November 1, 2016

Kinh tế thế giới không có Trung Quốc


Stephen S. Roach

Phạm Nguyên Trường dịch


Nền kinh tế Trung Quốc sắp nổ tung? Với những khoản nợ quá cao và bong bóng bất động sản, doanh nghiệp nhà nước chết lâm sàng và các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn, ngày càng có nhiều người coi Trung Quốc là thảm họa tiếp theo trong cái thế giới dễ bị khủng hoảng này.

Tôi vẫn tin rằng nỗi sợ hãi này là đã bị thổi phồng quá đáng, và Trung Quốc có chiến lược, có đủ khả năng và cam kết để đạt được sự chuyển hóa cơ cấu mạnh mẽ sang xã hội tiêu thụ trong khi né tránh một cách thành công những cơn gió ngược mang tính chu kỳ đầy gian nan. Nhưng tôi công nhận rằng hiện đây là ý kiến của thiểu số.

Ví dụ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Jacob J. Lew tiếp tục thể hiện quan điểm khá lạ là Mĩ “không thể là động cơ duy nhất của nền kinh tế thế giới”. Thực ra nó không phải là như thế: Năm nay, nền kinh tế Trung Quốc đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu gấp bốn lần Mĩ. Nhưng có lẽ trong khi đánh giá nền kinh tế thế giới, Lew đã không còn tính tới Trung Quốc nữa.

Thế thì, chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người nghi ngờ Trung Quốc có lí? Điều gì sẽ xảy nếu nền kinh tế của Trung Quốc thực sự lao dốc không phanh, và với tốc độ tăng trưởng hạ xuống chỉ còn một con số hay thậm chí là âm, như thường xảy ra trong hầu hết các nền kinh tế khi gặp khủng hoảng? Tất nhiên là Trung Quốc sẽ chịu nhiều đau khổ, nhưng nền kinh tế toàn cầu vốn đã lung lay cũng sẽ gặp khó khăn không kém. Mọi người đều lo lắng khi nói về nền kinh tế Trung Quốc, nhưng cũng nên tiến hành thí nghiệm tưởng tượng chi tiết sau đây.

Xin bắt đầu từ sự kiện là, không có Trung Quốc, thì nền kinh tế thế giới đã ở trong tình trạng suy thoái rồi. Tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt 6,7% - cao hơn đáng kể so dự báo của hầu như tất cả mọi người. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - trọng tài chính thức của các số liệu kinh tế toàn cầu - kinh tế Trung Quốc chiếm 17,3% GDP toàn thế giới (tính trên cơ sở sức mua tương đương). Tăng 6,7% trong GDP thực tế của Trung Quốc tương đương với khoảng 1,2% tăng trưởng của toàn thế giới. Không có Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thế giới năm 2016 được IMF ước tính lại là 3,1% sẽ phải trừ đi đóng góp của Trung Quốc, và sẽ còn là 1,9% - thấp hơn ngưỡng 2,5%, được coi là ngưỡng của suy thoái toàn cầu.

Tất nhiên, đấy chỉ là ảnh hưởng trực tiếp nếu thế giới không có Trung Quốc. Ngoài ra, còn có những mối liên hệ xuyên biên giới của Trung Quốc với những nền kinh tế lớn khác.

Những nền kinh tế dựa vào tài nguyên – mà cụ thể là Australia, New Zealand, Canada, Nga và Brazil - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Là nền kinh tế tiêu thụ nhiều tài nguyên, Trung Quốc đã làm thay đổi những nền kinh tế mà gộp chung lại, những nước này đóng góp tới gần 9% GDP toàn cầu. Trong khi tất cả những nước đó đều khẳng định rằng họ đã đa dạng hóa cơ cấu kinh tế và không còn quá phụ thuộc vào nhu cầu nguyên liệu của Trung Quốc nữa, thì thị trường hiện nay lại nói cách khác: Mỗi lần dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc được điều chỉnh - lên hoặc xuống - tỷ giá hối đoái của họ cũng thay đổi theo. Hiện nay IMF dự đoán rằng, gộp chung lại, năm 2016, nền kinh tế của năm nước này sẽ giảm tổng cộng 0,7%, đấy là do Nga và Brazil đang suy thoái, còn ba nước kia thì có tốc độ tăng trưởng khiêm tốn. Không cần phải nói rằng, nếu nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ, thì ước tính cơ bản này sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm, mà giảm đáng kể.

Điều này cũng sẽ xảy ra với các đối tác thương mại của Trung Quốc ở châu Á - hầu hết những nền nền kinh tế này vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, thị trường Trung Quốc là nguồn cầu bên ngoài lớn nhất của họ. Đấy không chỉ liên quan tới các nền kinh tế nhỏ, đang phát triển ở châu Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan, mà còn liên quan tới các nền kinh tế lớn hơn và phát triển hơn trong khu vực, như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Nói chung, sáu nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào Trung Quốc vừa nói chiếm tới 11% GDP toàn cầu. Sự sụp đổ của Trung Quốc có thể dễ dàng làm cho tốc độ tăng trưởng gộp của các nước này giảm ít nhất là 1%.

Liên quan cả tới Mĩ nữa. Trung Quốc đứng thứ ba trong các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Mĩ và là thị phát triển nhanh nhất. Nếu Trung Quốc sụp đổ, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Mĩ cũng sẽ cạn kiệt. Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mĩ vốn đã thấp, khoảng 1,6% trong năm 2016, sẽ giảm thêm 0,2 đến 0,3%.

Cuối cùng, cần phải xem xét tới châu Âu. Tăng trưởng ở Đức, nước từ lâu vốn là đầu tầu của nền kinh tế châu lục này – nếu không có Đức thì kinh tế châu Âu ngưng trệ rồi - vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trung Quốc có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế của châu Âu – Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Đức, sau Liên minh châu Âu và Mĩ. Nếu Trung Quốc sụp đổ, tăng trưởng kinh tế của Đức cũng sẽ giảm đáng kể, kéo theo phần còn lại của châu Âu do Đức dẫn dắt.

Điều thú vị là, báo cáo của IMF vừa phát hành trong tháng 10, nhan đề World Economic Outlook, tổ chức này dành hẳn một chương để đánh giá cái mà họ gọi là ảnh hưởng phụ của Trung Quốc - đánh giá được mô hình hóa về tác động đối với toàn thế giới nếu Trung Quốc phát triển chậm lại. Phù hợp với những luận cứ được trình bày bên trên, IMF tập trung vào những liên kết với các nước xuất khẩu nguyên liệu, các nước xuất khẩu ở Châu Á, và nhóm nước mà họ gọi là “các nền kinh tế tiên tiến có hệ thống” (Đức, Nhật Bản, và Mĩ), tức là những nước sẽ bị thiệt hại nhiều nhất nếu Trung Quốc suy thoái. Theo tính toán của IMF, châu Á sẽ bị thiệt hại nhiều nhất, theo sau là các nền kinh tế dựa vào tài nguyên; ảnh hưởng tiêu cực đối với ba nền kinh tế phát triển được đánh giá là bằng khoảng một nửa ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các đối tác thương mại của nước này ở châu Á (không tính Nhật).

Bản báo cáo của IMF cho thấy ảnh hưởng phụ của sự suy giảm của Trung Quốc đối với toàn thế giới sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tăng thêm khoảng 25%. Điều đó có nghĩa nếu kinh tế Trung Quốc đột nhiên không tăng trưởng nữa - theo thí nghiệm giả tưởng tượng của chúng ta – thì tổng tác động trực tiếp (1,2% tốc độ tăng trưởng toàn cầu) và gián tiếp (khoảng 0,3%) sẽ làm giảm một nửa tốc độ ước tính ban đầu cho năm 2016, từ 3,1% xuống còn 1,6%. Trong khi đây còn xa mới đạt kỉ lục suy thoái toàn cầu là 0,1% vào năm 2009, những sẽ không khác biệt nhiều so với hai vụ suy thoái sâu trước đây, năm 1975 (tăng trưởng là 1%) và năm 1982 (tăng trưởng là 0,7%).

Tôi có thể là một trong rất ít người còn lạc quan về Trung Quốc. Nhưng tôi không phải là người lạc quan khi nói tới triển vọng của nền kinh tế toàn cầu. Tôi cho rằng thế giới phải đối mặt với vấn đề lớn hơn là cuộc khủng hoảng ở Trung Quốc có thể tạo ra. Nhưng, tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng nếu Trung Quốc không tăng trường thì nền kinh tế thế giới hậu khủng hoảng sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng. Những người đang đưa Trung Quốc tới bờ vực cần phải suy nghĩ thận trọng với những toan tính của họ.

Stephen S. Roach, là cựu chủ tịch của Morgan Stanley Asia và cựu kinh tế trưởng của công ti này, hiện là cộng tác viên cao cấp của Yale University's Jackson Institute of Global Affairs và là giảng viên cao cấp tại Yale's School of Management. Ông là tác giả cuốn: Unbalanced: The Codependency of America and China.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/world-economy-without-china-by-stephen-s--roach-2016-10











1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete