Richard Pipes
Phạm Nguyên Trường dịch
VI. Nhìn lại
Chủ nghĩa Marx là một giấc mộng hão huyền vĩ đại nhất thế kỷ (XX)[1].
Đã đến lúc trả lời cho câu hỏi được nêu ra ngay
trong lời nói đầu: đâu là nguyên nhân thất bại của chủ nghĩa cộng sản – thực
thi sai hay nó có những khiếm khuyết thuộc về bản chất? Các bằng chứng lịch sử
nghiêng hẳn về vế thứ hai. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một hệ tư tưởng
tốt, bị người ta đối xử không đúng, mà là một hệ tư tưởng sai ngay từ
đầu.
Từ năm 1917, nghĩa là từ khi những người
Bolshevik cướp được chính quyền ở nước Nga, mưu toan xây dựng xã hội theo các
nguyên tắc cộng sản đã được lặp đi lặp lại hàng chục lần trên khắp thế giới.
Moskva hào phóng giúp đỡ cả về tiền bạc lẫn vũ khí và định hướng. Nhưng rồi tất
cả đều thất bại. Cuối cùng, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay ở nước Nga và hôm
nay, nó chỉ còn tồn tại trong mấy nước: Trung Quốc, Bắc Hàn, Việt Nam và Cuba,
nhưng ở đây nó cũng đang trong quá trình phân rã; để giữ chính quyền, cộng sản
đã phải nhượng bộ rất nhiều. Kết quả của cuộc thí nghiệm đáng buồn đó cho phép
ta giả định rằng các tiền đề hay cương lĩnh cộng sản hoặc cả hai đều có những
khiếm khuyết không thể khắc phục được.
Trước hết hãy xem xét sự tan rã của Liên Xô, nhà
nước cộng sản đầu tiên và cũng là động cơ chủ yếu của toàn bộ phong trào cộng
sản quốc tế. Các nghiên cứu được công bố sau năm 1991 đã đưa ra hàng loạt
nguyên nhân: kinh tế trì trệ, công dân Liên Xô có điều kiện tiếp xúc với các
nguồn thông tin nước ngoài, thất bại ở Afghanistan, không đủ sức theo đuổi cuộc
chạy đua vũ trang v.v… Chính quyền bất lực trước phong trào bất đồng chính kiến
ở trong nước và sau đó, phong trào Đoàn kết ở Ba Lan đã làm cho tinh thần ban
lãnh đạo Liên Xô suy sụp. Lời thách thức chủ nghĩa cộng sản do Tổng thống
Reagan tung ra đã làm cho ban lãnh đạo Liên Xô, những người vẫn tin rằng sau
thất bại ở Việt Nam người Mỹ sẽ không còn hứng thú với chiến tranh lạnh nữa và
sẽ lui về chủ nghĩa biệt lập, càng thêm lúng túng. Không nghi ngờ gì rằng tất
cả các sự kiện đó đều có vai trò nhất định. Nhưng chúng không thể làm sụp đổ
được một đế chế đầy tiềm lực, nếu như đấy là một cơ thể khoẻ mạnh. Chúng chỉ phát
huy tác dụng với một cơ thể ốm yếu mà thôi.
Chủ nghĩa Marx, cơ sở lý luận của chủ nghĩa cộng
sản đã mang sẵn trong mình hạt giống của sự tự huỷ, tương tự như các hạt giống
mà Marx và Engels đã nhận thấy, một cách sai lầm, trong chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa
Marx hình thành trên một triết lý sai lầm về lịch sử và một học thuyết tâm lý
phi thực tế.
Luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx về sở hữu tư
nhân là hoàn toàn sai. Luận điểm này cho rằng sở hữu tư nhân, mà nó cố gắng
tiêu diệt, là một hiện tượng lịch sử nhất thời, chỉ tồn tại trong giai đoạn
chuyển tiếp giữa chủ nghĩa cộng sản nguyên thuỷ và giai đoạn sau chót của nó mà
thôi. Các chứng cớ hiện có đều chứng tỏ rằng đất đai, nguồn gốc chủ yếu của tài
sản vào thời tiền sử, nếu không nằm trong tay nhà vua thì cũng nằm trong tay
các bộ lạc, gia đình hay cá nhân riêng lẻ. Gia súc cũng như thương mại và vốn
liếng luôn luôn và khắp nơi đều nằm trong tay tư nhân. Từ đó có thể rút ra kết
luận rằng sở hữu tư nhân không phải là một hiện tượng nhất thời mà là một thành
tố thường trực của xã hội và vì thế mà không thể bãi bỏ được.
Quan điểm của chủ nghĩa Marx về khả năng cải tạo
ngay cái bản chất của con người cũng có khiếm khuyết không kém. Quan niệm này
cho rằng, bằng cưỡng ép và giáo dục, có thể tạo ra những con người hoàn toàn
không còn ước mơ sáng tạo, những con người sẵn sàng tan biến vào xã hội, cái xã
hội mà Plato mường tượng: “riêng tư và tư hữu bị loại bỏ khỏi đời sống”. Giả sử
như các chế độ cộng sản, bằng những cố gắng vô bờ bến, có đạt được điều đó thì
họ cũng không thể nào giữ được thành quả. Các chuyên gia huấn luyện thú đều
biết rằng sau một thời gian luyện tập các con thú có thể làm được một số trò,
nhưng nếu để cho tự do thì chúng sẽ quay về với những hành vi tự nhiên. Hơn thế
nữa, các đức tính tốt do học hỏi mà có không có tính di truyền, thế hệ kế tiếp
sẽ bước vào thế giới với những ước mơ không phải là cộng sản và trong số đó, có
ước mơ sáng tạo, một mơ ước không phải là không có ý nghĩa. Cuối cùng, chủ
nghĩa cộng sản đã thất bại vì nó không thể làm thay đổi được bản chất của con
người. Mussolini đã rút ra kết luận như thế vào năm 1920, lúc đó ông ta đã ra
nhập đảng phát xít nhưng vẫn còn cảm tình với cộng sản:
Lenin là một nhà điêu khắc, ông ta làm việc với con người trong khi các
nhà điêu khắc khác làm việc với đá hay kim loại. Nhưng con người lại cứng hơn
đá hoa cương và không thể đúc được như kim loại. Chẳng có tuyệt tác nào cả.
Điêu khắc gia đã thất bại. Nhiệm vụ vượt quá năng lực của ông ta[2].
Thế giới hiện thực đã buộc các chế độ cộng sản
phải coi bạo lực là biện pháp quản lý thường trực. Muốn bắt người ta từ bỏ sở
hữu và hy sinh quyền lợi của mình cho quyền lợi của nhà nước thì phải trao cho
các cơ quan quản lý quyền lực tuyệt đối. Chính Lenin đã hiểu như thế khi nói
rằng “chuyên chính vô sản” là “chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực, không bị
hạn chế bởi bất cứ luật lệ nào, không bị gò bó bởi bất cứ nguyên tắc
nào”.
Kinh nghiệm cho thấy, chế độ như thế có thể tồn
tại được: chế độ này đã được áp đặt lên nước Nga và những nước nằm dưới quyền
kiểm soát của nó như Trung Quốc, Cuba, Việt Nam, Campuchia và một loạt các nước
khác ở châu Phi và châu Mỹ Latin. Nhưng cái giá phải trả là sự đau khổ không
thể nào đo đếm được; những nỗi khổ đau mà nhân dân phải chịu đựng đã làm tiêu
ma mục đích chính của các chế độ này, mà cụ thể là bình đẳng.
Khi biện hộ cho chế độ dựa trên bạo lực, Lenin
tin rằng đấy chỉ là tạm thời và sau khi đã hoàn thành niệm vụ, nhà nước chuyên
chính sẽ cáo chung. Nhưng ông ta đã quên mất rằng cái khái niệm trừu tượng gọi
là “nhà nước” lại bao gồm những con người mà dù vai trò lịch sử của họ có là gì
đi nữa thì họ vẫn có những quyền lợi cá nhân. Mặc dù xã hội học Marxist cho
rằng nhà nước chỉ phục vụ giai cấp hữu sản, bản thân nó không có quyền lợi gì;
nhưng, trên thực tế, chẳng bao lâu sau, các viên chức của nó đã tự tạo ra một
giai cấp mới. “Đảng tiên phong”, tổ chức có sứ mệnh mở đường tiến vào thời đại
mới, trở thành giá trị tự thân và mục đích tự thân.
Nhà nước, đúng hơn phải nói, đảng cộng sản,
không còn cách nào khác hơn là phải nuông chiều giai cấp mới này, vì, nó chính
là lực lượng bảo vệ quyền lực cho đảng. Dưới chế độ cộng sản, tầng lớp quan
liêu phát triển với tốc độ chóng mặt, vì một lý do đơn giản là tất cả các mặt
của đời sống xã hội, trong đó có kinh tế, đều do nhà nước quản lý; để làm được
điều đó, phải có một đội ngũ quan chức đông đảo. Tầng lớp quan liêu này thường
xuyên trở thành lũ dê tế thần trong tất cả các chế độ cộng sản, nhưng không chế
độ nào có thể thoát được họ. Ở Liên Xô, chỉ một thời gian ngắn sau khi cướp
được chính quyền, chế độ đã cung cấp cho các cán bộ chủ chốt của mình những
khoản ưu đãi vô tiền khoáng hậu, chính từ tầng lớp này đã hình thành cái gọi là
nomenclatura, tức là giai tầng đặc quyền đặc lợi thế tập. Lý tưởng bình đẳng đã
chấm dứt như thế đấy. Như vậy nghĩa là, muốn mọi người đều được bình đẳng về sở
hữu thì phải tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi. Mâu thuẫn giữa mục đích và
phương tiện đã ăn sâu bén rễ trong lòng chủ nghĩa cộng sản và đời sống của tất cả
các quốc gia, nơi mà nhà nước nắm trọn tất cả các phương tiện sản xuất.
Phải công nhận rằng thỉnh thoảng người ta lại
tìm cách giải thoát nhà nước và xã hội khỏi gông cùm của bộ máy quan liêu cộng
sản. Lenin và Stalin đã tiến hành các vụ thanh trừng, dưới thời Stalin, các
chiến dịch như thế thường trở thành những vụ giết người hàng loạt. Mao tiến
hành “cách mạng văn hoá” nhằm đập tan ảnh hưởng của các nhân vật quan liêu
trong đảng. Nhưng tất cả đều thất bại. Cuối cùng, bao giờ tầng lớp nomenclatura cũng vẫn chiếm được thế
thượng phong vì thiếu họ thì chẳng thể làm được gì.
Các cuộc thử nghiệm cộng sản bằng con đường dân
chủ cũng đều thất bại. Như kinh nghiệm của Chile dưới thời Allende cho thấy,
nếu còn tự do ngôn luận, nếu còn toà án và cơ quan lập pháp dân cử độc lập thì
mọi sự xâm phạm quyền tư hữu đều không thể tạo ra được kết quả mong muốn vì lực
lượng đối lập, vốn bị đàn áp khốc liệt dưới chính thể “chuyên chính vô sản”, sẽ
có khả năng tổ chức kháng cự. Hàng ngũ đối lập sẽ gia tăng và dễ dàng lật đổ
chính phủ cách mạng. Năm 1990, ở Nicaragua, lực lượng cộng sản-sandinist đang
nắm quyền tin rằng sẽ được đa số dân chúng ủng hộ nên đã tổ chức bầu cử theo
lối phổ thông đầu phiếu; nhân dân đã loại bỏ họ.
Xu hướng quan liêu hoá, vốn là bản chất của các
chế độ cộng sản, cũng là nguyên nhân dẫn tới các thất bại trong lĩnh vực kinh
tế, giúp cho chế độ mau sụp đổ hoặc buộc họ chỉ giữ được cái vỏ cộng sản, nhưng
phải chia tay với tất cả những gì mà cái vỏ đó che đậy. Quốc hữu hoá các phương
tiện sản xuất chỉ dẫn đến kết quả là đã chuyển quyền quản lý tất cả các phương
tiện đó vào tay các quan chức, những người không có kiến thức quản lý và cũng
chẳng có nhu cầu quản lý cho có hiệu quả. Hậu quả tất yếu sẽ là: năng suất lao
động giảm. Ngoài ra, sự thiếu năng động, vốn là bản chất của bộ máy quản lý tập
trung, đã không cho phép nền kinh tế cộng sản phản ứng một cách nhạy bén với
các tiến bộ kĩ thuật; đấy là lý do vì sao Liên Xô đã bỏ qua một loạt các phát
minh công nghệ quan trọng nhất, mặc dù nước này đã đạt được những thành tựu
đáng kể trong lĩnh vực khoa học. Như F. Haeyk đã chỉ rõ, chỉ có thị trường mới
có khả năng nắm bắt và phản ứng tức thời trước các thay đổi trong lĩnh vực kinh
tế. Và chỉ hy vọng trở thành người giàu có mới có thể buộc người ta gắng sức,
tức là buộc người ta cố gắng làm nhiều hơn các nhu cầu đơn giản nhất của mình.
Dưới chế độ cộng sản, các tác nhân như thế đơn giản là không tồn tại, người
càng tích cực thì càng khổ, vì nếu hoàn thành được nhiệm vụ năm nay, thì năm
sau sẽ được giao nhiều hơn.
Chính sách kinh tế của cộng sản gây ra những tổn
thất nặng nề nhất cho lĩnh vực nông nghiệp, vốn là thành phần kinh tế chủ yếu
của các nước nằm dưới quyền cai trị của cộng sản. Việc tịch thu ruộng đất của
tư nhân và sau đó là quá trình hợp tác hoá đã phá vỡ trật tự truyền thống và
lối sống ở làng quê, dẫn đến những vụ chết đói hàng loạt với số lượng nạn nhân
nhiều chưa từng có. Chuyện đó đã xảy ra ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở Ethiopia, ở
Campuchia; mỗi nước đều có hàng triệu người chết vì nạn đói do chính con người
gây ra. Ở Bắc Triều Tiên cộng sản, trong những năm 1990, phần lớn trẻ em bị mắc
những căn bệnh do đói ăn mà ra; theo các số liệu hiện có, trong nửa sau của
thập kỉ 1990, gần hai triệu người Bắc Hàn đã bị chết đói. Ở nước này, tỉ lệ tử
vong ở trẻ sơ sinh là 88 trên 1000, trong khi ở Hàn Quốc là 8 trên 1000; tuổi
thọ của đàn ông Bắc Hàn là 48,9 trong khi ở Hàn Quốc là 70,4. Thu nhập tính
trên đầu người Bắc Hàn là 900 USD, trong khi ở Nam Hàn là 13.700 USD.
Việc chính quyền cộng sản không thể tạo được sự
sung túc và bình đẳng, nghĩa là không đạt được những mục tiêu mà nó công bố,
không phải là mâu thuẫn duy nhất vốn có của chủ nghĩa cộng sản. Mâu thuẫn tiếp
theo phải kể là không có tự do, tự do cùng với sự dư thừa về mặt vật chất và lẽ
công bằng, theo Marx, là những mục đích cuối cùng của xã hội cộng sản. Quốc hữu
hoá tất cả các phương tiện sản xuất đã biến các công dân thành người lao động
làm thuê cho nhà nước, nói cách khác, đã biến họ thành những người phụ thuộc
vào nhà nước. Trotsky viết: “Trong một đất nước mà nhà nước là người sử dụng
lao động duy nhất, đối lập có nghĩa là sẽ chết đói một cách từ từ. Nguyên tắc
cũ: không làm thì không ăn đã bị thay bằng nguyên tắc mới: không tuân phục thì
không ăn”. Nhà nước phải công nhận quyền của công dân đối với tài sản mà
họ sở hữu - và sự tôn trọng đối với quyền sở hữu được thể hiện một cách rõ ràng
– mới bảo đảm được quyền tự do. Vì sở hữu tư nhân là tiêu chuẩn pháp lý được
toà án bảo vệ, điều đó cũng có nghĩa là sự công nhận tinh thần thượng tôn pháp
luật của nhà nước. Nghĩa là, mục đích của cộng sản là bãi bỏ tư hữu nhất định
sẽ dẫn tới tiêu diệt tự do và tôn trọng pháp luật. Việc quốc hữu hoá các phương
tiện sản xuất không giải phóng con người khỏi tình trạng lệ thuộc vào vật chất,
như Marx và Engels mường tượng, mà còn biến họ thành nô lệ của nhà cầm quyền và
vì luôn luôn ở trong tình trạng thiếu thốn cho nên con người càng lệ thuộc vào
quyền lợi vật chất hơn bao giờ hết.
Xin chấm dứt việc khảo sát những cố gắng nhằm áp
dụng chủ nghĩa cộng sản trong biên giới của từng quốc gia ở đây. Trên bình diện
quốc tế, chủ nghĩa cộng sản cũng chẳng khá hơn. Coi chủ nghĩa tư bản là hiện
tượng toàn cầu, những người Marxist khẳng định rằng, thanh toán nó cũng là công
việc của toàn thế giới: khẩu hiệu “Vô sản các nước liên hiệp lại!”, được tung
ra trong tác phẩm Tuyên ngôn cộng sản, năm 1840, được cả những
người xã hội chủ nghĩa lẫn những người cộng sản vồ vập, là phương châm đoàn kết
của những người lao động trên toàn thế giới.
Nhưng sự thống nhất của giai cấp vô sản hoá ra
chỉ là hoang tưởng. Dù tình hữu ái giai cấp có cao đến đâu thì tình yêu quê
hương và giống nòi vẫn luôn luôn giữ thế thượng phong. Hễ bị nước ngoài đe doạ
là tất cả giai cấp lập tức đoàn kết lại. Những người xã hội chủ nghĩa đã học
được bài học này vào năm 1914. Lúc đó, trái với mọi lời thề nguyện, tất cả các
đảng thuộc Quốc tế II, gần như không có ngoại lệ, đểu ủng hộ chính phủ “tư sản”
nước mình và thông qua ngân sách chiến tranh. Lenin học lại bài học này vào năm
1920, lúc đó công nông Ba Lan đã đoàn kết đứng lên bảo vệ đất nước chống lại
Hồng quân xâm nhập vào Ba Lan với mục đích “giải phóng” người lao động khỏi
“bóc lột”. Những chuyện như thế còn xảy ra nhiều lần nữa.
Có điều là, những chuyện như thế không chỉ xảy
ra trong các xã hội gọi là còn giai cấp. Ngay trong các nước do cộng sản nắm quyền,
tức các xã hội được coi là phi giai cấp thì sự thống trị của Liên Xô cũng luôn
làm người ta khó chịu và hễ có điều kiện là họ lại tìm cách thoát ra khỏi tình
trạng như thế. Sự kiện đó diễn ra lần đầu tiên ở Nam Tư, nhưng kịch tính nhất
là ở Trung Quốc. Chưa đầy mười năm sau khi nắm được chính quyền, cộng sản Trung
Quốc đã tuyên bố rằng họ có quyền thực hiện và tuyên truyền mô hình chủ nghĩa
Marx của riêng mình và trong khi khẳng định như thế, họ gần như đã đi đến đối
đầu về quân sự với Liên Xô, nước được coi anh cả và mô hình cần phải theo.
Khmer Đỏ còn tiến xa hơn, khi họ tự coi mình là độc đáo và khẳng định rằng mô
hình cộng sản của họ chẳng có gì chung với cả Nga lẫn Trung Quốc. Phong trào
cộng sản châu Âu cũng hành động tương tự như thế, khi đòi hỏi chủ nghĩa đa
nguyên (“đa trung tâm”), mà đấy là đòi hỏi vào lúc Liên Xô đang ở đỉnh cao
quyền lực của mình.
Chỉ có thể ngăn chặn các lực li tâm như thế bằng một biện pháp: giữ cho các đảng ngoại quốc đó trong tình trạng èo uột, nghĩa là, buộc các đảng đó phải lệ thuộc hoàn toàn vào Moskva; hễ được cử tri ủng hộ là các đảng này lập tức đòi được tự trị, thậm chí là đòi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan: phong trào cộng sản quốc tế sẽ phải ở trong tình trạng cô lập và yếu kém, chỉ là công cụ dễ bảo nhưng thiếu hiệu quả của Moskva, hoặc là nó phải tìm được sức mạnh và gây được ảnh hưởng, nhưng sẽ giải thoát khỏi quyền lực của Moskva và phá vỡ tình đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Đây chính là trường hợp mà người ta vẫn nói: không có lựa chọn thứ ba.
Chỉ có thể ngăn chặn các lực li tâm như thế bằng một biện pháp: giữ cho các đảng ngoại quốc đó trong tình trạng èo uột, nghĩa là, buộc các đảng đó phải lệ thuộc hoàn toàn vào Moskva; hễ được cử tri ủng hộ là các đảng này lập tức đòi được tự trị, thậm chí là đòi thoát khỏi tình trạng lệ thuộc. Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan: phong trào cộng sản quốc tế sẽ phải ở trong tình trạng cô lập và yếu kém, chỉ là công cụ dễ bảo nhưng thiếu hiệu quả của Moskva, hoặc là nó phải tìm được sức mạnh và gây được ảnh hưởng, nhưng sẽ giải thoát khỏi quyền lực của Moskva và phá vỡ tình đoàn kết của phong trào cộng sản quốc tế. Đây chính là trường hợp mà người ta vẫn nói: không có lựa chọn thứ ba.
Các khiếm khuyết như thế, vốn là bản chất của
chủ nghĩa cộng sản, đã được nhiều môn đồ nhận ra và đấy chính là lý do cho sự
xuất hiện “chủ nghĩa xét lại” đủ mọi trường phái. Nhưng những người cộng sản
trung kiên lại cho rằng, thất bại không phải là do học thuyết sai mà chỉ chứng
tỏ rằng họ chưa quyết tâm thực hiện mà thôi. Đúng như định nghĩa của George
Santayana: Cuồng tín là những người cố gắng gấp đôi sau khi đã quên mục đích
chính của mình, những người cộng sản đã lao vào những vụ chém giết điên cuồng.
Kết quả là, từ Lenin đến Stalin, từ Stalin đến Mao và Pol Pot, chủ nghĩa cộng
sản đã để lại trên đường đi của mình những biển máu ngày càng lớn hơn.
Nói chung, chủ nghĩa cộng sản đã thất bại và
nhất định thất bại ít nhất là vì hai lý do chính; thứ nhất, để có công bằng,
nghĩa là để đạt được mục tiêu chính của mình, chế độ phải lập ra bộ máy đàn áp
và đến lượt nó, bộ máy này đòi phải có đặc quyền đặc lợi và như vậy tự nó đã
phủ nhận lẽ công bằng; thứ hai, mỗi khi có mâu thuẫn thì lòng yêu quê hương và
nòi giống luôn luôn lấn át tình hữu ái giai cấp, đấy là lý do vì sao chủ nghĩa
cộng sản dễ hoà tan vào chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội dễ dàng kết hợp
với chủ nghĩa “phát xít”. Nhận thức được điều đó, Đảng Cộng sản Liên bang Nga,
hậu duệ của Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1990, đã từ bỏ khẩu hiệu kêu gọi giai
cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại.
Nhà xã hội học người Đức, gốc Italy, Robert
Michels, đã dự đoán được bước ngoặt như thế và dự đoán chính xác rằng: “Những
người xã hội chủ nghĩa có thể chiến thắng, nhưng chủ nghĩa xã hội thì không bao
giờ”.
Còn một lý do nữa, cụ thể hơn, theo đó, các chế
độ cộng sản được xây dựng theo sơ đồ của Lenin, về bản chất là mâu thuẫn với
việc thực thi lý tưởng cộng sản. Xuất phát từ luận điểm về sự cáo chung tất yếu
của chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu, Lenin đã xây dựng bộ máy quản lý
của mình theo mô hình quân đội. Chế độ cộng sản ở Liên Xô và những kẻ theo đuôi
họ đã thực hiện việc quân sự hoá đời sống xã hội, buộc tất cả đều phải chịu sự
chỉ huy từ trung ương. Cơ cấu như thế sẽ không có khả năng động viên toàn bộ
sức người sức của, cho nên không thể có phản ứng hữu hiệu trước những thách
thức và không thể khuyếch trương ảnh hưởng của nó ra nước ngoài. Nó còn kém
hiệu quả, phải nói là tê liệt, khi phải phản ứng trước những thách thức không
thể giải quyết được bằng quân sự. Khi cuộc cách mạng thế giới mà người ta chờ
đợi không diễn ra, chế độ Xô Viết, trên thực tế, trở thành xơ cứng và cùng với
thời gian đã chạm trán với những khó khăn và đe doạ từ bên trong: thái độ bàng
quan và tính thụ động của quần chúng, dẫn tới sự tuột dốc liên tục của nền kinh
tế và lực lượng quân sự. Muốn giải quyết những khó khăn đó thì phải nới lỏng
dần các biện pháp quản lý.
Nhưng nới lỏng quản lý nhất định sẽ làm lung lay
toàn bộ chế độ vì nó vốn là một tổ chức hoàn chỉnh, nó chỉ có thể tồn tại dưới
sự quản lý tập trung nghiêm khắc nhất. Chỉ cần Gorbachev nới lỏng là trong lòng
chế độ lập tức xuất hiện các vết rạn nứt và chẳng bao lâu sau thì tan vỡ hẳn. Theo
nghĩa này, cộng sản là một chế độ không thể cải tạo được, nói cách khác, nó
không có khả năng thích nghi với những điều kiện đang thay đổi. Sự thiếu năng
động, vốn là bản chất của chủ nghĩa cộng sản, cuối cùng đã dẫn nó đến chỗ sụp
đổ.
______________
Vai trò của hệ tư tưởng, hay nói đúng hơn, vai
trò của cái được gọi là chủ nghĩa Marx-Lenin là một trong những vấn đề gây
nhiều tranh cãi. Một số nhà khoa học cho rằng, tư tưởng chính là lực lượng dẫn
dắt phong trào và các chế độ thoát thai từ phong trào đó, vì vậy, họ đã gọi
Liên Xô và Trung Quốc dưới thời Mao là idiocracy, nghĩa là những hệ thống được
điều khiển bởi các tư tưởng.
Tất nhiên, chủ nghĩa cộng sản không thể xuất
hiện nếu không có huyền thoại về một Thời đai Hoàng kim và nếu không có học
thuyết đề ra chiến lược đưa cái thời đại đầy hạnh phúc đó quay về trái đất, do
Marx lập ra và lần đầu tiên được Lenin đem áp dụng vào cuộc sống. Công nhận
điều đó không có nghĩa là công nhận khái niệm ideocracy, đơn giản là vì mọi tư
tưởng, dù là kinh tế hay chính trị, một khi đã được áp dụng vào cuộc sống thì
nhất định chúng sẽ tạo ra quyền lực và sẽ nhanh chóng trở thành công cụ của
quyền lực đó. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã được Adam Smith mô tả trong tác
phẩm Wealth of Nations (Của cải của các dân tộc). Nhưng không
ai có thể khẳng định rằng trong hai thế kỷ gần đây các nhà tư bản đã lựa chọn
phương thức hành động dưới ảnh hưởng của quan điểm về “bàn tay vô hình” của
Smith hay đã được dẫn dắt bởi bất cứ luận điểm nào khác trong lý thuyết của
ông. Cảm hứng của ông phù hợp với quyền lợi của các nhà tư sản và vì thế mà họ
chấp nhận, đơn giản chỉ có thế.
Không có cơ sở để khẳng định rằng điều đó cũng
đúng đối với chủ nghĩa Marx-Lenin. Quan điểm cho rằng hàng triệu đảng viên thường
cũng như các quan chức nhà nước tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết do một nhà
kinh tế học người Đức nghĩ ra từ thế kỷ XIX chỉ là quan điểm của một số trí
thức, trong đó dường như có người quả thật tin rằng nhân loại thường bị các hệ
tư tưởng xui khiến. Thời gian đầu, các đảng cộng sản thường có ít đảng viên và
họ cũng luôn bị săn đuổi; đảng viên là người chịu nhiều hiểm nguy chứ không
mong quyền lợi, vì vậy mà, đa số hoàn toàn có thể là do được tư tưởng thúc đẩy.
Nhưng, sau khi đã giành được chính quyền, sau khi có quyền phân chia quyền lợi
cũng như quyết định hình phạt, các đảng đó sẽ tìm được vô số cảm tình viên chỉ
ủng hộ hệ tư tưởng thống trị trên đầu môi chót lưỡi. Cuộc khảo sát được thực
hiện ở Liên Xô năm 1922 cho thấy chỉ có 0,6% đảng viên có bằng tốt nghiệp đại
học và 6,4% có bằng tốt nghiệp trung học. Trên cơ sở các số liệu đó, một nhà sử
học Nga đã đưa ra kết luận: 92,7% đảng viên không đủ kiến thức để thực hiện các
nhiệm vụ mà đảng giao phó (4,7% đảng viên là người mù chữ theo đúng nghĩa đen
của từ này). Năm 1921, Lenin đã phải cay đắng công nhận sự thật này, ông ta đã hạ
lệnh tiến hành “làm trong sạch” để loại bỏ những kẻ “cơ hội”. Cuộc chiến đấu
chống lại cái tất yếu chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu. Nhà nước càng mở rộng
quyền lực thì lại có nhiều những kẻ háo danh, những kẻ mà danh hiệu đảng viên
chỉ có nghĩa là địa vị và tiền bạc, tìm cách chui vào đảng. Quyền lực và sự tồn
vong của đảng trở thành mục đích chính. Tư tưởng chỉ còn là chiếc là nho che
đậy bản chất thật sự của chế độ: trong khi ba hoa về lòng trung thành với những
lý tưởng cao cả chính là lúc người ta đang theo đuổi những mục đích ích kỉ và
thực hiện những hành động xấu xa nhất.
Năm 1991, khi Liên Xô tan rã, nomenclatura, tức
là những người vẫn được coi là vệ binh cho sự trong sáng của hệ tư tưởng, đã
đầu hàng vô điều kiện và lập tức lợi dụng “tư hữu hoá” để thu vén và biến tất
cả tài nguyên cũng như phương tiện sản xuất của đất nước thành tài sản riêng của
mình. Chuyện đó thật khó xảy ra nếu bộ máy thực sự trung thành với hệ tư tưởng
Marx-Lenin.
Sergei, con của Nikita Khrushchev -
người kế tục Stalin từ năm 1953 đến năm 1964 – trong tiểu sử cha mình đã đưa ra
bằng chứng thú vị chứng tỏ vị trí thứ yếu của ý thức hệ Marxist trong
chính sách của cộng sản. “Ngay từ ngày còn là sinh viên”, Sergei viết:
Tôi luôn cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu nổi chủ nghĩa cộng sản chính
xác là gì… Tôi đã xin bố giảng cho nghe, nhưng ông cũng chẳng đưa ra được câu
trả lời rõ ràng. Tôi hiểu rằng chính ông cũng chưa thông lắm”[3].
Nếu ngay cả lãnh tụ của khối cộng sản, nhà tiên
tri không mệt mỏi về thắng lợi của nó trên toàn thế giới, còn không biết giải
thích cho con mình bản chất của chủ nghĩa cộng sản thì còn mong gì ở những đảng
viên thường?
Thái độ vụ lợi - cá nhân và nhà nước – là động
lực của các chế độ cộng sản và cũng chính điều đó đã thủ tiêu lý tưởng bình
đẳng của họ. Các lãnh tụ Liên Xô và Trung Quốc vẫn thường xuyên né tránh các
giáo lý Marxist nếu quyền lợi của họ đòi hỏi phải làm như thế! Năm 1917, Lenin
cho phép công nhân chiếm nhà máy, còn nông dân thì chiếm ruộng đất, mặc dù
những hành động vô chính phủ như thế là hoàn toàn trái với học thuyết Marxist.
Năm 1921, ông ta cho tái lập thị trường lương thực, thực phẩm và sản xuất hàng
tiêu dùng theo lối tư bản chủ nghĩa. Stalin giao cho nông dân một phần ruộng
đất và cho họ được bán sản phẩm theo giá thoả thuận. Trong những năm 1930, ông
ta khuyến khích thành lập ở nước ngoài các mặt trận đoàn kết dân tộc, nghĩa là
khuyến khích cộng sản hợp tác với những người dân chủ-xã hội, kẻ thù không đội
trời chung với chủ nghĩa cộng sản. Khrushchev chuyển từ chiến tranh giai cấp
trên toàn thế giới sang “chung sống hoà bình”. Mao tuyên bố ý chí của con người
có thể thắng được hiện thực khách quan, trong khi những người kế nhiệm ông ta
kêu gọi dân chúng làm giàu. Tất cả đều nhân danh chủ nghĩa cộng sản. Trong tất
cả các trường hợp, hệ tư tưởng đã bị hy sinh, dù là tạm thời, cho quyền lợi tối
thượng của đảng, mà bao giờ và ở đâu cũng chỉ là: giữ vững và mở rộng quyền lực
không giới hạn.
______________
Các thí nghiệm xây dựng xã hội không tưởng đã
phải trả giá quá đắt, không có cách nào thống kê được hết số nạn nhân. Stephane
Courtois, trong tác phẩm The Black Book
of Communism (Hắc
thư về chủ nghĩa cộng sản) cho rằng có từ 85 đến 100 triệu người
thiệt mạng, nghĩa là gấp 1,5 lần số người chết trong cả hai cuộc thế chiến.
Người ta đã đưa ra nhiều luận cứ để biện hộ, trong đó lý do: không đập vỡ trứng
thì làm sao có món trứng rán. Người dĩ nhiên không phải là trứng, nhưng tai hoạ
ở chỗ, sau những cuộc tắm máu kinh hoàng đã chẳng có món trứng rán nào
hết.
Những người sống sót cũng phải gánh chịu nhiều
mất mát. Nhằm tạo ra cho được sự đồng nhất, các chế độ cộng sản đã bỏ tù, bắt
lưu đầy và bịt miệng tất cả những người không chấp nhận cái thể chế, mà đây lại
thường là những người có năng lực và tháo vát nhất. Kết quả là, đã diễn ra một
cuộc tiến hoá giật lùi: những kẻ không thể tự lực, những kẻ chỉ biết vâng lời
lại có xác suất sống còn cao nhất. Trong khi những người tháo vát, trung thực
và có suy tư về xã hội thì bị giết hại. Xã hội cộng sản đã đánh mất những công
dân ưu tú nhất của mình như thế đấy, và vì vậy mà họ phải chìm đắm mãi trong
cảnh đói nghèo.
Nga là nước bị chế độ cộng sản cai trị lâu nhất
và một trong những hậu quả của nó là nhân dân mất hết lòng tin vào năng lực của
chính mình. Vì dưới chính quyền Xô Viết, mọi hoạt động đều phải được cấp trên
chuẩn y, còn sáng kiến thì bị coi là tội lỗi, cho nên dân chúng đã đánh mất khả
năng tự quyết, dù là việc lớn hay việc nhỏ (trừ việc phạm pháp); người ta luôn luôn
sống trong tình trạng chờ đợi mệnh lệnh. Sau giai đoạn hồ hởi chào đón tiến
trình dân chủ hoá, người ta lại cảm thấy thiếu một bàn tay sắt. Nhân dân không
có khả năng, mà cũng chẳng có ước muốn được đứng trên hai chân của chính mình
và tự quyết định lấy số phận của mình. Và đây là thiệt hại không nhỏ mà chủ
nghĩa cộng sản đã gây ra cho nhân dân Nga, cũng nhân dân các nước đã bị chế độ
cộng sản thôi miên trong một thời gian dài. Nó cũng giết chết cả sự tôn trọng
đối với lao động và tinh thần trách nhiệm trước xã hội của người công
dân.
Mong muốn sở hữu là thuộc về bản năng, còn tôn
trọng tài sản của người khác thì phải được giáo dục mới có. Các nghiên cứu về tâm
lý trẻ em cho ta thấy rõ điều đó. Nếu một người nào đó phát hiện ra rằng quyền
sở hữu của anh ta không được tôn trọng - dù đấy là từ phía chính quyền hay từ
phía xã hội – thì người đó chẳng những không còn tôn trọng quyền lợi vật chất
của xã hội và chính quyền nữa mà còn trở thành người truyền bá những bản năng
tham tàn nhất. Chính điều đó đã xảy ra sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô sụp đổ
và đấy cũng là cản trở cho quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường thực
thụ; một nền kinh tế dựa trên sự tôn trọng quyền tư hữu.
Marx khẳng định rằng chủ nghĩa tư bản có những
mâu thuẫn nội tại không thể nào giải quyết được và những mâu thuẫn này tất yếu
sẽ đưa nó đến chỗ diệt vong. Trên thực tế, chủ nghĩa tư bản là hệ thống có khả
năng thích nghi với các điều kiện luôn luôn thay đổi và đã học được cách vượt
qua các cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, chủ nghĩa cộng sản là hiện thân của học
thuyết cứng nhắc - một giả khoa học, được cải biên thành một giả tôn giáo rồi
hoá thân thành một chế độ chính trị thiếu uyển chuyển – đã chứng tỏ là không có
khả năng giải thoát khỏi những ngộ nhận ăn bám vào nó và cuối cùng đã trở về
với cát bụi. Việc tái sinh nó, nếu quả thật sẽ có một ngày như thế, là trái
ngược hoàn toàn với bản án mà lịch sử đã tuyên và chắc chắn sẽ lại có một thất
bại nữa. Hành động theo hướng đó, đồng nghĩa với sự điên rồ, như người ta đã
nói: làm đi làm lại một việc với hy vọng là kết quả sẽ khác.
ĐỌC THÊM
Có quá nhiều sách báo viết về lý thuyết và thực
tiễn của chủ nghĩa cộng sản, riêng thư viện của đại học Harvard (Harvard
University) cũng đã có trên 20.000 tập dành riêng cho vấn đề này. Các công
trình nói về vấn đề này, cùng với những bài đăng trên báo và tạp chí chắc chắn
là lên tới con số hàng trăm ngàn. Catalog của Harvard ghi nhận 3.567 đầu đề nói
về Marx và 4.301 đầu đề nói về Lenin. Vì vậy, danh sách các tác phẩm liệt kê ở
đấy chắc chắn là mang tính lựa chọn và khá tùy tiện. Nhưng, đa số những cuốn
sách được liệt kê dưới đây cũng có danh sách các tác phẩm nên đọc cho nên độc
giả quan tâm sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm thêm những tác phẩm khác.
Lịch sử tư tưởng về Thời đại Vàng son được trình
bày trong tác phẩm của Frank E. Manuel và Fritzie P. Manuel, Utopian Thought in the Western World (Tư tưởng không tưởng trong thế giới phương
Tây – Cambridge, Mass., 1970); Alexander Gray, The Socialist Tradition: Moses to Lenin (Truyền thống xã hội chủ nghĩa: từ Moses tới Lenin – London, 1963).
Tác phẩm viết về chủ nghĩa Marx và những biến thể của nó: Leszek Kolakowski, Main Currents of Marxism (Những xu hướng chính của chủ nghĩa Marx),
3 tập (Oxford, 1978); Andrej Walicki, Marxism
and the Leap to the Kingdom of Freedom (Chủ
nghĩa Marx và cú nhảy vào vương quốc của tự do - Satnfrod, 1995) trình bày
mối liê, kết giữa lý thuyết và thực tiễn cộng sản. Quốc tế I và IIđược trình
bày trong Julius Brauthal, History of
International (Lịch sử Quốc tế),
2 tập, (New York, 1967.
Về nước Nga cách mạng, độc giả có thể muốn tìm
hiểu qua hai tác phẩm của tôi, Russian
Revolution (Cách mạng Nga – New
York, 1990) và Russia Under the Bolshevik
Regime (Nước Nga dưới chính quyền
Bolshevik – New York, 1994). Và bản rút gọn hai cuốn này: A Concise History of the Russian Revolution
(Lịch sử rút gọn về cách mạng Nga –
New York, 1995). Có thể tìm thấy cách đánh giá khác về sự kiện này trong tác
phẩm của Sheila Fitzpatrick: The Russian
Revolution (Cách mạng Nga), in lần thứ 2 (Oxford và New York, 1994). Hai
tác giả người Nga trình bày những điều tai nghe mắt thấy trong cuộc cách mạng:
Ivan Bunin với Cursed Days (Những ngày bị nguyền rủa – Chicago,
1998) và Maxim Gorky với Umtimely
Thoughts (Những ý tưởng không hợp
thời – New haven, Conn., 1995).
Cuộc đời của người sáng lập Liên Xô, có sử dụng
những nguồn tài liệu trước đây được coi là mật, do Dmitrii Volkogonov chấp bút,
nhan đề: Lenin: A New Biography (Lenin:
Tiểu sử mới – New York, 1994). Volkogonov cũng là tác giả cuốn Stalin: Triumph and Tragedy (Stalin: Thành công và bi kịch – New
York, 1991). Roy Medvedev với tác phẩm Let
History Judge (Hãy để lịch sử phán
xét – New York, 1995) viết về giai đoạn Stalin.
Lịch sử Liên Xô
được hai người di cư Nga, Mikhail Heller và Aleksandr Nekrich trình bày trong
Utopia in Power: The History of the
Soviet Union from 1917 to the Present (Không
tưởng cầm quyền. Lịch sử Liên Xô từ năm 1917 đến nay - London,
1986). Thiết chế quan trọng nhất của nhà nước Xô Viết là đề tài thảo luận trong
tác phẩm của Leonard Schapiro: The
Communist Party of the Soviet Union (Đảng
cộng sản Liên Xô), in lần thứ 2, London, 1970. Milovan Djilas, cán bộ cộng
sản cao cấp của Serbia, là một trong những người đầu tiên cảnh báo về sự tồn
tại của tầng lớp ăn trên nguồi trốc ở Liên Xô – tác phẩm The New Class (Giai cấp mới
– New York, 1957); đặc quyền đặc lợi của giai cấp này được thảo luận trong tác
phẩm của Michael Voslemsky, Nomenclatura:
The Soviet Ruling Class (Nomenclatura:
Giai cấp cầm quyền Xô Viết – Garden City, N.Y., 1984). Cuốn An Economic History of the USSR (Lịch sử kinh tế Liên Xô – London, 1988)
là tác phẩm súc tích và đáng tin.
Aleksandr
Sozhenitsyn đã viết được cuốn lịch sử-tài liệu về hệ thống trại lao động khổ
sai Liên Xô: The Gulag Archilelago (Quần đảo ngục tù), 3 tập, (New York,
1991-92). Câu chuyện về những vụ giết người hàng loạt được Robert Conquest
trình bày trong tác phẩm The Great Terror: A Reassestment (Đại khủng bố: Đánh
giá lại – New York, 1990).
Sức
hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với các trí thức nước ngoài được trình bày
trong Paul Hollander, Political Pilgrims:
Travels of Western Intellectuals to the Soviet Union and China and Cuba (Hành hương chính trị: Các chuyến đi của trí
thức tới Liên Xô, Trung Quốc và Cuba – New York, 1981). Sự thất vọng của
sáu người cầm bút nổi bật trong số đó là đề tài cuốn The God that Failed (Chúa Trời thất bại - New York, 1949), do
Richard Crossman chủ biên.
Chính
sách đối ngoại của Liên Xô trong nửa thế kỉ đầu tiên của nó được George Kennan
trình bày trong tác phẩm Russia and the West Under Lenin và Stalin (Nước Nga và phương Tây thời Lenin và Stalin
– Boston, 1961), và Adam Ulam trình bày trong tác phẩm Expansion and
Coexistence: The History of Soviet Foreign Policy, 1917-67 (Bành trướng và cùng tồn tại hòa bình: Lịch
sử chính sách đối ngoại của Liên Xô, 1917-1967 – New York, 1968). Quan hệ
của Liên Xô với phương Tây từ Thế chiến II đến cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba
năm 1962, được Lewis Gaddis trình bày trong tác phẩm We Now Know: Rethinking Cold War History (Hiện nay chúng ta biết: Tái tư duy về lịch sử Chiến tranh Lạnh –
New York, 1997).
Các
tài liệu quan trọng nhất của Comintern được Jane Degras thu thập trong tác phẩm
The Communist International, 1919-1943
(Quốc tế cộng sản, 1919-1943), 3 tập,
London 1956-71. Lịch sử Quốc tế được Franz Borkenau trình bày trong tác phẩm World Communism: A History of the Communist
International (Cộng sản thế giới: Lịch sử quốc tế cộng sản – Ann Arbor,
1962), và gần đây hơn là tác phẩm của Kevin McDermott và Jeremy Agnew: The Comintern (London, 1996).
Sự
sụp đổ của Liên Xô được David Remnick, sử dụng những điều quan sát được và
những cuộc thảo luận, trình bày một cách sống động trong tác phẩm Lenin's
Tomb (Mộ Lenin), New York,
1993.
Lịch
sử Trung Quốc cộng sản được trình bày trong phần 1 và 2, tập XIV và XV tác phẩm
The Cambridge History of China (1987,
1991) do Roderick MacFarquhar biên tập. Triết lý của Mao về lịch sử được thể
hiện rõ nhất trong Quatations from
Chaiman Mao Tse-tung (Trước tác của
Mao Chủ tịch – New York, 1968). Tiểu sử chính trị và tri thức của ông ta
được Stuart Scham trình bày trong tác phẩm Mao
Tse-tung (Penguin Books, 1974). Cuộc đời của Mao được Ross Terril trình bày
trong tác phẩm A Biography of Mao (Tiểu sử Mao - Stanford, 1999).
Giai
đoạn cầm quyền của Pol Pot trong lịch sử cambodia được trình bày trong tác phẩm
do Karl D. Jackson biên tập, nhan đề Cambodia
1975-1978: Rendezvous with Death (Princeton, 1989).
Về
Castro và chủ nghĩa Castro, có thể đọc Theodore Draper: Castroism: Theory
and Pratice (Chủ nghĩa Castro:
Lý thuyết và thực hành), New York, 1965 và tác phẩm mới hơn: Back from the Future: Cuba Under Castro
(Trở về từ tương lai: Cuba dưới chế độ
của Castro – Princeton, 1994).
Chủ
nghĩa cộng sản ở Đông Phi là đề tài thảo luận trong tác phẩm của Peter Woodward: The Horn of Africa (Vùng sừng châu Phi), London and New
York, 1996 và của Paul Henze: Horn of
Africa: From War to Peace (Sừng châu
Phi: Từ chiến tranh tới hòa bình – New York, 1991).
Về giai đoạn cộng sản ở Chile, độc giả có thể tham khảo Robert J.
Alexander, The Tragedy of Chile (Bi kịch của Chile – Westport, Conn., 1978) và
Paul E. Sigmund, The Overthrow of Allende and Politics of Chile, 1964-1976 (Vụ
lật đổ Allende và Nền chính trị Chile, 1964-1976, Pittsburgh, 1977).
Số người chết do chủ nghĩa cộng sản gây ra trong thế kỉ XX được
trình bày và đánh giá trong tác phẩm, trong tác phẩm The Black Book of Communism (Hắc thư về chủ nghĩa
cộng sản – Cambridge, Mass.,
1999) do Stéphane Courtois chủ biên.
No comments:
Post a Comment