June 30, 2022

[Chủ nghĩa tự do cá nhân - lược khảo] Chương 1 - Chủ nghĩa tự do cá nhân đang đến gần (Phần 1)

 


Năm 1995, các nhà thăm dò dư luận của Gallup [một công ty thăm dò dư luận uy tín hàng đầu trên thế giới – ND] phát hiện ra rằng 39% người Mỹ nói là “chính phủ liên bang đã quá lớn và nắm giữ quá nhiều quyền lực, đến mức trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với các quyền và sự tự do của người công dân bình thường”. Những nhà thăm dò dư luận này không tin và đã làm một cuộc điều tra nữa, họ bỏ từ “trực tiếp” đi. Lần này, số người đồng ý là 52%.   

Sau đó ít lâu, tờ USA Today đăng trên trang nhất câu chuyện về những người Mỹ sinh ra trong giai đoạn bùng nổ dân số, nói rằng “nhiều người trong số 41 triệu người thuộc thế hệ X . . . đang quay sang với triết lý cũ mà dường như bất ngờ trở thành mới: chủ nghĩa tự do cá nhân” (libertarianism). Bảì tường trình trên trang nhất tờ Wall Street Journal cũng đồng ý như thế: “Nhiều đòi hỏi hiện nay [của cử tri] được đưa ra không còn theo nghĩa cộng hòa truyền thống hay thậm chí là bảo thủ nữa. Đấy là những đòi hỏi của chủ nghĩa tự do cá nhân… Do thái độ coi thường chính phủ ngày càng gia tăng, dường như ngày càng có nhiều người Mỹ – thường là họ không tự nhận thức được – hướng về chủ nghĩa tự do cá nhân”.

Năm 1995, viết trên tờ Washington Post về việc nhiều người Mỹ nói rằng họ sẽ chào đón đảng thứ ba, nếu đảng này được thành lập, David Broder nhận xét như sau:

Ngoài thái độ thất vọng với các chính khách của cả hai đảng ở Washington, đặc điểm nổi bật của những cử tri độc lập tiềm tàng này là tư tưởng tự do cá nhân. Họ bày tỏ thái độ hoài nghi với đảng Dân chủ vì đồng nhất Đảng này với chính phủ lớn. Họ có thái độ cảnh giác với đảng Cộng hòa vì ảnh hưởng của những người cánh hữu theo tôn giáo trong nội bộ Đảng này.

Từ đâu mà các phương tiện thông tin đại chúng lại bất ngờ quan tâm tới chủ nghĩa tự do cá nhân như thế? Như tờ USA Today nhận xét, chủ nghĩa tự do cá nhân rất hấp dẫn giới trẻ, vì nó nghi ngờ quan điểm của số đông và phủ nhận tư tưởng cổ lỗ sĩ của những người sùng bái nhà nước. Cá nhân tôi, lúc còn học đại học, khi lần đầu tiên tôi phát hiện ra những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân, tôi cũng nghĩ rằng rõ ràng là tuyệt đại đa số người theo chủ nghĩa tự do cá nhân là những người còn trẻ (mặc dù tôi cũng mù mờ nhận thấy, những cuốn sách viết về chủ nghĩa tự do cá nhân mà tôi đọc lúc đó là do những người có tuổi chấp bút). Không phải là những người trẻ tuổi thì ai có thể chia sẻ tầm nhìn kiên cường như thế về quyền tự do cá nhân? Khi tham dự sự kiện đầu tiên do những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân tổ chức bên ngoài khuôn viên đại học, tôi đã khá ngạc nhiên khi người đầu tiên tôi gặp đã gần bốn mươi, tuổi tác mà lúc đó tôi cảm thấy là đã khá già. Sau đó là một người nữa, một phụ nữ chưa đến ba mươi tuổi, đúng kiểu người mà trước đó tôi nghĩ là mình sẽ gặp ở đây. Nhưng câu hỏi đầu tiên của chị lại là: “Anh có thấy bố mẹ tôi không?” Chẳng bao lâu sau thì tôi biết rằng cha mẹ chị đều đã khoảng sáu mươi tuổi, là những nhà hoạt động theo chủ nghĩa tự do cá nhân hàng đầu ở bang này và thế là tôi vĩnh viễn chia tay với quan niệm sai lầm của mình về việc người như thế nào thì mới trở thành người theo chủ nghĩa tự do cá nhân. Tôi phát hiện ra rằng cha mẹ của chị phụ nữ trẻ kia và hàng triệu người Mỹ hiện đang chia sẻ triết lý tự do cá nhân là những người bám chắc vào truyền thống lâu đời của nước Mỹ về quyền tự do cá nhân và chống lại nhà nước mang tính cưỡng bức.

Chủ nghĩa tự do cá nhân là quan điểm cho rằng mỗi người đều có quyền sống theo cách mà mình thích, miễn là người đó tôn trọng quyền của những người khác. Những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân bảo vệ quyền sống, quyền tự do và tài sản của mỗi người – đấy là những quyền mà người ta được hưởng một cách tự nhiên, trước cả khi nhà nước được thành lập.

Theo quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân, tất cả các mối quan hệ giữa người với người đều phải là tự nguyện, những hành động duy nhất mà luật pháp phải cấm là những hành động bạo lực chống lại những người không sử dụng bạo lực, ví dụ, giết người, hiếp dâm, cướp, trộm, bắt cóc và lừa bịp.

Tuyệt đại đa số người dân tin vào và sống theo quy tắc đạo đức này. Nhưng những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân cho rằng quy tắc này phải được áp dụng một cách nhất quán – và đặc biệt là phải áp dụng cho những hành vi của cả chính phủ lẫn hành vi của cá nhân. Các chính phủ tồn tại là để bảo vệ các quyền, bảo vệ chúng ta khỏi những người có thể sử dụng bạo lực chống lại chúng ta. Khi chính phủ sử dụng bạo lực chống lại những người không vi phạm quyền của những người khác thì chính phủ trở thành kẻ vi phạm các quyền. Vì thế mà những người theo chủ nghĩa tự do cá nhân lên án những hành động của chính phủ, như kiểm duyệt, bắt đi nghĩa vụ quân sự, kiểm soát giá cả, tịch thu tài sản, cũng như can thiệp vào đời sống cá nhân và hoạt động kinh tế của chúng ta.

Trình bày một cách thẳng thừng như thế, quan điểm của chủ nghĩa tự do cá nhân có thể bị coi là phi hiện thực, giống như học thuyết dành cho thế giới của các thiên thần, chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có. Có chắc là trong cái thế giới hỗn độn và thường rất khó chịu này chính phủ phải gánh vác rất nhiều công việc hay không? Kỳ lạ là câu trả lời lại là: Không. Trên thực tế, thế giới càng hỗn độn và càng hiện đại thì chủ nghĩa tự do cá nhân càng hoạt động hiệu quả hơn – đấy là nói so với chế độ quân chủ, độc tài, thậm chí là so với cả nhà nước phúc lợi của Mỹ sau Thế chiến II. Sự thức tỉnh về mặt chính trị ở Mỹ hiện nay là bằng chứng đầu tiên và cao nhất về việc chủ nghĩa tự do cá nhân không phải là kỷ vật của quá khứ. Đấy là một triết lý – đúng hơn, phải nói đấy là một kế hoạch mang tính thực tiễn cho tương lai. Trong nền chính trị Mỹ, đấy là đội quân tiên phong – không phải là hậu quân mà là tiền quân.

 Tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân hiện đã lan truyền rộng rãi, còn chính phủ Mỹ thì phình ra và lố bịch đến mức hai nhà văn khôi hài nhất ở Mỹ, cũng là những người theo trường phái tự do cá nhân. E J. O'Rourke tóm tắt triết lý chính trị của ông như sau: “Đưa tiền và quyền cho chính phủ cũng chẳng khác gì đưa chai whiskey và chìa khóa xe ô tô cho thằng con trai vị thành niên”. Dave Barry hiểu chính phủ cũng gần rõ ràng như Tom Paine: “Cách tốt nhất để tìm hiểu toàn bộ vấn đề này là nhìn xem chính phủ làm gì: lấy tiền của một số người, sau khi đút túi phần lớn số tiền đó, rồi cho một số người khác số còn lại”.

Chủ nghĩa tự do cá nhân là triết lý cũ, nhưng hệ thống quan điểm của nó về tự do trong khuôn khổ của luật pháp và tiến bộ kinh tế làm cho nó trở thành đặc biệt phù hợp với thế giới năng động mà chúng ta đang bước vào – dù có gọi là Thời Đại Thông Tin, Làn Sóng Thứ Ba, hay Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Lần Thứ Ba thì cũng vậy mà thôi.

Sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do cá nhân

Một số người có thể hỏi tại sao người dân ở một nước nói chung là tự do và thịnh vượng như nước Mỹ lại cần một triết lý mới về chính quyền. Chúng ta không hoạt động tốt trong hệ thống hiện thời hay sao? Đúng là chúng ta đang sống trong cái xã hội đã mang lại sự thịnh vượng chưa từng có cho nhiều người hơn bất kỳ xã hội nào khác trong quá khứ. Nhưng chúng ta cũng đang trực diện với nhiều vấn đề - thuế khóa cao, trường học kém hiệu quả, căng thẳng về mặt chủng tộc, suy thoái môi trường – mà cách tiếp cận hiện nay không thể nào giải quyết được. Chủ nghĩa tự do cá nhân có thể giải quyết được những vấn đề này, như tôi sẽ cố gắng chứng minh trong những trang sau. Còn bây giờ, xin được trình bày ba lý do vì sao chủ nghĩa tự do cá nhân lại là phương pháp tiếp cận thích hợp đối với nước Mỹ trước thềm thiên niên kỷ mới.

Thứ nhất, chúng ta chưa đến gần được mức độ thịnh vượng mà đáng lẽ ra chúng ta có thể đến. Nếu nền kinh tế của chúng ta phát triển với tốc độ như trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1973 thì tổng sản phẩm quốc nội của chúng ta đã lớn hơn hiện nay tới 40%. Nhưng chỉ so sánh như thế sẽ không thấy hết được bức tranh thực sự của những tác hại về mặt kinh tế mà chính phủ quá khổ gây ra cho chúng ta. Trong thế giới của thị trường toàn cầu và thay đổi công nghệ đang ngày càng nhanh hơn này, chúng ta không phát triển được với tốc độ như trong vòng bốn mươi năm qua – chúng ta phải phát triển nhanh hơn. Tin tưởng hơn nữa vào thị trường và hoạt động kinh doanh của cá nhân có nghĩa là sẽ có nhiều của cải hơn cho tất cả chúng ta, điều này lại càng đặc biệt quan trọng đối với những người nghèo nhất hiện nay.

 Thứ hai, như đã nói bên trên, 52% người Mỹ nói với người thăm dò dư luận xã hội, tỷ lệ đã khiến họ tỏ ra bị rối trí, rằng chính phủ của chúng ta đã nắm giữ quá nhiều quyền lực và ngày càng trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với quyền tự do. Chính phủ thu quá nhiều thuế, quản lý quá nhiều và can thiệp quá nhiều. Các chính khách, từ Jesse Helms tới Jesse Jackson đều tìm cách áp đặt những tiêu chuẩn đạo đức của họ cho 250 triệu người Mỹ. Những sự kiện như là cuộc tấn công vào dòng tu Davidian (Branch Davidians), những vụ bắn giết Vicki Weaver và Donald Scott, vụ đánh đập Rodney King và những cố gắng ngày càng gia tăng của chính phủ nhằm chiếm đoạt tài sản tư nhân mà không cần tòa án gây ra cho chúng ta nỗi sợ hãi trước một chính phủ đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát và nhắc nhở chúng ta về nhu cầu tái thiết lập những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền lực.

Thứ ba, trong thế giới đang thay đổi rất nhanh, nơi mỗi người đều có khả năng tiếp cận chưa từng có tiền lệ với thông tin, các cơ quan quản lý hành chính quan liêu và những quy định mang tính cưỡng bức không thể bắt kịp nền kinh tế. Sự hiện diện của các thị trường vốn mang tính toán cầu có nghĩa là các nhà đấu tư không để cho các chính phủ quốc gia và hệ thống thuế khóa có tính cướp bóc của họ bắt làm con tin. Sự phát triển của công nghệ thông tin có nghĩa là ngày càng có nhiều người lao động có khả năng lẩn trốn những khoản thuế quá cao và những chính sách có tính can thiệp của chính phủ. Trong thế kỷ XXI, những quốc gia có thể thu hút những người có năng suất cao sẽ là những quốc gia thịnh vượng. Muốn mở cánh cửa dẫn vào tương lai vô giới hạn thì chính phủ phải bị giới hạn.

 Thế kỷ XX là thế kỷ của quyền lực nhà nước, từ Hitler và Stalin đến những nhà nước toàn trị đằng sau bức màn sắt, từ các chế độ độc tài trên khắp Phi châu cho đến những nhà nước phúc lợi quan liêu bao cấp ở Bắc Mỹ và Bắc Âu. Nhiều người cho rằng, cùng với thời gian, thế giới ngày càng phức tạp hơn, các chính phủ đương nhiên là sẽ phình ra và có nhiều quyền lực hơn. Nhưng, trên thực tế, trong nhiều lĩnh vực, thế kỷ XX là một bước lệch khỏi lịch sử 2.500 năm của thế giới phương Tây. Từ thời Hy Lạp cổ đại, lịch sử phương Tây chủ yếu là lịch sử của quyền tự do ngày càng rộng mở và vai trò ngày càng hạn chế của chính phủ mang tính cưỡng bức và độc đoán.

Hiện nay, vào giai đoạn cuối thế kỷ XX, có những dấu hiệu chứng tỏ rằng có thể chúng ta đang trở lại với những biện pháp nhằm hạn chế chính phủ và mở rộng tự do. Cùng với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, chẳng còn mấy người ủng hộ kế hoạch hóa tập trung nữa. Các nước thuộc Thế giới Thứ ba đang tiến hành tư nhân hóa các ngành công nghiệp quốc doanh và tự do hóa các thị trường. Sau khi đưa chủ nghĩa tư bản vào, các nước thuộc vành đai Thái Bình Dương đã chuyển từ nghèo đói thành những nước dẫn đầu thế giới về kinh tế chỉ trong vòng một thế hệ.

 Ở Mỹ, sự hồi sinh của những tư tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân, vốn là nền tảng của đất nước này, đang là mối đe dọa đối với bộ máy nhà nước quan liêu khổng lồ. Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của những kỳ vọng được nhiều người ấp ủ về nhà nước phúc lợi và hiếu chiến. Người Mỹ đã nhìn thấy sự thất bại của chính phủ lớn. Trong những năm 1960, họ đã thấy các chính phủ tiến hành những cuộc chiến tranh mà họ không thể nào thắng được, đã thấy các chính phủ theo dõi những người đối lập ở trong nước và nói dối về chuyện đó. Trong những năm 1970, họ đã thấy rằng chính phủ quản lý kinh tế dẫn đến nạn lạm phát, thất nghiệp và trì trệ. Trong những năm 1980, họ lại thấy rằng chi tiêu và sự can thiệp của chính phủ ngày càng gia tăng ngay cả khi các ứng cử viên tổng thống hứa hẹn là họ sẽ thay đổi tình hình. Còn bây giờ, trong những năm 1990, chúng ta đã sẵn sàng áp dụng những bài học đó nhằm biến thế kỷ XXI thành thế kỷ của những cá nhân tự do chứ không phải là thế kỷ của nhà nước.

Có hai lý do chính cho những thay đổi như thế. Thứ nhất, người dân trên khắp thế giới ngày càng nhận thức được sự bạo ngược và bất lực cố hữu đã ăn sâu bén rễ trong các kế hoạch của nhà nước. Thứ hai, sự phát triển của những phong trào chính trị bắt nguồn từ những ý tưởng, đặc biệt là từ những ý tưởng của chủ nghĩa tự do cá nhân. Như E. J. Dionne, Jr., viết trong cuốn Vì sao người Mỹ ghét chính trị (Why Americans Hate Politics): “Sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do cá nhân là hiện tượng ít người biết, nhưng lại là hiện tượng nổi bật nhất trong mấy năm gần đây. Trong những năm 1970 và 1980, thái độ phản chiến, thái độ chống toàn trị, chống chính phủ và chống thuế đã liên kết lại nhằm làm sống lại xu hướng chính trị đã mơ màng ngủ suốt một thời gian dài”.

Tại sao sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do cá nhân lại diễn ra trong giai đoạn hiện nay? Nguyên nhân chính là tất cả những ý tưởng thay thế cho chủ nghĩa tự do cá nhân – chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, nhà nước phúc lợi – đều đã được người ta đem ra áp dụng trong thế kỷ XX và tất cả đều thất bại, đều không thể thiết lập được hòa bình, thịnh vượng và tự do.

Chủ nghĩa phát xít, điển hình là nước Ý thời Mussolini và nước Đức thời Hitler, cáo chung trước tiên. Ngày nay bất cứ người văn minh nào dường như cũng đều tỏ ra ghê tởm với việc quản lý tập tung nền kinh tế và chủ nghĩa tập thể mang tính sắc tộc, cho nên có thể chúng ta đã quên mất rằng trước Thế chiến II nhiều trí thức phương Tây từng thán phục “những hình thức tổ chức kinh tế mới ở Đức và Ý”, như tờ tạp chí Nation viết vào năm 1934. Sự khiếp sợ trước chủ nghĩa xã hội quốc gia ở Đức đã tạo điều kiện cho việc hình thành không chỉ phong trào bảo vệ nhân quyền mà còn xuất hiện những cánh chim báo hiệu sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do cá nhân, ví dụ như tác phẩm Chúa tể của máy móc (The God of the Machine) của Isabel Paterson và Đường về nô lệ (The Road to Serfdom) của Friedrich A. Hayek.

Một hệ thống toàn trị to lớn khác của thế kỷ XX là chủ nghĩa cộng sản, do Karl Marx (1818-1883) phác thảo và được đem ra áp dụng ở Liên Xô và các nước chư hầu của nước này. Chủ nghĩa cộng sản giữ được tính hấp dẫn đối với những người mộng mơ lâu hơn hẳn chủ nghĩa phát xít. Đến mãi những năm 1950, tức là trước khi có những vụ thanh trừng do Stalin thực hiện bị tố cáo, nhiều trí thức Mỹ vẫn coi chủ nghĩa cộng sản là nỗ lực cao qúy – mặc dù đôi khi có những biểu hiện thái quá – nhằm loại bỏ sự bất bình đẳng và “tha hoá” do chủ nghĩa tư bản tạo ra. Mãi đến những năm 1980, thực ra là cho đến tận khi Liên Xô sụp đổ, một số nhà kinh tế học Mỹ vẫn còn tiếp tục ca ngợi tốc độ phát triển kinh tế và hiệu quả của nền kinh tế của nước này.

Những người theo đường lối chủ nghĩa tự do cá nhân không hề ngạc nhiên khi chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ một cách bất ngờ vào những năm 1989-1991. Họ đã khẳng định trong suốt nhiều năm ròng rằng, chủ nghĩa cộng sản không chỉ thù địch với quyền tự do và phẩm giá của con người, mà còn rất kém hiệu quả; chủ nghĩa cộng sản sẽ ngày càng kém hiệu quả hơn, trong khi thế giới tư bản ngày càng tiến bộ hơn. Sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với cuộc chiến ý thức hệ trên toàn cầu: trong các cuộc tranh luận mang tính ý thức hệ, chủ nghĩa xã hội phát triển đầy đủ đã không còn là một trong những mục tiêu phát triền của xã hội nữa. Giờ đây, rõ ràng là nhà nước kiểm soát toàn bộ là thảm họa bao trùm lên tất cả, nó làm cho nhiều người tự hỏi rằng, vì sao xã hội lại muốn áp dụng một ít chủ nghĩa xã hội trong khi chủ nghĩa xã hội “đầy đủ” đã dẫn đến những kết quả thảm khốc như thế.

Thế còn những nhà nước phúc lợi ở phương Tây thì sao? Những cuộc chiến đấu mang tính ý thức hệ còn lại có thể đang diễn ra trong phạm vi tương đối hẹp, nhưng chúng vẫn có ý nghĩa quan trọng. Chính phủ không cần kiểm soát thị trường ư? Nếu xây dựng được nhà nước trên cơ sở của chủ nghĩa tự do cá nhân đi nữa thì chả lẽ nhà nước phúc lợi lại không nhân đạo hơn à? Mặc dù Tây Âu và Mỹ chưa bao giờ tìm cách xây dựng chủ nghĩa xã hội “đầy đủ”, nhưng những lo lắng như thế đã dẫn đến thực tế là trong suốt thế kỷ XX, chính phủ ngày càng kiểm soát một cách chặt chẽ hơn các hoạt động kinh tế của người dân. Các chính phủ châu Âu quốc hữu hóa nhiều ngành công nghiệp và tạo ra nhiều công ty độc quyền hơn là Mỹ. Các hãng máy bay, các công ty điện thoại, mỏ than, các nhà máy luyện cán thép, các nhà máy sản xuất ô tô, các hãng truyền thanh và truyền hình ở Mỹ nói chung đều là những công ty tư nhân, nhưng ở Tây Âu lại là những doanh nghiệp nhà nước. So với Mỹ, các nước châu Âu đã đi trước trong việc thiết lập và đã có những chương trình tài trợ “trọn đời” toàn diện hơn.

Ở Mỹ, chỉ có một vài ngành công nghiệp bị quốc hữu hóa (hai công ty đường sắt là Conrail và Amtrak nằm trong số mấy công ty đó), nhưng những biện pháp quản lý và giới hạn các lựa chọn trong lĩnh vực kinh tế thì đã gia tăng trong suốt một trăm năm qua. Và, mặc dù chúng ta chưa có hệ thống “bảo hiểm xã hội” như ở châu Âu, nhưng chúng ta đã có hệ thống tái phân phối thu nhập, từ những chương trình Phụ nữ, Trẻ sơ sinh, Trẻ em (WIC – viết tắt những từ Women, Infants và Children), Head Start1, cho sinh viên nghèo vay, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế - một sự khởi đầu không đến nỗi tồi cho việc xây dựng nhà nước tài trợ “trọn đời”.

Nhưng hiện nay, trong thế giới đã phát triển, các nhà nước phúc lợi đang đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Thuế suất cao để có thể tài trợ cho những chương trình tái phân phối thu nhập đang làm biến dạng các nền kinh tế ở phương Tây. Thái độ dựa dẫm vào nhà nước đã làm mất giá trị của gia đình, tinh thần cần cù và tính tiết kiệm. Nhà nước phúc lợi ở cả Đức, Thụy Điển và Áo không thể nào thực hiện được lời hứa của mình.

Mười lăm năm nữa, tức là năm 2012 hệ thống Bảo hiểm Xã hội ở Mỹ sẽ bắt đầu thâm hụt – và sẽ hết sạch tiền vào năm 2029. Dự đoán chính thức nói rằng Bảo hiểm Y tế sẽ cạn sạch tiền vào năm 2001 và đến năm 2006 sẽ thâm hụt tới 443 tỷ USD. Các nhà kinh tế học tính ra rằng, người Mỹ sinh năm 1975 sẽ phải trả tới 82% thu nhập trong suốt cuộc đời cho những khoản thuế thì các chương trình tài trợ xã hội của chính phủ mới có thể tiếp tục hoạt động được. Đấy là lý do vì sao thanh niên bất mãn trước viễn cảnh là phải làm hầu như suốt cuộc đời chỉ để trả tiền cho những chương trình tái phân phối thu nhập mà đằng nào cuối cùng thì cũng phá sản. Cuộc thăm dò dư luận năm 1994 cho thấy 64% người Mỹ từ 18 đến 34 tuổi không tin rằng qũy Bảo hiểm Xã hội sẽ tồn tại cho đến lúc họ về hưu, nhiều người tin vào đĩa bay (46%) hơn là tin vào qũy Bảo hiểm Xã hội (28%). Chia tay nhà nước phúc lợi sẽ là vấn đề kinh tế và chính trị nan giải, nhưng ngày càng có nhiều người – cả ở Mỹ lẫn ở những nơi khác – nhận thức được rằng chính phủ to lớn kiểu phương Tây đang bước vào giai đoạn sụp đổ một cách từ từ, chẳng khác gì chủ nghĩa cộng sản.

Đầu những năm 1970, tốc độ phát triển kinh tế ở Mỹ và châu Âu đã giảm đi trông thấy. Nhiều cách giải thích khác nhau đã được đưa ra; theo tôi, lý giải thuyết phục nhất là trong suốt thập niên 1960, thuế khóa và những biện pháp quản lý của nhà nước đã gia tăng đáng kể. Từ năm 1957 đến năm 1967, số trang của tờ Federal Register, nơi công bố những văn bản mới của nhà nước đã tăng gấp đôi, còn từ năm 1970 đến năm 1975 thì tăng gấp ba lần. Anh quốc, đất nước có thuế suất cao hơn và cũng chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội nhiều hơn Mỹ, còn khó khăn hơn. Trong thế kỷ XIX, đây là nước giàu nhất thế giới, nhưng đến năm 1970 thì sự trì trệ về kinh tế và sự bất mãn của dân chúng đã trở thành nổi tiếng khắp thế giới và được mệnh danh là “căn bệnh của nước Anh”.

Những vấn đề này đã đưa Margaret Thatcher lên chức vụ Thủ tướng Anh vào năm 1979 và Ronald Reagan lên làm Tổng thống Mỹ vào năm 1980. Thatcher và Reagan là những người khác hẳn với những lãnh tụ cũ trong đảng của họ. Thay vì quản lý nhà nước phúc lợi hiệu quả hơn một chút so với đảng Lao động (Anh – ND) và đảng Dân chủ (Mỹ - ND) thì họ lại hứa từ bỏ chủ nghĩa xã hội (ở Anh) và những khoản thuế suất cao (ở Mỹ). Hoàn toàn không thể gọi chương trình của họ là theo tinh thần của chủ nghĩa tự do cá nhân kiên định, nhưng việc họ được bầu đã chứng tỏ rằng cử tri đã chán ngấy gánh nặng kinh tế do chính phủ lớn tạo ra rồi.

Đáng tiếc là, cả Reagan lẫn Thatcher, mặc dù đã cầm quyền trong một thời gian dài, đều chẳng làm được gì nhiều trong việc làm chậm lại quá trình phình ra của nhà nước phúc lợi. Bà Thatcher đã tư hữu hóa một vài ngành công nghiệp quốc doanh, trong đó có hãng hàng không Anh (British Airways), công ty điện thoại, công ty nhà ở và hãng chế tạo ô tô Jaguar. Nhưng bà đã chẳng tiến được mấy trong cuộc chiến chống lại hệ thống tài trợ cho giai cấp trung lưu và tỷ lệ chi tiêu của chính phủ/GDP thì vẫn không giảm. Có thể nói rằng, trong lĩnh vực kinh tế, Reagan thậm chí còn làm được ít hơn. Ông đã giảm thuế thu nhập, nhưng sau đó lại tăng thuế tiền lương nhằm giữ cho bằng được Bảo hiểm Xã hội, tức là bảo vệ nền tảng của nhà nước phúc lợi.

Trong những năm 1980 đã có những bằng chứng chứng tỏ rằng nhà nước phú lợi sẽ phá sản trước khi công cuộc cải cách có thể bắt đầu. Nhưng thành công vang dội nhất lại không phải là nước Anh của bà Thatcher hay nước Mỹ của ông Reagan mà là New Zealand, nơi mà nhà nước phúc lợi có hơi hướng nghiệp đoàn và gia trưởng đã tiêu sạch tiền. Khôi hài là, chính chính phủ Công đảng của Thủ tướng David Lange và Bộ trưởng tài chính Roger Douglas lại là chính phủ đã xóa bỏ các loại thuế nhập khẩu vốn nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước, giảm thuế, cắt bớt những khoản trợ cấp cho giai cấp trung lưu và xem xét những ý tưởng như phát phiếu trợ cấp học phí cho trẻ em (voucher) rồi để phụ huynh tự chọn trường học cho con em mình. Theo Chỉ số tự do kinh tế toàn cầu, New Zealand đã nhảy từ 4,9/10 vào năm 1985 lên 9,1/10, tức là đứng thứ ba thế giới, vào năm 1995. Chile và Argentina, hai nhà nước phúc lợi đặc biệt hoang phí cũng rơi xuống đáy và đã tiến hành những cuộc cải cách lớn vào hồi những năm 1990. Tương tự như ở New Zealand, nguồn gốc các cuộc cải cách ở Argentina cũng làm người ta nhạc nhiên, vì Tổng thống Carlos Menem là đảng viên đảng Peron, từ những năm 1940 đến những năm 1970, Đảng này đã thực hiện chương trình nhà nước phúc lợi mị dân, đưa Argentina từ một trong những nước giàu nhất thế giới thành nước nghèo, chính phủ phải tuyên bố phá sản.

(còn nữa)

Chú thích:

(1) Chương trình Head Start là một chương trình của Bộ Y tế Mỹ, chuyên về giáo dục toàn diện, sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, và các dịch vụ có sự tham gia của phụ huynh cho những trẻ em và gia đình có thu nhập thấp. Tất cả các chú thích đều của người dịch.

 

Nguồn: David Boaz (1997) Libertarianism: A Primer. New York: The Free Press.


Đã đăng trên http://www.thitruongtudo.vn/chi-tiet/chu-nghia-tu-do-ca-nhan-dang-den-gan.html

 

1 comment: