May 15, 2018

Chủ nghĩa cộng sản (9)

Richard Pipes

Phạm Nguyên Trường dịch



V.                Thế giới Thứ ba 

Mỗi nước cộng sản, mỗi đảng cộng sản đếu có lịch sử riêng của mình, có những đặc trưng khu vực và địa phương của mình, nhưng bao giờ cũng có thể nhận thấy rằng bằng cách này hay cách khác họ đều đi theo khuôn mẫu được hình thành ở Moskva vào tháng 11 năm 1917. Có mối liên hệ thân thuộc như thế là vì các đảng này có chung một mã di truyền cộng sản[1]

Cái mối liên hệ thân thuộc, được nhắc tới trong đoạn trích dẫn bên trên, là do, ở tất cả những nước đó, chủ nghĩa cộng sản đều xuất hiện nhờ một trong hai con đường: hoặc là do quân đội Liên Xô áp đặt (Đông Âu) hoặc nhờ vào sự trợ giúp của Liên Xô, đấy là các nước với nền văn hoá chính trị (thiếu truyền thống tư hữu và chế độ pháp quyền, di sản của chế độ chuyên chế v.v…) cũng như cấu trúc xã hội (tuyệt đại đa số là nông dân, giai cấp trung lưu chưa phát triển) tương tự như nước Nga trước năm 1917. Mặc dù về lý luận, chủ thuyết cộng sản được xây dựng cho các xã hội công nghiệp tiên tiến, trên thực tế, nó lại chỉ bén rễ trong các nước nông nghiệp lạc hậu. Và vì thế, ở những nước này, nó phải đi theo một khuôn mẫu sẵn có. 

Đặc điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin mà những nước này chọn là: 1)
lãnh đạo bởi một đảng, đảng độc quyền, được xây dựng theo mô hình quân đội và đòi hỏi các thành viên phải tuyệt đối tuân thủ; 2) chế độ không bị bất kì hạn chế nào; 3) bãi bỏ tư hữu phương tiện sản xuất và cùng với nó là quốc hữu hoá tất cả nhân tài, vật lực của quốc gia; 4) coi thường quyền con người. Các chế độ này cho rằng đảng của họ là đảng bách chiến bách thắng, biết tuốt, luôn luôn đúng và không chấp nhận bất kì hạn chế quyền lực nào. Hiện thân của đảng là lãnh tụ, ông ta được coi là một vị thánh. 

Nhiều người cho rằng nghèo đói sinh ra cộng sản. Trên thực tế, hoàn toàn ngược lại: các nước nghèo không lựa chọn chủ nghĩa cộng sản. Chưa ở đâu có chuyện đa số người nghèo, thậm chí đa số nói chung, ủng hộ chuyển giao quyền lực cho cộng sản. Nói đúng ra, các nước nghèo không đủ khả năng chống lại những vụ cưỡng đoạt quyền lực của cộng sản vì các nước này không có các thiết chế đủ sức ngăn chặn những kẻ độc tài háo danh, như các nước giàu có và tiến bộ hơn. Không có các thiết chế bảo đảm cho sự giàu có, đặc biệt là quyền tư hữu và chế độ pháp quyền, các nước này sẽ nằm mãi trong tình trạng đói nghèo và dễ bị những nhà cầm quyền độc tài cả phía tả lẫn phía hữu khuynh đảo. Nói như lời một nhà nghiên cứu chế độ ở Campuchia, một trong những chế độ cộng sản cực đoan nhất mà ta đã biết, thì “việc thiếu vắng các cơ cấu đủ sức liên kết dân chúng, cộng với việc những người cầm quyền thường xuyên thay đổi đã tạo điều kiện cho sự lạm dụng quyền lực một cách thái quá[2]. Như vậy là các tác nhân đó, mà trước hết là tình trạng vô luật pháp, đã kìm hãm đất nước trong vòng nghèo đói, đã tạo điều kiện cho các vụ đảo chính của cộng sản. 
