đấy là chủ nghĩa trọng thương. Mục tiêu của chính phủ trọng thương là tích lũy của cải, coi đấy là công cụ của quyền lực nhà nước. Dựa trên quan điểm của Jean-Baptiste Colbert (1619-1683), người Pháp, cố vấn của Louis XIV, chủ nghĩa trọng thương cho rằng muốn có quyền lực, các quốc gia phải tích lũy vàng và bạc. Cần phải có chính quyền trung ương mạnh mẽ thì mới được thu thuế và tối đa hóa xuất khẩu, cả hai đều giúp đảm bảo sức mạnh quân sự. Các chính phủ này khuyến khích xuất khẩu chứ không khuyến khích nhập khẩu, khuyến khích công nghiệp hóa chứ không khuyến khích nông nghiệp, bảo hộ sản xuất trong nước nhằm chống lại cạnh tranh của nhập khẩu và can thiệp vào thương mại nhằm thúc đẩy công ăn việc làm. Bộ trưởng tài chính Mỹ đầu tiên, Alexander Hamilton (1757-1804), ủng hộ các chính sách nhằm bảo hộ, giúp các nhà sản xuất ở quốc gia mới phát triển. Trong “Báo cáo về các nhà sản xuất công nghiệp” gửi Quốc hội, năm 1791, ông ủng hộ các chính sách bảo hộ và đầu tư vào phát minh, sáng chế. Chính sách trọng thương gồm thuế nhập khẩu cao và không khuyến khích đầu tư nước ngoài vì muốn tự cấp tự túc trên bình diện quốc gia.

Từ đầu thế kỷ XIX đến Thế chiến I, quá trình bành trướng của chủ nghĩa thực dân và Cách mạng công nghiệp xảy ra là do những cải tiến to lớn trong công nghệ thông tin, giao thông vận tải và sản xuất xuyên đại dương. Các nước châu Âu cần nguyên liệu thô ở các thuộc địa, do đó, thương mại quốc tế cũng như đầu tư quốc tế phình ra, và khi các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn thì vốn được chuyển từ châu Âu sang châu Mỹ. Thường thì, quá trình tạo ra các liên kết kinh tế sẽ dẫn đến sự thống trị về chính trị và văn hóa. Cụ thể là nước Anh, trung tâm của Cách mạng Công nghiệp, quốc gia có nền thương mại lớn và là nguồn vốn quốc tế, cũng là nước bá chủ về chính trị và văn hóa, chỉ có Pháp mới dám cạnh tranh mà thôi. Nước Anh khuyến khích thương mại bằng cách giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường, đóng vai sen đầm trên biển nhằm bảo vệ các chuyến vận tải và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Không có gì ngạc nhiên khi người ta gọi thời kì này là Pax Britannica (Hòa bình Anh quốc – thời kì tương đối hòa bình ở châu Âu – ND), khi quyền bá chủ của Vương quốc Anh, trong vỏ bọc chủ nghĩa tự do kinh tế, đã bành trướng đến mức “mặt trời không bao giờ lặn trên đế quốc Anh”.

Tình trạng quá lạm trong giai đoạn đó đã tạo ra một viễn cảnh kinh tế khác - chủ nghĩa cấp tiến – dựa trên học thuyết Marxist và Tân-Marxist. Chứng kiến những điều kiện sống khắc nghiệt của giai cấp công nhân trong quá trình công nghiệp hóa và bành trướng của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỉ XIX, và nhận thức được vực thẳm kinh tế giữa thế giới phát triển và thế giới đang phát triển trong thế kỷ XX, những người cấp tiến trong lĩnh vực kinh tế lên án hệ thống tư bản theo chủ nghĩa tự do. Mặc dù có những cách giải thích khác nhau, nhưng niềm tin cốt lõi trong sách báo Marxist và Tân-Marxist là, về cơ bản, xã hội luôn luôn nằm trong tình trạng xung đột. Xung đột xuất phát từ sự cạnh tranh giữa các nhóm người - cụ thể là chủ sở hữu tài sản và công nhân – nhằm tranh giành những nguồn lực khan hiếm. Nhà nước có xu hướng ủng hộ các chủ sở hữu phương tiện sản xuất. Cuối cùng, các chủ sở hữu tư bản là những người quyết tâm bành trướng và tích lũy các nguồn lực, mà giai cấp công nhân và người dân ở các nước đang phát triển phải trả giá. Như chính Marx khẳng định, quá trình bành trướng không ngừng nghỉ của thị trường tư bản sẽ dẫn đến các cuộc khủng hoảng; những vụ đầu cơ đầy nguy hiểm của những người có vốn chỉ càng làm cho những khủng hoảng này trầm trọng thêm mà thôi.

Vụ suy thoái kinh tế toàn cầu trong những năm 1930 cho thấy sự suy giảm rất lớn về thương mại và đầu tư, và còn trở nên tệ hại hơn bởi chính sách “bần cùng hóa các nước láng giềng” - các quốc gia tìm cách tự bảo vệ mình trước ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã làm cho các nước khác bị thiệt hại. Do đó, cuối Thế chiến II, những nước chiến thắng phương Tây đặt ra mục tiêu là thúc đẩy tự do thương mại và kích thích luồng vốn quốc tế, đồng thời thiết lập hệ thống tỉ giá hối đoái cố định. Trong khi các tập đoàn đa quốc gia (MNC) đóng vai trò chính trong việc kích thích tăng trưởng, và được hưởng lợi từ những đổi mới trong lĩnh vực giao thông vận tải và truyền thông, thì hệ thống Bretton Woods - được thảo luận bên dưới - là thành tố có ý nghĩa quan trọng nhất trong việc tìm hiểu quá trình phát triển của nền kinh tế thế giới trong giai đoạn từ những năm giữa thế kỉ XX.

Các thiết chế kinh tế thời hậu chiến

Cuối Thế chiến II, các nhà hoạch định chính sách đã thiết lập một tập hợp các tổ chức liên chính phủ nhằm hỗ trợ cho chủ nghĩa tự do kinh tế[2]. Cái gọi là Hệ thống Bretton Wood (Bretton Woods System) - Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), và ở mức độ thấp hơn, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT), hiện nay là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – có vai trò và tiếp tục có vai trò chính trong quá trình bành trướng của chủ nghĩa tự do kinh tế (xem Hình 9.1).

 

Tóm lược lý thuyết    Những quan điểm về kinh tế chính trị học quốc tế trái ngược nhau

 

Chủ nghĩa tự do kinh tế

Chủ nghĩa trọng thương/Chủ nghĩa hiện thực

Chủ nghĩa cấp tiến/Chủ nghĩa Marx

Quan niệm về bản chất của con người

Các cá nhân hành động theo lối duy lí nhằm tối đa hóa quyền lợi của mình

Con người vốn hung hăng, các xu hướng mâu thuẫn nhau

Từng người thì hợp tác, nhưng trong nhóm thì xung đột

Quan hệ giữa các cá nhân, xã hội, nhà nước, thương trường

Khi các cá nhân hành động theo lối duy lí, thị trường được tạo ra nhằm sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa; thị trường hoạt động hiệu quả nhất khi không bị chính phủ can thiệp.

Mục tiêu là gia tăng quyền lực của quốc gia, bằng cách điều tiết đời sống kinh tế; kinh tế phục vụ lợi ích quốc gia.

Cạnh tranh diễn ra giữa các nhóm người, đặc biệt là giữa các chủ sở hữu tài sản và người lao động; quan hệ giữa các nhóm người là xung đột và bóc lột.

Quan hệ giữa xã hội  trong nước và quốc tế

Nhờ trao đổi hàng hóa và dịch vụ một cách tự do - trên cơ sở lợi thế tương đối, nền kinh tế quốc tế gia tăng - mà của cải trên toàn thế giới được tối đa hóa.

Kinh tế quốc tế mang tính xung đột; sự không an toàn của tình trạng vô chính phủ sản sinh ra cạnh tranh; các quốc gia phải tự bảo vệ.

Các mối quan hệ mang tính xung đột vì sự bành trướng cố hữu của chủ nghĩa tư bản; tìm kiếm thay đổi triệt để trong hệ thống kinh tế quốc tế.

                                                .                                                                      

 

Khởi thủy, Ngân hàng Thế giới (WB) được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho quá trình tái thiết châu Âu thời hậu chiến, do đó, có tên chính thức là Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế. Trong những năm 1950, Ngân hàng Thế giới đã chuyển trọng tâm từ tái thiết sang phát triển. Hiện nay WB huy động quỹ tài chính từ các quốc gia thành viên và từ những khoản vay trên thị trường tài chính quốc tế. Mục đích của các ngân hàng là cho vay các khoản tiền, có lãi suất, còn Ngân hàng Thế giới thì cho các quốc gia vay để thực hiện các dự án phát triển kinh tế của mình. Các khoản cho vay của WB không phải là thay thế nguồn vốn tư nhân mà nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng nguồn vốn tư nhân. Trong khi phần lớn các khoản tài trợ của Ngân hàng Thế giới là cho các dự án cơ sở hạ tầng - đập thủy điện, cầu và đường cao tốc, và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp - ngân hàng còn tài trợ cho các chính phủ và khu vực tư nhân nhằm thực hiện một loạt các hoạt động phát triển kinh tế, trong đó có những hoạt động trong lĩnh vực xã hội.

Hình 9.1 Các thiết chế kinh tế quốc tế 

Ngân hàng thế giới (WB)

Các khoản vay tài trợ cho những dự án phát triển của chính phủ

Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF)

Mục đích ban đầu là ổn định tỉ giá hối đoái, mục đích hiện nay là giữ vai trò là người cho vay cuối cùng nhằm không để các quốc gia con nợ sụp đổ.

 Tổ chức thương mại quốc tế (chưa được thành lập)

Công ty tài chính quốc tế (IFC) cung cấp các khoản vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp tư nhân trong các nước đang phát triển

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) Cung cấp các khoản vay với lãi suất bằng không cho các nước nghèo nhất trên thế giới

Cơ quan bảo hiểm đầu tư Đa phương (Multilateral Investment Guarantee Agency - MIGA) khuyến khích đầu tư cổ phần vào các nước đang phát triển.

Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

Một loạt các cuộc đàm phán thương mại đa phương nhằm kích thích thương mại bằng cách giảm các rào cản thương mại

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Thay thế GATT làm diễn đàn đàm phán các hiệp định thương mại mới; trong đó có các thủ tục mạnh hơn để giải quyết tranh chấp

Tại Hội nghị Bretton Woods, tháng 7 năm 1944, các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý thành lập ba thiết chế nhằm tạo điều kiện cho việc phối hợp và phát triển kinh tế trên toàn thế giới. Hai trong số các thiết chế này - Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), được thành lập ngay sau hội nghị. Mặc dù thiết chế thứ ba cũng được đề xuất tại Bretton Woods – Tổ chức thương mại thế giới – không được thành lập; sau này, những nguyên tắc nền tảng của nó đã được đưa vào Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại, năm 1995 được đổi tên thành Tổ chức Thương mại Thế giới. Tổ chức Thương mại Thế giới không phải là thành phần mang tính kỹ thuật của các thiết chế Bretton Woods.

 

 Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) được thiết kế nhằm bảo đảm ổn định tỷ giá hối đoái. Khởi thủy, quỹ này thiết lập hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, và Mỹ đảm bảo khả năng chuyển đổi tiền tệ. Từ những năm 1940 đến những 1970, Mỹ đảm bảo sự ổn định của hệ thống này bằng cách ấn định giá trị của đồng USD là 35 USD/một ounce vàng. Tuy nhiên, năm 1972, hệ thống này sụp đổ khi Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ không còn đảm bảo cho hệ thống tỷ giá hối đoái cố định nữa. Quyết định của nước này được sửa lại vào năm 1976, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế chính thức hóa hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi, một chính sách phù hợp hơn với chủ nghĩa tự do kinh tế. Vào thời điểm đó, hợp tác về tiền tệ trở thành trách nhiệm của Nhóm 7 (G7), bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada. IMF có trách nhiệm cung cấp các khoản vay ngắn hạn cho các quốc gia thành viên nhất thời đang gặp khó khăn trong cán cân thanh toán. Nhưng, khi ngày càng trở nên rõ ràng rằng, những khó khăn “nhất thời” ít khi là nhất thời. Các quốc gia cần thực hiện cải cách cơ cấu và IMF đã nhận thêm chức năng, trong đó có tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế.

Thành phần thứ ba của trật tự kinh tế tự do là Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT). Hiệp định này chứa đựng những nguyên tắc quan trọng của chủ nghĩa tự do:

- ủng hộ tự do hóa thương mại, vì thương mại là động lực của tăng trưởng và phát triển kinh tế

- không thiên vị trong thương mại - nguyên tắc tối huệ quốc (most-favored-nation, MFN) - các quốc gia thỏa thuận đối xử như nhau với tất cả các thành viên GATT, coi tất cả các thành viên GATT đều là những đối tác thương mại tốt nhất (được ưu đãi nhất) của mình

- các thị trường đã phát triển ưu đãi các sản phẩm của các nước Nam Bán Cầu nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế ở Nam Bán Cầu

- ủng hộ việc coi doanh nghiệp nước ngoài như là doanh nghiệp trong nước – nghĩa là áp dụng các chính sách dành cho các doanh nghiệp trong nước.

GATT thiết lập các nguyên tắc thương mại này cũng như thiết lập quy trình nhằm tiến tới nền thương mại tự do. Đã có những cuộc đàm phán đa phương giữa các quốc gia cùng có chung lợi ích trong vấn đề này (ví dụ, các nhà sản xuất lớn và người tiêu dùng sản phẩm) và sau đó lan sang tất cả các nước thành viên GATT. Các quốc gia riêng lẻ có thể yêu cầu nguyên tắc miễn trừ, tức là không phải tuân thủ các nghĩa vụ của GATT để dàn xếp những khó khăn ở trong nước hoặc khó khăn trong cán cân thanh toán có thể do các hiệp định thương mại hiện hành gây ra. Một quy trình giải quyết tranh chấp khá mờ nhạt cũng đã được soạn thảo. Hệ thống Bretton Woods – được nước Mỹ, bá quyền quốc tế chống lưng - đã dẫn thế giới vào giai đoạn phục hồi và thịnh vượng kinh tế thời hậu chiến.

Trong 20 năm sau Thế chiến II, tăng trưởng kinh tế đã diễn ra gần đúng như lí thuyết kinh tế của chủ nghĩa tự do dự đoán. Tốc độ tăng trưởng trung bình trong các nước phát triển và các nước đang phát triển là hơn 4%. Khối lượng hàng hóa trao đổi tăng hơn bảy lần, còn tỷ lệ nghèo đói trên toàn thế giới đã giảm đáng kể. Giao dịch tài chính quốc tế bùng nổ, đấy là do cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính quốc tế. Nền tảng của quá trình toàn cầu hóa kinh tế đã được thiết lập.

Các lý thuyết lớn trên thế giới có những quan điểm khác nhau trước những thay đổi trong kinh tế chính trị học quốc tế. Những người theo thuyết kinh tế tự do, như đã nói trong Chương 3 và được bàn sâu hơn trong chương này, là những người đại diện cho phần lớn các học giả và các nhà hoạch định chính sách ở phương Tây. Họ tin rằng quốc tế hóa tài chính và thương mại tự do là hiện tượng tích cực, dẫn đến phúc lợi kinh tế lớn hơn cho tất cả mọi người. Những người dân tộc chủ nghĩa trong lĩnh vực kinh tế, những người theo thuyết trọng thương già nua, thì không tin tưởng đến như thế. Mục tiêu của họ là tích lũy quyền lực của từng quốc gia; lợi ích kinh tế mà một quốc gia giành được là do quyền lực của các nước khác giảm đi. Do đó, thương mại, đầu tư và tài chính là những đấu trường trong cuộc tranh giành quyền lực quốc gia. Những người Marxist lại coi quốc tế hóa là quá trình dẫn tới sự thống trị của một số ít người và do đó, dẫn đến sự lạc hậu và bóc lột các giai cấp và quốc gia nghèo hơn. Vì vậy, cần tiến hành những cuộc cải cách triệt để nhằm phân phối lại quyền lực. Ngược lại, những người theo thuyết kiến tạo xã hội công nhận rằng các yếu tố lịch sử và xã hội có ảnh hưởng tới chính sách. Cả sở thích cá nhân lẫn sở thích của nhà nước đều không ổn định hay nhất quán; mà, luôn luôn có tranh cãi về niềm tin và ý thức hệ.

Trong thế kỷ XXI nền kinh tế quốc tế hoạt động như thế nào? Chúng ta sẽ xem xét ba lĩnh vực khác nhau: tài chính quốc tế, thương mại quốc tế và khu vực hóa kinh tế. Sau đó chúng ta sẽ chuyển sang bàn về hai trong số những thách thức lớn của kinh tế chính trị học hiện nay - khoảng cách giàu nghèo, giữa các quốc gia và trong từng quốc gia, và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét luận cứ của những người phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế quốc tế.

Nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay hoạt động như thế nào

Tài chính quốc tế

Trước đây cũng như hiện nay, sự luân chuyển của dòng vốn có vai trò quan trọng trong các giai đoạn phát triển của kinh tế chính trị học quốc tế. Theo truyền thống, tư bản quốc tế vận động theo hai cách. Thứ nhất, tương tự như hàng hóa và dịch vụ, các đồng tiền quốc gia được mua và bán trên thị trường tự do. Trong hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi như thế, thị trường – nơi các cá nhân và chính phủ mua và bán các loại tiền tệ - quyết định giá trị thực tế của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Hệt như đối với hàng hóa hữu hình, mỗi đồng tiền quốc gia cũng có cung và cầu, và giá của mỗi loại tiền tệ được điều chỉnh liên tục nhằm đáp ứng với cung và cầu của thị trường. Theo trường phái tự do, tỷ giá hối đoái thả nổi sẽ dẫn đến trạng thái cân bằng của thị trường, trong đó cung tương đương với cầu. Thứ hai, tư bản thường xuyên di chuyển thông qua các khoản đầu tư. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm xây dựng các nhà máy và đầu tư vào các cơ sở khai thác tài nguyên thiên nhiên. Đầu tư theo danh mục (đầu tư gián tiếp) bao gồm đầu tư vào cổ phiếu hoặc trái phiếu của các nước khác, ngắn hạn hay dài hạn, mà không kiểm soát trực tiếp các khoản đầu tư đó.

Các tập đoàn đa quốc gia (MNC) có vai trò quan trọng trong việc luân chuyển tư bản. Trước Thế chiến II, hầu hết các MNC đều là các hãng sản xuất - General Motors, Ford, Siemens, Nestlé và Bayer là những MNC thuộc loại này. Ngày nay, có khoảng 60.000 MNC (tùy theo định nghĩa của mỗi người), với 51 MNC trong 100 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các MNC chiếm tới 70% thị phần thương mại trên toàn thế giới. 60% các MNC lớn nhất có trụ sở ở Mỹ, Canada hoặc Tây Âu, khoảng 34% có trụ sở ở Châu Á. Các MNC lớn gồm những tên tuổi nổi tiếng như Walmart, Exxon Mobil, Royal Dutch Shell, Toyota và General Motors, nhưng cũng có những công ty ít nổi tiếng hơn, như Sinopec, HSBC Holdings, Carrefour, Royal Bank of Scotland, Gazprom và Tesco. Các MNCs tham gia cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và cũng như đầu tư theo danh mục.

Thật vậy, trong giai đoạn từ những năm 1960 đến những năm 1980, đồng vốn tư nhân trên thị trường quốc tế đã cung các cấp khoản vay cực kì quan trọng cho những con “hổ” đang vươn lên ở châu Á, trong đó có Đài Loan và Hàn Quốc. Trên thực tế, việc rót những khoản đầu tư tư nhân vào các nền kinh tế mới nổi cụ thể - Trung Quốc, Brazil, Argentina, Chile, Hàn Quốc, Mexico, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ và Thái Lan - có vai trò to lớn trong việc giúp các nước này thành công về mặt kinh tế. Tuy nhiên, dòng vốn tư nhân biến động quá nhanh, không phải là nền tảng đáng tin cậy cho phát triển bền vững ở một số khu vực trên thế giới và vốn tư nhân không phải là nguyên nhân duy nhất làm cho các quốc gia này thành công về kinh tế.

Những quốc gia nghèo nhất thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thu hút đầu tư tư nhân. Cho đến thời gian gần đây, các nước châu Phi thường là những nước nhận được ít đầu tư nhất. Các tổ chức thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập nhằm cung cấp vốn cho các quốc gia không thể tự mình thu hút được các khoản đầu tư tư nhân. Công ty Tài chính Quốc tế (International Finance Corporation - IFC), thành lập năm 1956 và Hiệp hội phát triển quốc tế (International Development Association - IDA), thành lập năm 1960 là dành cho mục đích đó. IFC cung cấp các khoản vay giúp các doanh nghiệp tư nhân ở các nước đang phát triển. IDA cung cấp vốn cho các nước nghèo nhất, thường là dưới dạng các khoản vay với lãi suất bằng không. Về mặt lý thuyết, lịch trình hoàn trả trong vòng 50 năm tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thời gian cất cánh về kinh tế và duy trì tăng trưởng. Các quốc gia tài trợ chính phải thường xuyên bổ sung kinh phí cho IDA. Năm 1988, Cơ quan bảo hiểm đầu tư Đa phương (Multilateral Investment Guarantee Agency - MIGA) đã được đưa thêm vào nhóm Ngân hàng Thế giới (WB). Cơ quan này đáp ứng được mục tiêu của WB – gia tăng dòng vốn cổ phần tư nhân tới các nước đang phát triển - bằng cách bảo đảm các khoản đầu tư trước những vụ thua lỗ. Những vụ thua lỗ có thể xảy ra do nhà nước sung công, các biện pháp hạn chế tiền tệ do chính phủ ban hành, nội chiến hoặc xung đột sắc tộc. Thậm chí với những thay đổi này, kể từ giữa những năm 1980, dòng vốn từ cả các tổ chức đa phương (các thiết chế của Ngân hàng Thế giới, các ngân hàng phát triển khu vực) và các nhà tài trợ song phương chính thức (Mỹ, Đức, Nhật Bản) – tính theo phần trăm tổng số vốn - đã giảm; đồng thời, dòng vốn tư nhân từ các Công ty đa quốc gia (MNC) và các nguồn tư nhân khác đã gia tăng. Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, từ năm 2008, xu hướng này đã tạm thời bị đảo ngược.

Bắt đầu từ những năm 1980, dòng vốn quốc tế đã tăng tốc thông qua một số cơ chế khác. Tỷ giá hối đoái không còn được giữ cố định, vì vậy, những người buôn bán trên thị trường tiền tệ và trong các MNC có thể lợi dụng việc mua và bán tiền tệ, thường là trong thời gian rất ngắn. Công nghệ thông tin phức tạp làm cho những vụ trao đổi này diễn ra một cách thuận lợi hơn giai đoạn đầu của thiên niên kỷ mới, trung bình mỗi ngày có hơn 3 nghìn tỷ USD được giao dịch trên thị trường. Thị trường đã phát triển được các công cụ tài chính mới, ví dụ, chứng khoán phái sinh (derivatives - mua hoặc bán một hàng hoá cụ thể nào đó, trong đó có các khoản vay và thế chấp, trong tương lai, theo một giá đã được xác lập trước). Công cụ này được giới thiệu và bán trên toàn thế giới, giúp phân tán rủi ro và đẩy nhanh dòng vốn. Các tác nhân kinh tế mới, các quỹ tài sản của nhà nước (sovereign wealth funds) - các quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước bao gồm tài sản tài chính, trong đó có cổ phiếu, trái phiếu, kim loại quý, tài sản hoặc các công cụ tài chính khác – được tạo ra trong các nước thặng dư tài chính như Trung Quốc và các nước xuất khẩu xăng dầu lớn như Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Na Uy, Nga và Canada. Các quỹ tài sản này có thể nhanh chóng di chuyển vốn qua biên giới quốc gia, tận dụng được lợi thế của sự khác biệt tiền tệ và mua và bán các công cụ tài chính mới nhằm tối đa hóa lợi nhuận kinh tế dài hạn của những nguồn lực mà nhiều người thừa nhận là đang suy giảm. Cuối cùng, tự do hóa kinh tế tạo ra các trung tâm tài chính hải ngoại (offshore financial centers) như Quần đảo Cayman, quần đảo Bermuda và Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands). Những khu vực này có thuế suất thấp và ít hoặc không có quy định. Các cá nhân, công ty và quốc gia có thể nhanh chóng chuyển vốn vào và ra bằng chuyển khoản điện tử, tạo ra hàng triệu giao dịch mỗi ngày.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á trong những năm 1990 cho thấy toàn cầu hóa tài chính có thể dẫn đến những kết quả như thế nào. Bắt đầu ở Thái Lan vào năm 1997, chỉ trong thời gian tương đối ngắn, nước này đã mất 2% tổng sản phẩm quốc nội. Chỉ trong vài tuần, cuộc khủng hoảng đã lan sang Indonesia, Malaysia, Philippines và xa hơn nữa. Nhiều nước không thể điều chỉnh trước hiện tượng rút vốn quá nhanh chóng. Tỷ giá giảm mạnh xuống còn 50% so với giá trị trước khủng hoảng, thị trường chứng khoán giảm 80% và GDP thực tế giảm từ 4 đến 8%. Người dân mất việc làm vì các công ty phá sản hoặc buộc phải tái cơ cấu. Hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Thái Lan, sau đó đến Hàn Quốc và Đài Loan, và cuối cùng, Brazil và Nga, tức là các nền kinh tế phụ thuộc vào ngoại thương đã trải qua cảm giác chưa từng có về khả năng dễ bị tổn thương về kinh tế. Toàn cầu hóa về kinh tế, được thúc đẩy bởi thông tin liên lạc diễn ra gần như tức thời, khả năng chuyển dịch hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày cùng với quyền lực của các công ty đa quốc gia (MNC), các thương nhân và doanh nhân trong lĩnh vực tài chính, đã nhanh chóng thể hiện rõ những cạm bẫy của nó. Các thị trường không được kiểm soát đã sụp đổ, các quốc gia và người dân dường như bất lực.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã phản ứng trước các biến động xã hội và chính trị với các gói cứu trợ lớn và gây tranh cãi cho ba trong số các quốc gia bị ảnh hưởng (Thái lan, 17 tỷ USD; Indonesia, 36 tỷ USD và Hàn Quốc, 58 tỷ USD); cùng với một loạt các điều kiện mà mỗi quốc gia cần phải theo, cũng như các cơ chế giám sát để đảm bảo rằng những nước này sẽ tuân thủ. Những cải cách cơ cấu bao trùm sẽ đưa nền kinh tế của những nước này từ nửa-trọng thương sang định hướng thị trường hơn nữa. Ví dụ, ở Hàn Quốc, chính phủ đã dỡ bỏ các rào cản đối việc lưu chuyển đồng vốn và sở hữu của nước ngoài, cho phép các công ty sa thải công nhân và áp dụng các biện pháp nhằm tái cơ cấu các thiết chế tài chính của đất nước. Các khoản cắt giảm ngân sách đã xóa bỏ nhiều dịch vụ xã hội và đẩy nhiều gia đình xuống dưới mức nghèo khổ, dẫn đến những phản ứng chống chính phủ và IMF khá dữ dội. Một số giải pháp mà các thiết chế tài chính quốc tế thực hiện thành công ở một nước hóa ra lại phản tác dụng ở các nước khác và các nhóm người bị đẩy ra bên lề xã hội phải chịu đau khổ. Tình trạng bất mãn với các chính sách của IMF làm cho nhiều người ở các nước đã phát triển đi đến kết luận rằng các tổ chức đó gắn chặt với lợi ích của các nước đã phát triển.

Tuy nhiên, sau hai năm căng thẳng về kinh tế và sự tín nhiệm của IMF bị tổn thương, không có nước bị khủng hoảng nào rút khỏi quá trình toàn cầu hóa hay thị trường tài chính quốc tế, và tất cả lại tiếp tục có những bước tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Những người chỉ trích phản ứng của IMF tập trung vào vấn đề gọi là rủi ro đạo đức (moral hazard): Việc giải cứu các quốc gia thoát khỏi hậu quả do hành vi bất cẩn mà họ gây ra, ít tạo động lực để họ thay đổi hành vi của mình. Trong phần sau của chương này, chúng ta sẽ xem xét cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế bắt đầu vào năm 2008 và xem những cách phản ứng tương tự: Một số nền kinh tế quan trọng tăng trưởng âm, hậu quả thứ cấp đối với (những quốc gia khác) do tình trạng khó khăn kinh tế trên thế giới gây ra bởi quá trình toàn cầu hóa, phản ứng của các chính phủ và các tổ chức quốc tế, và tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức.

Thương mại quốc tế

Cả dòng vốn và thương mại đều thúc đẩy tăng trưng kinh tế. Ý tưởng này là đóng góp quan trọng của các lý thuyết gia theo phái kinh tế tự do, mà khởi đầu là Adam Smith (1723-1790). Kinh tế học của trường phái này cho rằng các quốc gia khác nhau về đất đai, lao động và vốn. Trong những điều kiện như thế, của cải trên toàn thế giới sẽ gia tăng tối đa nếu các quốc gia tham gia vào nền thương mại quốc tế.

Nhà kinh tế học người Anh, David Ricardo (1772-1823) phát triển lý thuyết nói rằng các quốc gia phải tham gia vào nền thương mại quốc tế phù hợp với lợi thế tương đối của mình. Vì mỗi quốc gia có khả năng khác nhau trong việc sản xuất các sản phẩm cụ thể - vì có sự khác nhau về tài nguyên thiên nhiên, đặc điểm của lực lượng lao động và giá trị đất đai - mỗi quốc gia phải sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mà họ có thể sản xuất hiệu quả nhất và nhập khẩu những món hàng hóa mà các quốc gia khác có thể sản xuất hiệu quả hơn. Do đó, nhờ thương mại mà các quốc gia tối đa hóa được lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, quá trình này có thể làm cho một số người bị thiệt hại, chính quyền cần thường xuyên can thiệp để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được lợi.

Xin xem xét việc sản xuất ô tô và xe tải ở Mỹ và Canada. Mỹ có thể sản xuất cả ô tô lẫn xe tải với ít công nhân hơn là Canada, làm cho việc sản xuất ở Mỹ rẻ hơn so với sản xuất ở Canada. Theo nguyên tắc lợi thế tuyệt đối, Mỹ sẽ sản xuất cả ô tô lẫn xe tải, sau đó xuất khẩu sang Canada. Tuy nhiên, theo lợi thế tương đối, mỗi nước phải chuyên môn hóa; Mỹ nên sản xuất xe ô tô, vì có lợi thế tương đối trong quá trình sản xuất, còn Canada thì sản xuất xe tải. Đổi xe ô tô lấy xe tải và ngược lại, mỗi nước đều được lợi nhờ chuyên môn hóa. Mỗi nước đều giảm được chi phí cơ hội. Mỗi bên từ bỏ một cái gì đó để được một cái gì đó khác. Mỹ không sản xuất xe tải để được được lợi hơn khi sản xuất xe ô tô; Canada không sản xuất ô tô để sản xuất nhiều xe tải hơn. Mỗi nước đều được lợi khi chuyển các nguồn lực vào ngành sản xuất mà họ sản xuất hiệu quả hơn và trao đổi để lấy những món hàng hóa khác. Cả hai nước đều có thể tiêu thụ nhiều hơn so với tình trạng cô lập, chỉ tiêu thụ những thứ họ sản xuất được trong nước. Kinh tế học của trường phái tự do nói rằng, do lợi thế tương đối, sản xuất sẽ hướng tới thị trường quốc tế. Hiệu quả sản xuất gia tăng và của cải trên toàn thế giới cũng gia tăng tối đa.

Ghi chú ảnh: Theo nguyên tắc lợi thế tương đối, sản xuất thâm dụng lao động sẽ được chuyển tới các nước lao động rẻ, trong khi sản xuất thâm dụng vốn (như nghiên cứu và phát triển công nghệ hoặc dược phẩm) thì sẽ chuyển tới các nước có nhiều vốn liếng. Trung Quốc đông dân là địa điểm hấp dẫn đối với các nhà sản xuất thâm dụng lao động như Nike, mặc dù có thể thay đổi khi tiền lương ở Trung Quốc tăng lên.

Trong khi thương mại quốc tế dựa trên lợi thế tương đối có thể làm cho kinh tế của tập thể phát triển,  từng nước còn có những mục tiêu của riêng mình. Họ muốn duy trì tỷ lệ lao động có việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Họ muốn thực thi các tiêu chuẩn lao động và môi trường của riêng mình. Họ có thể muốn trợ cấp cho những ngành nghề mới xuất hiện nhằm tạo điều kiện cho các ngành này đủ sức cạnh tranh. Họ thường coi một số lĩnh vực kinh tế là có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia và do đó, tìm cách bảo vệ sản xuất ở trong nước hoặc ngăn chặn xuất khẩu. Do đó, các cuộc đàm phán về các hiệp định thương mại phải xem xét không chỉ lợi ích kinh tế có thể thu được từ việc mở cửa nền kinh tế để những nền kinh tế khác tham gia cạnh tranh, mà còn phải xem xét cả giá phải trả nhằm đạt được những mục tiêu khác. Không có gì ngạc nhiên khi các cuộc đàm phán thương mại lại căng thẳng đến như thế.

 

Đàm phán thương mại quốc tế

Các đoàn đàm phán trong tổ chức GATT, tiền thân của WTO, tìm cách khuếch trương thương mại quốc tế bằng cách hạ thấp các rào cản thương mại. Đây là công việc được thực hiện trong suốt tám vòng đàm phán, mỗi vòng lại cắt giảm thêm thuế nhập khẩu, đưa ra những biện pháp đối xử tốt hơn đối với các nước đang phát triển và giải quyết các vấn đề mới (trợ cấp và thuế chống bán phá giá). Ví dụ, trong Vòng Kennedy, giai đoạn 1963 - 1967, thuế nhập khẩu trên 40 tỷ USD hàng hóa trao đổi giữa 62 quốc gia bị cắt giảm trung bình 35%. Trong Vòng Tokyo diễn ra sau đó, từ năm 1973 đến 1979, 102 quốc gia đã đàm phán cắt giảm thuế, hơn 35% trên 100 tỷ USD hàng hóa. Ngoài ra, người ta còn đàm phán những thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nước đang phát triển. Nhìn chung, từ năm 1946 đến giữa những năm 1990, thuế nhập khẩu trong các nước buôn bán lớn đã giảm trung bình từ 40% xuống còn 5%.

Vòng cuối cùng, gọi là Vòng đàm phán Uruguay, bắt đầu từ năm 1986. Vòng Uruguay bao gồm các mặt hàng mới như dịch vụ (bảo hiểm), quyền sở hữu trí tuệ (bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa), và lần đầu tiên, cả nông nghiệp. Trước đây, nông nghiệp được coi là vấn đề gây quá nhiều tranh cãi, phức tạp do những khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ và Chính sách bảo hộ nông nghiệp chung (European Union’s protectionist Common Agricultural Policy - CAP) của EU. Đã đạt được thỏa thuận là bắt đầu loại bỏ các khoản trợ cấp cho nông nghiệp. Cuối năm 1994, cuối cùng, đã đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện nhất trong lịch sử. Đây là Văn kiện dầy 400 trang, bao gồm mọi thứ, từ kẹp giấy đến con chip máy tính. Thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên bị cắt giảm trung bình 37%. Các nước đang phát triển tham gia vào đợt cắt giảm thuế nhập khẩu này – các nền kinh tế tự do hóa – tốc độ tăng trưởng mỗi năm cao hơn 1% so với những nước không tự do hóa.

Năm 1995, GATT trở thành thiết chế chính thức, đổi tên thành Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). WTO sáp nhập các lĩnh vực tài phán của GATT, mở rộng quyền tài phán sang lĩnh vực dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Các cuộc họp định kì cấp bộ trưởng mang lại cho WTO địa vị chính trị mà GATT không có. Đại diện cho các quốc gia tiến hành buôn bán tới hơn 90% hàng hóa trên thế giới, WTO có nhiệm vụ thực thi kết quả của Vòng đàm phán Uruguay, đồng thời giữ vai trò là diễn đàn cho các cuộc đàm phán thương mại và cung cấp nơi gặp gỡ cho việc rà soát các thỏa thuận thương mại, giải quyết tranh chấp và buộc các bên thực hiện các thỏa thuận đã giao ước.

Hai thủ tục quan trọng được khởi động trong WTO. Thứ nhất, Cơ chế Rà soát Chính sách Thương mại (Trade Policy Review Mechanism - TPRM), tiến hành giám sát định kỳ hoạt động thương mại của các quốc gia thành viên. Theo thủ tục này, có một diễn đàn để các quốc gia chất vấn nhau về hoạt động thương mại. Thứ hai, Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body), được thiết kế như một hội đồng có thẩm quyền để nghe và giải quyết tranh chấp về thương mại. Với thẩm quyền áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại những quốc gia vi phạm, cơ quan này mạnh hơn các thỏa thuận trước đó của GATT.

Đưa tất cả các nước vào WTO là nhiệm vụ đầy khó khăn. Năm 2001, sau 15 năm đàm phán, Trung Quốc đã gia nhập WTO, cho thấy quá trình lâu dài và những nhượng bộ đáng kể mà một số quốc gia phải làm thì mới được tham gia. Các quy định của WTO đòi hỏi phải xây dựng luật pháp và giải thích pháp luật ở trong nước. Trung Quốc đã sửa đổi luật pháp để tạo điều kiện cho liên doanh nước ngoài trong những lĩnh vực mà trước đây còn hạn chế, dẫn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể chảy vào lĩnh vực viễn thông, du lịch, bảo hiểm và ngân hàng. Trung Quốc tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại, giảm thuế nhập khẩu và hạn ngạch. Có những tòa án đặc biệt để xét xử những vụ tranh chấp liên quan tới WTO. Hiện nay, Trung Quốc đang là thành viên tích cực trong WTO. Quốc gia này là bên thường xuyên tranh chấp, đầu năm 2015 nước này là nguyên đơn trong 12 vụ kiện, bị đơn trong 33 vụ kiện và bên thứ ba trong116 vụ kiện, mặc dù họ thua trong phần lớn các vụ tranh chấp này. Khó khăn là rất lớn. Vì luật pháp của Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý đầu tư nước ngoài và liên doanh còn thô sơ, thị trường chứng khoán của nước này chưa sẵn sàng tự do hóa. Trung Quốc vẫn tụt hậu trong các vấn đề sở hữu trí tuệ, nguồn gốc của nhiều vụ tranh chấp. Việt Nam, gia nhập WTO năm 2007, cũng thực hiện một số cải cách tương tự. Năm 2012, Nga tham gia WTO, sau 18 năm đàm phán, phần lớn là về các khoản trợ cấp trong lĩnh vực công nghiệp. Trong mỗi trường hợp, tách chính phủ ra khỏi kinh tế là nhiệm vụ khó khăn.

Quy trình của WTO vẫn còn nhiều tranh cãi, như Vòng đàm phán Doha – khởi động năm 2001 – đã cho thấy. Các cuộc đàm phán đã lâm vào bế tắc, đẩy Mỹ và EU vào thế chống lại các nền kinh tế mới nổi, như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc. Rắc rối chính là tự do hóa thị trường nông sản. Cả Mỹ lẫn EU đều không muốn giảm đáng kể trợ cấp nông nghiệp, nếu các nước này giảm trợ cấp thì các sản phẩm nông nghiệp của các nước đang phát triển sẽ có khả năng cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Cụ thể là, Ấn Độ và Trung Quốc đã tìm, nếu không phải là chấm dứt các khoản trợ cấp nông nghiệp, thì cũng tìm các cơ chế bảo vệ đặc biệt cho nông dân nghèo của nước mình nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Nhiều người phê phán tổng giám đốc WTO, Roberto Azavedo, vì đã không thể hiện quyền lãnh đạo nhằm giải quyết các bất đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, Vòng đàm phán Doha đã không giải quyết được nhận thức về công bằng trong thương mại. Các nước đang phát triển, không hài lòng với các quy tắc mới, mở cửa cho cạnh tranh trong đầu tư và mua sắm của chính phủ, đã tìm kiếm những lợi thế trong các lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như nông nghiệp và các lĩnh vực cần nhiều lao động.

Trong năm 2013 và 2014, cuối cùng, các nhà đàm phán đã phá vỡ được bế tắc. Ấn Độ và Mỹ đã thỏa thuận rằng Ấn Độ và các nước đang phát triển khác sẽ không bị phạt khi cung cấp các khoản trợ cấp lớn hơn mức trần 10% của WTO đối với ngũ cốc được sản xuất làm lương thực ở nước họ, cũng như không bị phạt vì dự trữ ngũ cốc nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho người nghèo. Thỏa thuận này mở đường cho thỏa thuận nhằm hợp lý hóa thủ tục hải quan và nâng cấp cơ sở hạ tầng biên giới và cảng. Trên thực tế, như tờ The Economist viết, Doha dường như “đã xẹp lại sau những ồn ào ban đầu. WTO vẫn là thiết chế tốt trong việc thực thi các hiệp định thương mại hiện hành, nhưng suốt hai thập kỷ qua đã không thể mang lại thỏa thuận toàn diện mới”[3].

Đàm phán hiệp ước giữa 161 quốc gia với mức độ phát triển khác nhau và có những mục tiêu quốc gia khác nhau là thách thức. Trong khi đó, như sẽ thảo luận trong phần sau, Mỹ, EU, ASEAN và các nước khác đang theo đuổi các hiệp định thương mại khu vực và song phương, với những các quy tắc không tương thích với nhau, có nghĩa là sẽ khó đạt được được các hiệp định toàn cầu trong tương lai. Các tập đoàn đa quốc gia không tham gia đàm phán như các tác nhân độc lập, nhưng họ lại là những nhóm lợi chính. 

Vai trò của các tập đoàn đa quốc gia.

Các tập đoàn đa quốc gia (MNC) đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, các tập đoàn này cung cấp cả tài chính quốc tế lẫn các mặt hàng để xuất khẩu. Đối với nhiều người theo phái tự do kinh tế, MNC là đội quân tiên phong của trật tự tự do. Các tập đoàn này là “hiện thân hoàn hảo của lý tưởng về nền kinh tế thế giới phụ thuộc lẫn nhau. [Các tập đoàn này] đưa việc hội nhập các nền kinh tế quốc gia vượt lên thương mại và tiền bạc để tiến tới quốc tế hóa quá trình sản xuất. Lần đầu tiên trong lịch sử, sản xuất, tiếp thị và đầu tư được tổ chức trên quy mô toàn cầu chứ không chỉ trên quy mô kinh tế của những quốc gia đơn độc nữa”[4]. Đối với những người theo phái tự do, MNC là hiện tượng tích cực: Cải thiện kinh tế được thực hiện bằng cơ chế hiệu quả nhất. Các MNC đầu tư vào vốn cổ phần trên toàn thế giới, họ chuyển tiền tới các thị trường hiệu quả nhất và họ tài trợ cho các dự án giúp công nghiệp hóa và nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp. MNC là đường truyền vốn, ý tưởng và tăng trưởng kinh tế. Trong lý tưởng của chủ nghĩa tự do, các MNC thích hoạt động độc lập với các quốc gia; chính thị trường sẽ tự điều chỉnh hành vi. Tốt nhất là để cho những tác nhân trên thị trường sửa chữa những hành động lạm dụng thị trường của MNC, các quy định của chính phủ là biện pháp uốn nắn tồi tệ nhất.

Có nhiều hình thức MNC khác nhau và họ tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau:

- xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

- thực hiện các khoản đầu tư lớn ở nước ngoài

- mua và bán giấy phép sản xuất ở thị trường nước ngoài

- tham gia sản xuất theo hợp đồng - cho phép nhà sản xuất địa phương ở nước ngoài sản xuất sản phẩm của họ

- mở cơ sở sản xuất hoặc lắp ráp ở nước ngoài

Dù kinh doanh dưới hình thức nào, các MNC quyết định tham gia thị trường quốc tế vì nhiều lý do khác nhau. Tìm cách tránh thuế nhập khẩu và các rào cản thương mại, như nhiều công ty Mỹ đã làm trong những năm 1960, khi họ thành lập các cơ sở sản xuất ở châu Âu nhằm tránh các rào cản đối với hàng hóa từ bên ngoài của Cộng đồng kinh châu Âu mới được thành lập. MNC có thể tìm cách giảm chi phí vận chuyển bằng cách đưa các cơ sở sản xuất tới gần thị trường tiêu thụ. Một số MNC có thể nhận được các ưu đãi như lợi thế về thuế hoặc nhượng bộ về lao động của các chính phủ nước sở tại; những biện pháp khuyến khích này có thể làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng lợi nhuận. Những công ty khác đầu tư ra nước ngoài nhằm đáp ứng với tình hình cạnh tranh và khách hàng, tận dụng thị trường lao động rẻ hơn (ví dụ, các công ty Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam hoặc Lào) hoặc có các nhân viên kỹ thuật nước ngoài (ví dụ, các công ty máy tính ở Ấn Độ). Đây là những lý do kinh tế, nhưng chính sách của nhà nước cũng có thể có vai trò nhất định. Các MNC có thể chuyển ra nước ngoài nhằm tránh né các quy định cứng rắn của chính phủ trong nước, ví dụ như các luật lệ về ngân hàng, hạn chế về tiền tệ hoặc các quy định về môi trường. Trong quá trình này, các MNC không chỉ trở thành các tổ chức kinh tế mà còn trở thành các tổ chức chính trị, có khả năng ảnh hưởng đến chính sách của cả chính phủ trong nước lẫn nước sở tại.

Một số nhà kinh tế học theo trường phái tự do đi xa hơn tán dương lợi ích kinh tế của chủ nghĩa tự do hoặc ưu điểm của các MNC. Họ nhìn thấy quan hệ tích cực giữa nền kinh tế quốc tế tự do và hòa bình. Chúng ta đã thấy một khía cạnh của quan điểm này trong phần thảo luận về hòa bình dân chủ trong Chương 5. Norman Angell, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm 1933, khẳng định ủng hộ các biện pháp khuyến khích thương mại tự do giữa các nước tư bản tự do, vì tin rằng thương mại gia tăng sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các quốc gia. Nhưng, hơn thế nữa, Angell khẳng định rằng sự khác biệt giữa các dân tộc sẽ biến mất cùng với quá trình hình thành thị trường quốc tế. Sự phụ thuộc lẫn nhau sẽ dẫn đến thịnh vượng kinh tế và cuối cùng là hòa bình thế giới; chiến tranh sẽ trở thành lỗi thời[5]. Mặc dù không phải tất cả những người theo phái tự do đều đồng ý với công thức này, chủ nghĩa tự do kinh tế có các đề xuất chính sách kinh tế cụ thể (thị trường mở, thương mại tự do, luân chuyển tự do hàng hóa và dịch vụ). Những người theo phái này cũng cho rằng vai trò của chính phủ phải được giới hạn ở mức thấp nhất, chỉ đơn giản là bảo vệ quyền sở hữu và cung cấp một hệ thống pháp lý hiệu quả. Theo công thức này, những người theo phái tự do coi cạnh tranh giữa các quốc gia là lành mạnh và đáng mong muốn, có khả năng dẫn đến nhiều tương tác hòa bình hơn.

Khu vực hóa kinh tế

Mặc cho những nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới và các tập đoàn đa quốc gia trong việc ủng hộ quốc tế hóa hay toàn cầu hóa đời sống kinh tế, khu vực hóa kinh tế đang hồi sinh. Từ những năm 1990, nhiều thỏa thuận kinh tế khu vực đã được đàm phán và những thỏa thuận đang có hiệu lực thì được củng cố thêm. Đâu là quan hệ giữa toàn cầu hóa và chủ nghĩa khu vực? Chủ nghĩa khu vực có phải là một bước để tiến tới toàn cầu hóa vững chắc hơn, hay chủ nghĩa khu vực là trở ngại thực sự cho toàn cầu hóa?

Quá trình hội nhập nền kinh tế châu Âu

Việc thành lập Liên minh châu Âu (đã thảo luận trong Chương 7) và quá trình hội nhập kinh tế kèm theo đã có tác động lớn đến kinh tế chính trị học quốc tế và đã trở thành mô hình cho các khu vực khác. Quá trình hội nhập kinh tế châu Âu dựa trên quan niệm cho rằng thị trường lớn hơn, cùng với việc di chuyển tự do của hàng hóa và dịch vụ, sẽ tạo điều kiện cho các nền kinh tế quy mô lớn và chuyên môn hóa nhằm kích thích tăng trưởng, cạnh tranh và đổi mới trong khi có thêm cơ hội đầu tư – tất cả đều tương thích với kinh tế học của chủ nghĩa tự do. Liên minh châu Âu, nói chung, đã đạt được một số mục tiêu này, đồng thời tạo được một thị trường duy nhất và đang phát triển liên minh tiền tệ. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, EU đã dựa vào một số biện pháp bảo hộ và trong khi làm như vậy, có thể họ chỉ chuyển việc buôn bán từ nhóm quốc gia này sang nhóm quốc khác mà thôi.

Động lực của việc mở rộng quá trình hội nhập kinh tế châu Âu nằm  một phần ở  tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của khu vực này trong những năm 1970 và 1980, khi mà Mỹ và Nhật Bản ngày càng có khả năng cạnh tranh hơn. Nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của châu Âu và do đó, nâng cao khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, Luật châu Âu duy nhất ký năm 1987 (Single European Act of 1987) đã đẩy nhanh tiến trình hội nhập, với mục tiêu thành lập thị trường duy nhất vào năm 1992. Nỗ lực kéo theo việc loại bỏ các rào cản vật chất, tài chính và kỹ thuật đối với thương mại và làm cho tiêu chuẩn của các quốc gia hài hòa với nhau bằng cách thông qua hơn 300 chỉ dẫn của cộng đồng. Một mục tiêu - loại bỏ các rào cản hải quan - đã được thực hiện khá nhanh; trong khi các lĩnh vực khác – di chuyển lực lượng lao động còn nhiều vấn đề hơn. Mặc dù hầu hết các nước đã không còn kiểm tra hộ chiếu và đã thông qua các luật lệ thị thực tương tự nhau, công nhận giáo dục và trình độ chuyên môn là vấn đề khó khăn. Xóa bỏ các rào cản kỹ thuật đối với thương mại là việc khó vì các tiêu chuẩn về an toàn và sức khỏe mỗi nước một khác, nhưng quá trình này đang diễn ra, ví dụ như đang có những nỗ lực nhằm phá vỡ tình trạng độc quyền của các nhà nước và xóa bỏ các khoản tài trợ của nhà nước  cho một số lĩnh vực cụ thể.

Kết quả tổng thể là rất khả quan, tất cả các hình thức giao dịch kinh tế xuyên biên giới đều gia tăng, các nền kinh tế của 28 quốc gia thành viên hội nhập sâu rộng hơn. Đối với nước thành viên trung bình, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm hơn một phần ba GDP. Hơn 70% hàng hóa được buôn bán với các nước thành viên EU khác. Không chỉ thương mại mà dòng vốn cũng được hội nhập; sáp nhập và mua lại các công ty nằm ở các nước khác nhau đã tiến triển nhanh hơn. Nhiều người đồng ý rằng quá trình hội nhập của châu Âu đã tạo ra nền thương mại to lớn hơn và có ảnh hưởng tích cực về phúc lợi đối với các quốc gia thành viên và cả các quốc gia không phải là thành viên[6].

EU không chỉ là một khu vực buôn bán hay một thị trường duy nhất. Trong các cuộc thảo luận về thị trường duy nhất, người ta còn đàm phán cả các nguyên tắc chung của liên minh tiền tệ. Với sự ổn định của đồng tiền và một loại tiền tệ duy nhất, Liên minh sẽ phát triển và thịnh vượng hơn. Liên minh tiền tệ châu Âu, quy định trong Hiệp ước Maastricht năm 1991, kêu gọi thành lập đồng tiền duy nhất, đồng Euro; năm 1998 đồng tiền này đã trở thành đơn vị trao đổi giữa các doanh nghiệp và năm 2000 thì trở thành đơn vị trao đổi của người tiêu dùng. Từ đây, 17 thành viên của của khu vực đồng tiền chung (Eurozone) không còn sử dụng tỷ giá hối đoái hay lãi suất làm công cụ cho chính sách kinh tế được nữa. Hầu hết các nhà quan sát đồng ý rằng đồng Euro đã tạo điều kiện cho các giao dịch và loại bỏ được tình trạng mp mờ do biến động của tỷ giá hối đoái gây ra. Nhưng từ năm 2009, đồng Euro đã chịu áp lực chưa từng có, khi nó gây ra cuộc khủng hoảng tài chính và tình hình nguy hiểm cho tương lai của toàn bộ dự án hội nhập của châu Âu. Chúng ta sẽ thảo luận tình hình này ngay sau đây.

Ngay từ đầu, Liên minh châu Âu đã nhận ra – tương tự như các nhà đàm phán thương mại quốc tế từng thấy - rằng nông nghiệp khác với các ngành kinh tế khác. Thứ nhất, giá nông sản biến động mạnh vì thời tiết và dịch bệnh, do đó, từ lâu người ta đã áp dụng những biện pháp khuyến khích mạnh mẽ nhằm điều chỉnh biến động giá cả do thay đổi nguồn cung quá nhanh gây ra. Thứ hai, lương thực thực phẩm được coi là quan trọng đối với an ninh quốc gia; trong các trường hợp khẩn cấp, không nhà nước nào muốn người dân của mình phụ thuộc vào nguồn cung cấp lương thực của nước khác. Thứ ba, ở nhiều nước, các trang trại được tổ chức tốt có quyền lực chính trị mạnh hơn thực lực kinh tế của họ. Vì tất cả những lý do này, EU đã thông qua Chính sách nông nghiệp chung (Common Agricultural Policy - CAP). CAP thay đổi theo thời gian, chuyển dần ra khỏi chính sách định hướng sản xuất, theo đó, EU mua sản phẩm thặng dư của nông dân với giá bảo đảm, sau đó hoặc là giữ lại chờ giá cao hơn trong tương lai hoặc là tặng cho các chương trình viện trợ lương thực, để bù lỗ cho nông dân. Sau cuộc cải cách năm 2003, EU đã chuyển sang Chế độ thanh toán duy nhất (Single Payment Scheme), trong đó mỗi quốc gia tự quyết định trả khoản thanh toán của EU cho trang trại hay khu vực. Nông dân quyết định sản xuất bất kỳ mặt hàng nào, trừ trái cây, rau hay khoai tây. EU chỉ can thiệp vào giá lúa mì, bơ và các loại sữa. Các trang trại lớn bị đưa ra khỏi chương trình này.

Hiện nay, ngân sách tổng cộng của CAP chiếm 42% ngân sách EU, trong khi năm 1984 chiếm tới 71%. CAP đã chứng tỏ là một trong những chính sách gây tranh cãi nhất của EU. Đây không chỉ là vấn đề lớn đối với các nước đang muốn trở thành thành viên và muốn chia sẻ ngân sách nông nghiệp, mà còn là vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán đa phương vì những nước không phải là thành viên phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm nông nghiệp của EU.

Các chính sách của EU có góp phần vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế hay là trở ngại? Hầu hết các nhà kinh tế học đều đồng ý rằng sự cởi mở của các thị trường châu Âu đã mang lại lợi ích cho người châu Âu và ngày càng tương thích với các mục tiêu của hệ thống đa phương toàn cầu. Thật vậy, EU đã phát triển một mạng lưới các hiệp định ưu đãi với các lân bang trong khu vực Địa Trung Hải và với các thuộc địa cũ có lịch sử chung ở châu Phi, cũng như với các hiệp định thương mại khu vực khác, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và Mercosur (Hiệp định thương mại tự do ký năm 1991 giữa các nước Brasil, Argentina, Uruguay, Paraguay. Tháng 6 năm 2006, Mercosur kết nạp thêm Venezuela, Bolivia, Chile, Colombia, Ecuador và Peru hiện là các thành viên liên kết của Mercosur -ND) trong khu vực Mỹ Latin. Nhìn chung, EU đã củng cố quyền lực kinh tế toàn cầu của khu vực này, làm cho nó có cạnh tranh hơn với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Nhưng những điều kiện ở Châu Âu - sự tương đồng của các hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội; lịch sử hợp tác giai đoạn sau Thế chiến II; và quá trình phát triển của các thiết chế chính trị mới được thành lập – có hiện diện trong những khu vực khác trên thế giới?

Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ

Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico (NAFTA), kí năm 1994, khác hẳn Liên minh châu Âu và những khu vực khác. Khu vực này có một nền kinh tế giữ thế thượng phong và hai nền kinh tế phụ thuộc: Kinh tế của Mexico và Canada cộng lại mới bằng một phần mười kinh tế Mỹ. Động lực đằng sau NAFTA không phải là giới tinh hoa chính trị mà là các nhóm lợi ích kinh tế (trong đó có các công ty đa quốc gia) tìm kiếm thị phần lớn hơn những đối thủ cạnh tranh là Nhật Bản và châu Âu và những người ủng hộ thương mại tự do trong tất cả các nước. Người lao động, những nhóm bảo vệ môi trường và các nhóm khác phản đối hiệp định này. Giảm dần từng bước nhiều hạn chế đối với đầu tư nước ngoài và hầu hết các hàng rào thuế quan và phi thuế quan đã tạo điều kiện cho các MNC chuyển sản xuất sang các khu vực lao động lương thấp ở Mexico và kiếm được lợi nhuận bằng cách lập ra các công ty lớn hơn thông qua sáp nhập và mua lại.

Trong NAFTA không có các khía cạnh xã hội, chính trị và an ninh mà chúng ta thấy ở Liên minh châu Âu. Hợp tác về thương mại và đầu tư không nhằm dẫn đến dịch chuyển lao động tự do, như Liên minh châu Âu phấn đấu. Mục đích ở đây hoàn toàn ngược lại; Mỹ hy vọng rằng người lao động Mexico sẽ không tìm kiếm việc làm ở Mỹ nữa, vì quá trình phát triển kinh tế ở Mexico sẽ cung cấp cơ hội việc làm cho rất nhiều người. Và trong NAFTA, hợp tác kinh tế không có nghĩa là hội nhập chính trị. Với NAFTA, hội nhập kinh tế sẽ vẫn chỉ là hợp tác kinh tế trong các khu vực kinh tế cụ thể mà thôi.

Giảm từng bước thuế nhập khẩu và hàng rào phi thuế quan đã dẫn đến kết quả là thương mại gia tăng, đặc biệt là Mexico. Xuất khẩu của Mexico đã tăng từ 60 tỷ USD, năm 1994, lên gần 400 tỷ USD, năm 2013. Với việc hoàn thiện khu vực thương mại tự do và dỡ bỏ các rào cản thương mại và đầu tư, hàng hóa trao đổi giữa ba nước này đã tăng lên gần 1 nghìn tỷ USD trong năm 2010, tức là tăng 218% so với năm 1993. Đầu tư trực tiếp nước ngoài giữa ba nước đã tăng lên 10 lần. Kể từ năm 2005, tốc độ tăng trưởng thương mại đã chậm lại, tuy nhiên, phần lớn là do tăng trưởng thương mại với Trung Quốc và Trung Quốc tham gia WTO năm 2001.

Các điều khoản khác của NAFTA giải quyếtt quyền sở hữu trí tuệ của các công ty đầu tư vào ba nước này và bảo hộ một số nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là ngành dầu khí Mexico và ngành vận tải biển Mỹ. Các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật của NAFTA được thiết kế nhằm bảo vệ người và động vật trước các rủi ro về sức khỏe, mặc dù các biện pháp bảo vệ như vậy có thể không được áp dụng vì lý do kinh tế. Các tiêu chuẩn linh hoạt của NAFTA tạo điều kiện cho chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương áp đặt các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn. Trợ cấp xuất khẩu cuối cùng sẽ bị loại bỏ, mặc dù hiện vẫn được áp dụng trên thị trường Mexico. Còn có những ưu đãi nếu mua hàng hóa trong khu vực này. Người ta đã thành lập các ủy ban chuyên lo việc giám sát và thúc đẩy các điều khoản khác nhau của hiệp định.

Tuy nhiên, những cuộc tranh cãi gay gắt về kinh tế do NAFTA tạo ra vẫn còn tiếp tục, cho thấy nhà nước không phải là một chủ thể đơn nhất (unitary). Các công đoàn lao động ở Mỹ ước tính rằng hàng trăm ngàn công nhân đã mất việc làm vì công việc bị chuyển sang Mexico. Các nhóm môi trường chỉ ra rằng các công ty ở Mỹ chuyển đến Mexico nhằm tận dụng các quy định về môi trường còn lỏng lẻo của nước này. Người lao động Canada cho rằng nước này đang ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, trong khi ngành sản xuất bị tụt hậu. Những người ủng hộ Mexico khẳng định năng suất lao động đã gia tăng đáng kể, xuất khẩu cũng gia tăng, trong khi những người phê phán nói rằng tiền lương sản xuất thực tế giảm, công việc không cần tay nghề bị chuyển tới Trung Quốc. Jorge Castañeda, cựu bộ trưởng ngoại giao Mexico viết: “Nếu mục đích của hiệp định là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng năng suất, tăng lương và ngăn chặn di cư, thì kết quả là không rõ ràng”[7]. Mexico không phát triển các liên kết thượng nguồn (backward linkages - liên hệ giữa một ngành hay một hãng với những nhà cung cấp đầu vào của họ - ND) trong lĩnh vực xuất khẩu của mình, cụ thể là do người nước ngoài không muốn đầu tư vào Mexico. Đầu tư nước ngoài hàng năm vào Mexico đã tăng từ 4,4 tỷ USD, năm 1993, trước khi ký trước NAFTA, lên khoảng 22 tỷ USD. Nhưng vẫn thấp hơn đầu tư nước ngoài vào các nước như Brazil, Chile và Colombia, và một số nước khác không phải là thành viên của NAFTA. Những người theo phái cấp tiến cho rằng NAFTA là một ví dụ nữa về chủ nghĩa bành trướng của Mỹ và bóc lột lực lượng lao động Mexico.

NAFTA cho thấy - như tất cả các hiệp định kinh tế khu vực - sẽ có người thắng và kẻ thua. Trong NAFTA, nói chung, nông nghiệp và ngành sản xuất chế tạo có thể là những lĩnh vực chiến thắng. Thị trường nông sản hội nhập tốt hơn, và người tiêu dùng được hưởng giá thấp hơn, khi hầu như tất cả các loại thuế nhập khẩu đều được loại bỏ. Cả Canada lẫn Mexico đều là thị trường lớn cho ngành xuất khẩu nông sản của Mỹ. Thị phần xuất khẩu Canada sang Mỹ gia tăng và xuất khẩu nông sản của Mexico tăng vọt. Thuế nhập khẩu hàng hóa chế tạo gần như được loại bỏ hoàn toàn. Nhưng trong tất cả những nước này, những người phê phán khẳng định rằng một số nhà sản xuất và một số nhóm lại là những người thua cuộc. Cả phái cấp tiến lẫn những người dân tộc chủ nghĩa về kinh tế đều có nhiều bằng chứng chống lưng cho phân tích của họ.

Tin rằng người thắng sẽ nhiều hơn người thua, các khu vực khác cũng đã ký những hiệp ước thương mại khu vực. Châu Á là thành viên tương đối mới.

ASEAN: Khu vực thương mại tự do

Các nước Đông Á đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế vô cùng ngoạn mục nhờ những hàng hóa xuất khẩu có tính cạnh tranh; trước những năm 1990, hầu hết hàng xuất khẩu được đưa tới Mỹ hoặc châu Âu. Năm 1992, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (ASEAN Free Trade Area - AFTA). Nhắm tới hai mục tiêu: Thu hút đầu tư nước ngoài, tận dụng lợi thế kinh tế quy mô lớn và gia tăng lợi thế cạnh tranh của các nước thành viên trên thị trường toàn cầu bằng cách rỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan trong nội bộ ASEAN. Chỉ có gạo - lương thực chính của khu vực - và một số sản phẩm nhạy cảm cao khác, là ngoại lệ mà thôi. Và, tương tự như EU, AFTA cũng nhấn mạnh các rào cản phi thuế quan, hạn chế về số lượng và làm cho quy tắc hải quan của các nước hài hòa với nhau. Cuối năm 2014, 70% buôn bán trong nội bộ ASEAN đã không còn phải đóng thuế nhập khẩu, và thuế suất trung bình chỉ còn chưa đến 5%. Tuy nhiên, khác với EU, mục tiêu không phải là tạo ra mức thuế nhập khẩu chung đối với hàng hóa từ bên ngoài.

So với EU hoặc NAFTA, thỏa thuận AFTA ban đầu tương đối ngắn, không có những cam kết mang tính ràng buộc. Theo Hiến chương ASEAN, thông qua năm 2007, tổ chức này có tư cách pháp lý, Hiến chương trao cho nó thẩm quyền ký kết các thỏa thuận thương mại với các quốc gia và các tổ chức khu vực, tiểu vùng và quốc tế. ASEAN đã ký các thỏa thuận với Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, và một số quốc gia khác. Mặc dù các thành viên AFTA đã ký các thỏa thuận nhằm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 (không có đồng tiền chung), nhưng đã không làm được. Hy vọng là hội nhập kinh tế khu vực chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem liệu các nước thành viên ASEAN có thể thu hẹp sự khác biệt lớn về trình độ phát triển và tiêu chuẩn quốc gia hay không. Trung Quốc đã lên tiếng về việc muốn tham gia AFTA - bước đi có thể làm cho quá trình hội nhập kinh tế khu vực trở thành phức tạp hơn.

Các tổ chức kinh tế liên khu vực

Mỹ đang đàm phán các vấn đề thương mại và đầu tư với cả châu Á lẫn châu Âu. Cuối năm 2015, Mỹ, Nhật Bản và 10 nước nằm trong Vành đai Thái Bình Dương (trong đó có cả các nước phát triển và các nước đang phát triển như Canada, Chile, Mexico, Việt Nam và Ausralia) đã đạt được thỏa thuận về các điều khoản của Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) ảnh hưởng tới 40% nền kinh tế thế giới. Những người đề xuất TPP tuyên bố rằng nó là văn kiện tiêu chuẩn cho thương mại toàn cầu. Thuế nhập khẩu đối với 18.000 sản phẩm của Mỹ, trong đó có ô tô, máy móc, công nghệ và nông sản, sẽ được loại bỏ. Hợp tác kinh tế vĩ mô sẽ được củng cố, mặc dù không có điều khoản có thể thực thi về tiền tệ. Các điều khoản về bảo vệ lao động và môi trường, cứng rắn hơn hẳn so với những điều khoản tương tự trong các hiệp định thương mại khác. Người ta đã đưa vào đây những quy tắc chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ bản quyền và bằng sáng chế. Có người đưa ra đánh giá nói rằng, chỉ trong thập kỷ tới, thỏa thuận này sẽ làm cho nền kinh tế thế giới tăng thêm 223 tỷ USD[8], nhưng không có các chi tiết cụ thể - đây chỉ là ước tính mà thôi.

Câu hỏi quan trọng là Trung Quốc. Đối với một số người, mục đích của TPP là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đối với những người khác, hi vọng là Trung Quốc cuối cùng sẽ tham gia, tương tự như các nước khác, ví dụ, Hàn Quốc. Với vị trí chủ chốt mà Trung Quốc đang nắm được trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay, khó có thể tưởng tượng được rằng thỏa thuận này sẽ đứng vững mà không có Trung Quốc. Thái độ hoài nghi của quốc hội Mỹ và lo lắng của công chúng trước khả năng mất việc làm và thu nhập gia tăng chậm đồng nghĩa với việc thỏa thuận này có thể không được Quốc hội Mỹ thông qua.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đang đàm phán một loạt các hiệp định thương mại và đầu tư, làm cho các nền kinh tế của họ gắn bó chặt chẽ với nhau hơn nữa. Năm 2013, một phần năm hàng hóa xuất khẩu của Mỹ được đưa sang EU, trong khi một phần tám hàng xuất khẩu của EU được đưa sang Mỹ. Quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership - TTIP) được đề xuất với mục tiêu giảm bớt trở ngại đối với thương mại và đầu tư, ví dụ, rào cản của EU đối với thực phẩm biến đổi gen và trao quyền cho các công ty Mỹ khởi kiện tại các tòa án châu Âu. Một số người châu Âu lo ngại về việc cấp thêm quyền cho các công ty Mỹ, có thể làm suy yếu các biện pháp bảo vệ người lao động, nhưng một số nhà kinh tế học lại dự đoán rằng thỏa thuận này có thể mang lại lợi ích kinh tế tương đương với việc mỗi gia đình bốn người được thêm 700 USD một năm[9]. Các cuộc đàm phán còn đang tiếp tục.

Tranh luận về các hiệp định thương mại khu vực và các hiệp định thương mại có tính ưu đãi

Từ năm 1990, số lượng các hiệp định thương mại khu vực và thương mại có tính ưu đãi đã bùng nổ, từ khoảng 50 vào năm 1990 lên gần 400 vào năm 2014 và 200 thỏa thuận khác đang được thảo luận. Với tốc độ lan tràn như thế, đã có ba cuộc tranh luận về khu vực hóa kinh tế. Thứ nhất, các hiệp định thương mại khu vực có cải thiện phúc lợi kinh tế của các thành viên nhờ có thêm các thương vụ, hay trên thực tế, thương mại đã chuyển hướng và phúc lợi kinh tế suy giảm? Nhờ các hiệp định thương mại khu vực, đã có thêm một số thương vụ mua bán hàng hóa được sản xuất tương đối có hiệu quả so với phần còn lại của thế giới. Thương mại cũng được chuyển hướng khỏi những nước không phải là thành viên những nền này hiệu quả cao, vì những ưu đãi mà các quốc gia tham gia hiệp định cấp cho nhau, và do đó, phúc lợi của quốc gia không phải thành viên giảm đi.

Thứ hai, các hiệp định thương mại khu vực là bước đệm hay là trở ngại cho các thỏa thuận thương mại toàn cầu? Một mặt, các hiệp định này làm giảm số tác nhân trong các cuộc đàm phán quốc tế và tăng cường khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong nước, làm cho việc thuyết phục người ta tự do hóa trở nên dễ dàng hơn. Mặt khác, theo các điều khoản của hiệp định thương mại khu vực, các nền kinh tế lớn hơn có thể áp đặt ý chí của mình và các nhóm lợi ích có thể dễ dàng vận động cho quyền lợi của mình; ngăn chặn, không để thương mại toàn cầu trở thành tự do hơn. Nhà kinh tế học Jagdish Bhagwati, người lớn tiếng phản đối các hiệp định thương mại khu vực, gọi các hiệp định chắp vá này là “những con mối trong hệ thống thương mại”[10]. Các thỏa thuận khu vực có thể làm cho các nước không còn muốn cắt giảm thuế quan theo các thỏa thuận toàn cầu, thương mại tự do hơn có thể làm xói mòn những lợi ích nhỏ nhặt mà họ đã giành được.

Thứ ba, liệu khu vực hóa kinh tế trong các lĩnh vực chính sách kinh tế và xã hội rộng lớn có củng cố được vị thế của người lao động và cải thiện các thỏa thuận về môi trường? Hoặc, liệu khu vực hóa kinh tế có tạo ra áp lực đòi cắt giảm tiền lương và hạ thấp tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, vì các quốc gia và khu vực cạnh tranh nhau về thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài? Mặc dù đây có thể không phải là vấn đề đối với hầu hết các hiệp định thương mại, nhưng nó là vấn đề quan trọng đối với các thỏa thuận vừa được thảo luận bên trên.

Những thách thức về kinh tế trong thế kỷ XXI thực sự là những thách thức nguồn gốc từ thế kỷ trước. Đâu là biện pháp tốt nhất cho phát triển trên bình diện quốc tế và cách đối phó với khủng hoảng kinh tế trong kỷ nguyên toàn cầu hóa đã trở thành những vấn đề nổi bật nhất trong chương trình nghị sự.

Những thách thức về kinh tế trong thế kỷ XXI

Phát triển quốc tế

Sau khi Thế chiến II kết thúc và đến giữa những năm 1960, quá trình thực dân hóa cũng chấm dứt; sự kiện này không chỉ dẫn đến cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Liên Xô (đã thảo luận trong Chương 2) mà còn xuất hiện các quốc gia mới giành được độc lập và nghèo, không có nguồn lực vật chất và chuyên môn đủ sức cung cấp hàng hóa kinh tế cho người dân của mình. Ngay lập tức, người ta đã phát triển các chương trình quốc tế để bắt đầu đáp ứng nhu cầu của các quốc gia này. Trong đó có Chương trình Hỗ trợ Kỹ thuật mở rộng của Liên Hợp Quốc (UN’s Expanded Programme of Technical Assistance), trong những năm 1950 đã trở thành cơ quan phát triển chính của Liên Hợp Quốc; các ủy ban khu vực và các chương trình khác được liên minh miền Nam hoặc Nhóm 77 nước đang phát triển thúc đẩy, như đã giải thích trong Chương 7. Các chi nhánh của Ngân hàng Thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), như đã thảo luận bên trên, được thiết kế nhằm giải quyết các vấn đề của các nước đang phát triển. Chính GATT cũng áp dụng ý tưởng về những khoản ưu tiên ưu đãi đối với các nước đang phát triển. Ngay cả Vòng đàm phán thương mại Doha cũng mang tên vòng “phát triển”, nhưng, như một người hoài nghi đã nói, “vòng này đã không làm cho ai no”[11].

Mặc dù đã có những nỗ lực như thế, các quốc gia phát triển nhất, phần lớn ở phía Bắc Bán Cầu, với tổng thu nhập quốc dân (Gross national income – GNI) bình quân trên đầu người là 40.046 USD và vẫn sống trong cảnh giàu có, với thói quen tiêu dùng cao, dịch vụ giáo dục và y tế tốt đẹp, và mạng lưới an sinh-phúc lợi xã hội. Ngược lại, các nước kém phát triển nhất, chủ yếu ở miền Nam Bán Cầu, vẫn phải vật lộn tìm cách đáp ứng nhu cầu ăn uống tối thiểu, dịch vụ giáo dục và y tế yếu kém, không có mạng lưới phúc lợi có thể đáp ứng nhu cầu của những người nghèo nhất, thu nhập quốc dân bình quân trên đầu người chỉ có 2.904 USD. Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) trong Bảng 9.1 cho thấy những tương phản rõ rệt giữa những nước này. Do một loạt yếu tố - chủ nghĩa thực dân, châu Âu công nghiệp hóa từ trước, địa lý,  những chính sách sai lầm của các chính phủ, tình trạng một số chính phủ không có trách nhiệm giải trình - đây là khoảng cách phát triển, hoặc, đối với nước nghèo nhất, đây là bẫy phát triển[12]. Trên thực tế, từ những năm 1990, vấn đề phân chia giàu nghèo đã trở thành phức tạp hơn. Như đã thấy trong Vòng đàm phán Doha, các cường quốc kinh tế lớn (G7) phải đối mặt với cả nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lẫn G-20 của các cường quốc mới nổi, trong đó có G7, BRICS, Australia, Mexico, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Indonesia và Saudi Arabia.

Chiến lược phát triển kinh tế

Ý tưởng về đường lối phát triển được hình thành từ công việc của các nhà hoạch định chính sách của nhà nước, của các quan chức trong hệ thống Liên Hợp Quốc và các nhà phân tích trong các thiết chế như Ngân hàng Thế giới. Hầu hết các cuộc tranh luận về cách tiếp cận tốt nhất đều tập trung vào các biến thể hoặc các mô hình điều chỉnh lại từ các mô hình kinh tế của phái tự do, nhưng những lời phê phán khác lại có ý nghĩa căn bản hơn. Những người theo phái kiến tạo khẳng định rằng có xung đột thực sự về tư tưởng.

 

Bảng 9.1                                                        Chỉ số phát triển con người (HDI)

 

Tuổi thọ  trung bình

Số năm đi học trung bình1

Số năm đi học dự kiến2

GNI/người (2011 ppp$)a

HDIb

Các nước A-rập

70,6

6,4

12

15.722

0,686

Các nước châu Á –Thai Bình Dương

74,0

7,5

12,7

11.499

0,710

Châu Âu và Trung Á

72,3

10,0

13,6

12.791

0,748

Mỹ Latin và vùng Caribbea

75,0

8,2

14,0

14.242

0,748

Nam Á

68,4

5,5

11,2

5.605

0,607

Phía nam sa mạc Sahara

58,5

 

9,6

3.363

0,518

Toàn cầu

71,5

7,9

12,2

14.301

0,711

 

a.         PPP là sức mua tương đương.

b.         HDI là Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới, có giá trị từ 0 (mức phát triển thấp) đến 1 (mức phát triển cao).

Nguồn: Báo cáo về phát triển con người của LHQ, năm 2015 (United Nations Human Development Report, 2015).

1.         Số năm đi học trung bình của người dân từ 25 tuổi trở lên của một nước – ND

2.         Số năm đi học dự kiến là số năm mà một đứa trẻ 2 tuổi có thể sẽ được học trong nhà trường – ND.

 Trong những năm 1950 và 1960, các thiết chế phát triển, trong đó có Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ lớn như Mỹ, đã áp dụng chiến lược phát triển tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng với chi phí lớn - đập nước, nhà máy phát điện và viễn thông – là những dự án cần cho việc tạo ra nền tảng cho phát triển.

Trong những năm 1970, nhận thấy rằng không phải tất cả các nhóm người đều được hưởng lợi từ các khoản đầu tư như thế, các cơ quan viện trợ bắt đầu tài trợ cho các dự án về y tế, giáo dục và nhà ở, được thiết kế nhằm cải thiện đời sống kinh tế của người nghèo. Trong những năm 1980 đã có thay đổi, người ta chuyển sang tin rằng sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ đáp ứng được nhiệm vụ tái cơ cấu các nền kinh tế và tái thiết các quốc gia bị các cuộc xung đột sắc tộc làm cho tan hoang. Khi tiến hành tư nhân hóa các lĩnh vực của nền kinh tế, chính phủ sẽ giảm được gánh nặng tài chính, chi tiêu của nhà nước cho giáo dục và y tế có thể tăng lên. Cách tiếp cận này đối với tăng trưởng kinh tế đã được gọi là Đồng thuận Washington (Washington Consensus) một phiên bản của hệ tư tưởng kinh tế tự do. Các tín đồ của hệ tư tưởng này cho rằng chỉ cần một số chính sách kinh tế nhất định - bao gồm tư nhân hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài, bãi bỏ quy định của chính phủ nhằm ủng hộ cạnh tranh cởi mở, và cải cách thuế khóa rộng rãi - thì sẽ có phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức song hành với nó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), là những tổ chức đi đầu trong việc ủng hộ các chính sách này.

Mặc dù ban đầu IMF không được giao trách nhiệm trong lĩnh vực phát triển, nhưng họ đã nhanh chóng nhận ra rằng các vấn đề về cán cân thanh toán dường như là tạm thời của nhiều nước thực sự là các vấn đề dài hạn và có tính cơ cấu làm cho các quốc gia đó không thể phát triển và các khoản vay ngắn hạn của IMF có thể không giải quyết những vấn đề này. Do đó, đầu những năm 1980, IMF bắt đầu cung cấp các khoản vay dài hạn nếu các nước áp dụng các chương trình điều chỉnh cơ cấu (structural adjustment programs) phù hợp với Đồng thuận Washington. Nếu nhà nước nào đó áp dụng các chính sách này - cải cách kinh tế (hạn chế tăng tiền và tín dụng làm mất giá đồng tiền; cải cách lĩnh vực tài chính, áp dụng phí sử dụng, loại bỏ các khoản trợ cấp), cải cách nhằm tự do hóa thương mại (xóa bỏ thuế nhập khẩu, cải tạo cơ sở hạ tầng xuất khẩu), cải cách chính phủ (tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước) và chính sách đối với khu vực tư nhân (chấm dứt các tình trạng  độc quyền của chính phủ) - thì IMF phê duyệt, những người cho vay đa phương khác và các ngân hàng tư nhân song phương và quốc tế cũng sẽ cho vay.

Trong những năm 1990, phát triển bền vững, một cách tiếp cận với phát triển kinh tế kết hợp quan tâm đối tới tài nguyên có thể tái tạo được và môi trường, trở thành một phần trong ngôn ngữ của ngân hàng này, mặc dù không phải lúc nào điều này cũng chuyển thành hoạt đng thực tiễn của nó. Tuy nhiên, trong những năm 1990, rõ ràng là ngay cả khi thực hiện điều chỉnh cơ cấu, một số quốc gia vẫn không thể thoát ra khỏi gánh nặng nợ nần và có thể bắt đầu phát triển. Nợ nần leo thang; năm 2000 các nước đang phát triển nợ 2,2 nghìn tỷ USD; 20 năm trước, chỉ là 577 tỷ USD. Áp lực gia tăng buộc các nước áp dụng cách tiếp cận nợ nần có hệ thống hơn. Được Jubilee 2000 ủng hộ - phong trào xã hội thúc đẩy những thay đổi nhân danh công bằng xã hội và được những người theo phái cấp tiến, những người cho rằng nợ nần sẽ làm cho những nước này mãi mãi nằm trong tình trạng kém phát triển – đã diễn ra những thay đổi lớn về chính sách. Được IMF, WB và các cường quốc kinh tế G7 tài trợ, Sáng kiến Các quốc gia nghèo nợ nhiều nhất (Heavily Indebted Poor Countries - HIPC) là sáng kiến mang tính lịch sử, vì trước đó, chưa bao giờ các món nợ nước ngoài bị hủy bỏ hay được tái cơ cấu một cách căn bản. Trong khi việc triển khai kế hoạch và các điều kiện đi kèm còn chậm và gây tranh cãi, đến giữa năm 2015, 36 nước, trong đó có 30 nước ở Châu Phi, đã được giảm nợ. Các quốc gia được giảm nợ phải đệ trình kế hoạch chuyển các khoản nợ không phải trả sang các chương trình xóa đói giảm nghèo. Các chương trình này đã giảm bớt gánh nặng nợ nần ở các nước tiếp nhận và tạo điều kiện cho những nước này tăng chi tiêu cho xóa đói giảm nghèo lên 3,5% GDP.

Uganda là nước được xóa nợ, họ đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ địa phương và quốc tế để xây dựng chiến lược giảm nợ. Kế hoạch hành động xóa đói giảm nghèo (Poverty Eradication Action Plan) bắt đầu từ những năm 1990 đã đưa vấn đề nghèo đói trở thành ưu tiên hàng đầu. Các nguồn lực dành cho xây dựng trường học, đường nhánh và hệ thống dẫn nước được cộng đồng địa phương đóng góp trong quá trình tư vấn. Đối với một số nước, giảm nợ là một phần của câu trả lời về phương pháp dành các nguồn lực khan hiếm cho mục tiêu phát triển.

Năm 2009, sau công trình nghiên cứu của Ủy ban Tăng trưởng và Phát triển của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s Commission on Growth and Development) trong các tổ chức tài chính quốc tế cũng bắt đầu có thay đổi. Phản ứng trước những lời chỉ trích và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các thiết chế này đã không tiếp tục coi các tiêu chuẩn mang tính cơ cấu là điều kiện cho vay, ngay cả đối với các khoản vay dành cho những nước thu nhập thấp. Đây là sửa chữa quan trọng của khuôn khổ cho vay. Số tiền cho vay có thể lớn hơn mức được phép trước đây và các khoản vay phải được điều chỉnh theo nhu cầu của quốc gia tương ứng. Đây là phản ứng trực tiếp trước những lời chỉ trích cách tiếp cận “không thích hợp với đặc thù của từng nước của chương trình cho vay theo điều chỉnh cơ cấu. Việc theo dõi các khoản vay sẽ được thực hiện đơn giản hơn nhằm giảm bớt những điều gây cảm giác nhục nhã gắn với các điều kiện cho vay. Cũng để đáp lại những lời chỉ trích trước đó, IMF kêu gọi dành tiền cho các chương trình thúc đẩy các mạng lưới an sinh xã hội cho những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng. Những ý tưởng mà trước đây IMF không tán thành - dòng vốn có thể cần sự điều tiết và các quốc gia có thể đóng vai trò chủ động trong việc hợp tác phát triển kinh tế - đã ngày càng được chấp nhận nhiều hơn nhằm đối phó với những thất bại của thị trường trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu[13].

Hầu hết các quốc gia đã đồng ý rằng các chính sách kinh tế định hướng thị trường sẽ dẫn tới phát triển kinh tế bền vững. Không thể khai thác những nguồn tài nguyên khan hiếm như trong quá khứ; bền vững có nghĩa là đảm bảo tăng trưởng cho các thế hệ tương lai. Phải chú trọng hơn tới phát triển con người, đặc biệt là giáo dục và y tế. Người dân, tức là mục tiêu của phát triển, phải có tiếng nói về cách phân bổ nguồn vốn. Và người ta đã chú ý nhiều hơn tới khía cạnh chính trị của phát triển. Daron Acemoglu và James Robinson, cùng với những người khác, khẳng định rằng phát triển thành công đòi hỏi các thiết chế kinh tế và chính trị mạnh mẽ, đủ sức bảo vệ tài sản tư nhân, thúc đẩy cạnh tranh và đảm bảo nguyên tắc pháp quyền nhằm ngăn ngừa tham nhũng. Nói tóm lại, ý kiến hiện nay là muốn phát triển thành công, các thiết chế  có vai trò quan trọng hơn là mô hình kinh tế tự do dành cho chúng[14].

Các tổ chức phi chính phủ ở cấp cơ sở được tổ chức nhằm thực hiện các dự án ở địa phương có vai trò quan trọng trong cách tiếp cận mới này. Đưa các tổ chức phi chính phủ vào quá trình phát triển là cách tiếp cận nhằm cải thiện cả trách nhiệm lẫn hiệu quả của các chương trình tài trợ đa phương và song phương. Các tổ chức phi chính phủ như Cứu trợ Công giáo Thế giới (World Catholic Relief), Oxfam và Bác sĩ Không Biên giới (Doctors Without Borders) không chỉ cung cấp thực phẩm và hỗ trợ y tế trong những trường hợp khẩn cấp mà còn phân phối hạt giống, khoan giếng và lập kế hoạch cho các dự án cấp địa phương mà họ hy vọng sẽ mang lại phát triển kinh tế. Các tổ chức phi chính phủ cũng có thể là kênh có thể lựa chọn để cung cấp tài chính cho các cá nhân và các nhóm nhỏ thường bị các ngân hàng quốc gia hoặc quốc tế lờ đi; nhiều trong số các chương trình này đã được các tổ chức phát triển quốc gia và quốc tế ký hợp đồng phụ cho các tổ chức phi chính phủ.

Một nỗ lực được công bố rộng rãi, được nhiều nơi làm theo, là tài chính vi mô (microfinance - tài chính vi mô là cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ. Mục đích là giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ - ND). Ngân hàng Grameen ở Bangladesh, được ông Muhammad Yunus, một học giả chuyển sang làm ngân hàng, xây dựng vào năm 1983 (năm 2006 Muhammad được trao giải Nobel Hòa bình), cung cấp khoản vốn nhỏ cho các cá nhân và các nhóm để đầu tư vào công việc làm ăn có hiệu quả kinh tế. Với sự hỗ trợ của các đối tác quốc gia và địa phương, Quỹ Grameen (Grameen Foundation) đã giúp 9,4 triệu người nghèo trên khắp thế giới. Sử dụng nhiều khoản tài trợ, một số chương trình đã được gầy dựng ở Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Ethiopia, cũng như các nước khác. Mục đích là trao quyền cho phụ nữ, những người thường bị các tổ chức đa phương lờ đi, bằng cách tạo cho họ thu nhập mà họ nghĩ sẽ sử dụng cho những mục đích mang lại hiệu quả.

Các tổ chức tài chính vi mô đã phát triển theo cấp số nhân, trở nên lớn hơn, có khả năng cạnh tranh và đa dạng hơn. Một số tổ chức là phi lợi nhuận, ví dụ, Ngân hàng Grameen, trong khi các tổ chức khác thì tìm kiếm lợi nhuận; một số chỉ cung cấp tín dụng, trong khi, ngày càng có nhiều tổ chức khác cung cấp những phương án tiết kiệm khác nhau. Nhưng các tổ chức tài chính vi mô có giúp các cá nhân thoát nghèo hay không? Các tổ chức này có thúc đẩy phát triển và tăng trưởng kinh tế nói chung, như Ngân hàng Grameen đã tuyên bố?

Các công trình nghiên cứu gần đây về việc liệu tài chính vi mô có giảm nghèo hay không cho thấy kết quả chính xác hơn. Một công trình nghiên cứu phát hiện ra rằng tài chính vi mô không gây được ảnh hưởng đối với phúc lợi của hộ gia đình của người vay sau 18 tháng - được đo bằng thu nhập, chi tiêu hoặc tham gia học tập. Tuy nhiên, khi người vay đã có doanh nghiệp nhỏ trước khi vay, thì khoản tín dụng mới đã cải thiện được thu nhập và chi tiêu. Nói cách khác, tín dụng vi mô giúp những người đã có hoàn cảnh khá hơn[15]. Một công trình nghiên cứu khác về sáu đánh giá ngẫu nhiên về các chương trình trên bốn châu lục cho thấy một số bằng chứng nói rằng tín dụng thúc đẩy hoạt động kinh doanh, nhưng không gia tăng đáng kể tổng thu nhập hộ gia đình. Tín dụng vi mô không phải là thuốc chữa bách bệnh[16]. Rõ ràng là, cần phải có những công trình nghiên cứu kĩ lưỡng hơn thì mới có thể kết luận về hiệu quả của tín dụng vi mô trong việc cải thiện đời sống của người dân.

Có tăng trưởng? Mục tiêu cho 15 năm sau

Những lợi ích của nhiều hình thức toàn cầu hóa kinh tế có được phân phối trên khắp các châu lục hay không? Có đạt được các mục tiêu phát triển bền vững hay không? Nói chung, những người ủng hộ chủ nghĩa tự do kinh tế nói rằng đã có thành công trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển. Bắt đầu từ những năm 1990, tốc độ phát triển trong các thị trường mới nổi đã gia tăng, sau năm 2000, trong các nước đang phát triển đã có sự tăng tốc. Thu nhập bình quân đầu người ở cả thị trường mới nổi lẫn các nền kinh tế đang phát triển, nói chung, đã tăng với tốc độ cao hơn so với các nền kinh tế đã phát triển.

 Liên Hợp Quốc đã thực hiện các nhiệm vụ là thiết lập mục tiêu và giám sát một loạt các mục tiêu phát triển, nhấn mạnh không chỉ GNI bình quân đầu người mà còn các chỉ số khác về phát triển con người, như giáo dục và y tế. Năm 2001, Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỉ (Millennium Summit) do Liên Hợp Quốc tài trợ đã đặt ra 8 mục tiêu được gọi là Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (Millennium Development Goals - MDG). Các mục tiêu được đưa ra nhằm giảm nghèo vào năm 2015 và thúc đẩy phát triển bền vững con người nhằm phản ứng trực tiếp với quá trình toàn cầu hóa. Mỗi mục tiêu thực chất (ví dụ: giảm nghèo, giáo dục tốt hơn, sức khỏe được cải thiện, tính bền vững môi trường và hợp tác trên toàn thế giới) có kế hoạch thực hiện, khung thời gian và tiêu chí hoàn thành cụ thể. Các mục tiêu này rõ ràng đã nâng cao thêm nhận thức của cộng đồng và giúp chuyển nguồn viện trợ tới các nước nghèo hơn trong các lĩnh vực được coi là mục tiêu như y tế và giáo dục.

Đã có những tiến bộ đáng kể trên con đường tiến tới những mục tiêu này[17]. Tình trạng nghèo đói tuyệt đối, dưới 1,25 USD/ ngày, đã giảm đáng kể, cả về tỷ lệ (từ 50% xuống còn 14%) lẫn số lượng tuyệt đối, từ 1,9 tỷ người vào năm 2001 xuống còn 836 triệu người vào năm 2015. Trong các khu vực đang phát triển, 91% trẻ em đến tuổi đi học đã được đến trường, số trẻ em không tới trường trong độ tuổi tuổi tiểu học đã giảm một nửa. Về số học sinh tới trường, cải thiện nhất là ở các nước phía nam sa mạc Sahara. So với 15 năm trước, số bé gái được đi học đông hơn hẳn, Nam Á là khu vực được cải thiện nhiều nhất. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới năm tuổi đã giảm hơn một nửa. Trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong của các bà mẹ đã giảm 45%, mức giảm lớn nhất là ở Nam Á và các nước phía nam sa mạc Sahara. Những vụ nhiễm HIV mới giảm 40% còn tỷ lệ mắc bệnh sốt rét giảm 37%. 147 quốc gia trên toàn thế giới đã đạt được mục tiêu về nước uống, 95 quốc gia đạt mục tiêu về vệ sinh và 77 quốc gia đạt được mục tiêu về cả hai chỉ số này. Các nước phát triển cung cấp khoản hỗ trợ phát triển chính thức là 135,2 tỷ USD mỗi năm, tăng 66% kể từ năm 2000. Nhưng, như một nhà phê phán đã chỉ ra, có những vấn đề về phương pháp luận khi gán những tiến bộ này cho MDG: “Tiến về phía Mục tiêu không phải là tiến bộ vì Mục tiêu”[18].

Tuy nhiên, nhiều người thừa nhận rằng, trong khi đã có tiến bộ về nhiều chỉ số, nhưng vẫn chưa đạt được các mục tiêu thực sự. Giữa nông thôn và thành thị, giữa các hộ nghèo nhất và giàu nhất trong nội bộ các quốc gia vẫn còn khoảng cách lớn. Biến đổi khí hậu đang làm suy yếu tiến trình này và hàng triệu người vẫn sống trong cảnh nghèo đói, không được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản.

Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDG) cho tới năm 2030 đã được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015. Với tham vọng và phạm vi rộng hơn MDG, SDG bao gồm 17 mục tiêu như xóa đói giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống lành mạnh trong các thành phố an toàn và dung hợp, và phát triển nguồn cung cấp năng lượng hiện đại đáng tin cậy và bền vững. Có 169 mục tiêu kèm theo. Theo ước tính, cần khoảng 90 đến 120 nghìn tỷ USD thì mới thực hiện được những mục tiêu này - thông qua quan hệ đối tác giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ, chứ không chỉ bằng các khoản viện trợ nước ngoài truyền thống. Những người hoài nghi lo ngại một cách có cơ sở rằng những mục tiêu này là quá bao quát và quá cồng kềnh, khó mà đo lường được. Một số nhà bình luận dự đoán rằng “sẽ thất bại”, ngay cả trước khi bắt đầu[19].

Những người chế giễu chủ nghĩa tự do kinh tế, trong đó có nhiều người theo phái cấp tiến trong lĩnh vực kinh tế và một số người làm việc trong các cơ quan phát triển của Liên Hợp Quốc, đã chỉ ra một loạt các chỉ số khác nhau để khẳng định rằng khoảng cách giàu nghèo trên thực tế đang gia tăng và cần có những thay đổi triệt để hơn. Những thay đổi mà trường phái phụ thuộc (dependency school) trong kinh tế chính trị học cấp tiến ủng hộ bao gồm phải có nhiều quy định hơn về MNC, có các phương tiện chuyển giao công nghệ hoàn thiện hơn, các điều khoản thương mại tốt hơn thông qua việc định giá hàng hóa, giảm nợ và tái cơ cấu một cách cấu triệt để các tổ chức tài chính quốc tế. Chỉ có giảm nợ và tái cơ cấu các tổ chức tài chính vẫn còn là chủ đề thảo luận.

Trong khi đó, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, những “con hổ” Đông Á – Nam Hàn, Singapore và Đài Loan – chứng kiến kết quả cách tiếp cận của nhà nước trong việc phát triển. Trên thực tế, những quốc gia này đã hỗ trợ các ngành công nghiệp lớn bằng các khoản trợ cấp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của mình. Với các ngành công nghiệp mạnh trên trường quốc tế, của cải sẽ được tích lũy.

Gần đây hơn, một biến thể của tư duy này được gọi là Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus), ám mô hình tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, do nhà nước lèo lái, như một mô hình cho phát triển và là lựa chọn thay thế cho chủ nghĩa tự do kinh tế. Mặc dù không có định nghĩa chính xác, Đồng thuận Bắc Kinh ngụ ý cuộc thử nghiệm với các chính sách có thể tương thích với cơ cấu chính trị và nền tảng văn hóa của quốc gia. Sử dụng các công cụ tư bản chủ nghĩa - thị trường chứng khoán và các nhà quản lý chuyên nghiệp, chủ nghĩa tư bản nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn vào thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Đồng thời, các công ty tư nhân được phép hoạt động. Cách tiếp cận này được coi là có nhiều triển vọng vì Trung Quốc tiếp tục duy trì được tốc độ phát triển cao – 9,5% một năm - đã có thành công rõ rệt khi vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trên các thị trường mới nổi ở Trung Quốc, Nga và Brazil, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ tương ứng là 80%, 62% và 38% giá trị của thị trường chứng khoán. Như tờ The economist viết, “bàn tay vô hình của thị trường đang nhường chỗ cho bàn tay hữu hình và thường là độc tài của chủ nghĩa tư bản nhà nước”[20]. Nhưng năm 2015, kinh tế Trung Quốc đã gia tăng chậm lại, nợ tăng nhanh từ 7 nghìn tỷ USD vào năm 2007 lên tới 28 nghìn tỷ USD vào năm 2014, thị trường bất động sản lâm vào tình trạng bán dưới giá trị thực (oversold) và hoạt động ngân hàng không được kiểm soát làm cho những người phê phán nghi ngờ về tính bền vững của mô hình này. Bằng chứng nữa được đưa ra vào năm 2015: Sụt giảm đầy ấn tượng của thị trường chứng khoán, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở New York, Frankfort, Tokyo, Singapore, và những khu vực khác. Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 15% sản lượng toàn cầu, nhưng nước này đã đóng góp tới một nửa tăng trưởng toàn cầu trong thời gian gần đây - do đó, các thị trường trên toàn thế giới đã phản ứng trước các vấn đề kinh tế của Trung Quốc.

Các cuộc khủng hoảng của quá trình toàn cầu hóa kinh tế

Các cuộc khủng hoảng quốc tế tương tự như cuộc khủng hoảng liên quan đến quá trình suy thoái của Trung Quốc là đặc điểm thường xuyên tái diễn của hệ thống kinh tế toàn cầu - từ cuộc khủng hoảng nợ của Mexico năm 1982 đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1999). Các chu kỳ tăng trưởng rồi suy thoái (booms and busts) của thị trường dầu mỏ quốc tế rất dễ biến động. Là mặt hàng quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong thời đại công nghiệp, động lực chính của thành công kinh tế của các nước xuất khẩu dầu mỏ - những nước dựa vào doanh thu ngoại hối - và là nguồn cung cấp tài chính cho công quỹ, xăng dầu đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, trong năm 2008, giá dầu dao động trong khoảng từ mức 145 USD một thùng xuống còn 33 USD một thùng, làm nhiễu loạn các thị trường và kinh tế trên toàn thế giới. Mặc dù Marx cho rằng những khủng hoảng và biến động như là điểm yếu chết người của hệ thống tư bản, lý thuyết của chủ nghĩa tự do kinh tế dự đoán rằng thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng; sẽ tự chữa lành. Bóng bóng sẽ tự điều chnh; sẽ không làm hệ thống toàn cầu suy sụp.

Thật vậy, sau nhiều cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử, người ta đã tiến hành các cuộc cải cách nhằm đảm bảo rằng sẽ không tái diễn những điều kiện tạo ra các cuộc khủng hoảng này. Ví dụ, sau vụ suy thoái trong những năm 1930, người ta đã cải tổ hệ thống ngân hàng. Khi các quốc gia mới xuất hiện, người ta đã xây dựng các tiêu chuẩn tài chính toàn cầu trong lĩnh vực kế toán, quản lý ngân hàng và các tổ chức xếp hạng, cùng với các tổ chức khác, nhằm cải thiện thông tin và tính minh bạch. Khi các quốc gia mới và đang phát triển gặp khó khăn về kinh tế, các thiết chế thuộc Bretton Woods sẵn sàng giúp thực hiện những sửa chữa tạm thời. Và biến động của thị trường xăng dầu đã được kiềm chế trong một thời gian bằng cách thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC) vào năm 1960 nhằm tìm cách điều tiết sản xuất và từ đó, ổn định giá cả.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008–2009

Khi tiến hành tất cả các cuộc cải cách trong các cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, các thiết chế của Bretton Woods đã không tiến hành giám sát trên thực tế và các biện pháp uốn nắn tạm thời các nước giàu có hơn hoặc mạnh về kinh tế như Mỹ. Những năm 1980 và 1990 đã chứng kiến sự bùng nổ của các công cụ tài chính không được kiểm soát (và chưa được hiểu rõ), có ảnh hưởng lớn, trong đó có thị trường tương lai của dầu mỏ (oil futures) và thị trường phái sinh. Các tổ chức tài chính có trụ sở ở Mỹ và tổ chức chính quyền Mỹ, ở mọi cấp, đã tham gia vào các thị trường này.  Tình trạng vay quá giới hạn so với vốn chủ sở hữu lan tràn trên nhiều lĩnh vực - trên thị trường nhà đất, lĩnh vực tài chính và tín dụng tiêu dùng. Chi tiêu tràn lan cùng với việc nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, gây ra hiện tượng mất cân bằng thương mại vượt quá sức chịu đựng với Trung Quốc và các nước xuất khẩu dầu mỏ. Năm 2007, rõ ràng là chính nền kinh tế Mỹ đã bộc lộ những điểm yếu trong cơ cấu nền tảng, nhưng rất ít nhà hoạch định chính sách sẵn sàng hành động. Thị trường thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgage) là nơi đầu tiên cảm nhận được tác động này. Các công ty tài chính và ngân hàng quốc tế có những khoản nợ khó đòi, các vụ vỡ nợ gia tăng và không có tài sản để hỗ trợ cho các khoản vay này. Vay mượn trở nên khó khăn hơn. Các khoản đầu tư tư nhân để xây dựng nhà máy và sản xuất hàng hóa đã không còn.

Vụ khủng hoảng tài chính mà trung tâm là Mỹ nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Các công cụ tài chính xuất phát từ Mỹ đã tạo ra các khoản cho vay vượt mức đã được bán cho các nhà đầu tư ở nước ngoài, từ cộng đồng địa phương ở Na Uy đến các ngân hàng ở Châu Âu và Đông Á và các nhà đầu tư ở Nhật Bản và Trung Quốc. Còn nơi nào đầu tư an toàn hơn là Mỹ? Họ nghĩ như thế. Nhưng không phải như thế. Các tổ chức tài chính đã không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình. Ở cả Mỹ lẫn Châu Âu đều không còn khoản tín dụng nào. Các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và sa thải người lao động. Nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh. Thị trường của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản - phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu - co lại và thu nhập từ xuất khẩu giảm, buộc các công ty phải giảm sản xuất. Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2008, giá dầu giảm tới 69%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia xuất khẩu dầu như Nga, Angola và Venezuela. Tại các thị trường mới nổi (đặc biệt là Đông Âu và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ), những nước phụ thuộc vào các khoản đầu tư tư nhân của nước ngoài, đầu tư đã giảm mạnh; so với năm 2007, trong năm 2008, các khoản đầu tư này giảm hơn một nửa. Cuối năm 2008, Iceland trở thành nạn nhân đầu tiên, khi hệ thống ngân hàng của nước này sụp đổ. Các nước vùng Baltic, Ukraine và các nền kinh tế Đông Âu gần như sụp đổ. Khi thương mại quốc tế suy giảm, vận tải biển thế giới giảm mạnh, với những con tàu đợi chờ mòn mỏi ở các hải cảng của Singapore và Hong Kong. Khủng hoảng đã tiến vào các nước đang phát triển, những nước đang phải đối mặt với triển vọng tốc độ tăng trưởng giảm mạnh thậm chí là thụt lùi và bào mòn những khoản thu nhập từ tăng trưởng nhờ toàn cầu hóa. Tốc độ và mức độ trầm trọng của vụ sụp đổ trong thị trường tài chính và thương mại quốc tế toàn cầu đã làm cho ngay cả các chuyên gia cũng phải ngạc nhiên; các cơ chế tự điều chỉnh đã không có tác dụng như lý thuyết của những người theo phái tự do kinh tế mô tả.

Những phản ứng ban đầu trước cuộc khủng hoảng tài chính phần lớn là đơn phương. Mỹ và các chính phủ khác nhau trong EU đã tiến hành các bước đi chưa từng có từ xưa tới lúc đó, bảo lãnh cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm để thị trường tín dụng hoạt động trở lại và củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Mỹ, nhiều chính phủ thuộc EU, Nhật Bản và Trung Quốc phản ứng bằng các gói kích thích kinh tế lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số ngân hàng trung ương đã tiến hành một vài hành động có phối hợp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Anh đã thực hiện những vụ hoán đổi tiền tệ (currency swaps).

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng phản ứng với cuộc khủng hoảng bằng cách cung cấp gần 250 tỷ USD cho các tổ chức tín dụng. Tính từ năm 1976, Iceland đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên vay của IMF. Ukraine, Hungary và Pakistan nhận được các khoản vay lớn. Với việc đổ vào các nền kinh tế 750 tỷ USD, IMF đã tạo ra Quỹ thanh khoản ngắn hạn (Short-Term Liquidity Facility) dành cho các thị trường mới nổi đang gặp vấn đề thanh khoản tạm thời. IMF đã tổ chức lại Khoản vay Exogenous Shocks Facility (ESF - Là các khoản vay dành cho các nước thu nhập thấp đứng trước những chuyển biến kinh tế tiêu cực như thay đổi giá cả hàng hóa, thiên tai và chiến tranh làm gián đoạn thương mại,...mà chính phủ không kiểm soát được - ND), được thiết kế nhằm giúp các quốc gia có thu nhập thấp bằng cách cung cấp các khoản hỗ trợ nhanh chóng hơn và với điều kiện hợp lý hơn. Không may là, khả năng của IMF đã bị những người ủng hộ các giải pháp của thị trường chứ không ủng hộ quản lý chặt hơn và những người muốn xóa bỏ hệ thống Bretton Woods làm cho yếu đi. Ngoài ra, Hiệp hội Phát triển Quốc tế của Ngân hàng Thế giới (International Development Association of the World Bank) đã tăng các khoản vay dành cho một số nước đang phát triển nghèo nhất thế giới. Mặc dù vậy, cả những phản ứng tức thời lẫn việc giám sát xuyên biên giới cẩn thận hơn trong dài hạn của các tổ chức tài chính, các tiêu chuẩn quản lý kế toán và ngân hàng và hệ thống cảnh báo sớm cho nền kinh tế thế giới đều là những biện pháp cần phải làm. Nhưng trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro (Eurozone) những biện pháp này cũng chưa được thiết lập

 Khủng hoảng khu vực đồng euro năm 2009

Khi tốc độ tăng trưởng trong các quốc gia thuộc EU bắt đầu chậm lại hoặc thụt lùi vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, một cuộc khủng hoảng gần EU hơn đã làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng. Trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, tình trạng cho vay dễ dàng (easy credit) đã mở ra một thập kỷ cho vay đầy rủi ro và chi tiêu hoang phí ở một số nước EU. Các ngân hàng quốc tế nhiệt tình giúp đỡ các chính phủ và các cá nhân khát khao các khoản tín dụng với lãi suất thấp. Ở Hy Lạp, tiền lương của khu vực công quá cao và lương hưu kéo dài thúc đẩy khu vực công vay nợ. Ở Ireland và Tây Ban Nha, những khoản vay của khu vực tư nhân gia tăng nhanh chóng, tương tự như bong bóng nhà ở của Mỹ. Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu nổ ra, các hộ gia đình phải đối mặt với các khoản thế chấp gọi là underwater – tiền vay để mua nhà cao hơn giá thị trường của ngôi nhà đó - bị xiết nợ và thậm chí là phá sản. Tài sản thực của nhiều người đã giảm đáng kể, bây giờ lại đứng trước khả năng thất nghiệp và lương giảm, làm cho bẫy nợ càng trầm trọng thêm. Còn các chính phủ phụ thuộc vào những khoản vay trên các thị trường quốc tế thì bị từ chối cho vay thêm, làm trầm trọng thêm trách nhiệm nợ nần của họ.

Nhưng khủng hoảng không chỉ là vấn đề nợ nần. Khủng hoảng còn do mất cân bằng thương mại. Những năm đầu thế kỷ mới, xuất khẩu của Đức gia tăng, trong khi cán cân thanh toán của nhóm nước gọi là PIGS (Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha) lại xấu đi. Tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động, làm cho ngành xuất khẩu của những nước này không còn khả năng cạnh tranh, trong khi đó, những biện phát kiềm chế tiền lương của Đức làm cho hàng xuất khẩu của Đức thậm chí còn có khả năng cạnh tranh hơn. Thặng dư thương mại Đức là 200 tỷ USD, lớn nhất thế giới; 40% khoản thặng dư này là do buôn bán trong nội bộ khu vực đồng Euro.

Các thỏa thuận trong liên minh tiền tệ châu Âu và trong chính khu vực đồng Euro làm cho việc giải quyết các vấn đề kép - nợ quá cao và mất cân bằng thương mại - thậm chí còn trở nên khó khăn hơn. Như các nhà phê phán đã cảnh báo ngay từ đầu rằng, làm sao đồng Euro có thể hoạt động nếu không có liên minh tài chính và không có kho bạc? Làm sao Eurozone có thể đối phó nổi những cú sốc kinh tế ảnh hưởng đến những khu vực khác nhau? Các quốc gia riêng lẻ không có khả năng quản lý chính sách tiền tệ của mình: họ không thể in thêm tiền và họ không thể phá giá đồng tiền của mình để làm cho hàng xuất khẩu của mình trở thành cạnh tranh hơn. Lực lượng lao động bị hạn chế di chuyển, và không có thỏa thuận về thủ tục chuyển tiền giữa các quốc gia[21]. Khi các ngân hàng - trong đó có cả các ngân hàng Đức, đã cho vay tiền một cách tự do trong giai đoạn bùng nổ tín dụng - siết lại, họ đòi các nước thuộc nhóm PIGS phải trả lãi suất cao hơn, làm cho chính phủ các nước đó gặp khó khăn hơn trong việc cấp tiền cho những khoản thâm hụt ngân sách và xử lý các khoản nợ. Vấn đề càng thêm khó khăn vì tốc độ tăng trưởng thấp.

Hơn 25 hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng Euro. Đáp lại, các nước thuộc nhóm PIGS đã tiến hành nhiều cuộc cải cách nhằm giảm nợ của chính phủ, cắt giảm chi tiêu, tăng tuổi nghỉ hưu, hứa hẹn cải thiện hệ thống thu thuế và sử dụng chuyển khoản nhằm ngăn chặn phá sản. Hy Lạp là chính phủ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhất. Quan điểm toàn cầu trang 350 -351 cho thấy quan điểm của Hy Lạp về cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro.

Các nhóm cử tri ở trong nước bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, trong đó không chỉ người Hy Lạp phải đứng xếp hàng nhận phần ăn miễn phí mà cả những người Siprus có tiền gửi ngân hàng bị kiểm soát vốn, thanh niên Tây Ban Nha với tỷ lệ thất nghiệp là 50% và người Đức phải trả chi phí cứu trợ (cho các nước kể trên). Các nhóm cử tri này đang áp lực các nhà lãnh đạo dân cử của họ phải đạt cho bằng được kết quả có lợi cho mình. Những kết quả tốt nhất cho quyền lợi của ngành hay quốc gia có thể không phù hợp với sự ổn định của khu vực đồng tiền chung Euro hay chính khả năng tồn tại của EU.

Tương lai của khu vực đồng tiền chung Euro nói riêng và cả EU nói chung đang được mang ra tranh cãi. Các nhà bình luận khác nhau đưa ra những dự báo khác nhau. Nhà kinh tế học C. Fred Bergsten thừa nhận rằng khu vực đồng tiền chung Euro cần phải tiến hành những cải cách cơ bản, trong đó có áp đặt những biện pháp kiềm chế chặt chẽ hơn đối với ngân sách của chính phủ, và buộc phải thi hành những biện pháp này. Nếu thực hiện được những mục tiêu này thì khu vực đồng tiền chung Euro sẽ sống sót, nhưng hội nhập có khả năng sẽ chậm lại. Như Bergsten dự đoán: “Nếu lịch sử hội nhập của châu lục là mốc nào đó…Châu Âu sẽ vươn lên từ tình trạng bất ổn hiện nay không chỉ với đồng Euro còn nguyên vẹn mà còn cùng với các thiết chế mạnh hơn và triển vọng kinh tế tốt hơn cho tương lai”[22]. Những người khác dự đoán rằng cuộc khủng hoảng sẽ làm “quá trình hội nhập châu Âu chững lại”, các nhà hoạch định chính sách sẽ không mở rộng cũng như không làm cho liên kết trong EU trở thành sâu sắc hơn[23]. Nhưng một nhà phân tích lại chỉ ra một tương lai khác: “Không có một số động lực mới, không động viên được giới tinh hoa và nhân dân, EU, trong khi có thể sống sót như một cung điện bằng giấy của các hiệp ước và thiết chế, sẽ suy yếu dần dần về hiệu quả và giá trị thực tế, tương tự như Đế chế La Mã thần thánh”[24].

Phản ứng trước các vụ khủng hoảng kinh tế

Các cuộc khủng hoảng không gây ra những ảnh hưởng như nhau và theo cùng một cách đối với tất cả các quốc gia. Trong khi cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro có ảnh hưởng tiêu cực đối với Hy Lạp, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, buộc họ phải thắt lung buộc bụng, thì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không tạo ra ảnh hưởng ở nhiều nước châu Phi như người ta dự đoán trước đó. Trước khủng hoảng, nhiều nền kinh tế châu Phi đã phục hồi được tăng trưởng GDP thực tế, tăng đầu tư vốn tư nhân, hoạt động kinh tế của Trung Quốc sôi động chưa từng thấy và thậm chí đã có một số sáng kiến đa phương về xóa nợ.

Ví dụ, các cuộc khủng hoảng này không ảnh hưởng trực tiếp lên cả Ghana lẫn Kenya. Ghana, nước đứng đầu thế giới trong nhiều năm về sản xuất ca cao và cà phê, đã gia tăng sản lượng ca cao và thu được 2 tỷ USD mỗi năm trên thị trường quốc tế, cao nhất trong vòng 32 năm. Ghana cũng là nhà sản xuất vàng có hạng, nước này được lợi do giá cao hơn, vì người ta mua vàng như một cách tự bảo vệ khi tất cả các đồng tiền đều mất giá. Năm 2007, nước này đã phát hiện ra một mỏ dầu lớn trên thềm lục địa và năm 2011, lần đầu tiên họ khai thác được dầu, giúp đẩy tốc độ tăng trưởng lên 7,7%/năm. Các quỹ đầu tư nhân hiện đang rót vào các dự án và người Ghana ở nước ngoài đang quay về cố hương.

Kenya cũng chưa gặp những ảnh hưởng khủng khiếp của các cuộc khủng hoảng kinh tế. Kenya, tương tự như các quốc gia Đông Phi khác, được hưởng lợi từ vốn tư nhân, trong đó có những khoản đầu tư vào đường sắt nối liền các quốc gia Đông Phi, xuất khẩu giữa các nền kinh tế trong khu vực này đã tăng gấp ba lần. Kenya tập trung vào giáo dục, xây dựng nhiều trường học hơn và thực hiện giáo dục bắt buộc. Và, hơn các nước khác, các công ty công nghệ bản địa đang đưa các thiết bị truyền thông mới vào các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp và dịch vụ. Ở Kenya ngày càng có thêm nhiều người sử dụng điện thoại, người ta không chỉ có thể kết nối với nhau mà còn có thể sử dụng các thiết bị này cho các giao dịch ngân hàng quan trọng. Công nghệ thông tin liên lạc đã cải thiện khả năng tiếp cận thị trường quốc tế và công nhân ở thành thị có thể chuyển tiền một cách nhanh cho gia đình ở nông thôn. Ví dụ, công ty điện thoại di động M-Pesa cho phép người dùng chuyển tiền một dễ dàng bằng thiết bị di động của mình. Cuối cùng, các nhà hoạt động trong xã hội dân sự có vai trò ngày càng quan trọng, và các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra một cách hòa bình.

Quan điểm toàn cầu 

Khủng hoảng khu vực đồng euro: Nhìn từ Hy Lạp 

Các vấn đề kinh tế ở Hy Lạp có nguồn gốc lịch sử. Mặc dù nước này là thành viên của Cộng đồng kinh tế châu Âu từ năm 1981, Hy Lạp không thể chấp nhận đồng Euro vào năm 1999 khi 11 thành viên khác thực hiện Hiệp ước Maastricht và đồng ý sử dụng đồng Euro làm đồng tiền chung. Nước này không đáp ứng được các tiêu chí tài chính - tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đều quá cao. 

Euro, hy vọng rằng tư cách thành viên sẽ thúc đẩy quá trình tự do hóa nền kinh tế và hiện đại hóa các thiết chế nhà nước. Nhưng, như nhiều người hiện nay thừa nhận, các nhà lãnh đạo lúc đó đã bóp méo tình hình tài chính của đất nước: Thâm hụt ngân sách vẫn cao hơn 3% GDP - mức trần để có thể trở thành thành viên của EU và nợ của nước này trên 100% GDP. Ba năm sau đó, khi Hy Lạp đăng cai Thế vận hội, thâm hụt ngân sách tăng lên đến 6,1% GDP. Tuy nhiên, những năm đầu của thiên niên kỷ mới mang đến cho nước này một nền kinh tế dường như là mạnh hơn. Cả chính phủ Hy Lạp và khu vực tư nhân đều vay rất nhiều. Đất nước phát triển, nhưng đó là tăng trưởng do những khoản nợ tạo ra. 

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã làm cho các vấn đề kinh tế của Hy Lạp thêm trầm trọng. Lãi suất tiền vay leo thang và các ngân hàng quốc tế không tài trợ nữa. Hy Lạp phải vật lộn với việc trả nợ. Đến năm 2009, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng lên 15,4%, nguyên nhân là việc vay nợ của lĩnh vực công được khuyến khích bởi bộ máy quản lý hành chính quan liêu của chính phủ đã phình ra quá mức, tiền lương của khu vực công cao và chi phí hưu trí cao ngất trời. Nhưng không chỉ là vấn đề nợ. Cán cân thanh toán của Hy Lạp xấu đi, lương cao nhưng năng suất thấp làm cho xuất khẩu của nước này không có khả năng cạnh tranh, và thu nhập từ thương mại giảm đi nhanh chóng. Hy Lạp buộc phải quay sang EU, quay sang Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế để xin cứu trợ. Để được cứu trợ, chính phủ Hy Lạp phải tiến hành nhiều bước đi nhằm cắt giảm chi tiêu công bằng cách cắt giảm các dịch vụ và sa thải công nhân, cải cách việc thu thuế bằng cách xử lýnhững người chậm đóng thuế và tăng thuế suất, và đàm phán lại hợp đồng lao động (trong đó có cắt giảm các khoản trợ cấp phúc lợi xã hội) và chấm dứt các khoản trợ cấp. Theo quan điểm của các nhà kinh tế quốc tế ở EU, IMF và ECB, cần phải tiến hành những biện pháp đau đớn thì mới lập lại được trật tự trong nền tài chính Hy Lạp. 

Những biện pháp này làm cho mức sống của người dân Hy Lạp suy giảm nghiêm trọng. Phong trào phản đối trong xã hội và những cuộc biểu tình chống chính phủ, chống EU ngày càng gia tăng, tương tự như đã từng xảy ra ở Ireland, Tây Ban Nha và Italy. Nhưng hoàn cảnh của Hy Lạp là tồi tệ nhất. Mặc dù IMF-EU đã tung ra một số gói cứu trợ, phong trào phản đối ở trong nước gia tăng, khi chính phủ cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, cắt giảm lương hưu và nhân công do chính phủ thuê mướn giảm 25%. 

Năm 2015, đảng cánh tả Syriza giành chiến thắng dựa trên cương lĩnh chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng và đối đầu với EU và IMF. Giữa năm, thủ tướng đóng cửa các ngân hàng và sàn giao dịch chứng khoán, đồng thời áp đặt kiểm soát giới hạn số lượng tiền được luân chuyển. Các ATM hết sạch tiền. Mặc dù cuộc khủng hoảng trước mắt đã hạ nhiệt, Hy Lạp, EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu, IMF tiếp tục đàm phán về biện pháp tốt nhất nhằm đưa Hy Lạp vào con đường phục hồi kinh tế trong khi vẫn bảo vệ được khu vực đồng Euro và rộng hơn là bảo vệ EU. Ở mỗi bước đi, muốn nhận khoản tiền cứu trợ tiếp theo, Hy Lạp phải thực hiện các biện pháp ngày càng nghiêm ngặt hơn. Những biện pháp này phải được thực hiện trước khi thực sự khoản nợ 240 tỷ Euro được xóa bỏ. Chính các ngân hàng đang làm cho người ta rất lo lắng, vì 40% các khoản vay của họ là nợ khó đòi. Đất nước không thể hồi phục nếu các ngân hàng phá sản. Các nhà kinh tế học Hy Lạp sợ rằng đất nước của họ có thể không thể phục hồi. Cơ hội trở thành thành viên EU của Hy Lạp và bản sắc châu Âu của nước này bị đe dọa. 

Chú thích ảnh: Mặc dù, năm 2015, dân chúng đã bỏ phiếu phản đối đáp các đòi hỏi của EU và IMF, chính phủ vẫn tiếp tục đàm phán.

 

Câu hỏi dành cho tư duy phê phán

 

1. Hy Lạp có sức mạnh nào đủ sức bác bỏ những đòi hỏi của các nhà cho vay quốc tế?

2. Nếu bạn là công dân Hy Lạp, bạn sẽ đưa ra cho chính phủ những đề xuất nào?

3. Hy Lạp có nên ở lại EU và Eurozone? Tại sao ở lại hay tại sao không ở lại?

 

 

 

 

 

Trong khi đó, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, các khoản đầu tư từ Mỹ, Châu Âu và các công ty đa quốc gia giảm, thì các khoản đầu tư từ Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ lại gia tăng với tốc độ chưa từng thấy. Chỉ riêng Trung Quốc đã tăng các khoản đầu tư ở nước ngoài từ 9,5 tỷ USD, năm 2005, lên 86,3 tỷ USD, năm 2013. Ở Ghana, các khoản cho vay và đầu tư của Trung Quốc là dành cho xây dựng đường xá, hệ thống thông tin liên lạc, điện khí hóa nông thôn và xây dựng đập. Ở Kenya, khoảng một phần ba các khoản đầu tư của Trung Quốc là dành cho lĩnh vực sản xuất. Các công ty Trung Quốc đang xây dựng đường xá, cầu cống, và sân bay.

Năm 2011, Ngân hàng Thế giới dự đoán một cách lạc quan như sau: “Châu Phi có thể đứng trước thời điểm cất cánh về kinh tế, tương tự như Trung Quốc cách đây 30 năm và Ấn Độ cách đây 20 năm”. Nhưng dự đoán lạc quan này lại giả định rằng Trung Quốc là động lực của tăng trưởng kinh tế thế giới, một giả định đang ngày càng bị người ta nghi ngờ.

Những người phê phán cho rằng cần tiến hành cải cách hệ thống kinh tế toàn cầu. Cần “Một con dao mổ hay một cái rìu?”[25]. Cải cách kiểu dao mổ đang được thực hiện: Trao cho Trung Quốc và các BRICS khác vai trò lớn hơn trong IMF, với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ chuyển tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ của mình qua IMF nhằm ổn định thị trường và thúc đẩy phát triển; cải thiện chức năng giám sát của IMF nhằm chặn trước các rủi ro và đe dọa; tiếp sức cho G7 với sự tham gia mạnh mẽ của Trung Quốc; xem xét lại vai trò của G20, trong đó có các bộ trưởng tài chính, quan chức ngân hàng trung ương và nguyên thủ các quốc gia thành viên, cả về tư cách thành viên lẫn các liên minh đang thay đổi của họ; viết lại các quy tắc và quy định của các tổ chức tài chính tư nhân, mặc dù khoản sau khó khăn hơn người ta dự đoán ban đầu. Các cuộc cải cách trong các quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung Euro đã trao thêm quyền cho Ngân hàng Trung ương châu Âu để Ngân hang này hoạt động như một cơ quan quản lý ngân hàng trong các quốc gia thành viên và trao thêm quyền cho tổ chức tương tự như IMF, mà cụ thể là Cơ chế ổn định châu Âu (European Stability Mechanism) – để giải quyết các vụ bảo lãnh và làm việc với Ngân hàng Trung ương châu Âu. Những người theo phái tự do kinh tế tin rằng những cải cách khiêm tốn có thể bảo tồn được hệ thống này, trong khi làm cho các giao dịch thị trường minh bạch hơn. Họ nhấn mạnh rằng phục hồi kinh tế đầy hứa hẹn sau năm 2010 là bằng chứng cho thấy trạng thái cân bằng có thể tái xuất hiện.

Những người phê phán khẳng định rằng các cuộc khủng hoảng cần một cái rìu: Liệu những cuộc khủng hoảng này báo trước sự cáo chung quá trình toàn cầu hóa kinh tế như đang diễn ra hiện nay hay không? Có lẽ không phải là cáo chung, một số người theo phái tự do kinh tế thừa nhận, nhưng chắc chắn là nó đặt dấu chấm hết cho kỳ vọng nói rằng các cá nhân sẽ hành động một cách duy lý và thị trường sẽ luôn luôn ổn định, hiệu quả và cuối cùng, phục hồi ở mức cao hơn. Những người theo phái trọng thương và những người theo phái hiện thực kinh tế có thể hoan nghênh việc trở về với các chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ công dân của mình và sự vươn lên của các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát. Những người cấp tiến công nhận rằng cần dùng cái rìu để xứ lý quá trình toàn cầu hóa kinh tế nhằm đạt được mục tiêu của họ về một hệ thống kinh tế quốc tế công bằng và hợp lý hơn. Những người theo thuyết kiến tạo xã hội coi cuộc cạnh tranh về tư tưởng kinh tế là quá trình tiến hóa không ngừng.

Phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế

Cũng có những người lên tiếng phê phán chiến thắng vang dội của chủ nghĩa tự do kinh tế trong thế kỷ XXI. Đấy là cả những người vẫn phê phán lý thuyết tự do kinh tế lẫn những người phê phán các chính sách cụ thể, đáng chú ý nhất là các tổ chức tài chính quốc tế.

Như họ đã từng làm trong thế kỷ XVII và XVIII, những người theo thuyết trọng thương kiểu cũ, với những lời giải thích của họ về chủ nghĩa dân tộc trong kinh tế, cho rằng chính sách kinh tế phải phục vụ nhà nước và lợi ích của nhà nước; đối với họ, chính trị quyết định kinh tế. Tư tưởng của chủ nghĩa trọng thương giữ thế thượng phong trong việc giải thích thành công kinh tế của Nhật Bản, cũng như của các nước công nghiệp mới ở Đông Á trong những năm 1960 và 1970, như đã thảo luận trước đây. Những nước này đã sử dụng quyền lực của quốc gia để kích thích tăng trưởng công nghiệp. Các chính phủ đó có thể sử dụng quyền lực của các công ty đa quốc gia nhằm phục vụ lợi ích của quốc gia. Đặt mục tiêu kinh tế và chính trị quốc gia lên trên các mục tiêu kinh tế và chính trị quốc tế, những người ủng hộ nhà nước coi các công ty đa quốc gia là các tác nhân kinh tế cần phải được kiểm soát. Họ đề nghị áp đặt các biện pháp kiểm soát quốc gia lên các công ty đa quốc gia, trong đó có việc không cho một số công ty thâm nhập thị trường, sử dụng thuế khóa nhằm kiểm soát việc đưa lợi nhuận về nước và áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ. Những người theo phái trọng thương, tương tự như những người theo phái hiện thực, tin rằng việc tranh giành quyền lực giữa các quốc gia giữ thế thượng phong trong hệ thống quốc tế. Trong khi bảo vệ quyền lợi ích kỉ của mình, các quốc gia sẽ thực hiện bất kỳ hành động cần thiết nào, miễn là sống sót được.

Các lý thuyết gia cấp tiến cũng phê phán chủ nghĩa tự do kinh tế, tương tự như họ đã từng làm trong thế kỷ XIX. Không có phát triển nào hết, và đặc biệt là đối với các lý thuyết gia phụ thuộc, các công ty đa quốc gia và những người ủng hộ các công ty này là thủ phạm; họ bóc lột tài nguyên của những nước nghèo và kéo dài mãi địa vị thống trị của Bắc Bán Cầu và sự phụ thuộc của Nam Bán Cầu. Đây là quan điểm của một số người tham gia công trình “Phía sau những tựa đề” (Behind the Headlines), nghiên cứu dự án xây dựng một kênh đào mới ở Nicaragua, bằng vốn của Trung Quốc.

Vì vậy, trong khi những người theo phái tự do kinh tế đánh giá cao tình trạng phụ thuộc lẫn nhau mà các công ty đa quốc gia tạo ra, thì những người cấp tiến coi những công ty này là công cụ tạo ra phụ thuộc, bóc lột và thậm chí là chủ nghĩa đế quốc. Các quyết định được đưa ra tại các trung tâm kinh tế và tài chính của thế giới - Tokyo, London, New York, Seoul - tạo ra một hệ thống kinh tế quốc tế mà bản chất cố hữu là bất bình đẳng và không công bằng.

 

Đằng sau tựa đề báo chí 

Kênh đào ở Nicaragua: Kinh tế tốt, chính trị xấu? 

Trong khi, trong những năm 1900, công trình xây dựng Kênh đào Panama nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương được mọi người ca ngợi vì người ta coi đấy kỳ công to lớn của người Anh và tạo điều kiện cho buôn bán quốc tế, thì đề xuất của một tỷ phú người Trung Quốc về việc xây dựng Đại Kênh Đào nối hai bờ đại dương ở Nicaragua không được mọi người ca ngợi như thế. Kênh đào Nicaragua có thể mang lại một số lợi ích tương tự như kênh đào Panama, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề rắc rối. Nhan đề một bài trên tờ Al Jazeera America viết: “Dự án con kênh vĩ đại chia đôi nước Nicaragua”a. Tại sao người Nicaragua lại chia rẽ về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng to lớn này? Và tại sao Trung Quốc lại quan tâm đến Nicaragua, đất nước ở cách xa tới hơn 9.000 dặm? 

hế, con kênh này là hiện thân của bá quyền của Mỹ ở Tây Bán Cầu. Mỹ vận hành và thậm chí còn kí hợp đồng thuê dài hạn khu vực này. Người dân Panama và người dân thuộc nhiều nước Mỹ Latin coi con kênh này là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc của Mỹ - quan điểm này thường được những vụ can thiệp quân sự của Mỹ vào Guatemala, Cộng hòa Dominica, Cuba và El Salvador củng cố thêm. 

Đề xuất về việc xây dựng Kênh đào Nicaragua cũng làm dấy lên một số vấn đề tương tự. Tổng thống Ortega của Nicaragua coi dự án dài 172 dặm này là động cơ phát triển, hứa rằng hơn 50% trong số 50.000 việc làm được tạo ra sẽ dành cho công dân nước mình. Ông ta tiên đoán rằng Nicaragua sẽ chuyển hóa thành cường quốc kinh tế khu vực, với tốc độ tăng trưởng là 15% một năm. Quan điểm của Ortega là dự án sẽ trở thành biểu tượng của tiến bộ và chủ quyền quốc gia. 

Những người hoài nghi cho rằng dự án này thiếu minh bạch. Có rất ít tin tức về Wang Jing, ông trùm trong ngành viễn thông, người được trao quyền xây dựng kênh đào trong 50 năm (có thể được gia hạn thêm 50 nữa). Công ty được thành lập để xây dựng dự án, Tập đoàn Phát triển Nicaragua Hong Kong (Hong Kong Nicaragua Development Group), cần huy động 50 tỷ USD trong vòng năm năm, gấp năm lần lượng hàng hóa và dịch vụ trong một năm của Nicaragua. Nhưng không rõ là huy động như thế nào và của ai, còn chi phí dự kiến cuối cùng là 100 tỷ USD. Cũng không ai biết doanh nghiệp này có quan hệ như thế nào với chính phủ Trung Quốc, mặc dù một số công ty Trung Quốc tham gia quy hoạch và xây dựng dự án. Ngay ở Nicaragua đây cũng là bí mật, vì dự án được thông qua Quốc hội theo thủ tục rút gọn, trong vòng có một ngày. Ít tranh luận công khai, còn thông tin thì nghèo nàn. 

Ghi chú ảnh: Doanh nhân Trung Quốc Wang Jing, người tài trợ kênh đào đi ngang qua đất nước Nicaragua, tham gia lễ khởi công công trình xây dựng con kênh này, tháng 12 năm 2014. 

Những người bảo vệ môi trường cũng cảnh báo về tác động tiêu cực có thể xảy ra. Mặc dù chưa ai biết con kênh sẽ đi qua những khu vực nào, dù con kênh có đi qua khu vực nào thì hệ sinh thái phong phú của đất nước này cũng sẽ bị đe dọa. Con kênh sẽ đi qua hồ Nicaragua, khá nông; phải nạo vét hồ này và phải xúc đi 700 tấn đất đá, sự toàn vẹn và sống còn của hệ sinh thái của nó sẽ bị đe dọa. Các cộng đồng bản địa sinh sống ở đó sẽ bị thu hồi đất. Tuy nhiên, vẫn chưa có đánh giá tác động môi trường và người dân bản địa chưa được hỏi ý kiến. 

Dự án này có phải dấu hiệu nữa trong việc Trung Quốc tiến sâu vào Tây bán cầu? Từ năm 2000 đến 2013, buôn bán của Trung Quốc với Mỹ Latin đã tăng từ 12 tỷ USD lên tới 262 tỷ USD. Nước này tham gia tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, trong đó có dự án thủy điện ở Argentina và Ecuador và hệ thống đường sắt từ Brazil đến Peru. Năm 2015, Trung Quốc hứa sẽ hỗ trợ 50 tỷ USD cho công trình đại tu cơ sở hạ tầng của Brazil - đường bộ, đường sắt, sân bay - trước khi Thế vận hội Olympic được tổ chức ở nước này.

 Lý thuyết của phái tự do kinh tế khẳng định rằng cạnh tranh sẽ làm cho giá cả giảm và nhiều hàng hóa hơn được đưa ra thị trường. Nhưng với chi phí khổng lồ cho con kênh này, nó có thể cạnh tranh được với Kênh Panama? Con kênh cạnh tranh này có làm cho mức độ thương mại gia tăng với chi phí thấp hơn? 

Các lý thuyết gia phụ thuộc khẳng định rằng con kênh này chỉ là một ví dụ khác về một quốc gia giàu có, hay một cá nhân giàu có, hay một công ty giàu có, lôi kéo được các nhà lãnh đạo ở một đất nước với những lời hứa sẽ làm giàu cho họ hoặc cho đất nước của họ, mà không có đảm bảo nào. Và những người nghèo bị thu hồi đất và mất sinh kế sẽ là những người bị thiệt thòi nếu dự án được thực hiện.

 

 

Câu hỏi dành cho tư duy phê phán

1. Quan hệ chưa ai biết giữa nhà đầu tư Trung Quốc và chính phủ Trung Quốc quan trọng đến mức nào?

2. Trước khi trở thành ổng thống, Ortega đã từng là một người Marxist. Làm sao giải thích được thay đổi quan điểm phát triển kinh tế của ông ta?

3. Con kênh mới có thể cạnh tranh với Kênh đào Panama? Làm sao nghiên cứu được câu hỏi đó?

a. Alfonso Serrano, “Titanic Canal Project Divides Nicaragua,” Al Jazeera America, April 6, 2015.

Hệ thống này cần phải có những thay đổi đáng kể. Vì các nước đang phát triển không thể kiểm soát một cách thích đáng các tập đoàn đa quốc gia, và vì nhiều nhà lãnh đạo của quốc gia này đã được chính các các tập đoàn đa quốc gia mua chuộc, cho nên những người theo phái cấp tiến, trên nhiều diễn đàn, đã yêu cầu ban hành những quy định quốc tế.

Không phải tất cả các những người phê phán hệ thống kinh tế quốc tế hiện hành đều là những người cấp tiến. Các nhà cải cách cả bên ngoài lẫn bên trong các tổ chức tài chính quốc tế đều nghi ngờ về cả nền quản trị lẫn các chính sách cụ thể[26]. Về mặt quản trị, các nhà cải cách đề xuất thay đổi hệ thống bỏ phiếu có trọng số mà IMF và WB hiện đang sử dụng để các nền kinh tế mới nổi có thêm đại hiện. Trong hệ thống hiện nay, các nhà tài trợ chính được đảm bảo có quyền biểu quyết tương xứng với những khoản đóng góp của họ. Các cổ đông lớn nhất trong mỗi tổ chức – Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Canada - chiếm khoảng 60% tổng số phiếu bầu. Các nhà cải cách tin rằng cơ cấu bỏ phiếu mang tính đại diện hơn có thể dẫn đến việc thúc đẩy các chính sách khác. Trong khi đã có những đề xuất thay đổi từng bước một, trong đó có việc gia tăng trọng số của Trung Quốc từ 3,66% lên 6,06%, quyền biểu quyết về cơ bản vẫn không thay đổi. Tiếp theo, thuê nhóm quan chức đa dạng hơn, chứ không để cho các nhà kinh tế học được đào tạo ở các nước phát triển phương Tây giữ thế thượng phong như hiện nay, có thể đem lại những giải pháp mới, sáng tạo, đối với những tình thế tiến thoái lưỡng nan trong quá trình phát triển.

Tuy không có những thay đổi cơ bản trong các tổ chức này, nhưng có phong trào nhằm tạo ra các thiết chế thay thế, thể hiện quan hệ quyền lực đang thay đổi. Năm 2014, nhóm các nước BRICS đã thành lập hai tổ chức tài chính mới: Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank), đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới với số vốn là 50 tỷ USD và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank – AIIB), đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với 50 thành viên (trong đó có 13 quốc gia là thành viên NATO) với số vốn đã góp là 20 tỷ USD. Trong cả hai tổ chức này, Trung Quốc là nước có những khoản đóng góp tài chính lớn, nhiều nước tham gia, mỗi nước có một lá phiếu và không có quyền phủ quyết. Với 40 tỷ USD đóng góp cho Quĩ Con Đường Tơ Lụa (Silk Road Fund), Trung Quốc đang tìm cách trở thành nhà băng mới cho thế giới lựa chọn. Các quốc gia thuộc nhóm BRICS có quan điểm khác với phương Tây về nhiều vấn đề và họ cũng có ít điểm chung, cho nên không rõ khi nào và các tổ chức mới có thể bắt đầu hoạt động và hoạt động suôn sẻ đến mức nào.

Các nhà cải cách khác chỉ trích các chính sách cụ thể; đây là điểm khác biệt giữa những người phê phán. Một mặt, một số người khẳng định cả IMF lẫn WB đã đi quá xa nền tảng kinh tế tự do, nhận quá nhiều nhiệm vụ khác nhau (tìm cách thúc đẩy chương trình nghị sự về môi trường hoặc bình đẳng giới) và bỏ qua những hành động nhằm thúc đẩy tự do hóa thị trường. Trên thực tế, một số người khẳng định rằng viện trợ và các khoản vay cẩn phải được phân bổ thông qua cạnh tranh, tạo ra thị trường tự do cho các khoản viện trợ. Mặt khác, các nhà kinh tế chính trị học cấp tiến tuyên bố rằng các tổ chức này thúc đẩy quyền lợi của tư bản tư nhân quốc tế, họ nói rằng lợi nhuận kinh tế đã rơi trở lại vào tay các công ty cung cấp dịch vụ cho việc xây đập nước và nhà máy điện. Các chính sách ngân hàng khác đã được xây dựng một cách cứng nhắc, không xem xét các điều kiện và tri thức của khu vực, cuối cùng sẽ tạo ra ảnh hưởng không cân xứng đối với những người dân thấp cổ bé họng: người không có tay nghề, phụ nữ và những người yếu đuối.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng trở thành đối tượng đả kích của các nhóm người trong nhiều quốc gia khác nhau. Họ cảm thấy rằng WTO, một biểu tượng của toàn cầu hóa kinh tế, đang giành quyền ban hành quyết định của các khu vực và làm cho phúc lợi của các cá nhân giảm đi. Các tổ chức phi chính phủ (NGO) nằm trong số những người phê bình chủ chốt các hoạt động của WTO. Một số NGO phản đối ý kiến cho rằng WTO có quyền đưa ra các quy định và giải quyết tranh chấp một cách độc đoán, xâm phạm hoặc tạo ra nguy hiểm cho chủ quyền quốc gia. Những người khác thì lo ngại rằng thúc đẩy thương mại tự do, không được kiểm soát, sẽ làm suy yếu các tiêu chuẩn về lao động và môi trường; họ tin rằng WTO đặt tự do hóa kinh tế lên trên các giá trị xã hội khác.

Một số thách thức đối với toàn cầu hóa kinh tế và chiến thắng của chủ nghĩa tự do kinh tế xuất hiện ở cấp địa phương. Ví dụ, năm 1994, một đội quân du kích nông dân đã chiếm giữ các thị trấn ở bang Chiapas, miền nam Mexico, nhằm phản đối hệ thống kinh tế và chính trị mà họ cho là thiên vị, bất lợi đối với họ. Thời khắc diễn ra vụ phản đối trùng với ngày NAFTA có hiệu lực. Cảm nhận rằng các quyết định kinh tế nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, nông dân đã đứng lên phản đối cơ cấu của thị trường quốc tế, phản đối nhà nước và toàn cầu hóa kinh tế. Cuộc nổi dậy này là lời cảnh báo cho thế giới biết về những thách thức của toàn cầu hóa. Nhưng, trớ trêu là, những người phản đối có thể kể lại câu chuyện của mình trên Internet, một trong những sản phẩm phụ của toàn cầu hóa mà họ phản đối.

Phong trào bài xích toàn cầu hóa rộng lớn hơn đang gia tăng nhằm phản ứng trước một số vấn đề, trước hết là việc dịch chuyển lao động. Ngay từ đầu, EU đã thông qua mục tiêu là hàng hóa, dịch vụ và lao động được tư do dịch chuyển. Nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu cuối cùng [người lao động được tự do đi lại], Thỏa thuận Schengen, thông qua năm 1985, cho phép công dân từ các quốc gia thành viên được tự do đi lại mà không cần thị thực hay xuất trình hộ chiếu. Người dân từ các nước không phải thành viên EU phát hiện ra rằng sau khi tới một nước EU nào đó bằng bất cứ phương tiện gì, họ có thể đi tới các nước EU khác một cách dễ dàng hơn. Tình hình này đã dẫn đến làn sóng người tị nạn chính trị, người nước ngoài cư trú bất hợp pháp tìm kiếm việc làm được trả lương cao hơn trong các nước EU, cũng như xuất hiện thị trường buôn bán người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em bị đem bán làm nô lệ tình dục. Thậm chí một số kẻ khủng bố cũng có thể tới để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp nhằm chống lại chính đất nước đã chấp nhận họ, như vụ tấn công khủng bố ở Paris, Pháp, cuối năm 2015 đã cho thấy. Hiệp ước NAFTA cũng như thế, đường biên giới có nhiều lỗ hổng giữa Mỹ và Mexico là chất xúc tác cho tình cảm bài xích toàn cầu hóa và các cuộc tranh luận chính trị về biện pháp giải quyết vấn đề này.

Chú thích ảnh: Nông dân ở Manila phản đối quy định về buôn bán nông sản của WTO trước khi tổng thư ký WTO, ông Roberto Azavedo, phát biểu. Tự do hóa thị trường nông sản là vấn đề tranh cãi gay gắt giữa các nền kinh tế phát triển và mới nổi trong các vòng đàm phán thương mại thời gian gần đây.

Ảnh hưởng không ai lường trước được của toàn cầu hóa là sự vươn lên của thị trường bất hợp pháp[27]. Các loại hàng hóa như vũ khí, thậm chí là tiền được vận chuyển bất hợp pháp, nhằm trốn thuế, tránh né các rào cản thương mại và các biện pháp trừng phạt. Hoặc có thể là vận chuyển bất hợp pháp các mặt hàng bị cấm, như ma túy, nội tạng người, các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng hay thậm chí là tài sản trí tuệ đã được luật pháp bảo vệ. Tội phạm xuyên quốc gia đe dọa an ninh của cá nhân và thách thức sự tồn vong của các quốc gia, như đã nói trong Chương 5 và sẽ được thảo luận thêm trong Chương 11.

Nhiều người trong phong trào bài xích toàn cầu hóa có chương trình nghị sự riêng của mình - việc làm, môi trường, điều kiện lao động tốt hơn, chiến lược năng lượng thay thế, kiểm soát nguồn vốn lớn. Lo lắng trước những hậu quả không lường trước được của việc mở cửa thị trường kinh tế, họ đã tạo được đồng thuận trong việc đòi thêm quyền kiểm soát của địa phương và việc tham gia có ý nghĩa hơn vào quá trình quản trị kinh tế. Tuy nhiên, chính cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng khu vực đồng tiền chung Euro năm 2009 là những tác nhân có ảnh hưởng mạnh nhất đối với phong trào bài xích toàn cầu hóa và những cạm bẫy của quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

Nhưng toàn cầu hóa không chỉ là đặc điểm của chính trị học kinh tế quốc tế, nó còn được thể hiện trong quyền con người trên bình diện quốc tế, sẽ được thảo luận trong chương sau.

Câu hỏi thảo luận

1. Bạn là người nông dân Mexico. Kinh tế chính trị học quốc tế ảnh hưởng trực tiếp đến bạn theo những cách như thế nào?

2. Những người theo phái tự do, phái trọng thương và cấp tiến có những quan điểm khác nhau về các tập đoàn đa quốc gia. Khác nhau ở chỗ nào?

3. Khu vực hóa kinh tế có dẫn đến toàn cầu hóa? Tại sao có hay tại sao không? Hãy đưa ra bằng chứng.

4. Niềm tin của bạn vào mô hình tự do kinh tế đã thay đổi như thế nào sau các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu?

Các thuật ngữ chính

 


Đồng thuận Bắc Kinh Beijing Consensus (p. 345)

Các nước BRICS (p. 339)

Lợi thế tương đối comparative advantage (p. 327)

chứng khoán phái sinh derivatives (p. 326)

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài direct foreign investment (FDI)

(p. 325)

Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) General Agreement on Tariffs and Trade (GATT) (p. 323)

Toàn cầu hóa globalization (p. 317)

Nhóm G. 7 Group of 7 (G7) (p. 323)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) International Monetary Fund (IMF)

(p. 323)

Chủ nghĩa trọng thương mercantilism (p. 319)

rủi ro đạo đức moral hazard (p. 327)

Nguyên tắc tối huệ quốc most-favored-nation (MFN) principle (p. 323)

các trung tâm tài chính hải ngoại offshore financial centers (p. 326)

Đầu tư theo danh mục portfolio investment (p. 325)

các quỹ tài sản của nhà nước sovereign wealth funds (p. 326)

chương trình điều chỉnh cơ cấu structural adjustment programs (p. 341)

Phát triển bền vững sustainable development (p. 341) Đồng thuận Washington Consensus (p. 341) Ngân hàng thế giới World Bank (p. 321)

Tổ chức thương mại thế giới World Trade Organization (WTO) (p. 329)



[1] Thomas L. Friedman, The Lexus and the Olive Tree: Understanding Globalization (New York: Farrar, Straus, and Giroux, 1999), p. 257.

[2] Some of the material in this chapter is drawn from Margaret P. Karns, Karen A. Mingst, and Kenneth W. Stiles, International Organizations. The Politics and Processes of Global Governance (Boulder, CO: Lynne Rienner Publishers, 2015).

[3] “The Sticky Superpower,” The Economist, Oct. 3, 2015, 8..

[4] Robert Gilpin, “Three Models of the Future,” International Organization 29:1 (Winter 1975): 39.

[5] Sir Norman Angell, The Great Illusion (New York: Putnam, 1933).

[6] See John McCormick and Jonathan Olsen, The European Union: Politics and Policies (Boulder, CO: Westview, 2014).

[7] Jorge G. Castañeda, “NAFTA’s Mixed Record: The View from Mexico,” Foreign Affairs 93:1 (Jan.–Feb. 2014): 134.

[8] “Weighing the Anchor: The Trans-Pacific Partnership,” The Economist, Oct. 10, 2015, 72.

[9] Joseph Francois et al., Reducing Transatlantic Barriers to Trade and Investment. An Economic Assessment. Final Project Report (London: Center for Economic Policy Research, March 2014), http://trade.ec.europa.eu/doclib/docs/2013/march/tradoc_150737.pdf.

[10] Jagdish Bhagwati, Termites in the Trading System: How Preferential Agreements Undermine Free Trade (New York: Oxford University Press, 2008).

[11] David S. Christy Jr., “Round and Round We Go,” World Policy Journal 25:2 (Summer 2008): 24.

[12] Paul Collier, The Bottom Billion: Why the Poorest Countries Are Failing and What Can Be Done about It (New York: Oxford University Press, 2007).

[13] Nancy Birdsall and Francis Fukuyama, “The Post-Washington Consensus: Development after the Crisis,” Foreign Affairs 90:2 (2011): 45–53

[14] Daron Acemoglu and James A. Robinson, Why Nations Fail. The Origins of Power, Prosperity, and Poverty (New York: Crown Business, 2012).

[15] David Roodman, Due Diligence: An Impertinent Inquiry into Microfinance (Washington, DC: Center for Global Development, 2012).

[16] Abhuijit Banerjee, Dean Karlan, and Jonathan Zinman, “Six Randomized Evaluations of Microcredit: Introduction and Further Steps,” American Economic Journal: Applied Economics 7:1 (2015): 1–21.

[17] United Nations, The Millennium Development Goals Report 2014, www.un.org/millenniumgoals

/2014%20MDG%20report/MDG%202014%20English%20web.pdf.

[18] John McArthur, “Seven Million Lives Saved: Under-5 Mortality since the Launch of the Millennium Development Goals” (Brookings Institution, 2014), www.brookings.edu/research/papers/2014/09/under-five-child-mortality-mcarthur.

 

[19] Scott Wisor, “The Impending Failure of the Sustainable Development Goals,” Ethics and International Affairs (Sept. 30, 2014), www.ethicsandinternationalaffairs.org/2014/the-impend ing-failure-of-the-sustainable-development-goals (accessed 10/19/15).

[20] Quoted in “Special Report, State Capitalism: fte Visible Hand,” The Economist, January 21, 2012, 5.

[21] C. Fred Bergsten, “Why the Euro Will Survive: Completing the Continent’s Half-Built House,” Foreign Affairs 91:5 (September/October 2012): 16–17; and Timothy Garton Ash, “The Crisis of Europe: How the Union Came Together and Why It’s Falling Apart,” Foreign Affairs 91:5 (September/October 2012): 7–8.

[22] Bergsten, “Why the Euro Will Survive,” 22. For a more general assessment of the viability of the EU, see Wallace J. fties, “Is the EU Collapsing?,” International Studies Review 14 (2012): 225–39.

[23] Ash, “The Crisis of Europe,” 15.

[24] Andrew Moravcsik, “Europe after the Crisis: How to Sustain a Common Currency,” Foreign Affairs 91:3 (May/June 2012): 67.

[25] Roger Altman, “The Great Crash, 2008: A Geopolitical Setback for the West,” Foreign Affairs 88:1  (January/February 2009): 13.

[26] William Easterly, The White Man’s Burden: Why the West’s Efforts to Aid the Rest Have Done So Much Ill and So Little Good (New York: Penguin, 2006); and Joseph E. Stiglitz, Globalization and Its Discontents (New York: W. W. Norton, 2002).

[27] Moisés Naím, Illicit: How Smugglers, Traffickers, and Copycats Are Hijacking the Global Economy (New York: Doubleday, 2005).


No comments:

Post a Comment