June 28, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (10)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 9

 

Đức tin

 

Hoạt động và hành động của con người đều dựa trên đức tin, niềm tin và tin tưởng, vì những phẩm chất này là bản chất của chính cơ cấu và chức năng của tâm trí con người, đấy là do nguồn gốc tiến hóa của nó. Như đã nhận xét trước đây, một cách vô thức, mọi người đều cho rằng và tin rằng tâm trí của họ đang xử lý và báo cáo cho họ biết về “thực tại”, và do đó, quan điểm của họ là đúng, có nghĩa là quan điểm của người khác là sai hoặc sai lầm. Cùng với học vấn và trí tuệ tăng lên, giả định cơ bản này được đẽo gọt cho vừa với chiều kích khiêm tốn hơn, nhưng ngay cả khi đó, nó vẫn là nền tảng của sự tự tin của bản ngã cho rằng, nó biết sự thật và, do đó, biết “thực tại”.

Về cơ bản mọi người đều dễ sai lầm, như Chúa Jesus, Đức Phật, Socrates và các triết gia sau này, chẳng hạn như René Descartes và nhiều người khác đã chỉ ra. Cùng với việc thừa nhận rằng tâm trí rất khó phân biệt thật giả, đã xuất hiện những hệ thống triết học lớn như được thể hiện trong những cuốn sách Great Books of the Western World. Ngay cả khoa học Newton sau này cũng được thay thế bằng những khám phá vĩ đại như thuyết tương đối, cơ học lượng tử, vật lý hạ nguyên tử, và quan trọng là, Nguyên lý bất định Heisenberg và những lý thuyết khác. Nhưng luôn luôn có những tôn giáo và truyền thống thần bí vĩ đại cũng như những giáo lý của các nhà hiền triết vĩ đại đứng tách ra khỏi khoa học hay giới hàn lâm.

Như đã nhận xét, ma trận của tâm trí là ngây thơ vì cơ cấu bẩm sinh của nó. Tâm trí luôn luôn ở trong trạng thái tin là mình đúng. Ngay cả khi nghi ngờ, nó cũng làm thế là do dựa một cách ngây thơ vào lập luận dường như là hợp lý. Mặc dù chế giễu đức tin và sự tin cậy, nhưng chính những người hoài nghi lại thể hiện thái độ tự tin ngây thơ và tin vào quá trình tri thức hóa chủ quan và tri giác đã được bộ óc của họ xử lý. Người hoài nghi nói rằng, tâm trí không thể biết được sự thật, và sau đó, ngược đời là, họ lại sử dụng chính tâm trí để chứng minh giá trị của thái độ nghi ngờ và ngờ vực; do đó, ngay cả người hoài nghi, về cơ bản, cũng được thúc đẩy bởi sự tin tưởng và niềm tin ngây thơ.

Vì trước hết là nhờ đức tin và sự tin cậy mà người ta mới nỗ lực, cần thiết nhất là có phương tiện để xác định sự thật và thực tại từ điểm quan sát không bị bóp méo trong quá trình suy nghĩ hoặc thiên kiến. Không thể dùng cảm xúc để lấp đầy sự thiếu hụt này, vì chúng là những phản ứng bản năng đối với tri giác, không có năng lực nội tại nhằm xác minh thực tại. Vì vậy, khoa học/diễn ngôn triết học hiện nay có những thuật ngữ như “trực giác” và “phản trực giác”, đó là luận cứ về giá trị của cái gọi là báo cáo mang tính chủ quan của “người chứng kiến”. Cuộc tranh luận triết học hiện nay trong khoa học liên quan tới câu hỏi liệu “chủ quan” có hiện thực hơn hơn “khách quan” hay ngược lại. Diễn ngôn như thế thường kết thúc bằng phỏng đoán lan man và trí tuệ hóa lòng vòng, hầu hết đều chủ yếu nhắm tới những nhà trí thức khác, cũng có xu hướng hạn chế tương tự.

Trong quá trình tìm kiếm những nguồn gốc đáng tin cậy, không thể nghi ngờ của sự thật có thể kiểm chứng được, tâm trí của con người dựa vào các nhà tiên tri, giấc mơ, ảo ảnh, pháp sư, học thuyết tôn giáo, uy quyền tôn giáo, lịch sử, trực giác, mặc khải, thần thoại, trí thông minh, truyền thuyết, lời tiên tri, bói toán, thiên văn học, chiêm tinh học, người có thể đi từ thế giới này sang thế giới khác, người có thể tiếp xúc với thần linh, khảo cổ học, cổ sinh vật học, hệ thống chính trị, triết học, siêu hình học, lý trí, logic, vật lý Newton, cơ học lượng tử, thuyết tương đối, vật lý lý thuyết nâng cao và vật lý hạ nguyên tử, và hiện nay là sự hiện thực hóa được Peter Lynds (2003) trình bày. Peter Lynds chỉ ra rằng, những hạn chế giống nhau - thậm chí cả thời gian và độ dài của chúng - đã được nghiên cứu ý thức phát hiện, chủ yếu là những phóng chiếu của ý thức, không có tồn tại vật chất thực sự nào. Không có thực tại tự tồn tại như là “thời gian”, không có “bây giờ” hay khoảnh khắc thực sự nào, và do đó, trong thực tại vật lý, không có vị trí tương đối phụ thuộc vào thời gian. Như vậy là, Lynds giải quyết được nghịch lý “Zeno[1]” cổ điển được người ta nói tới ngay từ thời Hy Lạp cổ đại.

Nghiên cứu ý thức cung cấp cho chúng ta phương tiện phân biệt thật giả, cũng như khả năng xác định tầng sự thật trong so sánh với sự thật tuyệt đối (thang từ 1 đến 1.000). Ảnh hưởng có thể so sánh được với ảnh hưởng của việc tìm ra kính thiên văn đối với thiên văn học, hoặc kính hiển vi trong lĩnh vực sinh học theo nghĩa là, nghiên cứu ý thức cung cấp cho chúng ta công cụ thực dụng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở ra lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới, có công cụ khách quan, thực tế nhằm xác minh và xác nhận tầng của sự thật. Phương pháp luận nghiên cứu ý thức đơn giản (điểm hiệu chỉnh 605), dễ hiểu và không cần trí tuệ, không yêu cầu trình độ học vấn hay hệ thống niềm tin cao cấp nào, vì nó mang tính trải nghiệm, phi trí tuệ và tự thể hiện thành vật chất. Nói một cách đơn giản, sự thật (thực tại) làm cho cơ bắp mạnh lên ở những người có điểm hiệu chỉnh trên 200, và giả dối (không có thực) làm cho họ yếu đi, tương tự như giấy quỳ có màu hồng khi nhúng vào acid và có màu xanh khi nhúng vào chất kiềm. 

Cơ sở của hiệu chỉnh ý thức

Sự thật làm cho cơ bắp mạnh lên, còn giả dối làm cho nó yếu đi là khám phá lâm sàng theo lối thực nghiệm (Hawkins, 1995). Hiện tượng đó là do sự kiện là sự thật tồn tại như một thực tại thực sự, trong khi giả dối chỉ đơn giản là không có chất nền của thực tại. Do đó, phản ứng kiểm tra cơ là “có” hoặc “không có” (“không”). Cơ chế được làm rõ bằng cách tìm hiểu những nguyên tắc cơ bản của vật lý lượng tử, theo đó Nguyên lý Bất định Heisenberg là “tờ giấy quỳ”. Những hiện tượng này là hệ quả của sự sụp đổ của “trạng thái sóng” của thế năng thành “trạng thái hạt” của hiển lộ và hiện thực. Chúng là kết quả của ý định và chính quá trình quan sát. Người quan sát và cái được quan sát trở thành một đơn vị hoạt động. Sự thật có tồn tại thực sự và do đó làm sụp đổ hàm sóng. Giả dối không có thực tại (không tồn tại) và do đó, không có phản ứng (cánh tay yếu đi). Do đó, giống như điện, dây dẫn hoặc “bật” và truyền dòng điện (“có”) hoặc “không bật” (“không”). Mô tả chi tiết được trình bày trên web site cá nhân của Henry Stapp và Scott Jeffrey (Jeffrey và Colyer, 2007).

Quá trình tiến hóa của đức tin

Khi trường năng lượng phi tuyến tính, đầy sức mạnh, vô biên vô tế của ý thức (Ánh sáng của Thiên Chúa) tương tác với vật chất, thì sự sống có nguồn gốc từ chất nền hữu cơ xuất hiện (được hiệu chỉnh là đúng ở tầng Vô biên Vô tế). Các hình tướng của đời sống ban đầu không có nguồn năng lượng bên trong để có thể tồn tại và phát triển; cho nên, nó phải tìm năng lượng và lấy từ môi trường trong khu vực xung quanh. Tuy nhiên, thực vật sử dụng chất diệp lục để chuyển ánh sáng mặt trời thành năng lượng, nhưng động vật phải nhận chất dinh dưỡng cần thiết bằng cách tiếp xúc và sáp nhập. Do đó, động vật phải học cách phân biệt các chất duy trì sự sống có thể sử dụng được với những chất có hại cho đời sống và do đó, phát triển trí thông minh.

Tự thân khả năng sống sót là dựa vào quá trình tiến hóa của khả năng phát triển việc thu thập thông tin đáng tin cậy, giải thích và sắp xếp dữ liệu (ví dụ, phân biệt “tốt” với “xấu”). Đây là cái mà sau này được gọi là trí thông minh, với khả năng bẩm sinh của nó là sắp xếp, phân tầng và lưu trữ dữ liệu tuyến tính thông qua ý nghĩa (bản chất) và giá trị đối với việc sinh tồn. Dựa vào thông tin đúng đắn để sống sót sẽ tạo ra ma trận, đức tin (mức độ tin cậy) tiến hóa từ ma trận này.

Ở con người, không chỉ khả năng xử lý và giải thích dữ liệu tuyến tính phát triển, mà còn có năng lượng phi tuyến tính của ý thức/nhận thức, được gọi là “tâm linh”, vì cội nguồn của năng lượng này là phi vật chất và không thể định nghĩa được bằng các khái niệm tuyến tính. Nó cũng tiến hóa cùng với quá trình phát triển của con người và được gọi là “linh hồn của con người”. Đặc điểm của nó là sự xuất hiện cơ thể năng lượng, phi vật chất (“thể phách”), tồn tại và tiến hóa một cách độc lập với chính cơ thể vật chất. Như vậy là, linh hồn có liên quan với bản chất, và là nguyên nhân của hình tướng và định nghĩa tuyến tính.

Như có thể thấy từ quá trình phát triển mang tính tiến hóa của nó, đức tin là nhu cầu sinh học cho khả năng sống còn, nằm trong cấu trúc cơ bản của bản ngã, như là ý thức về tự ngã. Năng lực nhận thức về và trải nghiệm tự ngã là phẩm chất nhận thức mang tính tri giác, là bẩm sinh của thế giới động vật. Như vậy là, nhân loại sống bằng đức tin. Bản ngã ngây thơ tin trước hết vào cốt lõi ái kỷ của chính bản ngã (ví dụ, tri giác/ý kiến), rồi bản ngã nhận quyền tự chủ và chủ quyền như là trọng tài của thực tại. Bản ngã, do cơ cấu và nguồn gốc của nó, không nhận thức được những hạn chế của chính mình.

Đức tin và lý trí

Sự phân đôi như thế có thể được mô tả một cách chính xác hơn là tin cậy vào thực tại mang tính bối cảnh phi tuyến tính, tối thượng, không nhìn thấy được so với tin cậy vào sự thật dựa trên nội dung tuyến tính hạn chế của tư duy. Nói chung, các cấu trúc mang tính trí tuệ tuyến tính, ví dụ như khoa học và triết học, được coi là giả định khách quan, có thể kiểm chứng và chứng minh được, trong khi thực tại phi tuyến tính được mô tả là chủ quan, thần bí, không thể diễn tả được và (trước khi có nghiên cứu về ý thức) không thể xác nhận được.

Vụ án Scopes là ví dụ nổi tiếng nhất về cuộc đối đầu giữa những khác biệt của những hệ hình này. Thực ra, như đã viết trước đây, không có xung đột thực sự nào, ngoài “xung đột” giữa chất hữu cơ và chất vô cơ, hoặc giữa các thực thể sống và không sống. Hạn chế này chỉ là do tạo tác của giới hạn của điểm nhìn, nó xảy ra khi chủ đề được giải quyết từ những tầng ý thức khác nhau (Van Biema, 2006).

Trên thang đo ý thức đã được hiệu chỉnh, như đã nói trước đây, chiều kích tuyến tính, có thể chứng minh được có điểm hiệu chỉnh lên tới 499, còn những tầng phi tuyến tính của ý thức lại từ 500 trở lên, là trải nghiệm được, có thể xác nhận được và có thể chỉ ra được, nhưng không thể “chứng minh được” bằng các quy tắc của lý trí hoặc logic, vì chúng vượt ra ngoài hệ hình của thực tại, được xác định bởi tầng ý thức từ 400 tới 499. Thông minh là khả năng phân biệt các mô thức (nguyên tắc) cơ bản, rồi sau đó vận dụng một cách sáng tạo để giải quyết các vấn đề.

Sự thay đổi trong sinh lý não (xem Chức năng não, Chương 4) ở tầng 200 cho thấy sự dịch chuyển chất dẫn truyền thần kinh. Sự thay đổi lớn này trong sinh lý căn bản của chính não bộ là xác nhận vai trò quan trọng của việc dựa vào các giá trị tinh thần và đóng góp, vai trò và ý nghĩa của chúng. Như vậy là, quá trình phát triển lên những tầng cao hơn của con người được thể hiện thông qua việc dụng trí thông minh nhằm phụng sự cho ý định đã thăng hoa thành tâm linh.

Tò mò: Động cơ của tâm trí để sống sót

Muốn cho đời sống tiếp tục tồn tại, sinh vật phải liên tục tìm kiếm nguồn năng lượng bên ngoài, cũng như để xác định nơi có nước, điều kiện vật chất và điều kiện môi trường thuận lợi. Nó đòi hỏi phải phát triển năng lực thu thập mẫu và xác định dữ liệu và cuối cùng là nhận ra những nguyên tắc cơ bản. Mô thức “tìm kiếm và lấy mẫu” là quá trình được xác định như là sự tò mò và thám hiểm, sau đó thông tin được lưu trữ, xử lý và phân loại nhằm thu được hiệu quả. Năng lực này xuất hiện như là trí thông minh, và sản phẩm mang tính biểu tượng tuyến tính của nó là lý trí và tư duy.

Lý trí là khả năng phân loại và xử lý các biểu tượng và hình ảnh, xuất phát từ việc rút ra những nguyên tắc từ thế giới vật lý để trải nghiệm có thể được mở rộng thêm và được chau chuốt nhờ khả năng tư duy, mà không cần tiếp xúc hay trải nghiệm thế giới vật lý. Như vậy là, cuộc thí nghiệm có thể được làm bên ngoài địa điểm vật chất và lời giải thích có thể làm cho cuộc phiêu lưu thêm phấn khích và có thêm niềm vui từ “những điều mới mẻ”, cũng như tái xác nhận những thứ đã quen. Những cuộc khám phá của con amip để sinh tồn đã trở thành “nghiên cứu và phát triển” của thế giới ngày nay, được coi là hoạt động quan trọng của tất cả các lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp và thương mại.