Các tác nhân nói trên còn tạo ra những hậu quả khác nữa. Từ xa xưa, ở phương Đông việc không tồn tại quyền tư hữu ruộng đất có nghĩa là chỉ có một cách làm giàu duy nhất, đấy là được người cầm quyền ưu ái. Các chức vụ trong bộ máy nhà nước không được coi là cống hiến mà là phương tiện làm giàu. Dĩ nhiên là, vì vậy mà có chân trong chính quyền cộng sản, một chính quyền nắm trong tay toàn bộ quyền lực và tài nguyên, được coi là phương tiện chủ yếu để bảo đảm cho mình vị trí xã hội cũng như sự sung túc (Điều này, dĩ nhiên là đúng với cả nước Nga nữa). 
______________________
Trong những năm đầu thế kỷ XX, những người xã hội chủ nghĩa ở châu Âu không thể hiểu được vì sao chủ nghĩa tư bản không sụp đổ, theo như dự đoán của Marx và Engels. Những người xét lại đã giải quyết được vấn đề bằng cách công nhận rằng ở đây Marx và Engels đã lầm lẫn. Nhưng, đối với những người Marxist chính thống, đây là giải pháp không thể chấp nhận được, vì lý thuyết của họ được coi là khoa học, không chấp nhận bất kì sự lệch lạc hoặc ngoại lệ nào, nó chỉ có thể tồn tại hay sụp đổ như một toàn thể bất khả phân. 
Đối diện với vấn đề như thế, Lenin đã sử dụng tác phẩm Imperilism (Chủ nghĩa đế quốc- 1902) của nhà kinh tế học người Anh, J. A. Hobson, trong đó, việc xâm chiếm thuộc địa được lý giải như là kết quả của việc chinh phục những thị trường mới cho hàng hóa và tư bản. Lenin phát triển luận điểm này trong tác phẩm Imperialism, the Highest Stage of Capitalism (Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản (1916-1917), trong đó, ông ta chứng minh rằng các nước thuộc địa đóng vai trò quan trọng trong việc cứu chủ nghĩa tư bản vì nó giúp giữ cho nền kinh tế bệnh hoạn đứng vững và tạo điều kiện cho các nhà tư sản mua chuộc công nhân. Vì vậy, cuộc tấn công vào lãnh địa của các cường quốc sẽ là một phần quan trọng của chiến lược cách mạng đương thời. 
Khó khăn là ở chỗ, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa Á, Phi và Mỹ Latin có rất ít hoặc hoàn toàn không có nền công nghiệp và cũng không thể có giai cấp công nhân công nghiệp. Do hoàn cảnh khó khăn như thế, cho nên khi cần thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong những nước không có cơ sở công nghiệp, Lenin đã sử dụng cương lĩnh do ông ta đề ra cho Đại hội II Quốc tế Cộng sản với hai tiền đề sau đây: 1) các nước này có điều kiện tiến thẳng từ chế độ “phong kiến” lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa; 2) trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, những người cộng sản hoạt động ở những nước đó có thể liên kết (tạm thời, dĩ nhiên) với “giai cấp tư sản dân tộc”. 
Những đề xuất của Lenin đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của một số đoàn đại biếu Quốc tế Cộng sản, đối với họ, tư sản dân tộc cũng đáng ghét chẳng khác gì bọn đế quốc nước ngoài. Nhưng Lenin kiên quyết bảo vệ ý kiến của mình và cuối cùng Quốc tế thông qua phương châm gọi là các cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc”, trong đó những người cộng sản, vừa bảo vệ quan điểm riêng của mình vừa liên kết với các lực luợng chống đế quốc khác để tiến hành cuộc đấu tranh vì sự nghiệp chung của dân tộc. 
Trên thực tế chính sách này luôn gặp thất bại: không những không lợi dụng được những nguời theo chủ nghĩa quốc gia mà chính những người cộng sản lại rơi vào hoàn cảnh bị người ta lợi dụng.

