May 16, 2018

Chủ nghĩa cộng sản (10)

Richard Pipes

Phạm Nguyên Trường dịch

V.                Thế giới Thứ ba (2)


Những người Marxist-Leninist coi học thuyết của mình là khoa học, họ cố gắng phân tích kinh nghiệm của mình và học hỏi qua những sai lầm, không chỉ trong cách hiểu mục đích cuối cùng, mà theo họ là không thể hồ nghi, mà còn trong chiến lược và chiến thuật đấu tranh cho mục đích cuối cùng nữa. Lenin đã học được từ Marx rằng, để chống lại phản cách mạng thì phải đàn áp một cách không thương xót toàn bộ cơ cấu mang tính thiết chế của chủ nghĩa tư bản. Sau khi đánh giá chủ nghĩa xét lại của những người kế nhiệm Stalin, Mao đi đến kết luận rằng, phá bỏ thiết chế vẫn chưa đủ, cần phải cải tạo chính con người. Dĩ nhiên là, chủ nghĩa Marx luôn luôn coi việc cải tạo con người là mục đích tối thượng và cuối cùng. Nhưng Mao lại quyết định rằng, đấy là việc phải làm ngay, ông ta đã buộc cả hệ thống quản lý của mình phải biến cái mục đích ấy thành hiện thực. 
Trung Cộng đã thiết lập chế độ toàn trị gần giống với mô hình Xô Viết. Ban đầu Mao đã sao chép chính sách kinh tế của Stalin, ông ta cũng tiến hành tập thể hoá nông nghiệp và thực hiện kế hoạch công nghiệp hoá năm năm. Dĩ nhiên là có những khác biệt. Một trong những khác biệt đó là: nền chuyên chế Xô Viết, hậu duệ của chế độ Sa hoàng, không quan tâm đến việc thần dân của họ nghĩ gì, miễn là họ tỏ vẻ nhất trí và giả đò làm tín đồ là được; Trung Cộng kiên quyết đạt cho bằng được sự thống nhất, cả về tri thức lẫn tinh thần, của toàn thể nhân dân*. Cội nguồn của quan điểm như thế là từ Khổng giáo, một triết thuyết nhấn mạnh đến sự hoàn thiện và đòi hỏi rằng cơ sở của chế độ cai trị là đạo đức chứ không phải là sự ép buộc. Nhưng quan điểm đó lại xuất phát trực tiếp từ những lo lắng của Mao rằng, nếu không cải tổ hoàn toàn trí óc của các thần dân để họ có thể nắm vững được học thuyết của Marx, của Lenin và của chính ông ta thì Trung Quốc cũng sẽ có số phận giống như Liên Xô, nghĩa là sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại và sẽ đi chệch khỏi con đường chân chính. 
* Nhiều nhà quan sát cho rằng đặc điểm nổi bật của lòng trung thành của dân chúng đối với học thuyết được áp đặt bằng bạo lực. Quan niệm sai lầm như thế có thể là do trong suốt 40 năm đầu tiên, người nước ngoài chỉ nhận được hầu như tất cả thông tin về Liên Xô từ chính các nguồn của Liên Xô, mà những nguồn này bao giờ cũng nhấn mạnh sự thống nhất về tư tưởng và lòng trung thành của tất cả mọi người với ý thức hệ cộng sản. Thực tế hoàn toàn không phải như thế.  
Lý luận của Mao đã mở đường cho những thí nghiệm không thể tưởng tượng nổi, tất cả đều thất bại với giá phải trả là sinh mạng của không biết bao nhiêu nạn nhân và sự thịnh vượng của quốc gia. Các công dân Trung Quốc, đặc biệt là những người lao động trí óc, bị nghi là có tư tưởng lạc hậu hay chống đối, đều phải học tập “cải tạo” một cách có hệ thống, thường là trong các trại tập trung, nơi họ phải trải qua quá trình gọi là “tẩy não”. Đấy là sự tra tấn về mặt tinh thần để buộc họ phải khuất phục. 
Các tiền đề lý luận như thế cũng là nguyên nhân của chính sách Đại Nhảy Vọt, khởi đầu vào năm 1958. Mong muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng Trung Quốc đã tìm được con đường thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu tốt hơn và nhanh chóng hơn người Nga, Mao tuyên bố rằng Trung Quốc dự định vượt Anh về sản lượng than và thép trong vòng năm năm. Để làm điều đó, hơn nửa tỉ người bị lùa vào các “công xã nhân dân”, nơi người ta vừa làm nông nghiệp vừa tham gia sản xuất công nghiệp trong những điều kiện sản xuất gia đình cực kì thô sơ. Kế hoạch này, ví dụ điển hình của việc Mao sẵn sàng bỏ qua hiện thực kinh tế, được xây dựng trên cơ sở của cái định luật được trình bày trong Quotations from Chairman Mao (Trước tác của Mao Chủ Tịch - thường gọi là Cuốn sách đỏ của Mao và là tác phẩm duy nhất lưu hành ở Trung Quốc lúc đó). Định luật này nói rằng nhân dân Trung Quốc là một tờ giấy trắng (tabula rasa). 
Bên cạnh những đặc điểm khác, 600 triệu nhân dân Trung Quốc còn có đặc điểm là “nghèo nà và trong trắng”. Tưởng như đấy là xấu, nhưng trên thực tế đấy lại là tốt. Vì nghèo nên muốn thay đổi, muốn hành động, muốn làm cách mạng. Còn trên một tờ giấy trắng, chưa một vết nhơ nào, ta có thể viết những chữ tượng hình đẹp nhất và rõ ràng nhất, có thể vẽ những bức tranh đẹp nhất và rực rỡ nhất[1]
Người ta đã nói về một dân tộc có lịch sử dựng nước hàng ngàn năm như thế đấy. 
Khi người ta đã quyết tâm thì không khó khăn nào có thể cản trở được: một trong những khẩu hiệu của đại nhảy vọt nói: “Chúng ta sẽ dạy cho mặt trời mặt trăng đổi chỗ cho nhau; chúng ta sẽ tạo ra những thiên đường mới và vùng đất mới cho con người”. Như vậy nghĩa là, chủ nghĩa Marx, vốn được xây dựng như một học thuyết hoàn toàn duy vật, nhưng nhờ cố gắng của một nhà độc tài tự nhận là Marxist ở Trung Quốc đã biến thành lý thuyết của chủ nghĩa duy tâm không tưởng, buộc hiện thực phải khuất phục ý chí của con người. 
Đại nhảy vọt đã làm cho hoạt động kinh tế gặp rối loạn đến mức người ta phải từ bỏ chính sách này. Riêng số người chết đủ làm ta kinh hoàng. Sau khi Mao chết, các nhà nhân khẩu học Mỹ mới có điều kiện tiếp xúc với các tài liệu của Trung Quốc và họ khẳng định rằng, ít nhất đã có 30 triệu người chết đói, thế mà lúc đó thế giới không hề hay biết[2]. Nhưng, thất bại không làm Mao nản chí, lòng ham mê làm những việc vĩ đại của ông ta đã trở thành bệnh hoạn. Năm 1966, cảm thấy ngày càng bị cô lập, Mao phát động một chiến dịch mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, lần này là để chống lại những người lao động trí óc và các quan chức của Đảng mà ông ta sợ là có khả năng đưa Trung Quốc vào con đường phản bội như Liên Xô. Thanh niên thành phố được huy động vào các đội Hồng Vệ binh để tiến hành cái gọi là Đại Cách mạng Văn hoá Vô sản, nhưng đúng hơn phải gọi là cuộc phản cách mạng tai hại về văn hoá. Việc một nhà cầm quyền vừa bị bệnh vĩ cuồng, vừa muốn khuấy động tinh thần cách mạng của dân chúng đã làm ngưng đọng hẳn đời sống văn hoá của quốc gia quả là một sự kiện chưa từng có tiền lệ. Trong suốt mấy năm, Trung Quốc, một trong những nền văn minh lâu đời nhất, đã bị những đội quân man rợ phá hoại, vì chúng được dạy rằng bất cứ thứ gì nằm ngoài sự hiểu biết của chúng đều đáng bị đập tan. Vào lúc cao trào của chiến dịch, các trường học bị đóng cửa, tất cả sách vở, trừ sách giáo khoa và trước tác của Mao, đều bị tịch thu. Nhạc phương Tây cũng bị cấm. Hồng Vệ binh bắt các trí thức, nhiều người bị đấu tố, bị tra tấn, thậm chí bị giết. Hàng ngàn cán bộ Đảng cũng bị hành hạ như thế. Vụ tấn công vào tri thức như thế chỉ chấm dứt sau khi Mao, năm 1976. Hậu quả là cả một thế hệ không chỉ thất học mà còn bị què quặt cả về đạo đức lẫn tâm lý. 

Mặc dù, ở Trung Quốc bất kì người nào dám lên tiếng phê phán Đại nhảy vọt hoặc Đại Cách mạng Văn hoá đều có thể bị bỏ tù, ở phương Tây lại có một số trí thức bày tỏ cảm tình với sự dã man của Mao và cố gắng tìm sự thông thái trong những cuốn sách vô vị của ông ta. 
Đặng Tiểu Bình, người kế nhiệm Mao, đã đặt dấu chấm hết cho những thí nghiệm man rợ đó. Năm 1979, ông ta bắt đầu cuộc cải cách chính trị theo đường lối của thị trường tự do, làm sống lại tinh thần kinh doanh. Kể từ đó, Trung Quốc, về tư tưởng và hình thức cai trị thì vẫn là nhà nước cộng sản, nhưng đã chuyển sang con đường tư hữu hoá, nghĩa là, về thực chất đã từ bỏ một trong những nguyên tắc chủ yếu của chủ nghĩa cộng sản: bãi bỏ tư hữu. 
__________________
Các phong trào và các chế độ cách mạng luôn luôn có xu hướng ngày càng trở thành cấp tiến hơn, ngày càng tàn nhẫn hơn. Chuyện đó diễn ra là do đáng lẽ sau khi gặp một số thất bại các nhà lãnh đạo phải xem xét lại các tiền đề biện hộ cho sự tồn tại của mình thì họ lại tiến hành thực thi các ý tưởng của mình bằng những biện pháp cứng rắn hơn, vì tin rằng nguyên nhân của thất bại là do thiếu kiên quyết. Cuối cùng, sau bao nhiêu cố gắng mà kết quả vẫn chỉ là con số không, chế độ bước vào đoạn mệt mỏi, thế hệ kế tục các cha-già-khai-quốc trở thành những kẻ tự mãn và sẵn sàng hưởng thụ, nhưng chuyện đó chỉ xảy ra sau khi chế độ đã trải qua những hình thức phi nhân nhất. 
Nếu bản chất của chế độ Quốc xã thể hiện rõ nhất trong Holocaust [tàn sát hàng loạt người Do Thái – ND) thì chế độ Khmer Đỏ (1975-1978), hiện thân của chủ nghĩa cộng sản dưới dạng thuần khiết nhất, cho thấy rõ hình hài của nó sau khi đã được đưa đến mức độ hoàn thiện. Các lãnh tụ của nó, trên đường đi đến mục đích của mình là thành lập xã hội công bằng thực sự đầu tiên trên thế giới, đã không dừng lại trước bất cứ trở lực nào. Để hoàn tất nhiệm vụ này, họ sẵn sàng giết người, nếu cần thì bao nhiêu người cũng giết. Đấy là biểu hiện của tính kiêu ngạo vốn là bản chất của hệ tư tưởng cộng sản, biểu hiện của niềm tin vào sức mạnh vô địch của nhóm tinh hoa trí thức đi theo chủ nghĩa Marx và không chấp nhận bất cứ giới hạn nào trong việc sử dụng vũ lực để cải tạo xã hội. Kết quả là sự tàn phá không thể nào tưởng tượng nổi. 
Các lãnh tụ Khmer Đỏ từng du học ở Paris, từng làm quen với quan niệm của Rousseau về “con người tự nhiên”, cũng như của Frantz Fanon và Jean-Paul Sartre về sử dụng bạo lực trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân (“Cần phải giết”, Sartre viết. “Lật đổ thằng Tây nghĩa là kết liễu cùng một lúc cả kẻ áp bức lẫn người bị áp bức”.) Sau khi trở về vùng núi Đông Bắc Campuchia, họ đã lập ra các đơn vị vũ trang gắn bó với nhau bằng kỉ luật sắt, binh lính phần lớn là thanh thiếu niên mù chữ hoặc gần như mù chữ, là con cái các gia đình nông dân nghèo khổ nhất. Binh lính, thường từ mười hai đến mười bốn tuổi, bị nhồi sọ liên tục lòng thù hận đối với tất cả những người không giống họ, nhất là với người thành thị và người thiểu số gốc Việt. Để giáo dục “cái thú sát sinh và chiến tranh” người ta đã cho chúng làm quen dần, giống như binh lính SS, bằng cách bắt phải hành hạ và giết các con vật. 
Đầu năm 1975 là thời kì hoàng kim của họ, đấy là lúc Khmer Đỏ lật đổ được chế độ Lon Nol do Mỹ dựng lên và chiếm được thủ đô Phnom Pênh. Đa số dân chúng không có khái niệm gì về tương lai đang chờ đợi mình, vì Khmer Đỏ vẫn tuyên truyền rằng sẽ tha cho tất cả những người từng phục vụ chế độ cũ và sẽ đoàn kết tất cả các giai cấp để chống lại “bọn đế quốc” và địa chủ. Nhưng vừa chiếm được Phnom Penh, quân Khmer Đỏ lập tức thực hiện chiến dịch đàn áp dự dội nhất. Coi thành phố là sào huyệt của mọi thứ tội lỗi – “Thành phố là hắc điếm của bọn phản bội và lừa đảo”, Fanon đã nói như thế - Khmer Đỏ hạ lệnh cho tất cả mọi người (2,5 triệu dân) phải rời khỏi thủ đô và các trung tâm đô thị khác. Người tản cư, về các vùng nông thôn, chỉ được mang theo những gì họ có thể vác trên vai. Sau một tuần, tất cả các thành phố Campuchia đều đã trở thành chỗ không người. Bốn triệu người, tức là 60% dân số, lâm vào cảnh lưu đầy, phải sống trong những điều kiện cực kì khó khăn, lao động nặng nhọc và đói khát. Tất cả các trường trung học và đại học đều đóng cửa. 
Tiếp đó là những vụ thảm sát. Dù khâm phục và học tập Mao trong nhiều lĩnh vực, nhưng Pol Pot không để mất thì giờ cho việc “cải tạo”, mà lập tức tiến hành thủ tiêu những người mà ông ta cho là kẻ thù thực sự hay kẻ thù tiềm năng của chế độ mới: tất cả các công chức và quân nhân của chế độ cũ, các điền chủ, giáo viên, nhà buôn, tu sĩ Phật giáo và ngay cả công nhân có tay nghề. Những người thuộc các thành phần như thế bị coi là công dân loại hai và bị tước hết mọi quyền lợi, kể cả quyền được phát lương thực; họ bị mang đi hành quyết hoặc phải lao động khổ sai và chết vì kiệt sức. Số nạn nhân có thể chiếm đến hơn hai phần ba dân số cả nước. Họ thường xuyên bị bắt, bị hỏi cung và tra tấn cho đến khi phải vu cáo những người khác rồi bị giết. Có những trường hợp toàn bộ gia đình, kể cả trẻ em, cùng bị hành quyết vì Pol Pot cho rằng tư tưởng đối địch và tình cảm lạc hậu là do địa vị xã hội, học vấn hoặc nghề nghiệp của người ta mà ra, đấy là “các loại vi trùng độc hại” sẽ gây ra bệnh dịch. Đảng viên bị nghi là có khả năng nhiễm bệnh cũng bị thủ tiêu. Quân Việt Nam sau khi đánh đuổi được Khmer Đỏ đã phát hiện được hàng núi đầu lâu của các nạn nhân. 
Nông dân cũng không được yên thân, họ bị dồn vào các “hợp tác xã”, được xây dựng theo mô hình Trung Quốc. Nhà nước tịch thu tất cả lương thực thực phẩm do các công xã làm ra, rồi chất vào kho, như thời các Pharaoh Ai Cập, và phân phối lại theo ý mình. Trật tự truyền thống ở làng quê bị phá vỡ, lương thực thiếu hụt, nạn đói xảy ra trên diện rộng sau các vụ hạn hán vào năm 1978-1979. 
Số người bị giết ngày một nhiều thêm. Người ta bị giết chỉ vì đi làm muộn, vì phàn nàn về khẩu phần ăn, vì phê phán chính phủ hay quan hệ nam nữ trước hôn nhân. Sự dã man có thể so sánh với tội ác của Quốc xã. Ở biên giới với Việt Nam: 
Lính Khmer Đỏ có thể bắt phụ nữ Việt Nam, hiếp rồi sau đó tống nòng súng hay báng súng vào cửa mình họ. Chúng rạch bụng phụ nữ có chửa, lôi con ra rồi dùng nó để đập vào mặt người phụ nữ đang hấp hối. Bọn thanh niên còn tìm thú vui bằng cách cắt vú những phụ nữ Việt Nam có thân hình đồ sộ[3]
Có tin nói rằng có những trường hợp chúng bắt trẻ con giết chính cha mẹ mình. 
Số người bị giết làm người ta hoảng sợ. Theo các số liệu có thể tin cậy được, dân số Campuchia trước khi quân Khmer Đỏ chiếm được chính quyền là 7,5 triệu người, đến khi Việt Nam đánh đuổi được Khmer Đỏ, cuối năm 1978, dân số nước này đã giảm xuống chỉ còn 5,8 triệu người. Nếu để phát triển tự nhiên, sau bốn năm số dân đáng lẽ phải là hơn 8 triệu[4]. Nói cách khác, chế độ Pol Pot đã làm thiệt mạng khoảng 2 triệu người, tức là hơn một phần tư dân số cả nước. Nạn nhân chủ yếu là những thành phần có học và có tay nghề cao. Cuộc thí nghiệm đen tối này được gọi là “tai hoạ gần như vô tiền khoáng hậu của nhân loại, nó có thể xảy ra là vì các lý thuyết gia đã áp đặt kế hoạch khổng lồ của mình cho dân tộc Khmer”[5]*. 
* Một số trí thức phương Tây không muốn lên án cộng sản vì vụ tàn sát chưa từng có này, mà lại đổ cho người Mỹ. Trong giai đoạn 1969– 1973, Mỹ đã ném bom Campuchia nhằm tiêu diệt lực lượng Việt Cộng đang đóng ở nước này. Nhưng thật khó hiểu vì sao lóng hận thù Mỹ lại dẫn đến vụ tàn sát hai triệu người của chính dân tộc mình.
Cần phải nói rằng trên khắp thế giới đã không có một cuộc biểu tình phản đối nào và Liên Hợp Quốc cũng không đưa ra nghị quyết lên án nào. Thế giới đã tỏ ra bình thản vì người ta cho rằng các tội ác đó được thực hiện nhân danh những mục đích cao cả. 
_____________
Chế độ theo đường lối Marxist của Salvador Allende ở Chile trong những năm 1970-1973 là một trường hợp đặc biệt, tức là người ta định thực hiện một cuộc cách mạng cộng sản trong một nước dân chủ và bằng những biện pháp dân chủ. 
Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo nắm quyền ở Chile trong suốt những năm 1960, lãnh tụ của họ, Eduardo Frei Montalva, đã thực hiện chính sách cấp tiến trong cả lĩnh vực kinh tế lẫn xã hội. Cụ thể, Frei đã tiến hành cải cách ruộng đất, trưng mua ruộng của các điền chủ lớn. Frei cũng quốc hữu hoá phần lớn ngành công nghiệp khai thác mỏ. Các biện pháp này đã dẫn đến kết quả là xã hội bị chia rẽ, phái hữu cho rằng các biện pháp đã đi quá xa trong khi phái tả lại cho rằng chưa đủ. Chính phủ Frei còn bị nạn lạm phát làm mất lòng dân thêm, trước cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1970, lạm phát đã là 37%. 
Trong cuộc bầu cử năm đó, ba ứng viên Tổng thống nhận được số phiều gần như bằng nhau. Bác sĩ Salvador Allende, người theo quan điểm Marxist, đại diện cho Đảng Thống nhất Dân tộc, Liên minh Cộng sản và Xã hội chủ nghĩa nhận được nhiều phiếu nhất (36,3%). Người thứ hai, ứng viên bảo thủ, nhận được 34,9% phiếu bầu. Vì không ứng viên nào giành được đa số nên vấn đề được đưa ra giải quyết tại Quốc hội. Trong hai tháng sau đó, Allende đã kí thoả thuận với Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo để đảng này ủng hộ ông với điều kiện là ông chấp nhận tuân thủ Hiến pháp Chile, trong đó có việc tôn trọng pháp luật và bảo đảm đa nguyên chính trị. Sau khi đưa điều đó vào Luật về việc bảo vệ Hiến pháp, Quốc hội Chile đồng ý để Allende giữ chức Tổng thống.
Như vậy là khởi kì thuỷ “con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội” do Allende lựa chọn đã có những rào chắn, cản trở việc thực hiện các cải cách cấp tiến của những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản đã bầu cho ông ta. Tuy là người hâm mộ Fidel Castro, nhưng dường như Allende chỉ là một người mộng mơ lý tưởng chứ không phải là một nhà cách mạng cuồng tín. Trong khi đó, những người giáo điều ủng hộ ông ta quyết tâm thiết lập “chuyên chính vô sản” theo mô hình Liên Xô lại cứ cố đẩy ông sang phía tả, mỗi khi ông gặp thất bại, làm cho ông càng ngày càng trở thành cấp tiến hơn. Allende cho rằng có thể đạt được các mục tiêu xã hội chủ nghĩa bằng những biện pháp hòa bình, với điều kiện là những cuộc cải cách đang được tiến hành sẽ càng ngày càng được nhiều người ủng hộ hơn. Đảng Cộng sản ủng hộ chiến lược này, vì họ tin rằng ở Chile, họ có thể đạt được mục tiêu bằng con đường hoà bình. Nhưng điều đó đã không xảy ra, một phần vì các đạo luật xã hội chủ nghĩa do Allende ban hành đã làm cho đa số dân chúng càng ngày càng xa lánh ông, phần khác, là vì các đạo luật đó đã làm cho nền kinh tế suy sụp hoàn toàn. 
Trong “Chính phủ thống nhất dân tộc”, Allende giao cho những người cộng sản lãnh đạo các bộ kinh tế, những người này lập tức tiến hành quốc hữu hoá những gì còn sót lại trong ngành khai khoáng, hệ thống ngân hàng và phần lớn ngành công nghiệp chế biến. Các biện pháp này đều được thực hiện trên cơ sở những chỉ thị nhằm tránh né cơ quan lập pháp. Việc tịch thu tài sản các mỏ đồng của công ty Anaconda & Kennecott đã chặn đứng việc đầu tư của các công ty ngoại quốc. Liên Xô lập tức ra tay nghĩa hiệp, bằng cách cung cấp cho Allende một khoản vay lên đến nửa tỷ USD. Một số nước khác cũng đề nghị giúp đỡ, nhưng vẫn không cứu được nền tài chính đã tan hoang của Chile. Để có tiền trang trải cho các khoản chi tiêu khác nhau, trong đó có việc nâng lương, chính phủ đành phải quay về với máy in tiền, dưới thời Frei lạm phát chưa bao giờ đạt mức độ như thế: số tiền mới được tung ra trong ba năm cầm quyền của Allende đã tăng lên đến mười lăm lần, còn lạm phát tăng lên đến 300% chỉ trong một năm. 
Cùng với quá trình quốc hữu hoá các xí nghiệp công nghiệp, chính phủ còn tiến hành tập thể hoá trong lĩnh vực nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu này, chính phủ đã tỏ ra dễ dãi trước các vụ chiếm đất, thậm chí còn khuyến khích những việc như thế. Kết quả, sản xuất lương thực giảm sút nghiêm trọng, sản lượng lúa mì giảm một nửa. Thiếu hụt lương thực trở thành trầm trọng: trước ngày chính phủ Allende sụp đổ, dự trữ bột mì của cả nước chỉ còn đủ dùng trong bốn ngày. 
Các cuộc biểu tình phản đối ngày một nhiều hơn. Mạnh mẽ nhất là các chủ nhân xe tải, đây là các chủ doanh nghiệp nhỏ phản đối kế hoạch của chính phủ đưa công ty vận tải quốc doanh ra cạnh tranh với họ. Hai cuộc đình công với 700 ngàn người tham gia đã làm ngưng trệ hoàn toàn hệ thống giao thông, rất nhiều ngành kinh tế vì thế cũng không thể hoạt động được. Trong các nước cộng sản chính cống, những hành động như thế sẽ bị coi là âm mưu phản cách mạng, theo chỉ đạo của CIA và bị đàn áp. Nhưng Chile dưới quyền Allende, dù chính phủ kiểm soát đài phát thanh và phần lớn báo chí, tự do ngôn luận vẫn còn mạnh, đàn áp có thể dẫn đến bạo loạn trong toàn quốc. Các đảng đối lập vẫn hoạt động và tiếp tục chỉ trích chính phủ. Điều quan trọng là quốc hội và toà án tối cao vẫn hoạt động.
Tháng 8 năm 1973, Hạ viện thông qua nghị quyết kết luận rằng Allende vi hiến, bằng cách tự ý giành quyền lập pháp, coi thường pháp luật và gây cản trở tự do ngôn luận với 81 phiếu thuận và 45 phiếu chống. Toà án tối cao cũng ra phán quyết lên án Allende vì đã buộc các cơ quan tư pháp phục vụ mục đích chính trị. Vì trong Hiến pháp Chile không có điều khoản luận tội và cách chức Tổng thống (Impeachment) nên Hạ viện đã đề nghị quân đội khôi phục luật pháp quốc gia. Mười tám ngày sau, quân đội, đứng đầu là tướng Augusto Pinochet, đã dùng vũ lực lật đổ Allende*. Nền độc tài được thành lập sau đó đã thực hiện những vụ khủng bố dã man nhắm vào những người xã hội chủ nghĩa và cộng sản thua cuộc. 
* Trái với tin đồn vẫn thịnh hành, CIA không có vai trò gì trong việc hạ bệ Allende. Chính phủ Hoa Kì và các công ty tư nhân đã tìm cách giúp đỡ những lực lượng phi cộng sản trong cuộc bầu cử năm 1970 bằng cách giúp đỡ về tài chính, để cân bằng với những khoản việc trợ của Liên Xô và Cuba cho Allende. Sau này Washington cũng trợ giúp tài chính cho báo chí chí độc lập với chính phủ, nhưng tiếp xúc với các quân nhân lật đổ Allende thì không. Đây hoàn toàn là công việc nội bộ của Chile. Xem thêm James R. Whelan, Out of the Ashes (tạm dịch: Thoát khỏi đống tro tàn), Washington, DC, 1989, р. р. 1027–1048.
__________________
Cuba là nhà nước cộng sản đầu tiên và duy nhất đứng vững được ở châu Mỹ Latin, đây là trường hợp điển hình về nền độc tài cá nhân của một chính khách có tính háo danh vô bờ bến, người đã dùng tư tưởng cộng sản để biện hộ cho tính háo danh của mình. “Về mặt lịch sử… chủ nghĩa Castro là lãnh tụ đi tìm cho mình một phong trào, phong trào đòi quyền lực và quyền lực đang tìm hệ tư tưởng riêng của mình[6]
Trái với các quan niệm vẫn thịnh hành, Cuba thời tiền cộng sản không phải là nước lạc hậu cũng chẳng phải là nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Mức sống của người dân đứng thứ hai ở châu Mỹ Latin (chỉ sau Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn); dân chúng đa số đều biết đọc biết viết và sống ở thành phố*. Nói rằng nền kinh tế Cuba dựa vào đường là cũng không đúng: đường, trên thực tế, là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu nhưng chỉ chiếm một phần ba, thậm chí ít hơn một phần ba, thu nhập quốc dân. Nói cách khác, Cuba không phải là nước nghèo nàn và lạc hậu, những thứ vốn được coi là tiền đề cho cách mạng cộng sản. 
* Sự phát triển của các sự kiện ở Chile và Cuba dường như trái ngược với những điều đã được trình bày ở đầu chương này, tức là cộng sản thường thành công ở những nước không có chế độ tư hữu và chưa biết tới dân chủ. Nhưng ở hai nước này, cộng sản giành được quyền lực không phải bằng cách mạng xã hội. Ở Chile, họ đã thiết lập được chính phủ bằng con đường hòa bình, trên cơ sở thỏa thuận với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, và họ đã lập tức vi phạm thỏa thuận này. Ở Cuab, như sẽ được chỉ ra sau đây, họ giành được quyền lực vì đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của toàn dân, chống lại nhà độc tài bị nhân dân căm thù nhằm phục hồi chế độ dân chủ.
Cộng sản chiếm được Cuba là do các cuộc khởi nghĩa do giai cấp trung lưu nổi lên chống lại chế độ độc tài của F. Batista, vì năm 1952 ông ta đã bãi bỏ hiến pháp do chính ông ta công bố trong giai đoạn cầm quyền hợp pháp trước đó (1933-1944). Fidel Castro là con một điền chủ giầu có, sinh viên đại học luật La Habana, đã giành được quyền lực trong làn sóng phản đối đó. Là người có tư tuởng tả khuynh, nhưng phải nói rằng ông ta không phải là cộng sản: hơn thế nữa, ông ta chẳng có có tư tưởng gì, ông ta chỉ là kẻ đam mê quyền lực mà thôi. Chủ nghĩa Marx-Lenin là do Che Guevara, nhà cách mạng người Argentina, nhồi nhét cho ông ta. Cương lĩnh của Castro nhắm đến sự đoàn kết tất cả các giai cấp xung quanh ông ta, nhấn mạnh, trước hết, nhu cầu phục hồi hiến pháp 1940. 
Nhưng, ngay sau khi giành được quyền lực độc tài, vốn là kết quả của cuộc cách mạng toàn dân, Castro lập tức “ngả” sang phía tả. Ông ta thiết lập chính phủ độc đảng, rồi thực hiện cải cách ruộng đất mang tính cấp tiến và sau khi được Liên Xô khuyến khích, ông ta đã tiến hành quốc hữu hoá tất cả tài sản các công ty Mỹ trên đất Cuba, Tổng thống Eisenhower đáp trả bằng biện pháp cấm vận thương mại. Cấm vận càng làm cho Cuba lệ thuộc vào Liên Xô hơn. Ban đầu, tuy ủng hộ Castro, nhưng Moskva vẫn tỏ ra thận trọng và dè chừng trước phản ứng của Mỹ, nhưng rồi đã bị lôi kéo vào đường lối của Cuba, nhất là sau khi Castro tuyên bố,  Cuba là “nước xã hội chủ nghĩa”. Thất bại của vụ xâm nhập Vịnh Con Lợn do Mỹ tổ chức (tháng 4 năm 1961), rồi vụ khủng hoảng trên vùng biển Caribê (tháng 10 năm 1962) đã dẫn đến kết quả là Washington buộc phải tôn trọng chủ quyền của Cuba và hòn đảo này trở thành một phần của khối Xô Viết. Trong thời gian diễn ra khủng hoảng, Fidel từng yêu cầu Liên Xô tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí nguyên tử, nhân danh chiến thắng của sự nghiệp “xã hội chủ nghĩa”[7] trên toàn thế giới - ông ta sẵn sàng hy sinh đất nước Cuba. Moskva trở thành chỗ dựa kinh tế chủ yếu của Cuba, Liên Xô mua phần lớn số đường do Cuba sản xuất với giá cao hơn thị trường thế giới, và cung cấp cho nước này dầu lửa và rất nhiều loại hàng hoá công nghiệp khác, cũng như các khoản vay khá hào phóng. Theo các số liệu do Raul Castro, em trai Fidel, cung cấp, thì trước khi sụp đổ, Liên Xô đã viện trợ không hoàn lại cho Cuba thiết bị quân sự trị giá 10 tỷ USD. Về kinh tế, Cuba gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô. 
Đổi lại, Castro ủng hộ mọi hành động của Liên Xô trên trường quốc tế, từ vụ can thiệp vào Tiệp Khắc cho đến vụ xâm lược Afghanistan; ông ta cũng để cho Moskva đặt các trạm tình báo chuyên nghe trộm và lãnh trách nhiệm truyền bá chủ nghĩa cộng sản vào Trung và Nam Mỹ. Tại đại hội thành lập ở La Habana năm 1967, Tổ chức đoàn kết Mỹ Latin (OLAS) ra lời kêu gọi tiến hành chiến tranh du kích tại tất cả các nước Mỹ Latin. 
Ở trong nuớc, Fidel áp dụng chế độ theo đúng mô hình Liên Xô. Trong vòng mười năm sau khi ông ta cầm quyền, tất cả các lĩnh vực kinh tế, trừ ngành nông nghiệp, đều bị quốc hữu hoá, chỉ một phần ba ngành nông nghiệp còn nằm trong tay các điền chủ nhỏ và trung bình. Đảng nắm độc quyền cai trị đất nước. 
Công nhân bị buộc phải tham gia các tổ chức công đoàn do nhà nước quản lý, công nhân bị tước quyền thành lập các tổ chức độc lập, không được quyền đàm phán với người sử dụng lao động và không được quyền đình công. Có một số thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xã hội, như giáo dục, y tế và nhà ở, nhưng chủ yếu là do tài sản tích cóp được trong thời tiền cộng sản. Bất đồng ý kiến được giải quyết theo hai cách: cho xuất ngoại phần lớn tầng lớp trung lưu và tổ chức các toà án cách mạng, cũng như các trại “cải tạo lao động” theo mô hình Liên Xô. 
Mặc dù thần thánh hoá lãnh tụ là việc “thường ngày” của cộng sản, nhưng phần lớn các lãnh tụ cộng sản, giống như thánh thần, lại không thích xuất đầu lộ diện. Nhưng đấy không phải là trường hợp của Castro: ông ta hiện diện khắp nơi, buộc quần chúng phải nghe ông ta thuyết phục, động viên, đe doạ nhiều giờ đồng hồ liền. Lời lẽ khoa trương của ông ta thường nhấn mạnh xu hướng bài Mỹ, ông ta coi Mỹ là cội nguồn của cái ác và là nguồn gốc của tất cả những khó khăn của Cuba. 
Mức sống của dân chúng liên tục giảm, một phần là do sự phản đối một cách thụ động của công nhân và nông dân, một phần là do những người năng động và có học đã di cư sang Mỹ. Chế độ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô. 
Những tưởng như với tình hình như thế, sau khi Liên Xô tan rã và chính phủ Yeltsin từ chối giúp đỡ thì chế độ của Castro chắc chắn sẽ cáo chung. Nhưng, hoá ra ông ta đã vượt qua được. Để có thể sống còn, ông ta buộc phải nhượng bộ các nhà tư sản nước ngoài, buộc phải tạo cho họ một số điều kiện đầu tư nhất định. Đồng USD được tự do lưu chuyển. Chế độ đã phải tìm mọi cách để phát triển ngành du lịch, chế độ không những tìm mọi cách quảng bá các bãi biển và khu nghỉ dưỡng giá rẻ mà còn quảng bá cả sắc đẹp và sự dễ dãi của các cô gái Cuba nữa. Năm 1992, trong bài phát biểu trước Quốc hội, Castro còn ca ngợi cả tính ưu việt của gái điếm địa phương, ông ta tuyên bố rằng Cuba là nước có tỉ lệ người mắc bệnh AIDS thấp nhất thế giới. Nhờ những chiến dịch như thế, năm 1999 đã có 1,7 triệu du khách tới Cuba, làm cho nước này trở thành “một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất cho các sex-tour, chẳng khác gì Thái Lan”[8]
__________________
Nếu trong những giai đoạn đầu, người ta còn thấy ở Mao, thậm chí ở cả Pol Pot, một vài lý tưởng xã hội chủ nghĩa nào đó, thì ở các phần khác của Thế giới Thứ ba, đặc biệt là ở châu Phi lòng đam mê lý tưởng hoàn toàn vắng bóng. Các chính khách háo danh ở đây chỉ có những hiểu biết tối thiểu về chủ nghĩa cộng sản và lịch sử của phong trào này, họ viện đến Marx và Lenin nhằm hai mục tiêu: làm giàu cá nhân và nhận viện trợ của khối cộng sản trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù cả bên trong lẫn bên ngoài. 
Mengistu Haile Mariam của Ethiopia, kẻ, trong giai đoạn từ 1974 đến 1991 đã biến nước mình thành tay sai của Liên Xô, là thí dụ điển hình của lối hành xử bịp bợm đó. Vốn là thành viên của một nhóm sĩ quan quân đội bất mãn vì con đường hoạn lộ, tháng 9 năm 1974, thiếu tá Mengistu tham gia vào một cuộc bạo loạn lật đổ quốc vương Haile Selassie. Chính quyền rơi vào tay uỷ ban gọi là Derg, Mengistu là một nhân vật quan trọng của uỷ ban này. Chẳng bao lâu sau, xung đột bùng lên ngay trong nội bộ Derg, ba tháng sau, Mengistu tiến hành đảo chính quân sự và giành được quyền lực. Ông ta tuyên bố Ethiopia là nước xã hội chủ nghĩa và ngay lập tức tiến hành quốc hữu hoá các ngân hàng và các công ty bảo hiểm. Tháng 3 năm 1975, ông ta huỷ bỏ quyền tư hữu ruộng đất và buộc nông dân phải ra nhập các công xã được xây dựng theo mô hình của Mao. 
Năm 1976, Mengistu khởi sự cuộc “khủng bố đỏ”: rất nhiều nạn nhân, hàng ngàn người, vốn là sinh viên theo trường phái Marxist. Khoảng mười ngàn nhân viên các cơ quan đặc vụ của Liên Xô và Đông Đức được gửi tới để giúp tiến hành chiến dịch giết người này. Trước đó, Liên Xô, bằng cách ủng hộ chế độ “chủ nghĩa xã hội khoa học” do tập đoàn quân phiệt dựng lên ờ Somalia, đã chiếm được tiền đồn ở vùng Sừng châu Phi, nay bỏ rơi nước này để chuyển sang ủng hộ Ethiopia. Năm 1977, khi quân Somalia xâm nhập Ethiopia nhằm chiếm vùng Agadena, khối cộng sản đã dành cho nước này một sự giúp đỡ to lớn, trong đó có việc gửi tới đây gần 15 ngàn lính đánh thuê Cuba. Nhờ sự trợ giúp quân sự đó mà khối cộng sản giành được ảnh hưởng đáng kể ở Ethiopia. Sự giúp đỡ của khối cộng sản đóng vai trò quyết định trong việc giáng trả cuộc xâm lược của Somalia, cũng như đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở Eritrea. 
Nền kinh tế vốn đã suy sụp do chính sách tập thể hoá cưỡng bức, lại còn bị những trận hạn hán liên tiếp hoành hành, kết quả: trong các năm 1984-1985 đã xảy ra nạn đói với gần một triệu người thiệt mạng. Địa vị của Mengistu lung lay ngay sau khi Đông Đức sụp đổ vào năm 1989; năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã ông ta rơi vào tình trạng cô lập hoàn toàn. Bị lật đổ ngay trong năm 1991, ông ta phải chạy sang tị nạn ở nước Zimbabwe. Thế là chấm dứt câu chuyện về “thí nghiệm Marxist-Leninist thành công nhất ở châu Phi”[9]
Ngoài chế độc tài quân sự tàn nhẫn bắt chước Liên Xô và Trung Quốc, nhưng được cải biến cho phù hợp với nhu cầu chính trị, thật khó tìm thấy bất cứ dấu hiệu gì của cái gọi là chủ nghĩa xã hội trong cái nước mệnh danh là “xã hội chủ nghĩa này”. 
_____________
Trong những năm 1970 và 1980, trong Thế giới Thứ ba cũng như ở châu Âu và Nhật Bản đã xuất hiện các phong trào khủng bố, tấn công vào các thiết chế dân chủ và chủ nghĩa tư bản, nhân danh chủ nghĩa Marx-Lenin, Stalin hay Mao, mặc dù trên thực tế, các phong trào này có nhiều điểm chung với chủ nghĩa vô chính phủ hơn. 
Điển hình là Đảng Cộng sản Peru, thường được biết đến với tên “Con Đường Sáng”, do Abimael Guzmán Reynoso, một cựu giáo sư triết học thành lập, có nhiều trí thức trẻ tham gia. Đảng này chuyên kích động sự bất bình của người da đỏ và dùng khủng bố như là biện pháp thực hiện cương lĩnh Maoist của mình. Các vụ khủng bố do Đảng này thực hiện đã làm 25 ngàn người thiệt mạng và gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Peru. Năm 1992, Guzmán bị bắt, phong trào hoàn toàn tan rã. 
Trong một loạt nước châu Mỹ Latin khác, ví dụ như Columbia, “chủ nghĩa Marx” đã và vẫn là bình phong che đậy cho các băng đảng vũ trang (gọi là Lực lượng Vũ trang Cách mạng và Quân đội Giải phóng Quốc gia) chuyên khủng bố, bắt cóc, tống tiền và buôn lậu ma tuý. Theo các tài liệu hiện có, từ năm 1964 đến nay, hai tổ chức này đã làm 120 ngàn người Columbia thiệt mạng và 2 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. 
_________________
Có thể thấy sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa những nước cộng sản không chỉ trong cách thức thành lập chế độ mà cả trong những hậu quả do các chế độ ấy gây ra. Mức sống suy giảm đáng kể kéo theo nạn đói, hạn hán dường như cũng có một mối liên hệ siêu nhiên nào đó với các chế độ cộng sản. Việc bãi bỏ quyền tự do và quyền công dân nhân danh công bằng, bao giờ cũng kéo theo sự xuất hiện một lãnh tụ tối cao, gọi là đại nguyên soái hay leader maximo, tập trung trong tay tất cả quyền lực mà ông ta đã tước đoạt của các thần dân và được các thần dân coi là thánh sống. Cái thành quả như thế rõ ràng là trái ngược hẳn với quan điểm của chủ nghĩa Marx, theo đó, chủ nghĩa cộng sản là kết quả hoạt động của các lực lượng kinh tế phi cá tính và là tác nhân vun đắp một nền tự do vô bờ bến cho tất cả mọi người. 


[1] Quotation from Chairman Mao Tse-tung (Trước tác của Chủ tịch Mao Trạch Đông) trang 19-20 
[2] Jasper Becker, Hungry Ghost: China’s Secret Famine (Ma đói: Nạn đói bí mật của Trung Quốc), London, 1996, trang XI
[3] Kenneth M. Quinn trong Jackson, Cambodia, trang 238
[4] Jackson, Cambodia, trang 3 và 150
[5] Charles M. Twininng trong Jackson, Cambodia, trang 110
[6] Draper, Castroism (Chủ nghĩa Castro), trang 48-49
[7] Sergei Khrushchev, Nikita Khrushchev (University Park, Pa., 2000), trang 627
[8] Silvana Paternostro in The New Republic (Cộng hòa mới), July 10-17, 2000, trang 20
[9] Peter Woodward, The Horn of Africa (Vùng sừng châu Phi), London and New York, 1996 trang, 99

No comments:

Post a Comment