Richard
Pipes
Phạm Nguyên Trường dịch
III. Stalin và hậu Stalin (2)
_________________
Stalin là người cộng sản đầu tiên nhận
thức được tiềm lực chính trị của chủ nghĩa dân tộc Nga và buộc nó phục vụ mình.
Chủ nghĩa Marx coi tinh thần dân tộc, biểu hiện dưới bất kì hình thức nào, là
vũ khí của giai cấp tư sản nhằm đánh lạc hướng quần chúng khỏi nhiệm vụ chính,
khỏi cuộc đấu tranh giai cấp. Lenin cũng chẳng coi trọng tinh thần yêu nước.
Nói đúng hơn, ông ta còn tỏ ra khinh bỉ chính nhân dân nước mình, trong một bức
thư mật, ông ta nhận xét về họ với những từ ngữ miệt thị như “lũ gian xảo và đê
tiện”. Có lần ông còn nói với Maxim Gorky rằng “một người Nga thông minh thì gần như chắc chắn đấy là một người Do Thái
hay trong huyết quản có máu Do Thái”[1].
Stalin thì lại khác. Qua tiếp xúc với
cán bộ, ông ta nhận ra rằng chủ nghĩa dân tộc và tinh thần bài ngoại được ủng
hộ nhiệt tình hơn là những lý tưởng mù mờ của chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, ông
ta bắt đầu đồng nhất mình với chủ nghĩa sô-vanh Nga và tìm cách xoá bỏ dần mối
ngờ vực thịnh hành ở Nga và ở nước ngoài rằng chủ nghĩa cộng sản phục vụ cho
quyền lợi của người Do Thái trên toàn thế giới. Bản thân là một người bài Do
Thái thô bạo, ông ta tìm cách loại bỏ dần tất cả người Do Thái khỏi các chức vụ
trong bộ máy nhà nước. Trong thời kì liên minh với Hitler, ông ta đã hứa với
Ribbentrop, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, rằng sẽ cho tất cả người Do Thái nghỉ
việc ngay khi ông ta tìm được người Nga phù hợp[2].
Trước khi chết không lâu, ông ta đã lập kế hoạch đầy tất cả người Do Thái đến
vùng Siberia.
Năm 1934, sau khi Hitler nắm được chính
quyền, Stalin đã cho rà soát lại toàn bộ đường lối của Đảng về vấn đề chủ nghĩa
yêu nước. Tinh thần yêu nước, vốn bị lên án trước đây, được khuyến khích; việc
giảng dạy lịch sử theo truyền thống Marxist vốn nhấn mạnh cuộc đấu tranh giai
cấp thì nay chú trọng trước hết đến thắng lợi của nước Nga trong chiến tranh
cũng như xây dựng hoà bình. Cho đến khi Stalin chết, chủ nghĩa cộng sản Liên Xô
đã hoà nhập với chủ nghĩa dân tộc Nga: người ta tuyên truyền rằng uy tín của
chế độ đã được xây dựng trên chiến thắng trong Thế chiến II và những thành công
sau đó, trong việc chế tạo ra tên lửa vượt đại châu và chương trình thám hiểm
vũ trụ, trong việc giành được danh hiệu siêu cường ngang hàng với nước Mỹ.
Người Nga hiện nay nhớ tiếc Liên Xô không phải vì họ yêu chế độ, tức là yêu chủ
nghĩa cộng sản, mà đấy là nỗi nhớ những ngày đã qua, khi họ sung sướng, tự hào
vì những người khác phải tôn trọng và phải sợ đất nước mình.
______________
Đã đến lúc phải đặt câu hỏi: Chế độ
chuyên chế kéo dài hai mươi lăm lăm của Stalin có phải là đương nhiên, nghĩa là
hậu quả không thể tránh được của cái chế độ do Lenin sáng lập, hay một sự ngẫu
nhiên nào đó đã cho phép một kẻ tâm thần cướp đoạt được các thành quả của cách
mạng? Chắc chắn là Stalin có những biểu hiện của bệnh tâm thần, bệnh vĩ cuồng
và độc ác, một số cộng sự gần gũi của Stalin đã từng khẳng định như thế. Nhưng
phải nhớ rằng ông ta kế tục Lenin không phải nhờ vào một cuộc đảo chính cung
đình mà tiến lên từng bước một, được sự ủng hộ của Đảng. Đảng đã lựa chọn ông
ta. Các nhà sử học, khi khẳng định rằng sự nghiệp của Lenin nên được giao cho
Trotsky hay Bukharin, đã bỏ qua sự kiện là, tuy có cảm tình với hai người này,
nhưng Lenin không coi họ là những người kế tục xứng đáng của mình. Chính Lenin
đã giao vào tay Stalin cái chế độ độc đoán đó. Chính Lenin đã cho áp dụng chế
độ khủng bố hàng loạt, bắt cóc con tin và trại tập trung, chính Lenin đã coi
luật pháp và toà án chỉ là “hiện thân và hợp pháp hoá” khủng bố, chính ông ta
đã thông qua điều 57 và 58 Bộ luật hình sự với hàng loạt điều khoản mà sau này
Stalin đã sử dụng để giết hại và bỏ tù hàng triệu người vô tội. Chính Lenin đã
buộc Đảng phải thông qua nghị quyết cấm “hoạt động bè phái”, tạo điều kiện cho
Stalin lấy cớ là “lệch lạc” để loại bỏ tất cả những người không đồng ý với ông
ta. Độc tài cá nhân là thuộc tính của hệ thống do Lenin sáng lập, mặc dù chính
ông thích tìm sự đồng thuận trong tập thể hơn. Từ câu “Đảng luôn luôn đúng” đến
câu “Lãnh tụ luôn luôn đúng” khoảng cách chẳng là bao xa. Mà khi nguyên tắc này
đã ăn sâu, bén rễ thì chế độ độc tài xuất hiện như thế nào chỉ còn là vấn đề
của hoàn cảnh mà thôi.
Vyacheslav Molotov là người giữ những
chức vụ quan trọng nhất trong thời gian lâu nhất cả dưới thời Lenin lẫn Stalin.
Về già, khi được hỏi trong hai người đó ai “nghiêm khắc hơn”, ông ta lập tức
trả lời: “Dĩ nhiên là Lenin… Tôi còn
nhớ ông đã phê phán Stalin là nhu nhược và dễ dãi”[3].
Đấy chính là dấu chấm hết cho huyền thoại rằng dường như chủ nghĩa Stalin là sự
xa rời tư tưởng của Lenin mà Trotsky và sau đó là Khrushchev ra sức tuyên
truyền.
_____________
Đức phát động Thế chiến II nhằm để báo
thù thất bại năm 1918 và buộc châu Âu phải khuất phục. Nhưng Liên Xô, xuất phát
từ quyền lợi riêng, đã tạo điều kiện và xúi giục Hitler tiến hành các kế hoạch
xâm lược của ông ta và như thế cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm trong việc
để xảy ra cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất trong lịch sử.
Sau thảm bại trong cuộc chiến tranh
chống Ba Lan cũng có nghĩa là những cố gắng nhằm thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở
châu Âu đã phá sản, ban lãnh đạo Liên Xô kết luận rằng nếu chiến tranh thế giới
nổ ra thì việc xuất khẩu cách mạng sẽ dễ dàng hơn. Tháng giêng năm 1925 Stalin
tuyên bố như sau: “Đấu tranh, xung đột
và chiến tranh giữa các kẻ thù của chúng ta là… đồng minh vĩ đại của chúng ta”…
Chắc chắn đấy sẽ là sự ủng hộ vĩ đại
nhất đối với chính quyền và cuộc cách mạng của chúng ta”. Sau khi khẳng
định rằng một cuộc xung đột thế giới nhất định sẽ xảy ra, ông ta nói thêm: “Nhưng nếu chiến tranh xảy ra thì chúng ta
không được khoanh tay đứng nhìn, chúng ta nhất định phải tham chiến, nhưng sẽ
tham chiến sau cùng. Chúng ta sẽ tham chiến để ném quả tạ quyết định lên
bàn cân…”[4]
Với ý đồ như thế, từ năm 1920 đến năm
1933 Liên Xô đã bí mật hợp tác với giới quân sự Đức, giúp họ tránh né các hạn
chế về việc cấm hoặc chỉ cho Đức sản xuất một số lượng hạn chế xe tăng, máy
bay, tầu ngầm và khí độc được quy định trong Hiệp ước Versailles. Moskva cho
Đức sản xuất và thử nghiệm vũ khí trên lãnh thổ của mình, còn Đức thì mời các
sĩ quan Hồng quân theo học các khoá của Bộ tổng tham mưu, trong đó có cả chiến
lược và chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh. (Liên Xô cũng hợp tác với nước Italy
phát xít trong lĩnh vực hải quân).
Vì có ý đồ như thế cho nên trong những năm 1932-1933 Stalin đã cấm những người cộng sản Đức hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử quốc hội và bằng cách đó đã giúp Hitler giành được quyền lực (xem chương 4). Đảng Dân chủ Xã hội Đức lúc đó theo đường lối thân phương Tây. Stalin lại nghĩ rằng mặc dù Quốc xã là kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, nhưng chúng sẽ tấn công các nước dân chủ phương Tây trước và để cho Liên Xô được yên. Đấy chính là căn cứ để ông ta kí với Berlin, tháng 8 năm 1939, hiệp ước bất tương xâm, kèm theo biên bản bí mật về việc chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô. Rõ ràng là, ông ta cho rằng sẽ diễn ra cuộc chiến tranh hao người tốn của như thời kì 1914-1918, kết quả là cả hai phía “tư bản” tham chiến đều kiệt sức và Liên Xô sẽ dễ dàng chiếm được châu Âu. Sau khi đã tiến hành phân chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô, Molotov, một người thân cận với Stalin, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao vừa kí xong hiệp định bất tương xâm đã vội vã lên án Anh và Pháp vì hai nước này gây chiến với Đức. Molotov tuyên bố: “Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Hitler, tương tự như mọi hệ tư tưởng khác, có thể được chấp nhận hay bác bỏ: đây là vấn đề chính trị”. Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều được chi đạo phải coi Pháp và Anh là thế lực xâm lược và phản động. Chính sách này hoá ra là một sai lầm lớn.
Vì có ý đồ như thế cho nên trong những năm 1932-1933 Stalin đã cấm những người cộng sản Đức hợp tác với Đảng Dân chủ Xã hội trong cuộc bầu cử quốc hội và bằng cách đó đã giúp Hitler giành được quyền lực (xem chương 4). Đảng Dân chủ Xã hội Đức lúc đó theo đường lối thân phương Tây. Stalin lại nghĩ rằng mặc dù Quốc xã là kẻ thù không đội trời chung của cộng sản, nhưng chúng sẽ tấn công các nước dân chủ phương Tây trước và để cho Liên Xô được yên. Đấy chính là căn cứ để ông ta kí với Berlin, tháng 8 năm 1939, hiệp ước bất tương xâm, kèm theo biên bản bí mật về việc chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô. Rõ ràng là, ông ta cho rằng sẽ diễn ra cuộc chiến tranh hao người tốn của như thời kì 1914-1918, kết quả là cả hai phía “tư bản” tham chiến đều kiệt sức và Liên Xô sẽ dễ dàng chiếm được châu Âu. Sau khi đã tiến hành phân chia Ba Lan giữa Đức và Liên Xô, Molotov, một người thân cận với Stalin, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao vừa kí xong hiệp định bất tương xâm đã vội vã lên án Anh và Pháp vì hai nước này gây chiến với Đức. Molotov tuyên bố: “Hệ tư tưởng của chủ nghĩa Hitler, tương tự như mọi hệ tư tưởng khác, có thể được chấp nhận hay bác bỏ: đây là vấn đề chính trị”. Tất cả các đảng cộng sản trên thế giới đều được chi đạo phải coi Pháp và Anh là thế lực xâm lược và phản động. Chính sách này hoá ra là một sai lầm lớn.
Năm 1940, khi quân đội của Hitler đã
đánh tan các lực lượng đồng minh ở Pháp và chiếm đóng phần lớn lãnh thổ châu
Âu, Stalin trở thành đồng minh thực sự của nước Đức Quốc xã, ông ta cung cấp
cho nước này lương thực, thực phẩm, sắt thép và các vật tư chiến lược khác. Ông
ta còn giao cho Hitler một số đảng viên cộng sản Đức lưu vong ở Liên Xô. Cho
rằng Hitler sẽ tiếp tục sự hợp tác béo bở đó với Moskva, Stalin đã phớt lờ mọi
lời cảnh báo của phe đồng minh cũng như của cơ quan tình báo của chính ông ta
rằng, quân Đức đã tập trung ở Ba Lan, chuẩn bị tấn công Liên Xô.
Hồng quân, đã mất rất nhiều sĩ quan dày
dạn kinh nghiệm trong các cuộc thanh trừng, lại không được phép chuẩn bị chống
lại cuộc xâm lược của Đức, đã chịu những tổn thất nặng nề về người và phương
tiện ngay trong những tháng chiến tranh đầu tiên, hàng triệu chiến sĩ Hồng quân
bị bắt làm tù binh.
Sau khi trấn tĩnh, Stalin tiếp tục lãnh
đạo công việc phòng thủ. Việc giả vờ làm như đất nước đang chiến đấu vì lý
tưởng cộng sản lập tức bị loại bỏ: người ta viện đến cả tôn giáo và những chiến
công từ thời Sa hoàng để động viên nhân dân chiến đấu vì “Nước Nga Quang Vinh”.
Cuộc kháng chiến, ban đầu tưởng như vô vọng, đã có thêm sức mạnh nhờ vào những
sai lầm chiến lược của Hitler và sự dã man của đội quân xâm lược. Để tránh sai
lầm trong việc đưa quân tiến thẳng vào Moskva của Napoleon, Hitler đưa một tập
đoàn quân lên phía Bắc, tức là về phía Leningrad, còn tập đoàn quân thứ hai thì
tiến xuống phía Nam để chiếm Kiev. Kết quả là, quân đội Đức bắt được rất nhiều
tù binh, nhưng đã để mất một khoảng thời gian phải nói là vô giá vì khi mùa
đông đến, họ mới bắt đầu cho quân tiến về thủ đô, cuộc tấn công suy yếu hẳn.
Ban đầu, nhiều người Nga và người Ukraine chào đón quân Đức, nhưng họ đã nhanh
chóng nhận ra rằng bọn phát xít đến không phải để giải phóng họ khỏi những
người cộng sản mà để thiết lập chế độ nô lệ còn hà khắc hơn. Họ đã chiến đấu
với quân thù vượt trội về vũ khí với lòng quả cảm và kiên cường vô song. Cuối
cùng, cuộc chiến trên mặt trận phía Đông đã bẻ gãy xương sống quân đội Đức và
quyết định kết cục Thế chiến II. Giá phải trả là cực kì to lớn. Các cấp chỉ huy
Hồng quân ném binh sĩ một cách không thương tiếc vào những trận đánh, không cần
biết có bao nhiêu người sẽ hy sinh. Các trận đánh lớn thường có hàng trăm ngàn
người chết. Trong những trận đánh bảo vệ Kiev vào mùa hè năm 1941 có 616.000
chiến sĩ hy sinh, cuộc tấn công Donbass hai năm sau đó lại thêm 661.000 chiến
sĩ nữa hy sinh. Theo tính toán của các chuyên gia nước ngoài, Liên Xô đã mất
tổng cộng 20 triệu người, trong đó, 8,7 triệu người hy sinh trong các trận đánh[5].
Thiệt hại về binh lực lớn gấp ba lần thiệt hại của Đức trên mặt trận phía Đông
(2,6 triệu người). Khoảng 5 triệu quân nhân Liên Xô bị bắt làm tù binh, trong
đó từ 1,6 đến 3,6 triệu người bị chết vì đói, vì bị bắn hay chết trong các lò
hơi ngạt.
Các vùng lãnh thổ chiếm được chính là
chiến lợi phẩm của Stalin. Quân đội Liên Xô đã chiếm đóng gần như tất cả các
nước Trung và Đông Âu, với dân số khoảng 90 triệu người, lớn hơn Pháp và Tây
Đức cộng lại, và thiết lập ở đó các chế độ cộng sản. Nam Tư và Albania cũng trở
thành cộng sản.
Một điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa,
đấy là việc những người cộng sản Trung Quốc, những người mà Moskva có tình cảm
lẫn lộn, vừa yêu vừa ghét trong suốt 25 năm trước đó, đã giành chiến thắng
trong cuộc nội chiến với quân Quốc dân Đảng được Mỹ ủng hộ và thiết lập quyền
kiểm soát trên toàn bộ Hoa lục vào năm 1949. Việc truyền bá chủ nghĩa cộng sản
sang phần còn lại của thế giới tưởng như chỉ còn là vấn đề thời gian.
Trong toàn bộ lịch sử Liên Xô, Thế chiến
II là sự kiện duy nhất có tác dụng cố kết nhân dân với nhà nước: “Sau khi bị
Đức tấn công vào tháng 6 năm 1941, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Xô các
tuyên bố chính thức phù hợp với sự thật: Đức là đội quân xâm lược tàn bạo và
nhân dân phải chiến đấu cho sự sống còn của chính mình”[6].
Chiến tranh đã tạo cho chế độ cộng sản tính chính danh của người bảo vệ nhân
dân mà trước đó nó không có. Nhưng niềm hy vọng được mọi người lúc đó chia sẻ
là nhờ sự đoàn kết như thế mà Stalin sẽ nới tay và cho nhân dân nhiều quyền tự
do hơn đã không trở thành sự thật. Trong những năm cuối đời, ông ta cũng không
hề nới lỏng quyền kiểm soát trong bất cứ lĩnh vực nào.
_________________
Cái chết của Stalin đặt những người kế
vị ông ta vào hoàn cảnh khó khăn. Họ nhận thức được rằng dứt khoát phải đoạn
tuyệt với nhà độc tài điên rồ và chính sách tự sát của ông ta, nhưng đồng thời
họ lại cần bảo vệ cái hệ thống mà ông ta đã lãnh đạo trong gần ba mươi năm qua
vì nó đã tạo cho họ đặc quyền đặc lợi. Họ giải quyết vấn đề bằng cách gắn chủ
nghĩa cộng sản với tên tuổi của Lenin. Năm 1956, trong một Báo cáo mật đọc tại
Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, đại hội đầu tiên sau khi Stalin chết, Nikita
Khrushchev, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã tố cáo một số tội
ác của Stalin đối với tầng lớp nomenclatura
cộng sản. Stalin lập tức trở thành kẻ vô danh: Xác ông ta, vốn nằm bên cạnh
Lenin, bị đưa ra khỏi lăng, Stalingrad được đổi tên thành Volgograd, các bức
ảnh, các bức tượng của ông ta nhanh chóng biến mất, các thành phố mang tên ông
ta cũng được thay tên ngay lập tức. Tất cả đều chứng tỏ rằng ba mươi năm cầm
quyền của Stalin là một sai lầm khủng khiếp, mặc dù chẳng có ai làm cái việc
giải thích “sai lầm” ấy. Vì rằng chỉ có hai cách giải thích, mà cả hai đều
không được chế độ chấp nhận: hoặc lý thuyết duy vật của Marx sai, lịch sử cuối
cùng vẫn là do chính trị và các chính khách quyết định, hoặc là Liên Xô không
phải là nhà nước được xây dựng theo những nguyên lý của chủ nghĩa Marx.
Chiến dịch chống Stalin là một bước đi
dũng cảm và có thể là cần thiết, nhưng nó cũng làm cho cái chế độ từng thực
hiện những vụ giết người hàng loạt mất tính chính danh: việc tố cáo của
Khrushchev đã đặt cơ sở cho quá trình, tuy chậm chạp nhưng liên tục, loại bỏ
dần những lời biện hộ cho chủ nghĩa cộng sản.
Để tạo ra đối trọng với quá trình phi
Stalin hoá và thổi vào chế độ luồng sinh khí mới, Khrushchev bắt đầu tiến hành
việc thần thánh hoá Lenin, quá trình này vẫn còn sống ngay cả sau khi Liên Xô
đã tan rã. Năm 1999, khi được đề nghị nêu tên mười người vĩ đại nhất trong lịch
sử thế giới, người Nga đã đặt Peter I vào vị trí đầu tiên, Lenin ở vị trí thứ
ba, sau Pushkin. (Mặc cho những cố gắng của Khrushchev, Stalin vẫn giữ vị trí
thứ tư.)
Thoát được sự khủng bố của Stalin, nomenclatura lập tức tìm cho mình các
nguồn lợi vật chất mà nó cho là xứng đáng với địa vị và trách nhiệm nặng nề của
mình. Nó cũng nhanh chóng thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan lãnh đạo của
Đảng.
Khrushchev phần nào nới lỏng chế độ của
nhà độc tài quá cố, nhưng vẫn không thay đổi các thiết chế hay các đạo luật nền
tảng của nó: chế độ lãnh đạo độc đảng vẫn còn, bộ máy công an mật và kiểm duyệt
vẫn hiện diện khắp nơi. Hàng triệu tù nhân được tha. Nhiều nạn nhân của các vụ
đàn áp được phục hồi, số phận của họ dĩ nhiên là không thể thay đổi được, nhưng
thân nhân của họ thì rõ ràng là dễ chịu hơn. Những mối liên hệ hạn chế với nước
ngoài lại được chấp nhận. Số người nước ngoài được vào Liên Xô cũng như số
người Liên Xô ra nước ngoài cũng gia tăng. Việc ngăn chặn sóng phát thanh của
các đài nước ngoài vẫn còn tiếp tục, tuy không còn kĩ càng như trước, người
Liên Xô đã có điều kiện nhận được các thông tin thực tế hơn về đời sống ở trong
cũng như ngoài nước.
Kết quả là người ta đã nhận ra vấn đề.
Trong những năm 1970, Mikhail Gorbachev, lúc đó đã giữ các chức vụ cao trong bộ
máy quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có dịp thăm Italy, Pháp, Bỉ và Tây
Đức. Ông ta vô cùng kinh ngạc, không chỉ vì mức sống rất cao của người dân
phương Tây, mà chủ yếu là vì nền văn hoá của xã hội công dân của những nước đó.
Đây là điều đã làm lay chuyển “niềm tin vào tính ưu việt của nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa trước hệ thống tư bản”: “Chúng tôi kinh ngạc vì sợ cởi mở và thanh
thản của những người mà chúng tôi gặp”, ông ta viết trong hồi kí như thế,
“chúng tôi ngạc nhiên khi thấy họ thảo luận một cách tự do về tất cả mọi vấn đề,
kể cả hoạt động của chính phủ, lẫn các chính khách tầm khu vực cũng như quốc
gia”. Chuyến thăm Mỹ, năm 1989, cũng gây ấn tượng tương tự như thế đối với
Boris Yeltsin, đối thủ tương lai của Gorbachev và Tổng thống dân cử đầu tiên
của nước Nga độc lập. Chuyến thăm là “một loạt những sự đổ vỡ” các quan niệm cổ
lỗ, sáo mòn. Khi thăm siêu thị ở Houston ông ta đã phải thốt lên: “Chúng còn
lừa đồng bào tôi đến bao giờ nữa!”. Người đồng hành với Yeltsin nghĩ rằng những
điều mắt thấy tai nghe đã đập tan niềm tin cộng sản còn sót lại của ông ta.
Stalin đã nói đúng: Hệ thống này chỉ có thể tồn tại trong điều kiện cách ly
hoàn toàn dân chúng, kể cả các cán bộ cấp cao, với phần còn lại của thế giới.
Trong lĩnh vực đối ngoại, những người
kế nhiệm Stalin đã đánh giá lại và vứt bỏ chiến lược đối đầu, họ kết luận rằng,
dù sao thì chủ nghĩa tư bản cũng không đứng bên bờ vực phá sản: Bộ Chính trị đã
chấp nhận luận điểm mà E. Bernstein đưa ra cách đó 60 năm. Luận điểm này nói
rằng chủ nghĩa xã hội thành công không phải bằng con đường cách mạng, không
phải bằng chiến tranh mà bằng các biện pháp hoà bình. “Cùng tồn tại hoà bình”
trở thành khẩu hiệu của giai đoạn đó. Các đảng cộng sản nước ngoài nhận được
chỉ thị phải liên kết không chỉ với giai cấp tư sản dân tộc của Thế giới Thứ ba,
mà còn phải liên kết với cả các đảng xã hội chủ nghĩa mà Lenin từng coi là kẻ
thù không đội trời chung của chủ nghĩa cộng sản.
Đồng thời, chế độ hậu Stalin tập trung
giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược: tăng cường lực lượng vũ trang và thâm nhập
vào Thế giới Thứ ba.
Mặc dù vẫn có một đội quân hùng hậu,
ban lãnh đạo mới kết luận rằng tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân sẽ đóng vai
trò quyết định trong cuộc chiến tranh tương lai. Họ buộc phải đi đến kết luận
như thế, một phần là do nhu cầu cắt giảm ngân sách quân sự mà phần lớn là chi
tiêu cho các lực lượng vũ trang thông thường. Người ta cũng đã thiết lập được
cơ sở lý luận cho quan điểm này. Trong khi phương Tây cho rằng vũ khí nguyên tử
chỉ nhằm mục đích duy nhất là ngăn chặn thì Moskva lại dành tất cả nỗ lực cho
việc chế tạo các loại tên lửa xuyên lục địa. Việc phóng thành công vệ tinh nhân
tạo đầu tiên vào năm 1957 chứng tỏ sự tiến bộ của Liên Xô trong lĩnh vực công
nghệ vũ trụ và là mối đe doạ đối với lãnh thổ Mỹ. Trong suốt ba mươi năm sau,
chính phủ Liên Xô đã chi cho ngân sách quốc phòng một số tiền khổng lồ, theo
các tính toán gần đây thì ngân sách quốc phòng chiếm khoảng 25 đến 30 mà cũng
có thể đến 40% thu nhập quốc dân. Sức mạnh quân sự, đặc biệt là vũ khí hạt nhân
và các chương trình vũ trụ đã đưa Liên Xô lên vị trí “siêu cường”. Nhưng đấy là
vị trí giả tạo vì nó chỉ dựa trên khả năng đe doạ các nước khác bằng kho vũ khí
hạt nhân của mình, việc sử dụng kho vũ khí đó có thể dẫn đến việc xoá sổ ngay
chính Liên Xô; hơn nữa, chính sách đó đã làm cho nền kinh tế quốc gia kiệt quệ
và đấy cũng là nguyên nhân đưa chế độ đến chỗ sụp đổ hoàn toàn.
Chính sách thâm nhập vào Thế giới Thứ ba có mục đích bao vây và tấn công các nước thuộc địa cũ, mà phương Tây vẫn có các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ. Nhưng đồng thời nó cũng góp phần nâng cao tinh thần của người dân: việc xuất hiện các chế độ cộng sản và thân cộng mà hạt nhân là Liên Xô lại tạo ra ảo tưởng mới rằng không ai có thể ngăn chặn được bước tiến của chủ nghĩa cộng sản. Hậu quả là mọi sự chống đối chế độ từ bên trong đều dường như là việc làm vô ích. Nhưng họ đã phải trả giá quá đắt vì ủng hộ các nước thuộc Thế giới Thứ ba đòi hỏi phải chi một số tiền rất lớn dưới dạng viện trợ và cho vay mà chẳng thể có hy vọng được hoàn trả. Những khoản đầu tư này còn rất đáng ngờ, như chúng ta sẽ thấy sau đây: các đồng minh mua chuộc được bằng cách đó vốn là những kẻ rất không đáng tin.
________________
Năm 1964 Khrushchev bị lật đổ: theo lời
con trai ông ta thì những hoạt động không ngừng nghỉ của ông đã làm giới ăn
trên ngồi trốc nắm quyền mệt mỏi, họ thích “ổn định và thanh bình” hơn. Leonid
Brezhnev lên thay, ông ta nắm giữ chức Tổng Bí thư suốt mười tám năm, mặc dù,
những năm cuối đời ai cũng thấy đấy là một người mắc bệnh lão suy: bộ máy tiếp
tục hoạt động một cách trục trặc.
Khrushchev tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc
Chế độ Xô Viết ngày càng suy đồi. Kinh
tế trì trệ, khoảng cách với các nước công nghiệp ngày càng gia tăng. Nỗi sợ hãi
bị trừng phạt biến mất, người công nhân không còn nhiệt tình lao động nữa; tinh
thần lao động thể hiện rõ trong câu chuyện như tiếu lâm sau đây: “Người ta giả
vờ trả lương cho chúng tôi, còn chúng tôi thì giả vờ làm việc cho họ”. Những
người tích cực lao động bị bạn bè coi là bọn khiêu khích và bị đánh đập thậm
tệ. Ủy ban kế hoạch nhà nước tiếp tục làm những việc mà họ vẫn thường làm: tạo
ra những sản phẩm quen thuộc, bỏ qua một bên các tiến bộ công nghệ, trong đó có
nhựa, sợi tổng hợp và nhất là máy tính. Việc duy trì sự kiểm soát chặt chẽ
thông tin đã dẫn đến hậu quả là Liên Xô đã đứng bên ngoài quá trình phát triển
công nghệ thông tin, mà chính công nghệ này đã tạo ra một cuộc cách mạng mới
trong các nền kinh tế phương Tây. Mặc dù đời sống của các công dân bình thường
đã được nâng lên so với thời Stalin, nhưng vẫn thấp hơn mức tối thiểu do chính
phủ quy định: cuối những năm 1980 gần một nửa dân chúng Liên Xô có thu nhập
dưới mười USD một tháng. Nghiện rượu trở thành hiên tượng phổ biến: lượng rượu
tiêu thụ trên đầu người cũng như số người chết vì rượu ở Liên Xô cao nhất thế
giới. Tỉ lệ giữa sinh suất và tử suất ở Nga (và cả ở Ukraine) ngày càng giảm
đi, đây là chỉ số rõ ràng nhất về sự suy giảm sức sống của nhân dân ở đất nước
mà dưới thời Sa hoàng từng tự hào là nước có tỉ lệ tăng dân số cao nhất châu
Âu.
Tham nhũng lan tràn khắp nơi: phải đút
lót cho những người làm nhiệm vụ phân phối thì mới mong nhận được hàng hoá hay
dịch vụ. Muốn leo lên cao thì phải có nhiều tiền. Các số liệu hiện có về nước
Cộng hoà Azerbaijan cho thấy ở đây mọi chức vụ, kể cả chức vụ Đảng, đều có giá
xác định, cao nhất là các chức vụ dễ dàng nhận hối lộ và ăn cắp tài sản xã hội.
Người Nga đã quen với tệ hối lộ đến nỗi họ sẵn sàng đút lót ngay cả khi không
thực sự tin vào hiệu quả của món tiền họ đưa. Ví dụ:
Người
ta kể rằng, một thời tại một cái chợ nọ ở Moskva có một lão già tàn tật ngồi
bán đủ thứ tạp nham. Chỉ cần trả một ít tiền là ông ta sẵn sàng nhận sắp xếp
cho một chỗ trong trường đại học. Với khả năng mở tất cả cánh cửa các trường
đại học một cách thần kì như thế dĩ nhiên là lão già này có thu nhập rất cao,
đấy là tiền mà các phụ huynh giầu có sẵn sàng chi cho những cậu ấm, cô chiêu
của mình. Lão già là người tuân thủ tuyệt đối đạo đức kinh doanh và luôn nói rằng
ông ta không phải là người toàn năng, ông ta sẽ làm tất cả mọi việc trong khả
năng của mình nhưng không phải lúc nào cũng thành công và còn hứa sẽ hoàn lại
tiền nếu con cái khách hàng không vào được đại học. Trên thực tế các phụ huynh
bao giờ cũng được nhận lại tiền nếu ông ta thất bại. Nhưng thành công cũng
nhiều và lượng khách hàng sẵn sàng trả tiền ngày một tăng thêm.
Ông
ta đã làm gì? Chẳng làm gì hết! Ông ta chẳng tìm ai, cũng chẳng nói chuyện với
ai, ông ta không có mối liên hệ với bất kì khoa nào hay ban giám hiệu nào.
Nhưng ông ta đã tính đúng rằng, thứ nhất, những ông bố bà mẹ mong cho con được
ngồi vào ghế giảng đường đại học chắc chắn không nhờ vả có một mình ông ta, họ
sẽ tìm những kênh khác nữa, cao hơn. Chỉ cần một trong những đòn bẩy ấy hoạt
động là thành công rồi, cụ thể cái nào thì ông ta không cần biết. Thứ hai, có
khả năng là chàng trai hay cô gái kia do áp lực của cha mẹ mà chăm học, chuẩn
bị kĩ cho kì thi và vượt qua được trở ngại. Còn nếu vạn nhất mà thất bại thì
trả tiền lại cho khổ chủ là xong[7].
Ăn cắp tài sản nhà nước đã không còn là
việc phải áy náy lương tâm nữa. Một câu nói đùa đã trở thành thông dụng: “Nếu
không ăn cắp của nhà nước thì anh phải ăn cắp của gia đình mình đấy”. Cách suy
nghĩ như thế đã đưa cả nước đến tình trạng tha hoá.
Sự suy nhược như thế đã tạo điều kiện
cho những người dũng cảm thách thức chế độ, đấy chính là hiện tượng Bất đồng
chính kiến. Những người bất đồng chính kiến dĩ nhiên là bị đàn áp như các thế
hệ trước đây từng bị, nhưng người đứng đầu ngành an ninh dưới thời Brezhnev là Iurii
Andropov còn phát minh ra một biện pháp mới là cho vào nhà thương điên, ở đây
những người bất đồng chính kiến không chỉ bị tra tấn mà còn bị tiêm các loại
thuốc để làm cho thành người điên thực sự. Người ta đã tính được rằng, cuối
những năm 1980, KGB có tổng cộng 480.000 nhân viên, trong đó khoảng 250.000
người và hàng chục triệu chỉ điểm viên chuyên làm công tác phản gián và theo
dõi chính công dân nước mình[8].
Nhưng phong trào chống đối tiếp tục phát triển và mặc dù không đông, họ vẫn
tiếp tục làm cho nhà nước ngày càng mất uy tín thêm.
Những hiện tượng tương tự như thế cũng
diễn ra trong các nước Đông Âu. Năm 1956, khi người Hungary đứng lên khởi nghĩa
để đòi độc lập, Moskva đã mang quân đàn áp. Họ cũng làm như thế khi những người
cộng sản Tiệp Khắc định thực hiện quá trình dân chủ hoá chủ nghĩa xã hội. Nhưng,
trong những năm 1970, khi ở Ba Lan hình thành phong trào Đoàn kết, một phong
trào thách thức ngay sự tồn tại của chế độ cộng sản thì Moskva đã không còn can
thiệp nữa. Lo sợ rằng Đoàn kết sẽ có ảnh hưởng đối với công nhân Liên Xô,
Moskva yêu cầu cộng sản Ba Lan phải tự dẹp bỏ phong trào này. Sau nhiều lần trì
hoãn, tháng 12 năm 1981, chính phủ Ba Lan hạ lệnh thiết quân luật và bắt giam
hầu hết các lãnh tụ của phong trào.
Giữa những năm 1980, Liên Xô phải đối
mặt với một cuộc khủng hoảng, khủng hoảng thật sự chứ không phải cố tình dựng
lên để biện hộ cho chế độ chuyên chế. Nó là hậu quả của một căn bệnh tương tự
như bệnh teo cơ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là lần đầu
tiên chế độ cộng sản vấp phải vấn đề mà họ không thể giải quyết được bằng bạo
lực. Cần phải có những cải cách sâu rộng, nói cách khác: họ buộc phải lùi.
Việc giải quyết cứ bị trì hoãn vì các
Tổng Bí thư được bầu là những kẻ già nua, ốm yếu, không dám làm con thuyền
chòng chành thêm. Nhưng đến năm 1985 thì không thể nào trì hoãn thêm được nữa.
Khối cộng sản đã rơi vào, theo định nghĩa của Lenin, “hoàn cảnh cách mạng”:
Chính phủ các nước trong khối không thể cai trị như cũ được nữa, mà nhân dân
cũng không chấp nhận cách cai trị như thế nữa. Bế tắc. Để thoát khỏi mối nguy
hiểm đó, năm 1985 Bộ Chính trị đã bầu một người còn tương đối trẻ là Mikhail
Gorbachev lên làm Tổng bí thư. Ông ta có nhiệm vụ phục hồi hệ thống nhưng không
được động tới nền tảng của nó. Đây là nhiệm vụ bất khả thi vì tất cả các cố
gắng cải cách đều vấp phải sự chống đối của tầng lớp nomenclatura đã ăn sâu, bến rễ bên trong. Đến năm 1988, Gorbachev
và các cộng sự của ông mới nhận ra rằng cộng sản là chế độ không thể cải cách
được và họ bắt đầu tiến hành việc cải tạo Liên Xô thành nhà nước xã hội chủ
nghĩa dân chủ.
Đầu tiên là công khai (glasnost), nghĩa là chấm dứt việc coi
tất cả mọi thứ đều là bí mật quốc gia và nới lỏng kiểm duyệt. Chính quyền đứng
trước nan đề: tiếp tục bịt miệng dư luận xã hội và như thế là bóp cổ đất nước
một cách từ từ hay để cho người ta được quyền tự do phát biểu ý kiến, việc này
có thể dẫn đến những vụ bùng nổ đầy tính chất phá hoại. Gorbachev lựa chọn biện
pháp bùng nổ có kiểm soát, ông ta hy vọng thế. Nhưng hoá ra đây lại là bước đi
cực kì nguy hiểm. Andropov, người kế nhiệm Brezhnev và trước đó đã lãnh đạo KGB
trong nhiều năm, từng cảnh báo rằng việc nới lỏng kiểm soát dư luận xã hội có
thể đưa toàn bộ xã hội đến chỗ diệt vong:
Ở nước ta có rất nhiều nhóm (dân chúng) bị áp bức…
Nếu chúng ta mở ngay tất cả các van chặn và dân chúng bắt đầu nói về những nỗi
khổ đau của mình thì sẽ có một cuộc đại hồng thuỷ mà ta không thể nào ngăn chặn
nổi[9].
Khổ đau tích tụ trong nhiều năm quả
nhiên đã bùng lên, nhấn chìm mọi huyền thoại của bộ máy tuyên truyền chính thức
và cả cái xã hội siêu thực vẫn sống bám vào các huyền thoại đó.
Gorbachev không chỉ dừng lại ở glasnost, ông ta còn cho triệu tập Đại hội Đại biểu Nhân dân, trong đó có một số đại biểu được bầu trực tiếp và bằng cách đó đã chấm dứt sự độc quyền của Đảng Cộng sản. Kể từ năm 1917, đây là lần đầu tiên người ta có quyền bầu những người lãnh đạo. Nhiều người không phải đảng viên, thậm chí chống cộng đã được bầu, trong đó có Boris Yeltsin, một người cộng sản phi chính thống lúc đó đang giữ chức bí thư đảng uỷ thành phố Moskva, người đã giành được tín nhiệm thông qua cuộc đấu tranh chống đặc quyền đặc lợi của tầng lớp nomenclatura. Sau đó, các sự kiện diễn ra nhanh đến chóng mặt. Năm 1989, Bức tường Berlin, biểu tượng của sự chia rẽ tưởng như không bao giờ vượt qua được giữa Đông và Tây, sụp đổ vì Moskva từ chối đưa quân giúp đỡ chính phủ Đông Đức. Các nước chư hầu lần lượt tuyên bố độc lập với Moskva. Mọi cố gắng nhằm giữ các nước cộng hoà trong liên bang cũng đều trở thành vô ích. Tháng 12 năm 1991, sau cuộc nổi loạn bất thành của những người cộng sản cứng rắn nhằm ngăn chặn sự tan rã Liên Xô, Yeltsin, trước đó được bầu làm Tổng thống Nga, tuyên bố Nga là nước cộng hoà độc lập. Việc tan rã Liên Xô trở thành sự kiện đã rồi. Một trong những nghị định đầu tiên của Yeltsin là đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Chính phủ mới cho áp dụng chế độ dân chủ và thị trường tự do. Tầng lớp nomenclatura, tức là những kẻ có thể đảo ngược được tiến trình lịch sử, đã bị mua chuộc bằng cách tạo cho họ điều kiện chiếm đoạt phần lớn số tài sản nhà nước mà họ quản lý.
Gorbachev không chỉ dừng lại ở glasnost, ông ta còn cho triệu tập Đại hội Đại biểu Nhân dân, trong đó có một số đại biểu được bầu trực tiếp và bằng cách đó đã chấm dứt sự độc quyền của Đảng Cộng sản. Kể từ năm 1917, đây là lần đầu tiên người ta có quyền bầu những người lãnh đạo. Nhiều người không phải đảng viên, thậm chí chống cộng đã được bầu, trong đó có Boris Yeltsin, một người cộng sản phi chính thống lúc đó đang giữ chức bí thư đảng uỷ thành phố Moskva, người đã giành được tín nhiệm thông qua cuộc đấu tranh chống đặc quyền đặc lợi của tầng lớp nomenclatura. Sau đó, các sự kiện diễn ra nhanh đến chóng mặt. Năm 1989, Bức tường Berlin, biểu tượng của sự chia rẽ tưởng như không bao giờ vượt qua được giữa Đông và Tây, sụp đổ vì Moskva từ chối đưa quân giúp đỡ chính phủ Đông Đức. Các nước chư hầu lần lượt tuyên bố độc lập với Moskva. Mọi cố gắng nhằm giữ các nước cộng hoà trong liên bang cũng đều trở thành vô ích. Tháng 12 năm 1991, sau cuộc nổi loạn bất thành của những người cộng sản cứng rắn nhằm ngăn chặn sự tan rã Liên Xô, Yeltsin, trước đó được bầu làm Tổng thống Nga, tuyên bố Nga là nước cộng hoà độc lập. Việc tan rã Liên Xô trở thành sự kiện đã rồi. Một trong những nghị định đầu tiên của Yeltsin là đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật. Chính phủ mới cho áp dụng chế độ dân chủ và thị trường tự do. Tầng lớp nomenclatura, tức là những kẻ có thể đảo ngược được tiến trình lịch sử, đã bị mua chuộc bằng cách tạo cho họ điều kiện chiếm đoạt phần lớn số tài sản nhà nước mà họ quản lý.
Các sự kiện diễn ra với tốc độ chóng mặt như thế chứng tỏ sự yếu kém của cái đế chế mà có thời đã tưởng là không thể nào suy suyển được, sự tan rã của nó làm người ta nhớ lại sự cáo chung của vương quốc trước đó ba phần tư thế kỷ. Trong cả hai trường hợp, sự cứng rắn của chế độ và không có những mối liên kết chặt chẽ với quần chúng đã đưa các chế độ đó vào hoàn cảnh tứ cố vô thân trong những giờ phút nguy nan.
Chủ nghĩa cộng sản ở Nga là một thể chế
đã lỗi thời. Nó đòi hỏi người ta quá nhiều trong khi lại cho người ta quá ít,
trong khi chỉ cho quần chúng những niềm vui nho nhỏ thì nó lại tước đi của
người ta tất cả mọi hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Đến
khoảng những năm 1980, ngay cả tầng lớp ăn trên ngồi trốc Xô Viết cũng đã không
còn tin vào lý tưởng cộng sản nữa, họ đã nhận ra rằng phần còn lại của thế giới
xung quanh đã vượt qua họ về mọi phương diện, trừ chi phí quốc phòng và nhu cầu
về rượu. Mất niềm tin, tầng lớp chóp bu đã phản ứng một cách yếu ớt và trong
khi giang tay thu vén cho mình phần lớn tài sản quốc gia, họ bình thản chấp
nhận sự sụp đổ của chế độ.
[2] Henry Picker, ed., Hitlers
Tischgespräche im Führerhauptquartier, 1941-1942 (Bonn, 1951), trang 133
[3] Sto sorok bessed s Molotovym iz dnevnika F. Chueva (Một trăm bốn mươi câu chuyện với Molotov: Nhật
kí F. Truev), Moskva, 1991, trang 184
[5] John Erickson and
David Dilks, eds., Barbarossa: The Axis and the Allies (Barbarossa: Phe Trục và phe Đồng minh),
Edinburgh, 1994, trang 261
[7]Andrej
Sinjawskij, Der Traum vom neuen Menschen oder die Sowjetzivilisation (Frankfurt,
1989), 262-263
[8] Robert
W. Pringle in International Journal of Intelligence and
Counterintelligence (Tạp chí quốc tế vế tình báo và phản gián), Summer
2000, trang 195
[9]Markus
Wolf, The Man without a Face (Người không mặt), London, 1997, trang 218-19
No comments:
Post a Comment