March 23, 2020

Chuyển hóa dân chủ: Đối thoại với các nhà lãnh đạo thế giới (kỳ 8)

Biên tập: Sergio Bitar và Abraham F. Lowenthal, Viện Quốc tế Hỗ trợ Bầu cử và Dân chủ (IDEA), Stockholm


Dịch: Phạm Nguyên Trường


Chương 2


Công cuộc chuyển hóa thành công của Chile:

Từ tình trạng phân cực gay gắt sang dân chủ ổn định (Tiếp theo)


Genaro Arriagada
Kết quả hình ảnh cho Patricio Aylwin

 Patricio Aylwin, tổng thống Chile giai đoạn 1990–1994

Công lí và Hòa Giải

Tuy nhiên, những căng thẳng lớn nhất với Pinochet liên quan tới các vấn đề về nhân quyền. Khi chúng tôi triệu tập Ủy ban Sự thật và Hòa giải để điều tra những vụ mất tích dưới chế độ độc tài, Pinochet nói với tôi: “Tại sao ông lại làm việc này, thưa Ngài Tổng thống? Chả khác gì khi hòa bình đã giữ thế thượng phong trong một gia đình thì một người nào đó tới và đòi thừa kế và sau đó gia đình lại đánh nhau”. Tôi trả lời: “Chúng ta sắp làm như thế đấy”, và sau đó, khi báo cáo được đưa ra, đã xuất hiện những căng thẳng đáng kể. Họ đã triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia, nhưng không làm được việc gì khác.
Ông quyết định thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải như thế nào? Ông chờ đợi những phản ứng gì từ phía quân đội?

Ủy ban Sự thật và Hòa giải được thành lập để điều tra những tội ác của chế độ độc tài. Tôi triệu tập cuộc họp ngay đầu nhiệm kì của tôi. Đấy, về cơ bản, là sáng kiến của tôi. Tôi nghĩ rằng đấy là việc cần làm, nhưng đầu tiên tôi phải thuyết phục bằng được các cố vấn của tôi. Cả Edgardo Boeninger lẫn Enrique Correa, những cố vấn chính trị chính của tôi đều không nghĩ rằng đó là quyết định tốt, nhưng tôi tin tưởng rằng đó là biện pháp mở cửa. Nếu muốn quân đội chấp nhận giải pháp, tôi phải vừa thẳng thắn vừa thận trọng, do đó, các câu mà tôi dùng về việc tìm kiếm “công lí cao nhất trong khả năng” – vì nó mà tôi bị phê phán rất nhiều - phản ánh mức độ thận trọng, bởi vì nếu công lí sẽ được áp dụng cho mọi người, mọi trường hợp, nếu nó có nghĩa là xử cả Pinochet và tất cả đám người của ông ta, thì sẽ xảy ra nội chiến. “Cao nhất trong khả năng” là đường lối khả thi bởi vì có những phiên tòa, nhưng không phải là chém đầu, không phải là những hành động gây hấn, chống lại những người tiếp tục có vũ khí trong tay.

Trước đó, Pinochet đã nói rằng ông ta sẽ cảnh giác, rằng không được động đến bất cứ người nào của ông ta, nhưng báo cáo của ủy ban đã có tác động rất lớn, bởi vì lúc đó nhiều người không tin rằng sẽ có báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền có hệ thống và lan tràn như vậy. Báo cáo của ủy ban tương tự như một lời khẳng định chính thức. Và sau đó là những bước đi khác và chúng tôi đã đạt được nhiều thành tích cụ thể về sự thật và công lí hơn hẳn nhiều cuộc chuyển hóa khác.

Ủy ban được thành lập như thế nào? Ông tư chọn các thành viên?

Tôi gọi điện cho người ta, từng người một, những người mà theo đánh giá của tôi là có uy tín và đại diện cho những quan điểm khác nhau, cố gắng đảm bảo rằng ủy ban sẽ có tính chính danh. Raul Rettig - một luật gia nổi tiếng, lãnh tụ của đảng Cấp tiến Chile – làm chủ tịch. Về cá nhân, ông ta và tôi còn là những người gần gũi với nhau; ông từng là một trong những thành viên của Nhóm 24. Ông nổi tiếng vì được phái hữu đánh giá cao, nhưng phái tả cũng kính trọng tương tự như thế.

Tôi nhớ đã rất chú ý trong việc thuyết phục một nhà lãnh đạo đáng kính của phe bảo thủ Chile, Francisco Bulnes, tham gia ủy ban này vì ông rất được những người trong cánh hữu truyền thống tôn trọng. Tôi thậm chí còn đến tận nhà ông để đề nghị, nhưng ông nói không. Tôi phải khó khăn lắm mới tìm được người bên cánh hữu. Cuối cùng, nhà sử học Gonzalo Vial chấp nhận; ông từng là Bộ trưởng giáo dục trong chính quyền Pinochet. Chúng tôi còn đưa những nhân vật trong phong trào bảo vệ nhân quyền, ví dụ như Jose Zalaquett. Tất cả đều là những người được nhiều người tôn trọng.

Cải cách hiến pháp

Thời điểm cực kì quan trọng, trước khi ông trở thành tổng thống, năm 1989, là cuộc đàm phán về tu chính hiến pháp với chế độ độc tài. Nhiều người cảm thấy rằng những thay đổi đã đạt được chưa đủ mạnh. Nhìn lại, ông đánh giá như thế nào? Lúc đó, có nên khăng khăng đòi phải có những thay đổi lớn hơn?

Vâng, nhiều người không thích câu này, nhưng tôi coi là rất thực tế - “Cao nhất trong khả năng” – phản ánh những cố gắng nhằm tiến lên từng bước một. Những cuộc cải cách này là bước đầu tiên, không phải tất cả chúng tôi đều muốn, nhưng những cuộc cải cách đó thể hiện rõ ràng sự tiến bộ. Trong điều kiện là lúc đó, Pinochet là độc tài và sẽ tiếp tục là tổng tư lệnh Lục quân và tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, ông ta có quyền hành rất lớn.

Nhiều năm đã trôi qua và tôi có thể đã quên nhiều thứ, nhưng tôi xin nói rằng tôi không giữ trong đầu những câu hỏi như: “Ta đã làm tốt? Ta đã làm không tốt?” Không, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã làm những việc phải làm, và may mắn là đã thành công, nhưng cũng có thể thất bại. Chúng tôi phải từ bỏ một số ý tưởng nhất định và nắm lấy những ý tưởng khác. Ví dụ, trong chương trình của chính phủ Concertación, chúng tôi ủng hộ việc bãi bỏ luật ân xá, nhưng khi nắm quyền, chúng tôi không thể làm như thế vì chúng tôi cần phải có phe đa số tuyệt đối - nhưng chúng tôi không có – thì mới thay đổi được đạo luật đó. Chúng ta nên nhớ rằng Pinochet có các thượng nghị sĩ được chỉ định (người mà ông ta bổ nhiệm theo hiến pháp năm 1980), và chúng tôi không nhận đủ số phiếu trong quốc hội nhằm giải tán những ốc đảo độc tài đó. Đó là lí do vì sao chúng tôi lập ra Ủy ban Sự thật và Hòa giải. Đó là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy tinh thần hòa giải dân tộc và là bước đi cơ bản để tiến tới công lí.

Vấn đề trung tâm để quá trình chuyển hóa thành công là xây dựng được một liên minh đầy sức mạnh. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng phái chính trị. Việc xây dựng cương lĩnh chính trị được các đảng thỏa thuận có đóng góp tới mức nào vào chuyện này?

Tôi tin rằng chương trình được mọi người đồng ý là hải đồ của chúng tôi, và chúng tôi đã cố gắng hoạt động trong khuôn khổ của chương trình này. Tôi nhớ một chủ đề tôi thích thảo luận với các nhà lãnh đạo các đảng: “Ông thấy những việc chúng ta đang làm có quan hệ như thế nào với những điều chúng ta đã hứa với đất nước?” Đã có những kì vọng lớn, nhưng chúng tôi đã cẩn thận để không đưa ra những lời hứa quá mức, có thể dẫn đến vỡ mộng. Chúng tôi có chương trình kinh tế và xã hội đầy tham vọng cho giai đoạn, nhưng đây là chương trình phù hợp. Những người phụ trách việc thực hiện cũng là những người đã từng tham gia thiết kế chương trình. Tuy nhiên, luôn luôn có những kì vọng mà chúng tôi không thể đáp ứng, vì chúng tôi có một hệ thống chính trị với một số nghị sĩ do Pinochet chỉ định, họ buộc chúng tôi phải nhượng bộ, nhất là các vấn đề chính trị.

Quản lý kinh tế để phát triển

Phái hữu nói rằng Concertación tiếp tục áp dụng mô hình kinh tế như của Pinochet. Nhưng khi người ta thấy những việc đã làm được ở Chile – các hiệp ước quốc tế, đấu tranh với nạn nghèo đói, cơ sở hạ tầng, đầu tư và tìm kiếm “phát triển đi đôi với công bằng”, như chính quyền của ông đặt ra - có lẽ cách giải quyết của ông có khác. Giải pháp kinh tế của ông là như thế nào? Chính sách kinh tế có vai trò quan trọng như thế nào đối với việc bảo vệ chính phủ của ông?

Pinochet áp dụng chính sách kinh tế tân tự do hết mức có thể. Chúng tôi bảo vệ chính sách mở cửa về kinh tế, chúng tôi thậm chí đẩy cho nó đi xa hơn nữa và chúng tôi có chính sách tài chính đầy trách nhiệm. Nhưng nó khác xa mô hình kinh tế của chế độ độc tài. Chúng tôi thúc đẩy chính sách, như ông nói, tăng trưởng đi kèm với công bằng. Trong thời chính phủ của tôi, chúng tôi đã thực hiện những cải cách quan trọng trong lĩnh vực lao động và thuế khóa, bên cạnh những cuộc cải cách khác. Chúng tôi đưa ra chính sách xóa đói giảm nghèo, chúng tôi cải thiện tiền công và tiền lương và chúng tôi gia tăng các khoản đầu tư của nhà nước trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Chúng tôi đã giảm được lạm phát, đấy không còn là vấn đề đối với Chile nữa. Tóm lại, kết quả của chính sách kinh tế và xã hội của Concertación mà chúng tôi khởi xướng trong chính phủ của tôi là dễ hiểu. Để sang một bên thái độ khiêm tốn, tôi tin rằng chúng tôi đã làm được một việc tốt – một công việc phải làm - và chúng tôi đã không mắc nhiều sai lầm nghiêm trọng. Chúng tôi có thể đã làm một số việc chưa được tốt, nhưng tôi nghĩ rằng, nói chung, chúng tôi đã có một chính phủ tốt và bằng chứng là chính phủ đã có sự tiếp nối. Nếu chính phủ làm việc dở, thì rất có thể là phe đối lập sẽ xuất hiện và sẽ chiến thắng trong lần bầu cử tiếp theo. Chúng tôi đã nắm quyền 20 năm - bốn đời chính phủ - của liên minh Concertación.

Trong trường hợp Chile, nhân dân đã rất kiềm chế trong việc đưa ra những yêu cầu về mặt xã hội, ví dụ như tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Ông đã phản ứng (và điều hướng) những đòi hỏi này như thế nào?

Tôi nghĩ rằng thành công của chính quyền của tôi và của các chính quyền tiếp theo, nói chung, không chỉ do các chính sách được các chính quyền theo đuổi, mà còn do sự ủng hộ rất lớn của cộng đồng dân tộc. Tôi không bao giờ cảm thấy rằng chúng tôi bị dồn vào chân tường, hay phe đối lập mạnh hơn chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi thận trọng để cư xử tốt với phe đối lập. Nói cách khác, quan trọng là phải hiểu phe đối lập, có tính tới lợi ích của họ, để họ không cảm thấy là bị đẩy ra rìa, giải thích cho họ những việc chúng tôi đang làm lúc đó để cho họ hiểu. Điều đó đã giúp tôi giành được sự ủng hộ cho những chính sách mà chúng tôi đưa ra. Thật vậy, khi chúng tôi bắt đầu chuyến kinh lí đầu tiên ra nước ngoài, chúng tôi đã mời giám đốc điều hành các doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo công đoàn, các nhà lập pháp thuộc phe đối lập và ủng hộ chính phủ cùng tham gia, để họ có thể tạo thành một đội. Thế là có thêm những cuộc gặp gỡ, vì buổi tối họ thường tụ tập cùng ăn với nhau và trở thành những người bạn gần gũi hơn, vì vậy, đấy cũng là cách xây dựng tình bạn.

Huy động xã hội

Phụ nữ có vai trò gì trong quá trình chuyển hóa và trong chính quyền của ông?

Cuộc đấu tranh vì dân chủ của phụ nữ là rất quan trọng. Họ rất can đảm. Có những tổ chức như Phụ nữ vì cuộc sống (Mujeres por la Vida) và Vợ của những tù nhân mất tích (Mujeres de Detenidos Desaparecidos), những tổ chức này huy động không mệt mỏi những người đang tìm kiếm người thân của mình, lập báo cáo về các vụ vi phạm nhân quyền, đòi hỏi tự do và công lí. Ngoài ra, phụ nữ còn tổ chức trong cộng đồng địa phương, đang tìm kiếm các hình thức đoàn kết nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế. Các ollas comunes (nhà ăn công cộng, cung cấp thức ăn cho những người thất nghiệp) gia tăng nhanh chóng. Đồng thời, cũng chính phụ nữ tự đặt ra những vấn đề mà họ quan tâm, ví dụ, bạo lực gia đình và bất bình đẳng tại nơi làm việc và trong pháp luật dân sự. Trong chính quyền của tôi, trong khi chúng tôi không có nhiều đại diện của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, chúng tôi đã lập ra cơ quan gọi là Chăm sóc phụ nữ toàn quốc (Servicio Nacional de la Mujer), giám đốc cơ quan này tương đương bộ trưởng. Từ đó, đã có nhiều thay đổi trong luật dân sự và hình sự và vấn đề bạo lực gia đình đã được giải quyết. Nền tảng đã được thiết lập, do đó các chính quyền tiếp theo có thể hiện đại hóa một cách đáng kể luật gia đình và tạo ra tiến bộ trong việc loại bỏ những hình thức phân biệt giới tính.

Giúp đỡ quốc tế

Chile là trường hợp rất thú vị và quan trọng trong việc phân tích vai trò của quốc tế trong quá trình chuyển hóa. Ông có thể nói về việc này?

Chile nhận được sự giúp đỡ quốc tế đáng kể. Rất quan trọng đối với chúng tôi. Thật vậy, chúng tôi tuyên thệ nhậm chức với sự hiện của các vị tổng thống từ Mỹ Latin, châu Âu, và những nhân vật quan trọng của Mỹ. Chúng tôi đề nghị liên kết Chile với cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ mở cửa về mặt kinh tế, vì về mặt chính trị, trong giai đoạn độc tài, chúng tôi hoàn toàn cô lập. Tinh thần đoàn kết với chúng tôi là khá cao. Đó là sự ủng hộ tuyệt vời đối với chính phủ vừa xuất hiện trong tình hình khó khăn.

Ông nghiên cứu sâu đến mức nào những cuộc chuyển hóa trước đó để có thể tìm ra con đường đưa cuộc chuyển hóa của Chile tới thành công? Ví dụ, Brazil có quá trình chuyển hóa chậm, do quân đội tiến hành từ bên trên. Ở Argentina, quân đội đã mất uy tín và vì vậy có thể loại bỏ một cách dễ dàng hơn, lạm phát tăng vọt; nền kinh tế sụt giảm; và tổng thống Raúl Alfonsín, vị tổng thống dân chủ đầu tiên, đã phải từ chức. Những kinh nghiệm của các nước Mỹ Latin khác có vai trò quan trọng đối với phân tích của ông hay không?

Vì Chile là nước cuối cùng trong khu vực quay trở lại với chế độ dân chủ, cho nên chúng tôi có thể học hỏi kinh nghiệm của những nước khác. Argentina với Alfonsín, kết thúc không có hậu, cho thấy những khó khăn mà chúng tôi có thể gặp. Dân chủ thường đi kèm với nhiều kì vọng và cần phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo rằng mọi thứ không vượt ra ngoài tầm tay. Ngoài ra, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường quan hệ với các chính phủ Mỹ Latin, nhất là với Argentina. Chúng tôi đạt được tiến bộ trong việc giải quyết hầu như tất cả các vấn đề biên giới của chúng tôi với tổng thống Carlos Menem. Chúng tôi đã kí các hiệp ước thương mại tự do đầu tiên với Mexico.

Một trong những quyết định mà chúng tôi đưa ra, đặc biệt là khi nhìn vào trường hợp Argentina, là tiến hành cải cách xã hội, nhưng chúng tôi làm việc đó bằng cách tìm thỏa thuận với công đoàn nhằm điều hướng những đòi hỏi của xã hội và còn bằng cách giúp đỡ người lao động và chủ doanh nghiệp đi đến thỏa thuận. Về khía cạnh này, chúng tôi chịu ơn các nhà lãnh đạo công đoàn, như Manuel Bustos, những người hiểu rõ tính chất phức tạp của quá trình chuyển hóa sang dân chủ.

Những nguyên tắc cơ bản

Làm sao ông có thể tập trung và giữ được cân bằng khi đối mặt với rất nhiều thách thức phức tạp và khó khăn và với rất nhiều người và nhiều nhóm với quan điểm khác như thế?

Đó là một câu hỏi hay. Tôi là người tự cam kết với những điều mà tôi tin tưởng, tôi sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy, nhưng tôi có một kiểu cơ chế co giãn, nó nói với tôi: “Cẩn thận, đừng để cho lòng nhiệt tình và hăng hái của mình trở thành động cơ duy nhất lôi kéo đi”. Có nghĩa là trong suốt cuộc đời hoạt động chính trị của mình, tôi luôn luôn làm việc hòa đồng trong các nhóm, và tôi đã xây dựng được những mối quan hệ tốt với mọi người. Ví dụ như quan hệ của tôi với Edgardo Boeninger. Ông là một học giả, hiệu trưởng trường Universidad de Chile. Trước đó ông không tham gia chính trị, nhưng sau đảo chính, ông trở thành đảng viên đảng Dân chủ Cơ đốc. Chúng tôi cùng nhau làm việc rất hiệu quả.

Tôi nghĩ rằng khả năng ngủ ngon và giữ khoảng cách với các sự kiện cũng giúp tôi khá nhiều. Tôi cũng cố gắng giành thời gian để đọc sách và có một cuộc sống bình thường. Tôi thích tự lái xe riêng của mình. Tôi nhớ, một lần, trong khi đã là tổng thống, tôi đang lái xe, các vệ sĩ ngồi phía sau tôi, và bất thình lình bị cảnh sát ra hiệu dừng. Cảnh sát mở đường cho Pinochet. Ông ta được một đơn vị an ninh đông hơn hẳn hộ tống!

Những cuộc chuyển hóa hiện nay

Một lời khuyên chung mà ông có thể đưa ra cho các nhà lãnh đạo chính trị của thế giới Ả Rập hay những nơi khác, tức là những người muốn giúp đất nước họ tiến hành quá trình chuyển hóa từ độc tài sang chính thể dân chủ, là gì?

Tôi không dám nói ngay tại trận như thế này. Thật khó biết rõ phải làm gì ngay trong đất nước của mình, khuyên những người khác ở những đất nước xa xôi chắc là khó khăn không kém. Nhưng, có lẽ, sau những giai đoạn có nhiều chia rẽ, đề xuất chung nhất là tập trung nhiều thời gian và sức lực để tìm kiếm những cái góp phần đoàn kết hơn là tìm kiếm những cái gây chia rẽ. Bằng cách đó, chúng ta có thể đạt được thỏa thuận. Nhiều người trong chúng tôi đã ở những phía đối nghịch nhau, ví dụ, bộ trưởng Bitar (từng tham gia chính phủ Allende, đã bị bắt và bị lưu đày) và các chính trị gia chống Allende. Nhưng, chúng tôi đạt được thỏa thuận về việc bảo vệ những thứ quan trọng nhất: Cuộc đấu tranh vì tự do và phẩm giá cá nhân. Chúng tôi cũng đã đạt được đồng thuận với rất nhiều người đã thuộc phe đảng của Pinochet. Tìm kiếm sự đoàn kết, sau giai đoạn mà những cái chia rẽ chúng tôi hiện ra rõ ràng hơn hẳn những cái có thể đoàn kết chúng tôi, là công việc khó khăn. Trong ý nghĩa đó, các chính quyền của Concertación, bắt đầu với chính phủ của tôi, nâng sự hội tụ giữa chính phủ và phe đối lập, và giữa các phe phái chính trị khác nhau lên một tầm cao hơn so với những thập niên trước.

Một khía cạnh khác cần nhấn mạnh là không được bắt đầu từ số không. Tiến hành thay đổi trên cơ sở những cái đã có sẽ dễ dàng hơn. Đó là ý tưởng khi chúng tôi đề nghị đánh bại Pinochet ngay trong khuôn khổ bản hiến pháp của ông ta, chứ không phải là bắt đầu bằng cách nói: “Chúng tôi sẽ sửa lại hiến pháp”. Chúng tôi đã thay đổi luật chơi ngay từ bên trong. Chúng tôi rất thực tế trong việc hoạch định chính sách; chúng tôi có những giấc mơ to lớn – tái lập chế độ dân chủ, đoàn kết tất cả người Chile lại với nhau - nhưng hành động của chúng tôi rất thực tế. Trong ý nghĩa này, tôi nghĩ chúng tôi đã làm những việc chúng tôi phải làm lúc đó. Và đấy là điều thú vị, vì mặc dù chúng tôi đã nói: “Công lí cao nhất trong khả năng”, ít cuộc chuyển hóa đạt được mức độ công lí như chúng tôi giành được trong những năm qua ở Chile: Làm cái có thể thay đổi cùng với thời gian chứ không phải làm tất cả mọi thứ cùng trong một lúc.

Tiểu sử Ricardo Lagos, Tổng thống Chile giai đoạn 2000 - 2006

 Kết quả hình ảnh cho Ricardo Lagos
  Ricardo Lagos, Tổng thống Chile giai đoạn 2000 - 2006

Ricardo Lagos là lãnh đạo của Liên đoàn sinh viên ở trường luật thuộc University of Chile trong những năm 1960. Ngoài luật, Lagos còn học kinh tế học, ông xây dựng sự nghiệp của mình trong giới hàn lâm và các tổ chức quốc tế, bắt đầu tham gia chính trị trong đảng Cấp tiến, sau đó là đảng Xã hội. Allende cử ông làm đại sứ ở Liên Xô, nhưng ông chưa kịp giữ chức vụ thì xảy ra đảo chính năm 1973. Trong những năm sau đảo chính, thời gian đầu ông sống ở Mỹ, sau đó trở về Chile để làm việc cho Liên Hiệp Quốc, Lagos trở thành nhân vật đối lập được tôn trọng vì những bài phân tích sắc bén của mình. Ông là đại diện của đảng Xã trong tổ chức đa đảng tên là Hòa giải Dân tộc (National Accord) và đã bị bắt giam trong một thời gian ngắn sau vụ mưu sát Pinochet vào năm 1986. Ông giành được uy tín vì luôn luôn sẵn sàng thách thức trực tiếp Pinochet, đặc biệt là trong lần xuất hiện đáng ghi nhớ trên truyền hình, như người phát ngôn về những bất mãn của đất nước, từng bị đàn áp trong một thời gian dài.

Lagos lãnh đạo việc thành lập Đảng vì Dân Chủ. Đảng này đã giúp xây dựng sự hợp tác giữa phái tả ôn hòa và đảng Dân chủ Cơ đốc và đóng một vai trò quan trọng trong Liên minh Nói Không, đánh bại Pinochet trong cuộc trưng cầu dân ý năm 1988 và trong liên minh Concertación por la Memocracia, được thành lập sau đó. Ông từ chối làm ứng viên tổng thống trong cuộc bầu cử năm 1989 vì tin rằng Concertación còn quá yếu, không được để xảy ra nguy cơ cử tri bị chia rẽ và đất nước chưa sẵn sàng chấp nhận ứng cử viên cánh tả; năm đó, ông ứng cử vào thượng viện, nhưng thất bại. Lagos từng là Bộ trưởng giáo dục và sau đó là Bộ trưởng công trình công cộng trong hai chính phủ Concertación đầu tiên. Ông được bầu làm tổng thống vào năm 2000 và giữ chức cho đến năm 2006. Chính quyền của ông đã cải tạo cơ sở hạ tầng của Chile, tiến hành những cải cách hiến pháp quan trọng, làm giảm những tính chất phản dân chủ của hiến pháp năm 1980 và thành lập Ủy ban về tù chính trị và tra tấn, thúc đẩy thêm công lí trong giai đoạn chuyển hóa.

Phỏng vấn tổng thống Ricardo Lagos

Xây dựng niềm tin trong phe đối lập

Trong công cuộc chuyển hóa của Chile có bốn vấn đề có quan hệ mật thiết với những cuộc chuyển hóa hiện nay: thứ nhất, sự hội tụ của các lực lượng xã hội và chính trị làm cho việc kết liễu chế độ độc tài và xây dựng các liên minh lâu dài nhất với những nước dân chủ phương Tây trở thành khả thi; thứ hai, đàm phán nhằm thuyết phục quân đội quay trở về doanh trại và trả lời về những vi phạm nhân quyền của họ; thứ ba, quá trình cải cách hiến pháp từng phần và từng bước một; và thứ tư, kinh tế phát triển đi kèm với bình đẳng, tăng trưởng với tốc độ cao, đi kèm với xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh như thế, làm sao những lực lượng từ những cực đối nghịch nhau, thù địch nhau, nhưng cùng chống chế độ Pinochet, tìm cách đến được với nhau, cùng hợp tác và cùng nhau đánh bại và loại bỏ được tướng Pinochet?

Trước hết phải giải thích làm sao ở đất nước bị phân cực như Chile vào năm 1973, mà cuối cùng, các lực lượng chính trị và xã hội đã đến được với nhau trong tinh thần hiểu biết sâu rộng. Vụ sụp đổ chế độ dân chủ ở Chile làm cho người Chile hiểu ra rằng khi chế độ độc tài vẫn còn thì những vấn đề chia rẽ chúng tôi trong quá khứ không còn quan trọng như trước nữa..

Tôi có thể chứng minh điều này bằng cách nói về trải nghiệm cá nhân mình. Năm 1975, khi tôi đang giảng dạy ở Chapel Hill, bang Bắc Carolina, Mỹ, tôi được cựu tổng thống thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc, Eduardo Frei Montalva, tới thăm. Ngày hôm đó, tôi nói với Giáo sư, Federico Gil, “ngày mai tôi sẽ bị ốm, tôi không thể giảng được”. Tôi không thích nói chuyện với Frei Montalva. Chuyện đó xảy ra một năm rưỡi sau vụ đảo chính, đấy là năm 1975.

Khi tôi trở về Chile tháng 4 năm 1978, nhiều thứ đã thay đổi, và thái độ của tôi với đảng Dân chủ Cơ Đốc và cựu tổng thống Frei Montalva cũng đã khác. Hoạt động đầu tiên của tôi là cùng với Enzo Faletto, một xã hội học lỗi lạc và đảng viên Đảng Xã hội, tham gia cuộc biểu tình Ngày Lao động 1 tháng 5. Tưởng là Faletto biết địa điểm biểu tình, nhưng khi đến nơi, chúng tôi gặp một nhóm người – chắc chắn là cảnh sát của Pinochet. Chúng tôi không nhìn thấy người biểu tình trên đường phố. Đêm đó chúng tôi thấy trên TV những cuộc biểu tình được tổ chức ở những địa điểm khác. Ngay cả Faletto, người nắm được rất nhiều tin tức, cũng không biết địa điểm biểu tình, vì nếu nhiều người biết thì Pinochet cũng biết và sẽ đàn áp. Trong tình hình vô vọng như vậy, chúng tôi nhận ra rằng tốt nhất là cùng với đảng Dân chủ Cơ đốc thảo luận về những việc có thể làm.

Xin nói thẳng. Để đối thoại, như cuộc đối thoại mà người ta định tổ chức vào năm 1973 giữa đảng Dân chủ Cơ Đốc và Allende, thu được thành công, thì người ta phải hiểu rõ hậu quả của thất bại – chứ không chỉ những thuận lợi của thành công. Đảng Dân chủ Cơ đốc tham gia đối thoại với Allende với suy nghĩ rằng sáu tháng sau, nếu xảy ra đảo chính thì họ sẽ trở lại nắm quyền. Chúng tôi tiến hành đối thoại với suy nghĩ rằng, nếu thất bại thì chế độ độc tài sẽ tồn tại trong một thời gian dài, cùng với tất cả những hậu quả của nó. Vì vậy, tất cả những việc đã làm là chưa đủ để có thể đạt được thỏa thuận. Đấy là nhận thức của tôi về cách thức xảy ra các sự kiện năm 1973, chính nó đã giúp những người muốn tiến hành đảo chính quân sự.

Đảng Dân chủ Cơ đốc chỉ bắt đầu xem xét lại cách tiếp cận sau khi họ nhận ra rằng chế độ độc tài sẽ kéo dài – rằng chế độ này có “mục tiêu là không có khung thời gian cố định”, như Pinochet từng nói - và đảng Dân chủ Cơ đốc không có chỗ.

Khi tôi trở về Chile năm 1978, Tomas Reyes – cựu thượng nghị sĩ, một nhân vật có địa vị cao trong Đảng Dân chủ Cơ đốc và là người chịu trách nhiệm phối hợp với cánh tả - mời tôi ăn tối ngay sau khi tôi trở về và chúng tôi bắt đầu thường xuyên gặp nhau.

Năm 1981, tôi viết bài báo nhan đề Giá phải trả của tư tưởng chính thống (“El Precio de la Ortodoxia” ), phân tích giá mà Chile phải trả cho cuộc khủng hoảng năm 1929. Trong khi nghiên cứu cuộc khủng hoảng này, trên thực tế, tôi chỉ trích mạnh mẽ cách xử lí cuộc khủng hoảng giai đoạn 1981-1982 của chính phủ Pinochet. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của cựu tổng thống Frei, ông gọi tới để chúc mừng bài viết của tôi; chúng tôi thỏa thuận sẽ gặp nhau nói chuyện, sau khi ông phẫu thuật xong. Sáu năm trôi qua, kể từ ngày tôi không chịu gặp ông. Thật đáng tiếc, chúng tôi không bao giờ gặp nhau, vì ông chết. Tôi luôn luôn lấy làm tiếc là đã không tới gặp ông khi ở Chapel Hill.

Trải nghiệm lưu vong

Điều đó cho thấy phải mất bao nhiêu năm mới tạo được lòng tin giữa các cá nhân và sự hội tụ về chính trị. Có những yếu tố quan trọng nào khác giải thích những biện pháp mà các ông đã sử dụng để xây dựng sự hợp tác sau giai đoạn phân cực?

Một yếu tố khác tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các liên minh của chúng tôi là nhiều đảng viên Đảng Xã hội, những người đã từng sống lưu vong sau Bức Màn Sắt nhận ra rằng, hệ thống xã hội ở đó không phải là dân chủ như chúng tôi từng tưởng tượng. Ở Đông Đức, chỉ có những người đứng đầu chính phủ mới được quyền xuất nhập cảnh mà thôi. Những người khác, trong đó có cả người Chile lưu vong, phải xin phép, cấp hay không là do các ông trùm chính trị. Ở Chile, chúng tôi không quen với hiện tượng đó.

Đối với những người ở Chile trong giai đoạn đó, như nhà kinh tế học người Chile, Anibal Pinto, có lần nói với tôi, chỉ có chỗ hai quan điểm chính trị: những người ôn hòa, tức là những người đòi phải tôn trọng habeas corpus (tức quyền không bị giam giữ trái pháp luật và không bị giam giữ trong thời gian dài khi chưa có kết tội chính thức – ND) và những phần tử cực đoan, tức là những người đòi bầu cử tự do. Khi sống trong chế độ độc tài, người ta sẽ hài lòng nếu có habeas corpus. Đó là lí do vì sao tôi luôn luôn nói: “Dân chủ giống như không khí chúng ta đang thở, và người ta cảm thấy hạnh phúc vì có dân chủ”. Vâng, khi tôi chào đời, chúng tôi thở không khí trong sạch ở Chile. Dân chủ cũng vậy: khi bạn có nó, bạn coi nó là đương nhiên. Vì vậy, giai đoạn Pinochet cầm quyền làm cho nhiều đảng viên Đảng Xã hội đánh giá lại chế độ dân chủ, đấy là do hoặc là họ phải sống lưu vong hoặc là do họ sống dưới chế độ áp bức ở Chile.

Những hoàn cảnh như thế cũng làm dấy lên cuộc thảo luận về “chủ nghĩa xã hội tồn tại trên thực tế”, trong những biểu hiện khác nhau của nó. Năm 1978-1979 là giai đoạn khởi đầu của cuộc thảo luận nội bộ về quá trình đổi mới phong trào xã hội chủ nghĩa. Năm 1980, một loạt các cuộc họp được tổ chức, trước đây chưa từng có những cuộc họp như thế. Trong vòng tám hoặc mười tháng, chúng tôi thường xuyên gặp nhau từ ba giờ chiều cho đến chín giờ đêm, ban đầu là ở một nhà tu của nhóm tôn giáo có tên là Schoenstatt, để thảo luận về đổi mới chủ nghĩa xã hội. Có 10 hay 12 người, từ các đảng lúc đó, tức là từ đảng Xã hội/Almeyda, Đảng Xã hội đổi mới, Cơ đốc cánh tả, những nhóm khác nhau của MAPU (Phong trào hành động thống nhất nhân dân)… Biên bản chi tiết được German Correa ghi [lúc đó là đảng viên Đảng Xã hội của Almeyda, sau này trở thành chủ tịch Đảng Xã hội và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong chính quyền của Aylwin và Bộ trưởng Nội vụ trong chính quyền của Frei Ruiz-Tagle], và được phát cho mọi người trong cuộc họp sau, và chúng tôi thông qua. Tài liệu đã được thu thập lại vào giữa năm 1980, mà chúng tôi gọi là sự hội tụ của chủ nghĩa xã hội.

Trong những cuộc gặp bí mật đó, đôi khi có những đề tài thú vị được đưa ra thảo luận, ví dụ, nếu giành được quyền lực, chúng tôi sẽ làm gì với các ngân hàng, chúng tôi sẽ quốc hữu hóa hay sẽ chấp nhận các ngân hàng tư nhân, và chúng tôi thường tranh luận về những vấn đề như thế.

Sự khác biệt trong nội bộ phe đối lập

Ông có thể giải thích sự khác biệt dai dẳng giữa các nhóm khác nhau trong đảng Xã hội, cần phải khắc phục để có thể xây dựng một liên minh rộng lớn hơn?

Khi tôi trở về Chile, tháng 5 năm 1978, tôi đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Nhưng hoạt động chính trị bị cấm đoán và rút vào bí mật, tôi không vi phạm bất kì luật lệ nào của Liên hiệp Quốc khi tham gia vào nền chính trị quốc nội, vì không ai có thể biết rằng tôi tham gia hoạt động chính trị sau khi ngày làm việc của tôi đã hết. Và, vì vậy tôi tham gia trong giai đoạn, khi Đảng Xã hội bị chia rẽ. Có những đảng viên Đảng Xã hội phe Altamirano và những đảng viên Xã hội thuộc phe Almeyda, phụ thuộc vào việc ai là người lãnh đạo họ; cả hai ông này lúc đó đều sống ở nước ngoài. Phe Xã hội theo Altamirano được cải cách một cách nhanh chóng, và còn phe Almeyda tiếp tục liên minh với Đảng Cộng sản (PC). Khi vụ phân liệt diễn ra, tôi nằm trong nhóm VECTOR, một nhóm nghiên cứu nhỏ (think tank), do chúng tôi lập ra để suy ngẫm về phái tả, vì lúc đó còn có một nhóm nghiên cứu nữa, do Alejandro Foxley lãnh đạo [một nhà kinh tế học, sau này từng là Bộ trưởng Tài chính từ năm 1990 đến 1994, dưới thời Aylwin], gọi là CIEPLAN, liên kết với với Đảng Dân chủ Cơ đốc. Chúng tôi có một văn phòng nhỏ, Enzo Faletto, Eduardo Trabuco, Eduardo Ortiz, Rodrigo Alvayay, và Heraldo Munoz [những nhà khoa bảng theo phe xã hội] thường ghé qua. Một hôm German Correa đến nói rằng Đảng Xã hội sắp tổ chức đại hội và tham khảo quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi thông báo cho ông biết tình hình và chúng tôi cho rằng thông tin đã đi đến nơi mà nó cần phải đến. Ba tháng sau, Correa quay trở lại để nói cho chúng tôi biết rằng đại hội đã dẫn đến sự phân liệt trong đảng. Vì vậy, tôi đề nghị ông giải thích hậu quả của vụ phân liệt và tôi hỏi nếu chia rẽ thì sẽ đấu tranh với Pinochet như thế nào. Ông hỏi tôi xem tôi có chấp nhận những chỉ thị của Almeyda hay không, tôi trả lời khi họ còn chia rẽ thì tôi sẽ không chấp nhận. Nhóm của tôi trong VECTOR chia sẻ quan điểm đó.

Mấy tháng sau đó, khi tôi đi Mexico, vì công việc của tôi ở Liên hiệp Quốc, việc đầu tiên tôi phải làm là gọi điện cho Hortensia Bussi, vợ góa của Allende, bà mời tôi dùng cơm trưa ở nhà mình với một nhóm khá đông người Chile. Bà giới thiệu tôi với mọi người và đề nghị tôi nói về những sự kiện gần đây nhất. Sau đó bà hỏi tôi nghĩ gì về sự phân liệt trong Đảng Xã hội. Tôi giải thích cho bà nghe những điều mà đại diện phe Xã hội của Almeyda đã nói với tôi, và nhận xét rằng trong nhóm VECTOR, chúng tôi không chấp nhận sự chia rẽ và sẽ không đứng về bên nào. Vì thế, bà trả lời rằng tôi giống như Thụy Sĩ: “trung lập”. Tôi đã không nghĩ về sự kiện này theo cách ấy, tôi chỉ nói rằng chúng ta không thể chia rẽ. Từ đó trở đi, chúng tôi [những người không công nhận những nhà lãnh đạo của các phe phái] được gọi là “Thụy Sĩ”.

Trong một thời gian dài, những người được gọi là “Thụy Sĩ” là một trong số rất nhiều nhóm trong đảng Xã hội, lúc đó đã chia thành nhiều phe phái khác nhau. Sau đó Ủy ban Chính trị vì sự Thống nhất (Comite Politico de Unidad, hay CPU) được thành lập, ủy ban này nhất trí xây dựng lại Đảng Xã hội duy nhất với sáu phe phái: phe của Nunez (gọi là renovados), phe của Almeyda, phe của những người theo Raul Ampuero, phe của những người theo cơ quan điều phối của các nhóm khu vực, một phe nữa, và chúng tôi (Thụy Sĩ). Tôi là thành viên CPU; mọi người nhất trí rằng, sẽ lập ra Ủy ban Trung ương, mỗi phe sẽ cử ra 10 thành viên tham gia. Tôi thông báo với nhóm Thụy Sĩ rằng chúng tôi cần giải quyết một vấn đề: chúng tôi chỉ có bảy người. Cuối cùng, sáu người trong nhóm chúng tôi tham gia Ủy ban Trung ương; Enzo Faletto, nhà lãnh đạo về mặt tinh thần của chúng tôi, nói rằng nếu có Ủy ban Trung ương, thì có nghĩa là “cơ quan đó nắm giữ quyền lực, và để tôn trọng tổ tiên vô chính phủ của tôi, tôi sẽ không nhận địa vị có quyền lực”. Vì vậy, 6 người trong chúng tôi đại diện cho phái Thụy Sĩ trong Ủy ban Trung ương với 36 thành viên, mỗi phái 6 người.

Trong những năm 1982-1983, bắt đầu diễn ra hai quá trình: sự hội tụ của phái Xã hội [liên kết của hai nhóm trong MAPU và Izquierda Cristiana (Cơ đốc Tả khuynh)] và sáng kiến của đảng Dân chủ Cơ đốc, do Gabriel Valdes, sau khi Frei Montalva từ trần. Valdes bắt đầu tiếp xúc với các nhóm cánh hữu, đầu tiên là Hugo Zepeda và Armando Jaramillo, Luis Bossay và sau đó là Enrique Silva thuộc Đảng Cấp tiến – rồi sau đó ông mới mời những người thuộc Đảng Xã hội.

Xây dựng liên minh

Nhiều nhóm chính trị khác nhau đã tìm cách kết liễu chế độ độc tài. Làm sao ông tập hợp được tất cả các nhóm và gắn kết được họ xung quanh một cương lĩnh chung?

Ngày 15 tháng 8 năm 1983, Liên minh Dân chủ (Alianza Democratica) được thành lập ở Circulo Espanol với bài diễn văn của Gabriel Valdes. [Liên minh Dân chủ - lúc đầu được Đảng Dân chủ Cơ đốc, Đảng Cấp tiến, một số người thuộc Đảng Xã hội, MAPU, Thiên chúa giáo cánh tả và một số người thuộc phái hữu lập ra – với mục đích là đại diện cho tất cả các đảng phái và các cá nhân không tham gia đảng phái nào, đối lập với Pinochet, nhưng bác bỏ đấu tranh vũ trang]. Ủy ban chính trị vì sự thống nhất của Đảng Xã hội của chúng tôi cử những người thuộc phái Almeyda (Julio Stuardo và Aquin Soto) và phái Nunez (Hernan Vodanovic) làm đại diện trong Liên minh Dân chủ. Việc cử người tham gia Liên minh làm bùng lên cuộc tranh luận trong phái Almeyda. Những người sống bên ngoài Chile bác bỏ, không tham gia Liên minh Dân chủ, vì họ cho rằng đấy là nhóm người sẵn sàng đàm phán với Pinochet, trong khi họ tin rằng con đường đúng đắn là tiếp tục đấu tranh và thỏa thuận với đảng Cộng sản (PC). Đảng Cộng sản không được mời tham gia Liên minh Dân chủ vì họ ủng hộ sử dụng bạo lực. Cuối cùng, phái Almeyda quyết định không tham gia, nhưng Julio Stuardo và Aquin Soto, thành viên của nhóm đó, quyết định ở lại và là thành viên của CPU, trong khi những người khác không tham gia Ủy ban này.

Liên minh Dân chủ đưa ra những quyết định đầu tiên ngay trong những ngày đó; chủ tịch do đại diện các đảng thay phiên nhau nắm, mỗi tháng xoay vòng một lần. Đầu tiên, tháng 10 là Gabriel Valdes; tháng 11 là Enrique Silva thuộc Đảng Cấp tiến; tháng 12 đến lượt Đảng Xã hội. Aquin Soto và Julio Stuardo, thuộc phái Almeyda, hỏi tôi có muốn đại diện cho Đảng Xã hội làm chủ tịch Liên minh hay không. Tôi nói với họ là không, vì tôi tham gia một cách bí mật, lúc đó tôi đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Sau đó tôi được hai đảng viên Xã hội, đại diện cho phái renovados (đổi mới), là Julio Stuardo và Hernan Vodanovic, tới thăm; họ nhắc lại là tôi nên giữ chức chủ tịch Liên minh. Thế là tôi phải đưa ra một quyết định đầy khó khăn. Tôi nói với vợ con là tôi sẽ không làm cho Liên Hiệp Quốc nữa, và tháng 12 năm đó tôi trở thành chủ tịch của Liên minh.

Ngày 4 tháng 9 năm 1983 (có tính tượng trưng, Salvador Allende và tất cả các vị tổng thống Chile tiền nhiệm đều được bầu vào ngày đó), cả nước đã được thông báo về sự hợp nhất của tất cả các đảng viên Xã hội với Ủy ban trung ương gồm 36 thành viên. Việc Đảng Xã hội “đổi mới” được nhiều người quan tâm là bất ngờ lớn đối với tôi. Tôi trả lời nhiều cuộc phỏng vấn, cả báo lẫn tạp chí và tôi bắt đầu nhận ra rằng nền chính trị sáng tạo có thể là kết quả của hành động tập thể, vì những ý tưởng mà tôi thể hiện chính là những ý tưởng đã được thảo luận trong những cuộc họp trước đó. Rõ ràng là Đảng Xã hội đang thay đổi. Còn có ảnh hướng của các Đảng Xã hội ở vùng Địa Trung Hải nữa. Felipe Gonzalez (thủ tướng Tây Ban Nha trong 4 nhiệm kỳ: từ năm 1982 đến 1996 – ND) đã cầm quyền từ năm 1982, Mitterrand cũng đã giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Pháp.

Còn tiếp

No comments:

Post a Comment