Richard
Pipes
Phạm Nguyên Trường dịch
I.
Stalin và hậu Stalin (1)
Lenin bị nhồi máu vào tháng 5 năm 1922, sức khoẻ của ông sa sút nghiêm trọng từ đấy. Mặc dông được một nhóm bác sĩ người Đức chạy chữa, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện và ông đã phải giao bớt trách nhiệm cho người khác. Những ngày cuối đời ông bị ám ảnh bởi cảm giác thất bại: ông giận các chiến hữu và hơn nữa, còn giận cả nhân dân Nga vì họ tỏ ra không xứng đáng với vai trò vĩ đại mà lịch sử đã trao cho họ.
Với
tâm trạng như thế, ông ta cố gắng tìm cho bằng được kẻ thù, tức là những kẻ cố
tình phá hoại các dự định của ông. Ông ta coi tầng lớp trí thức là một trong
những kẻ thù như thế, dù không có các hoạt động phá hoại, nhưng tầng lớp trí
thức Nga đã dứt khoát bác bỏ chế độ chuyên chính của ông ta. Tháng 7 năm 1922,
ông ta giao cho Stalin nhiệm vụ “kiên quyết đào tận gốc, trốc tận rễ tất cả bọn
C[mạng] X[hội]… Tống khứ tất cả bọn chúng khỏi nước Nga… Bắt vài trăm tên và
không cần nói lý do – xin mời các ngài cút đi!”. Theo lệnh của ông ta, cảnh sát
đã bắt hàng trăm nhà kinh tế học, triết học và các nhà khoa học vốn là đảng
viên Menshevik, đảng Xã Hội Cách Mạng và các đảng tự do khác rồi, đưa họ lên tàu
và buộc phải lưu vong sang Tây Âu.
Sau
đó đến lượt nhà thờ Chính thống giáo. Mùa xuân năm 1922, khi nước Nga Xô Viết
đang bị nạn đói hoành hành thì cũng là lúc Lenin quyết định rằng ông ta có thể
đạt được hai mục đích cùng một lúc: dựa vào danh nghĩa cứu đói sẽ tiến hành
tịch thu tài sản của nhà thờ và nếu giới tăng lữ có hành động phản kháng thì sẽ
cho nhân dân thấy rõ sự nhẫn tâm của họ. Trong một bản ghi nhớ gửi Bộ Chính
trị, Lenin viết:
Lúc
này và chỉ lúc này, khi mà tại các tỉnh đang bị đói người ta ăn cả thịt người
và hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn xác người rải đầy đường, chúng ta có
thể (nghĩa là phải) tiến hành tịch thu tài sản của nhà thờ một cách kiên quyết
nhất và thẳng tay nhất… để có một khối lượng tiền dự trữ là mấy trăm triệu rub
vàng[1].
Như
vậy nghĩa là, tài sản tịch thu được không dành để cứu đói mà để phục vụ nhu cầu
của chính phủ.
Tháng
3 năm 1923, Lenin bị một cú nhồi máu rất nặng, ông ta không còn nói được và
mười tháng sau thì chết. Đảng không hề quan tâm đến việc tìm người kế nhiệm. Vì
không phải báo cáo cho các đảng viên, chỉ định là cách duy nhất để bảo đảm tính
kế thừa. Stalin, Tổng Bí thư Đảng choán ngay chân không quyền lực vừa mới hình
thành. Stalin, một người luôn tỏ ra dè dặt ở những nơi công cộng, linh hoạt
trong giao tiếp, không có biểu hiện gì của một kẻ tàn nhẫn và tâm thần, được
khá đông quần chúng đảng viên tín nhiệm. Theo kết quả bầu cử (bỏ phiếu kín),
vào Ban Chấp hành Trung ương thì ông ta (cùng với Bukharin) là người nhận được
nhiều phiếu nhất, chỉ thua Lenin, nhiều hơn hẳn Trotsky, một người nổi tiếng
hơn và vẫn được coi là người sẽ kế tục Lenin.
Ban
đầu, khi Lenin còn đang ốm, Stalin liên kết với Kamenev và Zinoviev, tạo ra một
tam đầu chế nắm quyền lãnh đạo Đảng để chống lại kẻ thù chung của họ là
Trotsky. Bằng cách vu cáo và đe doạ những người ủng hộ Trotsky, tam đầu chế này
đã cách tất cả chức vụ của Trotsky rồi khai trừ ông ta ra khỏi Đảng, sau đó thì
đày đi Trung Á, năm 1929 lại đày ra nước ngoài và năm 1940 Stalin đã ra lệnh
giết hại ông ta. Sau đó, Stalin chĩa mũi dùi vào Kamenev và Zinoviev, khai trừ
cả hai ra khỏi Bộ Chính trị. Vì trung thành với nguyên tắc “Đảng bao giờ cũng
đúng”, các nạn nhân của ông ta không thể tự bảo vệ được mình, không thể phản
bác đuợc các bản án bịa tạc mà người ta cố tình gán cho họ.
Mặc
dù trong khi bị lưu đày, Trotsky luôn mô tả mình như một người được Lenin tín
nhiệm, còn Stalin thì bị Lenin khinh thường, trên thực tế Tổng Bí thư Ban Chấp
hành Trung ương là học trò trung thành và là người kế vị hợp pháp của Lenin.
Trong vòng hai năm sau khi Lenin qua đời, ông ta đã trở thành chủ nhân ông của
Đảng: sau khi củng cố được quyền lực, ông ta sẵn sàng khởi động lại con đường
tiến lên chủ nghĩa cộng sản, vốn bị gián đoạn vào năm 1921 bởi Chính sách Kinh
tế mới (NEP). Ông ta đưa ra ba mục tiêu liên quan mật thiết với nhau: xây dựng
cở sở công nghiệp vững mạnh, tập thể hoá nông nghiệp và làm cho đất nước phải
tuyệt đối vâng lời. Các kế hoạch đầy tham vọng này đã đưa đất nước vừa thoát
khỏi đống đổ nát sau Thế chiến I, cách mạng và nội chiến, lâm vào khủng hoảng.
Nhưng đấy không phải là điều Stalin quan tâm, vì khủng hoảng luôn luôn là những
hoàn cảnh trời cho của mọi chế độ cộng sản.
Chỉ
có khủng hoảng mới cho phép đòi hỏi - và tước đoạt! - của công dân sự phục tùng
tuyệt đối và sự hy sinh. Hệ thống đòi hỏi hy sinh – cho Mục đích, cho Hạnh phúc
của các thế hệ tương lai – và bằng cách đó bắc cây cầu từ thế giới giả định, từ
không tưởng sang thế giới hiện thực[2].
Sau
khi Stalin chết, những người kế nhiệm ông ta cố gắng giữ ổn định, giai đoạn suy
thoái bắt đầu, vì người dân không còn thấy ý nghĩa của những hy sinh mà chế độ
đòi hỏi nữa.
_______________
Chính sách Kinh tế mới bắt đầu bị đình chỉ từ tháng 12 năm 1925, đấy là lúc đại hội Đảng thông qua cương lĩnh đầy tham vọng: Công nghiệp hoá bằng vũ lực. Mà công cuộc công nghiệp hoá này, vì những lý do sẽ được trình bày dưới đây, được hiểu là tập thể hoá nông nghiệp. Vì cả hai mục tiêu này đều có những khó khăn vô cùng to lớn cho nên phải bịt miệng những người bất mãn. Chủ nghĩa Stalin trở thành một lý thuyết nhất quán từ đó và chỉ đứng vững được khi không ai được động đến các cấu phần của nó.
Xin bắt đầu từ công nghiệp hoá: Chủ
nghĩa Marx-Lenin nói rằng chủ nghĩa xã hội phải dựa trên nền tảng công nghiệp,
nhưng vì nền công nghiệp Nga còn rất lạc hậu, phải xây dựng từ con số không,
theo đúng nghĩa đen của từ này. Khi những cố gắng như thế được hoàn thành thì
Liên Xô sẽ có nền kinh tế phát triển ngang tầm thế giới, giai cấp công nhân sẽ
rất hùng hậu, đất nước sẽ đủ sức đối đầu với các nước tư bản thù nghịch. Không
ai nghi ngờ chuyện đó, nhưng tốc độ công nghiệp hoá đã gây ra một số bất đồng
trong lãnh đạo Đảng. Stalin đã bịt miệng những người phản bác ông ta và buộc
đất nước phải chấp nhận kế hoạch phát triển đến chóng mặt, không cần biết đến
những hy sinh mà dân chúng phải chịu đựng.
Còn một lý do nữa, lúc đó người ta gần
như không bao giờ đề cập tới và sau này cũng ít khi nói, đấy là chuẩn bị cho
cuộc thế chiến mới. Tháng 12 năm 1927, Stalin tuyên bố rằng “bọn đế quốc” đang
vũ trang, đang chuẩn bị cho cuộc chiến tranh và can thiệp mới chống Liên Xô. Để
đáp trả mối đe doạ (tưởng tượng) đó, Liên Xô phải có một nền công nghiệp quốc
phòng hùng hậu. Trên thực tế, toàn bộ nền công nghiệp Liên Xô, ngay từ đầu, đã
được xây dựng phù hợp với nhu cầu quốc phòng.
Kế hoạch năm năm lần thứ nhất, thông
qua năm 1929, buộc nền kinh tế phải chịu sự quản lý từ trung ương, đặt trọng
tâm vào việc phát triển hàng hóa tư bản: Sắt thép, than đá, dầu hoả, công
nghiệp chế tạo máy. Ủy ban kế hoạch nhà nước đặt ra những mục tiêu hoàn toàn
phi thực tế, thế mà năm 1931, Stalin còn hạ lệnh thực hiện kế hoạch năm năm
trong vòng có ba năm. Đến năm 1932, các chỉ tiêu sản xuất lại được tăng lên hai
lần. Số lượng công nhân công nghiệp cũng tăng lên tương ứng: từ 3 triệu đã tăng
lên 6,4 triệu người.
Bằng những lời hứa hẹn rằng “xây dựng
xong chủ nghĩa xã hội” thì đời sống sẽ được nâng cao, chính phủ đã động viên
được nhiệt tình lao động. Nhưng đấy là quả cà rốt không dành cho những người
dân thấp cổ bé miệng. Trên thực tế, mức sống ngày một thấp đi, vì tiền đầu tư
cho công nghiệp càng phình ra thì lương công nhân sẽ càng phải teo lại. Năm
1933, đồng lương thực tế của công nhân hạ xuống chỉ còn bằng một phần mười thời
chưa chuyển sang công nghiệp hoá (1926-1927). Alec Nove, một chuyên gia về kinh
tế Liên Xô, cho rằng, “năm 1933 là điểm cực tiểu trên đồ thị đi xuống một cách
đột ngột của mức sống từng được lịch sử biết tới trong thời bình”[3].
Muốn tăng năng suất lao động lên,
Stalin buộc phải quay lại với các phuơng pháp khuyến khích tư bản truyền thống.
Năm 1931, ông ta phê phán quyết liệt nguyên tắc “bình quân”, mà theo lời ông ta
là cực tả, tức là trả lương đồng đều cho công nhân không phụ thuộc vào tay nghề
cũng như đóng góp của người công nhân. Ông ta giải thích rằng làm như thế là
không khuyến khích người ta rèn luyện để nâng cao tay nghề, còn người có tay
nghề thì không được khuyến khích chuyển sang chỗ được trả lương xứng đáng hơn,
cả hai hiện tượng đó đều có ảnh hưởng tiêu cực đối với năng suất lao động. Vì
vậy, bảng lương mới đặt ra khoảng cách rất lớn giữa mức lương của người có tay
nghề thấp nhất và người có tay nghề cao nhất.
Vốn cho phát triển công nghiệp được lấy
từ một số nguồn, kể cả từ máy in tiền, từ thuế kim ngạch, từ xuất khẩu lương
thực, kể cả việc bán các tác phẩm nghệ thuật.
Nhưng vốn này được lấy chủ yếu từ việc
bóp nặn tầng lớp nông dân, trên thực tế, sau bảy mươi năm được giải phóng (ý
nói giải phóng khỏi chế độ nông nô – ND), tầng lớp này lại rơi vào vòng nô lệ.
Quyết định tiến hành “tập thể hoá đồng loạt” được đưa ra vào giữa năm 1929.
Theo lời Stalin, phải dựa vào tích luỹ trong nước để tiến hành công nghiệp hoá.
Nghĩa là nông dân phải cung cấp lương thực, thực phẩm cho giai cấp công nhân
công nghiệp, các thành phố và lực lượng vũ trang theo giá thấp nhất. Nhưng,
trong chiến dịch tuyên truyền tiến hành song song với quá trình tập thể hoá
người ta lại nhấn mạnh đến việc tiêu diệt “bọn bóc lột” để đánh lạc hướng sự
chú ý vì phần lớn nạn nhân của công cuộc tập thể hoá chính là những người nông
dân bình thường.
Tập thể hoá diễn ra theo hai quá trình. Thứ nhất, “xoá bỏ thành phần kulak”, nói cách khác là giết người; thứ hai, tiêu diệt các làng xã nông thôn và sự độc lập còn sót lại của nông dân. Nông dân bị lùa vào các tập thể sản xuất gọi là nông trang, người ta phải làm việc cho nhà nước chứ không còn cho mình nữa. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử, được áp đặt từ trên xuống, nó đã đưa ba phần tư dân số của đất nước vào tình trạng của những người nông nô của bộ máy nhà nước.
Tập thể hoá diễn ra theo hai quá trình. Thứ nhất, “xoá bỏ thành phần kulak”, nói cách khác là giết người; thứ hai, tiêu diệt các làng xã nông thôn và sự độc lập còn sót lại của nông dân. Nông dân bị lùa vào các tập thể sản xuất gọi là nông trang, người ta phải làm việc cho nhà nước chứ không còn cho mình nữa. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử, được áp đặt từ trên xuống, nó đã đưa ba phần tư dân số của đất nước vào tình trạng của những người nông nô của bộ máy nhà nước.
Kulak, tất cả những người nông dân có
của ăn của để và cả những người chống hợp tác hoá đều bị gọi như thế, bị tịch
thu hết tài sản và bị đưa vào các trại cải tạo lao động hoặc bị đầy đi Siberia
cùng với gia đình. Theo các số liệu chính thức, trong những năm 1930-1931, đã
có 1.803.392 người bị trừng phạt theo một trong hai hình thức trên. Người ta
tính ra rằng 30% những người thoát án tử hình cũng đã chết vì đói và rét[4].
Trong số những người thoát chết, có 400.000 người trốn tránh được và sau này đã
tìm cách chạy vào các thành phố hoặc các trung tâm công nghiệp.
“Trung nông” và “bần nông” cũng mất
hết, kể cả công cụ lao động và gia súc, vì người ta thà giết thịt gia súc chứ
không chịu đem nộp cho nông trang, tất cả các tài sản đó đều phải giao cho nông
trang. Các nông trang viên phải làm đủ một số ngày công nhất định trong một
năm, đổi lại, họ được lĩnh một số tiền và một lượng lương thực tối thiểu. Đấy
là cách họ thực hiện nghĩa vụ lương thực do nhà nước giao với giá rẻ mạt, trong
khi nhà nước xuất khẩu bột và lúa mì, thu lợi gấp mấy lần. Người không hoàn
thành chỉ tiêu sẽ bị đói. Những người tuyệt vọng vì đói mà ăn cắp sẽ bị coi là
tội phạm nguy hiểm: Theo nghị định ban hành tháng 8 năm 1932, “ăn cắp hay phá
hoại tài sản xã hội chủ nghĩa (xin đọc là: của Đảng)”, nhiều khi chỉ là vài
bông lúa mì, có thể bị kết án tử hình hoặc hàng chục năm lao động khổ sai.
Trong mười sáu tháng sau đó, đã có tất cả 125.000 nông dân bị kết án theo đạo
luật này, trong đó, 5.400 người bị tử hình[5].
Vì sản phẩm mà người nông dân được nhận từ nông trang chỉ là lúa mì, cho nên từ
năm 1935, chính phủ cho các nông trang viên được canh tác trên những mảnh ruộng
riêng, trung bình một gia đình được một acre (mẫu Anh, 0,4 hecta – ND), họ có
thể trồng hoa quả và rau để tự sử dụng hoặc bán trên các chợ nông trường do nhà
nước quản lý. Họ cũng được nuôi bò và các gia súc khác (trừ ngựa). Những mảnh
ruộng riêng này đã cung cấp một lượng lương thực và thực phẩm đáng kể, vượt xa
tỉ lệ của nó so với số ruộng đất đã tập thể hoá.
Stalin thòi trẻ
Sau khi tập thể hoá, tình cảnh người
nông dân còn khốn cùng hơn cả thời nông nô, từng tồn tại ở Nga cho đến năm
1861, lúc đó, dù là nông nô, nhưng người nông dân vẫn được quyền làm chủ (trên thực
tế) mùa màng và gia súc của mình. Địa vị của họ bây giờ đã bị hạ xuống ngang
hàng với nô lệ, chỉ có những phương tiện tối thiểu để duy trì sự sống của chính
mình: Năm 1935, một gia đình nông trang viên chỉ được cấp 247 rub, đủ mua một
đôi giầy[6].
Stalin thích nói rằng tập thể hoá được
tiến hành trên cơ sở tự nguyện, nhưng trện thực tế, chính phủ đã áp dụng những
biện pháp cưỡng bách cực đoan nhất. Ông ta từng nói với Churchill rằng, công
cuộc hợp tác hoá kéo dài ba năm, nhưng “nặng nề” hơn cả Thế chiến II. Nếu ông
ta còn cảm thấy nặng nề thì số phận các nạn nhân của ông ta còn nặng nề đến mức
nào. Nhằm bẻ gẫy sự chống đối của nông dân ở Ukraine, ở Bắc Caucasus và ở
Kazakhstan, Stalin đã cố tình gây ra nạn đói vào những năm 1932-1933 bằng cách
tịch thu hết lương thực và cho quân đội bao vây để họ không thể đi tìm thức ăn
ở các khu vực khác. Các số liệu cho thấy nạn đói nhân tạo này đã cướp đi sinh
mạng của 6 đến 7 triệu người[7].
Chế độ cũng thi hành những biện pháp cực kì dã man đối với dân Kazakh du mục ở
Trung Á, người ta cho rằng một phần ba sắc dân này đã chết trong quá trình tập
thể hoá[8].
Mục đích trực tiếp của tập thể hoá -
tìm nguồn vốn cho công cuộc công nghiệp hoá – đã thành công, trên thực tế,
lương thực đã bị tịch thu rồi đem phân phối trong các thành phố và các trung
tâm công nghiệp. Nhưng về lâu dài, nó đã gây ra hậu quả rất tai hại: Nó đã phá
vỡ nền nông nghiệp vì đã buộc những người nông dân cần cù chăm chỉ nhất phải đi
lưu đầy và sau đó là tước đoạt đất đai và mùa màng của nông dân tập thể. Trước
cách mạng, Nga là một trong những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới,
từ đây về sau, phải chật vật lắm nước này mới sản xuất đủ lương thực tiêu dùng
trong nước.
____________
Đến năm 1934-1935, khi chế độ tem phiếu
được bãi bỏ, Stalin tuyên bố rằng “cuộc sống trở thành nhẹ nhàng hơn, cuộc sống
trở thành vui vẻ hơn”, thì những khó khăn dường như đã ở phía sau. Nhưng chế độ
cần một cuộc khủng hoảng mới để biện hộ cho chính quyền độc tài. Chế độ cần một
kẻ thù mới. Sau này Fidel Castro, lãnh tụ cộng sản Cuba, đã tuyên bố công khai
điều mà các ông thày người Nga của ông ta cố tình che giấu: “Cách mạng cần có kẻ thù… Để phát triển, cách
mạng cần phản đề, cụ thể là cần có phản cách mạng”[9]. Nếu
không có thì phải bịa ra kẻ thù.
Năm 1934, Sergei Kirov, một người
Bolshevik nổi tiếng, bí thư đảng bộ thành phố Leningrad bị giết một cách bí ẩn,
có những bằng chứng gián tiếp chứng tỏ rằng Stalin là kẻ chủ mưu vụ ám sát.
Kirov là một người Stalinist cứng rắn, trước khi chết không lâu từng ca ngợi
Stalin là “nhà chiến lược vĩ đại trong cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân lao
động nước ta và toàn thế giới”, ông ta rất được lòng quần chúng đảng viên và dĩ
nhiên là Stalin chẳng thích thú gì. Vụ ám sát mang lại cho Stalin hai mối lợi:
thứ nhất, trừ khử được một đối thủ tương lai; thứ hai, có lý do để phát động
một chiến dịch rộng lớn nhằm chống lại những người được mệnh danh là những kẻ
có âm mưu chống chính quyền Xô Viết, ông ta sẽ tìm cách giết hết hàng ngũ lãnh
đạo mà Lenin để lại. Phải gọi những cuộc thanh trừng hồi những năm 1930 là sự
lộng hành của khủng bố, một cuộc khủng bố chưa từng có trong lịch sử cả về số
lượng nạn nhân lẫn sự tàn bạo tràn lan của nó. Stalin theo dõi sát sao chiến
dịch, trong các chỉ thị gửi cho chính quyền các địa phương, ông ta thường nhấn
mạnh: Đánh cho đến khi phạm nhân phải nhận những tội lỗi mà họ không hề phạm.
Bức thư của Vsevolod Meyerhold, một
trong vô vàn nạn nhân của chiến dịch thanh trừng, gửi Molotov, chiến hữu thân
cận của Stalin, sẽ cho chúng ta thấy mệnh lệnh đó được thi hành trên thực tế
như thế nào. Meyerhold, một đạo diễn nổi tiếng, vào Đảng ngay từ những ngày đầu
tiên sau khi chế độ được thành lập, bị tuyên bố là “kẻ thù của nhân dân” và bị
bắt vào năm 1939. Ông viết như sau:
Khi các điều tra viên tra tấn, người ta đánh tôi,
một lão già bệnh hoạn, đã 65 tuổi. Họ đặt tôi nằm úp mặt xuống sàn rồi lấy roi
bện bằng những sợi cao su đánh vào gót chân và sống lưng; khi tôi ngồi trên ghế
thì họ đánh vào chân, từ trên xuống, đánh mạnh lắm. Những ngày sau, khi những
chỗ bị đánh ở chân đã sưng lên vì xuất huyết bên trong thì họ lại dùng roi đánh
vào những chỗ thâm tím đó, đau như là bị đổ nước sôi vào vậy, tôi phải kêu lên,
khóc lên vì đau đớn. Họ còn lấy roi đánh vào lưng tôi, lấy tay đánh vào mặt
tôi…
Rồi họ lại áp dụng cái gọi là “tấn công về tâm lý”
nữa, cả hai biện pháp đều làm tôi sợ đến nỗi bản tính của tôi bộc lộ ra hết…
Tôi nằm, mặt úp xuống đất, vặn vẹo, co quắp, gào thét như con chó bị chủ đánh.
Khi nằm ngủ để sau đó một tiếng sẽ lại phải lên lấy
cung, trước đó tôi đã phải trả lời suốt mười tám tiếng đồng hồ, tôi lại bị đánh
thức bởi những tiếng rên rỉ và người cứ giật bắn lên, hệt như người bệnh đang
hấp hối vì sốt vậy. “Chết (ồ dĩ nhiên rồi), chết còn sướng hơn!” – một người bị thẩm vấn tự
nhủ. Tôi cũng tự nhủ như thế. Thế là tôi nhận bừa, hy vọng rằng họ sẽ đưa tôi
lên đoạn đầu đài…[10].
Sau khi đã nhận tội theo đúng kịch bản,
chính quyền đã chiếu cố những lời cầu xin của Meyerhold và hoá kiếp cho ông ta.
Cuộc đại khủng bố ập lên đầu cả đảng
viên lẫn người ngoài Đảng. Tại đỉnh điểm của nó, tức là trong những năm
1937-1938, đã có ít nhất một triệu rưỡi người, đa số không hề phạm bất cứ tội
lỗi gì, ngay cả theo các quy định của cộng sản, phải ra trước vành móng ngựa mà
quan toà chỉ gồm ba người là bí thư chi bộ đảng, công tố viên và trưởng phòng
an ninh khu vực. Phiên toà diễn ra nhanh chóng, có khi chỉ trong vài phút, phạm
nhân bị kết án tử hình, khổ sai hoặc lưu đầy mà không có quyền kháng cáo. Bàng
quan với chính trị, thậm chí tuyệt đối trung thành với chế độ cũng chưa phải đã
được an thân. Trong giai đoạn cao trào, Bộ Chính trị còn phân bổ “hạn ngạch”
cho cơ quan an ninh, trong đó, ghi rõ bao nhiêu phần trăm dân số khu vực bị
bắn, bao nhiêu phần trăm bị đưa vào trại giam. Ví dụ, hạn ngạch ngày 2 tháng 7
năm 1937 cho thành phố và tỉnh Moskva là 35 ngàn người, trong đó 5 ngàn bị xử
bắn[11].
Một tháng sau đó, Bộ Chính trị cấp hạn ngạch cho tất cả các tỉnh: 70 ngàn người
bị bắn mà không cần xét xử[12].
Đa số nạn nhân của cuộc đại khủng bố là những người có bằng đại học, họ bị coi
là thành phần bất trị và có xu hướng “phá hoại”.
Tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng
bị thanh trừng, 70% trong số 139 uỷ viên và uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành
Trung ương Đảng, được bầu tại Đại hội lần thứ XVII vào năm 1934, đã bị tử hình[13].
Tất cả những người bạn chiến đấu của Lenin, trong đó có Zinoviev và Kamenev, đã
bị bắt, bị tra tấn và sau khi bị đánh gục cả về thể xác lẫn tinh thần, đã buộc
phải thú nhận trong những “phiên toà” giả mạo những tội lỗi không thể nào tưởng
tượng nổi như hoạt động gián điệp, khủng bố và có ý định khôi phục “chủ nghĩa
tư bản”; sau đó tất cả đều bị xử bắn hoặc bị đưa vào các trại lao động khổ sai,
ít người sống sót. Trong Di chúc, Lenin nhắc đến sáu người có khả năng kế tục
mình thì chỉ có một người sống sót, đó là Stalin. Dmitri Volkogonov, một viên
tướng Liên Xô, sau này trở thành nhà sử học, đã kinh hoàng khi phát hiện ra
trong hồ sơ lưu trữ ba mươi bản danh sách được ghi cùng một ngày, 12 tháng 12
năm 1938. Đây là danh sách 5 ngàn người bị kết án tử hình, Stalin đã kí các bản
án trước khi toà chính thức xét xử, sau đó ông ta đi vào rạp chiếu phim riêng
trong Điện Kremlin, hôm đó ông ta xem hai bộ phim, một bộ có tựa đề Mấy
anh chàng vui tính[14].
Bằng cách này hay cách khác, đa số dân
chúng đã buộc phải tham gia vào cuộc tắm máu đó, họ tố cáo bạn bè và người
thân, không tố cáo những cuộc thảo luận về hoạt động “phá hoại” cũng bị coi là
hoạt động phá hoại. Chẳng ai dám tin ai, cũng chẳng ai còn dám nói thật nữa.
Các cuộc thanh trừng trong những năm
1937-1938 đã làm cho hàng ngũ những người Bolshevik tiền bối trống vắng hẳn.
Năm 1939, 80,5% cán bộ của Đảng Cộng sản Liên Xô là những người vào Đảng sau
khi Lenin chết[15]. Các
viên chức cao cấp của Đảng và chính phủ, vẫn thường được gọi là tầng lớp nomenclatura, xuất phát từ đây; họ không
chỉ độc chiếm các chức vụ có nhiều quyền lực mà còn được hưởng những đặc lợi
không thể tưởng tượng nổi, đấy chính là giai cấp bóc lột mới. Có chân trong
tầng lớp này là được đảm bảo một địa vị xã hội vững chắc và trên thực tế, địa
vị của họ cũng mang tính cha truyền con nối. Khi Liên Xô sụp đổ, nomenclatura có 750 ngàn người, nếu tính
cả gia đình thì giai cấp này có tổng cộng 3 triệu người, nghĩa là 1,5% dân số,
gần tương đương thành phần quý tộc dưới thời các Sa hoàng thế kỷ XVIII. Họ cũng
có bổng lộc y như các lãnh chúa thời xưa. Đây là lời của một người trong tầng
lớp ăn trên ngồi trốc đó:
Nomenclatura sống như trên một hành tinh khác. Như
trên sao hoả. Vấn đề không chỉ là những chiếc ô tô hay những căn hộ cao cấp.
Đây là sự đáp ứng ngay lập tức những ước muốn đỏng đảnh của bạn, lúc nào cũng
có một lũ nịnh thần, chúng tạo cho bạn khả năng làm việc mà chẳng phải lo nghĩ
gì. Những viên chức cấp thấp trong bộ máy sẵn sàng làm bất cứ những gì bạn
muốn. Tất cả các ước muốn của bạn đều được thực hiện. Bạn có thể vào rạp hát
bất cứ lúc nào, có thể bay thẳng từ các khu săn bắn của bạn đến Nhật Bản. Cái
gì cũng có mà lại chẳng phải khó nhọc gì… Giống như một vị hoàng đế: bạn chỉ
cần giơ ngón tay lên là xong”[16].
Các đảng viên thường, “bọn nịnh thần”,
ngay dưới thời Stalin cũng đã đông đúc lắm, họ trở thành đày tớ cho tầng lớp ăn
trên ngồi trốc.
Hồng quân cũng không tránh khỏi vụ
khủng bố này: ba trong năm nguyên soái bị “thủ tiêu”, mười ba trong số mười lăm
viên tướng đã bị giết, trong số chín đô đốc thì chỉ có một người thoát chết.
Nhiều đảng viên cộng sản ngoại quốc, những người được Liên Xô cho tị nạn chính
trị, cũng trở thành nạn nhân của các vụ thanh trừng. Giới tăng lữ chịu nhiều
tổn thất: trong những năm 1937-1938, có 165.200 tu sĩ bị bắt vì đã thực hành
tôn giáo, trong đó, 106.800 người bị bắn[17].
Gần như toàn bộ các cơ sở thờ phụng đã bị đóng cửa.
Bộ máy khủng bố không tha cả những kẻ
từng giữ vô-lăng. Nikolai Yezhov, Dân uỷ Nội vụ, một kẻ được ví với Himmler của
Stalin, chính ông ta đã điều khiển những vụ giết người hàng loạt hồi những năm
1937-1938, vì lý do gì đó mà bị thất sủng. Stalin đã cách tuột mọi chức vụ, sau
đó bắt giam và đẩy vào cái vạc dầu đẫm máu do chính ông ta dựng nên.
Người dân thường có thể bị bắt và biến
mất chỉ vì một câu nói bâng quơ hay bị hàng xóm tố cáo. Sợ hãi và nghi ngờ bao
trùm lên toàn bộ xã hội, các cán bộ cao cấp cũng không phải là ngoại lệ. Có lần
Nikolai Bulganin, từng là phó thủ tướng dưới thời Stalin, nói với Nikita Khrushchev
rằng, đôi khi một người nào đó được mời tới gặp Stalin như một người bạn,
“nhưng khi ngồi cạnh Stalin, anh ta không thể biết rồi sẽ được đưa đi đâu - về
nhà hay vào nhà đá”. Andrei Gromyko, một trợ tá đắc lực của Stalin, từng giữ
chức Bộ trưởng Ngoại giao, kể rằng, dưới thời Stalin không bao giờ có chuyện
hai uỷ viên Bộ Chính trị đi chung một xe vì sợ bị nghi ngờ mưu phản. Sợ hãi và
ngờ vực tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi Stalin chết và trở thành một phần
không thể tách rời của cả hệ thống. Mikhail Gorbachev, lãnh tụ Xô Viết cuối
cùng, nói rằng khi ông ta mời Iurii Andropov, vừa là sư phụ, vừa là hàng xóm,
đang là Chủ tịch KGB, đến nhà ăn cơm trưa thì Andropov khuyên rằng tốt nhất là
đừng bao giờ làm như thế vì “nhất định sẽ có những chuyện ngồi lê đôi mách rằng
ai nói, hắn ta đã nói gì và tại sao lại nói thế”.
Theo các tài liệu mật, được đưa ra công
khai sau khi Liên Xô tan rã, trong những năm 1937-1938, tức là khi đại khủng bố
đạt đỉnh cao, các cơ quan an ninh đã bắt 1.548.366 người vì cái gọi là “hoạt
động bài Xô”, trong đó, 681.692 người bị xử bắn. Trung bình một ngày có 1.000
vụ hành quyết. Phần lớn những người thoát chết đều bị đưa vào các trại lao động
khổ sai[18].
(Trong khi đó, từ năm 1825 đến năm 1910 chính quyền Sa hoàng tử hình 3.932
chính trị phạm). Năm 1941, khi Đức tấn công Liên Xô, các nhà tù của GULAG đang
giam giữ 2.350.000 người, tức là 1,4% dân số cả nước[19].
Các tù nhân-nô lệ này đã thực hiện nhiều nhiệm vụ kinh tế quan trọng, họ phải
làm việc trên các công trường xây dựng lớn, phải đốn cây trên miền Bắc Cực xa
xôi. Sau khi Liên Xô tan rã, những kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác chống
lại dân lành như thế đã không bị đưa ra toà; thậm chí họ còn không bị lên án,
không bị kết án về mặt đạo đức và tiếp tục sống một cuộc đời bình thường.
Các cuộc điều tra dân số giữa những năm
từ 1932 đến 1939, nói cách khác, sau tập thể hoá và trước chiến tranh, cho thấy
dân số Liên Xô sụt giảm từ 9 đến 10 triệu người[20].
Lý trí bình thường không thể nào hiểu
nổi vụ tắm máu kinh hoàng này. Có một câu chuyện tiếu lâm như sau. Người ta hỏi
một phạm nhân mới rằng anh ta bị bao nhiêu năm, anh ta đáp: “Hai mươi lăm năm”.
“Tội gì?”. “Chẳng tội gì cả”. “Làm gì có chuyện đó”, mọi người nói, “Không có
tội gì thì chỉ mười năm thôi”.
Nếu ai đó còn băn khoăn là làm sao mà
một chính phủ lại có thể gây ra tai hoạ lớn như thế đối với chính nhân dân nước
mình, xin thưa rằng, những người cách mạng-những người cộng sản ở Nga cũng như
ở các nước khác cho rằng con người với hình hài như hiện nay chỉ là bản sao
không hoàn chỉnh của cái mà họ có thể và nhất định phải là trong tương lai.
Quan niệm này bắt nguồn từ chủ nghĩa Marx. Marx viết:
Thế hệ hiện nay làm ta nhớ đến những người Do Thái
được Moses dẫn qua sa mạc. Thế hệ này cần phải không chỉ chinh phục thế giới mà
còn rút lui khỏi vũ đài để nhường chỗ cho những con người xứng đáng với cái thế
giới mới đó[21].
Mặc dù Marx cũng như Engels không kêu
gọi các đệ tử của mình tiến hành những vụ giết người hàng loạt, nhưng họ sẵn
sàng hy sinh những người đang sống cho các thế hệ tương lai.
Theo quan điểm của họ, “con người mới”
trong chế độ cộng sản sẽ khác hẳn với những con người đã từng tồn tại cho đến
nay. Trotsky vẽ nên hình ảnh con nguời mới đó trong tác phẩm Literature and Revolution (Văn học và
cách mạng) như sau:
Con người, cuối cùng, sẽ bắt đầu tiến hành quá
trình tự hoàn thiện một cách nghiêm túc… Con người muốn làm chủ các quá trình
nửa-vô thức và sau đó là các quá trình vô thức trong chính cơ thể của mình:
thở, tuần hoàn máu, tiêu hoá, thụ thai và buộc chúng phải tuân theo lý trí và ý
chí của mình… Loài người, đã ngưng lại như một homo sapiens, sẽ lại bước vào
một quá trình cải tạo triệt để và sẽ trở thành chủ thể của những phương pháp
chọn lọc tự nhiên nhân tạo và luyện tập về mặt tâm sinh lý phức tạp nhất… Con
người sẽ đặt cho mình nhiệm vụ… tạo ra một giống loài tiến bộ hơn về mặt sinh
học cũng như xã hội, có thể nói là siêu nhân cũng được… Con người trở thành
mạnh mẽ hơn, thông minh hơn và nhạy cảm hơn. Cơ thể anh ta cân đối hơn, vận
động nhịp nhàng hơn, giọng nói êm dịu hơn… Một người trung bình cũng đứng ngang
với Aristotle, Goethe, Marx. Trên những ngọn đồi đó sẽ nổi lên những đỉnh núi
mới.
Hy sinh những sinh linh khốn nạn trong
cái thế giới tha hoá này cho lý tưởng tót vời như thế thì có gì phải đắn đo?
Theo quan điểm đó, nhân loại hiện nay chỉ là rác rưởi và cặn bã của cái thế
giới nhất định sẽ bị diệt vong, thủ tiêu nó không phải là một cái gì quá nghiêm
trọng vậy.
Những vụ giết người chưa từng có trong
lịch sử được tiến hành song song với việc đàn áp tự do ngôn luận nhằm tạo ra
một sự thống nhất giả tạo như thế đấy: thể xác thì bị bắt và bị giết, còn lý
trí thì bị xoá sổ. Lenin hoàn toàn không tôn trọng những quan niệm khác biệt
với quan niệm của mình, nghị định đầu tiên mà ông ta ban hành ngay sau khi nắm
được quyền lực đòi hỏi đóng cửa tất cả các cơ quan báo chí không nằm dưới quyền
kiểm soát của Đảng Bolshevik. Lúc đó ông ta không đủ sức làm việc này, nhưng
mùa hè năm 1918, ông ta đã cho đóng cửa không chỉ tất cả các tờ báo độc lập mà
còn đóng cửa tất cả các tờ báo định kì phi đảng phái nữa. Năm 1922, ông ta cho
thành lập cơ quan kiểm duyệt trung ương, gọi là Glavlit. Tất cả
những gì xuất hiện trên báo chí hay sân khấu đều bị cơ quan này kiểm duyệt.
Tuy nhiên, trong những năm 1920, tư
tưởng vẫn còn được hưởng một mức độ tự do nhất định. Thời kì đầu, kiểm duyệt ở
Liên Xô có tính cách phủ định, tương tự như dưới thời Sa hoàng, nghĩa là chỉ
quyết định không được in cái gì chứ chưa có ý định buộc những người cầm bút
phải viết cái gì. Trong những năm 1930, có sự thay đổi chính sách: kiểm duyệt
mang tính khẳng định, nghĩa là chỉ thị cho người cầm bút phải viết cái gì và
viết ra sao. Tất cả thông tin tiêu cực về hiện tình đất nước đều bị che giấu,
đấy là nói khi chính quyền không yêu cầu đưa ra công khai một phần sự thật nào
đó. Chẳng mấy người được ra nước ngoài, chỉ các quan chức nhà nước mới được
xuất ngoại mà thôi, dân thường không được tiếp xúc với người ngoại quốc, mọi
cuộc tiếp xúc như thế đều có thể bị coi là hoạt động gián điệp. Sách báo ngoại
quốc, trừ sách báo cộng sản, đều bị cấm lưu hành.
Văn học Liên Xô là hiện thân của một sự
đơn điệu không ai có thể tưởng tượng nổi. “Phương pháp hiện thực xã hội chủ
nghĩa” trở thành lý luận mỹ học chính thức từ năm 1932, phương pháp này đòi hỏi
nhà văn phải coi hiện thực “là không tồn tại, còn tương lai thì lại như đã hiện
diện rồi”[22]. Kết
quả là, tất cả những gì được in, được dựng trên sân khấu, được đưa lên phim ảnh
hoặc phát trên sóng radio đều không phải là thực: đấy là siêu thực. Để thích
ứng với hoàn cảnh như thế, người ta buộc phải chia tách nhận thức và cá nhân
con người mình thành hai mảnh, người ta buộc phải sống trong tình trạng tâm
thần phân lập, nghĩa là người ta biết sự thật nhưng phải đè nén nhận thức và
chỉ chia sẻ những hiểu biết đó với những người thân cận mà thôi, nhưng mặt khác,
người ta lại phải giả vờ tin mọi lời nói của bộ máy tuyên truyền chính thức.
Tâm trí lúc nào cũng căng thẳng, cuộc sống ở Liên Xô trở thành năng nề, không
thể chịu đựng nổi.
Di sản tâm lý đó còn tồn tại ngay cả
sau khi chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung. Dối trá trở thành phương tiện sống, mà
từ nói dối đến lừa đảo chỉ là một bước nhỏ. Không còn nền tảng đạo đức cho sự
tồn tại của một xã hội dân sự và thế là cái chế độ đòi hỏi mọi người hy sinh
quyền lợi cá nhân cho quyền lợi tập thể đã dẫn đến cái kết cục là tất cả mọi người
chỉ còn biết lo cho mình vì họ không còn chỗ dựa nào khác.
Stalin chết
Một khía cạnh nữa của cuộc đại khủng bố
là “tệ sùng bái” Stalin, sau này người ta gọi như thế. Trên thực tế đấy, là sự
thần thánh hoá Stalin: ông ta là người cực kì mạnh mẽ, biết hết, hiện diện khắp
nơi, không bao giờ sai và còn mãi như thế cho đến tận lúc chết vào năm 1953.
Người nhạc sĩ phủ phục dưới chân, khi ông ta phê bình một vở opera nào đó. Các
nhà ngôn ngữ học ngậm miệng khi ông ta phát biểu về vấn đề ngôn ngữ học. Trên
diễn đàn đại hội, các đại biểu thi nhau xem ai tài hơn trong việc tụng ca lãnh
tụ, còn ông ta thì ngồi đó, khiêm tốn lắng nghe những lời ngợi ca chính mình. Osip
Mandelstam, được nhiều người coi là một trong những nhà thơ Nga vĩ đại nhất
torng thế kỷ XX, đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình vì trường ca
viết về nhà độc tài này, trong đó có những dòng sau đây:
Những ngón tay của ông ta, mập ú như những con giòi
Lời nói của ông ta nặng như những quả tạ,
Mấy sợi râu như râu gián,
Đôi ủng bóng lộn,
Xung quanh ông ta là đám lãnh tụ cổ ngẳng -
Bọn nửa người nửa ngợm để ông ta đùa cợt.
Kẻ huýt gió, kẻ kêu meo meo, kẻ ủn ỉn
Chỉ một mình ông ta huyên thuyên và chỉ tay.
Hết chỉ thị nọ đến chỉ thị kia, như ném những cái móng ngựa
Kẻ bị vào bẹn, kẻ vào trán, kẻ vào lông mày, kẻ vào mắt.
Và mỗi kẻ bị giết là một quả mâm xôi[23].
Có thể một trong những lý do thần thánh
hoá lãnh tụ, một hiện tượng chung cho đa số các chế độ cộng sản, là vì sức mạnh
vô địch và biết tuốt là đặc trưng của thánh thần cho nên khi một người có những
tính chất như thế thì ông ta cũng được người ta gán luôn cho các đặc điểm của
thần thánh.
Dàn đồng ca đó đã làm cho Stalin ngày
càng xa rời thực tế. Bị bao vây bởi một lũ nịnh thần, Stalin không còn nhận
thức được tình hình thực tế của vương quốc nữa. Sợ bị ám sát, ông ta không bao
giờ vi hành và chỉ thấy đời sống của đất nước qua những bộ phim được dàn dựng
dành riêng cho ông ta, trong đó, theo lời của Khrushchev, bộ hạ và sau này là
người kế vị ông ta, thì các nông trang viên ngồi quanh bàn ăn “võng xuống vì
ngỗng và gà tây”.
Chỉ có cảnh sát mật, mang những bí danh
Cheka (1917-1922), GPU và OGPU (1922-1934), NKVD (1934-1954) và KGB
(1954-1991), là nắm được được hiện tình đất nước mà thôi. Đây là công cụ đàn áp
chủ yếu, nó có toàn quyền hành động, nó được tự do đàn áp tất cả các kẻ thù của
chế độ, cả kẻ thù thật lẫn kẻ thù tiềm năng và kẻ thù do nó bịa ra. Cơ quan này
còn điều hành một vương quốc các trại lao động khổ sai. Sau khi đã tiêu diệt
mọi hình thức biểu hiện của dư luận; cảnh sát mật, thông qua mạng lưới nhân
viên tình báo và chỉ điểm, làm nhiệm vụ báo cáo với chính phủ về tâm trạng của
xã hội. Những năm cuối đời Stalin, các cơ quan an ninh đã thoán đoạt quyền lực
trong nhiều lĩnh vực mà trước đó Lenin đã giao cho Đảng Cộng sản.
[1] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) trang 152-53
[2] Mikhail Geller,
Aleksander Nekrich. Utopia in Power:
The History of the Soviet Union from 1917 to the Present (Không tưởng
cầm quyền. Lịch sử Liên Xô từ năm 1917 đến nay - London, 1986)
trang 201.
[4] Nicolas Werth, in
Stéphane Cuortois, ed. The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), Cambridge,
Mass., 1999, trang 153, 155
[7] Nicolas Werth, in
Stéphane Cuortois, ed. The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa cộng sản), Cambridge,
Mass., 1999, trang 159, 167.
[9] Hoy (Havana),
February 24, 1963, trích lại trong Theodore Draper, Castroism: Theory
and Pratice (Chủ nghĩa Castro:
Lý thuyết và thực hành), New York, 1965, trang 217-218.
[11]Vladimir Naumov trong
William Taubman at al., eds, Nikita Khrushchev (New Haven,
Conn., 2000), trang 90.
[13] Bertram D. Wolfe,
ed., Khrushchev and Stalin's Ghost (Bóng ma Khrushchev và Stalin),
New York, 1957, trang 124.
[15] Michael Voslensky, Nomenclature:
The Soviet Rulling Class (Nomenclatura:
Giai cấp cầm quyền Xô Viết), Garden City, N. Y., 1984, trang 61.
[18] P. G. Pikhoia, Sovetskii Soiuz: Istoria Vlacti 1945-1991
(Liên Xô: Lịch sử chính quyền, 1945-1961), Moskva, 1998, trang 140.
[19] Sistema Ispravitel’no-trudovukh lagerei v SSSR (Hệ
thống trại lao động cải tạo ở Liên Xô, 1923-1960), Moskva
1998, trang 48.
[22] Louis Fisher trong Richard
Crossman, ed., The God that Failed (Chúa Trời thất bại), New York, 1949, trang 205.
[23] Nadezhda Mandelstam, Hope Against Hope (Hy vọng chống lại hy vọng), New York, 1970, trang 13. Max Hayward dịch
No comments:
Post a Comment