December 16, 2017

Đảng cộng sản Trung Quốc lập kế hoạch cho Giấc mơ Trung Hoa ở nước ngoài

David Gitter

Phạm Nguyên Trường dịch

“Lực lượng gây ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang nhắm tới các xã hội ở nước ngoài bằng những biện pháp ít khi được xem xét một cách thấu đáo”.


Bắc Kinh đang sắp xếp lại tất cả các đòn bẩy của quyền lực, tức là những đòn bẩy phải thực hiện các sáng kiến ngoại giao trong quá trình tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong khu vực châu Á và ngoài châu Á. Tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban lãnh đạo Trung Quốc không chỉ chính thức nâng cấp cơ quan ngoại giao của Trung Quốc - bằng chứng là đưa Dương Khiết Trì, Bộ trưởng ngoại giao, vào Bộ Chính trị ĐCSTQ – mà còn phối hợp những công cụ riêng của đảng nhằm tuyên truyền tầm nhìn về vai trò lãnh đạo toàn cầu và sự phát triển chung với trung tâm là Trung Quốc.


ĐCSTQ đã tạo ra nhiều cụm từ nghe khá thuận tai nhằm bao trọn tầm nhìn về ảnh hưởng sâu sắc hơn của Trung Quốc, ủng hộ mô hình phát triển “xã hội chủ nghĩa” của Bắc Kinh, được cho là đã được thực tiễn chứng minh là mô hình mà các nước đang phát triển nên theo. Tầm nhìn của ĐCSTQ còn thúc đẩy khuôn khổ phát triển toàn cầu “Một vành đai, Một con đường” (OBOR hay còn gọi là BRI), nhằm mục đích xây dựng trật tự kinh tế với Trung Quốc làm trung tâm, dưới sự thống trị của Bắc Kinh. Từ sau Đại hội Đảng XIX, tầm nhìn này đã được đẩy đi xa hơn nữa, thành các khái niệm như “kỷ nguyên mới”, trong đó, các chế độ độc tài hãnh diện đứng cạnh các đối tác dân chủ trong “cộng đồng cùng chia sẻ tương lai”, chủ yếu phụ thuộc những khoản tài trợ hào phóng và đầu tư của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Khả năng của Bắc Kinh liên quan đến tham vọng quốc tế của nước này bằng nhiều kênh khác nhau làm cho các chiến lược gia Mỹ và các đồng minh lo lắng chẳng khác gì chính tham vọng của Trung Quốc. Ở tầng thấp nhất, khả năng này xuất phát từ sức mạnh của hệ thống chính trị của Trung Quốc. Là đảng chính trị theo lối Leninist, ngay từ khi thành lập, ĐCSTQ được xây dựng nhằm xâm nhập và tạo ảnh hưởng lên mọi mặt của đời sống xã hội, kể cả đối với những người không phải là đảng viên. Hiện nay, họ thực hiện chính sách trên phạm vi toàn cầu, thông qua các cơ quan đầy sức mạnh, chuyên về quan hệ quốc tế, mặt trận thống nhất và công tác tuyên truyền - tất cả đều chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ “với Tập [Cận Bình] là nòng cốt”. Chẳng khác gì nhiệm vụ khó khăn của Leonardo DiCaprio trong bộ phim khoa học viễn tưởng, Inception (2010), sứ mệnh đầy tham vọng của đảng là cấy “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình vào giấc mơ của những nước khác, kết nối khát vọng của dân tộc họ với khát vọng của ban lãnh đạo tối cao của Trung Quốc. Lực lượng gây ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang nhắm tới các xã hội ở nước ngoài bằng những biện pháp mà người tiếp nhận ít khi xem xét một cách thấu đáo.

Ví dụ như sự thô bạo của những nỗ lực của ban đối ngoại của ĐCSTQ nhắm vào các chính khách nước ngoài. Hàng tuần, Cục Quốc tế của ĐCSTQ đều thảo luận tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai với các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu trên khắp thế giới, kể cả những người thuộc đảng đối lập. Cục này có con mắt nhìn xa trông rộng – với mục đích là nuôi dưỡng lực lượng dự bị những người tạo được ảnh hưởng ở nước ngoài, tức là những người “hiểu và thân thiện với Trung Quốc”, với hy vọng rằng một ngày nào đó họ có thể nắm được quyền lực. Từ sau Đại hội Đảng XIX, công tác liên lạc của ĐCSTQ còn có thêm một kênh bổ sung nhằm truyền bá thông điệp của đảng về tương lai chung với Trung Quốc là trung tâm.

Gần đây, trong Cuộc Đối thoại Đảng Chính trị Thế giới của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh, Tập Cận Bình đã thúc giục các vị khách phát triển với Trung Quốc “một kiểu quan hệ đảng phái mới” nhằm hướng tới quá trình phát triển có phối hợp. Các nhà ngoại giao của Vụ Quốc tế giao đã tổ chức gặp gỡ các chính trị gia của Tổ chức Hành động Đối ngoại của Liên minh châu Âu, Mặt trận Dân chủ Nhân dân Cách mạng Ethiopi, Đảng Cộng hòa Armenia, Đảng Cộng sản Bồ Đào Nha, Phong trào Xã hội chủ nghĩa Mauritius, Đảng Dân chủ Nhân dân Uzbekistan, Đảng Cộng sản Nga Liên bang, và Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ xin nhắc một cái vài tên như thế. Khi kết thúc sự kiện này, những người tham dự - mà người ta nói là có cả Tony Parker, thủ quỹ của Uỷ ban Quốc gia của Đảng Cộng Hòa Mỹ - đã ký “Sáng kiến Bắc Kinh của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đối thoại Chính trị Cấp cao của các đảng chính trị”, thực chất là ủng hộ ĐCSTQ và tất cả các sáng kiến của họ ở nước ngoài.

Những điểm đáng chú ý nhất của “Sáng kiến” là những người tham gia: ủng hộ sự tôn trọng đường lối phát triển và các giá trị của mỗi nước (trong đó, tôn trọng cả các chế độ độc tài); kêu gọi từ bỏ “não trạng chiến tranh lạnh” (một cụm từ được sử dụng từ lâu nhằm chỉ trích những người nghi ngờ ý định của Trung Quốc); nhận xét rằng các khái niệm có liên quan đến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc đã “hàng ngày thâm nhập vào trái tim nhân dân; vui mừng khi thấy tư tưởng Tập Cận Bình nhấn mạnh vào việc xây dựng cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại; nhận xét rằng ĐCSTQ ủng hộ sự tiến bộ của nhân loại; và công nhận rằng Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc với Tập [Cận Bình] là nòng cốt đã thể hiện vai trò của Trung Quốc như là cường quốc có trách nhiệm. Nếu chỉ thông qua các kênh ngoại giao truyền thống, khó mà có thể tiến hành được cuộc đảo chánh chính trị đầy ấn tượng như thế.

Gần đây, ảnh hưởng toàn cầu của Cục Công tác Mặt trận Thống nhất là chủ đề được quan tâm và làm cho phương Tây lo lắng. Mức độ quan trọng của cơ quan này trong việc liên kết sự ủng hộ của người nước ngoài đối với quá trình vươn lên của Trung Quốc đã gia tăng cùng với việc Tập nhấn mạnh vai trò của nó, sau đó lại được củng cố bằng việc thành lập Nhóm lãnh đạo của Cục với mục đích là phối hợp các hoạt động. Tương tự như công tác liên lạc của ĐCSTQ, các tổ chức của Mặt trận Thống nhất ở nước ngoài hoạt động công khai, nhưng ý định thực sự của họ thường bị che dấu, không cho người nước ngoài mà họ không quan tâm biết. Ví dụ, nhằm ủng hộ quan điểm của ĐCSTQ nói rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc, các tổ chức của Mặt trận Thống nhất hải ngoại thúc đẩy đường lối của đảng đối với Đài Loan thường trưng ra cụm từ “thống nhất một cách hòa bình”. Nói rộng hơn, kể từ những năm 1990, Mặt trận Thống nhất còn tìm cách tập hợp không chỉ người gốc Hoa ở nước ngoài mà còn cả người nước ngoài không phải gốc Hoa nhằm thúc đẩy các chính sách đối ngoại của Trung Quốc, trong đó có “Một vành đai, Một con đường”. Báo cáo gần đây của Anne-Marie Brady về công việc của Mặt trận Thống nhất nhắm vào New Zealand là công trình nghiên cứu điển hình mà các nhà nghiên cứu về Trung Quốc phải xem xét nếu họ muốn hiểu một cách đầy đủ các hoạt động nhắm vào nước mình.

Hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ có vai trò ngày càng gia tăng trong việc nuôi dưỡng hình ảnh tích cực về Trung Quốc và vị trí của nước này trên thế giới. Công việc này do Cục Tuyên truyền Đối ngoại Trung ương của ĐCSTQ (OFP) phụ trách, với tên gọi công khai là Phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước. Sứ mệnh cốt lõi của nó là kể “câu chuyện của Trung Quốc cho thế giới nghe”, truyền tải chính sách và quan điểm của ĐCSTQ, và chống lại các cuộc tấn công vào các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, ví dụ, tuyên bố về chủ quyền của họ đối với Đài Loan. Các các bộ tuyên truyền gửi thông điệp của họ ra nước ngoài thông qua sách báo in và ấn phẩm trực tuyến, dành cho người nước ngoài, như tờ Nhân dân Nhật báo (phiên bản dành cho người nước ngoài) và tờ China Daily, cũng như thông qua các phương tiện khác, ví dụ Truyền hình Trung ương (đã đổi tên thành Kênh Truyền hình Quốc tế) và Kênh Truyền thanh Quốc tế.

Tờ China Daily, năm dưới sự kiểm soát của OFP, hiện đang xuất bản các phụ trương trên báo chí ngoại quốc để tuyên truyền những thông điệp đã được đảng đồng ý, và thông qua các đối tác truyền thông khác, họ đã tăng cường được thông điệp mình. Ví dụ, mới đây tờ Washington Post có phụ trang “China Watch” - do tờ China Daily chuẩn bị sẵn – có hai bài đáng chú ý, tập trung ca ngợi ĐCSTQ, với tiêu đề “Các nhà lãnh đạo đảng toàn thế giới đánh giá cao ĐCSTQ” và “Các cuộc đàm phán giữa các đảng vì với tương lai chung”, cả hai đều tán dương ĐCSTQ và ủng hộ sáng kiến cốt lõi, ví dụ, “Một vành đai, Một con đường” của đảng này ở nước ngoài.

Tóm lại, chế độ của ĐCSTQ đã dành vốn liếng chính trị nghiêm túc để thuyết phục các chính phủ và xã hội bên ngoài chấp nhận thế giới quan của họ; ĐCSTQ có vai trò then chốt trong việc thực hiện mục tiêu này. Với những tiêu chuẩn và giá trị được trật tự quốc tế theo đường lối tự do đang chiếm ưu thế như hiện nay ủng hộ thì việc cấy Giấc mơ Trung Hoa ra nước ngoài vẫn sẽ là nhiệm vụ đầy khó khăn. Tuy nhiên, phân tích quy mô của những hoạt động của ĐCSTQ ở nước ngoài là việc làm cần thiết, nhất là đối với những người muốn phản đối những thông điệp phi tự do mà Bắc Kinh đang tuyên truyền và thúc giục mọi người phải hợp các chặt chẽ hơn nữa, nếu muốn thực hiện mục tiêu này.

David Gitter là giám đốc Sáng kiến theo dõi đảng (Party Watch Initiative), chương trình thuộc dự án Project 2049 Institute (phi lợi nhuận, phi đảng phái, ở Washington D.C.), chuyên phân tích các tài liệu và hoạt động của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: https://thediplomat.com/2017/12/the-ccp-plants-the-china-dream-abroad/

No comments:

Post a Comment