Các lý thuyết khoa học tiến hóa qua suốt nhiều thế kỷ thông qua cuộc thảo luận và sàng lọc khá căng thẳng, và hiện vẫn đang tiến hóa, đặc biệt thuyết lượng tử (Rosenblum, 2006). Lợi ích của đức tin vào khoa học không phải là chỉ trí tuệ, mà còn bao gồm cả sản phẩm công nghệ và những phương tiện khác nhằm xác minh và chứng minh mức độ tin cậy của quá trình xử lý tuyến tính. Ngược lại, trong quá khứ, việc xử lý thông tin trong lĩnh vực tâm linh phi tuyến tính là hoàn toàn có tính chủ quan và mang tính trải nghiệm và do đó, dựa vào lời chứng của chính người trải nghiệm. Lợi ích của nhận thức tâm linh phi tuyến tính là có thể quan sát được và kiểm chứng được, nhưng không thể chứng minh được như những dữ liệu tuyến tính có thể xác minh được. Trải nghiệm tâm linh là hệ quả tất yếu của năng lượng tần số cao vượt ra ngoài phạm vi ý thức của những hiện tượng có thể chứng minh được. Có thể quan sát được những biểu hiện của chúng, cũng như có thể nhận biết được thái độ thân thiện, trái ngược với thái độ thờ ơ. Do nó tác động lên sinh lý não và những quá trình nội tiết tố, bối cảnh tâm linh tác động lên tầng sinh học, đã được các nhóm hồi phục dựa trên đức tin trên toàn thế giới chứng minh, trong những nhóm này, cái trước đây là bất khả thi thì giờ đây lại trở thành khả thi.

Ý định, cam kết và hòa điệu tâm linh làm thay đổi bối cảnh, trong đó nội dung bị tác động và bị sửa đổi. Tương tự như thế, khi áp dụng Nguyên lý bất định Heisenberg, ý định tâm linh làm sụp đổ hàm sóng, biến tiềm năng thành thực tại. Ý định tâm linh cũng có ảnh hưởng đáng kể tới chính tri giác, sao cho các sự kiện trong đời sống và sự tương tác của con người được trải nghiệm, chứng kiến và hiểu biết từ tầng tri giác cao hơn (ví dụ, những hiện tượng “kỳ diệu”). Nó cũng dẫn đến những thay đổi lớn về cảm xúc, hậu quả của sự dịch chuyển thuận lợi hơn của chức năng não và con đường xử lý thông tin của nó, cũng như thay đổi các hormone thần kinh và chất dẫn truyền thần kinh.

Cùng với tiến bộ tâm linh, quá trình chứng kiến mang tính trải nghiệm chủ quan cũng có sự chuyển hóa, song hành với những thay đổi tích cực, phù hợp với biểu hiện bên ngoài của thế giới và những sự kiện của nó. Người ta phát hiện được rằng nỗ lực tâm linh là rất thú vị, mang lại phần thưởng và kết quả là sự hài lòng và lợi ích, cuối cùng vươn tới tầng, chỉ có thể được mô tả là “kỳ diệu”, vì chúng xuất hiện một cách tự phát, đấy là do sức mạnh bên trong của bối cảnh phi tuyến tính, chứ không phải do nội dung tuyến tính “gây ra”.

Ý nghĩa, tầm quan trọng và giá trị được bộc lộ qua trải nghiệm ngay trong quá trình chúng xuất hiện, chứ không phải dường như xảy ra như là kết quả của quan hệ “nhân quả” mà người ta giả định, theo logic. Quy luật của bối cảnh là những quy luật mang tính thống trị, tạo ảnh hưởng và xác suất xảy ra ngày càng gia tăng, do đó, khác với nội dung của tư duy thông thường.

Với sự thăng tiến của ý thức, những sự thật của thực tại tâm linh sẽ trở nên hiển nhiên theo lối tự phát, mặc dù tâm trí tư duy không thể hiểu được theo lối logic. Chứng kiến các sự kiện dẫn tới kết quả là hiểu biết ngày càng được đưa vào bối cảnh mới, vượt xa hiểu biết bình thường. Quá trình chuyển hóa diễn ra khá rõ ở tầng ý thức 540 trở lên, tất cả các trải nghiệm đều được chuyển hóa. Tới tầng ý thức từ 570 đến 590, vẻ đẹp và sự hoàn hảo ngày càng mở ra và tăng lên, và chứng kiến những hiện tượng dường như là kỳ diệu có thể trở thành gần như liên tục.