Trong những năm 1918-1919, quân đội đồng minh chiếm đóng vùng Tây Anatolia và thành phố Constantinople, thủ đô của đế chế Ottoman, một đồng minh của nước Đức bại trận trong Thế chiến I. Phong trào do Mustafa Kemal Pasa (Atatürk) lãnh đạo xiển dương mục đích giải phóng dân tộc. Năm 1920, Kemal đề nghị Moskva hợp tác trong cuộc đấu tranh chống các nước chiếm đóng. Moskva tỏ ý sẵn sàng và năm 1921 đã kí với ông ta Hiệp ước hữu nghị, các bên cam kết tiến hành đấu tranh chống “chủ nghĩa đế quốc”. Moskva, theo đúng tinh thần của Quốc tế, lại tiến hành song song việc hợp tác này với các hoạt động lật đổ. Những tài liệu vừa được giải mật từ kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô chứng tỏ rằng Moskva đã bí mật chuẩn bị âm mưu lật đổ phe quốc gia ngay trong thời kì tình cảm của hai bên vẫn còn nồng thắm. Bản chỉ thị do Lenin soạn vào năm 1920 có đoạn viết: 
Chớ có tin bọn theo Kemal; không được chuyển khí giới cho họ; tăng cường tuyên truyền về Liên Xô cho người Thổ Nhĩ Kì và chuẩn bị một đảng theo đường lối Xô Viết mạnh và có khả năng giành chiến thắng ở Thổ Nhĩ Kì[3].  
Về phần mình, Kemal rất phấn khởi khi nhận được sự giúp đỡ của Liên Xô và đã có ý định xây dựng nhà nước độc đảng theo mô hình của Liên Xô, nhưng dứt khoát không chấp nhận cộng sản trên đất nước Thổ Nhĩ Kì. Phái viên của Quốc tế Cộng sản và những người đồng chí của ông ta đã bị giết sau khi Đảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kì được thành lập vừa đúng hai tháng, chắc chắn có bàn tay của những người theo Kemal trong vụ sát hại này. 
Ở Trung Quốc, chính sách của Liên Xô còn bị tổn thất nặng nề hơn rất nhiều. Đối với Quốc tế Cộng sản, Trung Quốc là nước có vai trò cực kì quan trọng và cũng tạo cho người ta nhiều hy vọng. Các nước châu Âu và Nhật Bản đã tìm mọi cách để bóc lột đất nước đông dân nhất thế giới này. Việc bóc lột như thế là miếng đất màu mỡ cho tinh thần bài ngoại: lòng căm thù người ngoại quốc thỉnh thoảng lại bùng phát thành những cuộc bạo động. Tôn Trung Sơn, lãnh tụ Quốc dân Đảng, cầm quyền ở Trung Quốc sau những năm 1911-1912, rất khâm phục Liên Xô vì nước này đã rũ bỏ được ách nô dịch ngoại quốc về kinh tế và chính trị. Tuy vẫn là nước nông nghiệp, Trung Quốc đã có đội ngũ công nhân, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ ở Thượng Hải. Lenin đặt rất nhiều hy vọng vào Trung Quốc, ông ta từng nói với các nhà ngoại giao đến từ Bắc Kinh rằng, “cuối cùng, cách mạng Trung Quốc… sẽ lật đổ chủ nghĩa đế quốc thế giới”. 
Tưởng Giới Thạch, người được đưa lên lãnh đạo Quốc dân Đảng trong những năm 1920, cũng rất thán phục Liên Xô và đã nhiệt tình chào đón các đoàn “cố vấn” từ Moskva đang tràn vào Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc, được thành lập theo lệnh từ Moskva vào năm 1921, gồm phần lớn là những người có học và sinh viên, vẫn giữ được tính độc lập như Quốc tế Cộng sản đòi hỏi, nhưng từ năm 1923 trở đi nhiều đảng viên đã ra nhập Quốc dân Đảng. Họ làm như thế là theo chỉ đạo về việc thành lập mặt trận phản đế của Moskva. Đề nghị của Moskva về việc cung cấp cho Quốc dân Đảng các cố vấn kinh tế và quân sự cũng nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, giữa hai bên đã tích tụ nhiều mâu thuẫn, đặc biệt là từ năm 1925, tức là sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế và quyền lực tập trung vào tay Tưởng Giới Thạch. Tháng 4 năm 1927, Tưởng Giới Thạch khai trừ tất cả đảng viên cộng sản, rồi sau đó thủ tiêu hàng ngàn người. 
Sau những sự kiện như thế, Stalin dứt khoát kết luận rằng, thuần hoá chủ nghĩa dân tộc trong các nước thuộc Thế giới Thứ ba và lái hoạt động của nó theo hướng có lợi cho chủ nghĩa cộng sản là việc làm vô ích. Tại Hội nghị IV, Quốc tế Cộng sản đã đoạn tuyệt với đường lối ủng hộ “giai cấp tư sản dân tộc”. Từ đấy cho đến ngày Stalin chết, tức là trong vòng 25 năm, Liên Xô đã giảm hẳn hoạt động trong các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Liên Xô chấm dứt hợp tác với “giai cấp tư sản” Thế giới Thứ ba, coi nó là “tay sai” của các nước đế quốc và giữ quan điểm như thế ngay cả khi các nước này đã giành được độc lập. Cuốn Great Soviet Encyclopedia (Bách khoa Toàn thư Lớn) của Liên Xô, xuất bản năm 1953, thậm chí còn gọi Mahatma Gandhi là “gián điệp của đế quốc Anh”. Trong khi đó, Liên Xô lại coi các đảng cộng sản, cả công khai lẫn bí mật, cả đảng lớn lẫn đảng nhỏ, là chỗ dựa của mình. Năm 1948, theo lời xúi bẩy của Moskva, cộng sản tại ở loạt nước Đông Nam Á như Miến Điện, Malaysia, Indonesia, Philippines đã vùng dậy, nhưng tất cả đều bị đàn áp. Cộng sản chỉ thành công ở Đông Dương (Việt Nam), năm 1954, quân du kích địa phương đã đuổi được quân đội Pháp ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Khi Stalin còn sống, chính sách đối ngoại của Liên Xô tập trung chủ yếu vào việc tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự và gây chia rẽ giữa các siêu cường. 
_________________
Nhìn bên ngoài thì chiến thắng của cộng sản Trung Quốc, năm 1949, và việc họ chiếm được toàn bộ đại lục là chiến thắng vô cùng to lớn của chủ nghĩa cộng sản. Chỉ bằng một cú như thế, phong trào cộng sản đã lôi kéo vào hàng ngũ của mình một nửa tỉ người, tức là tăng gần gấp đôi số người sống dưới chính thể cộng sản. Nhưng hoá ra đây là một chiến thắng rất đáng ngờ; cái giá phải trả là sự thống nhất của chính phong trào cộng sản: Chẳng bao lâu sau, nước Trung Hoa đỏ đã đi theo con đường riêng, tạo ra sự chia rẽ nghiêm trọng cho phong trào. Một lần nữa tinh thần dân tộc đã thắng lòng trung thành với quyền lợi giai cấp. 
Tháng 10 năm 1927, những người cộng sản còn sống sót sau vụ đàn áp của Tưởng Giới Thạch đã rút lui về vùng nông thôn hẻo lánh. Mao Trạch Đông, một trong những lãnh tụ cộng sản còn lại, đã ẩn mình suốt hai mươi năm sau đó để chuyên tâm vào việc xây dựng lực lượng du kích. Năm 1931, cộng sản tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Xô Viết Trung Hoa. Cả lúc đó, cũng như trong Thế chiến II về sau, Stalin chưa bao giờ công khai phát biểu ủng hộ nước cộng hoà này. Ông ta quan tâm đến quyền lợi của Liên Xô ở vùng Viễn đông hơn là việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tức là Liên Xô cần một nước Trung Hoa mạnh, đủ sức ngăn chặn được Nhật Bản. Quốc dân Đảng dường như phù hợp với vai trò này hơn và vì vậy Stalin quyết định ủng hộ về vật chất cho Tưởng Giới Thạch. Sau này, Stalin buộc phải sử dụng kinh nghiệm quan hệ với Đảng Cộng sản Nam Tư; năm 1948 dưới sự lãnh đạo của Josip Broz Tito đảng này đã không chịu thực hiện các chỉ thị và sau đó thì đoạn tuyệt hoàn toàn với Moskva. Sợ rằng Trung Quốc sẽ là một “Nam Tư” mới, Stalin mới thuyết phục Mao Trạch Đông thoả hiệp với Tưởng Giới Thạch. Mao Trạch Đông phớt lờ lời khuyên này và tiếp tục chỉ huy đội quân nông dân tiến hành đấu tranh vũ trang nhằm giành quyền lực trên toàn cõi Trung Hoa. 
Stalin tiếp tục bảo trợ Mao ngay cả sau khi ông này đã làm chủ hoàn toàn Trung Quốc. Mao cần sự trợ giúp của Liên Xô cả về kinh tế lẫn quân sự đến mức ông ta phải đè nén lòng kiêu hãnh của mình trong một thời gian dài, buộc phải công nhận vai trò lãnh đạo của Liên Xô, cũng như coi Liên Xô là hình mẫu đáng phải theo. Thái độ của Mao chỉ thay đổi sau khi Khrushchev lên cầm quyền, vì ông ta cho rằng những người kế nhiệm Stalin đã phản bội sự nghiệp chung. Năm 1959, quan hệ giữa Bắc Kinh và Moskva đã gần đi đến chỗ tan vỡ, chủ yếu là vì Moskva từ chối cung cấp công nghệ hạt nhân cho Bắc Kinh. Năm sau, Khrushchev đơn phương rút hết các chuyên gia về nước. 
Chẳng bao lâu sau Mao đã tự sáng tác ra phiên bản chủ nghĩa Marx độc đáo của chính mình. Theo lời một chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này: “những giá trị chủ yếu” mà tư tưởng Mao bảo vệ là “hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa Marx”, điều đó chỉ chứng tỏ “sự uyển chuyển vô bờ bến của bất kì học thuyết nào, miễn là nó có giá trị về mặt lịch sử”[4]. Về tất cả mọi vấn đề, Mao đều cho Marx “trồng cây chuối” tất. Ông ta không dựa vào giai cấp công nhân công nghiệp, không coi họ là động lực của cách mạng mà lại phong cho nông dân vai trò đó: ông ta khẳng định rằng vai trò cách mạng không thuộc về châu Âu (trong đó có Nga) mà thuộc về nhân dân các nước Á, Phi và Mỹ Latin. Ông ta cũng bác bỏ luận điểm của Marx nói rằng “không phải ý thức quyết định đời sống mà là đời sống quyết định ý thức”[5], nghĩa là tư tưởng và tình cảm của con người phụ thuộc vào điều kiện vật chất của họ. Ngược lại, Mao khẳng định rằng hành vi của con người là do tư tưởng mà ra: chủ nghĩa Marx coi “yếu tố khách quan” giữ vai trò quan trọng. thì Mao lại cho rằng đấy là khái niệm “tư sản”. Yếu tố khách quan không thể cản trở quần chúng một khi họ đã quyết tâm. Kiến thức chứa đựng mầm mống của cái ác vì nó làm cho người ta dao động, đọc nhiều là có hại. Không phải sự thay đổi các điều kiện kinh tế và xã hội mà chính sự thay đổi “thượng tầng” văn hoá và tri thức sẽ cho phép hình thành xã hội mới và con người mới. Đây là chủ nghĩa xét lại đặc biệt: nếu chủ nghĩa xét lại phương Tây, xuất hiện sau Eduard Bernstein, cố gắng làm cái việc sửa chữa chủ nghĩa Marx, làm cho nó phù hợp với hiện thực thì chủ nghĩa xét lại của Mao lại cho rằng tốt nhất là đừng để ý đến hiện thực. 
Việc đưa ra những tư tưởng phi chính thống như thế đã dẫn đến mâu thuẫn với Moskva. Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô thông qua đường lối hoà hoãn với phương Tây và tuyên bố rằng chiến tranh không còn là điều kiện cần trong cuộc đấu tranh vì lý tưởng cộng sản trên toàn thế giới nữa, vì chính thế giới đang tiến về phía chủ nghĩa cộng sản mà không một lực lượng nào có thể cản trở được. Mao không chấp nhận đường lối này, ông ta cho rằng Liên Xô đã có tên lửa xuyên lục địa, đủ sức thực hiện chiến lược tiến công phương Tây. Tương tự như Lenin, Mao cho rằng chiến tranh là tất yếu. Ông ta bác bỏ học thuyết của Khrushchev, theo đó, chủ nghĩa cộng sản sẽ chiến thắng bằng con đường nghị trường mà không phải dùng vũ lực. Mao đề cao bạo lực. (“Chiến tranh là hình thức đấu tranh và giải quyết mâu thuẫn cao nhất”, “Súng đẻ ra chính quyền.”)[6] 
Mao cũng bác bỏ luận điểm cho rằng vũ khí hạt nhân đã đặt dấu chấm hết cho việc coi chiến tranh là một hành động chính trị. Ông ta còn chế nhạo vũ khí nguyên tử và gọi nó là “con hổ giấy mà bọn phản động Mỹ dùng để doạ dẫm nhân dân. Cỏ vẻ khủng khiếp, nhưng trên thực tế chẳng có gì khủng khiếp hết[7]. Ông ta còn coi chính sách kí thoả ước về việc kiểm soát vũ khí, bắt đầu từ năm 1968, là phản bội; ông ta cũng rất bất mãn với quan điểm cho rằng chiến tranh nhiệt hạch sẽ tiêu diệt sự sống trên trái đất. Ông ta từng viết với một thái độ vô tâm đáng kinh ngạc như sau: 
Trong trường hợp xấu nhất, một nửa nhân loại sẽ bị tiêu diệt, chỉ còn một nửa sống sót, nhưng chủ nghĩa đế quốc sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn và cả thế giới sẽ trở thành xã hội chủ nghĩa; sau mấy năm sẽ lại có hai tỉ bảy trăm triệu người, mà có thể còn nhiều hơn nữa kia[8]
Trung thành với đường lối của Stalin, Mao bác bỏ chiến lược ủng hộ các chế độ được thiết lập ở các thuộc địa cũ như chính phủ Neru ở Ấn Độ hay Naser ở Ai-Cập. 
Nhưng nguyên nhân sâu xa của mâu thuẫn, từng bùng phát thành vụ đụng độ quân sự trên biên giới Xô-Trung, vẫn không phải là những bất đồng về đường lối chiến lược và chiến thuật, mà là vấn đề bá quyền trong phong trào cộng sản quốc tế. Moskva luôn khẳng định rằng họ đương nhiên là lãnh tụ của phong trào, việc này đã được chính thức ghi trong điều lệ Quốc tế Cộng sản từ năm 1920 và họ sẽ không bao giờ từ bỏ. Năm 1956, phát biểu vo ở Warsaw, Khrushchev cho biết rằng, Stalin đã nói với Mao là Moskva phải có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề liên quan đến phong trào cộng sản quốc tế. Từ năm 1956 trở đi, Mao không chấp nhận luật chơi đó vì cho rằng, như đã nói bên trên, những người kế nhiệm Stalin là những kẻ phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin. Ông ta tự coi mình chẳng những ngang hàng mà còn đứng cao hơn những người cầm quyền ở Moskva. Thậm chí, ngay cả khi chưa nắm được trọn quyền lực ở Trung Quốc, ông ta cũng đã tự đưa mình vào hàng ngũ tác gia của học thuyết Marxist, dành cho các nước ngoài phương Tây, nơi các cuộc cách mạng sẽ do nông dân thực hiện. Năm 1945, một trong những đồ đệ của ông ta đã khẳng định: “Thành tựu vĩ đại nhất của Mao Trạch Đông là đã cải biến chủ nghĩa Marx, một học thuyết của phương Tây và gắn cho nó hình thức của châu Á”, nhằm động viên một khối lượng quần chúng to lớn, những người cũng sống trong các điều kiện như nhân dân Trung Quốc. Sau này, trong nỗ lực đẩy Liên Xô ra khỏi châu Phi, Bắc Kinh còn viện đến cả yếu tố sắc tộc và nói rằng người Nga là dân “da trắng” cho nên không thể hiểu được dân phương Đông và châu Phi. Ở Trung Quốc, Mao được coi là nhà tiên tri. Năm 1966, Trung Quốc cho xuất bản cuốn sách nhan đề: The Brilliance of Mao Tse-tung’s Thoughts Illuminates the Whole World (Ánh sáng tư tưởng Mao Trạch Đông toả khắp hoàn cầu). Như vậy là, “cuộc tranh luận về chiến lược cách mạng … đã trở thành mầm mống cho cuộc đấu tranh giành quyền lực trong phong trào cộng sản quốc tế”[9].
Đụng độ Xô-Trung đã cho người ta thấy cái khuyết tật căn bản và không thể nào sửa chữa được của phong trào cộng sản quốc tế. Nó cho thấy rằng cộng sản các nước sẵn sàng chấp nhận vai trò lãnh đạo của Moskva khi họ chưa tìm được chỗ dựa vững chắc ở trong nước, khi họ còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ về kinh tế và quân sự từ Moskva. Nhưng, trong hoàn cảnh như thế, họ vẫn là những kẻ bất lực, những kẻ đứng bên lề đời sống của đất nước. Còn khi họ đã có chỗ dựa ở trong nước, như Nam Tư và Trung Quốc, khi họ trở thành lực lượng chính trị độc lập, nghĩa là có giá trị đối với phong trào cộng sản quốc tế thì họ không còn thích nghe theo chỉ đạo của người Nga hay công nhận quyền lợi của Liên Xô là tối thượng nữa. Kết quả là xảy ra mâu thuẫn: cộng sản các nước càng thành công, càng trở thành lực lượng độc lập thì Moskva càng khó điều khiển hơn. Moskva buộc phải quyết định giữa bảo vệ quyền lợi của mình hay bảo vệ quyền lợi của phong trào cộng sản quốc tế. Nếu ban lãnh đạo Liên Xô thực sự muốn khuyếch trương chủ nghĩa cộng sản thì nó phải từ bỏ vai trò lãnh đạo và từ bỏ lý luận cho rằng quyền lợi của Liên Xô và quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản chỉ là một. Nhưng nếu làm như thế, phong trào sẽ tan ra thành từng mảnh và bị các lực li tâm khống chế, kết quả là, sẽ đánh mất chủ nghĩa tập trung cứng rắn, nghĩa là mất cái mà Lenin coi là thành tựu quan trọng nhất của chế độ. 
_________________
Chiến lược ủng hộ các lực lượng chống đế quốc thuộc Thế giới Thứ ba mà những người kế nhiệm Stalin sử dụng trong những năm 1950 dường như dễ trở thành hiện thực hơn là ba mươi năm trước, vì sau Thế chiến II, các nước đế quốc đã trao trả độc lập cho phần lớn các nước thuộc địa của mình. Trong số đó, có một số nước đông dân như Ấn Độ, Indonesia và Ai Cập. Đứng đầu các nước này là các nhà chính trị chưa có kinh nghiệm, những chưa có tiền; họ coi độc lập chính trị chỉ là bước đầu tiên trên con đường dẫn tới độc lập thực sự, muốn thế, phải có độc lập về kinh tế. Họ ngưỡng mộ Liên Xô vì nước này đã thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và nắm trong tay sức mạnh đáng kể về mặt công nghiệp; họ muốn bắt chước và nồng nhiệt chào đón các chuyên gia cũng như sự trợ giúp từ Moskva. Trong một số trường hợp, các nhà độc tài háo danh còn coi Liên Xô là sự bảo đảm cho quyền lực của mình: tuyên bố là nước “xã hội chủ nghĩa” để đổi lấy sự trợ giúp về tình báo và quân sự của khối cộng sản nhằm chống lại các kẻ thù bên trong và bên ngoài. 
