March 24, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 11)

Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm

Dịch: Phạm Nguyên Trường

Chương 3

Ghana: Con đường tới dân chủ thật quanh co

Kwame A. Ninsin

Kết quả hình ảnh cho Jerry Rawlings
Jerry Rawlings J. (1947 - )

Ghana là nước đầu tiên ở phía Nam sa mạc Sahara, châu Phi giành được độc lập từ chính quyền thực dân Anh vào năm 1957. Tổng thống Kwame Nkrumah và Đảng Nhân dân Hội nghị lãnh đạo quá trình chuyển đổi từ chế độ thực dân sang nền độc lập và cuộc chuyển đổi của Ghana sang chế độ cộng hòa. Chính phủ Nkrumah đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể về xã hội, chính trị và kinh tế, nhưng ngày càng trở nên độc đoán hơn. Tháng 2 năm 1966, quân đội đảo chính, lật đổ chế độ của ông này. Từ chính phủ quân sự đầu tiên (1966-1969) trở đi, Ghana chỉ có chính phủ dân sự trong một số giai đoạn ngắn, còn các chính phủ quân sự cai trị từ 1972 đến năm 1979, một thời gian ngắn trong năm 1979 (khoảng ba tháng), và trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1992.

Đại uý Không quân Jerry Rawlings J. lãnh đạo hai chính phủ quân sự cuối cùng. Hội đồng Quân nhân Cách mạng, do Rawlings lãnh đạo, lật đổ chính phủ quân sự giai đoạn 1972-1979, đã bị thoái hóa và đầy tai tiếng vì quản lí kinh tế kém cỏi và vi phạm các quyền tự do chính trị và dân sự. Sau hai năm rưỡi cai trị theo hiến pháp, ngày 31 tháng 12 năm 1981, Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC) của Rawling đã lật đổ chính phủ dân cử của Đảng Dân tộc nhân dân, do tiến sĩ Hilla Limann đứng đầu.

Trong thời chính quyền quân sự, ở Ghana, các nhóm xã hội dân sự với những khuynh hướng chính trị khác nhau đã xuất hiện, đòi trở lại với chính quyền hiến định, thánh thức bầu không khí đàn áp đang bao trùm khắp nơi. Các tổ chức nghề nghiệp, trong đó có tổ chức của các giảng viên đại học, mạng lưới các nhà thờ Công giáo, tổ chức của công nhân và sinh viên - thường dẫn đầu các nhóm trong xã hội dân sự. Giới tinh hoa kế tiếp nhau của các đảng chính trị bị cấm đoán cũng có vai trò tích cực trong việc kêu gọi trở lại với chế độ hiến định và nguyên tắc pháp quyền. Trong những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, cộng đồng các nhà tài trợ phương Tây cũng áp lực Ghana quay lại nền chính trị đa đảng, và các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày càng coi trọng điều kiện cải thiện chế độ quản trị gắn liền với khả năng cung cấp các khoản vay và viện trợ.

Những lời kêu gọi trở lại chế độ dân chủ hiến định sau năm 1982

Khi Rawlings cướp được quyền lực từ tay chính phủ dân cử của Limann, ông ta đặt Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC) “cách mạng” của mình vào vị trí đối lập với điều mà ông ta coi là giới ăn trên ngồi trốc bóc lột và tham nhũng trong lĩnh vực chính trị và kinh tế. Trong khi bác bỏ chế độ dân chủ đa đảng, coi đấy là sự áp đặt của phương Tây, đã làm cho Ghana thất bại, ông đã tìm cách tạo ra cái mà ông ta nghĩ là hình thức dân chủ đích thực của Ghana, xuất phát từ các mô hình quản trị truyền thống, dựa trên sự đồng thuận và tham gia của cộng đồng. Nhân dân được trao quyền lực thông qua cơ cấu chính quyền tự quản phi đảng phái ở địa phương, những cơ cấu này giải quyết những thách thức của cộng đồng và những cấu trúc này sẽ tạo ra nền tảng cho trật tự chính trị quốc gia.

Tương tự như các chế độ quân sự trước đây, chính quyền của Rawlings coi thường những áp lực đòi quay lại với chế độ hiến định do các Hiệp hội Luật sư Ghana (GBA), Hiệp hội các Tổ chức nghề nghiệp được công nhận, Liên hiệp sinh viên Ghana (NUGS) và Nhà thờ Công giáo dòng chính đưa ra. Chính quyền củng cố chế độ bằng cách kiểm soát ngành dân chính và những cơ quan nhà nước và thành lập các tổ chức nhà nước mới như là Ủy Ban Kiểm soát Công dân, Ủy ban điều tra quốc gia, và tòa án công cộng. Chế độ sử dụng các ủy ban điều tra và các phương tiện truyền thông để truy tố giới tinh hoa đối lập Ghana vì những tội phạm về kinh tế được cho là nhằm chống lại nhà nước: làm nhục và hăm dọa phe đối lập cũng như làm mất tính hợp pháp của họ.

Chế độ còn tổ chức các ủy ban quốc phòng của người lao động và ủy ban quốc phòng của nhân dân tại nơi làm việc và khu vực dân cư (năm 1984, các tổ chức này hợp nhất thành Ủy ban Bảo vệ Cách mạng). Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức chính trị cấp tiến ủng hộ chính phủ PNDC, các ủy ban quốc phòng can thiệp vào quá trình sản xuất và phân phối hàng hóa và dịch vụ và giải quyết những vụ tranh chấp ở địa phương liên quan đến quyền sử dụng đất, tiền thuê nhà và giá cả hàng hóa tiêu dùng. Cuối năm 1983, đã xảy ra những vụ vi phạm nhân quyền tràn lan và những người hoạt động chính trị và các tổ chức của họ bị đàn áp và bị đẩy ra bên lề của nền kinh tế và chính trị của đất nước.

Để đối phó với sự suy giảm liên tục của nền kinh tế và với một bước rẽ đột ngột ra khỏi chính sách kinh tế mang tính dân túy của mình, năm 1983, Rawlings lao vào chương trình điều chỉnh cơ cấu, gọi là Chương trình Phục hồi Kinh tế, do các tổ chức tài chính quốc tế (IFI) đưa ra. Chương trình này tạo điều kiện cho Ghana nhận những khoản vay và viện trợ tài chính quốc tế. Làn sóng tiếp theo của những đòi hỏi về cải cách chính trị xảy ra trong nửa sau của nững năm 1980, theo sau giai đoạn thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ của IFI. Ảnh hưởng về mặt xã hội của những chính sách đó đã tạo ra được mặt trận rộng lớn của các lực lượng chống lại chế độ. Hội nghị Công đoàn Ghana (GTUC), NUGS, GBA, Nhà thờ Công giáo và những tổ chức khác đòi phục hồi chế độ hiến định, tôn trọng nhân quyền, bãi bỏ những đạo luật hà khắc và khôi phục chế độ pháp quyền. Nhưng chính phủ Rawlings vẫn lờ đi những áp lực ở trong nước và tiếp tục củng cố nền chính trị “không đảng phái” bằng cách thiết lập hội đồng khu vực (cơ quan quản lí địa phương), trên cơ sở các cuộc bầu cử địa phương phi đảng phái, được tiến hành trong những năm 1988-1989. Chính phủ nói rằng các hội đồng địa phương là những viên gạch tạo ra cơ quan lập pháp quốc gia.

Việc thành lập Phong trào vì Tự do và Công lý (MFJ) vào tháng 8 năm 1990 đã làm thay đổi động lực của những lời gọi đòi trở lại với chế độ hiến định. MFJ là “phong trào toàn quốc và cởi mở, nhằm vận động cho sự phục hồi chế độ dân chủ ở nước ta”[1]. Phong trào này được thành lập bởi “một nhóm những người Ghana quan tâm tới quyền lợi chung, đại diện cho toàn bộ phổ chính trị, tư tưởng và niềm tin tôn giáo từ các tầng lớp xã hội, giai cấp, nghề nghiệp và dân tộc khác nhau”[2], các nhà lãnh đạo của phong trào này xuất thân từ hai truyền thống chính trị quan trọng nhất của đất nước - Nkrumah và Danquah-Busia - và từ những nhóm chính trị mới. Mạng lưới các lực lượng ủng hộ dân chủ, một số trong đó đã từng lên tiếng đòi chế độ hiến định, trong đó có GTUC, NUGS, GBA, Vệ binh Cách mạng Kwame Nkrumah, Phong trào Dân chủ Mới, Đội quân Thanh niên châu Phi, Hội đồng Giáo hội Công giáo và Hội nghị Giám mục Công giáo. Hoạt động của liên minh rộng hơn của các nhóm xã hội dân sự này đã làm bùng lên phong trào xã hội đòi chế độ dân chủ. Vì vậy, những năm 1980 đã kết thúc với áp lực chính trị gia tăng lên Hội đồng Quốc phòng Lâm thời Quốc gia (PNDC), buộc phải khởi động những cuộc cải cách hiến pháp. Công đồng các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là chính phủ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) - cũng gây áp lực đòi cải cách chính trị và hiến pháp, coi đó là điều kiện cấp viện trợ.

Rawlings và quá trình chuyển hóa


Mặc cho thái độ bảo thủ của Rawlings đối với chế độ dân chủ đa đảng, từ năm 1991, chính phủ của PNDC đã có những tín hiệu cho thấy họ đang đáp ứng trước những áp lực về cải cách chính trị từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Trong thông điệp đầu năm, ngày 01 tháng 1 năm 1991, Rawlings đã phác thảo một số cải cách theo hướng đó. Ông ta tuyên bố rằng Ủy ban Quốc gia vì Dân chủ (NCD), được uỷ quyền để tổ chức những cuộc tham vấn trên toàn quốc về hình thức của chế độ dân chủ và quản trị, sẽ đệ trình bày báo cáo vào cuối tháng 3. Sau khi NCD nộp báo cáo, một ủy ban gồm các chuyên gia về hiến pháp sẽ được bổ nhiệm để xuất bản phác thảo hiến pháp trên cơ sở bản báo cáo này và các bản hiến pháp năm 1957, 1960, 1969 và 1979. Cuối cùng, hội đồng tư vấn đủ thành phần sẽ được triệu tập để thảo luận kĩ và biểu quyết thông qua bản hiến pháp mới cho đất nước, bản hiến pháp này cũng phải dựa trên báo cáo của NCD và những bản hiến pháp trước đây – đây là yếu tố quan trọng, vì ba bản hiến pháp trước đây đều dựa trên các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do.

Nhưng cũng rõ ràng là, theo thông điệp đầu năm, Rawlings đã không hoàn toàn từ bỏ chương trình ban đầu của ông ta là thay thế các thiết chế chính trị tự do của đất nước bằng những thiết chế dân chủ dân túy, dựa trên quan niệm về chế độ dân chủ trực tiếp phi đảng phái. Ông ta tuyên bố rằng chính phủ của ông ta bây giờ sẽ tiếp tục tập trung vào “con đường tiến tới thiết lập cho Ghana trật tự hiến định mới” phù hợp với “các tiến trình dân chủ được khởi động ngày 04 tháng 6 Năm 1979 và ngày 31 tháng 12 năm 1981”. Điều đó ám chỉ mục đích ban đầu của PNDC là thiết lập hệ thống dân chủ, trong đó những giai cấp thấp trong xã hội Ghana sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định thông qua những thiết chế chính trị của chính họ - trước đây là các ủy ban quốc phòng, còn sau này là hội đồng địa phương. Tuy nhiên, chính phủ Rawlings vẫn nắm chặt quyền kiểm soát quá trình cải cách chính trị và cải cách hiến pháp và không tham khảo rộng rãi ý kiến của các nhóm xã hội dân sự đã và đang đòi cải cách. Hơn nữa, sau khi Ủy ban Chuyên viên và Hội đồng Tư vấn soạn thảo xong dự thảo hiến pháp, nhưng trước khi đưa ra trưng cầu dân ý, PNDC đã đưa vào những điều khoản miễn tố cho những hành động liên quan đến tới những thay đổi trong chính phủ (nghĩa là đảo chính) hay bất kì hành động hay thiếu sót nào của PNDC hay những người mà họ bổ nhiệm trong giai đoạn cầm quyền của mình, và bằng cách đó bảo vệ họ, để không bị các chính phủ tiếp theo truy cứu trách nhiệm.

Cuối năm 1991, PNDC đã chứng tỏ là rất khéo léo trong việc duy trì quyền kiểm soát trước sự phản đối đang ngày càng gia tăng của các lực lượng ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, cộng đồng các nhà tài trợ cũng gia tăng thông điệp ủng hộ cải cách. Ở trong nước, mạng lưới các hiệp hội công dân được mở rộng và lập ra liên minh lớn hơn - Ủy ban Điều phối các Lực lượng Dân chủ, bao gồm khoảng 11 nhóm – nhằm thúc đẩy hơn nữa các cuộc cải cách chính trị và cải cách hiến pháp. Bản hiến pháp tự do mới được đa số thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý, tổ chức vào ngày 28 tháng 4 năm 1992. Sau đó là Luật mới về các chính đảng, hủy bỏ việc cấm các đảng phái hoạt động (tháng 5 năm 1992), bãi bỏ Luật cấp môn bài cho báo chí (ban hành năm 1985) vào tháng 5 năm 1992, thành lập Ủy ban Bầu cử Quốc gia Lâm thời (INEC), có quyền đăng kí tất cả các đảng chính trị.

Trước việc mở cửa dân chủ ồ ạt này, những tổ chức xã hội dân sự ủng hộ dân chủ đồng loạt tự chuyển hóa thành các đảng chính trị. Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1992, đã có 11 đảng chính trị được đăng kí tham gia cuộc bầu cử đa đảng, mà theo kế hoạch thì sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 1992 (bầu cử tổng thống) và tháng 12 năm 1992 (bầu cử nghị viện).

Lúc đó, Rawlings đã củng cố được thanh danh là “nhà dân chủ bất đắc dĩ”. Vì thế, các nhà lãnh đạo các đảng phái chính trị đã tỏ ra thận trọng. Họ thành lập Liên minh các Lực lượng Dân chủ (ADF) để đấu tranh trong suốt giai đoạn tiến hành những cuộc cải cách chính trị và hiến pháp. ADF* đã kiện chính phủ ra tòa vì những điều khoản trong Luật mới về các chính đảng, trong đó có những hạn chế về việc sử dụng tên đảng, biểu tượng và khẩu hiệu nếu những thứ đó đã từng là của những đảng phái chính trị bị chính quyền quân sự trước đó cấm hoạt động. Liên minh cũng sử dụng các tòa án để bảo đảm rằng những cuộc cải cách về nhân quyền được thực hiện. Cùng thời gian đó, báo chí tư nhân mọc lên như nấm và báo chí tư nhân nổi lên như những cơ quan ngôn luận không chính thức của phong trào ủng hộ dân chủ, báo chí giúp đẩy nhanh quá trình cải cách.

Trong năm 1992, dường như hướng đi của những cuộc cải cách chính trị là không thể đảo ngược. Đón đầu quá trình chuyển đổi cuối cùng tới chế độ dân chủ tự do, Rawlings thành lập đảng Đại hội Dân chủ Quốc gia (NDC), mà ông ta vừa là lãnh đạo, vừa là ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm đó. Ông ta còn khăng khăng – trái ngược với lời khuyên của Quỹ Quốc tế ủng hộ các Hệ thống bầu cử và lờ đi những lời phản đối của các đảng đối lập - sử dụng cơ quan đăng kí cử tri đã lỗi thời. Mặc dù đã có những lắt léo về chính trị như thế, nhưng cuộc bầu cử tổng thống vẫn được tổ chức vào tháng 11, còn bầu cử nghị viện thì được tiến hành vào tháng 12 năm 1992.

INEC tuyên bố Rawlings là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, với 58,3% phiếu bầu. Giáo sư A. Adu-Boahen, ứng cử viên tổng thống Đảng Ái quốc Mới, đứng thứ hai với 30,4% phiếu bầu. Các đảng đối lập kịch liệt phản đối kết quả bầu cử, cáo buộc rằng gian lận lan tràn khắp nơi. Vụ tẩy chay cuộc bầu cử nghị viện do NPP và các đảng đối lập khác thực hiện đã đảm bảo cho đảng NDC và các đồng minh của nó chiến thắng vang dội. Rawlings và đảng NDC của ông ta giành được chức tổng thống và thành lập chính phủ đầu tiên của Nền Cộng hòa Đệ tứ và kiểm soát được nghị viện mới với 189 trong tổng số 200 ghế.

*Các nhà lãnh đạo, trong đó có Giáo sư A. Adu-Boahen, B. J. Da Rocha, Tiến sĩ Hilla Limann (Tổng thống Đệ Tam Cộng Hòa và bị lật đổ trong cuộc đảo chính do Rawlings cầm đầu ngày 31 tháng 12 năm 1981), Kojo Botsio, Tiến sĩ Kwame Safo-Adu, Alhaji Mohmmed Farl và Bawa Dy-Yaka, thuộc các truyền thống chính trị Busia-Danquah và Kwame Nkrumah.

Thiết chế hóa nền chính trị dân chủ

Việc tẩy chay cuộc bầu cử nghị viên do phe đối lập thực hiện đã cho thấy rõ sự bất đồng và nghi ngờ về quá trình chuyển hóa. Hội đồng các nhà lãnh đạo quốc gia (National House of Chiefs – gồm 5 nhà lãnh đạo từ 10 khu vực trong cả nước, do Hội đồng các khu vực bầu lên - ND) và lãnh đạo các tôn giáo chính - cả Công giáo lẫn Hồi giáo - can thiệp để giải quyết bế tắc. Mục đích của họ là chấm dứt xung đột chính trị và khôi phục lại nền chính trị theo kỉ cương. Khi những cố gắng như thế gặp thất bại, NPP, đảng đối lập lớn nhất, đã có bước đột phá nhằm chủ động chấm dứt tình trạng các đảng chính trị đối lập tự tách mình ra khỏi nền chính trị dân chủ còn đang trong giai đoạn trứng nước. Đảng này ra tuyên bố thể hiện ý định muốn “làm việc” với chính phủ của NDC, và kết hợp với những đảng đối lập khác thành lập nội các “trong bóng tối” của phe đối lập nằm bên ngoài Nghị viện và kiện chính phủ ra tòa về một loạt chính sách. Người ta nhanh chóng nhận ra sự thiếu hiệu quả của chiến lược tẩy chay bầu cử nghị viện, vì chính phủ của Rawlings và Nghị viện bị NDC khống chế đã quản lí đất nước mà không có đảng đối lập nào. Rõ ràng là, lúc đó chỉ có một cách duy nhất để tham gia tích cực vào quá trình quản trị đất nước là được dân bầu.

Tháng 3 năm 1994, các đảng đối lập sẵn sàng chấp nhận lời mời tham gia Uỷ ban Tư vấn Liên đảng (IPAC), do Hội đồng Bầu cử khởi xướng, coi đấy là diễn đàn cho những cuộc đối thoại, tham vấn và xây dựng đồng thuận giữa các đảng. Dưới sự chủ trì của Ủy ban Bầu cử, IPAC đã trở thành diễn đàn cho các đảng chính trị lớn, giúp xây dựng sự đồng thuận về những cuộc cải cách, đang rất cần thiết, nhằm tăng cường lòng tin trong quá trình bầu cử và củng cố tính trung thực của nó. Kết quả của các cuộc đối thoại và quá trình xây dựng đồng thuận được thể hiện trong cuộc tổng tuyển cử năm 1996. NDC giành được chức tổng thống cũng như đa số ghế trong Nghị viện. Lần này giới tinh hoa chính trị đã thể hiện được rằng nền văn hóa dân chủ đang trên đà phát triển. John Kufuor, ứng viên tổng thống của NPP, thừa nhận ngay thất bại và chúc mừng Tổng thống Rawlings vì đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử. Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, Tổng thống Rawlings cũng đã dành những lời nhã nhặn để nói về Kufuor vì ông đã giúp đảm bảo giữ cho cuộc bầu cử được tiến hành trong hòa bình, tự do và công bằng và “thủ tục dân chủ có kỉ cương”.

Trong suốt nhiệm kì tổng thống của mình, Rawlings đã “không sử dụng hết công suất của bộ máy cưỡng bức và tiến hành đầu tư cho những thiết chế dân chủ”[3]. Thúc đẩy hơn nữa những công việc, mà cả trong nước lẫn quốc tế đều đòi hỏi, góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa dân chủ. Năm 2000, Rawlings thể hiện cam kết của mình với các tiêu chuẩn và thủ tục dân chủ bằng cách tôn trọng giới hạn hai nhiệm kì tổng thống đã được ghi trong Hiến pháp. John Attah-Mills thay Rawlings làm ứng cử viên viên tổng thống của NDC trong cuộc tổng tuyển cử năm 2000. Một lần nữa, Kufuor lại làm ứng cử viên tổng thống của NPP và giành được chức tổng thống sau vòng bỏ phiếu thứ hai với 56,9% phiếu bầu (Attah-Mills được 43,1%). Đảng NPP cũng giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp, với 100 ghế trong nghị viện, trong khi NDC chỉ giành được 92 ghế. Attah-Mills và đảng NDC của ông ta thừa nhận thất bại, trở thành đảng đương quyền đầu tiên thời hậu thuộc địa của Ghana đánh mất quyền lực qua những phương tiện dân chủ.

Kufuor và tiến trình củng cố dân chủ


Mặc dù đây là quá trình chuyển hóa hòa bình, xã hội Ghana bị phân thành hai cực Rawlings/NDC và Kufuor/NPP (sự chia rẽ, vẫn tiếp tục tới tận ngày nay) và cạnh tranh chính trị mang tính thù địch dữ dội. Chế độ độc tài và thành tích nhân quyền tổi tệ của chính quyền Rawlings/đảng NDC càng làm trầm trọng thêm sự chia rẽ về chính trị. Còn có cả vấn đề tự do báo chí nữa. Mặc dù chính phủ của đảng NDC của Rawlings đã bãi bỏ Luật cấp môn bài cho báo chí vào tháng 5 năm 1992, các phương tiện truyền thông tiếp tục bị khởi tố vì tàn dư của những điều luật độc đoán có từ thời chính phủ của đảng NDC, có ảnh hưởng tiêu cực đối với tự do báo chí.

Tổng thống Kufuor đã có những bước đi nhằm hàn gắn những thương tổn về chính trị và đoàn kết dân tộc. Thứ nhất, ông bổ nhiệm một số thành viên của liên minh các đảng chính trị đối lập với NDC vào những chức vụ bộ trưởng khác nhau trong chính phủ. Tuy nhiên, chính sách dung hợp của chính phủ không mở rộng đến hàng ngũ đảng viên của NDC vừa bị đánh bại, và do đó đã không trở thành tiền lệ tạo áp lực lên các chính phủ trong tương lai. Không những thế, việc loại trừ những người thuộc đảng NDC đã hợp thức hóa nguyên tắc được-ăn-cả-ngã-về-không, dành độc chiếm quyền lực và đặc quyền đặc lợi cho những người nắm quyền.

Thứ hai, chính phủ của Tổng thống Kufuor thành lập Hội đồng Hòa giải Dân tộc (NRC) với nhiệm vụ “tìm kiếm và thúc đẩy hòa giải dân tộc trong nhân dân bằng cách đề nghị những khoản bồi thường thích hợp cho những người từng bị đối xứ bất công, bị tổn thương, bị thiệt hại, bị đau khổ hoặc hoặc bị lạm dụng và các quyền bị vi phạm dưới bất cứ hình thức nào, do những hành động hay không hành động của các thiết chế và những người nắm quyền trong thời chính phủ vi hiến”. Cùng với tiến trình hoạt động của Hội đồng, thái độ thù địch ban đầu do các nhóm thân Rawlings thể hiện, đã lắng dịu dần, nhất là khi người ta thấy rõ rằng đấy không phải là hoạt động điều tra mà là quá trình cân bằng nhằm tìm kiếm “hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội và chế độ pháp quyền cùng với tư pháp hình sự vì lợi ích chung của dân tộc đang rất cần cố kết và ổn định”[4]. Rawlings đã phải ra điều trần trước NRC theo một trát đòi của tòa án. Tuy khó xác định xem NRC có đạt được hòa giải trên thực tế hay không, nhưng ý chí chính trị mà Tổng thống Kufuor thể hiện đã giúp củng cố chế độ pháp quyền và tăng cường niềm tin vào ngành tư pháp.

Chính phủ NPP của Kufuor còn thúc đẩy tự do báo chí bằng cách bãi bỏ Luật về tội phỉ báng nhằm đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông được hưởng các quyền tự do, phù hợp với hiến pháp. Nhiều người Ghana được khuyến khích thành lập cả các cơ sở in ấn lẫn phương tiện thông tin điện tử, với các chức năng quan trọng của chế độ dân chủ là giám sát giai cấp cầm quyền, vạch trần những hành động quá lạm của họ và buộc họ phải có trách nhiệm giải trình. Nhưng luồng gió mạnh đột ngột của tự do cũng khuyến khích các phương tiện truyền thông sử dụng một cách vô trách nhiệm các quyền tự do ngôn luận.

Cơ quan tư pháp tiếp tục được hưởng sự độc lập mang tính truyền thống, được hiến pháp bảo đảm và đã bảo vệ các quyền công dân bằng những bản án đầy tinh thần trách nhiệm trước xã hội. Tuy nhiên, cũng có một vài trường hợp, trong đó Tổng thống Kufuor đã can thiệp vào quá trình tư pháp. Ví dụ, sau khi trở thành Tổng thống, ông đã bổ nhiệm thêm các thẩm phán của Tòa án Tối cao, rồi sau đó còn bổ nhiệm một thẩm phán khác của Tòa án Tối cao để xét sử vụ gọi là Attorney General (No. 2) v. Tsatsu Tsikata (ông này là cựu chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Ghana). Mặc dù hành động này không phải là bất hợp pháp, nhưng nó được coi là nỗ lực nhằm lôi kéo toà án ủng hộ chính quyền của ông. Mặc dù vậy, cách hành xử nói chung của ngành tư pháp đã dẫn đến kết quả là giai cấp chính trị của Ghana ngày càng sẵn sàng đưa ra toà để giải quyết những tranh chấp, ví dụ, như những tranh chấp liên quan đến các quyền của cá nhân, các tranh cãi về kết quả bầu cử và thành lập các khu vực bầu cử mới.

Tương tự như cơ quan tư pháp, các cơ quan an ninh cũng hoạt động như các công cụ đáng tin cậy trong việc bảo vệ và che chắn cho chế độ dân chủ. Các cơ quan này đã hợp tác với Ủy ban Bầu cử để đảm bảo tính trung thực của các cuộc bầu cử và bảo vệ các quyền công dân và nói chung là bảo đảm hòa bình, trật tự và chế độ pháp quyền. Cụ thể là, quân đội đã nằm dưới quyền kiểm soát của các quan chức dân sự, theo đúng hiến pháp và là kết quả của một quá trình “tái chuyên nghiệp hóa” do chính phủ thuộc đảng NDC của Rawlings khởi động. Nhằm củng cố cán cân dân sự-quân sự, cả các quan chức dân sự lẫn quân sự đều được học “Quản lý theo lối dân chủ lĩnh vực an ninh” để trang bị cho họ năng lực thích hợp để có thể thực hiện một cách hiệu quả vai trò của họ[5]. Bài kiểm tra sự phục tùng chính quyền dân sự của quân đội diễn ra vào năm 2008, theo sau cuộc bầu cử mà kết quả không được mọi người tâm phục khẩu phục và vào năm 2012 trong các sự kiện sau khi Tổng thống Attah-Mills đột ngột từ trần ngay trong văn phòng. Trong những vụ này, quân đội đã tuân thủ hiến pháp và chính quyền dân sự nhằm đảm bảo việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.

Cuộc bầu cử năm 2012 cũng khẳng định sự thăng tiến của nền văn hóa dân chủ ở Ghana. Mặc dù nhiều người lo lắng về nền hòa bình và sự ổn định của đất nước, cuộc bầu cử đã được tiến hành một cách hòa bình. Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tuyên bố rằng cựu phó Tổng thống và ứng cử viên của Đảng NDC, John Mahama, trúng cử với 50,7% số phiếu bầu hợp lệ. Nana Addo Dankwa Akufo-Addo của Đảng NPP được 47,7% số phiếu hợp lệ. Mặc dù Đảng NPP không chấp nhận kết quả bầu cử, Mahama đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ năm của Ghana vào ngày 07 tháng một năm 2013, theo quy định của hiến pháp. Việc các quan sát viên trong và ngoài nước, cũng như các chính phủ nước ngoài công nhận kết quả bầu cử đã giúp làm dịu tình hình chính trị. Dàn đồng ca cầu nguyện cho hòa bình và đoàn kết quốc gia của các tổ chức xã hội dân sự, trong đó có cả các tổ chức tôn giáo và những người cầm quyền truyền thống, đã củng cố yêu cầu đòi phải để cho văn hóa công dân giữ thế thượng phong. Quyết định của đảng NPP về việc giải quyết kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Tòa án Tối cao là tín hiệu về sự thăng tiến của nền văn hóa dân chủ ở Ghana[6].

Đây không phải là lần đầu tiên đảng chính trị thua trong cuộc bầu cử tổng thống thách thức kết quả bầu cử. Năm 2004, các thành viên hàng đầu của Đảng NDC đã thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống ở Tòa án tối cao và bị thua. Sau đó, năm 2008, ứng cử viên tổng thống của Đảng NPP, Nana Addo Dankwa Akufo-Addo, không thừa nhận thất bại cho đến khi một nhóm các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và tôn giáo can thiệp, họ thuyết phục ông xem lại lập trường của mình. Trong tất cả những trường hợp này, các thiết chế quản trị quan trọng nhất đối với việc quản lí một cách hiệu quả các cuộc bầu cử và tranh chấp đã vượt qua được thử thách.

Kết luận


Sự bền vững của quá trình chuyển hóa của Ghana sang chế độ dân chủ bám chặt vào những thiết chế dân chủ độc lập của nước này và thái độ tôn trọng các đảng chính trị và các nhà lãnh đạo chấp thuận các thiết chế đó. Điều cực kì quan trọng là, kể từ năm 1992, Ủy ban Bầu cử đã lãnh đạo những cuộc bầu cử kế tiếp nhau một cách khéo léo và thận trọng. Sự trung thực của quá trình bầu cử đã góp phần củng cố niềm tin của công chúng vào các thiết chế quản trị, nói chung. Quân đội đã thực hiện vai trò của mình phù hợp với hiến pháp, quân đội nắm dưới quyền quản lí của chính quyền dân sự và đứng ngoài chính trị. Những người hoạt động chính trị đã thể hiện sự cam kết đối với các quy tắc và chuẩn mực của chế độ dân chủ, và đã giải quyết các cuộc xung đột thông qua đối thoại và thủ tục giải quyết xung đột được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, thách thức vẫn còn song hành với tiến trình dân chủ của Ghana. Mặc dù các đảng phái chính trị đã chấp nhận cơ chế giải quyết các vấn đề bầu cử, nhưng giữa các đảng vẫn còn tồn tại rất nhiều ngờ vực, họ chưa xây dựng được sự đồng thuận về chương trình nghị sự phát triển quốc gia được mọi người cùng chia sẻ. Sự thù hận như thế dẫn đến kết quả là các chính trị gia không được dân chúng tin tưởng bằng các thiết chế dân chủ nói chung. Cơ quan tư pháp được nhiều người coi là trọng tài trung lập, nhưng hệ thống tư pháp cũng bị coi là quá tốn kém, nằm ngoài tầm với của những người Ghana bình thường. Mặc dù có những thách thức như thế, người dân Ghana chấp nhận rằng, xây dựng thành công chế độ dân chủ là trách nhiệm chung và là biện pháp duy nhất có thể đảm bảo được hòa bình và phát triển xã hội.

No comments:

Post a Comment