Phát triển đức tin

Năng lực tâm lý dành cho phát triển đức tin của mỗi người bắt đầu ngay từ khi đứa trẻ vẫn còn phụ thuộc vào quá trình nuôi dạy đáng tin cậy, trong đó nuôi dưỡng phù hợp với tầng chịu đựng của đứa trẻ sơ. Với quá trình huấn luyện phù hợp, khả năng chịu đựng khó khăn sẽ tăng lên, đấy là do đức tin gắn liền với kỳ vọng. Giai đoạn này cũng tạo ảnh hưởng lên xu hướng lạc quan hay bi quan, sẽ xuất hiện trong những giai đoạn sau, cũng như sự tin tưởng vào các nhân vật có thẩm quyền.

Cha mẹ khen thưởng những hành vi tích cực và ngăn chặn những hành vi tiêu cực thậm chí có thể có những biện pháp trừng phạt nếu không nghe lời. Sau đó bản ngã/tự ngã tích hợp mô thức của cha mẹ về “tôt đối với tôi” và “xấu đối với tôi” cũng như các khái niệm “tốt-xấu” về thẩm quyền. Từ sự phân đôi này xuất hiện mặc cảm tội lỗi và thái độ căm ghét hay chấp nhận chính mình. Đau đớn vì mặc cảm tội lỗi giảm bớt khi người ta phát hiện được trách nhiệm, lời bào chữa, và hợp lý hóa. Sau đó, xu hướng tin tưởng được hợp nhất vào quá trình phát triển như là kỳ vọng tâm linh và niềm tin vào Thiên Chúa và sự thật tâm linh.

Mọi người đều có tầng ý thức có thể hiệu chỉnh được ngay từ khi mới chào đời, không phụ thuộc vào những yếu tố hoặc hoàn cảnh trên thế gian này. Nó phù hợp với nguyên tắc kinh điển của nghiệp lực, mặc dù đây không phải là thuật ngữ của phương Tây, có thể tìm thấy những biểu hiện của nó trong các tôn giáo phương Tây (số phận, định mệnh). (Tầng sự thật có thể hiệu chỉnh được của nguyên tắc nghiệp lực là 1.000.)

Tầng ý thức có thể hiệu chỉnh được của trẻ sơ sinh cho biết một cách đại khái mức độ tiến hóa tâm linh đã xảy ra và cũng ngụ ý khối lượng công việc cần phải làm. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều công nhận nguyên tắc cơ bản này, họ cũng đồng ý rằng kiếp sau của linh hồn là hậu quả của những lựa chọn tâm linh đã được thực hiện khi người đó còn sống trên trần gian.

Những giáo lý nhấn mạnh Cứu rỗi và/hoặc Chứng ngộ là để tạo điều kiện cho người ta chấp nhận số phận của con người, song hành với những lợi ích của Hồng ân xuất phát từ đức tin. Vì vậy, lời dạy “hãy tin ta” bắt nguồn từ giáo lý của Krishna, Đức Phật, Chúa Jesus Christ, Muhammad và các đại giác giả của người Aryan cổ đại. “Vương quốc của Thiên Chúa ở trong bạn” được xác nhận bằng hiệu chỉnh ý thức, cũng như bằng trải nghiệm chủ quan của con người về sự chuyển dịch bản sắc từ tự ngã sang Đại ngã (Hawkins, 2007).

Có thể tin một cách ngây thơ và sai lầm vào những vị thầy không phù hợp hoặc không chính trực hay đi sai đường, như đã trình bày chi tiết trong tác phẩm Truth vs. Falsehood. Đức tin đặt nhầm chỗ là nền tảng của những thảm họa, cả cá nhân lẫn tập thể - sự ngây thơ của những tín đồ ngây thơ bị các nhà lãnh đạo và giáo lý chỉ có điểm hiệu chỉnh 90 hoặc thấp hơn bóc lột. Vì vậy, tin vào sự thật có thể kiểm chứng được là con đường dẫn tới Cứu rỗi và Chứng ngộ. Ngược lại, tin vào những thứ sai lầm là cái bẫy dành cho những người không cảnh giác. Vì vậy, Chúa Jesus Christ, Đức Phật và tất cả những bậc thầy vĩ đại khác đã dạy rằng, tội lỗi cơ bản của con người là do vô minh và số phận của anh ta phụ thuộc vào việc vượt qua sự vô minh này. Vì vậy, việc xác định và xác minh sự thật là cực kỳ quan trọng đối với số phận của con người, cả tập thể lẫn cá nhân. Như chúng ta có thể thấy qua phân tích lịch sử, tầng ý thức của nhân loại đã dần dần được nâng lên qua nhiều thế kỷ.

Tự nhiên thần giáo và hữu thần luận ở Mỹ 

Mặc dù chủ nghĩa thế tục được những nhóm người hoạt động chính trị/pháp luật được tài trợ rất mạnh truyền bá, nhưng phần lớn người Mỹ (92%) tin vào Chúa, và 90% có quan hệ dựa trên tôn giáo hoặc đức tin (Baylor Survey of Religion, 2006). Chỉ có 5% là người vô thần (tỷ lệ trên toàn thế giới cũng như thế). Cuộc khảo sát cho biết Chúa có thể được coi là người độc đoán (31%), nhân từ (23%), phê phán/phán xét (16%), hoặc ở xa (24%). Trong số những người không tham gia các nhóm tôn giáo, 60% tin vào Chúa. Như vậy là, đại đa số người Mỹ tin vào Quyền lực Cao hơn.

Thông thường, mức độ tin cậy, sự tham gia và quan niệm về Chúa dao động trong suốt cuộc đời, kết quả là có những giai đoạn rất tin, cũng như những giai đoạn thờ ơ. Sau đó, lại hồi sinh, đặc biệt là để ứng phó với những căng thẳng và thiên tai. Vì vậy, đức tin có thể hoạt động hoặc tiềm ẩn.

Cần có lý trí

Như đã thấy, sự tin tưởng và niềm tin ngây thơ, mà không có đối trọng của lý trí, logic và học vấn có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Như vậy là, mức độ tin cậy của nguồn thông tin cho thấy vai trò quan trọng của khả năng phân biệt sự thật có thể kiểm chứng được với giả dối. Duy lý đòi hỏi thông tin chính xác cộng với khả năng xử lý dữ liệu thông qua trải nghiệm và trưởng thành, trí tuệ và tính xác thực gia tăng là sản phẩm cuối cùng của trải nghiệm. Như vậy là, bằng quá trình xử lý, tuyến tính được tích hợp và tổng hợp vào bối cảnh của trường tổng thể phi tuyến tính của sự biết và hiểu.

Nếu không có lý trí làm chất xúc tác và đưa vào bối cảnh mới, đức tin tôn giáo có thể dẫn đến chủ nghĩa cực đoan phi lý và những quá lạm mang tính tôn giáo, trở thành cuồng tín. Vì vậy, nạn diệt chủng và tình trạng hỗn loạn dã man đã xảy ra trong suốt chiều dài của lịch sử và hiện đang được thể hiện như là chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo và chủ nghĩa phát xít.

Như đã thể hiện trên toàn thế giới, không có lý trí và tính duy lý làm đối trọng, Hồi giáo hiện đang gây chiến ở nhiều nước khác nhau. Những lời chỉ trích mà thế giới nhắm vào Hồi giáo là tôn giáo này không có lý trí và thậm chí không hiểu được giá trị của nó (Warraq, 2002). Khó khăn là do Hồi giáo chỉ trích lý trí, coi nó là đe dọa đối với đức tin (theo kinh Koran).

Ảnh hưởng của tôn giáo trong xã hội Mỹ

 

Ảnh hưởng tổng thể của các tôn giáo khác nhau có điểm hiệu chỉnh như sau:

Vô thần luận 165

Giới hàn lâm 190

Chủ nghĩa tự do cá nhân 185

Chủ nghĩa khoái lạc 180

Tương đối luận đạo đức 180-185

Ngụy biện (Chính trị) 185

Hồi giáo 190

Chủ nghĩa thế tục 190

Hollywood 190

Tâm lý học tiến hóa 210

Kitô giáo 450

Do Thái giáo 450

Công giáo 450

Tin lành 450

Chủ nghĩa truyền thống 450

Đạo Phật 455

Hiệp sỹ 455

Chương trình 12 bước 525

 

Như đã trình bày bên trên, nguồn gốc của xung đột và tranh cãi chính trị-xã hội-triết học diễn ra giữa các nhóm xã hội có điểm hiệu chỉnh dưới 200 và các nhóm có điểm hiệu chỉnh trong những tầng 400. Nó chứng minh truyền thuyết của người Mỹ da đỏ, nói rằng bên trong mỗi người đều có hai con sói. Một con ác độc và giận dữ, ghen tị, tham lam, kiêu ngạo, và có thái độ kiêu hãnh sai lầm và bản ngã kiêu ngạo. Con kia là tốt và là niềm vui, hòa bình, tình yêu, hy vọng, thanh thản, khiêm tốn, nhân hậu, rộng lượng và chân thật. Vì thế, hãy cẩn thận với con sói mà bạn đang nuôi (Wheat, 2007). Một con sói dẫn đến tình trạng nô lệ, con kia dẫn tới tự do (freedom) và tự do (liberty) (Williams, 2007, trích dẫn qua Alan Keyes).

Đức tin - hòn đá tảng của nước Mỹ

Kể từ ngày thành lập, tự nhiên thần giáo/hữu thần luận là nền tảng chính của nước Mỹ và nó tiếp tục là nền tảng vì sự tiếp tục của tự do, cơ hội và sức mạnh, chính Hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo như thế. Chi tiết đã được giải thích rõ ràng trong các tác phẩm God and Religion in America (Gingrich, 2006) and The Preacher and the Presidents (Gibbs and Duffy, 2007). Rõ ràng là từ tất cả những điều đã trình bày, chính đức tin có sức mạnh đến mức nó giữ được sự chính trực về mặt đạo đức khi đối mặt với thách thức và đe dọa hủy diệt trên toàn thế giới. Do đó, các vị tổng thống đã củng cố lý trí bằng những cuộc điều tra đạo đức sâu rộng và diễn ngôn mang tính mục vụ.

Mục sư Billy Graham đã phục vụ 11 vị tổng thống và đất nước trong suốt 50 năm. Vì vậy, đức tin không chỉ truyền cảm hứng mà còn có tác dụng cực kỳ thực tiễn trong khả năng đưa logic và lý trí vào bối cảnh. Những quyết định nghiệt ngã được ban hành trong thời chiến là hệ quả tất yếu của bối cảnh lịch sử bao trùm của những mối đe dọa đến sự sống còn. Sau đó là những thách thức to lớn trước cuộc xâm lăng của các chế độ toàn trị (ví dụ, Đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã), rồi đến quân đội cộng sản, và hiện nay, chủ nghĩa toàn trị Hồi giáo và cuộc tấn công vào chính nước Mỹ.

Căng thẳng khác của nhiệm kỳ tổng thống là thường xuyên bị đe dọa ám sát, nhiều vị cựu tổng thống đã từng bị thương hoặc bị sát hại. Căng thẳng ghê gớm khác là lòng hận thù thường xuyên nhắm vào tất cả các vị tổng thống, dưới mọi hình thức phỉ báng và đe dọa. Không có niềm tin, các vị tổng thống không thể thực hiện được chức năng của mình.



[1] Nghịch lý Zeno bao gồm nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực triết học được cho là do triết gia Hy Lạp Zeno xứ Elea đặt ra nhằm củng cố học thuyết “vạn vật quy nhất” của Parmenides, phủ định tính hiển nhiên của các giác quan, phủ nhận niềm tin vào có sự khác biệt hay có sự biến đổi, đặc biệt ông cho rằng mọi sự chuyển động không tồn tại vì đó chỉ là ảo giác mà thôi - ND.


No comments:

Post a Comment