Từ năm 1956, Moskva tiến hành những hoạt động tích cực trong Thế giới Thứ ba nhằm tạo ra một liên minh, bài phương Tây và đặc biệt là Mỹ, bao trùm một nửa dân số thế giới. Họ đã sử dụng nhiều phương tiện khác nhau. Ở Ấn Độ, họ đã tài trợ cho một nhà máy gang thép cực kì lớn, được xây dựng dưới dự lãnh đạo của các kĩ sư Liên Xô; họ còn xây dựng các nhà máy điện, nhà máy làm bánh mì. Ở Ai Cập, họ đã giúp xây dựng đập thuỷ điện Aswan, tạo điều kiện cho việc điều tiết mực nước sông Nile. Đấy là những việc làm trái ngược hẳn với thái độ “vụ lợi” của các nước tư bản phương Tây. Moskva còn vũ trang cho Ai Cập trong cuộc chiến tranh chống lại Israel, vũ tranh cho Ethiopia chống lại Somalia. Trong mọi trường hợp, sự giúp đỡ bao giờ cũng đi kèm với các “cố vấn” Liên Xô và đấy chính là cách mà Moskva thiết lập sự hiện diện của mình trên khắp thế giới. Trợ giúp sinh ra phụ thuộc về kinh tế và đấy cũng là con đường dẫn tới phụ thuộc về chính trị. 
Nhưng cuối cùng, chính sách đầy tham vọng và tốn kém đó cũng chỉ mang về những kết quả cực kì khiêm tốn. Liên Xô không có đủ nguồn lực kinh tế để có thể đóng được vai trò phù hợp với chính sách mới của nó đối với các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Moskva lao vào hết nước này đến nước khác, từ Trung Cận Đông tới châu Phi, hòng chiếm lĩnh chân không quyền lực; giành cho các nước này sự trợ giúp cả về kinh tế lẫn quân sự để rồi phải đối mặt với sự phát triển không lường trước được của các sự kiện dẫn đến việc thủ tiêu nước đồng minh, hay đồng minh suy nghĩ lại và thay đổi thái độ. Có ai đó đã nói rằng, không thể mua được các thủ lĩnh thuộc Thế giới Thứ ba, chỉ có thể vay tạm được họ mà thôi. 
Hoạt động của Moskva trong Thế giới Thứ ba đã gây ra hậu quả quan trọng là nó đã làm cho phương Tây lo ngại và làm cho chiến tranh lạnh càng căng thẳng thêm.


[1] Courtois in The Balck Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), trang 754
[2] Francois Ponchaud in Karl D. Jackson, ed., Cambodia 1975-1978: Rendezvous with Death (Princeton, 1989), tr. 152
[3] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 121 
[4] Leszek Kolakowski, Main Current in Marxism (Dòng chủ lưu trong chủ nghĩa Marx), vol, III (Oxford, 1978), trang 495, 521
[5] Marx and Engels, “The German Ideology” (Hệ tư tưởng Đức), Toàn tập, Tập V, trang 37
[6] Quotation from Chairman Mao Tse-tung (Trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông) New York, 1968, 32-33 
[7] Ibid, trang 77
[8] Stuart Scham, Mao Tse-tung (Mao Trạch Đông), Marmondsworth, U.K., 1966, trang 291
[9] Donald S. Zagoria, The Sino-Soviet Conflict, 1956-1961 (Xung độ Xô Trung, 1956-1961), New York, 1964, trang 385

No comments:

Post a Comment