July 8, 2019

DÂN CHỦ LÀ DÀNH CHO CÁC VỊ THẦN



Đôi lời phi lộ: Bài báo này được viết nhân ngày 4 tháng 7 năm 2019, 243 năm ngày độc lập của nước Mĩ. Theo tôi, tác giả muốn nói rằng, do bản chất của con người mà dân chủ là hiện tượng hiếm có, khó tìm, và rất dễ bị đổ vỡ; nhân loại phải rất cảnh giác trước những kẻ mị dân như Hitler hay Hugo Chavez…, không được để cho những người đó lợi dụng các thủ tục của chế độ dân chủ để biến thành chế độ độc tài cá nhân. Có thể bài báo còn nhắm tới cả Donald Trump vì ông này vẫn bị các học giả cánh tả Mĩ coi là mị dân. Nhưng nên nhớ rằng đây là bài viết dành cho người Mĩ nên tác giả không cần nói nước Mĩ đã có 243 năm dân chủ, cũng không cần nói rằng chế độ dân chủ ở Mĩ, Pháp, Anh, Hà Lan, Đức… tuy chưa phải là dân chủ lí tưởng, nhưng vẫn tốt hơn hẳn các chế độ độ độc tài và vẫn là NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG cho những người đang hàng ngày hàng giờ đấu tranh cho dân chủ trên khắp thế giới. Vì không viết rõ như thế, lại thêm tiêu đề: “Democracy Is for the Gods” rất dễ bị bọn có chữ nhưng chuyên “hửi” rắm độc tài phán rằng “DÂN CHỦ RÚT CUỘC CHỈ LÀ KHÔNG TƯỞNG”, đánh đồng với những thứ không tưởng khác, ví dụ, chủ nghĩa cộng sản. Theo mình, dân chủ đối với xã hội, cũng tương tự cái áo đối với một thanh niên đang lớn, phải luôn luôn thay đổi, luôn luôn làm mới, luôn luôn mở rộng thêm. Không thể đạt được dân chủ lí tưởng, nhưng dân chủ không phải là không tưởng như bọn chuyên “hửi” rắm nói. Tóm lại, đọc báo nước ngoài phải rất thận trọng. Cần đọc không chỉ nội dung mà còn phải biết người viết là ai, viết cho ai và viết trong hoàn cảnh nào. PNT


Trà Đóa dịch

“Tại sao các nền dân chủ lại thất bại?”


Chúng ta đã nghe câu hỏi này rất nhiều trong vài năm vừa qua, trong sách, trên những trang ý kiến và trên các chương trình tin tức của truyền hình cáp, và trong cuộc tranh luận công khai. Nhưng tôi hầu như luôn tìm thấy câu trả lời cho riêng mình với câu hỏi đó, bằng một câu hỏi khác: tại sao họ lại không nên hỏi như thế?


Lịch sử - là hướng dẫn duy nhất chúng ta có về vấn đề này - đã cho chúng ta thấy dân chủ thì hiếm và phù du. Nó bùng lên gần như bí ẩn ở một vài nơi may mắn, rồi phai tàn, và dường như cũng bí ẩn như vậy. Dân chủ đích thực rất khó đạt được, nhưng một khi đạt được, thì mong manh. Trong sơ đồ lớn các sự kiện của con người, dân chủ là ngoại lệ, không phải quy luật.

Mặc dù khó nắm bắt bản chất của dân chủ, nhưng ý tưởng cốt lõi của nó rất đơn giản: Là thành viên của một cộng đồng, chúng ta nên có tiếng nói bình đẳng trong cách chúng ta tiến hành cuộc sống cùng nhau. Paul Woodruff viết trong cuốn sách xuất bản năm 2016: “Trong một nền dân chủ như nó phải là”, “Nguyên tắc dân chủ thứ nhất: sự thách thức của một ý tưởng cổ xưa, tất cả những người trưởng thành đều có thể tự do tham gia vào cuộc đàm luận về cách họ nên sắp xếp cuộc sống cùng nhau. Và không ai được tự do có được quyền lực không được kiểm soát để dẫn đến kiêu ngạo và lạm dụng”.
Bạn đã bao giờ nghe thấy điều gì hợp lý hơn chưa? Nhưng ai nói chúng ta hợp lý?

Về cơ bản, con người không thiên về lối sống dân chủ. Thậm chí có thể đưa ra quan điểm rằng dân chủ là không tự nhiên vì nó đi ngược lại với bản năng và “đà sống” của chúng ta. Những gì tự nhiên nhất đối với chúng ta, và giống như bất kỳ sinh vật sống nào khác, là tìm cách sinh tồn và sinh sản. Và vì mục đích đó, chúng ta tự khẳng định mình - không ngừng, vô tình, dã man - chống lại những thứ khác: đẩy chúng sang một bên, vượt qua chúng, lật đổ chúng, thậm chí nghiền nát chúng nếu cần thiết. Đằng sau bộ mặt tươi cười của nền văn minh nhân loại, có một hành động mù quáng hướng tới sự tự khẳng định mà chúng ta thấy trong thế giới động vật.

Chỉ cần cào vào bề mặt của cộng đồng nhân loại, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra một bầy người nguyên thủy. “Đó là bản chất phi lý và vô lý của con người”, (theo nhà động vật học Konrad Lorenz trong tác phẩm “On Aggresion”), “nó đẩy hai đảng chính trị hoặc hai tôn giáo, với các chương trình cứu rỗi tương tự nhau, chống lại nhau một cách cay đắng”, nó thúc ép “một Alexander đại đế hoặc một Napoleon hy sinh hàng triệu mạng sống trong nỗ lực thống nhất thế giới dưới quyền lực của họ”. Lịch sử thế giới, phần lớn, là câu chuyện về những cá nhân tự quyết quá đáng trong việc tìm kiếm những sự thống trị khác nhau.

Nó chẳng giúp ích gì, vì một khi một cá nhân như thế đã được lên ngôi, những kẻ khác chỉ còn nước quá háo hức để mà tuân phục anh ta. Dường như, trong sự hiện diện huy hoàng của hắn ta, đám đông nhận ra rằng họ có quá nhiều tự do trên tay, điều mà họ thấy như một gánh nặng đột ngột. Trong “Anh em nhà Karamazov” của Dostoevsky, anh chàng điều tra viên nói: "Khi con người còn được tự do, thì không có mối bận tâm nào triền miên hơn, đau khổ hơn là mau mau tìm lấy một nhân vật để sùng phục.”. Đúng là một sự đầu hàng ngọt ngào! Alexander Đại đế, Julius Caesar, Napoleon, Hitler và Mussolini đều là những người nói chuyện trôi chảy, những kẻ bỏ bùa đám đông và là những kẻ quyến rũ chính trị vĩ đại.

Mối quan hệ của những kẻ độc tài với đám đông là đặc biệt thân mật. Đối với chế độ loại này, bất cứ khi nào quyền lực được sử dụng và phô trương, hiệu ứng sẽ rất gợi tình. Những gì chúng ta thấy, ví dụ, trong cuốn “Chiến thắng của ý chí” (cảm ơn, theo khía cạnh tốt, với thiên tài ngang ngạnh của Leni Riefenstahl), là người trải nghiệm một loại ma túy tập thể. Lời lẽ của kẻ quyến rũ có thể trống rỗng, thậm chí vô nghĩa, nhưng điều đó có quan trọng gì; mỗi kẻ độc tài đều đưa đám đông náo động lên một tầm cao mới của khoái lạc. Hắn ta có thể làm bất cứ điều gì hắn thích với những người đang theo dõi mê mẩn. Đám đông sẽ tuân phục bất cứ sở thích nào của hắn.

Đại khái, đây là tình huống con người chống lại ý tưởng dân chủ khi nó xuất hiện. Chẳng có gì ngạc nhiên khi đó là một trận thua. Nền dân chủ đích thực không cho những lời hứa lớn, không quyến rũ hay bỏ bùa, mà chỉ khao khát một thước đo nhất định về phẩm giá con người. Nó không gợi tình. So với những gì xảy ra trong các chế độ dân túy, nó là thứ thật nhạt nhẽo.

Ai trong tinh thần sáng suốt của mình sẽ chọn những trách nhiệm ngu ngốc của nền dân chủ để bỏ qua sự hài lòng tức thì mà một kẻ mị dân sẽ cung cấp? Sự lãnh đạm vượt qua sự mê muội không giới hạn chăng? Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, ý tưởng dân chủ đã đến gần để hiện thân một vài lần trong lịch sử - đó là những khoảnh khắc của ân sủng khi mà nhân loại gần như tự xoay sở để tạo nên bất ngờ.

Một yếu tố cần thiết cho nền dân chủ xuất hiện là ý thức về sự khiêm nhường. Một sự khiêm nhường sẽ đồng thời tập thể hóa và nội tâm hóa, thấu suốt, thậm chí có tầm nhìn, nhưng đúng. Đó là loại khiêm nhường mà cảm thấy tự tin, thoải mái, biết giá trị và giới hạn của mình, thậm chí có thể tự cười. Khiêm nhường là khi nhìn thấy nhiều điều điên rồ rồi học cách chịu đựng chúng, để trở nên khôn ngoan và kiên nhẫn. Nói cách khác, để trở thành một nhà dân chủ thực sự, phải hiểu rằng khi nói đến việc chung sống, bạn không tốt hơn những người khác, và phải hành động phù hợp. Sống dân chủ, chủ yếu, là để đối phó với sự thất bại và sự không hoàn hảo, và để ấp ủ một vài ảo tưởng về xã hội loài người. Các thể chế dân chủ, trong các quy tắc và cơ chế của mình, nên thể hiện tầm nhìn về sự tồn tại của con người như là sự thiếu sót, không toàn mỹ và không hoàn hảo.

Nền dân chủ Athens cổ đại đã phát minh ra hai thiết chế thể hiện tầm nhìn này. Thiết chế đầu tiên là sắp xếp: bổ nhiệm rất nhiều công chức. Với sự bình đẳng cơ bản về quyền mà tất cả công dân Athen - nghĩa là, những người đàn ông trưởng thành và tự do - được hưởng, phương thức hợp lý nhất để tiếp cận các vị trí lãnh đạo là lựa chọn ngẫu nhiên. Thật vậy, đối với các nhà dân chủ Athen, các cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở trung tâm của nền dân chủ: họ sẽ cho phép một số người tự khẳng định mình, kiêu ngạo và bất công, chống lại những người khác.

Thiết chế thứ hai của người Athen là khai trừ. Khi một công dân trở nên quá nổi tiếng - quá quyến rũ - người Athen sẽ biểu quyết đẩy anh ta ra khỏi thành phố trong mười năm bằng cách khắc tên anh ta lên các mảnh gốm. Đó không phải là hình phạt cho một tội lỗi nào đó mà người kia có thể đã làm, đó là một biện pháp phủ đầu chống lại những gì anh ta có thể sẽ làm nếu không bị kiểm soát. Người Athen biết rằng họ quá dễ bị tổn thương và quá bất toàn để chống lại sự quyến rũ chính trị (vấn đề phức tạp giữa họ với Alcibiades đã cho họ nhiều bằng chứng về điều đó), và ngay lập tức họ tự từ chối niềm vui. Là thứ do con người tạo ra, dân chủ rất mong manh và một thể chất yếu kém - tốt hơn là không đưa nó vào thử nghiệm.

Sau thử nghiệm triệt để về bình đẳng của Athen, dân chủ cũng đã xuất hiện trở lại ở nơi khác, nhưng thường ở dạng mà người Athen cổ đại khó có thể gọi là dân chủ. Ví dụ, như phần lớn trong nền dân chủ Mỹ (một trong những phiên bản tốt nhất trên thế giới hiện nay) theo tiêu chuẩn của người Athens sẽ bị coi là thế chế đầu sỏ (Oligarchic). Đó là một số ít người giàu có may mắn (hoi oligo), những người tiêu biểu được chọn ở đây không chỉ do các quy tắc của trò chơi chính trị, mà còn là chuyện kẻ thắng người thua. Trớ trêu thay, hệ thống này ủng hộ những gì chúng ta rất muốn tránh khi chúng ta chọn chế độ dân chủ ngay từ đầu: đó là thứ động vật chính trị, đói khát quyền lực, kiêu ngạo và tự khẳng định bằng lối đàn áp.

Tuy nhiên, chúng ta không nên ngạc nhiên. “Nếu có một dân tộc của các vị thần, nó sẽ tự cai quản một cách dân chủ” - Jean-Jacques Rousseau đã viết như thế. “Một thể dạng cai trị hoàn hảo thì không dành cho con người”. Dân chủ rất khó tìm thấy trong thế giới loài người mà trong phần lớn thời gian khi chúng ta nói về nó, chúng ta chỉ bàn tới những ý niệm xa vời hơn là thực tế. Đó là thứ dân chủ mà cuối cùng chỉ là về một lý tưởng để con người cố gắng đưa vào thực tiễn theo thời gian. Chưa bao giờ thỏa đáng và chưa bao giờ lâu dài – luôn vụng về và rụt rè, như thể trong giai đoạn dùng thử.

Tuy nhiên, dân chủ là một trong những thứ khó nắm bắt – hạnh phúc cũng thế - mà sự hứa hẹn từ chúng, ngay cả khi vĩnh viễn bị trì hoãn, cũng quan trọng hơn là sự tồn tại thực tế của chúng. Chúng ta có thể không bao giờ có được dân chủ, nhưng sẽ không bao giờ ngừng mơ ước về nó.

Nguồn The New York Times

No comments:

Post a Comment