July 14, 2016

Toàn cầu hóa và sự chia rẽ về chính trị

Nouriel Roubini

Phạm Nguyên Trường dịch

Nouriel Roubini

Cuộc trưng cầu dân ý với cách biệt không đáng kể số phiếu ủng hộ việc Vương quốc Anh rời khỏi EU là do những nguyên nhân đặc thù của nước Anh. Nhưng nó cũng là tín hiệu cho thấy phản ứng lan tràn của những lực lượng dân túy/dân tộc chủ nghĩa – chí ít là trong các nền kinh tế đã phát triển – nhằm chống lại quá trình toàn cầu hóa, chống lại chế độ thương mại tự do, chống lại quá trình di chuyển việc làm ra nước ngoài và di chuyển lực lượng lao động, chống lại những chính sách theo định hướng trị trường, chống lại những tổ chức siêu quốc gia và thậm chí là chống lại những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ.

Trong những nền kinh tế đã phát triển và khan hiếm lực lượng lao động, tất cả những xu hướng vừa nói đều làm giảm tiền lương và việc làm cho những người có tay nghề thấp; nhưng lại làm cho tiền lương và tỷ lệ người có việc làm trong những nền kinh tế mới nổi, dư thừa sức lao động, gia tăng. Người tiêu dùng trong các nền kinh tế phát triển được lợi vì hàng hóa rẻ đi, nhưng thu nhập của những người lao động có tay nghề thấp, thậm chí có tay nghề trung bình sẽ giảm vì lương giảm và có thể bị mất việc làm.

Sự chia rẽ về chính trị thể hiện rất rõ trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit: người giàu chống lại người nghèo, người thắng chống lại người thua trong quá trình tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa, người có tay nghề chống lại người không có tay nghề, người học cao chống lại người ít học, người trẻ chống lại người già, người thành thị chống lại người nông thôn, xã hội đa dạng chống lại xã hội đơn điệu. Những đường phân chia như thế cũng xuất hiện cả trong những nước phát triển khác, trong đó có Mỹ và châu Âu lục địa.

Do có nền kinh tế và thị trường lao động linh hoạt hơn cho nên sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Mỹ và Vương quốc Anh đã phục hồi vững chắc hơn châu Âu lục địa, đấy là nói về GDP và tỉ lệ người có việc làm. Số việc làm mới gia tăng mạnh mẽ, tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, mặc dù đồng lương thực tế gia tăng không nhanh bằng.

Tuy nhiên, ở Mỹ, Donald Trump đã trở thành người hùng của những người lao động bất bình; công ăn, việc làm của những người đó đang bị chế độ thương mại tự do, phong trào di dân và thay đổi về công nghệ đe dọa. Ở Vương quốc Anh, nỗi lo sợ về việc những người nhập cư từ các nước với mức lương thấp từ các nước EU (thường được gọi là “thợ hàn Ba Lan”) sẽ giành hết việc làm và chiếm mất các dịch vụ do nhà nước cung cấp đã có ảnh hưởng rất lớn đối với cuộc trưng cầu dân ý.

Tuy nhiên, kinh tế ở châu Âu lục địa và khu vực đồng tiền chung châu Âu lâm vào tình trạng khó khăn hơn hẳn. Tỷ lệ thất nghiệp trung bình ổn định ở mức trên 10% (khu vực ngoại vi còn cao hơn - ở Hy Lạp và Tây Ban Nha là hơn 20%), tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên là hơn 30%. Trong phần lớn những nước này, quá trình tạo việc làm mới diễn ra quá chậm, tiền lương tực tế giảm, thị trường lao động trì trệ dẫn đến hiện tượng là những người lao động trong lĩnh vực chính thức, tham gia công đoàn được nhận mức lương cao hơn và được hưởng phúc lợi xã hội, trong khi những người lao động trẻ tuổi lại có việc làm không ổn định, với đồng lương thấp hơn, và có ít hoặc không có phúc lợi xã hội.

Về mặt chính trị, toàn cầu hóa tạo ra căng thẳng kép. Thứ nhất, các đảng của giới quyền uy - cả phe hữu lẫn phe tả - đã từng ủng hộ thương mại tự do và toàn cầu hóa trong suốt hơn một thế hệ qua đang bị các đảng chống quyền uy, dân túy, dân tộc chủ nghĩa, thách thức. Thứ hai, những đảng phái của giới quyền uy bị chia rẽ - nếu chưa nói là bị phá hủy – ngay từ bên trong: những người phản đối toàn cầu hóa xuất hiện và thách thức quan điểm chính thống của các đảng này.

Các đảng phái của giới quyền uy, có thời do những người nhận được lợi ích từ quá trình toàn cầu hóa kiểm soát: những người có tiền; những người lao động có kiến thức, có tay nghề và có hiểu biết về kỹ thuật số; giới tinh hoa sống ở thành thị và có tinh thần quốc tế; và những người lao động chân tay và trí óc là thành viên công đoàn. Các đảng này còn có những công nhân – cả lao động chân tay và trí óc – bị thiệt hại trong quá trình toàn cầu hóa, nhưng vẫn giữ lòng trung thành, hoặc là vì họ là những người bảo thủ về mặt xã hội hay tôn giáo; hoặc là vì những đảng trung tả thường là những người ủng hộ các công đoàn, ủng hộ quyền của người lao động hay các chương trình xã hội.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2006, những người bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa, cả phái tả lẫn phái hữu, đều bắt đầu tự tổ chức và tìm kiếm những người lãnh đạo nhằm chống lại giới quyền uy. Bên phái tả, những người bị thua thiệt ở Anh và Mỹ, nhất là các thanh niên, đã tìm được lãnh tụ trong các đảng trung tả: Jeremy Corbyn trong đảng Lao Động Anh và Bernie Sanders trong đảng Cộng Hòa (Mỹ - ND).

Sự chia rẽ sâu sắc nhất diễn ra trong các đảng trung hữu. Những đảng này – đảng Cộng Hòa ở Mỹ và đảng Bảo Thủ ở Anh và các đảng trung hữu trên lục địa châu Âu – phải đương đầu với cuộc nổi loạn chống lại chính các lãnh tụ của mình. Sự nổi lên của Donald Trump – một kẻ chống tự do thương mại, chống nhập cư, chống Hồi giáo – phản ánh sự kiện rất khó chịu đối với giới quyền uy của đảng Cộng hòa: cử tri trung bình của đảng có cảm tình với những người bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa. Cuộc nổi loạn tương tự cũng diễn ra trong đảng Bảo thủ của Vương quốc Anh: những người bị thua thiệt trong quá trình toàn cầu hóa đã đoàn kết xung quanh chiến dịch đòi ra khỏi EU hay chuyển sang ủng hộ đảng Độc lập theo đường lối dân túy và bài EU.

Trong các nước trên lục địa châu Âu, nơi hệ thống đại nghị đa đảng giữ thế thượng phong, sự chia rẽ và phân rã về chính trị còn nghiêm trọng hơn là ở Anh và Hoa Kỳ. Ở ngoại vi của châu Âu, các đảng có thái độ chống giới quyền uy thường ở bên cánh tả: đảng Syriza ở Hy lạp, Phong trào Năm Ngôi sao ở Italy, đảng Podemos ở Tây Ban Nha, các đảng cánh tả ở Bồ Đào Nha. Ở những nước chủ chốt của EU, những đảng này lại thường nằm bên cánh hữu: đảng Alternative ở Đức, Mặt trận dân tộc ở Pháp, và những đảng cực hữu ở Áo, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển và các nước khác.

Nhưng, mặc dù số người bị thua trong quá trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, dù họ có tổ chức và được động viên, quá trình toàn cầu hóa sẽ không nhất thiết là sẽ thất bại. Thứ nhất, nó tiếp tục mang lại lợi ích ròng cho tất cả các nước phát triển lẫn các nước mới nổi, do đó, trong phần lớn các nước phát triển, số người thua ngày càng trở thành nhóm thiểu số, trong khi những người thắng ngày càng đông hơn – tuy hiện nay họ chưa lên tiếng. Trên thực tế, ngay cả “những người thua” cũng được lợi vì hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn, đấy chính là kết quả của toàn cầu hóa và cải tiến về mặt công nghệ.

Đấy là lý do vì sao các đảng dân túy, có thái độ chống đối giới quyền uy, hiện vẫn là phái thiểu số. Ngay cả đảng Syriza [ở Hy Lạp – ND], khi nắm được quyền lực, đã phải giật lùi và buộc phải chấp nhận ngân sách thắt lưng buộc bụng, vì nếu rời liên minh EU thì họ sẽ phải trả giá đắt hơn. Cuộc tổng tuyển cử gần đây ở Tây Ban Nha - được tổ chức sau trưng cầu dân ý ở Anh ba ngày – cho thấy rằng, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp khá cao, phải thắt lưng buộc bụng và những cuộc cải cách đầy đau đớn – lực lượng ôn hòa, ủng hộ liên minh châu Âu, vẫn chiếm đa số.

Ngay cả ở Mỹ, Trump cũng chỉ lôi cuốn được một số cử tri mà thôi. Khó có thể tin rằng ông ta sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Đấy cũng là lý do vì sao các liên minh trung hữu và trung tả vẫn giữ được quyền lực trong phần lớn các nước EU. Nguy cơ là các đảng chống liên minh EU giành được quyền lực ở Italy, Pháp và Hà Lan – cùng với các nước khác – đang gia tăng, nhưng khả năng họ giành được quyền lực vẫn còn rất thấp.

Cuối cùng, lý thuyết kinh tế nói rằng toàn cầu hóa có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, với điều kiện là người thắng chịu đền bù cho người thua. Có thể bồi thường trực tiếp hoặc cung cấp nhiều hàng hóa công cộng miễn phí hoặc miễn phí một phần (ví dụ, giáo dục, đào tạo, y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp hưu bổng).

Để người lao động chấp nhận việc thay đổi chỗ làm việc và linh hoạt trong hoạt động nghề nghiệp, vì quá trình hủy diệt sáng tạo sẽ loại bỏ một số việc làm và tạo ra những việc làm khác, cần phải có những biện pháp nhằm bù đắt những khoản thu nhập bị mất do mất việc làm trong giai đoạn chuyển tiếp. Ở các nước EU lục địa, các đảng của giới quyền uy tiếp tục nắm được quyền một phần là vì những nước này vẫn duy trì được hệ thống phúc lợi xã hội rộng lớn.

Phản ứng chống lại quá trình toàn cầu hóa là có thật và đang ngày càng gia tăng. Nhưng có thể kiểm soát và ngăn chặn được bằng cách đền bù cho người lao động thiệt hại mà quá trình này gây ra cho họ. Chỉ có những chính sách như thế mới có thể làm cho những người thua trong quá trình toàn cầu hóa nghĩ rằng cuối cùng họ cũng sẽ trở thành người chiến thắng.

Nouriel Roubini, là Giáo sư trường Kinh doanh mang tên Stern thuộc trường đại học New York và là chủ tịch Roubini Macro Associates. Ông từng là kinh tế trưởng về những vấn đề kinh tế quốc tế trong hội đồng tư vấn kinh tế của chính quyền Clinton. Ông cũng đã từng làm việc cho IMF, Cục dự trữ liên bang Mỹ và WB.

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/globalization-political-fault-lines-by-nouriel-roubini-2016-07

1 comment: