May 19, 2018

Chủ nghĩa cộng sản


Richard Pipes

Phạm Nguyên Trường dịch

Richard Edgar Pipes (PolishRyszard Pipes; July 11, 1923 – May 17, 2018) vừa qua đời, đăng lại toàn bộ tác phẩm Chủ nghĩa cộng sản, như nén tâm nhang trước hương hồn ông.

Richard Pipes (1923-2018)

Điều làm người ta phấn chấn nhất trong chế độ Xô Viết là sự sụp đổ của nó.  Nếu nó thành công… thì tôi đã biết rằng mức độ chịu đựng khủng bố và nô lệ của con người là vô giới hạn.
Malcolm Muggeridge[1]

Lời nói đầu



Đây là cuốn sách nhập môn và đồng thời cũng là lời ai điếu cho chủ nghĩa cộng sản. Vì rõ ràng rằng, nếu một lúc nào đó trong tương lai, việc tìm kiếm một sự bình đẳng hoàn toàn - một tư tưởng có từ thời cổ đại, từng thúc đẩy các chiến sĩ đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản không tưởng - có được tái tục thì cơ sở của những sự tìm kiếm như thế sẽ không phải là chủ nghĩa Marx-Lenin nữa. Chủ nghĩa này đã thất bại hoàn toàn, ngay cả những người cộng sản thời hậu Xô Viết ở Nga cũng như ở nhiều nước khác, trong các chiến dịch tranh cử, đã phải thay nó bằng cương lĩnh dân chủ xã hội pha trộn thêm với màu sắc dân tộc chủ nghĩa. Vì thế, hôm nay chúng ta đã có đủ điều kiện tổng kết cái phong trào đã từng giữ thế thượng phong trong suốt thế kỷ XX và xác định xem liệu sự sụp đổ của nó có phải là hậu quả của những sai lầm của một số người nào đó hay đây là kết quả của những khiếm khuyết trong chính bản chất của nó. 

Từ chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở Paris trong những năm 1840, liên quan đến ba khái niệm khác nhau nhưng gắn bó mật thiết với nhau: lý tưởng, cương lĩnh hành động và chế độ nhận lãnh trách nhiệm biến lý tưởng thành hiện thực. 

* Không có sự phân biệt rõ ràng giữa “chủ nghĩa xã hội” và “chủ nghĩa cộng sản”. Marx đưa ra hai giai đoạn tiến lên chủ nghĩa cộng sản: giai đoạn đầu, giai đoạn chuyển tiếp, trong đó, vẫn còn bất bình đẳng mặc dù nền tảng của nó đã bị triệt tiêu; rồi đến giai đoạn hai, cao hơn, trong đó, nguyên tắc “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” thay thế cho nguyên tắc “Làm như nhau, hưởng như nhau”. Lenin gọi giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội, giai đoạn sau là chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ngay sau khi giành được chính  quyền, ông ta liền đổi tên đảng của mình từ “đảng Dân chủ Xã hội” thành “đảng Cộng sản”, chúng ta sẽ sử dụng thuật ngữ Chủ nghĩa cộng sản để nói về lý thuyết và thực hành của Lenin. Xin mời đọc, Marxism and the Leap to the Kingdom of Freedom (Chủ nghĩa Marx và cú nhảy vào vương quốc của tự do), Stanford, 1995, trang 93.

Lý tưởng bình đẳng tuyệt đối (ví dụ, trong một số trước tác của Plato) đòi hỏi cá nhân phải tan biến vào cộng đồng. Vì bất bình đẳng về mặt xã hội và kinh tế có nguyên nhân chủ yếu từ sự bất bình đẳng về tài sản, muốn bình đẳng thì từng người phải từ bỏ “của tôi” và “của anh”, nói cách khác, từ bỏ tư hữu. Lý tưởng này có nguồn gốc lịch sử lâu đời và thỉnh thoảng lại tái xuất hiện trong lịch sử tư tưởng phương Tây, kể từ thế kỷ thứ VII trước công nguyên cho đến tận ngày nay. 

Cương lĩnh cộng sản xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX và gắn bó trước hết với tên tuổi của Karl Marx và Friedrich Engels. Trong Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, Marx và Engels viết: “những người cộng sản có thể tuyên bố học thuyết của mình bằng một câu thôi: bãi bỏ tư hữu”. Engels khẳng định rằng bạn ông đã đưa ra một lý thuyết khoa học chứng minh sự sụp đổ không thể nào tránh được của những xã hội dựa trên khác biệt về mặt giai cấp. 

Mặc dù trong lịch sử loài người, lý tưởng cộng sản cũng đã đôi ba lần được đưa vào thực tiễn, nhưng, sử dụng toàn bộ sức mạnh của nhà nước cho một thí nghiệm như thế chỉ được thực hiện lần đầu tiên ở nước Nga từ năm 1917 đến năm 1991. Vladimir Lenin, người sáng lập chế độ đó, cho rằng đấy là một xã hội bình đẳng, không còn tư hữu, sinh ra nhờ “chuyên chính vô sản”, một nền chuyên chính gánh trên vai trách nhiệm bãi bỏ tư hữu và đặt nền móng cho con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản.
Chúng ta sẽ theo dõi chủ nghĩa cộng sản theo đúng trình tự như thế vì làm thế là hợp logic và vì chủ nghĩa này cũng xuất hiện theo trình tự: đầu tiên là lý tưởng, sau đó là kế hoạch thực hiện và cuối cùng là biến lý thuyết thành hiện thực. Nhưng, chúng ta sẽ quan tâm chủ yếu vào việc thực hiện, bởi vì, tự bản thân lý tưởng và cương lĩnh là những thứ vô hại, trong khi việc thực hiện chúng, nếu lại sử dụng toàn bộ sức mạnh của nhà nước, có thể dẫn tới những hậu quả cực kỳ khủng khiếp. 


I.                   Lý thuyết và cương lĩnh của chủ nghĩa cộng sản

Tư tưởng về một xã hội phi giai cấp, hoàn toàn bình đẳng, xuất hiện lần đầu tiên tại Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp cổ đại là nước đầu tiên trên thế giới công nhận quyền tư hữu ruộng đất và coi ruộng đất là hàng hoá, vì vậy, cũng là nơi đầu tiên đối mặt với sự bất bình đẳng xã hội có nguồn gốc từ quyền tư hữu. Hesiod, một người đương thời với Homer (thế kỷ thứ VII trước công nguyên), trong trường ca Lao động và ngày tháng đã ca ngợi “Thời đại hoàng kim” huyền thoại, khi con người chưa “nhiễm thói xấu là chạy theo đồng tiền”, khi của cải vẫn còn dư thừa và mọi người đều được quyền sử dụng như nhau, nhân loại sống trong một nền hoà bình vĩnh cửu. Đề tài “Thời đại hoàng kim” còn trở lại trong tác phẩm của hai thi sĩ người Rome là Vergil và Ovid; Ovid viết về những giai đoạn khi con người chưa biết đến các khái niệm như “cột mốc biên giới và hàng rào”. 
Lý tưởng cộng sản lần đầu tiên được Plato định danh về mặt lý luận trong các trước tác của mình. Trong tác phẩm Cộng hoà, thông qua Socrates, Platon khẳng định rằng bất hoà và chiến tranh có nguồn gốc từ sở hữu: 
Sự khác nhau như thế thường xảy ra do bất đồng về những từ như ‘của tôi’ và ‘không phải của tôi’, ‘của anh ta’ và ‘không phải của anh ta’… Chả lẽ nhà nước, trong đó đa số người cùng sử dụng những từ như ‘của tôi’ và ‘không phải của tôi’ đối với cùng một loại đồ vật không phải là nhà nước có kỉ cương nhất hay sao?
Trong các phẩm Luật Pháp, Platon còn dự báo một xã hội, trong đó, người ta sở hữu chung tất cả của cải, cũng như vợ con, mà còn: 
Riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống, và những thứ về bản chất là riêng, ví dụ, mắt, tai và tay cũng trở thành của chung và ở mức độ nào đó, người ta cùng nhìn, cùng nghe và cùng hành động, tất cả mọi người cùng ca tụng hay cùng lên án, cùng vui cùng buồn vì cùng những lý do như nhau. 
Aristotle, học trò của Plato, lại ngờ rằng cái Utopia [Không tưởng] cộng sản đó sẽ không đem lại hoà bình vì một lý do đơn giản: Khi cùng sở hữu thì người ta dễ sinh ra cãi cọ hơn là tư hữu. Hơn nữa, ông khẳng định rằng nguồn gốc của tranh chấp không nằm ở tư hữu mà ở ước muốn được sở hữu: “không cần cào bằng sở hữu mà phải san bằng ước muốn của con người”.

Nhiều người có quan niệm lầm lẫn rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ là kiến giải mang tính thế tục, hiện đại, của Thiên chúa giáo. Nhưng sự khác nhau, như triết gia người Nga, Vladimir Sovoliev đã chỉ rõ, nằm ở chỗ, nếu Chúa Giêsu chỉ kêu gọi các đồ đệ của Ngài từ bỏ sở hữu của chính họ, thì những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản lại muốn tước đoạt sở hữu của người khác. Hơn nữa, Chúa Giêsu chưa bao giờ kêu gọi người ta phải sống trong nghèo đói, ông chỉ nói rằng người nghèo thì dễ được cứu chuộc hơn mà thôi. Câu nói nổi tiếng của Thánh Paul về tiền bạc cũng hay bị người ta trích dẫn sai: ông không nói rằng “tiền là nguồn gốc của tội lỗi” mà cho rằng nguồn gốc của tội lỗi là “tình yêu đối với tiền bạc”, nói cách khác, nguồn gốc của tội lỗi là lòng tham. Thánh Augustine từng hỏi: “Vàng là vật không tốt sao?” và ông trả lời: “Không, vàng là tốt. Nhưng kẻ ác dùng vàng để làm điều ác, còn người thiện thì dùng vàng vào việc thiện”. 

Những người sáng lập nhà thờ Thiên chúa giáo và các nhà thần học sau này đều có quan điểm thực dụng đối với vấn đề sở hữu. Theo Thánh Augustine, xã hội không có sở hữu chỉ có thể tồn tại trên Thiên đường - chỉ tồn tại trong “Thời đại Hoàng kim”, nhưng do mắc tội tổ tông mà loài người đã đánh mất. Vì con người chưa hoàn thiện, cho nên, sở hữu là phù hợp với đạo lý, nếu người ta sử dụng nó một cách thông minh và cho những mục đích từ thiện. Nhà thờ Thiên chúa giáo không những không cổ xuý cho tình trạng nghèo đói mà còn khai trừ, thậm chí, săn đuổi những kẻ cố tình làm như thế. Những người sáng lập đạo Tin lành, đặc biệt là Calvin, coi của cải là hạnh phúc và biểu hiện của lòng nhân từ của Chúa. 

Nhưng quan niệm về “Thời đại Hoàng kim” luôn luôn hiện diện trong tâm trí người châu Âu. Các nhà hàng hải thời xa xưa khát khao tìm kiếm không chỉ Eldorado (Vùng đất thần tiên – ND) và các vùng đất huyền thoại khác, nơi vàng bạc nằm đầy dưới chân, chẳng khác gì bụi đất, mà còn khát khao tìm kiếm những hòn đảo thiên đường trên trái đất, truyền thuyết về những vùng đất như thế từng lưu hành ở châu Âu thời Trung cổ. Và, khi lần đầu tiên cập cảng châu Mỹ, nhìn thấy những người Da Đỏ trần truồng thì họ tin chắc rằng đã thành công: không có cảm giác xấu hổ không phải là dấu hiệu của cuộc sống trước khi phạm tội tổ tông ư? Nếu quả thật các thổ dân đó sống trong thiên đường thì nhất định họ không có khái niệm gì về sở hữu. Khi quay trở về, Columbus nói rằng thổ dân ở đấy là những người “chất phác” và “nếu hỏi xin, thì không bao giờ họ từ chối chia sẻ những thứ họ có; ngược lại, ai họ cũng mời”. Ông không rõ họ có khái niệm về tư hữu hay không, nhưng nhận xét thêm: “Một người có thì tất cả mọi người đều chia sẻ, nhất là thức ăn”. 

Những cảm giác ngây thơ đầu tiên về người da đỏ châu Mỹ mau chóng nhường chỗ cho những đánh giá thực tế hơn, nhưng, chúng đã kịp giúp tạo ra một nền văn chương không tưởng, một phần không thể tách rời của tư tưởng phương Tây từ đó đến nay. Vùng đất Utopia đặc trưng nhất được mô tả trong tác phẩm cùng tên của Thomas More, xuất bản năm 1516, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính là lấy cảm hứng từ báo cáo của Columbus và các nhà thám hiểm khác. Nhưng đấy không phải là vùng đất tốt đẹp như ngày nay ta quan niệm về Utopia, đấy là một xã hội rất nghiêm khắc và tuân theo những quy định rất khắt khe, tất cả mọi người đều mặc như nhau, đều sống trong những ngôi nhà giống nhau, không được đi đâu nếu chưa có giấy thông hành, thảo luận các vấn đề xã hội có thể bị tử hình. Tiền bị bãi bỏ, vàng bạc được dùng để làm ra những cái bô dùng vào ban đêm. Đề tài chung của những tác phẩm không tưởng sau này, cũng như của More, đều xoay quanh việc thiếu vắng của cải cá nhân, cũng như việc sử dụng bạo lực của xã hội đối với cá nhân con người: cả trong lý thuyết lẫn trên thực tế, Utopia nghĩa là, cá nhân phải khuất phục chính quyền, con người buộc phải làm cái mà nếu được tự do anh ta có thể không muốn làm. 

* Vì quan niệm về xã hội không có sở hữu là trung tâm của hầu như tất cả các lý thuyết không tưởng, quan niệm này chỉ có thể xuất hiện trong những xã hội mà sở hữu tư nhân giữ thế thượng phong. Cho đến tận thời gian gần đây điều đó có nghĩa là châu Âu hay những khu vực có nhiều người châu Âu sinh sống.

Cần phải nói rằng lý tưởng về một “Thời đại Hoàng kim”, không có tư hữu, chỉ là một huyền thoại, một sản phẩm của ước mơ chứ không phải là sản phẩm của trí nhớ vì các nhà sử học, các nhà khảo cổ học và các nhà nhân chủng học đã thống nhất rằng, chưa ở đâu và chưa bao giờ có chuyện tư liệu sản xuất từng là của chung. Tất cả các sinh vật sống, từ những thực thể đơn giản nhất cho đến những sinh vật phát triển nhất đều cần phải kiếm thức ăn, mà như thế, phải có quyền sở hữu không gian sinh tồn. Trong hàng ngàn năm, trước khi định cư và chuyển sang chăn nuôi và làm nông nghiệp, con người đã sống bằng săn bắn và hái lượm, các nhóm người gắn bó với nhau bằng quan hệ họ hàng đã khẳng định độc quyền chiếm hữu của mình trên những vùng đất nhất định, họ luôn luôn xua đuổi hoặc giết hại những kẻ xâm lấn. Yêu sách về sở hữu càng căng thẳng thêm khi người ta chuyển sang sản xuất nông nghiệp, tức là cách đây khoảng mười ngàn năm về trước, vì làm đất là một công việc nặng nhọc và không thể có kết quả tức thời. 

Trong những nền văn minh cổ đại, cách đây khoảng năm ngàn năm về trước, ở Ai Cập và Lưỡng Hà, ruộng đất là tài sản của triều đình hay nơi thờ tự. Chúng ta có thể khẳng định chắc chắn rằng Israel cổ đại là nước đầu tiên có sở hữu tư nhân về ruộng đất. Chúa Trời trong Cựu Ước nguyền rủa bất cứ kẻ nào dám di chuyển các phiến đá ngăn cách những khoảnh ruộng với nhau (“Đáng rủa xả thay người nào dời mốc giới của kẻ lân cận mình!” Phục truyền luật lệ ký 27:17), trong Kinh Cựu Ước còn có mấy cuốn có những đoạn nói về các gia đình hoặc một số người có ruộng đất và bãi chăn thả riêng. Nhưng việc sở hữu ruộng đất ở Israel cổ đại còn bị hạn chế bởi một loạt quy ước về tôn giáo và chủng tộc. Chỉ ở Hy Lạp cổ đại là từ xa xưa đất đai đã là tài sản riêng. Nói cách khác, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng ở một thời rất xa nào đó đã từng có những xã hội không biết đến “cột mốc biên giới và hàng rào”, chưa từng có xã hội nào không công nhận “của tôi” và “của anh”. 

Bằng cách đưa ra quan niệm về bản chất của con người, các nhà tư tưởng thời Khai sáng đã có đóng góp to lớn vào lý thuyết của chủ nghĩa xã hội. Ở phương Tây, người ta thường quan niệm rằng con người gồm có hai phần là thể xác và linh hồn, do Chúa Trời sáng tạo nên; người ta tin rằng, linh hồn đã mang sẵn các tư tưởng và giá trị ngay từ khi lọt lòng mẹ. Đấy là quan điểm bảo thủ, vì nó khẳng định sự bất biến của bản chất con người: bản chất của một người đã và sẽ mãi mãi như thế. Nói cách khác, nếu một người nào đó có máu tham thì anh ta sẽ mãi mãi là một người tham lam. 

John Locke, triết gia người Anh đã phản đối quan điểm như thế; trong tác phẩm Essay Concerning Human Understanding (Luận về hiểu biết của con người - 1690), ông đã phủ nhận sự tồn tại của “các tư tưởng bẩm sinh”. Theo Locke, trí óc (hay tâm hồn) khi mới sinh ra vốn là một tờ giấy trắng: tất cả các tư tưởng và giá trị đều có nguồn gốc từ kinh nghiệm. Lý thuyết này cho rằng bản chất của con người là mềm dẻo chứ không cố định, vì vậy có thể giáo dục được, trong khuôn khổ mà tính thiện của họ - các nhà triết học công nhận rằng bản chất con người vốn là thiện – có thể lấn lướt được thói ích kỉ. Claude-Adrien Helvétius, một tư tưởng gia người Pháp thế kỷ XVIII, còn khẳng định rằng, giáo dục đúng cách và pháp luật không những có thể tạo điều kiện mà còn bắt buộc người ta đạt được phẩm hạnh hoàn hảo. Lý thuyết về tâm lý học cực kì đáng ngờ này đã trở thành di sản của chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; các chủ nghĩa này, ở những mức độ khác nhau, đều dựa vào giáo dục và/hoặc bạo lực nhằm đạt được những mục đích đáng mong muốn. Ở một số khía cạnh nào đó, nhà nước cộng sản do Lenin thành lập ở nước Nga tháng 11 năm 1917 chính là một cuộc thí nghiệm vĩ đại trong việc giáo hoá xã hội, theo mô hình của Helvétius nhằm tạo ra con người hoàn toàn mới, con người đã giải thoát khỏi những thói hư tật xấu cũ, trong đó có ước muốn tìm kiếm của cải. 

Các nhà tư tưởng cấp tiến người Pháp thế kỷ XVIII là những người đầu tiên đưa ra cương lĩnh cộng sản, kêu gọi bãi bỏ tư hữu vì đấy là nguyên nhân của mọi tai hoạ trên đời. Morelly, trong tiểu luận có nhiều ảnh hưởng, nhan đề: Le Code de la Nature (Bộ luật của tự nhiên -1755), viết như sau: 
Thói xấu duy nhất ở trên đời mà tôi biết chính là lòng tham, tất cả những cái khác, dù có gọi là gì thì cũng chỉ là hình thức hoặc mức độ của nó mà thôi… Hãy phân tích thói háo danh, tính kiêu ngạo, giả dối, đạo đức giả, sự độc ác; hãy khảo sát phần lớn các đức tính phức tạp của chúng ta, hoá ra tất cả đều hoà tan trong cái bản năng qủy quyệt và tai hại, là khát vọng chiếm hữu.” 
Như vậy, luận điểm cho rằng tâm lý của con người được quyết định bởi các điều kiện kinh tế chính là nền tảng của tất cả các học thuyết xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. 
_________

Cho đến giữa thế kỷ XIX, lý tưởng bình đẳng vẫn chỉ là hoài bão, đôi khi cũng gây ra những vụ bạo lực, nhưng chưa hề có lý luận hay chiến lược gì. Ví dụ, thế kỷ XVII ở Anh có Winstanley, lãnh tụ của một nhóm cấp tiến lấy tên là Digger, kêu gọi những ngưởi ủng hộ mình chiếm công điền và biến chúng thành các khu chăn nuôi gia súc. Ông ta đưa ra lý luận tương tự như học thuyết cộng sản: bãi bỏ buôn bán đất đai và các sản phẩm của nó. Một thế kỷ rưỡi sau, trong thời Cách mạng Pháp, một nhà cách mạng cấp tiến, Franҫois-Noël Babeuf, đã thành lập một tổ chức gọi là “Âm mưu vì Công bằng”, kêu gọi tập thể hoá toàn bộ tài sản. Nhưng cả hai ông này đều không thể đưa ra được lý luận chứng tỏ cho người ta thấy cuộc cách mạng xã hội mà họ hướng tới sẽ được thực hiện như thế nào. Vào đầu thế kỷ XIX, những nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng khác, như Comte de Saint-Simon và Charles Fourier, hy vọng có thể thuyết phục được những người giàu có từ bỏ một phần tài sản của mình. 

Thỉnh thoảng ở phương Tây lại xuất hiện các công xã cộng sản tự nguyện. Một trong những công xã như thế là Công ty Virgin ở Jamestown, được thành lập vào năm 1607; năm 1825 Robert Owen thành lập một công xã lấy tên là “Sự hoà hợp mới” ở Indiana. Tất cả các thử nghiệm như thế trước sau gì cũng thất bại, vì không thể giải quyết được vấn đề “những kẻ ăn bám”, tức là những thành viên công xã chỉ muốn ăn mà không muốn làm. 

Đóng góp của Karl Marx và Friedrich Engels cho chủ nghĩa xã hội là lý thuyết chứng tỏ rằng thiên đường bình đẳng không những là đáng mong muốn và có thể xây dựng được; hơn nữa, còn là tất yếu. Để chứng minh, họ đã sử dụng các phương pháp của khoa học tự nhiên là những môn khoa học đã có uy tín rất cao trong xã hội lúc đó. 

Marx và Engels đưa ra học thuyết “chủ nghĩa xã hội khoa học”, nói rằng, lý tưởng về một xã hội bình đẳng không còn tư hữu không những có thể thực hiện được mà nhất định sẽ phải được thực hiện, đấy chỉ là kết quả của quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế mà thôi. Quan điểm Marxist về tiến hoá xã hội xuất hiện dưới ảnh hưởng của học thuyết Darwin, được trình bày trong On the Origin of Species (Nguồn gốc các loài - 1859). Cuốn sách của Darwin giải thích sự xuất hiện của các loài sinh vật như là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên, chính quá trình chọn lọc tự nhiên này đã giúp cho các loài thích nghi với môi trường thù địch. Đây là một quá trình động, các loài phát triển từ thấp lên cao theo các quy luật đã được xác định. Các nhà nghiên cứu về hành vi của con người lập tức chớp lấy lý thuyết này, họ còn thành lập cả trường phái gọi là “Xã hội học tiến hoá”, mô tả lịch sử như là quá trình phát triển theo “giai đoạn”, từ thấp đến cao. Ảnh hưởng của Darwin đối với Marx và Engels cao đến nỗi Engels, trong đám tang bạn mình, đã nói: “Giống như Darwin phát minh ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx phát minh ra quy luật phát triển của lịch sử loài người”. 

Đưa tư duy về quá trình tiến hoá vào lý thuyết xã hội chủ nghĩa làm nảy sinh khái niệm không thể đảo ngược. Theo “chủ nghĩa xã hội khoa học”, hoạt động của con người chỉ góp phần thúc đẩy hay làm chậm lại sự tiến hoá của xã hội, nhưng không thể làm thay đổi được xu hướng, vì xu hướng tiến hoá phụ thuộc vào các nhân tố khách quan. Như thế, theo các nguyên nhân sẽ được trình bày dưới đây, chủ nghĩa tư bản nhất định phải nhường chỗ cho chủ nghĩa xã hội. Tác động về mặt tình cảm của niềm tin này cũng chẳng khác gì niềm tin vào ý Chúa, nó là nguồn động viên rất lớn đối với những người tin tưởng tuyệt đối rằng, dù có phải vượt qua biết bao nhiêu trở ngại, nhất định họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng. Lý thuyết này đã có một hấp lực rất mạnh đối với các nhà trí thức, vì nó hứa hẹn sắp xếp lại cuộc đời đầy lộn xộn này, biến đời sống thành ra có trật tự mà trí thức chính là những người thày, người hướng dẫn cho cái trật tự đáng mong ước đó. Marx đã giải thích điều đó bằng một câu nổi tiếng sau đây: “Các nhà triết học giải thích thế giới bằng những cách khác nhau, nhưng vấn đề là cải tạo nó”. Ai là người sẵn sàng cho việc cải tạo thế giới? Không phải trí thức thì còn ai nữa? 

Dù tuân theo phương pháp khoa học, nhưng, chủ nghĩa Marx đã vi phạm một yêu cầu căn bản của phương pháp này, đấy là không định kiến và sẵn sàng làm cho lý thuyết thích nghi với những nhân tố mới. (Theo Bertrand Russell, chủ nghĩa Bolshevik, con đẻ của chủ nghĩa Marx, là một “tôn giáo” vì “không được phép tranh luận, ngay cả khi nói về những vấn đề còn chưa rõ ràng về mặt khách quan”). Đây là một học thuyết cứng nhắc, không chấp nhận bất kỳ một quan điểm khác biệt nào. Marx không hề che giấu thái độ đối với những người bất đồng ý kiến với ông: phê bình, có lần ông đã viết “không phải là con dao mổ mà là vũ khí. Đối tượng của nó cũng là kẻ thù của nó, một đối tượng mà nó không muốn cải chính mà là muốn tiêu diệt”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chủ nghĩa Marx là một giáo điều mang mặt nạ khoa học. 

Làm cho chủ nghĩa Marx thích nghi với truyền thống khoa học chỉ là một trong những khía cạnh hấp dẫn của nó mà thôi. Khía cạnh khác, có liên quan đến những biến đổi của điều kiện xã hội, cũng diễn ra trong thời gian đó. Trước cuộc cách mạng công nghiệp, sản xuất nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế thế giới. Cho đến lúc đó, 80 cho đến 90% người châu Âu và Mỹ sống bằng canh tác nông nghiệp hoặc nhờ canh tác nông nghiệp: họ giàu là nhờ thu hoạch từ ruộng đất hoặc phát canh thu tô. Dĩ nhiên, công thương nghiệp đã từng tồn tại từ những ngày xa xưa, nhưng chỉ có vai trò thứ yếu trong nền kinh tế. Đất là tài sản chủ yếu, cho nên các phong trào đòi bình đẳng cũng dành nhiều sức lực cho đòi hỏi bãi bỏ quyền tư hữu ruộng đất. 

Quan điểm của các phong trào đòi bình đẳng đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi xuất hiện nền sản xuất công nghiệp đại trà. Tiền từ công thương nghiệp, chứ không phải địa tô, đã trở thành tài sản chủ yếu. Nó tạo ra hình thức nghèo đói mới, vì quá trình cơ khí hoá làm hạ giá thành sản phẩm, các nghề sản xuất truyền thống trở nên lỗi thời, nhiều thợ thủ công thất nghiệp.

Công nghiệp hoá không chỉ tạo ra những xáo động đầy đau đớn trong xã hội mà còn làm thay thay đổi một cách căn bản và thường xuyên quan hệ giữa người sử dụng lao động và kẻ làm thuê. Điền chủ và tá điền là những người hàng xóm và theo một nghĩa nào đó thì họ chính là những đối tác của nhau. Mặc dù thỉnh thoảng tá điền vẫn bị đuổi hàng loạt, ví dụ như ở Anh thời kì có Luật hàng rào, nhưng nói chung, cuộc sống nông thôn tương đối ổn định, đặc biệt là những nước như Mỹ, nơi đa số nông dân cũng là chủ mảnh đất mà họ canh tác. 

Trong các xã hội kỹ nghệ, mối liên hệ giữa chủ tư sản và người làm thuê đã yếu hơn, lại không bền vững vì người chủ có thể cho công nhân thôi việc, khi nhu cầu giảm. Sự khác biệt về lối sống là thách thức đối với xã hội vì những người giàu mới nổi cố tình trưng ra tài sản của mình. 
Sự phát triển như thế đã làm phát sinh lòng căm thù đối với “chủ nghĩa tư bản”. Chủ nghĩa xã hội, cho đến lúc đó mới là một lý tưởng được giới trí thức chia sẻ, bắt đầu nhận được sự ủng hộ của những nhóm công nhân nhất định. 

Các trước tác của Marx và Engles, gồm hàng chục tập, riêng bộ Das Kapital (Tư bản luận) đã là một ngàn bốn trăm trang in, với rất nhiều thuật ngữ chuyên môn. Ít người đủ sức đọc hết những tác phẩm cực kì khó như thế, và vì vậy mà người ta phải lấy làm ngạc nhiên làm sao giải thích được ảnh hưởng to lớn đến như thế của nó. Câu trả lời là, các nguyên lý căn bản của học thuyết về “chủ nghĩa xã hội khoa học” có thể quy về một vài luận điểm tương đối đơn giản. 

Trong điếu văn đọc tại đám tang của Marx, Engles trình bày “quy luật của lịch sử nhân loại”, theo lời ông là được Marx phát minh như sau: 
Người ta trước hết phải ăn, uống, có nhà ở và quần áo mặc, trước khi có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo v.v…, nghĩa là sản xuất các tư liệu trực tiếp của đời sống và như vậy, mỗi một nấc phát triển kinh tế của một dân tộc hay một thời đại đều tạo ra hạ tầng cơ sở, trên đó, sẽ phát triển các cơ quan nhà nước, các quan điểm pháp lý, nghệ thuật và ngay cả các quan niệm tôn giáo của người dân, vì vậy, chúng phải được giải thích trên cơ sở đó chứ không phải ngược lại như người ta vẫn làm lâu nay.” 
Tóm lại kinh tế là hạ tầng cơ sở của một đời sống có tổ chức, tất cả những cái khác đều là “thượng tầng kiến trúc”. 

Từ tiền đề đó, Marx và Engels đưa ra lý thuyết về cách mạng xã hội, luận điểm cơ bản của lý thuyết này nói rằng, chính tư hữu tư liệu sản xuất đã dẫn đến việc hình thành các “giai cấp” xã hội. Khởi thuỷ, chưa có tư hữu tư liệu sản xuất: mọi người cùng nhau sở hữu ruộng đất. Nhưng cùng với thời gian, chế độ “cộng sản nguyên thuỷ” nhường chỗ cho sự phân chia giai cấp, một nhóm người đã giành được độc quyền đối với các nguồn tài nguyên quan trọng sống còn này và sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để bóc lột và áp bức nhân dân bằng cách xây dựng các thiết chế chính trị và pháp lý để bảo vệ những quyền lợi giai cấp của họ. Nhóm người này đã sử dụng văn hoá - tôn giáo, luân lý, văn học và nghệ thuật - cho cùng mục đích như thế. Các phương tiện này đã tạo điều kiện cho giai cấp cầm quyền bóc lột nhân dân. 

Dĩ nhiên là, các giai cấp hạ lưu không chấp nhận bị bóc lột; họ luôn đấu tranh chống lại, nhưng khi còn tư hữu thì thành quả của họ chỉ là thay một hình thức bóc lột này bằng hình thức bóc lột khác mà thôi. Vì vậy, nói theo Communist Manifesto (Tuyên ngôn Cộng sản), cho đến nay, lịch sử xã hội loài người là lịch sử của những cuộc đấu tranh giai cấp. 

Những suy tư như thế về quá khứ chỉ là khúc dạo đầu của vấn đề mà Marx quan tâm hơn cả, đấy là phân tích thế giới “tư bản” đương thời. Ông đã bỏ ra nhiều năm ròng để nghiên cứu lịch sử kinh tế nước Anh, nhằm tìm cách chứng minh rằng “chủ nghĩa tư bản” là giai đoạn cuối cùng của xã hội có giai cấp và chế độ này sẽ phải sụp đổ trong một cuộc cách mạng do những người công nhân công nghiệp đang bị bóc lột tiến hành. Đấy sẽ là cuộc cách mạng cuối cùng vì nó sẽ dẫn đến việc thành lập xã hội không còn giai cấp nữa. Và lịch sử sẽ hoàn toàn chấm dứt tại đây. 

Hệ thống tư bản đặt cơ sở trên chế độ bóc lột lao động làm thuê, theo nghĩa là nhà tư sản chiếm đoạt “giá trị thặng dư” của món hàng mà người công nhân sản xuất ra. Theo Engels, khái niệm “giá trị thặng dư” là phát hiện vĩ đại thứ hai của Marx, giúp ta hiểu được xã hội loài người. Toàn bộ giá trị đều do lao động mà ra. Nhưng, trong hệ thống tư bản, người sử dụng lao động chỉ trả cho công nhân một phần nhỏ giá trị mà người công nhân làm ra, chỉ đủ cho người lao động sống qua ngày mà thôi. Phần còn lại, tức là “thặng dư” thì người chủ đút vào túi mình. 

Cùng với quá trình phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, lợi nhuận của tư sản cũng như tiền lương trả cho công nhân sẽ liên tục giảm. Đấy là do trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, tư sản phải chi tiêu nhiều hơn cho việc trang bị máy móc, nguyên liệu v.v.. và phải trả lương cho người lao động ít đi. Giá nhân công rẻ đi, tiền lương hạ xuống, mức sống sẽ thấp đi. Đồng thời, trong các cuộc khủng hoảng, xuất hiện thường xuyên do kết quả của sản xuất thừa, các xí nghiệp lớn sẽ nuốt chửng các xí nghiệp nhỏ hơn, năng lực sản xuất công nghiệp sẽ ngày càng tập trung vào tay một số ít người hơn. Như vậy nghĩa là, tư sản và người công nhân cùng ngồi trên một con thuyền: tư sản thì bị mất cơ nghiệp vào tay những kẻ giàu có hơn, còn công nhân thì trở thành nạn nhân của quá trình “bần cùng hoá”. Cùng với thời gian, tiến trình này nhất định sẽ dẫn đến cách mạng: 

Cùng với việc giảm liên tục số nhà đại tư bản… thì quần chúng nghèo khổ, bị áp bức, nô lệ, suy đồi, bị bóc lột lại tăng thêm, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng thái độ bất mãn của giai cấp công nhân, một giai cấp đang ngày càng tăng về số lượng, họ sẽ học tập, sẽ liên kết lại và tham gia tổ chức theo đúng cơ chế của chính quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa. Độc quyền tư bản sẽ trở thành gông cùm đối với phương thức sản xuất đã từng phát triển từ bên trong và bên dưới nó… Việc tập trung phương tiện sản xuất và xã hội hoá lao động sẽ đạt đến mức mà tự chúng sẽ trở thành không còn phù hợp với vỏ bọc tư bản chủ nghĩa nữa. Nó sẽ nổ tung. Giờ cáo chung của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đã điểm. Những kẻ tước đoạt sẽ bị tước đoạt.”[2]
Những cuộc cải cách của chủ nghĩa tư bản cũng không có khả năng ngăn chặn cái kết cục ấy: sự cáo chung của chủ nghĩa tư bản là tất yếu. 

Kết quả cuối cùng của cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ là sự giải phóng hoàn toàn con người. “Tự do” trong quan niệm của Marx và Engels không có gì chung với quan điểm của chủ nghĩa tự do về quyền công dân và sự bảo vệ những quyền đó từ phía nhà nước: “Tự do chính trị là tự do ảo”, Engels viết, “là một dạng nô lệ thấp kém nhất; nó chỉ có vẻ tự do và vì vậy mà, trên thực tế, là nô lệ ”[3]. Tương tự như Engels, Marx cũng coi các quyền tự do và quyền công dân là sự lừa mị vì chúng làm cho con người trở thành nô lệ của phúc lợi vật chất; tự do chân chính sẽ giải phóng con người khỏi tình trạng nô dịch như thế. George Lukacs, một lý thuyết gia Marxist, giải thích điều đó như sau: 

“Tự do” của những người đang sống hiện nay là tự do của các cá nhân, bị cách ly với nhau bởi sở hữu, là cái vừa vật chất hóa (reify) vừa được vật chất hóa*. Đấy là tự do của những cá nhân vis-à-vis (so với) những người khác. Tự do của một kẻ ích kỉ; tự do của một người tự tách mình khỏi những người khác”[4]
* Vật chất hóa (reify) nghĩa là gán hiện thực cho cái trừu tượng. Marx, học theo Ludwig Feurbach, đưa ra ví dụ về xu hướng gán tất cả những điều mà họ cho là tốt đẹp và đáng mong ước cho cái không tồn tại (theo quan niệm của Marx) mà họ gọi là “Chúa Trời”. Ví dụ khác là lời tuyên bố “Lịch sữ sẽ phán xét” chứ không phải là “Các nhà sử học sẽ phán xét”.  
    

Vì vậy việc loại bỏ tư hữu chính là điều kiện tiên quyết cho quyền tự do chân chính. Phải giải thoát khỏi sự phụ thuộc đó thì nhân loại mới đạt đến sự tự thể hiện một cách đầy đủ. Phân công lao động sẽ biến mất và người ta có thể tự do chuyển từ công việc này sang công việc khác. Marx mơ mộng: 
Trong xã hội cộng sản, nơi không có ai bị giới hạn lĩnh vực hoạt động nhất định… xã hội điều tiết toàn bộ quá trình sản xuất và vì vậy, sẽ tạo điều kiện cho tôi hôm nay làm việc này, ngày mai làm việc khác, sáng đi săn, giữa trưa đi câu cá, chiều chăn gia súc, sau bữa ăn tối thì làm phê bình - tuỳ thích – và không vì thế mà biến tôi thành thợ săn, ngư dân, người chăn nuôi hay nhà phê bình.”[5] 
__________

Lý thuyết của Marx và Engels đặt nền móng cho cương lĩnh của Hiệp hội Công nhân Quốc tế, vẫn thường được gọi là Quốc tế I, do họ lập ra ở London vào năm 1864 nhằm chuẩn bị cho người lao động ứng phó với cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa đang đến gần. Tổ chức này đã bị chia rẽ ngay từ đầu bởi những cuộc tranh cãi bất tận giữa những người xã hội chủ nghĩa và những người vô chính phủ. Mặc dù những người vô chính phủ và những người xã hội chủ nghĩa có chung mục đích là xã hội phi giai cấp, không còn chính phủ và cùng coi cách mạng bạo lực là phương tiện, nhưng họ lại khác những người xã hội chủ nghĩa ở ba điểm. Những người vô chính phủ cho rằng không chỉ công nhân công nghiệp mà nông dân không có ruộng và những người vô nghề nghiệp cũng là lực lượng tiềm tàng của cách mạng. Thứ hai, những người xã hội chủ nghĩa cho rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có một giai đoạn chuyển tiếp (đôi khi vẫn được gọi là “chuyên chính vô sản”), đấy là giai đoạn mà giai cấp cầm quyền mới sử dụng sức mạnh cưỡng bức của nhà nước nhằm tước đoạt giai cấp tư sản và tiến hành quốc hữu hoá tư liệu sản xuất. Trong khi đó, những người vô chính phủ phủ nhận mọi hình thức nhà nước, họ tiên đoán rằng “chuyên chính vô sản” sẽ biến thành phương tiện nô dịch mới, lần này, là do những người trí thức giật dây vì quyền lợi của chính họ. Cuối cùng, nếu những người xã hội chủ nghĩa tin vào sự tiến bộ diễn ra một cách tự nhiên trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và chính sự tiến bộ này sẽ dẫn tới cách mạng thì những người vô chính phủ lại kêu gọi “hành động trực tiếp”, nói cách khác, tấn công ngay lập tức vào hệ thống hiện hành. 

Thời gian đã chứng tỏ rằng, những người vô chính phủ đã dự đoán đúng cả ba vấn đề: các cuộc cách mạng xã hội không bùng nổ trong các nước công nghiệp mà diễn ra trong các nước nông nghiệp, còn “chuyên chính vô sản” thì biến nhà nước cộng sản thành một nền chuyên chính vĩnh cửu của những người không phải là công nhân đối với những người lao động chân tay và tầng lớp nông dân. Cách mạng Bolshevik vào năm 1917 ở Nga là kết quả của cuộc tấn công trực diện vào chính phủ của một nước, nơi chủ nghĩa tư bản còn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu. 

Như vậy nghĩa là, hoá ra trên thực tế, tất cả các dự đoán của Marx đều sai, ngay từ khi Marx còn sống, điều đó ngày càng trở nên rõ ràng và sau khi ông mất thì trở thành sự kiện không thể tranh cãi. 
Mặc dù chủ nghĩa tư bản đã trải qua những cuộc khủng hoảng mang tính chu kì, nhưng khủng hoảng có thể dẫn tới sụp đổ thì chưa. Đấy là nhờ một phần ở các bộ luật chống độc quyền, phần khác là nhờ sự phát triển của kỹ thuật, mở ra khả năng mới cho các doanh nghiệp nhỏ, phần nữa là nhờ sự phát triển không ngừng của lĩnh vực dịch vụ, một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn ngành công nghiệp chế biến, quá trình tập trung tư bản và sản xuất đã không dẫn đến việc bóp chết các xí nghiệp nhỏ và chỉ còn lại các tập đoàn khổng lồ. Sự ra đời của các công ty cổ phần lại góp phần vào việc tái cấu trúc tài sản của xã hội. 

Những người lao động cũng không trở thành nạn nhân của quá trình bần cùng hoá. Ngay trong giai đoạn Marx chấp bút Tư bản luận, ở Anh đã có những bằng chứng chứng tỏ rằng tiền lương của người lao động đã gia tăng, nhưng Marx đã lờ đi. Một sự kiện còn quan trọng hơn, đấy là  các chương trình an sinh xã hội do chính phủ tài trợ. Các nước dân chủ đã công nghiệp hoá lo lắng về những bước tiến của những người xã hội chủ nghĩa trong việc tổ chức của người lao động, cũng như việc các đại biểu của họ trúng cử vào quốc hội, đã phải ban hành các đạo luật về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, cũng như các ưu tiên ưu đãi khác, không để giai cấp công nhân bị chìm đắm mãi trong cảnh bần hàn. Đức là nước đầu tiên bước chân lên con đường ấy, Đảng Dân chủ Xã hội Đức là một đảng rất mạnh, có thể giành được đa số trong quốc hội. Cùng với việc nhiều nước châu Âu theo gương Đức, công nhân cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc giữ nguyên hiện trạng (Status-Quo), họ không còn nghe theo lời hiệu triệu cách mạng của những người xã hội chủ nghĩa nữa: họ có thái độ hoàn toàn ngược lại với khẳng định của Tuyên ngôn cộng sản rằng, “giai cấp vô sản không có tổ quốc”. Người lao động đã không còn là vô sản theo nghĩa ban đầu của từ này nữa, nghĩa là không còn là giai cấp chỉ có nhiêm vụ sinh con (cu li) cho nhà nước nữa. Người lao động coi trọng hoạt động công đoàn hơn, họ chấp nhận trật tự tư bản chủ nghĩa và hướng tất cả cố gắng của mình vào việc giành miếng bánh to hơn từ lợi nhuận mà chủ nghĩa tư bản mang lại. Như vậy là, người lao động đã trở thành một phần của chính cái hệ thống mà những người Marxist muốn họ lật đổ. 

Vì tất cả những lý do đó, cách mạng đã không nổ ra ở bất cứ nước tư bản chủ nghĩa phát triển nào: trong suốt một trăm năm sau khi Marx qua đời, những cuộc cách mạng như thế chỉ diễn ra, theo đúng dự đoán của những người vô chính phủ, tức là trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba, những nước có nền kinh tế tư bản vừa mới thành hình, với khối quần chúng nông dân không có hoặc có rất ít ruộng đất và chế độ độc tài. 

Các khiếm khuyết của học thuyết Marxist sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu nó vẫn nằm trên giấy như một sơ đồ lý luận. Nhưng, vì đây còn là một cương lĩnh hành động, cho nên, ngay khi các dự đoán của nó mới dường như là sai - chuyện này đã trở nên rõ ràng ngay sau khi Marx mất năm 1883 – thì những người xã hội chủ nghĩa và sau đó là chính những người cộng sản, dù vẫn tuyên bố trung thành với học thuyết, đã bắt đầu xem xét lại học thuyết của Marx. Trong các nước dân chủ phương Tây, việc xét lại này thường chỉ làm giảm đi tinh thần cách mạng và đưa chủ nghĩa xã hội đến gần hơn với chủ nghĩa tự do mà thôi. Kết quả là sự xuất hiện của phong trào dân chủ xã hội. Ngược lại, trong các nước Đông Âu và các nước thuộc Thế giới Thứ ba, việc xét lại lại làm nổi rõ thêm thành tố bạo lực trong chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa cộng sản đã xuất hiện như thế đấy. Còn chủ nghĩa Marx nguyên chất, không pha tạp thì chưa được chấp nhận ở bất kì đâu như một cương lĩnh chính trị vì nó không phù hợp với thực tế. 
_________


Quốc tế I tan rã vào năm 1876, nhưng được tái sinh vào năm 1889, sau khi Marx đã qua đời. Đấy là Quốc tế II, tổ chức tập hợp các đảng xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước (không còn những người vô chính phủ nữa), với hạt nhân là Đảng Dân chủ Xã hội Đức. Cách mạng trên các biểu ngữ, tiệm tiến trong thực tế, trước Thế chiến I, Quốc tế II đã giữ thế thượng phong trong chính sách của những người xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh chính thức của tổ chức này, thường được gọi là Cương lĩnh Erfurt, được thông qua vào năm 1891, tuyên bố rằng quyền lợi của nhà nước “tư sản” và quyền lợi của giai cấp công nhân là không thể dung hoà, người công nhân không có trách nhiệm gì đối với đất nước: họ chỉ trung thành với giai cấp mình mà thôi. Cương lĩnh khẳng định tình đoàn kết quốc tế của những người lao động và tính tất yếu của cách mạng, một cuộc cách mạng sẽ đập tan chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản trên toàn thế giới. 

Không phải tất cả những người xã hội chủ nghĩa đều chấp nhận cương lĩnh cấp tiến này. Trên khắp châu Âu, đã vang lên những lời cảnh báo rằng điều kiện sống của giai cấp công nhân sẽ được cải thiện bằng các biện pháp chính trị và kinh tế chứ không phải bằng một cuộc cách mạng bạo lực. Jean Jaurès, một đảng viên xã hội người Pháp tiên đoán: 
Giai cấp vô sản sẽ giành được quyền lực không phải bằng một cú bùng nổ bất ngờ của công tác cổ động chính trị, mà phải dựa vào việc tổ chức công khai, có phương pháp, lực lượng của mình trong điều kiện của chế độ dân chủ và phổ thông đầu phiếu. Xã hội của chúng ta sẽ tiến dần đến chủ nghĩa cộng sản không phải bằng cách đập tan chế độ tư bản mà bằng quá trình củng cố lực lượng của giai cấp vô sản một cách thường xuyên và liên tục. 

Ủng hộ mạnh mẽ nhất cho đường lối này là Tổ chức Fabian ở Anh, trong đó có những thành viên vốn là những danh nhân văn học như George Bernard Shaw và Herbert George Wells. Cương lĩnh của tổ chức này yêu cầu “thuyết phục” đất nước giải thoát khỏi chủ nghĩa tư bản bằng cách quốc hữu hoá nền công nghiệp; cũng như các nhà xã hội chủ nghĩa tiền Marxist, những người Fabian cũng hướng đến lương tâm của dân tộc. 

E. Bernstein là người tiến hành một cuộc công kích táo bạo nhất vào các nguyên lý và cương lĩnh của chủ nghĩa Marx. E. Bernstein là một yếu nhân của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, người đặt nền móng cho “chủ nghĩa xét lại” trong phong trào xã hội chủ nghĩa. Bernstein từng sống nhiều năm ở Anh và đã từng tiếp xúc với phong trào Fabian. Cuối những năm 1890, ông kêu gọi những người dân chủ xã hội cải tiến lý thuyết của mình cho phù hợp với thực tiễn là chủ nghĩa tư bản chưa thể sụp đổ, còn quần chúng lao động cũng không rơi vào cảnh bần hàn. Vẫn tin vào chủ nghĩa xã hội, nhưng tương tự như Jaurès, ông coi đấy là kết quả của quá trình phát triển kinh tế và chính trị một cách hoà bình trong lòng chủ nghĩa tư bản.

Đảng Dân chủ Xã hội Đức, đảng mạnh nhất và có ảnh hưởng nhất ở châu Âu phủ nhận lý thuyết xét lại của Bernstein và tiếp tục đi theo cương lĩnh cách mạng, được thông qua tại Erfurt. Nhưng, trên thực tế, đảng này lại làm chính những điều mà Bernstein bảo vệ, tức là dành nhiều sức lực cho phong trào công đoàn và các cuộc bầu cử vào quốc hội. (Mãi đến năm 1959, đảng này mới chính thức ly khai chủ nghĩa Marx). 

Như vậy là, trong giai đoạn sung sức nhất, tức là khoảng một phần tư thế kỷ trước khi nổ ra Thế chiến I, phong trào xã hội chủ nghĩa ở phương Tây, trên thực tế, đã từ bỏ cách mạng bạo lực và chuyển sang phương pháp cảo tạo xã hội một cách hoà bình, tuy về mặt lý luận, không phải lúc nào họ cũng nói như thế. Phong trào giữ vững niềm tin vào tình đoàn kết quốc tế của những người lao động. Quốc tế II cho rằng, công nhân tất cả các nước đều là anh em và nhiệm vụ cao cả nhất của họ chính là ngăn chặn các cuộc chiến tranh mà chủ nghĩa tư bản cố tình gây ra. Đề tài này thường được đưa ra thảo luận tại các cuộc hội nghị của Quốc tế. Người ta đã đưa ra nhiều đề nghị nhằm ngăn chặn chiến tranh, cũng như đã thảo luận về những hành động cần phải làm nếu chiến tranh vẫn cứ bùng nổ. Nghị quyết được thông qua tại Hội nghị ở Stuttgart vào năm 1907 (có V. Lenin và L. Martov, hai nhà Marxist hàng đầu của Nga, tham gia) kêu gọi, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, “phát động quần chúng và bằng cách đó đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chính quyền tư sản”, nói cách khác, biến chiến tranh giữa các nước thành nội chiến giữa các giai cấp. Trong hội nghị tiếp theo vào năm 1910, các đại biểu thống nhất thông qua nghị quyết đòi các nghị sĩ xã hội chủ nghĩa biểu quyết phản đối ngân sách chiến tranh. 

Nhưng hoá ra các đảng viên xã hội chủ nghĩa, cũng như Quốc tế II của họ không đủ sức ngăn chặn sự bùng phát của cuộc chiến tranh trên toàn châu Âu vào mùa hè năm 1914. Những câu chuyện về một cuộc tổng đình công chẳng đưa đến đâu. Hơn thế nữa, cả những người dân chủ xã hội Đức lẫn các đảng viên xã hội chủ nghĩa Pháp, trái ngược với những thề bồi trước đây, đều biểu quyết thông qua ngân sách chiến tranh và bằng cách đó, đã làm mất uy tín của chính tư tưởng về tình đoàn kết quốc tế của giai cấp vô sản. Lòng trung thành với tổ quốc hoá ra cao hơn tình hữu ái giai cấp; A. Hitler và B. Mussolini, hai kẻ mị dân và rất háo danh, sau khi chiếm được chính quyền dựa vào cơ sở cương lĩnh hợp nhất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa dân tộc, đã không bỏ qua sự kiện này. 


Số phận của Quốc tế II đã được định đoạt khi nó không có khả năng thực hiện những lời hứa chống chiến tranh của mình. Chiến tranh rồi cũng qua đi, các đảng xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại, nhưng họ ngày càng gắn bó với đất nước của mình hơn.
Sự nghiệp của quốc tế xã hội chủ nghĩa chuyển từ phương Tây, lúc đầu là sang Nga và sau đó là sang các nước ngày càng xa phương Tây hơn.

II.                Chủ nghĩa Lenin 

Bắt đầu từ năm 1709, khi Peter Đại Đế đánh bại Thuỵ Điển ở Poltava và chấm dứt giai đoạn bá quyền của họ ở vùng Baltic, nước Nga được coi và cũng tự coi là siêu cường và đòi hỏi vị trí siêu cường của mình trên lục địa châu Âu. 

Ở khía cạnh nào đó, đòi hỏi này là chính đáng. Saint-Peterburg, thủ đô của nước Nga, được xây dựng theo mô hình của Amsterdam, trên thực tế, là một thành phố châu Âu, còn giới thượng lưu Nga, nói thông thạo tiếng Pháp, không xa lạ gì với văn hoá phương Tây. Văn học, nhạc, nghệ thuật và khoa học Nga xuất hiện vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX có thể so sánh với văn hoá châu Âu và trong một vài lĩnh vực còn đi tiên phong, điều này dễ làm người ta ngộ nhận. 

Nhưng, nền văn hoá cao đó chỉ là tài sản của một giai tầng hạn hẹp của xã hội, đấy là giới quý tộc, trí thức và tầng lớp quan chức cao cấp. Ba phần tư dân chúng của đế chế là nông dân, mà phần đông trong số họ vẫn sống trong một thế giới riêng, chưa hề bị nền văn minh châu Âu đụng chạm tới. Họ không có tiếng nói chung với những người có học, thậm chí còn coi giới trí thức như người ngoại quốc. Đa số nông dân Nga không phải là các điền chủ, tự canh tác trên khoảnh đất của mình; họ là thành viên của các công xã nông thôn và thường phân chia lại ruộng đất theo định kì, tuỳ thuộc vào sự thay đổi số nhân khẩu trong từng gia đình. Theo quan niệm của nông dân, ruộng đất không phải là hàng hoá mà là nguồn sống, chỉ có những người canh tác mới có quyền sở hữu ruộng đất. 

Nông dân còn có đặc điểm là bảo thủ, trung thành với Hoàng đế và nhà thờ Chính thống giáo. Chỉ có một khía cạnh và là khía cạnh duy nhất, trong đó người nông dân có thể trở thành động lực của cách mạng, mà cụ thể là: họ là những người không đủ ruộng đất canh tác. Người nông dân Nga không phải là giai cấp vô sản bị áp bức ở nông thôn: năm 1916 họ chiếm tới 89,1% đất canh tác tại phần châu Âu của nước Nga[6]. Nhưng số lượng nông dân lại tăng nhanh hơn phần diện tích canh tác nằm dưới quyền sử dụng của họ: nếu giữa thế kỷ XIX, một diện tích đất dành cho hai nhân khẩu thì sau 50 năm phải nuôi đến ba nhân khẩu. Phương pháp quảng canh truyền thống cùng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt làm cho năng suất không cao. Nông dân tin rằng một ngày nào đó Sa hoàng, mà họ coi là người chủ hợp pháp của toàn bộ đất đai, sẽ thu hồi đất của địa chủ và cả những nông dân sở hữu ruộng đất để phân chia cho các công xã. Nếu ông ta không làm như thế, đầu những năm 1890 đã xuất hiện những ngờ vực là ông ta không làm như thế, thì nông dân sẵn sàng chiếm ruộng đất bằng vũ lực. Các tác nhân khác cũng góp phần ngăn chặn việc biến Nga thành một nước phương Tây. Trong suốt quá trình lịch sử của mình, chính quyền Nga là chính thể chuyên chế, Sa hoàng không chỉ có toàn quyền trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp mà còn sở hữu toàn bộ đất nước theo đúng nghĩa đen của từ này, ông ta có thể sử dụng cả nhân tài và vật lực của quốc gia theo ý mình; đấy là một chế độ mà Max Weber, nhà xã hội học Đức, gọi là “patimonial” (tạm dịch: làng xã - là các hệ thống nhỏ, mang tính truyền thống, quyền lực mang tính cá nhân và độc đoán biến người dân thường thành khách hàng của người cai trị chứ không còn là công dân có các quyền - ND). Việc quản lý đế chế rộng lớn này được giao cho tầng lớp quan lại, cùng với lực lượng cảnh sát và quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự, họ không bao giờ phải báo cáo hay chịu trách nhiệm gì trước dân chúng. Cho đến năm 1905 - khi các phong trào nổi dậy của dân chúng buộc Sa hoàng phải ban bố hiến pháp và các quyền dân sự - người dân Nga có thể bị bắt và lưu đày mà không cần xét xử chỉ vì những suy tư về việc thay đổi hiện trạng.

Cuối thế kỷ XVIII, sở hữu tư nhân về ruộng đất mới được áp dụng ở nước Nga, mà cũng chỉ giới quý tộc mới được hưởng quyền này, còn trước đó, tất cả ruộng đất đều là sở hữu của nhà vua. Trong khi đó, ở phương Tây, ngay từ thời Trung cổ, phần lớn ruộng đất đã thuộc quyền sở hữu tư nhân. Các thiết chế pháp lý, thường phát triển song hành với quyền tư hữu, cũng mãi sau này mới xuất hiện: các bộ luật đầu tiên xuất hiện vào năm 1830 và mãi đến năm 1860 mới có các toà án thực sự. Cho đến lúc đó, đa số người dân Nga vẫn là nông nô của nhà nước hay của tầng lớp quý tộc, không được hưởng quyền tư pháp và quyền sở hữu tài sản. Các cơ quan đại diện có mục đích ngăn chặn bớt quyền lực của ngai vàng xuất hiện vào năm 1906, nghĩa là chậm một thế kỷ so với quốc hội phương Tây. Chưa có bộ luật dân sự. Điều đó chứng tỏ rằng, đa số người Nga, cũng như các dân tộc bị họ cai trị, không thể trông cậy gì vào chính phủ của mình. Họ phục tùng vì không có con đường nào khác, lý tưởng của họ là vô chính phủ.

Các Sa hoàng, trong khi bóp nghẹt đất nước như thế, nhưng lại muốn giữ địa vị siêu cường, đã buộc phải thực hiện những bước đi mà chắc chắn sẽ làm lung lay quyền lực của chính hoàng gia. Các trường đại học Nga, trong khi tiến hành công việc phổ biến kiến thức và phương pháp tư duy có tính phê phán, đã góp phần tạo ra một tầng lớp công dân không chấp nhận việc bóp nghẹt tự do ngôn luận. Alexander Herzen viết về nan đề của thế hệ ông như sau: 

Người ta dạy chúng tôi kiến thức, người ta gieo vào lòng chúng tôi ước mơ, khát vọng và nỗi đau của thế giới đương đại, nhưng sau đó họ lại hạ lệnh: “Hãy tiếp tục làm nô lệ, tiếp tục là những người câm, những người bất động nếu không các ngươi sẽ chết”. 

Chính sách mâu thuẫn như thế đã tạo ra một tầng lớp trí thức đặc trưng bởi thái độ thù địch với toàn bộ trật tự xã hội và thể chế chính trị hiện hành, họ tin rằng hành động như thế chính là cách nói thay cho người dân thấp cổ bé miệng. Môi trường hoạt động của các nhà cách mạng, từ những “thánh tông đồ” của các biện pháp bất bạo động đến những kẻ khủng bố cực đoan, không phải là công trường hay nhà máy mà chính là các trường đại học. 


Các Sa hoàng còn khuyến khích phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa, đây cũng là chính sách góp phần làm lung lay hệ thống quyền lực của ngai vàng. Nước Nga đã thua các nước dân chủ và công nghiệp hoá trong cuộc chiến tranh Krimea năm 1854-1855, cuộc chiến tranh được tiến hành ngay trên lãnh thổ của mình. Thất bại nhục nhã này một lần nữa chứng tỏ rằng, trong thế giới hiện đại, một nước thiếu nền công nghiệp và hệ thống giao thông vận tải phát triển thì không thể tranh giành hay giữ được vị thế siêu cường. Thất bại đã thúc đẩy các Sa hoàng khuyến khích phát triển cả công nghiệp lẫn hệ thống giao thông bằng nguồn vốn trong và ngoài nước. Hậu quả là đã xuất hiện các trung tâm ra quyết định độc lập chính phủ và bộ máy quan liêu. 

Giáo dục phát triển, công nghiệp hoá nhằm đáp ứng tham vọng của nước Nga đã xói mòn quyền lực của chế độ đối với đất nước. 

Những tác nhân đó giúp ta hiểu được vì sao cách mạng cộng sản - theo Marx phải diễn ra ở các nước phương Tây công nghiệp hoá - lại nổ ra ở nước Nga nông nghiệp. Ở Nga, không có các tác nhân ngăn chặn những cuộc cách mạng xã hội: đấy là tinh thần thượng tôn pháp luật và tôn trọng quyền tư hữu, ngoài ra, ở phương Tây, dân chúng còn tôn trọng chính phủ vì chính phủ của họ luôn bảo vệ quyền tự do của người dân và cung cấp các dịch vụ xã hội. Tầng lớp trí thức cấp tiến say mê lý tưởng, một bên và giai cấp nông dân, những người luôn khát khao chiếm đoạt lấy một mảnh ruộng riêng, một bên, đã tạo ra tình trạng căng thẳng thường trực, sẵn sàng bùng nổ bất cứ lúc nào, nhất là khi chính phủ trung ương rơi vào tình trạng khó khăn. Ở đây, các tác nhân kinh tế mà Marx và Engels đưa ra chẳng có vai trò gì. 

Những tác nhân dẫn nước Nga đến cách mạng cũng chính là những tác nhân quyết định hình thức của chế độ cộng sản sẽ xuất hiện tại đây. Hoá ra chủ nghĩa xã hội được đưa vào đất nước chưa hề biết đến những truyền thống có thể giúp đạt được lý tưởng do Marx đặt ra sẽ tự phát và nhanh chóng tiếp thu những khía cạnh xấu xa nhất của chế độ Sa hoàng mà nó vừa lật đổ. Ở phương Tây, các khẩu hiệu xã hội chủ nghĩa ngày một mờ nhạt dần và trở thành một phần không thể tách rời của những người theo chủ nghĩa tự do, thì ở Nga và các nước ngoài phương Tây, lại được lèo lái theo những khái niệm quen thuộc về quyền lực vô giới hạn của nhà nước đối với các công dân và tài sản của họ. Chủ nghĩa toàn trị Xô Viết, sinh ra từ hạt giống Marxist, nhưng được gieo trên cánh đồng làng xã của chế độ Sa hoàng, đã hình thành như thế đấy.

Phong trào cách mạng Nga xuất hiện trong những năm 1870, dưới ảnh hưởng của các học thuyết vô chính phủ và xã hội chủ nghĩa phương Tây, đã tìm được những đồ đệ chủ yếu trong hàng ngũ sinh viên. Những người thanh niên đó thâm nhập về nông thôn, tưởng rằng sẽ được nông dân đón tiếp nồng hậu, nhưng họ đã thất vọng. Hoá ra nông dân không chỉ căm thù những người hàng xóm giàu có hơn, những người được gọi là “kulak”, mà chính họ cũng lại muốn trở thành những người như thế. Họ tin Sa Hoàng, tin rằng ông ta sẽ chia ruộng đất cho mình.

Thất vọng, đa số những thanh niên này đã rời bỏ phong trào. Nhưng một nhóm nhỏ, liên kết thành Đảng “Ý Dân”; đảng này tập trung tất cả cố gắng vào việc làm cho nhân dân không còn sợ hãi và kính trọng Sa hoàng nữa. Để đạt mục đích đó, họ bắt đầu bằng những vụ ám sát các viên chức cao cấp của chính phủ. Ý Dân là tổ chức đầu tiên trong lịch sử đã gây ra hàng loạt những vụ khủng bố chính trị. Tháng 3 năm 1881, đảng này ám sát Sa hoàng Alexander II, một ông vua mà trước đấy 20 năm đã giải phóng những người nông nô Nga. Vụ ám sát không đạt được mục đích. Nó còn có tác dụng ngược: không những không kêu gọi được nhân dân vùng lên chống lại chế độ, vụ ám sát còn làm cho nhiều người bất mãn và làm mất niềm tin vào các biện pháp cách mạng trong một thời gian. 
Phong trào dân chủ-xã hội thâm nhập vào nước Nga trong những năm 1890. Phong trào này có sức hấp dẫn vì trong mười năm đó, nước Nga đã trải qua quá trình công nghiệp hoá một cách nhanh chóng, khả năng xuất hiện nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với những hậu quả xã hội đi kèm với nó, được Marx mô tả trong Tư bản luận, đang đến rất gần. Tại các trường đại học, các nhóm thanh niên có xu hướng dân chủ-xã hội mọc lên như nấm sau mưa, các nhóm này coi khủng bố là sách lược không có tương lai, họ hy vọng vào quá trình phát triển tự nhiên của nền kinh tế. Cùng với thời gian, thành viên của các nhóm này tin rằng nước Nga đang trải qua tất cả các mâu thuẫn đặc trưng của chủ nghĩa tư bản và cách mạng nhất định sẽ nổ ra. 

Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được thành lập tại một đại hội bí mật, bị cảnh sát giải tán, vào năm 1898. Tuyên ngôn của đại hội, do Peter Struve chấp bút, nói rằng nước Nga sẽ giành được tự do không phải bằng những cố gắng của giai cấp tư sản khiếp nhược mà bằng sức mạnh của giai cấp công nhân công nghiệp. Giai cấp công nhân sẽ giải phóng đất nước khỏi chế độ độc tài và khai phá con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Tiên đề này sẽ trở thành luận điểm chủ yếu của phong trào dân chủ xã hội Nga: cách mạng sẽ trải qua hai giai đoạn; giai đoạn thứ nhất có nhiệm vụ lật đổ chế độ chuyên chế Sa hoàng và thành lập chế độ dân chủ “tư sản”, giai đoạn hai có nhiệm vụ lật đổ chính chế độ này và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây là chiến lược sao chép phương châm của Marx và Engels, hai ông này từng kêu gọi lập các liên minh chiến thuật với những người theo chủ nghĩa tự do trong cuộc đấu tranh chống lại các chế độ độc tài. 

Về mặt hình thức, Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga được thành lập tại đại hội ở London, năm 1903. Ngay tại đây, phong trào đã chia thành hai phái, một phái do Martov đứng đầu, gọi là “Menshevik”, phái kia do Lenin đứng đầu, gọi là “Bolshevik”. Dù đã có những cố gắng hoà giải, nhưng hai phái này không bao giờ hoà thuận được vì thái độ thù địch không khoan nhượng của Lenin đối với bất kì người nào có ý chống lại sự lãnh đạo của ông ta. Vì người ta thường liên tưởng chủ nghĩa cộng sản với tên tuổi của Lenin và Đảng của ông, xin dừng lại một chút và xem xét kĩ hơn con người này, một người từng có ảnh hưởng bao trùm đối với nền chính trị thế giới trong suốt thế kỷ XX. 
____________

Vladimir Ilych Ulyanov Lenin sinh năm 1870 tại thành phố Simbirsk, bố ông ,vốn xuất thân từ thành phần quý tộc, được bổ nhiệm làm thanh tra viên trong ngành giáo dục và cũng là một người có quan điểm bảo thủ và rất trung thành với nhà thờ Chính thống giáo. Trong buổi hoàng hôn của đế chế Nga, rõ ràng là, con cái của những gia đình quan chức cao cấp như thế cảm thấy như có lỗi vì những đặc quyền đặc lợi và dễ trở thành những người có tư tưởng cấp tiến. Năm 1887, người anh của Lenin, Alexander, bị kết án tử hình vì tham gia vào vụ mưu sát Sa hoàng Alexander III. Các chị em gái của Lenin cũng không tránh được rắc rối và cũng từng bị tù đày. Nhưng, trong những năm còn học phổ thông, Lenin không hề quan tâm đến chính trị: là một học sinh có năng khiếu, cậu học trò Volodia mỗi năm lại lên một lớp và năm nào cũng được nhận bằng khen không những vì đã có thành tích trong học tập mà còn chứng tỏ là một học trò ngoan. 

Rắc rối xuất hiện vào năm 1887, đấy là năm Lenin thi vào trường đại học tổng hợp Kazan. Cảnh sát bắt đầu chú ý đến Lenin khi ông tham gia vào những vụ lộn xộn của sinh viên nhằm phản đối các quy định của nhà trường. Sau khi bị nhận diện là em của một kẻ khủng bố đã bị tử hình, Lenin bị đuổi học và mặc dù bà mẹ đã nhiều lần làm đơn xin, ông ta không bao giờ được nhận trở lại trường nữa. Lenin phải ăn không ngồi rồi suốt ba năm trời, lòng căm thù chế độ cũng ngày một dâng cao. Chỉ vì một lỗi nhỏ mà chế độ trừng phạt một cách quá nghiêm khắc và như thế đã chặn đứng vĩnh viễn con đường hoạn lộ của ông ta. Ông ta không chỉ căm thù chế độ mà còn căm thù “giai cấp tư sản”, giai cấp đã chối bỏ gia đình ông chỉ vì có một người anh bị tử hình. Điều đó đã biến ông ta thành một nhà cách mạng cuồng tín, một người quyết tâm đập phá tan tành chế độ chính trị và xã hội hiện hành. Như vậy nghĩa là, nhiệt tình cách mạng của Lenin không phải xuất phát từ lòng yêu thương giai cấp cần lao. Trên thực tế, năm 1891-1892, ở vùng Volga xảy ra nạn đói thì chỉ có ông ta là người trí thức duy nhất trong vùng phản đối việc giúp đỡ những người nông dân nghèo đói vì cho rằng nạn đói có vai trò tích cực trong việc phá huỷ nền kinh tế tiểu nông cổ truyền, dọn đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiệt tình cách mạng của ông ta cũng không được hâm nóng bởi viễn kiến về một tương lai tươi sáng hơn. Nền tảng của nó là lòng hận thù và khát khao báo thù. Struve, người từng cộng tác với Lenin trong những năm 1890, sau này đã viết rằng, đặc điểm chủ yếu của Lenin là lòng hận thù. Tố chất bẩm sinh đó của con người Lenin, một người mà động lực chủ yếu là sự ác cảm và thù địch đối với tất cả những gì xa lạ, dù đấy là những giai cấp hay các dân tộc và sắc tộc khác, đã có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống chính trị thế giới trong suốt thế kỷ XX.

Năm 1891, chính quyền đã tỏ ra độ lượng và cho phép Lenin thi lấy bằng luật sư như một thí sinh tự do. Lenin thi đỗ và chuyển về sống ở Saint-Petersburg. Ông ta có làm công việc tranh tụng một thời gian, nhưng đấy chỉ là bức bình phong cho hoạt động cách mạng của ông ta mà thôi. Những người dân chủ xã hội ở đây không những không coi Lenin là một người Marxist mà còn coi là một người thuộc phái “Ý dân”, một người ủng hộ khủng bố, nôn nóng, muốn bắt đầu cách mạng ngay mà không chờ cho chủ nghĩa tư bản phát triển chín muồi. Qua giao tiếp với những người được chuẩn bị kĩ lưỡng hơn về mặt lý luận, có thời gian Lenin đã ngả sang tư tưởng về hai giai đoạn cách mạng. Là một người có kỉ luật, năng nổ và hết mình vì sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, Lenin nhanh chóng giành được địa vị cao trong phong trào dân chủ xã hội đang còn trong vòng bí mật. 

Vì những vụ sách động công nhân đình công, năm 1896 Lenin bị bắt và bị đầy đi Siberia. Ông ta sống trong ngôi nhà thuê của một gia đình nông dân, khá đầy đủ tiện nghi, với người vợ chưa cưới là Nadezhda Krupskaya. Trong ba năm đó, ông ta chuyên tâm vào việc viết lách, dịch và trao đổi thư từ với bạn bè. Trong những năm Lenin bị lưu đầy (1897-1900), ở Đức nổi lên phong trào xét lại chủ nghĩa Marx và từ đó, phong trào này thâm nhập vào nước Nga. Cương lĩnh xét lại làm Lenin choáng váng, ông coi coi đây là sự phản bội sự nghiệp đã làm cho ông ta trở thành một người xã hội chủ nghĩa. Ông ta còn cảm thấy cay đắng hơn khi nhận ra rằng phong trào công nhân đang hình thành ở Nga lại thiên về các hoạt động công đoàn theo đường lối hoà bình chứ không có ý định lật đổ chủ nghĩa tư bản. Diễn biến của các sự kiện như thế làm Lenin rơi vào một cuộc khủng hoảng nội tâm sâu sắc. Cuối cùng, ông ta tự khẳng định rằng, nếu không đưa được những người dân chủ xã hội quay sang con đường cách mạng thì chính ông ta sẽ ly khai và thành lập đảng riêng của mình. 

Vừa ra khỏi tù, Lenin lập tức đi sang Đức và cùng với Martov lập ra tờ báo Iskra (Tia lửa nhỏ) nhằm truyền bá chủ nghĩa Marx chính thống, chống lại trào lưu xét lại lúc đó. Nhưng, chính cách hiểu chủ nghĩa Marx của ông ta lại chẳng chính thống một chút nào. Năm 1902, với tác phẩm Что делать? (Làm gì?), Lenin đã đưa ra những luận điểm chủ yếu của cái học thuyết mà sau này được gọi là chủ nghĩa Bolshevik. Trong tác phẩm này, ông ta đã phủ nhận một cách dứt khoát quan điểm chủ yếu của chủ nghĩa Marx, tức là quan điểm nói rằng nhất định giai cấp công nhân sẽ nổi dậy: Tự mình, giai cấp công nhân sẽ không vượt qua khuôn khổ của các hoạt động công đoàn, ông ta khẳng định như thế. Nhiệt tình cách mạng phải được đưa vào từ bên ngoài, phải nhờ vào một đảng cố kết của những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Mặc dù Lenin không nói rõ, nhưng những nhà cách mạng chuyên nghiệp phải là các trí thức, vì công nhân không có thì giờ và cũng chẳng có kiến thức để thực hiện sứ mệnh này*. Trên thực tế, ban lãnh đạo đảng của Lenin chỉ có một người từng là công nhân, nhưng hóa ra lại là chỉ điểm của cảnh sát. 

* Benito Mussolini, người lập ra Đảng Fascist, nhưng trước Thế chiến I lại là lãnh tụ của cánh cực đoan của phong trào dân chủ xã hội Italy lúc đó cũng có cùng quan điểm như thế. 

Năm 1903, Lenin đến đại hội với tinh thần sẵn sàng chia rẽ đảng và đoạn tuyệt với đa số có xu hướng hoà bình chủ nghĩa. Về mặt hình thức, nguyên nhân của sự phân liệt là do Lenin đòi hỏi rằng một người muốn trở thành đảng viên thì không những phải ủng hộ cương lĩnh của đảng mà còn phải cống hiến trọn đời cho hoạt động cách mạng. Đảng được tổ chức như một đạo quân, với hệ thống kỉ luật và phục tùng tuyệt đối sẽ lãnh đạo chứ không phải theo đuôi phong trào công nhân. Vừa giành được một đa số tạm thời tại đại hội, Lenin lập tức gọi phái của mình là “Bolshevik”, nghĩa là “đa số”, còn những người phản đối ông ta, dưới sự dẫn dắt của Martov, đành chấp nhận nhãn hiệu “Menshevik”, nghĩa là “thiểu số”. 

Lịch sử mười năm tiếp theo của Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga chứa đầy các âm mưu và những cuộc cãi vã nhảm nhí. Lenin gọi những người Menshevik là “bọn phản bội”, “bọn đầu hàng” và những danh từ mang tính nhục mạ tương tự như thế. Muốn lập đảng của những nhà cách mạng chuyên nghiệp thì cần phải có tiền, Lenin đã kiếm tiền bằng những cách phải nói là chẳng hay ho gì, kể cả cướp bóc ngân hàng và tranh đoạt tài sản kế thừa của người khác. 

Ngay trước Thế chiến I, Lenin đã đưa ra hai lý thuyết mới. Thứ nhất, nước Nga không cần cách mạng “tư sản” vì chủ nghĩa tư bản đã làm đất nước chấn động và đã sẵn sàng thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa rồi. Thứ hai, trong cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ hiện hành, những người xã hội chủ nghĩa có thể tham gia liên minh tạm thời với mọi lực lượng, tức là những lực lượng vì quyền lợi của mình mà đấu tranh chống lại chế độ hiện hành, đặc biệt là nông dân và các dân tộc thiểu số. 

Những người Marxist coi nông dân là giai cấp “tiểu tư sản” và vì vậy, về bản chất, là kẻ thù của giai cấp công nhân công nghiệp. Nhưng, Lenin lại cho rằng người nông dân chỉ ước mong có ruộng và sẵn sàng đứng lên làm cách mạng, ông ta tin rằng chỉ cần nắm được quyền lực là có thể buộc nông dân phải đi theo bằng cách quốc hữu hoá ruộng đất. Về các sắc dân thiểu số, Lenin, cũng như tất cả những người xã hội chủ nghĩa khác, đều coi thường mọi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc. Nhưng ông ta cũng cho rằng tinh thần dân tộc của người Ba Lan, người Phần Lan và các sắc dân thiểu số khác lại góp phần vào việc lật đổ chế độ. Vì vậy, ông ta đã hứa bảo đảm cho tất cả các dân tộc nằm dưới sự cai trị của người Nga quyền dân tộc tự quyết, kể cả quyền thành lập nhà nước độc lập. Trả lời câu hỏi có phải như thế là “Balkan hoá” nước Nga hay không, ông ta nói rằng các mối liên kết kinh tế gắn bó đế chế Nga mạnh đến nỗi khuynh hướng phân liệt không thể có cơ may thành công, mà nếu có một hai khu vực biên thuỳ nào đó làm được chuyện này thì vẫn có thể dùng vũ lực để bắt họ quay trở lại vì “quyền vô sản tự quyết” phải cao hơn “quyền dân tộc tự quyết”. 

Từ năm 1900 đến năm 1917, Lenin hầu như chỉ sống ở nước ngoài. Dù ở Đức, ở Áo, Italy hay Thuỵ Sĩ ông ta đều tìm cách chia rẽ Quốc tế II như đã từng chia rẽ Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, nhưng kết quả không đáng là bao. Ông ta vẫn giữ mối liên hệ với các đệ tử ở Nga và dành nhiều thời gian viết báo để mạt sát những người bất đồng quan điểm. Trừ những học trò gần gũi – ông ta thường cố gắng thuyết phục khi những người này lầm lạc – tất cả những người bất đồng ý kiến đều bị ông ta gọi là bọn phản bội giai cấp công nhân. 

Suốt thời gian đó, ông ta chỉ về Nga có một lần, đấy là trong thời gian diễn ra cuộc Cách mạng năm 1905. Lợi dụng những quyền tự do được chế độ nới rộng trong thời kì cách mạng, các đảng viên Bolshevik lập tức công khai thành lập các tổ chức của mình. Quần chúng không ủng hộ bất kì phái dân chủ xã hội nào: năm 1907, tổng số đảng viên của tất cả các phái cũng chỉ là 84.000 người, khi cách mạng rơi vào thoái trào thì con số này cũng giảm, năm 1910 chỉ còn lại 10.000 đảng viên, đấy là trong một nước có 150 triệu dân. Những người ủng hộ Bolshevik đa phần là dân Nga, còn những người thiểu số, thí dụ như người Do Thái hoặc Georgia, thì ngả về phía Menshevik. Cả hai phái đều chẳng có mấy công nhân, đa số đảng viên đều thuộc tầng lớp trí thức. 

Chiến tranh thế giới xảy ra. Những người dân chủ xã hội Nga, cả Bolshevik lẫn Menshevik, là những người duy nhất, nếu không kể đến người Serbi, biểu quyết phản đối ngân sách chiến tranh. Các đại biểu quốc hội là đảng viên Bolshevik đều bị bắt và bị lưu đầy vì tội hoạt động đối lập. Tổ chức đảng của họ gần như không còn. 

Khi chiến tranh nổ ra, lập trường của Lenin là rất rõ ràng: phải biến chiến tranh giữa các nước thành chiến tranh giữa các giai cấp. Giai cấp công nhân các nước không được bắn giết lẫn nhau mà phải quay súng chống lại những kẻ bóc lột mình. Có một số người thuộc Quốc tế II ủng hộ quan điểm này, họ lập tức tụ họp ở Thuỵ Sĩ, một nước giữ thái độ trung lập. Người Nga có một phái đoàn rất mạnh tại các cuộc gặp gỡ này và Lenin đã giành được quyền lãnh đạo phái tả cấp tiến. Mặc dù các nghị quyết do ông ta đề xuất đã không được thông qua, nhưng ông đã có ảnh hưởng rất lớn đối với các cuộc thảo luận và đấy là cơ sở cho việc thành lập Quốc tế III hay còn gọi là Quốc tế Cộng sản vào năm 1919. 
_______________

Nước Nga là đồng minh của Anh và Pháp. Nga tham gia liên minh vì sợ rằng Đức và Áo sẽ mở rộng sang phía Đông và phía Nam và sẽ chiếm một phần lãnh thổ, biến Nga thành một nước loại hai. Pháp phải hợp tác với Nga vì sợ Đức, Pháp chỉ có thể đứng vững được nếu Đức phải chiến đấu trên cả hai mặt trận. Thoả thuận mà Pháp kí với Nga có điều khoản là Nga sẽ tấn công Đức và tiến nhanh về hướng Berlin một khi quân Đức tràn vào Pháp. 

Nhưng hoá ra kế hoạch của các bên tham chiến đều không được thực hiện. Kế hoạch của Đức là giành thắng lợi nhanh chóng trên mặt trận phía Tây và sau đó chuyển sang mặt trận phía Đông để tiêu diệt quân Nga đã thất bại: chiến dịch bên phía Tây trở thành những trận đánh giành giật nhau từng chiến hào và không biết bao giờ mới kết thúc. Trong khi đó, quân Nga tấn công mãnh liệt trên mặt trận Đông Phổ, nhưng bị rơi vào bẫy và bị quân Đức đánh tan. 

Cuối năm 1914, Bộ Chỉ huy tối cao Đức kết luận rằng, họ chỉ có thể chiến thắng nếu đánh bại Nga và sau đó sẽ tập trung toàn lực cho mặt trận phía Tây. Mùa xuân năm 1915, liên quân Đức-Áo tấn công Ba Lan, lúc đó thuộc Nga, và đẩy quân Nga lùi sâu hàng trăm kilomet. Mặc dù lực lượng quân sự chủ yếu vẫn được bảo toàn và trên danh nghĩa, Nga vẫn còn tham chiến, nhưng nước này đã đánh mất những khu vực giàu có nhất và đông dân nhất. 

Thất bại đã làm cho cả những người theo chủ nghĩa tự do lẫn những người bảo thủ bất bình. Các đại biểu quốc hội (Duma) theo chủ nghĩa tự do đòi chính phủ giao chọ họ quyền bổ nhiệm các bộ trưởng. Những người bảo thủ thì muốn Sa hoàng Nikolai II thoái vị và nhường ngôi cho một hoàng thân có năng lực hơn. Trong quân đội, cũng như trong dân chúng, loan truyền các tin đồn về những hành động phản bội trong tầng lớp chóp bu: người ta nghi ngờ hoàng hậu, vốn là một người Đức, chuyển bí mật quân sự cho kẻ thù. Chính phủ còn gặp khó khăn hơn nữa vì nạn lạm phát ở các thành phố, hoạt động đường sắt bị rối loạn gây ra nạn thiếu lương thực và nhiên liệu, nhất là tại Petrograd (Saint-Petersburg cũ). Các tin tức xấu từ mặt trận đưa về, cùng với những bất mãn về chính trị và khó khăn về kinh tế trong các thành phố (nông thôn vẫn yên tĩnh vì nông dân được lợi khi giá lương thực leo thang) đã tạo ra tình thế cách mạng ngay trong tháng 10 cuối năm 1916. 

Có thể nói rằng cuộc Cách mạng năm 1917 đã bắt đầu vào tháng 11 năm trước, khi chính phủ chịu áp lực rất lớn từ cả thành phần tự do lẫn thành phần bảo thủ trong Duma quốc gia. Maliukov, lãnh tụ phe tự do, tố cáo chính phủ phản bội. Những cuộc tấn công như thế của giới chính trị cao cấp làm cho đất nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, mọi người đều tin rằng đã đến lúc phải có những biện pháp quyết liệt. Trong khi đó, Sa hoàng, một người tin vào số mệnh, đã chẳng đưa ra được biện pháp củng cố quyền lực nào. 

Sự bất mãn của đơn vị đồn trú ở Petrogard vào tháng 3 năm 1917 đã thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Đơn vị này gồm toàn lính quân dịch đã lớn tuổi, đáng lẽ không còn phải đi nghĩa vụ nữa; họ đã nổi loạn khi được lệnh bắn vào đám đông tay không tấc sắt. Vì sợ cuộc bạo loạn sẽ lan ra mặt trận, để cứu nước Nga khỏi thất bại nhãn tiền, các tướng lĩnh đã thuyết phục Sa hoàng Nicholas thoái vị. Là một người yêu nước, ông nghe theo lời khuyên và thoái vị vào ngày 15 tháng Ba. 

Ngay sau khi Sa hoàng thoái vị, quyền lực được chuyển vào tay chính phủ lâm thời. Cũng thời gian đó, những người trí thức theo phái xã hội chủ nghĩa thành lập ở Petrogard Xô Viết đại biểu binh lính và thợ thuyền. Xô Viết có trách nhiệm theo dõi hoạt động của “chính phủ tư sản”, không để cho nó thực hiện các chính sách phản động. Trong suốt bảy tháng sau đó, nước Nga được quản lý bởi - nếu có thể gọi đó là một sự quản lý – hai chính quyền song song tồn tại, trong đó Xô Viết luôn tìm cách làm mất uy tín của chính phủ nhưng lại chẳng chịu bất kì trách nhiệm nào. Những người trí thức xã hội chủ nghĩa nắm các Xô Viết đã cố tình phá hoại quân đội bằng cách giảm bớt quyền lực của các sĩ quan, họ cho rằng các sĩ quan chính là lực lượng phản cách mạng. Trong khi đó, họ lại đòi phải chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. 

Chính phủ lâm thời hứa sẽ sớm tổ chức bầu cử quốc hội lập hiến để tạo ra các cơ quan quyền lực của nền cộng hoà, nhưng vì có quá nhiều việc khẩn cấp nên cuộc bầu cử cứ bị hoãn đi hoãn lại mãi. Công cuộc cải cách ruộng đất cũng được tiến hành rất chậm. Quá sốt ruột, nông dân bắt đầu tấn công các trang trại, còn binh lính thì bỏ mặt trận về nhà để không lỡ dịp nhận phần trong vụ tái phân phối ruộng đất đang sắp diễn ra. Các dân tộc thiểu số cũng bắt đầu đòi quyền tự quản, có cả những trường hợp đòi được độc lập hoàn toàn. Trong lúc đó, chính phủ lâm thời tiếp tục kêu gọi tiến hành chiến tranh, một cuộc chiến ngày càng mất lòng dân hơn. Chính quyền chứ không phải tình đoàn kết xã hội đã giữ cho nước Nga thống nhất trong hàng thế kỷ, nay quyền lực ấy không còn, đất nước trượt dần vào cảnh hỗn loạn vô chính phủ. 

Đấy chính là vận may của Lenin. Đầu năm 1917 ông ta vẫn còn sống ở Thuỵ Sĩ. Vừa nhận được tin về cuộc Cách mạng tháng Ba, ông ta lập tức đánh điện cho các đồ đệ ở Nga, hạ lệnh cho họ bất tín nhiệm chính phủ lâm thời, không được liên minh với các đảng xã hội chủ nghĩa khác và tiến hành vũ trang cho công nhân. Ông ta chỉ muốn mau chóng quay về để nắm trực tiếp quyền điều hành cách mạng. 

Quân Đức và quân Áo, bị kìm chân trên mặt trận phía Tây trong một cuộc chiến hao người tốn của, đã theo dõi rất kĩ mọi động tĩnh của các di dân phản chiến người Nga, trong đó có Lenin. Lenin đã liên hệ với đại sứ quán Đức ở Thuỵ Sĩ để nhờ giúp đỡ trong việc trở về nước. Berlin không chỉ cho ông ta và những người xã hội chủ nghĩa khác đi qua nước Đức mà còn cung cấp cho ông ta tiền để khôi phục hoạt động của đảng. Lenin, một người không bao giờ quan tâm đến nguồn gốc của đồng tiền, miễn là đồng tiền đó phục vụ cho mục đích của ông ta, đã nhận lời. Sau đó, qua trung gian và rất kín đáo, ông ta được người Đức bảo trợ suốt một năm rưỡi. 

Vừa về đến Petrograd, Lenin đã vội vã tập trung tấn công một cách không khoan nhượng vào chính phủ lâm thời, đòi phải lật đổ chính phủ này ngay lập tức: không được để cho nó thiết lập ở Nga chế độ “tư sản”, tức là ông ta có ý kiến trái ngược hẳn với những người Menshevik và đa số ủng hộ viên của chính mình. Tháng 7 năm 1917, Đảng Bolshevik đã thực hiện một cuộc đảo chính, nhưng chính phủ đã kịp thời đập tan vụ bạo loạn và sau đó cho công bố một loạt thông tin tình báo về mối liên hệ của Lenin với Đức. Đã có lệnh bắt giam Lenin và một loạt lãnh tụ Bolshevik khác, kể cả Trotsky, một người vừa ra nhập đảng của Lenin trước đó không lâu. Trotsky bị bắt, nhưng Lenin thì kịp trốn qua Phần Lan và ẩn náu ở đó cho mãi đến sát ngày đảo chính vào tháng 11 năm 1917 mới trở về. 

Lenin không được nhiều người ủng hộ, nhưng họ là những người rất đoàn kết và thực hiện nghiêm chỉnh mọi chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương. Không đảng nào có tổ chức chặt chẽ như thế: Đảng Dân chủ Cách mạng tuy được lòng quần chúng hơn, nhưng tổ chức lại lỏng lẻo, không đủ sức động viên quần chúng. Menshevik và những đảng theo đường lối dân chủ lập hiến khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Hơn nữa, chỉ có Lenin là có khát vọng nắm quyền lực, ngoài ông ta, không có chính khách nổi tiếng nào sẵn sàng nhận lãnh trách niệm quản lý một đất nước đã mất kiểm soát về mọi phuơng diện. Lenin, người suốt đời chuẩn bị cho giây phút ấy, đã theo dõi sát sao sự phát triển của các sự kiện và chọn được đúng thời điểm ra đòn. 

Đấy là cuối mùa hè, khi Aleksander Kerensky, trên danh nghĩa là một nhà độc tài, nhưng ít quyền lực, bất hoà với tướng Lavr Kornilov, tổng chỉ huy quân đội Nga, vu cho ông ta chuẩn bị đảo chính. Vì những hành động thiếu trách nhiệm như thế, Kerensky đánh mất sự ủng hộ của quân đội, một điều tối cần thiết nếu những người Bolshevik có ý định cướp chính quyền một lần nữa. Ông ta lại còn dung túng Đảng Bolshevik như thả họ ra khỏi nhà tù và phát vũ khí để họ chiến đấu chống lại cuộc bạo loạn giả định của Kornilov. Đảng Bolshevik đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Xô Viết, Lenin coi đây là tín hiệu để ra đòn quyết định. Nghị quyết về việc cướp chính quyền được thông qua tại cuộc họp bí mật của các lãnh tụ Bolshevik vào đêm ngày 23 sang ngày 24 tháng 10 năm 1917. Lenin phải đấu tranh rất lâu mới thuyết phục được những người dao động, họ sợ sẽ lại thất bại như hồi tháng 7. 

Cuộc đảo chính diễn ra vào ngày 7 tháng 11, các đơn vị thân Bolshevik đã chiếm được tất cả các vị trí chiến lược ở thủ đô mà không phải bắn một phát súng nào. Ở Moskva có xảy ra vài cuộc đụng độ, còn tại các vùng khác, việc chuyển giao quyền lực diễn ra một cách êm thấm. Sau này, Lenin nói rằng việc cướp chính quyền ở Nga dễ dàng chẳng khác gì “nhặt một cái lông chim”. Nguyên nhân ở đây là việc cướp chính quyền được ông ta che đậy một cách khéo léo bằng khẩu hiệu “tất cả chính quyền về tay Xô Viết”, hứa hẹn cho nhân dân chế dân chủ chứ không phải chính quyền độc tài. Ngay cả những đảng theo xu hướng xã hội chủ nghĩa cạnh tranh với Lenin, những người vốn nghi ngờ ông ta, cũng không tỏ ra lo lắng vì họ tin rằng chế độ chuyên chính độc đảng không thể đứng vững được lâu, trước sau gì cũng sẽ phải nhường chỗ cho liên hiệp các đảng xã hội chủ nghĩa mà thôi. Họ chấp nhận để Lenin sử dụng quyền lực một thời gian, miễn là không xảy ra nội chiến vì như thế sẽ chỉ có lợi “cho lực lượng phản cách mạng”. 

Kết quả là. những người Bolshevik nắm được quyền lực trong suốt 74 năm trời. Như vậy nghĩa là chế độ cộng sản được thiết lập ở Nga không phải là do kết quả của một cuộc khởi nghĩa của quần chúng: nó được áp đặt từ trên xuống bởi một nhúm người nấp sau các khẩu hiệu dân chủ. Yếu tố mà ai cũng thấy đó đã ghi dấu ấn lên toàn bộ lịch sử chế độ cộng sản ở Nga. 
______________

Xem xét vụ cướp chính quyền của những người cộng sản trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó ta sẽ cảm thấy kinh ngạc vì sự liều lĩnh của họ. Tất cả các lãnh tụ cộng sản đều chưa hề có kinh nghiệm quản lý hành chính trong bất kì lĩnh vực nào, thế mà họ sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Không hề có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng họ lập tức tiến hành quốc hữu hoá toàn bộ nền kinh tế và sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý nền kinh tế đứng thứ năm thế giới. Về nguyên tắc, họ coi giai cấp tư sản và các điền chủ là kẻ thù, còn trên thực tế, đa số nông dân và trí thức cũng bị coi là kẻ thù của giai cấp công nhân công nghiệp, họ tự nhận mình là người đại diện của giai cấp này. Công nhân chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ từ một đến hai phần trăm dân số. Công nhân đã ít như thế, mà số công nhân theo Bolshevik còn ít hơn nhiều: ngay trước cuộc đảo chính tháng 11, chỉ có 5,3% công nhân là đảng viên Bolshevik[7]. Điều đó có nghĩa là, chính quyền mới không có sự lựa chọn nào khác ngoài chế độ chuyên chính, nhưng đấy không phải là chuyên chính vô sản mà là chuyên chính đối với giai cấp vô sản và tất cả các giai cấp khác. Sau một thời gian, nền chuyên chính này đã biến thành chế độ toàn trị. Như vậy nghĩa là, chuyên chính xuất phát từ bản chất của cuộc đảo chính Bolshevik. Nếu những người cộng sản muốn giữ quyền lực thì họ buộc phải cai trị bằng những biện pháp chuyên chế tàn bạo, không bao giờ họ dám buông lỏng. Và đây cũng trở thành nguyên tắc của các chế độ cộng sản sinh ra sau này. 

Lenin hiểu là đang áp đặt cho đất nước một chế độ độc tài cực kì tàn nhẫn, nhưng lương tâm ông ta không hề cắn rứt. Lenin định nghĩa mọi chế độ “chuyên chính”, trong đó có “chuyên chính vô sản” là “chính quyền dựa trực tiếp vào vũ lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào”[8]. Ông ta sẵn sàng áp dụng những biện pháp khủng bố khốc liệt nhất nhằm tiêu diệt kẻ thù cũng như doạ dẫm dân chúng. Ông ta làm như thế một phần là do thái độ thờ ơ đối với đời sống của con người và một phần là do lịch sử đã dạy rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ thường thất bại là vì đã dừng lại ở giữa đường, không tiêu diệt hết kẻ thù giai cấp, để cho chúng tập hợp lại lực lượng. Bạo lực – dùng bạo lực một cách phổ biến và tàn bạo (hình dung từ thường được ông ta sử dụng) - sẽ tạo nền móng cho chế độ mới. Nhưng ông ta tin rằng bạo lực sẽ không kéo dài: có lần ông ta đã dẫn lời Machiavelli: “Nếu vì mục đích chính trị mà cần áp dụng một số biện pháp tàn bạo thì phải làm một cách kiên quyết và thật nhanh vì quần chúng không thể chịu nổi bạo lực trong một thời gian dài”. Trái ngược với dự đoán của ông ta, bạo lực đã trở thành đặc điểm thường trực của chế độ do ông ta lập nên. 

Thái độ quyết liệt và năng lực hoạt động của Lenin trái ngược hoàn toàn với sự bất lực của chính phủ lâm thời vừa bị lật đổ. Ông ta lập tức quyết định ngày bầu cử quốc hội. Đảng Bolshevik chỉ nhận được 24% số phiếu, trong khi Đảng Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa có số phiếu bầu hơn gấp hai lần. Nhưng đấy không phải là điều ông ta bận tâm: tuyên bố rằng đa số binh lính và công nhân bầu cho Đảng Bolshevik, ông ta chỉ để cho quốc hội vừa được bầu họp đúng một ngày và sau đó giải tán. Chính phủ do ông ta thành lập, gọi là Xô Viết Dân uỷ, gồm toàn đảng viên Bolshevik. Thực chất, đây chỉ là cơ quan-bình phong, có trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh của Đảng Bolshevik mà thôi. Ông ta bãi bỏ tất cả các thủ tục pháp lý, chuyển công việc xét xử vào tay các toà án cách mạng, do những người không có kiến thức, nhưng “giác ngộ cách mạng” lãnh đạo, cũng như vào tay cảnh sát mật vừa được thành lập, lấy tên là Uỷ ban Khẩn cấp (Cheka). Khủng bố bắt đầu ngay từ khi Lenin vừa cướp được chính quyền. 

Nhận thức được rằng việc thành lập một cơ sở chính trị vững chắc và thực hiện cương lĩnh cách mạng phải cần thời gian, tháng 3 năm 1918, Lenin hạ lệnh cho các cộng sự kí ở Brest-Litovsk một hoà ước rất mất lòng dân với Đức, Áo, Thổ và Bulgaria, nhường cho các nước này những vùng lãnh thổ rộng lớn. 

Ông ta phát động cuộc nội chiến như là một cách khơi mào cách mạng thế giới. Sau này, những người Bolshevik đã gán cho bọn phản cách mạng trong và ngoài nước là đã gây ra cuộc nội chiến làm tan hoang nước Nga và giết chết mấy triệu người. Nhưng như chúng ta đã thấy, từ trước năm 1917, việc biến chiến tranh giữa các nước thành nội chiến giữa các giai cấp là một trong những luận điểm cơ bản của đường lối Bolshevik. Trotsky đã công nhận như thế khi viết: “Chính quyền Xô Viết là một cuộc nội chiến có tổ chức”. Có thể nói rằng, những người Bolshevik cướp chính quyền ở nước Nga là để phát động cuộc nội chiến.

Ban đầu, Lenin đã sử dụng các khẩu hiệu vô chính phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ hay ít nhất cũng vô hiệu hoá giai cấp công nhân và nông dân. Ông ta khuyến khích nông dân tịch thu và chia nhau ruộng đất không chỉ thuộc quyền sở hữu của nhà nước hay địa chủ mà cả ruộng đất của những người nông dân khác. Sắc lệnh, công bố vào ngày đảo chính, tuyên bố quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất, nhưng tạm thời không động đến phần đất do nông dân canh tác. Ông ta khuyến khích công nhân chiếm các nhà máy xí nghiệp; đây là lập trường của các công hội, chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Marx. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp tạm thời, một khi chính quyền được củng cố ông ta sẽ đoạn tuyệt ngay. Vì mục đích cuối cùng của ông ta là quốc hữu hoá toàn bộ nhân tài vật lực của quốc gia, nhằm buộc toàn bộ nền kinh tế phải tuân theo một kế hoạch duy nhất. 

Chúng ta sẽ không dừng lại lâu trong giai đoạn lịch sử từ năm 1917 đến năm 1920. Chỉ xin nói rằng, cộng sản - từ năm 1918, những người Bolshevik tự gọi mình như thế - đã thắng, một phần vì kiểm soát được các khu vực dân cư đông đúc với những nguồn lực to lớn về công nghiệp (và quân sự), một phần vì các nước phương Tây đã không dành cho “Bạch vệ” một sự ủng hộ đúng mức. Trong thời kì nội chiến và sau đó không lâu, chế độ của Lenin đã giành lại phần lớn vùng biên thuỳ như Ukraine, Caucasus và Trung Á, là những vùng trước đó đã tách khỏi Nga. Các vùng này được hợp nhất với Nga và hình thành Liên bang Cộng hoà Xô viết Xã hội Chủ nghĩa vào năm 1924. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Nga, với tổng hành dinh ở Moskva, đã quản lý tất cả các vùng đất của đế chế vừa được thành lập. Đại diện của các tổ chức Đảng có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, thực hiện nhiệm vụ “mao mạch” của chế độ - theo cách nói của Mussolini, kẻ đã xây dựng chế độ phát xít theo mô hình của Lenin. Không một tổ chức xã hội nào có thể tránh được sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhà nước độc đảng đầu tiên trong lịch sử đã xuất hiện như thế đấy. 

________________

Những người Bolshevik đã giữ được chính quyền, nhưng lại chịu thất bại trong hầu hết các lĩnh vực khác. Hoá ra, cuộc sống chẳng ăn nhập gì với lý thuyết. Nhưng họ không chịu công nhận rằng mình sai: nếu công việc diễn ra không như ý, họ không những không chịu nhân nhượng mà còn sử dụng bạo lực điên cuồng hơn. Việc công nhận sai lầm nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ cơ sở học thuyết, vì họ cho rằng các bộ phận cấu thành học thuyết đã được kiểm chứng một cách khoa học.
Trước hết xin nói về nhà nước. 

Việc xuất hiện bộ máy quan liêu đồ sộ, tự tư tự lợi và không thể kiểm soát nổi, là một trong những thất vọng của Lenin. Theo lý thuyết Marxist, nhà nước chỉ là công bộc của giai cấp nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, bản thân nhà nước không có quyền lợi riêng tư nào. Chỉ có thể nói đấy là một sự ngu tín, vì lịch sử thế giới, kể từ thời các Pharaoh Ai Cập, có đầy dẫy các bằng chứng, chứng tỏ rằng các viên chức nhà nước quan tâm trước hết đến quyền lợi của chính mình, họ đã từng tạo ra những nhóm lợi ích có quyền lực, nhiều khi còn mạnh hơn cả giai cấp hữu sản. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của bộ máy quan liêu Xô Viết, do Lenin tạo ra, đã làm ông ta phát hoảng. Cùng với việc Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo toàn diện đời sống của đất nước, quốc hữu hoá toàn bộ nền công nghiệp, hệ thống bán buôn và bán lẻ, phương tiện giao thông vận tải và dịch vụ, văn hoá và giáo dục thì tầng lớp viên chức thay thế cho các chủ sở hữu tư nhân và các nhà quản lý cũ cũng phát triển theo cấp số nhân. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ, đấy là tổ chức chịu trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp, gọi là Hội đồng Kinh tế Tối cao, vào năm 1921 đã có hai trăm năm mươi ngàn viên chức, trong khi sản xuất công nghiệp chỉ bằng một phần năm năm 1913. Năm 1928, bộ máy quan liêu của Đảng và nhà nước có tổng số 4 triệu viên chức. 

Phần lớn những người chui vào hàng ngũ công chức Xô Viết - nhiều người đã từng phục vụ chế độ cũ – là vì làm ở đây thì được an toàn và đủ sống. Chẳng bao lâu sau, họ đã tạo thành một giai tầng đặc biệt, giai tầng đặt quyền lợi tập thể của mình cao hơn không chỉ quyền lợi của toàn dân, mà còn cao hơn cả quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản, mà trên danh nghĩa họ phải phục vụ. 

Joseph Stalin là người đầu tiên nhận thức được rằng có thể sử dụng sức mạnh tiềm tàng của bộ máy quan liêu Xô Viết làm vũ khí nhằm củng cố địa vị của mình. Ông ta là người Georgia, một người học hành không đến nơi đến chốn, đã từng bị đuổi khỏi trường dòng, nhưng được Lenin tin cậy vì có biệt tài trong lĩnh vực tổ chức và rất trung thành với cá nhân lãnh tụ. Khác với Trotsky, hay Kamenev, Zinoviev; Stalin luôn luôn tôn trọng các ý kiến của Lenin và trong khi những người kia viết sách hay diễn thuyết thì ông ta lặng lẽ quan sát tầng lớp cán bộ. Lenin ngày càng đưa ông ta lên các chức vụ cao hơn, đến năm 1922 thì đặt ông ta vào chiếc ghế Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo cho ông ta điều kiện kiểm soát toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. 

Stalin sử dụng ngay vị trí của mình để thăng chức cho những người trung thành với mình, những người mà ông ta có thể dựa dẫm trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo, cuộc tỉ thí này nhất định sẽ diễn ra nay mai vì sức khoẻ của Lenin đang xấu đi từng ngày. Chính ông ta là người tạo ra thiết chế gọi là nomenclatura: tầng lớp cán bộ cộng sản có thể được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền và hưởng các ưu đãi, như được vào những cửa hàng đặc biệt, được chữa trong những bệnh viện cao cấp, có các khu nghỉ mát riêng, thậm chí có cả thợ may và nghĩa địa riêng. Chính việc tạo ra tầng lớp ưu tú đặc quyền đặc lợi đó đã giữ cho chế độ cộng sản tồn tại trong suốt bảy mươi năm, buộc giai cấp những kẻ làm công việc quản lý đó phải coi việc bảo vệ chế độ là quyền lợi sống còn của mình. Nhưng chính sách đó lại đã biến lý tưởng cộng sản về bình đẳng xã hội thành những khẩu hiệu rỗng tuếch. 

Việc quản lý nền kinh tế cũng làm những người Bolshevik thất vọng không kém. Sách báo xã hội chủ nghĩa bảo họ rằng chủ nghĩa tư bản, chỉ chạy theo lợi nhuận, không thể hữu hiệu bằng nền kinh tế do nhà nước nắm độc quyền. Họ cho rằng xí nghiệp càng lớn thì càng hiệu quả. Họ còn tin rằng không dùng tiền vẫn có thể quản lý được nền kinh tế. 

Nhưng hoá ra tất cả các luận điểm đó đều sai. Mọi cố gắng nhằm ép buộc nền kinh tế tuân theo một kế hoạch duy nhất đều thất bại. Việc đưa công nhân, rồi sau đó là các cán bộ Đảng nắm quyền quản lý xí nghiệp đã làm cho năng suất lao động ngày một giảm đi. Dùng các uỷ ban khẩn cấp (Cheka) để bóp chết tư thương cũng không đạt kết quả, vì người sản xuất và thương lái đã tìm mọi cách lách luật; thị trường tự do mà những người cộng sản coi là bản chất của chủ nghĩa tư bản và quyết tâm tiêu diệt, không những không biến mất mà đi vào hoạt động chợ đen. Chẳng bao lâu sau, nền kinh tế ngầm đã lớn hơn nền kinh tế chính thức. Lạm pháp phi mã, do cố tình tung ra một lượng tiền giấy quá lớn, đến năm 1923 người dân có tiền gửi tiết kiệm đã hoàn toàn trắng tay, giá cả so với năm 1917 đã tăng hơn 100 triệu lần. Nhưng bãi bỏ tiền tệ lại làm cho ngân sách và việc thanh toán giữa các xí nghiệp không thể thực hiện được. 

Cách quản lý mang tính nghiệp dư như thế, cộng với nội chiến, đã dẫn đến kết quả là tất cả các chỉ tiêu sản xuất đều sụt giảm một cách không thể cứu vãn được. Năm 1920, tổng sản phẩm của ngành công nghiệp nặng chỉ bằng 20% năm 1913; than còn 27%, sắt 2,4%. Năm 1921, số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp giảm một nửa, mức sống của họ giảm chỉ bằng một phần ba trước chiến tranh[9]. Một chuyên gia cộng sản nói rằng kinh tế Liên Xô giai đoạn 1917-1920 đã rơi vào thảm hoạ “chưa từng có trong lịch sử loài người”[10]

Trong điều kiện tan hoang như thế, bản năng sinh tồn đã mách bảo Lenin là phải sử dụng các đội hành quyết. Isaak Steinberg, một đảng viên cách mạng xã hội cánh tả, có thời là dân uỷ tư pháp trong chính phủ Bolshevik đã mô tả một cuộc họp của Hội đồng Dân uỷ vào tháng 2 năm 1918 như sau: Lenin đưa ra dự thảo nghị định “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, trong đó có yêu cầu bắn “tại trận”, nghĩa là không cần xét xử, một loạt tội phạm được gọi một cách chung chung là “gián điệp của kẻ thù, bọn ăn cắp, bọn lưu manh, tuyên truyền phản cách mạng và gián điệp của Đức”. Steinberg phản đối nghị định vì nó chứa đựng “mối đe doạ… những vụ khủng bố mà hậu quả không thể lường được”.
Lenin nhân danh chính nghĩa của cách mạng, bác bỏ phản đối của tôi. Quá tuyệt vọng, tôi phải kêu lên: “Thế thì chúng ta còn dùng tên Dân uỷ Tư pháp làm gì? Hãy gọi thẳng là Dân uỷ Huỷ diệt Xã hội là xong”. Mặt Lenin bỗng tươi tỉnh hẳn lên, ông ta bảo: “Nói hay quá… đúng là phải như thế đấy… nhưng chúng ta không thể nói như thế”[11]

Sụt giảm sản lượng lương thực là bi đát nhất. 

Như đã nói bên trên, cộng sản cũng như những người Marxist khác, coi nông dân là giai cấp tiểu tư sản, kẻ thù không đội trời chung của giai cấp công nhân, mặc dù đa số công nhân Nga xuất thân từ nông thôn và vẫn giữ quan hệ gắn bó với nông thôn. Cộng sản tuyên chiến với nông dân nhằm hai mục đích: cướp đoạt lương thực cho thành phố và Hồng quân và mở rộng quyền lực của mình về nông thôn là vùng mà cuộc đảo chính chưa hề động chạm tới. 

Mùa hè năm 1918, Moskva bắt đầu chiến dịch tịch thu lúa mì, nông dân không chịu bán lúa mì cho chính phủ vì giá quy định quá thấp. “Uỷ hội dân nghèo” được thành lập tại các làng xã, các uỷ hội này sẽ giúp chính phủ tước đoạt những người nông dân có của ăn của để (kulak), bị nghi là có hành vi che giấu lương thực. Uỷ hội dân nghèo sẽ được chia một phần lương thực tước đoạt được. Moskva còn gửi về nông thôn các đội vũ trang để thu gom “lương thực thừa”. Các vụ đụng độ giữa nông dân, nhiều người đã từng đi lính, với các đơn vị thu gom lương thực diễn ra thường xuyên. Nhiều vùng rơi vào nội chiến, một cuộc nội chiến còn thảm khốc hơn cả chiến tranh giữa Hồng quân và Bạch vệ. Bất cứ người nông dân nào chống lại chính quyền Xô Viết cũng đều bị Lenin gọi là kulak, ông ta nổi điên và hạ lệnh tiến hành những vụ tàn sát quy mô lớn. Chỉ xin dẫn ra dưới đây hai chỉ thị của ông ta, cả hai đều diễn ra vào tháng 8 năm 1918, chỉ thị thứ nhất lấy từ bài nói chuyện của ông ta với công nhân, chỉ thị thứ hai là một tài liệu mật gửi cho các cán bộ Đảng tỉnh Penza: 

Kulak căm thù chính quyền Xôviết và sẵn sàng bóp cổ, sẵn sàng cắt cổ hàng trăm ngàn công nhân… Hoặc là kulak cắt cổ rất nhiều công nhân hoặc là công nhân đập tan cuộc bạo loạn của kulak, cuộc bạo loạn của thiểu số dân chuyên nghề ăn cướp chống lại chính quyền của nhân dân lao động… Kulak là bọn bóc lột thô lỗ nhất, tàn bạo nhất, man rợ nhất… Bọn uống máu người đó đã làm giàu trên sự đói khổ của nhân dân trong thời chiến… Bọn nhện độc đó đã béo lên vì bóc lột những người nông dân bị phá sản trong thời chiến, béo lên vì bóc lột những người công nhân đói khát. Những con đỉa đó đã hút máu quần chúng lao động, chúng càng giàu thì công nhân trong các thành phố và các công xưởng càng đói khát thêm. Những con qủy hút máu người đó đã giành được các khu đất của địa chủ, chúng tiếp tục nô dịch những người nông dân nghèo khổ.

Hãy thẳng tay với bọn kulak! Hãy giết chết chúng![12] 
Các đồng chí! Phải đàn áp cuộc bạo loạn của kulak ở năm huyện một cách không khoan nhượng. Lợi ích của cách mạng đòi hỏi phải làm như thế vì bây giờ là “trận quyết định với kulak’” Cần phải cho mọi người thấy. 
1.Treo cổ (nhất định phải treo cổ để cho dân chúng thấy) ít nhất là 100 tên kulak, bọn nhà giàu, bọn hút máu người. 
2. Công bố tên tuổi bọn chúng. 
3. Tịch thu tất cả lúa mì của chúng. 
4. Bắt con tin, như bức điện hôm qua đã nói. Phải làm sao để cách cả trăm dặm nhân dân vẫn nhìn thấy, run sợ, biết và thét lên: Bóp cổ bọn hút máu người, bọn kulak. 

Điện cho biết đã nhận được và quá trình thực hiện. 
Lenin.
P/S. Phải tìm cho được những người thực sự cứng rắn[13].  
Đáp lại những cuộc đàn áp chống lại nông dân, cả người giàu lẫn người nghèo, là sự sụt giảm diện tích canh tác vì nông dân không muốn “dư thừa” để khỏi bị tịch thu. Đồng thời, vì ngựa đã bị đưa ra mặt trận, sức kéo giảm cũng dẫn đến năng suất giảm. Sản lượng ngũ cốc giảm từ 78,2 triệu tấn vào năm 1913 xuống còn 48,2 triệu tấn vào năm 1920. 

Đầu năm 1921, tất cả những vấn đề mà chính phủ của Lenin tự khoác lên vai, vì muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho một đất nước phần nhiều là phản động - đấy là theo lời của chính ông ta, đều trở thành cực kì căng thẳng. Tháng 1, Kronshtadt, căn cứ hải quân gần Petrograd, vốn là dinh luỹ của chủ nghĩa cộng sản, nổi loạn và ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Đồng thời, ở Petrograd cũng diễn ra các cuộc bãi công phản đối nạn thiếu lương thực. Những cuộc khởi nghĩa nông dân làm rung chuyển tỉnh Tambov. 

Không do dự, Lenin đã hạ lệnh đàn áp những vụ bạo loạn một cách cực kì khốc liệt, kể cả sử dụng hơi ngạt. Nhưng ông ta cũng buộc phải thú nhận rằng, biện pháp quân sự không thôi thì chưa đủ. Đầu năm 1921, ông ta tuyên bố áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP), mà điểm quan trọng nhất là bãi bỏ việc tịch thu lương thực: từ nay trở đi nông dân chỉ phải đóng thuế bằng hiện vật và được quyền bán số lương thực thừa trên thị trường tự do. Chính phủ cũng cho phép buôn bán và sản xuất hàng tiêu dùng một cách hạn chế. Nhưng chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát cái mà họ gọi là “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh, mà cụ thể là công nghiệp nặng, ngoại thương, ngân hàng, phương tiện giao thông và liên lạc. 

Nhưng đã quá muộn, những nhượng bộ đó không đủ sức ngăn chặn nạn đói, chưa một nước châu Âu nào từng trải qua một nạn đói khủng khiếp đến như thế. Do hạn hán, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 5,2 triệu nạn nhân và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều nếu tổ chức American Relief Administration, một tổ chức của Hoa Kỳ do Herbert Hoover, tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, không kịp thời giúp đỡ. Tổ chức này đã cung cấp lương thực cho 25 triệu người. 

Công việc khôi phục trong giai đoạn NEP diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Năm 1928 sản lượng ngũ cốc đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1913. 

Nhiều người ở Nga, cũng như bên ngoài nước này, cho rằng NEP chính là sự từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Người ta đã bắt đầu nói đến “Termidor Nga”, ám chỉ những sự kiện diễn ra vào năm 1794, dẫn đến sự sụp đổ và hành hình những người Jacobin ở Pháp. Nhưng sự so sánh ở đây hoá ra khập khiễng: Thứ nhất, những người Jacobin Nga nắm chắc quyền lực; thứ hai, họ coi những nhượng bộ đó chỉ là một cú giải lao tạm thời. Các sự kiện đã diễn ra đúng như thế. 
_____________

Bolshevik cướp được chính quyền vì thời thế đã tạo cho họ cơ hội. Họ không có ý định thu mình trong biên giới quốc gia, họ tin rằng nếu không xuất khẩu được cách mạng sang các nước đã công nghiệp hoá thì họ sẽ không thể trụ được trước những cuộc tấn công khi lực lượng tư bản quốc tế liên hiệp lại. Lenin đã nói một cách công khai: “Chúng ta luôn biết rằng không thể thực hiện được sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một nước [14]. Trong diễn văn đọc vào năm 1920, ông ta đã nói đến khía cạnh quốc tế của cách mạng Nga một cách không úp mở như sau: 

(Tháng 11 năm 1917) chúng ta đã biết rằng chiến thắng của chúng ta sẽ vững chắc khi, và chỉ khi sự nghiệp của chúng ta giành được thắng lợi trên toàn thế giới[15].

Cho nên về mặt đối nội, bên trong biên giới, cộng sản là một nhà nước cực kì bảo thủ, không chấp nhận bất kì sáng kiến nào từ bên dưới, nhưng ở nước ngoài và chỉ ở nước ngoài, thì họ lại thi hành chính sách cấp tiến, kích động chính cái khối quần chúng mà ở trong nước họ đã cố tình bịt miệng. 

Mưu toan xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các nước bại trận ở Trung Âu được bắt đầu ngay vào giai đoạn cuối của Thế chiến I. Tháng 1 năm 1919, Moskva tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Đức, nhưng đã bị đè bẹp ngay sau đó. Ở Hungary, cộng sản đã giành được kết quả khả quan hơn, chính quyền cộng sản đứng vững được nửa năm (năm 1919) vì Nga hứa sẽ bảo vệ nếu quân đội Rumania can thiệp. Chính quyền tay sai bù nhìn đã sụp đổ sau khi Nga không thực hiện lời hứa. Những mưu toan tương tự cũng được thực hiện ở các nước khác, ví dụ như ở Viena, nhưng ở đây họ đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước. 

Sự kiện đáng thất vọng hơn cả trong việc xuất khẩu cách mạng diễn ra vào mùa hè năm 1920. Tháng 4 năm đó, nhằm ngăn chặn sự phục hồi đế chế Nga và tách Ukraine ra khỏi Liên Xô, Ba Lan liên kết với những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Ukraine tấn công nước này. Nhưng dân Ukraine đã không nổi dậy như Ba Lan hy vọng và họ đã phải mau chóng rút lui. 

Khi Hồng quân tiến đến biên giới Ba Lan, Bộ Chính trị phải quyết định: dừng lại hay tiếp tục tiến sang phía Tây. Lenin kiên quyết đòi phải tiếp tục tấn công và cũng như mọi khi, ông ta đã thuyết phục được những người phản đối. Ông ta tin rằng tình hình ở Đức và Anh đã chín muồi, cuộc thâm nhập của lực lượng vũ trang cộng sản sẽ khơi mào cho cách mạng bùng nổ. Mùa hè năm 1920, Hồng quân, có các chính uỷ người gốc Ba Lan đi theo, đặt chân lên đất Ba Lan. Hồng quân kêu gọi công nhân và nông dân Ba Lan đứng lên giành lấy tài sản của tư sản và địa chủ; ở Nga, những khẩu hiệu này tỏ ra rất có hiệu quả. Nhưng ở Ba Lan, tất cả các giai cấp đều đứng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Trong trận đánh dưới chân thành Warsaw, một trong những trận đánh quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại, người Ba Lan đã đập tan và đẩy lùi được Hồng quân. 

Lenin không thể che giấu thất vọng. “Người Ba Lan coi Hồng quân là kẻ thù chứ không phải những người anh em, những người giải phóng họ”, ông ta cay đắng nói. 
Trong tình cảm, suy nghĩ và hành động, họ đã chứng tỏ là những tên đế quốc, những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chứ không phải là những người cách mạng, những người xã hội chủ nghĩa. Cách mạng đã không diễn ra ở Ba Lan, như chúng ta từng hy vọng. Công nhân và nông dân đã bảo vệ kẻ thù giai cấp của mình, họ buộc những người lính Hồng quân dũng cảm của chúng ta phải chịu đói khát, họ đã phục kích và đánh đến chết các chiến sĩ của chúng ta[16]

Kết luận được ông ta rút ra là: không bao giờ được sử dụng Hồng quân như là biện pháp xuất khẩu cách mạng nữa. Thay vào đó, cần phải tìm mọi cách giúp đỡ những người cộng sản ở mỗi nước, kể cả giúp đỡ về mặt tài chính. 

Và đây là bài học thứ hai của ông ta: muốn xuất khẩu cách mạng ra bên ngoài biên giới Nga thì tốt nhất là phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Trong cuộc chiến tranh này, nước Nga Xô Viết phải giữ vai trò trung lập và chỉ tham gia khi hai bên đã cùng kiệt sức. Từ năm 1921, Moskva bí mật hợp tác quân sự với Đức chính là nhằm mục đích như thế. 



III.             Stalin và hậu Stalin 
Lenin bị nhồi máu vào tháng 5 năm 1922, sức khoẻ của ông sa sút nghiêm trọng từ đấy. Mặc dù ông được một nhóm bác sĩ người Đức chạy chữa, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện và ông đã phải giao bớt trách nhiệm cho người khác. Những ngày cuối đời ông bị ám ảnh bởi cảm giác thất bại: ông giận các chiến hữu và hơn nữa, còn giận cả nhân dân Nga vì họ tỏ ra không xứng đáng với vai trò vĩ đại mà lịch sử đã trao cho họ. 
Với tâm trạng như thế, ông ta cố gắng tìm cho bằng được kẻ thù, tức là những kẻ cố tình phá hoại các dự định của ông. Ông ta coi tầng lớp trí thức là một trong những kẻ thù như thế, dù không có các hoạt động phá hoại, nhưng tầng lớp trí thức Nga đã dứt khoát bác bỏ chế độ chuyên chính của ông ta. Tháng 7 năm 1922, ông ta giao cho Stalin nhiệm vụ “kiên quyết đào tận gốc, trốc tận rễ tất cả bọn C[mạng] X[hội]… Tống khứ tất cả bọn chúng khỏi nước Nga… Bắt vài trăm tên và không cần nói lý do – xin mời các ngài cút đi!”. Theo lệnh của ông ta, cảnh sát đã bắt hàng trăm nhà kinh tế học, triết học và các nhà khoa học vốn là đảng viên Menshevik, đảng Xã Hội Cách Mạng và các đảng tự do khác rồi, đưa họ lên tàu và buộc phải lưu vong sang Tây Âu. 
Sau đó đến lượt nhà thờ Chính thống giáo. Mùa xuân năm 1922, khi nước Nga Xô Viết đang bị nạn đói hoành hành thì cũng là lúc Lenin quyết định rằng ông ta có thể đạt được hai mục đích cùng một lúc: dựa vào danh nghĩa cứu đói sẽ tiến hành tịch thu tài sản của nhà thờ và nếu giới tăng lữ có hành động phản kháng thì sẽ cho nhân dân thấy rõ sự nhẫn tâm của họ. Trong một bản ghi nhớ gửi Bộ Chính trị, Lenin viết: 
Lúc này và chỉ lúc này, khi mà tại các tỉnh đang bị đói người ta ăn cả thịt người và hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn xác người rải đầy đường, chúng ta có thể (nghĩa là phải) tiến hành tịch thu tài sản của nhà thờ một cách kiên quyết nhất và thẳng tay nhất… để có một khối lượng tiền dự trữ là mấy trăm triệu rub vàng[17].
Như vậy nghĩa là, tài sản tịch thu được không dành để cứu đói mà để phục vụ nhu cầu của chính phủ. 
Tháng 3 năm 1923, Lenin bị một cú nhồi máu rất nặng, ông ta không còn nói được và mười tháng sau thì chết. Đảng không hề quan tâm đến việc tìm người kế nhiệm. Vì không phải báo cáo cho các đảng viên, chỉ định là cách duy nhất để bảo đảm tính kế thừa. Stalin, Tổng Bí thư Đảng choán ngay chân không quyền lực vừa mới hình thành. Stalin, một người luôn tỏ ra dè dặt ở những nơi công cộng, linh hoạt trong giao tiếp, không có biểu hiện gì của một kẻ tàn nhẫn và tâm thần, được khá đông quần chúng đảng viên tín nhiệm. Theo kết quả bầu cử (bỏ phiếu kín), vào Ban Chấp hành Trung ương thì ông ta (cùng với Bukharin) là người nhận được nhiều phiếu nhất, chỉ thua Lenin, nhiều hơn hẳn Trotsky, một người nổi tiếng hơn và vẫn được coi là người sẽ kế tục Lenin.
Ban đầu, khi Lenin còn đang ốm, Stalin liên kết với Kamenev và Zinoviev, tạo ra một tam đầu chế nắm quyền lãnh đạo Đảng để chống lại kẻ thù chung của họ là Trotsky. Bằng cách vu cáo và đe doạ những người ủng hộ Trotsky, tam đầu chế này đã cách tất cả chức vụ của Trotsky rồi khai trừ ông ta ra khỏi Đảng, sau đó thì đày đi Trung Á, năm 1929 lại đày ra nước ngoài và năm 1940 Stalin đã ra lệnh giết hại ông ta. Sau đó, Stalin chĩa mũi dùi vào Kamenev và Zinoviev, khai trừ cả hai ra khỏi Bộ Chính trị. Vì trung thành với nguyên tắc “Đảng bao giờ cũng đúng”, các nạn nhân của ông ta không thể tự bảo vệ được mình, không thể phản bác đuợc các bản án bịa tạc mà người ta cố tình gán cho họ. 
Mặc dù trong khi bị lưu đày, Trotsky luôn mô tả mình như một người được Lenin tín nhiệm, còn Stalin thì bị Lenin khinh thường, trên thực tế Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương là học trò trung thành và là người kế vị hợp pháp của Lenin. Trong vòng hai năm sau khi Lenin qua đời, ông ta đã trở thành chủ nhân ông của Đảng: sau khi củng cố được quyền lực, ông ta sẵn sàng khởi động lại con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, vốn bị gián đoạn vào năm 1921 bởi Chính sách Kinh tế mới (NEP). Ông ta đưa ra ba mục tiêu liên quan mật thiết với nhau: xây dựng cở sở công nghiệp vững mạnh, tập thể hoá nông nghiệp và làm cho đất nước phải tuyệt đối vâng lời. Các kế hoạch đầy tham vọng này đã đưa đất nước vừa thoát khỏi đống đổ nát sau Thế chiến I, cách mạng và nội chiến, lâm vào khủng hoảng. Nhưng đấy không phải là điều Stalin quan tâm, vì khủng hoảng luôn luôn là những hoàn cảnh trời cho của mọi chế độ cộng sản. 
Chỉ có khủng hoảng mới cho phép đòi hỏi - và tước đoạt! - của công dân sự phục tùng tuyệt đối và sự hy sinh. Hệ thống đòi hỏi hy sinh – cho Mục đích, cho Hạnh phúc của các thế hệ tương lai – và bằng cách đó bắc cây cầu từ thế giới giả định, từ không tưởng sang thế giới hiện thực[18].
Sau khi Stalin chết, những người kế nhiệm ông ta cố gắng giữ ổn định, giai đoạn suy thoái bắt đầu, vì người dân không còn thấy ý nghĩa của những hy sinh mà chế độ đòi hỏi nữa. 

_______________


Chính sách Kinh tế mới bắt đầu bị đình chỉ từ tháng 12 năm 1925, đấy là lúc đại hội Đảng thông qua cương lĩnh đầy tham vọng: Công nghiệp hoá bằng vũ lực. Mà công cuộc công nghiệp hoá này, vì những lý do sẽ được trình bày dưới đây, được hiểu là tập thể hoá nông nghiệp. Vì cả hai mục tiêu này đều có những khó khăn vô cùng to lớn cho nên phải bịt miệng những người bất mãn. Chủ nghĩa Stalin trở thành một lý thuyết nhất quán từ đó và chỉ đứng vững được khi không ai được động đến các cấu phần của nó.
Xin bắt đầu từ công nghiệp hoá: Chủ nghĩa Marx-Lenin nói rằng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng công nghiệp, nhưng vì nền công nghiệp Nga còn rất lạc hậu, phải xây dựng từ con số không, theo đúng nghĩa đen của từ này. Khi những cố gắng như thế được hoàn thành thì Liên Xô sẽ có nền kinh tế phát triển ngang tầm thế giới, giai cấp công nhân sẽ rất hùng hậu, đất nước sẽ đủ sức đối đầu với các nước tư bản thù nghịch. Không ai nghi ngờ chuyện đó, nhưng tốc độ công nghiệp hoá đã gây ra một số bất đồng trong lãnh đạo Đảng. Stalin đã bịt miệng những người phản bác ông ta và buộc đất nước phải chấp nhận kế hoạch phát triển đến chóng mặt, không cần biết đến những hy sinh mà dân chúng phải chịu đựng. 
Còn một lý do nữa, lúc đó người ta gần như không bao giờ đề cập tới và sau này cũng ít khi nói, đấy là chuẩn bị cho cuộc thế chiến mới. Tháng 12 năm 1927, Stalin tuyên bố rằng “bọn đế quốc” đang vũ trang, đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh và can thiệp mới chống Liên Xô. Để đáp trả mối đe doạ (tưởng tượng) đó, Liên Xô phải có một nền công nghiệp quốc phòng hùng hậu. Trên thực tế, toàn bộ nền công nghiệp Liên Xô, ngay từ đầu, đã được xây dựng phù hợp với nhu cầu quốc phòng. 
Kế hoạch năm năm lần thứ nhất, thông qua năm 1929, buộc nền kinh tế phải chịu sự quản lý từ trung ương, đặt trọng tâm vào việc phát triển hàng hóa tư bản: Sắt thép, than đá, dầu hoả, công nghiệp chế tạo máy. Ủy ban kế hoạch nhà nước đặt ra những mục tiêu hoàn toàn phi thực tế, thế mà năm 1931, Stalin còn hạ lệnh thực hiện kế hoạch năm năm trong vòng có ba năm. Đến năm 1932, các chỉ tiêu sản xuất lại được tăng lên hai lần. Số lượng công nhân công nghiệp cũng tăng lên tương ứng: từ 3 triệu đã tăng lên 6,4 triệu người. 
Bằng những lời hứa hẹn rằng “xây dựng xong chủ nghĩa xã hội” thì đời sống sẽ được nâng cao, chính phủ đã động viên được nhiệt tình lao động. Nhưng đấy là quả cà rốt không dành cho những người dân thấp cổ bé miệng. Trên thực tế, mức sống ngày một thấp đi, vì tiền đầu tư cho công nghiệp càng phình ra thì lương công nhân sẽ càng phải teo lại. Năm 1933, đồng lương thực tế của công nhân hạ xuống chỉ còn bằng một phần mười thời chưa chuyển sang công nghiệp hoá (1926-1927). Alec Nove, một chuyên gia về kinh tế Liên Xô, cho rằng, “năm 1933 là điểm cực tiểu trên đồ thị đi xuống một cách đột ngột của mức sống từng được lịch sử biết tới trong thời bình”[19]
Muốn tăng năng suất lao động lên, Stalin buộc phải quay lại với các phuơng pháp khuyến khích tư bản truyền thống. Năm 1931, ông ta phê phán quyết liệt nguyên tắc “bình quân”, mà theo lời ông ta là cực tả, tức là trả lương đồng đều cho công nhân không phụ thuộc vào tay nghề cũng như đóng góp của người công nhân. Ông ta giải thích rằng làm như thế là không khuyến khích người ta rèn luyện để nâng cao tay nghề, còn người có tay nghề thì không được khuyến khích chuyển sang chỗ được trả lương xứng đáng hơn, cả hai hiện tượng đó đều có ảnh hưởng tiêu cực đối với năng suất lao động. Vì vậy, bảng lương mới đặt ra khoảng cách rất lớn giữa mức lương của người có tay nghề thấp nhất và người có tay nghề cao nhất. 
Vốn cho phát triển công nghiệp được lấy từ một số nguồn, kể cả từ máy in tiền, từ thuế kim ngạch, từ xuất khẩu lương thực, kể cả việc bán các tác phẩm nghệ thuật. 
Nhưng vốn này được lấy chủ yếu từ việc bóp nặn tầng lớp nông dân, trên thực tế, sau bảy mươi năm được giải phóng (ý nói giải phóng khỏi chế độ nông nô – ND), tầng lớp này lại rơi vào vòng nô lệ. Quyết định tiến hành “tập thể hoá đồng loạt” được đưa ra vào giữa năm 1929. Theo lời Stalin, phải dựa vào tích luỹ trong nước để tiến hành công nghiệp hoá. Nghĩa là nông dân phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho giai cấp công nhân công nghiệp, các thành phố và lực lượng vũ trang theo giá thấp nhất. Nhưng, trong chiến dịch tuyên truyền tiến hành song song với quá trình tập thể hoá người ta lại nhấn mạnh đến việc tiêu diệt “bọn bóc lột” để đánh lạc hướng sự chú ý vì phần lớn nạn nhân của công cuộc tập thể hoá chính là những người nông dân bình thường.

Tập thể hoá diễn ra theo hai quá trình. Thứ nhất, “xoá bỏ thành phần kulak”, nói cách khác là giết người; thứ hai, tiêu diệt các làng xã nông thôn và sự độc lập còn sót lại của nông dân. Nông dân bị lùa vào các tập thể sản xuất gọi là nông trang, người ta phải làm việc cho nhà nước chứ không còn cho mình nữa. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử, được áp đặt từ trên xuống, nó đã đưa ba phần tư dân số của đất nước vào tình trạng của những người nông nô của bộ máy nhà nước. 
Kulak, tất cả những người nông dân có của ăn của để và cả những người chống hợp tác hoá đều bị gọi như thế, bị tịch thu hết tài sản và bị đưa vào các trại cải tạo lao động hoặc bị đầy đi Siberia cùng với gia đình. Theo các số liệu chính thức, trong những năm 1930-1931, đã có 1.803.392 người bị trừng phạt theo một trong hai hình thức trên. Người ta tính ra rằng 30% những người thoát án tử hình cũng đã chết vì đói và rét[20]. Trong số những người thoát chết, có 400.000 người trốn tránh được và sau này đã tìm cách chạy vào các thành phố hoặc các trung tâm công nghiệp. 
“Trung nông” và “bần nông” cũng mất hết, kể cả công cụ lao động và gia súc, vì người ta thà giết thịt gia súc chứ không chịu đem nộp cho nông trang, tất cả các tài sản đó đều phải giao cho nông trang. Các nông trang viên phải làm đủ một số ngày công nhất định trong một năm, đổi lại, họ được lĩnh một số tiền và một lượng lương thực tối thiểu. Đấy là cách họ thực hiện nghĩa vụ lương thực do nhà nước giao với giá rẻ mạt, trong khi nhà nước xuất khẩu bột và lúa mì, thu lợi gấp mấy lần. Người không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị đói. Những người tuyệt vọng vì đói mà ăn cắp sẽ bị coi là tội phạm nguy hiểm: Theo nghị định ban hành tháng 8 năm 1932, “ăn cắp hay phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa (xin đọc là: của Đảng)”, nhiều khi chỉ là vài bông lúa mì, có thể bị kết án tử hình hoặc hàng chục năm lao động khổ sai. Trong mười sáu tháng sau đó, đã có tất cả 125.000 nông dân bị kết án theo đạo luật này, trong đó, 5.400 người bị tử hình[21]. Vì sản phẩm mà người nông dân được nhận từ nông trang chỉ là lúa mì, cho nên từ năm 1935, chính phủ cho các nông trang viên được canh tác trên những mảnh ruộng riêng, trung bình một gia đình được một acre (mẫu Anh, 0,4 hecta – ND), họ có thể trồng hoa quả và rau để tự sử dụng hoặc bán trên các chợ nông trường do nhà nước quản lý. Họ cũng được nuôi bò và các gia súc khác (trừ ngựa). Những mảnh ruộng riêng này đã cung cấp một lượng lương thực và thực phẩm đáng kể, vượt xa tỉ lệ của nó so với số ruộng đất đã tập thể hoá. 
Sau khi tập thể hoá, tình cảnh người nông dân còn khốn cùng hơn cả thời nông nô, từng tồn tại ở Nga cho đến năm 1861, lúc đó, dù là nông nô, nhưng người nông dân vẫn được quyền làm chủ (trên thực tế) mùa màng và gia súc của mình. Địa vị của họ bây giờ đã bị hạ xuống ngang hàng với nô lệ, chỉ có những phương tiện tối thiểu để duy trì sự sống của chính mình: Năm 1935, một gia đình nông trang viên chỉ được cấp 247 rub, đủ mua một đôi giầy[22]
Stalin thích nói rằng tập thể hoá được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, nhưng trện thực tế, chính phủ đã áp dụng những biện pháp cưỡng bách cực đoan nhất. Ông ta từng nói với Churchill rằng, công cuộc hợp tác hoá kéo dài ba năm, nhưng “nặng nề” hơn cả Thế chiến II. Nếu ông ta còn cảm thấy nặng nề thì số phận các nạn nhân của ông ta còn nặng nề đến mức nào. Nhằm bẻ gẫy sự chống đối của nông dân ở Ukraine, ở Bắc Caucasus và ở Kazakhstan, Stalin đã cố tình gây ra nạn đói vào những năm 1932-1933 bằng cách tịch thu hết lương thực và cho quân đội bao vây để họ không thể đi tìm thức ăn ở các khu vực khác. Các số liệu cho thấy nạn đói nhân tạo này đã cướp đi sinh mạng của 6 đến 7 triệu người[23]. Chế độ cũng thi hành những biện pháp cực kì dã man đối với dân Kazakh du mục ở Trung Á, người ta cho rằng một phần ba sắc dân này đã chết trong quá trình tập thể hoá[24]
Mục đích trực tiếp của tập thể hoá - tìm nguồn vốn cho công cuộc công nghiệp hoá – đã thành công, trên thực tế, lương thực đã bị tịch thu rồi đem phân phối trong các thành phố và các trung tâm công nghiệp. Nhưng về lâu dài, nó đã gây ra hậu quả rất tai hại: Nó đã phá vỡ nền nông nghiệp vì đã buộc những người nông dân cần cù chăm chỉ nhất phải đi lưu đầy và sau đó là tước đoạt đất đai và mùa màng của nông dân tập thể. Trước cách mạng, Nga là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, từ đây về sau, phải chật vật lắm nước này mới sản xuất đủ lương thực tiêu dùng trong nước. 
____________
Đến năm 1934-1935, khi chế độ tem phiếu được bãi bỏ, Stalin tuyên bố rằng “cuộc sống trở thành nhẹ nhàng hơn, cuộc sống trở thành vui vẻ hơn”, thì những khó khăn dường như đã ở phía sau. Nhưng chế độ cần một cuộc khủng hoảng mới để biện hộ cho chính quyền độc tài. Chế độ cần một kẻ thù mới. Sau này Fidel Castro, lãnh tụ cộng sản Cuba, đã tuyên bố công khai điều mà các ông thày người Nga của ông ta cố tình che giấu: “Cách mạng cần có kẻ thù… Để phát triển, cách mạng cần phản đề, cụ thể là cần có phản cách mạng”[25]. Nếu không có thì phải bịa ra kẻ thù. 
Năm 1934, Sergei Kirov, một người Bolshevik nổi tiếng, bí thư đảng bộ thành phố Leningrad bị giết một cách bí ẩn, có những bằng chứng gián tiếp chứng tỏ rằng Stalin là kẻ chủ mưu vụ ám sát. Kirov là một người Stalinist cứng rắn, trước khi chết không lâu từng ca ngợi Stalin là “nhà chiến lược vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân lao động nước ta và toàn thế giới”, ông ta rất được lòng quần chúng đảng viên và dĩ nhiên là Stalin chẳng thích thú gì. Vụ ám sát mang lại cho Stalin hai mối lợi: thứ nhất, trừ khử được một đối thủ tương lai; thứ hai, có lý do để phát động một chiến dịch rộng lớn nhằm chống lại những người được mệnh danh là những kẻ có âm mưu chống chính quyền Xô Viết, ông ta sẽ tìm cách giết hết hàng ngũ lãnh đạo mà Lenin để lại. Phải gọi những cuộc thanh trừng hồi những năm 1930 là sự lộng hành của khủng bố, một cuộc khủng bố chưa từng có trong lịch sử cả về số lượng nạn nhân lẫn sự tàn bạo tràn lan của nó. Stalin theo dõi sát sao chiến dịch, trong các chỉ thị gửi cho chính quyền các địa phương, ông ta thường nhấn mạnh: Đánh cho đến khi phạm nhân phải nhận những tội lỗi mà họ không hề phạm. 
Bức thư của Vsevolod Meyerhold, một trong vô vàn nạn nhân của chiến dịch thanh trừng, gửi Molotov, chiến hữu thân cận của Stalin, sẽ cho chúng ta thấy mệnh lệnh đó được thi hành trên thực tế như thế nào. Meyerhold, một đạo diễn nổi tiếng, vào Đảng ngay từ những ngày đầu tiên sau khi chế độ được thành lập, bị tuyên bố là “kẻ thù của nhân dân” và bị bắt vào năm 1939. Ông viết như sau: 
Khi các điều tra viên tra tấn, người ta đánh tôi, một lão già bệnh hoạn, đã 65 tuổi. Họ đặt tôi nằm úp mặt xuống sàn rồi lấy roi bện bằng những sợi cao su đánh vào gót chân và sống lưng; khi tôi ngồi trên ghế thì họ đánh vào chân, từ trên xuống, đánh mạnh lắm. Những ngày sau, khi những chỗ bị đánh ở chân đã sưng lên vì xuất huyết bên trong thì họ lại dùng roi đánh vào những chỗ thâm tím đó, đau như là bị đổ nước sôi vào vậy, tôi phải kêu lên, khóc lên vì đau đớn. Họ còn lấy roi đánh vào lưng tôi, lấy tay đánh vào mặt tôi…
Rồi họ lại áp dụng cái gọi là “tấn công về tâm lý” nữa, cả hai biện pháp đều làm tôi sợ đến nỗi bản tính của tôi bộc lộ ra hết… Tôi nằm, mặt úp xuống đất, vặn vẹo, co quắp, gào thét như con chó bị chủ đánh. 
Khi nằm ngủ để sau đó một tiếng sẽ lại phải lên lấy cung, trước đó tôi đã phải trả lời suốt mười tám tiếng đồng hồ, tôi lại bị đánh thức bởi những tiếng rên rỉ và người cứ giật bắn lên, hệt như người bệnh đang hấp hối vì sốt vậy. “Chết (ồ dĩ nhiên rồi), chết còn sướng hơn!” – một người bị thẩm vấn tự nhủ. Tôi cũng tự nhủ như thế. Thế là tôi nhận bừa, hy vọng rằng họ sẽ đưa tôi lên đoạn đầu đài[26]
Sau khi đã nhận tội theo đúng kịch bản, chính quyền đã chiếu cố những lời cầu xin của Meyerhold và hoá kiếp cho ông ta. 
Cuộc đại khủng bố ập lên đầu cả đảng viên lẫn người ngoài Đảng. Tại đỉnh điểm của nó, tức là trong những năm 1937-1938, đã có ít nhất một triệu rưỡi người, đa số không hề phạm bất cứ tội lỗi gì, ngay cả theo các quy định của cộng sản, phải ra trước vành móng ngựa mà quan toà chỉ gồm ba người là bí thư chi bộ đảng, công tố viên và trưởng phòng an ninh khu vực. Phiên toà diễn ra nhanh chóng, có khi chỉ trong vài phút, phạm nhân bị kết án tử hình, khổ sai hoặc lưu đầy mà không có quyền kháng cáo. Bàng quan với chính trị, thậm chí tuyệt đối trung thành với chế độ cũng chưa phải đã được an thân. Trong giai đoạn cao trào, Bộ Chính trị còn phân bổ “hạn ngạch” cho cơ quan an ninh, trong đó, ghi rõ bao nhiêu phần trăm dân số khu vực bị bắn, bao nhiêu phần trăm bị đưa vào trại giam. Ví dụ, hạn ngạch ngày 2 tháng 7 năm 1937 cho thành phố và tỉnh Moskva là 35 ngàn người, trong đó 5 ngàn bị xử bắn[27]. Một tháng sau đó, Bộ Chính trị cấp hạn ngạch cho tất cả các tỉnh: 70 ngàn người bị bắn mà không cần xét xử[28]. Đa số nạn nhân của cuộc đại khủng bố là những người có bằng đại học, họ bị coi là thành phần bất trị và có xu hướng “phá hoại”. 
Tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng bị thanh trừng, 70% trong số 139 uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được bầu tại Đại hội lần thứ XVII vào năm 1934, đã bị tử hình[29]. Tất cả những người bạn chiến đấu của Lenin, trong đó có Zinoviev và Kamenev, đã bị bắt, bị tra tấn và sau khi bị đánh gục cả về thể xác lẫn tinh thần, đã buộc phải thú nhận trong những “phiên toà” giả mạo những tội lỗi không thể nào tưởng tượng nổi như hoạt động gián điệp, khủng bố và có ý định khôi phục “chủ nghĩa tư bản”; sau đó tất cả đều bị xử bắn hoặc bị đưa vào các trại lao động khổ sai, ít người sống sót. Trong Di chúc, Lenin nhắc đến sáu người có khả năng kế tục mình thì chỉ có một người sống sót, đó là Stalin. Dmitri Volkogonov, một viên tướng Liên Xô, sau này trở thành nhà sử học, đã kinh hoàng khi phát hiện ra trong hồ sơ lưu trữ ba mươi bản danh sách được ghi cùng một ngày, 12 tháng 12 năm 1938. Đây là danh sách 5 ngàn người bị kết án tử hình, Stalin đã kí các bản án trước khi toà chính thức xét xử, sau đó ông ta đi vào rạp chiếu phim riêng trong Điện Kremlin, hôm đó ông ta xem hai bộ phim, một bộ có tựa đề Mấy anh chàng vui tính[30]
Bằng cách này hay cách khác, đa số dân chúng đã buộc phải tham gia vào cuộc tắm máu đó, họ tố cáo bạn bè và người thân, không tố cáo những cuộc thảo luận về hoạt động “phá hoại” cũng bị coi là hoạt động phá hoại. Chẳng ai dám tin ai, cũng chẳng ai còn dám nói thật nữa. 
Các cuộc thanh trừng trong những năm 1937-1938 đã làm cho hàng ngũ những người Bolshevik tiền bối trống vắng hẳn. Năm 1939, 80,5% cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô là những người vào Đảng sau khi Lenin chết[31]. Các viên chức cao cấp của Đảng và chính phủ, vẫn thường được gọi là tầng lớp nomenclatura, xuất phát từ đây; họ không chỉ độc chiếm các chức vụ có nhiều quyền lực mà còn được hưởng những đặc lợi không thể tưởng tượng nổi, đấy chính là giai cấp bóc lột mới. Có chân trong tầng lớp này là được đảm bảo một địa vị xã hội vững chắc và trên thực tế, địa vị của họ cũng mang tính cha truyền con nối. Khi Liên Xô sụp đổ, nomenclatura có 750 ngàn người, nếu tính cả gia đình thì giai cấp này có tổng cộng 3 triệu người, nghĩa là 1,5% dân số, gần tương đương thành phần quý tộc dưới thời các Sa hoàng thế kỷ XVIII. Họ cũng có bổng lộc y như các lãnh chúa thời xưa. Đây là lời của một người trong tầng lớp ăn trên ngồi trốc đó: 
Nomenclatura sống như trên một hành tinh khác. Như trên sao hoả. Vấn đề không chỉ là những chiếc ô tô hay những căn hộ cao cấp. Đây là sự đáp ứng ngay lập tức những ước muốn đỏng đảnh của bạn, lúc nào cũng có một lũ nịnh thần, chúng tạo cho bạn khả năng làm việc mà chẳng phải lo nghĩ gì. Những viên chức cấp thấp trong bộ máy sẵn sàng làm bất cứ những gì bạn muốn. Tất cả các ước muốn của bạn đều được thực hiện. Bạn có thể vào rạp hát bất cứ lúc nào, có thể bay thẳng từ các khu săn bắn của bạn đến Nhật Bản. Cái gì cũng có mà lại chẳng phải khó nhọc gì… Giống như một vị hoàng đế: bạn chỉ cần giơ ngón tay lên là xong[32].
Các đảng viên thường, “bọn nịnh thần”, ngay dưới thời Stalin cũng đã đông đúc lắm, họ trở thành đày tớ cho tầng lớp ăn trên ngồi trốc. 
Hồng quân cũng không tránh khỏi vụ khủng bố này: ba trong năm nguyên soái bị “thủ tiêu”, mười ba trong số mười lăm viên tướng đã bị giết, trong số chín đô đốc thì chỉ có một người thoát chết. Nhiều đảng viên cộng sản ngoại quốc, những người được Liên Xô cho tị nạn chính trị, cũng trở thành nạn nhân của các vụ thanh trừng. Giới tăng lữ chịu nhiều tổn thất: trong những năm 1937-1938, có 165.200 tu sĩ bị bắt vì đã thực hành tôn giáo, trong đó, 106.800 người bị bắn[33]. Gần như toàn bộ các cơ sở thờ phụng đã bị đóng cửa. 
Bộ máy khủng bố không tha cả những kẻ từng giữ vô-lăng. Nikolai Yezhov, Dân uỷ Nội vụ, một kẻ được ví với Himmler của Stalin, chính ông ta đã điều khiển những vụ giết người hàng loạt hồi những năm 1937-1938, vì lý do gì đó mà bị thất sủng. Stalin đã cách tuột mọi chức vụ, sau đó bắt giam và đẩy vào cái vạc dầu đẫm máu do chính ông ta dựng nên. 
Người dân thường có thể bị bắt và biến mất chỉ vì một câu nói bâng quơ hay bị hàng xóm tố cáo. Sợ hãi và nghi ngờ bao trùm lên toàn bộ xã hội, các cán bộ cao cấp cũng không phải là ngoại lệ. Có lần Nikolai Bulganin, từng là phó thủ tướng dưới thời Stalin, nói với Nikita Khrushchev rằng, đôi khi một người nào đó được mời tới gặp Stalin như một người bạn, “nhưng khi ngồi cạnh Stalin, anh ta không thể biết rồi sẽ được đưa đi đâu - về nhà hay vào nhà đá”. Andrei Gromyko, một trợ tá đắc lực của Stalin, từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao, kể rằng, dưới thời Stalin không bao giờ có chuyện hai uỷ viên Bộ Chính trị đi chung một xe vì sợ bị nghi ngờ mưu phản. Sợ hãi và ngờ vực tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi Stalin chết và trở thành một phần không thể tách rời của cả hệ thống. Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Xô Viết cuối cùng, nói rằng khi ông ta mời Iurii Andropov, vừa là sư phụ, vừa là hàng xóm, đang là Chủ tịch KGB, đến nhà ăn cơm trưa thì Andropov khuyên rằng tốt nhất là đừng bao giờ làm như thế vì “nhất định sẽ có những chuyện ngồi lê đôi mách rằng ai nói, hắn ta đã nói gì và tại sao lại nói thế”. 
Theo các tài liệu mật, được đưa ra công khai sau khi Liên Xô tan rã, trong những năm 1937-1938, tức là khi đại khủng bố đạt đỉnh cao, các cơ quan an ninh đã bắt 1.548.366 người vì cái gọi là “hoạt động bài Xô”, trong đó, 681.692 người bị xử bắn. Trung bình một ngày có 1.000 vụ hành quyết. Phần lớn những người thoát chết đều bị đưa vào các trại lao động khổ sai[34]. (Trong khi đó, từ năm 1825 đến năm 1910 chính quyền Sa hoàng tử hình 3.932 chính trị phạm). Năm 1941, khi Đức tấn công Liên Xô, các nhà tù của GULAG đang giam giữ 2.350.000 người, tức là 1,4% dân số cả nước[35]. Các tù nhân-nô lệ này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế quan trọng, họ phải làm việc trên các công trường xây dựng lớn, phải đốn cây trên miền Bắc Cực xa xôi. Sau khi Liên Xô tan rã, những kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác chống lại dân lành như thế đã không bị đưa ra toà; thậm chí họ còn không bị lên án, không bị kết án về mặt đạo đức và tiếp tục sống một cuộc đời bình thường. 
Các cuộc điều tra dân số giữa những năm từ 1932 đến 1939, nói cách khác, sau tập thể hoá và trước chiến tranh, cho thấy dân số Liên Xô sụt giảm từ 9 đến 10 triệu người[36]
Lý trí bình thường không thể nào hiểu nổi vụ tắm máu kinh hoàng này. Có một câu chuyện tiếu lâm như sau. Người ta hỏi một phạm nhân mới rằng anh ta bị bao nhiêu năm, anh ta đáp: “Hai mươi lăm năm”. “Tội gì?”. “Chẳng tội gì cả”. “Làm gì có chuyện đó”, mọi người nói, “Không có tội gì thì chỉ mười năm thôi”. 
Nếu ai đó còn băn khoăn là làm sao mà một chính phủ lại có thể gây ra tai hoạ lớn như thế đối với chính nhân dân nước mình, xin thưa rằng, những người cách mạng-những người cộng sản ở Nga cũng như ở các nước khác cho rằng con người với hình hài như hiện nay chỉ là bản sao không hoàn chỉnh của cái mà họ có thể và nhất định phải là trong tương lai. Quan niệm này bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx. Marx viết: 
Thế hệ hiện nay làm ta nhớ đến những người Do Thái được Moses dẫn qua sa mạc. Thế hệ này cần phải không chỉ chinh phục thế giới mà còn rút lui khỏi vũ đài để nhường chỗ cho những con người xứng đáng với cái thế giới mới đó[37].
Mặc dù Marx cũng như Engels không kêu gọi các đệ tử của mình tiến hành những vụ giết người hàng loạt, nhưng họ sẵn sàng hy sinh những người đang sống cho các thế hệ tương lai. 
Theo quan điểm của họ, “con người mới” trong chế độ cộng sản sẽ khác hẳn với những con người đã từng tồn tại cho đến nay. Trotsky vẽ nên hình ảnh con nguời mới đó trong tác phẩm Literature and Revolution (Văn học và cách mạng) như sau: 
Con người, cuối cùng, sẽ bắt đầu tiến hành quá trình tự hoàn thiện một cách nghiêm túc… Con người muốn làm chủ các quá trình nửa-vô thức và sau đó là các quá trình vô thức trong chính cơ thể của mình: thở, tuần hoàn máu, tiêu hoá, thụ thai và buộc chúng phải tuân theo lý trí và ý chí của mình… Loài người, đã ngưng lại như một homo sapiens, sẽ lại bước vào một quá trình cải tạo triệt để và sẽ trở thành chủ thể của những phương pháp chọn lọc tự nhiên nhân tạo và luyện tập về mặt tâm sinh lý phức tạp nhất… Con người sẽ đặt cho mình nhiệm vụ… tạo ra một giống loài tiến bộ hơn về mặt sinh học cũng như xã hội, có thể nói là siêu nhân cũng được… Con người trở thành mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và nhạy cảm hơn. Cơ thể anh ta cân đối hơn, vận động nhịp nhàng hơn, giọng nói êm dịu hơn… Một người trung bình cũng đứng ngang với Aristotle, Goethe, Marx. Trên những ngọn đồi đó sẽ nổi lên những đỉnh núi mới
Hy sinh những sinh linh khốn nạn trong cái thế giới tha hoá này cho lý tưởng tót vời như thế thì có gì phải đắn đo? Theo quan điểm đó, nhân loại hiện nay chỉ là rác rưởi và cặn bã của cái thế giới nhất định sẽ bị diệt vong, thủ tiêu nó không phải là một cái gì quá nghiêm trọng vậy. 
Những vụ giết người chưa từng có trong lịch sử được tiến hành song song với việc đàn áp tự do ngôn luận nhằm tạo ra một sự thống nhất giả tạo như thế đấy: thể xác thì bị bắt và bị giết, còn lý trí thì bị xoá sổ. Lenin hoàn toàn không tôn trọng những quan niệm khác biệt với quan niệm của mình, nghị định đầu tiên mà ông ta ban hành ngay sau khi nắm được quyền lực đòi hỏi đóng cửa tất cả các cơ quan báo chí không nằm dưới quyền kiểm soát của Đảng Bolshevik. Lúc đó ông ta không đủ sức làm việc này, nhưng mùa hè năm 1918, ông ta đã cho đóng cửa không chỉ tất cả các tờ báo độc lập mà còn đóng cửa tất cả các tờ báo định kì phi đảng phái nữa. Năm 1922, ông ta cho thành lập cơ quan kiểm duyệt trung ương, gọi là Glavlit. Tất cả những gì xuất hiện trên báo chí hay sân khấu đều bị cơ quan này kiểm duyệt. 
Tuy nhiên, trong những năm 1920, tư tưởng vẫn còn được hưởng một mức độ tự do nhất định. Thời kì đầu, kiểm duyệt ở Liên Xô có tính cách phủ định, tương tự như dưới thời Sa hoàng, nghĩa là chỉ quyết định không được in cái gì chứ chưa có ý định buộc những người cầm bút phải viết cái gì. Trong những năm 1930, có sự thay đổi chính sách: kiểm duyệt mang tính khẳng định, nghĩa là chỉ thị cho người cầm bút phải viết cái gì và viết ra sao. Tất cả thông tin tiêu cực về hiện tình đất nước đều bị che giấu, đấy là nói khi chính quyền không yêu cầu đưa ra công khai một phần sự thật nào đó. Chẳng mấy người được ra nước ngoài, chỉ các quan chức nhà nước mới được xuất ngoại mà thôi, dân thường không được tiếp xúc với người ngoại quốc, mọi cuộc tiếp xúc như thế đều có thể bị coi là hoạt động gián điệp. Sách báo ngoại quốc, trừ sách báo cộng sản, đều bị cấm lưu hành. 
Văn học Liên Xô là hiện thân của một sự đơn điệu không ai có thể tưởng tượng nổi. “Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” trở thành lý luận mỹ học chính thức từ năm 1932, phương pháp này đòi hỏi nhà văn phải coi hiện thực “là không tồn tại, còn tương lai thì lại như đã hiện diện rồi”[38]. Kết quả là, tất cả những gì được in, được dựng trên sân khấu, được đưa lên phim ảnh hoặc phát trên sóng radio đều không phải là thực: đấy là siêu thực. Để thích ứng với hoàn cảnh như thế, người ta buộc phải chia tách nhận thức và cá nhân con người mình thành hai mảnh, người ta buộc phải sống trong tình trạng tâm thần phân lập, nghĩa là người ta biết sự thật nhưng phải đè nén nhận thức và chỉ chia sẻ những hiểu biết đó với những người thân cận mà thôi, nhưng mặt khác, người ta lại phải giả vờ tin mọi lời nói của bộ máy tuyên truyền chính thức. Tâm trí lúc nào cũng căng thẳng, cuộc sống ở Liên Xô trở thành năng nề, không thể chịu đựng nổi. 
Di sản tâm lý đó còn tồn tại ngay cả sau khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung. Dối trá trở thành phương tiện sống, mà từ nói dối đến lừa đảo chỉ là một bước nhỏ. Không còn nền tảng đạo đức cho sự tồn tại của một xã hội dân sự và thế là cái chế độ đòi hỏi mọi người hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể đã dẫn đến cái kết cục là tất cả mọi người chỉ còn biết lo cho mình vì họ không còn chỗ dựa nào khác. 
Một khía cạnh nữa của cuộc đại khủng bố là “tệ sùng bái” Stalin, sau này người ta gọi như thế. Trên thực tế đấy, là sự thần thánh hoá Stalin: ông ta là người cực kì mạnh mẽ, biết hết, hiện diện khắp nơi, không bao giờ sai và còn mãi như thế cho đến tận lúc chết vào năm 1953. Người nhạc sĩ phủ phục dưới chân, khi ông ta phê bình một vở opera nào đó. Các nhà ngôn ngữ học ngậm miệng khi ông ta phát biểu về vấn đề ngôn ngữ học. Trên diễn đàn đại hội, các đại biểu thi nhau xem ai tài hơn trong việc tụng ca lãnh tụ, còn ông ta thì ngồi đó, khiêm tốn lắng nghe những lời ngợi ca chính mình. Osip Mandelstam, được nhiều người coi là một trong những nhà thơ Nga vĩ đại nhất torng thế kỷ XX, đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình vì trường ca viết về nhà độc tài này, trong đó có những dòng sau đây:
Những ngón tay của ông ta, mập ú như những con giòi
Lời nói của ông ta nặng như những quả tạ,
Mấy sợi râu như râu gián,
Đôi ủng bóng lộn,
Xung quanh ông ta là đám lãnh tụ cổ ngẳng -
Bọn nửa người nửa ngợm để ông ta đùa cợt.
Kẻ huýt gió, kẻ kêu meo meo, kẻ ủn ỉn
Chỉ một mình ông ta huyên thuyên và chỉ tay.
Hết chỉ thị nọ đến chỉ thị kia, như ném những cái móng ngựa
Kẻ bị vào bẹn, kẻ vào trán, kẻ vào lông mày, kẻ vào mắt.
Và mỗi kẻ bị giết là một quả mâm xôi[39].

Có thể một trong những lý do thần thánh hoá lãnh tụ, một hiện tượng chung cho đa số các chế độ cộng sản, là vì sức mạnh vô địch và biết tuốt là đặc trưng của thánh thần cho nên khi một người có những tính chất như thế thì ông ta cũng được người ta gán luôn cho các đặc điểm của thần thánh. 
Dàn đồng ca đó đã làm cho Stalin ngày càng xa rời thực tế. Bị bao vây bởi một lũ nịnh thần, Stalin không còn nhận thức được tình hình thực tế của vương quốc nữa. Sợ bị ám sát, ông ta không bao giờ vi hành và chỉ thấy đời sống của đất nước qua những bộ phim được dàn dựng dành riêng cho ông ta, trong đó, theo lời của Khrushchev, bộ hạ và sau này là người kế vị ông ta, thì các nông trang viên ngồi quanh bàn ăn “võng xuống vì ngỗng và gà tây”. 
Chỉ có cảnh sát mật, mang những bí danh Cheka (1917-1922), GPU và OGPU (1922-1934), NKVD (1934-1954) và KGB (1954-1991), là nắm được được hiện tình đất nước mà thôi. Đây là công cụ đàn áp chủ yếu, nó có toàn quyền hành động, nó được tự do đàn áp tất cả các kẻ thù của chế độ, cả kẻ thù thật lẫn kẻ thù tiềm năng và kẻ thù do nó bịa ra. Cơ quan này còn điều hành một vương quốc các trại lao động khổ sai. Sau khi đã tiêu diệt mọi hình thức biểu hiện của dư luận; cảnh sát mật, thông qua mạng lưới nhân viên tình báo và chỉ điểm, làm nhiệm vụ báo cáo với chính phủ về tâm trạng của xã hội. Những năm cuối đời Stalin, các cơ quan an ninh đã thoán đoạt quyền lực trong nhiều lĩnh vực mà trước đó Lenin đã giao cho Đảng Cộng sản. 
_________________

Stalin là người cộng sản đầu tiên nhận thức được tiềm lực chính trị của chủ nghĩa dân tộc Nga và buộc nó phục vụ mình. Chủ nghĩa Marx coi tinh thần dân tộc, biểu hiện dưới bất kì hình thức nào, là vũ khí của giai cấp tư sản nhằm đánh lạc hướng quần chúng khỏi nhiệm vụ chính, khỏi cuộc đấu tranh giai cấp. Lenin cũng chẳng coi trọng tinh thần yêu nước. Nói đúng hơn, ông ta còn tỏ ra khinh bỉ chính nhân dân nước mình, trong một bức thư mật, ông ta nhận xét về họ với những từ ngữ miệt thị như “lũ gian xảo và đê tiện”. Có lần ông còn nói với Maxim Gorky rằng “một người Nga thông minh thì gần như chắc chắn đấy là một người Do Thái hay trong huyết quản có máu Do Thái[40]
Stalin thì lại khác. Qua tiếp xúc với cán bộ, ông ta nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bài ngoại được ủng hộ nhiệt tình hơn là những lý tưởng mù mờ của chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, ông ta bắt đầu đồng nhất mình với chủ nghĩa sô-vanh Nga và tìm cách xoá bỏ dần mối ngờ vực thịnh hành ở Nga và ở nước ngoài rằng chủ nghĩa cộng sản phục vụ cho quyền lợi của người Do Thái trên toàn thế giới. Bản thân là một người bài Do Thái thô bạo, ông ta tìm cách loại bỏ dần tất cả người Do Thái khỏi các chức vụ trong bộ máy nhà nước. Trong thời kì liên minh với Hitler, ông ta đã hứa với Ribbentrop, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, rằng sẽ cho tất cả người Do Thái nghỉ việc ngay khi ông ta tìm được người Nga phù hợp[41]. Trước khi chết không lâu, ông ta đã lập kế hoạch đầy tất cả người Do Thái đến vùng Siberia. 
Năm 1934, sau khi Hitler nắm được chính quyền, Stalin đã cho rà soát lại toàn bộ đường lối của Đảng về vấn đề chủ nghĩa yêu nước. Tinh thần yêu nước, vốn bị lên án trước đây, được khuyến khích; việc giảng dạy lịch sử theo truyền thống Marxist vốn nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai cấp thì nay chú trọng trước hết đến thắng lợi của nước Nga trong chiến tranh cũng như xây dựng hoà bình. Cho đến khi Stalin chết, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô đã hoà nhập với chủ nghĩa dân tộc Nga: người ta tuyên truyền rằng uy tín của chế độ đã được xây dựng trên chiến thắng trong Thế chiến II và những thành công sau đó, trong việc chế tạo ra tên lửa vượt đại châu và chương trình thám hiểm vũ trụ, trong việc giành được danh hiệu siêu cường ngang hàng với nước Mỹ. Người Nga hiện nay nhớ tiếc Liên Xô không phải vì họ yêu chế độ, tức là yêu chủ nghĩa cộng sản, mà đấy là nỗi nhớ những ngày đã qua, khi họ sung sướng, tự hào vì những người khác phải tôn trọng và phải sợ đất nước mình. 
______________

Đã đến lúc phải đặt câu hỏi: Chế độ chuyên chế kéo dài hai mươi lăm lăm của Stalin có phải là đương nhiên, nghĩa là hậu quả không thể tránh được của cái chế độ do Lenin sáng lập, hay một sự ngẫu nhiên nào đó đã cho phép một kẻ tâm thần cướp đoạt được các thành quả của cách mạng? Chắc chắn là Stalin có những biểu hiện của bệnh tâm thần, bệnh vĩ cuồng và độc ác, một số cộng sự gần gũi của Stalin đã từng khẳng định như thế. Nhưng phải nhớ rằng ông ta kế tục Lenin không phải nhờ vào một cuộc đảo chính cung đình mà tiến lên từng bước một, được sự ủng hộ của Đảng. Đảng đã lựa chọn ông ta. Các nhà sử học, khi khẳng định rằng sự nghiệp của Lenin nên được giao cho Trotsky hay Bukharin, đã bỏ qua sự kiện là, tuy có cảm tình với hai người này, nhưng Lenin không coi họ là những người kế tục xứng đáng của mình. Chính Lenin đã giao vào tay Stalin cái chế độ độc đoán đó. Chính Lenin đã cho áp dụng chế độ khủng bố hàng loạt, bắt cóc con tin và trại tập trung, chính Lenin đã coi luật pháp và toà án chỉ là “hiện thân và hợp pháp hoá” khủng bố, chính ông ta đã thông qua điều 57 và 58 Bộ luật hình sự với hàng loạt điều khoản mà sau này Stalin đã sử dụng để giết hại và bỏ tù hàng triệu người vô tội. Chính Lenin đã buộc Đảng phải thông qua nghị quyết cấm “hoạt động bè phái”, tạo điều kiện cho Stalin lấy cớ là “lệch lạc” để loại bỏ tất cả những người không đồng ý với ông ta. Độc tài cá nhân là thuộc tính của hệ thống do Lenin sáng lập, mặc dù chính ông thích tìm sự đồng thuận trong tập thể hơn. Từ câu “Đảng luôn luôn đúng” đến câu “Lãnh tụ luôn luôn đúng” khoảng cách chẳng là bao xa. Mà khi nguyên tắc này đã ăn sâu, bén rễ thì chế độ độc tài xuất hiện như thế nào chỉ còn là vấn đề của hoàn cảnh mà thôi. 
Vyacheslav Molotov là người giữ những chức vụ quan trọng nhất trong thời gian lâu nhất cả dưới thời Lenin lẫn Stalin. Về già, khi được hỏi trong hai người đó ai “nghiêm khắc hơn”, ông ta lập tức trả lời: “Dĩ nhiên là Lenin… Tôi còn nhớ ông đã phê phán Stalin là nhu nhược và dễ dãi[42]. Đấy chính là dấu chấm hết cho huyền thoại rằng dường như chủ nghĩa Stalin là sự xa rời tư tưởng của Lenin mà Trotsky và sau đó là Khrushchev ra sức tuyên truyền. 
_____________

Đức phát động Thế chiến II nhằm để báo thù thất bại năm 1918 và buộc châu Âu phải khuất phục. Nhưng Liên Xô, xuất phát từ quyền lợi riêng, đã tạo điều kiện và xúi giục Hitler tiến hành các kế hoạch xâm lược của ông ta và như thế cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm trong việc để xảy ra cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử. 
Sau thảm bại trong cuộc chiến tranh chống Ba Lan cũng có nghĩa là những cố gắng nhằm thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở châu Âu đã phá sản, ban lãnh đạo Liên Xô kết luận rằng nếu chiến tranh thế giới nổ ra thì việc xuất khẩu cách mạng sẽ dễ dàng hơn. Tháng giêng năm 1925 Stalin tuyên bố như sau: “Đấu tranh, xung đột và chiến tranh giữa các kẻ thù của chúng ta là… đồng minh vĩ đại của chúng ta”… Chắc chắn đấy sẽ là sự ủng hộ vĩ đại nhất đối với chính quyền và cuộc cách mạng của chúng ta”. Sau khi khẳng định rằng một cuộc xung đột thế giới nhất định sẽ xảy ra, ông ta nói thêm: “Nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì chúng ta không được khoanh tay đứng nhìn, chúng ta nhất định phải tham chiến, nhưng sẽ tham chiến sau cùng. Chúng ta sẽ tham chiến để ném quả tạ quyết định lên bàn cân…”[43] 
Với ý đồ như thế, từ năm 1920 đến năm 1933 Liên Xô đã bí mật hợp tác với giới quân sự Đức, giúp họ tránh né các hạn chế về việc cấm hoặc chỉ cho Đức sản xuất một số lượng hạn chế xe tăng, máy bay, tầu ngầm và khí độc được quy định trong Hiệp ước Versailles. Moskva cho Đức sản xuất và thử nghiệm vũ khí trên lãnh thổ của mình, còn Đức thì mời các sĩ quan Hồng quân theo học các khoá của Bộ tổng tham mưu, trong đó có cả chiến lược và chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh. (Liên Xô cũng hợp tác với nước Italy phát xít trong lĩnh vực hải quân).

Vì có ý đồ như thế cho nên trong những năm 1932-1933 Stalin đã cấm những người cộng sản Đức hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử quốc hội và bằng cách đó đã giúp Hitler giành được quyền lực (xem chương 4). Đảng Dân chủ Xã hội Đức lúc đó theo đường lối thân phương Tây. Stalin lại nghĩ rằng mặc dù Quốc xã là kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, nhưng chúng sẽ tấn công các nước dân chủ phương Tây trước và để cho Liên Xô được yên. Đấy chính là căn cứ để ông ta kí với Berlin, tháng 8 năm 1939, hiệp ước bất tương xâm, kèm theo biên bản bí mật về việc chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô. Rõ ràng là, ông ta cho rằng sẽ diễn ra cuộc chiến tranh hao người tốn của như thời kì 1914-1918, kết quả là cả hai phía “tư bản” tham chiến đều kiệt sức và Liên Xô sẽ dễ dàng chiếm được châu Âu. Sau khi đã tiến hành phân chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô, Molotov, một người thân cận với Stalin, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao vừa kí xong hiệp định bất tương xâm đã vội vã lên án Anh và Pháp vì hai nước này gây chiến với Đức. Molotov tuyên bố: “Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Hitler, tương tự như mọi hệ tư tưởng khác, có thể được chấp nhận hay bác bỏ: đây là vấn đề chính trị”. Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều được chi đạo phải coi Pháp và Anh là thế lực xâm lược và phản động. Chính sách này hoá ra là một sai lầm lớn. 
Năm 1940, khi quân đội của Hitler đã đánh tan các lực lượng đồng minh ở Pháp và chiếm đóng phần lớn lãnh thổ châu Âu, Stalin trở thành đồng minh thực sự của nước Đức Quốc xã, ông ta cung cấp cho nước này lương thực, thực phẩm, sắt thép và các vật tư chiến lược khác. Ông ta còn giao cho Hitler một số đảng viên cộng sản Đức lưu vong ở Liên Xô. Cho rằng Hitler sẽ tiếp tục sự hợp tác béo bở đó với Moskva, Stalin đã phớt lờ mọi lời cảnh báo của phe đồng minh cũng như của cơ quan tình báo của chính ông ta rằng, quân Đức đã tập trung ở Ba Lan, chuẩn bị tấn công Liên Xô. 
Hồng quân, đã mất rất nhiều sĩ quan dày dạn kinh nghiệm trong các cuộc thanh trừng, lại không được phép chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của Đức, đã chịu những tổn thất nặng nề về người và phương tiện ngay trong những tháng chiến tranh đầu tiên, hàng triệu chiến sĩ Hồng quân bị bắt làm tù binh. 
Sau khi trấn tĩnh, Stalin tiếp tục lãnh đạo công việc phòng thủ. Việc giả vờ làm như đất nước đang chiến đấu vì lý tưởng cộng sản lập tức bị loại bỏ: người ta viện đến cả tôn giáo và những chiến công từ thời Sa hoàng để động viên nhân dân chiến đấu vì “Nước Nga Quang Vinh”. Cuộc kháng chiến, ban đầu tưởng như vô vọng, đã có thêm sức mạnh nhờ vào những sai lầm chiến lược của Hitler và sự dã man của đội quân xâm lược. Để tránh sai lầm trong việc đưa quân tiến thẳng vào Moskva của Napoleon, Hitler đưa một tập đoàn quân lên phía Bắc, tức là về phía Leningrad, còn tập đoàn quân thứ hai thì tiến xuống phía Nam để chiếm Kiev. Kết quả là, quân đội Đức bắt được rất nhiều tù binh, nhưng đã để mất một khoảng thời gian phải nói là vô giá vì khi mùa đông đến, họ mới bắt đầu cho quân tiến về thủ đô, cuộc tấn công suy yếu hẳn. Ban đầu, nhiều người Nga và người Ukraine chào đón quân Đức, nhưng họ đã nhanh chóng nhận ra rằng bọn phát xít đến không phải để giải phóng họ khỏi những người cộng sản mà để thiết lập chế độ nô lệ còn hà khắc hơn. Họ đã chiến đấu với quân thù vượt trội về vũ khí với lòng quả cảm và kiên cường vô song. Cuối cùng, cuộc chiến trên mặt trận phía Đông đã bẻ gãy xương sống quân đội Đức và quyết định kết cục Thế chiến II. Giá phải trả là cực kì to lớn. Các cấp chỉ huy Hồng quân ném binh sĩ một cách không thương tiếc vào những trận đánh, không cần biết có bao nhiêu người sẽ hy sinh. Các trận đánh lớn thường có hàng trăm ngàn người chết. Trong những trận đánh bảo vệ Kiev vào mùa hè năm 1941 có 616.000 chiến sĩ hy sinh, cuộc tấn công Donbass hai năm sau đó lại thêm 661.000 chiến sĩ nữa hy sinh. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, Liên Xô đã mất tổng cộng 20 triệu người, trong đó, 8,7 triệu người hy sinh trong các trận đánh[44]. Thiệt hại về binh lực lớn gấp ba lần thiệt hại của Đức trên mặt trận phía Đông (2,6 triệu người). Khoảng 5 triệu quân nhân Liên Xô bị bắt làm tù binh, trong đó từ 1,6 đến 3,6 triệu người bị chết vì đói, vì bị bắn hay chết trong các lò hơi ngạt. 
Các vùng lãnh thổ chiếm được chính là chiến lợi phẩm của Stalin. Quân đội Liên Xô đã chiếm đóng gần như tất cả các nước Trung và Đông Âu, với dân số khoảng 90 triệu người, lớn hơn Pháp và Tây Đức cộng lại, và thiết lập ở đó các chế độ cộng sản. Nam Tư và Albania cũng trở thành cộng sản. 
Một điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa, đấy là việc những người cộng sản Trung Quốc, những người mà Moskva có tình cảm lẫn lộn, vừa yêu vừa ghét trong suốt 25 năm trước đó, đã giành chiến thắng trong cuộc nội chiến với quân Quốc dân Đảng được Mỹ ủng hộ và thiết lập quyền kiểm soát trên toàn bộ Hoa lục vào năm 1949. Việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản sang phần còn lại của thế giới tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian. 
Trong toàn bộ lịch sử Liên Xô, Thế chiến II là sự kiện duy nhất có tác dụng cố kết nhân dân với nhà nước: “Sau khi bị Đức tấn công vào tháng 6 năm 1941, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô các tuyên bố chính thức phù hợp với sự thật: Đức là đội quân xâm lược tàn bạo và nhân dân phải chiến đấu cho sự sống còn của chính mình”[45]. Chiến tranh đã tạo cho chế độ cộng sản tính chính danh của người bảo vệ nhân dân mà trước đó nó không có. Nhưng niềm hy vọng được mọi người lúc đó chia sẻ là nhờ sự đoàn kết như thế mà Stalin sẽ nới tay và cho nhân dân nhiều quyền tự do hơn đã không trở thành sự thật. Trong những năm cuối đời, ông ta cũng không hề nới lỏng quyền kiểm soát trong bất cứ lĩnh vực nào. 
_________________
Cái chết của Stalin đặt những người kế vị ông ta vào hoàn cảnh khó khăn. Họ nhận thức được rằng dứt khoát phải đoạn tuyệt với nhà độc tài điên rồ và chính sách tự sát của ông ta, nhưng đồng thời họ lại cần bảo vệ cái hệ thống mà ông ta đã lãnh đạo trong gần ba mươi năm qua vì nó đã tạo cho họ đặc quyền đặc lợi. Họ giải quyết vấn đề bằng cách gắn chủ nghĩa cộng sản với tên tuổi của Lenin. Năm 1956, trong một Báo cáo mật đọc tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, đại hội đầu tiên sau khi Stalin chết, Nikita Khrushchev, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã tố cáo một số tội ác của Stalin đối với tầng lớp nomenclatura cộng sản. Stalin lập tức trở thành kẻ vô danh: Xác ông ta, vốn nằm bên cạnh Lenin, bị đưa ra khỏi lăng, Stalingrad được đổi tên thành Volgograd, các bức ảnh, các bức tượng của ông ta nhanh chóng biến mất, các thành phố mang tên ông ta cũng được thay tên ngay lập tức. Tất cả đều chứng tỏ rằng ba mươi năm cầm quyền của Stalin là một sai lầm khủng khiếp, mặc dù chẳng có ai làm cái việc giải thích “sai lầm” ấy. Vì rằng chỉ có hai cách giải thích, mà cả hai đều không được chế độ chấp nhận: hoặc lý thuyết duy vật của Marx sai, lịch sử cuối cùng vẫn là do chính trị và các chính khách quyết định, hoặc là Liên Xô không phải là nhà nước được xây dựng theo những nguyên lý của chủ nghĩa Marx. 
Chiến dịch chống Stalin là một bước đi dũng cảm và có thể là cần thiết, nhưng nó cũng làm cho cái chế độ từng thực hiện những vụ giết người hàng loạt mất tính chính danh: việc tố cáo của Khrushchev đã đặt cơ sở cho quá trình, tuy chậm chạp nhưng liên tục, loại bỏ dần những lời biện hộ cho chủ nghĩa cộng sản. 
Để tạo ra đối trọng với quá trình phi Stalin hoá và thổi vào chế độ luồng sinh khí mới, Khrushchev bắt đầu tiến hành việc thần thánh hoá Lenin, quá trình này vẫn còn sống ngay cả sau khi Liên Xô đã tan rã. Năm 1999, khi được đề nghị nêu tên mười người vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới, người Nga đã đặt Peter I vào vị trí đầu tiên, Lenin ở vị trí thứ ba, sau Pushkin. (Mặc cho những cố gắng của Khrushchev, Stalin vẫn giữ vị trí thứ tư.) 
Thoát được sự khủng bố của Stalin, nomenclatura lập tức tìm cho mình các nguồn lợi vật chất mà nó cho là xứng đáng với địa vị và trách nhiệm nặng nề của mình. Nó cũng nhanh chóng thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. 
Khrushchev phần nào nới lỏng chế độ của nhà độc tài quá cố, nhưng vẫn không thay đổi các thiết chế hay các đạo luật nền tảng của nó: chế độ lãnh đạo độc đảng vẫn còn, bộ máy công an mật và kiểm duyệt vẫn hiện diện khắp nơi. Hàng triệu tù nhân được tha. Nhiều nạn nhân của các vụ đàn áp được phục hồi, số phận của họ dĩ nhiên là không thể thay đổi được, nhưng thân nhân của họ thì rõ ràng là dễ chịu hơn. Những mối liên hệ hạn chế với nước ngoài lại được chấp nhận. Số người nước ngoài được vào Liên Xô cũng như số người Liên Xô ra nước ngoài cũng gia tăng. Việc ngăn chặn sóng phát thanh của các đài nước ngoài vẫn còn tiếp tục, tuy không còn kĩ càng như trước, người Liên Xô đã có điều kiện nhận được các thông tin thực tế hơn về đời sống ở trong cũng như ngoài nước. 
Kết quả là người ta đã nhận ra vấn đề. Trong những năm 1970, Mikhail Gorbachev, lúc đó đã giữ các chức vụ cao trong bộ máy quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có dịp thăm Italy, Pháp, Bỉ và Tây Đức. Ông ta vô cùng kinh ngạc, không chỉ vì mức sống rất cao của người dân phương Tây, mà chủ yếu là vì nền văn hoá của xã hội công dân của những nước đó. Đây là điều đã làm lay chuyển “niềm tin vào tính ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trước hệ thống tư bản”: “Chúng tôi kinh ngạc vì sợ cởi mở và thanh thản của những người mà chúng tôi gặp”, ông ta viết trong hồi kí như thế, “chúng tôi ngạc nhiên khi thấy họ thảo luận một cách tự do về tất cả mọi vấn đề, kể cả hoạt động của chính phủ, lẫn các chính khách tầm khu vực cũng như quốc gia”. Chuyến thăm Mỹ, năm 1989, cũng gây ấn tượng tương tự như thế đối với Boris Yeltsin, đối thủ tương lai của Gorbachev và Tổng thống dân cử đầu tiên của nước Nga độc lập. Chuyến thăm là “một loạt những sự đổ vỡ” các quan niệm cổ lỗ, sáo mòn. Khi thăm siêu thị ở Houston ông ta đã phải thốt lên: “Chúng còn lừa đồng bào tôi đến bao giờ nữa!”. Người đồng hành với Yeltsin nghĩ rằng những điều mắt thấy tai nghe đã đập tan niềm tin cộng sản còn sót lại của ông ta. Stalin đã nói đúng: Hệ thống này chỉ có thể tồn tại trong điều kiện cách ly hoàn toàn dân chúng, kể cả các cán bộ cấp cao, với phần còn lại của thế giới. 
Trong lĩnh vực đối ngoại, những người kế nhiệm Stalin đã đánh giá lại và vứt bỏ chiến lược đối đầu, họ kết luận rằng, dù sao thì chủ nghĩa tư bản cũng không đứng bên bờ vực phá sản: Bộ Chính trị đã chấp nhận luận điểm mà E. Bernstein đưa ra cách đó 60 năm. Luận điểm này nói rằng chủ nghĩa xã hội thành công không phải bằng con đường cách mạng, không phải bằng chiến tranh mà bằng các biện pháp hoà bình. “Cùng tồn tại hoà bình” trở thành khẩu hiệu của giai đoạn đó. Các đảng cộng sản nước ngoài nhận được chỉ thị phải liên kết không chỉ với giai cấp tư sản dân tộc của Thế giới Thứ ba, mà còn phải liên kết với cả các đảng xã hội chủ nghĩa mà Lenin từng coi là kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa cộng sản. 
Đồng thời, chế độ hậu Stalin tập trung giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược: tăng cường lực lượng vũ trang và thâm nhập vào Thế giới Thứ ba. 
Mặc dù vẫn có một đội quân hùng hậu, ban lãnh đạo mới kết luận rằng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến tranh tương lai. Họ buộc phải đi đến kết luận như thế, một phần là do nhu cầu cắt giảm ngân sách quân sự mà phần lớn là chi tiêu cho các lực lượng vũ trang thông thường. Người ta cũng đã thiết lập được cơ sở lý luận cho quan điểm này. Trong khi phương Tây cho rằng vũ khí nguyên tử chỉ nhằm mục đích duy nhất là ngăn chặn thì Moskva lại dành tất cả nỗ lực cho việc chế tạo các loại tên lửa xuyên lục địa. Việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào năm 1957 chứng tỏ sự tiến bộ của Liên Xô trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ và là mối đe doạ đối với lãnh thổ Mỹ. Trong suốt ba mươi năm sau, chính phủ Liên Xô đã chi cho ngân sách quốc phòng một số tiền khổng lồ, theo các tính toán gần đây thì ngân sách quốc phòng chiếm khoảng 25 đến 30 mà cũng có thể đến 40% thu nhập quốc dân. Sức mạnh quân sự, đặc biệt là vũ khí hạt nhân và các chương trình vũ trụ đã đưa Liên Xô lên vị trí “siêu cường”. Nhưng đấy là vị trí giả tạo vì nó chỉ dựa trên khả năng đe doạ các nước khác bằng kho vũ khí hạt nhân của mình, việc sử dụng kho vũ khí đó có thể dẫn đến việc xoá sổ ngay chính Liên Xô; hơn nữa, chính sách đó đã làm cho nền kinh tế quốc gia kiệt quệ và đấy cũng là nguyên nhân đưa chế độ đến chỗ sụp đổ hoàn toàn.

Chính sách thâm nhập vào Thế giới Thứ ba có mục đích bao vây và tấn công các nước thuộc địa cũ, mà phương Tây vẫn có các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Nhưng đồng thời nó cũng góp phần nâng cao tinh thần của người dân: việc xuất hiện các chế độ cộng sản và thân cộng mà hạt nhân là Liên Xô lại tạo ra ảo tưởng mới rằng không ai có thể ngăn chặn được bước tiến của chủ nghĩa cộng sản. Hậu quả là mọi sự chống đối chế độ từ bên trong đều dường như là việc làm vô ích. Nhưng họ đã phải trả giá quá đắt vì ủng hộ các nước thuộc Thế giới Thứ ba đòi hỏi phải chi một số tiền rất lớn dưới dạng viện trợ và cho vay mà chẳng thể có hy vọng được hoàn trả. Những khoản đầu tư này còn rất đáng ngờ, như chúng ta sẽ thấy sau đây: các đồng minh mua chuộc được bằng cách đó vốn là những kẻ rất không đáng tin. 
________________
Năm 1964 Khrushchev bị lật đổ: theo lời con trai ông ta thì những hoạt động không ngừng nghỉ của ông đã làm giới ăn trên ngồi trốc nắm quyền mệt mỏi, họ thích “ổn định và thanh bình” hơn. Leonid Brezhnev lên thay, ông ta nắm giữ chức Tổng Bí thư suốt mười tám năm, mặc dù, những năm cuối đời ai cũng thấy đấy là một người mắc bệnh lão suy: bộ máy tiếp tục hoạt động một cách trục trặc. 
Chế độ Xô Viết ngày càng suy đồi. Kinh tế trì trệ, khoảng cách với các nước công nghiệp ngày càng gia tăng. Nỗi sợ hãi bị trừng phạt biến mất, người công nhân không còn nhiệt tình lao động nữa; tinh thần lao động thể hiện rõ trong câu chuyện như tiếu lâm sau đây: “Người ta giả vờ trả lương cho chúng tôi, còn chúng tôi thì giả vờ làm việc cho họ”. Những người tích cực lao động bị bạn bè coi là bọn khiêu khích và bị đánh đập thậm tệ. Ủy ban kế hoạch nhà nước tiếp tục làm những việc mà họ vẫn thường làm: tạo ra những sản phẩm quen thuộc, bỏ qua một bên các tiến bộ công nghệ, trong đó có nhựa, sợi tổng hợp và nhất là máy tính. Việc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ thông tin đã dẫn đến hậu quả là Liên Xô đã đứng bên ngoài quá trình phát triển công nghệ thông tin, mà chính công nghệ này đã tạo ra một cuộc cách mạng mới trong các nền kinh tế phương Tây. Mặc dù đời sống của các công dân bình thường đã được nâng lên so với thời Stalin, nhưng vẫn thấp hơn mức tối thiểu do chính phủ quy định: cuối những năm 1980 gần một nửa dân chúng Liên Xô có thu nhập dưới mười USD một tháng. Nghiện rượu trở thành hiên tượng phổ biến: lượng rượu tiêu thụ trên đầu người cũng như số người chết vì rượu ở Liên Xô cao nhất thế giới. Tỉ lệ giữa sinh suất và tử suất ở Nga (và cả ở Ukraine) ngày càng giảm đi, đây là chỉ số rõ ràng nhất về sự suy giảm sức sống của nhân dân ở đất nước mà dưới thời Sa hoàng từng tự hào là nước có tỉ lệ tăng dân số cao nhất châu Âu. 
Tham nhũng lan tràn khắp nơi: phải đút lót cho những người làm nhiệm vụ phân phối thì mới mong nhận được hàng hoá hay dịch vụ. Muốn leo lên cao thì phải có nhiều tiền. Các số liệu hiện có về nước Cộng hoà Azerbaijan cho thấy ở đây mọi chức vụ, kể cả chức vụ Đảng, đều có giá xác định, cao nhất là các chức vụ dễ dàng nhận hối lộ và ăn cắp tài sản xã hội. Người Nga đã quen với tệ hối lộ đến nỗi họ sẵn sàng đút lót ngay cả khi không thực sự tin vào hiệu quả của món tiền họ đưa. Ví dụ:
Người ta kể rằng, một thời tại một cái chợ nọ ở Moskva có một lão già tàn tật ngồi bán đủ thứ tạp nham. Chỉ cần trả một ít tiền là ông ta sẵn sàng nhận sắp xếp cho một chỗ trong trường đại học. Với khả năng mở tất cả cánh cửa các trường đại học một cách thần kì như thế dĩ nhiên là lão già này có thu nhập rất cao, đấy là tiền mà các phụ huynh giầu có sẵn sàng chi cho những cậu ấm, cô chiêu của mình. Lão già là người tuân thủ tuyệt đối đạo đức kinh doanh và luôn nói rằng ông ta không phải là người toàn năng, ông ta sẽ làm tất cả mọi việc trong khả năng của mình nhưng không phải lúc nào cũng thành công và còn hứa sẽ hoàn lại tiền nếu con cái khách hàng không vào được đại học. Trên thực tế các phụ huynh bao giờ cũng được nhận lại tiền nếu ông ta thất bại. Nhưng thành công cũng nhiều và lượng khách hàng sẵn sàng trả tiền ngày một tăng thêm. 
Ông ta đã làm gì? Chẳng làm gì hết! Ông ta chẳng tìm ai, cũng chẳng nói chuyện với ai, ông ta không có mối liên hệ với bất kì khoa nào hay ban giám hiệu nào. Nhưng ông ta đã tính đúng rằng, thứ nhất, những ông bố bà mẹ mong cho con được ngồi vào ghế giảng đường đại học chắc chắn không nhờ vả có một mình ông ta, họ sẽ tìm những kênh khác nữa, cao hơn. Chỉ cần một trong những đòn bẩy ấy hoạt động là thành công rồi, cụ thể cái nào thì ông ta không cần biết. Thứ hai, có khả năng là chàng trai hay cô gái kia do áp lực của cha mẹ mà chăm học, chuẩn bị kĩ cho kì thi và vượt qua được trở ngại. Còn nếu vạn nhất mà thất bại thì trả tiền lại cho khổ chủ là xong[46]
Ăn cắp tài sản nhà nước đã không còn là việc phải áy náy lương tâm nữa. Một câu nói đùa đã trở thành thông dụng: “Nếu không ăn cắp của nhà nước thì anh phải ăn cắp của gia đình mình đấy”. Cách suy nghĩ như thế đã đưa cả nước đến tình trạng tha hoá. 
Sự suy nhược như thế đã tạo điều kiện cho những người dũng cảm thách thức chế độ, đấy chính là hiện tượng Bất đồng chính kiến. Những người bất đồng chính kiến dĩ nhiên là bị đàn áp như các thế hệ trước đây từng bị, nhưng người đứng đầu ngành an ninh dưới thời Brezhnev là Iurii Andropov còn phát minh ra một biện pháp mới là cho vào nhà thương điên, ở đây những người bất đồng chính kiến không chỉ bị tra tấn mà còn bị tiêm các loại thuốc để làm cho thành người điên thực sự. Người ta đã tính được rằng, cuối những năm 1980, KGB có tổng cộng 480.000 nhân viên, trong đó khoảng 250.000 người và hàng chục triệu chỉ điểm viên chuyên làm công tác phản gián và theo dõi chính công dân nước mình[47]. Nhưng phong trào chống đối tiếp tục phát triển và mặc dù không đông, họ vẫn tiếp tục làm cho nhà nước ngày càng mất uy tín thêm. 
Những hiện tượng tương tự như thế cũng diễn ra trong các nước Đông Âu. Năm 1956, khi người Hungary đứng lên khởi nghĩa để đòi độc lập, Moskva đã mang quân đàn áp. Họ cũng làm như thế khi những người cộng sản Tiệp Khắc định thực hiện quá trình dân chủ hoá chủ nghĩa xã hội. Nhưng, trong những năm 1970, khi ở Ba Lan hình thành phong trào Đoàn kết, một phong trào thách thức ngay sự tồn tại của chế độ cộng sản thì Moskva đã không còn can thiệp nữa. Lo sợ rằng Đoàn kết sẽ có ảnh hưởng đối với công nhân Liên Xô, Moskva yêu cầu cộng sản Ba Lan phải tự dẹp bỏ phong trào này. Sau nhiều lần trì hoãn, tháng 12 năm 1981, chính phủ Ba Lan hạ lệnh thiết quân luật và bắt giam hầu hết các lãnh tụ của phong trào. 
Giữa những năm 1980, Liên Xô phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng, khủng hoảng thật sự chứ không phải cố tình dựng lên để biện hộ cho chế độ chuyên chế. Nó là hậu quả của một căn bệnh tương tự như bệnh teo cơ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là lần đầu tiên chế độ cộng sản vấp phải vấn đề mà họ không thể giải quyết được bằng bạo lực. Cần phải có những cải cách sâu rộng, nói cách khác: họ buộc phải lùi. 
Việc giải quyết cứ bị trì hoãn vì các Tổng Bí thư được bầu là những kẻ già nua, ốm yếu, không dám làm con thuyền chòng chành thêm. Nhưng đến năm 1985 thì không thể nào trì hoãn thêm được nữa. Khối cộng sản đã rơi vào, theo định nghĩa của Lenin, “hoàn cảnh cách mạng”: Chính phủ các nước trong khối không thể cai trị như cũ được nữa, mà nhân dân cũng không chấp nhận cách cai trị như thế nữa. Bế tắc. Để thoát khỏi mối nguy hiểm đó, năm 1985 Bộ Chính trị đã bầu một người còn tương đối trẻ là Mikhail Gorbachev lên làm Tổng bí thư. Ông ta có nhiệm vụ phục hồi hệ thống nhưng không được động tới nền tảng của nó. Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì tất cả các cố gắng cải cách đều vấp phải sự chống đối của tầng lớp nomenclatura đã ăn sâu, bến rễ bên trong. Đến năm 1988, Gorbachev và các cộng sự của ông mới nhận ra rằng cộng sản là chế độ không thể cải cách được và họ bắt đầu tiến hành việc cải tạo Liên Xô thành nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ. 
Đầu tiên là công khai (glasnost), nghĩa là chấm dứt việc coi tất cả mọi thứ đều là bí mật quốc gia và nới lỏng kiểm duyệt. Chính quyền đứng trước nan đề: tiếp tục bịt miệng dư luận xã hội và như thế là bóp cổ đất nước một cách từ từ hay để cho người ta được quyền tự do phát biểu ý kiến, việc này có thể dẫn đến những vụ bùng nổ đầy tính chất phá hoại. Gorbachev lựa chọn biện pháp bùng nổ có kiểm soát, ông ta hy vọng thế. Nhưng hoá ra đây lại là bước đi cực kì nguy hiểm. Andropov, người kế nhiệm Brezhnev và trước đó đã lãnh đạo KGB trong nhiều năm, từng cảnh báo rằng việc nới lỏng kiểm soát dư luận xã hội có thể đưa toàn bộ xã hội đến chỗ diệt vong: 
Ở nước ta có rất nhiều nhóm (dân chúng) bị áp bức… Nếu chúng ta mở ngay tất cả các van chặn và dân chúng bắt đầu nói về những nỗi khổ đau của mình thì sẽ có một cuộc đại hồng thuỷ mà ta không thể nào ngăn chặn nổi[48].
Khổ đau tích tụ trong nhiều năm quả nhiên đã bùng lên, nhấn chìm mọi huyền thoại của bộ máy tuyên truyền chính thức và cả cái xã hội siêu thực vẫn sống bám vào các huyền thoại đó.

Gorbachev không chỉ dừng lại ở glasnost, ông ta còn cho triệu tập Đại hội Đại biểu Nhân dân, trong đó có một số đại biểu được bầu trực tiếp và bằng cách đó đã chấm dứt sự độc quyền của Đảng Cộng sản. Kể từ năm 1917, đây là lần đầu tiên người ta có quyền bầu những người lãnh đạo. Nhiều người không phải đảng viên, thậm chí chống cộng đã được bầu, trong đó có Boris Yeltsin, một người cộng sản phi chính thống lúc đó đang giữ chức bí thư đảng uỷ thành phố Moskva, người đã giành được tín nhiệm thông qua cuộc đấu tranh chống đặc quyền đặc lợi của tầng lớp nomenclatura. Sau đó, các sự kiện diễn ra nhanh đến chóng mặt. Năm 1989, Bức tường Berlin, biểu tượng của sự chia rẽ tưởng như không bao giờ vượt qua được giữa Đông và Tây, sụp đổ vì Moskva từ chối đưa quân giúp đỡ chính phủ Đông Đức. Các nước chư hầu lần lượt tuyên bố độc lập với Moskva. Mọi cố gắng nhằm giữ các nước cộng hoà trong liên bang cũng đều trở thành vô ích. Tháng 12 năm 1991, sau cuộc nổi loạn bất thành của những người cộng sản cứng rắn nhằm ngăn chặn sự tan rã Liên Xô, Yeltsin, trước đó được bầu làm Tổng thống Nga, tuyên bố Nga là nước cộng hoà độc lập. Việc tan rã Liên Xô trở thành sự kiện đã rồi. Một trong những nghị định đầu tiên của Yeltsin là đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Chính phủ mới cho áp dụng chế độ dân chủ và thị trường tự do. Tầng lớp nomenclatura, tức là những kẻ có thể đảo ngược được tiến trình lịch sử, đã bị mua chuộc bằng cách tạo cho họ điều kiện chiếm đoạt phần lớn số tài sản nhà nước mà họ quản lý.

Các sự kiện diễn ra với tốc độ chóng mặt như thế chứng tỏ sự yếu kém của cái đế chế mà có thời đã tưởng là không thể nào suy suyển được, sự tan rã của nó làm người ta nhớ lại sự cáo chung của vương quốc trước đó ba phần tư thế kỷ. Trong cả hai trường hợp, sự cứng rắn của chế độ và không có những mối liên kết chặt chẽ với quần chúng đã đưa các chế độ đó vào hoàn cảnh tứ cố vô thân trong những giờ phút nguy nan. 
Chủ nghĩa cộng sản ở Nga là một thể chế đã lỗi thời. Nó đòi hỏi người ta quá nhiều trong khi lại cho người ta quá ít, trong khi chỉ cho quần chúng những niềm vui nho nhỏ thì nó lại tước đi của người ta tất cả mọi hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Đến khoảng những năm 1980, ngay cả tầng lớp ăn trên ngồi trốc Xô Viết cũng đã không còn tin vào lý tưởng cộng sản nữa, họ đã nhận ra rằng phần còn lại của thế giới xung quanh đã vượt qua họ về mọi phương diện, trừ chi phí quốc phòng và nhu cầu về rượu. Mất niềm tin, tầng lớp chóp bu đã phản ứng một cách yếu ớt và trong khi giang tay thu vén cho mình phần lớn tài sản quốc gia, họ bình thản chấp nhận sự sụp đổ của chế độ. 




IV.             Chủ nghĩa cộng sản ở phương Tây

Phương Tây không quan tâm nhiều đến cuộc Cách mạng tháng Ba ở Nga: Neue Zürcher Zeitung, tờ báo hàng đầu ở Thuỵ Sĩ, Lenin biết tin về các vụ lộn xộn ở trong nước qua tờ báo này, chỉ đưa thông tin về sự kiện nói trên trên cột thứ hai, như một tin không mấy quan trọng. Châu Âu lúc đó đang trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu, chẳng có thì giờ để ý đến các sự kiện ở nước Nga xa xôi; sau những thất bại trong năm 1915, Nga đã không còn được coi là một bên tham chiến nữa. Các phản ứng yếu ớt sau đó có thể được coi là khích lệ vì người ta hy vọng rằng chính phủ lâm thời, được dân chúng ủng hộ trong giai đoạn đầu, sẽ khởi động lại các hoạt động quân sự. Mỹ, quốc gia luôn luôn chào đón các thành viên mới trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, là nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ mới. 

Thái độ ủng hộ đối với cách mạng ở Nga không hề thay đổi ngay cả sau khi chính phủ lâm thời đã bị những người Bolshevik lật đổ. Biết rõ những liên hệ của Lenin với đế chế Đức, các nước đồng minh tỏ vẻ lo ngại khi phải liên hệ với ông ta và chế độ của ông ta, nhưng các nước này quan tâm đến việc mở lại mặt trận phía Đông đến nỗi họ sẵn sàng nịnh bợ bất kì chính phủ Nga nào, kể cả chính phủ Bolshevik. Thái độ ve vãn như thế chỉ chấm dứt vào tháng 3 năm 1918, sau khi Nga kí với Đức hiệp định hoà bình ở Brest-Litovsk, đưa Nga ra khỏi cuộc chiến. Các nước đồng minh bắt đầu giúp đỡ quân đội Bạch vệ, lực lượng vũ trang được thành lập ở miền Nam Nga và Siberia với mục tiêu là lật đổ chế độ Bolshevik thân Đức và tái lập các hoạt động quân sự chống lại các nước thuộc Phe Trục. Sự giúp đỡ chủ yếu là về vật chất. Được Lenin đồng ý, đồng minh đã gửi một số đơn vị đến thành phố Murmansk và Arkhangelsk để những thành phố này không rơi vào tay Đức. Quân Mỹ đổ bộ xuống vùng Đông Siberia để ngăn chặn sự chiếm đóng khu vực rộng lớn này của quân Nhật. Trừ một số vụ đụng độ lẻ tẻ, cả quân Anh lẫn quân Mỹ đều không tham gia vào các hành động quân sự giữa Hồng quân và Bạch vệ. Huyền thoại về sự can thiệp sâu rộng của các nước tư bản vào cuộc nội chiến là do Stalin bịa ra, như một phần của chiến dịch tuyên truyền chống lại phương Tây. 

Thế chiến I kết thúc tháng 11 năm 1918, các nước đồng minh không còn lý do can thiệp vào công việc của Nga nữa. Nếu người Anh còn tiếp tục giúp đỡ Bạch vệ thì đấy chủ yếu là do yêu cầu của Winston Churchill, lúc đó là Tư lệnh Hải quân, ông là một trong số ít người nhận thức được mối nguy hiểm mà chủ nghĩa cộng sản sẽ gây ra cho thế giới; trong những năm 1930 ông cũng nhận thức chính xác như thế đối với những hiểm nguy mà Quốc xã sẽ gây ra trong tương lai. Ông đã có ý tưởng làm một cuộc thập tự chinh quốc tế nhằm loại những người cộng sản ra khỏi quyền lực. Nhưng châu Âu vừa bị tan tác vì chiến tranh, ý tưởng này đã bị bỏ qua. Thủ tướng Anh, David Lloyd-George, một người theo trường phái tự do đang cần sự giúp đỡ của những người bảo thủ đã vào hùa với Churchill, nhưng chính ông ta lại sẵn sàng đàm phán với Lenin, người mà ông ta cho là ít có khả năng đe đoạ các quyền lợi của Anh hơn là sự phục hồi chế độ Sa hoàng. Cuối năm 1919, khi Bạch vệ đã sắp thất bại thì Lloyd-George cũng hạ lệnh chấm dứt mọi sự trợ giúp đối với lực lượng này. Churchill buộc phải chấp nhận, nhưng ông đã cảnh báo về mối nguy hiểm của liên minh giữa Đức với nước Nga Xô Viết và Nhật Bản như sau: 

Chúng ta có thể bỏ mặc nước Nga, nhưng Đức và Nhật sẽ không làm như thế. Các chính phủ mới mà chúng ta hy vọng sẽ xuất hiện ở Đông Âu sẽ bị đè bẹp khi họ nằm lọt giữa chế độ Bolshevik ở Nga và nước Đức… Sau năm năm nữa, thậm chí còn sớm hơn, sẽ thấy rõ là chúng ta đã bị tước hết các thành quả của chiến thắng.

Năm 1921, nước Anh, một nước vẫn có ý kiến quyết định trong các vấn đề thương mại quốc tế, bắt đầu đàm phán với Nga và chẳng bao lâu sau đã quyết định công nhận nước này về mặt ngoại giao. Phần còn lại của châu Âu lập tức theo gương Anh. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất không chịu công nhận cái chính phủ coi mục đích của mình là tiêu diệt hệ thống các quốc gia trên thế giới; mãi đến năm 1933 Hoa Kỳ mới chính thức công nhận Liên Xô.

Chính phủ Liên Xô xây dựng quan hệ quốc tế của mình trên hai bình diện hoàn toàn khác nhau: ngoại giao và hoạt động phá hoại. Trong những năm 1920 các “đại diện chính trị” của Liên Xô đã thu hồi tất cả các sứ quán của chính phủ Sa hoàng tại thủ đô của các nước “tư bản”, ở đây họ cũng làm việc với một thái độ đúng đắn như các nhà ngoại giao của bất kì nước nào khác. Nhưng hoạt động chính của họ lại được che giấu kĩ: trong tất cả các sứ quán đều có gián điệp của Quốc tế Cộng sản với nhiệm vụ lật đổ các chính phủ mà Liên Xô đặt đại sứ quán. Nhưng khi một nước nào đó phản đối thì bao giờ Moskva cũng điềm tĩnh tuyên bố rằng đảng cộng sản và Quốc tế là các tổ chức riêng, họ không chịu trách nhiệm về hoạt động của các tổ chức này. 

Nếu các nước đồng minh ủng hộ các phong trào chống cộng ở Nga một cách miễn cưỡng và đầy ngờ vực thì Moskva lại giúp đỡ các lực lượng bài dân chủ ở phương Tây với tất cả các phương tiện mà họ có. 

Quốc tế III hay là Comintern, Trotsky gọi là “Tổng hành dinh của cách mạng thế giới”, được thành lập ở Moskva tháng 3 năm 1919, nhưng chỉ chính thức hình thành vào mùa hè năm 1920, nghĩa là sau khi khi nội chiến kết thúc và cộng sản có điều kiện quan tâm đến các vấn đề quốc tế. Tinh thần của họ lúc đó rất cao: trên đường tiến đến Warsaw, Hồng quân gần như không gặp bất kì sự kháng cụ nào, có cảm giác như họ sẽ thẳng tiến tới Đức và Anh, những nước mà theo lời Lenin là điều kiện cách mạng đã chín muồi. Nghị quyết hội nghị II Quốc tế Cộng sản (1920) bắt đầu bằng lời khẳng định rằng “giai cấp vô sản đứng trước trận chiến đấu quyết định. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của những cuộc nội chiến. Giờ quyết định đã điểm”[49]. Trong bức điện mật gửi Stalin, lúc đó đang ở mặt trận Ba Lan, Lenin viết: 

Tình hình ở Quốc tế là rất tốt. Zinoviev, Bukharin và tôi cho rằng cần phải ủng hộ ngay cuộc cách mạng ở Italy. Ý kiến cá nhân của tôi là phải thành lập chính quyền Xô Viết ở Hung, mà có thể cả ở Tiệp và Rumania nữa. Cần phải suy nghĩ kĩ. Hãy thông báo cho biết kết luận cụ thể của đồng chí. Các đồng chí cộng sản Đức cho rằng để chống lại chúng ta, Đức có thể động viên một đội quân lên đến ba trăm ngàn vô sản lưu manh*[50] 

* Vô sản lưu manh, theo ngôn ngữ của những người xã hội chủ nghĩa, là những người lao động sẵn sàng bán mình cho “bọn tư sản”.
  
Câu cuối cùng chứng tỏ rằng Moskva dự định sau khi chiếm Ba Lan thì sẽ đưa quân sang Đức để giúp những người cộng sản Đức giành chính quyền. 

Các sự kiện sau đó chứng tỏ rằng Lenin đã đánh giá sai tình hình châu Âu. Kinh nghiệm tháng 10 và tháng 11 năm 1917, khi Lenin phải thuyết phục những người giao động và thực hiện đảo chính, đã cho ông bài học rằng thận trọng cũng đồng nghĩa với hèn nhát; bây giờ uy tín của ông đã cao đến mức có thể lôi kéo được cả những người có thái độ hoài nghi nhất. 

Các nhà cách mạng nhiều nước châu Âu và cả các châu lục khác đã tham dự hội nghị Quốc tế Cộng sản năm 1920, họ sẵn sàng đoạn tuyệt với những người xã hội chủ nghĩa ôn hoà và chấp nhận sự lãnh đạo của những người Bolshevik Nga, những người Marxist duy nhất thiết lập được nhà nước xã hội chủ nghĩa. Lenin không hề che giấu việc Comintern chỉ là một chi nhánh của Đảng Cộng sản Nga, được tổ chức theo hình mẫu và thực hiện các chỉ thị của đảng này. Hội nghị năm 1920 yêu cầu các đại biểu của nó phải buộc các đảng viên “tuân thủ kỉ luật sắt của nhà binh” và thể hiện “niềm tin tuyệt đối” vào trung ương, nghĩa là phải tin tưởng tuyệt đối vào Moskva. Nhiệm vụ trước mắt của họ là thâm nhập vào các tổ chức quần chúng ở nước mình và nắm lấy quyền lãnh đạo các tổ chức ấy. Để làm như thế với các tổ chức công đoàn, những người cộng sản, theo lời Lenin, “trong trường hợp cần thiết phải thực hiện các mánh khoé, khôn khéo, các thủ đoạn phi pháp, giữ im lặng, che giấu sự thật”[51]. Mục đích cuối cùng của các đảng thành viên là giúp đỡ Comintern tiến hành “khởi nghĩa vũ trang” chống lại các chính phủ tư sản hiện hữu và thay chúng bằng các chính phủ cộng sản. Kết quả cuối cùng sẽ là thành lập nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết toàn cầu. 

Hội nghị đã thông qua một danh mục gồm hai mươi mốt điều kiện để được kết nạp vào Comintern. Sau đây là những điều kiện quan trọng nhất: 

2. Bất cứ tổ chức nào muốn được là thành viên Comintern đều phải… khai trừ những người theo “phái cải cách và những người ôn hòa”; 
3. Các đảng viên cộng sản có trách nhiệm thành lập ở từng nước châu Âu và châu Mỹ “bộ máy bí mật song hành”, để trong thời khắc quyết định thì nổi lên và tiến hành cách mạng; 
14. Bất cứ đảng nào muốn được là thành viên của Quốc tế Cộng sản đều phải giúp đỡ một cách vô điều kiện các nước cộng hoà Xô Viết trong cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng phản cách mạng; 
21. Các đảng viên từ chối trách nhiệm và các luận điểm do Quốc tế Cộng sản đặt ra đều phải bị khai trừ khỏi đảng”[52]. 

Vì tất cả những gì Moskva không đồng ý đều bị coi là “phản cách mạng”, nên có thể coi điều 14 là nguyên tắc, theo đó, những người cộng sản tất cả các nước đều phải đặt quyền lợi và ước vọng của Liên Xô lên trên quyền lợi của chính đất nước họ. 

Được sự động viên nhiệt tình của Lenin, Comintern đã tiến hành hoạt động nhằm chia rẽ các phong trào xã hội chủ nghĩa trên lục địa châu Âu và thành lập các đảng cộng sản do nó bí mật tài trợ và lãnh đạo. Về lĩnh vực này, Comintern đã giành được thắng lợi. Nhưng nếu nói đến mục đích cuối cùng thì Comintern đã thất bại thảm hại. Thứ nhất, lời tuyên bố của nó, nòi rằng các nước tư bản đang đứng trước bờ vực của nội chiến tỏ ra là hoàn toàn sai, chiến tranh không xảy ra ở bất cứ nước phương Tây nào, những nguy cơ như thế, nếu có, đều được khắc phục một cách nhanh chóng. Thứ hai, tuy cộng sản đã có ảnh hưởng to lớn trong các tổ chức công đoàn, nhất là ở các nước Thiên chúa giáo (như Tây Ban Nha, Italy và Pháp) nhưng họ đã không thể giành được đa số ghế trong quốc hội. Kết quả, cộng sản trở thành lực lượng đối lập thường trực ở chính những nơi họ đã giành được ảnh hưởng lớn, mà đây lại là lực lượng đối lập bị cách ly với xã hội và vì vậy mà cũng không có sức mạnh. Vì các đảng này hoạt động theo các chỉ thị cứng nhắc từ Moskva và coi những người dân chủ xã hội là kẻ thù chính nên họ chẳng những đã làm suy yếu không chỉ phong trào xã hội chủ nghĩa mà còn làm suy yếu cả phong trào cộng sản, và bằng cách đó đã tạo điều kiện cho các lực lượng cánh hữu giành được quyền lực, cộng sản trở thành những nạn nhân đầu tiên của các chế độ đó. 

Rõ nhất là ở nước Đức. Nước này, cuối những năm 1920, có ba đảng không đội trời chung với nhau: Dân chủ Xã hội, Cộng sản và Quốc xã. Moskva luôn tỏ ra có thiện cảm với Quốc xã và coi những người Dân chủ Xã hội mà họ gọi là “phát xít xã hội” là kẻ thù chính của mình. Moskva cấm Đảng Cộng sản Đức hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 1932 Đảng Dân chủ Xã hội nhận được 7 triệu phiếu, Cộng sản được 6 triệu phiếu, tổng cộng hai đảng này hơn Quốc xã một triệu rưỡi phiếu. Họ chiếm được 221 ghế trong quốc hội, trong khi Quốc xã chỉ có 196 ghế. Nếu liên kết với nhau, hai đảng cánh tả này đã đánh bại Hitler và ông ta không thể nắm được ghế thủ tướng. Như vậy là, sự thoả thuận ngầm giữa Cộng sản và Quốc xã đã phá tan nền dân chủ ở Đức và đưa Hitler lên cầm quyền. 

_____________________

Trong những năm 1930, khi Liên Xô trải qua những thử thách nguy hiểm nhất tức là quá trình tập thể hoá và đại khủng bố thì hình ảnh của nó ở phương Tây lại được cải thiện, đấy là do hai sự kiện đã làm phương Tây suy yếu và mất niềm tin vào chính mình: suy thoái kinh tế và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã. Hiện tượng người lao động bị thất nghiệp hàng loạt làm tê liệt các nước dân chủ công nghiệp hoá, dường như đã khẳng định lời tiên đoán của Marx rằng, chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng sâu sắc và sẽ đưa nó đến chỗ diệt vong. Sự tương phải giữa nước Nga cộng sản với một chương trình xây dựng kinh tế hoành tráng, mọi người lao động đều có việc làm và phương Tây với nền công nghiệp đình đốn làm cho các quan sát viên có tư tưởng tự do tin rằng số phận của chủ nghĩa tư bản đã được quyết định. Chủ nghĩa cộng sản cũng giành được cảm tình ở nước ngoài vì nó ủng hộ các chính sách như quyền thành lập công đoàn của công nhân và yêu cầu bình đẳng của các dân tộc thiểu số (thí dụ người da đen ở Mỹ), là những yêu cầu bị cấm đoán hoặc đàn áp nặng nề ở chính Liên Xô. Việc Liên Xô ủng hộ những người chống phát xít trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha cũng có hiệu quả tương tự. 

Dĩ nhiên là đa số các đảng viên cộng sản châu Âu và những người có cảm tình với họ có biết những mặt tiêu cực của chế độ cộng sản, nhưng họ lại tìm cách biện hộ cho nó bằng đủ những cách khác nhau: hoàn cảnh bên ngoài, tàn dư của chế độ Sa hoàng, sự thù địch của “chủ nghĩa tư bản” phương Tây hoặc coi đấy là những hiệu ứng phụ không thể tránh được của những nỗ lực chưa từng có nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn mới trong lịch sử. Nhà văn Arthur Koestler, gia nhập Đảng Cộng sản Đức năm 1932 và đã sống một năm ở Liên Xô (đoạn tuyệt với cộng sản vào năm 1938) giải thích vì sao các đảng viên và những người có cảm tình với họ lại có thể nhắm mắt trước nạn khủng bố và nạn đói mà chế độ Xôviết đã cố tình tạo ra với chính nhân dân nước mình như sau: 

Tôi đã học được cách đánh giá tất cả mọi việc. Tôi coi tất cả những gì gây sốc đều là ‘tàn dư của quá khứ’, còn tất cả những gì tôi thích đều là ‘mầm mống của tương lai’. Khi đã đưa vào trong óc não bộ máy phân loại như thế thì một người châu Âu, vào năm 1932, có thể sống ở Liên Xô và vẫn tiếp tục là người cộng sản được[53]. 

Koestler so sánh việc vào Đảng với việc cải đạo như sau: 

Nói rằng anh “đã nhìn thấy ánh sáng” thì vẫn chưa mô tả đầy đủ cái sự kinh ngạc của tâm hồn mà chỉ những kẻ cải đạo mới hình dung nổi mà thôi… Dường như có một luồng ánh sáng mới tuôn trào từ tất cả các hướng và thâm nhập vào đầu óc, toàn bộ thế giới quan đã có một hình hài cố định, như khi đang giải một bài toán khó, ta bỗng thấy tất cả các phần rời rạc bỗng liên kết liền lạc với nhau một cách thật tài tình. Bây giờ mọi câu hỏi đều có đáp án, tất cả những mối ngờ vực và xung đột đều được bỏ lại phía sau… Bây giờ không có gì có thể làm rối trí thế giới nội tâm và sự bình thản của kẻ vừa cải đạo - ngoại trừ nỗi sợ hãi thỉnh thoảng lại xuất hiện là hắn có thể đánh mất niềm tin và như thế cũng có nghĩa là đánh mất mục đích của cuộc đời và lại rơi vào đêm đen vây bọc xung quanh[54]. 

Ở Bắc Âu và Hoa Kỳ, nơi chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa cộng sản gần như không có cảm tình viên, Moskva lại tìm được những người ủng hộ trong những người theo chủ nghĩa tự do và “những người bạn đường”, phần lớn là những người trí thức, chia sẻ mục tiêu nhưng không ra nhập đảng. Đây là những người có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng sản, vì, khác với các đảng viên, những người luôn bị nghi ngờ là phát ngôn theo mệnh lệnh, những người này chỉ nói lên chính kiến của mình. Lincoln Steffence là ví dụ về cách tư duy của những người bạn đường nói trên, năm 1919 ông này đã nói một câu nổi tiếng và thường được trích dẫn về nước Nga Xô Viết như sau: “Tôi đã nhìn thấy tương lai và nó đang hoạt động”. Hoá ra ông ta viết câu ấy trên đoàn tầu đi từ Thuỵ Điển đến Moskva, trước khi đặt chân đến đất Liên Xô. Sau này, khi đến Karlsbad, một khu nghỉ mát nổi tiếng của Tiệp, ông ta lại viết cho một người bạn như sau: “Tôi là người yêu nước Nga, tương lai ở đó. Nước Nga sẽ thắng và sẽ cứu thế giới. Tôi tin như thế. Nhưng sống ở đó thì tôi không thích”. 

Hai ông bà Sidney và Beatrice Webb, là những người xã hội chủ nghĩa đáng kính người Anh, khởi đầu sự nghiệp khoa học và chính trị với phong trào Fabian, có thể được coi là những “người bạn đường” đặc trưng. Ban đầu, hai ông bà Webb có thái độ thù địch đối với chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ đã hoàn toàn thay đổi quan điểm vào năm 1932. Họ đã đến thăm Liên Xô trong ba tuần lễ và được đón tiếp một cách cực kì trọng thị. Họ đã rất phấn chấn bởi những điều mắt thấy tai nghe, và theo lời họ thì họ đã “mê ngay nước Nga”. Năm 1935, sau khi nghiên cứu các tài liệu do người Nga cung cấp, họ đã cho xuất bản tác phẩm: Soviet Communism, a New Civilisation? (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết, một nền văn minh mới?) (lần xuất bản năm 1941 dấu chấm hỏi đã bị bỏ) gồm hai tập. Xử lý các tài liệu của Liên Xô như thể đang xử lý các tài liệu chính thức của Anh, thậm chí còn đề nghị sứ quán Liên Xô kiểm tra “những sai sót có thể” và bằng cách đó đã tạo ra một bản báo cáo chẳng ăn nhập gì với thực tế. Họ hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa tuyên truyền của các tài liệu được người ta cung cấp. Chỉ xin đơn cử: trên cơ sở các tài liệu của Liên Xô, họ phủ nhận việc Stalin là một nhà độc tài; hơn thế nữa, họ khẳng định rằng ông ta tôn trọng quyền lãnh đạo tập thể, theo họ thì quyền lực của Stalin còn ít hơn quyền lực của Tổng thống Mỹ hay Thủ tướng Anh. Họ phớt lờ khủng bố, nạn đói và kiểm duyệt hoặc coi đây là những hiện tượng cũng thường xảy ra trong các nước tư bản chủ nghĩa. Thế mà Bernard Shaw, một chiến hữu trong phong trào Fabian, lại lớn tiếng chúc mừng tác phẩm đồ sộ, dày đến 1.200 trang này và coi đây là “sự phân tích thực sự khoa học đầu tiên về nhà nước Liên Xô”. 

Năm 1942, Beatrice Webb cho xuất bản một tác phẩm ngắn hơn, nhan đề: The Truth About Soviet Rusia (Sự thật về nước Nga Xôviết), trong đó, dựa vào hiến pháp năm 1936, bà đã gọi Liên Xô là nhà nước “dung hợp nhất và bình đẳng nhất trên thế giới”. 

Hai ông bà Webb là những người rất thông minh lại quen làm việc một cách khoa học, không thể không nhận ra sự phiến diện trong các suy luận của mình về chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Vì sao họ không tạo được một bức tranh khách quan hơn? Có lẽ đấy là do nhu cầu tâm lý: họ đã có trước mắt một thế giới hoàn toàn mới trong khi nền văn minh phương Tây lại đang tiến gần đến sự sụp đổ. Để khắc hoạ cái thế giới mới đó, họ đã khởi động “bộ máy phân loại” mà Koestler nói tới bên trên, và cỗ máy này đã giúp họ loại bỏ tất cả các thông tin trái chiều. 

Dĩ nhiên là, không phải tất cả các trí thức phương Tây đều ngả theo xu hướng ấy. Điều thú vị là không phải các nhà khoa học, dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, mà là các nhà văn, nhà thơ và các nhà triết học đã nhìn rõ bức tranh phía sau cái mặt tiền loè loẹt đó của chủ nghĩa cộng sản. Không lệ thuộc vào các khái niệm trừu tượng mà các nhà khoa học vẫn dùng để giải thích hiện thực, các nhà văn, nhà thơ và triết gia đã nhìn thấy hiện thực như chính nó vốn là. 

Bertrand Russel, một triết gia lỗi lạc người Anh, cùng đoàn đại biểu Đảng Lao động Anh đến thăm Liên Xô vào năm 1920. Ông chờ đợi gặp gỡ với cuộc thí nghiệm Xô Viết với những tình cảm chân thành nhất: số phận của chủ nghĩa tư bản, theo quan niệm của ông, đã được định đoạt, trong khi “chủ nghĩa cộng sản lại cần cho thế giới… Chủ nghĩa Bolshevik xứng đáng được cả loài người tiến bộ bầy tỏ lòng biết ơn và cảm phục”. Đấy là những điều mà sau này ông đã viết trong cuốn: The Practice and Theory of Bolshevism (Lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa Bolshevik). Nhưng đấy là những tình cảm mà “lý thuyết” gợi lên trong ông. Còn “thực tiễn” mà đôi mắt tinh tường của ông đã nhìn ra được thì lại tạo ra đầy hoài nghi: ông cay đắng nhận ra chủ nghĩa cực đoan pha màu sắc tôn giáo, thái độ bất dung và tính chất giáo điều ở những người Bolshevik. Ông nghi ngờ khả năng xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở một nước nghèo khổ như nước Nga, nơi đa phần dân chúng có thái độ thù địch với chủ nghĩa cộng sản. 

André Gide, nhà văn Pháp, một người bạn đường điển hình khác, cũng nói đến “sự khâm phục” và “tình yêu” đối với Liên Xô. Đối với ông, Liên Xô còn “hơn là vùng đất hứa”; đây là một Không tưởng “đang trong quá trình chuyển hoá thành hiện thực”. Ông đến thăm Liên Xô vào mùa hè năm 1936, trùng thời điểm diễn ra “phiên toà” ô nhục xét xử Kameniev và Zinoviev. Sau khi về Pháp, ông cho xuất bản một cuốn sách mỏng, mang tên: Return from U.S.S.R. (Trở về từ Liên Xô). Trong tác phẩm rối rắm mà chẳng rút ra được một kết luận rõ ràng nào, với những lời ngợi ca và phê bình đối chọi nhau chan chát. Gide biện hộ cho quyền phê phán Liên Xô là “xuất phát từ sự thán phục của tôi”. Khi ở Liên Xô, ông viết, “tôi đã khóc vì mừng vui, trìu mến và yêu thương”. Nhưng dù sao… 

Gide công nhận rằng ông thấy buồn vì mùa hè ở Moskva tất cả mọi người đều mặc áo trắng và trông ai cũng như ai. Vừa ra khỏi khách sạn Metropol, nơi ông được bố trí ở một căn hộ sáu buồng, ông đã thấy rất buồn khi chứng kiến cảnh người dân xếp hàng trước khi cửa hàng mở cửa để mua những món hàng “kinh tởm”. Quần chúng thì ù lì, các văn nghệ sĩ thì thụ động, kém hiểu biết thế giới bên ngoài và suy đồi, đấy là những phát hiện làm ông vô cùng thất vọng. Sự xa hoa dành cho những người khách qúy như ông tương phản hoàn toàn với cảnh nghèo đói xung quanh cũng làm ông vô cùng bất mãn. 

Mặc dù Gide khẳng định tình yêu của mình đối với Liên Xô, ông đã ngay lập tức trở thành đối tượng của những lời phê phán đầy giận dữ; đầu tiên ông bị phê là “hời hợt”, “kết luận vội vàng”, sau này, khi được Moskva bật đèn xanh, người ta liền gọi ông là “Gudas”, là gián điệp phát xít. Ông đã phản ứng bằng cuốn sách nhan đề: Afterthoughts on the U.S.S.R.(Những suy nghĩ muộn màng về Liên Xô), trong đó, ông công khai phê phán những người cộng sản vì họ đã biến nước Nga thành: đất nước “phản bội lại tất cả những hy vọng của chúng ta”. 

Những người xã hội chủ nghĩa châu Âu, bị cộng sản phê phán một cách không thương tiếc và bị gọi là “xã hội-phát xít”, bất đắc dĩ lắm mới đáp trả, vì, sợ rằng làm thế chỉ có lợi cho lực lượng phản cách mạng. Quốc tế II, tồn tại lay lắt giữa hai cuộc thế chiến, không quan tâm đến những người Nga lưu vong khi họ kêu gọi phải kịch liệt lên án việc đàn áp các chiến hữu xã hội chủ nghĩa của họ ở Liên Xô. Hội nghị Quốc tế II họp năm 1923 tuyên bố rằng bất kì sự can thiệp bên ngoài nào vào Liên Xô đều nhằm: 

Không phải là để sửa chữa sai lầm trong giai đoạn hiện nay của Cách mạng Nga, mà nhằm đập tan chính cuộc Cách mạng này. Nó không đưa đến việc thiết lập một nền dân chủ đích thực mà chỉ nhằm thiết lập chính phủ của những tên phản động khát máu và sẽ là công cụ bóc lột nhân dân Nga của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.

Người ta có thể nghĩ rằng các doanh nhân phương Tây sẽ là những người chống cộng quyết liệt nhất, nhưng trên thực tế, đa phần giữ thái độ trung lập hoặc có cảm tình với chính phủ Liên Xô. Trước hết, họ cho rằng tư tưởng cộng sản chỉ là món ăn tinh thần, là thuốc phiện dành cho quần chúng nhằm che đậy các nhu cầu vật chất bình thường của tầng lớp ăn trên ngồi trốc mà thôi. Ngay cả nếu những người cộng sản tin vào những điều họ tuyên truyền thì kinh nghiệm cũng sẽ nhanh chóng làm cho họ tỉnh ngộ. Năm 1920, Lloyd-George đã nói ý đó nhằm biện hộ cho những cuộc đàm phán về thương mại với Moskva như sau: 

Bằng vũ lực chúng ta đã không buộc được nước Nga quay về với cách tư duy đúng đắn. Tôi tin rằng, thông qua buôn bán, chúng ta có thể làm được điều đó và cứu được nó. Thương mại, tự bản thân nó, sẽ tạo ra hiệu ứng làm người ta tỉnh ngộ. Các phép tính tiền cộng trừ đơn giản sẽ nhanh chóng kết liễu những lý thuyết quái đản[55].  


Theo Henry Ford, nổi tiếng là một người phản động và bài Do Thái, người Nga càng công nghiệp hoá thì càng có thái độ tốt vì “các nguyên tắc cơ học và nguyên tắc đạo đức có chung một nguồn gốc”. 

Quyền lợi thương mại ích kỉ đã làm cho người ta cố tình tạo ra sự mập mờ giữa ước muốn và hiện thực. Cộng đồng thương mại quốc tế coi nước Nga Xô Viết là một trong các thị trường tiềm năng to lớn nhất thế giới và khi Moskva bắt đầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá thì các doanh nhân ngoại quốc, vốn chịu nhiều thiệt hại vì vụ đại suy thoái, đã lao vào thực hiện các đơn hàng cho các kế hoạch năm năm của Stalin. Một số nhà máy lớn nhất của Liên Xô trong những năm 1930 được xây dựng với sự trợ giúp kĩ thuật và quản lý của các công ty phương Tây. Chính Ford đã xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên ở Nizhnii Novgorod (Gorky), các công ty phương Tây đã xây dựng những nhà máy luyện kim cực lớn ở thành phố Magnitogorsk trong vùng Ural. 

____________


Đảng Quốc xã chiếm được quyền lực trên cơ sở cương lĩnh mà trụ cột của nó là chủ nghĩa chống cộng và bài Do Thái. Khác với Liên Xô, nước này luôn luôn che giấu sự dã man của mình đằng sau bức tường kiểm duyệt và tuyên bố tuân thủ các lý tưởng nhân đạo và dân chủ mà chính họ đã cố tình phá hoại, Quốc xã hoạt động giữa lòng châu Âu, họ không thể và cũng không muốn che giấu bản chất của những kẻ dã man cao thượng của mình. Hành động như vậy là tự chuốc lấy thái độ thù địch của những người lãnh đạo dư luận xã hội ở phương Tây, và vì Liên Xô – ít nhất là trên lời nói – có thái độ chống Quốc xã, còn các chính phủ phương Tây thì lại tìm cách trấn an nó, trong trường hợp như thế, rõ ràng là Moskva đã thu được rất nhiều lợi ích. Những gián điệp lợi hại nhất của Liên Xô trước và trong Thế chiến II chính là những người bị thái độ chống phát xít của Moskva mua chuộc. 

Quan hệ giữa chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa Cộng sản rất phức tạp, dù bề ngoài đây là hai phong trào không thể đội trời chung với nhau. Hai phong trào này không chỉ chống đối mà còn hợp tác với nhau. 

Trước hết, họ có một kẻ thù chung, đấy là các chế độ dân chủ tự do, cam kết gắn bó với các quyền công dân, tư hữu và hoà bình. Cả hai chế độ toàn trị đều coi con người là vật liệu để xây dựng một trật tự xã hội mới và hình thành nên “con người mới”. Khác với Liên Xô, Đức quốc xã chấp nhận chế độ tư hữu, nhưng không coi đấy là quyền bất khả xâm phạm mà có thể bãi bỏ bất cứ lúc nào và can thiệp một cách sâu rộng theo hướng có lợi cho nhà nước. Cả hai chế độ đều coi thường tình yêu hoà bình: Lenin coi “khẩu hiệu hoà bình” là “khẩu hiệu của các cha cố và những kẻ nhỏ nhen, ti tiện khác”. Sau khi giành được chính quyền, Lenin luôn luôn bác bỏ khả năng chung sống giữ chủ nghĩa cộng sản và “chủ nghĩa đế quốc”: một trong hai hệ thống phải chiến thắng, còn khi điều đó chưa diễn ra thì “những cuộc đụng độ kinh hoàng giữa nước cộng hoà Xô Viết và các nước tư bản là điều không thể tránh khỏi”[56]. Những lời ca ngợi chế độ quân phiệt của của Hitler và việc xây dựng các lực lượng vũ trang Đức nhằm chuẩn bị chiến tranh cũng rõ ràng và công khai, không cần phải đưa ra dẫn chứng ở đây. 

Nhưng sự tương đồng còn nhiều hơn thế. Hitler thu được lợi to: ông ta dùng Liên Xô để doạ dẫm các cử tri Đức, song lại dùng nước này như một hình mẫu trong việc xây dựng chế độ độc tài của chính mình. Ông ta đã lợi dụng nỗi sợ hãi của cử tri trước khả năng cướp chính quyền của những người cộng sản trong những cuộc bầu cử mang tính quyết định vào những năm 1932-1933. Sau khi vu cho những người cộng sản đốt toà nhà quốc hội, ông ta đã đòi quốc hội phải trao cho mình những quyền đặc biệt. Nghị định về việc bảo vệ nhà nước và nhân dân, có hiệu lực cho đến khi Đế chế III sụp đổ vào năm 1945, đã đặt cơ sở pháp lý cho chế độ độc tài của Hitler, hạn chế tự do cá nhân, tự do báo chí, tự do hội họp và lập hội cũng như hạn chế quyền tư hữu và đặt cơ sở pháp lí cho việc tịch thu tài sản bất cứ lúc nào. Đây là những biện pháp chưa từng có tiền lệ ở phương Tây, chính thức trao cho lãnh tụ quyền lực vô giới hạn mà trên thực tế nhà cầm quyền ở Liên Xô đã sử dụng. 

Hitler tìm thấy ở Liên Xô mô hình nhà nước độc đảng để thực thi quyền lực mà nghị định tháng 3 năm 1933 đã trao cho ông ta. Các nhà nước như thế được gọi là “toàn trị” - thuật ngữ do nhà độc tài Benito Mussolini, đưa ra - để mô tả chế độ phát xít của mình. Mục đích của chế độ toàn trị là xoá bỏ hoàn toàn sự phân biệt giữa nhà nước và công dân (xã hội), bằng cách xâm nhập và kiểm soát tất cả các mặt của đời sống xã hội. Nó chỉ có thể đạt được mục đích như thế nếu đảng cầm quyền nắm độc quyền về chính trị và dựa vào cảnh sát mật với quyền lực không giới hạn, để quản lý. Trong nhà nước như thế, luật pháp không phải là phương tiện bảo vệ con người mà là một phần của cơ chế quản lý nhà nước. 

Thời gian gần đây một số nhà chính trị học phương Tây đưa ra những quan điểm phủ nhận tính hiện thực của mô hình toàn trị, họ cho rằng không nhà nước nào và không bao giờ có thể kiểm soát hết được như mô hình này yêu cầu. Họ khẳng định rằng ngay cả dưới thời Stalin vẫn tồn tại quyền lợi của các phe nhóm và ở mức độ nào đó người ta vẫn phải tính đến dư luận xã hội. Dù các quan điểm như thế có đúng đắn đến đâu đi nữa thì chúng cũng không thể phủ nhận được khái niệm về chủ nghĩa toàn trị. Tất cả các định nghĩa chính trị đều là tương đối. Theo lời của nhà chính trị học ở đại học Harvard, Carl J. Friedrich, thì:

Luận cứ về tính độc đáo của bất cứ cấu hình nào không có nghĩa là nó là “hoàn toàn” độc đáo, vì chẳng có gì là độc đáo hết. Tất cả các hiện tượng lịch sử đều liên quan tới các nhóm lớn những đối tượng phân tích… Cấu trúc khá đa dạng của những thành tố khác nhau… tạo ra sự độc đáo mang tính lịch sử[57].

 
Như nhiều người đã nhận thấy, “chế độ dân chủ” tức là chính quyền của nhân dân vẫn thường bị giới ăn trên ngồi trốc và những người vận động hành lang lũng đoạn. Cũng chưa bao giờ có thị trường tự do vô giới hạn: ngay cả giữa thế kỷ XIX, khi sự can thiệp của nhà nước vào lĩnh vực kinh tế chỉ ở mức độ tối thiểu thì người ta vẫn đặt ra những giới hạn và vẫn can thiệp vào lĩnh vực kinh doanh tư nhân. Cũng có thể áp dụng tiêu chuẩn như thế đối với mô hình toàn trị. 

Các chế độ toàn trị có tham vọng rất cao, không thể nào thực hiện được một cách trọn vẹn. Nhưng ngay cả khi chỉ một phần những mục tiêu này được thực hiện thì chúng cũng tạo ra những điều kiện hoàn toàn khác biệt với những chế độ độc tài nhất trong quá khứ: 

Vì chế độ toàn trị nhắm đến các mục tiêu bất khả thi, nó cố gắng quản lý nhân tính và số phận của từng con người, cho nên nó chỉ có thể thực hiện một cách chắp vá. Tự bản chất, nó đã bao hàm những mục tiêu không thể thực hiện được một cách hoàn toàn, cho nên nó chỉ có thể là một xu hướng, một tham vọng mà thôi… Chế độ toàn trị không phải là một bộ máy được sắp xếp một cách kĩ lưỡng, không hoạt động hữu hiệu ở tất cả mọi mắt xích. Dĩ nhiên là nó muốn được như thế và nó đã tiến gần tới mô hình lý tưởng ở một số lĩnh vực nào đó; nhưng nhìn một cách tổng thể, tham vọng quyền lực của nó chỉ được hiện thực hoá một cách tương đối mơ hồ, với những mức độ khác nhau trong những lĩnh vực và tại những thời điểm khác nhau, đồng thời, những đặc trưng toàn trị và phi toàn trị đan xen với nhau. Nhưng chính vì thế mà hậu quả của những tham vọng quyền lực toàn trị càng nguy hiểm và càng nặng nề hơn: chúng vừa mù mờ, vừa nhiều, vừa khó mô tả… Có sự biến dạng như thế là vì tính bất khả thi của tham vọng quyền lực: đấy là đặc điểm của cuộc sống dưới chế độ toàn trị và làm cho người bên ngoài cảm thấy khó hiểu[58]. 

Sự khác nhau căn bản giữa chế độ toàn trị cộng sản và “phát xít” là ở chỗ cộng sản tư duy một cách toàn cầu còn phát xít thì chú ý đến dân tộc: các chế độ “phát xít’ cũng chấp nhận quan điểm đấu tranh giai cấp, nhưng đây là cuộc đấu tranh giữa các dân tộc “có của” và các dân tộc “không có của”. Điều này đã được Mussolini thể hiện rõ trong bài phát biểu trước Hạ viện vào năm 1921, một năm trước khi ông ta giành được quyền lực. Hướng đến các đại biểu cộng sản, ông ta nói: 

Giữa chúng tôi và những người cộng sản không có sự gần gũi về chính trị nhưng có sự gần gũi về tri thức. Cũng như các vị, chúng tôi cho rằng cần phải có một nhà nước tập quyền, thống nhất, nhà nước đòi hỏi kỉ luật sắt, chỉ có một khác biệt: các vị rút ra kết luận này từ khái niệm giai cấp, còn chúng tôi thì từ khái niệm dân tộc[59]. 

Một trong những nghịch lý của lịch sử là việc những người cộng sản tìm cách chống phá phương Tây lại dẫn đến kết quả hoàn toàn ngược lại. Việc cố tình gây chia rẽ phong trào xã hội chủ nghĩa lại làm suy yếu chính chủ nghĩa Marx. Trong khi đó, Liên Xô lại có ảnh hưởng rất lớn đối với chủ nghĩa “phát xít”: phát xít đã thổi phồng nguy cơ từ phía Liên Xô nhằm đe doạ và tước đoạt quyền lợi của dân chúng, đồng thời lại xây dựng chế độ toàn trị theo mô hình của Lenin và Stalin và cuối cùng, chế độ này đã gần đạt được mục tiêu là tiêu diệt chính Liên Xô. 

______________

Mặc dù trong những năm 1930, Liên Xô và hệ tư tưởng cộng sản đã thu phục được khá nhiều người ủng hộ ở phương Tây, nhưng không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng những người có cảm tình với Liên Xô có thể trở thành một thế lực thực sự. Như đã nói bên trên, các đảng cộng sản ở phương Tây bao giờ cũng là lực lượng bị cô lập, ngay cả ở những nơi họ có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Năm 1935, sợ hãi trước sự trỗi dậy của các chế độ chống cộng và “phát xít”, Moskva thay đổi chính sách, không còn coi các đảng xã hội chủ nghĩa là kẻ thù không đội trời chung nữa và ra lệnh cho các đảng cộng sản phải liên minh với đảng xã hội chủ nghĩa và những nhóm chống phát xít khác. Các chính phủ mau chóng yểu mệnh của Mặt trận Bình dân ở Pháp (1936-1937) và ở Tây Ban Nha (1936-1939) không đủ sức sát nhập các đảng cộng sản vào dòng chủ lưu của đời sống chính trị. 

Trong khi tiến hành thiết lập liên minh chống phát xít, Stalin vẫn giữ quan hệ đúng mực đối với Mussolini và Hitler để rồi cuối cùng đã kí với Đức hiệp ước bất tương xâm vào năm 1939, thực chất lúc đó Liên Xô đã đứng về phe Trục. 

Sự gần gũi của giữa các chế độ toàn trị, dù chúng có theo chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và dân tộc chủ nghĩa, còn được thể hiện ở sự thán phục mà lãnh tụ các chế độ này dành cho nhau. Khi quân đội Đức và Liên Xô còn đang chiến đấu một mất một còn với nhau thì Hitler đã nói với những người thân cận về “thiên tài” của Stalin và bàn đến việc liên kết với ông ta để tiêu diệt các chế độ dân chủ phương Tây[60]. Mao Trạch Đông, một người cộng sản cấp tiến đến nỗi ngay cả Liên Xô cũng bị ông ta coi là kẻ phản bội, khi bị phê phán là đã giết quá nhiều đảng viên cộng sản trong cuộc Cách mạng Văn hoá, đã trả lời như sau: “Xin hãy nhớ lại Chiến tranh Thế giới II, xin hãy nhớ lại sự dã man của Hitler. Càng dã man thì nhiệt tình cách mạng lại càng cao[61]. 

_________________

Bất chấp tính mạng của người dân, Stalin đã giành được chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới II, nhưng ông ta không làm chủ được toàn bộ châu Âu. Song phần lớn khu vực Đông Âu đã bị quân đội của ông ta chiếm đóng và thiết lập ở đó các chế độ cộng sản. Trong hai ba năm đầu sau chiến tranh, Stalin để cho các nước đó - tuy vẫn nằm dưới sự kiểm soát của cộng sản - được theo đuổi ở mức độ nào đó sự đa dạng về chính trị. Nhưng sau năm 1948, khi Josip Broz Tito, nhà lãnh đạo cộng sản Nam Tư, củng cố được nền độc lập và đoạn tuyệt với Moskva, thì Stalin lập tức buộc các nước chư hầu Đông Âu phải theo chế độ độc đảng. Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Đông Đức, Rumania và Bulgaria, về danh nghĩa, là các nước độc lập, nhưng thực chất, đã trở thành các nước vệ tinh, tay sai của Liên Xô, hoàn toàn phụ thuộc vào Liên Xô, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại. Đế chế Xô Viết đã mở rộng và biến thành Khối Xô Viết. 

Vì không đủ sức ngăn chặn, phương Tây đành chấp nhận để Liên Xô thống trị Đông Âu. Phương Tây lẳng lặng công nhận đây là khu vực ảnh hưởng của Liên Xô, nếu Moskva thoả mãn như thế thì quan hệ giữa Đông và Tây đã có cơ hội bình ổn. Nhưng nếu những vùng đất bị chiếm đóng này sau đó trở thành nguyên cớ của cái gọi là “chiến tranh lạnh” thì chỉ tại vì, về bản chất, chủ nghĩa cộng sản không thể sống giữ ổn định và hài lòng: nó cần phải có những cuộc khủng hoảng, nó cần khuyếch trương thế lực. 

Liên minh quân sự thời chiến đã lung lay ngay khi Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối, tức là ngay khi kết quả đã trở nên rõ ràng. Liên minh này thực sự tan rã vào năm 1945-1946, sau khi Liên Xô tuyên bố huỷ bỏ hiệp ước bất tương xâm, kí năm 1925, với Thổ Nhĩ Kì và đưa ra cho nước này những đòi hỏi không thể chấp nhận được về mặt lãnh thổ. Chẳng bao lâu sau cộng sản lại phát động cuộc nội chiến ở Hy Lạp. Anh nhận trách nhiệm bảo vệ cả hai nước này, nhưng do bị chiến tranh làm cho kiệt quệ, Anh đã không thể theo đuổi chính sách như thế một cách lâu dài. Năm 1947, theo sáng kiến của Tổng thống Harry Truman, nước Mỹ nhận trách nhiệm kiềm chế Liên Xô, ban đầu là theo học thuyết Truman về việc giúp đỡ Thổ Nhĩ Kì và Hy Lạp (tháng 3 năm 1947), sau đó, trên cơ sở Kế hoạch Marshall (tháng 6-7 năm 1947), giúp đỡ đáng kể vế tài chính cho công cuộc tái thiết Tây Âu. Tháng 4 năm 1949, Mỹ đi một bước chưa từng có trong lịch sử: Lập ra liên minh phòng thủ nhằm chống kẻ thù xâm lược từ bên ngoài với sự tham gia của mười nước Tây Âu và Canada (Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hay NATO). Rõ ràng kẻ thù bên ngoài ở đây chính là khối Xô Viết. Tổng hành dinh khối NATO đặt ở Paris, tướng Dwight Eisenhower, người Mỹ, là tổng tư lệnh đầu tiên của tổ chức này. Năm 1950, sau khi quân đội cộng sản Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều Tiên, lúc đó người ta đã nghi ngờ và nay thì chắc chắn là theo chỉ đạo của Moskva, các nước đồng minh lập tức tuyên bố Tây Đức là nước độc lập có chủ quyền và mời nước này tham gia NATO (tháng 5 năm 1955). Moskva đáp trả bằng cách thành lập Khối quân sự Warsaw, gồm tám nước cộng sản châu Âu. Chiến tranh lạnh đã được hợp thức hoá. 

Biết bao nhiêu mực đã đổ ra nhằm tái tạo lịch sử chiến tranh lạnh. Một số nhà sử học cho là tại Mỹ, một số lại cho rằng cả phương Đông và phương Tây đều có lỗi. Không thể phủ nhận rằng phương Tây, trước hết là Mỹ, đứng đầu liên minh, đôi khi đã phản ứng quá mức trước hiểm hoạ của khối cộng sản: dù mối đe doạ của khối cộng sản có như thế nào đi chăng nữa, nguy cơ của việc cộng sản chiếm được nước Mỹ có thể nói là bằng không. Nhưng nay, khi sự cuồng nhiệt đã dịu bớt, có cảm tưởng rằng Moskva phải chịu phần lớn trách nhiệm. Chính Moska đã tuyên bố công khai và rõ ràng ý định ủng hộ các cuộc nội chiến và thiết lập chế độ cộng sản trên toàn thế giới; mục 17 trong các nguyên tắc kết nạp vào Comintern ghi rõ: “Quốc tế Cộng sản tuyên bố một cuộc chiến tranh không khoan nhượng với toàn bộ thế giới tư bản…”. Bất cứ khi nào có điều kiện Liên Xô đều cố gắng thực thi ý định này, ngay cả khi, để chiều lòng các nước đồng minh phương Tây trong Thế chiến II, họ buộc phải giải tán Comintern. 

Nếu cần tìm thêm chứng cứ nào nữa thì chỉ xin nói rằng ngay sau khi Liên Xô tan rã, và nước Nga từ bỏ chủ nghĩa cộng sản để bước vào con đường dân chủ thì chiến tranh lạnh cũng lập tức chấm dứt. Boris Yeltsin, Tổng thống mới của nước Nga đã nói trước Hạ viện Mỹ, tháng 6 năm 1992, như sau: 

Thế giới có thể thở phào nhẹ nhõm. Thần tượng cộng sản, kẻ gieo rắc động loạn, lòng thù hận và sự dã man chưa từng có trên khắp thế giới, kẻ làm cho nhân loại phải sợ hãi đã sụp đổ rồi. Nó đã sụp đổ và không bao giờ ngóc đầu lên được nữa[62]. 

Ai phải chịu trách nhiệm về chiến tranh lạnh? Dường như, chí ít là đối với Yeltsin, đấy không còn là vấn đề nữa. 

________________________

Chủ nghĩa cộng sản đã sản sinh ra rất nhiều phong trào khủng bố, những phong trào này gần như, thậm chí chẳng có quan hệ gì với chủ nghĩa Marx hay chủ nghĩa xã hội; chúng chỉ tự khoác lên mình các danh xưng như thế hòng che đậy những hoạt động tội phạm: bắt cóc, giết người, tống tiền. Điển hình là nhóm Baader-Meinhold ở Đức (sau này mới rõ là do tình báo Đông Đức bảo trợ), các Binh đoàn Đỏ ở Italy, nhóm Hành động Trực tiếp ở Pháp và Hồng quân ở Nhật, hoạt động trong suốt những năm 1970. Hình thành từ các nhóm trí thức nhỏ, với mục đích làm lung lay “chủ nghĩa tư bản”, các đảng này đã tiến hành các vụ khủng bố nhắm vào các doanh nhân và các chính khách nổi tiếng. Sau này tất cả đều bị tiêu diệt. 

Các trào lưu vô chính phủ bột phát, thể hiện nỗi tuyệt vọng của những kẻ cuồng tín trước đường lối có vẻ như xu thời của lãnh đạo Liên Xô thời hậu Stalin đối với phương Tây tư bản chủ nghĩa, lại được các lãnh tụ của Thế giới Thứ ba như Mao Trạch Đông và Che Guevara ủng hộ. Trong khi đó, dòng chủ lưu của đường lối chính trị cấp tiến châu Âu lại đi theo hướng ngược lại, tức là làm cho chủ nghĩa cộng sản thích ứng với thực tiễn của xã hội hiện đại. Trong những năm 1970, phong trào này được người ta gọi là chủ nghĩa cộng sản châu Âu (Eurocommunism).

Ngay sau Thế chiến II, các đảng cộng sản châu Âu, lợi dụng uy tín rất cao của Liên Xô vì những đóng góp to lớn cho chiến thắng, đã thu hút được rất nhiều ủng hộ viên mới. Ở nhiều nước châu Âu, cộng sản đã từng tham gia vào các chính phủ liên hiệp. Nhưng ảnh hưởng của họ đã suy giảm trong những năm 1950-1960. Điều đó là do một số nguyên nhân sau đây: việc tố cáo những tội ác của Stalin do Khrushchev tiến hành, việc đàn áp những cuộc thử nghiệm những mô hình cộng sản đặc thù của Tiệp Khắc và Hungary, đánh đồng chủ nghĩa cộng sản với phong trào bài Do Thái ở Ba Lan. 

Chủ nghĩa cộng sản châu Âu, bằng cách đoạn tuyệt với những cuộc đàn áp và tình trạng trì trệ về kinh tế ở Liên Xô, là mưu toan làm cho chủ nghĩa cộng sản trở nên hấp dẫn hơn đối với cử tri. Các đảng cộng sản Italy, Pháp và Tây Ban Nha, có nhiều ảnh hưởng trong tầng lớp trí thức, muốn thực hiện đường lối phù hợp với truyền thống chính trị châu Âu. Năm 1976, Santiago Carrilo, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Tây Ban Nha đã xác định mục tiêu của phong trào này như sau: 

Các đảng theo xu hướng “cộng sản châu Âu” đồng thuận về tính tất yếu của việc tiến lên chủ nghĩa xã hội theo con đường dân chủ, đa đảng, đại nghị và các thiết chế đại diện khác, chủ quyền của nhân dân được thực hiện thông qua các cuộc phổ thông đầu phiếu được tiến hành theo định kì, công đoàn độc lập với nhà nước, tự do theo phe đối lập, bảo vệ quyền con người, tự do tôn giáo, tự do trong sáng tạo khoa học, văn học và nghệ thuật và sự tham gia rộng rãi nhất của quần chúng trong mọi cấp và mọi lĩnh vực hoạt động xã hội. 


Thật là những ý tưởng tuyệt vời, nhưng đối với Lenin thì đấy đều là những điều đáng bị rút phép thông công cả. Vì vậy sẽ hoàn toàn không đúng nếu coi phong trào này là một sự “thể hiện mềm dẻo của chủ nghĩa cộng sản”: những thử nghiệm ngắn hạn và bất thành nhằm đưa chủ nghĩa cộng sản vào dòng chủ lưu của đời sống chính trị thực chất là sự đoạn tuyệt với tất cả những điều mà chủ nghĩa cộng sản từng bảo vệ. 

Chủ nghĩa cộng sản châu Âu chỉ là một vụ bùng phát nhất thời. Trong những năm 1980, tất cả các đảng cộng sản châu Âu lại bị hất ra bên lề. Những năm 1978-1979, chính là giai đoạn hoàng kim của họ, lúc đó họ đã nhận được 30,4% phiếu bầu ở Italy và 20,6% phiếu bầu ở Pháp. Nhưng, trong các nước công nghiệp phát triển nhất, số lượng cử tri ủng họ họ vẫn là không đáng kể: 0,05% ở Anh và 0,3% ở Tây Đức[63]. Xu thế suy giảm vẫn còn tiếp tục. 

Sau khi Liên Xô tan rã, các đảng cộng sản châu Âu cũng trải qua nhiều thay đổi và phân hoá. Các đảng và các phái cứng rắn gán sự tan rã này cho sự thoả hiệp của Gorbachev với chủ nghĩa tư bản và tiếp tục đi theo đường lối của Stalin. Một số khác đã quay lưng lại với chủ nghĩa cộng sản truyền thống. Ví dụ, Đảng Cộng sản Italy, đảng có nhiều đảng viên và ít giáo điều nhất, đã lặng lẽ đổi tên là Đảng Dân chủ của những người cánh tả. Phần lớn các đảng khác cũng đã chia tay với các khẩu hiệu và biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản. 

Chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng không có tương lai: nền văn hoá chính trị phương Tây đã tập hợp lại trong cuộc đấu tranh chống lại hệ tư tưởng cứng rắn, tuy có xuất xứ từ phương Tây, nhưng lại được hoàn thiện ở môi trường ngoài phương Tây. Chủ nghĩa cộng sản đã hoà tan vào xã hội dân chủ phương Tây và sau đó thì lặng lẽ rút khỏi vũ đài chính trị. 







V.                Thế giới Thứ ba 

Mỗi nước cộng sản, mỗi đảng cộng sản đếu có lịch sử riêng của mình, có những đặc trưng khu vực và địa phương của mình, nhưng bao giờ cũng có thể nhận thấy rằng bằng cách này hay cách khác họ đều đi theo khuôn mẫu được hình thành ở Moskva vào tháng 11 năm 1917. Có mối liên hệ thân thuộc như thế là vì các đảng này có chung một mã di truyền cộng sản[64]

Cái mối liên hệ thân thuộc, được nhắc tới trong đoạn trích dẫn bên trên, là do, ở tất cả những nước đó, chủ nghĩa cộng sản đều xuất hiện nhờ một trong hai con đường: hoặc là do quân đội Liên Xô áp đặt (Đông Âu) hoặc nhờ vào sự trợ giúp của Liên Xô, đấy là các nước với nền văn hoá chính trị (thiếu truyền thống tư hữu và chế độ pháp quyền, di sản của chế độ chuyên chế v.v…) cũng như cấu trúc xã hội (tuyệt đại đa số là nông dân, giai cấp trung lưu chưa phát triển) tương tự như nước Nga trước năm 1917. Mặc dù về lý luận, chủ thuyết cộng sản được xây dựng cho các xã hội công nghiệp tiên tiến, trên thực tế, nó lại chỉ bén rễ trong các nước nông nghiệp lạc hậu. Và vì thế, ở những nước này, nó phải đi theo một khuôn mẫu sẵn có. 

Đặc điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin mà những nước này chọn là: 1)
lãnh đạo bởi một đảng, đảng độc quyền, được xây dựng theo mô hình quân đội và đòi hỏi các thành viên phải tuyệt đối tuân thủ; 2) chế độ không bị bất kì hạn chế nào; 3) bãi bỏ tư hữu phương tiện sản xuất và cùng với nó là quốc hữu hoá tất cả nhân tài, vật lực của quốc gia; 4) coi thường quyền con người. Các chế độ này cho rằng đảng của họ là đảng bách chiến bách thắng, biết tuốt, luôn luôn đúng và không chấp nhận bất kì hạn chế quyền lực nào. Hiện thân của đảng là lãnh tụ, ông ta được coi là một vị thánh. 

Nhiều người cho rằng nghèo đói sinh ra cộng sản. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại: các nước nghèo không lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Chưa ở đâu có chuyện đa số người nghèo, thậm chí đa số nói chung, ủng hộ chuyển giao quyền lực cho cộng sản. Nói đúng ra, các nước nghèo không đủ khả năng chống lại những vụ cưỡng đoạt quyền lực của cộng sản vì các nước này không có các thiết chế đủ sức ngăn chặn những kẻ độc tài háo danh, như các nước giàu có và tiến bộ hơn. Không có các thiết chế bảo đảm cho sự giàu có, đặc biệt là quyền tư hữu và chế độ pháp quyền, các nước này sẽ nằm mãi trong tình trạng đói nghèo và dễ bị những nhà cầm quyền độc tài cả phía tả lẫn phía hữu khuynh đảo. Nói như lời một nhà nghiên cứu chế độ ở Campuchia, một trong những chế độ cộng sản cực đoan nhất mà ta đã biết, thì “việc thiếu vắng các cơ cấu đủ sức liên kết dân chúng, cộng với việc những người cầm quyền thường xuyên thay đổi đã tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực một cách thái quá[65]. Như vậy là các tác nhân đó, mà trước hết là tình trạng vô luật pháp, đã kìm hãm đất nước trong vòng nghèo đói, đã tạo điều kiện cho các vụ đảo chính của cộng sản. 
Các tác nhân nói trên còn tạo ra những hậu quả khác nữa. Từ xa xưa, ở phương Đông việc không tồn tại quyền tư hữu ruộng đất có nghĩa là chỉ có một cách làm giàu duy nhất, đấy là được người cầm quyền ưu ái. Các chức vụ trong bộ máy nhà nước không được coi là cống hiến mà là phương tiện làm giàu. Dĩ nhiên là, vì vậy mà có chân trong chính quyền cộng sản, một chính quyền nắm trong tay toàn bộ quyền lực và tài nguyên, được coi là phương tiện chủ yếu để bảo đảm cho mình vị trí xã hội cũng như sự sung túc (Điều này, dĩ nhiên là đúng với cả nước Nga nữa). 
______________________
Trong những năm đầu thế kỷ XX, những người xã hội chủ nghĩa ở châu Âu không thể hiểu được vì sao chủ nghĩa tư bản không sụp đổ, theo như dự đoán của Marx và Engels. Những người xét lại đã giải quyết được vấn đề bằng cách công nhận rằng ở đây Marx và Engels đã lầm lẫn. Nhưng, đối với những người Marxist chính thống, đây là giải pháp không thể chấp nhận được, vì lý thuyết của họ được coi là khoa học, không chấp nhận bất kì sự lệch lạc hoặc ngoại lệ nào, nó chỉ có thể tồn tại hay sụp đổ như một toàn thể bất khả phân. 
Đối diện với vấn đề như thế, Lenin đã sử dụng tác phẩm Imperilism (Chủ nghĩa đế quốc- 1902) của nhà kinh tế học người Anh, J. A. Hobson, trong đó, việc xâm chiếm thuộc địa được lý giải như là kết quả của việc chinh phục những thị trường mới cho hàng hóa và tư bản. Lenin phát triển luận điểm này trong tác phẩm Imperialism, the Highest Stage of Capitalism (Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (1916-1917), trong đó, ông ta chứng minh rằng các nước thuộc địa đóng vai trò quan trọng trong việc cứu chủ nghĩa tư bản vì nó giúp giữ cho nền kinh tế bệnh hoạn đứng vững và tạo điều kiện cho các nhà tư sản mua chuộc công nhân. Vì vậy, cuộc tấn công vào lãnh địa của các cường quốc sẽ là một phần quan trọng của chiến lược cách mạng đương thời. 
Khó khăn là ở chỗ, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa Á, Phi và Mỹ Latin có rất ít hoặc hoàn toàn không có nền công nghiệp và cũng không thể có giai cấp công nhân công nghiệp. Do hoàn cảnh khó khăn như thế, cho nên khi cần thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong những nước không có cơ sở công nghiệp, Lenin đã sử dụng cương lĩnh do ông ta đề ra cho Đại hội II Quốc tế Cộng sản với hai tiền đề sau đây: 1) các nước này có điều kiện tiến thẳng từ chế độ “phong kiến” lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa; 2) trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, những người cộng sản hoạt động ở những nước đó có thể liên kết (tạm thời, dĩ nhiên) với “giai cấp tư sản dân tộc”. 
Những đề xuất của Lenin đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số đoàn đại biếu Quốc tế Cộng sản, đối với họ, tư sản dân tộc cũng đáng ghét chẳng khác gì bọn đế quốc nước ngoài. Nhưng Lenin kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cuối cùng Quốc tế thông qua phương châm gọi là các cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc”, trong đó những người cộng sản, vừa bảo vệ quan điểm riêng của mình vừa liên kết với các lực luợng chống đế quốc khác để tiến hành cuộc đấu tranh vì sự nghiệp chung của dân tộc. 
Trên thực tế chính sách này luôn gặp thất bại: không những không lợi dụng được những nguời theo chủ nghĩa quốc gia mà chính những người cộng sản lại rơi vào hoàn cảnh bị người ta lợi dụng.

Trong những năm 1918-1919, quân đội đồng minh chiếm đóng vùng Tây Anatolia và thành phố Constantinople, thủ đô của đế chế Ottoman, một đồng minh của nước Đức bại trận trong Thế chiến I. Phong trào do Mustafa Kemal Pasa (Atatürk) lãnh đạo xiển dương mục đích giải phóng dân tộc. Năm 1920, Kemal đề nghị Moskva hợp tác trong cuộc đấu tranh chống các nước chiếm đóng. Moskva tỏ ý sẵn sàng và năm 1921 đã kí với ông ta Hiệp ước hữu nghị, các bên cam kết tiến hành đấu tranh chống “chủ nghĩa đế quốc”. Moskva, theo đúng tinh thần của Quốc tế, lại tiến hành song song việc hợp tác này với các hoạt động lật đổ. Những tài liệu vừa được giải mật từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô chứng tỏ rằng Moskva đã bí mật chuẩn bị âm mưu lật đổ phe quốc gia ngay trong thời kì tình cảm của hai bên vẫn còn nồng thắm. Bản chỉ thị do Lenin soạn vào năm 1920 có đoạn viết: 
Chớ có tin bọn theo Kemal; không được chuyển khí giới cho họ; tăng cường tuyên truyền về Liên Xô cho người Thổ Nhĩ Kì và chuẩn bị một đảng theo đường lối Xô Viết mạnh và có khả năng giành chiến thắng ở Thổ Nhĩ Kì[66].  
Về phần mình, Kemal rất phấn khởi khi nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô và đã có ý định xây dựng nhà nước độc đảng theo mô hình của Liên Xô, nhưng dứt khoát không chấp nhận cộng sản trên đất nước Thổ Nhĩ Kì. Phái viên của Quốc tế Cộng sản và những người đồng chí của ông ta đã bị giết sau khi Đảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kì được thành lập vừa đúng hai tháng, chắc chắn có bàn tay của những người theo Kemal trong vụ sát hại này. 
Ở Trung Quốc, chính sách của Liên Xô còn bị tổn thất nặng nề hơn rất nhiều. Đối với Quốc tế Cộng sản, Trung Quốc là nước có vai trò cực kì quan trọng và cũng tạo cho người ta nhiều hy vọng. Các nước châu Âu và Nhật Bản đã tìm mọi cách để bóc lột đất nước đông dân nhất thế giới này. Việc bóc lột như thế là miếng đất màu mỡ cho tinh thần bài ngoại: lòng căm thù người ngoại quốc thỉnh thoảng lại bùng phát thành những cuộc bạo động. Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng, cầm quyền ở Trung Quốc sau những năm 1911-1912, rất khâm phục Liên Xô vì nước này đã rũ bỏ được ách nô dịch ngoại quốc về kinh tế và chính trị. Tuy vẫn là nước nông nghiệp, Trung Quốc đã có đội ngũ công nhân, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ ở Thượng Hải. Lenin đặt rất nhiều hy vọng vào Trung Quốc, ông ta từng nói với các nhà ngoại giao đến từ Bắc Kinh rằng, “cuối cùng, cách mạng Trung Quốc… sẽ lật đổ chủ nghĩa đế quốc thế giới”. 
Tưởng Giới Thạch, người được đưa lên lãnh đạo Quốc dân Đảng trong những năm 1920, cũng rất thán phục Liên Xô và đã nhiệt tình chào đón các đoàn “cố vấn” từ Moskva đang tràn vào Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập theo lệnh từ Moskva vào năm 1921, gồm phần lớn là những người có học và sinh viên, vẫn giữ được tính độc lập như Quốc tế Cộng sản đòi hỏi, nhưng từ năm 1923 trở đi nhiều đảng viên đã ra nhập Quốc dân Đảng. Họ làm như thế là theo chỉ đạo về việc thành lập mặt trận phản đế của Moskva. Đề nghị của Moskva về việc cung cấp cho Quốc dân Đảng các cố vấn kinh tế và quân sự cũng nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, giữa hai bên đã tích tụ nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là từ năm 1925, tức là sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế và quyền lực tập trung vào tay Tưởng Giới Thạch. Tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch khai trừ tất cả đảng viên cộng sản, rồi sau đó thủ tiêu hàng ngàn người. 
Sau những sự kiện như thế, Stalin dứt khoát kết luận rằng, thuần hoá chủ nghĩa dân tộc trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba và lái hoạt động của nó theo hướng có lợi cho chủ nghĩa cộng sản là việc làm vô ích. Tại Hội nghị IV, Quốc tế Cộng sản đã đoạn tuyệt với đường lối ủng hộ “giai cấp tư sản dân tộc”. Từ đấy cho đến ngày Stalin chết, tức là trong vòng 25 năm, Liên Xô đã giảm hẳn hoạt động trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Liên Xô chấm dứt hợp tác với “giai cấp tư sản” Thế giới Thứ ba, coi nó là “tay sai” của các nước đế quốc và giữ quan điểm như thế ngay cả khi các nước này đã giành được độc lập. Cuốn Great Soviet Encyclopedia (Bách khoa Toàn thư Lớn) của Liên Xô, xuất bản năm 1953, thậm chí còn gọi Mahatma Gandhi là “gián điệp của đế quốc Anh”. Trong khi đó, Liên Xô lại coi các đảng cộng sản, cả công khai lẫn bí mật, cả đảng lớn lẫn đảng nhỏ, là chỗ dựa của mình. Năm 1948, theo lời xúi bẩy của Moskva, cộng sản tại ở loạt nước Đông Nam Á như Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Philippines đã vùng dậy, nhưng tất cả đều bị đàn áp. Cộng sản chỉ thành công ở Đông Dương (Việt Nam), năm 1954, quân du kích địa phương đã đuổi được quân đội Pháp ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Khi Stalin còn sống, chính sách đối ngoại của Liên Xô tập trung chủ yếu vào việc tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự và gây chia rẽ giữa các siêu cường. 
_________________
Nhìn bên ngoài thì chiến thắng của cộng sản Trung Quốc, năm 1949, và việc họ chiếm được toàn bộ đại lục là chiến thắng vô cùng to lớn của chủ nghĩa cộng sản. Chỉ bằng một cú như thế, phong trào cộng sản đã lôi kéo vào hàng ngũ của mình một nửa tỉ người, tức là tăng gần gấp đôi số người sống dưới chính thể cộng sản. Nhưng hoá ra đây là một chiến thắng rất đáng ngờ; cái giá phải trả là sự thống nhất của chính phong trào cộng sản: Chẳng bao lâu sau, nước Trung Hoa đỏ đã đi theo con đường riêng, tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng cho phong trào. Một lần nữa tinh thần dân tộc đã thắng lòng trung thành với quyền lợi giai cấp. 
Tháng 10 năm 1927, những người cộng sản còn sống sót sau vụ đàn áp của Tưởng Giới Thạch đã rút lui về vùng nông thôn hẻo lánh. Mao Trạch Đông, một trong những lãnh tụ cộng sản còn lại, đã ẩn mình suốt hai mươi năm sau đó để chuyên tâm vào việc xây dựng lực lượng du kích. Năm 1931, cộng sản tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Xô Viết Trung Hoa. Cả lúc đó, cũng như trong Thế chiến II về sau, Stalin chưa bao giờ công khai phát biểu ủng hộ nước cộng hoà này. Ông ta quan tâm đến quyền lợi của Liên Xô ở vùng Viễn đông hơn là việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tức là Liên Xô cần một nước Trung Hoa mạnh, đủ sức ngăn chặn được Nhật Bản. Quốc dân Đảng dường như phù hợp với vai trò này hơn và vì vậy Stalin quyết định ủng hộ về vật chất cho Tưởng Giới Thạch. Sau này, Stalin buộc phải sử dụng kinh nghiệm quan hệ với Đảng Cộng sản Nam Tư; năm 1948 dưới sự lãnh đạo của Josip Broz Tito đảng này đã không chịu thực hiện các chỉ thị và sau đó thì đoạn tuyệt hoàn toàn với Moskva. Sợ rằng Trung Quốc sẽ là một “Nam Tư” mới, Stalin mới thuyết phục Mao Trạch Đông thoả hiệp với Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông phớt lờ lời khuyên này và tiếp tục chỉ huy đội quân nông dân tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm giành quyền lực trên toàn cõi Trung Hoa. 
Stalin tiếp tục bảo trợ Mao ngay cả sau khi ông này đã làm chủ hoàn toàn Trung Quốc. Mao cần sự trợ giúp của Liên Xô cả về kinh tế lẫn quân sự đến mức ông ta phải đè nén lòng kiêu hãnh của mình trong một thời gian dài, buộc phải công nhận vai trò lãnh đạo của Liên Xô, cũng như coi Liên Xô là hình mẫu đáng phải theo. Thái độ của Mao chỉ thay đổi sau khi Khrushchev lên cầm quyền, vì ông ta cho rằng những người kế nhiệm Stalin đã phản bội sự nghiệp chung. Năm 1959, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đã gần đi đến chỗ tan vỡ, chủ yếu là vì Moskva từ chối cung cấp công nghệ hạt nhân cho Bắc Kinh. Năm sau, Khrushchev đơn phương rút hết các chuyên gia về nước. 
Chẳng bao lâu sau Mao đã tự sáng tác ra phiên bản chủ nghĩa Marx độc đáo của chính mình. Theo lời một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này: “những giá trị chủ yếu” mà tư tưởng Mao bảo vệ là “hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Marx”, điều đó chỉ chứng tỏ “sự uyển chuyển vô bờ bến của bất kì học thuyết nào, miễn là nó có giá trị về mặt lịch sử”[67]. Về tất cả mọi vấn đề, Mao đều cho Marx “trồng cây chuối” tất. Ông ta không dựa vào giai cấp công nhân công nghiệp, không coi họ là động lực của cách mạng mà lại phong cho nông dân vai trò đó: ông ta khẳng định rằng vai trò cách mạng không thuộc về châu Âu (trong đó có Nga) mà thuộc về nhân dân các nước Á, Phi và Mỹ Latin. Ông ta cũng bác bỏ luận điểm của Marx nói rằng “không phải ý thức quyết định đời sống mà là đời sống quyết định ý thức”[68], nghĩa là tư tưởng và tình cảm của con người phụ thuộc vào điều kiện vật chất của họ. Ngược lại, Mao khẳng định rằng hành vi của con người là do tư tưởng mà ra: chủ nghĩa Marx coi “yếu tố khách quan” giữ vai trò quan trọng. thì Mao lại cho rằng đấy là khái niệm “tư sản”. Yếu tố khách quan không thể cản trở quần chúng một khi họ đã quyết tâm. Kiến thức chứa đựng mầm mống của cái ác vì nó làm cho người ta dao động, đọc nhiều là có hại. Không phải sự thay đổi các điều kiện kinh tế và xã hội mà chính sự thay đổi “thượng tầng” văn hoá và tri thức sẽ cho phép hình thành xã hội mới và con người mới. Đây là chủ nghĩa xét lại đặc biệt: nếu chủ nghĩa xét lại phương Tây, xuất hiện sau Eduard Bernstein, cố gắng làm cái việc sửa chữa chủ nghĩa Marx, làm cho nó phù hợp với hiện thực thì chủ nghĩa xét lại của Mao lại cho rằng tốt nhất là đừng để ý đến hiện thực. 
Việc đưa ra những tư tưởng phi chính thống như thế đã dẫn đến mâu thuẫn với Moskva. Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua đường lối hoà hoãn với phương Tây và tuyên bố rằng chiến tranh không còn là điều kiện cần trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng cộng sản trên toàn thế giới nữa, vì chính thế giới đang tiến về phía chủ nghĩa cộng sản mà không một lực lượng nào có thể cản trở được. Mao không chấp nhận đường lối này, ông ta cho rằng Liên Xô đã có tên lửa xuyên lục địa, đủ sức thực hiện chiến lược tiến công phương Tây. Tương tự như Lenin, Mao cho rằng chiến tranh là tất yếu. Ông ta bác bỏ học thuyết của Khrushchev, theo đó, chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng bằng con đường nghị trường mà không phải dùng vũ lực. Mao đề cao bạo lực. (“Chiến tranh là hình thức đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn cao nhất”, “Súng đẻ ra chính quyền.”)[69] 
Mao cũng bác bỏ luận điểm cho rằng vũ khí hạt nhân đã đặt dấu chấm hết cho việc coi chiến tranh là một hành động chính trị. Ông ta còn chế nhạo vũ khí nguyên tử và gọi nó là “con hổ giấy mà bọn phản động Mỹ dùng để doạ dẫm nhân dân. Cỏ vẻ khủng khiếp, nhưng trên thực tế chẳng có gì khủng khiếp hết[70]. Ông ta còn coi chính sách kí thoả ước về việc kiểm soát vũ khí, bắt đầu từ năm 1968, là phản bội; ông ta cũng rất bất mãn với quan điểm cho rằng chiến tranh nhiệt hạch sẽ tiêu diệt sự sống trên trái đất. Ông ta từng viết với một thái độ vô tâm đáng kinh ngạc như sau: 
Trong trường hợp xấu nhất, một nửa nhân loại sẽ bị tiêu diệt, chỉ còn một nửa sống sót, nhưng chủ nghĩa đế quốc sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và cả thế giới sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa; sau mấy năm sẽ lại có hai tỉ bảy trăm triệu người, mà có thể còn nhiều hơn nữa kia[71]
Trung thành với đường lối của Stalin, Mao bác bỏ chiến lược ủng hộ các chế độ được thiết lập ở các thuộc địa cũ như chính phủ Neru ở Ấn Độ hay Naser ở Ai-Cập. 
Nhưng nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, từng bùng phát thành vụ đụng độ quân sự trên biên giới Xô-Trung, vẫn không phải là những bất đồng về đường lối chiến lược và chiến thuật, mà là vấn đề bá quyền trong phong trào cộng sản quốc tế. Moskva luôn khẳng định rằng họ đương nhiên là lãnh tụ của phong trào, việc này đã được chính thức ghi trong điều lệ Quốc tế Cộng sản từ năm 1920 và họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Năm 1956, phát biểu vo ở Warsaw, Khrushchev cho biết rằng, Stalin đã nói với Mao là Moskva phải có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề liên quan đến phong trào cộng sản quốc tế. Từ năm 1956 trở đi, Mao không chấp nhận luật chơi đó vì cho rằng, như đã nói bên trên, những người kế nhiệm Stalin là những kẻ phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông ta tự coi mình chẳng những ngang hàng mà còn đứng cao hơn những người cầm quyền ở Moskva. Thậm chí, ngay cả khi chưa nắm được trọn quyền lực ở Trung Quốc, ông ta cũng đã tự đưa mình vào hàng ngũ tác gia của học thuyết Marxist, dành cho các nước ngoài phương Tây, nơi các cuộc cách mạng sẽ do nông dân thực hiện. Năm 1945, một trong những đồ đệ của ông ta đã khẳng định: “Thành tựu vĩ đại nhất của Mao Trạch Đông là đã cải biến chủ nghĩa Marx, một học thuyết của phương Tây và gắn cho nó hình thức của châu Á”, nhằm động viên một khối lượng quần chúng to lớn, những người cũng sống trong các điều kiện như nhân dân Trung Quốc. Sau này, trong nỗ lực đẩy Liên Xô ra khỏi châu Phi, Bắc Kinh còn viện đến cả yếu tố sắc tộc và nói rằng người Nga là dân “da trắng” cho nên không thể hiểu được dân phương Đông và châu Phi. Ở Trung Quốc, Mao được coi là nhà tiên tri. Năm 1966, Trung Quốc cho xuất bản cuốn sách nhan đề: The Brilliance of Mao Tse-tung’s Thoughts Illuminates the Whole World (Ánh sáng tư tưởng Mao Trạch Đông toả khắp hoàn cầu). Như vậy là, “cuộc tranh luận về chiến lược cách mạng … đã trở thành mầm mống cho cuộc đấu tranh giành quyền lực trong phong trào cộng sản quốc tế”[72].
Đụng độ Xô-Trung đã cho người ta thấy cái khuyết tật căn bản và không thể nào sửa chữa được của phong trào cộng sản quốc tế. Nó cho thấy rằng cộng sản các nước sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo của Moskva khi họ chưa tìm được chỗ dựa vững chắc ở trong nước, khi họ còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ về kinh tế và quân sự từ Moskva. Nhưng, trong hoàn cảnh như thế, họ vẫn là những kẻ bất lực, những kẻ đứng bên lề đời sống của đất nước. Còn khi họ đã có chỗ dựa ở trong nước, như Nam Tư và Trung Quốc, khi họ trở thành lực lượng chính trị độc lập, nghĩa là có giá trị đối với phong trào cộng sản quốc tế thì họ không còn thích nghe theo chỉ đạo của người Nga hay công nhận quyền lợi của Liên Xô là tối thượng nữa. Kết quả là xảy ra mâu thuẫn: cộng sản các nước càng thành công, càng trở thành lực lượng độc lập thì Moskva càng khó điều khiển hơn. Moskva buộc phải quyết định giữa bảo vệ quyền lợi của mình hay bảo vệ quyền lợi của phong trào cộng sản quốc tế. Nếu ban lãnh đạo Liên Xô thực sự muốn khuyếch trương chủ nghĩa cộng sản thì nó phải từ bỏ vai trò lãnh đạo và từ bỏ lý luận cho rằng quyền lợi của Liên Xô và quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản chỉ là một. Nhưng nếu làm như thế, phong trào sẽ tan ra thành từng mảnh và bị các lực li tâm khống chế, kết quả là, sẽ đánh mất chủ nghĩa tập trung cứng rắn, nghĩa là mất cái mà Lenin coi là thành tựu quan trọng nhất của chế độ. 
_________________
Chiến lược ủng hộ các lực lượng chống đế quốc thuộc Thế giới Thứ ba mà những người kế nhiệm Stalin sử dụng trong những năm 1950 dường như dễ trở thành hiện thực hơn là ba mươi năm trước, vì sau Thế chiến II, các nước đế quốc đã trao trả độc lập cho phần lớn các nước thuộc địa của mình. Trong số đó, có một số nước đông dân như Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập. Đứng đầu các nước này là các nhà chính trị chưa có kinh nghiệm, những chưa có tiền; họ coi độc lập chính trị chỉ là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới độc lập thực sự, muốn thế, phải có độc lập về kinh tế. Họ ngưỡng mộ Liên Xô vì nước này đã thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và nắm trong tay sức mạnh đáng kể về mặt công nghiệp; họ muốn bắt chước và nồng nhiệt chào đón các chuyên gia cũng như sự trợ giúp từ Moskva. Trong một số trường hợp, các nhà độc tài háo danh còn coi Liên Xô là sự bảo đảm cho quyền lực của mình: tuyên bố là nước “xã hội chủ nghĩa” để đổi lấy sự trợ giúp về tình báo và quân sự của khối cộng sản nhằm chống lại các kẻ thù bên trong và bên ngoài. 
Từ năm 1956, Moskva tiến hành những hoạt động tích cực trong Thế giới Thứ ba nhằm tạo ra một liên minh, bài phương Tây và đặc biệt là Mỹ, bao trùm một nửa dân số thế giới. Họ đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Ở Ấn Độ, họ đã tài trợ cho một nhà máy gang thép cực kì lớn, được xây dựng dưới dự lãnh đạo của các kĩ sư Liên Xô; họ còn xây dựng các nhà máy điện, nhà máy làm bánh mì. Ở Ai Cập, họ đã giúp xây dựng đập thuỷ điện Aswan, tạo điều kiện cho việc điều tiết mực nước sông Nile. Đấy là những việc làm trái ngược hẳn với thái độ “vụ lợi” của các nước tư bản phương Tây. Moskva còn vũ trang cho Ai Cập trong cuộc chiến tranh chống lại Israel, vũ tranh cho Ethiopia chống lại Somalia. Trong mọi trường hợp, sự giúp đỡ bao giờ cũng đi kèm với các “cố vấn” Liên Xô và đấy chính là cách mà Moskva thiết lập sự hiện diện của mình trên khắp thế giới. Trợ giúp sinh ra phụ thuộc về kinh tế và đấy cũng là con đường dẫn tới phụ thuộc về chính trị. 
Nhưng cuối cùng, chính sách đầy tham vọng và tốn kém đó cũng chỉ mang về những kết quả cực kì khiêm tốn. Liên Xô không có đủ nguồn lực kinh tế để có thể đóng được vai trò phù hợp với chính sách mới của nó đối với các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Moskva lao vào hết nước này đến nước khác, từ Trung Cận Đông tới châu Phi, hòng chiếm lĩnh chân không quyền lực; giành cho các nước này sự trợ giúp cả về kinh tế lẫn quân sự để rồi phải đối mặt với sự phát triển không lường trước được của các sự kiện dẫn đến việc thủ tiêu nước đồng minh, hay đồng minh suy nghĩ lại và thay đổi thái độ. Có ai đó đã nói rằng, không thể mua được các thủ lĩnh thuộc Thế giới Thứ ba, chỉ có thể vay tạm được họ mà thôi. 
Hoạt động của Moskva trong Thế giới Thứ ba đã gây ra hậu quả quan trọng là nó đã làm cho phương Tây lo ngại và làm cho chiến tranh lạnh càng căng thẳng thêm.
______________
Những người Marxist-Leninist coi học thuyết của mình là khoa học, họ cố gắng phân tích kinh nghiệm của mình và học hỏi qua những sai lầm, không chỉ trong cách hiểu mục đích cuối cùng, mà theo họ là không thể hồ nghi, mà còn trong chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho mục đích cuối cùng nữa. Lenin đã học được từ Marx rằng, để chống lại phản cách mạng thì phải đàn áp một cách không thương xót toàn bộ cơ cấu mang tính thiết chế của chủ nghĩa tư bản. Sau khi đánh giá chủ nghĩa xét lại của những người kế nhiệm Stalin, Mao đi đến kết luận rằng, phá bỏ thiết chế vẫn chưa đủ, cần phải cải tạo chính con người. Dĩ nhiên là, chủ nghĩa Marx luôn luôn coi việc cải tạo con người là mục đích tối thượng và cuối cùng. Nhưng Mao lại quyết định rằng, đấy là việc phải làm ngay, ông ta đã buộc cả hệ thống quản lý của mình phải biến cái mục đích ấy thành hiện thực. 
Trung Cộng đã thiết lập chế độ toàn trị gần giống với mô hình Xô Viết. Ban đầu Mao đã sao chép chính sách kinh tế của Stalin, ông ta cũng tiến hành tập thể hoá nông nghiệp và thực hiện kế hoạch công nghiệp hoá năm năm. Dĩ nhiên là có những khác biệt. Một trong những khác biệt đó là: nền chuyên chế Xô Viết, hậu duệ của chế độ Sa hoàng, không quan tâm đến việc thần dân của họ nghĩ gì, miễn là họ tỏ vẻ nhất trí và giả đò làm tín đồ là được; Trung Cộng kiên quyết đạt cho bằng được sự thống nhất, cả về tri thức lẫn tinh thần, của toàn thể nhân dân*. Cội nguồn của quan điểm như thế là từ Khổng giáo, một triết thuyết nhấn mạnh đến sự hoàn thiện và đòi hỏi rằng cơ sở của chế độ cai trị là đạo đức chứ không phải là sự ép buộc. Nhưng quan điểm đó lại xuất phát trực tiếp từ những lo lắng của Mao rằng, nếu không cải tổ hoàn toàn trí óc của các thần dân để họ có thể nắm vững được học thuyết của Marx, của Lenin và của chính ông ta thì Trung Quốc cũng sẽ có số phận giống như Liên Xô, nghĩa là sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại và sẽ đi chệch khỏi con đường chân chính. 
* Nhiều nhà quan sát cho rằng đặc điểm nổi bật của lòng trung thành của dân chúng đối với học thuyết được áp đặt bằng bạo lực. Quan niệm sai lầm như thế có thể là do trong suốt 40 năm đầu tiên, người nước ngoài chỉ nhận được hầu như tất cả thông tin về Liên Xô từ chính các nguồn của Liên Xô, mà những nguồn này bao giờ cũng nhấn mạnh sự thống nhất về tư tưởng và lòng trung thành của tất cả mọi người với ý thức hệ cộng sản. Thực tế hoàn toàn không phải như thế.  
Lý luận của Mao đã mở đường cho những thí nghiệm không thể tưởng tượng nổi, tất cả đều thất bại với giá phải trả là sinh mạng của không biết bao nhiêu nạn nhân và sự thịnh vượng của quốc gia. Các công dân Trung Quốc, đặc biệt là những người lao động trí óc, bị nghi là có tư tưởng lạc hậu hay chống đối, đều phải học tập “cải tạo” một cách có hệ thống, thường là trong các trại tập trung, nơi họ phải trải qua quá trình gọi là “tẩy não”. Đấy là sự tra tấn về mặt tinh thần để buộc họ phải khuất phục. 
Các tiền đề lý luận như thế cũng là nguyên nhân của chính sách Đại Nhảy Vọt, khởi đầu vào năm 1958. Mong muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc đã tìm được con đường thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tốt hơn và nhanh chóng hơn người Nga, Mao tuyên bố rằng Trung Quốc dự định vượt Anh về sản lượng than và thép trong vòng năm năm. Để làm điều đó, hơn nửa tỉ người bị lùa vào các “công xã nhân dân”, nơi người ta vừa làm nông nghiệp vừa tham gia sản xuất công nghiệp trong những điều kiện sản xuất gia đình cực kì thô sơ. Kế hoạch này, ví dụ điển hình của việc Mao sẵn sàng bỏ qua hiện thực kinh tế, được xây dựng trên cơ sở của cái định luật được trình bày trong Quotations from Chairman Mao (Trước tác của Mao Chủ Tịch - thường gọi là Cuốn sách đỏ của Mao và là tác phẩm duy nhất lưu hành ở Trung Quốc lúc đó). Định luật này nói rằng nhân dân Trung Quốc là một tờ giấy trắng (tabula rasa). 
Bên cạnh những đặc điểm khác, 600 triệu nhân dân Trung Quốc còn có đặc điểm là “nghèo nà và trong trắng”. Tưởng như đấy là xấu, nhưng trên thực tế đấy lại là tốt. Vì nghèo nên muốn thay đổi, muốn hành động, muốn làm cách mạng. Còn trên một tờ giấy trắng, chưa một vết nhơ nào, ta có thể viết những chữ tượng hình đẹp nhất và rõ ràng nhất, có thể vẽ những bức tranh đẹp nhất và rực rỡ nhất[73]
Người ta đã nói về một dân tộc có lịch sử dựng nước hàng ngàn năm như thế đấy. 
Khi người ta đã quyết tâm thì không khó khăn nào có thể cản trở được: một trong những khẩu hiệu của đại nhảy vọt nói: “Chúng ta sẽ dạy cho mặt trời mặt trăng đổi chỗ cho nhau; chúng ta sẽ tạo ra những thiên đường mới và vùng đất mới cho con người”. Như vậy nghĩa là, chủ nghĩa Marx, vốn được xây dựng như một học thuyết hoàn toàn duy vật, nhưng nhờ cố gắng của một nhà độc tài tự nhận là Marxist ở Trung Quốc đã biến thành lý thuyết của chủ nghĩa duy tâm không tưởng, buộc hiện thực phải khuất phục ý chí của con người. 
Đại nhảy vọt đã làm cho hoạt động kinh tế gặp rối loạn đến mức người ta phải từ bỏ chính sách này. Riêng số người chết đủ làm ta kinh hoàng. Sau khi Mao chết, các nhà nhân khẩu học Mỹ mới có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu của Trung Quốc và họ khẳng định rằng, ít nhất đã có 30 triệu người chết đói, thế mà lúc đó thế giới không hề hay biết[74]. Nhưng, thất bại không làm Mao nản chí, lòng ham mê làm những việc vĩ đại của ông ta đã trở thành bệnh hoạn. Năm 1966, cảm thấy ngày càng bị cô lập, Mao phát động một chiến dịch mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, lần này là để chống lại những người lao động trí óc và các quan chức của Đảng mà ông ta sợ là có khả năng đưa Trung Quốc vào con đường phản bội như Liên Xô. Thanh niên thành phố được huy động vào các đội Hồng Vệ binh để tiến hành cái gọi là Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản, nhưng đúng hơn phải gọi là cuộc phản cách mạng tai hại về văn hoá. Việc một nhà cầm quyền vừa bị bệnh vĩ cuồng, vừa muốn khuấy động tinh thần cách mạng của dân chúng đã làm ngưng đọng hẳn đời sống văn hoá của quốc gia quả là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Trong suốt mấy năm, Trung Quốc, một trong những nền văn minh lâu đời nhất, đã bị những đội quân man rợ phá hoại, vì chúng được dạy rằng bất cứ thứ gì nằm ngoài sự hiểu biết của chúng đều đáng bị đập tan. Vào lúc cao trào của chiến dịch, các trường học bị đóng cửa, tất cả sách vở, trừ sách giáo khoa và trước tác của Mao, đều bị tịch thu. Nhạc phương Tây cũng bị cấm. Hồng Vệ binh bắt các trí thức, nhiều người bị đấu tố, bị tra tấn, thậm chí bị giết. Hàng ngàn cán bộ Đảng cũng bị hành hạ như thế. Vụ tấn công vào tri thức như thế chỉ chấm dứt sau khi Mao, năm 1976. Hậu quả là cả một thế hệ không chỉ thất học mà còn bị què quặt cả về đạo đức lẫn tâm lý. 

Mặc dù, ở Trung Quốc bất kì người nào dám lên tiếng phê phán Đại nhảy vọt hoặc Đại Cách mạng Văn hoá đều có thể bị bỏ tù, ở phương Tây lại có một số trí thức bày tỏ cảm tình với sự dã man của Mao và cố gắng tìm sự thông thái trong những cuốn sách vô vị của ông ta. 
Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, đã đặt dấu chấm hết cho những thí nghiệm man rợ đó. Năm 1979, ông ta bắt đầu cuộc cải cách chính trị theo đường lối của thị trường tự do, làm sống lại tinh thần kinh doanh. Kể từ đó, Trung Quốc, về tư tưởng và hình thức cai trị thì vẫn là nhà nước cộng sản, nhưng đã chuyển sang con đường tư hữu hoá, nghĩa là, về thực chất đã từ bỏ một trong những nguyên tắc chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản: bãi bỏ tư hữu. 
__________________
Các phong trào và các chế độ cách mạng luôn luôn có xu hướng ngày càng trở thành cấp tiến hơn, ngày càng tàn nhẫn hơn. Chuyện đó diễn ra là do đáng lẽ sau khi gặp một số thất bại các nhà lãnh đạo phải xem xét lại các tiền đề biện hộ cho sự tồn tại của mình thì họ lại tiến hành thực thi các ý tưởng của mình bằng những biện pháp cứng rắn hơn, vì tin rằng nguyên nhân của thất bại là do thiếu kiên quyết. Cuối cùng, sau bao nhiêu cố gắng mà kết quả vẫn chỉ là con số không, chế độ bước vào đoạn mệt mỏi, thế hệ kế tục các cha-già-khai-quốc trở thành những kẻ tự mãn và sẵn sàng hưởng thụ, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra sau khi chế độ đã trải qua những hình thức phi nhân nhất. 
Nếu bản chất của chế độ Quốc xã thể hiện rõ nhất trong Holocaust [tàn sát hàng loạt người Do Thái – ND) thì chế độ Khmer Đỏ (1975-1978), hiện thân của chủ nghĩa cộng sản dưới dạng thuần khiết nhất, cho thấy rõ hình hài của nó sau khi đã được đưa đến mức độ hoàn thiện. Các lãnh tụ của nó, trên đường đi đến mục đích của mình là thành lập xã hội công bằng thực sự đầu tiên trên thế giới, đã không dừng lại trước bất cứ trở lực nào. Để hoàn tất nhiệm vụ này, họ sẵn sàng giết người, nếu cần thì bao nhiêu người cũng giết. Đấy là biểu hiện của tính kiêu ngạo vốn là bản chất của hệ tư tưởng cộng sản, biểu hiện của niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhóm tinh hoa trí thức đi theo chủ nghĩa Marx và không chấp nhận bất cứ giới hạn nào trong việc sử dụng vũ lực để cải tạo xã hội. Kết quả là sự tàn phá không thể nào tưởng tượng nổi. 
Các lãnh tụ Khmer Đỏ từng du học ở Paris, từng làm quen với quan niệm của Rousseau về “con người tự nhiên”, cũng như của Frantz Fanon và Jean-Paul Sartre về sử dụng bạo lực trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân (“Cần phải giết”, Sartre viết. “Lật đổ thằng Tây nghĩa là kết liễu cùng một lúc cả kẻ áp bức lẫn người bị áp bức”.) Sau khi trở về vùng núi Đông Bắc Campuchia, họ đã lập ra các đơn vị vũ trang gắn bó với nhau bằng kỉ luật sắt, binh lính phần lớn là thanh thiếu niên mù chữ hoặc gần như mù chữ, là con cái các gia đình nông dân nghèo khổ nhất. Binh lính, thường từ mười hai đến mười bốn tuổi, bị nhồi sọ liên tục lòng thù hận đối với tất cả những người không giống họ, nhất là với người thành thị và người thiểu số gốc Việt. Để giáo dục “cái thú sát sinh và chiến tranh” người ta đã cho chúng làm quen dần, giống như binh lính SS, bằng cách bắt phải hành hạ và giết các con vật. 
Đầu năm 1975 là thời kì hoàng kim của họ, đấy là lúc Khmer Đỏ lật đổ được chế độ Lon Nol do Mỹ dựng lên và chiếm được thủ đô Phnom Pênh. Đa số dân chúng không có khái niệm gì về tương lai đang chờ đợi mình, vì Khmer Đỏ vẫn tuyên truyền rằng sẽ tha cho tất cả những người từng phục vụ chế độ cũ và sẽ đoàn kết tất cả các giai cấp để chống lại “bọn đế quốc” và địa chủ. Nhưng vừa chiếm được Phnom Penh, quân Khmer Đỏ lập tức thực hiện chiến dịch đàn áp dự dội nhất. Coi thành phố là sào huyệt của mọi thứ tội lỗi – “Thành phố là hắc điếm của bọn phản bội và lừa đảo”, Fanon đã nói như thế - Khmer Đỏ hạ lệnh cho tất cả mọi người (2,5 triệu dân) phải rời khỏi thủ đô và các trung tâm đô thị khác. Người tản cư, về các vùng nông thôn, chỉ được mang theo những gì họ có thể vác trên vai. Sau một tuần, tất cả các thành phố Campuchia đều đã trở thành chỗ không người. Bốn triệu người, tức là 60% dân số, lâm vào cảnh lưu đầy, phải sống trong những điều kiện cực kì khó khăn, lao động nặng nhọc và đói khát. Tất cả các trường trung học và đại học đều đóng cửa. 
Tiếp đó là những vụ thảm sát. Dù khâm phục và học tập Mao trong nhiều lĩnh vực, nhưng Pol Pot không để mất thì giờ cho việc “cải tạo”, mà lập tức tiến hành thủ tiêu những người mà ông ta cho là kẻ thù thực sự hay kẻ thù tiềm năng của chế độ mới: tất cả các công chức và quân nhân của chế độ cũ, các điền chủ, giáo viên, nhà buôn, tu sĩ Phật giáo và ngay cả công nhân có tay nghề. Những người thuộc các thành phần như thế bị coi là công dân loại hai và bị tước hết mọi quyền lợi, kể cả quyền được phát lương thực; họ bị mang đi hành quyết hoặc phải lao động khổ sai và chết vì kiệt sức. Số nạn nhân có thể chiếm đến hơn hai phần ba dân số cả nước. Họ thường xuyên bị bắt, bị hỏi cung và tra tấn cho đến khi phải vu cáo những người khác rồi bị giết. Có những trường hợp toàn bộ gia đình, kể cả trẻ em, cùng bị hành quyết vì Pol Pot cho rằng tư tưởng đối địch và tình cảm lạc hậu là do địa vị xã hội, học vấn hoặc nghề nghiệp của người ta mà ra, đấy là “các loại vi trùng độc hại” sẽ gây ra bệnh dịch. Đảng viên bị nghi là có khả năng nhiễm bệnh cũng bị thủ tiêu. Quân Việt Nam sau khi đánh đuổi được Khmer Đỏ đã phát hiện được hàng núi đầu lâu của các nạn nhân. 
Nông dân cũng không được yên thân, họ bị dồn vào các “hợp tác xã”, được xây dựng theo mô hình Trung Quốc. Nhà nước tịch thu tất cả lương thực thực phẩm do các công xã làm ra, rồi chất vào kho, như thời các Pharaoh Ai Cập, và phân phối lại theo ý mình. Trật tự truyền thống ở làng quê bị phá vỡ, lương thực thiếu hụt, nạn đói xảy ra trên diện rộng sau các vụ hạn hán vào năm 1978-1979. 
Số người bị giết ngày một nhiều thêm. Người ta bị giết chỉ vì đi làm muộn, vì phàn nàn về khẩu phần ăn, vì phê phán chính phủ hay quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Sự dã man có thể so sánh với tội ác của Quốc xã. Ở biên giới với Việt Nam: 
Lính Khmer Đỏ có thể bắt phụ nữ Việt Nam, hiếp rồi sau đó tống nòng súng hay báng súng vào cửa mình họ. Chúng rạch bụng phụ nữ có chửa, lôi con ra rồi dùng nó để đập vào mặt người phụ nữ đang hấp hối. Bọn thanh niên còn tìm thú vui bằng cách cắt vú những phụ nữ Việt Nam có thân hình đồ sộ[75]
Có tin nói rằng có những trường hợp chúng bắt trẻ con giết chính cha mẹ mình. 
Số người bị giết làm người ta hoảng sợ. Theo các số liệu có thể tin cậy được, dân số Campuchia trước khi quân Khmer Đỏ chiếm được chính quyền là 7,5 triệu người, đến khi Việt Nam đánh đuổi được Khmer Đỏ, cuối năm 1978, dân số nước này đã giảm xuống chỉ còn 5,8 triệu người. Nếu để phát triển tự nhiên, sau bốn năm số dân đáng lẽ phải là hơn 8 triệu[76]. Nói cách khác, chế độ Pol Pot đã làm thiệt mạng khoảng 2 triệu người, tức là hơn một phần tư dân số cả nước. Nạn nhân chủ yếu là những thành phần có học và có tay nghề cao. Cuộc thí nghiệm đen tối này được gọi là “tai hoạ gần như vô tiền khoáng hậu của nhân loại, nó có thể xảy ra là vì các lý thuyết gia đã áp đặt kế hoạch khổng lồ của mình cho dân tộc Khmer”[77]*. 
* Một số trí thức phương Tây không muốn lên án cộng sản vì vụ tàn sát chưa từng có này, mà lại đổ cho người Mỹ. Trong giai đoạn 1969– 1973, Mỹ đã ném bom Campuchia nhằm tiêu diệt lực lượng Việt Cộng đang đóng ở nước này. Nhưng thật khó hiểu vì sao lóng hận thù Mỹ lại dẫn đến vụ tàn sát hai triệu người của chính dân tộc mình.
Cần phải nói rằng trên khắp thế giới đã không có một cuộc biểu tình phản đối nào và Liên Hợp Quốc cũng không đưa ra nghị quyết lên án nào. Thế giới đã tỏ ra bình thản vì người ta cho rằng các tội ác đó được thực hiện nhân danh những mục đích cao cả. 
_____________
Chế độ theo đường lối Marxist của Salvador Allende ở Chile trong những năm 1970-1973 là một trường hợp đặc biệt, tức là người ta định thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản trong một nước dân chủ và bằng những biện pháp dân chủ. 
Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nắm quyền ở Chile trong suốt những năm 1960, lãnh tụ của họ, Eduardo Frei Montalva, đã thực hiện chính sách cấp tiến trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội. Cụ thể, Frei đã tiến hành cải cách ruộng đất, trưng mua ruộng của các điền chủ lớn. Frei cũng quốc hữu hoá phần lớn ngành công nghiệp khai thác mỏ. Các biện pháp này đã dẫn đến kết quả là xã hội bị chia rẽ, phái hữu cho rằng các biện pháp đã đi quá xa trong khi phái tả lại cho rằng chưa đủ. Chính phủ Frei còn bị nạn lạm phát làm mất lòng dân thêm, trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1970, lạm phát đã là 37%. 
Trong cuộc bầu cử năm đó, ba ứng viên Tổng thống nhận được số phiều gần như bằng nhau. Bác sĩ Salvador Allende, người theo quan điểm Marxist, đại diện cho Đảng Thống nhất Dân tộc, Liên minh Cộng sản và Xã hội chủ nghĩa nhận được nhiều phiếu nhất (36,3%). Người thứ hai, ứng viên bảo thủ, nhận được 34,9% phiếu bầu. Vì không ứng viên nào giành được đa số nên vấn đề được đưa ra giải quyết tại Quốc hội. Trong hai tháng sau đó, Allende đã kí thoả thuận với Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo để đảng này ủng hộ ông với điều kiện là ông chấp nhận tuân thủ Hiến pháp Chile, trong đó có việc tôn trọng pháp luật và bảo đảm đa nguyên chính trị. Sau khi đưa điều đó vào Luật về việc bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội Chile đồng ý để Allende giữ chức Tổng thống.
Như vậy là khởi kì thuỷ “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội” do Allende lựa chọn đã có những rào chắn, cản trở việc thực hiện các cải cách cấp tiến của những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản đã bầu cho ông ta. Tuy là người hâm mộ Fidel Castro, nhưng dường như Allende chỉ là một người mộng mơ lý tưởng chứ không phải là một nhà cách mạng cuồng tín. Trong khi đó, những người giáo điều ủng hộ ông ta quyết tâm thiết lập “chuyên chính vô sản” theo mô hình Liên Xô lại cứ cố đẩy ông sang phía tả, mỗi khi ông gặp thất bại, làm cho ông càng ngày càng trở thành cấp tiến hơn. Allende cho rằng có thể đạt được các mục tiêu xã hội chủ nghĩa bằng những biện pháp hòa bình, với điều kiện là những cuộc cải cách đang được tiến hành sẽ càng ngày càng được nhiều người ủng hộ hơn. Đảng Cộng sản ủng hộ chiến lược này, vì họ tin rằng ở Chile, họ có thể đạt được mục tiêu bằng con đường hoà bình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần vì các đạo luật xã hội chủ nghĩa do Allende ban hành đã làm cho đa số dân chúng càng ngày càng xa lánh ông, phần khác, là vì các đạo luật đó đã làm cho nền kinh tế suy sụp hoàn toàn. 
Trong “Chính phủ thống nhất dân tộc”, Allende giao cho những người cộng sản lãnh đạo các bộ kinh tế, những người này lập tức tiến hành quốc hữu hoá những gì còn sót lại trong ngành khai khoáng, hệ thống ngân hàng và phần lớn ngành công nghiệp chế biến. Các biện pháp này đều được thực hiện trên cơ sở những chỉ thị nhằm tránh né cơ quan lập pháp. Việc tịch thu tài sản các mỏ đồng của công ty Anaconda & Kennecott đã chặn đứng việc đầu tư của các công ty ngoại quốc. Liên Xô lập tức ra tay nghĩa hiệp, bằng cách cung cấp cho Allende một khoản vay lên đến nửa tỷ USD. Một số nước khác cũng đề nghị giúp đỡ, nhưng vẫn không cứu được nền tài chính đã tan hoang của Chile. Để có tiền trang trải cho các khoản chi tiêu khác nhau, trong đó có việc nâng lương, chính phủ đành phải quay về với máy in tiền, dưới thời Frei lạm phát chưa bao giờ đạt mức độ như thế: số tiền mới được tung ra trong ba năm cầm quyền của Allende đã tăng lên đến mười lăm lần, còn lạm phát tăng lên đến 300% chỉ trong một năm. 
Cùng với quá trình quốc hữu hoá các xí nghiệp công nghiệp, chính phủ còn tiến hành tập thể hoá trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ đã tỏ ra dễ dãi trước các vụ chiếm đất, thậm chí còn khuyến khích những việc như thế. Kết quả, sản xuất lương thực giảm sút nghiêm trọng, sản lượng lúa mì giảm một nửa. Thiếu hụt lương thực trở thành trầm trọng: trước ngày chính phủ Allende sụp đổ, dự trữ bột mì của cả nước chỉ còn đủ dùng trong bốn ngày. 
Các cuộc biểu tình phản đối ngày một nhiều hơn. Mạnh mẽ nhất là các chủ nhân xe tải, đây là các chủ doanh nghiệp nhỏ phản đối kế hoạch của chính phủ đưa công ty vận tải quốc doanh ra cạnh tranh với họ. Hai cuộc đình công với 700 ngàn người tham gia đã làm ngưng trệ hoàn toàn hệ thống giao thông, rất nhiều ngành kinh tế vì thế cũng không thể hoạt động được. Trong các nước cộng sản chính cống, những hành động như thế sẽ bị coi là âm mưu phản cách mạng, theo chỉ đạo của CIA và bị đàn áp. Nhưng Chile dưới quyền Allende, dù chính phủ kiểm soát đài phát thanh và phần lớn báo chí, tự do ngôn luận vẫn còn mạnh, đàn áp có thể dẫn đến bạo loạn trong toàn quốc. Các đảng đối lập vẫn hoạt động và tiếp tục chỉ trích chính phủ. Điều quan trọng là quốc hội và toà án tối cao vẫn hoạt động.
Tháng 8 năm 1973, Hạ viện thông qua nghị quyết kết luận rằng Allende vi hiến, bằng cách tự ý giành quyền lập pháp, coi thường pháp luật và gây cản trở tự do ngôn luận với 81 phiếu thuận và 45 phiếu chống. Toà án tối cao cũng ra phán quyết lên án Allende vì đã buộc các cơ quan tư pháp phục vụ mục đích chính trị. Vì trong Hiến pháp Chile không có điều khoản luận tội và cách chức Tổng thống (Impeachment) nên Hạ viện đã đề nghị quân đội khôi phục luật pháp quốc gia. Mười tám ngày sau, quân đội, đứng đầu là tướng Augusto Pinochet, đã dùng vũ lực lật đổ Allende*. Nền độc tài được thành lập sau đó đã thực hiện những vụ khủng bố dã man nhắm vào những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản thua cuộc. 
* Trái với tin đồn vẫn thịnh hành, CIA không có vai trò gì trong việc hạ bệ Allende. Chính phủ Hoa Kì và các công ty tư nhân đã tìm cách giúp đỡ những lực lượng phi cộng sản trong cuộc bầu cử năm 1970 bằng cách giúp đỡ về tài chính, để cân bằng với những khoản việc trợ của Liên Xô và Cuba cho Allende. Sau này Washington cũng trợ giúp tài chính cho báo chí chí độc lập với chính phủ, nhưng tiếp xúc với các quân nhân lật đổ Allende thì không. Đây hoàn toàn là công việc nội bộ của Chile. Xem thêm James R. Whelan, Out of the Ashes (tạm dịch: Thoát khỏi đống tro tàn), Washington, DC, 1989, р. р. 1027–1048.
__________________
Cuba là nhà nước cộng sản đầu tiên và duy nhất đứng vững được ở châu Mỹ Latin, đây là trường hợp điển hình về nền độc tài cá nhân của một chính khách có tính háo danh vô bờ bến, người đã dùng tư tưởng cộng sản để biện hộ cho tính háo danh của mình. “Về mặt lịch sử… chủ nghĩa Castro là lãnh tụ đi tìm cho mình một phong trào, phong trào đòi quyền lực và quyền lực đang tìm hệ tư tưởng riêng của mình[78]
Trái với các quan niệm vẫn thịnh hành, Cuba thời tiền cộng sản không phải là nước lạc hậu cũng chẳng phải là nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Mức sống của người dân đứng thứ hai ở châu Mỹ Latin (chỉ sau Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn); dân chúng đa số đều biết đọc biết viết và sống ở thành phố*. Nói rằng nền kinh tế Cuba dựa vào đường là cũng không đúng: đường, trên thực tế, là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu nhưng chỉ chiếm một phần ba, thậm chí ít hơn một phần ba, thu nhập quốc dân. Nói cách khác, Cuba không phải là nước nghèo nàn và lạc hậu, những thứ vốn được coi là tiền đề cho cách mạng cộng sản. 
* Sự phát triển của các sự kiện ở Chile và Cuba dường như trái ngược với những điều đã được trình bày ở đầu chương này, tức là cộng sản thường thành công ở những nước không có chế độ tư hữu và chưa biết tới dân chủ. Nhưng ở hai nước này, cộng sản giành được quyền lực không phải bằng cách mạng xã hội. Ở Chile, họ đã thiết lập được chính phủ bằng con đường hòa bình, trên cơ sở thỏa thuận với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, và họ đã lập tức vi phạm thỏa thuận này. Ở Cuab, như sẽ được chỉ ra sau đây, họ giành được quyền lực vì đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân, chống lại nhà độc tài bị nhân dân căm thù nhằm phục hồi chế độ dân chủ.
Cộng sản chiếm được Cuba là do các cuộc khởi nghĩa do giai cấp trung lưu nổi lên chống lại chế độ độc tài của F. Batista, vì năm 1952 ông ta đã bãi bỏ hiến pháp do chính ông ta công bố trong giai đoạn cầm quyền hợp pháp trước đó (1933-1944). Fidel Castro là con một điền chủ giầu có, sinh viên đại học luật La Habana, đã giành được quyền lực trong làn sóng phản đối đó. Là người có tư tuởng tả khuynh, nhưng phải nói rằng ông ta không phải là cộng sản: hơn thế nữa, ông ta chẳng có có tư tưởng gì, ông ta chỉ là kẻ đam mê quyền lực mà thôi. Chủ nghĩa Marx-Lenin là do Che Guevara, nhà cách mạng người Argentina, nhồi nhét cho ông ta. Cương lĩnh của Castro nhắm đến sự đoàn kết tất cả các giai cấp xung quanh ông ta, nhấn mạnh, trước hết, nhu cầu phục hồi hiến pháp 1940. 
Nhưng, ngay sau khi giành được quyền lực độc tài, vốn là kết quả của cuộc cách mạng toàn dân, Castro lập tức “ngả” sang phía tả. Ông ta thiết lập chính phủ độc đảng, rồi thực hiện cải cách ruộng đất mang tính cấp tiến và sau khi được Liên Xô khuyến khích, ông ta đã tiến hành quốc hữu hoá tất cả tài sản các công ty Mỹ trên đất Cuba, Tổng thống Eisenhower đáp trả bằng biện pháp cấm vận thương mại. Cấm vận càng làm cho Cuba lệ thuộc vào Liên Xô hơn. Ban đầu, tuy ủng hộ Castro, nhưng Moskva vẫn tỏ ra thận trọng và dè chừng trước phản ứng của Mỹ, nhưng rồi đã bị lôi kéo vào đường lối của Cuba, nhất là sau khi Castro tuyên bố,  Cuba là “nước xã hội chủ nghĩa”. Thất bại của vụ xâm nhập Vịnh Con Lợn do Mỹ tổ chức (tháng 4 năm 1961), rồi vụ khủng hoảng trên vùng biển Caribê (tháng 10 năm 1962) đã dẫn đến kết quả là Washington buộc phải tôn trọng chủ quyền của Cuba và hòn đảo này trở thành một phần của khối Xô Viết. Trong thời gian diễn ra khủng hoảng, Fidel từng yêu cầu Liên Xô tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí nguyên tử, nhân danh chiến thắng của sự nghiệp “xã hội chủ nghĩa”[79] trên toàn thế giới - ông ta sẵn sàng hy sinh đất nước Cuba. Moskva trở thành chỗ dựa kinh tế chủ yếu của Cuba, Liên Xô mua phần lớn số đường do Cuba sản xuất với giá cao hơn thị trường thế giới, và cung cấp cho nước này dầu lửa và rất nhiều loại hàng hoá công nghiệp khác, cũng như các khoản vay khá hào phóng. Theo các số liệu do Raul Castro, em trai Fidel, cung cấp, thì trước khi sụp đổ, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Cuba thiết bị quân sự trị giá 10 tỷ USD. Về kinh tế, Cuba gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô. 
Đổi lại, Castro ủng hộ mọi hành động của Liên Xô trên trường quốc tế, từ vụ can thiệp vào Tiệp Khắc cho đến vụ xâm lược Afghanistan; ông ta cũng để cho Moskva đặt các trạm tình báo chuyên nghe trộm và lãnh trách nhiệm truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Trung và Nam Mỹ. Tại đại hội thành lập ở La Habana năm 1967, Tổ chức đoàn kết Mỹ Latin (OLAS) ra lời kêu gọi tiến hành chiến tranh du kích tại tất cả các nước Mỹ Latin. 
Ở trong nuớc, Fidel áp dụng chế độ theo đúng mô hình Liên Xô. Trong vòng mười năm sau khi ông ta cầm quyền, tất cả các lĩnh vực kinh tế, trừ ngành nông nghiệp, đều bị quốc hữu hoá, chỉ một phần ba ngành nông nghiệp còn nằm trong tay các điền chủ nhỏ và trung bình. Đảng nắm độc quyền cai trị đất nước. 
Công nhân bị buộc phải tham gia các tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý, công nhân bị tước quyền thành lập các tổ chức độc lập, không được quyền đàm phán với người sử dụng lao động và không được quyền đình công. Có một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xã hội, như giáo dục, y tế và nhà ở, nhưng chủ yếu là do tài sản tích cóp được trong thời tiền cộng sản. Bất đồng ý kiến được giải quyết theo hai cách: cho xuất ngoại phần lớn tầng lớp trung lưu và tổ chức các toà án cách mạng, cũng như các trại “cải tạo lao động” theo mô hình Liên Xô. 
Mặc dù thần thánh hoá lãnh tụ là việc “thường ngày” của cộng sản, nhưng phần lớn các lãnh tụ cộng sản, giống như thánh thần, lại không thích xuất đầu lộ diện. Nhưng đấy không phải là trường hợp của Castro: ông ta hiện diện khắp nơi, buộc quần chúng phải nghe ông ta thuyết phục, động viên, đe doạ nhiều giờ đồng hồ liền. Lời lẽ khoa trương của ông ta thường nhấn mạnh xu hướng bài Mỹ, ông ta coi Mỹ là cội nguồn của cái ác và là nguồn gốc của tất cả những khó khăn của Cuba. 
Mức sống của dân chúng liên tục giảm, một phần là do sự phản đối một cách thụ động của công nhân và nông dân, một phần là do những người năng động và có học đã di cư sang Mỹ. Chế độ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô. 
Những tưởng như với tình hình như thế, sau khi Liên Xô tan rã và chính phủ Yeltsin từ chối giúp đỡ thì chế độ của Castro chắc chắn sẽ cáo chung. Nhưng, hoá ra ông ta đã vượt qua được. Để có thể sống còn, ông ta buộc phải nhượng bộ các nhà tư sản nước ngoài, buộc phải tạo cho họ một số điều kiện đầu tư nhất định. Đồng USD được tự do lưu chuyển. Chế độ đã phải tìm mọi cách để phát triển ngành du lịch, chế độ không những tìm mọi cách quảng bá các bãi biển và khu nghỉ dưỡng giá rẻ mà còn quảng bá cả sắc đẹp và sự dễ dãi của các cô gái Cuba nữa. Năm 1992, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Castro còn ca ngợi cả tính ưu việt của gái điếm địa phương, ông ta tuyên bố rằng Cuba là nước có tỉ lệ người mắc bệnh AIDS thấp nhất thế giới. Nhờ những chiến dịch như thế, năm 1999 đã có 1,7 triệu du khách tới Cuba, làm cho nước này trở thành “một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất cho các sex-tour, chẳng khác gì Thái Lan”[80]
__________________
Nếu trong những giai đoạn đầu, người ta còn thấy ở Mao, thậm chí ở cả Pol Pot, một vài lý tưởng xã hội chủ nghĩa nào đó, thì ở các phần khác của Thế giới Thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi lòng đam mê lý tưởng hoàn toàn vắng bóng. Các chính khách háo danh ở đây chỉ có những hiểu biết tối thiểu về chủ nghĩa cộng sản và lịch sử của phong trào này, họ viện đến Marx và Lenin nhằm hai mục tiêu: làm giàu cá nhân và nhận viện trợ của khối cộng sản trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù cả bên trong lẫn bên ngoài. 
Mengistu Haile Mariam của Ethiopia, kẻ, trong giai đoạn từ 1974 đến 1991 đã biến nước mình thành tay sai của Liên Xô, là thí dụ điển hình của lối hành xử bịp bợm đó. Vốn là thành viên của một nhóm sĩ quan quân đội bất mãn vì con đường hoạn lộ, tháng 9 năm 1974, thiếu tá Mengistu tham gia vào một cuộc bạo loạn lật đổ quốc vương Haile Selassie. Chính quyền rơi vào tay uỷ ban gọi là Derg, Mengistu là một nhân vật quan trọng của uỷ ban này. Chẳng bao lâu sau, xung đột bùng lên ngay trong nội bộ Derg, ba tháng sau, Mengistu tiến hành đảo chính quân sự và giành được quyền lực. Ông ta tuyên bố Ethiopia là nước xã hội chủ nghĩa và ngay lập tức tiến hành quốc hữu hoá các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Tháng 3 năm 1975, ông ta huỷ bỏ quyền tư hữu ruộng đất và buộc nông dân phải ra nhập các công xã được xây dựng theo mô hình của Mao. 
Năm 1976, Mengistu khởi sự cuộc “khủng bố đỏ”: rất nhiều nạn nhân, hàng ngàn người, vốn là sinh viên theo trường phái Marxist. Khoảng mười ngàn nhân viên các cơ quan đặc vụ của Liên Xô và Đông Đức được gửi tới để giúp tiến hành chiến dịch giết người này. Trước đó, Liên Xô, bằng cách ủng hộ chế độ “chủ nghĩa xã hội khoa học” do tập đoàn quân phiệt dựng lên ờ Somalia, đã chiếm được tiền đồn ở vùng Sừng châu Phi, nay bỏ rơi nước này để chuyển sang ủng hộ Ethiopia. Năm 1977, khi quân Somalia xâm nhập Ethiopia nhằm chiếm vùng Agadena, khối cộng sản đã dành cho nước này một sự giúp đỡ to lớn, trong đó có việc gửi tới đây gần 15 ngàn lính đánh thuê Cuba. Nhờ sự trợ giúp quân sự đó mà khối cộng sản giành được ảnh hưởng đáng kể ở Ethiopia. Sự giúp đỡ của khối cộng sản đóng vai trò quyết định trong việc giáng trả cuộc xâm lược của Somalia, cũng như đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở Eritrea. 
Nền kinh tế vốn đã suy sụp do chính sách tập thể hoá cưỡng bức, lại còn bị những trận hạn hán liên tiếp hoành hành, kết quả: trong các năm 1984-1985 đã xảy ra nạn đói với gần một triệu người thiệt mạng. Địa vị của Mengistu lung lay ngay sau khi Đông Đức sụp đổ vào năm 1989; năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã ông ta rơi vào tình trạng cô lập hoàn toàn. Bị lật đổ ngay trong năm 1991, ông ta phải chạy sang tị nạn ở nước Zimbabwe. Thế là chấm dứt câu chuyện về “thí nghiệm Marxist-Leninist thành công nhất ở châu Phi”[81]
Ngoài chế độc tài quân sự tàn nhẫn bắt chước Liên Xô và Trung Quốc, nhưng được cải biến cho phù hợp với nhu cầu chính trị, thật khó tìm thấy bất cứ dấu hiệu gì của cái gọi là chủ nghĩa xã hội trong cái nước mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa này”. 
_____________
Trong những năm 1970 và 1980, trong Thế giới Thứ ba cũng như ở châu Âu và Nhật Bản đã xuất hiện các phong trào khủng bố, tấn công vào các thiết chế dân chủ và chủ nghĩa tư bản, nhân danh chủ nghĩa Marx-Lenin, Stalin hay Mao, mặc dù trên thực tế, các phong trào này có nhiều điểm chung với chủ nghĩa vô chính phủ hơn. 
Điển hình là Đảng Cộng sản Peru, thường được biết đến với tên “Con Đường Sáng”, do Abimael Guzmán Reynoso, một cựu giáo sư triết học thành lập, có nhiều trí thức trẻ tham gia. Đảng này chuyên kích động sự bất bình của người da đỏ và dùng khủng bố như là biện pháp thực hiện cương lĩnh Maoist của mình. Các vụ khủng bố do Đảng này thực hiện đã làm 25 ngàn người thiệt mạng và gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Peru. Năm 1992, Guzmán bị bắt, phong trào hoàn toàn tan rã. 
Trong một loạt nước châu Mỹ Latin khác, ví dụ như Columbia, “chủ nghĩa Marx” đã và vẫn là bình phong che đậy cho các băng đảng vũ trang (gọi là Lực lượng Vũ trang Cách mạng và Quân đội Giải phóng Quốc gia) chuyên khủng bố, bắt cóc, tống tiền và buôn lậu ma tuý. Theo các tài liệu hiện có, từ năm 1964 đến nay, hai tổ chức này đã làm 120 ngàn người Columbia thiệt mạng và 2 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. 
_________________
Có thể thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những nước cộng sản không chỉ trong cách thức thành lập chế độ mà cả trong những hậu quả do các chế độ ấy gây ra. Mức sống suy giảm đáng kể kéo theo nạn đói, hạn hán dường như cũng có một mối liên hệ siêu nhiên nào đó với các chế độ cộng sản. Việc bãi bỏ quyền tự do và quyền công dân nhân danh công bằng, bao giờ cũng kéo theo sự xuất hiện một lãnh tụ tối cao, gọi là đại nguyên soái hay leader maximo, tập trung trong tay tất cả quyền lực mà ông ta đã tước đoạt của các thần dân và được các thần dân coi là thánh sống. Cái thành quả như thế rõ ràng là trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa Marx, theo đó, chủ nghĩa cộng sản là kết quả hoạt động của các lực lượng kinh tế phi cá tính và là tác nhân vun đắp một nền tự do vô bờ bến cho tất cả mọi người. 










VI. Nhìn lại 

Chủ nghĩa Marx là một giấc mộng hão huyền vĩ đại nhất thế kỷ (XX)[82].  
Đã đến lúc trả lời cho câu hỏi được nêu ra ngay trong lời nói đầu: đâu là nguyên nhân thất bại của chủ nghĩa cộng sản – thực thi sai hay nó có những khiếm khuyết thuộc về bản chất? Các bằng chứng lịch sử nghiêng hẳn về vế thứ hai. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một hệ tư tưởng tốt, bị người ta đối xử không đúng, mà là một hệ tư tưởng sai ngay từ đầu. 
Từ năm 1917, nghĩa là từ khi những người Bolshevik cướp được chính quyền ở nước Nga, mưu toan xây dựng xã hội theo các nguyên tắc cộng sản đã được lặp đi lặp lại hàng chục lần trên khắp thế giới. Moskva hào phóng giúp đỡ cả về tiền bạc lẫn vũ khí và định hướng. Nhưng rồi tất cả đều thất bại. Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay ở nước Nga và hôm nay, nó chỉ còn tồn tại trong mấy nước: Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba, nhưng ở đây nó cũng đang trong quá trình phân rã; để giữ chính quyền, cộng sản đã phải nhượng bộ rất nhiều. Kết quả của cuộc thí nghiệm đáng buồn đó cho phép ta giả định rằng các tiền đề hay cương lĩnh cộng sản hoặc cả hai đều có những khiếm khuyết không thể khắc phục được. 
Trước hết hãy xem xét sự tan rã của Liên Xô, nhà nước cộng sản đầu tiên và cũng là động cơ chủ yếu của toàn bộ phong trào cộng sản quốc tế. Các nghiên cứu được công bố sau năm 1991 đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân: kinh tế trì trệ, công dân Liên Xô có điều kiện tiếp xúc với các nguồn thông tin nước ngoài, thất bại ở Afghanistan, không đủ sức theo đuổi cuộc chạy đua vũ trang v.v… Chính quyền bất lực trước phong trào bất đồng chính kiến ở trong nước và sau đó, phong trào Đoàn kết ở Ba Lan đã làm cho tinh thần ban lãnh đạo Liên Xô suy sụp. Lời thách thức chủ nghĩa cộng sản do Tổng thống Reagan tung ra đã làm cho ban lãnh đạo Liên Xô, những người vẫn tin rằng sau thất bại ở Việt Nam người Mỹ sẽ không còn hứng thú với chiến tranh lạnh nữa và sẽ lui về chủ nghĩa biệt lập, càng thêm lúng túng. Không nghi ngờ gì rằng tất cả các sự kiện đó đều có vai trò nhất định. Nhưng chúng không thể làm sụp đổ được một đế chế đầy tiềm lực, nếu như đấy là một cơ thể khoẻ mạnh. Chúng chỉ phát huy tác dụng với một cơ thể ốm yếu mà thôi.
Chủ nghĩa Marx, cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng sản đã mang sẵn trong mình hạt giống của sự tự huỷ, tương tự như các hạt giống mà Marx và Engels đã nhận thấy, một cách sai lầm, trong chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa Marx hình thành trên một triết lý sai lầm về lịch sử và một học thuyết tâm lý phi thực tế. 
Luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx về sở hữu tư nhân là hoàn toàn sai. Luận điểm này cho rằng sở hữu tư nhân, mà nó cố gắng tiêu diệt, là một hiện tượng lịch sử nhất thời, chỉ tồn tại trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ và giai đoạn sau chót của nó mà thôi. Các chứng cớ hiện có đều chứng tỏ rằng đất đai, nguồn gốc chủ yếu của tài sản vào thời tiền sử, nếu không nằm trong tay nhà vua thì cũng nằm trong tay các bộ lạc, gia đình hay cá nhân riêng lẻ. Gia súc cũng như thương mại và vốn liếng luôn luôn và khắp nơi đều nằm trong tay tư nhân. Từ đó có thể rút ra kết luận rằng sở hữu tư nhân không phải là một hiện tượng nhất thời mà là một thành tố thường trực của xã hội và vì thế mà không thể bãi bỏ được. 
Quan điểm của chủ nghĩa Marx về khả năng cải tạo ngay cái bản chất của con người cũng có khiếm khuyết không kém. Quan niệm này cho rằng, bằng cưỡng ép và giáo dục, có thể tạo ra những con người hoàn toàn không còn ước mơ sáng tạo, những con người sẵn sàng tan biến vào xã hội, cái xã hội mà Plato mường tượng: “riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống”. Giả sử như các chế độ cộng sản, bằng những cố gắng vô bờ bến, có đạt được điều đó thì họ cũng không thể nào giữ được thành quả. Các chuyên gia huấn luyện thú đều biết rằng sau một thời gian luyện tập các con thú có thể làm được một số trò, nhưng nếu để cho tự do thì chúng sẽ quay về với những hành vi tự nhiên. Hơn thế nữa, các đức tính tốt do học hỏi mà có không có tính di truyền, thế hệ kế tiếp sẽ bước vào thế giới với những ước mơ không phải là cộng sản và trong số đó, có ước mơ sáng tạo, một mơ ước không phải là không có ý nghĩa. Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản đã thất bại vì nó không thể làm thay đổi được bản chất của con người. Mussolini đã rút ra kết luận như thế vào năm 1920, lúc đó ông ta đã ra nhập đảng phát xít nhưng vẫn còn cảm tình với cộng sản: 
Lenin là một nhà điêu khắc, ông ta làm việc với con người trong khi các nhà điêu khắc khác làm việc với đá hay kim loại. Nhưng con người lại cứng hơn đá hoa cương và không thể đúc được như kim loại. Chẳng có tuyệt tác nào cả. Điêu khắc gia đã thất bại. Nhiệm vụ vượt quá năng lực của ông ta[83]
Thế giới hiện thực đã buộc các chế độ cộng sản phải coi bạo lực là biện pháp quản lý thường trực. Muốn bắt người ta từ bỏ sở hữu và hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của nhà nước thì phải trao cho các cơ quan quản lý quyền lực tuyệt đối. Chính Lenin đã hiểu như thế khi nói rằng “chuyên chính vô sản” là “chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào”. 
Kinh nghiệm cho thấy, chế độ như thế có thể tồn tại được: chế độ này đã được áp đặt lên nước Nga và những nước nằm dưới quyền kiểm soát của nó như Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Campuchia và một loạt các nước khác ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Nhưng cái giá phải trả là sự đau khổ không thể nào đo đếm được; những nỗi khổ đau mà nhân dân phải chịu đựng đã làm tiêu ma mục đích chính của các chế độ này, mà cụ thể là bình đẳng. 
Khi biện hộ cho chế độ dựa trên bạo lực, Lenin tin rằng đấy chỉ là tạm thời và sau khi đã hoàn thành niệm vụ, nhà nước chuyên chính sẽ cáo chung. Nhưng ông ta đã quên mất rằng cái khái niệm trừu tượng gọi là “nhà nước” lại bao gồm những con người mà dù vai trò lịch sử của họ có là gì đi nữa thì họ vẫn có những quyền lợi cá nhân. Mặc dù xã hội học Marxist cho rằng nhà nước chỉ phục vụ giai cấp hữu sản, bản thân nó không có quyền lợi gì; nhưng, trên thực tế, chẳng bao lâu sau, các viên chức của nó đã tự tạo ra một giai cấp mới. “Đảng tiên phong”, tổ chức có sứ mệnh mở đường tiến vào thời đại mới, trở thành giá trị tự thân và mục đích tự thân. 
Nhà nước, đúng hơn phải nói, đảng cộng sản, không còn cách nào khác hơn là phải nuông chiều giai cấp mới này, vì, nó chính là lực lượng bảo vệ quyền lực cho đảng. Dưới chế độ cộng sản, tầng lớp quan liêu phát triển với tốc độ chóng mặt, vì một lý do đơn giản là tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế, đều do nhà nước quản lý; để làm được điều đó, phải có một đội ngũ quan chức đông đảo. Tầng lớp quan liêu này thường xuyên trở thành lũ dê tế thần trong tất cả các chế độ cộng sản, nhưng không chế độ nào có thể thoát được họ. Ở Liên Xô, chỉ một thời gian ngắn sau khi cướp được chính quyền, chế độ đã cung cấp cho các cán bộ chủ chốt của mình những khoản ưu đãi vô tiền khoáng hậu, chính từ tầng lớp này đã hình thành cái gọi là nomenclatura, tức là giai tầng đặc quyền đặc lợi thế tập. Lý tưởng bình đẳng đã chấm dứt như thế đấy. Như vậy nghĩa là, muốn mọi người đều được bình đẳng về sở hữu thì phải tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi. Mâu thuẫn giữa mục đích và phương tiện đã ăn sâu bén rễ trong lòng chủ nghĩa cộng sản và đời sống của tất cả các quốc gia, nơi mà nhà nước nắm trọn tất cả các phương tiện sản xuất. 
Phải công nhận rằng thỉnh thoảng người ta lại tìm cách giải thoát nhà nước và xã hội khỏi gông cùm của bộ máy quan liêu cộng sản. Lenin và Stalin đã tiến hành các vụ thanh trừng, dưới thời Stalin, các chiến dịch như thế thường trở thành những vụ giết người hàng loạt. Mao tiến hành “cách mạng văn hoá” nhằm đập tan ảnh hưởng của các nhân vật quan liêu trong đảng. Nhưng tất cả đều thất bại. Cuối cùng, bao giờ tầng lớp nomenclatura cũng vẫn chiếm được thế thượng phong vì thiếu họ thì chẳng thể làm được gì. 
Các cuộc thử nghiệm cộng sản bằng con đường dân chủ cũng đều thất bại. Như kinh nghiệm của Chile dưới thời Allende cho thấy, nếu còn tự do ngôn luận, nếu còn toà án và cơ quan lập pháp dân cử độc lập thì mọi sự xâm phạm quyền tư hữu đều không thể tạo ra được kết quả mong muốn vì lực lượng đối lập, vốn bị đàn áp khốc liệt dưới chính thể “chuyên chính vô sản”, sẽ có khả năng tổ chức kháng cự. Hàng ngũ đối lập sẽ gia tăng và dễ dàng lật đổ chính phủ cách mạng. Năm 1990, ở Nicaragua, lực lượng cộng sản-sandinist đang nắm quyền tin rằng sẽ được đa số dân chúng ủng hộ nên đã tổ chức bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu; nhân dân đã loại bỏ họ. 
Xu hướng quan liêu hoá, vốn là bản chất của các chế độ cộng sản, cũng là nguyên nhân dẫn tới các thất bại trong lĩnh vực kinh tế, giúp cho chế độ mau sụp đổ hoặc buộc họ chỉ giữ được cái vỏ cộng sản, nhưng phải chia tay với tất cả những gì mà cái vỏ đó che đậy. Quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất chỉ dẫn đến kết quả là đã chuyển quyền quản lý tất cả các phương tiện đó vào tay các quan chức, những người không có kiến thức quản lý và cũng chẳng có nhu cầu quản lý cho có hiệu quả. Hậu quả tất yếu sẽ là: năng suất lao động giảm. Ngoài ra, sự thiếu năng động, vốn là bản chất của bộ máy quản lý tập trung, đã không cho phép nền kinh tế cộng sản phản ứng một cách nhạy bén với các tiến bộ kĩ thuật; đấy là lý do vì sao Liên Xô đã bỏ qua một loạt các phát minh công nghệ quan trọng nhất, mặc dù nước này đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học. Như F. Haeyk đã chỉ rõ, chỉ có thị trường mới có khả năng nắm bắt và phản ứng tức thời trước các thay đổi trong lĩnh vực kinh tế. Và chỉ hy vọng trở thành người giàu có mới có thể buộc người ta gắng sức, tức là buộc người ta cố gắng làm nhiều hơn các nhu cầu đơn giản nhất của mình. Dưới chế độ cộng sản, các tác nhân như thế đơn giản là không tồn tại, người càng tích cực thì càng khổ, vì nếu hoàn thành được nhiệm vụ năm nay, thì năm sau sẽ được giao nhiều hơn. 
Chính sách kinh tế của cộng sản gây ra những tổn thất nặng nề nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, vốn là thành phần kinh tế chủ yếu của các nước nằm dưới quyền cai trị của cộng sản. Việc tịch thu ruộng đất của tư nhân và sau đó là quá trình hợp tác hoá đã phá vỡ trật tự truyền thống và lối sống ở làng quê, dẫn đến những vụ chết đói hàng loạt với số lượng nạn nhân nhiều chưa từng có. Chuyện đó đã xảy ra ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở Ethiopia, ở Campuchia; mỗi nước đều có hàng triệu người chết vì nạn đói do chính con người gây ra. Ở Bắc Triều Tiên cộng sản, trong những năm 1990, phần lớn trẻ em bị mắc những căn bệnh do đói ăn mà ra; theo các số liệu hiện có, trong nửa sau của thập kỉ 1990, gần hai triệu người Bắc Hàn đã bị chết đói. Ở nước này, tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh là 88 trên 1000, trong khi ở Hàn Quốc là 8 trên 1000; tuổi thọ của đàn ông Bắc Hàn là 48,9 trong khi ở Hàn Quốc là 70,4. Thu nhập tính trên đầu người Bắc Hàn là 900 USD, trong khi ở Nam Hàn là 13.700 USD. 
Việc chính quyền cộng sản không thể tạo được sự sung túc và bình đẳng, nghĩa là không đạt được những mục tiêu mà nó công bố, không phải là mâu thuẫn duy nhất vốn có của chủ nghĩa cộng sản. Mâu thuẫn tiếp theo phải kể là không có tự do, tự do cùng với sự dư thừa về mặt vật chất và lẽ công bằng, theo Marx, là những mục đích cuối cùng của xã hội cộng sản. Quốc hữu hoá tất cả các phương tiện sản xuất đã biến các công dân thành người lao động làm thuê cho nhà nước, nói cách khác, đã biến họ thành những người phụ thuộc vào nhà nước. Trotsky viết: “Trong một đất nước mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất, đối lập có nghĩa là sẽ chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc cũ: không làm thì không ăn đã bị thay bằng nguyên tắc mới: không tuân phục thì không ăn”. Nhà nước phải công nhận quyền của công dân đối với tài sản mà họ sở hữu - và sự tôn trọng đối với quyền sở hữu được thể hiện một cách rõ ràng – mới bảo đảm được quyền tự do. Vì sở hữu tư nhân là tiêu chuẩn pháp lý được toà án bảo vệ, điều đó cũng có nghĩa là sự công nhận tinh thần thượng tôn pháp luật của nhà nước. Nghĩa là, mục đích của cộng sản là bãi bỏ tư hữu nhất định sẽ dẫn tới tiêu diệt tự do và tôn trọng pháp luật. Việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất không giải phóng con người khỏi tình trạng lệ thuộc vào vật chất, như Marx và Engels mường tượng, mà còn biến họ thành nô lệ của nhà cầm quyền và vì luôn luôn ở trong tình trạng thiếu thốn cho nên con người càng lệ thuộc vào quyền lợi vật chất hơn bao giờ hết. 
Xin chấm dứt việc khảo sát những cố gắng nhằm áp dụng chủ nghĩa cộng sản trong biên giới của từng quốc gia ở đây. Trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa cộng sản cũng chẳng khá hơn. Coi chủ nghĩa tư bản là hiện tượng toàn cầu, những người Marxist khẳng định rằng, thanh toán nó cũng là công việc của toàn thế giới: khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại!”, được tung ra trong tác phẩm Tuyên ngôn cộng sản, năm 1840, được cả những người xã hội chủ nghĩa lẫn những người cộng sản vồ vập, là phương châm đoàn kết của những người lao động trên toàn thế giới. 
Nhưng sự thống nhất của giai cấp vô sản hoá ra chỉ là hoang tưởng. Dù tình hữu ái giai cấp có cao đến đâu thì tình yêu quê hương và giống nòi vẫn luôn luôn giữ thế thượng phong. Hễ bị nước ngoài đe doạ là tất cả giai cấp lập tức đoàn kết lại. Những người xã hội chủ nghĩa đã học được bài học này vào năm 1914. Lúc đó, trái với mọi lời thề nguyện, tất cả các đảng thuộc Quốc tế II, gần như không có ngoại lệ, đểu ủng hộ chính phủ “tư sản” nước mình và thông qua ngân sách chiến tranh. Lenin học lại bài học này vào năm 1920, lúc đó công nông Ba Lan đã đoàn kết đứng lên bảo vệ đất nước chống lại Hồng quân xâm nhập vào Ba Lan với mục đích “giải phóng” người lao động khỏi “bóc lột”. Những chuyện như thế còn xảy ra nhiều lần nữa. 
Có điều là, những chuyện như thế không chỉ xảy ra trong các xã hội gọi là còn giai cấp. Ngay trong các nước do cộng sản nắm quyền, tức các xã hội được coi là phi giai cấp thì sự thống trị của Liên Xô cũng luôn làm người ta khó chịu và hễ có điều kiện là họ lại tìm cách thoát ra khỏi tình trạng như thế. Sự kiện đó diễn ra lần đầu tiên ở Nam Tư, nhưng kịch tính nhất là ở Trung Quốc. Chưa đầy mười năm sau khi nắm được chính quyền, cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ có quyền thực hiện và tuyên truyền mô hình chủ nghĩa Marx của riêng mình và trong khi khẳng định như thế, họ gần như đã đi đến đối đầu về quân sự với Liên Xô, nước được coi anh cả và mô hình cần phải theo. Khmer Đỏ còn tiến xa hơn, khi họ tự coi mình là độc đáo và khẳng định rằng mô hình cộng sản của họ chẳng có gì chung với cả Nga lẫn Trung Quốc. Phong trào cộng sản châu Âu cũng hành động tương tự như thế, khi đòi hỏi chủ nghĩa đa nguyên (“đa trung tâm”), mà đấy là đòi hỏi vào lúc Liên Xô đang ở đỉnh cao quyền lực của mình.

Chỉ có thể ngăn chặn các lực li tâm như thế bằng một biện pháp: giữ cho các đảng ngoại quốc đó trong tình trạng èo uột, nghĩa là, buộc các đảng đó phải lệ thuộc hoàn toàn vào Moskva; hễ được cử tri ủng hộ là các đảng này lập tức đòi được tự trị, thậm chí là đòi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan: phong trào cộng sản quốc tế sẽ phải ở trong tình trạng cô lập và yếu kém, chỉ là công cụ dễ bảo nhưng thiếu hiệu quả của Moskva, hoặc là nó phải tìm được sức mạnh và gây được ảnh hưởng, nhưng sẽ giải thoát khỏi quyền lực của Moskva và phá vỡ tình đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Đây chính là trường hợp mà người ta vẫn nói: không có lựa chọn thứ ba. 
Các khiếm khuyết như thế, vốn là bản chất của chủ nghĩa cộng sản, đã được nhiều môn đồ nhận ra và đấy chính là lý do cho sự xuất hiện “chủ nghĩa xét lại” đủ mọi trường phái. Nhưng những người cộng sản trung kiên lại cho rằng, thất bại không phải là do học thuyết sai mà chỉ chứng tỏ rằng họ chưa quyết tâm thực hiện mà thôi. Đúng như định nghĩa của George Santayana: Cuồng tín là những người cố gắng gấp đôi sau khi đã quên mục đích chính của mình, những người cộng sản đã lao vào những vụ chém giết điên cuồng. Kết quả là, từ Lenin đến Stalin, từ Stalin đến Mao và Pol Pot, chủ nghĩa cộng sản đã để lại trên đường đi của mình những biển máu ngày càng lớn hơn. 
Nói chung, chủ nghĩa cộng sản đã thất bại và nhất định thất bại ít nhất là vì hai lý do chính; thứ nhất, để có công bằng, nghĩa là để đạt được mục tiêu chính của mình, chế độ phải lập ra bộ máy đàn áp và đến lượt nó, bộ máy này đòi phải có đặc quyền đặc lợi và như vậy tự nó đã phủ nhận lẽ công bằng; thứ hai, mỗi khi có mâu thuẫn thì lòng yêu quê hương và nòi giống luôn luôn lấn át tình hữu ái giai cấp, đấy là lý do vì sao chủ nghĩa cộng sản dễ hoà tan vào chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội dễ dàng kết hợp với chủ nghĩa “phát xít”. Nhận thức được điều đó, Đảng Cộng sản Liên bang Nga, hậu duệ của Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1990, đã từ bỏ khẩu hiệu kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. 
Nhà xã hội học người Đức, gốc Italy, Robert Michels, đã dự đoán được bước ngoặt như thế và dự đoán chính xác rằng: “Những người xã hội chủ nghĩa có thể chiến thắng, nhưng chủ nghĩa xã hội thì không bao giờ”. 
Còn một lý do nữa, cụ thể hơn, theo đó, các chế độ cộng sản được xây dựng theo sơ đồ của Lenin, về bản chất là mâu thuẫn với việc thực thi lý tưởng cộng sản. Xuất phát từ luận điểm về sự cáo chung tất yếu của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu, Lenin đã xây dựng bộ máy quản lý của mình theo mô hình quân đội. Chế độ cộng sản ở Liên Xô và những kẻ theo đuôi họ đã thực hiện việc quân sự hoá đời sống xã hội, buộc tất cả đều phải chịu sự chỉ huy từ trung ương. Cơ cấu như thế sẽ không có khả năng động viên toàn bộ sức người sức của, cho nên không thể có phản ứng hữu hiệu trước những thách thức và không thể khuyếch trương ảnh hưởng của nó ra nước ngoài. Nó còn kém hiệu quả, phải nói là tê liệt, khi phải phản ứng trước những thách thức không thể giải quyết được bằng quân sự. Khi cuộc cách mạng thế giới mà người ta chờ đợi không diễn ra, chế độ Xô Viết, trên thực tế, trở thành xơ cứng và cùng với thời gian đã chạm trán với những khó khăn và đe doạ từ bên trong: thái độ bàng quan và tính thụ động của quần chúng, dẫn tới sự tuột dốc liên tục của nền kinh tế và lực lượng quân sự. Muốn giải quyết những khó khăn đó thì phải nới lỏng dần các biện pháp quản lý. 
Nhưng nới lỏng quản lý nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ chế độ vì nó vốn là một tổ chức hoàn chỉnh, nó chỉ có thể tồn tại dưới sự quản lý tập trung nghiêm khắc nhất. Chỉ cần Gorbachev nới lỏng là trong lòng chế độ lập tức xuất hiện các vết rạn nứt và chẳng bao lâu sau thì tan vỡ hẳn. Theo nghĩa này, cộng sản là một chế độ không thể cải tạo được, nói cách khác, nó không có khả năng thích nghi với những điều kiện đang thay đổi. Sự thiếu năng động, vốn là bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã dẫn nó đến chỗ sụp đổ. 
______________
Vai trò của hệ tư tưởng, hay nói đúng hơn, vai trò của cái được gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng, tư tưởng chính là lực lượng dẫn dắt phong trào và các chế độ thoát thai từ phong trào đó, vì vậy, họ đã gọi Liên Xô và Trung Quốc dưới thời Mao là idiocracy, nghĩa là những hệ thống được điều khiển bởi các tư tưởng. 
Tất nhiên, chủ nghĩa cộng sản không thể xuất hiện nếu không có huyền thoại về một Thời đai Hoàng kim và nếu không có học thuyết đề ra chiến lược đưa cái thời đại đầy hạnh phúc đó quay về trái đất, do Marx lập ra và lần đầu tiên được Lenin đem áp dụng vào cuộc sống. Công nhận điều đó không có nghĩa là công nhận khái niệm ideocracy, đơn giản là vì mọi tư tưởng, dù là kinh tế hay chính trị, một khi đã được áp dụng vào cuộc sống thì nhất định chúng sẽ tạo ra quyền lực và sẽ nhanh chóng trở thành công cụ của quyền lực đó. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã được Adam Smith mô tả trong tác phẩm Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc). Nhưng không ai có thể khẳng định rằng trong hai thế kỷ gần đây các nhà tư bản đã lựa chọn phương thức hành động dưới ảnh hưởng của quan điểm về “bàn tay vô hình” của Smith hay đã được dẫn dắt bởi bất cứ luận điểm nào khác trong lý thuyết của ông. Cảm hứng của ông phù hợp với quyền lợi của các nhà tư sản và vì thế mà họ chấp nhận, đơn giản chỉ có thế. 
Không có cơ sở để khẳng định rằng điều đó cũng đúng đối với chủ nghĩa Marx-Lenin. Quan điểm cho rằng hàng triệu đảng viên thường cũng như các quan chức nhà nước tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết do một nhà kinh tế học người Đức nghĩ ra từ thế kỷ XIX chỉ là quan điểm của một số trí thức, trong đó dường như có người quả thật tin rằng nhân loại thường bị các hệ tư tưởng xui khiến. Thời gian đầu, các đảng cộng sản thường có ít đảng viên và họ cũng luôn bị săn đuổi; đảng viên là người chịu nhiều hiểm nguy chứ không mong quyền lợi, vì vậy mà, đa số hoàn toàn có thể là do được tư tưởng thúc đẩy. Nhưng, sau khi đã giành được chính quyền, sau khi có quyền phân chia quyền lợi cũng như quyết định hình phạt, các đảng đó sẽ tìm được vô số cảm tình viên chỉ ủng hộ hệ tư tưởng thống trị trên đầu môi chót lưỡi. Cuộc khảo sát được thực hiện ở Liên Xô năm 1922 cho thấy chỉ có 0,6% đảng viên có bằng tốt nghiệp đại học và 6,4% có bằng tốt nghiệp trung học. Trên cơ sở các số liệu đó, một nhà sử học Nga đã đưa ra kết luận: 92,7% đảng viên không đủ kiến thức để thực hiện các nhiệm vụ mà đảng giao phó (4,7% đảng viên là người mù chữ theo đúng nghĩa đen của từ này). Năm 1921, Lenin đã phải cay đắng công nhận sự thật này, ông ta đã hạ lệnh tiến hành “làm trong sạch” để loại bỏ những kẻ “cơ hội”. Cuộc chiến đấu chống lại cái tất yếu chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu. Nhà nước càng mở rộng quyền lực thì lại có nhiều những kẻ háo danh, những kẻ mà danh hiệu đảng viên chỉ có nghĩa là địa vị và tiền bạc, tìm cách chui vào đảng. Quyền lực và sự tồn vong của đảng trở thành mục đích chính. Tư tưởng chỉ còn là chiếc là nho che đậy bản chất thật sự của chế độ: trong khi ba hoa về lòng trung thành với những lý tưởng cao cả chính là lúc người ta đang theo đuổi những mục đích ích kỉ và thực hiện những hành động xấu xa nhất. 
Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nomenclatura, tức là những người vẫn được coi là vệ binh cho sự trong sáng của hệ tư tưởng, đã đầu hàng vô điều kiện và lập tức lợi dụng “tư hữu hoá” để thu vén và biến tất cả tài nguyên cũng như phương tiện sản xuất của đất nước thành tài sản riêng của mình. Chuyện đó thật khó xảy ra nếu bộ máy thực sự trung thành với hệ tư tưởng Marx-Lenin. 
Sergei, con của Nikita Khrushchev - người kế tục Stalin từ năm 1953 đến năm 1964 – trong tiểu sử cha mình đã đưa ra bằng chứng thú vị chứng tỏ vị trí thứ yếu của ý thức hệ Marxist trong chính sách của cộng sản. “Ngay từ ngày còn là sinh viên”, Sergei viết:
Tôi luôn cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu nổi chủ nghĩa cộng sản chính xác là gì… Tôi đã xin bố giảng cho nghe, nhưng ông cũng chẳng đưa ra được câu trả lời rõ ràng. Tôi hiểu rằng chính ông cũng chưa thông lắm[84]
Nếu ngay cả lãnh tụ của khối cộng sản, nhà tiên tri không mệt mỏi về thắng lợi của nó trên toàn thế giới, còn không biết giải thích cho con mình bản chất của chủ nghĩa cộng sản thì còn mong gì ở những đảng viên thường? 
Thái độ vụ lợi - cá nhân và nhà nước – là động lực của các chế độ cộng sản và cũng chính điều đó đã thủ tiêu lý tưởng bình đẳng của họ. Các lãnh tụ Liên Xô và Trung Quốc vẫn thường xuyên né tránh các giáo lý Marxist nếu quyền lợi của họ đòi hỏi phải làm như thế! Năm 1917, Lenin cho phép công nhân chiếm nhà máy, còn nông dân thì chiếm ruộng đất, mặc dù những hành động vô chính phủ như thế là hoàn toàn trái với học thuyết Marxist. Năm 1921, ông ta cho tái lập thị trường lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng tiêu dùng theo lối tư bản chủ nghĩa. Stalin giao cho nông dân một phần ruộng đất và cho họ được bán sản phẩm theo giá thoả thuận. Trong những năm 1930, ông ta khuyến khích thành lập ở nước ngoài các mặt trận đoàn kết dân tộc, nghĩa là khuyến khích cộng sản hợp tác với những người dân chủ-xã hội, kẻ thù không đội trời chung với chủ nghĩa cộng sản. Khrushchev chuyển từ chiến tranh giai cấp trên toàn thế giới sang “chung sống hoà bình”. Mao tuyên bố ý chí của con người có thể thắng được hiện thực khách quan, trong khi những người kế nhiệm ông ta kêu gọi dân chúng làm giàu. Tất cả đều nhân danh chủ nghĩa cộng sản. Trong tất cả các trường hợp, hệ tư tưởng đã bị hy sinh, dù là tạm thời, cho quyền lợi tối thượng của đảng, mà bao giờ và ở đâu cũng chỉ là: giữ vững và mở rộng quyền lực không giới hạn. 
______________
Các thí nghiệm xây dựng xã hội không tưởng đã phải trả giá quá đắt, không có cách nào thống kê được hết số nạn nhân. Stephane Courtois, trong tác phẩm The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản) cho rằng có từ 85 đến 100 triệu người thiệt mạng, nghĩa là gấp 1,5 lần số người chết trong cả hai cuộc thế chiến. Người ta đã đưa ra nhiều luận cứ để biện hộ, trong đó lý do: không đập vỡ trứng thì làm sao có món trứng rán. Người dĩ nhiên không phải là trứng, nhưng tai hoạ ở chỗ, sau những cuộc tắm máu kinh hoàng đã chẳng có món trứng rán nào hết. 
Những người sống sót cũng phải gánh chịu nhiều mất mát. Nhằm tạo ra cho được sự đồng nhất, các chế độ cộng sản đã bỏ tù, bắt lưu đầy và bịt miệng tất cả những người không chấp nhận cái thể chế, mà đây lại thường là những người có năng lực và tháo vát nhất. Kết quả là, đã diễn ra một cuộc tiến hoá giật lùi: những kẻ không thể tự lực, những kẻ chỉ biết vâng lời lại có xác suất sống còn cao nhất. Trong khi những người tháo vát, trung thực và có suy tư về xã hội thì bị giết hại. Xã hội cộng sản đã đánh mất những công dân ưu tú nhất của mình như thế đấy, và vì vậy mà họ phải chìm đắm mãi trong cảnh đói nghèo. 
Nga là nước bị chế độ cộng sản cai trị lâu nhất và một trong những hậu quả của nó là nhân dân mất hết lòng tin vào năng lực của chính mình. Vì dưới chính quyền Xô Viết, mọi hoạt động đều phải được cấp trên chuẩn y, còn sáng kiến thì bị coi là tội lỗi, cho nên dân chúng đã đánh mất khả năng tự quyết, dù là việc lớn hay việc nhỏ (trừ việc phạm pháp); người ta luôn luôn sống trong tình trạng chờ đợi mệnh lệnh. Sau giai đoạn hồ hởi chào đón tiến trình dân chủ hoá, người ta lại cảm thấy thiếu một bàn tay sắt. Nhân dân không có khả năng, mà cũng chẳng có ước muốn được đứng trên hai chân của chính mình và tự quyết định lấy số phận của mình. Và đây là thiệt hại không nhỏ mà chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân dân Nga, cũng nhân dân các nước đã bị chế độ cộng sản thôi miên trong một thời gian dài. Nó cũng giết chết cả sự tôn trọng đối với lao động và tinh thần trách nhiệm trước xã hội của người công dân. 
Mong muốn sở hữu là thuộc về bản năng, còn tôn trọng tài sản của người khác thì phải được giáo dục mới có. Các nghiên cứu về tâm lý trẻ em cho ta thấy rõ điều đó. Nếu một người nào đó phát hiện ra rằng quyền sở hữu của anh ta không được tôn trọng - dù đấy là từ phía chính quyền hay từ phía xã hội – thì người đó chẳng những không còn tôn trọng quyền lợi vật chất của xã hội và chính quyền nữa mà còn trở thành người truyền bá những bản năng tham tàn nhất. Chính điều đó đã xảy ra sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ và đấy cũng là cản trở cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường thực thụ; một nền kinh tế dựa trên sự tôn trọng quyền tư hữu. 
Marx khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản có những mâu thuẫn nội tại không thể nào giải quyết được và những mâu thuẫn này tất yếu sẽ đưa nó đến chỗ diệt vong. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản là hệ thống có khả năng thích nghi với các điều kiện luôn luôn thay đổi và đã học được cách vượt qua các cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản là hiện thân của học thuyết cứng nhắc - một giả khoa học, được cải biên thành một giả tôn giáo rồi hoá thân thành một chế độ chính trị thiếu uyển chuyển – đã chứng tỏ là không có khả năng giải thoát khỏi những ngộ nhận ăn bám vào nó và cuối cùng đã trở về với cát bụi. Việc tái sinh nó, nếu quả thật sẽ có một ngày như thế, là trái ngược hoàn toàn với bản án mà lịch sử đã tuyên và chắc chắn sẽ lại có một thất bại nữa. Hành động theo hướng đó, đồng nghĩa với sự điên rồ, như người ta đã nói: làm đi làm lại một việc với hy vọng là kết quả sẽ khác. 
ĐỌC THÊM
Có quá nhiều sách báo viết về lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa cộng sản, riêng thư viện của đại học Harvard (Harvard University) cũng đã có trên 20.000 tập dành riêng cho vấn đề này. Các công trình nói về vấn đề này, cùng với những bài đăng trên báo và tạp chí chắc chắn là lên tới con số hàng trăm ngàn. Catalog của Harvard ghi nhận 3.567 đầu đề nói về Marx và 4.301 đầu đề nói về Lenin. Vì vậy, danh sách các tác phẩm liệt kê ở đấy chắc chắn là mang tính lựa chọn và khá tùy tiện. Nhưng, đa số những cuốn sách được liệt kê dưới đây cũng có danh sách các tác phẩm nên đọc cho nên độc giả quan tâm sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm thêm những tác phẩm khác.
Lịch sử tư tưởng về Thời đại Vàng son được trình bày trong tác phẩm của Frank E. Manuel và Fritzie P. Manuel, Utopian Thought in the Western World (Tư tưởng không tưởng trong thế giới phương Tây – Cambridge, Mass., 1970); Alexander Gray, The Socialist Tradition: Moses to Lenin (Truyền thống xã hội chủ nghĩa: từ Moses tới Lenin – London, 1963). Tác phẩm viết về chủ nghĩa Marx và những biến thể của nó: Leszek Kolakowski, Main Currents of Marxism (Những xu hướng chính của chủ nghĩa Marx), 3 tập (Oxford, 1978); Andrej Walicki, Marxism and the Leap to the Kingdom of Freedom (Chủ nghĩa Marx và cú nhảy vào vương quốc của tự do - Satnfrod, 1995) trình bày mối liê, kết giữa lý thuyết và thực tiễn cộng sản. Quốc tế I và IIđược trình bày trong Julius Brauthal, History of International (Lịch sử Quốc tế), 2 tập, (New York, 1967.
Về nước Nga cách mạng, độc giả có thể muốn tìm hiểu qua hai tác phẩm của tôi, Russian Revolution (Cách mạng Nga – New York, 1990) và Russia Under the Bolshevik Regime (Nước Nga dưới chính quyền Bolshevik – New York, 1994). Và bản rút gọn hai cuốn này: A Concise History of the Russian Revolution (Lịch sử rút gọn về cách mạng Nga – New York, 1995). Có thể tìm thấy cách đánh giá khác về sự kiện này trong tác phẩm của Sheila Fitzpatrick: The Russian Revolution (Cách mạng Nga), in lần thứ 2 (Oxford và New York, 1994). Hai tác giả người Nga trình bày những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc cách mạng: Ivan Bunin với Cursed Days (Những ngày bị nguyền rủa – Chicago, 1998) và Maxim Gorky với Umtimely Thoughts (Những ý tưởng không hợp thời – New haven, Conn., 1995).
Cuộc đời của người sáng lập Liên Xô, có sử dụng những nguồn tài liệu trước đây được coi là mật, do Dmitrii Volkogonov chấp bút, nhan  đề: Lenin: A New Biography (Lenin: Tiểu sử mới – New York, 1994). Volkogonov cũng là tác giả cuốn Stalin: Triumph and Tragedy (Stalin: Thành công và bi kịch – New York, 1991). Roy Medvedev với tác phẩm Let History Judge (Hãy để lịch sử phán xét – New York, 1995) viết về giai đoạn Stalin.
Lịch sử Liên Xô được hai người di cư Nga, Mikhail Heller và Aleksandr Nekrich trình bày trong Utopia in Power: The History of the Soviet Union from 1917 to the Present (Không tưởng cầm quyềnLịch sử Liên Xô từ năm 1917 đến nay - London, 1986). Thiết chế quan trọng nhất của nhà nước Xô Viết là đề tài thảo luận trong tác phẩm của Leonard Schapiro: The Communist Party of the Soviet Union (Đảng cộng sản Liên Xô), in lần thứ 2, London, 1970. Milovan Djilas, cán bộ cộng sản cao cấp của Serbia, là một trong những người đầu tiên cảnh báo về sự tồn tại của tầng lớp ăn trên nguồi trốc ở Liên Xô – tác phẩm The New Class (Giai cấp mới – New York, 1957); đặc quyền đặc lợi của giai cấp này được thảo luận trong tác phẩm của Michael Voslemsky, Nomenclatura: The Soviet Ruling Class (Nomenclatura: Giai cấp cầm quyền Xô Viết – Garden City, N.Y., 1984). Cuốn An Economic History of the USSR (Lịch sử kinh tế Liên Xô – London, 1988) là tác phẩm súc tích và đáng tin.

Aleksandr Sozhenitsyn đã viết được cuốn lịch sử-tài liệu về hệ thống trại lao động khổ sai Liên Xô: The Gulag Archilelago (Quần đảo ngục tù), 3 tập, (New York, 1991-92). Câu chuyện về những vụ giết người hàng loạt được Robert Conquest trình bày trong tác phẩm The Great Terror: A Reassestment (Đại khủng bố: Đánh giá lại – New York, 1990).

Sức hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với các trí thức nước ngoài được trình bày trong Paul Hollander, Political Pilgrims: Travels of Western Intellectuals to the Soviet Union and China and Cuba (Hành hương chính trị: Các chuyến đi của trí thức tới Liên Xô, Trung Quốc và Cuba – New York, 1981). Sự thất vọng của sáu người cầm bút nổi bật trong số đó là đề tài cuốn The God that Failed (Chúa Trời thất bại - New York, 1949), do Richard Crossman chủ biên.

Chính sách đối ngoại của Liên Xô trong nửa thế kỉ đầu tiên của nó được George Kennan trình bày trong tác phẩm Russia and the West Under Lenin và Stalin (Nước Nga và phương Tây thời Lenin và Stalin – Boston, 1961), và Adam Ulam trình bày trong tác phẩm Expansion and Coexistence: The History of Soviet Foreign Policy, 1917-67 (Bành trướng và cùng tồn tại hòa bình: Lịch sử chính sách đối ngoại của Liên Xô, 1917-1967 – New York, 1968). Quan hệ của Liên Xô với phương Tây từ Thế chiến II đến cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, được Lewis Gaddis trình bày trong tác phẩm We Now Know: Rethinking Cold War History (Hiện nay chúng ta biết: Tái tư duy về lịch sử Chiến tranh Lạnh – New York, 1997).

Các tài liệu quan trọng nhất của Comintern được Jane Degras thu thập trong tác phẩm The Communist International, 1919-1943 (Quốc tế cộng sản, 1919-1943), 3 tập, London 1956-71. Lịch sử Quốc tế được Franz Borkenau trình bày trong tác phẩm World Communism: A History of the Communist International (Cộng sản thế giới: Lịch sử quốc tế cộng sản – Ann Arbor, 1962), và gần đây hơn là tác phẩm của Kevin McDermott và Jeremy Agnew: The Comintern (London, 1996). 

Sự sụp đổ của Liên Xô được David Remnick, sử dụng những điều quan sát được và những cuộc thảo luận, trình bày một cách sống động trong tác phẩm Lenin's Tomb (Mộ Lenin), New York, 1993.

Lịch sử Trung Quốc cộng sản được trình bày trong phần 1 và 2, tập XIV và XV tác phẩm The Cambridge History of China (1987, 1991) do Roderick MacFarquhar biên tập. Triết lý của Mao về lịch sử được thể hiện rõ nhất trong Quatations from Chaiman Mao Tse-tung (Trước tác của Mao Chủ tịch – New York, 1968). Tiểu sử chính trị và tri thức của ông ta được Stuart Scham trình bày trong tác phẩm Mao Tse-tung (Penguin Books, 1974). Cuộc đời của Mao được Ross Terril trình bày trong tác phẩm A Biography of Mao (Tiểu sử Mao - Stanford, 1999).  

Giai đoạn cầm quyền của Pol Pot trong lịch sử cambodia được trình bày trong tác phẩm do Karl D. Jackson biên tập, nhan đề Cambodia 1975-1978: Rendezvous with Death (Princeton, 1989).

Về Castro và chủ nghĩa Castro, có thể đọc Theodore Draper: Castroism: Theory and Pratice (Chủ nghĩa Castro: Lý thuyết và thực hành), New York, 1965 và tác phẩm mới hơn: Back from the Future: Cuba Under Castro (Trở về từ tương lai: Cuba dưới chế độ của Castro – Princeton, 1994).

Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Phi là đề tài thảo luận trong tác phẩm của Peter Woodward: The Horn of Africa (Vùng sừng châu Phi), London and New York, 1996 và của Paul Henze: Horn of Africa: From War to Peace (Sừng châu Phi: Từ chiến tranh tới hòa bình – New York, 1991).

Về giai đoạn cộng sản ở Chile, độc giả có thể tham khảo Robert J. Alexander, The Tragedy of Chile (Bi kịch của Chile – Westport, Conn., 1978) và Paul E. Sigmund, The Overthrow of Allende and Politics of Chile, 1964-1976 (Vụ lật đổ Allende và Nền chính trị Chile, 1964-1976, Pittsburgh, 1977).

Số người chết do chủ nghĩa cộng sản gây ra trong thế kỉ XX được trình bày và đánh giá trong tác phẩm, trong tác phẩm The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản – Cambridge, Mass., 1999) do Stéphane Courtois chủ biên.

Index

Afghanistan, 140, 147
Châu Phi, 119, 124, 126, 127, 128, 142-43, 149
Nông nghiệp, 6-7, 10-11, 16, 135-36, 137, 141, 151-52
Tập thể hóa nông nghiệp, 57, 59-62, 67, 97, 128, 143, 151, 158
Alexander II, Sa hoàng, 27
Alexander III, Sa hoàng, 29
Allende, Salvador, 135-38, 150-51
American Relief Administration, 48
Chủ nghĩa vô chính phủ, 15-16, 17, 27, 41, 143-44
Andropov, Iurri, 67, 84, 85
Chủ nghĩa bài Do Thái, 72, 102, 103, 11
Aristotle, 4
Thánh Augustine, 4
Áo, 33, 34, 36-37, 41

Batista, Fulgencio, 139
Bernstein, Eduard, 19, 80, 124
Cách mạng Bolshevik (1917), 16, 35-42, 49, 57, 91-92, 94, 147
Chủ nghĩa Bolshevik, 10, 28, 31-51, 65, 91-103
Hiệp ước Brest-Litovsk, 41, 91
Brezhnev, Leonid, 81-85
Bukharin, Nicholas, 56, 94
Bulgaria, 41, 108
Quan liêu, 42-44, 150-51, xem thêm Nomenklatura

Cambodia, 118, 132-35, 149, 151, 153
Chủ nghĩa tư bản, 10, 11, 13-20, 49, 80, 92, 96, 105-06, 111, 112, 113, 118, 124, 128, 153, 156
Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, 13-14, 16, 97, 100, 155
Khủng hoảng ở Nga, 26, 28, 30, 32, 44, 158
Carrillo, Santiaga, 112
Castro, Fidel, 62, 136, 138-42,
Kiểm duyệt, 69-70, 82, 85, 99, 103, 104
Tưởng Giới Thạch, 121, 122, 123
Chile, 135-38, 139n, 150-51
Trung Quốc, 120-26, 128-31, 147, 149, 151, 153, 155, 157
Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, 108, 130-31, 150
Đại nhảy vọt, 129-30, 131
Quốc dân đảng Trung Quốc, 121-23
Thiên chúa giáo, 4-5
Churchill, Winston, 61, 92-93, Giai cấp, x, 12-13, 20, 33, 73, 106, 153
Colombia, 144
Chủ nghĩa cộng sản
-          Hình thành thuật ngữ, ix-x
-          Nguyên nhân thất bại, ix, 147-60
-          Lan tràn 49-51, 77, 94-97, 108-13, 117-44, 153-54
Quốc tế cộng sản, 93, 95, 110
Quốc tế I, 15-16, 18
Quốc tế II, 18-20, 33-34, 101-02, 153
Quốc tế III (Comintern), 34, 93-96, 110, 119, 120, 121, 125
Tuyên ngôn cộng sản (Marx và Engels), x, 13, 17, 153
Courtois, Stéphane, 158
Chiến tranh Crimea, 26
Cuba, 62, 138-42, 143, 147, 149
Tiệp Khắc, 84, 94, 108, 111, 140

Đặng Tiểu Bình, 131
Đại suy thoái, 97, 103
Bất đồng chính kiến, 83-84, 148

Ai Cập, 125, 127
Eisenhower, Dwight, 109, 140
Engels, Friedrich, x, 9, 11-15, 17, 26, 27, 68, 118, 148, 152, 153
Khai sáng, 7-8
Cương lĩnh Erfurt
Ethiopia, 127, 142-43, 151
Ezhov, Nikolai, 66

Fabian, 19, 99
Fanon, Franz, 132, 133
Kế hoạch năm năm, 58, 103, 128
Ford, Henry, 102, 103
Pháp, 8, 20, 34, 49, 75-76, 79
Chủ nghĩa cộng sản ở Pháp, 96, 107, 111-12
Frei, Eduardo, 135-36
Friedrich, Carl J., 105

Gandhi, Mahandas K., 122
Đức, 94
Đảng cộng sản ở Đức, 96-97, 104
Lenin và Đức, 33, 37, 41, 50, 51, 91-92, 96-97
Quốc xã ở Đức, 20, 51, 72, 74-77, 92, 96-97, 103-05, 108
Chủ nghĩa xét lại ở Đức, 19, 31
Đảng dân chủ xã hội Đức, 17-20, 75, 96
Stalin và Đức, 74-76, 107
Stalin trong Thế chiến I, 34, 36-37, 120
Đông Đức, 86, 108, 111, 143
Tây Đức, 77, 79, 109, 112
Gide, Andrré 100-101
Gorbachev, Mikhail, 67, 79-80, 85-86, 112, 155
Gorky, Maxim, 72
Anh Quốc, 11, 19, 34, 99, 112, 122, 129
Quan điểm của Lenin về nước Anh, 50, 94
Liên Xô và Anh, 75, 92-93, 94
Hi Lạp, 109
Hi Lạp cổ đại, 3-4, 7
Gromyko, Andrei, 67
Guevara, Che, 111, 139
Guzmán Reynoso, Abimael, 144

Hayek, Friedrich, 151
Herzen, Alexander, 25
Hitler, Adolf, 20, 72, 74-76, 97, 104-5, 107, 108
Hobson, J. A., 119
Hoover, Herbert, 49
Hungary, 50, 84, 94, 108, 111

Chủ nghĩa đế quốc, 104, 119-22, 127,
Ấn Độ, 122, 125, 127
Indonesia, 122, 127
Cách mạng công nghiệp (công nghiệp hóa), 10-11
Cách mạng công nghiệp (công nghiệp hóa) ở Trung Quốc, 128, 129
Cách mạng công nghiệp (công nghiệp hóa), 26, 27, 57-59, 61-62, 102, 103
Israel cổ đại, 6-7
Italy, 33, 39
Chủ nghĩa cộng sản ở Italy, 94-96, 111-12, 113
Chủ nghĩa phát xít ở Italy, 20, 31n, 42, 75, 105, 106-07
Nhật Bản, 92, 111, 120, 123, 143,
Jaurès Jean, 18-19

Kamenev, Lev, 43, 56-57, 64-65, 101
Tư bản luận (Marx), 11, 17, 27
Kemal Pasha Atatűrk), 120
Karensky, Alexander, 38
Khmer Đỏ, 132-35, 153
Khrushchev, Nikita, 66-67, 71, 74, 78-79, 81, 111, 157, 158
Thế giới Thứ ba và Khrushchev, 123-25
Kirov, Sergei, 62
Koestler, Arthur, 97-98, 100
Bắc Hàn, 109, 147, 151-52
Nam Hàn, 109, 152
Kornilov, Lavr, 38
Krupskaia, Nadezhda, 30
Kulak, 27, 46-47, 59-60

Trại lao động, 67-68, 79
Mỹ Latin, 119, 124, 135-42, 144, 149
Lenin, V. I. (Chủ nghĩa Lenin), 7-8, 28-34, 36-51, 55-57, 62, 65, 69, 72, 84-85, 91-92, 104, 112, 124, 127, 128, 129
Comintern và Lenin, 34, 94-96,
Thần thánh hóa Lenin 78-79
Thất vọng của Lenin, 42-45, 50-51, 55
Lenin lưu vong, 20, 30-31, 33-34, 36-37, 91
Lenin và thất bại của chủ nghĩa cộng sản, 149-50, 153-58
Chủ nghĩa Marx được giải thích bởi Lenin, 31, 32, 41, 157-58
Lenin bàn về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, ixn-xn
Stalin và Lenin, 43-44, 73-74
Thế giới Thứ ba và Lenin, 119-21, 142
Chủ nghĩa tự do, 7, 18, 27, 34-35, 55, 98, 103
Lloyd George, David, 92, 102
Lon Nol, 133
Lukacs, George, 14-15

Mandelstam, Osip, 70-71
Mao Trạch Đông (Chủ nghĩa Mao), 108, 111, 122-26, 128-31, 133, 142, 143, 154, 158
Martov, L., 20, 28, 31
Marx, Karl (Chủ nghĩa Marx), ixn, x, 9-18, 26, 27, 46, 68, 78, 118, 128, 129, 142-44, 148, 152, 153, 155
Lenin giải thích chủ nghĩa Marx, 31, 32, 41, 157-58
Mao giải thích chủ nghia Marx, 123-26
Quan niệm của chủ nghĩa marx về nhà nước, 42-43, 149-51, 152
Mengistu Haile Mariam, 142-43
Menshevik, 28, 31-33, 37, 55
Mayerhold, Vsevolod, 63-64
Michels, Robert, 154
Miliukov, Paul, 35
Molotov, Vyacheslav, 63, 74, 75
Mussolini, Benito, 20, 31n, 42, 105, 106-7, 149
Chủ nghĩa dân tộc, ix, 20, 32, 50-51, 72-73, 74, 108, 121, 122, 127, 153, 154
NATO , 109
Chính sách kinh tế mới (NEP), 48-49, 57
Nicholas II, Sa hoàng, 35
Nomenclatura, 44, 65-66, 78, 79, 85, 86, 150
Vũ khí hạt nhân, 80-81, 124-25, 140
Nông dân, 50, 123, 134, 142, 153,
Nông dân Nga, 23-24, 26, 27, 29, 32, 35, 36, 39, 41, 46-48, 59-62
Peru, 144
Peter Đại đế, Sa hoàng, 23, 79
Pinochet, Augusto, 138
Plato, x, 3-4, 148
Ba Lan, 34, 50-51, 74, 75, 76, 84, 94, 108, 111, 148, 153
Phong trào đoàn kết Ba Lan, 84, 148
Mặt trận bình dân, 107, 158
Tư hữu, 3-9, 12, 103, 104, 117, 139n, 150
Xóa bỏ tư hữu, x, 3-4, 8, 11, 15, 131, 142, 148, 151, 152
Xóa bỏ tư hữu ở Nga, 24-25, 32
Reagan, Ronald, 148
Hồng quân, 35, 46, 50-51, 61, 66, 75, 76-77, 93-94, 117, 153
Chủ nghĩa xét lại, 19, 30, 118, 124, 128, 129
Cách mạng, 13-18, 50, 74, 80, 85, 94, 108, 123-24, ở Nga 24-33 xem thêm:
Các mạng Bolshevik
Ribbentrop, Joachim, 72
Romania, 50, 94, 108
Russell, Betrand, 10, 100
Đế chế Nga, 18, 23-24, 65, 67, 69, 86
Đảng Ý chí nhân dân ở Nga, 27, 30
Đảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga, 28, 30-33
Nước Nga hậu Xô Viết, ix, 154
Đại hội Đại biểu Nhân dân ở Nga, 86
Chính phủ lâm thời ở Nga, 35-38, 40, 91
Nước Nga Xô Viết (Liên Xô), x, 7-8, 20, 38-51, 55-87, 147-59
Bộ máy hành chính quan liêu ở Liên Xô, 42-44 xem thêm nomenclatura
Ban chấp hành trung ương ở Liên Xô, 56, 64
Cheka ở Liên Xô, 40, 44, 71-72
Nội chiến ở Liên Xô, 41-42, 45, 46, 48, 57, 92, 93
Hội đồng dân ủy ở Liên Xô, 40, 45-46
Quốc phòng Liên Xô, 56, 76-78, 80-81
Chuyên chính ở Liên Xô, 39-40, 55
Bất đồng chính kiến ở Liên Xô, 83-84, 148
Sự tan rã Liên Xô, 67, 81-87, 112, 143, 147-48
Kinh tế Liên Xô, 39, 41, 44-49, 57-62, 67, 81-82, 97, 128, 147, 151
Sự bành trướng của Liên xô, 77, 94, 108-09, 110
KGB ở Liên Xô, 67, 71-72, 84, 85
NKVD ở Liên Xô, 66, 71-72
Bộ chính trị ở Liên Xô, 50, 56, 64, 67, 80, 85
Vai trò của ý thức hệ ở Liên Xô, 155-56
Hội đồng Kinh tế Tối cao Liên Xô, 43
Thế giới Thứ ba và Liên Xô, 80, 81, 119-29, 137, 239-42, 153
Cộng sản ở phương Tây, 91-113
Trong Thế chiến II, 51, 61, 73-78, 108, 110, 122
Nhà thờ Chính thống giáo Nga, 24, 55-56, 66

Sartre, Jean-Paul, 132
Kế hoạch Schlieffen, 14
Shaw, George Bernard, 19, 99
Smith, Adam, 156
Chủ nghĩa xã hội, người xã hội chủ nghĩa, 4, 7, 8, 15-20, 36-38, 154
Chủ nghĩa xã hội, người xã hội chủ nghĩa là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản 36, 96-97, 107
Chủ nghĩa cộng sản đối đầu với chủ nghĩa xã hội, ixn-xn
Cộng sản liên minh với xã hội chủ nghĩa, 107, 158
Chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa xã hội 19, 20
Chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa xã hội ở Nga 26-28, 40
Chủ nghĩa xã hội “khoa học”, 9, 10, 12
Soloviev, Vladimir, 4
Somalia, 127, 143
Tây Ban Nha, 96, 97, 107, 111-12
Stalin, Joseph, (chủ nghĩa Stalin), 43-44, 56-80, 82, 92, 94, 99, 105, 107, 108, 111, 112, 143, 154
Chính sách nông nghiệp và công nghiệp của Stalin, 57-62, 103, 128, 158
Những cuộc thanh trừng của Stalin, 56-57, 62-69, 76, 150
Thế giới Thứ ba và Stalin, 121-23, 125, 127, 128-29
Steffens, Lincoln, 98-99
Steinberg, Isaac, 45-46
Struve, Peter, 28, 29-30
Tôn Trung Sơn, 121
Thụy Sĩ, 33-34, 36-37, 91
Chủ nghĩa khủng bố, 110-11, 143-44 
Chủ nghĩa khủng bố ở Nga, 27-30, 39-40, 45, 62-68, 73-74, 97, 99, 150
Thế giới Thứ ba, 17, 18, 80, 81, 115-44
Tito, (Josip Broz), 108, 123
Chế độ toàn trị, 103-08
Công đoàn, 17, 30, 31, 84, 95, 96
Trotsky, Leon, 37, 41, 43, 56, 57, 68-69, 73, 74, 93, 152
Truman, Harry S., 109
Thổ Nhĩ Kì, 41, 109, 120
Ukraine, 42, 50, 61, 76, 82
Hoa Kỳ, 11, 80, 91, 92, 93, 109-10, 127, 135n, 139, 140, 141, 148
Hiệp ước Versailles, 75
Việt Nam, 122, 134, 135, 147, 148, 149
Volkogonov, Dmitrii, 65
Hiệp ước Wasaw, 109,
Webb, Beatrice, 99-100
Webb, Sidney, 99, 100
Weber, Max, 24
Giai cấp công nhân, 11, 97, 121, 123,
Tình đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân, 18, 20, 153, 154
Giai cấp công nhân ở Nga, 30, 31, 33, 39, 41, 46, 58, 82
Lương của công nhân, 13, 16-17, 59
Thế chiến I, 18, 20, 33-37, 49-50, 57, 91-92, 120
Thế chiến II, 51, 61, 73-78, 103, 108, 109, 110, 111, 122
Yeltsin, Boris, 80, 86, 110, 141
Nam Tư, 77, 108, 123, 153
Zinoviev, Grigori, 43, 56-57, 64-65, 94, 101










  



Dịch từ Nguyên bản tiếng Anh: Richard Pipes, COMMUNISM, a History
A Modern library Chronicles Book, The Modern Library, New York, 2003 Modern Library Paperback Edition
Có tham khảo bản dịch tiếng Nga của D. Vasiliev, tại địa chỉ:  http://nationalism.org/library/science/ideology/pipes/communism.pdf

Bìa 1: Nhân danh điều thiện vĩ đại, chủ nghĩa cộng sản đã gây ra cái ác cực kì to lớn… Nếu bạn tự hỏi làm sao con và cháu bạn có thể hiểu được cái hiện thực to lớn và xa lạ này thì biện pháp tốt là bảo đảm rằng họ có trong tay cuốn sách này – The Weekly Standard

Bìa 4:
Việc xuất bản tác phẩm Chủ nghĩa cộng sản của Richard Pipes là… tín hiệu quan trọng. Người ta không thể đặt nó xuống khi chưa nhận thức được, một lần và mãi mãi, rằng con đường đưa tới không tưởng được lát bằng xác của những người vô tội – và dẫn tới nơi vô tăm tích  - Baltimore Sun.

Tôi muốn tất cả các sinh viên … đều đọc cuốn sách khủng khiếp này

Paul Johnson

Bằng sự trong sáng và căn cứ đáng tin cậy, Richard Pipes đã đưa quá trình nghiên cứu cả đời người vào một cuốn sách lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, từ buổi ra đời đầy hy vọng, về mặt lý luận, đến cái chết nhục nhã, về mặt thực tiễn. Trung tâm của nó là lịch sử Liên Xô, quá trình tái tổ chức một cách toàn diện nhất xã hội loài người do nhà nước thực hiện. Đây là câu chuyện về cách thức tuyên truyền của Karl Marx và Friedrich Engels, hai nhà tư tưởng và tác gia châu Âu giữa thế kỉ XIX, đã dẫn đến một tà giáo làm sụp đổ cả một đế chế hùng mạnh, đưa thế giới vào cuộc xung đột và để lại sự tàn phá với cái giá mà bây giờ người ta mới bắt đầu tính toán được.

VỀ TÁC GIẢ

Richard Pipes (1923-2018), Giáo sư sử học ở đại học Harvard, là tác giả của khá nhiều cuốn sách và tiểu luận, trong đó có The Russian Revolution (Cách mạng Nga), Russia Under Bolshevik Regime (Nước Nga dưới chính quyền Bolshevik) và Property and Freedom (Sở hữu và tự do). Trong các năm 1981-82, ông là cố vấn về các vấn đề Liên Xô và Đông Âu trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Tổng thống Reagan, năm 1992 ông là nhân chứng trong phiên tòa xử Đảng cộng sản Liên Xô do Tòa bảo hiến Nga tiến hành. Ông sống ở Cambridge, Massachusetts và Chesham, New Hamspshire.




[1] Kitty Muggeridge and Ruth Adam, Beatrcie Webb, (New York, 1968), trang 234. Viết năm 1934 hay 1935
[2] Karl Marx, Capital (Tư bản luận), Tập 1., Chương XXIV.
[3] K. Marx, F. Engels, Collected Works (Toàn tập), tập III, (New York, 1975), trang 393
[4] George Lukacs, History and Class Consciousness (Lịch sử và ý thức giai cấp). Cambridge, Mass, 1971, tr. 315
[5] German Ideology (Hệ tư tưởng Đức), trong K. Marx and F. Engels, Collected Works (Toàn tập), tập V, (New York, 1976), trang 47.
[6] Naum Jasny, The Socialized Agriculture of the USSR (Nền nông nghiệp xã hội hóa của Liên Xô) (Stanford, 1949, trang 145-146

[7] Richard Pipes, A Concise History of the Russian Revolution (Lịch sử rút gọn của Cách mạng Nga) (New York, 1995).
[8] V. I. Lenin, Polnoe sobranie cochinenii (Toàn tập), 5 th ed. (Moscow, 1958-65), tập 41, trang 383

[9] Richard Pipes, The Russian Revolution (Cách mạng Nga), (New York 1990), trang 696
[10] L. N. Kristman, Geroicheskii period velikoi revoliutsii (Giai đoạn anh hùng của cuộc cách mạng vĩ đại,) (Moskva, 1926), trang 166.
[11] Isaac Steinberg, In the Workshop of Revolution (tạm dịch: Trong phân xưởng của cách mạng) (London, 1955), trang 145

[12] V. I. Lenin, Polnoe sobranie cochinenii (Toàn tập), tập 37, trang 39-41
[13] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 50 
[14] A. G. Latyshev, Rasskrechennyi Lenin(Lenin được giải mật (Moskva, 1996), trang 40. Bài này không được đưa vào Toàn tập của Lenin. 
[15] Lenin, Polnoe sobranie sochinenii (Toàn tập), tập 42, trang 1
[16] Clara Zetkin, Reminiscences of Lenin (Những kỷ niệm về Lenin - London 1929), trang 20.

[17] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) trang 152-53
[18] Mikhail Geller, Aleksander Nekrich. Utopia in Power: The History of the Soviet Union from 1917 to the Present (Không tưởng cầm quyềnLịch sử Liên Xô từ năm 1917 đến nay - London, 1986) trang 201. 
[19] Alec Nove, An Economic History of the USSR (Lịch sử kinh tế Liên Xô), London, 1988, trang 208.
[20] Nicolas Werth, in Stéphane Cuortois, ed. The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), Cambridge, Mass., 1999, trang 153, 155
[21] Ibid., trang 162.
[22] Nove, Economic History (Lịch sử kinh tế), trang. 243.
[23] Nicolas Werth, in Stéphane Cuortois, ed. The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), Cambridge, Mass., 1999, trang 159, 167.
[24] M. B. Olcott in Russian Review (Tạp chí Nga), vol XL, N. (1981), trang 122, 136.
[25] Hoy (Havana), February 24, 1963, trích lại trong Theodore Draper, Castroism: Theory and Pratice (Chủ nghĩa Castro: Lý thuyết và thực hành), New York, 1965, trang 217-218.
[26] Alfred Mirek, Krasnyi Mirazh (Ảo ảnh đỏ) Moskva, 2000, trang 265-266.
[27]Vladimir Naumov trong William Taubman at al., eds, Nikita Khrushchev (New Haven, Conn., 2000), trang 90.
[28] Sheila Fitzpatrick, Everyday Stalinism (Chủ nghĩa Stalin mỗi ngày), New York, 1993, trang 127.
[29] Bertram D. Wolfe, ed., Khrushchev and Stalin's Ghost (Bóng ma Khrushchev và Stalin), New York, 1957, trang 124.
[30] David Remnick, Lenin's Tomb (Mộ Lenin), New York, 1993, trang 406.
[31] Michael Voslensky, Nomenclature: The Soviet Rulling Class (Nomenclatura: Giai cấp cầm quyền Xô Viết), Garden City, N. Y., 1984, trang 61. 
[32] David Remnick, Lenin's Tomb (Mộ Lenin), New York, 1993, trang 172-73
[33] The New York Times, August 15, 2000, p. A7. 
[34] P. G. Pikhoia, Sovetskii Soiuz: Istoria Vlacti 1945-1991 (Liên Xô: Lịch sử chính quyền, 1945-1961), Moskva, 1998, trang 140. 
[35] Sistema Ispravitel’no-trudovukh lagerei v SSSR (Hệ thống trại lao động cải tạo ở Liên Xô, 1923-1960), Moskva 1998, trang 48.
[36] Nove, Economic History (Lịch sử kinh tế), trang 180. 
[37] Karl Marx, The Class Struggle in France (Đấu tranh giai cấp ở Pháp), New York, 1964, trang 114
[38] Louis Fisher trong Richard Crossman, ed., The God that Failed (Chúa Trời thất bại), New York, 1949, trang 205.
[39] Nadezhda Mandelstam, Hope Against Hope (Hy vọng chống lại hy vọng), New York, 1970, trang 13. Max Hayward dịch
[40] M. Gorki, Lenin et le Paysan Russe (Lenin và nông dân Nga), Paris, 1924, trang 64.
[41] Henry Picker, ed., Hitlers Tischgespräche im Führerhauptquartier, 1941-1942 (Bonn, 1951), trang 133
[42] Sto sorok bessed s Molotovym iz dnevnika F. Chueva (Một trăm bốn mươi câu chuyện với MolotovNhật kí F. Truev), Moskva, 1991, trang 184 
[43] I. V. Stalin, Sochineniia (Toàn tập), Moskva, 1952, Tập 7, trang 27 và 14
[44] John Erickson and David Dilks, eds., Barbarossa: The Axis and the Allies (Barbarossa: Phe Trục và phe Đồng minh), Edinburgh, 1994, trang 261
[45] Leonard Schapiro in George Urban, ed., Stalinism (New York, 1982), trang 423
[46]Andrej Sinjawskij, Der Traum vom neuen Menschen oder die Sowjetzivilisation (Frankfurt, 1989), 262-263
[47] Robert W. Pringle in International Journal of Intelligence and Counterintelligence (Tạp chí quốc tế vế tình báo và phản gián), Summer 2000, trang 195
[48]Markus Wolf, The Man without a Face (Người không mặt), London, 1997, trang 218-19

[49] Jane Degras, eds, The Communist International, 1919-1943: Documents (Quốc tế Cộng sản, 1919-1943: Tài liệu), Tập. I (London, 1956), trang 128
[50] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 50 
[51] V. I. Lenin, Polnoe sobranie sochinenii (Toàn tập), tập 41, trang 38
[52] Jane Degras, eds, The Communist International (Quốc tế Cộng sản), tập 1, 167-172
[53] Arthur Koestler, The Invisible Writing (Trước tác không nhìn thấy được), New York, 1954, trang 53
[54] In Crossman, ed., The God that Failed, 23
[55] The Times (London), February 11, 1920, trang 9
[56] V. I. Lenin, Toàn tập, tập 49 trang 1 và tập 38, trang 139
[57] Carl J. Friedrich, ed. Totalitarism (Chủ nghĩa toàn trị), Cambridge, Mass., 1954, trang 49
[58] Hans Buchheim, Totalitarian Rule (Chế độ toàn trị), Middletown, Conn., 1968, trang 38-39
[59] Benito Mussolini, Opera omnia, vol XVII (Frence, 1955), trang 295
[60] Picker, ed., Hitlers Tischgespräche, trang 133
[61] The New York Times, August 11, 1990, trang A2 
[62] Ibid., June 18, 1992, trang A18
[63] David Childs, ed., The Changing Face of Western Communism (Bộ mặt đang thay đổi của chủ nghĩa cộng sản phương Tây, London, 1980, trang 276
[64] Courtois in The Balck Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), trang 754
[65] Francois Ponchaud in Karl D. Jackson, ed., Cambodia 1975-1978: Rendezvous with Death (Princeton, 1989), tr. 152
[66] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 121 
[67] Leszek Kolakowski, Main Current in Marxism (Dòng chủ lưu trong chủ nghĩa Marx), vol, III (Oxford, 1978), trang 495, 521
[68] Marx and Engels, “The German Ideology” (Hệ tư tưởng Đức), Toàn tập, Tập V, trang 37
[69] Quotation from Chairman Mao Tse-tung (Trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông) New York, 1968, 32-33 
[70] Ibid, trang 77
[71] Stuart Scham, Mao Tse-tung (Mao Trạch Đông), Marmondsworth, U.K., 1966, trang 291
[72] Donald S. Zagoria, The Sino-Soviet Conflict, 1956-1961 (Xung độ Xô Trung, 1956-1961), New York, 1964, trang 385
[73] Quotation from Chairman Mao Tse-tung (Trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông) trang 19-20 
[74] Jasper Becker, Hungry Ghost: China’s Secret Famine (Ma đói: Nạn đói bí mật của Trung Quốc), London, 1996, trang XI
[75] Kenneth M. Quinn trong Jackson, Cambodia, trang 238
[76] Jackson, Cambodia, trang 3 và 150
[77] Charles M. Twininng trong Jackson, Cambodia, trang 110
[78] Draper, Castroism (Chủ nghĩa Castro), trang 48-49
[79] Sergei Khrushchev, Nikita Khrushchev (University Park, Pa., 2000), trang 627
[80] Silvana Paternostro in The New Republic (Cộng hòa mới), July 10-17, 2000, trang 20
[81] Peter Woodward, The Horn of Africa (Vùng sừng châu Phi), London and New York, 1996 trang, 99
[82] Leszek Kolakowski, Main Current in Marxism (Dòng chủ lưu trong chủ nghĩa Marx), vol, III (Oxford, 1978), trang 495, 521

[83] Mussolini, Oprea omnia, Tập XV (Florence, 1954), trang 93
[84] Sergei Khrushchev, Nikita Khrushchev (University Park, Pa., 2000), trang 701

No comments:

Post a Comment