June 29, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (11)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 10

 

Trải nghiệm và khái niệm

 

Từ “biết” có thể ngụ ý nhiều tầng khác nhau, chẳng hạn như “nghe thấy về”, “đã tìm hiểu về”, “cho là” hoặc “làm quen với”. Cũng có thể có nghĩa là “đã chính thức nghiên cứu” hay thậm chí là “có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó”. Biết có nhiều tầng khác nhau, nhưng hầu hết đều có thể được mô tả một cách chính xác là những khả năng tạm thời, có tính giả định, giả thuyết, hay phỏng đoán. Còn có mức độ xác tín, chắc chắn và thuyết phục. Như vậy là, mỗi tầng ngụ ý mức độ chắc chắn hoặc độ tin cậy dựa trên thông tin đã được trải nghiệm, khác hẳn với các cơ cấu trí tuệ của quá trình tư duy.

“Biết về” có nghĩa là mặc dù chính thông tin là quen thuộc, thực tại và sự thật của nó vẫn còn phải được xác nhận bằng trải nghiệm. Chắc chắn nhất là, muốn thực sự biết có nghĩa là “là”, và do đó, đối tượng và người biết là một. Biết “về” thuộc về tâm trí; biết qua trải nghiệm được chấp nhận như là hành động xác nhận. (“Thức khuya mới biết đêm dài[1]”).

Ở những tầng tuyến tính và khái niệm quen thuộc của đời sống, quá trình xác nhận là tương đối dễ dàng và thiết thực. Ngược lại, trong các vấn đề tâm linh, toàn bộ quá trình này lại có bản chất khác, tinh tế hơn, bao gồm các phương thức khác, chứ không chỉ là những suy nghĩ, cảm xúc, hoặc các cơ cấu của tư duy. Quá trình xác nhận thực tại tâm linh cần những phẩm chất và năng lực ý thức khác, nhờ đó thực tại phi tuyến tính có thể thực sự được biết (ví dụ, thông qua đồng nhất).

Ai là người biết?

Tâm trí tin một cách ngây thơ rằng nó chính là “tôi” (me), người đang tìm kiếm sự thật, vì nó cho rằng bản ngã/tự ngã của nó là tác giả chính và duy nhất của ý định cũng như hành động, và do đó, là trọng tài của thực tại. Cũng ngụ ý động lực, cũng như mục tiêu giả định của nó. Động cơ của hiểu biết có thể chỉ đơn giản là tò mò hay mong muốn giành lợi ích, nhưng với động lực tâm linh, sẽ nảy sinh nhu cầu bên trong trong việc xác định tính chắc chắn của sự thật bẩm sinh của những giáo lý, phương pháp tu tập và những tôn giáo khác nhau. Khao khát tìm kiếm ý nghĩa, sự thật và tâm linh có nguồn gốc sinh học tương quan với sinh lý não (Newberg, 2006).

Theo truyền thống, thái độ sẵn sàng cho việc học tập tâm linh được gọi là “chín muồi”, là sự kết hợp bất ngờ của ý định chân thành cộng với trưởng thành, quá trình tiến hóa của ý thức và sự kích hoạt ước muốn học hỏi theo lối trải nghiệm. Mặc dù quá trình này có thể bắt đầu chỉ với thái độ tò mò, nhưng người đó sẽ quan tâm hơn khi họ ngày càng nhận ra vai trò quan trọng của việc tu tập tâm linh và những hậu quả lâu dài của nó đối với mình. Người ta sẽ nhiệt tình hơn và cuối cùng là dâng hiến, và những mục tiêu và giá trị tâm linh thay thế dần cho những mục tiêu và giá trị thấp kém hơn của bản ngã trần tục. Sử dụng kiến thức tâm linh sẽ dẫn đến những nghiệm ở bên trong và trí tuệ ngày càng phát triển, và càng gia tăng thêm động lực cho quá trình này. Những tiền đề tâm linh được trải nghiệm dần dần trở thành thực tế và dẫn đến niềm tin khi “biết về” chuyển thành thực sự biết, đấy là do trở thành cái được trải nghiệm.

Có thể mô tả tiến bộ một cách rõ ràng nhất là quá trình hiển lộ những nhận thức và mặc khải tự phát, thường được gán cho trực giác và hướng dẫn ở bên trong. Nhiều người nói về những hướng dẫn tâm linh như là thực tế được trải nghiệm. Khi công việc tâm linh phát triển, tự ngã dần dần tan ra và hòa nhập vào Đại ngã, với năng lực học tập của chính nó, khác hẳn với năng lực của bản ngã/tâm trí.

Quyền tự chủ

Trong khi cốt lõi ái kỷ của bản ngã cho rằng nó là cội nguồn của thực tại được trải nghiệm và tìm kiếm uy tín, quá trình xử lý tâm linh mang lại cho người ta thái độ khiêm tốn và lòng biết ơn ở bên trong ngày càng sâu sắc hơn. Ý định tâm linh kích hoạt Đại ngã để Nó dần dần trở thành chiếm ưu thế và việc buông bỏ các định vị ngày càng trở nên dễ dàng hơn và tự nhiên hơn. Đây là sự dịch chuyển tinh tế của lòng trung thành từ cái được cho là đã biết đến cái không biết. Sau đó, sẽ xuất hiện kỷ luật ở bên trong để người ta kiên trì và quyết tâm vượt qua kháng cự. Thành công mang lại sức mạnh, đức tin và niềm tin ngày càng lớn hơn bao giờ hết vào chính quá trình tâm linh. Bản ngã đã suy yếu sẽ dần dần rút lui và từ bỏ ảo tưởng về chủ quyền, tạo điều kiện cho người tìm kiếm được dẫn dắt bởi ảnh hưởng của sự Hiện diện của Quyền lực Cao hơn.

Ý định tâm linh

Thường xảy ra nhất là, nguồn thông tin tâm linh ban đầu là thông qua một tôn giáo hay tổ chức tâm linh đặc trưng của nền văn hóa của của gia đình và nơi sinh ra của người đó. Khi người ta chấp nhận và trưởng thành, thực ra là không cần gì nữa, vì tiến bộ tâm linh là kết quả thái độ dâng hiến. Hòa điệu với tôn giáo và giáo lý truyền thống cung cấp cho người ta cốt lõi của sự thật tâm linh, được trực nhận một cách tinh tế, rằng nó khác với những kinh sách được chau chuốt của giáo hội, những tác phẩm này dường như phù hợp hơn với những nền văn hóa và thời đại khác.

Dù người ta có cho rằng những tôn giáo truyền thống này có những hạn chế nào đi nữa, thì chúng cũng phù hợp với đa phần dân chúng, chỉ một ít người nghi ngờ mà thôi. Những giáo lý cổ điển dường như là không đủ và có vấn đề. Đặc biệt đúng đối với những người có học hiện nay, lý trí, khoa học và trí tuệ có thể mang lại cho họ những ngờ vực làm cho họ không yên (ví dụ, tình huống tiến thoái lưỡng nan trong phiên tòa Scopes). Như vậy là, con người hiện đại bác bỏ nhưng đồng thời chấp nhận luận cứ của cả hai phía trong phiên tòa Scopes. Đòi hỏi là tích hợp đức tin, tôn giáo truyền thống, và thực tại khoa học, cũng như logic và lý trí của trí tuệ.

Kinh nghiệm chung là tôn giáo chính thức được chấp nhận như là một giai đoạn của thời thơ ấu và đầu đời. Sau đó người ta lờ đi hay bỏ rơi vì có những yêu cầu cấp bách và đòi hỏi của thời gian của tuổi trưởng thành và đời sống gia đình trong thế giới hiện đại. Mặc dù có mong muốn quay trở lại với chấp nhận đơn giản, nhưng những câu hỏi và nghi ngờ xuất hiện cần được giải đáp. Cùng với quá trình trưởng thành và tuổi tác ngày càng cao, thái độ phủ nhận cái chết ngày càng giảm dần và người ta thấy cần phải quan tâm tới giáo lý tôn giáo/tâm linh. Nhận thức được thực tại cố hữu của giáo lý ngày càng trở nên quan trọng hơn. Những sự kiện nghiêm trọng trong đời sống, cả cá nhân lẫn xã hội, có nhiều khó khăn, chẳng hạn như bệnh nặng, người thân qua đời hay thiên tai càng làm cho giáo lý trở thành quan trọng hơn.

Thú vị là, hầu hết những người sống sót sau những thảm họa lớn đều kể lại theo lối tự phát rằng họ đã cầu nguyện thiết tha (thực ra là 99%), và một số thậm chí còn rơi vào trạng thái bình an sâu sắc sau khi cầu nguyện và phó thác cho Chúa. Đáng ngạc nhiên là, những người bị lốc xoáy đưa lên trên không đều kể lại đúng như thế. Họ nói rằng đã rơi vào trạng thái tĩnh lặng và bình yên sâu sắc, vượt ra ngoài thời gian và họ gần như cảm thấy buồn khi cơn lốc chấm dứt và họ trở lại trạng thái tâm trí bình thường. Những trải nghiệm cá nhân này thể hiện câu châm ngôn “Thảm họa của con người là cơ hội của Chúa”. Hằng đêm, chúng ta có thể nghe trên kênh Weather Channel những lời chứng thực tự phát của những người sống sót sau những sự kiện thảm khốc.

Những khám phá về Thực tại của Thần tính là kết quả của các thảm họa cá nhân hoặc nhóm trước đây thường bị những người hoài nghi chế giễu là do sợ hãi mà ra. Trên thực tế, khám phá chỉ xuất hiện sau khi người ta đã buông bỏ sợ hãi. Tự thân sợ hãi ngăn cản nhận thức về sự Hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ khi không còn sợ hãi thì buông bỏ một cách sâu sắc bản ngã phản kháng mới hiểu được An bình là như thế nào. Phải trải nghiệm thì mới hiểu được sự sâu sắc này, vì không thể mô tả bằng lời. Tuy nhiên, hiệu quả chung cuộc của nó mang tính chuyển hóa và làm thay đổi đời sống, và những người đã chuyển hóa một cách sâu xa bằng trải nghiệm sẽ có vẻ rạng rỡ trong suốt nhiều năm sau.

Việc khám phá ra sự Hiện diện của Thiên Chúa không phải do sợ hãi mà là do buông bỏ vì quá sợ hãi. Trạng thái An bình sâu sắc Vô biên Vô tế ngay trước mắt thảm họa có điểm hiệu chỉnh 600, làm cho cuộc đời chuyển hóa và kết quả là vĩnh viễn không còn sợ chết nữa.

Xác minh thực tại tâm linh

Trong khi hầu hết mọi người đều có khả năng chấp nhận sự thật do các tôn giáo lớn và các vị thầy tâm linh trong quá khứ rao giảng, thì tâm trí hiện đại thường đặt ra những yêu cầu khác nhau, đấy là do ảnh hưởng của truyền thông, chủ nghĩa hoài nghi hiện đại, chủ nghĩa thế tục, và quá trình phá hoại các giá trị truyền thống. Ngoài ra, giáo dục đại học trong thời hiện đại bao gồm cả lập trình vừa tinh tế vừa công khai, làm mất uy tín và suy yếu những giá trị truyền thống. Giới hàn lâm thể hiện thái độ thù địch công khai, mạnh mẽ và rộng khắp trước những vấn đề tâm linh, tôn giáo và thậm chí cả những giá trị luân lý và đạo đức truyền thống (Kupelian, 2005). Việc nhồi sọ càng gia tăng vì những hệ thống niềm tin triết học hậu hiện đại, tương đối luận, quá trình hiệu chỉnh tầng sự thật của những lý thuyết này đã phát hiện được những sai lầm nội tại của chúng (từ tầng 160 đến đến tầng 180), do đó, bản chất của chúng là sai.

Các xu hướng trí tuệ của giới hàn lâm hiện nay có điểm hiệu chỉnh ở tầng 180-190. Nó còn được củng cố thêm bởi các hệ tư tưởng chính trị có điểm hiệu chỉnh từ 160 đến 190 hay thậm chí thấp hơn và dẫn đến kết quả là họ thông cảm và biện hộ cho sự giả dối của phép ngụy biện. Như vậy là, sinh viên tốt nghiệp đại học hiện nay thực sự có hạn chế về trí thông minh và kiểm nghiệm thực tại của họ tương đối kém, đặc biệt là tính chính trực trí tuệ và khả năng nhận ra sai lầm của những lời đao to búa lớn.

Trong khi “vô minh” của các thế hệ trước chủ yếu là do hiện tượng vốn có trong cơ cấu bản ngã/tâm trí, vấn đề hiện nay trở thành phức tạp hơn là do các tầng mà quá trình nhồi sọ trí tuệ tinh tế và lập trình đưa thêm vào. Trong khi việc nhồi sọ được che giấu khéo léo dưới vỏ bọc của chủ nghĩa lý tưởng, sức hấp dẫn thực sự của nó đối với những người kiêu căng về trí tuệ là cho rằng mình là những người vượt trội và tự coi mình là vĩ đại.

Tất cả các triết lý và hệ thống chính trị xã hội theo tương đối luận tương đối phổ biến hiện nay đều có điểm chỉnh dưới tầng 200, và sự hấp dẫn của chúng nói chung là đối với tính ái kỷ và đặc biệt hấp dẫn đối với thế hệ “YouTube/me”, như trang bìa tời tạp chí Time nổi tiếng ngày 25 tháng 12 năm 2006 cho thấy. Lợi ích của sự công nhận và sự thừa nhận của xã hội đang nổi lên hiện nay là “tôn thờ bản ngã”,  là do đấy là điều kiện cần trước khi người ta có thể siêu việt được nó.

Hậu quả của tất cả những điều vừa trình bày là, hiện nay khả năng xác nhận tầng chân lý của bất kỳ đạo sư, giáo lý, nhóm tôn giáo tâm linh, các khoa đại học, tổ chức, v.v.. còn cần thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên để cho nỗ lực tâm linh thành công là thái độ khiêm tốn trí tuệ, để cuộc điều tra có thể tiến hành một cách có lợi.

Trong khi đó, tầng hiệu chỉnh tổng thể của nước Mỹ hiện nay là 421, thì văn hóa của giới hàn lâm có điểm hiệu chỉnh thấp làm người ta phải kinh ngạc - 190. Bản ngã ái kỷ của chủ nghĩa hậu hiện đại hay chủ nghĩa vô chính phủ dẫn đến việc thần thánh hóa chủ nghĩa khoái lạc, hư vô chủ nghĩa (Marcuse, Chomsky, et al.), và vứt bỏ trí tuệ triết học của những cuốn sách The Great Books (điểm hệu chỉnh 460).  Tính chính trực trí tuệ của những cuốn sách kinh điển vĩ đại này từng là xương sống của giáo dục đại học. Tuy nhiên, hiện nay như đã nói trước đây, Ivy League, “Big Ten” (mười trường đại học), hay thậm chí các trường đại học dòng Tên, chẳng hạn như Notre Dame, muốn trở thành “hiện đại” và liên kết với các diễn giả và những giáo lý đã bị chính trị hóa (Goshgarian, 2005) có điểm hiệu chỉnh dưới 200. Do đó, sự xuống dốc của nền văn minh phương Tây là hệ quả của cả tương đối luận và sự phục tùng của nó trước thái độ hân hoan của Hồi giáo như Giáo hoàng Benedict (2006) và nhiều nhà phân tích tin tức đã mô tả (ví dụ, Beck, 2006). Sự xuống dốc như thế là một ví dụ về ảnh hưởng của “việc nhắc đi nhắc lại” - một thuật ngữ xuất phát từ động lực học phi tuyến tính, nói rằng ngay cả một kích thích nhỏ, nếu được lặp lại thường xuyên, cũng có thể dẫn đến thay đổi lớn (mời xem Power vs. Force).

Vì tất cả những lý do vừa nêu và cả những lý do khác nữa mà chúng ta chưa thảo luận, quan trọng hơn bao giờ hết là có thể chính thức xác nhận sự thật của giáo lý của bất kỳ nhóm hay tổ chức triết học, chính trị, tâm linh hay tôn giáo nào. Do đó, yêu cầu đầu tiên để cho nỗ lực tâm linh thành công là thái khiêm tốn trí tuệ, để cuộc điều tra có thể tiến hành một cách có lợi.



Đặc điểm của các đạo sư tâm linh, các giáo lý và các tổ chức tâm linh chính trực, chính danh được xác định bởi danh sách sau đây (in lại từ tác phẩm Truth vs. falsehoos): 

Nhận dạng và Đặc điểm của Sự thật Tâm linh, Đạo sư và Giáo lý Chính trực 

1. Tính phổ quát: Sự thật là sự thật mọi lúc mọi nơi, không phụ thuộc vào văn hóa, cá tính hay hoàn cảnh.

2. Bao gồm tất cả: Sự thật bao hàm tất cả, không có bí mật và không thuộc về giáo phái nào.

3. Có sẵn: Dành cho tất cả mọi người, không độc quyền. Không có bí mật nào cần phải tiết lộ, che giấu hoặc bán, và không có công thức ma thuật hay “bí ẩn” nào.

4. Mục đích chính trực: Không có gì để được hay mất.

5. Không giáo phái: Sự thật không phải là sự trình bày giới hạn.

6. Độc lập về quan điểm: Sự thật là phi tuyến tính và không bị giới hạn bởi trí tuệ hay hình tướng.         

7. Không định vị: Sự thật không “chống” bất cứ điều gì. Giả dối và ngu dốt không phải là kẻ thù của sự thật, mà chỉ là thể hiện trạng thái không có sự thật.

8. Không yêu cầu hoặc đòi hỏi: Không có yêu cầu về tư cách thành viên, phí, quy định, lời thề, quy tắc hoặc điều kiện.

9. Không kiểm soát: Sự trong sạch tâm linh không quan tâm đến đời sống cá nhân hay quần áo, trang phục, phong cách, đời sống tình dục, kinh tế, gia đình, lối sống hoặc thói quen ăn uống của những người tầm đạo.

10. Không dùng vũ lực hoặc đe dọa: Không tẩy não, không nịnh bợ các nhà lãnh đạo, không có nghi lễ đào tạo, không nhồi sọ hay xâm phạm đời tư.

11. Không ràng buộc: Không có quy định, luật lệ, sắc lệnh, hợp đồng hoặc cam kết.

12. Tự do: Người tham gia được tự do đến và đi, không ai thuyết phục, ép buộc, đe dọa hoặc gây hậu quả gì cho họ. Không có thứ bậc; thay vào đó, có sự tự nguyện hoàn thành các nhu cầu và nhiệm vụ thiết thực.

13. Điểm chung: Được công nhận là vì con người mà một người nào đó đã trở thành chứ không phải vì các danh hiệu, tước vị mà người đó được gán cho.

14. Truyền cảm hứng: Sự thật thường tránh xa vẻ hào nhoáng, quyến rũ và mầu mè.

15. Phi vật chất: Sự thật không cần của cải, danh vọng, phô trương hay nhà to cửa rộng của thế gian.

16. Viên mãn: Sự thật đã là toàn bộ và trọn vẹn, không cần phải cải đạo hoặc thu hút tín đồ, đệ tử hay “đăng ký thành viên”.

17. Không dính chấp: Không can dự vào các vấn đề của thế gian.

18. Nhân từ: Sự thật là quá trình tăng dần từng bước một. Sự thật không có “đối lập” và do đó không có “kẻ thù” để kết tội hay chống đối.

19. Không cố ý: Sự thật không can thiệp, cũng không có chương trình nghị sự để đề xuất, áp đặt hoặc ban hành.

20. Bất nhị: Tất cả diễn ra là do thiên hướng bên trong (nghiệp), diễn ra bên trong trường mà nhờ đó tiềm năng hiển lộ thành hiện thực, chứ không phải do “nhân” và quả.

21. Tĩnh lặng và An bình: Không có “vấn đề” hoặc thiên kiến. Không có mong muốn thay đổi người khác hoặc áp đặt lên xã hội. Ảnh hưởng của năng lượng cao hơn là bẩm sinh và không phụ thuộc vào sự truyền bá hay nỗ lực. Chúa không cần giúp đỡ, cũng như lực hấp dẫn không cần sự “giúp đỡ” của quả táo rơi khỏi cành cây.

22. Bình đẳng: Bình đẳng được thể hiện trong sự tôn trọng tất cả sự sống trong tất cả các biểu hiện của nó và chỉ tránh những gì có hại chứ không đối đầu với nó.

23. Phi thời gian: Sự sống được nhận thức là vĩnh cửu và cơ thể là tạm thời. Sự sống không bao giờ chết.

24. Không thể chứng minh: Cái “có thể chứng minh” là tuyến tính, có giới hạn và là sản phẩm của trí thức hóa và tư duy. Thực tại không cần người ta đồng ý. Thực tại không phải là cái giành được, mà thay vào đó, là nhận thức chủ quan, hoàn toàn tự phát khi người ta hoàn toàn từ bỏ những định vị của bản ngã nhị nguyên.

25. Thần bí: Nguồn gốc của sự thật là sự tỏa sáng và soi sáng tự phát, đó là Mặc khải thay thế cho vọng tưởng về một cá nhân riêng biệt, bản ngã và tâm trí của nó.

26. Bất khả thuyết: Sự thật là không thể định nghĩa. Tính chủ quan triệt để thuộc về trải nghiệm. Đó là một hoàn cảnh mới thay thế cho hoàn cảnh cũ. Với sự kiện này, bối cảnh thay thế cho nội dung, không phải tạm thời và vượt thời gian. Thực tại không tồn tại trong thời gian, cũng không là một phần của nó, hoặc ở bên trên hay bên ngoài nó, và nó không có mối quan hệ nào với những điều mà tâm trí bịa tạc ra. Do đó, nó vượt lên tất cả các danh từ, tính từ hoặc động từ.

 27. Đơn giản: Người đó nhìn thấy vẻ đẹp nội tại và sự hoàn hảo của tất cả những gì tồn tại, vượt trên vẻ ngoài và hình tướng.

28. Khẳng định: Sự thật vượt trên mọi quan điểm hay khả năng chứng minh. Sự xác nhận hoàn toàn là do nhận thức chủ quan của nó; tuy nhiên, nó có thể được xác định bằng các kỹ thuật hiệu chỉnh ý thức.

29. Không làm: Chân lý không “làm” gì hay “là nguyên nhân” của bất cứ thứ gì; nó là tất cả.

30. Mời gọi: Trái ngược với quảng cáo hay thuyết phục.

31. Không dự đoán: Bởi vì Thực tại là phi tuyến tính, nó không thể bị địa phương hóa hoặc mã hóa trong những giới hạn của hình tướng, chẳng hạn như những thông điệp bí mật, mã, số và chữ khắc, hoặc ẩn trong những dấu tích bí hiểm, đá, kích thước của kim tự tháp, ADN hoặc lông mũi của lạc đà. Sự thật không có bí mật. Thực tại của Thiên Chúa có mặt khắp nơi và vượt ra ngoài sự hệ thống hóa hoặc tính độc quyền. Mật mã thể hiện trí tưởng tượng của con người chứ không phải sự thất thường của Thần tính.

32. Không bị cảm xúc chi phối: Đa cảm dựa trên nhận thức. Từ bi là kết quả của việc phân biệt được sự thật.

33. Không độc đoán: Không có luật lệ hay mệnh lệnh nào phải tuân theo.

34. Vô vị kỷ: Đạo sư được tôn trọng nhưng từ chối những lời nịnh bợ hoặc ưu đãi dành cho cá nhân họ.

35. Có tính giáo dục: Cung cấp thông tin dưới nhiều dạng thức khác nhau và đảm bảo tính khả dụng.

36. Tự lập: Không hám lợi, không ham vật chất.

37. Độc lập: Trọn vẹn mà không phụ thuộc vào uy quyền bên ngoài hay trong lịch sử.

38. Tự nhiên: Không có những trạng thái ý thức bị biến đổi, bị nhồi nhét hoặc thao túng bằng các phương tiện nhân tạo (nghĩa là không phụ thuộc vào hình tướng).

 39. Trọn vẹn: Không bóc lột hay thu lợi.

40. Phi bạo lực: Không ép buộc; nhân từ; không đe dọa.

 

Ngoài những yêu cầu bên trên, để thuận tiện, chúng tôi cũng đưa thêm danh sách sau đây về các tầng hiệu chính của giáo lý lớn thế giới (in lại từ tác phẩm Truth vs. Falsehood):

 

Các giáo lý tâm linh

           

Abhinavagupta[2]

655

A Course in Miracles[3] (sách hướng dẫn)

600

Aggadah[4]

645

A Course in Miracles (sách giáo khoa)

550

Apocrypha[5]

400

Giáo lý Thiền của Bồ Đề Đạt Ma

795

Bhagavad-Gita[6]

910

Book of Kells[7]

570

Book of Mormon[8]

405

Cloud of Unknowing[9]

705

Dead Sea Scrolls[10]

260

Kinh Pháp cú (Dhammapada)

840

Kinh Kim Cương (Diamond Sutra)

700

Doctrine and Covenants: Pearl of Great Price[11]

455

Sáng thế ký

660

Các sách Phúc âm

400

Phúc âm theo Luca

699

Phúc âm cùa Thomas

660

Granth Sahib-Adi (đạo Sikhs)

505

Bát nhã tâm kinh

780

Giáo lý của Hoàng Bá

960

Kabbalah[12]

605

Bản King James[13]

475

Koran

700

Lamsa Bible[14]

495

Lamsa Bible (không có Cựu ước, Khải huyền, nhưng có Sáng Thế Ký, Thánh vịnh (Thi thiên) và  Châm ngôn)

880

Đạo đức kinh

610

Kinh Pháp hoa

780

Midrash[15]

665

Mishneh[16]

665

Kinh Tân ước (King James không có Khải huyền)

790

Kinh Tân ước (King James dịch từ tiếng Hy Lạp)

640

Nicene Creed[17]

895

Thánh vịnh (Thi thiên)[Lamsa Bible]

650

Châm ngôn (Lamsa Bible)

350

Ramayana[18]

810

Rhubyat of Omar Khayyam[19]

590

Rig Veda[20]

705

Talmud[21]

595

Tử thư Tây Tạng

575

Torah[22]

550

Trinity[23] (khái niệm)

945

Upanishads[24]

970

Vedanta[25]

595

Vedas[26]

970

Vijnane Bhairava[27]

635

Yoga Sutras, Patanjali[28]

740

Zohar[29]

905

 

Nỗ lực tâm linh bắt đầu bằng việc nhận trách nhiệm chứ không phụ thuộc vào sự bốc đồng ngây thơ hoặc cải đạo. Quan trọng là nhận ra rằng nó không chỉ là lời dạy theo nghĩa đen mà là toàn bộ trường năng lượng của vị thầy hay tổ chức tạo ra hiệu ứng trường tinh tế, không thể nhìn thấy được đối với đệ tử. Trí huệ chứa đựng trong câu châm ngôn xưa cũ: “làm bạn với thiện tri thức” và tránh xa những thứ không chính trực. Chỉ cần nhìn qua thì đã thấy dường như là ngu ngốc khi coi thường những lời dạy của Chúa Jesus Christ, Đức Phật hay Krishna - đều có điểm chỉnh 1.000, và thay thế những giáo lý này bằng sự thần thánh hóa giả mạo những giáo lý của những người vô chính phủ vô thần, những giáo lý sai lầm của họ đã làm cho, ngay trong kiếp sống này, hàng trăm triệu người chết theo đúng nghĩa đen của từ này.

Xác thực bằng trải nghiệm

Hòa điệu tâm linh và ý định cộng với dâng hiến là có tính chuyển hóa vốn có và mang lại những thay đổi theo hướng đi lên trong phẩm chất của trải nghiệm đời sống. Nó xảy ra một cách tự động, đấy là do ảnh hưởng của trường và do đó,  không phải là ý chí cá nhân “gây ra”. Sự hợp nhất các giá trị tâm linh là vì lợi ích của chính nó chứ không phải vì một số lợi ích hoặc sự kiểm soát mà người ta tưởng tượng được, ngược đời là nó chống lại và cản trở mục đích ban đầu.

Niềm vui tinh tế ở bên trong song hành với nỗ lực tâm linh chân chính. Phẩm chất bình an và viên mãn ở bên trong song hành với sự hiểu biết tinh tế ở bên trong rằng cuối cùng mình đã “trở về nhà” trong quá trình chuyển hóa từ thế giới của tự ngã sang thế giới nhận thức mở rộng của Đại ngã. Ngoài ra còn giảm nhẹ mặc cảm tội lỗi tâm linh ở bên trong, song hành với thái độ cẩu thả tâm linh và cố tình chiều chuộng những đòi hỏi và mong muốn giành giật của bản ngã.

Kháng cự

Nguồn gốc của sự kháng cự lại nỗ lực tâm linh là cốt lõi ái kỷ của chính bản ngã, nó bí mật tuyên bố về chủ quyền và quyền tác giả về sự tồn tại, về quyết định và hành động của người đó. Như vậy là, mặc cho những nỗ lực cao nhất của người đó, thái độ ngoan cố và ham muốn đạt được lợi ích hay kiểm soát cứ liên tục phát tác. Có thể giảm bớt mô thức này bằng cách đơn giản là chấp nhận bản tính tự nhiên của bản ngã là viển vông, tham lam, hận thù, kiêu ngạo, bực bội, ghen tị..v.v.. Đây là những tầng được xếp chồng lên bản ngã trong quá trình phát triển theo lối tiến hóa của nó qua vô lượng kiếp. Vì vậy, không cần phải có mặc cảm tội lỗi, vì trong quá trình chuyển hóa từ lợi ích của tự ngã sang lợi ích của Đại ngã, ta chỉ cần loại bỏ và vứt bỏ những cảm xúc nguyên thủy này là được rồi.

Tiến bộ tâm linh

Xác nhận rằng sự thật tâm linh thực sự là chủ quan, mang tính trải nghiệm, tăng dần. Thường diễn ra như là khám phá tự phát, mặc khải tinh tế và xuất hiện nhận thức mới, ngày càng mở rộng hơn. Đây là kết quả của việc chuyển từ đồng nhất với nội dung sang đồng nhất với bối cảnh. Một sự thỏa mãn tinh tế, song hành với quá trình phát triển ở bên trong khẳng định rằng hiểu biết là hậu quả của buông bỏ, và buông bỏ đã mời gọi Ân sủng Thiêng liêng. Những sự tình này phải được coi là những món quà, chứ không phải là thủ đắc hay kết quả của những nỗ lực cá nhân người đó. Người đó trải nghiệm rằng lợi ích không phải do mình thủ đắc được mà là được trao tặng; do đó, lòng biết ơn sẽ thay thế cho thái độ kiêu ngạo tâm linh hay thái độ phù phiếm của bản ngã tâm linh đang tìm cách đòi khen ngợi.

Không thể đoán trước được tiến bộ tâm linh, nhiều yếu tố chưa biết, trong đó có cả những khuynh hướng nghiệp báo, có thể tạo được ảnh hưởng tới quá trình này. “Bản ngã tâm linh” muốn trỗi dậy, đấy khi người tìm kiếm bắt đầu trải nghiệm hiện tượng gọi là công năng đặc dị (siddhis), thường xuất hiện trong trường năng lượng ở tầng 540 và đặc biệt là ở tầng khoảng 570. (Các tầng này đã được được mô tả chi tiết trong những tác phẩm trước). Không được tìm kiếm công năng đặc dị, cũng không được coi chúng là tầng thứ trong tu luyện, vì những hiện tượng này sẽ tự xuất hiện khi năng lượng tâm linh/kundalini gia tăng. Chúng là món quà của linh hồn, phải chấp nhận với lòng biết ơn. Không thề kiểm soát, mà chỉ có thể chứng kiến những hiện tượng này.

Bản chất kỳ diệu của công năng đặc dị thực sự làm người ta kinh ngạc và đầy ấn tượng khi chúng mới bắt đầu xuất hiện và có thể, cuối cùng, trở nên gần như sẽ xuất hiện thường xuyên hơn. Thái độ khiêm tốn tạo điều kiện cho người ta chứng kiến sự việc đang xảy ra mà không tuyên bố tác quyền, nếu không được cảnh báo trước thì đòi tác quyền là cạm bẫy và sai lầm của đệ tử.

Việc bắt chước các công năng đặc dị giả được các tổ chức không chính trực, tư lợi rao bán để lấy tiền. Hành động bắt chước những công năng đặc dị là hiện tượng đặc hữu trong nhiều nền văn hóa, chẳng hạn như những người được gọi là “thánh nhân” ở Ấn Độ. Tuyên bố rằng mình có thể làm “phép lạ” cũng là hiện tượng trong những người đứng đầu các giáo phái, nó lại dẫn tới tình trạng thổi phồng bản ngã. Tuy nhiên, có những trường hợp chữa bệnh tự phát, đấy là kết quả của thôi miên do những người chữa lành trên sâu khấu - gợi ý cộng với những màn trình diễn.

Như đã mô tả, những hiện tượng kỳ diệu do công năng đặc dị thực hiện có thể tồn tại trong vài năm, xuất hiện rồi biến mất. Như đã nói bên trên, những hiện tượng này thực sự có thể làm người ta kinh ngạc và rất ấn tượng, vì chúng xảy ra mà không cần bất kỳ ý chí cá nhân nào. Chúng rất thực, có thể xác nhận được và có thể cực kỳ chính xác. Chúng là nguyên nhân của  “sự thuyên giảm tự phát”, thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc một căn bệnh nào đó hoặc tất cả các loại bệnh tật và đã được ghi lại một cách chi tiết.

Hiện tượng kỳ diệu là do sự kích hoạt của nguyên tắc tiềm năng trở thành thực tại khi có điều kiện thích hợp, chẳng hạn như sự hiện diện của sức mạnh bên trong của trường năng lượng tâm linh cao cấp. Theo truyền thống, năng lượng có ảnh hưởng này được gọi là “kundalini”, nó chỉ đơn giản là tên gọi năng lượng tâm linh chảy bên trong hệ thống năng lượng và cuối cùng, cung cấp năng lượng và thắp sáng cơ thể thể phách, cơ thể năng lượng tâm linh cao hơn.

Năng lượng tâm linh xuất hiện và bắt đầu gia tăng ở tầng ý thức 200. Lợi ích ban đầu của nó là làm thay đổi sự thống trị của não và các chất dẫn truyền thần kinh. Nó cũng kích hoạt quá trình giải phóng endorphin sao cho quá trình xử lý thông tin của não không những thay đổi mà còn tạo ra những thay đổi có tính chuyển hóa của tri giác (Newberg, 2006). Như vậy là, ở tầng tâm linh cao hơn của ý thức, chữa lành kỳ diệu xảy ra, đó là lý do vì sao con đường tâm linh nổi tiếng được gọi là “A Course in Miracles” (Khóa học về phép lạ). Kinh nghiệm lâm sàng xác nhận rằng sức mạnh bên trong của trường ý thức kích hoạt tiềm năng để nó trở thành hiện thực.



Nỗ lực tâm linh mang lại nhiều lợi ích, cả nhìn thấy được lẫn không nhìn thấy được, và có rất nhiều nghiên cứu cho thấy năng lực xã hội gia tăng, cũng như những lợi ích lớn hơn về sức khỏe và hành vi, đối với cả gia đình. Ngoài ra, về mặt thống kê, tầng hạnh phúc tổng thể có liên quan trực tiếp với tầng ý thức giữ thế thượng phong, được in lại từ cuốn Transcending the Levels of Consciousness. 

Tương quan giữa các tầng ý thức và mức độ hạnh phúc

 

TẦNG

LOGARIT

% HẠNH PHÚC

Chứng ngộ

700-1.000

100

An bình

600

100

Niềm vui

570

99

Tình yêu vô điều kiện

540

94

Tình yêu

500

89

Lý trí

400

79

Chấp nhận

350

71

Sẵn sàng

310

68

Trung dung

250

60

Can đảm

200

55

Kiêu hãnh

175

22

Giận dữ

150

12

Khát khao

125

10

Sợ hãi

100

10

Đau khổ

75

9

Thờ ơ, hận thù

50

5

Tội lỗi

30

4

Nhục nhã

2

1

 Trong khi các trường năng lượng thấp hơn hút những thứ liên quan tới tiêu cực, trong đó có nghèo đói và tội phạm, thì các trường năng lượng cao hơn hút những thứ tích cực và hỗ trợ đời sống. Trong khi những lợi ích tích cực của nỗ lực tâm linh là lớn lao và thậm chí có thể là sâu sắc hoặc kỳ diệu, nhưng, tương tự như công năng đặc dị, không nên tìm kiếm nhằm thu được lợi ích, mà, thay vào đó nên khiêm tốn chấp nhận với thái độ biết ơn. Khiêm tốn xuất phát từ ý định và mong muốn phụng sự Thiên Chúa hoặc đạt tới Chứng ngộ, cả hai đều là chất xúc tác đầy sức mạnh.

Tóm lại, chúng ta có thể thấy rằng thế giới được trải nghiệm theo lối chủ quan là hệ quả của tầng ý thức đã được hiệu chỉnh xuất phát từ bên trong, không phục thuộc vào các sự kiện bên ngoài. Như vậy là, không thể xác định chính xác thực tại thực sự của thế giới, vì người ta chỉ trải nghiệm thế giới mà người ta tri giác được. Khi nhìn từ tầng cao nhất, thế giới là hoàn hảo, vì nó mang lại cơ hội cao nhất cho quá trình tiến hóa tâm linh.

 



[1] Dịch thoát ý câu: The proof of the pudding is in the eating – ND.

[2] Abhinavagupta (950 – 1016) - triết gia, nhà thần bí học và chuyên gia thẩm mỹ đến từ Kashmir. Ông cũng được coi là một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà chú giải, nhà thần học và nhà logic học có ảnh hưởng - một nhân cách đa nhân cách có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa Ấn Độ - ND.

[3] A Course in Miracles là một cuốn sách năm 1976 của Helen Schucman. Tiền đề cơ bản là "phép màu" lớn nhất chỉ đơn giản là đạt được "nhận thức đầy đủ về sự hiện diện của tình yêu" trong cuộc sống của một người – ND.

[4] Nói chung, Aggadah là một bản tóm tắt tác phẩm của các giáo sĩ Do Thái, kết hợp văn hóa dân gian, giai thoại lịch sử, lời khuyên đạo đức và lời khuyên thiết thực trong các lĩnh vực khác nhau, từ kinh doanh đến y học – ND.

[5] Apocrypha - Ngụy thư, là những tác phẩm thường không rõ tác giả hoặc có nguồn gốc đáng ngờ - ND.

[6] Bhagavad Gita, thường được gọi là Gita, là một bản kinh Hindu dài 700 câu, là một phần của sử thi Mahabharata, có niên đại vào nửa sau của thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên và là điển hình cho sự tổng hợp của người Hindu. Nó được coi là một trong những thánh kinh cho Ấn Độ giáo – ND.

[7] Phúc Âm Kells, hay Sách Kells (tiếng Ireland: Leabhar Cheanannais) là một thủ bản minh họa Phúc Âm viết bằng tiếng Latinh, bao gồm bốn Phúc Âm thuộc Tân Ước cùng với những chú dẫn, bảng biểu - ND.

[8] Sách Mặc Môn là văn bản tôn giáo của phong trào Thánh hữu ngày sau (một hình thức phục hồi Ki-tô giáo), được Joseph Smith, Jr. xuất bản lần đầu tiên vào tháng 3 năm 1830. Sách Mặc Môn được xem là một trong những ấn phẩm sớm nhất của phong trào Thánh hữu ngày sau – ND.

[9] Cloud of Unknowing - Đám mây không biết là một tác phẩm ẩn danh về chủ nghĩa thần bí Cơ đốc giáo được viết bằng tiếng Anh trung đại vào nửa sau của thế kỷ 14. Văn bản là một hướng dẫn tâm linh về cầu nguyện chiêm niệm vào cuối thời Trung Cổ. Thông điệp cơ bản của tác phẩm này gợi ý rằng cách để biết Chúa là từ bỏ việc xem xét các hoạt động và thuộc tính cụ thể của Chúa, đồng thời đủ can đảm để phó thác tâm trí và bản ngã của mình cho lĩnh vực “không biết”, lúc đó người ta có thể bắt đầu thoáng thấy bản chất của Thiên Chúa – ND.

[10] Các Cuộn Sách Biển Chết là tập hợp 981 bản ghi khác nhau được phát hiện trong các năm 1946/47, 1956 và 2017 tại 12 hang động (Các hang động Qumran) ở phía đông Hoang mạc Judaea, Bờ Tây ngày nay - ND

[11] Pearl of Great Price - Viên Ngọc Vô Giá cũng là tên được đặt cho một trong bốn tập thánh thư được gọi là “các tác phẩm tiêu chuẩn” của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Jeus Christ - ND.

[12] Kabbalah nghĩa đen là "tiếp nhận, truyền thống" hoặc "trao truyền" là phương pháp bí truyền, một lĩnh vực và trường phái trong chủ nghĩa thần bí Do Thái giáo. Người thực hành Kabbalah truyền thống trong Do Thái giáo được gọi là Mequbbāl – ND.

[13] Phiên bản King James, cũng là Kinh thánh King James và Phiên bản được ủy quyền, là bản dịch tiếng Anh của Kinh thánh Cơ đốc cho Nhà thờ Anh, được ủy quyền vào năm 1604 và xuất bản vào năm 1611, dưới sự tài trợ của Vua James VI và I.

[14] Thánh Kinh từ các Bản thảo Phương Đông Cổ đại được xuất bản bởi George M. Lamsa vào năm 1933.

[15] Midrash là nhà chú giải Kinh thánh của người Do Thái mở rộng bằng cách sử dụng phương thức giải thích của giáo sĩ Do Thái nổi bật trong Talmud - ND.

[16] Mishneh Torah, còn được gọi là Sefer Yad ha-Hazaka, là một bộ luật tôn giáo Do Thái giáo, Maimonides là tác giả. Mishneh Torah được biên soạn từ năm 1170 đến 1180 CN – ND.

[17] Tín điều Nicene lần đầu tiên được thông qua tại Hội đồng Nicaea đầu tiên vào năm 325. Năm 381, nó được sửa đổi tại Hội đồng đầu tiên của Constantinople. Hình thức sửa đổi còn được gọi là Tín điều Nicene, hoặc Tín điều Niceno-Constantinople – ND.

[18] Rāmāyaṇa là một sử thi cổ đại viết dưới dạng trường ca bằng tiếng Sanskrit và là một phần quan trọng của bộ kinh Ấn Độ giáo. Đây là bộ sử thi bằng tiếng Phạn nổi tiếng thứ hai của Ấn Độ cổ đại. Người ta cho rằng tác giả của Ramayana là nhà thơ Valmiki – ND.

[19] Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam là tên gọi mà Edward FitzGerald đặt cho bản dịch thơ Omar Khayyam sang tiếng Anh. Từ Rubaiyat có xuất xứ từ tiếng Ả Rập, từ tương đương của tiếng Việt là “thơ tứ tuyệt” - ND.

[20] Rigveda là một tập hợp của các bài thơ thánh ca Ấn Độ cổ đại tiếng Phạn. Đây là một trong bốn bản kinh thánh kinh điển của Ấn Độ giáo được biết đến với tên kinh Vệ-đà. Rigveda là một tập hợp 1.028 bài thánh ca và 10.600 câu thơ, đóng thành mười cuốn sách – ND.

[21] Talmud là một văn bản trung tâm của giáo sĩ Do Thái giáo. Nó cũng được gọi theo cách truyền thống là Shas, một từ viết tắt tiếng Do Thái của shisha sedarim, "sáu thứ bậc" của Luật Miệng của Do Thái giáo - ND.

[22] Nói chung, Torah bao gồm các câu chuyện nền tảng của người Do Thái: lời gọi của Thiên Chúa để hình thành nên dân tộc họ, những thử thách và đau khổ của họ, và giao ước của họ với Thiên Chúa, trong đó bao gồm việc tuân giữ cách sống được hiện thực hóa trong một tập hợp các nghĩa vụ tôn giáo và luân lý cũng như các luật pháp dân sự (halakha) - ND.

[23] Trinity - Ba Ngôi là Thiên Chúa, theo giáo lý của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Kitô giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – ND.

[24] Upanishads - Áo nghĩa thư, "kinh điển với ý nghĩa uyên áo", là một loại văn bản được xem là thuộc hệ thiên khải, nghĩa là được "bề trên khai mở cho thấy" trong Ấn Độ giáo. Chúng kết thúc hoặc hoàn tất các loại thánh kinh được xếp vào Phệ-đà của Ấn Độ giáo - ND.

[25] Vedanta là một trường phái triết học nằm trong Ấn Độ giáo xem xét đến bản chất của thế giới hiện thực. Từ Vedanta là từ ghép của veda, tức "kiến thức" và anta, tức "cuối cùng, kết luận", dịch ra là "kiến thức cao nhất" - ND.

[26] Vedas - Kinh Vệ-đà, hay Phệ-đà xem như là cỗi gốc của giới Bà La Môn và là suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Véda có nghĩa là "tri thức". Trong kinh có những bản tụng ca để ca ngợi các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông... Phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ - ND.

[27] Vijñāna-bhairava-tantra là một Tantra Shaiva, thuộc truyền thống Kaula Trika của Kashmir Shaivism. Rất khó xác định niên đại chính xác của văn bản, và nó có thể được viết vào một thời điểm nào đó từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8 CN - ND.

[28] Yoga Sutras of Patañjali là một tập hợp các bài kinh tiếng Phạn về lý thuyết và thực hành yoga - 195 bài kinh và 196 bộ kinh. Kinh Yoga được biên soạn vào những thế kỷ đầu CN bởi nhà hiền triết Patanjali ở Ấn Độ, người đã tổng hợp và sắp xếp kiến ​​thức về yoga từ các truyền thống lâu đời hơn - ND.

[29] Zohar là một tác phẩm nền tảng trong văn học về tư tưởng thần bí của người Do Thái được gọi là Kabbalah. Đây là một nhóm sách bao gồm bình luận về các khía cạnh thần bí của Torah và các giải thích kinh thánh cũng như tài liệu về thần bí, vũ trụ thần thoại và tâm lý học thần bí - ND.


No comments:

Post a Comment