Richard Pipes
Phạm Nguyên Trường dịch
IV.
Chủ nghĩa cộng sản ở phương Tây (1)
Phương Tây không quan tâm nhiều
đến cuộc Cách mạng tháng Ba ở Nga: Neue Zürcher Zeitung, tờ báo hàng đầu ở Thuỵ Sĩ, Lenin biết tin về các vụ
lộn xộn ở trong nước qua tờ báo này, chỉ đưa thông tin về sự kiện nói trên trên
cột thứ hai, như một tin không mấy quan trọng. Châu Âu lúc đó đang trải qua một
cuộc chiến tranh đẫm máu, chẳng có thì giờ để ý đến các sự kiện ở nước Nga xa
xôi; sau những thất bại trong năm 1915, Nga đã không còn được coi là một bên
tham chiến nữa. Các phản ứng yếu ớt sau đó có thể được coi là khích lệ vì người
ta hy vọng rằng chính phủ lâm thời, được dân chúng ủng hộ trong giai đoạn đầu,
sẽ khởi động lại các hoạt động quân sự. Mỹ, quốc gia luôn luôn chào đón các
thành viên mới trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, là nước đầu tiên công nhận
và thiết lập quan hệ ngoại giao với chính phủ mới.
Thái độ ủng hộ đối với cách mạng ở Nga không hề thay đổi ngay cả sau khi chính phủ lâm thời đã bị những người Bolshevik lật đổ. Biết rõ những liên hệ của Lenin với đế chế Đức, các nước đồng minh tỏ vẻ lo ngại khi phải liên hệ với ông ta và chế độ của ông ta, nhưng các nước này quan tâm đến việc mở lại mặt trận phía Đông đến nỗi họ sẵn sàng nịnh bợ bất kì chính phủ Nga nào, kể cả chính phủ Bolshevik. Thái độ ve vãn như thế chỉ chấm dứt vào tháng 3 năm 1918, sau khi Nga kí với Đức hiệp định hoà bình ở Brest-Litovsk, đưa Nga ra khỏi cuộc chiến. Các nước đồng minh bắt đầu giúp đỡ quân đội Bạch vệ, lực lượng vũ trang được thành lập ở miền Nam Nga và Siberia với mục tiêu là lật đổ chế độ Bolshevik thân Đức và tái lập các hoạt động quân sự chống lại các nước thuộc Phe Trục. Sự giúp đỡ chủ yếu là về vật chất. Được Lenin đồng ý, đồng minh đã gửi một số đơn vị đến thành phố Murmansk và Arkhangelsk để những thành phố này không rơi vào tay Đức. Quân Mỹ đổ bộ xuống vùng Đông Siberia để ngăn chặn sự chiếm đóng khu vực rộng lớn này của quân Nhật. Trừ một số vụ đụng độ lẻ tẻ, cả quân Anh lẫn quân Mỹ đều không tham gia vào các hành động quân sự giữa Hồng quân và Bạch vệ. Huyền thoại về sự can thiệp sâu rộng của các nước tư bản vào cuộc nội chiến là do Stalin bịa ra, như một phần của chiến dịch tuyên truyền chống lại phương Tây.
Thế chiến I kết thúc tháng 11 năm 1918, các nước đồng minh không còn lý do can thiệp vào công việc của Nga nữa. Nếu người Anh còn tiếp tục giúp đỡ Bạch vệ thì đấy chủ yếu là do yêu cầu của Winston Churchill, lúc đó là Tư lệnh Hải quân, ông là một trong số ít người nhận thức được mối nguy hiểm mà chủ nghĩa cộng sản sẽ gây ra cho thế giới; trong những năm 1930 ông cũng nhận thức chính xác như thế đối với những hiểm nguy mà Quốc xã sẽ gây ra trong tương lai. Ông đã có ý tưởng làm một cuộc thập tự chinh quốc tế nhằm loại những người cộng sản ra khỏi quyền lực. Nhưng châu Âu vừa bị tan tác vì chiến tranh, ý tưởng này đã bị bỏ qua. Thủ tướng Anh, David Lloyd-George, một người theo trường phái tự do đang cần sự giúp đỡ của những người bảo thủ đã vào hùa với Churchill, nhưng chính ông ta lại sẵn sàng đàm phán với Lenin, người mà ông ta cho là ít có khả năng đe đoạ các quyền lợi của Anh hơn là sự phục hồi chế độ Sa hoàng. Cuối năm 1919, khi Bạch vệ đã sắp thất bại thì Lloyd-George cũng hạ lệnh chấm dứt mọi sự trợ giúp đối với lực lượng này. Churchill buộc phải chấp nhận, nhưng ông đã cảnh báo về mối nguy hiểm của liên minh giữa Đức với nước Nga Xô Viết và Nhật Bản như sau:
Chúng ta có thể bỏ mặc nước Nga, nhưng Đức và Nhật sẽ không làm như thế. Các chính phủ mới mà chúng ta hy vọng sẽ xuất hiện ở Đông Âu sẽ bị đè bẹp khi họ nằm lọt giữa chế độ Bolshevik ở Nga và nước Đức… Sau năm năm nữa, thậm chí còn sớm hơn, sẽ thấy rõ là chúng ta đã bị tước hết các thành quả của chiến thắng.
Năm 1921, nước Anh, một nước vẫn có ý kiến quyết định trong các vấn đề thương mại quốc tế, bắt đầu đàm phán với Nga và chẳng bao lâu sau đã quyết định công nhận nước này về mặt ngoại giao. Phần còn lại của châu Âu lập tức theo gương Anh. Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là siêu cường duy nhất không chịu công nhận cái chính phủ coi mục đích của mình là tiêu diệt hệ thống các quốc gia trên thế giới; mãi đến năm 1933 Hoa Kỳ mới chính thức công nhận Liên Xô.
Chính phủ Liên Xô xây dựng quan hệ quốc tế của mình trên hai bình diện hoàn toàn khác nhau: ngoại giao và hoạt động phá hoại. Trong những năm 1920 các “đại diện chính trị” của Liên Xô đã thu hồi tất cả các sứ quán của chính phủ Sa hoàng tại thủ đô của các nước “tư bản”, ở đây họ cũng làm việc với một thái độ đúng đắn như các nhà ngoại giao của bất kì nước nào khác. Nhưng hoạt động chính của họ lại được che giấu kĩ: trong tất cả các sứ quán đều có gián điệp của Quốc tế Cộng sản với nhiệm vụ lật đổ các chính phủ mà Liên Xô đặt đại sứ quán. Nhưng khi một nước nào đó phản đối thì bao giờ Moskva cũng điềm tĩnh tuyên bố rằng đảng cộng sản và Quốc tế là các tổ chức riêng, họ không chịu trách nhiệm về hoạt động của các tổ chức này.
Nếu các nước đồng minh ủng hộ các phong trào chống cộng ở Nga một cách miễn cưỡng và đầy ngờ vực thì Moskva lại giúp đỡ các lực lượng bài dân chủ ở phương Tây với tất cả các phương tiện mà họ có.
Quốc tế III hay là Comintern, Trotsky gọi là “Tổng hành dinh của cách mạng thế giới”, được thành lập ở Moskva tháng 3 năm 1919, nhưng chỉ chính thức hình thành vào mùa hè năm 1920, nghĩa là sau khi khi nội chiến kết thúc và cộng sản có điều kiện quan tâm đến các vấn đề quốc tế. Tinh thần của họ lúc đó rất cao: trên đường tiến đến Warsaw, Hồng quân gần như không gặp bất kì sự kháng cụ nào, có cảm giác như họ sẽ thẳng tiến tới Đức và Anh, những nước mà theo lời Lenin là điều kiện cách mạng đã chín muồi. Nghị quyết hội nghị II Quốc tế Cộng sản (1920) bắt đầu bằng lời khẳng định rằng “giai cấp vô sản đứng trước trận chiến đấu quyết định. Thời đại chúng ta đang sống là thời đại của những cuộc nội chiến. Giờ quyết định đã điểm”[1]. Trong bức điện mật gửi Stalin, lúc đó đang ở mặt trận Ba Lan, Lenin viết:
Tình hình ở Quốc tế là rất tốt. Zinoviev, Bukharin và tôi cho rằng cần phải ủng hộ ngay cuộc cách mạng ở Italy. Ý kiến cá nhân của tôi là phải thành lập chính quyền Xô Viết ở Hung, mà có thể cả ở Tiệp và Rumania nữa. Cần phải suy nghĩ kĩ. Hãy thông báo cho biết kết luận cụ thể của đồng chí. Các đồng chí cộng sản Đức cho rằng để chống lại chúng ta, Đức có thể động viên một đội quân lên đến ba trăm ngàn vô sản lưu manh*”[2]
* Vô
sản lưu manh, theo ngôn ngữ của những người xã hội chủ nghĩa, là những người
lao động sẵn sàng bán mình cho “bọn tư sản”.
Câu cuối cùng chứng tỏ rằng
Moskva dự định sau khi chiếm Ba Lan thì sẽ đưa quân sang Đức để giúp những
người cộng sản Đức giành chính quyền.
Các sự kiện sau đó chứng tỏ rằng Lenin đã đánh giá sai tình hình châu Âu. Kinh nghiệm tháng 10 và tháng 11 năm 1917, khi Lenin phải thuyết phục những người giao động và thực hiện đảo chính, đã cho ông bài học rằng thận trọng cũng đồng nghĩa với hèn nhát; bây giờ uy tín của ông đã cao đến mức có thể lôi kéo được cả những người có thái độ hoài nghi nhất.
Các nhà cách mạng nhiều nước châu Âu và cả các châu lục khác đã tham dự hội nghị Quốc tế Cộng sản năm 1920, họ sẵn sàng đoạn tuyệt với những người xã hội chủ nghĩa ôn hoà và chấp nhận sự lãnh đạo của những người Bolshevik Nga, những người Marxist duy nhất thiết lập được nhà nước xã hội chủ nghĩa. Lenin không hề che giấu việc Comintern chỉ là một chi nhánh của Đảng Cộng sản Nga, được tổ chức theo hình mẫu và thực hiện các chỉ thị của đảng này. Hội nghị năm 1920 yêu cầu các đại biểu của nó phải buộc các đảng viên “tuân thủ kỉ luật sắt của nhà binh” và thể hiện “niềm tin tuyệt đối” vào trung ương, nghĩa là phải tin tưởng tuyệt đối vào Moskva. Nhiệm vụ trước mắt của họ là thâm nhập vào các tổ chức quần chúng ở nước mình và nắm lấy quyền lãnh đạo các tổ chức ấy. Để làm như thế với các tổ chức công đoàn, những người cộng sản, theo lời Lenin, “trong trường hợp cần thiết phải thực hiện các mánh khoé, khôn khéo, các thủ đoạn phi pháp, giữ im lặng, che giấu sự thật”[3]. Mục đích cuối cùng của các đảng thành viên là giúp đỡ Comintern tiến hành “khởi nghĩa vũ trang” chống lại các chính phủ tư sản hiện hữu và thay chúng bằng các chính phủ cộng sản. Kết quả cuối cùng sẽ là thành lập nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết toàn cầu.
Hội nghị đã thông qua một danh mục gồm hai mươi mốt điều kiện để được kết nạp vào Comintern. Sau đây là những điều kiện quan trọng nhất:
2. Bất cứ tổ chức nào muốn được là thành viên Comintern đều phải… khai trừ những người theo “phái cải cách và những người ôn hòa”;
3. Các đảng viên cộng sản có
trách nhiệm thành lập ở từng nước châu Âu và châu Mỹ “bộ máy bí mật song hành”,
để trong thời khắc quyết định thì nổi lên và tiến hành cách mạng;
14. Bất cứ đảng nào muốn được
là thành viên của Quốc tế Cộng sản đều phải giúp đỡ một cách vô điều kiện các
nước cộng hoà Xô Viết trong cuộc đấu tranh chống lại các lực lượng phản cách
mạng;
21. Các đảng viên từ chối trách
nhiệm và các luận điểm do Quốc tế Cộng sản đặt ra đều phải bị khai trừ khỏi
đảng”[4].
Vì tất cả những gì Moskva không đồng ý đều bị coi là “phản cách mạng”, nên có thể coi điều 14 là nguyên tắc, theo đó, những người cộng sản tất cả các nước đều phải đặt quyền lợi và ước vọng của Liên Xô lên trên quyền lợi của chính đất nước họ.
Được sự động viên nhiệt tình của Lenin, Comintern đã tiến hành hoạt động nhằm chia rẽ các phong trào xã hội chủ nghĩa trên lục địa châu Âu và thành lập các đảng cộng sản do nó bí mật tài trợ và lãnh đạo. Về lĩnh vực này, Comintern đã giành được thắng lợi. Nhưng nếu nói đến mục đích cuối cùng thì Comintern đã thất bại thảm hại. Thứ nhất, lời tuyên bố của nó, nòi rằng các nước tư bản đang đứng trước bờ vực của nội chiến tỏ ra là hoàn toàn sai, chiến tranh không xảy ra ở bất cứ nước phương Tây nào, những nguy cơ như thế, nếu có, đều được khắc phục một cách nhanh chóng. Thứ hai, tuy cộng sản đã có ảnh hưởng to lớn trong các tổ chức công đoàn, nhất là ở các nước Thiên chúa giáo (như Tây Ban Nha, Italy và Pháp) nhưng họ đã không thể giành được đa số ghế trong quốc hội. Kết quả, cộng sản trở thành lực lượng đối lập thường trực ở chính những nơi họ đã giành được ảnh hưởng lớn, mà đây lại là lực lượng đối lập bị cách ly với xã hội và vì vậy mà cũng không có sức mạnh. Vì các đảng này hoạt động theo các chỉ thị cứng nhắc từ Moskva và coi những người dân chủ xã hội là kẻ thù chính nên họ chẳng những đã làm suy yếu không chỉ phong trào xã hội chủ nghĩa mà còn làm suy yếu cả phong trào cộng sản, và bằng cách đó đã tạo điều kiện cho các lực lượng cánh hữu giành được quyền lực, cộng sản trở thành những nạn nhân đầu tiên của các chế độ đó.
Rõ nhất là ở nước Đức. Nước này, cuối những năm 1920, có ba đảng không đội trời chung với nhau: Dân chủ Xã hội, Cộng sản và Quốc xã. Moskva luôn tỏ ra có thiện cảm với Quốc xã và coi những người Dân chủ Xã hội mà họ gọi là “phát xít xã hội” là kẻ thù chính của mình. Moskva cấm Đảng Cộng sản Đức hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội. Trong cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm 1932 Đảng Dân chủ Xã hội nhận được 7 triệu phiếu, Cộng sản được 6 triệu phiếu, tổng cộng hai đảng này hơn Quốc xã một triệu rưỡi phiếu. Họ chiếm được 221 ghế trong quốc hội, trong khi Quốc xã chỉ có 196 ghế. Nếu liên kết với nhau, hai đảng cánh tả này đã đánh bại Hitler và ông ta không thể nắm được ghế thủ tướng. Như vậy là, sự thoả thuận ngầm giữa Cộng sản và Quốc xã đã phá tan nền dân chủ ở Đức và đưa Hitler lên cầm quyền.
_____________________
Trong những năm 1930, khi Liên Xô trải qua những thử thách nguy hiểm nhất tức là quá trình tập thể hoá và đại khủng bố thì hình ảnh của nó ở phương Tây lại được cải thiện, đấy là do hai sự kiện đã làm phương Tây suy yếu và mất niềm tin vào chính mình: suy thoái kinh tế và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Quốc xã. Hiện tượng người lao động bị thất nghiệp hàng loạt làm tê liệt các nước dân chủ công nghiệp hoá, dường như đã khẳng định lời tiên đoán của Marx rằng, chủ nghĩa tư bản chắc chắn sẽ lâm vào khủng hoảng sâu sắc và sẽ đưa nó đến chỗ diệt vong. Sự tương phải giữa nước Nga cộng sản với một chương trình xây dựng kinh tế hoành tráng, mọi người lao động đều có việc làm và phương Tây với nền công nghiệp đình đốn làm cho các quan sát viên có tư tưởng tự do tin rằng số phận của chủ nghĩa tư bản đã được quyết định. Chủ nghĩa cộng sản cũng giành được cảm tình ở nước ngoài vì nó ủng hộ các chính sách như quyền thành lập công đoàn của công nhân và yêu cầu bình đẳng của các dân tộc thiểu số (thí dụ người da đen ở Mỹ), là những yêu cầu bị cấm đoán hoặc đàn áp nặng nề ở chính Liên Xô. Việc Liên Xô ủng hộ những người chống phát xít trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha cũng có hiệu quả tương tự.
