July 1, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (12)

(Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch

CHƯƠNG 11 

Niềm tin, sự tin cậy và tín nhiệm

 Ma trận xã hội: Thông tin/tin giả 

Đức tin, niềm tin và sự tin cậy là vấn đề khó giải quyết trong thế giới ngày nay, trong đó các phương tiện truyền thông và Internet là sân khấu giữ thế thượng phong cho những thành kiến gây tranh cãi và bị bóp méo nghiêm trọng, thỏa sức trình diễn (Kupelian, 2005). Các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra những tuyên bố sai lầm trắng trợn, công khai, chẳng hạn như “Holocaust chưa bao giờ xảy ra” hoặc “Mỹ tạo ra thảm họa 11/9”, còn các nhân vật của công chúng thì cố tình tạo ra những tuyên bố hoàn toàn sai. Nghiên cứu cho thấy nhiều chính trị gia trong nước (Mỹ - ND) thường xuyên bóp méo sự thật, phần lớn các chính trị gia ngoại quốc và các thành viên của Liên Hợp Quốc thì cũng thế.

Các thẩm phán luôn luôn ban hành phán quyết có lợi của những kẻ tái phạm nhiều lần những tội rất năng và những kẻ lạm dụng trẻ em; ACLU (America Civil Liberties Union) đứng về phía những kẻ hiếp dâm và khiêu dâm trẻ em; tờ New York Times công khai và thậm chí bị nhiều người thừa nhận là thiên vị (các bài xã luận của nó có điểm hiệu chỉnh dưới 200); Hollywood ủng hộ những thứ vô lý có tính kích động bạo loạn; và những nhà tài trợ cho các phương tiện truyền thông ủng hộ những chiến dịch tuyên truyền đấy thù hận chống Mỹ (điểm hiệu chỉnh 70) nhằm chống lại chính cái đất nước đã làm họ trở thành những người giàu có. (Lưu ý rằng tất cả những người ủng hộ lòng hận thù đều có điểm chỉnh dưới 200, vì chính họ cũng là nạn nhân của lòng hận thù của chính mình). Những ông trùm được cho là phản chiến mua hàng trăm triệu đôla cổ phiếu của những công ty kiếm được hàng tỷ đôla nhờ chiến tranh.

Người ta còn lấy làm “tự hào” khi cung cấp miễn phí phim ảnh khiêu dâm trẻ em trong thư viện công cộng khu vực, và “ngôn luận tự do” là con ngựa thành Troy và bào chữa một cách ngớ ngẩn cho thậm chí cả những điều dối trá chẳng khác gì loạn thần kinh. Danh sách những biện pháp dối trá được tuyên truyền và được ủng hộ một cách hậu hĩnh về mặt tài chính ngày càng dài ra và được cộng đồng đang bị tê liệt, cam chịu, thụ động chấp nhận.

Kỹ thuật trình bày có mục đích tuyên truyền những điều dối trá đã được tinh chỉnh dần dần và theo lối chuyên nghiệp. Một trong những chiến lược của họ là trước hết phải cố ý tạo ra cú sốc bằng một tuyên bố cực đoan có mục đích, sau đó công chúng sẽ ít có khả năng phản đối chương trình dối trá, đó là những lời đao to búa lớn được tuyên truyền đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và sau đó được những kẻ tìm cách kiểm soát đưa lên các phương tiện truyền thông cho công chúng. Một mưu mẹo ưa thích khác là “rắc muối vào mỏ[1]” với những lời tuyên bố sai để sau này sẽ trích dẫn. Tấn công “người rơm” cũng khá phổ biến.

Những cuộc tấn công liên tục của truyền thông hiện nay, như có thể thấy, có điểm hiệu chỉnh 160, đầy dối trá, đấy là do hậu quả tất yếu của những hệ thống triết học đang giữ thế thượng phong với tuyên bố, nói rằng tất cả sự thật chỉ là sự thiên vị tùy tiện, mang tính chủ quan mà thôi. Vì không có cái gọi là sự thật khách quan, thì những đánh giá về giá trị mang tính chủ quan, thiên lệch và bị bóp méo sẽ được người ta cố tình cho là có giá trị như nhau. Rồi chúng trở thành các meme (khẩu hiệu) – lặp đi lặp lại – có thể thuyết phục người nghe về sự thật mà họ bịa tạc ra. Ví dụ, cụm từ có sức quyến rũ: “Kẻ phản bội của người này là chiến sĩ đấu cho tự do của người khác”, điểm hiệu chỉnh 180 và là khiếm khuyết, nhưng khá thông minh của của tương đối luận. (Các điệp viên nổi tiếng gần đây có điểm hiệu chỉnh 80; một kẻ phản bội vừa bị bắt cũng có điểm hiệu chỉnh 80; “người chiến sĩ đấu tranh cho tự do” có điểm hiệu chỉnh 200, còn “kẻ khủng bố” có điểm hiệu chỉnh 30). Kết quả chung cuộc của việc lập trình bên trên là sự suy giảm thực sự năng lực và khả năng kiểm nghiệm thực tại của con người. Như vậy là, có sự phá hủy khả năng phân biệt thật giả ngay cả ở những tầng cơ bản nhất. Các nhà phê bình và bình luận xã hội (Bruce, 2003; Klein,2007; Marzeles,2007; Krauthammer, 2007, và nhiều người khác) cũng đã nhận ra và giải thích tất cả những hiện tượng này.

Hợp lý hóa tình trạng vô chính phủ về đạo đức được gọi là “tương đối luận đạo đức” (điểm hiệu chỉnh 155), đánh đồng thiện ác, coi là như nhau. Tuy nhiên, bằng mánh khóe của nhận thức luận, người ta đã đảo ngược điều thiện và cái ác được coi là “tốt”, và đạo đức truyền thống trở thành “xấu”. Giả dối trở thành trào lưu, nhưng điểm hiệu chỉnh của nó chỉ là 155, đấy là sự vi phạm nghiêm trọng sự thật, hơn cả tương đối luận triết học (điểm hiệu chỉnh 190). Tương đối luận trước hết chỉ là sai lầm về trí tuệ.

Sự sống còn của niềm tin và sự tin cậy

Xu hướng tin tưởng và tin cậy vào thông tin giả dối của công chúng, ngược đời là, lại là bằng chứng cho thấy sự trong trắng, niềm tin, đức tin và tin cậy đầy thơ ngây, thực chất là vẫn rất sống động, có tác dụng và thực ra là vẫn mạnh mẽ như từ trước đến nay. Trên thực tế, chính nền tảng của bản chất ngây thơ của con người đã tạo điều kiện cho dối trá thu được động lực và ủng hộ.

Tương tự như những con cừu bị dẫn đến lò mổ, sự trong trắng ngây thơ của hàng triệu người đã bị người ta dẫm đạp lên và nhiều tân binh háo hức tham gia vào những hành vi sa đọa khủng khiếp nhất, ví dụ, cố tình chặt đầu một cách chậm rãi những người phụ nữ vô tội, rồi đưa lên các kênh truyền hình trên thế giới (điểm hiệu 10). Tuy nhiên, trong khi những tên đao phủ tự biến mình thành thánh sống nấp sau những chiếc mặt nạ thì những người biện hộ lại tuyên truyền rằng tình trạng hỗn loạn đang diễn ra là nhân danh “những người đấu tranh cho tự do” hay “tôn giáo của hòa bình” (Spencer, 2005), và thôi miên quần chúng bằng những cuộc biểu tình và la hét, “Diệt Mỹ”, “Diệt Israel”, “Giết chết những kẻ theo đạo Cơ đốc,” “Giết chết bọn người Do Thái” (và ngược đời là, kẻ dọa giết bất cứ người nào đều không phải là “tôn giáo của hòa bình” (Goldberg, 2007). Trong khi đó, dân chúng được khuyến khích “dung chứa” những kẻ chuẩn bị và thúc đẩy tàn phá xã hội/văn hóa.

Đánh mất khả năng kiểm nghiệm thực tại

Để tự bảo vệ mình, không để mình rơi vào xung đột và căng thẳng, tâm trí tìm kiếm nơi trú ẩn bằng cách từ chối hay rút lui, hoặc, ngược đời là, bằng cách vứt bỏ mọi sự thận trọng và lao một cách điên cuồng vào hết cực đoan này sang cực đoan khác trong cuộc xung đột. Do đó, thậm chí người ta còn phô trương thái độ phủ nhận đến mức vô lý và cường điệu, chẳng hạn như những người nổi tiếng ở Hollywood lao vào ôm hôn những tên lãnh đạo khủng bố (điểm hiệu chỉnh 90), những kẻ tra đã tấn phụ nữ và giết hại hàng trăm ngàn đồng bào của họ.

Phong cách và kỹ thuật trình bày thông tin đại chúng trong khi sử dụng các kỹ thuật tẩy não thường vô tình hoặc cố ý đi theo những hệ thống rất giống nhau, những kỹ thuật này còn được thiết kế nhằm phá hủy thái độ tự tin và tin vào chính tâm trí của mình và khả năng hiểu biết thực tại của nó. Lúc đó, tâm trí phó thác cho những nhân vật gần như độc tài, như đã thấy trong việc nhồi sọ giới trẻ, nhồi sọ các sinh viên đại học ở Mỹ, tân binh của khủng bố Hồi giáo trên toàn thế giới hoặc các tù nhân đã bị tẩy não (Zimbardo, 2004, 2007; Milgram, 2004).

Hội chứng suy giảm khả năng kiểm nghiệm thực tại đã là hiện tượng phổ biến đối với nhiều người trên thế giới, họ đã buông bỏ quyền tự chủ và đi theo con đường đơn giản hơn là đầu hàng và lặp lại những khẩu hiệu cũng như meme của đám đông. Thiệt hại này là nghiêm trọng với 45% người dân Mỹ. Đáng chú ý là, suy giảm tổng thể trong tầng ý thức của nước Mỹ trong năm 2006, từ 426 xuống tầng hiện tại là 421, trong năm 2007.

Ở Mỹ, dối trá thường được tưởng thưởng bằng sự chú ý của giới truyền thông, công chúng và số tiền mà nó mang lại. Sự phù phiếm của bản ngã ngã ái được trình diễn và thể hiện như là “quan trọng”. Chủ nghĩa cực đoan và những thứ kỳ cục, kỳ dị trở thành con đường nhanh chóng và dễ dàng đưa tới danh vọng và của cải, ngay cả khi điều đó có nghĩa là từ bỏ chính trực, đạo đức và luân lý để kiếm lời. Lợi dụng sự ngu dốt, ngây thơ của con người đang là “chuyện thường ngày ở huyện”. Người “xấu” được tôn vinh và “các cô gái trở thành người xấu” là chương trình được nhiều người ưa chuộng. Ngay cả cái ác thô thiển cũng được quảng bá và tôn vinh một cách bí mật. 

Dối trá không phải là đối lập với sự thật mà chỉ đơn giản là không có sự thật, vì trong thực tại, sự thật không có đối lập, cũng như lạnh giá không phải là đối lập với nóng, ánh sáng cũng không đối lập với bóng tối. (Bóng tối là không có ánh sáng, cũng như lạnh là không có nóng).

Rối loạn tâm thần

Một trong những yếu kém nghiêm trọng nhất của công chúng, cả ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới, là không có khả năng nhận ra bệnh rối loạn tâm thần trắng trợn, rõ ràng hoặc rối loạn đầu óc nghiêm trọng, thậm chí ngay cả khi chúng song hành với những ảo tưởng thô thiển. Họ thậm chí còn gặp khó hơn trong việc xác định nếu ảo tưởng được hợp lý hóa một cách khéo léo và được bảo vệ bằng luận cứ đao to búa lớn được chính trị hóa và có bằng chứng giả. Niềm tin bị đánh lừa lan truyền thông qua các meme, và người ta tin là thật là do chúng được lặp đi lặp lại. Tin đồn thất thiệt còn lan truyền do ác tâm đã được che dấu, lại được củng cố bằng những luận điệu xuyên tạc và suy luận đã được hợp lý hóa. Hậu quả là các giáo sư tâm thần và ảo tưởng nặng nề được mời đến nói chuyện tại các trường đại học danh tiếng, chính những trường này cũng đang là mục tiêu của những ảo tưởng phổ biến trong giới hàn lâm (ví dụ, tương đối luận).

Trong khi những hiện tượng vô lý vừa nêu có thể được bào chữa bằng cách sử dụng những lý cớ như “ngôn luận tự do” và “tự do học thuật”, nhưng cần đặc biệt chú ý là, trong giới kinh doanh người ta không chấp nhận hoang tưởng, ở đây duy lý vẫn là thái độ được chấp nhận hoàn toàn. Không ai trong số những người tin rằng “Mỹ gây ra vụ 11/9” sẽ được các doanh nghiệp thuê để làm người đưa ra những quyết định về tài chính. Vì vậy, thị trường việc làm vẫn giữ được sự lành mạnh của nó chứ không phải là phớt lờ “con voi trong phòng khách”. Trong khi đồng ý với tình trạng vô chính phủ có thể là “thời thương” bằng cách đánh mất khả năng kiểm nghiệm thực tại, sự tỉnh táo của thương trường không chấp nhận ảo tưởng tâm thần. Vì vậy, việc nhận biết những rối loạn theo kiểu hoang tưởng tâm thần là hoàn toàn khả thi (ví dụ như lẽ thường) mà không cần rèn luyện tâm trí. (Tất cả các rối loạn mang tính ảo tưởng này đều có điểm hiệu chỉnh dưới 200).

Rối loạn hoang tưởng theo kiểu cứu thế (chứng cuồng ái kỷ mang tính cứu thế) gần như là hiện tượng phổ biến ở những nhà cai trị độc tài (thường có điểm hiệu chỉnh 90) trong lịch sử gần đây, cũng như hiện nay. Việc không nhận ra rối loạn kiểu này đã làm cho hàng triệu người trên toàn thế giới trong thế kỷ vừa qua phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Các nhà lãnh đạo thế giới ngày nay mắc chứng rối loạn này đe dọa gây ra chiến tranh hạt nhân. (Tầng hiệu chỉnh 90 cũng là đặc đặc điểm của lạm dụng trẻ em và tội phạm tái phạm).

Chủ nghĩa cực đoan

Chủ nghĩa cực đoan, đặc biệt là sự tàn bạo quá dã man và thể hiện công khai của những nhóm người khát máu, thể hiện rõ nhất những bản năng lại giống thường bị hắt hủi và kìm nén vào lĩnh vực vô thức mà Sigmund Freud gọi là “Cái Nó” (Id), còn Carl Jung gọi là “cái bóng” (the shadow). Khát máu thể hiện bằng cách giết cả đàn súc vật; “thể thao” chọi chó do các vận động viên nổi tiếng tổ chức; giết nhiều học sinh; điên cuồng; mất hết lý trí, và sự tàn bạo của nhóm người mất hết lý trí, chẳng hạn như đám đông hành hình theo kiểu lynch; những cuộc tàn sát của quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu; bạo lực của đám đông; Ku Klux Klan treo cổ và tra tấn; quân nổi dậy giết hại những người vô tội; những cuộc bạo loạn điên cuồng, dã man ở Haiti; và nội chiến ở các nươc châu Phi. Ngoài ra, còn có những vụ chặt đầu của Taliban và những cuộc tàn sát của Gestapo, cũng như trại tập trung và gulag của cả Đức Quốc xã lẫn Stalin.

Cách mạng Pháp nổi tiếng với việc tàn sát 14.000 người bằng máy chém. Các giáo phái tôn giáo tự tàn sát và tàn sát người thuộc giáo phái khác, cũng như tàn sản cả trẻ con. Xu hướng lại giống hiện đang được chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tôn vinh và bạo lực trên diện rộng nhân danh thái độ hân hoan chiến thắng, mà nhờ đó, bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân, 2/3 nhân loại sẽ bị hủy diệt đề cho nhanh chóng xuất hiện “mahdi” (Imam thứ 12[2]), sẽ biến thế giới thành thiên đường tương tự như Ngày tận thế của Sách Khải Huyền. (Đây là quan điểm và hệ thống niềm tin được tuyên bố rõ ràng của tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad [Netanyahu, 2006] khi ông ta được mời phát biểu ở Đại học Columbia vào năm 2007). Xin lưu ý rằng tất cả các lý thuyết về ngày tận thế đều có điểm hiệu chỉnh rất thấp, 70, chứng tỏ sự giả dối rất nghiêm trọng và có thể gây chết người.

Tất cả những hành vi vừa nói bên trên trước đây được gọi là “satanic” và ngụ ý một bể chứa tối tăm trong ý thức của con người, nó có thể được phóng thích trong những trường hợp nhất định, thậm chí ngay cả ở những đứa trẻ dường như là ngây thơ (ví dụ, Lord of the Flies). Xin nhớ rằng những trò chơi điện tử phổ biến hiện nay thường có điểm hiệu chỉnh 90, những kẻ giết người và hiếp dâm nằm ở tầng ý thức này. Xu hướng “mặt tối” này (ví dụ, bộ phim Black Christmas) đã được nghiên cứu và giải thích trong những thí nghiệm tâm lý, nơi những người “bình thường” cũng thể hiện sự tàn ác khi làm theo mệnh lệnh của các nhân vật có thẩm quyền. Ngay thí nghiệm tù nhân/cai tù được kiểm soát một cách khoa học với các tình nguyện viên, một số tình nguyện viên được trả tiền cũng trở thành rất tàn ác (Zimbardo, 2004, 2007; Milgram, 2004).

Nạn diệt chủng tràn lan là đặc điểm có một không hai và là đặc trưng của những cuộc chinh phục của các lực lượng man rợ trong nhiều thiên niên kỷ (ví dụ, Thành Cát Tư Hãn; người Viking, người Huns và người Goth). Chỉ mấy thế kỷ sau này xu hướng man rợ này mới kết hợp vào kinh thánh nói về ngày tận thế của Hồi giáo và Kitô giáo.

Đảo ngược sự thật

Dưới tác động của quyền lực, bộ máy tuyên truyền và kỹ thuật tẩy não, cộng với thỏa thuận theo nhóm, khả năng kiểm nghiệm thực tại của linh hồn con người sụp đổ và giả dối ngự trị như là sự thật, thậm chí đến mức tôn thờ nó theo kiểu tôn giáo (Toà án dị giáo). Đó là cái cớ cho những vụ xử tội phù thủy ở Salem[3]. Hiện tượng này trong tôn giáo cũng được thể hiện qua sự xuống dốc của những lời dạy của Muhammad, hậu quả không tránh khỏi của những giáo lý sùng bái của Muhammad Ibn Abd al-Wahhab (điểm hiệu chỉnh 20), và Sayyid Qutb (điểm hiệu chỉnh 75), từ đó xuất hiện phong trào Hamas (điểm hiệu chỉnh 40), al-Qaeda (điểm hiệu chỉnh 30), và Cuộc thánh chiến của bin Laden (điểm hiệu chỉnh 20).

Quan trọng là toàn bộ các nước, các nền văn hóa và tôn giáo có thể, thậm chí trong nhiều thập kỷ hoặc thế kỷ, trong những điều kiện nhất định, là đại diện của những thứ hoàn toàn ngược lại với giáo lý của chính họ. Cơ chế quan trọng nhất là tuyên bố về thẩm quyền của Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa mà những bản năng man rợ và khả ố nhất cả con vật-người được hợp lý hóa, được khuyến khích thực hiện, thậm chí còn được hoan nghênh; do đó, việc giết hại những người vô tội bằng những cuộc tấn công tự sát (nhân danh thánh “Allah, Đại từ Đại bi”).

Hiện tượng này cũng được các giáo phái thể hiện, nhưng cuối cùng họ đã tự tử tập thể (ví dụ, Jonestown, Heaven's Gate, và Hale-Bopp). Tất cả những thảm họa này chứng tỏ rằng một khía cạnh của ý thức của con người là xu hướng đi theo những nhân vật có quyền lực đã bị chính trị hóa. Như lịch sử đã cho thấy, tất cả những nhà lãnh đạo có sức cuốn hút đều có đặc điểm của hội chứng “cuồng ái kỷ mang tính cứu thế”, được định nghĩa một cách chi tiết trong tác phẩm Truth vs. Falsehood, Chương 14). Lịch sử lặp đi lặp lại từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, tới tận ngày nay, với các nhà lãnh đạo mang tính cứu thế tiếp tục tuyên bố rằng họ có quyền lực của Thiên Chúa, họ có thể dùng nó để hợp lý hóa việc tàn sát hàng triệu người, thậm chí tàn sát chính đồng bào mình và gia đình mình.

Thần thánh hóa lòng hận thù và cái ác (ví dụ, “tôn thờ cái chết chứ không tôn thờ sự sống”) có điểm hiệu chỉnh 10. Trong thế giới ngày nay, nó đại diện cho cái mà qua nhiều thế kỷ đã được định nghĩa theo lối thần học là “sự đảo ngược theo lối Satan”. Tác động của nó lên đạo Hồi được mô tả chi tiết trong công trình nghiên có tính hàn lâm đầy thẩm quyền của Ibn Warraq, nhan đề Why I Am Not A Muslim (Tại sao tôi không phải là người theo đạo Hồi - 1995), điểm hiệu chỉnh 410. Những tác phẩm đầy thẩm quyền khác về hiện tượng này là của các nhà văn nổi tiếng, chẳng hạn như những đau khổ kéo dài mà ai cũng biết của Salmon Rushdie sau khi bị Ayatollah kết tội tử hình.

“Đảo ngược sự thật theo kiểu Lucerific” khi người ta chuyển chỗ của những tiền đề mang tính khái niệm, bằng cách đó, sự thật và dối trá đổi chỗ cho nhau thông qua lòng tham đầy kiêu hãnh của bản ngã ái kỷ, vô tình coi Thiên Chúa như là kẻ thù của mình. Sự thổi phồng như thế là sự khuất phục trước cám dỗ của hiện tượng gọi là “thần thánh hóa”, nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới đã sa ngã vì đã lạm dụng tiền bạc và tình dục quá mức, đồng thời kiểm soát và thao túng những người theo mình để trục lợi cho cá nhân mình (theo câu châm ngôn: “Quyền lực dẫn đến tha hóa, quyền lực tuyệt đối tha hóa tuyệt đối” [Lord Acton]).

 

Từ những điều đã trình bày, rõ ràng là bản ngã/tâm trí/tự ngã của con người dễ bị lừa dối và mắc sai lầm, đấy là do nó không biết những hạn chế, yếu kém và tính dễ bị tổn thương của chính mình. Những hạn chế này không chỉ là do cơ chế phủ nhận của tâm lý mà mọi người đều biết mà còn là bằng chứng về sự hạn chế của quá trình tiến hóa của chính ý thức về mặt sinh học cũng như nghiệp lực. (85% người dân trên thế giới có điểm hiệu chỉnh dưới tầng 200).

Chấp nhận những hạn chế nội tại và bẩm sinh của bản ngã/tâm trí là kết quả của thái độ khiêm tốn, từ đó xuất hiện trí tuệ. Trí tuệ tôn trọng và do đó, bù đắp cho những hạn chế vốn có. Người không thận trọng ra khơi mà không đem theo la bàn hay những lời chỉ dẫn của người hướng dẫn có năng lực, có kinh nghiệm, đã từng đi qua con đường này và để lại bản đồ cho những người khác đi theo.

Công việc tâm linh cũng có rủi ro và cơ hội mắc sai lầm, tương tự như leo núi. (Núi Everest đã đã từng cướp đi sinh mạng của hơn 160 người, không biết trong tương lai còn làm chết bao nhiêu người nữa). Do đó, do chính trực và tôn trọng chứ không phải sợ hãi, trước hết cần xác minh sự thật có thể kiểm chứng được của phương pháp tu tập, đạo sư hoặc tổ chức tâm linh/tôn giáo mà mình muốn theo. Sự thật tâm linh không có bí mật nào, cho nên người khôn ngoan tránh xa cám dỗ có sức quyến rũ của việc bản ngã ái kỷ bị lôi cuốn vào những nhóm đặc biệt, trở thành người được chia sẻ “những điều bí ẩn có từ xa xưa” và “những giáo lý bí truyền (có giá cả, bằng tiền hoặc bằng thứ khác). Chính trực thì không cần thuyết phục, truyền đạo, tán dương hay kiểm soát.

Đáng tin, sự thật và tính chính trực bộc lộ ngay lập tức và được công nhận bằng kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức khá đơn giản, dùng kỹ thuật này người ta sẽ thấy ngay và rõ ràng bản chất. Để những người khao khát tâm linh không mất thời gian và tránh được rắc rối; trong tác phẩm này chúng tôi đã đưa ra danh sách các đạo sư, giáo lý và tổ chức chính trực, được xác minh, và đánh giá, cùng với bản đồ và danh sách đã in trong tác phẩm Truth vs. Falsehood.

Dường như những người ủng hộ sự giả dối thích tấn công sự thật và việc theo đuổi sự thật, vì sự thật đe dọa lợi ích của thái độ tự cao tự đại cũng như thái độ kiêu hãnh ái kỷ của nó. Phần thưởng của dối trá được đánh giá cao đến mức nó thực sự có thể hiện ra dưới những hình thức cực đoan nhất, chẳng hạn như phủ nhận Thiên Chúa, phản đối bất kỳ ám chỉ nào tới Thần tính, hoặc, làm ngược lại và ngược đời là, tuyên bố rằng nhân danh Thiên Chúa khi thực hiện những hành động cực đoan nhất. Sai lầm tâm linh có thể rất nghiêm trong, đấy là do cốt lõi ái kỷ của bản ngã của bác sĩ Faustus[4], ông ta đã bán dần linh hồn của mình để đổi lấy những lợi ích trần thế. Khán giả của vở kịch, đặc biệt là khi được trình diễn như vở opera, thực sự rùng mình khi thảm họa cuối cùng và số phận linh hồn của Faustus được tiết lộ.

Do có những sai lầm cực kỳ nghiêm trọng về mặt tâm linh, trong quá khứ Vatican đã tìm cách bảo vệ sự an toàn về mặt tâm linh cho người Công giáo bằng cách chấp thuận hoặc không chấp thuận các trước tác thành văn. Như vậy, “imprimatur” (cho phép xuất bản) chính thức có nghĩa là tác phẩm là an toàn và không gây nguy hiểm đối với linh hồn, nhưng mặt khác, nếu tác phẩm nằm trong số bị cấm, thì có nghĩa là cuốn sách có thể là quyến rũ tới cái ác. Trong khi những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarians) hiện nay cho rằng hành động như thế là đàn áp, ý định của việc cấp phép là chính trực, điểm hiệu chỉnh 370. Giáo hội Công giáo chỉ đơn giản là tìm cách thiết lập các giới hạn an toàn và đưa ra hướng dẫn nhằm bảo vệ những người ngây thơ và những người ít học, cả tin và thiếu hiểu biết, cũng như sự ngây thơ ở bên trong, làm cho họ dễ bị quyến rũ, chiều theo dục vọng cũng như các hệ thống niềm tin hồ đồ.

Uy quyền

Nền tảng của uy quyền lực thực sự là sự tín nhiệm chính trực cộng với lãnh đạo có trách nhiệm và quản lý thông tin đã được xác thực. Uy quyền đích thực, do tầng chân lý của nó, được tôn trọng, vì, trong suốt chiều dài của lịch sử, nó được coi là tài sản xã hội to lớn và là tác nhân hướng dẫn về trí tuệ và đạo đức. Uy quyền thực sự là một nguyên tắc trừu tượng, siêu việt những ví dụ tầm thường về việc áp dụng nó vào những trường hợp cụ thể. Sự thất bại của các cá nhân khi họ thể hiện lý tưởng không bác bỏ tính xác thực của nguyên tắc mà chỉ đơn giản là sự thất bại của việc áp dụng vào trường hợp cụ thể nào đó mà thôi. Ví dụ, uy quyền của chính quyền dân sự đôi khi bị lạm dụng hoặc mắc sai lầm thì không có nghĩa là không có cái gọi là uy quyền chính trực thực sự.

Uy quyền ngụ ý rằng tước vị không tự động trao cho người ta uy quyền thực sự, nó dễ bị những điều kiện của các định vị chính trị xã hội làm cho mất giá. Hiện tượng phổ biến là những người có quyền không thực hiện trách nhiệm cá nhân của mình. Có lẽ trong thế hệ này, điều đó đã được chứng minh bằng việc, trong suốt nhiều thập kỷ, ngay cả chính phủ liên bang cũng không tôn trọng và thực thi luật pháp của chính mình, và đã sau đó, gây ra những vụ xung đột và tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng, cũng như đánh mất chủ quyền.

Bên cạnh những định nghĩa chính trị, bản chất thiết yếu của uy quyền thực sự là gì? Đấy là tính xác thực (authenticity[5]) bẩm sinh, chẳng hạn như kiến thức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, và năng lực (ví dụ, phi công của hãng hàng không). Do đó, tri giác phải được bản chất chống lưng. Trong trường hợp cụ thể nó thường không rõ ràng và chỉ có thể giải quyết bằng kỹ thuật nghiên cứu ý thức.

Trong quá khứ, uy quyền thực sự thường thấy ở những người sáng lập, khởi xướng và tác giả của các môn học hay khối lượng kiến thức lớn, chẳng hạn như các nhà khoa học trong quá khứ cũng như những người sáng lập ra những hệ thống triết học chính trực. Những con người vĩ đại trong âm nhạc, nghệ thuật, tôn giáo và khám phá tâm linh cũng là những người có uy quyền đích thực. Việc xác nhận uy quyền được thực hiện bằng chứng thực cũng như xác nhận qua trải nghiệm và chứng thực bằng những phương tiện khách quan, chẳng hạn như hiệu chỉnh tầng ý thức, đây là phương pháp vô tư trước tầng của sự thật được tiết lộ.

Do đó, uy quyền thực có đặc điểm là xuất sắc, nhờ đó mà nó được xác thực. Sự tôn trọng của người khác là do uy quyền thực sự, nó là chỗ dựa cho nhân loại và cũng là kim chỉ nam dẫn đường cho họ. Dựa không đúng chỗ vào uy quyền giả tạo gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội, kết quả là nhiều người bị chết, xã hội bị tàn phá và gây ra đau khổ cho hàng triệu người (ví dụ, Mao Trạch Đông, điểm hiệu chỉnh 185; Karl Marx, điểm hiệu chỉnh 130; và lý thuyết của Stalin và của Đức Quốc xã). Cả Hitler lẫn Stalin đều giành được vai trò quân sự cũng như quyền lực chính trị không xác thực, dẫn đến những kết quả thảm khốc. Học thuyết khủng bố của Lenin (điểm hiệu chỉnh 80) vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong thế giới ngày nay, chúng ta thấy những hậu quả thảm khốc (ví dụ, vụ đánh bom 11/9) do học thuyết Wahhabism (điểm hiệu chỉnh 30) gây ra. Có lẽ nhân loại không có sai lầm nào lớn hơn là thần thánh hóa dối trá và tôn thờ những nhà lãnh đạo tha hóa. Dân chúng ngây thơ nhầm lẫn sự phù phiếm ích kỷ với vĩ đại. Lưu ý rằng chứng cuồng ái kỷ mang tính cứu thế thường song hành với và có động lực nhờ hận thù (giai cấp, quốc tịch, tôn giáo, chủng tộc hoặc trả thù). Bài hát “Nước Mỹ sẽ chết” hay mô tả Hoa Kỳ là “Satan vĩ đại”, có điểm hiệu chỉnh ở tầng 20 (satan/ác quỷ). Quan trọng đối với những người tìm kiếm sự thật là những người biện hộ cho dối trá tàn ác sẽ nhận trách nhiệm mang tính nghiệp báo và trách nhiệm giải trình.

Đánh mất tài sản vô giá của uy quyền đích thực

Nền văn hóa hiện nay khó có thể hiểu được giá trị của uy quyền đích thực, khó có thể nhận ra và gỡ nó ra khỏi hình ảnh xã hội đã bị chính trị hóa. Có thể so sánh những lực lượng xã hội to lớn với các mảng kiến tạo địa chất mà sự chuyển động của chúng cuối cùng sẽ gây ra động đất và rạn nứt trên bề mặt trái đất. Người ta thường đổ lỗi cho những nhân vật có thẩm quyền, cho rằng họ gây ra những thảm họa này, cho rằng bằng những biểu hiện xã hội cực đoan của mình, họ đã gây ra chiến tranh (93% lịch sử thành văn của nhân loại là chiến tranh). Như vậy là, có thể nói thất bại không phải là do có uy quyền mà là không có uy quyền.

Trong thế giới ngày nay, uy quyền thực sự là mục tiêu tấn công của tương đối luận triết học, nó tuyên bố bằng những lời đao to búa rằng uy quyền thực sự (sự thật) thậm chí không tồn tại hoặc chẳng có bất kỳ giá trị nào; do đó, về mặt chính trị và triết học, nó lên án thuyết tuyệt đối. Ngược đời là, tương đối luận không phá hủy uy quyền mà chỉ đơn giản là tuyên bố rằng chỉ có nó mới có uy quyền, bằng những học thuyết và lý thuyết ái kỷ và hậu hiện đại. Như vậy là, về bản chất, những luận cứ, lý thuyết, triết học và giáo điều của tương đối luận đòi uy quyền đạo đức mà nó dường như phủ nhận. Các học thuyết hậu hiện đại tương đối luận chứa trong mình nghịch lý nói rằng nếu sự thật chỉ đơn giản là tùy tiện, thì giáo điều của chính nó là dối trá (ví dụ, nó cho rằng đạo đức là “sai” và do đó là vô đạo đức). Do đó mới xuất hiện khẩu hiệu giả dối, “Đặt vấn đề về uy quyền” (điểm hiệu chỉnh 180).

Đúng, uy quyền có căn cứ vững chắc xuất phát từ bản chất (Thực tại), chứ không phải từ hình thức bên ngoài, tước vị, biểu hiện hoặc tri giác, uy quyền thực sự cũng không phải là do giới truyền thông chấp nhận. Uy quyền không chính trực, không xác thực và có điểm hiệu chỉnh dưới 200 (những vụ nổi loạn của thanh thiếu niên) ủng hộ việc coi thường uy quyền thực sự, vì sự thật có uy quyền dựa trên bản chất (chủ nghĩa tuyệt đối) không ủng hộ tri giác sai lầm, xuất phát từ bản ngã ái kỷ.

Trong xã hội hiện nay, nhiều người nổi tiếng vì có thái độ chống Mỹ, chống giới quyền uy gay gắt và công khai (“Hollywoodism”, điểm hiệu chỉnh từ 170 đến 190), thu được tiền bạc do các phương tiện truyền thông chú ý và quan tâm tới hiện tượng ái kỷ hồi những năm 1960 và bây giời là các giáo sư đại học. Giả bộ làm triết gia có sức hấp dẫn đối với bản ngã ngây thơ dễ bị những lời đao to búa lớn tấn công, vì nó tự phồng ra và mù quáng, không biết những giới hạn bẩm sinh của chính mình. Nếu, như tương đối luận nói, “Chủ nghĩa tuyệt đối là sai,” thì chính câu này cũng là sai theo định của chính nó về dối trá.

Những hạn chế

Uy quyền không phải là toàn tri và do đó không tránh khỏi sai lầm do bản chất hay thay đổi của thân phận của con người và trạng thái tiến hóa của nó. Vì vậy, sai lầm được công nhận như là hậu quả của những giới hạn của con người. Đấy là do thông tin sai, tính toán sai, dữ liệu sai, điều kiện thay đổi, do những yếu tố chưa biết hoặc ẩn giấu và ảnh hưởng của hoàn cảnh. Lừa dối và thông tin sai lệch có xu hướng ngày càng trở thành phổ biến trong quan hệ quốc tế và được thể hiện rất công khai trong tình trạng hỗn loạn không bao giờ dứt ở Liên Hợp Quốc (điểm hiệu chỉnh 190). Các vấn đề trong tất cả các nước cũng luôn luôn dịch chuyển, vì các yếu tố kinh tế và dân số liên tục thay đổi, cũng như thiên tai và tầng ý thức thấp của nhiều nước, của các nhà lãnh đạo chính trị và người dân của họ.

Mặc dù có sai lầm hay khiếm khuyết, “sự vĩ đại”, tổng hợp của sức mạnh, tính cách và đức hạnh của Theodore và Franklin D. Roosevelt, Benjamin Franklin, Winston Churchill, Ronald Reagan, Gerald Ford, Mahatma Gandhi, Parks Reese, các phi hành gia, Susan B. Anthony, Martin Luther King, Jr., và những người khác (xem Greatness của Hayward, 2005), vẫn được toàn thế giới công nhận. Tất cả những nhân vật vứa nói đều thể hiện tầm vóc và kết hợp với sự chính trực và lòng dũng cảm (điểm hiệu chỉnh từ 460 đến 700).

Trong quá khứ, tất cả các vị tổng thống, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh (ví dụ, Abraham Lincoln), đã bị người ta tấn công và phỉ báng quá mức hay thậm chí là bị ám sát và đã trải qua những thử thách đau đớn về đạo đức, chẳng hạn như quyết định đầy đau đớn của Truman về việc sử dụng hay không sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm kết thúc Thế chiến II. Sự kiện này hóa ra là rất tình cờ, vì nhiều thập kỷ sau người ta mới biết rằng Nhật Bản đã lập kế hoạch và chuẩn bị thả bom hạt nhân xuống đất Mỹ (Kuroda, 2007). Vì vậy, “đạo đức” trong mọi cuộc chiến tranh đều có tính tình huống và là vấn đề tranh luận và thảo luận suốt nhiều thập kỷ và thậm chí là nhiều thế kỷ sau, người ta sẽ dần dần hiểu và đánh gía được bối cảnh.  

Quyền tự chủ

Thời thơ ấu, tuổi lên hai có đặc điểm là nổi loạn và thích những thứ tiêu cực, đấy là giai đoạn phát triển của nói “không”, các ông bố bà mẹ đều biết. Vấn đề kiểm soát và đấu tranh quyền lực sẽ diễn ra trong các tương tác trong gia đình. Đặc tính của đứa trẻ hai tuổi trở thành những nét tính cách thách thức nổi loạn (giai đoạn tập đi vệ sinh mà Freud nói tới là hành vi gây hấn “thách thức qua đường hậu môn[6]”). Xung đột này là biểu hiện của bản ngã ái kỷ, nó là đặc điểm của thái độ ngoan cố, ích kỷ, không tôn trọng những người khác, và hân hoan khi trở thành “Ông Trời Con”. Bằng cách nuôi dạy con khéo léo, bọn trẻ sẽ từ bỏ thái độ như thế vì sợ không được cha mẹ bảo bọc cũng như trong lòng chúng bắt đầu xuất hiện tình yêu cha mẹ. Xung đột về quyền tự chủ và kiểm soát xuất hiện lại ở tuổi thanh niên (ví dụ, ma túy, nhạc rap, nhạc punk rock, quần trễ rốn, và nói đến phụ nữ như là gái điếm) khi thái độ thách thức uy quyền và những đại diện mang tính xã hội của nó một lần nữa được coi là những hạn chế, không cho người ta được thỏa mãn những đòi hỏi mang tính bản năng.

Giá phải trả của việc thách thức uy quyền thực sự chưa được giải quyết đã được tiết lộ bởi tỷ lệ bỏ học khi đang học cấp ba là từ 30% đến thậm chí 50%, với những kết quả kinh tế và xã hội kèm theo. Nổi loạn bao gồm khinh thường uy quyền dưới mọi hình thức, trong đó có đạo đức, luân lý và các chuẩn mực ứng xử. Kết quả là, trong các tiểu văn hóa người ta buông thả chính mình, đi theo chủ nghĩa khoái lạc, những vấn đề xã hội lớn thường xuyên xảy ra, ví dụ như văn hóa của cộng đồng tù nhân. Không giải quyết được các vấn đề này cũng dẫn đến chứng rối loạn được gọi là “Rối loạn nhân cách chống đối” (Oppositional Personality Disorder), nạn nhân của nó là những người tham gia các phong trào “phản đối”, “ các giáo sư mất trí”, những người theo thuyết âm mưu, và bạo lực của đám đông. Trong khi đó, ngược lại nguồn gốc ấu trĩ, nó đã trở thành một vở kịch ăn khách, được giới truyền thông chú ý.

Nhiều thủ lĩnh của phong trào phản văn hóa thời chiến tranh Việt Nam sau này đã tỏ ra hối hận về hành động của mình và thực sự đã xuất bản những bài báo về mình, vì, cùng với quá trình trưởng thành, họ nhận ra rằng mình chỉ góp phần kéo dài cuộc chiến, gia tăng đau khổ và gia tăng số người chết và bị thương, và đã giúp đỡ cũng như an ủi kẻ thù. Bản ngã ngã ái thích chứng kiến những vụ nổi loạn của tuổi thanh niên được dán nhãn là “cao quý” và “lý tưởng”, hoặc “tinh hoa”. Tự thân những thuật ngữ này đã thế hiện rõ ràng sức hấp dẫn của những thái độ như thế đối với tính ái kỷ, ích kỷ và phù phiếm rồi (điểm hiệu chỉnh 170).

Bạo loạn thường là do nhầm lẫn giữa uy quyền mang tính áp bức với trình độ chuyên môn đích thực của uy quyền thực sự. Ngược đời là, thái độ chống lại giới quyền uy, chống chính quyền sau đó tự nó lại trở thành độc đoán, ép buộc và kiên quyết đòi người khác phục tùng. Nhiều cuộc diễu hành được coi là sự ưu việt của ngôn luận tự do thực chất chỉ là sự phô trương của chứng rối loạn nhân cách, được gọi là “ngang bướng” (điểm hiệu chỉnh 190).

Lịch sử đầy rẫy những khung cảnh và hoàn cảnh xã hội dẫn đến những cuộc cách mạng vĩ đại, định hình những nền văn minh, cả trong quá khứ như cũng hiện nay. Một số mang lại những lợi ích cao cả, trong khi những cuộc cách mạng khác gây ra những thảm họa lớn, làm cho nhiều người chết và nạn đói lan tràn trên diện rộng. Mỗi cuộc nổi dậy đều có những anh hùng cũng như những kẻ bất lương, cùng với những lợi ích và giá phải trả đầy bi thảm. Những cuộc xung đột như thế đã là đề tài cho các công trình nghiên cứu và tranh luận trong suốt nhiều thế kỷ. Câu hỏi luôn luôn là liệu lợi ích có tương xứng với cái giá phải trả là số người chết và những đau khổ mà nó gây ra hay không. Đây cũng là đề tài nóng bỏng trong thế giới ngày nay, như Shakespeare đã đề cập, chịu đựng những lời chửi rủa và mũi tên của số phận khắc nghiệt hay cầm rìu chống lại nó. Mỗi thế hệ đều có quyết định cho chính mình.

Có những lựa chọn nào? Những kẻ nổi loạn thường chỉ đơn giản là những kẻ bất mãn ở tuổi vị thành niên hoặc những kẻ có tính ái kỷ đầy hận thù, họ không nhìn thấy rằng có lựa chọn của người trưởng thành, đấy là bất đồng ý kiến và không đồng ý chứ không phải là phỉ báng có tính căm thù. Hiện nay, những người phê phán tuyên bố rằng Mỹ đang sử dụng lực lượng cưỡng ép nhằm thúc đẩy lý tưởng của nó vào các nền văn hóa nước ngoài. “Chọn dân chủ” chứ đừng “chọn Hồi giáo” đang là cốt lõi của cuộc xung đột trên thế giới ngày nay.

Trong quá khứ, đấy là cuộc xung đột giữa “Quyền thiêng liêng” hay chế độ quân chủ cha truyền con nối chống lại “tự do, bình đẳng và bác ái”. Chủ nghĩa Cộng sản (điểm hiệu chỉnh 160) kêu gọi vứt bỏ “xiềng xích” nô lệ để xây dựng chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa xã hội cấp tiến. Và do đó, các mảng kiến tạo xã hội vĩ đại, nền tảng của nền văn minh tiếp tục bị nghiền nát và sa vào chiến tranh và xung đột. Dễ dàng thấy rằng, cuộc xung đột căn bản lặp đi lặp lại diễn ra giữa những cách hiểu khác nhau về tầng của sự thật và ngụ ý thẩm quyền của chúng về đạo đức. Vì vậy, tầng ý thức quyết định xung đột cũng như biện pháp giải quyết nó. Đọc cuốn sách do Winston Churchill chấp bút, The New World: A History of the English Speaking Peoples, sẽ làm cho chúng khiêm tốn hơn khi trả lời câu hỏi trong quá khứ về số phận của nhân loại.

Bác bỏ tôn giáo

Vì những học thuyết tuyệt đối cũng như thẩm quyền đạo đức của nó, trong suốt chiều dài của lịch sử, tôn giáo thường xuyên là mục tiêu của chủ nghĩa cực đoan đầy hận thù[7]. Như vậy là, sự thật tôn giáo dễ bị tấn công vì bản ngã của con người đã sử dụng sai và lạm dụng nó. Tôn giáo hiếu chiến đang thịnh hành trong thế giới ngày nay là nguồn gốc chính của chiến tranh và khả năng xảy ra những vị hủy diệt trên diện rộng “nhân danh Thiên Chúa”. Do đó, chính bản ngã đã chiếm đoạt uy quyền của Thần tính nhằm biện minh cho những hành động có điểm hiệu chỉnh ở tầng từ 10 đến 90 (tầng của tội phạm).

Văn hóa đại chúng hiện nay có đặc điểm là làm trầm trọng thêm thái độ nổi loạn của thanh niên. Sự hấp dẫn của nó đối với việc trở thành thời thượng là dựa trên mong muốn được chấp thuận. Thậm chí ngay cả các trường đại học lớn cũng bó tay trước mong muốn được chấp thuận bằng cách mời những người được gọi là “giáo sư mất trí” đến giảng bài.

Phân biệt giữa chủ nghĩa độc tài áp bức với uy quyền thực sự có nền tảng là thực tại là vấn đề nhận thức và do đó, cũng phụ thuộc vào bối cảnh. Vì vậy, các quyền dân sự và quyền tự do (liberty) phụ thuộc vào hoàn cảnh cũng như ý định. Chỉ có thể làm rõ một số tình huống bằng cách hiệu chỉnh tầng ý thức, nó sẽ cho thấy bản chất thực sự của định vị. Ví dụ rõ ràng nhất là những hạn chế do chiến tranh, dịch bệnh hay tình trạng khẩn cấp đe dọa khả năng sống còn.

 Phải có phân biệt tương tự như thế thì mới hiểu được khác biệt giữa tự do theo lối duy lý với tình trạng vô chính phủ hoặc những quá lạm của chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism). Tự do có nghĩa là thoát khỏi những biện pháp kiềm chế quá đáng nhưng vẫn nằm trong giới hạn hợp lý (ví dụ, hét lên “cháy” trong rạp hát). Ngôn luận tự do cũng có thể gây ra hậu quả, mặc dù có thể là hợp pháp. Chủ nghĩa tự do cá nhân tìm cách mở rộng giới hạn và do đó thúc đẩy phản ứng xã hội mang tính hạn chế (ví dụ, ngôn từ đao to búa lớn mang tính kích động của Ku Klux Klan). Vì vậy mới nói rằng những người không tôn trọng và không đánh giá cao những quyền tự do (freedom) của mình sẽ nhanh chóng đánh mất những quyền này, điều đó có nghĩa là tự do (freedom) phụ thuộc vào trách nhiệm và nhận thức một cách rõ ràng thực tại xã hội (thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, vân vân).

Trong quá khứ, những người giải phóng và cách mạng nổi tiếng cuối cùng đã trở thành những nhà độc tài áp bức và những những kẻ áp bức mới (ví dụ, Che Guevara, Fidel Castro và Hugo Chavez) cả trong lĩnh vực tư tưởng cũng như chính trị. Như vậy là, nguyên tắc cân bằng bắt đầu có ý nghĩa, nó đã trở thành vũ đài mới cho những cuộc thảo luận và tranh chấp. Muốn giải quyết thành công thì phải phù hợp với và là hậu quả của tầng ý thức được hiệu chỉnh của các bên tham gia vào cuộc tranh chấp.

Xác định các giới hạn và điểm cân bằng là nhu cầu cấp bách đối với cuộc đối thoại xã hội hiện nay về khái niệm “khoan dung”. Khoan dung có thể là lý tưởng dân chủ có giá trị hay trở thành dối trá khi bị đẩy đến mức cực đoan nhằm bào chữa, thậm chí biện minh những hành vi thái quá làm người ta phải kinh hoàng, trong đó có giết người hàng loạt, tội phạm và xâm hại tình dục trẻ em (Dierker, 2006). Trong phân tâm học, khuynh hướng này được gọi là “đồng nhất với kẻ xâm lược”, sau đó nó được hợp lý hóa bằng những triết lý giả tạo và được bào chữa bằng những luận cứ vô vị mang màu sắc lý tưởng. Ngoài ra, còn có lựa chọn là từ bi với những kẻ xâm lược man rợ mà không cần đồng tình, ủng hộ và thông cảm theo lối ủy mị. Nhận thức rõ ràng không phải là thành kiến. Không cần phải trồng cỏ dại trong vườn nhà mình nhằm tạo ra “sự tương đương về mặt đạo đức”.

Từ cuộc thảo luận bên trên, có thể thấy rõ rằng mọi hành động mang theo mức độ trách nhiệm cũng như khả năng phạm tội và trách nhiệm giải trình. Châm ngôn nói rằng “năng lực bị suy giảm”. Chủ nghĩa nhân đạo có tính đến giới hạn của con người và do đó, nó linh hoạt nhưng không ngu ngốc hay ủy mị. Hành động có thể sai lầm, nhưng đồng thời nó cũng gây hậu quả, chẳng hạn như bị xã hội lên án nghiêm khắc hay thậm chí là gây ra chết người hoặc chiến tranh.

Sau Thế chiến II, những người sống sót của cả hai bên đã tha thứ cho bên kia vì đã gây ra những hoàn cảnh quá khắc nghiệt. Nguyên tắc này hiện đang có tác dụng, đấy là do người ta nhận ra rằng quá trình nhồi sọ mà các hệ tư tưởng khủng bố Hồi giáo đã khắc sâu vào tâm trí, tạo ra những kẻ đánh bom liều chết, do các hệ thống niềm tin đầy thẩm quyền xui khiến.

Từ bi bao gồm thừa nhận thực tế xã hội chứ không phủ nhận chúng. Chúng ta có thể yêu thương và trân trọng tất cả vẻ đẹp tự nhiên của loài hổ hoang dã, nhưng chỉ có kẻ ngu ngốc mới nghĩ rằng họ có thể chơi với nó mà vẫn an toàn. Như đã nói trước đây, thực tại là hệ quả của bản chất chứ không phải hình thức bên ngoài.

Quan trọng là phải nhận ra rằng người biện hộ cho cái ác cũng phải gánh chịu nghiệp quả ở những mức độ khác nhau. Người ta thường than thở, “Tôi đã làm gì nên nỗi?” mà không biết những việc mình đã làm. Nó cũng giải thích cho những thiên tai mang tầm quốc gia và các nhóm văn hóa: Công lý Thần thánh hoạt động bằng nguyên tắc nghiệp lực ( “Mỗi sợi tóc trên đầu đều được đếm” [tầng hiệu chỉnh 1.000]).

Giải pháp

Người ta thường nói rằng công nhận và chấp nhận một cách thành công thẩm quyền chân chính phụ thuộc vào việc có được những trải nghiệm tích cực và được tưởng thưởng cùng với cha mẹ trong thời thơ ấu và tuổi thanh niên, trong đó có việc từ bỏ thái độ ngang bướng và coi mình là trung tâm để được cha mẹ ủng hộ và yêu thương nhiều hơn. Cha mẹ là người hỗ trợ, bảo vệ và là niềm tự hào khi đứa trẻ đồng nhất với họ chính là những ông bố bà mẹ phù hợp. Nếu không giải quyết thành công sẽ dẫn đến thái độ oán giận kéo dài hay thậm chí căm ghét tất cả các nhân vật có thẩm quyền hoặc biểu tượng của họ, trong đó có Thiên Chúa.

Đôi khi chỉ có thảm họa mới làm cho tự ngã đầu hàng Đại ngã. Đại ngã chân chính chỉ hòa điệu với chiến thắng của linh hồn và quá trình đột phá thực tại tâm linh. Trong những sự kiện của con người, đây là cách mà câu châm ngôn “Thảm họa của con người là cơ hội của Chúa” được thực thi. Như vậy, ngược đời là, tai họa và thảm họa trên thế gian thường lại là biện pháp duy nhất để được cứu chuộc. Tìm ra Thiên Chúa không phải là vì sợ hãi, chỉ tìm được Ngài khi đã buông bỏ sợ hãi.

Tôn vinh

Chúng ta tôn vinh những thứ chúng ta đánh giá cao trong những người khác cũng như trong chính chúng ta. Do đó, người ta tôn vinh nhân tính của chính mình và của người khác và cuối cùng là tôn vinh tất cả đời sống trong mọi biểu hiện của nó bằng cách thuận theo Thánh Ý. Khi bản ngã quy thuận, linh hồn sẽ nhận thức được sự thiêng liêng của tồn tại. Tinh thần hiệp sĩ xuất phát từ thái độ tôn trọng chính mình (điểm hiệu chỉnh 465), tôn trọng đồng bào mình cũng như tôn trọng di sản của cha ông và đánh giá cao thái độ dũng cảm trong việc nhận trách nhiệm cũng có nguồn gốc từ đó. Tôn trọng quyền của người khác cũng như trách nhiệm giải trình của chính mình xuất phát từ lòng tự trong. Tôn vinh cao hơn hằn kiêu ngạo và, ngay tại chính cốt lõi, là thái độ khiêm tốn, biết ơn, từ đó người ta cảm nhận được thần tính của Sáng tạo và Hiểu biết, được diễn tả bằng câu cảm thán: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời!”



[1]  Cho thêm kim loại quý, vàng hay bạc, vào mẫu quặng lấy từ mỏ nhằm làm thay đổi giá trị của mẫu để lừa người mua lại khu mỏ - ND. 

[2] Imam thứ mười hai là khái niệm trong Hồi giáo Shia gắn liền với tín ngưỡng Hồi giáo về thời kỳ cuối cùng. Hầu hết người Shia tin rằng chỉ có mười hai Imam “thật sự”, người cuối cùng là Muhammad bin al-Hasan (còn có tên là Abu al-Qasim Muhammad), thường được gọi là Muhammad al-Mahdi hoặc đơn giản là Mahdi đã ẩn náu không nhìn thấy được trên trái đất kể từ thế kỷ IX. Theo niềm tin này, một ngày nào đó “Imam cuối cùng” sẽ trở lại, cùng với Chúa Jesus Christ, đánh bại Satan và một nhân vật giống như kẻ phản chúa, Al-Masih ad-Dajjal – ND.

[3] Những phiên tòa xét xử phù thủy ở Salem là một loạt các phiên điều trần và truy tố những người bị buộc tội là phù thủy ở Massachusetts, từ tháng 2 năm 1692 đến tháng 5 năm 1693. Hơn 200 người bị buộc tội. Ba mươi người bị kết tội, 19 người trong số họ bị xử tử bằng cách treo cổ - ND.

[4] Lịch sử bi kịch về cuộc đời và cái chết của bác sĩ Faustus, là bi kịch thời Elizabeth do Christopher Marlowe chấp bút, dựa trên những câu chuyện của Đức về nhân vật chính là Faust. Có lẽ được viết vào năm 1592 hoặc 1593, một thời gian ngắn trước khi Marlowe qua đời – ND.

[5] Authenticity - tính xác thực là mức độ mà hành động của một người phù hợp với các giá trị và mong muốn của người đó, bất chấp những áp lực bên ngoài đối với sự tuân thủ xã hội – ND.

[6]Trong lý thuyết phân tâm học cổ điển của Sigmund Freud, một kiểu tính cách được đặc trưng bởi sự cố chấp, cản trở, thách thức và phản kháng thụ động. Những đặc điểm như vậy được cho là bắt nguồn từ giai đoạn hậu môn, khi đứa trẻ khẳng định bản thân bằng cách nhịn đi tiêu. Còn được gọi là tính cách hung hăng qua đường hậu môn ND.

[7] Đoạn này có lẽ chỉ đúng với các tôn giáo phương Tây, có thể không áp dụng cho những tôn giáo phương Đông – ND.


2 comments:

  1. Cảm ơn bác Trường. Cháu mong được đọc bài này từ hôm qua. Bác dịch rất tuyệt ạ.

    ReplyDelete
  2. Bác Trường ơi, cháu mong được đọc tiếp chương 12 quá ạ, liệu hôm nay bác có cho lên bài mới nữa không ạ? Chúc bác luôn khỏe mạnh.

    ReplyDelete