May 31, 2022

BÀN THÊM VỀ: “Con gái là người tình kiếp trước của bố”

 1.      Mặc cảm Oedipus

ĐOẠN NÀY LÀ TÌM TRÊN MẠNG: “Xuất phát từ bi kịch của Sophocles, Sigmund Freud (một bác sĩ về thần kinh và tâm lý người Áo, cha đẻ của ngành phân tâm học) dùng thuật ngữ “Mặc cảm Oedipus” dùng cho con trai và “Mặc cảm Electra” (Electra là tên một nữ nhân vật Hy Lạp giết mẹ để trả thù cho cha mình là Agamemnon đã bị chính mẹ mình ám sát) dùng cho con gái để đặt tên cho một đặc điểm tâm lý ở trẻ nhỏ từ 3 đến 7 tuổi: đứa trẻ thể hiện sự quý mến người sinh thành ra mình, thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét bậc phụ huynh cùng giới tính với mình.


“Mặc cảm Oedipus”, theo mô tả của Sigmund Freud, bé trai khoảng 3 tuổi cứ khư khư đòi được mẹ ôm hôn và âu yếm nhiều hơn. Đối với bé gái, “Mặc cảm Electra” bắt đầu khi bé quyến rũ bố, cuộn tròn trong lòng bố và tìm cách lôi kéo sự chú ý của bố, trong khi mẹ lại biến thành vừa là đối thủ vừa là người mẫu của bé.

Để ra khỏi tình trạng này, một đứa trẻ độ tuổi 3 đến 7 có thể thôi cố chiếm chỗ của bố hay mẹ khác giới nó bằng cách kiềm chế cảm xúc và đam mê thành vô thức. Đây là điều Freud gọi là hóa giải diễn ra từ từ. Vào độ 5 hay 6 tuổi, các bé gái bắt đầu muốn làm tất cả mọi thứ như mẹ nó, còn các bé trai muốn làm tất cả như cha mình.

Mặc cảm Oedipus/Mặc cảm Electra là sự cự tuyệt vô thức và bình thường đối với bố hoặc mẹ cùng giới tính với trẻ, kết quả của việc dành tình yêu cho bố hoặc mẹ ở giới tính kia, diễn ra giữa độ tuổi 3 đến 7”. HẾT TRÍCH

Tất cả chúng ta đều biết rằng đối với hầu hết mọi người, mặc cảm này sẽ tự mất đi qua quá trình đồng hóa dần với bố hay mẹ cùng giới của trẻ. Chỉ có một số rất ít “nhập nội” bố/mẹ khác giới và có thể trở thành một kiểu đồng tính luyến ái. Nhưng tôi không thấy Freud hay Jung viết ở đâu rằng “Con gái là người tình kiếp trước của bố”, còn mong ước: “kiếp sau xin được làm người tình của bố” thì bị coi là bệnh hoạn: “Loạn luân trong tiềm thức đồi bại gấp ngàn lần trong đời thực!” thì tôi nghĩ cũng chỉ là nói quá lên một chút mà thôi. 

Các cụ nói: “dốt đặc hơn hay chữ lỏng”, có thể áp dụng cho trường hợp này?

 2.      Luân hồi trong Đạo Phật



Có người nói rằng đã nghe nhà sư giảng cái gì đó tương tự như “con gái là người tình kiếp trước của bố”. Xin được trả lời như sau:

Đạo Phật có thuyết luân hồi: sự tiếp diễn liên tục của những kiếp sống. Sự xoay chuyển liên tục này thường được biểu hiện bằng bánh xe và được gọi là bánh xe luân hồi. Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một vòng tròn, mà sự sinh tử của con người luôn tiếp diễn trên vòng tròn đó không bao giờ dừng.  Vì thế chúng ta sẽ không biết chỗ nào là điểm khởi đầu, cũng như chỗ nào là điểm kết thúc. Và người ta thường nói tới Vòng Luân Hồi gồm: Cõi Trời, A-tu-la, Người, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.

Như vậy là kiếp này chúng ta là người, thì kiếp sau hay nhiều kiếp sau nữa chúng ta cũng có thể lại là người, cho nên các nhà sư thường giảng rằng, đời này có thể là cha mẹ, mà đời trước hay đời sau có thể là con.. Nhưng ý tứ ở đây là người tu hành không được qúa chấp trước vào tình thân quyến đến mức sao nhãng việc tu hành. Đã là người xuống tóc đi tu thì đã là nửa thần rồi chứ không còn là người thế gian nữa, tên họ cũng thay đổi rồi. Ngày xưa, người xuất gia, nếu được mẹ tới thăm thường nói: “Bạch thí chủ, bần tăng là người xuất gia, đã là Phật tử rồi”. Còn tình thân quyến tức là còn “tôi” và “ của tôi” thì tình yêu, dù là tình yêu của mẹ dành cho con, tuy đã trong sáng hơn hẳn tình yêu nam nữ, nhưng cũng vẫn chưa phải là tình yêu vô điều kiện, chưa phải là từ bi. Chỉ khi đã dứt bỏ hết “tôi” và “của tôi” thì mới có thể xuất hiện tình yêu vô điều kiện. Cho nên lời giảng: “đời này có thể là cha mẹ, mà đời trước hay đời sau có thể là con…” phải được hiểu trong bối cảnh/ngữ cảnh đó, chứ không được tùy tiện “đoạn chương thủ nghĩa”, tùy tiện suy diễn  thành “Con gái là người tình kiếp trước của bố” hay “đẻ con gái là mất chồng”.

Không có nhà sư nào giảng loạn bậy như thế.

Các cụ nói: “dốt đặc hơn hay chữ lỏng”, có thể áp dụng cho trường hợp này?

3.      Quan điểm của Công giáo



Đến đây, có thể nói rằng, “Con gái là người tình kiếp trước của bố” là một mệnh đề nhảm nhí, không phải từ tâm phân học mà cũng chẳng phải từ Phật giáo, đã làm cho một số người phẫn nộ và coi là loạn luân, mặc dù mới là loạn luân trong tư tưởng. Nhưng có một số người lại cho rằng phê phán loạn luân thì có khác gì phê phán cha ông mình, thậm chí phê phán cả các Vua Hùng, nếu quả thật có những vị vua đó và có thể còn đi xa tới tận loài vượn người, nếu quả thật con người thoát thai từ vượn. Người viết cho rằng Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R ở nhà thờ Thái Hà cho chúng ta câu trả lời ngắn gọn và rất đầy đủ. Xin mời đọc: 

Hỏi: Thưa Cha! Xin Cha giúp con giải thích thắc mắc này của một số người ngoại đạo mà con không trả lời được. Trong khi đại đa số người có đạo hay không có đạo điều tin rằng loạn luân là một trong những tội trọng, thì lại vẫn có một số người cho rằng không có tội vì họ nói thủa xa xưa ông bà tổ tiên đã lấy nhau thì mới sinh con đẻ cái được. Con chân thành cảm ơn cha trước, kính xin cha cho con được dấu tên khi cha trả lời nhé.

Trả lời: Ông S. thân mến Vấn đề loạn luân là một vấn đề liên quán đến luật tự nhiên. Đó là luật đã ghi khắc trong tâm của con người. Như Đức Gíao Hoàng Lê ô XIII đã viết: “Luật tự nhiên không gì khác hơn là luật vĩnh cửu được khắc ghi nơi những bản thể có lý trí, đưa đẩy họ đến hành vi và cứu cánh thích hợp, và cứu cánh ấy chỉ là lý trí vĩnh cửu của Tạo Hóa và là đấng cai quản vũ trụ. Luật tự nhiên được viết và khắc ghi trong trái tim con người là chính lý do chỉ thị cho con người hành động tốt và cấm đoán phạm tội”, Luật tự nhiên mang tính phổ quát nghĩa là mọi người đều phục tùng nó. Vì vậy mà chuyện loạn luân đều bị cấm trong tất cả các bộ luật trên thế giới, bởi tất cả các tôn giáo, bởi các cộng đồng xã hội. Không ai có thể cho rằng mình không được hướng dẫn. Luật tự nhiên cũng mang tính bất biến, không thay đổi. Có thể ban đầu người ta chưa khám phá ra luật này nhưng dần mệnh lệnh được bộc lộ cho lương tâm con người và từ đó nó không thể bị bôi xóa. Vì thế, lúc nhận ra luật con người không thể chảy tội, tiếp tục vi phạm rồi tìm cách biện hộ. Luận cứ cho rằng nếu người đi trước đó đã có lúc phạm tội thì ta cũng có thể phạm là không thể chấp nhận được. Có những điều mà người trước làm sai thì người sau phải tránh. Thí dụ người xưa giết người để tế thần thì nay không thể làm như vậy được nữa. Nếu nói rằng trước đây để bảo toàn nòi giống đã có sự vi phạm thì nay không còn phải làm như vậy nữa. Vì thế loạn luân là một điều cấm của các luật tự nhiên mà mọi người đều phải tuân giữ.

Lm Giuse Nguyễn Ngọc Bích, C.Ss.R (HẾT TRÍCH)

KẾT LUẬN LẠI LẦN NỮA: “Con gái là người tình kiếp trước của bố” hoặc “Đẻ con gái là mất chồng” là những câu nói rất phản cảm, không nên nói ở chốn công cộng. Nếu quí bố đến mức như thế, tại sao không nói: “Cha ơi, nếu còn kiếp sau con xin lại được làm con của cha mẹ”? Có phải nhu mì và lọt tai hơn không?

TẠM CHẤM DỨT Ở ĐÂY!

 

 

 

No comments:

Post a Comment