Dĩ nhiên là đa số các đảng viên cộng sản châu Âu và những người có cảm tình với họ có biết những mặt tiêu cực của chế độ cộng sản, nhưng họ lại tìm cách biện hộ cho nó bằng đủ những cách khác nhau: hoàn cảnh bên ngoài, tàn dư của chế độ Sa hoàng, sự thù địch của “chủ nghĩa tư bản” phương Tây hoặc coi đấy là những hiệu ứng phụ không thể tránh được của những nỗ lực chưa từng có nhằm xây dựng một xã hội hoàn toàn mới trong lịch sử. Nhà văn Arthur Koestler, gia nhập Đảng Cộng sản Đức năm 1932 và đã sống một năm ở Liên Xô (đoạn tuyệt với cộng sản vào năm 1938) giải thích vì sao các đảng viên và những người có cảm tình với họ lại có thể nhắm mắt trước nạn khủng bố và nạn đói mà chế độ Xôviết đã cố tình tạo ra với chính nhân dân nước mình như sau:
Tôi đã học được cách đánh giá tất cả mọi việc. Tôi coi tất cả những gì gây sốc đều là ‘tàn dư của quá khứ’, còn tất cả những gì tôi thích đều là ‘mầm mống của tương lai’. Khi đã đưa vào trong óc não bộ máy phân loại như thế thì một người châu Âu, vào năm 1932, có thể sống ở Liên Xô và vẫn tiếp tục là người cộng sản được[5].
Koestler so sánh việc vào Đảng với việc cải đạo như sau:
Nói rằng anh “đã nhìn thấy ánh sáng” thì vẫn chưa mô tả đầy đủ cái sự kinh ngạc của tâm hồn mà chỉ những kẻ cải đạo mới hình dung nổi mà thôi… Dường như có một luồng ánh sáng mới tuôn trào từ tất cả các hướng và thâm nhập vào đầu óc, toàn bộ thế giới quan đã có một hình hài cố định, như khi đang giải một bài toán khó, ta bỗng thấy tất cả các phần rời rạc bỗng liên kết liền lạc với nhau một cách thật tài tình. Bây giờ mọi câu hỏi đều có đáp án, tất cả những mối ngờ vực và xung đột đều được bỏ lại phía sau… Bây giờ không có gì có thể làm rối trí thế giới nội tâm và sự bình thản của kẻ vừa cải đạo - ngoại trừ nỗi sợ hãi thỉnh thoảng lại xuất hiện là hắn có thể đánh mất niềm tin và như thế cũng có nghĩa là đánh mất mục đích của cuộc đời và lại rơi vào đêm đen vây bọc xung quanh[6].
Ở Bắc Âu và Hoa Kỳ, nơi chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa cộng sản gần như không có cảm tình viên, Moskva lại tìm được những người ủng hộ trong những người theo chủ nghĩa tự do và “những người bạn đường”, phần lớn là những người trí thức, chia sẻ mục tiêu nhưng không ra nhập đảng. Đây là những người có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng sản, vì, khác với các đảng viên, những người luôn bị nghi ngờ là phát ngôn theo mệnh lệnh, những người này chỉ nói lên chính kiến của mình. Lincoln Steffence là ví dụ về cách tư duy của những người bạn đường nói trên, năm 1919 ông này đã nói một câu nổi tiếng và thường được trích dẫn về nước Nga Xô Viết như sau: “Tôi đã nhìn thấy tương lai và nó đang hoạt động”. Hoá ra ông ta viết câu ấy trên đoàn tầu đi từ Thuỵ Điển đến Moskva, trước khi đặt chân đến đất Liên Xô. Sau này, khi đến Karlsbad, một khu nghỉ mát nổi tiếng của Tiệp, ông ta lại viết cho một người bạn như sau: “Tôi là người yêu nước Nga, tương lai ở đó. Nước Nga sẽ thắng và sẽ cứu thế giới. Tôi tin như thế. Nhưng sống ở đó thì tôi không thích”.
