June 27, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (9)

 (Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


 

CHƯƠNG 8

 

Tiên đề văn hóa và sự thật

 

Dẫn nhập

 

Cả cá nhân lẫn tập thể, việc quyết định cái gì là “thực” hoặc “đúng” và do đó, “quan trọng” thống trị tất cả các giai tầng xã hội và quyết định phong tục tập quán, đạo đức và luân lý, cũng như chính trị và pháp luật. Nó xác định nghĩa vụ, quyền tự do và trách nhiệm, cùng với các tùy chọn và lựa chọn thay thế. Sau đó, những niềm tin này trở thành nền tảng của nền văn hóa giữ thế thượng phong và dẫn đến những kỳ vọng về hành vi, thành quy tắc ứng xử thành văn hoặc bất thành văn, phản ánh những khác biệt rất lớn của các hệ thống giá trị. Huyền thoại văn hóa tạo được ảnh hưởng và thậm chí là xác định các mối quan hệ của dân chúng, cũng như cơ cấu và chức năng của chính phủ.

Tâm trí con người cho rằng điểm chung của hệ thống niềm tin là bằng chứng về sự thật, và tất nhiên là, lịch sử chứa đầy những ví dụ rõ ràng ngược lại (ví dụ, tác phẩm Extraordinary Popular Delusions của Mackay). Cách đây vài thế kỷ, mọi người đều tin rằng mặt trời quay quanh trái đất còn trái đất thì vuông. Những ví dụ này chỉ đơn giản là chứng minh rằng tất cả các thông tin đều mang tính giả định và không tuyệt đối, vì ngay cả “các quy luật” của khoa học cũng luôn luôn thay đổi (ví dụ, hiện nay chỉ có tám hành tinh chứ không phải chín hành tinh như người ta tưởng tượng trước tháng 8 năm 2006[1]).

Nền tảng của chính phủ và xã hội phản ánh sự khác biệt sâu rộng giữa các hệ thống niềm tin mang tính vị tha được xây dựng trên thực tại lại tạo ra các chính phủ nhân từ, hay ngược lại, tức là các chính phủ áp bức và bóc lột.

Trong quá khứ, các nền văn hóa giữ thế tượng phong được thiết lập bằng lực lượng chinh phục và quân sự và được cai trị bởi cảm hứng thất thường của các ông vua. Lúc đó, cũng như hiện nay, tôn giáo cũng được thiết lập và thực thi bằng gươm giáo và các liên minh chính trị của những người cầm quyền.

Trong mỗi nền văn hóa đều xuất hiện nhu cầu xác định quan hệ giữa người cai trị và dân chúng, cũng như giữa tôn giáo và nhà nước, và xác định những giới hạn của quyền lực. Bổn phận giữa nhà nước và tôn giáo luôn luôn xảy ra xung đột, và việc không giải quyết được những cuộc xung đột này thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như rút phép thông, chặt đầu hoặc bị thiêu sống. Tòa án dị giáo (điểm hiệu chỉnh 35) là ví dụ cực đoan về cuộc xung đột mà chế độ toàn trị thần quyền sử dụng, đây là hình thức áp bức cao nhất, nó làm cho người ta mất hết lòng tin vào quyền lực của giáo hội. Thái độ này được phản ánh một cách rõ ràng nhất trong Hiến pháp Mỹ - không những cho phép tự do không theo tôn giáo do chính phủ áp đặt, mà còn đảm bảo quyền tự do theo tôn giáo.

Không thể bỏ qua vai trò quan trọng của tôn giáo trong việc thành lập Hợp Chúng Quốc (Gingrich, 2006), vì, về mặt lịch sử, mục đích chính của những người cha lập quốc theo Thanh giáo là tìm kiếm tự do tôn giáo và tự do thể hiện, do đó, đấy là thực chất bên trong của quá trình thành lập chế độ dân chủ, như được viết trong Hiến pháp. Hiện nay người ta vẫn tiếp tục tranh luận về ý nghĩa của việc “thiết lập” tôn giáo hay “không cho” thể hiện tự do tôn giáo.

Do đó, cơ cấu chính trị phản ánh tổ chức và sự thể hiện của hệ thống niềm tin, chúng cho thấy vị trí chính xác của sức mạnh bên trong. Chính phủ chỉ là kho chứa chính thức các tư tưởng trong cơ cấu pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa những tư tưởng mang tính khái niệm vào ứng dụng cụ thể mà thôi. Tuy nhiên, cội nguồn sức mạnh bên trong và thẩm quyền thực sự là niềm tin của dân chúng vào sự thật của những tiền đề cơ bản mà người ta dựa vào. Như vậy là, chính phủ là cơ chế chuyển đổi thực tại của sự thật phi tuyến tính hay vọng tưởng của dối trá thành biểu hiện có tính thực dụng, chỉ hoạt động trong miền tuyến tính mà thôi.

Các hình thức và biểu hiện của chính trị thể hiện cốt lõi tinh túy các tiền đề đạo đức/tâm linh/tôn giáo phù hợp với quá trình áp dụng trên thực tế, thông qua pháp luật trong đời sống hàng ngày. Như vậy là, không có cách nào tránh được yêu cầu chung của con người trong việc phân biệt giữa “đúng và sai”; thậm chí, kể cả những người bài xích tôn giáo một cách cực đoan hoặc tội phạm trung thành với phân biệt nguyên thủy này. Các băng nhóm tội phạm và cả trong thế giới động vật cũng không được vi phạm quy tắc ứng xử đúng/sai. Ngược đời là, ngay cả những người chống lại đạo đức cũng bị vướng mắc trong thái độ lưỡng phân: nói rằng luân lý và đạo đức là “sai” (ví dụ, “không phải đạo về chính trị”).

Như lịch sử đã chứng tỏ một cách khéo léo, quá trình xử lý các khái niệm trong đối thoại chính trị thường nóng bỏng đến mức hàng triệu người đã bị thiêu chết trong cuộc xung đột. Sự điên cuồng trong lĩnh vực chính trị tạo ra bạo lực, cuồng tín và những hệ thống niềm tin cực đoan, trong đó việc tôn thờ nhà nước trở thành tôn giáo vì chính nó, được thể hiện bằng sự tôn thờ Mao Chủ tịch, Kim Jong-il, Ayatollah, Adolf Hitler, và nhiều người khác trong quá khứ cũng như trong thế giới ngày nay. Căn bệnh đặc trưng của chủ nghĩa toàn trị phát xít là những cuộc duyệt binh, điểm hiệu chỉnh 90. (Xin lưu ý những vụ trình diễn quân sự hiện nay ở Iran).

Trong khi những xã hội đó vẫn có thể chỉ nói suông về Chúa hay tôn giáo, thì những cuộc biểu tình rầm rộ thực sự được tổ chức là hậu quả không thể tránh được của tính ái kỷ theo lối cứu thế ác tính của lãnh tụ đã thế chỗ cho Chúa, trước mặt ông ta đám đông gào khóc cùng với những cảm xúc và kính sợ quá mức được thể hiện một cách  công khai.

Như đã nhận xét, Hiến pháp và cơ cấu cơ bản của chính phủ Hoa Kỳ là do những người theo tự nhiên thần giáo và hữu thần luận, chứ không phải do những người theo tôn giáo hoạt động trong lĩnh vực chính trị tạo ra. Như vậy là, Thần tính đã được chính thức công nhận là cội nguồn duy nhất của bình đẳng và tự do (“thông luật”) mà không cần coi bất kỳ tôn giáo cụ thể nào là ưu việt, có thể dẫn đến chế độ thần quyền.

Mệnh đề căn bản: “Ngôn luận tự do là nguồn gốc nữa của quyền thể hiện hay thể hiện tôn giáo như là thực tại văn hóa/xã hội”. Trong một số quyết định, tòa án đã mở rộng cửa, theo đó ngôn luận tự do được mở rộng đến mức thậm chí bao gồm cả những hành vi hoặc hành động của các bộ phận trong cơ thể người, được coi là “lối nói tượng trưng”. Nực cười là, phóng khoáng đến mức cực đoan như thế lại không cho phép ngôn luận tự do nhắc đến từ “Chúa” ở chỗ công cộng. Một lần nữa, đây lại là quan điểm ngược đời, ở chỗ tất cả các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống và Chánh án Tòa án tối cao, theo truyền thống, trong suốt nhiều thế kỷ vừa qua, đều tuyên thệ nhậm chức với bàn tay đặt tay lên cuốn Kinh Thánh.

Những phán quyết khác nhau như thế được đặt cạnh nhau sẽ dẫn đến câu hỏi về chủ quyền mang tính quy định của định kiến, lệch lạc và đao to búa lớn bất thường trong chính trị nhằm giành lợi ích. Những biến dạng như vậy xảy ra là do hậu quả tất yếu của việc thao túng một cách cố ý những cách giải thích nhằm khẳng định lời văn của luật pháp, nhưng đồng thời lại vi phạm tinh thần của luật pháp, bất kỳ người chính trực nào, những người mà sự ngây thơ chưa bị định vị lập trình cũng nhận ra ngay mục đích của nó. Có thể ngây thơ cho rằng bộ tư pháp sẽ cao hơn các meme hấp dẫn hoặc sự phổ biến nhất thời của các hệ tư tưởng của tương đối luận, có điểm hiệu chỉnh ý thức chỉ ở tầng 160.

Vừa nhún vai khi nhận ra mức độ quan trọng của những sai lầm chính trị xã hội, người ta vừa có thể hỏi, “Liệu bạn có muốn bác sĩ phẫu thuật có điểm hiệu chỉnh 160 mổ bụng bạn hay không?” Hay thậm chí làm thợ sửa xe, hoặc người đại diện hợp pháp của bạn?

Các nhà sử học đã nhận xét rằng, các chế độ dân chủ hiếm khi tồn tại quá vài trăm năm, vì chính những lý do mà Socrates là người đầu tiên chỉ ra. Ông nhìn nhận rằng tính chính trực sẽ khó có thể giữ thế thượng phong, vì quần chúng cử tri tự thưởng cho mình ngày càng nhiều lợi ích đến mức, cuối cùng, họ mất tự do. Về mặt này, đáng chú ý là, như đã nói trước đây, vào thời điểm này, khoảng 85% người dân trên thế giới có điểm hiệu chính dưới tầng 200 (ở Mỹ khoảng 15%), chứng tỏ biên độ an toàn đã bị thu hẹp đáng kể.

Những biểu hiện xã hội của thực tại tâm linh như những tầng của ý thức đã được ghi lại trong những tác phẩm trước (ví dụ, Truth vs. falehood, Chương 9). Các phương tiện truyền thông đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc lên con người hiện đại, những cái mà bên ngoài tưởng là sự thật lại chứa đựng cả những điều dối trá cùng cực, sau đó, được quảng cáo như thể nó có giá trị chính trực và tương đương với sự thật. Do vai trò quan trọng của nó, cho nên chủ đề này sẽ được thảo luận kỹ hơn trong chương sau. Bởi vì tâm trí, về bản chất, không thể phân biệt được tri giác với bản chất hay sự thật với giả dối (như được trình bày chi tiết trong Truth vs. Falsehood, Phần 1), tâm trí ngây thơ thường giả định là nhiều người tin, nhiều người đồng ý là sự thật. Như vậy là, tâm trí tìm kiếm xác nhận và tìm kiếm thông tin đáng tin cậy.

Về khía cạnh này, quan trọng là cần lưu ý rằng Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Anh) có điểm hiệu chỉnh 465, trong khi 50% thông tin trên Internet (cũng như 50% các blog) có điểm hiệu chỉnh bên dưới tầng tới hạn, 200. Do đó, ngay cả việc tìm kiếm một cách chính trực sự thật cũng dẫn đến thông tin sai. Lỗi tổng thể trong Britannica chỉ khoảng 5%. Không có gì ngạc nhiên, vì Britannica có những yêu cầu khắt khe và được thiết lập từ lâu.

Việc các phương tiện truyền thông chứa đụng thông tin sai là hậu quả của vọng tưởng là do meme dễ nhớ, dễ thuộc, “Công bằng và cân bằng”, tạo ra. Tất nhiên, hàm ý là, theo tương đối luận, dối trá có giá trị chẳng khác gì sự thật, đây là giả định vô lý chỉ dựa trên giá trị bề ngoài. Ví dụ, chúng ta có thể coi trái đất là phẳng như một lời khẳng định công bằng và cân bằng với quan điểm cho rằng trái đất hình cầu. Nó lại có thể được chau truốt thêm trên cơ sở meme giả dối, “Câu hỏi nào cũng có hai mặt”. (Câu này được hiệu chỉnh là sai và thực ra là nhận xét của một quan chức nhà nước bị bắt quả tang, trên băng video, khi đang ăn trộm tiền và giấu nó trong những chiếc hộp thiếc ở tầng hầm nhà ông ta).

Do đó, sự công nhận của xã hội ít có giá trị, đấy là nói trong khi ta cố gắng tìm sự thật. Ngay cả những kinh văn tôn giáo nền tảng cũng có khác biệt rất lớn trong các tầng sự thật trong những câu văn khác nhau, một số chỉ có điểm hiệu chỉnh ở tầng thấp, 70 (xem Chương 16, Truth vs. Falsehood), một số hệ thống niềm tin phổ biến thì cũng thế (xem Chương 17). Thật chẳng có đạo lý gì khi nói rằng sự thật trong chính trị/kinh tế/xã hội phụ thuộc nhiều vào giá dầu chứ không dựa vào bất kỳ thước đo giá trị có thể kiểm chứng được nào khác. Xem xét việc khoan dầu ở Mỹ tự nó đã tạo ra cuộc chiến khốc liệt giữa các hệ tư tưởng, ở nước này, phái môi trường luận thích kiện tụng đã ngăn chặn việc khoan bất kỳ giếng mới nào hoặc xây dựng bất kỳ nhà máy lọc dầu mới nào. Kết quả là người ta đã ném một khoản tiền khổng lồ vào những khu vực căm ghét nước Mỹ nhất trên thế giới. Quá trình dịch chuyển quyền lực như thế tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố trở thành thậm chí là hung hăng hơn, làm gia tăng sự căng thẳng của cuộc đụng độ giữa các nền văn minh, giữa thái độ hân hoan chiến thắng của Hồi giáo và giá trị truyền thống của nền văn minh phương Tây.



Các xu hướng văn hóa hay hệ thống niềm tin có chính trực hay không chính trực thực ra là phụ thuộc vào nhiều yếu tố - ý định và bối cảnh cũng như nội dung. Sự kiện là sự thật thường bị bóp méo và được sử dụng nhằm thực hiện và ngược đời là, ủng hộ dối trá cho chúng ta biết điều đó. Bằng cách làm lạ lùng như thế, một sự kiện có thể chứng minh được lại được diễn giải theo cách sao cho dường như là bằng chứng ủng hộ cho ý kiến hoàn toàn ngược lại, sau đó được sử dụng nhằm ủng hội những cáo buộc sai trái (ví dụ, ngụy biện “người rơm”). Ác ý thường được ngụy trang dưới dạng vô tội giả tạo.

Trái ngược với việc bóp méo sự thật vì những mục đích lén lút, trung thực công khai bao gồm cả bối cảnh lẫn nội dung. Đây là cơ sở của đạo đức mang tính tình huống, trong đó thừa nhận rằng một hành động được đánh giá là đúng hay sai và đúng sai đến mức độ nào phụ thuộc vào bối cảnh, trong đó có hoàn cảnh và quan trọng là ý định. Nó được minh họa bằng việc áp dụng chứng cứ diễn ra mỗi ngày trong phòng xử án hình sự, đấy là xác định động cơ, cũng như luật pháp Liên bang nhằm bảo vệ công dân trong thời chiến.

Mặc dù niềm tin được nhiều người chia sẻ có sức thuyết phục, nhưng nó không chứng tỏ là sự thật. Như sẽ được chỉ ra trong phần sau, các phương tiện truyền thông chơi trò chơi thao túng qua lại này như là con “quay” đã bị chính trị hóa. Những đe dọa tấn công của các phương tiện truyền thông hiện đang được sử dụng bằng những cuộc tấn công của các “blog”, phối hợp với những dối trá ác độc được dàn dựng một cách khéo léo (tức là hăm dọa tống tiền). Dưới khẩu hiệu “ngôn luận tự do”, cộng với việc tuyên truyền qua Internet, những trang web “thù hận” có được chỗ đứng và làm cho văn minh phương Tây ngày càng suy thoái thêm. 

Không phụ thuộc vào lập trình xã hội 

Những biện pháp nhằm bảo vệ để không bị xã hội lập trình: (1) về cảm xúc nên đứng tách ra, coi tất cả thông tin đều là vô thường, chóng qua, (2) nhận thức rằng, suy nghĩ bình thường không thể phân biệt được tri giác với bản chất, và (3) biết rằng sói thường đội lốt cừu. Đây là áp dụng vào thực tế nguyên tắc cơ bản của câu châm ngôn “mặc thế giới như thể đấy là bộ quần áo mỏng manh”. “Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian” là một cách sống, nó tạo điều kiện cho tương tác và hoạt động theo lối tự phát.

Để không bị thế gian lôi kéo, nhiều người có xu hướng tâm linh thường tìm nơi ẩn dật, một số thậm chí còn từ bỏ công việc thế gian và gia nhập các cộng đồng tôn giáo. Về khía cạnh này, cần chỉ ra rằng, từ bỏ thực sự thực ra là thái độ và kỷ luật ở bên trong, không phải là từ bỏ những biểu hiện ở bên ngoài mà là từ bỏ sức cuốn hút của những phóng chiếu của chính bản ngã. Theo truyền thống, ngày Sabbath là ngày suy ngẫm và tách khỏi những hoạt động bình thường, bằng cách đó, vai trò quan trọng vượt trội của đời sống tâm linh lâu dài đã được chính thức công nhận và thực hiện bằng thái độ tận tâm và rút lui khỏi công việc trần thế và lo lắng về tiền bạc, ví dụ như hoạt động kinh doanh.

Người ta mong muốn tiếp tục tham gia vào công việc thế gian và tham gia theo phong cách nào là kết quả của tầng ý thức giữ thế thượng phong và ý định tâm linh tổng thể, cũng như mức độ tận tâm của người đó. Thế giới cung cấp cơ hội tối đa cho quá trình phát triển tâm linh và động lực, thể hiện bằng thiện nghiệp và xóa bỏ ảnh hưởng của ác nhiệp đã làm trong quá khứ và những hậu quả mang tính tâm linh của chúng.

Một con đường truyền thống là thông qua những việc làm nhân đạo và phụng sự vô ngã vị tha (Karma Yoga). Những thảm họa lớn thường cho thấy những biểu hiện dồi dào của nhận thức tâm linh bên trong mỗi người, trong đó tâm từ bi và vị tha được mọi giai tầng trong xã hội, và thậm chí cả chính phủ, thể hiện một cách chân thực. Như vậy là, dưới cái vẻ bề ngoài dường như là hoài nghi, chủ nghĩa duy vật, thích những thứ giật gân, vẫn còn đó trái tim năng động, có sức mạnh của tình người.

Mặc cho tất cả những lời chỉ trích và phản đối, đã được nhắc tới bên trên, nước Mỹ là quốc gia hào phóng nhất trên thế giới và những khoản viện trợ nhân đạo của nước này gấp hàng trăm lần bất kỳ quốc gia nào khác. Đây là kết quả của những nỗ lực cá nhân (89% hộ gia đình ở Mỹ), cộng với các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện, trong đó có các tổ chức phi lợi nhuận, nhà thờ, và những tổ chức tương tự khác (Philanthropic Research, 2006). Phẩm chất độc đáo này của xã hội Mỹ đã được ghi nhận từ lâu, ngay từ năm 1835, trong tác phẩm nổi tiếng Democracy in America (Nền dân trị Mỹ) do Alexis de Tocqueville chấp bút. Cũng xin lưu ý rằng, Mỹ đã xây dựng lại toàn bộ châu Âu bị chiến tranh tàn phá, sau Thế chiến II và hiện nay vẫn trả 27% tổng chi phí của Liên hợp quốc.

Trái ngược với những điều vừa nói, những nước có thái độ thù địch nhất với Mỹ luôn cung cấp rất ít hoặc thậm chí là chẳng cung cấp gì cho những khu vực nghèo đói hoặc những khu vực cơ cực trên thế giới, mặc dù họ thu được những món lợi khổng lồ từ dầu mỏ và tích lũy được rất nhiều tài sản. May mắn là, sự hào phóng, nhân từ và hoạt động từ thiện, nói chung, thường không được dán nhãn hoặc được coi là các giá trị “tâm linh”, nếu không, có lẽ những hoạt động này cũng bị những người theo chủ nghĩa thế tục cực đoan tấn công, vì họ có thể khẳng định rằng, bằng cách thực hiện các chương trình nhân đạo, chính phủ Mỹ đã hỗ trợ các hoạt động tôn giáo/tâm linh một cách bất hợp pháp. 

Trí tuệ và sự nổi tiếng 

Chính phủ là biểu hiện của hệ tư tưởng gắn liền với các hệ thống chính trị, chúng khác nhau rất nhiều, từ những chế độ và nền quân chủ man rợ, áp bức, toàn trị đến những người cai trị ôn hòa, mang lại hòa bình và thịnh vượng. (Bảng sau đây được in lại từ Truth vs. Falsehood).

 

Các hệ thống chính trị

Chủ quyền nhân từ

500

Chủ nghĩa tập thể

175

Chế độ quả đầu

450

Chế độ dân chủ/Cộng hòa

410

Dân tộc Iroquois[2]

399

Liên minh

345

Chủ nghĩa xã hội

305

Chế độ quân chủ

200

Chế độ phong kiến

145-200

Bộ lạc

200

Chế độ thần quyền

175

Chủ nghĩa cộng sản

160

Chế độ độc tài

135

Chủ nghĩa phát xít

125

Vô chính phủ

100

 

 

 Như có thể thấy, các chính phủ có lợi nhất đều xuất phát từ những người cai trị nhân từ, chẳng hạn như những người chịu trách nhiệm trong nhiều thế kỷ cho hòa bình và thịnh vượng ở Trung Quốc cổ đại, nơi xã hội hòa hợp và hợp tác là kết quả của sự tôn trọng trí tuệ chính trực. Lãnh đạo thông qua ban cố vấn gồm những người có học và có tài là tin cậy vào trí tuệ đã được chứng minh, như người Mỹ da đỏ cũng như các bộ lạc khác đã làm trong suốt nhiều thế kỷ. Quốc gia Iroquois được coi là hình mẫu cho chế độ dân chủ và đã tạo được ảnh hưởng đáng kể lên nền tảng của cơ cấu của Chính phủ Mỹ. Nội các của Tổng thống Mỹ cũng tương tự như ban cố vấn gồm những người có học và có tài. (Chính phủ Mỹ có điểm hiệu chỉnh 455).

Như đã nhận xét bên trên, mặc cho những lời chỉ trích của phái dân túy, trí tuệ tạo được những kết quả vững chắc đầy giá trị và đưa đến kết quả là Hoa Kỳ là quốc gia từ thiện nhất thế giới, đấy là do thái độ hào phóng của các công dân Mỹ, cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ Hoa Kỳ và những quỹ từ thiện khổng lồ. (Buffett, Carnegie, Gates, Ford, Rockefeller và những quỹ từ thiện khác đã quyên góp được nhiều hơn tất cả các nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Quốc cộng lại).

Xã hội Mỹ có điểm hiệu chỉnh 421 (Tháng 11 năm 2007). Ngược lại, những người phê phán theo lối dân túy (ví dụ, Hollywood) có điểm hiệu chỉnh tập thể là 190. (Liên hoan phim Sundance gần đây nhất có điểm hiệu chỉnh 165). Như vậy là, trong khi chủ nghĩa dân túy kêu gọi ái kỷ, không ai muốn - như đã chỉ ra bên trên - bác sĩ phẫu thuật, kế toán viên, luật sư, hay thậm chí là một tài xế xe buýt chỉ có điểm hiệu chỉnh 190. Thú vị là, trong khi tầng ý thức của nước Mỹ là 421, Singapore, xuất phát chế độ quả đầu, có điểm hiệu chỉnh 440, và gần như không có tội phạm.

Áp dụng các nguyên tắc cơ bản của trí tuệ đòi hỏi kỷ luật tự giác, tính chính trực cá nhân, làm việc chăm chỉ, tôn trọng mình và tôn trọng người khác, và thường là hy sinh chính mình, nghĩa là trì hoãn thỏa mãn ngay lập tức nhằm giành được các mục tiêu dài hạn (“đạo đức Tin lành”).

Những nhà lãnh đạo chính phủ gây ra những vụ phá hoại lớn nhất là những kẻ độc tài, ảnh hưởng cả họ đối với đất nước mình là tàn phá. Tình trạng chung như thế là do các giá trị bị sự cuồng loạn của đám đông và việc thúc đẩy tệ sùng bái cá nhân thổi phồng lên. Do đó, chế độ tập thể của Mao Chủ tịch, có điểm hiệu chỉnh 175 và làm cho 30 triệu người chết đói. Trung Quốc hiện có điểm hiệu chỉnh 385, và kỳ lạ là, nó thể hiện lợi ích của việc thiết lập nguyên tắc kinh doanh thực dụng (như được minh họa bằng cách làm của Sam Walton). Như vậy là, câu châm ngôn xưa cũ đã chứng minh rằng con đường dẫn đến thành công là bắt chước nó chứ không ghen tị hay ma quỷ hóa nó. 

Những biện pháp đối phó với vọng tưởng văn hóa 

Công trình nghiên cứu về nền văn minh phương Tây chỉ ra rằng tầng tổng thể của ý thức của nó đang bị suy giảm vì những lý do đã được Đức Giáo Hoàng Benedict tuyên bố một cách ngắn gọn (tương đối luận cộng với cuộc xâm lược của Hồi giáo và “Thánh chiến bằng văn hóa”; xem Burton và Stewart, 2007.) Suy giảm là kết quả của những ảnh hưởng xã hội và trí tuệ thông qua các phương tiện truyền thông, giới hàn lâm và quá trình chính trị hóa từ những tầng ý thức thấp hơn, được tài trợ hậu hĩnh từ những các nguồn có điểm hiệu chỉnh dưới tầng ý thức tới hạn, 200 (“kẻ môi giới quyền lực”). Kết quả chung cuộc là tính ái kỷ ngày càng giữ thế thượng phong, nó lại được người ta rêu rao là “tiến bộ”, “ngôn luận tự do” hay “nhân quyền” và hướng tới tính ích kỷ. Như vậy là, ngay cả giáo dục chính quy cũng không còn là biện pháp bảo vệ nhằm chống lại thái độ phi chính trực trắng trợn và dối trá tràn lan nữa.

 

Sau đây là những biện pháp đối phó thiết thực nhất:

1. Hòa điệu về mặt tâm linh với sự thật (tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thay đổi thuận lợi trong hóa học não).

2. Tinh tế về trí tuệ nhờ làm quen với Great Books of the Western World.

3. Nhận thức về Bản đồ ý thức.

4. Nâng cao tầng ý thức của chính mình bằng cách làm theo và thực hành những giáo lý tâm linh đã được xác minh và các nguyên tắc phân biệt thật giả. 

Những hạn chế của trí tuệ và sự thật xã hội có giá trị 

Mặc dù chính  trực và trí tuệ tập thể hỗ trợ hạnh phúc và sự sống còn, nhưng đấy không phải là đảm bảo rằng chúng biết tuốt hay có khả năng không mắc sai lầm hoặc khiếm khuyết. Nhân loại nói chung đang bước đi trên con đường tiến hóa, và đời sống trên trái đất không phải là thiên đàng. Giá trị bẩm sinh của đời sống của con trên trái đất là mang lại cơ hội cao nhất cho quá trình phát triển tâm linh thông qua cơ chế tự do ý chí - tùy chọn và lựa chọn. Như vậy là, đời sống con người là cơ hội cao nhất cho quá trình siêu việt ác nghiệp và tích thiện nghiệp. Chấp nhận giới hạn của con người, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể, tạo điều kiện cho thái độ nhẫn nại, tha thứ và từ bi chứ không lên án. Sự tiến bộ của con người là quá trình tiến hóa, và do đó, sai lầm và lầm lỗi là không thể tránh được. Bi kịch thực sự duy nhất là già đi nhưng không khôn ngoan hơn.



[1] Trước đây có cả sao Diêm Vương, nhưng đã bị loại ra do không đáp ứng được tiêu chí ba trong định nghĩa của IAU 2006 – ND.

[2] Iroquois còn được gọi là Liên đoàn Iroquois và sau đó là Liên minh Iroquois, là liên minh bản địa ở đông bắc Bắc Mỹ. Nó tồn tại như một hiệp định hòa bình được ký kết giữa các bộ tộc hùng mạnh người Iroquois (người Mỹ bản địa) vào thế kỳ XVII, nhằm ngăn chặn các cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc, từ nền tảng đó các bộ lạc giúp đỡ nhau, liên kết và phụ thuộc lẫn nhau nhằm chống lại sự hiện diện ngày càng đông của thực dân châu Âu có mặt ở bờ biển phía Đông - ND.

3 comments:

  1. Tuyệt hay, chương nào bác dịch cũng xuất sắc ạ. Cảm ơn bác và chúc bác nhiều sức khỏe.

    ReplyDelete
  2. Câu kết luận của chương 8 quá hay luôn bác ạ "Mặc dù chính trực và trí tuệ tập thể hỗ trợ hạnh phúc và sự sống còn, nhưng đấy không phải là đảm bảo rằng chúng biết tuốt hay có khả năng không mắc sai lầm hoặc khiếm khuyết. Nhân loại nói chung đang bước đi trên con đường tiến hóa, và đời sống trên trái đất không phải là thiên đàng. Giá trị bẩm sinh của đời sống của con trên trái đất là mang lại cơ hội cao nhất cho quá trình phát triển tâm linh thông qua cơ chế tự do ý chí - tùy chọn và lựa chọn. Như vậy là, đời sống con người là cơ hội cao nhất cho quá trình siêu việt ác nghiệp và tích thiện nghiệp. Chấp nhận giới hạn của con người, cả về mặt cá nhân lẫn tập thể, tạo điều kiện cho thái độ nhẫn nại, tha thứ và từ bi chứ không lên án. Sự tiến bộ của con người là quá trình tiến hóa, và do đó, sai lầm và lầm lỗi là không thể tránh được. Bi kịch thực sự duy nhất là già đi nhưng không khôn ngoan hơn"

    ReplyDelete