May 9, 2018

Chủ nghĩa cộng sản (4)


Richard Pipes

Phạm Nguyên Trường dịch


I.                   Chủ nghĩa Lenin (2)


___


Xem xét vụ cướp chính quyền của những người cộng sản trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó ta sẽ cảm thấy kinh ngạc vì sự liều lĩnh của họ. Tất cả các lãnh tụ cộng sản đều chưa hề có kinh nghiệm quản lý hành chính trong bất kì lĩnh vực nào, thế mà họ sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Không hề có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng họ lập tức tiến hành quốc hữu hoá toàn bộ nền kinh tế và sẵn sàng nhận trách nhiệm quản lý nền kinh tế đứng thứ năm thế giới. Về nguyên tắc, họ coi giai cấp tư sản và các điền chủ là kẻ thù, còn trên thực tế, đa số nông dân và trí thức cũng bị coi là kẻ thù của giai cấp công nhân công nghiệp, họ tự nhận mình là người đại diện của giai cấp này. Công nhân chiếm một tỉ lệ rất nhỏ, nhiều nhất cũng chỉ từ một đến hai phần trăm dân số. Công nhân đã ít như thế, mà số công nhân theo Bolshevik còn ít hơn nhiều: ngay trước cuộc đảo chính tháng 11, chỉ có 5,3% công nhân là đảng viên Bolshevik[1]. Điều đó có nghĩa là, chính quyền mới không có sự lựa chọn nào khác ngoài chế độ chuyên chính, nhưng đấy không phải là chuyên chính vô sản mà là chuyên chính đối với giai cấp vô sản và tất cả các giai cấp khác. Sau một thời gian, nền chuyên chính này đã biến thành chế độ toàn trị. Như vậy nghĩa là, chuyên chính xuất phát từ bản chất của cuộc đảo chính Bolshevik. Nếu những người cộng sản muốn giữ quyền lực thì họ buộc phải cai trị bằng những biện pháp chuyên chế tàn bạo, không bao giờ họ dám buông lỏng. Và đây cũng trở thành nguyên tắc của các chế độ cộng sản sinh ra sau này. 

Lenin hiểu là đang áp đặt cho đất nước một chế độ độc tài cực kì tàn nhẫn, nhưng lương tâm ông ta không hề cắn rứt. Lenin định nghĩa mọi chế độ “chuyên chính”, trong đó có “chuyên chính vô sản” là “chính quyền dựa trực tiếp vào vũ lực, không bị hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc nào”[2]. Ông ta sẵn sàng áp dụng những biện pháp khủng bố khốc liệt nhất nhằm tiêu diệt kẻ thù cũng như doạ dẫm dân chúng. Ông ta làm như thế một phần là do thái độ thờ ơ đối với đời sống của con người và một phần là do lịch sử đã dạy rằng các cuộc cách mạng trong quá khứ thường thất bại là vì đã dừng lại ở giữa đường, không tiêu diệt hết kẻ thù giai cấp, để cho chúng tập hợp lại lực lượng. Bạo lực – dùng bạo lực một cách phổ biến và tàn bạo (hình dung từ thường được ông ta sử dụng) - sẽ tạo nền móng cho chế độ mới. Nhưng ông ta tin rằng bạo lực sẽ không kéo dài: có lần ông ta đã dẫn lời Machiavelli: “Nếu vì mục đích chính trị mà cần áp dụng một số biện pháp tàn bạo thì phải làm một cách kiên quyết và thật nhanh vì quần chúng không thể chịu nổi bạo lực trong một thời gian dài”. Trái ngược với dự đoán của ông ta, bạo lực đã trở thành đặc điểm thường trực của chế độ do ông ta lập nên. 

Thái độ quyết liệt và năng lực hoạt động của Lenin trái ngược hoàn toàn với sự bất lực của chính phủ lâm thời vừa bị lật đổ. Ông ta lập tức quyết định ngày bầu cử quốc hội. Đảng Bolshevik chỉ nhận được 24% số phiếu, trong khi Đảng Cách Mạng Xã Hội Chủ Nghĩa có số phiếu bầu hơn gấp hai lần. Nhưng đấy không phải là điều ông ta bận tâm: tuyên bố rằng đa số binh lính và công nhân bầu cho Đảng Bolshevik, ông ta chỉ để cho quốc hội vừa được bầu họp đúng một ngày và sau đó giải tán. Chính phủ do ông ta thành lập, gọi là Xô Viết Dân uỷ, gồm toàn đảng viên Bolshevik. Thực chất, đây chỉ là cơ quan-bình phong, có trách nhiệm thực hiện các mệnh lệnh của Đảng Bolshevik mà thôi. Ông ta bãi bỏ tất cả các thủ tục pháp lý, chuyển công việc xét xử vào tay các toà án cách mạng, do những người không có kiến thức, nhưng “giác ngộ cách mạng” lãnh đạo, cũng như vào tay cảnh sát mật vừa được thành lập, lấy tên là Uỷ ban Khẩn cấp (Cheka). Khủng bố bắt đầu ngay từ khi Lenin vừa cướp được chính quyền. 

Nhận thức được rằng việc thành lập một cơ sở chính trị vững chắc và thực hiện cương lĩnh cách mạng phải cần thời gian, tháng 3 năm 1918, Lenin hạ lệnh cho các cộng sự kí ở Brest-Litovsk một hoà ước rất mất lòng dân với Đức, Áo, Thổ và Bulgaria, nhường cho các nước này những vùng lãnh thổ rộng lớn. 

Ông ta phát động cuộc nội chiến như là một cách khơi mào cách mạng thế giới. Sau này, những người Bolshevik đã gán cho bọn phản cách mạng trong và ngoài nước là đã gây ra cuộc nội chiến làm tan hoang nước Nga và giết chết mấy triệu người. Nhưng như chúng ta đã thấy, từ trước năm 1917, việc biến chiến tranh giữa các nước thành nội chiến giữa các giai cấp là một trong những luận điểm cơ bản của đường lối Bolshevik. Trotsky đã công nhận như thế khi viết: “Chính quyền Xô Viết là một cuộc nội chiến có tổ chức”. Có thể nói rằng, những người Bolshevik cướp chính quyền ở nước Nga là để phát động cuộc nội chiến.

Lenin và tờ Sự Thật

Ban đầu, Lenin đã sử dụng các khẩu hiệu vô chính phủ nhằm tranh thủ sự ủng hộ hay ít nhất cũng vô hiệu hoá giai cấp công nhân và nông dân. Ông ta khuyến khích nông dân tịch thu và chia nhau ruộng đất không chỉ thuộc quyền sở hữu của nhà nước hay địa chủ mà cả ruộng đất của những người nông dân khác. Sắc lệnh, công bố vào ngày đảo chính, tuyên bố quốc hữu hoá toàn bộ ruộng đất, nhưng tạm thời không động đến phần đất do nông dân canh tác. Ông ta khuyến khích công nhân chiếm các nhà máy xí nghiệp; đây là lập trường của các công hội, chẳng liên quan gì đến chủ nghĩa Marx. Nhưng đấy chỉ là những biện pháp tạm thời, một khi chính quyền được củng cố ông ta sẽ đoạn tuyệt ngay. Vì mục đích cuối cùng của ông ta là quốc hữu hoá toàn bộ nhân tài vật lực của quốc gia, nhằm buộc toàn bộ nền kinh tế phải tuân theo một kế hoạch duy nhất. 

Chúng ta sẽ không dừng lại lâu trong giai đoạn lịch sử từ năm 1917 đến năm 1920. Chỉ xin nói rằng, cộng sản - từ năm 1918, những người Bolshevik tự gọi mình như thế - đã thắng, một phần vì kiểm soát được các khu vực dân cư đông đúc với những nguồn lực to lớn về công nghiệp (và quân sự), một phần vì các nước phương Tây đã không dành cho “Bạch vệ” một sự ủng hộ đúng mức. Trong thời kì nội chiến và sau đó không lâu, chế độ của Lenin đã giành lại phần lớn vùng biên thuỳ như Ukraine, Caucasus và Trung Á, là những vùng trước đó đã tách khỏi Nga. Các vùng này được hợp nhất với Nga và hình thành Liên bang Cộng hoà Xô viết Xã hội Chủ nghĩa vào năm 1924. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Nga, với tổng hành dinh ở Moskva, đã quản lý tất cả các vùng đất của đế chế vừa được thành lập. Đại diện của các tổ chức Đảng có mặt trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, thực hiện nhiệm vụ “mao mạch” của chế độ - theo cách nói của Mussolini, kẻ đã xây dựng chế độ phát xít theo mô hình của Lenin. Không một tổ chức xã hội nào có thể tránh được sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhà nước độc đảng đầu tiên trong lịch sử đã xuất hiện như thế đấy. 

________________

Những người Bolshevik đã giữ được chính quyền, nhưng lại chịu thất bại trong hầu hết các lĩnh vực khác. Hoá ra, cuộc sống chẳng ăn nhập gì với lý thuyết. Nhưng họ không chịu công nhận rằng mình sai: nếu công việc diễn ra không như ý, họ không những không chịu nhân nhượng mà còn sử dụng bạo lực điên cuồng hơn. Việc công nhận sai lầm nhất định sẽ làm lung lay toàn bộ cơ sở học thuyết, vì họ cho rằng các bộ phận cấu thành học thuyết đã được kiểm chứng một cách khoa học.
Trước hết xin nói về nhà nước. 

Việc xuất hiện bộ máy quan liêu đồ sộ, tự tư tự lợi và không thể kiểm soát nổi, là một trong những thất vọng của Lenin. Theo lý thuyết Marxist, nhà nước chỉ là công bộc của giai cấp nắm quyền sở hữu tư liệu sản xuất, bản thân nhà nước không có quyền lợi riêng tư nào. Chỉ có thể nói đấy là một sự ngu tín, vì lịch sử thế giới, kể từ thời các Pharaoh Ai Cập, có đầy dẫy các bằng chứng, chứng tỏ rằng các viên chức nhà nước quan tâm trước hết đến quyền lợi của chính mình, họ đã từng tạo ra những nhóm lợi ích có quyền lực, nhiều khi còn mạnh hơn cả giai cấp hữu sản. Sự phát triển với tốc độ chóng mặt của bộ máy quan liêu Xô Viết, do Lenin tạo ra, đã làm ông ta phát hoảng. Cùng với việc Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo toàn diện đời sống của đất nước, quốc hữu hoá toàn bộ nền công nghiệp, hệ thống bán buôn và bán lẻ, phương tiện giao thông vận tải và dịch vụ, văn hoá và giáo dục thì tầng lớp viên chức thay thế cho các chủ sở hữu tư nhân và các nhà quản lý cũ cũng phát triển theo cấp số nhân. Chỉ xin dẫn ra một ví dụ, đấy là tổ chức chịu trách nhiệm quản lý ngành công nghiệp, gọi là Hội đồng Kinh tế Tối cao, vào năm 1921 đã có hai trăm năm mươi ngàn viên chức, trong khi sản xuất công nghiệp chỉ bằng một phần năm năm 1913. Năm 1928, bộ máy quan liêu của Đảng và nhà nước có tổng số 4 triệu viên chức. 

Phần lớn những người chui vào hàng ngũ công chức Xô Viết - nhiều người đã từng phục vụ chế độ cũ – là vì làm ở đây thì được an toàn và đủ sống. Chẳng bao lâu sau, họ đã tạo thành một giai tầng đặc biệt, giai tầng đặt quyền lợi tập thể của mình cao hơn không chỉ quyền lợi của toàn dân, mà còn cao hơn cả quyền lợi của chủ nghĩa cộng sản, mà trên danh nghĩa họ phải phục vụ. 

Joseph Stalin là người đầu tiên nhận thức được rằng có thể sử dụng sức mạnh tiềm tàng của bộ máy quan liêu Xô Viết làm vũ khí nhằm củng cố địa vị của mình. Ông ta là người Georgia, một người học hành không đến nơi đến chốn, đã từng bị đuổi khỏi trường dòng, nhưng được Lenin tin cậy vì có biệt tài trong lĩnh vực tổ chức và rất trung thành với cá nhân lãnh tụ. Khác với Trotsky, hay Kamenev, Zinoviev; Stalin luôn luôn tôn trọng các ý kiến của Lenin và trong khi những người kia viết sách hay diễn thuyết thì ông ta lặng lẽ quan sát tầng lớp cán bộ. Lenin ngày càng đưa ông ta lên các chức vụ cao hơn, đến năm 1922 thì đặt ông ta vào chiếc ghế Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tạo cho ông ta điều kiện kiểm soát toàn bộ công tác cán bộ của Đảng. 

Stalin sử dụng ngay vị trí của mình để thăng chức cho những người trung thành với mình, những người mà ông ta có thể dựa dẫm trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo, cuộc tỉ thí này nhất định sẽ diễn ra nay mai vì sức khoẻ của Lenin đang xấu đi từng ngày. Chính ông ta là người tạo ra thiết chế gọi là nomenclatura: tầng lớp cán bộ cộng sản có thể được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền và hưởng các ưu đãi, như được vào những cửa hàng đặc biệt, được chữa trong những bệnh viện cao cấp, có các khu nghỉ mát riêng, thậm chí có cả thợ may và nghĩa địa riêng. Chính việc tạo ra tầng lớp ưu tú đặc quyền đặc lợi đó đã giữ cho chế độ cộng sản tồn tại trong suốt bảy mươi năm, buộc giai cấp những kẻ làm công việc quản lý đó phải coi việc bảo vệ chế độ là quyền lợi sống còn của mình. Nhưng chính sách đó lại đã biến lý tưởng cộng sản về bình đẳng xã hội thành những khẩu hiệu rỗng tuếch. 

Việc quản lý nền kinh tế cũng làm những người Bolshevik thất vọng không kém. Sách báo xã hội chủ nghĩa bảo họ rằng chủ nghĩa tư bản, chỉ chạy theo lợi nhuận, không thể hữu hiệu bằng nền kinh tế do nhà nước nắm độc quyền. Họ cho rằng xí nghiệp càng lớn thì càng hiệu quả. Họ còn tin rằng không dùng tiền vẫn có thể quản lý được nền kinh tế. 

Nhưng hoá ra tất cả các luận điểm đó đều sai. Mọi cố gắng nhằm ép buộc nền kinh tế tuân theo một kế hoạch duy nhất đều thất bại. Việc đưa công nhân, rồi sau đó là các cán bộ Đảng nắm quyền quản lý xí nghiệp đã làm cho năng suất lao động ngày một giảm đi. Dùng các uỷ ban khẩn cấp (Cheka) để bóp chết tư thương cũng không đạt kết quả, vì người sản xuất và thương lái đã tìm mọi cách lách luật; thị trường tự do mà những người cộng sản coi là bản chất của chủ nghĩa tư bản và quyết tâm tiêu diệt, không những không biến mất mà đi vào hoạt động chợ đen. Chẳng bao lâu sau, nền kinh tế ngầm đã lớn hơn nền kinh tế chính thức. Lạm pháp phi mã, do cố tình tung ra một lượng tiền giấy quá lớn, đến năm 1923 người dân có tiền gửi tiết kiệm đã hoàn toàn trắng tay, giá cả so với năm 1917 đã tăng hơn 100 triệu lần. Nhưng bãi bỏ tiền tệ lại làm cho ngân sách và việc thanh toán giữa các xí nghiệp không thể thực hiện được. 

Cách quản lý mang tính nghiệp dư như thế, cộng với nội chiến, đã dẫn đến kết quả là tất cả các chỉ tiêu sản xuất đều sụt giảm một cách không thể cứu vãn được. Năm 1920, tổng sản phẩm của ngành công nghiệp nặng chỉ bằng 20% năm 1913; than còn 27%, sắt 2,4%. Năm 1921, số công nhân làm việc trong ngành công nghiệp giảm một nửa, mức sống của họ giảm chỉ bằng một phần ba trước chiến tranh[3]. Một chuyên gia cộng sản nói rằng kinh tế Liên Xô giai đoạn 1917-1920 đã rơi vào thảm hoạ “chưa từng có trong lịch sử loài người”[4]

Trong điều kiện tan hoang như thế, bản năng sinh tồn đã mách bảo Lenin là phải sử dụng các đội hành quyết. Isaak Steinberg, một đảng viên cách mạng xã hội cánh tả, có thời là dân uỷ tư pháp trong chính phủ Bolshevik đã mô tả một cuộc họp của Hội đồng Dân uỷ vào tháng 2 năm 1918 như sau: Lenin đưa ra dự thảo nghị định “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”, trong đó có yêu cầu bắn “tại trận”, nghĩa là không cần xét xử, một loạt tội phạm được gọi một cách chung chung là “gián điệp của kẻ thù, bọn ăn cắp, bọn lưu manh, tuyên truyền phản cách mạng và gián điệp của Đức”. Steinberg phản đối nghị định vì nó chứa đựng “mối đe doạ… những vụ khủng bố mà hậu quả không thể lường được”.

Lenin nhân danh chính nghĩa của cách mạng, bác bỏ phản đối của tôi. Quá tuyệt vọng, tôi phải kêu lên: “Thế thì chúng ta còn dùng tên Dân uỷ Tư pháp làm gì? Hãy gọi thẳng là Dân uỷ Huỷ diệt Xã hội là xong”. Mặt Lenin bỗng tươi tỉnh hẳn lên, ông ta bảo: “Nói hay quá… đúng là phải như thế đấy… nhưng chúng ta không thể nói như thế”[5]

Sụt giảm sản lượng lương thực là bi đát nhất. 

Như đã nói bên trên, cộng sản cũng như những người Marxist khác, coi nông dân là giai cấp tiểu tư sản, kẻ thù không đội trời chung của giai cấp công nhân, mặc dù đa số công nhân Nga xuất thân từ nông thôn và vẫn giữ quan hệ gắn bó với nông thôn. Cộng sản tuyên chiến với nông dân nhằm hai mục đích: cướp đoạt lương thực cho thành phố và Hồng quân và mở rộng quyền lực của mình về nông thôn là vùng mà cuộc đảo chính chưa hề động chạm tới. 

Mùa hè năm 1918, Moskva bắt đầu chiến dịch tịch thu lúa mì, nông dân không chịu bán lúa mì cho chính phủ vì giá quy định quá thấp. “Uỷ hội dân nghèo” được thành lập tại các làng xã, các uỷ hội này sẽ giúp chính phủ tước đoạt những người nông dân có của ăn của để (kulak), bị nghi là có hành vi che giấu lương thực. Uỷ hội dân nghèo sẽ được chia một phần lương thực tước đoạt được. Moskva còn gửi về nông thôn các đội vũ trang để thu gom “lương thực thừa”. Các vụ đụng độ giữa nông dân, nhiều người đã từng đi lính, với các đơn vị thu gom lương thực diễn ra thường xuyên. Nhiều vùng rơi vào nội chiến, một cuộc nội chiến còn thảm khốc hơn cả chiến tranh giữa Hồng quân và Bạch vệ. Bất cứ người nông dân nào chống lại chính quyền Xô Viết cũng đều bị Lenin gọi là kulak, ông ta nổi điên và hạ lệnh tiến hành những vụ tàn sát quy mô lớn. Chỉ xin dẫn ra dưới đây hai chỉ thị của ông ta, cả hai đều diễn ra vào tháng 8 năm 1918, chỉ thị thứ nhất lấy từ bài nói chuyện của ông ta với công nhân, chỉ thị thứ hai là một tài liệu mật gửi cho các cán bộ Đảng tỉnh Penza: 

Kulak căm thù chính quyền Xôviết và sẵn sàng bóp cổ, sẵn sàng cắt cổ hàng trăm ngàn công nhân… Hoặc là kulak cắt cổ rất nhiều công nhân hoặc là công nhân đập tan cuộc bạo loạn của kulak, cuộc bạo loạn của thiểu số dân chuyên nghề ăn cướp chống lại chính quyền của nhân dân lao động… Kulak là bọn bóc lột thô lỗ nhất, tàn bạo nhất, man rợ nhất… Bọn uống máu người đó đã làm giàu trên sự đói khổ của nhân dân trong thời chiến… Bọn nhện độc đó đã béo lên vì bóc lột những người nông dân bị phá sản trong thời chiến, béo lên vì bóc lột những người công nhân đói khát. Những con đỉa đó đã hút máu quần chúng lao động, chúng càng giàu thì công nhân trong các thành phố và các công xưởng càng đói khát thêm. Những con qủy hút máu người đó đã giành được các khu đất của địa chủ, chúng tiếp tục nô dịch những người nông dân nghèo khổ.

Hãy thẳng tay với bọn kulak! Hãy giết chết chúng![6] 

Các đồng chí! Phải đàn áp cuộc bạo loạn của kulak ở năm huyện một cách không khoan nhượng. Lợi ích của cách mạng đòi hỏi phải làm như thế vì bây giờ là “trận quyết định với kulak’” Cần phải cho mọi người thấy. 

1.Treo cổ (nhất định phải treo cổ để cho dân chúng thấy) ít nhất là 100 tên kulak, bọn nhà giàu, bọn hút máu người. 
2. Công bố tên tuổi bọn chúng. 
3. Tịch thu tất cả lúa mì của chúng. 
4. Bắt con tin, như bức điện hôm qua đã nói. Phải làm sao để cách cả trăm dặm nhân dân vẫn nhìn thấy, run sợ, biết và thét lên: Bóp cổ bọn hút máu người, bọn kulak. 

Điện cho biết đã nhận được và quá trình thực hiện. 
Lenin.
P/S. Phải tìm cho được những người thực sự cứng rắn[7].  
Đáp lại những cuộc đàn áp chống lại nông dân, cả người giàu lẫn người nghèo, là sự sụt giảm diện tích canh tác vì nông dân không muốn “dư thừa” để khỏi bị tịch thu. Đồng thời, vì ngựa đã bị đưa ra mặt trận, sức kéo giảm cũng dẫn đến năng suất giảm. Sản lượng ngũ cốc giảm từ 78,2 triệu tấn vào năm 1913 xuống còn 48,2 triệu tấn vào năm 1920. 

Đầu năm 1921, tất cả những vấn đề mà chính phủ của Lenin tự khoác lên vai, vì muốn áp đặt chủ nghĩa cộng sản cho một đất nước phần nhiều là phản động - đấy là theo lời của chính ông ta, đều trở thành cực kì căng thẳng. Tháng 1, Kronshtadt, căn cứ hải quân gần Petrograd, vốn là dinh luỹ của chủ nghĩa cộng sản, nổi loạn và ra lời kêu gọi nhân dân đứng lên chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Đồng thời, ở Petrograd cũng diễn ra các cuộc bãi công phản đối nạn thiếu lương thực. Những cuộc khởi nghĩa nông dân làm rung chuyển tỉnh Tambov. 

Không do dự, Lenin đã hạ lệnh đàn áp những vụ bạo loạn một cách cực kì khốc liệt, kể cả sử dụng hơi ngạt. Nhưng ông ta cũng buộc phải thú nhận rằng, biện pháp quân sự không thôi thì chưa đủ. Đầu năm 1921, ông ta tuyên bố áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP), mà điểm quan trọng nhất là bãi bỏ việc tịch thu lương thực: từ nay trở đi nông dân chỉ phải đóng thuế bằng hiện vật và được quyền bán số lương thực thừa trên thị trường tự do. Chính phủ cũng cho phép buôn bán và sản xuất hàng tiêu dùng một cách hạn chế. Nhưng chính phủ vẫn giữ quyền kiểm soát cái mà họ gọi là “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh, mà cụ thể là công nghiệp nặng, ngoại thương, ngân hàng, phương tiện giao thông và liên lạc. 

Nhưng đã quá muộn, những nhượng bộ đó không đủ sức ngăn chặn nạn đói, chưa một nước châu Âu nào từng trải qua một nạn đói khủng khiếp đến như thế. Do hạn hán, nạn đói đã cướp đi sinh mạng của 5,2 triệu nạn nhân và hậu quả sẽ còn khủng khiếp hơn nhiều nếu tổ chức American Relief Administration, một tổ chức của Hoa Kỳ do Herbert Hoover, tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, không kịp thời giúp đỡ. Tổ chức này đã cung cấp lương thực cho 25 triệu người. 
Công việc khôi phục trong giai đoạn NEP diễn ra với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Năm 1928 sản lượng ngũ cốc đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1913. 

Nhiều người ở Nga, cũng như bên ngoài nước này, cho rằng NEP chính là sự từ bỏ chủ nghĩa cộng sản. Người ta đã bắt đầu nói đến “Termidor Nga”, ám chỉ những sự kiện diễn ra vào năm 1794, dẫn đến sự sụp đổ và hành hình những người Jacobin ở Pháp. Nhưng sự so sánh ở đây hoá ra khập khiễng: Thứ nhất, những người Jacobin Nga nắm chắc quyền lực; thứ hai, họ coi những nhượng bộ đó chỉ là một cú giải lao tạm thời. Các sự kiện đã diễn ra đúng như thế. 
_____________

Bolshevik cướp được chính quyền vì thời thế đã tạo cho họ cơ hội. Họ không có ý định thu mình trong biên giới quốc gia, họ tin rằng nếu không xuất khẩu được cách mạng sang các nước đã công nghiệp hoá thì họ sẽ không thể trụ được trước những cuộc tấn công khi lực lượng tư bản quốc tế liên hiệp lại. Lenin đã nói một cách công khai: “Chúng ta luôn biết rằng không thể thực hiện được sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa trong một nước [8]. Trong diễn văn đọc vào năm 1920, ông ta đã nói đến khía cạnh quốc tế của cách mạng Nga một cách không úp mở như sau: 

(Tháng 11 năm 1917) chúng ta đã biết rằng chiến thắng của chúng ta sẽ vững chắc khi, và chỉ khi sự nghiệp của chúng ta giành được thắng lợi trên toàn thế giới[9].

Cho nên về mặt đối nội, bên trong biên giới, cộng sản là một nhà nước cực kì bảo thủ, không chấp nhận bất kì sáng kiến nào từ bên dưới, nhưng ở nước ngoài và chỉ ở nước ngoài, thì họ lại thi hành chính sách cấp tiến, kích động chính cái khối quần chúng mà ở trong nước họ đã cố tình bịt miệng. 
Mưu toan xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các nước bại trận ở Trung Âu được bắt đầu ngay vào giai đoạn cuối của Thế chiến I. Tháng 1 năm 1919, Moskva tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Đức, nhưng đã bị đè bẹp ngay sau đó. Ở Hungary, cộng sản đã giành được kết quả khả quan hơn, chính quyền cộng sản đứng vững được nửa năm (năm 1919) vì Nga hứa sẽ bảo vệ nếu quân đội Rumania can thiệp. Chính quyền tay sai bù nhìn đã sụp đổ sau khi Nga không thực hiện lời hứa. Những mưu toan tương tự cũng được thực hiện ở các nước khác, ví dụ như ở Viena, nhưng ở đây họ đã bị bóp chết ngay từ trong trứng nước. 

Sự kiện đáng thất vọng hơn cả trong việc xuất khẩu cách mạng diễn ra vào mùa hè năm 1920. Tháng 4 năm đó, nhằm ngăn chặn sự phục hồi đế chế Nga và tách Ukraine ra khỏi Liên Xô, Ba Lan liên kết với những người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Ukraine tấn công nước này. Nhưng dân Ukraine đã không nổi dậy như Ba Lan hy vọng và họ đã phải mau chóng rút lui. 

Khi Hồng quân tiến đến biên giới Ba Lan, Bộ Chính trị phải quyết định: dừng lại hay tiếp tục tiến sang phía Tây. Lenin kiên quyết đòi phải tiếp tục tấn công và cũng như mọi khi, ông ta đã thuyết phục được những người phản đối. Ông ta tin rằng tình hình ở Đức và Anh đã chín muồi, cuộc thâm nhập của lực lượng vũ trang cộng sản sẽ khơi mào cho cách mạng bùng nổ. Mùa hè năm 1920, Hồng quân, có các chính uỷ người gốc Ba Lan đi theo, đặt chân lên đất Ba Lan. Hồng quân kêu gọi công nhân và nông dân Ba Lan đứng lên giành lấy tài sản của tư sản và địa chủ; ở Nga, những khẩu hiệu này tỏ ra rất có hiệu quả. Nhưng ở Ba Lan, tất cả các giai cấp đều đứng lên bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa giành được. Trong trận đánh dưới chân thành Warsaw, một trong những trận đánh quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại, người Ba Lan đã đập tan và đẩy lùi được Hồng quân. 

Lenin không thể che giấu thất vọng. “Người Ba Lan coi Hồng quân là kẻ thù chứ không phải những người anh em, những người giải phóng họ”, ông ta cay đắng nói. 

Trong tình cảm, suy nghĩ và hành động, họ đã chứng tỏ là những tên đế quốc, những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, chứ không phải là những người cách mạng, những người xã hội chủ nghĩa. Cách mạng đã không diễn ra ở Ba Lan, như chúng ta từng hy vọng. Công nhân và nông dân đã bảo vệ kẻ thù giai cấp của mình, họ buộc những người lính Hồng quân dũng cảm của chúng ta phải chịu đói khát, họ đã phục kích và đánh đến chết các chiến sĩ của chúng ta[10]

Kết luận được ông ta rút ra là: không bao giờ được sử dụng Hồng quân như là biện pháp xuất khẩu cách mạng nữa. Thay vào đó, cần phải tìm mọi cách giúp đỡ những người cộng sản ở mỗi nước, kể cả giúp đỡ về mặt tài chính. 

Và đây là bài học thứ hai của ông ta: muốn xuất khẩu cách mạng ra bên ngoài biên giới Nga thì tốt nhất là phát động một cuộc chiến tranh thế giới mới. Trong cuộc chiến tranh này, nước Nga Xô Viết phải giữ vai trò trung lập và chỉ tham gia khi hai bên đã cùng kiệt sức. Từ năm 1921, Moskva bí mật hợp tác quân sự với Đức chính là nhằm mục đích như thế. 


[1] Richard Pipes, A Concise History of the Russian Revolution (Lịch sử rút gọn của Cách mạng Nga) (New York, 1995).
[2] V. I. Lenin, Polnoe sobranie cochinenii (Toàn tập), 5 th ed. (Moscow, 1958-65), tập 41, trang 383

[3] Richard Pipes, The Russian Revolution (Cách mạng Nga), (New York 1990), trang 696
[4] L. N. Kristman, Geroicheskii period velikoi revoliutsii (Giai đoạn anh hùng của cuộc cách mạng vĩ đại,) (Moskva, 1926), trang 166.
[5] Isaac Steinberg, In the Workshop of Revolution (tạm dịch: Trong phân xưởng của cách mạng) (London, 1955), trang 145

[6] V. I. Lenin, Polnoe sobranie cochinenii (Toàn tập), tập 37, trang 39-41
[7] Richard Pipes, ed. The Unknown Lenin (Lenin chưa được biết tới) (New Haven, conn., 1996), trang 50 
[8] A. G. Latyshev, Rasskrechennyi Lenin(Lenin được giải mật (Moskva, 1996), trang 40. Bài này không được đưa vào Toàn tập của Lenin. 
[9] Lenin, Polnoe sobranie sochinenii (Toàn tập), tập 42, trang 1
[10] Clara Zetkin, Reminiscences of Lenin (Những kỷ niệm về Lenin - London 1929), trang 20.

No comments:

Post a Comment