Hai ông bà Sidney và Beatrice Webb, là những người xã hội chủ nghĩa đáng kính người Anh, khởi đầu sự nghiệp khoa học và chính trị với phong trào Fabian, có thể được coi là những “người bạn đường” đặc trưng. Ban đầu, hai ông bà Webb có thái độ thù địch đối với chủ nghĩa cộng sản, nhưng họ đã hoàn toàn thay đổi quan điểm vào năm 1932. Họ đã đến thăm Liên Xô trong ba tuần lễ và được đón tiếp một cách cực kì trọng thị. Họ đã rất phấn chấn bởi những điều mắt thấy tai nghe, và theo lời họ thì họ đã “mê ngay nước Nga”. Năm 1935, sau khi nghiên cứu các tài liệu do người Nga cung cấp, họ đã cho xuất bản tác phẩm: Soviet Communism, a New Civilisation? (Chủ nghĩa cộng sản Xô Viết, một nền văn minh mới?) (lần xuất bản năm 1941 dấu chấm hỏi đã bị bỏ) gồm hai tập. Xử lý các tài liệu của Liên Xô như thể đang xử lý các tài liệu chính thức của Anh, thậm chí còn đề nghị sứ quán Liên Xô kiểm tra “những sai sót có thể” và bằng cách đó đã tạo ra một bản báo cáo chẳng ăn nhập gì với thực tế. Họ hoàn toàn không hiểu được ý nghĩa tuyên truyền của các tài liệu được người ta cung cấp. Chỉ xin đơn cử: trên cơ sở các tài liệu của Liên Xô, họ phủ nhận việc Stalin là một nhà độc tài; hơn thế nữa, họ khẳng định rằng ông ta tôn trọng quyền lãnh đạo tập thể, theo họ thì quyền lực của Stalin còn ít hơn quyền lực của Tổng thống Mỹ hay Thủ tướng Anh. Họ phớt lờ khủng bố, nạn đói và kiểm duyệt hoặc coi đây là những hiện tượng cũng thường xảy ra trong các nước tư bản chủ nghĩa. Thế mà Bernard Shaw, một chiến hữu trong phong trào Fabian, lại lớn tiếng chúc mừng tác phẩm đồ sộ, dày đến 1.200 trang này và coi đây là “sự phân tích thực sự khoa học đầu tiên về nhà nước Liên Xô”.
Năm 1942, Beatrice Webb cho xuất bản một tác phẩm ngắn hơn, nhan đề: The Truth About Soviet Rusia (Sự thật về nước Nga Xôviết), trong đó, dựa vào hiến pháp năm 1936, bà đã gọi Liên Xô là nhà nước “dung hợp nhất và bình đẳng nhất trên thế giới”.
Hai ông bà Webb là những người rất thông minh lại quen làm việc một cách khoa học, không thể không nhận ra sự phiến diện trong các suy luận của mình về chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô. Vì sao họ không tạo được một bức tranh khách quan hơn? Có lẽ đấy là do nhu cầu tâm lý: họ đã có trước mắt một thế giới hoàn toàn mới trong khi nền văn minh phương Tây lại đang tiến gần đến sự sụp đổ. Để khắc hoạ cái thế giới mới đó, họ đã khởi động “bộ máy phân loại” mà Koestler nói tới bên trên, và cỗ máy này đã giúp họ loại bỏ tất cả các thông tin trái chiều.
Dĩ nhiên là, không phải tất cả các trí thức phương Tây đều ngả theo xu hướng ấy. Điều thú vị là không phải các nhà khoa học, dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, mà là các nhà văn, nhà thơ và các nhà triết học đã nhìn rõ bức tranh phía sau cái mặt tiền loè loẹt đó của chủ nghĩa cộng sản. Không lệ thuộc vào các khái niệm trừu tượng mà các nhà khoa học vẫn dùng để giải thích hiện thực, các nhà văn, nhà thơ và triết gia đã nhìn thấy hiện thực như chính nó vốn là.
Bertrand Russel, một triết gia lỗi lạc người Anh, cùng đoàn đại biểu Đảng Lao động Anh đến thăm Liên Xô vào năm 1920. Ông chờ đợi gặp gỡ với cuộc thí nghiệm Xô Viết với những tình cảm chân thành nhất: số phận của chủ nghĩa tư bản, theo quan niệm của ông, đã được định đoạt, trong khi “chủ nghĩa cộng sản lại cần cho thế giới… Chủ nghĩa Bolshevik xứng đáng được cả loài người tiến bộ bầy tỏ lòng biết ơn và cảm phục”. Đấy là những điều mà sau này ông đã viết trong cuốn: The Practice and Theory of Bolshevism (Lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa Bolshevik). Nhưng đấy là những tình cảm mà “lý thuyết” gợi lên trong ông. Còn “thực tiễn” mà đôi mắt tinh tường của ông đã nhìn ra được thì lại tạo ra đầy hoài nghi: ông cay đắng nhận ra chủ nghĩa cực đoan pha màu sắc tôn giáo, thái độ bất dung và tính chất giáo điều ở những người Bolshevik. Ông nghi ngờ khả năng xây dựng chủ nghĩa cộng sản ở một nước nghèo khổ như nước Nga, nơi đa phần dân chúng có thái độ thù địch với chủ nghĩa cộng sản.
André Gide, nhà văn Pháp, một người bạn đường điển hình khác, cũng nói đến “sự khâm phục” và “tình yêu” đối với Liên Xô. Đối với ông, Liên Xô còn “hơn là vùng đất hứa”; đây là một Không tưởng “đang trong quá trình chuyển hoá thành hiện thực”. Ông đến thăm Liên Xô vào mùa hè năm 1936, trùng thời điểm diễn ra “phiên toà” ô nhục xét xử Kameniev và Zinoviev. Sau khi về Pháp, ông cho xuất bản một cuốn sách mỏng, mang tên: Return from U.S.S.R. (Trở về từ Liên Xô). Trong tác phẩm rối rắm mà chẳng rút ra được một kết luận rõ ràng nào, với những lời ngợi ca và phê bình đối chọi nhau chan chát. Gide biện hộ cho quyền phê phán Liên Xô là “xuất phát từ sự thán phục của tôi”. Khi ở Liên Xô, ông viết, “tôi đã khóc vì mừng vui, trìu mến và yêu thương”. Nhưng dù sao…
Gide công nhận rằng ông thấy buồn vì mùa hè ở Moskva tất cả mọi người đều mặc áo trắng và trông ai cũng như ai. Vừa ra khỏi khách sạn Metropol, nơi ông được bố trí ở một căn hộ sáu buồng, ông đã thấy rất buồn khi chứng kiến cảnh người dân xếp hàng trước khi cửa hàng mở cửa để mua những món hàng “kinh tởm”. Quần chúng thì ù lì, các văn nghệ sĩ thì thụ động, kém hiểu biết thế giới bên ngoài và suy đồi, đấy là những phát hiện làm ông vô cùng thất vọng. Sự xa hoa dành cho những người khách qúy như ông tương phản hoàn toàn với cảnh nghèo đói xung quanh cũng làm ông vô cùng bất mãn.
Mặc dù Gide khẳng định tình yêu của mình đối với Liên Xô, ông đã ngay lập tức trở thành đối tượng của những lời phê phán đầy giận dữ; đầu tiên ông bị phê là “hời hợt”, “kết luận vội vàng”, sau này, khi được Moskva bật đèn xanh, người ta liền gọi ông là “Gudas”, là gián điệp phát xít. Ông đã phản ứng bằng cuốn sách nhan đề: Afterthoughts on the U.S.S.R.(Những suy nghĩ muộn màng về Liên Xô), trong đó, ông công khai phê phán những người cộng sản vì họ đã biến nước Nga thành: đất nước “phản bội lại tất cả những hy vọng của chúng ta”.
Những người xã hội chủ nghĩa châu Âu, bị cộng sản phê phán một cách không thương tiếc và bị gọi là “xã hội-phát xít”, bất đắc dĩ lắm mới đáp trả, vì, sợ rằng làm thế chỉ có lợi cho lực lượng phản cách mạng. Quốc tế II, tồn tại lay lắt giữa hai cuộc thế chiến, không quan tâm đến những người Nga lưu vong khi họ kêu gọi phải kịch liệt lên án việc đàn áp các chiến hữu xã hội chủ nghĩa của họ ở Liên Xô. Hội nghị Quốc tế II họp năm 1923 tuyên bố rằng bất kì sự can thiệp bên ngoài nào vào Liên Xô đều nhằm:
Không phải là để sửa chữa sai lầm trong giai đoạn hiện nay của Cách mạng Nga, mà nhằm đập tan chính cuộc Cách mạng này. Nó không đưa đến việc thiết lập một nền dân chủ đích thực mà chỉ nhằm thiết lập chính phủ của những tên phản động khát máu và sẽ là công cụ bóc lột nhân dân Nga của chủ nghĩa đế quốc phương Tây.
Người ta có thể nghĩ rằng các
doanh nhân phương Tây sẽ là những người chống cộng quyết liệt nhất, nhưng trên
thực tế, đa phần giữ thái độ trung lập hoặc có cảm tình với chính phủ Liên Xô.
Trước hết, họ cho rằng tư tưởng cộng sản chỉ là món ăn tinh thần, là thuốc
phiện dành cho quần chúng nhằm che đậy các nhu cầu vật chất bình thường của
tầng lớp ăn trên ngồi trốc mà thôi. Ngay cả nếu những người cộng sản tin vào
những điều họ tuyên truyền thì kinh nghiệm cũng sẽ nhanh chóng làm cho họ tỉnh
ngộ. Năm 1920, Lloyd-George đã nói ý đó nhằm biện hộ cho những cuộc đàm phán về
thương mại với Moskva như sau:
Bằng vũ lực chúng ta đã không buộc được nước Nga quay về với cách tư duy đúng đắn. Tôi tin rằng, thông qua buôn bán, chúng ta có thể làm được điều đó và cứu được nó. Thương mại, tự bản thân nó, sẽ tạo ra hiệu ứng làm người ta tỉnh ngộ. Các phép tính tiền cộng trừ đơn giản sẽ nhanh chóng kết liễu những lý thuyết quái đản[7].
Theo Henry Ford, nổi tiếng là một người phản động và bài Do Thái, người Nga càng công nghiệp hoá thì càng có thái độ tốt vì “các nguyên tắc cơ học và nguyên tắc đạo đức có chung một nguồn gốc”.
Quyền lợi thương mại ích kỉ đã làm cho người ta cố tình tạo ra sự mập mờ giữa ước muốn và hiện thực. Cộng đồng thương mại quốc tế coi nước Nga Xô Viết là một trong các thị trường tiềm năng to lớn nhất thế giới và khi Moskva bắt đầu đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá thì các doanh nhân ngoại quốc, vốn chịu nhiều thiệt hại vì vụ đại suy thoái, đã lao vào thực hiện các đơn hàng cho các kế hoạch năm năm của Stalin. Một số nhà máy lớn nhất của Liên Xô trong những năm 1930 được xây dựng với sự trợ giúp kĩ thuật và quản lý của các công ty phương Tây. Chính Ford đã xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên ở Nizhnii Novgorod (Gorky), các công ty phương Tây đã xây dựng những nhà máy luyện kim cực lớn ở thành phố Magnitogorsk trong vùng Ural.
[1] Jane Degras, eds, The
Communist International, 1919-1943: Documents (Quốc tế Cộng sản, 1919-1943: Tài liệu), Tập.
I (London, 1956), trang 128
[2] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 50
[5] Arthur Koestler, The
Invisible Writing (Trước tác không nhìn thấy được), New York, 1954, trang 53
No comments:
Post a Comment