June 25, 2020

Thuật ngữ chính trị (28)

Political Dictionary – The Bridge

75. Corporatism – Chủ nghĩa nghiệp đoàn. Chủ nghĩa nghiệp đoàn là tư tưởng chính trị chủ trương tổ chức xã hội trên cơ sở các nhóm người hợp tác với nhau, ví dụ, các hiệp hội trong lĩnh vực nông nghiệp, lao động, quân sự, khoa học hoặc phường hội được thành lập vì lợi ích chung. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ tiếng Latin “corpus (cơ thể con người). Đây là giả thuyết cho rằng xã hội thực hiện được chức năng một cách hài hòa nhất khi mỗi bộ phận của nó thực hiện một cách hiệu quả chức năng được giao chó nó: Từng bộ phận trong cơ thể đều góp phần tạo ra sức khỏe và hoạt động phối hợp với nhau là cốt lõi của thuyết nghiệp đoàn.


Tư tưởng nghiệp đoàn đã có từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, tích hợp với giáo huấn Kitô giáo và quan điểm của các đảng dân chủ Kitô giáo. Tư tưởng này được nhiều người ủng hộ và được áp dụng trong những hình thức xã hội khác nhau, với nhiều hệ thống chính trị khác nhau, trong đó có chế độ chuyên chế, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa nghiệp đoàn cũng có thể liên quan tới tập đoàn kinh tế tay ba, dựa trên các hợp đồng ba bên giữa các tổ chức sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ. Quan điểm này đôi khi cũng được gọi là chủ nghĩa nghiệp đoàn mới hoặc chủ nghĩa nghiệp đoàn dân chủ xã hội.

76. Corruption – Tham nhũng. Tham nhũng là khi quan chức chuyển lợi ích cho cá nhân người được quyền hoặc không được quyền hưởng lợi ích đó để sau đó được người này trả công (hối lộ). Nhận hối lộ là quan chức đã vi phạm lời hứa với “cấp trên” (thường là cơ quan quản lý hành chính nhà nước hoặc công ty) là chỉ trao lợi ích cho những người được quyền hưởng. Tham nhũng không phải là đặc tính của hệ thống xã hội hay tổ chức hoặc tính cách cá nhân mà là trao đổi phi pháp. Hiện nay các nhà khoa học đã từ bỏ quan niệm cổ điển, coi tham nhũng là sự thoái hóa về đạo đức hoặc thiếu đạo đức của từng cá nhân. Nếu tham nhũng là trao đổi thì ít nhất nó phải là đối tượng khảo sát mang tính thực nghiệm, xuyên quốc gia. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu dữ liệu của ba tổ chức quốc tế là Minh bạch quốc tế có trụ sở ở Đức, Ngân hàng thế giới và Freedom House. Các tổ chức này tiến hành khảo sát tất cả các quốc gia và xếp hạng các nước theo chỉ số tham nhũng, mặc dù dữ liệu có nhiều sai lệch. Đương nhiên, tham nhũng là hành động phi pháp nên rất khó đo lường.

Người ta thấy rằng có mối tương quan đồng biến giữ đút lót và tình trạng quan liêu, tầng nấc của chính quyền, từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, thời gian mà những người quản lý phải làm việc với các quan chức chính phủ, chi phí sử dụng vốn hoặc các khoản đầu tư và mức độ tùy tiện của các văn bản do các quan chức ban hành có quan hệ. Những công trình nghiên cứu khác cho thấy có tương quan nghịch biến giữa tham nhũng và tăng trưởng kinh tế, truyền thống Tin Lành, các nước từng là thuộc địa của Anh, cởi mở với thương mại, chính quyền dân chủ hiện tại và có thời gian dài thực thi chế độ dân chủ.

Nhưng số liệu không thể thay thế được giải thích. Tham nhũng là do quan liêu hay quan liêu đẻ ra tham nhũng? Nếu quan liêu đẻ ra tham nhũng thì đút lót có thể là biện pháp tránh nạn quan liêu. Trái ngược với quan điểm này, nhiều người khẳng định rằng, trong dài hạn tham nhũng làm cho hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, khi có quá nhiều quan chức và người đút lót tiềm tàng thì tham nhũng có thể làm gia tăng tham nhũng, làm cho đất nước rơi vào “bẫy” với hiện tượng đút lót tràn lan.

Với những dữ liệu thu thập được Ngân hàng Thế giới khuyến khích các chính sách như giảm bớt quy định và tự do hóa trong lĩnh vực kinh tế, các quyền công dân, chế độ pháp quyền. Nhưng hiện vẫn chưa có biện pháp bài trừ triệt để tham nhũng và cần phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn cơ chế tham nhũng.

77. Cosmopolitanism - Chủ nghĩa thế giới. Chủ nghĩa thế giới là tư tưởng triết học nói rằng mọi người phải có trách nhiệm đạo đức và chính trị với nhau chỉ vì họ là người, không phân biệt người đó là công dân của quốc gia nào, dân tộc nào, tôn giáo nào hay nơi sinh. Thuật ngữ này xuất hiện khi có người hỏi triết gia Hy Lạp, Diogens of Sinope, ông là công dân nước nào và ông trả lời rằng mình là Kosmopolite (công dân của thế giới). Những người theo chủ nghĩa thế giới khẳng định rằng tất cả mọi người đều có lý trí và vì vậy, thực chất, là thành viên của cộng đồng nhân loại. Từ quan điểm này, những người theo chủ nghĩa thế giới tuyên bố rằng biên giới quốc gia và bản sắc dân tộc, xét về mặt đạo đức, là những khái niệm tùy tiện; rằng mọi người đều phải được đối xử trước hết như là một cá nhân có đạo đức, như những công dân của cộng đồng chính trị toàn cầu. Luận cứ của chủ nghĩa thế giới đương đại đưa ra những tuyên bố về đạo đức và thiết chế nói rằng không chỉ mọi người đều có giá trị như nhau và phổ quát về đạo đức, mà các thiết chế chính trị trên bình diện toàn cầu phải thể hiện, ở những mức độ khác nhau, những giá trị đạo đức này của chủ nghĩa toàn cầu. Kết quả là nhiều cuộc thảo luận của những người theo chủ nghĩa toàn cầu hiện nay tập trung vào việc thúc đẩy công lý trên toàn cầu và thách thức khái niệm chủ quyền quốc gia truyền thống Hiệp định Westphalia. Có thể coi những triết gia cổ đại Hy Lạp sau đây là những người theo chủ nghĩa thế giới: Zeno od Citilum, Chrystious, Marcus Cicero, Marcus Aurelius, Ceneca; còn hiện nay, đấy là: Immanuel Kant, Charle Beitz, Brian Berry, Thomas Pogge, Jürgen Habermas, Simon Caney và David Held.

1 comment: