July 2, 2020

Thuật ngữ chính trị (31)


 Political Dictionary – The Bridge

Chữ D

84. De Facto – trên thực tế. Luật lệ hoặc quyền lực de factor đơn giản có nghĩa là một nhóm người, một giai cấp, một quốc gia có thể kiểm soát và sắp xếp hệ thống chính trị. Không nhất thiết có nghĩa là những người nắm quyền là bất hợp pháp, nguyên tắc sử dụng quyền lực của họ trái ngược với quyền lực de jure. Theo một số lý thuyết pháp lý hoặc chính trị, quyền lực de jure có nghĩa là một nhóm người cụ thể được quyền ban hành một cách hợp pháp một số mệnh lệnh. Một lần nữa, sự trùng hợp trên thực tế phụ thuộc vào lý thuyết mà người ta áp dụng. Ví dụ có tính cực đoan: Một người nào đó có thể khẳng định rằng nước Anh có quyền cai trị de jure đối với thuộc địa mà nước này đã mất từ lâu, hoặc nước Anh chỉ có quyền de facto đối với Scotland và Wales mà thôi - tùy thuộc ý thức hệ mà người đó lựa chọn.

Sự khác biệt về mặt khái niệm có vai trò quan trọng vì nó giúp phân biệt giữa việc tuân lệnh người nắm được quyền lực (có thể do họ có nhiều súng) và lý do chính đáng để tuân thủ quyền lực hoặc được mọi người cho rằng tuân thủ là chính đáng. Ví dụ, trước khi nhà nước Zimbabwe chính thức được thành lập, Vương quốc Anh có thẩm quyền de jure đối với vùng lãnh thổ từng được gọi là Nam Rhodesia, mặc dù trên thực tế từ năm 1965 đến khi thành lập nhà nước Zimbabwe, khu vực này đã nằm dưới quyền kiểm soát của người da trắng.

85. Darwinism – Học thuyết Darwin. Học thuyết Darwin, hay Học thuyết tiến hóa của Darwin là học thuyết về tiến hóa sinh học do nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin (1809–1882) đề xướng. Học thuyết Darwin có thể được coi là học thuyết tổng quát về con người và tự nhiên cũng như lý thuyết về tiến hóa sinh học. Là lý thuyết về con người và tự nhiên, nó đứng về phía chủ nghĩa duy vật cho rằng có một quy luật phổ quát điều khiển tất cả các hiện tượng trong thế giới sinh vật. Cũng như những người thời cuối thời đại Victoria tin rằng tất cả các hoạt động của tâm trí đều tuân theo một quy luật nền tảng, học thuyết Darwin trình bày một quy luật tự nhiên nói về quá trình phát triển của mọi hình thức của sự sống. Không có gì ngạc nhiên khi Darwin rằng con người và các loài động vật khác “liên kết chặt chẽ với nhau”. Thực tế, nhiều người theo thuyết Darwin tin rằng không có cơ sở khách quan nào để đưa loài này đứng trên loài khác. Không cần phải nói rằng học thuyết Darwin là cú giáng chí tử vào tất cả các luận cứ của thuyết Sáng thế. Như một lý thuyết sinh học, thuyết Darwin chuyển sự quan tâm của các nhà sinh học từ tập trung vào loại (type), mỗi loại có hình thức và bản chất cố định, sang quần thể (population) với ranh giới không cố định, cũng không được quyết định từ trước. Kết quả của áp lực lựa chọn liên tục là một số sinh vật bị loại bỏ, do bị chết hoặc mất khả năng sinh sản, tạo điều kiện thuận lợi cho những sinh vật có khả năng thích nghi tốt hơn với môi trường xung quanh. Các quần thể tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên nhờ các biến thể có khả năng thích nghi cao và di truyền được giống nòi. Câu nói của Herbert Spencer: “Thích hợp nhất thì sống” (dịch thoát ý câu: survival of the fittest) thường được coi là đồng nghĩ với thuật ngữ chọn lọc tự nhiên.

86. Dealignment – Không còn gắn bó. Khái niệm nói rằng các cử tri trong chế độ dân chủ tự do phương Tây từng theo những nhóm được xác định một cách rõ ràng về mặt xã hội trên cơ sở như giai cấp, tôn giáo, sắc tộc và có tinh thần đảng phái cao, sau một thời gian không còn trung thành như thế nữa và có thái độ bấp bênh trong các cuộc tranh cử. Khái niệm này khác với realignment (chuyển phe), trong đó, các cử tri không còn trung thành với phe nhóm hay đảng phái cũ và chạy sang phe nhóm hoặc đảng phái mới. Khái niệm “không còn gắn bó” trở thành thông dụng trong những năm 1980.

87. Debt crisis - Khủng hoảng nợ. Khủng hoảng nợ là các nước nghèo nợ những nước giàu tới mức không thể trả đúng kì hạn. Khủng hoảng nợ có thể là do những khoản vay đa phương của Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) mà cũng có thể do các ngân hàng thương mại cung cấp. Việc quản lý “gói” nợ của nước đi vay thường là kết quả của một loạt thỏa thuận của con nợ và WB/IMF. Tuy nhiên nợ nhiều tự nó chưa tất yếu là “khủng hoảng”. Khủng hoảng xảy ra khi người ta không còn có thể tuân thủ kế hoạch trả nợ (lãi hoặc vốn) đã được thỏa thuận, gây ra tình huống là con nợ ngưng hoặc đe dọa ngưng trả nợ. Phản ứng về chính trị của các bên liên quan tạo ra khuôn khổ của bất kì cuộc khủng hoảng nào và khuôn khổ này lại tạo ra những biện pháp xử lí và giải quyết rất khác nhau. Khủng hoảng nợ là do một loạt xu hướng và mô hình chính trị khác nhau trên thế giới từ đầu những năm 1980.

Các ngân hàng đa phương và ngân hàng thương mại từ năm 1974 trở đi đã cho vay quá nhiều làm cho những khoản nợ tích tụ; những chiến lược phát triển sai lầm của các nước đi vay làm giảm khả năng trả nợ; trong những năm đầu 1980, lãi suất ở Hoa Kì gia tăng đột ngột làm cho những khoản vay trở thành đắt đỏ; giá hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của các nước nghèo giảm, các nước này không thu được ngoại tệ mạnh để trả nợ là những nguyên nhân gây ra khủng hoảng nợ. Khủng hoảng nợ làm gia tăng căng thẳng trong xã hội, mất ổn định về chính trị và các cuộc biểu tình phản đối, trong bối cảnh nghèo đói gia tăng. Đã có nhiều vụ xóa nợ, tái cơ cấu các khoản nợ và gia tăng vai trò của WB và IMF trong quản lý nền kinh tế của các nước nợ nần.

1 comment: